Dặm trường (kỳ 9)

Trần Doãn Nho

CHƯƠNG 24

Anh hào hứng đạp lên dốc Nam Giao, quẹo về hướng lăng Tự Ðức. “Nhà Hồng dễ kiếm lắm vào thẳng khi nào gặp khúc quẹo dừng lại ngôi nhà ở bên phải bên ngoài có cái cổng gỗ bọc bằng thép gai khi rảnh anh cứ lên chơi nhà vắng lắm”. Anh tìm ngay ra con đường Hồng chỉ. Ðường núi ngoằn nghoèo. Những con dốc nhỏ đầy đá sỏi. Rừng cây thưa. Núi rừng vào xuân nghe thơm mùi hoa và mùi lá mới. Buổi chiều, chim hót  hiếm, mệt mỏi và lạc lõng. Anh tìm ra ngay ngôi nhà. Phải dắt xe lên bốn, năm tầng cấp đắp bằng đá núi. Ðẩy nhẹ, chiếc cổng gỗ mở ra ngay. Nghe tiếng động, một chú chó nhỏ từ góc sân chạy ào ra sủa inh ỏi. Anh dừng lại, nhìn vào trong chờ đợi, lòng áy náy không yên. Một bà già lưng còng bước ra khỏi cửa nhà, đưa tay lên ngang mắt để nhìn cho rõ, dợm chân bước. Bỗng tiếng Hồng reo lên:

–    Kìa, anh Lục.

      Nàng chạy vội ra cổng, hai tay vịn vào chiếc ghi đông:

      –    Hồng biết mà, thế nào anh cũng lên. Vào đây, vào đây. Anh để xe đâu đó cũng được. À, mà dắt vào đây đi.  Chẳng có ai thèm lấy của anh đâu, nhưng dắt vào đây cho yên trí.

      Lục dắt xe vào. Dừng lại trước khoảng sân nhỏ, anh hỏi:

      –     Thuận đâu?

      Hồng cười:

      –     Ðừng nhắc Thuận ở đây. Hồng rủ anh lên đây là anh biết rồi. Thuận không thích nơi này. Mà này, vào đây, vào đây.  Hồng chỉ cho xem cái này.

      Lục cúi đầu chào bà già đang đứng ở cửa nhìn anh. Hồng nói:

      –     Bà vú của tụi Hồng đó. Bà ở với tụi Hồng từ thời còn con gái. Giờ nghễnh ngãng nặng rồi.

      Vừa bước qua ngưỡng cửa, Lục đã cảm nhận ngay không khí hoang vắng của căn nhà. Mọi vật đều nằm ở vị trí của chúng y như thể chúng đã ở đó từ rất  lâu và cứ mãi như thế, không thay đổi. Chúng sạch sẽ, thứ tự. Từ cái tủ thờ rất xưa cho đến bộ bàn gỗ khá mới. Từ chiếc ngựa bóng láng nằm ở góc nhà cho đến cây đàn ghi ta cũ kỹ treo trên tường. Chỗ này là cặp “găng” quyền anh, cái mũ “phớt”, chỗ kia là chiếc khăn vành màu vàng, cái tủ “két” thấp. Thấy Lục ngẩn ngơ quan sát, Hồng cười:

      –     Có gì lạ mà anh nhìn dữ vậy?

      –     Mọi thứ như trong viện bảo tàng.

      Hồng cười:

      –     Không sai. Ðây là viện bảo tàng gia đình Hồng đấy.  Mọi thứ ở đây đều là di vật của ba mẹ Hồng.

      Lục rùng mình. Anh hỏi:

      –     Không có ai ở đây cả sao?

      –     Chỉ có bà vú với Hồng thôi. Còn ai nữa đâu. Mỗi người một phương cả rồi. Vú, vú, coi đóng cửa lại đi vú. Hôm nay vú đã nhớ tưới vồng cải chưa? Anh bạn của “miu” chỉ nhìn thôi chứ không đụng đến vật gì của vú mô, đừng có sợ, vú. Có gì “miu” đền cho vú.

      Lục ngạc nhiên:

      –     Miu?

      –     Miu là tên ở nhà của Hồng. Bà vú chỉ nhớ tên “miu” thôi. Gian nhà này là do bà giữ gìn, nên thấy có ai lạ vào là bà sợ. Vú muốn tất cả vẫn để nguyên như thế, không ai được sờ mó, di chuyển. Thôi vú đi đi, để Miu đóng cửa cho.

      Hồng kéo tay Lục đi qua một căn phòng khác nằm phía sau. Căn phòng nhỏ nhắn, tươm tất có khuôn cửa sổ trông ra một vùng cây cỏ um tùm mọc dọc theo sườn một con đồi.  Phòng có một kệ sách nhỏ, toàn là sách học. Tường treo đầy hình Hồng, hầu hết đều trong bộ đồ áo dài trắng học trò. Một vài tranh tĩnh vật rất cũ, chỉ còn nước sơn mà không nhìn rõ hình.

      –    Một thư phòng, Lục nhận xét.

      Hồng nói:

      –     Anh thấy sao? Ðây có phải là một nơi ẩn dật tốt không?

      Lục không trả lời. Anh hỏi lại:

      –     Vậy thực sự Hồng ở đâu?

      –     Cả hai nơi. Dưới phố chỉ là nhà thuê, cho mấy cháu đi học và chạy các chuyện linh tinh. Lúc nào rảnh, Hồng về ở đây. Ðây mới là nhà.

      Hồng chỉ một số bánh trái, thức ăn bày trên chiếc bàn nhỏ để ngang chính giữa phòng:

      –     Hồng có linh tính là thế nào anh cũng sẽ lên, nên anh xem, Hồng sửa soạn một số thức ăn để mời anh. Có cả rượu nữa đấy nhé. Rượu trắng đàng hoàng. Hồng nhờ mua dưới Truồi đấy. Hồng nghe nói rượu Truồi nguyên chất rất ngon, phải không anh?

      –     Có lẽ vậy. Nhưng cái gì mà Hồng linh tính ghê vậy?

      –     Hồng không nói láo anh mô. Anh xem, ở đây, đâu có ai lên. Ai quen Hồng, cần gặp Hồng thì đến nhà dưới phố.  Không ai biết chỗ này. Mà lạ lắm anh, hôm kia hay hôm qua gì đó, tự nhiên, con mắt Hồng nó giựt giựt. Hồng nhủ thầm mai mốt thế nào cũng có khách. Hồng chắc mẩm rằng khách nhất định là anh.

      Lục ngạc nhiên:

      –     Ngày nào Hồng cũng lên đây sao?

      –     Hồng ở đây cả tuần rồi.

      –     Không về lại dưới đó sao?

      –     Ừ.

      –     Thế mấy đứa nhỏ?

      –     Mấy đứa về bên nội. 

      Lục nhìn Hồng, bỡ ngỡ nhận thấy người đàn bà này dường như có cái gì khác hẳn những điều anh thường nghĩ về. Nàng có quá nhiều nét tương phản. Tiểu thư và dân dã. Ngông nghênh và nhu mì. Liếng thoắng và nghiêm túc. Lang bạt và gia giáo.

      Loay hoay làm một số việc gì đó xong, Hồng trở lại, kéo chiếc ghế nhỏ, ngồi đối diện với Lục. Hồng nhỏ nhắn hơn  trong bộ đồ lụa hồng với hàng nút gài bên hông, có cặp tua bằng vải thắt lại với nhau, phần còn lại thòng dài xuống quá thắt lưng. Cổ áo tròn, khoét rộng, để hở một khoảng ngực nhỏ, trăng trắng hồng hồng, gợi cảm. Anh dừng cái nhìn lại hơi lâu trên khoảng ngực đó. Nhưng chợt bắt gặp cái nhìn trêu cợt của Hồng, anh lên tiếng cho đỡ ngượng nghịu:

      –     Hồng trông chẳng khác gì con mèo nhỏ.

      Hồng reo lên:

      –     Trời ơi, anh nói sao không khác câu nói của một người bạn à…một người quen Hồng. Sao, ngọn gió nào đưa anh tới chiều nay?

      –     Tình cờ. Lúc đầu, không có ý định gì hết. Rồi không hiểu sao, tôi quyết định lên đây. Không, có lẽ lúc đi ngang trường Ðồng Khánh, chợt nhớ hôm nọ, Hồng rủ tôi vào trường.  Tóm lại, tình cờ.

      –     Ừ, tình cờ. Ở đời, người ta hay gặp những chuyện tình cờ như thế.

      –     Có những tình cờ làm thành lịch sử đó, Hồng ơi.

*

      Vượt qua khỏi đám ngấy chằng chịt lẫn nhiều cây hoang mọc quanh khu mộ, cả hai bắt đầu leo lên ngọn đồi bên cạnh.  Rừng rậm dần. Cây thấp, mọc san sát. Mùi lá ẩm mùa đông còn lại trộn lẫn với mùi hoa dại mùa xuân tạo nên một mùi tổng hợp là lạ. Lục khoái, hít hà liên tục. Hồng đi trước, leo dốc một cách khó khăn, nhưng có vẻ thích thú. Thỉnh thoảng anh phải đỡ nàng hoặc cầm tay nàng kéo lên một đoạn dốc đầy sỏi và đá vụn. Ðến một con đường mòn chạy vòng vèo quanh đồi, Hồng dừng lại, chỉ khu rừng trước mặt:

      –     Nếu băng qua hết khu này, ta sẽ đến lăng Tự Ðức.

      –     Hồng đi đường này đến đó rồi sao?

      –     Chưa hề, nhưng Hồng đoán thế.

      –     Cô định rủ tôi băng rừng đến đó không?

      Hồng cười:

      –     Ừ. Ði suốt đêm nay.

      Qua khỏi con đường, hai người đi vào một khu rừng khác.  Trên đỉnh đồi, mặt đất trông bằng phẳng hơn. Khỏi cần phải leo dốc, vịn cây. Hồng bắt đầu kể:

      –     Ba Hồng mất lúc Hồng còn quá nhỏ. Chết vì lý do gì, Hồng lờ mờ lắm. Mẹ Hồng chỉ nhắc sơ sài, khi tụi Hồng hỏi. Ðại loại thì vì chính trị cũng có, mà kinh tế cũng có. Sau khi ông chết, dần dần tài sản của ông lần lượt bị tịch thu hoặc phá hoại. Cuối cùng, gia đình Hồng chẳng còn gì ngoài một căn nhà nhỏ để ở. Mẹ Hồng buồn, mang trọng bệnh.  Bà quyết định bán căn nhà dưới phố, lên mua khu vườn này, hy vọng vận rủi không còn đuổi theo gia đình nữa. Nhưng rồi bà buồn, đau và chết. Tụi Hồng chôn cất bà ở đó, đồng thời dời mộ ba Hồng về luôn. Ðể hai ông bà được ở gần nhau. Bà mất rồi, tưởng yên. Thế mà vận rủi vẫn cứ đuổi theo gia đình Hồng. Anh chị em Hồng tứ tán, người chết trận, kẻ mắc bệnh nan y, người bị điên, ôi thôi đủ thứ. Nghiệp nặng. Còn Hồng, như anh thấy, dở dang, bất định…

      Giọng Hồng nghe bình thản như kể lại chuyện buồn của một ai đó. Chỉ có hơi trầm xuống khi chấm dứt. Anh vừa lắng nghe vừa nhìn khu rừng trước mặt với khoảng trời và chòm cây chen nhau dưới ánh nắng chiều mệt nhọc. Ðã nghe tiếng chim gọi nhau về tổ. Thỉnh thoảng có tiếng chạy đuổi nhau của con sóc hay một loài thú leo trèo nào đó. Anh tưởng Hồng sẽ kể tiếp câu chuyện, nhưng nàng yên lặng bước, khuôn mặt chùng xuống, tối đi. Ðôi mắt long lanh như thể sắp khóc. Mà khóc thật! Hồng nhấp nháy mắt. Hai vệt nước lăn dài xuống má. Bất giác, anh đi sát với Hồng hơn. Anh nói:

      –     Cũng buồn nhỉ. Nghe như truyện.

      –     Ừ, thì buồn, tất nhiên thôi. Hồng nghĩ đến nghiệp báo.  Nhưng anh xem, thời buổi này, khối chuyện còn thê thảm hơn nhiều.

      Không khí lặng đi.

      Nhưng rồi, Hồng trở lại vui vẻ, nhí nhảnh như thường lệ.  Giọng vẫn trong veo như bao giờ:

      –    Anh có nhớ hôm tụi mình đi xem văn nghệ ở Tổng Hội không? Sau khi anh bỏ về, tụi Hồng cũng bỏ về. Vì sao anh biết không?  Không có anh Hồng mất hứng. Vậy đó. Có ai mô mà chia sẻ. Phải có người mà chia sẻ mới vui chứ. Mà anh biết sao không, ngày hôm sau, nghe Thanh nói ở trường Ðại Học Sư Phạm họ làm vui lắm. Hội thảo, đốt sách, hát. Không, họ không dám hát bài “Dậy mà đi” nữa. Họ hát mấy bài như “Ai đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh”, “Công trường Kẻ Gỗ”. Anh có biết bài “Ai đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh” của ai không? Không biết phải không? Mà anh có nghe bản đó bao giờ chưa? Thì hát ra rả trên đài phát thanh mà. Ðoán thử xem? Chịu há? Của ông Nguyễn Văn Tý đấy. Nguyễn Văn Tý “Dư âm” ấy mà. Hai bài hát khác nhau một trời một vực, phải không? Này, mà vợ chồng Thanh sắp vào Nam ở rồi đó. Có nơi có chốn đàng hoàng thế mà đi mới lạ.  Sao ai cũng thích vào Nam cả thế nhỉ? Ði hết rồi ai ở đây nữa.

      Thấy sắp băng qua một con đồi nữa, Lục ngắt ngang hỏi:

      –    Ði đâu Hồng?

      –    Chẳng biết đi đâu nữa. Thì cứ đi. Ði đại. Ðến đâu thì đến vậy. Nếu đến được nơi nào chưa có dấu vết con người thì tốt.

      –    Không có đâu. Thế giới này bị tục hóa cả rồi. Không còn nơi nào an lành cả. Không còn nơi nào để ẩn nấp.

      Hồng chỉ một khoảng rừng trống phía trước:

      –     Hay đến đàng kia đi.

      Hai người im lặng bước. Ðến nơi, nàng trải tấm ni lông và bày biện đủ thứ lấy từ túi xách: bánh bọc lọc, bánh ít, bánh ngọt, chả và chai rượu.

      –     Ngồi xuống đi anh. Hồng nói.

      –     Hồng làm y như bữa tiệc vậy.

      –     Vâng. Một bữa tiệc. Tiệc của những kẻ lạc loài.

      Thấy Lục dè dặt ngồi ở mé ngoài tấm ni lông, Hồng nói:

      –     Lại đây với Hồng. Hồng chẳng còn gì để ngại. Cũng chẳng còn gì để đề phòng cả. Cũng không còn gì để giữ. Mọi thứ tuênh toang cả rồi.

      Nghe Hồng nói, anh nhìn Hồng lạ lẫm.

      –    Anh ngại sao? Hồng hỏi lại.

      –     Không. Hồng không ngại thì tôi ngại gì.

Anh ngồi xuống bên cạnh Hồng. Hai người dựa lưng vào gốc cây lớn, da xù xì. Chung quanh đầy cỏ dại, dây leo, xác lá nằm chen chúc nhau. Mặt trời âm thầm lặng đâu đó, khuất sau những vùng cây rậm. Phiá trước mặt là dốc đồi thoai thoải chạy về phía đồng bằng. Qua những kẻ hở hiếm hoi giữa các tàn lá, Lục có thể nhìn thấy con đường nhựa và một đôi mái nhà tranh thấp thoáng phía dưới xa. Hoàng hôn.

      Hồng rót rượu vào hai chiếc ly nhỏ:

      –     Nào, uống đi Lục.

      –     Sợ gì, Hồng. Nào, Hồng cùng uống chứ?

      –     Dư sức. Không uống thì dẫn Lục lên đây làm gì. Nào!

      Lục nốc ngay một hơi, cạn ly. Hồng uống từng hớp một, nhăn mặt, rồi ráng sức nốc một hơi, hai mắt nhắm lại. Nàng để ly xuống, dụi mắt. Mắt nàng đỏ hoe. Ðôi vai run rẩy. Hồng úp mặt vào hai lòng bàn tay, nấc lên. Lục táo bạo choàng tay qua vai nàng. Dường như chỉ đợi có thế, Hồng gục mặt vào anh.  Anh với tay, rót thêm cốc rượu nữa, uống cạn. Người hưng phấn, anh xiết nhẹ Hồng vào lòng. Nàng nhỏ nhoi biết bao.  Hồng, cô tiểu thư Hồng của ngày nào mơ mộng. Con chim nhỏ của thành phố Huế hồn nhiên. Thuở còn đi học, mỗi lần đi ngang cửa tiệm, thấy cô bé Hồng ngồi bên trong, đẹp đẽ, tươi mới, sáng rỡ, anh liếc nhìn để rồi lủi thủi bước đi, lòng loáng thoáng nhen nhúm một ao ước  mơ hồ. Cô bé Hồng lớn lên, lấy chồng, kiêu hãnh và hạnh phúc. Rồi cô giáo Hồng bỏ chồng.  Rồi cô Hồng đạp trên dư luận sống với một tay giang hồ. Rồi một cô Hồng lang bạt bây giờ ở đây với anh. Yếu đuối, nhỏ nhoi, buông thả. Từ cô tiểu thư Hồng mà anh sẽ sàng nhìn qua khuôn cửa độ nào và cô Hồng giữa núi rừng hoang vắng là một khoảng trời mênh mông dâu biển, với bao nhiêu vinh nhục và tình cờ.

Anh buông Hồng ra:

– Xin lỗi Hồng.

Hồng nhìn anh, ngạc nhiên:

      –    Ðừng nghĩ gì hết, Lục. Nghĩ  gì cũng vô ích thôi. Mình chẳng có gì dính dáng đến nhau, Lục có cuộc đời của Lục.  Hồng có cuộc đời của Hồng. Ðúng ra, mình chẳng có gì để san sẻ cho nhau cả. Nhưng lạ là, cứ mỗi lần nghĩ đến Lục là Hồng thấy có Hồng ở trong. Lạ thế! Còn Lục?

      Lục lúng túng:

      –     Hồng làm tôi ngộp thở, không kịp nghĩ gì hết.

      Anh đứng lên. Xác lá kêu lào xào dưới chỗ ngồi. Cơn gió chiều tinh nghịch luồn qua rừng, thổi tấp những cánh hoa nhỏ rơi lòa xòa. Hồng nhìn anh:

      –    Mỗi lần nhìn Lục, Hồng thấy có nhiều thứ của mình trong đó.

      Lục bật cười:

      –     Thứ gì vậy?

      –     Nhiều nhất có lẽ là cái ngơ ngác lạc loài. Của Hồng.  Của Lục. Mình cứ đi, cứ đứng, cứ nằm, cứ ngồi, cứ ăn, cứ sống, nhưng vẫn chẳng thấy mình dính dáng gì đến cái cuộc sống kỳ quặc chung quanh mình. Y như mình không phải sống ở đây.  Như mình nằm mơ. Khiếp thật! Mỗi lần nhìn người, nhìn cảnh, không hiểu sao hai câu thơ mà Hồng chẳng còn nhớ của ai: lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa, bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh. Không, Hồng không chính trị chính em gì hết.  Nhưng mà thế. Mỗi lần cố hình dung mình, cách hay nhất là hình dung Lục.

      Nghe Hồng nói, Lục nghĩ đến một người khác, không phải Hồng. Anh đẩy Hồng ra xa, ngắm nghía. Có chút gì nhân dáng mình trong người đàn bà nhỏ nhắn, kỳ lạ này không? Ai mà biết. Trước mắt anh, đơn giản chỉ là một cô Hồng nhỏ bé, kỳ lạ.

      Anh rót rượu vào cốc của mình. Hồng xô ra:

      –     Anh không có quyền uống một mình.

      Nàng rót đầy ly nàng. Lục nhìn nàng, ái ngại. Hồng nâng ly lên chạm vào ly anh:

      –     Nào, trăm phần trăm!

      Cả hai cạn ly. Lại rót vào. Cạn ly. Lục ngơ ngác nhìn quanh. Núi rừng vắng vẻ, âm thầm. Đã chiều lắm rồi. Từng mảng tối đã xuất hiện đâu đó dưới những tàn cây rậm khiến thân cây và mặt đất trở thành những khối mờ. Xa dưới kia, chỉ còn những vệt nắng muộn rải rác không đều xuyên qua những chòm lá sẫm màu. Tất cả đang dần dần hòa tan vào nhau thành một khối. Anh rùng mình, chợt cảm thấy mình quá liều lĩnh.

– Thôi, ta về. Lục nói.

Hồng nhỏm dậy, nhìn anh:

      –     Ừ, thì về. Nhưng sao trông anh đột nhiên ngơ ngác như con nai vậy?

      –     Không có gì.

      –     Anh sợ à?

      –     Sợ chứ. Hồng cũng như tôi, những con chim gãy cánh. Thử nghĩ coi, thời buổi này…

      Hồng nhắp một hớp rượu nữa, cười vang. Tiếng cười đột ngột phá vỡ cái yên lặng núi rừng chiều thần bí, rơi tuột vào khoảng mênh mông dưới kia, tan biến. Hồng níu Lục:

      –     Ở dưới kia, không phải chỗ của bọn mình. Ở dưới kia, sao Hồng sợ quá. Ðâu có chỗ nào cho bọn mình, phải không?

      Anh ừ, ngồi xuống, lòng mênh mang. Tưởng như mọi thứ chỉ còn là hư ảo.

CHƯƠNG 25

      Mới vừa gặp, chưa kịp ngồi, Mễ đã hỏi:

      –     Sao, bà nghe tin gì chưa?

      Hạnh hồi hộp, hỏi lại:

      –     Hàng ăn lại rồi hả?

      –    Hàng chẳng ăn chẳng uống gì cả. Nhưng đây là tin khác, tin giật gân.

      Hạnh ngẩn mặt nhìn chăm Mễ, chờ đợi. Biết Hạnh sốt ruột, nhưng Mễ nhẩn nha đi rót nước, tìm cái đĩa, đặt cốc lên, mang lại chỗ Hạnh.

      –     Lại bày đặt nước nôi nữa. Tin gì, nói lẹ lên.

      Mễ cười:

      –     Tin khủng khiếp…

      –     Gì?

      Mễ làm bộ nhìn ra cửa, rồi hạ giọng:

      –     Con Tương có bầu.

      –     Tương “mình” hả?

      –     Thì có mấy Tương mà bà hỏi.

      –     Vô lý!

      –     Cái gì vô lý?

      –     Mới gặp hắn đây mà. Mô có thấy bầu bì gì. Mà lại, hắn vẫn bới xách thường xuyên cho chồng mà.

      –     Bà gặp lâu chưa?

      –     Ờ…thì để xem. Trước Tết. Không phải. Cũng ba tháng rồi. Gặp ở ngoài chợ. Hỏi đi mô, nói đi bới xách.

      –     Tưởng mới hôm qua. Ba tháng rồi, bao nhiêu thay đổi, bao nhiêu nước chảy qua cầu. 

      –     Mà sao biết bà ta có bầu?

      –     Thì cái bụng lùm lùm, dấu mô có được nữa.

      Hạnh chép miệng:

      –     Sao hắn không bỏ xứ mà đi nhỉ?

      Rồi đổi giọng:

      –     Cái thứ tệ bạc! Ai mà ngờ nhỉ. Trông hắn cũng hiền lành, đàng hoàng. Tôi không thể ngờ  có cái loại đàn bà tệ bạc đến như vậy. Cái thứ đàn bà lang chạ đó, nói thật với bà…tôi không ngửi nổi. Ðừng có mà giải thích lý do này nọ. Không lý do gì hết, phải không bà? Lý do gì cũng là ngụy biện mà thôi, loại đàn bà trắc nết. Tôi mà biết  hắn như vậy, đừng có hòng mà tôi chào, đừng nói là quan hệ làm ăn này nọ. Chồng chết thì thủ tiết nuôi con. Ở đây, chồng còn sống lù lù ra đó, mà lại bỏ chồng, lang chạ. Thật thời đại loạn hết biết.

      Hạnh vừa nói vừa trề môi, khinh bỉ. Ðợi cho Hạnh nói xong, Mễ nhìn nàng tủm tỉm:

      –    Trông bộ bà ghét cái đám đàn bà bỏ chồng lắm nhỉ?  Nhưng mà bà biết hắn ta có thai với ai không?

      –     Chắc với một tay cán bộ nào đó chứ gì?

      –     Không.

      –     Với một tay tài xế xe tải?

      –     Không.

      –     Hay với một tay kiểm soát viên tàu Thống Nhất?

      –     Cũng không.

      –     Với một tên bạn thân thường hay lui tới giúp đỡ, an ủi vợ bạn?

      –     Cũng không.

      –     Cái bà này, ai cũng không cả vậy thì có thai với ai mà cứ ỡm ờ mãi thế?

      Mễ chậm rãi kể:

      –    Bình tĩnh đi nào. Chuyện cũng khá hi hữu, phải kể đầu đuôi nghe mới hay. Mọi chuyện bùng ra chỉ mới đây thôi.  Tháng trước đây, khi cái bầu không còn giấu vào đâu được nữa thì bên nhà chồng bắt đầu bêu riếu, xỉ vả Tương. Ba đứa con xấu hổ quá, qua ở bên nhà bà nội. Tương vẫn tỉnh bơ.

      –     Cái con mặt dày mày dạn thế sao?

      –    Ừ. Có lần, bên nhà chồng họp lại, gọi Tương qua để hỏi cho ra lẽ…

      Hạnh sốt ruột:

      –     Hắn có qua không?

      –     Qua chứ. Nhưng hỏi có mang với ai thì Tương nhất định không nói. Nhà chồng ép Tương phải làm đơn ly dị, Tương không chịu.

      –     Cái con cũng kỳ nhỉ?

      –    Tức quá, chị em bên chồng kiện ra công an. Công an yêu cầu hội Phụ nữ đứng ra đảm trách. Hội Phụ nữ  họp, rồi gọi Tương đến để kiểm điểm. Mất ba đêm ba ngày, các bà vừa dọa dẫm vừa thuyết phục, bà ta mới chịu thú nhận.

      Hạnh ngồi dậy, chồm về phía Mễ định hỏi, thì tự nhiên cảm thấy đầu óc choáng váng. Mắt hoa lên. Nàng dựa vào ghế, hai tay ôm đầu. Mễ ngạc nhiên:

      –     Cái gì vậy Hạnh? Sao mặt bà tái dữ vậy?

      Giọng Hạnh run run:

      –    Không biết sao nữa. Tự nhiên cái chóng mặt. Chắc buổi sáng chưa ăn gì hay sao, rồi trúng gió. Bà khép cửa lại  dùm tí. À, cái phòng tắm đâu vậy bà?

      Mễ chỉ phòng tắm cho Hạnh rồi ra khép cửa. Hạnh vào phòng tắm, bụng càng cồn cào. Nàng  buồn nôn, vịn hai tay vào tường oẹ xuống chậu rửa mặt. Toàn nước giải. Nàng đứng dậy vuốt ngực. Lại nôn. Ðứng một lát, lại nôn nữa. Nàng nuốt nước miếng, ngậm miệng cố đè nén cơn nôn. Một hồi sau, mới thấy đỡ. Nàng rửa mặt, bần thần bước ra.  Mễ hỏi:

      –     Sao thế?  Hay là…

      Hạnh cố làm tĩnh, nói:

      –     Không có gì. Chắc trúng gió. Sao kể tiếp đi. Tương có mang với ai vậy?

      –     Thì ngồi xuống đó cái đã nà. Gì mà nôn nao vậy. Hắn có mang với chồng.

      –     Sao lại với chồng? Bà cứ ưng giỡn hoài.

      Mễ cười tủm tỉm:

      –     Thế mới ly kỳ. Hóa ra anh chị hẹn gặp nhau trong rừng khi anh ta được ra ngoài gọi là đi làm cái gì…giác giác, à đi làm tự giác. Anh ta đi làm gỗ.

      –     Gặp nhau sao được. Ði đâu cũng có công an áp tải mà?

      –     Thế mới tài.

      –     Chắc phải gặp nhau nhiều lần nhỉ?

      –     Ai mà biết. Nhưng có lẽ thế.

      –     Nhưng tại sao hắn nhất định giấu?

      –     Vì hắn sợ chồng bị kỷ luật.

      Hạnh dựa ngửa người ra phía sau ghế, thở phào:

      –     Thế à! Bây giờ hắn ra sao rồi?

      –     Thì có sao. Hắn vẫn ở nhà, buôn bán bình thường. Có điều, trước đây, hắn tỏ vẻ bất cần. Bây giờ lại thẹn thùng, bẽn lẽn.

      Cơn chóng mặt và buồn nôn trở lại. Hạnh đứng dậy:

      –     Thôi, tôi về cái đã. Chắc phải nằm nghĩ một hồi.

      Mễ nhìn Hạnh:

      –     Mặt bà tái lại rồi đó. Thôi, cái điệu này chắc là bà “dính” rồi.

      Hạnh lắc đầu:

      –     Không đâu. Chắc chắn là không. Tôi cẩn thận lắm.

      –     Ai mà biết. Vỡ kế hoạch là thường.

      –     Ðừng có nói bậy. Giờ mà “dính” thì thật là hết biết.

      Mễ lại cười:

      –     Mình có dính thì đâu có sợ gì. Chồng con ở một bên chứ có phải như con Tương đâu, phải không nào?

*

      Về đến nhà, Hạnh nôn oẹ nhiều lần nữa. Mệt quá, nàng vào phòng nằm, lòng chán nản cùng cực. Không nghi ngờ gì nữa, nàng đã có thai. Nàng đã lờ mờ nhận biết điều này cả tuần này vì thấy trễ kinh, thỉnh thoảng lại có những cơn chóng mặt bất thường. Nàng vẫn hy vọng đó chỉ là triệu chứng của một cơn cảm cúm nào đó. Bây giờ thì thật rồi.

      Nhưng con ai? Ba người đàn ông đã đến với nàng sau kỳ kinh nguyệt lần cuối cùng. Cả ba đều có thể là tác giả của cái bào thai. Trời ơi! Làm sao mà lường được hậu quả nếu cái thai là của tay tài xế hay tay Bí thư huyện ủy. Trước đây, mỗi lần nhớ đến sự việc, nàng vẫn có cảm giác đó là những tai nạn ngoài ý muốn. Một thứ tai nạn nghề nghiệp. Chúng sẽ qua đi, đơn giản như một lỗi lầm vụn vặt trong cuộc đời bình thường.  Bây giờ, chúng không “qua đi”. Chúng “đọng lại”. Chúng ở lại với nàng. Như một oan nghiệt. Trời ơi, máu thịt của những tay đàn ông xa lạ đó đang tồn tại trong nàng, đang lớn lên trong nàng từng giờ từng phút, đang biến thành một phần đời của nàng. Rồi mai đây, “nó” sẽ ra đời, “nó” sẽ chạy, sẽ nhảy. Sẽ thô lỗ như tay tài xế hay hung bạo như tay Bí thư. Nàng phải yêu mến “nó”, chăm sóc “nó”, để rồi âm thầm hay công khai nối lại liên hệ với những kẻ mà nàng không mấy ưa nhưng lại là cha của “nó”. Lục sẽ nghi ngờ, đay nghiến. Nàng sẽ trở thành một kẻ lăng loàn, một con đàn bà mất nết. Làm sao mà giấu đây? 

      –     Trời ơi!

      Nàng kêu lên. Và bắt đầu khóc. Khóc vùi. Nỗi tuyệt vọng mênh mang như núi, như rừng, không cách gì khỏa lấp được.  Khóc chán, Hạnh đến trước bàn thờ, thắp nhang khấn nguyện.  Khấn nguyện gì dây? Cầu cho đứa con trong bụng nàng là của Lục. Nhất định cái bào thai là của Lục, chồng nàng. Không thể là ai khác. Ðột nhiên, nàng cảm thấy thương Lục vô hạn. Nếu có anh ở đây, nàng sẽ nhảy xổ vào lòng anh mơn trớn, âu yếm, xin anh thứ lỗi cho nàng tất cả. Nàng sẽ yêu anh, yêu đắm đuối, cuồng nhiệt. Bất giác, nàng đưa tay đè quanh bụng, cảm thấy một phần của Lục nằm đâu đó. Chúng mình sẽ có thêm một đứa con nữa, Lục ơi. Nàng kêu thầm.

      Có tiếng động bên ngoài. Hạnh nằm lắng nghe tiếng dắt xe đạp lên thềm, tiếng kêu lẹt rẹt của ổ líp, tiếng cái chống xe đạp dựng lên và tiếng bánh xe quay vòng. Lục về. Nàng quay mặt vào tường. Lục vào nhà, đi quanh, để một vật gì đó xuống bàn. Một lát sau, Lục vào phòng. Ðột nhiên, nàng hồi hộp y như Lục sắp thấy những lỗi lầm của nàng. Nàng cố nằm thật yên, tưởng tượng rằng anh sẽ nằm xuống, lay vai nàng hỏi: “ngủ à?”, rồi hôn nàng. Không.  Dường như anh chỉ đứng nhìn, rồi bỏ đi. Hạnh nghe tiếng bước chân anh ra ngoài. Nàng ôm gối, giận chồng vô hạn. Anh đâu có biết vợ anh đang trải qua một cơn khủng hoảng ghê gớm.  Anh đâu có biết là gia đình sắp phải thêm một gánh nặng.  Anh đâu có biết những vất vả, những lo toan mà nàng chịu đựng.

      Lục lại vào. Hạnh ngồi dậy, tự hỏi không biết nói gì với Lục đây? Thấy Hạnh thức, Lục  hỏi:

      –     Em dậy rồi à? Giờ này mà em ngủ thì kể cũng là sự lạ.

      Lục nhìn chăm nàng. Hạnh bối rối. Nàng sẽ sàng đưa tay kéo vạt áo che phần bụng dưới:

      –     Em hơi mệt. Anh đi đâu về đó?

      –     Lên nhà bà nội mấy đứa, tiện đường ghé anh Tân.

      Hạnh cố nở một nụ cười giễu cợt:

      –     Lại tính đi Khe Sanh hay sao?

      Lục không nói gì. Anh đến chỗ treo quần tìm một vật gì đó. Nàng nhìn theo. Lục độ này trông ốm đi. Ốm từ bao giờ mà nàng không để ý nhỉ?  Phải, anh ốm. Cái áo nàng mua cho anh  năm rồi vừa vặn, bây giờ có vẻ rộng ra.

      Lục tìm cái gì  không có, lại bước ra. Hạnh ấm ức gọi:

      –     Anh!

      Lục dừng ở cửa phòng:

      –     Gì vậy?

      Hai chữ “gì vậy” thốt ra nghe khô khốc như lá khô mùa gió Lào, không chứa đựng một chút quan tâm nào đến người vợ khốn khổ. Hạnh tủi thân nhìn chồng, nước mắt lưng tròng.  Người gì mà vô tình đoản hậu. Vợ như thế này mà tỉnh bơ!  Lục bước lại:

      –     Gì vậy em?

      Hạnh úp mặt xuống gối:

      –     Không gì hết.

      Lục sờ trán vợ thấy nóng, hỏi:

      –     Em đau hay sao mà trán có vẻ nong nóng thế này. Coi chừng cảm.

      –     Không.

      –     Người muốn sốt đấy. Em uống thuốc gì chưa?

      Hạnh quay lại:

      –     Em không đau gì hết. Nhưng mà…nhưng mà…

      Hạnh ngập ngừng. Lục ngạc nhiên hỏi:

      –     Gì vậy em?

      Giọng Hạnh ráo hoảnh:

      –     Không gì hết.

CHƯƠNG 26

Suốt chuyến tàu vào Sài Gòn, Hạnh nôn oẹ mãi. Nàng chỉ uống nước cầm hơi. Ðến Bình Triệu, nàng mà bỏ thêm tiền thuê băng nhảy tàu chuyển hẳn hai xách thuốc Tây lên Sài Gòn.

Nhận hàng xong, Hạnh  không thiết gì đến chuyện mua bán nữa. Thân thể nhão nhừ. Ðầu óc bời bời rối loạn. Nàng tìm ngay đến nhà Duyệt. Mãi đến tối, Duyệt mới về. Ấn Hạnh ngồi xuống cái giường nệm nhỏ đặt ở một góc phòng khách, Duyệt hỏi:

      –     Bộ hàng “ăn” hay sao mà vào vậy?

      Hạnh lắc đầu. Duyệt lại hỏi:

      –     Vậy bà vào hàng gì?

      –     Thuốc tây.

      –     Thuốc tây loại nào, xã hội chủ nghĩa hay tư bản?

      Hạnh ngước mắt nhìn lên:

      –    Bà không biết là hàng ngoài vào chỉ có xã hội chủ nghĩa thôi à? Tư bản là hàng ra kìa.

      –    Bộ bà tưởng tôi không biết sao. Nhưng thỉnh thoảng có bạn hàng vào đây lại mang thuốc tư bản chủ nghĩa, mới tức cười. Nước luôn luôn chảy xuôi. Chỗ nào thiếu thì hàng đổ về.  Bà có ngờ nhiều lúc thuốc Ðà Lạt sản xuất ngay tại Sài Gòn này lại được bạn hàng mang từ Hà Nội vào không? Ấy, ấy thế mà có đấy. À bà có biết rồi phải không? Ðó, ngược đời như vậy đó. Thuốc tây cũng vậy thôi. Có nhiều khi tụi nó đổ thuốc tây ở cảng Hải Phòng, thế là bơi ngược. Không nắm vững điều đó, nhiều khi ôm thuốc tây trong này, lỗ “sặt gạch”. Mà bà, sao mặt mày độ này ngơ ngẩn thế? Xanh xao nữa. Ðau hay sao? 

      Hạnh cười gượng:

      –     Bà thấy thế à? Tôi hơi mệt.

      –     Mệt sao không nghĩ cho khỏe. Lại đi đâu làm gì.

      –     Tôi có chuyện cần hỏi bà.

      –     Chuyện gì?

      Duyệt thân mật ngồi xuống bên cạnh bạn. Hạnh cắn môi suy nghĩ. Duyệt khuyến khích:

      –     Có gì cứ nói. Gì giúp được, ta làm ngay. Ba mươi giây thôi. Thời buổi này, cái gì làm được là làm ngay. Ba mươi giây, bà nghe chưa. Nào, kể đi.

      Hạnh nói, giọng buồn buồn:

      –     Tôi có thai.

      Duyệt cười thoải mái:

      –     Tưởng gì. Có thai thì có con. Có con thì nuôi. Con là lộc mà. Bà lo nỗi gì.

      –     Thôi đừng có lộc với liếc nữa. Có con rồi ở nhà lấy gì ăn.

      –     Bà mấy đứa?

      –     Ba.

      –     Ba còn thiếu. Bốn là vừa.

     –     Ba bốn gì bây giờ cũng không thể được. Tôi muốn…tôi muốn…

      –     Muốn gì nào? Thuốc dưỡng thai, đi khám bác sĩ thử xem trai hay gái…hay cái gì?

      Hạnh hạ giọng;

      –     Tôi muốn phá…

      Duyệt giật nẩy người:

      –     Cái gì?  Bà muốn phá thai à?

      Hạnh im lặng nhìn Duyệt, đôi mắt van vỉ. Nàng lập lại, giọng yếu ớt:

      –     Vâng, tôi muốn phá bà à. Lúc này mà có con thì gia đình tôi lâm vào chỗ bế tắc ngay. Bà nuôi con, bà biết. Tôi muốn phá…

      Hạnh vẫn không thể nói hết câu. Hai chữ “phá thai” dội vào đầu nàng một cảm giác kinh khiếp. Nó gợi cho nàng ấn tượng của một cái gì bại hoại, vô luân. Nhớ lại, hồi còn nhỏ, một hôm thức dậy, nàng cảm thấy không khí trong nhà có gì khác thường. Bà con nội ngoại tụ tập đến nhà nàng. Mọi người thì thầm to nhỏ với nhau, nét mặt  đầy vẻ nghiêm trọng. Mãi đến nhiều ngày sau, nàng mới hay thím nàng bị sẩy thai. Ông nội nàng lập bàn thờ cúng kiến nghiêm trang y như cúng người chết. Sau đó, nàng nghe mọi người bàn tán nhau về tội lỗi của những kẻ chửa hoang rồi phá thai. “Tội không để mô cho hết”, bà nội nàng kết luận như thế.

       Ấn tượng tuổi thơ đó vụt sống dậy mạnh mẽ. Nàng không dám đến bàn thờ cầu nguyện trước khi đi. Nàng vội vàng mua hàng, vội vàng đi. Với Lục, nàng chỉ báo cho anh biết ngay sáng hôm nàng lên tàu. Tưởng anh chàng ngạc nhiên, té ra anh vẫn bình thản. Càng tốt. Ði đã. Nàng muốn giấu anh. Nàng muốn mãi mãi, đối với anh, cái thai hoàn toàn không hiện hữu. 

      Nhìn thấy vẻ cương quyết của Hạnh, Duyệt hỏi:

      –     Bà quyết định một mình hay có ý kiến của anh ấy.

      –     Một mình. Anh ấy biết thêm phiền. Mẹ anh ấy “cổ” lắm. Ở ngoài mình, chuyện này nghiêm trọng chứ không phải chơi.

      –     Có lý do gì đặc biệt không?

      –     Thì bà cứ tưởng tượng đang làm ăn như thế này, bỗng phải mất đi ba, bốn năm bận bịu với con dại thì có chết người không?

      Duyệt gục gặc đầu, nói:

      –    Ừ, mà gặp trường hợp tôi, tôi cũng phải…ờ…cũng khó tính. Nhưng sao bà để cho đến nỗi này?

      Hạnh cúi mặt, bẽn lẽn:

      –     Thì bà nghĩ xem, vợ chồng xa vắng lâu ngày, đâu có phải như bà, ngày nào cũng gần gũi. Tôi cố giữ lắm, nhưng ai mà  ngờ. Thôi thì e cũng cái số. Tôi cắn đắn mãi, làm thế này tội chết. Nhưng biết làm sao. Một bên con, một bên đời sống.  Thực khó quyết định.

      Duyệt nói:

      –     Không có khó gì hết. Cái nào lợi, cái nào thực tế mình làm. Ðã quyết định thì cứ tiến hành. Bỏ ba cái thứ đạo đức vớ vẩn đó đi. Bà có thấy không, tụi bộ đội nó có thai rồi phá, lại có thai, lại phá, dễ dàng như thể đi chơi. Bà vào bệnh viện Từ Dũ mà xem, mấy bà mấy cô sắp hàng đợi đấy. Muốn phá cứ phá, muốn nạo cứ nạo. Tôi có con bạn làm y tá ở đó bảo người ta nạo xong, người ta bỏ vào từng xô. Có người còn đem về ăn nữa kìa.

      Hạnh bưng mặt, choáng váng:

      –    Thôi bà ơi, làm ơn đừng nói nữa. Bà làm tôi lợm muốn xỉu đây này.

      Duyệt nói:

      –     Nếu bà cần, sáng hoặc chiều mai, tôi chở bà lên Từ Dũ, làm xoắc xoắc cái cho rồi để còn lo việc khác.

      Hạnh xua tay:

      –     Thôi thôi, không đi Từ Dũ đâu. Nếu tính chuyện đi bệnh viện, tôi đã không phải đến nhờ bà.

      Duyệt ngạc nhiên:

      –     Vậy thì bà tính đi đâu?

      Hạnh hạ giọng:

      –     Tôi muốn không ai biết chuyện này cả. Bà là người duy nhất tôi nói. Bà tìm giúp tôi, có ai làm riêng tại nhà không?

      Duyệt lo lắng:

      –     Tôi nghĩ là có, nhưng ở nhà sợ không an toàn.

      Hạnh quả quyết:

      –     Không sao. Bà tìm giúp tôi đi.

*

      Qua khỏi Ngả Tư Bảy hiền một đoạn khá xa, Duyệt quẹo trái vào một con hẻm. Hạnh bảo:

      –     Nhà cũng khá xa nhỉ?

      –     Gì mà xa! Cũng vẫn thuộc Sài Gòn. Ðây là Tân Bình.

      Con hẻm khá lớn, trải nhựa tử tế trông không khác gì một đường lộ. Nhà cửa hai bên cao ráo, khang trang. Nhiều nhà là nhà lầu, hai hoặc ba tầng. Những con hẻm nhỏ khác cắt thành từng ô như ô bàn cờ. Duyệt bảo:

      –     Ðây là khu tân lập sau giải phóng. Hầu hết là của đám cán bộ từ Bắc vào hay ở rừng ra và dân trúng mánh.

      Duyệt quẹo quanh quẹo quất qua nhiều con hẻm nhỏ ngang dọc, cuối cùng tìm cái nhà số khá rắc rối: 273/6/17/8B.  Ðến trước cổng, Duyệt cười:

      –     Thấy cái số nhà, cứ tưởng là một túp lều, không ai ngờ là một ngôi nhà to lớn như thế này, chẳng khác gì một biệt thự.  Ðám cán bộ này không biết ăn cái gì mà mau giàu thật.

      Tâm trạng Hạnh bồn chồn, nên không để ý mấy đến lời pha trò của bạn. Nàng lo lắng nhìn căn nhà, cái cổng, cây dừa, mấy chậu hoa để bừa bãi dọc theo tường. Duyệt bấm chuông.  Một người đàn bà xuất hiện ngay sau cánh cửa, mở ra, hỏi:

      –     Ðồng chí, à, xin lỗi, cô là Duyệt ạ?

      –     Vâng.

      –     Còn cô đây là…

      –     Bạn tôi, khách của chị đấy. Sao, có gì trở ngại không chị?

      –     Ðâu có gì. Chúng tôi đang chờ đợi hai cô. Nào, ta vào trong đi.

      Nhìn người đàn bà trong bộ đồ láng mướt, nói giọng Bắc đặc sệt, nàng càng bồn chồn, lo lắng thêm. Không biết bà “bác sĩ bộ đội” này làm ăn ra sao. Nàng hoang mang bước theo Duyệt và người đàn bà vào bên trong. Băng qua khỏi ngôi nhà lớn, đi ngang một khoảng sân hẹp, người đàn bà dẫn hai người vào một căn nhà nhỏ nằm khuất ở góc vườn. Ðàng sau cái hàng rào dựng tạm với những cọc gỗ xiêu vẹo là một khoảng đồng trống đầy cỏ dại. Khung cảnh có cái gì hoang liêu, buồn bã khiến nàng càng sốt ruột thêm. Vào trong, Hạnh thấy có một phụ nữ khác đã ngồi sẵn ở đó. Cô ta lặng lẽ cười chào.  Hạnh thắc thỏm đảo mắt nhìn quanh. Căn phòng hẹp, vừa đủ chỗ để chứa những thứ cần thiết. Tường sơn vôi trắng toát, nước sơn trông còn mới. Trong góc phòng để một chiếc bàn đẻ có bệ gác chân, bên trên phủ một tấm “ra” trắng đã ngả màu.  Cạnh đó là một chiếc bàn nhỏ hơn với dao, kéo, kềm mạ kền sáng loáng. Mùi cồn xông lên nghe nồng nặc. Hạnh bất giác lạnh toát, tưởng như lông tóc trong người dựng đứng lên. Nàng run rẩy muốn quỵ xuống. Thấy mặt mày Hạnh đột nhiên đổi sắc, Duyệt hoảng hốt chạy đến ôm lấy, hỏi:

      –    Sao vậy Hạnh?

      Hạnh nói không muốn ra lời:

      –     Mình…mình…ớ…n quá!

      Người đàn bà nói với Duyệt:

      –     Không có gì đâu. Cô có thể ra đợi ở phòng khách.

      Duyệt lo lắng nói:

      –     Vâng. Chị cố gắng làm cẩn thận cho bạn tôi.

      Người đàn bà cười, trấn an:

      –     Cô đừng lo. Tôi đã giải quyết cả hàng trăm ca như thế này rồi.

      Nghe nói Duyệt ra ngoài, Hạnh chới với nhìn bạn:

      –     Hay…hay…bà ở lại đây với tôi.

      Duyệt chần chừ. Người đàn bà cương quyết:

      –     Không được đâu.

      Ðưa tay chỉ người phụ nữ, chị ta tiếp:

      –     Cô yên tâm đi. Ðồng chí này cũng là người miền Nam đấy, dân Sài Gòn chính gốc. Ðồng chí làm hộ sinh ở đây từ trước giải phóng. Chúng tôi kết hợp nhau để giúp các chị em phụ nữ có khó khăn.

      Duyệt miễn cưỡng bước ra. Người đàn bà đóng cửa, gài chốt. Sau khi hỏi han Hạnh một số  điều về sức khỏe, các triệu chứng thai nghén, hai người đàn bà nhanh chóng thay nhau đo huyết áp, cân. Người đàn bà cho Hạnh uống một viên thuốc, bảo nàng cởi hết áo quần nằm lên giường, tiếp tục trấn an:

      –     Cô cứ nằm yên. Chỉ  khó chịu đôi chút. Tất cả chỉ trong vòng nửa giờ thôi. Không đau lắm đâu. Nếu cảm thấy có gì bất thường, cho chúng tôi biết ngay.

      Hạnh nghe lâng lâng buồn ngủ. Nàng cố trấn tĩnh, nhướng mắt nhìn lên trần nhà. Nhưng đôi mắt hoa lên, đành phải nhắm nghiền lại. Trong trạng thái ngầy ngật, nàng mơ hồ nghe tiếng mở hộp, tiếng dao kéo chạm nhau lanh canh. Bỗng giật nẩy mình khi một dụng cụ gì đó đụng vào người. Tiếp theo là những cảm giác nhột nhạt khó chịu. Rồi chợt buốt lên. Nàng cắn chặt răng, nhắm mắt, có cảm giác như một phần da thịt mình banh ra, đột ngột tách rời khỏi thân xác. Ðau. Chao ôi là đau! Mạ ơi mạ, đau quá! Cơn đau chạy suốt người, thấm tận cùng da thịt. Mồ hồi toát ra như tắm. Nàng lăn lộn, rên rỉ. Hai người đàn bà cố đè nàng xuống. Thời gian trôi ngột ngạt.

      Tiếng người đàn bà chợt vang lên khô, gọn:

      –     Xong rồi!

      Nàng giật nẩy mình, nhớm đầu, mở mắt nhìn, chỉ thấy mảng tường trắng lờ nhờ lung linh phía trước. Nàng thều thào hỏi:

      –     Xong rồi sao?

      –     Vâng. Xong rồi. Tốt. Cô cảm thấy thế nào? Khoan, cứ nằm yên đó đã. Còn phải làm vệ sinh nữa. Ðừng cử động mạnh, ấy thế cứ nằm yên, hai chân có thể khép lại. Tốt. Nga, em chuyển cái chậu sang phía bên kia. Ðó, đó. Rồi giúp chị lau chùi cái này.

      Nàng nghe tiếng khăn chùi quanh, tiếng nước đổ. Giọng người đàn bà lại vang lên:

      –     Xoay người lại cô. Ðấy. Xong! Cô có thể ngồi dậy.

      Nàng vẫn nằm. Hai tay buông thỏng, rã rời. Một luồng hơi  lạnh tràn vào sống lưng, lan khắp cơ thể. Mênh mang ân hận.  Nước mắt ứa ra. Nàng úp mặt xuống gối, lặng lẽ khóc. Nàng chợt nghĩ đến Lục, đến tay tài xế, đến tay Bí thư. Ôi đàn ông, họ đến rồi họ đi, thênh thang, thoải mái. Họ đang ở đâu, làm gì?

      Khóc chán, nàng lặng lẽ ngồi dậy mặc áo quần. Nghe có gì ươn ướt dưới lưng, nàng xoay người nhìn. Tấm “ra” trắng thấm đầy máu. Màu máu nhờn nhợt loang ra hết cả nửa tấm “ra” phía dưới. Hạnh rùng mình, quay đi. Duyệt hỏi vọng từ bên ngoài vào:

      –     Tốt cả chứ?

      Người đàn bà đáp vâng, mở cửa cho Duyệt vào. Thấy mắt Hạnh đỏ hoe, Duyệt hỏi:

      –     Gì vậy bà?  Sao lại khóc?

      Hạnh nhìn Duyệt, nước mắt lưng tròng, không đáp. Duyệt lo lắng hỏi:

      –     Sao, thấy trong người thế nào?

      Hạnh đáp, giọng yếu ớt:

      –     Không có gì. 

      –     Sao lại khóc?

      –     Ðau. Và buồn.

      Duyệt im lặng nhìn bạn, cố chia sẻ những cảm giác phức tạp mà bạn đang trải qua. Nàng dìu Hạnh ra bên ngoài. Hạnh nhìn người đàn bà, hỏi:

      –     Có cái…cái…ấy đâu rồi?

      –     Cái gì cô? Cô quên cái gì?

      Hạnh ấp úng:

      –     Cái đó cô, cái…cái mà cô vừa mới lấy ra đó.

      –     Cô muốn nói cái gì, cái thai phải không? Cô muốn mang về sao? Ðâu có gì, chỉ mới tượng sơ sơ thôi. Nhưng tùy cô. Cô đợi chút, tôi bỏ vào bịch ni lông đã.

      Người đàn bà nhanh nhẹn bưng chiếc xô, đổ nước ra một cái thau, đổ phần còn lại vào một bịch ni lông đưa cho Hạnh.  Hạnh liếc nhìn. Một nhúm thịt nhầy nhụa, màu đỏ lẫn màu trắng. Con của nàng đấy sao? Nàng rùng mình, nhắm mắt lại, không dám nhìn. Mồ hôi toát dầm dề. Người đàn bà nói:

      –     Có gì đâu mà cô sợ. Thịt thôi. Cũng như mọi thứ thịt khác. Thịt heo thịt bò chẳng hạn. Chưa thành hình tượng gì đâu. Nhiều ca tôi làm ở đây thấy có cả mặt mày…

      Duyệt nháy mắt, ra dấu cho người đàn bà ngừng nói.  Nhưng bà ta vẫn tỉnh bơ, tiếp tục:

      –    …tay chân nữa kìa. Nhiều ca, năm sáu tháng đã có tóc…

      Duyệt vội vã kéo Hạnh đi ra.

*

      Khi bắt đầu chạy vào xa lộ, Hạnh ngợp. Ðường rộng, xe chạy như thác đổ, vùn vụt vượt qua khỏi nàng. Nàng sợ hãi, chạy nép vào gần lề đường. Mỗi lần xe, nhất là xe hơi, từ đàng sau lao lên, gió tạt vào như muốn đẩy nàng bay ra khỏi yên xe.  Nàng mím môi giữ chặt tay lái, mồ hôi toát ướt cả người.

      Qua hai cái ngã tư, Hạnh mới nhìn thấy một khu rừng cây, nằm cách xa lộ một khoảng ngắn. Thấy có một con đường mòn nhỏ, nàng quẹo ngay vào. May quá, đường mòn chạy vòng vèo theo con suối cạn, dẫn ngay vào khu rừng cây. Rừng thưa, vắng người. Hạnh tìm một chỗ đất bằng phẳng, dựng xe lên. Nàng lấy túi xách xuống rồi đứng nhìn quanh. Thấy một cây cao, tàn lá sum suê mọc ở một chỗ khá xa lối đi, nhưng trông cũng dễ nhìn thấy từ bên ngoài, nàng lom khom tìm lối tới. Nàng mừng rỡ khi thấy phần thân cây phía gốc khá lớn, mọc cheo leo trên một mô đất cao. Cây cối mọc nhiều ở khoảng đất chung quanh chứng tỏ ít người qua lại. Nàng mở xách lấy con dao phay, bắt đầu đào một lỗ ngay dưới gốc. Ðất lẫn với đá sỏi, dao lại đùi nên rất khó đào. Ðã thế lại có nhiều rễ cây ngang dọc chằng chịt phía dưới. Nàng cố vận dụng sức lực để đào cho sâu. Mệt, nàng ngừng lại để thở rồi đào tiếp. May mà phần đất phía dưới khá mềm, đào tương đối dễ. Mất gần cả tiếng đồng hồ, nàng mới đào xong. Nàng đứng dậy, ném cây dao xuống đất, vươn vai nhìn. Cái lỗ sâu và rộng. Trong trí tưởng nàng, đó là một “huyệt  mộ”.

      Nàng nhìn về phía lối mòn. Khu rừng vắng vẻ. Thấy chắc chắn không có ai chung quanh, nàng lấy từ trong xách ra bịch thai nàng đã cẩn thận gói bằng nhiều lớp vải và giấy báo.  Nàng nhẹ nhàng để bịch xuống “huyệt”, đè thật sát, lấy đất lấp xuống. Xong, nàng dùng chân đạp mạnh nhiều lần cho chắc rồi rải đá, sỏi và lá mục lên trên để xóa dấu mới đào.  Nàng lấy bó nhang, thắp lên, cắm quanh “huyệt”.

      Chắp tay hướng về “huyệt”, nàng thì thầm:

      –     Con ơi, mẹ biết mẹ vô cùng có lỗi với con. Nhưng mẹ không còn cách nào khác hơn. Lẽ ra, con phải có nơi có chỗ đàng hoàng, không phải tới nằm ở một nơi xa lạ như thế này.  Thời buổi này vô cùng khó khăn, nếu con có ra đời, mẹ cũng không đủ sức nuôi con cho đầy đủ. Thôi thì sống khôn thác thiêng, con thông cảm với những khó khăn riêng tư của mẹ.  Ðã không cho con ra đời, lại phải cho con yên nghỉ như thế này, mẹ đau lòng lắm. Hãy tha thứ cho mẹ, nghe con!

      Khấn nguyện xong, nàng đứng lặng người, nhìn sững vào “huyệt mộ”. Một cảm giác lạnh lẽo dâng tràn lên toàn thân.  Ðột nhiên, có cái gì từ đàng sau vụt tạt vào, xô nàng thật mạnh. Nàng rùng mình, toàn thân lảo đảo ngả chúi về phía trước.

CHƯƠNG 27

Duyệt chở Hạnh và và hai xách hàng đến ga Hòa Hưng vào lúc hai giờ chiều. Duyệt giải thích:

      –    Tàu Thống Nhất nghỉ ở Hòa Hưng nhưng lại đón khách ở Bình Triệu. Hàng mình gửi ở đây vừa bảo đảm vừa khỏi mất công mang ra ga Bình Triệu. Giá chuyển hàng lại rẻ, vì không có thuế vụ. Hàng vào ga Bình Triệu phức tạp lắm. Ga này giờ chỉ dành cho khách đi tàu Biên Hòa thôi. Nhưng nghe nói nay mai sẽ đón khách Thống Nhất.

      Sân ga trống không, đầy nắng. Nàng giao hàng cho một tay chạy mánh hàng tại cổng phụ, dặn:

      –     Thống Nhất 4, Xe số 8, Hà Nội, kiểm soát viên Quất.  Nhớ để dưới dãy ghế kế phòng kiểm soát viên. Biết Quất chứ?

      Người thanh niên gật đầu:

      –     Ðược, chị khỏi lo. Em thường xuyên ở ga này mà lo gì.

      Hạnh xuống xe, ngần ngại đứng nhìn cậu thanh niên xách hàng khuất sau hai cánh cửa sắt. Duyệt trấn an:

      –     Không mất đâu mà sợ. Người ta làm ăn lâu dài mà.

      Duyệt chạy xe ra khỏi ga, theo hướng đường Ðiện Biên Phủ ra Hàng Xanh về Bình Triệu, thả nàng ở đó, đợi tàu. Khi Duyệt quay xe, Hạnh hốt hoảng gọi giật lại:

      –     Duyệt, sém chút nữa là quên một chuyện tối quan trọng. Nhớ ghé bưu điện, đánh ngay cái điện tín cho ông xã tôi, để ông lên đón. Không biết mấy giờ mai mới đến Huế nhỉ?  Ðể tôi tính xem, tàu khởi hành lúc 6 giờ 30, đoạn Sài Gòn-Huế mất 28 đến 30 tiếng. Vậy đến Huế khoảng từ 10 đến 12 giờ đêm. Không biết tàu có trễ không. Mà trễ là thường. Nhưng thà đến sớm mà đợi còn hơn đến muộn, tàu đi rồi, khó lòng.  Vậy nhờ bà đánh giúp thế này:“Anh đến ga vào lúc 11 giờ đêm, đón em ở TN 4 khuya 28/5, lấy đồ ăn. Hạnh”. Chút nữa quên, địa chỉ đây. Nhớ nhé.

      Duyệt lấy giấy ghi vội những lời dặn của Hạnh.

      Duyệt đi rồi, Hạnh giật mình tự hỏi: điện như thế chẳng biết anh chàng có hiểu gì không?

*

      Theo bảng kế hoạch, tàu TN 4 khởi hành vào lúc 6 giờ 30 phút chiều. Nhưng trục trặc, mãi đến gần 9 giờ tối, tàu mới chạy. Ra khỏi ga, như để bù vào thời gian đã mất, tàu hú một hồi còi, tăng tốc lao nhanh vào khoảng bóng tối dày đặc trước mặt. Hạnh đứng dậy, kéo cánh cửa gài chặt lại, ngồi xuống sàn tàu. Mọi hoạt động trên tàu dịu hẳn. Nàng lắng nghe tiếng gió rào rào lướt ngoài thành tàu, yên trí có thể bắt đầu tìm kiếm một giấc ngủ tạm bợ cho qua đêm. Nhưng chỉ được một hồi, tiếng rào rào nghe chậm lại. Nhiều tiếng lao xao vang vọng từ bên ngoài. Một thanh niên từ trong toa ra đột ngột bước ngang qua chỗ Hạnh, nói:

      –     Chị tránh giúp cho tụi em lên hàng chút.

      Vừa nói, cậu ta vừa kéo chốt cửa, mở. Gió tạt vào ào ạt.  Hạnh đứng ngay dậy, lùi lại vào trong. Bên ngoài, một  thanh niên khác từ đâu dưới đất đu lên. Một tay anh ta níu thanh ngang ở cửa tàu, một tay chuyền từng bịch hàng lên, la lớn:

      –     Mười bốn cục cả thảy. Xe sáu, bà Phước bốn cục, bà Thị hai cục. Xe tám, bà Tùng một cục, bà Sáu Xê năm cục.  Xe hai, ông Hoàng hai cục. Xem đủ chưa?

      Thanh niên bên trong vừa nhận hàng vừa đếm:

      –     5…6…8…14… Ðủ.

      –     Xong! Tao nhảy.

      Thanh niên bên ngoài, tay vẫn níu cửa tàu, một chân đứng lên tầng cấp, chân kia đong đưa trong không, toàn thân nhoài hẳn ra phía ngoài, trong tư thế sẵn sàng. Một lát, anh ta buông tay, biến mất trong bóng đêm. Người thanh niên phía trong đóng cửa, gài chốt, sắp mười mấy bịch hàng lại cho gọn gàng, xong ngồi lên trên, châm thuốc hút.

      Hạnh và đám người nhảy tàu đột nhiên bị mất chỗ, đứng lớ ngớ ngay trên lối đi. Cuối cùng, chật quá, nàng lần mò vào trong toa. Toa đầy. Khách ngồi kín các hàng ghế. Khách đứng dọc theo lối đi. Hơi người, hơi thuốc nồng nặc. Không tìm ra chỗ nào trống, nàng đành đến dãy ghế cuối. Người đàn bà đứng ngay đó nhìn nàng hằn học. Chỗ đã chật, lại chật thêm.  Hạnh làm lơ. Cứ đứng cái đã. Biết làm sao được bây giờ!                     

      Một người đàn bà đi từ đầu toa đến cuối toa, gặp từng người, thì thầm to nhỏ. Ðến chỗ Hạnh, chị ta hỏi:

      –     Ði Hà Nội?

      –     Vâng.

      –     Hàng gì?

      –     Linh tinh.

      –     Cái gì lại gọi là linh tinh? Tạp hóa, thuốc hút, thuốc tây, áo quần, vải vân vân, phải có một thứ chứ.

      Hạnh bực, muốn đốp chác lại, nhưng sợ rầy rà vô ích, nên nói:

      –     Tạp hóa.

      Người đàn bà trề môi:

      –     Tạp hóa thì nói là tạp hóa, lại còn bảo là linh tinh. Ai mà biết linh tinh là cái gì. Mà có đúng là tạp hóa không? Phải thật thà khai báo, chứ ra miền ngoài rồi, đám công an cơ động không dễ tin đâu. Hay không muốn đóng thì nói. Nào, mấy cục?

      –     Ba.

      –     Ðâu?

      Hạnh chỉ dưới gầm. Người đàn bà bảo:

      –     Ba cục, ba trăm. Mười một đội là ba ngàn ba.

      –     Cái gì mà ba ngàn ba lận?

      –     Nhiều quá phải không? Không đưa thì tùy.

      Nói xong, người đàn bà ngoe nguẩy quay đi ngay. Hạnh hốt hoảng níu vai lại, im lặng móc tiền đưa:

      –     Ba ngàn, được không?

      Chị ta chụp lấy tiền, trề môi:

      –     “Tiền đường” mà cũng kỳ kèo. Bộ mới đi buôn sao?  Cái mặt trông cũng “sạn” với tàu rồi, mà còn làm bộ!

       Ðêm sâu dần. Dù chật chội, ngột ngạt, nhưng dần dà, tiếng tàu chạy êm êm đưa mọi người vào giấc ngủ. Lúc đầu Hạnh đứng. Một hồi, xích qua, quay lại, nàng cũng tìm ra một chỗ để ngồi. Rồi nằm. Nàng nằm nghiêng, ngọ nguậy xỏ được đôi chân qua một kẻ hở hiếm hoi dưới gầm. Chẳng giường ấm nệm êm gì, thế mà nàng cũng cảm thấy thoải mái khi có một chỗ để đặt lưng. Thế là ngủ. Mơ rồi tỉnh. Tỉnh rồi lại mơ. Giấc ngủ bị cắt đứt từng chặp khi thỉnh thoảng có ai đó bước ngang đụng vào người. 

      Ðang mơ màng, Hạnh nghe âm sắc the thé của người đàn bà đi thu tiền khi nãy:

      –    Mấy bà dậy đi. Mau lên. Ðội cơ động đột xuất nhảy tàu.

      Ba chữ “đội cơ động” như có một sức mạnh ghê gớm đẩy bật các bạn hàng ngồi dậy, tỉnh ngủ ngay lập tức. Những hành khách khác  choàng thức dậy, ngơ ngác nhìn, rồi chừng như hiểu rõ chuyện chẳng liên quan gì đến mình, ngoẹo đầu xuống, ngủ lại. Giọng người đàn bà dứt khoát:

      –     Chị, hai trăm. Bà kia, hai trăm. Không có đủ, cứ giữ đó, có gì ráng chịu. Còn cô, một ngàn phải không, này thối lại tám trăm này. Bà, hai trăm. Không kỳ kèo, giá này là giá quy định.

      Nhìn Hạnh, chị ta nghiêm giọng:

      –     Hai trăm đúng, không bớt đồng nào.

      Hạnh không nói gì, lẳng lặng đưa hai trăm. Thấy một người đàn ông ngồi ở dãy đối diện cũng thức dậy lóng ngóng, nàng hỏi nhỏ:

      –     Ðến đâu rồi anh?

      –     Dường như qua khỏi Mường Mán hay Nha Trang gì rồi

      Hạnh ngong ngóng tìm Quất, kiểm soát viên, người bảo kê hàng cho nàng. Quất từ đầu toa đi ngang, hỏi nhỏ bên tai:

      –     Sao, đóng tiền chưa?

      –     Rồi.

      –     Tốt!

      Nàng nhìn anh lo lắng:

      –     Có gì nghiêm trọng lắm không?

      –     Còn tùy. Hàng cô đâu?

      Hạnh chỉ. Quất ngẫm nghĩ một lát rồi bảo:

      –     Hàng ghế số 3, bên phải, phải không? Có gì, hẳn hay.

      Hạnh ngồi xuống sàn, suy nghĩ vẩn vơ. Lát sau, có tiếng chộn rộn từ những toa phía trước. Rồi một dòng người đổ về phía cuối đoàn tàu. Những người nằm giữa lối đi đứng dậy, dạt sang một bên. Chỉ một lát sau, ba người công an trong đồng phục vàng, tay ve vẩy chiếc ma-trắc, hùng hổ tiến tới. Ðến ngay phòng kiểm soát viên, cả ba dừng lại:

      –     Kiểm soát viên đâu, chúng tôi muốn làm việc.

      Quất tiến lại. Một công an hỏi:

      –     Bao nhiêu hành khách?

      Quất đưa giấy tờ. Anh ta xem xong, liếc ngang liếc dọc trong toa:

      –     Bao nhiêu người không vé?

      –     Bốn chục.

      Người công an đứng sau,chen vào:

      –     Phải cả trăm.

      Quất chưa kịp phân bua thì người công an đứng trước hỏi tiếp, tay chỉ vào kệ để hàng và dưới gầm:

      –     Hàng của ai, anh nắm vững không?

      –     Vâng, của khách trong xe này.

      Anh ta nhón chân đứng lên trên thành ghế, đưa tay chỉ một bịch hàng của ai để gần đó:

      –     Cái này của ai?

      Không ai trả lời. Anh ta giựt cái xách xuống, đưa cho Quất:

      –     Anh ghi giấy, giao xách hàng cho trạm thuế ga Diêu Trì.

      Anh ta định kéo xuống nhiều xách nữa, thì người công an đứng sau kéo tay anh ta xuống, nháy mắt, nói:

      –     Ta đi, đồng chí!

      Ba người công an hùng hổ đi qua toa kế. Hạnh nhìn theo, nhẹ nhõm người. Ðám này trông bộ cũng dễ tính, nàng nhủ thầm.

      Khi tàu qua khỏi Truồi và bon bon chạy ngang những cánh đồng lúa Hương Thủy, Hạnh đã nhấp nha nhấp nhỏm đứng ngóng ở cửa ra vào, xách đồ quàng lên vai. Ngoẹo Giàng Xay, nhà thờ Phủ Cam, dốc Nam Giao. Kia rồi, ga Huế! Nàng nhìn đồng hồ: 12 giờ 30 khuya.

      Tàu vừa dừng, nàng nhảy xuống. Lợi dụng lúc hành khách Huế vẫn còn bận bịu với đồ đạc lỉnh kỉnh, nàng nhanh chân bươn ra cổng. Chỉ có một xách nhỏ, nên nàng chen tới dễ dàng, giúi vội tờ hai chục vào tay nhân viên gác cổng:

      –     Vé đây anh!

      Anh ta buông tay ngay, để cho Hạnh lọt ra ngoài. Nàng dáo dác nhìn quanh tìm Lục. Không thấy bóng anh chàng đâu cả.  Sân ga vắng, chỉ có xe thồ và xe xích lô đón khách khuya đậu bít  lối ra. Nàng thất vọng tự hỏi: hay là Duyệt quên đánh điện? Hoặc Lục quên giờ lên ga? Nàng nóng ruột chạy lui chạy tới, lâu lâu lại nhìn vào ga, sợ tàu chạy bất tử. Mười lăm phút trôi qua. Ðã đến giờ tàu  chạy lại. Hành khách đón tàu đã vào hết trong ga. Hành khách ra đã ngót. Vậy Lục đâu? Phải trở vào thôi. Nàng quay lưng bước.

      Ðúng lúc đó thì một chiếc xe từ phía cầu ga chạy vào.  Hạnh mừng rỡ nhận ra Lục. Nàng chạy lại:

      –     Trời ơi, sao giờ anh mới lại?

      Lục không trả lời, hỏi lại:

      –     Ðồ đạc đâu?

      –     Ðồ đạc gì?

      –     Vậy em ra tay không à?

      –     Sao mà tay không được

      –     Vậy hàng để đâu?

      –     Thì để trên tàu chứ đâu nữa.

      Lục sửng sốt:

      –     Em nói gì kỳ vậy. Ðể trên tàu làm gì?

      Bây giờ Hạnh mới sực nhớ. Bức điện nàng đánh quá ngắn ngủi nên Lục không biết là nàng đi Hà Nội. Chắc anh cũng tưởng đi đón nàng như thường lệ. Hạnh vội vàng nhét xách đồ ăn giữa cái nẹp xe Honda, giải thích:

      –     Em đi hàng ra thẳng Hà Nội rồi mới trở vào. Tàu sắp chạy lại. Sớm lắm là ngày kia, em sẽ trở lại. Mọi thứ đồ ăn có đủ trong này: bột ngọt, mắm, tôm, cá khô…

      –     Ði Hà Nội?

      –     Ừ, em mang hàng đi Hà Nội. Em phải vào tàu ngay bây giờ kẻo trễ mất.

      Không nói gì thêm, Hạnh quay bước chạy nhanh vào cửa.  Ði một khoảng ,thấy bất nhẫn, nàng quay lui nói:

      –     Về em giải thích sau. Ðừng giận.

      Lục thở dài:

      –     Hèn gì!

      Hạnh ngạc nhiên, quay lui lần nữa:

      –     Hèn gì là sao?

      Lục quay xe chạy đi, không kịp nghe câu hỏi của vợ.                                   

      Chỉ vài phút sau khi Hạnh nhảy trở lên tàu là tàu chạy lại.  Hú hồn! Huế đang lùi lại, lùi lại phía sau. Chuyến tàu mang nàng đi về một vùng đất lạ ở phía Bắc. Nàng bồi hồi ngoài nhìn sân ga tưởng như  đang bắt đầu một chuyến phiêu lưu mới vô định.

      Chỗ nằm của nàng đã bị chiếm. Một người đàn bà chẳng biết từ đâu tới nằm mê man ngủ, áo quấn xốc xếch để hở cả rún. Nàng không mấy buồn, vì lòng đang trĩu nặng. Lục trông không còn như Lục trước nữa. Anh lên ga đón nàng quá muộn. Khi gặp nàng, khuôn mặt anh dửng dưng đến lạnh lùng. Giọng nói nghe khô khốc như trò chuyện với ai chứ không phải với nàng. Còn đôi mắt mới chán. Chúng chứa đầy vẻ soi bói và ngờ vực. Sao anh lại bảo “hèn gì”? Cái gì mà “hèn gì”? Lẽ ra anh phải hiểu vì sao nàng đi Hà Nội, đi để làm gì. Lẽ ra anh phải hiểu tại sao giờ này, đáng lẽ nằm ngủ bên anh, bên con êm ấm, thì nàng lại nằm ở đây, giữa sàn tàu, chẳng khác gì những kẻ lang thang đầu đường xó chợ. Chồng con mà vô tâm đến thế là cùng! Nàng không thể ngủ được cho đến khi tàu đến ga Ðồng Hới.

      Trời hưng hửng. Ðồng ruộng, những mái nhà và núi đồi hiện ra nhờ nhờ. Vẫn thế, không có gì khác với miền trong.  Ga giống như nằm giữa một cánh đồng trống. Chung quanh ga, nhà cửa lưa thưa, thấp, nhỏ. Chỉ trừ những người đợi tàu đứng lố nhố ở dãy nhà ga, còn tất cả đều im ắng. Sân ga rộng và vắng vẻ lạ thường. Không có cảnh người chạy qua chạy lại và đội quân bán hàng rong đông đúc chờ chực sẵn. Một phụ nữ thấp nhỏ bước dọc theo tàu, thấy Hạnh nhìn, bèn đưa chiếc rá nhỏ ra mời:

      –     Mua kẹo cô.

      Hạnh lắc đầu, tò mò nhìn. Chiếc rá nhỏ với vài gói thuốc là Ðồ Sơn, Tam Ðảo, Ðà Lạt. Ít kẹo dừa, mấy  trái hồng tươi.  Người đàn bà nhỏ, gầy, áo quần bạc thếch, cử chỉ rụt rè. Hình ảnh này trái ngược với người bán hàng rong trên tàu trong Nam: năng động, ồn ào, nhanh nhẩu, lành nghề. Họ là một đạo quân tạo thành phân nửa không khí ồn ào sinh động ở sân ga.  Tàu vừa dừng là đạo quân này tràn lên như nước lũ. Tiếng rao hàng, mời mọc, cãi vã vang vang trong tất cả các toa. Họ cung cấp gần như đủ thứ  cho mọi nhu cầu của khách đi tàu. Họ biến các toa tàu thành một cái chợ. Ở đây trái lại, mọi thứ yên lặng đến lạ thường. Khác biệt Nam-Bắc thật rõ ràng. Nhìn người phụ nữ thận trọng bước vào toa, Hạnh chép miệng:

      –     Ga ở ngoài này buồn thật.

      Người đàn ông đứng bên cạnh cười:

      –     Chả bù với các ga trong Nam.

      –     Có lẽ thế.

      Nàng vừa đáp vừa nhìn ra xa. Nổi bật lên giữa khung cảnh trống trải là một khu nhà nhiều tầng khá lớn, dáng nét  đặc biệt. Hạnh hỏi người đàn ông:

      –     Cơ sở gì mà lớn thế anh?

      –     Bệnh viện Hữu Nghị Cu Ba đấy.

      Nàng ngắm nghía cái bệnh viện muốn hỏi tiếp thì chợt Quất bước tới. Anh đập nhẹ vào vai:

      –     Vào trong này, ta nói chuyện tí.

      Hạnh theo Quất vào phòng kiểm soát viên. Ðó là một căn phòng nhỏ nằm một đầu toa. Chỉ cái giường nhỏ, Quất bảo nàng ngồi xuống, rồi nói:

      –     Tin cho hay là có thể có “đội mạnh” nhảy tàu trước khi đến ga Vinh.

      Hạnh ngạc nhiên:

      –     Cái gì gọi là “đội mạnh”, em chưa hề nghe nói đến?

      Quất giải thích:

      –     Vâng. Người ta gọi là “đội mạnh”. Anh không rõ đội này xuất phát từ đâu, do trung ương hay địa phương nữa. Họ mới được thành lập.

      Hạnh ngắt ngang:

      –     Thì cũng như đội cơ động vừa mới nhảy đột xuất ở Nha Trang chứ gì?

      –     Khác. Cả hai đều là công an đặc nhiệm, nhưng “đội mạnh” quyền hạn lớn hơn. Họ có thể đột xuất lên tàu bất cứ giờ nào, bất cứ ở đâu và có quyền xử lý bất cứ tình huống nào trên tàu từ tội phạm đến buôn lậu, nhảy tàu.

      Hạnh hồi hộp hỏi:

      –     Gì mà nhiếu đội thế. Em đã chung hai đợt cho cái bà gì đó rồi. Chẳng lẽ…Bà ta  đưa cho anh hay đưa cho ai khác?

      –     Có. Mấy đội công an kia, mình có “đường” lo liệu.  Ðội này mới quá, chưa biết sự thể sẽ ra sao.

      Hạnh năn nỉ:

      –     Anh giúp em đi. Ở ngoài này, cái gì cũng mới lạ đối với em cả.

      Quất bóp trán suy nghĩ một lát rồi hỏi:

      –     Em có mấy bao hàng?

      –     Không phải bao mà là xách. Ba xách.

      –     Em ra lấy thử một xách vào đây.

      Hạnh lôi dưới gầm lên một xách, mang vào cho Quất.  Quất nói:

      –     Khá lớn nhỉ, không biết nhét vào có hết không. Hai xách kia cùng cỡ?

      –     Vâng.

      –     Ðược, em cứ mang hết vào đây. Nhét thêm một xách dưới gầm nữa. Còn xách kia, để trong tủ này.

      Trong lúc Hạnh ra toa lấy tiếp hàng thì Quất mở tủ lấy hết đồ đạc lỉnh kỉnh ra để hết lên giường nằm. Hạnh vào, sắp đặt các thứ y như Quất đã chỉ. Quất nói:

      –     Cũng liều đấy. Nhưng ráng hết ý với em đấy. Nào, bằng lòng chưa?

      Anh ta cầm tay Hạnh bóp mạnh. Nàng la:

      –     Coi kìa, đau em.

      Quất cười hề hề:

      –     Xin lỗi em. Thử một tí cho vui thôi mà. Gì mà la lớn thế!

      Quất buông tay Hạnh. Hạnh lách khỏi Quất bước ra.  Quất dặn:

      –     Ai hỏi gì về hàng hóa, tuyệt đối em đừng nói gì hết.  Bà kia có hỏi tiền, em cứ chung như thường lệ.

      Ðúng như lời Quất nói, chỉ một thời gian ngắn sau khi tàu rời một cái ga xép ngoài Ðồng Hới để tránh tàu, cả đoàn tàu Thống Nhất lại xao xác trong đợt tiến công của một Ðội Công An Ðặc Nhiệm mới được thành lập mà dân buôn gọi là đội mạnh. Phối hợp cùng đội công an giữ an ninh tàu, đội mạnh lùa hết những hành khách không có vé về cuối đoàn tàu, đứng ngối chen chúc tại toa cung ứng, tức là toa ăn uống. Tại đây, họ bị buộc mua vé phạt với giá gấp đôi giá chính thức. Những ai không có tiền mua vé hoặc không chịu mua đều bị lùa lại một góc, chờ đuổi xuống tại một ga xép kế đó.

      Hạnh trở về toa với cái vé phạt Ðồng Hới-Vinh. Toa bây giờ thoáng hẳn ra. Lối đi rộng. Hai đầu toa, chỉ còn vài người đứng ngồi nói chuyện vu vơ. Nhìn bộ tịch của họ, nàng đoán họ là những hành khách thứ thiệt, nghĩa là nhảy tàu vì không mua được vé chứ không phải là con buôn. Trong toa, không khí khác hẳn. Mọi người chờ đợi, căng thẳng. Có người mở xách hàng ra, lấy áo quần hoặc đồ đạc gì  lỉnh kỉnh chèn lên trên.  Có người cố nhét thật sâu một xách hàng gì đó vào dưới gầm hoặc trong góc.

      Người đàn bà thâu tiền thầm thì to nhỏ với Quất một lát ở ngay đầu toa, rồi lần lượt đi gặp từng người. Ðến chỗ Hạnh, chị ta nói:

      –     Tình hình rất căng.  Còn nước còn tát. Ta cứ đóng tiền để sẵn. Ðược thì tốt, không thì tính sau.

      –     Nhiêu?

      –     Ba trăm.

      –     Khiếp!

      Chị ta sừng sộ:

      –     Gì khiếp? Giữa ba trăm với hàng chục, hàng trăm ngàn, bà chọn cái nào. Ai ta cũng sẵn sàng cả, chỉ có bà là …

      Hạnh lúng túng:

      –     Ấy, tôi chỉ nói thế…

      Hạnh móc bóp lấy tiền mà tưởng như ai lấy kim chích từng mũi vào da thịt đau buốt. Tiền đau xương mỏi chắc chứ phải chơi đâu. Thu tiền xong, chị ta đến gặp Quất. Họ ăn chia như thế nào với số tiền đó, chỉ có trời mới biết. 

      Ðội mạnh đến toa 8. Khác với cách hành xử nhậm lẹ, ào ạt khi tấn công vào những người nhảy tàu, cách làm việc bây giờ có vẻ nhẩn nha, chậm rãi, nhưng đầy nghiêm trọng. Khuôn mặt người nào người nấy cũng lầm lì, lạnh lùng và cương quyết.  Vừa từ toa 7 bước sang, tay đội trưởng bố trí hai người đứng gác hai đầu toa. Nội bất xuất ngoại bất nhập. Ðích thân anh ta và một người nữa, chia hai, mỗi người một bên. Anh ta cử hai người khác tới đầu toa kia, cũng chia hai như vậy. Bốn người từ hai đầu toa, bắt đầu kiểm tra lần vào. Họ hỏi vé, hỏi hàng và lục lọi tất cả bao, bì, xách, gói từ nhỏ đến lớn, từ trên kệ xuống dưới gầm. Họ dùng đèn “pin” soi tận trong góc tối để xem thử có còn bịch nào sót ở trong không. Tất cả đều bị lục tung, lập biên bản đánh thuế. Thuế cao, hạ ít nhiều dựa vào số lượng cũng như chất lượng hàng hóa. Nói chung cách đánh thuế có vẻ tùy hứng. Người ta năn nỉ, khóc lóc, van xin. Vô ích. Họ làm việc như người máy, không  một chút động tâm trước những giòng nước mắt và lời than thở. Một người đàn bà, sau khi năn nỉ một hồi không xong, òa lên khóc nức nở:

      –     Các anh ác vừa vừa thôi. Chừng này hàng hóa mà đánh thuế đến mười lăm ngàn. Cả vốn lẫn lời cũng chưa đến số đó.

      Người công an hỏi gắt:

      –     Chị không chịu phải không. Ðưa lại đây.

      Người đàn bà mừng rỡ đưa trả tờ giấy thuế:

      –     Anh làm ơn làm phước xem lại giùm.

      Anh ta xé toạt ngay tờ giấy, ném xuống đất, lật sổ, viết một tờ khác, trao lại cho người đàn bà. Ðọc xong, chị ta hoảng hốt la lên:

      –     Hai chục ngàn. Anh có viết lộn không?

      –     Hai chục ngàn. Không lộn đồng nào.

      –     Sao vô lý thế này. Mười lăm ngàn đã không chịu được, giờ lại hai chục ngàn là thế nào?

      –     Chị không chịu, phải không. Vậy đưa lại đây.

      Người công an xé giấy, ghi lại. Người đàn bà la lên, lần này vô cùng thống thiết:

      –     Trời! Hai mươi lăm  ngàn. Trời ơi là trời. Gì mà vô nhân ác đức vậy trời.

      Nói xong, bà tra ngồi bệt xuống ghế, mặt mày tái nghét, miệng lắp bắp như bị lên cơn động kinh. Người công an nói với Quất:

      –     Anh cho mang tất cả hàng của chị này niêm lại, giao xuống trạm ga Vinh.

      Nói xong, anh ta tiếp tục công việc của mình. Cả toa bây giờ im phăng phắt. Chỉ nghe tiếng mở xách, soạn hàng rột roạt  và tiếng sụt sùi đứt khoảng của những bạn hàng bị đánh thuế.  Càng gần đến cuối toa, Hạnh càng nôn nao ngộp thở.  Kìa, họ đã làm xong hàng ghế sau cùng. Hạnh sững người chờ đợi như đợi tuyên án. Cả toán công an đứng ngay trước cửa phòng kiểm soát viên, rút thuốc mời nhau hút. Rồi không hiểu sao, tất cả kéo nhau đi. Thế là thoát nạn! Nàng mừng rỡ đến nỗi khi người đàn bà thâu tiền mang tiền lại trả, nàng xua tay:

      –     Thôi chị giữ lấy.

      Người đàn bà nhìn nàng, mắt mở lớn. Có lẽ chị ta không tưởng tượng được tại sao một người đã từng kỳ kèo bớt một thêm hai, bây giờ lại hào sảng dường ấy. Chẳng biết suy nghĩ gì, chị ta im lặng cất tiền vào trong túi, bỏ đi. 

      Chị ta đi rồi, Hạnh mới bắt đầu thấy tiếc. Tiếc đứt tóc!

*

      Tàu đến ga Hàng Cỏ vào nửa đêm. Nàng quá mệt. Lòng hoang mang bất định vì không có ý niệm gì về sinh hoạt ở đây, nàng phó mặc mọi sự cho Quất. Quất đưa nàng và chuyển hàng vào hẳn trong phòng làm việc của ga. Sau khi làm xong các thủ tục giao ban, anh ta đưa nàng về một nhà trọ ở gần bến xe Kim Liên. Quất dặn nàng trước khi ra về:

      –     Ðây không phải là nhà trọ chính quy  đâu mà là nhà ở.  Cũng là nhà quen. Ðiều kiện sinh hoạt ngoài này không giống như trong kia, nhưng em ráng đi, sẽ quen dần. Ở đâu theo đó.  Nhưng không sao, đây an ninh lắm.

      Hạnh cười:

      –    Ðối với em, ở đâu thì cũng vậy thôi.

      Chỗ trọ, hay nói đúng hơn, một chỗ ngủ qua đêm, là một căn gác gỗ khá cũ, dựng tạm ngay trên chái nhà bếp. Nhìn chiếc cầu thang ọp ẹp, và cách che chắn sơ sài, nàng đoán đây là một kho chứa đồ mà chủ nhân biến thành chỗ trọ để kiếm thêm tiền thu nhập. Vừa đặt bước lên cầu thang, căn gác đã nghe rung lẩy bẩy dưới chân. Nàng kinh hãi dừng lại, chới với, tay vịn chặt vào cái cột nhà. Thấy bộ tịch của Hạnh, chủ nhân, một người đàn bà đứng tuổi, gầy gò, răng đen, đầu chít chiếc khăn mỏ quạ, trấn an:

      –     Không sao đâu, cô ạ. Chúng tôi vẫn thường ngủ ở trên đó. Ðừng sợ.

      Hạnh làm bộ bạo dạn bước lên, nhưng lòng vẫn không yên.  Gác không có gì khác ngoài một chiếc ghế bố nhỏ có sẵn gối, chăn và chiếc mùng bộ đội trông còn khá mới. Từ căn gác nhìn ra qua một ô cửa nhỏ, nàng nhìn thấy những mái nhà ngói thấp, cũ kỹ. Một con hẻm ngoằn nghoèo chạy dọc theo những bức tường gạch thẫm, tối, chợt ẩn chợt hiện sau những cột trụ sứt mẻ và các cây sứ. Xa hơn là con đường lớn chạy ngang trước bến xe. Hà Nội đêm khuya im vắng.  Nàng tò mò đứng nhìn mãi chiếc xích lô chở một người bộ đội lừ đừ chạy dọc theo lề đường đẫm nước. Xích lô trông thấp và rộng hơn xích lô Sài Gòn. Chỗ ngồi lót bằng tấm ván gỗ chứ không lót nệm. Chắc  đau đít lắm, nàng nghĩ! Nhìn quanh, nàng có cảm giác Hà Nội cũ, lờ đờ và nhẫn nhục.

      Hạnh mệt quá, ngủ vùi. Nàng chỉ thức dậy khi bà chủ nhà lên tìm, bảo là có người cần gặp. Nàng vội vã thay áo quần, bước xuống. Tưởng là Quất đến tìm, hóa ra không phải. Ðó là một thiếu phụ ăn mặc đỏm đáng, tóc bối, cử chỉ nhanh nhẹn, bộ tịch ra vẻ một con “phe” lành nghề. Chắc là bạn hàng tới mua thuốc, nàng nghĩ bụng. Vừa thấy Hạnh, chị ta đon đả chào:

      –     Chào cô. Vậy ra cô còn trẻ đến thế kia à. Lại đẹp nữa.  Dân miền trong có khác. Trông như tiểu thơ vậy. Ấy thế sao lại đi làm cái nghề này…à, xin lỗi, tôi nói không phải, vậy mà cô chịu khó đi làm “phe” à. Ấy, lại xin lỗi, tôi ăn nói sỗ sàng.  Sao, hồi hôm về, cô có ngủ được không? Ôi thôi ngoài này không được thoải mái như trong kia đâu. Chịu khó thôi. Chúng tôi cực khổ quen rồi. Nào, cô ngồi đây, ta nói chuyện.

      Hạnh không để ý đến lời chào mà để ý đến cái giọng khá nặng của người đàn bà so với giọng Hà Nội. Nàng hỏi:

      –     Chị cũng người Hà Nội?

      –     Không, tôi người miền trong.

      –     Vậy chị tập kết?

      –     Ðâu có. Chỉ có người miền Nam ra ta mới gọi là tập kết. Chúng tôi dân miền ngoài mà.

      Hạnh ngạc nhiên khi nghe chị ta khi thì nói “miền trong” khi thì nói “miền ngoài”. Nàng xin lỗi khách cho đi đánh răng rửa mặt. Trong lúc làm vệ sinh, nàng tính toán giá cả trong bụng với ý định sẽ hô giá với khách. Khi trở ra, nàng định đi thẳng vào chuyện mua bán thì chị ta  đã hỏi trước:

      –     Vậy thì cô đi có một mình?

      Sao lại “vậy thì”, Hạnh nghĩ. Nàng lưỡng lự đáp:

      –     Vâng. Em nhảy tàu.

      –     Cô tiểu thư thế mà gan nhỉ.

      Hạnh nhã nhặn hỏi:

      –     Ai chỉ chị đến đây?

      Chị ta cười:

      –     Có người chỉ.

      –     Chị quen với ông Quất à?

      Người đàn bà làm ra vẻ ngạc nhiên:

      –     Ờ…ờ, sao cô lại biết?

      –    Em đoán vì chỉ có anh Quất là biết em ở đây.

      –     Ra thế. Cũng hay nhỉ. Cô quen với ông Quất ở đâu?

     –     Ở Sài Gòn. Anh ấy là bạn hàng của một người bạn em.

      Người đàn bà gật gù:

      –     Ra thế!  Ông Quất cũng tốt với cô nhỉ!

      Hạnh bắt đầu thấy khó chịu và sốt ruột. Nàng hỏi, cố giữ giọng thật bình thường:

      –     Chị cũng đi buôn?

      Người đàn bà xua tay:

      –     Không, không. Tôi chỉ “chạy chợ” quanh vùng này.

Hạnh không hiểu:

      –     Cái gì “chạy chợ”? Chợ Ðồng Xuân hả chị?

      –     Hà Nội đâu chỉ có chợ Ðồng Xuân. Ai ở trong đó ra đây cũng hỏi Ðồng Xuân, Ðồng Xuân. 

      Hạnh bẽn lẽn:

      –     Em mới ra lần đầu. Nghe người ta nói chợ Ðồng Xuân thì em cũng hay vậy.

      –     Ở đây có khối chợ. Cô không nghe nói Hà Nội ba mươi sáu phố phường hay sao?

      –     Dạ có.

      –     Mà này, bao giờ cô trở vào trong đó?

      –     Bán hàng xong là em vào liền.

      –     Không đợi vào với ông Quất  sao?

      –     Ðâu có đợi được chị. Nghe nói anh ấy nghỉ một tuần lận.

      –     Vậy thì vào bằng cách nào?

      –     Dạ, cũng bằng tàu.

      –     Ai đưa cô vào?

      –     Anh Quất có hứa với em là gửi em đi chuyến tàu Thống Nhất mai hay mốt gì đó.

      Người đàn bà chép miệng:

      –     Người ta tốt bụng quá nhỉ? Thôi tôi về.

      Hạnh hỏi:

      –     Vây chị không mua hàng sao?

      –     Mua chứ. Nhưng bây giờ thì chưa.

      Hạnh chưa kịp hỏi tiếp thì người đàn bà quày quã bỏ đi.

Sau, hỏi ra, nàng mới biết, đó là vợ của Quất.

Hèn gì!

T.D.N.

Comments are closed.