Đất nước và quê hương

Lê Học Lãnh Vân

Ngày 02/11/2021, một chị bạn Phây viết tút:

Nhớ mãi cũng vào ngày tháng này bước chân ngỡ ngàng đến đây, thấm thoát mà gần ba mươi năm nơi xứ lạ quê người, nước Mỹ không là quê hương của riêng ai vì Hợp Chúng Quốc luôn luôn mở vòng tay chào đón mọi sắc dân trên hành tinh này. Cảm ơn đời một sớm mai vẫn cho ta nhìn quê hương thứ hai trong nắng thu mà nhớ… nhớ về quê hương cũ rời xa dù không bao giờ mất hẳn trong trí nhớ nhỏ nhoi” (Hương Nguyễnm08t4141Sul4t89m6hrhe6d, ngày 02/11/2021)

Hai chữ Quê Hương theo Vương mấy chục năm dài! “Quê Hương mỗi người chỉ một” (Đỗ Trung Quân), nhưng Vương tự nhủ mình có tới hai Quê! Việt Nam là quê hương sinh ra, quê hương ấu thời quấn quýt mẹ cha, tạt lon đá dế, tập đánh vần, hấp thụ những lẽ sống, tình cảm căn bản. Pháp là quê hương khoa học, nơi dạy anh phương pháp, tinh thần nghiên cứu khoa học. Cũng là nơi anh mở mắt nhìn ra thế giới, rộng rãi hơn, độ lượng hơn. Tút của chị bạn đem lại cho Vương một làn gió mát trong lành tự nhiên.

Nhớ hai mươi bảy năm xưa, Vương dự định ở lại Canada thêm mười năm nữa, anh làm giấy bảo lãnh gia đình. Người lớn trong nhà không chịu sống ngoài Việt Nam, thế là đành khăn gói về quê. Hai vợ chồng bàn nhau đã hơn sáu năm lãnh đồng lương tư bản trong lúc anh em bên nhà thiếu hụt, giờ Việt Nam đang thời cơ phát triển, mình về làm cho trường đại học không công trong mười năm cũng vui. Thực ra về cũng có lương, nhưng đồng lương rất thấp so với mức chi dụng cần thiết, cũng rất thấp so với mức lương một công ty đa quốc gia lớn đang chào mời nên cũng coi như làm không công. Bạn bè, bà con bên Pháp, Canada, Hoa Kỳ tấp nập khuyên can, mầy ngu quá, bỏ sáng đâm đầu vô tối…

Lúc đó chính sách đổi mới ra đời gần mười năm rồi, Việt Nam đang mở cửa với phương Tây, Sài Gòn và Hà Nội sẽ phát triển mau kéo theo cả nước. Mình bỏ chút đỉnh công sức, một hai chục năm sau Việt Nam giàu mạnh no ấm thì đời mình cũng khá hơn mà cuộc sống về già hạnh phúc với niềm vui góp phần phụng sự. Với một chút phấn khích mạo hiểm, Vương háo hức chuẩn bị chuyến về.

Lần đầu tiên, trở lại sinh hoạt trong Hội Trí Thức Yêu Nước, nơi mười năm trước Vương gặp những vị thầy khả kính về tài năng và đức độ như các thầy Nguyễn Vĩnh Niên (Dược khoa), Lý Chánh Trung (Văn khoa), Nguyễn Chung Tú (Khoa học), Chu Phạm Ngọc Sơn (Khoa học), Nguyễn Thị Oanh (Phát triển cộng đồng) và anh lắng nghe từng dòng kiến thức róc rách thân tình. Hôm ấy, Hội tổ chức một buổi gặp gỡ để Vương ra mắt thuật lại các kết quả nghiên cứu mới nhất của mình. Anh rất cảm động thấy có mặt các vị thầy năm xưa. Những cái bắt tay, ôm vai mừng rỡ. Thầy Nguyễn Chung Tú giọng còn sang sảng nói anh đi sáu bảy năm mà chững chạc hẳn. Thầy Lý Chánh Trung, trông già hơn so với mười năm trước, chiếc píp cố hữu trên tay, nói nét mặt cậu không khác, mà cái đầu chắc khác nhiều. Thầy Nguyễn Vĩnh Niên im lặng quan sát, thầy Niên là thầy dạy chị Ba và em gái Vương. Thầy là bạn học thân thiết với chị Hai.

Một người đại diện Hội lên bục nói hôm nay chúng ta đón một nhà khoa học từ Pháp và Canada. Ông có đời sống vững vàng bên đó nhưng vì lòng yêu nước ông hy sinh bỏ tất cả về đây. Vương nghe mà lạnh mình vì ngượng. Anh liếc cử toạ và các thầy, các vị như không chú ý tới lời phát biểu quen thuộc.

Sau buổi gặp mặt, Vương có dịp ngồi và nói sự ngượng ngùng của mình với các Thầy. Vương nói em mà yêu nước cái gì, em về là vì gia đình, và cũng vì thời thế đã đổi khác. Nói thật, nếu hiện trạng Việt Nam vẫn như trước năm 1985 thì chưa chắc em dám nghĩ đến chuyện hồi hương. Thầy Tú nói, nhưng vậy thì anh cũng yêu nước mà, ngại gì. Thầy Niên bảo, kệ người ta, muốn nói gì thì nói. Còn thầy Trung nhẹ nhàng bảo, thế hệ cậu khác thế hệ chúng tôi, thế hệ chúng tôi yêu nước là lẽ sống.

Vương rúng động vì câu nói của thầy Lý Chánh Trung. Quả thật, những người lớn trong nhà anh, và cả anh nữa, trước năm 1975 lấy yêu nước làm lẽ sống. Lòng yêu nước đó bị lung lay tận gốc khi, sau cuộc chiến ba mươi năm tàn khốc, một nửa nước này đưa thành phần ưu tú của một nửa nước kia vào trại cải tạo. Khi cuộc cải tạo công thương nghiệp phá bỏ nền kinh tế thị trường vốn là quy luạt phát triển, đẩy hàng triệu gia đình khỏi cuộc mưu sinh thường nhật, đất nước đói nghèo và hàng triệu người phải liều mạng xông ra biển dữ tháo chạy khỏi đất nước.

Ra nước ngoài mới thấy, người Pháp, người Canada có nhắc tới yêu nước đâu, sao cuộc sống họ chan hoà lòng tôn trọng con người, với chính quyền phụng sự người dân?

Vương nhớ lại hai buổi trò chuyện thân tình tại Paris bốn năm trước giữa anh với một nghệ sĩ đại thụ của Việt Nam, Phạm Duy. Làm sao quên được những câu tâm sự này của ông:

Tôi không biết chủ nghĩa xã hội, mà mái đình, bờ tre, đường đê lúc nào cũng ấm áp trong lòng. Vô Sài Gòn sung túc, mấy lúc nằm nghỉ trưa, nhớ lại cảnh đó mà hạnh phúc. Hồi nhỏ chơi bắn bi đánh đáo với đám bạn con nít, tới giờ tôi còn nhớ mảnh sân, góc nhà, cái bếp. Lớn lên đi đây đó, thấy hàng tre lại nhớ quê. Mà nhớ nhất là khi thấy hàng tre trong sương xa xa”.

Và:

Mong ước lớn nhất của tôi là được gặp lại những người bạn đó, cầm tay, ôm nhau, kể chuyện xưa, cùng ngủ trong căn nhà miền Bắc. Rồi cùng chết trên đất quê hương”.

Lời tâm sự của Phạm Duy khiến lòng Vương chùng xuống. Không phải vì ông mà vì chính anh. Nắng Paris thường mờ, tàn cây in bóng mờ trên đường, bên trong bóng và bên ngoài nắng được phân chia bằng đường viền nhoè. Một trưa tháng bảy, bước ra ngoài, gặp tàn cây in bóng sẫm rõ rệt trên mặt nhựa với đường viền bóng rõ nét, Vương sững người vì gặp lại Việt Nam. Đàng sau hình bóng lá trên đường là hình ảnh quê hương, đàng sau hình ảnh quê hương là hình ảnh ba mươi năm cuộc sống đầu đời.

Lần lần rồi cũng tới khoảnh khắc Eureka, Vương ngộ ra rằng tình yêu nước và tình yêu quê hương khác nhau. Chính Phạm Duy cũng không biết mình có yêu nước hay không, nhưng tình yêu quê hương của ông thì quá thiết tha.

Cũng một chữ “tình”, tình yêu nước thiên về lý trí, lý tưởng hơn, còn tình quê hương thiên về tấm lòng, kỷ niệm hơn. Chữ “nước” đồng nghĩa với chữ “quốc gia”, nghĩa là các thành tố chánh của nó gồm dân tộc, lãnh thổ, chính quyền. Dân tộc thì rộng và xa, chính quyền thì người ta có thể bằng lòng hay không. Dù không bằng lòng người ta vẫn ủng hộ nếu biết số người không bằng lòng thuộc thiểu số. Nhưng, nếu biết số người không bằng lòng là đa số mà chính quyền đó vẫn cố đấm ăn xôi, trơ lỳ giữ quyền cai trị, sự không bằng lòng có thể biến thành căm ghét, người ta không yêu nước được nữa và từ bỏ đất nước ra đi…

Tình quê hương, trái lại, gần gũi với con người bao nhiêu. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn bè, chiếc nôi, căn nhà, làng xóm, mái trường, bóng cây, con đường, con sông… Ai cũng có quê hương để mà da diết nhớ, và dù sống ở phương trời nào cũng mang quê hương trong lòng.

Có không sự lầm lẫn một thời rằng yêu nước là yêu quê hương?

Có không những người tha thiết yêu quê hương nhưng bị phán xét là “thế lực thù địch” rồi bị văng khỏi quê hương?

Có không những người tự nhận là yêu nước lại làm tan nát quê hương?

Trên dải đất trăm năm qua luôn mịt mờ khói đen thù hận, chừng nào tình yêu nước và tình yêu quê hương mới tiến về nhau để người dân được yêu nước mà vẫn sống trên quê hương. Mong ngày đó biết bao…

Ngày 04 tháng 11 năm 2021

Comments are closed.