Dặm trường (kỳ 8)

Trần Doãn Nho

CHƯƠNG 20

Chưa đến giờ mở cửa, Thuận đã có mặt trước cửa trạm, chờ đợi. Đây là ngày đầu tiên, Thuận chính thức được ông Quán, trạm trưởng, chấp nhận đứng ra làm trung gian thu mua trầm cho trạm. Khách hàng đầu tiên là một thanh niên, mặt mày đen đúa, nhảy xuống từ một chiếc xe đạp thồ. Nhìn thoáng qua là Thuận phán đoán được khách hàng thuộc loại nào, tính toán ngay chiêu thức mua hàng. Đợi khách đổ hàng ra xong, Thuận ngẩng mặt lên nhìn:

–     Chú em đi cội mới về à?

–     Dạ, em đi cội, về cũng mấy hôm rồi.

–     Chú em đi vùng nào, nói coi?

–     Dạ, Khe Sanh.

–     Qua Lào không?

–     Em cũng chẳng biết nữa. Ở giữa rừng sâu, ai mà biết chỗ nào là Việt nam chỗ nào là Lào. À, mà chắc là Lào vì có thằng trong tụi em gặp lính Lào.

Anh chàng theo dõi từng động tác nhanh nhẹn của Thuận đang lựa hàng, bộ điệu bồn chồn. Thỉnh thoảng, cậu ta lượm ít miếng hàng từ cụm này bỏ vào cụm kia:

–      Anh Thuận xem, những miếng này đẹp như thế, mà anh hạ loại, tội em.

      Thuận gắt:

–     Có mấy miếng, cân lượng bao nhiêu mà chú em quan trọng thế.

      Thanh niên cười cầu tài:

–    Góp gió thành bão mà anh. Về đây, anh đôi lăn đôi lóc thế chứ ở trên rừng, tụi em bòn từng miếng.

Lựa xong, Thuận hỏi:

      – Hàng mày bán bao nhiêu đây?

– Anh cho em tám ngàn.

– Cái gì? Tám ngàn? Chú em muốn tau bán nhà sao? Ba ngàn. Chịu thì để đó, không chịu thì mang đi…Tau không ép.

Thấy thanh niên còn chần chừ, Thuận hạ giọng:

– Mà có mang ra khỏi đây thì cẩn thận, nhìn trước trông sau cho kỹ…Tụi nó …tụi nó…Tau không muốn chú em bị tiền mất tật mang.

Chỉ cần ỡm ờ dọa nhẹ như thế là người thanh niên chột dạ. Anh ta nhìn quanh nhìn quất, rồi nhìn Thuận, than van đi rừng đi núi cực khổ, năn nỉ Thuận thêm cho một ít. Nhưng Thuận cương quyết lắc đầu:

– Tau mua bán, một là một, hai là hai. Hàng nào tiền đó.

Biết có nói thêm cũng vô ích, anh thanh niên đồng ý bán. Thuận trả tiền, nhanh nhẹn chuyển hàng vào bên trong.

Cứ thế, bằng tư thế của một tay giang hồ nửa-con-buôn-nửa-cán-bộ, Thuận lần lượt mua gom hàng của dân đi trầm một cách khá dễ dàng. Đến chiều, anh gom hết mấy bịch hàng, niêm phong, mang vào phòng kiểm nghiệm của trạm. Gặp ông Quán đang ngồi lặp bặp bên ống thuốc lào, Thuận cười:

–     Chào chú. Khoẻ không chú.

Ông Quán vừa rít xong một hơi thuốc Lào, ngửa mặt lên, thổi một ngụm khói lên trên không. Ông nhắm mắt lim dim thưởng thức. “Phê” rồi, ông đưa chân đẩy nhẹ ống điếu xuống dưới chân ghế, nhìn Thuận:

–     Sao, hôm nay, lùa được bao nhiêu cân?

–     Hơi yếu, chú. Ðâu có bốn mấy cân.

      Ông nhìn Thuận:

–     Thế nào? Chú mày muốn bao nhiêu đây?

      Thuận lả giả:

–     Tùy chú. Cháu không dám.

      Ông lấy cái mấy tính ra, bấm lui bấm tới một hồi, rồi chỉ vào con số, bảo:

–     Con số này thấy đã có lời chưa?

      Thuận nhìn vào, giật mình, nhưng vội trấn tĩnh, đứng dậy, ôm lấy thân hình gầy gò của ông Quán:

–     Dạ, cũng có lời chút chút. Cám ơn chú.

Ông Quán cười:

– Lời chút chút? Thuận, mi đừng qua mặt tau. Tuy không xem mi mua hàng, nhưng kiểu làm ăn của mi ngoài đó, tau biết mi mua toàn giá hời. Không sao, nhà nước cần những tay biết làm ăn như mi.

      Ông Quán lấy xấp chi phiếu ra, viết đúng số tiền vừa nói, đưa cho Thuận, hạ giọng:

–    Khi lên ngân hàng lãnh tiền, nhớ bồi dưỡng cho con Chu.  Hôm qua, gặp tau, nó có hỏi thăm mi đấy. Nghe chưa?

Thuận rút gói thuốc lá, lấy một điếu ra châm, nhìn ông Quán, cười:

– Chú biết tính cháu rồi. Không chơi đẹp thì không phải là Thuận trầm.

Thuận bước ra khỏi trạm, cầm tấm chi phiếu, nhìn đi nhìn lại số tiền mà ông Quán trả, cười tủm tỉm một mình, nghĩ đến những ngày tháng huy hoàng trước mắt.

*

“Chơi đẹp” là phong cách của Thuận mà cũng là phong cách của ông Quán. Phong cách đó đã làm biến đổi việc làm ăn của một trạm thu mua nhà nước nhỏ của một địa phương. Và sau này, phong cách này lan rộng ra và góp phần thay đổi cung cách làm ăn của nhiều công ty thương nghiệp toàn quốc. “Chơi đẹp” đơn giản có nghĩa là biết sẵn sàng “chi” tiền. Chi trước thu sau. Chi mọi cách, mọi kiểu: trên bàn nhậu, tại nhà riêng, trong khách sạn và dưới mọi hình thức: bao gái, quà cáp. Chi từ khâu này qua khâu khác, từ dưới lên trên, chi nhiều chi ít tùy thuộc vào tình hình và mặt hàng. Chi càng đều, máy chạy càng đều. Rốt cuộc, mọi cá nhân đều có lợi trong lúc bộ máy nhà nước lại chạy đều.

Trạm thu mua nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Ðó là một căn nhà cũ hai tầng. Tầng trên dùng làm kho chứa và tầng dưới  là nơi kiểm nghiệm hàng trước khi nhập kho. Phía bên ngoài là một khu hành lang khá rộng, đủ mặt bằng cho nhiều loại hàng hóa lỉnh kỉnh cũng như có chỗ cho khách hàng đến chờ đợi, giao dịch. Tuy vậy, vì không có sân, nhà lại nằm sát đường, nên khách hàng phải đậu xe quanh quất hai bên đường. Trạm thu mua đủ loại nông, lâm sản do người dân từ các nơi mang về, để bán lại cho các vùng khác và cũng để xuất khẩu. Tiếng là thu mua nhưng trong thực tế, trạm chẳng thu mua được gì nhiều vì công an thuế vụ lảng vảng khắp nơi, nhất là khu vực trước cửa trạm, khiến người ta không dễ gì mang được hàng đến trạm. Nó nghịch lý, nhưng đây chính là đặc điểm của lối làm ăn xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ của cơ quan thu mua là mua cho được hàng nằm rải rác trong dân. Nhiệm vụ của công an và thuế vụ là phải bắt, tịch thu hoặc đánh thuế người mang hàng đi bán để bảo vệ chặt chẽ cơ chế xã hội chủ nghĩa không bị ảnh hưởng bởi thị trường tự do. Có người cần bán hàng quá, để lọt được vào trạm, phải có tay trong tay ngoài. Người ở ngoài mang hàng, rình chờ, thấy thuận tiện là chạy đến bờ tường, ném thật nhanh vào để người bên trong chụp, như thế mới thoát khỏi thuế vụ, vì thuế vụ không được quyền vào trạm để bắt hàng.

Tình hình cứ như thế cho đến khi trạm có trưởng trạm mới là ông Quán. Ông Quán, gầy khô, nhỏ nhắn, ăn mặc xuềnh xoàng, nói năng nhỏ nhẹ, nét khắc khổ lộ rõ trên khuôn mặt. Vốn ở ngành công an lâu năm nên mọi đường đi nước bước trong bộ máy nhà nước, ông rất rành. Cùng làm việc với ông là hai nhân viên kiểm nghiệm, một thư ký và một thủ kho đều do ông Quán chọn lựa từ đám thủ hạ thân tín trước đây. Nhận chức xong, ông thực hiện ngay một sự thay đổi quan trọng. Trước hết, ông làm việc trực tiếp để có được một thỏa thuận bất thành văn giữa thương nghiệp và hai cơ quan công an thuế vụ nhằm tạo ra một khu vực an toàn để cho khách hàng yên tâm mang hàng tới bán. Thứ đến, ông cho thu mua thêm một mặt hàng “quốc cấm” là trầm. Theo ông, trầm cũng thuộc loại lâm sản và vì chỉ để xuất khẩu nên đây là mặt hàng chiến lược của trạm. Ngoài ra, để thu mua được nhiều hàng, không thể chỉ dựa vào chỉ tiêu do nhà nước quy định, mà phải biết tận dụng kinh tế thị trường: thuận mua vừa bán. Riêng trầm, ông Quán còn đi xa hơn: thay vì mua hàng như một cán bộ, ông mua hàng như một con buôn. Và để mua hàng như con buôn, ông cần đến sự hợp tác của con buôn.

Chỉ trong một thời gian ngắn, trạm thu mua trở nên rộn rịp. Ngay trước cửa trạm, lúc nào cũng có một số người công khai mua bán. Hàng hóa có khi đổ ngay trên lề đường. Người ta lựa chọn, kỳ kèo trả giá, trả tiền một cách thoải mái. Hàng ngày, đi ngang trạm, người ta thấy xe đủ loại, nào “cup” đời mới, nào Honda, xe đạp, xích lô đậu san sát, lấn cả ra mặt đường. Người có uy thế nhất trong số bốn, năm con buôn ngồi mua hàng ngay trước cửa trạm, chính là Thuận. Uy thế này là một kết hợp kỳ lạ và ăn khớp giữa một cơ quan nhà nước làm kinh tế với một con buôn, theo triết lý làm ăn của ông tân trạm trưởng. Thuận là một chọn lựa tinh khôn của trạm trưởng cáo già Quán. Ngoài chuyện “chơi đẹp”, Thuận còn là người có một lý lịch tương đối trắng, rất ít dính dáng gì đến chế độ cũ. Lại có máu giang hồ. Vì thế, Thuận còn là người hộ vệ cho ông, khi cần, nếu có một ai khác dòm ngó vào công việc thu mua phức tạp của ông.

Thế là trạm thu mua càng ngày càng “đỏ da thắm thịt”. Trang trí bên trong toàn đồ ngoại, từ cái quạt bàn cho đến lịch treo tường, từ bàn ghế cho đến cái máy đánh chữ. Chỉ tiêu hàng năm luôn đạt và vượt kế hoạch. Khách tham quan ra vào hàng ngày, có cả khách Hồng Kông và Singapore. Tổng kết cuối năm, trà rượu ăn uống linh đình. Trạm làm ăn lên, ông Quán lên, Thuận cũng lên, kéo theo cả những cán bộ phục vụ trong ngành công an và thuế vụ cùng lên.

*

      Trong số khách nhậu, chỉ trừ ông Lộc, trưởng “Kinh Tế 3” là người mới đến lần đầu, còn hầu hết đều đụng với Thuận trong nhiều lần nhậu khác nhau. Tâm, đội trưởng đội hình sự.  Lúa, phó Kinh tế 3. Viết, công an giao thông. Ðoàn, trạm thuế công thương nghiệp thành phố. Ngồi bên cạnh Thuận là Nguyện, thuộc đội bảo vệ chính trị. Khi ông Quán đến thì cuộc rượu đã lắng xuống. Ai nấy đều uống cầm chừng, đợi. Ông Quán mang theo một chai sâm banh Liên Xô. Thấy lon bia nằm la liệt trên bàn, ông không biết dùng chai rượu khai vị này để làm gì, nên đưa cho Thuận:

–     Cất đi để dịp khác.

      Thuận gọi ra nhà sau:

–     Mang cua ra cho chú Quán.

      Ông Quán xua tay:

–     Thôi khỏi, Thuận. Tối nay, họp xong đảng ủy có chiêu đãi rồi.

      Tâm nói:

–     Sao, họp có gì mới không, anh Quán.

–     Ý đồng chí muốn nói cái gì mới?

–     Thì hỏi chung chung vậy mà.

–     Chẳng có gì phấn khởi.

      Lộc hỏi:

–     Ý anh muốn nói cái gì mà không phấn khởi?

–     Chuyện thương nghiệp ấy mà.

      Trong lúc ấy, Thuận cụng lon với Tâm. Thấy mọi người đang ồn ào, Lộc xuống giọng hỏi ông Quán:

–     Chuyện thương nghiệp thế nào?

–     Bàn về chuyện giá cả thị trường. Thì cũng như có lần học tập chung về vấn đề thương nghiệp quốc doanh ấy mà. Anh còn nhớ bài học nào cũng xác nhận thương nghiệp quốc doanh là chủ đạo, phải không nào?  Nhưng thực tế, chúng ta luôn luôn bị động.

–     Ai phá?

–     Chẳng có ai phá cả. Chỉ tại cái thị trường quái ác. 

–     Thị trường? Thị trường là cái quái gỉ nhỉ? Ta luôn luôn chủ động nắm thị trường mà.

–     Thì nắm, nhưng đó là chính sách.  Ðúng, nó không là cái quái gì hết, nhưng nó ác vô cùng. Mình chạy theo nó chứ nó có chịu chạy theo mình đâu. Giá vàng chẳng hạn. Hay chuyện trầm ăn, trầm đứng chẳng hạn. Mình không thể nào chủ động được. Có cả tháng rồi trầm đứng, đâu có do mình muốn. Mình cần hàng để xuất, thế mà hàng không có, mới đau đầu. Không ai đi cội, không ai chạy hàng, không ai nhập hàng.

–     Thế thì ta nâng giá nhập lên để thu hút hàng.

–     Ðâu có dễ thế. Muốn nâng phải họp, phải báo cáo, phải xin ngân khoản. Mà lại, theo chỉ thị thì trầm là thứ quốc cấm. Mình kẹt về mặt nguyên tắc. Vừa tôn trọng nguyên tắc lại vừa chấp nhận thực tế…không phải là điều dễ. Nâng giá lên để thu hút nguồn hàng thì hóa ra mình cũng chạy theo thị trường hay sao.

      Lộc chắc lưỡi:

–     Gay nhỉ!

–     Mà thôi, bỏ qua chuyện đó đi. Ðộ này anh công tác thế nào?

      Lộc cười:

–     Cũng thế thôi, thủ trưởng. Tụi tôi là lính, chỉ đâu đánh đó.

–    Công tác của anh là một khâu quan trọng trong thương nghiệp quốc doanh. Vì các đồng chí có nhiệm vụ ngăn chặn sự phát triển tự phát của kinh tế thị trường. Bọn tội phạm kinh tế nguy hiểm không khác gì bọn tội phạm chính trị và hình sự.

–    Ðúng thế. Năm rồi, bọn tôi phá tan biết bao nhiêu đường dây làm ăn phi pháp của bọn con buôn, bọn móc ngoặc…

      Ông Quán hạ giọng:

–     Nhưng bọn chúng đông thật, lại khôn nữa. Phá đầu này chúng nó mọc đầu kia, phá băng này nó sinh băng khác.

      Vừa nói ông vừa nhìn Thuận, nghĩ đến lúc không cần tay giang hồ này nữa, có thể ông phải biết tìm cách thay ngựa giữa dòng. Không hiểu sao, đúng lúc đó, Lộc cũng nhìn Thuận, nhưng rồi quay đi chỗ khác, cười:

– Mà phá hết thì cũng, cũng hơi…kẹt.

Ông Quán định nói tiếp thì giọng Thuận ồm ồm vang lên:

–     Nào, mời chú Quán, anh Lộc. Chú Quán tới mà ham nói chuyện, chưa cụng lon với bàn.

      Thuận mở một lon bưng hai tay đưa cho ông Quán. Ông Quán cầm lấy, mở:

–     Ừ, thì cụng. Nhưng chú mi cũng biết tau đâu có phải dân nhậu.

      Thuận cười lớn:

–     Dạ, cháu biết mà. Nhưng xin chú dzô cho một cái để gọi là chào bàn.

      Ông Quán cùng với mọi người nâng lon.

      Lúc tan tiệc, đợi cho mọi người ra về, ông Quán bảo Thuận:

–     Tau có một tin vui cho mi. Một đơn vị trong Nam ra cần một số lượng lớn các mặt hàng lâm sản để xuất khẩu. Họ có “quota” nhập đồ phụ tùng xe đạp, và xe Honda bãi. Họ cần quế, tau đã giới thiệu cho một thằng bạn thân hiện làm lâm nghiệp ở Quy Nhơn rồi. Trầm, họ níu tau. Tau định chuyển số hàng vừa nhập cho họ, vì để thì cũng chưa đủ số lượng để xuất.  Mi liệu xoay chạy cho họ ít tạ hàng đầu được không?

      Thuận ôm chầm lấy ông Quán:

–     Thiệt hả chú. Trời ơi, thế thì, thế thì…chú cháu mình hợp tác đi.

–    Sao mà hợp tác được. Mi yên tâm, tau sẽ giới thiệu mi cho họ. Mi làm việc trực tiếp với người ta. Nhớ đừng quên chú Quán là được rồi.

–     Ðời nào, đời nào. Chú phải biết sự trung thành của thằng Thuận này chứ! Luôn luôn là số một nghe chú!

      Tin mới làm Thuận mừng đến ngộp thở. Nhưng Thuận băn khoăn:

–     Ðến mấy tạ hàng đầu. Hàng xô thì dễ. Mấy tạ hàng đầu kiếm mô cho ra?

      Ông Quán bật cười:

–    Ai bắt mi phải chạy cho đủ ngay đâu. Họ định xuất hàng vào mùa hè hoặc đầu thu lận kia. Vả lại, đâu phải người ta nhờ một mình mi.

      Thuận ngạc nhiên:

–    Vậy là vụ này nhiều người biết hả chú?

–    Mô có! Mi là người đầu tiên. Cho mi chạy trước. Yên tâm đi. Chưa ai biết đâu. Tau phải chọn người chứ.

      Thuận hớn hở, xiết tay ông Quán:

–    Cám ơn chú quá.

–    Ừ, suy nghĩ đi, liệu làm được thì mai cho tau biết.

      Thuận muốn hỏi thêm cho rõ chi tiết nhưng ông Quán bảo:

–    Có gì thảo luận sau. Tau về. Ông Lộc đợi tau ngoài xe.

      Ðịnh quay vào, nhưng chợt nhớ ra một việc, Thuận chạy theo:

      –     Chú Quán ơi, mai chú có nhà không?

      –     Không chắc. Có chuyện gì vậy?

      Thuận ngập ngừng:

–     Thì cháu có…có chút quà.

      Ông xua tay:

–     Cái thằng này. Cứ bày cái trò, tau không thích.

–    Dạ, cháu biết lòng chú. Nhưng với cháu thì mô có được.

      Ông Quán nghiêm mặt:

–     Tau đã nói rồi. Ðừng làm thế. Tau hoạt động bao nhiêu năm cho cách mạng, đừng coi thường tau như thế

      Thuận giả lả:

–     Cháu biết. Thôi thì để cháu ghé thăm thím vậy.

      Không biết có nghe hay không, ông Quán bước vội ra ngoài đường.  

*

      Rời chỗ làm của ông Quán, Thuận rú xe phóng thẳng về phía An Cựu, quành qua ngả sân vận động, quẹo vào một con đường đất quanh co. Hồng ngạc nhiên, hỏi:

      –     Thuận đi đâu thế này. Mua hàng hả?

      –     Mua hàng đâu vùng này. Về nhà cha Quán.

      –     Ông Quán ở vùng này à?

      –     Ừ.

      –     Ở mô lận?

      –     Vân Dương.

      –     Sao kỳ vậy?

      –     Gì mà kỳ.

      –     Thì ông Quán sao lại ở vùng nhà quê như thế này.

      –     Ai mà biết!

      Phải băng qua nhiều cánh đồng lúa liên tiếp nhau, vào một đoạn đường làng đầy tre, mới đến nhà ông Quán. Ngôi nhà gỗ cũ xưa với nhiều cửa ra vào, nằm không xa cái trụ sở xã mới xây ở phía bên kia đường. Vườn rộng. Rải rác đó đây là gạch, cát, cột, kèo và một cái sườn nhà đã ráp sẵn. Chắc đây là những vật liệu chuẩn bị để xây nhà, Hồng nghĩ bụng.

      Nghe tiếng xe, một người đàn bà chạy ra. Thấy Thuận, bà ta đon đả:

      –     Kìa chú…chú gì, tui quên mất tên. Nhiều chú quá, lú lẫn không nhớ nổi. 

      –     Dạ, thưa thím, Thuận.

      –     À, Thuận. Chú Thuận. Phải rồi, tui nhớ ra rồi. Mạnh khỏe không chú?

      –     Dạ, cả mạnh và khỏe.

      –     Ôn tui không có nhà đến nơi. Ôn đi mô mà đi từ sớm lận.

      –     Dạ, thưa thím, chú đang làm việc ở trên trạm. Cháu mới từ trên đó về đây.

      –     Rứa à. Ôn tui có nhắn chi khôn?

      –     Dạ không thím à. 

      –     Rứa đi mô rứa?

      –     Dạ, cháu ghé thăm thím chút.

      –     Rứa mời vào nhà uống chén nước. Có chè truồi mới nấu.

      Nói xong, người đàn bà bước vội vào trong nhà. Thuận dựng xe đầu ngõ, đi bộ theo. Hồng khều Thuận:

      –     Vợ ông Quán sao Thuận?

      Thuận gật đầu. Hồng sửng sốt nhìn người đàn bà. Và bắt đầu cười. Cười ngặt nghẽo. Thuận ngạc nhiên hỏi:

      –     Gì mà cười dữ vậy?

      Hồng không trả lời, vẫn cứ cười, cười chảy nước mắt.  Thuận bực, gắt:

      –     Vô duyên. Chẳng có gì đáng cười cả. Nào, sao cười?

      Hồng cố ngưng, nhưng không được, vừa nói vừa cười:

      –     Hồng tưởng…

      Nàng sặc, ngừng lại, rồi tiếp:

      –     Hồng tưởng…

      –     Tưởng gì?

      –     Tưởng là mạ ông Quán.

      Quả vậy, mới gặp, nàng cứ tưởng người đàn bà là mạ ông Quán. Nàng định buột miệng chào “thưa mệ”, may mà chưa kịp thốt ra. Bà ta ốm. Tóc bạc hầu như hết cả đầu. Tay chân gầy gò. Nếu không có bộ áo quần sạch sẽ, khá tân thời với đôi dép “xa bô” mới thì bà ta trông chẳng khác bất cứ bà mẹ quê chính hiệu nào mà nàng thường thấy. Ông Quán, tuy cũng già thật, cũng quê thật nhưng nàng không thể ngờ ông ta lại có một bà vợ quê rích quê rang như thế này. Trong lúc Thuận tán hươu tán vượn về lòng tốt của ông Quán, thì nàng không bỏ lỡ cơ hội nào ngắm nhìn người đàn bà trước mặt. Ngắm rồi so sánh với những gì mà trí tưởng của nàng từng vẽ vời về bà vợ của một tay trưởng trạm quyền hành hiện đang ban ơn ban phước cho khá nhiều người. Nàng chợt hiểu tại sao ông ta chẳng bao giờ mang vợ theo.

      Ngắm đã, Hồng tò mò nhìn từng thứ bày biện trong phòng khách. Chỉ trừ cái tủ thờ trông cũ kỹ, còn tất cả đều mới. Có cái mới tinh. Tủ buýp phê sáng bóng với bốn năm chai rượu ngoại và ly uống rượu, sắp xếp khá kiểu cách. TV đời mới. Quạt máy đứng Hitachi có lớp giấy dầu trùm lên. Máy nghe nhạc. Bộ đồ trà bằng sứ Nhật thật đẹp. Chắc tất cả đều là quà cáp, biếu xén. Nàng chăm chú nhìn cái tủ thờ. Tuy cũ, nhưng những đồ thờ để trên đó lại mới tinh. Một tượng Phật  ngồi bằng đồng, có vòng hào quang nhấp nháy. Hai lư đồng hai bên bóng sáng. Những tấm ảnh người đã khuất sang lớn, lồng khung trang trọng. Ba cây hương trầm thơm phức đang cháy nửa chừng. Bất cứ cái gì ở đây, kể cả bà vợ ông Quán đều chứa đựng những nét tương phản, ngược ngạo đến buồn cười.

      Sau khi nói quanh nói quất năm điều ba chuyện, Thuận đi ngay vào vấn đề chính:

      –     Hôm nay, tụi cháu ghé thăm thím, có mang một món quà…gửi thím.

      Người đàn bà nói, giọng thành thật:

      –     Quà chi mà quà hoài rứa. Mà chú đã hỏi ôn tui chưa? Ôn tui dặn hoài là đừng lấy đồ của người ta biếu, phiền lắm.

      Thuận cười:

      –     Thì khi mô dám không hỏi chú trước. Chú đồng ý, tụi cháu mới dám xuống đây.

      Thuận rút từ túi quần  ra một gói giấy nhỏ, gói gọn năm chỉ vàng, đặt trên mặt bàn kiếng. Người đàn bà hỏi:

      –     Cái chi rứa?

      –     Dạ, mô có chi. Chút quà mọn mà thím.

      –     Mấy chú trên nớ phiền thật. Cứ cho hoài cho hủy.

      –     Không phải mô thím. Chú tốt với tụi cháu lắm. Thôi xin phép thím cho tụi cháu về. Khi mô rảnh về đây nhậu với chú một bữa.

      Người đàn bà vui vẻ:

      –     Ừ, về đây nhậu một bữa đi. Ưng gà, có gà. Ưng vịt có vịt. Ưng cá có cá. Ðồ nhắm không thiếu.

      Trên đường về, Hồng vẫn còn cười rúc rích:

      –     Khi nãy, Hồng định “thưa mệ” đấy, Thuận biết không?

      –     Thôi đủ rồi.

      Hồng ngừng cười:

      –    Trông mặt mày hiền dữ a. Có lẽ nhờ hiền vậy mà về già được hưởng phước nhỉ.

      Thuận quay lui:

      –    Ở đó mà hiền! Cả hai người đều là công an thứ thiệt đấy.

      –     Công an thì sao?

      –    Trời! công an từ thời trước giải phóng ở trong rừng lận. Nghe người ta kể, khiếp lắm. Mà thôi, nói chuyện khác. Giờ bà muốn về nhà hay chạy hàng với tôi?

      Hồng dựa sát vào sau lưng Thuận, hai tay vòng ra truớc ôm lấy bụng Thuận, xiết chặt lại:

      –     Ði thì đi!

CHƯƠNG 21

Tin Thuận bỏ nhập hàng xô để đi chạy hàng xịn tạo nên một chấn động dây chuyền. Vài ngày sau, hầu như dân buôn trầm quanh quanh thành phố đã biết hết. Mọi người gặp nhau hân hoan kháo: “Hàng ăn lại rồi, hàng ăn lại rồi”. Ðã thấy xe Honda chạy ngược chạy xuôi vào trong những con hẻm. Ðã thấy những quán nhậu đầy ắp người. Thị trường vàng dọc theo đường phố rộn rịp hẳn lên. Những người nghèo gặp nhau bàn kế hoạch đi cội. Thương lái chạy qua chạy về trao đổi tin tức về nguồn hàng, về giá cả. Vui mừng nhất là những người mua lỡ hàng trước khi hàng đứng. Họ lôi những gói hàng cất giữ cẩn thận ra từ một xó xỉnh nào đó ra săm soi chùi rửa, đánh bóng, ngâm nước, độn chì, cân kéo lại và âm thầm tính toán giá cả.  Và trong số những người khấp khởi mừng thầm vì hàng ăn, chắc chắn có những đội viên của đội công an Kinh Tế 3 của đại úy Lộc. Họ có thêm nhiều việc để làm và có thêm nhiều nguồn lợi  bất ngờ. Chả thế mà ngay chiều hôm đó, cậu nhân viên trẻ tuổi Kinh Tế 3 ghé nhà Thuận, hỏi:

      –     Nghe nói hàng ăn rồi phải không anh Thuận? Ngày nay kiếm được bận nào không? Còn bận hàng hôm qua đưa anh thế nào?

      –     Hồng đã gửi mấy khâu cho đại úy rồi mà.

      –     Rồi. Hàng ăn mà cáp giá thấp thế à?

      Thuận thực sự lúng túng:

      –     Hàng có ăn quái gì đâu. Thiên hạ ưa tung tin đồn nhảm.

      –     Thế à!

      Tay công an kinh tế ném vào Thuận một nụ cười ý nhị, rồi rú xe chạy đi.

      Những ngày tiếp sau đó, giá vàng tăng vọt. Ðiều buồn cười là không ai bán được hàng. Cũng chẳng ai mua được hàng.  Người bán thì ôm hàng, đợi giá cao hơn. Người mua thì lại ngần ngại, vì chẳng biết mua hàng rồi bán lại cho ai. Thương lái đi Sài Gòn, tuy nhấp nhỏm chạy quanh, nhưng chưa ai thực sự đóng hàng đi. Người duy nhất có được thông tin về hàng là Thuận. Vì thế, ai cũng muốn tìm Thuận để hỏi. Nhưng những người gặp Thuận, lại nghe Thuận nói lửng lơ con cá vàng:

      –     Tôi định mua ít hàng cất để dành. Rẻ thì mua mà cao quá thì thôi.

      Rốt cuộc, chẳng có anh nào bán hàng được cho Thuận.

      Thị trường đột nhiên sôi động, rồi đột nhiên dịu xuống.  Dân buôn trầm ngơ ngác nhìn nhau.

*

      Sáng hôm đó, Thuận gọi Hồng dậy sớm:

      –     Ði mua hàng, bà. Ta đánh nhanh rút nhanh ngày hôm nay.

      Thuận  ghé nhà một chị buôn vàng quen biết, bán một lần năm “cây”, nhét tiền vào túi xách. Hai người ghé những nhà mà Thuận biết chắc là có hàng nhờ những ngày xôn xao trước đó. Bận hàng nào, anh cũng nâng giá lên một chút. Nếu đồng ý bán, anh trả ngay tiền mặt và mang hàng đi. Nếu không, anh dứt khoát bỏ đi, không trở lại. Cách tính toán này tỏ ra có hiệu quả. Dù người ta truyền miệng nhau về việc Thuận đang chạy hàng, thị trường vẫn yên ả, không còn lên cơn sốt như tuần trước.

      Nhờ thế, chỉ trong vòng có buổi sáng, Thuận đã mua được một số hàng đáng kể, tiêu gần trọn số tiền bán vàng. Sau khi kiếm chỗ cất giấu an toàn, đến chiều, Thuận lại rủ Hồng dậy đi tiếp. Hồng nhăn mặt:

      –     Thuận đi một mình đi. Mình mệt quá rồi. Mình chẳng biết mua hàng mua hóa gì, tới đó cũng chỉ ngồi. Chạy lui chạy tới cả buổi sáng, chóng mặt quá.

      Thuận nịnh:

      –     Có bà đi theo, hên. Bà thấy không, mình tính gì được nấy. Ði cho vui. Chuyến này trúng lớn tôi mua cho bà cái nhẫn hột xoàn.

      –     Ðừng mơ mộng viễn vông.

      –     Không mơ mộng gì hết. Cha Quán đã dẫn tôi đi gặp tay giám đốc công ty rồi. Họ đang đói hàng lắm. Giá nào họ cũng mua. Chỉ có một điều còn lấn cấn là không biết tính toán với cha Quán thế nào.

      Hồng im lặng đi thay áo quần. Nhưng sực nhớ ra một điều, nàng hỏi:

      –     Nhưng mình mô có còn tiền?

      –     Lo gì. Ði cái đã, mọi chuyện tính sau.

      Thuận đến nhà chị bán vàng quen, “bán miệng” thêm hai cây nữa. Hai người vào một “xóm trầm” trong Thành Nội. Gọi là xóm trầm, vì hầu như tất cả mọi nhà ở đây đều có người dính líu đến trầm. Người thì đi cội, kẻ thì là thương lái, người thì là thợ làm trầm, kẻ thì chạy cò. Họ liên kết với nhau thành một hệ thống. Nếu có bất cứ hiện tượng gì bất thường xảy ra là nhà này báo cho nhà kia để đề phòng. Vì thế, tuy ai cũng làm trầm, chứa trầm, nhưng chưa ai bị bắt. Mọi người đều có “đóng hụi chết” cho phường. Nếu có bóng công an hay thuế vụ vào trong xóm là tự động có người báo cho cả xóm biết để tẩu tán hàng hóa, bằng cách chuyền từ nhà này đến nhà khác.

      Thuận ghé nhà một tay chạy cò, hỏi tình hình hàng hóa, rồi rủ anh ta đi quanh xóm tìm hàng. Thấy Hồng không mấy vui, Thuận nói Hồng ở lại đó chơi, đợi anh về. Thực ra, nếu Thuận không nói, nàng cũng kiếm một chỗ nghỉ ngơi, đợi Thuận.  Lười biếng đã đành. Nàng quá chán với trò kỳ kèo bớt một thêm hai và trò chiến tranh tâm lý trong việc mua bán thứ hàng kỳ lạ này. Nàng đang sống nhờ nó, lên chân với bạn bè nhờ nó, ấy thế mà chẳng mấy khi nàng thấy giữa những miếng hàng vô tri vô giác kia với  cuộc đời mình có một liên hệ gì có ý nghĩa. Nhiều lần đi với Thuận, buộc phải ngồi chứng kiến hai bên mua bán, nàng nhìn như nhìn một hoạt cảnh trên đường phố trong lúc đầu óc đang mải mê nghĩ chuyện đâu đâu.

      Hồng lục túi tìm cuốn “Hồng Ngọc”, truyện dịch của Leon Uris.  Nhìn quanh nhìn quất trong phòng khách thấy có cái ghế xếp, nàng mang đến bên cửa sổ, mở ra ngồi dựa vào, đọc.  Nắng chiều nhàn nhạt xuyên qua cây song thọ đào ngoài sân dọi vào chỗ Hồng, làm nàng ngất ngây buồn ngủ. Chợt nghe tiếng người xôn xao. Nàng giật mình tỉnh giấc, ngượng nghịu nhìn ra. Nhiều người cười nói ầm ĩ  ngoài sân.  Họ dựng xe đạp, rồi kéo nhau vào nhà. Kìa, Lục. Sao Lục lại có mặt ở đây?  Nàng ngạc nhiên nhìn, nhận ra thêm một người quen nữa: Tuấn. Rồi Kim. Thấy Hồng, họ đồng thanh kêu lên:

      –     Chị Hồng.

      –     Bỗng không chị lại có mặt ở đây.

      –     Chào bông hồng xứ Huế.

      Hồng hỏi Lục:

      –     Tự dưng sao anh ở đây?

      Lục đọc thơ:

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ

      Vô duyên đối diện bất tương phùng.

      Hồng nhìn những người còn lại:

      –     Chào anh Kim, anh Tuấn. Sao các anh lại cùng có mặt ở đây thế này?

      Kim nói:

      –     Ðây là nhà tôi, chị Hồng ạ.

      Hồng “ồ” lên một tiếng ngạc nhiên, nói:

      –     Các anh cũng đi mua hàng à?

      Kim lắc đầu:

      –     Hàng họ gì với tụi này chị. Tôi có thằng em chuyên chạy mối trầm. Tôi không quen việc buôn bán. Ðã thế lại yếu bóng vía nên chỉ đi làm thợ thôi.  Tôi là thợ tiện chị à.

      Hồng chép miệng:

      –     Lâu lắm mới gặp lại anh. Anh nghỉ  luôn từ lần họp đó nhỉ?

      –     Chị biết rồi, tôi là sĩ quan biệt phái, không được lưu dung. Sau lần họp đó, tôi phải đi cải tạo ở Hải Cát, chị.

      –     Anh không lên Bình Ðiền sao?

      –     Vâng, cũng may. Tôi tội nhẹ, chỉ đi học ba tháng.

      Mọi người đều cười. Kim nhìn Hồng, giải thích:

      –     Nói thật với chị, tụi tui tình cờ gặp nhau, rủ nhau kéo về đây nhậu cho vui. À quên, chị đang chạy hàng?

      –     Không. Tôi cũng như anh, chẳng quen với chuyện buôn bán. Tôi ngồi chờ người bạn.

      –     Vậy thì xin chị cứ tự nhiên. Bọn tôi xin lỗi. Cùng một lứa bên trời lận đận. Hầu hết anh em đây đều là dân xe thồ.  Xin giới thiệu với các anh, đây là chị Hồng, đồng nghiệp của tôi hồi trước giải phóng. Còn đây là Tuấn. Ủa Tuấn cũng quen với chị Hồng sao? Ờ, thanh phố nhỏ mà. Còn đây là Hạnh, Tùng, Miễn, Lý. Lý bị bắt làm tù binh năm 1973, mới được thả về.

      Hồng nhìn Lý, le lưỡi:

      –     Trời, ở ngoài đó đến 11 năm. Khổ không anh?

      Lý nhún vai:

      –     Thì cũng khổ như mọi người. Ai sao, tôi vậy. Cộng nghiệp mà. Ðâu phải riêng ai chịu. Chị còn đi dạy?

      –     Không, anh ạ.

      –     Chị đàn bà thì có tội gì?

      Hồng cười:

      –     Dạ, tội…con tư sản.

      Kim mời mọi người đến cái bàn ở góc nhà. Anh nhìn Hồng ngần ngừ:

      –     Chị cứ tự nhiên. Nhưng nếu chị không ngại thì tới chung vui với tụi tôi. Hơn một nửa là nhà giáo, còn nửa kia là…ngụy.

      Hồng cười:

      –     Thì tôi cũng ngụy vậy.

      Mọi người cười xòa rồi lần lượt tới ngồi quanh bàn. Hồng nhận cốc nước trà từ tay Kim, rồi dịch ghế đến ngồi gần Lục.  Nàng vừa trao đổi đôi điều bâng quơ với Lục vừa kín đáo nhìn quanh. Như mọi cuộc nhậu bình dân khác, đồ nhậu đơn giản: ít bịch đậu phụng, đĩa lòng tạp xào, vài lọn chả và rượu trắng.  Khách nhậu đều trong bộ đồ lao động tồi tàn. Hồng chợt  nhớ đến bữa nhậu ở nhà nàng tuần trước. Hai cuộc nhậu, hai hoàn cảnh, hai loại người, hai phong cách. Một bên nhậu vì thiếu, một bên nhậu vì thừa. Hai cuộc nhậu, hai cách đổi đời. Ở bên nào, nàng cũng thấy có phần của mình. 

      Sau khi rót rượu, nâng ly mời mọi người vào tiệc, Kim nhìn Hồng, cười:

      –     Mời chị “vô”luôn. Chị xem, trong lúc cả lũ chúng tôi đã đổi đời toàn diện thì hình như chị vẫn như vậy, vẫn là cô tiểu thư Hồng ngày nào. Xin mừng chị.

      Kim cạn ly. Thấy Hồng đang cầm trong tay cuốn sách, Kim hỏi:

      –     Chị đọc cuốn gì vậy?

–     Hồng Ngọc, truyện dịch.

      Hồng đưa cuốn sách. Mọi người chuyền tay nhau, lật ra xem. Rồi hỏi han, bàn tán, phê bình, nhắc nhở. Cuốn truyện thoáng chốc trở thành đề tài sôi nổi trong cuộc rượu. Mọi người hào hứng đua nhau nói về văn chương chữ nghĩa, về những tác phẩm trước giải phóng rồi lang mang đi xa hơn, bàn về những ngày tháng cũ, từ chuyện học hành cho đến chuyện lính tráng, chiến tranh. Hồng hào hứng góp ý. Trong thoáng chốc, nàng như bỗng được sống lại những lần họp bạn, những buổi họp giáo sư, những trại hè sôi nổi ngày nào. 

      Thuận trở về khi mọi người đang cao hứng nói, cao hứng uống. Anh im lặng đứng nhìn, ngạc nhiên không hiểu tại sao Hồng lại vui vẻ ngồi nhậu với đám đàn ông tồi tàn này. Bỗng thấy Lục, rồi lại nghe mọi người bàn tán chuyện văn chương chữ nghĩa gì đó, anh hiểu ra. Anh gọi lớn:

      –     Hồng!

      Hồng giật mình quay lại, thấy Thuận, bèn đứng dậy: 

      –     Thuận đi mô mà đi dữ rứa?

      Thuận cười khan:

      –     Bà nhậu nhẹt tưng bừng như thế còn hỏi gì nữa.

      Hồng không lưu ý đến vẻ khó chịu của Thuận, cười:

      –     Làm gì mà nhậu với nhẹt tưng bừng. Mình chỉ uống trà nói chuyện thôi. Bạn quen cũ cả. Ðây, anh Lục này, kia là anh Kim, cùng dạy với Hồng hồi đó ở Nguyễn Tri Phương, anh Tuấn. Còn đây là Thuận.

      Kim nói:

      –     Mời anh Thuận nhập cuộc với tụi này luôn. Phục, cả chú nữa, tới đây.

      Phục, em Kim, vui vẻ ngồi vào bàn. Thuận miễn cưỡng bước tới, bưng cốc rượu từ tay Kim, nốc một hơi. Thấy mọi người đột nhiên ngừng uống nhìn mình và Hồng, anh bất giác cảm thấy nhột nhạt. Kim mời Thuận ngồi xuống. Thuận từ chối. Anh không thể chịu nổi những khuôn mặt này. Trông chúng vừa kiêu ngạo vừa bần tiện. Anh cố nén cơn giận, nhìn Hồng, gằn giọng:

      –     Về!

      Nói xong, Thuận gật đầu chào, hậm hực đi một mạch ra ngoài. Hồng hốt hoảng theo Thuận bước ra, miệng lí nhí nói gì đó, không ai nghe rõ.

CHƯƠNG 23

      Thuận chở hàng đến chỗ an toàn xong, trở về. Hồng hỏi:

      –     Hàng chừng đó đủ để nhập cho công ty chưa?

      Thuận lầm lì nhìn nàng, không nói, đi thẳng xuống bếp, rửa tay. 

      Rửa ráy xong, Thuận chẳng nói chẳng rằng, lấy xe đi.  Hồng đóng cửa, vào phòng, ngồi đọc tiếp “Hồng Ngọc”. Chốc chốc, nàng gấp sách, nhìn ra cửa, nghe ngóng, đợi. Ðợi mãi, vẫn không thấy Thuận về. Lại đọc tiếp. Ðến đoạn người cha khuyên cô con gái độc nhất của mình đi sống thử với người bạn trai mà cô vừa quen trước khi quyết định đám cưới, nàng gấp sách lại, ngẫm nghĩ vu vơ. Ðời sống ở Mỹ “đã” thật. Ðàn bà, con gái yêu đương tỉnh bơ, không hệ lụy gì vào chuyện đạo đức, danh giá như ở Việt Nam, nhất là ở Huế. Nàng mỉm cười, thì nàng cũng vậy chứ sao! Nàng đã thoát khỏi những chuyện lỉnh kỉnh về đạo đức, danh giá từ lâu.  Nàng sống cho mình, đơn giản, thoải mái. Con gái cưng của một gia đình giàu có thì được gì! Cô giáo dạy văn chương thì được gì! Vợ hiền lý tưởng của một ông thầy dạy toán thì được gì! Rởm. Nàng đã thoát, thoát hẳn. Thoát hẳn cái thế giới hẹp hòi của những đàm tiếu, thị phi, chê bai, phỉ báng. 

      Hơn chín giờ tối. Thuận vẫn chưa về. Hồng cất sách, đi ngủ.

     Tỉnh giấc, không thấy Thuận nằm một bên, nàng nhìn ra phòng khách. Ðèn sáng. Nàng ngồi dậy, bước ra. Thuận ngồi bệt giữa sàn nhà, tỉ mỉ kẻ bút chì đen lên những miếng trầm.  Năm, sáu vỏ bia  nằm lăn lóc chung quanh. Hồng đặt nhẹ tay lên vai Thuận:

      –     Thuận về bao giờ thế?

      –     Mặc tôi!

      –     Gì vậy? Giận à?

      Thuận gỡ tay Hồng ra:

      –     Ai thèm.

      Hồng túm cái “rốp” ngủ ra phía trước, ngồi xuống sàn nhà, đưa tay lấy miếng trầm lên xem. Thuận dằn lấy:

      –     Ðừng có đụng đến. Mặc tôi!

      Thấy Thuận mặt mày đỏ gay, đôi mắt toát ra những tia nhìn hung dữ, Hồng biết là anh đang giận. Giận thì thôi! Hồng lặng lẽ đứng dậy, trở vào phòng, nằm nghiêng người nhìn ra.  Bóng Thuận đổ dài cả phòng. Thân hình to, khỏe. Tóc rủ dài quá gáy. Trông anh từa tựa như một quái nhân trong hang động của các phim kiếm hiệp Hồng Kông. Với người đàn ông này, mọi sự trở nên vô cùng đơn giản. Thuận chỉ biết giận chứ không biết hờn. Thương, ghét rạch ròi. Nhìn nét mặt hay quan sát một cử chỉ nào đó là có thể đoán ngay được anh ta đang nghĩ gì. Nhiều lúc thấy Thuận ngồi có vẻ như đang trầm tư, Hồng hỏi này Thuận đang suy nghĩ gì trong đầu vậy, anh trả lời, chẳng có gì. Mình không tin, nhất định Thuận phải có nghĩ một cái gì trong đầu. Thuận nói không có gì hết, tại sao phải nghĩ cho mệt. Hồng tin Thuận. Sau bao tháng ngày chung sống, nàng biết rõ  anh chẳng có gì trong đầu thiệt. Mà nếu có, thì  chắc Thuận cũng chẳng có đủ chữ để diễn tả ra. Trong đầu anh ta nhất định chẳng có thơ phú, không có ca dao, không có những tư tưởng rườm rà. Làm gì mà có những “tôi nhìn tôi trên vách”, “cũng đành”. Làm gì có “hai sắc hoa ti-gôn” hay “diễm xưa”, “bây giờ tháng mấy”. Cái thế giới chữ nghĩa mông lung ấy chẳng có một mảy may tác dụng gì với Thuận. Chúng không hiện hữu.

      Có lẽ vì thế mà hai người ít khi giận nhau. Hoặc nếu có giận thì cơn giận cũng chóng qua. Không như hồi còn ở với Thiết. Hai người rình mò, dò dẫm, soi mói từng cử chỉ, từng lời nói, từng cách biểu lộ tình cảm của nhau. Ðể rồi ray rứt, đay nghiến, than thở, giận hờn, trách móc. Nàng luôn luôn phải thủ thế, đề phòng. Nàng giấu giếm những cảm giác thật của mình.  Ngay cả trong những lúc ân ái, nàng cũng dè xẻn, chống chọi với mình để tránh những biểu lộ thỏa mãn quá đáng, vì sợ chồng hiểu lầm. Rõ ràng là nàng chỉ sống vì cái khác. Sống vì danh nghĩa và vì chữ nghĩa. Với Thuận, nàng sống tràn trề, thỏa mãn, khỏe khoắn. 

Nghĩ ngợi bâng quơ, Hồng thiếp đi trong chốc lát. Chợt có ai bấu mạnh vào vai. Nàng kinh hoàng mở mắt ra định la lên. Một bàn tay mạnh mẽ bịt miệng nàng lại. Thuận. Nàng bật cười hỏi hết giận rồi sao Thuận. Thuận chẳng nói chẳng rằng, chồm tới, thân hình trần truồng phô ra những bắp thịt cuồn cuộn. Tia nhìn man dại, sôi sục. Từ ngày ở với nhau, chưa bao giờ nàng thấy một Thuận có vẻ khác thường như thế này. Nàng cuống cuồng sợ hãi, dịch xuống cuối giường. Anh nắm cổ áo Hồng, kéo lại. Hồng cưỡng. Thuận đè tay nàng, giựt mạnh. Xoẹt! Một âm thanh khô khan kêu lên.  Chiếc áo Hồng toạt ra. Thuận nắm phần áo còn lại, giựt tiếp.  Hồng chống cự yếu ớt. Thuận xé ngang xé dọc. Chỉ trong chốc lát, chiếc rốp rách thành nhiều mảnh, rơi xuống nền nhà.  Hồng  trần truồng, run rẩy, kêu nhỏ:

      –     Thuận!

      Hai tay Thuận nắm chặt hai cánh tay Hồng, nhìn trân trối.  Bỗng anh đưa tay tát mạnh vào má Hồng. Hồng nhắm mắt lại, choáng váng. Nàng chưa kịp phản ứng thì một cái tát nữa rơi vào má bên kia. Ðầu óc nàng điên đảo. Nàng mở mắt, nhìn trân vào khoảng ngực chắc, khỏe của Thuận vục đầu vào cắn.   Thuận dằn mạnh ra, đưa tay chỉ vào thân thể mình, giọng khàn đục:

      –     Này, mày xem thân thể tao này. Con nào cắn, con nào bấu, con nào cào. Chỉ có tao mới để cho mày hành hạ như thế này. Có thằng nào chịu cho mày cắn, mày xé hả?  Mày nhìn đây, có thằng nào, hả? Trừ tao ra, mày biết không? Trừ tao ra, trừ tao ra.

      Hồng không nói không rằng, vùng vẫy. Thuận thở phì phò.  Tay Thuận nới lỏng. Hồng dùng hai tay đánh binh binh vào người Thuận, rồi cào, cấu trên khoảng da thịt chắc nịch. Hai người đổ xuống giường, lăn lộn.      

*

      Hồng ngủ vùi mê mệt.

      Ánh nắng mặt trời chiếu xuyên qua khung cửa gương chói chang đánh thức nàng dậy. Thuận không có một bên. Nàng tung mền lao xuống giường. Chợt thấy thân thể hãy còn trần truồng, nàng hoảng hốt lấy mền trùm lại. Nhìn quanh. Thấy cánh cửa phòng vẫn còn đóng kín, nàng yên tâm buông mền ra. Chiếc “rốp” ngủ tả tơi nằm ngay dưới chân giường. Nàng nhặt lên, cột chặt bằng sợi dây lai áo. Mỉm cười vu vơ. May mà lần này là áo cũ, nàng nhủ thầm. Bao nhiêu áo quần đã tả tơi theo cơn cuồng loạn, Hồng chẳng còn nhớ rõ.

      Thay áo quần xong, nàng đi quanh các phòng. Hai đứa con đã đi học. Hàng hóa Thuận lui cui làm hồi hôm không thấy.  Chắc Thuận đã mang hết hàng đi. Nàng đứng trước tấm gương lớn của cái tủ áo quần trong phòng khách, ngắm nghía.  Vẫn cô Hồng nhỏ nhắn, mảnh khảnh yêu đời. Nàng nghiêng hai bên má để nhìn cho kỹ.  Mấy cái tát nẩy lửa của Thuận chỉ để lại một vết đỏ mờ nhạt nằm phía dưới mang tai trái. Chưa đến nỗi nào. Nàng xoay người, cảm thấy cánh tay phải ê ẩm.  Xăn tay áo lên, thấy dấu răng của Thuận còn để lại những vết  tím bầm.

      Hồng lấy xe đạp, đạp qua cầu Ðông Ba. Nắng sáng chan hòa trên giòng sông Gia Hội. Gió sớm phơn phớt lạnh luồn qua áo, mơn man trên thân thể. Qua cầu, gió mạnh hơn. Nàng đưa một tay túm cổ áo lại, rùng mình, khoái cảm. Người cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, đầy ắp sinh lực, tưởng chừng như trẻ lại, đang trở về cái thời vô tư xưa cũ ngày nào. Xuống khỏi cầu, định về phố, nhưng Hồng đổi ý, đi thẳng vào cửa Ðông Ba.  Ðạp dọc theo đường Thượng Thành, quẹo vào một đường hẻm có hàng chìa tàu ở hai bên đường cao quá đầu người. Gặp một con đường đâm ngang, lại quẹo nữa. Ði quanh đi quất  chợt thấy khung cảnh quen quen, nàng nhận ra cái cổng với hai cột  trụ xi măng quét màu vàng của nhà Lục. Nàng đạp chậm lại, bối rối. Có nên tạt vào thăm anh chàng một chút? Phải chi có mang theo cuốn “Hồng ngọc” thì hay biết mấy! Nhưng nàng đã đọc xong đâu. Thôi, để khi khác. Chợt nhớ đến Thanh, nàng đạp thẳng đến nhà Thanh. Thấy Hồng, Thanh ngạc nhiên:

      –     Sao biết tôi ở nhà hôm nay mà ghé đến vậy?

      Hồng ngơ ngác:

      –     Tôi làm sao biết hôm nào bà ở nhà.

      –     Vậy thì sao bà đến giờ này?

      Hồng bật cười:

      –     Tôi không hẳn định đến đây. Ðang đi vòng vòng, sực nhớ đến bà, ghé chơi. Có thì tốt, không thì đi tiếp.

      Thanh kéo ghế cho Hồng ngồi, nói:

      –     Bà là kẻ sung sướng nhất trần gian.

      –     Sao vậy?

      –     Thì bà nhìn quanh mà xem, thiên hạ ai cũng đầu tắt mặt tối, mong sáng ra là chạy đôn chạy đáo kiếm tiền. Chỉ riêng mình bà là đạp xe đi thẩn thơ, không mục đích. Y như hồi còn học sinh không bằng.

      Hồng gục gặc đầu:

      –     Thì bà nghĩ xem, tôi đâu có biết phải làm gì.

      –     Ấy là vì bà có người lo rồi, chứ nếu không thì…

      Hồng lảng sang chuyện khác:

      –     Mà hôm nay sao bà ở nhà vậy?

      –     Ngày qua ở cơ quan có hội nghị đến khuya, công đoàn cho chia nhau nghỉ bù.

      Hồng đề nghị:

      –     Hay là bọn mình đi đâu đó chơi hè?

      Thanh lắc đầu:

      –     Nghỉ được một ngày, phải tranh thủ lo việc nhà. Anh Vân đi Sài Gòn lại rồi.

      –     Sướng nhỉ!

      –     Ðừng khen. Bọn này tìm cách vào Nam đấy. Không được hồn nhiên như bà đâu.

      Hồng ngạc nhiên:

      –     Vào Nam? Ông bà có công ăn việc làm ổn định vậy, sao lại bỏ đi?

      –     Ổn định cái gì?

      –     Thì bà là cán bộ công nhân viên, còn ông thì là cán bộ hợp tác xã.

      Thanh hạ giọng:

      –     Bà biết rồi, họ đâu có tin tụi mình. Làm thì làm vậy, chứ mai kia mốt nọ, không ai biết đâu. Mà lại, đồng lương chẳng ăn nhập gì đến thị trường hết trơn. Mình lo tính sớm thì hơn. Trong Nam dù sao cũng dễ thở. Chẳng ai biết mình là thứ gì.

      Có tiếng bà mẹ chồng từ trong gọi ra:

      –     Thanh ơi, vào xem mấy cái thùng này cất ở đâu, mạ chẳng biết.

      Thanh đứng dậy:

      –     Bà ngồi chơi nhé. Hôm nay bà cụ dọn phòng. Bà trở chứng muốn dời qua ở phòng cũ của  ông cụ.

      Thấy Thanh có vẻ bận bịu thiệt tình, Hồng đứng dậy:

      –     Thôi tôi về. Khi khác lại chơi. Bà lo việc của bà đi.

      Hồng bước xuống tầng cấp. Thanh bỗng gọi giật:

      –     Hồng ơi, quên nói chuyện này. Anh Vân gửi thư ra nói có gặp anh Thiết. Anh đứng bán nước mía đâu ở bến Bạch Ðằng. Bà biết chưa?

      Nghe nhắc đến Thiết, Hồng dừng lại. Nàng đứng sững, thở dài:

      –     Thế à!

      Rồi đạp vội đi.

*

      Vừa bước vào phòng, Hồng giật mình lùi lại, kinh hãi. Giường ngủ, sàn nhà ngập đầy sách báo, giấy vụn. Tất cả như vừa trải qua một cuộc đập phá kịch liệt. Nhà nàng vừa bị ăn trộm? Nàng chạy quanh thử các chốt cửa, ổ khóa. Mọi thứ vẫn nguyên vẹn. Phòng nàng, đồ đạc đâu vẫn nằm đó.  Chỉ có cái tủ sách nhỏ đặt ở góc phòng và kệ sách để ngay trên đầu giường là bị xáo trộn. Hai cánh cửa tủ mở toang. Một cánh chỉ còn dính với bản lề ở phần dưới. Tủ trống trơn. Trên kệ sách, chỉ có một cuốn tự điển Larousse cũ kỹ nằm đó, mở ra, nhiều trang giấy bị xé toạt. Hai giòng nước mắt chảy dài trên má, âm thầm giọt xuống đất. Nàng đứng như trời trồng giữa phòng, thất thần.

      Mãi một hồi lâu, Hồng  mới định tĩnh. Nàng ngồi sụp xuống nền nhà, bò quanh, rờ rẫm từng cuốn sách,

từng mảnh giấy vụn. Những cuốn vở ghi chép, sổ nhật ký, lưu bút đều bị xé vụn. Cuốn “Một thời để yêu một thời để chết” nàng mới mượn của Lục bị xé rách nát, bìa theo đàng bìa, giấy theo đàng giấy. Cuốn tự điển bỏ túi đứt làm hai. Những tờ tạp chí Văn, Bách Khoa, Phổ Thông, Mai, mấy cuốn truyện Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro, Ruồi trâu, Con đường đau khổ, Sông Ðông êm đềm, cuốn thì bị xé bìa, cuốn thì bị xé thành ba bốn phần, cuốn thì bị xé ngang từng xấp. Hẳn Thuận đã dồn cả nỗi tức giận vào những cuốn sách vô tri vô giác. Nàng tưởng tượng cảnh anh ta đỏ mặt tía tai, lồng lộn cầm từng cuốn một, tìm cách xé nát. Vừa xé, vừa ném, vừa chưởi thề. Không còn cuốn nào là nguyên vẹn.

Hồng đứng dậy, lặng người nhìn những trang báo, những bìa sách, bùi ngùi cảm nhận một nỗi mất mát lớn lao trong cuộc đời. Bình thường, chúng nằm đó, im lặng, vô hồn y như bao đồ vật cũ kỹ khác trong phòng. Nhiều cuốn, lâu lâu nàng mới đụng đến. Như cuốn lưu bút những năm học đệ thất, đệ lục chẳng hạn. Cuốn tự  điển Anh Việt bỏ túi của Lê Bá Kông chẳng hạn. Nhưng chúng là một phần đời của nàng. Những kỷ niệm, tưởng chừng như lãng quên, thực ra vẫn còn nằm gọn gàng ở một góc hẹp nào đó của ký ức, luôn luôn chực chờ cơ hội để sống dậy. Bây giờ chúng nằm trần trụi ở đó, tan nát, thương tổn nặng nề sau cơn cuồng nộ của một kẻ ngoài cuộc. Thuận, kẻ ngoài cuộc! Hơn lúc nào hết, ngay lúc này, nhìn những dấu vết tươi rói của cuộc bạo hành, Hồng mới cảm nhận được hết sự gắn bó tạm bợ của hai người. Họ sống với nhau, nhưng luôn luôn ở ngoài nhau. 

      Nàng chợt nhớ lại cảm giác của mình trong đợt truy quét văn hóa thực dân mới hồi mới giải phóng. Lúc đó, đứng trước đống lửa cháy ngùn ngụt thiêu đốt hàng chục ngàn sách báo xuất bản trước năm 1975, trong cái không khí đầy kích động của cuộc đổi đời, Hồng cảm thấy dửng dưng lạ lùng. Cô giáo Hồng vui vẻ nhận sự phân công của ban giám hiệu, thúc giục học sinh ném từng chồng sách báo vào đống lửa. Chính nàng cũng hồ hởi ném, đốt, lòng vui vẻ y như đang được người lớn cho đốt vàng mã hồi còn nhỏ. Ðốt cho mau để còn vào ăn của cúng! Thỉnh thoảng, nàng đích thân khều lên một cuốn nào đó bị ép sâu dưới đống tro hồng, để cho cháy hết. Chẳng có gì đáng phải bùi ngùi tiếc nuối. Thôi thì cái gì đã qua, cho qua, dọn mình sạch để đi vào cuộc sống mới, nàng nghĩ bụng.

      Bây giờ, cô giáo Hồng mất dạy nhìn đống sách vở tan nát, có cảm giác như mỗi một mảnh giấy, mỗi một vết xé là một thương tích đau đớn trên da thịt mình. Và trên tâm hồn mình.  Hồng bò quanh, nhặt từng mảnh giấy, từng cuốn sách, từng cuốn vở rách nát đưa lên môi hôn, nước mắt ràn rụa.

      Té ra Thuận không đơn giản như nàng vẫn nghĩ!

CHƯƠNG 23

Dù Hạnh ngăn cản, nhưng rồi, Lục cũng tìm cách đi Khe Sanh. Anh xem đây là một chuyến tham quan. Ðúng ra là một chuyến đi thử nghiệm. Ðể Hạnh khỏi băn khoăn, anh không lấy tiền bạc gì của nàng. Anh cho nàng biết anh mang hàng giùm cho Tân. Thực ra, anh mượn của người bạn ít tiền, mua tượng trưng một số hàng tạp hóa mang đi. Tân chỉ anh cách cất dấu hàng trong xách cũng như trong áo quần và trên thân thể. Trong suốt chuyến đi trên xe đò, anh chăm chú lắng nghe và quan sát. Nhất nhất, anh làm theo lời dặn của Tân khi qua trạm, khi xuống đường. Tân bảo:

      –     Thời buổi này, đi buôn luôn luôn bất trắc. Chỉ tự mình học lấy kinh nghiệm, chứ không ai có thể chỉ vẽ tường tận được. Không có nguyên tắc nào cả. Phải khôn, lanh, phản ứng kịp thời. Như ngày xưa đi hành quân vậy.

      Chuyến đi suôn sẻ. Chuyến về, Tân mua hàng như thường lệ. Lục mua ít thuốc tây. Hàng đến bến xe an toàn. Nhưng trên đoạn đường chuyển hàng, anh bị thuế vụ bắt khi vừa qua cầu An Hòa. Xách hàng của Tân bị giữ lại ở trạm thuế. Bịch thuốc tây anh cột trong bụng đáng lẽ thoát, nhưng cử chỉ lúng ta lúng túng của anh khiến tay thuế vụ đâm ra nghi ngờ. Anh ta vỗ vào người Lục. Thế là bịch thuốc bị phát hiện và giữ luôn. Tân phải nhờ người trung gian chạy hàng ra sau khi chịu chi một số tiền.

      Cộng trừ nhân chia xong, Lục bị mất một nửa số vốn nhỏ nhoi của mình trong chuyến đi thử nghiệm đầu tiên. Về nhà, anh giấu Hạnh. Nhưng chỉ sau vài câu căn vặn đơn giản, Hạnh biết ngay chuyến đi của chồng đã “có vấn đề”. 

      Biến cố trên đã làm nhụt nhuệ khí của anh nhiều. Sau khi  trả tiền nợ cho anh xong, Hạnh tuyệt nhiên không đá động gì đến chuyện này nữa. Nàng im lặng. Một im lặng dị thường, đầy kiêu hãnh. Và đôi khi có vẻ gì như giễu cợt. Anh ngậm bồ hòn làm ngọt, thẹn thùng mà không biết phải làm sao.

*

      Lục trăn qua trở lại trên chỗ nằm. Anh nhắm mắt, cố tưởng tượng một điều gì đó để ru dỗ giấc ngủ, nhưng vô ích. Nản chí, anh ngồi dậy, nhìn vào bóng tối, nghe ngóng động tĩnh từ phòng bên kia. Hoàn toàn im lặng. Anh leo xuống giường, mở cửa ra ngoài hàng chìa tàu, đi tiểu. Lúc trở vào, anh đứng tần ngần trước phòng ngủ của mấy đứa con. Cửa để hở. Từ bên trong, những tiếng thở đều nhè nhẹ vang lên. Cả mẹ lẫn con đều ngủ kỹ.

      Anh trở lại phòng, vặn radio. Anh rà hết đài này qua đài khác. Khuya rồi, chẳng còn đài tiếng Việt nào nữa. Ðành nghe đài Hà Nội vậy. Ðài đang phát chương trình “Ðọc truyện đêm khuya”, một chương trình dành  cho đồng bào sinh sống ở nước ngoài. Truyện kể một sĩ quan chế độ cũ, khi mới giải phóng, trốn vào rừng với ý đồ  lôi kéo bạn chiến đấu cũ chống lại cách mạng. Nhưng một thời gian sau, anh ta đâm ra giác ngộ cách mạng, chọn ở lại phục vụ đất nước thay vì theo gia đình trong một chuyến vượt biên bán công khai bảo đảm và an toàn. Nhiều đoạn nghe rất chối tai, nhưng anh vẫn chịu khó nghe hết, không bỏ sót một chi tiết nào. Nghe xong chuyện, anh rà tìm đài khác. Chán, lại tắt.  Rồi nằm im, tiếp tục nghe ngóng. Hoàn toàn im lặng. Hạnh  không đến với anh như nàng hứa. Ðã mấy hôm liên tiếp, nàng ngủ với thằng con út, bỏ mặc anh nằm thao thức, chờ đợi.

Ðêm rồi, thấy Hạnh vào phòng đứa con, anh hỏi:

      –     Em ngủ với con à?

      Hạnh ậm ừ, không trả lời. Anh bảo:

      –     Lát nữa, con ngủ rồi, sang anh nói chuyện này chút.

      Nàng gật đầu.

      Ấy thế mà Hạnh không sang. Tại sao? Nàng giận anh?  Không. Nàng vẫn trò chuyện, nói cười với anh bình thường.  Nàng bệnh, sợ phải gần gũi với anh? Chắc chắn là không.  Trước nay, dù bệnh dù lành, vợ chồng anh vẫn ngủ chung.  Anh luôn luôn chìu chuộng nàng, rất tế nhị trong chuyện ái ân.  Ngay cả lúc bia rượu ê hề, trong người hưng phấn, anh cũng đủ bình tĩnh để tự chế. Vậy thì tại sao? Anh không hiểu được. Anh chỉ ghi nhận độ này nàng khác đi nhiều. Dường như mỗi ngày mỗi khác. Nàng không còn tỉ tê tâm sự với anh những chuyện lỉnh kỉnh của chuyến đi, chuyện mua bán, hoặc chuyện những “con bạn” nào đó ở Sài Gòn. Trong bữa ăn, nàng nói chuyện với con nhiều hơn với anh. Mấy cục pin radio anh nhắc hoài mà nàng chẳng nhớ mua. Những chuyện nàng kể, anh thấy có nhiều chi tiết mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn như chuyến đi vừa rồi, khi thì nàng bảo lời năm chỉ, có lúc nàng nói chỉ có ba chỉ. Tệ hơn, có lần, giữa cơn ân ái, nàng đẩy anh ra và nói: “bữa nay , anh chưa tắm à?” khiến anh chưng hửng, mất hết hứng thú.

      Anh lại trăn qua trở lại, bồn chồn. Hạnh chẳng còn là Hạnh nữa.

      Ðến gần sáng, có tiếng động từ phòng bên. Chắc Hạnh đã dậy. Anh lắng nghe tiếng bước chân. Hạnh đi về phía nhà bếp. Anh vùng dậy, xỏ dép, xuống bếp. Hạnh đang lên lửa nấu nướng. Anh đến gần, đặt hai tay lên vai vợ:

      –     Em dậy rồi à?

      Hạnh nói, không quay lui:

      –     Có việc phải đi sớm.

      Anh dựa sát vào lưng vợ, hai tay luồn vào ngực nàng.  Hạnh để yên, chỉ  dịch cánh tay một chút để đun  củi. Anh hỏi:

      –     Hồi hôm, sao em không qua với anh?

      –     Em ngủ quên.

      –     Anh đợi cả đêm.

      Giọng Hạnh ngạc nhiên:

      –     Mắc gì mà đợi?

      Lục lúng túng:

      –     Thì đợi em vào ngủ.

      Hạnh gỡ tay anh ra, khều ngọn lửa trên bếp, rồi quay lại:

      –     Em ngủ với con không được sao?

      –     Anh có chút chuyện hỏi em.

      –     Thì lúc nào chả hỏi được.

      Lục âu yếm:

      –     Anh thích nằm kê trên tay em mà hỏi.

      –     Anh thì lúc nào cũng…vậy.

      Thấy Hạnh đang bận bịu với bếp lửa, anh năn nỉ:

      –     Chút nữa vào nhé.

      Anh nhéo vai nàng rồi vào phòng. Hạnh vào, vén mùng hỏi:

      –     Chuyện gì vậy?

      Anh kéo vợ nằm xuống. Chợt thấy cánh cửa phòng còn để mở, anh bảo:

      –     Sao em không đóng cửa lại?

      Hạnh im lặng. Anh choàng tay qua khép cửa,kéo nàng vào lòng, mơn trớn. Hạnh hưởng  ứng chừng mực. Nàng hỏi:

      –     Anh có chuyện gì cần bàn với em?

      Anh làm bộ không nghe, vẫn tiếp tục mơn trớn. Hạnh hỏi tiếp:

      –    Anh không nghe em hỏi sao? Anh định nói với em chuyện gì?

      Giọng tỉnh queo của Hạnh làm anh mất cảm hứng. Anh nới lỏng tay, buông vợ ra:

      –     Em giận anh chuyện gì?

      –     Không. Không có gì.

      –     Anh thấy độ này em…đối với anh…sao lạ quá.

      Hạnh nhích người ra:

      –     Anh lại…nghĩ bậy chuyện gì rồi, phải không?

      Anh hỏi:

      –     Hay em không được khỏe?

      –     Không. Em vẫn thường.

      Anh ấp úng:

      –     Nhưng sao, anh thấy em…em…em

      –     Em thế nào?

      –     Không như trước.

      Hạnh cười, chống tay, ngồi dậy:

      –     Anh nghĩ lung tung rồi. Bộ anh…nghi em chuyện gì sao?

      –     Không. Nhưng mà…

      Anh kéo vợ nằm xuống, ôm sát vào lòng. Hạnh chìu. Anh hôn hít khắp người Hạnh, muốn ân ái thì nhận ra toàn thân nàng lạnh tanh. Hơi thở đều đặn. Hai tay hững hờ. Anh chán nản buông vợ ra, cố nén một tiếng thở dài.

      Mãi đến khi nghe tiếng Hạnh dắt xe ra cửa, anh mới trở dậy. Ra ngoài sân trước, thấy Hạnh ăn mặc tươm tất chuẩn bị đi, anh hỏi, giọng không giấu được vẻ khó chịu:

      –     Em đi đâu sớm thế?

      Hạnh kẹp cái ví xách vào giữa xe, nói:

      –     Ði mua hàng.

      –     Hàng gì?

      Hạnh nhìn thẳng mặt anh:

      –     Thì trầm chứ hàng gì nữa.

      Lục dịu giọng:

      –     Hàng ăn lại rồi sao? Mấy hôm nay chẳng nghe em nói gì hết.

      –     Nói với anh thì  cũng vậy thôi. Việc em em lo.

      Ngừng một lát, Hạnh thở ra:

      –     Cũng chỉ tại anh hết.

      –     Cái gì mà tại anh?

      –     Anh còn nhớ thằng cha Bí thư huyện ủy trong Nam ra không? Em năn nỉ ỉ ôi anh đi làm cho người ta, mấy anh cũng không chịu. Bây giờ có người khác nhảy vào. Chỗ đáng lẽ của mình bỗng dưng có thằng nhảy vào chiếm mất. Có tức không?

      Lục ngạc nhiên:

      –     Mà bây giờ ai nhảy vào?

      –     Thằng Thuận chứ ai. Bây giờ hắn nhận tiền của công ty đó để đi thu mua hàng. Một mình hắn đi vơ hàng, một mình hắn nhập. Tức chết đi được. Tại anh hết. Không chịu mở miệng, không chịu ngoại giao, cứ ưa ru rú ở nhà với lại nhậu với đám bạn xe thồ…

      –     Ô hay, em mới dẫn anh đi gặp thằng cha đó có một lần, rồi sau đó có nghe nói gì nữa đâu.

      –     Hỏi anh, anh cứ đay đảy từ chối. Chê người ta răng đen mã tấu, không đàng hoàng. Ðã làm ăn, cái gì lợi thì làm, còn người ta thế nào thì mặc họ. Anh chẳng biết thời biết thế gì cả.

      Lục hỏi:

      –     Hôm trước ông ta nói đi Hà Nội, về khi nào?

      –     Về khi nào? Anh có quan tâm gì đâu mà hỏi. Người ta vào từ đời nào, quan hệ lung tung mà mình chẳng hay biết gì cả.

      –     Vậy ông ta về, em không gặp lại à?

      –     Không. Mà thôi, nói với anh thì cũng như nói. Việc em em lo.

      Anh bực tức:

      –     Bộ anh không được quyền biết những việc em làm hay sao? Em xem thường anh quá lắm.

      Hạnh lên giọng:

      –     Bộ không nói cho anh biết là xem thường anh à? Nói cho anh biết thì anh vẫn thế. Mà không nói cho anh biết thì  anh vẫn thế. Có gì khác đâu?

      Lục sừng sộ:

      –     Sao lại không khác. Một bên là tôn trọng nhau, một bên là khinh rẻ.

      Hạnh tái mặt, run giọng:

      –     Em làm gì mà anh nói là khinh rẻ?

      –     Không khinh mà thích đi đâu thì đi, thích làm gì thì làm. Có hỏi đến thì xổ cái giọng …

      –     Cái giọng gì?

      –     Cái giọng bạc bẽo.

      Anh ngừng lại vì cảm thấy hụt hơi. Anh đưa tay chỉ vào người Hạnh, đổi giọng:

      –    Tôi nói cho cô hay nhé, cô đừng tưởng cô làm ra tiền, cô nuôi gia đình này rồi cô lên nước, muốn làm gì thì làm nghe, muốn nói gì thì nói nghe. Cô nên nhớ tôi là chồng cô chứ không phải là thằng…thằng…

      Anh nghẹn lời. Hạnh chống hai tay lên hông (lần đầu tiên Lục thấy vợ chống tay lên hông như vậy) nhìn anh:

      –    Tôi vậy đó. Anh muốn làm gì thì làm đi. Ðừng có ở đó mà ra oai, những là quyền chồng, quyền con. Anh không có quyền gì hết cả. Thử hỏi cái nhà này không có tôi thì còn ra cái thể thống gì nữa. Con anh có còn được ăn học không? Anh có còn được phây phây như vậy không? Ðúng là vô ơn…

      Lục phẫn nộ thực sự. Anh không ngờ độ này Hạnh quá quắc đến như thế. Anh đỏ mặt, hét lớn:

      –    Cô im đi. Cô đừng tưởng tôi là đồ bỏ đi. Tôi không cần đến cái giỏi của cô, nghe chưa. Cô chống mắt mà xem.

      Không tỏ ra nao núng trước cơn hùng hổ của chồng, Hạnh trề môi:

      –    Ờ, chống mắt mà xem anh đi làm tiền về nuôi gia đình. Không cần chống mắt, con này đã thấy rồi: làm tướng làm tài, bày đặt đi buôn. Rốt cuộc, cũng về moi tiền con này trả nợ.

T.D.N.

Comments are closed.