Dặm trường (kỳ 6)

Trần Doãn Nho

CHƯƠNG 14

Châm điếu thuốc xong ngậm lên môi, anh đạp riết không định hướng. Qua cầu Trường Tiền, vòng lại cầu Sông Hương, vào Thành Nội, xuống đường Ðinh Tiên Hoàng, ra cửa Ðông Ba, lên Cầu Ðen, qua cầu Gia Hội. Anh ngơ ngẩn nhìn phố xá, người qua lại ngược xuôi. Gặp một người quen, anh vẫy tay chào, rồi không đợi người ta chào lại, anh đạp đi. Ngang phố, anh đạp chậm lại. Phố xá càng về chiều càng rộn rịp. Ðám xe thồ đạp đứng ràng ràng từ đầu chợ đến cuối chợ, lan ra cả ngoài đường lộ. Dọc theo lề đường bên dãy phố, những bà, những cô mánh mun vàng bạc tụm năm tụm ba bàn tán, trao đổi, giắm giúi vàng, giắm giúi tiền vừa liếc quanh canh chừng công an. Phía góc đường gần chân cầu, một người công an đường phố đang chậm rãi bước, tay cầm cuốn sổ, tay kia kẹp  điếu thuốc “có cán”. Anh ta đi đến đâu thì đám hàng rong và dân mánh mun vội vã dạt ra. Kẻ chạy tạt qua bên kia đường, kẻ nhanh chân tiến về trước, tấp đại vào một căn phố nào đó cho qua lườn. Giữa khung cảnh phố xá muôn màu, bóng chiếc áo vàng công an di chuyển đĩnh đạc, vững chãi như một ông tướng đang duyệt binh. Chiếc áo vàng đến đâu thì lập tức những bóng khác dạt ra, tạo thành một khoảng trống. Rốt cuộc, chính cái khoảng trống đó di động dọc theo đường phố.

Bao giờ cũng thế, cảm giác của anh khi đi qua phố vẫn là cảm giác lạc lõng dai dẳng. Thì cũng chợ, cũng nhà, cũng người.  Cũng bạn bè bà con chòm xóm. Cũng những người quen biết. Cũng là những cư dân trong thành phố nhỏ bé thân yêu này. Họ ngày ngày đổ tụ về làm ăn, như từ bao giờ, nhưng anh vẫn thấy xa lạ y như thể chẳng dính dáng gì mấy đến mình. Có phải vì anh dị ứng với bóng dáng của bà giáo viên trường Ðồng Khánh bỏ dạy ra chạy chợ? Có phải vì cái anh xe thồ trong bộ áo quần tơi tả, mặt mày đăm chiêu, lơ láo đợi khách ở góc đường kia, đã từng là hiệu trưởng một trường trung học? Hay anh đạp xe xích lô đang gò lưng đạp kia đã từng là một trung đội trưởng khét tiếng trên chiến trường? Có lẽ tất cả thế và còn nhiều hơn thế. Cái xã hội vốn như một toàn thể trước đây, sau cơn sóng gió lịch sử, vỡ ra từng mảnh vụn, như cái ly thủy tinh vỡ, bây giờ ráp lại với nhau, cái khớp, cái không, lơ láo, tạm bợ. Lạ thật, tại sao người ta lại không có cảm giác như anh nhỉ? Tại sao người ta vẫn vui vẻ thế? Tại sao người ta vẫn nói nói cười cười, lăng xăng bận rộn thế? Tại sao họ vẫn miệt mài bon chen mà không như anh, nhận ra rằng tất cả đã khác, tất cả không còn như xưa nữa? Tại sao? Những câu hỏi vu vơ đó khiến anh tự bứt ra khỏi  cái xã hội mới đang thành hình ngoài kia. Trong tận cùng tâm khảm, anh thấy mình là kẻ xa lạ.

Ði ngang qua bến xe lam, Lục thấy một đám đông người xô xát, cãi vã bên lề đường, ngay trước cổng chính vào bến xe.  Anh dừng lại, tò mò nhìn. Một vụ xe thồ đạp giành khách.  Bốn, năm người xe thồ cố sức trì kéo hai người đàn bà có lẽ vừa xuống xe hay từ chợ về. Một chị vừa ngồi lên yên xe của cậu thanh niên, thì lập tức người đàn ông dùng xe đạp ngáng truớc mặt, không cho đi. Một người đàn ông khác cố đẩy người đàn bà lên yên xe mình. Còn chị đàn bà kia ôm cái xách, chịu trận đứng một chỗ vì có đến ba chiếc xe thồ khác đang bao quanh, mời mọc, không ai chịu nhường ai. Ai nấy mặt mày đỏ gay, không ngớt  văng tục vào nhau. Vòng ngoài còn năm, sáu xe thồ khác đang đứng đợi. Người nào người nấy đều trong tư thế sẵn sàng xông trận. Nếu không vì bận bịu với chiếc xe đạp “làm ăn” của mình, thì chắc chắn họ đã lao vào ẩu đả với nhau. Trong số người đang tham dự cuộc tranh chấp khách, Lục nhận ra khuôn mặt một người quen. Anh ta là sĩ quan một đơn vị tác chiến nào đó đóng trong Nam, cùng đi trình diện với anh ở trường Luật ngày nào. Nhìn khuôn mặt đen đúa, ốm o của anh ta trong bộ quần áo lính cũ tả tơi, đang ngoác miệng ra đôi chối với cậu thanh niên, Lục cảm thấy lòng nhói lên đau đớn. 

Anh quay mặt đạp xe đi. Qua khỏi cầu Trường Tiền một lần nữa, anh phân vân một chút, rồi đạp thẳng lên phía ga.  Con đường Lê Lợi trông hiền lành, yên ả hơn đường Trần Hưng Ðạo bên kia. Ðây là con đường duy nhất cho Lục cái cảm giác gần gũi. Có lẽ nhờ cái vắng vẻ, lịch lãm muôn đời của nó. Chỉ trừ mấy câu khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng bắt mắt treo ngang phía trên, mọi thứ ở con đường này tương đối  không mấy khác xưa. Gần tới bệnh viện, anh thấy bóng một người con gái đạp xe trước mặt dáng dấp thon gọn quen quen. Anh cố đạp nhanh thêm một chút để xem thử ai. Té ra là Hồng. Hồng không đội nón, để lộ ra mái tóc cắt ngắn ôm sát hai bên má, trông như một thiếu nữ vừa mới lớn. Anh gọi nhỏ:

–     Chào cô…b…é…é!

Hồng giật mình quay lui, nhận ra Lục, cười dòn tan. Ðợi xe anh tiến lên ngang hàng, Hồng nói:

–     Tưởng ai, té ra anh. Hồng đang sực nghĩ đến anh đây.  Mà bữa nay, dám gọi Hồng là cô bé hả?

–     Tôi tưởng là một cô bé nào đó mới lớn. Thiệt tình là vậy. Không phải thì xin lỗi thôi.

–     Anh đừng có mà làm Hồng vui lên quá, rồi chết bất đắc kỳ tử thì phiền đó nha. Anh đi mô mà lang thang rứa?

–     Ðã gọi là lang thang thì hỏi đi mô làm gì nữa?

Hồng cười ngặt nghẽo làm chiếc xe đạp loạng choạng suýt tông vô lề đường. Lục giật mình, la lên:

–    Coi chừng, cô Hồng.

–     Anh khỏi lo.

Hồng nhanh chóng chỉnh tay lái. Hai người đạp song song.  Ngang trường Ðồng Khánh, Hồng đạp  chậm lại, nói:

–     Hồng ghé vào trường Ðồng Khánh có tí việc. Anh có muốn theo Hồng vào nhìn lại ngôi trường cũ của Hồng một chút cho vui không?

–     Hồng đi đi. Tự dưng tôi vào đó mà làm gì.

Hồng đổi giọng năn nỉ:

–     Ði vào với Hồng một chút đi anh. Hồng đang muốn có bạn thì may mắn gặp anh, Hồng đâu có dễ để cho anh đi thế. Anh nói anh đang đi lang thang, thì nên theo Hồng. Không có nơi nào lang thang mà đẹp bằng vào trường Ðồng Khánh. Ngôi trường kỷ niệm của mọi người con Huế. Ði anh.

Lục bật cười:

–    Tôi chẳng có kỷ niệm gì với ngôi trường này cả. 

–    Anh xạo! Hồng đoan chắc một trăm phần trăm là mỗi người Huế, ít nhất, phải có mười kỷ niệm với trường Ðồng Khánh của Hồng.

Lục quả quyết:

–    Tôi thì tuyệt nhiên không.

Hồng nhìn Lục, thắc mắc:

–    Bộ anh không có cô người yêu nào học ở trường Ðồng Khánh hả?

–    Không.

–    Cho là thế đi. Vậy bộ anh không để ý một cô nào ở trường Ðồng Khánh?

–    Cũng không.

–     Vậy anh chưa từng đứng trước trường Ðồng Khánh để ngắm bất cứ cô nào vào giờ tan trường?

–    Ờ…, cái này thì, cái này thì…làm sao tránh khỏi.

–    Thấy chưa. Hồng đoán tệ lắm, anh đã phải đứng trước ngôi trường này cả ngàn lần. Ðúng không?

Thấy Hồng vui, Lục vui theo. Anh tếu:

–    Không đến một ngàn lần đâu. Ðể tôi nhớ xem, hình như chỉ khoảng có tám trăm bảy chục lần thôi.

–    Hèn gì!

–    Hèn gì sao?

–    Hèn gì không chớp được một em nào của trường cả.

–    Sao Hồng biết?

Hồng không trả lời, chỉ cười. Mải theo câu chuyện, Lục đã theo Hồng vào hẳn trong ngồi trường lúc nào không biết.

Tạt vào văn phòng, văn phòng đã đóng cửa. Hồng lững thững trở ra chỗ dựng xe đạp. Lục thắc mắc:

–    Cần liên hệ gì, sao Hồng lại chọn giờ bãi trường mà vào?

–    Cũng chẳng có gì quan trọng. Lục cái phiếu điểm học kỳ cho đứa con gái. Hồng đang trên đường về nhà, nên tiện ghé luôn.

Lục thắc mắc:

–    Hồng nói về nhà, sao đi ngã này?

–    Ừ.  Về nhà thiệt. Rứa anh không biết nhà Hồng sao?

–     Thì biết Hồng ở Bạch Ðằng.

–     Ðó là nhà thuê. Nhà Hồng ở trên núi kia.

–     Vậy làm sao tôi biết được.

–     Anh biết ngả lên lăng Tự Ðức không?  Biết há? Anh có biết chùa Châu Lâm không? Ðấy, qua khỏi  chùa một đoạn, rẽ vào một con đường núi. Nhà vườn. Vô cùng yên tĩnh. Nếu anh thích, khi nào mời anh lên chơi cho biết.

Anh gật đầu. Nhưng chợt hỏi:

–     Bỗng không, sao mà lên nhà Hồng chơi được?

–    Có sao đâu. Hồng mời mà. Nhà vắng vẻ lắm. Chỉ có bà vú với Hồng thôi.

Anh nói:

–     Thôi tôi dông nhé.

Hồng dựng xe lại, nhìn anh:

–     Anh làm gì mà vội thế? Ðã vào đây, ta hãy đi dạo quanh, ngắm lại ngôi trường cũ một tí đi đã nào.

Lục nói:

–    Thì đấy, tôi nhìn quanh quất nãy giờ rồi. Ðại loại cũng như bất cứ  cái sân trường nào thôi. Cũng cây phượng, cây vông, cây nhãn, các lớp học quét vôi vàng, mái ngói đỏ, sân chơi, cột cờ…

Hồng bật cười:

–    Nói như anh thì hai chữ Ðồng Khánh đâu có đi vào lịch sử, đi vào kỷ niệm của bao nhiêu thế hệ, đâu có trở thành một nét độc đáo của riêng xứ Huế mình. Này nhé, anh xem, không có nơi nào có cái màu tường vừa cổ vừa duyên dáng, vừa gợi nhớ như màu tường Ðồng Khánh. Nó hồng hồng, đà đà, cũ cũ. Nội mấy cái cột trụ, cái cửa sổ, những tầng cấp đi lên lầu bằng gỗ. Những bức tường rêu, anh xem, cũng vô cùng đặc biệt. Còn cái sân trường, anh xem, vừa rộng vừa thoáng, với những lối đi, lặng lẽ và thơ mộng. Anh phải tưởng tượng trên những lối đi đó, đã hàng ngàn, hàng chục ngàn nữ sinh của bao nhiêu thế hệ bước qua. Khung cảnh này chỉ có một nơi có thể so sánh được thôi.

–    Ðâu vậy?

–    Thì sân trường Quốc Học chứ đâu nữa? Anh đồng ý không? Anh học ở đó bao lâu?

Lục giật mình, nói ỡm ờ:

–    Cũng không lâu lắm, một hai năm gì đó.

–   Một hai năm thôi à? À, mà mô có nhiều hơn được nhỉ, vì trường Quốc Học chỉ có cấp ba thôi. Hồng học ở đây đến bảy năm cả thảy, từ đệ thất lên đệ nhất. Trời, anh làm sao tưởng tượng nỗi, Hồng đã có hằng hà sa số kỷ niệm vui buồn ở đây.

Hồng say sưa nói về trường Ðồng Khánh của nàng, kéo Lục đạp xe đi theo vòng vòng quanh sân. Hồng chỉ cho anh nơi nào là nơi nàng học đệ thất, đệ lục rồi đệ tam, đệ nhị, đệ nhất.  Ðâu là nơi nàng ăn kem, ngồi học bài, gây lộn với mấy con bạn, mất cặp đi học. Nơi nào ngã té trên sân, nơi nào nàng và mấy con bạn chui vào trường khi trễ học. Ðến một cây phượng già, Hồng dừng lại. Nàng dựng xe đạp vào lề, rủ anh:

–    Ðể xe đó anh Lục. Tới đây Hồng chỉ cho anh xem cái này. 

Lục nghe lời, dựng xe, bước theo Hồng. Hồng đến gốc cây phượng già, lom khom rờ rẫm khoảng thân gần gốc.

Lục đứng nhìn quanh. Sân trường đẹp thật. Ðây là lần đầu tiên anh đi quanh sân trường Ðồng Khánh. Trước đây, anh chỉ đứng ngoài hoặc đi ngang nhìn vào. Với anh, trường này cũng như trường Quốc Học, là một thế giới riêng biệt dành cho ai đó, chẳng dính dáng gì đến anh. Anh mê cái tên trường, mê những cô nữ sinh Ðồng Khánh, đã từng bao lần đứng đợi, đứng ngắm mấy cô giờ đi học, giờ tan trường với vô vàn ao ước. Ấy thế, mà rốt cuộc, cả hai tên Ðồng Khánh và Quốc Học anh không có dính dáng một chút nào. Anh không học trường Quốc Học, mà Hạnh thì lại chẳng bao giờ là nữ sinh Ðồng Khánh. Đó cũng là một trong những điều thiếu hụt trong đời anh. Bởi thế, mỗi lần nghe ai đề cập đến những mối tình Quốc Học-Ðồng Khánh, lòng anh không mấy vui. Anh làm lơ, lòng ân hận y như thể mình đã làm một chuyện gì không phải. Cũng đáng ngậm ngùi!

Hồng chợt reo lên:

–    Anh Lục, tới xem nè.

Lục chạy tới, khom người nhìn theo ngón tay chỉ của Hồng.

–    Anh nhìn thấy chưa, này trên Hồng này, chữ H chữ Ô còn hai chữ N,G bị đứa nào vạch chồng lên. Ðồ quỷ! Còn anh xem thử năm nào này. Ðây này, dưới cái tên của con, con nhỏ nào đây, phải rồi, con Túy Lự, con Túy Lự, đệ tam C. Ðúng rồi, năm 1964, năm Hồng học đệ tam.

Lục lơ đãng  nhìn một khoảng thân cây chi chít những chữ, mà do nhiều người khắc vào quá, nên chẳng còn tên nào thấy được rõ ràng. Lục chép miệng:

–    1964. Cũng lâu quá nhỉ! Ngót hai chục năm.

Hồng kể:

–    Hồng còn nhớ, cũng dưới cây phượng này, về mùa đông chuyển qua xuân, hình như sau tết thì phải, sâu ơi là sâu. Mà toàn là sâu đo. Chúng rớt xuống áo, dính cả vào tóc. Hồi nhỏ, sợ muốn chết. Người ta dọa là nếu để cho con sâu đo, đo từ đầu đến chân là chết. Thôi, mình đi ra phía sau này thăm một chút đi anh.

Hai người lấy xe đạp, đạp về phía hội trường. Hồng nói như sáo:

–    Nhớ cái hội trường này dễ sợ. Anh biết không, có lần, Hồng lên sân khấu múa nhân dịp trường tổ chức văn nghệ Tết.  Trời ơi là dị, dị muốn chết. Hồi đó, Hồng học đâu lớp đệ lục hay đệ ngũ gì đó. Còn kia là nhà ông cai. Không có ngày nào là tụi Hồng không ghé đến nhà ông cai mua quà: kẹo, bánh ram, cà rem, chè, có khi có cả bánh lọc, bánh nậm nữa. Mà lạ, anh biết không, ăn cái gì ở nhà ông cai cũng ngon cả, ngon dễ sợ, ngon hơn ở nhà nhiều, không hiểu tại sao. Vừa ra chơi một cái là tuôn nhau chạy về nhà ông cai, sợ hết…

Cứ thế, Lục bị cô cựu học sinh Ðồng Khánh kéo dài về những ngày tháng kỷ niệm của riêng cô. Anh miễn cưỡng lắng nghe, nhưng rồi không biết lúc nào, cũng vui lây niềm vui của một người đàn bà dường như lúc nào cũng chỉ muốn sống bằng kỷ niệm. Có lẽ nhờ thế mà những cảm giác tiêu cực về anh, về gia đình như tan biến hẳn đi.

  C

CHƯƠNG 15

Tàu đến Huế lúc hai giờ sáng. Hạnh không mua hàng ra, nên tàu dừng, nàng thênh thang đi thẳng một mạch ra cửa. Nàng nhảy ngay lên chiếc xe đạp thồ, không cần hỏi giá.  Ðêm yên tĩnh lạ thường. Trời khuya ngây ngấy lạnh. Vài  chiếc xe đạp thồ chở khách lặng lẽ đạp dồn trên đường vắng.  Một chị công nhân đẩy chiếc xe rác đi dọc bên lề đường gần bệnh viện. Huế êm đềm trong giấc ngủ mùa xuân. Khi nàng ra đi, Huế còn vương mùi Tết. Bây giờ đã tháng hai rồi. Bao nhiêu lần, xa nhà một tuần, mười ngày, Hạnh quay quắt. Trên đường về, nàng hăm hở, nghĩ đến những khuôn mặt tràn trề niềm vui đang đợi ở nhà. Nàng tưởng tượng đến giây phút được nằm trong vòng tay ấm cúng, vững chãi của Lục. Nàng tưởng tượng đến mấy đứa con ríu ra ríu rít vây quanh.

Lần này hơn một tháng xa nhà, nhưng lạ thật, nàng không nôn nao được trở lại. Nàng dửng dưng.  Xe qua cầu Sông Hương, quẹo vào cửa Thượng Tứ, chạy dưới những con đường rậm rì cây lá. Trời không trăng, âm u, đường đi càng thêm âm thầm, bí ẩn. Ðêm Thành Nội tịch lặng lạ thường. Nàng tưởng như nghe rõ cả những giọt sương đêm khe khẽ rụng đâu đó. Tiếng xe đạp nghe cọc cạch buồn nản phóng tới trên đường khuya. Nhà kia rồi! Ðến lúc này Hạnh mới bắt đầu cảm thấy gợn lên chút nôn nao bất thường. Chưa đến cửa ngõ, nàng đã vỗ vai anh xe thồ dừng lại, trả tiền, quàng hai cái xách lên vai, bước nhanh.

Lối vào nhà tối om vì hàng chìa tàu lóng ngóng vươn cao, chưa kịp cắt. Lục làm gì mà để cao như thế này? Vào sân rồi, nhìn thấy cánh cửa, bỗng nhiên, Hạnh dừng lại. Bước chân lấn cấn bất thường. Chút nôn nao hiếm hoi chợt tan biến. Nàng không vội vào, đứng lẩn thẩn nhìn quanh. Vẫn thế. Mãi mãi chúng vẫn thế. Trong góc sân lù lù một đống cao. Chắc là đống củi Lục đã bửa ra, dồn đống lại. Dưới hiên nhà, cái lu nước nằm đó. Nó nằm đó bao nhiêu năm rồi? Hình như từ cả trước ngày giải phóng lận. Kia là cái gì nhỉ? À, chiếc ghế gãy, thằng cu Tơ vẫn thường dùng để cột con mèo. Còn kia là cái gì? Cái máng xối hư mới thay mùa đông rồi. Cây trứng gà, cây cam, bụi chuối sứ vẫn còn đó. Trong bóng đêm, tất cả chỉ là những khối đen hòa lẫn với nhau im lìm say ngủ. Chúng ẩn nhẫn, chịu đựng. Lặng lẽ và buồn bã đến thế này sao! Một khác xa vời vợi với Sài Gòn. Nàng nhìn lui ra phía cửa ngõ. Khẽ thở dài. Ra khỏi đó là khung trời rộng mở. Là mênh mông. Là một thế giới khác. Nàng quay lại, ngơ ngác đứng sững nhìn ngôi nhà thân quen của mình. Sao mà nó lạ hoắc thế này! Nơi đây, nàng chẳng đã từng sống, từng vui đùa, từng sinh con, từng vui hưởng đời sống vợ chồng, từng vân vân và vân vân đó sao!? 

Bước chân lên thềm, nàng thấy lạnh ở cổ. Gió khuya liu riu từ bên kia khu vườn lướt tới, mơn man. Nàng kéo áo ấm sít lại, bâng khuâng dừng lại trước cánh cửa. Một ý nghĩ kỳ lạ chợt đột nhập vào trong trí tưởng hoang mang của nàng: đừng vào nữa. Hãy trở ra cửa ngõ và đi, đi mãi, không quay lại.  Hình ảnh Lục và mấy đứa con hiện ra nhạt nhẽo, vô hồn.  Ngày lại ngày, chừng ấy! Ôi chao! Những khuôn mặt mong ngóng, khát khao, chờ đợi. Chồng và con! Chừng ấy! Cứ thế, mãi mãi. Không có gì khác.

Hạnh vuốt tóc, cố xua tan đi những ý nghĩ bất thường vụt đến, nhẹ nhàng đút chiếc chìa khóa, mở cửa. Cánh cửa lay nhẹ, âm thầm kêu lên một tiếng “kẹt”. Nàng đẩy tới. Tối, tối mù. Bóng tối trào ra, ngột ngạt. Ngực nghe tưng tức. Nàng kép nhẹ cửa, bước vào, để hai cái xách xuống. Lặng lẽ như tờ.  Nàng mở cánh cửa sổ bên hông, lấy chút ánh sáng nhờ nhờ từ ngoài hắt vào, đứng  lặng lẽ thay áo quần.

Nàng lần mò vào phòng mấy đứa con, nhẹ nhàng vén mùng, rờ quanh. Thằng Phụng và thằng Ðồng say sưa ngủ.  Phía bên chiếc giường nhỏ kia là tiếng thở đều của Ngân.  Nàng cúi xuống hôn nhẹ lên đầu Phụng. Chợt giật mình, nhăn mặt. Mùi khét nắng và mùi hôi bốc ra từ thân thể đứa con khiến nàng dội lại. Mấy ngày rồi, thằng nhỏ không tắm rửa?  Nàng bước xuống bếp, vào phòng tắm, bật lửa lên soi, tắt, rồi sờ soạng rửa ráy trong bóng tối.

Bước nhẹ về phòng, nàng dừng lại lắng nghe. Tiếng thở Lục đứt quảng từng hồi, chen vào tiếng khò khè như nghẹt thở.  Lục đây rồi. Nàng chỉ có việc vén mùng, nằm xuống, đưa hay tay ôm choàng lấy thân hình anh, yên lặng nghe mùi mồ hôi thân quen, nao nức đợi lúc anh quay mình lại, ôm xiết lấy nàng và cứ thế, tuần tự, anh sẽ…, anh sẽ…Nàng bất giác cảm thấy ơn ớn.  Như ăn mãi một thứ gì nhiều lần quá. Chẳng có gì vui. Nàng rón rén bước ra, đi thẳng vào phòng mấy đứa con, tới giường con Ngân, nằm vội xuống.

Hạnh tưởng là ngủ được ngay, nhưng mà lạ, nằm trằn trọc mãi.

Lần đầu tiên trong đời, nàng kinh qua một cảm giác lạ lùng: trở lại nhà của mình mà như đến trọ ở nhà một người lạ. 

*

–     Mạ về!

–     Mạ về!

–     Mạ về rồi!

      Tiếng reo hò ầm ĩ  của mấy đứa con kéo Lục ra khỏi giấc ngủ mê man. Anh vùng dậy, ngơ ngác nhìn quanh, lắng nghe.  Thằng Phụng reo lên:

–     Mạ về khi mô mà con không biết.

      Con Ngân:

–    Ðồ ăn mô mạ? Có áo quần chi không? Kẹo Sài Gòn mô?

      Anh leo xuống giường, không kịp xỏ dép, chạy xuống phòng mấy đứa con. Thấy Hạnh đang bồng thằng Phụng trên giường, anh hỏi:

      –     Em mới về à?

–     Không. Em về hồi khuya.

      –     Hồi khuya?

      Hạnh cúi xuống hôn Phụng để tránh cái nhìn ngạc nhiên của Lục:

        –     Dạ.

      Giọng Lục khô:

  –     Hồi khuya là khi nào? Mấy giờ?

      Hạnh xẵng giọng:

–     Thì khuya là khuya. Làm sao em biết mấy giờ được.  Này, Thằng Ðồng chạy ra ngoài lấy mấy cái xách cho mạ nghe chưa? Con Ngân thì lo đi rửa mặt đi. Xem áo quần kìa, cái ống quần toe tua như vậy mà cũng mặc. Còn thân hình thì hôi ôi thôi là hôi. Ngày hôm qua không tắm à?

      Hai đứa nhỏ nghe lời quay đi. Hạnh loay hoay lục soạn đồ đạc. Nàng lớn tiếng:

–     Thằng Ðồng mô mà lâu vậy? Mau lên. Nào đưa đây.  Ờ mà sao không thấy cái bì bột ngọt ở đâu cả kìa? Nhớ là đã bỏ vào trong xách rồi. Ðồng, rứa thì có thấy có cái gì rơi lại ở ngoài đó không? Thôi, để mạ ra. Ði rửa mặt đi.

      Hạnh ngồi dậy, tất tả chạy ra ngoài, tồi tất tả chạy vô, lục tung đồ ra tìm. Vừa tìm vừa bực dọc than:

–    Tức ơi là tức. Ðã bỏ vô rồi mà giờ ở đâu không biết.  Cả hai cái áo lót nữa. Thằng Phụng mô rồi. Ờ mặc thử cái quần này coi có vừa không. Mà khoan, đi tắm đi đã. Mấy ngày rồi không tắm hay sao mà hôi như  cú. Thằng Phụng mô?

      Thằng Phụng chạy vào. Hạnh lấy cái áo mới ra vứt xuống giường, lôi tuốt thằng nhỏ ra nhà sau:

      –    Ra đây mạ tắm cho cái đã. Ngó mặt mày áo quần kìa, trông chẳng khác nào một thằng đứng đường. Thằng Ðồng làm chi mô mà không tắm rửa, thay áo quần cho em. Ði mau lên, thằng tê.

      Tắm xong, Hạnh kéo thằøng Phụng ra lau chùi:

      –    Trời ơi, răng mà sẹo nhiều ri. Mi chạy đi chơi ở mô?  Mạ đã dặn rồi, đừng có chạy nhảy, leo trèo bậy bạ, bổ té khổ thân. Cái chi? Ðạp mẻ chai à? Trời ơi là trời? Ai biểu mi chạy ra ngoài vườn làm chi? Con Ngân tắm xong chưa, ra mạ biểu?  Ðồng, em học hành ra răng con?  Có làm toán được không? Ừ, đó, đó, đưa cái đó cho mạ coi. Ðúng rồi, bì bột ngọt. Mang xuống bếp lấy cái chi bỏ vô, nhớ lấy cái chai nhỏ để gần lon tiêu ấy, ừ xé bì ra, trút từ từ vô, đừng để đổ lung tung nghe chưa. Bột ngọt thứ tốt đó. Con Ngân có cái áo cánh đằng kia kìa, đó đó, cái xách xanh ấy, không phải, ừ đúng rồi, vô mặc thử đi. Cái thằng, đứng yên cho mạ coi nào, làm chi mà nhảy nhảy như con khỉ vậy, đứng lại, mạ xem thử có vừa chưa. Ngó cũng được rồi, không biết giặt rồi có go không…

      Hạnh mặc xong chiếc áo, xô Phụng ra, đứng ngắm nghía, xuýt xoa. Nàng lăng xăng, hết soạn đồ ra lại kêu con tới xem cái này cái nọ. Lục nhìn chăm vợ, muốn nói một câu gì thật thấm thía để Hạnh hiểu hết tâm trạng phức tạp của anh khi thấy Hạnh đột nhiên trở về sau một thời gian dài đợi chờ khắc khoải. Nhưng thủy chung, nàng vẫn không nhìn anh. Mất kiên nhẫn, Lục ấm ức quay trở lại phòng.

      Vắng anh, mấy mẹ con tíu tít chuyện trò, ăn uống. Anh lắng nghe. Hạnh hỏi mấy đứa con chuyện ăn mặc, học hành, nhắc nhở chúng chuyện này chuyện nọ, tuyệt nhiên không đề cập gì đến anh. Mấy đứa con  anh cũng vậy. Anh bồi hồi, giận dỗi, quyết tâm nằm lì trong phòng cho đến lúc thiếp đi.

      Khi tỉnh dậy, anh nghe nhà yên lặng bất thường. Có lẽ mấy đứa con đã đi học hết. Anh nhỏm dậy, cảm thấy có cái gì nằng nặng đè lên người. Anh đưa tay gạt đi. Một vật gì mềm mại níu tay anh lại. Anh nghe mùi thơm phảng phất cùng với mùi mồ hôi quen thuộc. Hạnh. Anh hờn dỗi gỡ cánh ta vợ ra. Nàng không buông. Anh xoay mặt vào tường, hai chân co lại. Nàng xích lại gần, tựa trên vai anh, xoa má, rờ rẫm hai dái tai, vuốt xuống cổ, luồn nhẹ vào ngực. Anh nhột. Người rờn rợn nóng.   Cử chỉ chủ động bất thường của Hạnh khiến anh cảm động.  Anh thụ hưởng  cảm giác của một đứa trẻ con được mẹ mơn trớn. Nhưng anh vẫn nằm yên, làm nư. Ðể cho cô ta biết tay!

      Có lẽ thấy anh không hưởng ứng trước những cử chỉ làm lành của mình, Hạnh lơi tay, quay ra ngoài. Anh chờ đợi một cử chỉ làm lành khác. Nhưng Hạnh nằm yên. Anh hụt hẫng, cảm thấy hối hận. Anh xoay người lại, nhẹ nhàng luồn tay xuống cổ vợ, kéo vào người, nhẫn nha rờ rịt. Hạnh nói nhỏ:

–     Cửa chưa đóng kìa.

      Lục với tay khép cửa phòng lại, ôm vợ, miệt mài day dở. 

      Sau cơn ân ái, Lục hôn phớt lên tóc vợ, ngồi dậy. Khi ra ngồi hút thuốc ở ngoài hiên nhà, anh cảm thấy buồn buồn. Và thất vọng. Cả một tháng trời xa nhau, tưởng gặp lại, cả Hạnh và anh sẽ dạt dào hưng phấn, hân hoan thụ hưởng lẫn nhau, tíu tít chuyện trò để bù lại những ngày chờ đợi. Ấy thế mà không.  Anh cảm nhận một cái gì khang khác. Thiêu thiếu, vương vướng, trục trặc. Ðôi môi Hạnh không nóng bỏng. Lại lạnh. Nàng ôm anh chừng mực. Ðôi mắt mở lớn nhìn lên trần nhà. Hơi thở nàng vẫn bình thường, không dồn dập. Nàng như miễn cưỡng chịu đựng cho xong chuyện. Anh hăm hở được  khoảng thời gian đầu, rồi dịu xuống. Anh nản chí. Những động tác trở nên đều đặn, lấy lệ. 

Rít một hơi thuốc thật dài, anh vứt tàn thuốc ra ngoài sân, vào lại phòng. Thử một lần nữa xem. Biết đâu, anh nghĩ bụng. Nhưng Hạnh không còn đó. Nàng đi đâu? Sao không đợi anh? Tạt ngang phòng mấy đứa nhỏ, anh thấy nàng nằm quay vào phía trong, cong người trong một dáng nằm tội nghiệp. Chiếc chăn mỏng đắp ngang không che kín hết người. Tà áo cánh ngắn trễ tràng để lộ một khoảng da lưng trắng. Tóc lòa xòa rủ bừa bộn xuống gối. Tại sao nàng vào nằm đây? Anh bước đến giường, ngồi xuống, lay vai vợ:

–     Em!

      Hạnh cựa mình, mắt lờ đờ nhìn lên:

      –     Em buồn ngủ quá.

      Lục chờ đợi Hạnh với tay anh kéo xuống, đặt lên má anh một nụ hôn nồng nàn, rồi nũng nịu như mọi lần: “để cho em ngủ một chút đã nha anh, rồi hẳn hay”. Không. Hạnh nói xong, nhắm mắt lại. Cơn giận dỗi đột ngột bùng lên. Anh gằn giọng:

      –     Ði cho đã rồi về ngủ!

      Lục ấm ức trở về phòng. Ðang nằm gậm nhấm nỗi buồn thì Hạnh vào. Nàng rón rén ngồi xuống:

–     Không ngủ à?

      Anh đáp cộc lốc:

      –     Không. Còn cô? Cô không ngủ nữa sao ?

      Nàng bóp miệng anh lại:

–     Cô? Học tiếng cô từ bao giờ vậy?

–     Không có thì bà. Bà không ngủ nữa đi?

      Rồi xoay mặt úp xuống gối, anh nhắc lại:

–     Ði, đi cho đã rồi về ngủ.

      Hạnh giận dữ đứng dậy:

–    Ừ, tui đi cho tui đó. Tui băng rừng vượt suối, lên xe xuống tàu là để cho tui đó. Tui ăn, tui chơi, tui thui thủi một mình, cơm hàng cháo chợ, tui…tui…

      Giọng Hạnh mỗi lúc một đẫm ướt. Nàng bù lu bù loa kể lể, than van, khóc lóc. Nhưng anh vẫn nằm yên, làm như không nghe không biết. Khóc kể chán, Hạnh về phòng mấy đứa con, đóng cửa lại.

      Hai vợ chồng hờn qua dỗi lại suốt cả buổi sáng. Khi Lục muốn đến làm lành với vợ thì Hạnh tỏ thái độ bất cần. Khi Hạnh đến làm lành với chồng, thì Lục lại nói xiên nói xỏ.  Người này đợi người kia xuống nước thêm một chút, nhưng người nào cũng ỡm ờ, không ai chịu nhường ai. Lục hết vào giường nằm, rồi lại ra sân, đi vòng quanh nhà. Hạnh thì dọn dẹp áo quần, nhà cửa, xuống bếp rửa chén bát, nấu ăn. Thấy Lục, nàng cúi mặt cắm cúi làm. Lục giả bộ đi, chợt quay lại thì thấy Hạnh ngước nhìn. Hai đôi mắt gặp nhau. Lục nhìn thẳng, nhíu mày. Ðôi mắt Hạnh thì lườm lườm. Ðến trưa, đói bụng, Lục xuống bếp, hỏi trổng:

–     Có gì ăn không?

      Hạnh đang sửa soạn đồ ăn, nghe hỏi, liếc xéo anh một cái, rồi cúi xuống, tiếp tục công việc của mình. Lục lên ngồi ở bàn, đợi, tự hỏi không biết khi ngồi ăn, anh sẽ làm lành với vợ bằng cách nào. Khi Hạnh bưng mâm cơm lên, anh nhìn đi chỗ khác.  Hạnh để mâm cơm xuống, ngập ngừng ngồi. Lục vừa đói bụng, vừa mệt, cắm cúi ăn. Hạnh ăn cầm chừng. Im lặng ngột ngạt.  Có lẽ hai người sẽ vẫn im lặng cho đến khi bữa ăn chấm dứt, nếu như Hạnh không kéo cái bàn, vô ý để chân bàn trật miếng chêm. Ðĩa đồ xào rơi xuống đất, nước văng tung tóe, ướt cả chiếc quần pi-ja-ma của Lục. Lục để chén cơm xuống, không nói gì. Hạnh xuýt xoa, đi xúc tro rải trên nền nhà. Nàng lấy cái khăn lau chén chùi chỗ quần bị đồ ăn dính của Lục. Ðợi Hạnh đứng lên, anh níu Hạnh kéo xuống, để nàng ngồi lên chân, ôm ghì, đặt một nụ hôn hòa giải. Hạnh la nhỏ:

–     Coi đồ ăn dính cả tóc.

      Giọng nàng vẫn còn gắt, nhưng nghe ra đã có phần nũng nịu. *

      Hạnh đẩy cái giấy tính tiền ra trước mặt chồng:

–    Hàng bán được hai cây tám, như thế là lời tất cả bảy chỉ. Tiêu pha cả tháng cộng với tiền bù vàng, cũng còn lời được mấy chỉ. Mấy thứ đồ ăn lỉnh kỉnh mua ra là từ tiền lời do hai chuyến đi về miền Tây…

      Lục liếc nhìn mấy tấm giấy tính tiền, tự hỏi không biết sao bữa nay Hạnh lại làm cái việc bất thường này. Anh nhìn theo khói thuốc, lơ đãng lắng nghe vợ nói tiếp:

–     …Hơn một tháng trời xa nhà, lòng cứ như lửa đốt hàng ngày, nhấp nha nhấp nhỏm, đứng ngồi không yên. Biết là ai cũng trông, nhưng làm sao giờ. Bán hàng không được thì có ra, cũng chỉ mang ra cái mạng không, rồi làm gì.

      Lục hỏi:

–     Nhưng tiếc chi cái điện tín?

–     Thì có đánh, có nhắn rồi.

–     Ðó là lúc đầu, còn sau này thì sao. Bặt vô âm tín.  Không nói chuyện thiếu thốn. Cả nhà ai cũng muốn có tin để yên tâm.

–     Là vì, ngày nào cũng định ra, rồi không ra được. Cứ nghĩ là mai ra, mai ra. Mai ra thì cần gì mà đánh điện tín, cần gì  nhắn.

      Lục lấy ra điếu thuốc khác. Hạnh nói:

–     Bữa này hút thuốc dữ hè. Thuốc gì vậy? Ðà Lạt phải không? Còn mấy  điếu ba số trong xách thì phải.

      Hạnh lục xách lấy ra gói thuốc trong còn lại mấy điếu:

–     Thuốc ngoại giao đấy!

      Lục cầm gói thuốc ngắm nghía rồi để xuống:

–     Hút hết điếu này đã. Sao, lần này định ở nhà bao lâu thì đi lại?

      Hạnh tỏ vẻ ngạc nhiên:

–     Sao lại “định ở nhà bao lâu”. Làm sao mà định được.  Tùy tình hình hàng hóa. Cũng như đâu có định ở Sài Gòn đến một tháng.

      Sợ Hạnh hiểu lầm, Lục nói tiếp:

–     Hỏi vậy là vì…là vì…tôi cũng định làm ăn.

Hạnh chồm người về phía Lục:

–     Làm ăn? Anh định làm ăn cái gì? Ði dán áo mưa hay bán bong bóng? Không. Không đời nào.

      Lục nhìn thẳng mặt vợ:

–     Ði buôn.

–     Anh mà đi buôn. Buôn gì?

–    Thuốc tây.

      Hạnh ngạc nhiên thật sự:

–     Buôn thuốc tây? Ai bày cho anh cái ý nghĩ tầm phào vậy?

      Anh hỏi gắt:

–     Cái gì gọi là tầm phào. Không ai bày cả. Không thể sống kiểu như thế này được.

      Hạnh nhìn chăm chú quan sát chồng, xem thử anh nói thật đến mức nào. Thấy vợ đang còn lưỡng lự, anh nói tiếp:

–    Ðịnh đi Khe Sanh bữa nay, nhưng hoãn lại. Chết cha!  Quên lên nhà thằng Tân nói cho hắn biết là hôm nay chưa đi được. Ðành phải mai đi.

      Hạnh hỏi:

–    Vốn đâu mà anh đi?

–    Lần đầu đi thử, không cần vốn liếng chi hết.

      Hạnh lên giọng:

–    Cho là thế đi. Nhưng rồi khi đi buôn thật, anh lấy vốn đâu?

–    Tự xoay sở được. Sẽ không đụng gì đến tiền bạc của… em.

–    Nói nghe tức cười chưa. Anh làm như không đụng đến tiền bạc của em là không dính dáng chi đến em cả, không dính gì đến cái gia đình này cả. Thế ngộ nhỡ anh lỗ, nhỡ bị tịch thu, bay hết vốn, anh lấy tiền đâu mà bù vào?

      Lục ngập ngừng:

–    Ừ…thì là …đừng lo. Coi như…em không biết gì đến việc này cả.

      Anh ngừng lại, rồi tiếp, giọng đầy vẻ cương quyết:

–    Mà không thể lỗ được. Tụi bạn đi cả mấy năm trời, không bao giờ lỗ.

–    Anh đừng có nghe miệng mồm mấy người bạn vàng của anh. Em đi buôn bao nhiêu năm, em không biết sao? Có trăm cách lỗ. Hàng gì cũng vậy hết. Này nhé, lỗ vàng này, hàng đứng này, bị đánh thuế này, bị hàng giả này…Chưa kể, nếu bị tịch thu, hết sạch vốn. Anh cũng đã từng biết em bị mất hàng như thế nào rồi.

      Lục cãi:

–    Trầm khác. Hàng này khác. Trầm là loại hàng quốc cấm, lại chỉ có một thứ. Còn hàng đi Lào, có nhiều loại, thuốc tây này, dép Lào này, áo quần NATO này, mỹ phẩm này, áo quần Thái này. Hàng này đứng, ta đi hàng khác.

–    Nói như anh thì con buôn người ta đi đường Lào cho khỏe hết thảy rồi chứ đâu đợi đến phiên anh. Em nói cho mà nghe, bọn bạn em chạy hàng Lào lỗ lên lỗ xuống, xấc bấc xang bang vì công an, thuế vụ. Chưa kể cái vụ hàng giả, hàng rởm. Anh đâu có lường được hết mưu ma chước quỷ của đám con buôn. Không ai hiền lành gì đâu. Ai cũng lo nồi cơm của mình trước hết. Cái kiểu ngơ ngơ ngác ngác của anh chỉ  tổ cho họ lừa.

      Ðợi cho Lục tiếp thu hết lời mình nói, Hạnh tiếp:

–    Anh bảo chỉ có trầm là hàng quốc cấm. Anh không biết gì cả. Hàng nào cũng bị xem là hàng quốc cấm hết thảy. Gạo cơm, mắm muối, gà vịt…cái gì mà không bị đánh thuế, bị tịch thu. Không tịch thu mà đánh thuế một trăm phần trăm hay để mãi trong kho, không chịu giải quyết cho người ta thì có khác gì tịch thu. Nói cho anh biết, loại mặt hàng NATO như áo field jacket lại còn “quốc cấm” hơn trầm nữa. Ðồ NATO là đồ phản động, anh biết không?

      Lục cười gượng:

–    Anh thấy chúng bán đầy ngoài chợ.

–    Thì đồ gì mà không đầy chợ. Nhưng họ bày ra là họ có ăn có chịu, có này nọ với công an, thuế vụ, quản lý chợ cả rồi.  Chứ anh tưởng họ muốn là họ bày ra cả đó à. Ðút lót rồi mà họ thích họ vẫn cứ tịch thu như thường, vẫn cứ đưa ra tòa như thường. Anh có biết  bà Trang đi xích lô bị bắt mấy bịch thuốc “xã hội chủ nghĩa”, mà họ về nhà họ lục tung cả nhà để tìm thuốc Tây chưa?

      Lục hỏi lại:

–     Em nói kiểu đó thì bộ người ta ở nhà hết mà chịu đói cả hay sao. Người ta đi buôn rầm rầm, cả em nữa, sao em lại cản anh?

–     Không cản sao được. Anh làm sao bì với họ được. Họ chạy chợ bao nhiêu năm, kinh nghiệm đầy mình. Họ biết cách luồn lọt, tránh trút. Anh ra ngoài chợ ngơ ngơ ngác ngác y như chú học trò đi học lớp một  mà so sánh sao được.

–    Thì vạn sự khởi đầu nan. Có ai bắt tay vô cái là làm được liền đâu. Cũng phải chịu thất bại này nọ. Thất bại là mẹ thành công mà.

      Hạnh gằn giọng, cương quyết:

–    Người ta khác, mình khác. Nhà này, đi buôn một mình em cũng đã đa đoan lắm rồi. Anh đi nữa, vốn đâu. Lại còn con cái, ai coi sóc.

      Lục nhìn Hạnh:

–    Bộ anh đàn ông mà cứ lệ thuộc vào vợ mãi như thế này sao?

      Nghe nói thế, Hạnh lớn tiếng:

–    Cái gì mà anh nói lệ thuộc với không lệ thuộc? Em bắt anh lệ thuộc cái gì nào…

      Nàng đổi giọng bù lu bù loa:

–    Trời ơi, chồng con ăn nói như thế có được không. Tui làm lụng cực nhọc, vất vả như thế này, lo nuôi chồng nuôi con mà còn bị nói này nói nọ.

      Mặt mày Hạnh đỏ gay, nước mắt ràn rụa, vừa khóc vừa than thở.

Lục chán nản bỏ ra ngoài.

CHƯƠNG 16

Trầm đứng hẳn. Cả thành phố vốn vẫn rộn ràng nhờ dân buôn trầm, bỗng chìm xuống. Trầm đứng, các mặt hàng khác cũng đứng theo. Thị trường vàng khựng lại. Các quán nhậu vắng khách. Chợ búa vắng vẻ. Thậm chí các gánh bún bò, các bàn bán thuốc lẻ dọc lề đường cũng ế. Cứ tưởng tượng, đội ngũ dân buôn trầm, chạy mánh trầm, đi rừng làm trầm lên đến hàng chục nghìn người, ngày nào cũng mua bán vàng, nhậu nhẹt, chạy tới chạy lui thuốc men trà lá, đột nhiên nằm nhà cả thì thị trường trở nên hiu quạnh biết chừng nào! Riêng Hạnh, nỗi hăm hở buôn bán hoàn toàn lắng xuống.  Khác với những lần trước, trầm đứng lần này, Hạnh không mấy buồn. Một tháng lo âu, căng thẳng vừa qua với nhiều đột biến trong cuộc đời khiến nàng khựng lại. Mọi thứ trong cuộc sống bỗng mang dáng vẻ khác. Người khác. Vật khác. Và ngay chính nàng, dường như có cái gì cũng khác. Ngẫm nghĩ lại, Hạnh cảm thấy có lẽ chưa bao giờ, trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, nàng đã sống qua những trạng huống tình cảm phức tạp, mâu thuẫn như thế. Nó tạo nên những chấn động mà tì vết của nó có lẽ sẽ chi phối nàng đến tận cuối cuộc đời.

Buổi sáng thức dậy, nàng cảm thấy trống rỗng. Làm gì đây hôm nay? Nghĩ lui nghĩ tới, nàng vẫn không tìm ra việc gì để làm. Không có chuyện buôn bán thôi thúc, nàng như mất sinh lực. Đã thế, nhớ đến chuyện Lục đòi đi buôn, nàng càng bực mình, không muốn nhìn thấy chồng. Làm vệ sinh sáng xong, nhìn vào phòng, thấy Lục và mấy đứa con vẫn còn ngủ, nàng thay áo quần, dắt xe, đạp máy nổ chạy ra đường.

Đi đâu?

Cứ đi đã, tính sau.

*

Ra khỏi cửa thành, Hạnh chạy bâng quơ về phía Bao Vinh, rú xe vượt chiếc cầu Mỹ khá cao bằng gỗ để vào Bãi Dâu. Con đường nhựa thênh thang vạch một đường thẳng băng giữa những cánh đồng lúa và các thửa ruộng trồng rau màu rộn ràng lớn dậy. Gió mùa xuân nhè nhẹ mơn man trên da thịt. Hoa cải nở vàng rực. Những đàn bướm chập chờn trững giỡn. Trong một thoáng, nàng cảm thấy tâm hồn mình nhẹ hẫng đi. Quảng đời êm đềm của những ngày còn đi học sống lại. Ôi, một thời hoa niên mộng mị! Tâm hồn tươi mươi như tờ giấy trắng. Mơ ước đó và hiện thực đây, cái gì còn cái gì mất?

      Tới một khu nhà vườn cây cối xanh um tách hẳn khỏi khoảng đồng trống gió, Hạnh bỗng nhiên nhớ đến Loan, cô bạn học cũ, bèn quẹo vào con đường đất chạy vòng theo khu trồng bắp lớn. Gần cuối đường là nhà Loan, nằm không xa khúc rẽ của giòng sông Hương ở chỗ tách nhánh. Có lần chạy đi săn hàng vùng này, Hạnh có tạt vào thăm Loan, nhưng chẳng ở lâu.

Thấy Hạnh vào, Loan đang loay hoay bón đất cho mấy vồng cải, reo lên:

      –      Hạnh đấy à? Có hàng mới về hay sao mà ghé lại vậy?

      Hạnh cười:

–     Tôi lại thăm bà đây. Hàng hóa đứng ngắt cả tháng rồi.

      –     Hay nhỉ! Tôi vừa nằm mơ thấy bà tuần trước. Ngồi đó chơi.  Tôi vào thay áo quần cái đã. Nhớp nhúa quá.

      Loan vừa nói vừa chạy le te vào nhà trong. Hạnh nhìn theo, ngậm ngùi. Loan “nông dân” đến khiếp! Chiếc quần đen bạc màu xắn quá gối, trơ ra đôi ống chân khô gầy, đen đủi. Chiếc áo vải thô màu đà với hột nút trên cùng quên gài để lộ một phần ngực lép, nhăn nhúm buồn bã. Tóc rối, không chải, sợi đen sợi bạc  chen chúc. Chân tay lấm lem cả đất lẫn bùn.

      Loan trở ra. Trong bộ đồ hồng nhạt, trông Loan có vẻ bớt đi nét lam lũ mà khi mới vào, Hạnh tưởng như Loan đã từng là thế tự bao đời. Hạnh ngắm nghía cô bạn cũ, đùa:

      –     Trông cũng còn xuân thì chán.

      –     Thôi đừng có xuân với thì nữa. Mình chỉ thấy toàn là mùa đông mà thôi. Bà xem, mình đã trốn về đây vui với vườn rau, gốc cải, an phận.

–     Bà vẫn còn bỏ mối đậu phụng da cá chứ?

–     Còn. Nghề thu nhập chính mà. Bà xem, đất đai, rau cỏ thế kia đòi hỏi nhiều công lắm.

      –     Ðủ sống không?

–     Không đủ thì cũng phải đủ. Nhưng, bà biết, nhọc nhằn lắm. Phần nuôi ba đứa con đi học, phần bới xách cho anh ấy.  Thấy bà chạy đây chạy đó long nhong, tôi  thèm, phát ghen.

      Nghe nhắc đến chuyện bới xách, Hạnh mới sực nhớ đến chồng Loan. Nàng hỏi:

–     Anh ấy thế nào rồi? Liệu có sắp về được chưa?

      Loan chép miệng:

–     Cỡ thiếu tá trở lên chưa  có chút hy vọng nào.

–     Bao nhiêu năm rồi nhỉ?

–     Ngót nghét cũng gần chín năm tròn rồi đấy.

      Hạnh có cảm giác sau câu nói đó sẽ tiếp theo một tiếng thở dài. Nhưng không, Loan tỏ ra vẫn bình thường. Trời, chín năm đằng đẵng xa nhau. Nhìn những cô bạn có chồng đi cải tạo như Loan, Hạnh không hiểu nỗi đau của họ lớn đến mức nào. Vợ chồng nàng mới xa nhau có một tháng, thậm chí có một tuần thôi mà đôi lúc, nếu không vì chuyện mua bán lời lỗ, nàng còn muốn không chịu nỗi. Vậy mà trông mấy bà có chồng đi cải tạo vẫn nhơn nhơ cười nói, làm ăn chẳng khác chi nàng. Họ không thương chồng hay đã chai lì vì chờ đợi quá lâu?

      Hạnh nhìn vào mắt Loan:

–     Bà có nhớ anh ấy 1ắm không?

–     Lúc đầu thì lắm lắm, nhưng riết rồi cũng vậy thôi. Bây giờ chỉ còn chờ đợi. Ngó tình thế này thì có mong ngóng cho lắm cũng chỉ khổ mình, nên khi nào anh ấy về thì về, mình cũng chẳng buồn trông nữa.

      Hạnh đến ngồi sát bên Loan, vuốt lưng bạn, thì thầm:

–     Tội nghiệp bà thật. Bạn bè tôi hỏi thiệt, xa nhau lâu vậy mà bà có…có…thấy thiếu thiếu gì không? Ðừng nói tôi tò mò, tôi hỏi nghiêm chỉnh đấy. Cho biết thôi mà. Nếu không muốn nói thì đừng trách nghe bạn, tội nghiệp.

      Loan cười buồn:

–    Thì có thiếu gì thì cũng đành chịu vậy, chứ biết làm sao. Bộ bà bảo tôi phải làm sao? Vả lại, tôi tu rồi.

–    Tu cái gì?

–    Tôi ăn trường trai, bà ạ. Tôi muốn, tôi muốn…diệt dục ấy mà.

–     Cái đó thì tùy. Tôi thấy nhiều bà có chồng đi cải tạo, ở nhà cũng nhập nhằng lắm.

      Loan cười gằn:

–    Khối ra đấy! Ðứa khôn thì giấu giếm được, còn đứa không khôn thì trơ cái mặt ra, ai muốn nói gì thì nói. Bà biết con Viện không? Viện làm ngân hàng đấy, nạp đơn xin ly dị với chồng đang ở trại cải tạo. Tòa mới gọi thằng chồng từ trại cải tạo về ra tòa tuần rồi. Bà ta công giáo mà còn thế đấy.

–     Thế ly dị rồi à?

–     Thằng chồng không muốn ký mà đành phải ký.

      Hạnh rủa:

–     Cái thứ đàn bà tởm. Nhẫn tâm đến thế là cùng. Thế bà ta có bồ khác à?

–     Ai mà biết! Nghe người ta đồn, đi buôn, cặp với thằng lái buôn hay tài xế gì đó.

      Hạnh lại rủa:

–    Ðúng là đàn bà mất nết! Khôn ba năm dại một giờ.

      Loan góp ý:

      –    Ðàn bà mà đi buôn đường dài đa phần là thế đấy. Hết cặp tài xế đến kiểm soát viên, không thì cũng thuế vụ. Còn con cái nhỏ, vợ thằng cha trung tá gì đó, nghe nói lấy luôn tài xế cũ của chồng nữa, bà có nghe không?

–    Hình như nghe lảng vảng. 

–    Nói thật với bà, đói thì đói, thiếu thì thiếu, chứ kiểu làm trái đạo, lăng loàn là tôi không chịu được. Tôi không hiểu tại sao có thứ đàn bà lại có thể vừa ngủ với chồng lại vừa ngủ với trai được, thì cũng lạ. Người ta cứ nại ra hoàn cảnh. Không hoàn cảnh chi hết. Tại mình thôi. Trăm phần trăm là tại mình thôi, phải không Hạnh? Ðó, như bà đó, đi buôn đi bán, đố thằng nào dụ được coi, phải không?

      –     Ừ…ừ…

      –    Cái loại đó là tôi chẳng bao giờ giao du đâu. Bà biết không, tôi cũng cô đơn chứ, cũng đau khổ chứ, đôi lúc, nói thiệt tình, cũng…cũng …thèm chứ, nhưng mình nghĩ mình là đàn bà…dù sao thì…

Hạnh cảm thấy khó chịu, không muốn nghe tiếp, cắt ngang lời Loan:

      –     Thôi, thôi, chuyện người ta…Này, bà trồng cải nhiều nhỉ. Ai làm đất cho bà?

      –     Mẹ con tôi tự làm lấy, chứ tiền đâu mà thuê.

      Hạnh chuyển qua chuyện khác:

      –     Lâu nay có gặp lại đám bạn bè cũ, đám học lớp 11,12 hồi đó không?

      –     Có. Gặp Hằng. Chồng Hằng cũng đi cải tạo, nhưng về rồi. Bà này thì chính chuyên ra phết. Có tay cán bộ giàu lắm, tới dụ khị hắn hoài, nhưng hắn cương quyết không chịu. Ðấy, phải như vậy chứ, dù sao mình cũng là…

      Hạnh lại cắt ngang:

      –     Mà này, bà còn nhớ ông Túy, à thầy Túy không nhỉ?

      –     Nhớ chứ. Cái ông thầy khó tính ấy phải không? Sao, bà có gặp lại à?

      Hạnh ỡm ờ:

      –     Có.

      –     Sao? Ðộ này ông ấy ở đâu? Lâu lắm rồi, e cũng 13, 14 năm gì rồi. Hồi đó ông đổi đi mô nhỉ?

      Hạnh nhìn Loan cười:

      –     Bà còn nhớ chuyện hồi đó không nhỉ?

      –     Nhiều chuyện quá nhớ sao cho xiết. Trải qua trăm cay nghìn đắng, nhớ lại thấy hồi đó, mình trẻ con đến khiếp. Cái gì cũng tưởng tượng. Cái gì cũng mơ mộng. Rốt cuộc, chẳng có giấc mộng nào thành.

      –     Sao lại không thành?

      Loan đứng dậy, xòe bàn tay ra:

      –     Ðây, bà xem, có cái gì nào, ngoài hai bàn tay đã nhiều dấu chai này.

      Hạnh nhìn, thấy lòng bàn tay Loan đen đủi, với những cục chai nhô lên, sần sùi. Ngón nào cũng chai. Nàng cảm thấy khó chịu, quay mặt đi. Ngoài góc vườn, trên đám cải, những cánh bướm chập chờn bay lượn.

*

Rời nhà Loan, Hạnh chạy tới nhà Ngọc.

      Nhà Ngọc ở khu An Lăng. Hạnh tìm nhà cô bạn này cũng không khó khăn mấy, dù phải đi quanh co qua nhiều con hẻm nhỏ chằng chịt. Vì lẽ nàng đã đi qua vùng này nhiều lần để đi săn hàng.

      Thấy Hạnh, Ngọc reo lên:

      –     A ha, rồng đến nhà tôm.

      –     Trái lại, tôm đến nhà rồng đấy.

      –   Thôi thì cũng được. Bà làm ăn quá trời. Tôi thấy bà chạy vòng vòng ngang qua đây mấy lần, chẳng thèm gọi vì biết bà bận.

      –     Bà nghĩ xem, thời buổi này, không chạy tất bật thì lấy gì nuôi con.

      Vừa dẫn Hạnh vào phòng khách, Ngọc vừa nói:

      –     Bộ như tôi thì chết hết cả rồi phải không. Tôi cũng có con như bà, lại phải nuôi chồng ở tù nữa, thế mà xem…tôi phây phây ra đây này. Ðâu có được như bà có chồng một bên, vừa đỡ lo, lại vừa ấm.

      –    So sánh với bà sao được. Bà có tiền nước ngoài viện trợ.  Gia đình có của ăn của để.  Bà xem tôi có chồng cũng như không. Anh ấy chỉ  biết nằm nhà lo nội trợ. Chuyện trong chuyện ngoài mình tôi gánh vác.

      –     Thôi, bà ơi. Than thân trách phận làm gì. Kẻ đáng than thân trách phận là tôi đây này. Chồng một nơi, vợ một nẻo.  Thấy đó mà cũng như không.

      Hạnh hạ giọng:

      –     Nghe đồn bà có bồ, phải không?

      Ngọc cười giòn giã:

      –    Rồi. Lại thêm một người hỏi nữa. Bà muốn tôi trả lời sao? Có hay không?

      –     Thì nghe người ta nói, tôi hỏi bà cho biết vậy mà. Bà có hay không thì chẳng ăn nhằm gì đến tôi.

      –    Tôi trả lời nhé: có và không. Có, có nghĩa là tôi có đi chơi với một vài người quen. Không, vì tôi vẫn bới xách đều đặn cho anh ấy, chẳng bỏ sót một kỳ thăm nuôi nào cả. Tôi cũng nghe người ta nói nhăng nói cuội gì đó, nhưng nói thật với bà, tôi xem như không. Kể cả bên nhà chồng tôi. Bên đó, họ thấy tôi có chồng đi cải tạo, mà cứ phây phây như thế này, họ không thích. Họ muốn tôi phải buồn, phải lo, phải rầu rĩ rầu ri, não nùng ai oán cho ra vẻ “hình ảnh người chinh phu trong lòng người cô phụ”. Này, nói cho bà hay, có nhiều bà, bên ngoài thì có vẻ trung thành lắm, nhưng âm thầm ăn vụng, ai mà biết. Ðến khi đổ bể ra rồi thì…, bà biết đấy.

      –     Cái hạng đó mà nói làm gì. Thấy chồng sa cơ thất thế là bèn thay lòng đổi dạ. Nói vậy chứ cũng thiểu số thôi.

      –     Ðồng ý là thiểu số. Nhưng thiểu số không có nghĩa là ít đâu nhé. Nhất là mấy con mẹ đi buôn chuyến. Mười con đi buôn chuyến, hết chín con hư. Vì sao, bà biết không? Vì đi buôn thì phải chìu lụy người ta, ôi thôi thì đủ thứ, công an này thuế vụ này tài xế này kiểm soát viên này. Chìu lụy thì người lợi dụng thôi. Lúc đầu thì giả, rồi thành thiệt mấy hồi. Ai chứ bà…à mà bà hình chưa có đi buôn chuyến. Có không? 

      –     Thì lâu lâu cũng đi.

      –     Ðấy, bà đi buôn là bà biết ngay, tôi nói thế đâu có sai, phải không. Bởi thế, thấy mấy con mẹ…à, tôi quên, nói thế chứ cũng tùy người…Tôi hỏi thật nhé, bà đi buôn thế mà có khi nào…có khi nào…không, tôi giả sử thế, nghĩa là có khi nào…

      –     Ờ…ờ…ba cái con mệ tầm phào đó mà bà nói làm gì cho thêm…bẩn…À, mà lâu nay có gặp lại ai bạn cũ không?

      –     Nhiều. Con Phước này. Con Hằng này. Con Vũ này.  Bà bận bịu, chứ bọn tôi hay gặp nhau lắm. Còn con Ngải thì vượt biên rồi, nghe đâu ở Úc.

      –     Này, bà còn nhớ ông Túy không nhỉ?

      –     Túy nào, nghe tên quen quen.

      –     Thì thầy Túy chứ Túy nào nữa.

      Ngọc vỗ vai Hạnh thật mạnh:

      –     Ðúng rồi, thầy Túy. Hôm trước, có đứa nào cũng nhắc.  Lâu lắm rồi nhỉ. Ông biệt tăm từ hồi nảo hồi nào.

      –     Tôi mới gặp ông ấy. 

      –     Thế à? Ở đây hay ở Sài Gòn?

      –     Sài Gòn.

      –     Giờ mà gặp lại ông ấy chắc vui lắm nhỉ. Chọc cho ông ấy quê luôn. Tôi chưa thấy ai làm bộ làm tịch như cái ông thầy Túy này.

      –     Có nhớ cái lần ông ấy mang thư bà ra đọc giữa lớp không?

      –     Sao không nhớ. Hồi đó tôi giận run lên, tưởng như nếu mình có phép gì mà biến mất trên cõi đời, hay phép gì mà giày vò ông ta một cái cho hả giận. 

      –     Mày còn giận à?

      –     Giận cái gì mà giận. Hồi còn con gái, mình ngây thơ quá, mà ông ta cũng chẳng hơn gì. Sau này ra đời, nghĩ lại, không thấy giận mà thấy tội nghiệp ông ta. Ðúng là ngớ ngẩn, cái ông Túy này. Còn quê nữa chứ. Ông ta tưởng làm như vậy là tỏ ra đứng đắn, là đàng hoàng. Ðàn ông, cha nào cũng như cha nấy, làm bộ làm tịch hết. Gặp ở hoàn cảnh khác xem, gặp mình là sẽ vồ như hổ vồ con nai tơ.

      –     Ông có hỏi thăm mày.

      –     Thế à? Mà ông ta đâu có biết tao viết lá thư đó nhỉ.  Mà hình như hồi đó bà cũng yêu thầm nhớ trộm ông ta phải không?

      Hạnh chối:

      –     Ðâu có!

      Ngọc nhìn vào mắt Hạnh:

      –     Có thì nói có, có mất mát gì đâu mà chối. Tình học trò mà. Tôi có nghe tụi nó to nhỏ với nhau là bà có thư  từ gì với ông ta đó.

      –     Không có đâu. Mấy bà tinh ranh, cứ ưa chinh phục thầy cho oai. Chứ tôi yếu bóng vía lắm.

      –     Thôi bà ơi. Rim rím một vịm troi. Ở đó mà yếu bóng vía. Có gì mà yếu bóng vía. Cuộc đời cho tôi biết, mấy bà rim rím là ghê lắm. Này, bà để ý nhé, những đứa hoang nghịch như tôi, con Tâm, con Ðoàn…thì mô có gì. Mấy bà bỏ chồng, ngoại tình, lăng nhăng toàn là đám rim rím cả. Con Hằng này, con Lan, con gì nữa nhỉ, cái con gì có cái mũi  cao cao, ngồi ở cuối lớp đó. Ðấy, cái con ấy lăng nhăng tợn. Này, nói cho tôi hay, gặp ông Túy rồi hai người có đi chơi với nhau không đấy?

      –     Tầm bậy. Người ta có vợ, mình thì có chồng.

      Ngọc cười lớn:

      –     Nhằm nhò gì. Văn nghệ cho vui mà. Tôi mà gặp ông ta là tôi rủ đi chơi ngay. Mà này, độ này, ông ta có vẻ khá hơn trước không? Nghĩa là không còn lẩm cẩm, đạo đức giả như kiểu đọc thư giữa lớp, chẳng hạn…

      –     Ai mà biết. Ông bảo ông cũng đi cải tạo về. Hình như vợ bỏ.

      –     Sao lại hình như?

      –     Thì nghe ông ta nói sơ sơ. Tôi cũng chẳng hỏi thêm làm gì.

      –     Nếu vợ bỏ thì thật tuyệt!

      –     Sao vậy?

      –     Thì mình có rủ đi chơi cũng khỏi lo.

      –     Cái bà này!

*

      Sau Ngọc, Hạnh đi tìm thăm Gái. Rồi Nậm Ngân. Rồi Hằng. Vân vân.

      Hơn tuần lễ, nàng được sống lại những giờ phút sôi động, thơ ngây của tuổi học trò. Bạn bè, người này nhắc một chuyện, người kia nhắc một chuyện, cuối cùng dựng lại trong trí tưởng nàng những năm tháng hồn nhiên tưởng chừng như đã tiêu tan vào cõi hư vô từ lâu. Các bạn Hạnh và Hạnh làm một bản tổng kết về nhóm bạn chơi với nhau hai năm cuối trung học:

      – Không ai chết, không ai độc thân, không ai có chồng cách mạng.

      – Mười một cô lấy lính. Cấp bậc thấp nhất là trung úy, cao nhất là trung tá.

      – Một cô bỏ chồng khi chồng đi cải tạo. Một cô ngoại tình bị chồng bỏ. Một cô vượt biên an toàn.

      – Bốn cô còn cô đơn vì chồng cải tạo chưa về.

      – Một cô có chồng không đi cải tạo

      Nậm Ngân còn tổng kết những cô mê thầy:

      – Có hai cô mê thầy toán.

      – Một cô mê thầy công dân

      – Sáu cô mê thầy Tuý

      – Tuy vậy, không có cô nào lấy thầy làm chồng cả.

      Hạnh được xếp vào loại không mê thầy nào hết. Mặc dầu trong hầu hết các câu chuyện, nàng là người luôn luôn nhắc đến mấy ông thầy. Tất nhiên, nhiều nhất vẫn là thầy Túy.

T.D.N.

Comments are closed.