Ðất Thổ – Truyện ngắn Nam Dao

Truyện ngắn của Nam Dao

Tác giả gửi Văn Việt

image001

Nhà văn Nam Dao

 Văn Việt: Nhà văn Nam Dao tên thật Nguyễn Mạnh Hùng, bút hiệu: Nam Dao, Dã Tượng. PhD,  khoa Kinh Tế  (Đại Học Toronto, Canada), Giáo sư Kinh Tế học Đại Học Laval Qc, Canada. Thỉnh giảng và nghiên cứu tại nhiều Đại Học như Havard, Paris – Sorbonne, Toulouse, Montpellier, Paris10, CEPREMAP, National Australian University, University of New Southwales…

Sách đã in: Văn: Ghềnh V-  2013, Vu Quy – 2013, Cõi Tình & Vu Quy – 2009), Trăng Nguyên Sơ – tiểu thuyết -2008, Bể Dâu – tiểu thuyết lịch sử – 2007, Những con người, những bóng ma – bút ký – 2006), L’écho du gong – 2006, Trăng thuê ảo ảnh – tập truyện – 2004, Đất Trời – tiểu thuyết lịch sử – 2002, Khoảng chơi vơi – truyện và ký – 2001, Trong buốt pha lê – tập truyện – 2001,  Ba vở kịch – 2000, Tiếng Cồng – tiểu thuyết- 2000, Gió Lửa – tiểu thuyết lịch sử – 1999. Thơ:Dịch lại Thơ Đường – 1995, Chinh Phụ Ngâm – dịch theo nguyên thể Hán văn -1996), Thơ Nam Dao -1996, Dấu Vết Ngậm Ngùi – tập thơ, 1989.

 

 

Tôi đến xứ này tìm N.

 

Con đường Istiklal Gadis khu Galatasara ăm ắp người. Thỉnh thoảng mới có phụ nữ choàng djellaba [1] truyền thống.  Phần lớn họ mặc quần jean áo chẽn, không ai che mặt, để thiên hạ được dịp ngắm những cặp mi cong vút, mắt sâu thăm thẳm, tròng trắng xanh ánh lân tinh dưới sắc vàng hực của nắng đổ lên mặt đất nhộn nhạo âm thanh. Chỗ này, cửa hàng bán CD nhạc cổ điển, tiếng hồ cầm thê thiết dạo đoản khúc allegro trong một Concerto của Bach. Ngay bên cạnh, quầy bán nhạc bình dân Ả Rập, kèn í o, chiêng leng keng đệm vào giọng hát một ca sĩ có bộ râu xồm xoàm đang nổi tiếng, ngày nào cũng xuất hiện trên màn ảnh TV với những bài hát khóc lóc tình yêu dang dở.

 

Một thanh niên ở đâu chồm tới, tay chìa vào mặt tôi một tờ giấy. Thoạt đầu tôi nghĩ lại là một tờ quảng cáo. Nhưng không. Tôi đọc, No to NATO, get out. Dưới tờ truyền đơn, đề Turkish Communist Ligue. Ơ, tôi  ngạc nhiên, ở đây mà cũng còn những tổ chức kiểu này sao? Và nhất là trên đất Thổ, đất có tiếng là không dung nạp những điều trái ý chính quyền! Bật cười, tôi thích thú nhìn lên, bắt gặp cặp mắt thiếu nữ mấp mênh bờ vai anh thanh niên. Tôi vui giọng, no to NATO, tìm sự đồng lõa. Nhưng tôi hỏi nàng, tại sao? Nàng nói,  tiếng Anh còn bập bẹ, người chúng tôi ở đây  không  muốn chiến tranh, chống lại  chuyện những nguyên thủ các quốc gia thuộc khối NATO sẽ họp với nhau trong ba tuần nữa ở Istanbul.

 

Tôi nghe loáng thoáng nào Bush, nào Blair, với những Saddam, Sharon, Arafat…trong một cuộc toàn cầu hóa tội ác. Tôi  gật gật, nhưng thú thật, tôi chỉ thấy đôi mắt mầu xanh ve trong suốt thủy tinh. Tôi hỏi tên và xin nàng cho phép tôi chụp ảnh với xấp báo nàng ôm trên tay, tên báo in bằng chữ mầu đỏ tưởng chỉ còn để đánh dấu một thời đã qua. Nàng cười, vẻ ưng thuận, nhưng bỗng có tiếng thất thanh ơi ới gọi. Rồi thoắt một cái, đám thanh niên thiếu nữ biến cả. Ðám đông xô nhau đứng dẹp vào hai bên lề. Có tiếng hô. Tiếng giầy đinh lộp cộp nện lên đá xanh lót đường lẫn vào tiếng loảng xoảng kim loại chạm nhau. Một  đoàn cảnh vệ diễu hành thị uy, đồng phục xanh rêu, đầu đội nón sắt, tay bồng tiểu liên, lưng dắt dao găm. Họ nhìn thẳng, mắt lạnh lẽo chất thép sám xì của nòng súng ghếch lên trời. Tôi đưa máy ảnh lên định chụp, nhưng rồi thôi. Tôi đến xứ này tìm N, không phải để chụp ảnh.

 

***

 

24

Tranh Đỗ Trung Quân

 

Ði được dăm phút, tôi vừa ngừng chân thì thằng bé không biết từ lúc nào đã đứng cạnh, khều tay, nhăn răng cười. My friend, girl…beauty  [3]…Tôi chắc khi nẫy nó thấy tôi chuyện trò với cô gái ôm xấp báo, tưởng tôi gạ gẫm gì đó. Tôi lắc đầu. Tiếp tục, tôi bước đi giữa làn sóng người.  

 

Lát sau, ngay ngã ba cạnh ngôi nhà thờ Thiên Chúa nằm ngay khu buôn bán, tôi ngơ ngác tìm tên đường nơi khách sạn tôi đã đặt phòng. Một căn sạp rộng với những tấm áp-phích có đèn chiếu thu hút tầm mắt bộ hành. Tôi bước vào. Ðây là chỗ bộ Văn Hóa Thổ đang quảng cáo cho Kịch Bóng – shadow threater –  dùng hình tượng như trong đèn kéo quân nhưng không chỉ chạy vòng mà còn thủ những vai như kịch sĩ trên sân khấu. Chúng cũng cười, cũng khóc, và cũng hạ sát nhau trong những vở tranh dành quyền lực.

 

Ở giữa sạp, ảnh người  nghệ sĩ Thổ đầu tiên đưa hình thức nghệ thuật này lên sân khấu đâu khoảng kỷ thứ 9 đang nhếch mép vuốt râu. Cạnh đấy là bóng Sultan, và đây là bóng Thượng Tướng đang nắm quyền bính, nhưng ngài lại trót yêu Hoàng Hậu mặc dầu nàng đã hạ sinh Hoàng Tử. Cứ thế, những chiếc bóng đuổi bắt nhau, xoắn lấy nhau như oan nghiệp, buông nhau rồi lại xô vào tìm nhau trong một không gian phẳng có những gẫy đổ, đứt khúc, tròng trành nghiêng ngả.

 

Một đoàn người ngựa xuất hiện. Bóng ông Thượng Tướng cầm quân có chiếc búa hình lưỡi liềm hiện ra choán gần hết sân khấu. Rồi thình lình, bóng Sultan díu lấy bóng Hoàng Hậu, bóng Hoàng Tử nép vào bóng Sultan. Tôi chờ bóng một hiệp sĩ. Ở kỷ thứ 21, thật khó. Tôi tiếp tục chờ, nhưng vừa nóng ruột  thì ai đó đến khều vào tay. Thằng bé, vẫn thằng bé đánh giày, lại lập lại, girl…beauty. Tôi bực bội gằn giọng, no. Nó kêu, my friend, my friend. Tôi sẵng, no friend. Nó không đóng kịch. Tôi  cũng vậy. Và tôi, tôi có đâu đi lùng gái Thổ để về kể lại một chuyến đi có cả  sex lẫn  màn kịch giữa những cái bóng của con người.

 

Tôi đến xứ này tìm N.

 

***

 

 Lên khỏi đường hầm tầu điện, tôi băng qua chiếc cầu nối vào Eminonu, khu phố cổ có từ 15 kỷ. Hai bên thành cầu, vẫn người là người, chen chúc thả cần câu xuống dòng Bogazici. Dướí chân họ, những xô nước nhung nhúc cá mòi trắng bạc; chúng cắn phải những con trùng móc vào sáu cái lưỡi câu cho mỗi sợi dây, con nào còn thoi thóp thì cố ưỡn mình quậy, con nào xổng ra ngoài thì nằm giãy đành đạch trên lối đi, há miệng hớp không khí cho đến khi nằm duỗi ra.

 

Bên kia cầu, mái vòm đền thờ Hồi giáo trên lưng đồi nhô thành những núm vú nghễu nghện chọc vào bầu trời thăm thẳm xanh biếc. Tít tắp, cây cầu mảnh dẻ nối  châu Âu vào châu Á nhìn tựa giải yếm vắt ngang trũng ngực thiếu nữ đang nằm ngửa hứng nắng tươi.

 

Sân đền thờ Yeni ngay cạnh khu chợ Ai Cập đầy bồ câu. Chúng lăng xăng cạnh bước chân người, thỉnh thoảng lại đồng loạt bay lên, cánh đập gió phành phạch, chao qua liệng lại rồi đáp xuống  mon men đến chỗ hàng quán kiếm ăn. Ðúng ngọ, tiếng cầu kinh ê a qua hàng loạt máy khuyếch âm cất lên khiến không khí chĩu nặng như có gì ghì xuống mặt đất.

 

Cởi giày, tôi bước vào, chân lướt trên tấm thảm len đan kết những mô-típ cổ truyền, hoa văn mầu sắc, trải ra có đến cả ngàn thước vuông. Ðền thờ trống rỗng, không tượng, không đài, chĩ độc một chữ Allah, tiếng chỉ Thượng Đế vẽ trên chiếc vòm cao ở trung tâm, ánh sáng hắt qua những  mảnh kính đủ mầu sắc ghép với nhau che những khuôn cửa sổ hình chám. Sát cửa vào, hai căn phòng ngăn ra cách ly với phần còn lại. Nơi này dành cho phụ nữ. Họ cũng có quyền vào cầu Thượng Ðế, nhưng chỉ ở phía sau, cách xa chiếc vách chắn hậu của ngôi đền ở đó vị chủ lễ nói vào micro trước hàng trăm người đàn ông xếp hàng, hàng trước hàng sau, lưng hướng về phía cửa đền.

 

Âm mo mek men

Người người quì xuống.

 

Âm mo mek men

Người người  đứng lên, lưng khom, đầu cúi.

 

Cứ thế, âm mo mek men… đứng, âm mo mek men, quì, rồi đứng,  rồi quì…

Tiếng kinh cầu đều đều máy móc, lập đi lập lại, sơ cứng trong cái thế chịu đựng một thần linh vô hình đè nặng trên đầu trên cổ.

 

Tôi nghe nói, mỗi năm xứ Thổ đào tạo đâu cỡ năm hay sáu ngàn người tốt nghiệp những khóa học do giáo hội Hồi Chính Thống đỡ đầu. Học sinh học hết cấp trung học, quyển sách chính là kinh Coran, ngoài ra thì chỉ cần biết qua loa những kiến thức phổ thông. Họ ra trường, sống nêu gương cho chính thống giáo, giữ cương vị thủ đền imam, tác động lên đời sống tâm linh và đạo đức của những người xung quanh, sẵn sàng hóa thân thành những kẻ có khả năng tử vì đạo, ôm bom cho nổ tung xác mình để trừng phạt những kẻ họ coi là ác quỉ.

 

Kamikaze  không còn là nhãn hiệu độc quyền của xứ sở mặt trời mọc. Nay, ôm bom tự sát và đồng thời giết luôn cả kẻ thù lẫn những người vô can thành cách hành xử của tất cả những kẻ tuyệt vọng trên mặt đất đỏ lè trong trùng điệp hoàng hôn toé máu. Tôi lạnh người, gom trí nhớ vào những cuộc Thánh chiến kéo dài hàng trăm năm, những  cuộc chiến nhân danh thiêng liêng nhưng thật ra chỉ dùng để tô vẽ cho những quyển lực rất đỗi con người. Cuộc Thánh chiến kia nào đã chấm dứt: có kẻ bảo, thế giới ngày hôm nay sẽ phải đương đầu với cuộc đụng độ máu lửa giữa những nền văn minh [4]. Những nền văn minh? Hai chữ văn minh nghe cười ra nước mắt!

 

N là một  người tự do nên N không thể ở đây. Tôi đến xứ này tìm N chứ không phải để cầu xin bất cứ một thần linh quyền uy nào.

 

Âm mo mek men

 

Tôi lùi, rồi bước ra. Nắng chóa ngoài trời đổ lửa.

 

***

 

Ngày hôm sau, tôi đi một mạch 12 kỷ, từ khi con đường lụa nối Á châu vào Istanbul, qua những nghệ phẩm bằng gốm trưng bầy trong cung điện Topkapi, gốm thời Hán, Ðường, Tống, Minh cho đến Nguyên, Thanh. Tôi đi không ngoái lại một mạch hơn nghìn năm, lòng chớm ngậm ngùi. Lịch sử có còn gì ngoài những nét vân nâu xanh nổi lên uốn lượn trên nền tráng lớp men trinh bạch, chứng tích mang mang linh hồn những  thời quá vãng. Con người, có thêm gì đắp vào cái phần bản năng ăn, ngủ, làm tình với lòng tham muốn vô bờ. Chính lòng tham ở lục địa này đã gây ra những đổ nát kinh hoàng của mười thế kỷ dòng dã đến nay.

 

Bước xuống con đường rải sỏi dẫn ra cổng cung điện, một lũ trẻ bán rong ào đến. Chúng vây quanh, đứa gí vào mặt những tấm post-card, đứa đưa lên ngang mày những cái T-shirt… Một đứa, có lẽ bé nhất bọn, nắm trong tay một chùm những con bông vụ. Không như con vụ thuở thơ ấu của tôi, vụ xứ Thổ sặc sỡ đủ mầu, khi quăng ra sợi dây vẫn giữ con vụ lại, thả xuống chạm đất, con vụ xoay vòng vòng trên một cái đinh dài độ một phân. Thấy tôi ngẩn ngơ, thằng bé bán vụ quăng sợi dây cho vụ xoay, rồi nó rút tay, chụp con vụ, mắt hấp háy nắng, miệng nói ‘’ six US dollars, only six [5] ‘’.

 

Tôi ngậm ngùi nhớ những con bông vụ của tôi. Chúng thường làm bằng gỗ mộc, cuốn dây vòng quanh rồi đập xuống đất là chúng quay tít thò lò. Và chơi, là bổ vụ ‘’sống’’ trên dương gian vào những con vụ  “chết ’’ nằm trong một cái vòng tròn kẻ bằng phấn trắng bọn trẻ con chúng tôi gọi là địa ngục. Bổ hụt thì đến lượt vụ mình vào địa ngục nằm yên, đợi một con vụ sống bổ xuống. Và thầm cầu xin cái đầu đinh quái ác chệch sang bên cạnh một ly cho vụ mình văng ra khỏi địa ngục để lên làm người, chứ đừng cắm vào khiến vụ vỡ ra làm đôi làm ba.

 

Hết tuổi ấu thơ, không hiểu thế nào tôi cứ bị ám ảnh bởi một ràng buộc vô hình  giữa  những con bông cụ và những người đàn bà tôi có ít nhiều gắn bó:

 

Em là sợi dây cuốn tròn quanh anh, con bông vụ

một vòng tròn anh khắc mặt trên

khi sợi dây quăng ra,

anh quay tít

trên những con đường tên lạ lẫn tên quen…

 

Vẫn một trò chơi, như tơ nhện, vây bủa. Với nàng, con bông vụ là trái tim tôi? Vỡ ra, chịu thua, bỏ cuộc, hoặc là văng khỏi cái vạch phấn giới hạn dương gian và địa ngục?

 

Thằng bé đánh giày ở đâu xô ra. Nó nhìn tôi, nháy mắt rồi đến cạnh thằng bán bông vụ nói một thôi một hồi. Móc túi lấy ra 500.000 lira Thổ, tức chưa đến 50 cents chứ chẳng phải là 6 đô, một  tay nó đưa, tay kia giật ngay một con bông vụ. Ði về phía tôi, nó tươi cười, gift for you… my friend [6].

 

Cám ơn, rồi giúi vào tay thằng bé đánh giầy tờ 500.000 lira, tôi quay bước. Nó đi theo, trả tôi, lập đi lập lại, …gift, gift. Cứ thế, nó sóng bước bên cạnh, làm vẻ thản nhiên. Lát sau, nó ngần ngừ vừa đi vừa hỏi, mi làm gì? Tôi đáp, du lịch. Không, nó vừa làm dấu, vừa cố diễn nghĩa bằng thứ tiếng Anh bụi học trên đường phố.

 

Tôi hiểu. Nhưng phải đáp thế nào? Hừ, không lẽ tôi bảo tôi là nhà văn. Văn chương gì, khi là lưu dân sống trong một xã hội cưu mang mình như một gánh nặng vì lý do nhân đạo. Khi viết bằng thứ ngôn ngữ thiểu số, vừa viết vừa sợ không có người đọc. Khi những điều mình viết không về được xứ sở gốc gác bởi sự hẹp hòi ngu xuẩn của quyền lực nhất thời được mùa độc đoán. Không, nói thế nó không thể hiểu. Có lẽ chẳng một ai hiểu. Và chính bản thân, tôi cũng còn ngỡ ngàng, và thế nên vẫn chưa chấp nhận cái thân thế khốn nạn của mình.

 

Thằng bé đánh giày lại kéo tay, giục. Ừ, đơn giản thế này, tôi nhỏ giọng, nghiệp nặng làm sao cái  định-nghiệp-lưu đầy. Nói như N nói, ce dur métier que l’exil . Tôi nhắc, mong vì cũng là người Thổ nên may ra thằng bé nó hiểu chăng.

 

 Không, nó không hiểu.

 

Tôi uể oải ngồi xuống chiếc ghế công viên. Tôi đến đây tìm N, không muốn biết ai, và cũng chẳng muốn ai biết tới tôi. Nợ nần gì, tôi muốn trả ngay cho sạch. Chìa chân ra, tôi nói ‘’ dirty shoes, dirty’’. Thằng bé lắc đầu, chỉ con bông vụ, miệng kêu ‘’…gift’’, ý chừng nó không muốn tôi phải đền đáp gì cả. Tôi ngượng ngùng, hóa ra là tôi đã đơn giản hóa thằng bé vào hành vi trao đổi hàng hóa kiểu hai bên cùng có lợi. Thốt lên sorry, bấy giờ tôi mới nhìn kỹ vào mặt nó.

 

Trề môi ra như trách, nó vẫn nhếch miệng cười, hàm răng đều đặn trắng muốt trên khuôn mặt mầu đồng mun già lửa. Tay hất lọn tóc quăn xòa xuống đôi mắt mầu nâu đục, nó chỉ, tay hướng về phía một tòa nhà nhô lên trong rặng cây xanh ngắt cuối tầm nhìn. Nó nói, nhưng tôi chẳng hiểu gì. Nó giằng lấy quyển sách hướng dẫn du lịch tôi mang theo, lật ra tìm, ngón tay chỉ vào, miệng la, very good.

 

Thì ra đó là Bảo Tàng Khảo Cổ, rất danh tiếng ở Istanbul. Liếc mắt đọc qua, thấy có cổ vật  Ðông Á thời cổ đại, cổ vật Ai Cập và cổ vật Ả Rập thời tiền Hồi giáo trong địa bàn Mésopotamie. Chưa kịp nói, thằng bé đứng dậy lôi tôi đi. Ðến trước cửa Bảo tàng, nó đẩy tôi đến trước quầy vé, tay chỉ vào ngực, lắc đầu. Tôi ngần ngại, nhưng nó xua tay giục, miệng mỉm cười.

 

 Lúc ra cửa Bảo Tàng, tôi ngạc nhiên thấy thằng bé ngồi trên một tảng đá ven lối đi. Nó nhẩy tót xuống, miệng lại nói, nhưng thật sự không cần vì tôi thừa hiểu là nó đợi tôi gần hai tiếng đồng hồ.

 

Sau khi ăn xong miếng bánh kẹp kê-báp, loại thịt xiên trên một cái trục  quay  vòng, nướng chín bằng cách áp sát một  ngọn lửa đốt bằng khí cháy, tôi mới hỏi tên nó. Nó chỉ vào ngực, my name Mehmet, và đó là cách gọi cho gọn tên vị giáo chủ khai sáng Hồi giáo cách đây gần 14 kỷ. Nó vẫn nhai ngấu nghiến. Ăn xong, nó quệt miệng, nhưng còn thòm thèm nhìn tảng thịt cháy xém khêu gợi.

 

Mua thêm cho nó, tôi đợi, nép vào tường tránh người nườm nượp trong khu chợ Kapali Karsi. Mỗi lúc một thấy ngột ngạt, tôi rủ nó về nhà quê, a country side. Tay đập vào ngực, nó kêu tour-guide, Ok ?,  mắt sáng lên khi tôi gật đầu. Nhẩy quẫng như con hoẵng phát dại, nó bí bô, tay chỉ trỏ, nhưng chắc chỉ Trời mới hiểu thứ tiếng Anh thoải mái pha vào tiếng Thổ như một điều tất nhiên của cuộc hội nhập toàn cầu rao giảng dăm bẩy năm nay.

 

Ðêm về. Thành phố lên đèn, pha chiếu vào những đền đài nằm lưng đồi trên cao khiến Istanbul nay mang dáng dấp ngàn lẻ một đêm huyền ảo, khác hẳn một Istanbul trần trụi dưới ánh nắng ban ngày. Tôi lững thững thả bộ về khách sạn. Qua cầu, gió trên sông lồng lộng. Tôi nói, nhưng có lẽ nó không muốn hiểu, cứ lẽo đẽo theo chân cho đến cửa khách sạn. Nó giơ tay, khẽ nói bye bye, rồi lẩn vào bóng đêm trên con dốc dẫn xuống bờ sông.

 

***

 

Ðọc e-mail xong, tôi lên phòng. Ngả mình nằm vật xuống giường, tôi nhắm mắt, tự hỏi tôi viết cho nàng những gì để nàng đáp time does not flaw back, I can’t re-learn desise [7]. 

 

Không khát khao. Thế thì nàng có khác gì cái xác bà hoàng Ai Cập ướp từ 40 kỷ nằm trong cái áo quan bằng đá nham cương trên nắp đẽo tạc những con sư tử nhe răng gầm ghè. Không khát khao gì, thế thì nàng có phải là vị nữ sa môn đem moi tất cả dục vọng ra phơi dưới ánh nắng gay gắt một thế kỷ hừng hực lửa, lửa trên thế, lửa dưới địa ngục, lửa xém vào cả thiên hà cằn khô nhựa sống. Không khát khao! Sống thế khác gì xua đuổi cuộc sống, buộc những con người chung quanh phải đối mặt với hư vô ư ?  Nhưng nàng là ai?  Có phải là vết thương,

… đỏ bầm, tím thẫm, xưng phồng

vì bị nhai ngấu nghiến

nên chẳng còn chi

ngoài nơi cho nỗi đau điếng

nguyên sơ

chưa vẩn đục khát khao

ngu độn, không  hình, không  tướng

                           và không cả không có gì.[8]

 

Tôi đưa tay lên vuốt mặt.Tôi vẫn đây. Tôi thò tay xuống hạ thể. Tôi vẫn đây.

Chiều nay tôi thôi hắt hủi thằng bé đánh giày. Tức là tôi còn khát khao cái quan hệ giữa người và người. Và chấp nhận cái quan hệ với nàng. Nay viết điều đó ra thành lời, hẳn tôi minh chứng cho sự tôi còn đó. Vâng, tôi vẫn đây. Thiếp đi mộng mị, tôi sẽ mơ thấy nàng, kẻ thay khát khao bằng một nỗi đau chưa chắc gì đã có thật?

 

***

 

Nhưng chỉ còn có tôi trong một đêm mầu mắt rắn lục. Thế giới co rút thành một hành lang sâu thăm thẳm và im phăng phắc. Tôi men theo, trừng trừng nhìn về phía trước, hy vọng mắt thấy chút ánh sáng le lói, hy vọng tai nghe chút âm thanh mơ hồ. Nhưng không, không có gì.

 

Cứ thế, cứ bóng tối và im lặng, cho đến khi tôi bước vào một vạt sân rộng. Mầu đêm chuyển sang trắng đục như tròng mắt thong manh, thấp thoáng bóng như bóng người. Tôi lần vào sân, chân vấp mô đá đau điếng. Không phải người mà là những bức tượng xếp đầy sân, chẳng theo một trật tự nào, ngả nghiêng, lổn nhổn. Tượng người nam. bắp thịt bụng xếp thành múi, cái đưa tay lên gân, cái cong người khoe những bắp đùi cuồn cuộn. Tượng người nữ, áo choàng vai, hở ngực, tay vờ che cặp nhũ hoa bầu bĩnh, hai chân khép chéo.

 

Nhưng không có lấy một bức tượng toàn vẹn. Tất cả đều mất đầu. Tượng nữ gãy tay. Tượng nam cụt dương vật. Trên mặt đất, đầu tượng vương vãi. Cái sứt mũi, cái rã ra hóa xương đầu lâu, mắt trống hoác, vô hồn, trũng sâu xuống thành những hốc đen mù lòa.

 

Những bức tượng kia đều tạc những người có thật, từng là Vua, là Chúa, là những anh hùng và những giai nhân sắc nước hương trời một thời vang bóng. Nhưng thời gian trôi, khiến những bức tượng đá cũng không cưỡng nổi lực hút trái đất, nay đầu rơi, tay gãy, mắt mù, thành những phế phẩm của lịch sử. Và trong im lặng. Một sự im lặng kinh hoàng khủng khiếp. Phản xạ từ bản năng sinh tồn, tôi đưa một tay lên đầu, tay kia thò xuống hạ thể. Còn hay mất ? Nghe tim mình đập như trống nhạc rapt, tôi hiểu dẫu rằng còn hôm nay thì mai kia tôi cũng sẽ trở thành thứ phế vật của lịch sử. Nhưng trước mặt, tôi vẫn còn phải tiến tới. Và tôi lại đi.

 

Qua khỏi bức tường trên cắm những miểng chai nhọn hoắc ngăn khoảng sân khỏi hiện tại, ánh sáng vàng nhạt hắt ra từ một dốc hẹp. Dốc mỗi lúc mỗi cao. Tôi cắm cúi gò người bước, mãi mới đến đầu dốc, rẽ trái, đi thêm một đoạn trên con đường lát đá nhấp nhô. Im lặng, vẫn tuyệt đối im lặng. Cuối mắt, ánh sáng lúc một rực rỡ, thu hút và quyến dụ ước hẹn.

 

Vội vàng, tôi dấn bước. Một quảng trường bát ngát hiện ra. Từ xa, thấp thoáng vô số người, đứng ngồi trong mọi tư thế. Ðến gần, tôi  ngửng lên đọc một bảng chữ đỏ như son, kẻ hai chữ Ðại Ðồng, bên cạnh là dăm ngôi sao vàng, nhưng không còn búa và liềm như thường thấy. Nhìn vào, người đủ sắc da trên năm địa lục, cả nam lẫn nữ, ở mọi tuổi tác. Họ cách nhau một khoảng cố định, chiếm hữu một diện tích bình quân bất biến, tất cả trần truồng, mặt mũi là mặt mũi những thiên thần rất đẹp nhưng lại hơi ngây ngô.

 

Dưới luồng sáng rọi vào từ  pha đèn óng ánh vàng rực, da họ ánh mầu nâu đỏ, bóng lên như tráng plát-tích, bất động tựa những  phân tử rời trong một hệ thống kín, không va chạm, trao đổi, hết tiệt sức sống. Họ im lặng, mắt cùng nhìn về một  phía. Tôi nhìn theo. Và hoảng hốt. Ðó có phải là nơi lịch sử kết thúc ?

 

Mầu sáng thình lình chuyển từ vàng sang sắc pha lê buốt giá. Ven sân, có tiếng động. Bỗng nhiên, hai cái bóng nhy ra. Tôi xáp lại, thấy một  trai một gái. Chúng nó lùi, vẻ sợ hãi. Thằng con trai đưa tay lên bóc lớp plát-tích trên mặt, gân căng phồng hai bên thái dương, bất ngờ tiến đến dính plát-tích vào má tôi.

 

Ghê rợn, tôi đẩy nó ra, tai nghe tiếng nó gào, chạy đi em. Ðứa gái hét, không. Các người tội nghiệp cho thân phận chúng tôi sao ? Lùi lại, tôi xót xa giứt mảng plát-tích trên má, chưa kịp nói gì thì hai đứa đã xô nhau chạy về phía tôi đến. Tôi thét, đừng, ở đó chỉ có những bức tượng không đầu. Chúng nó vẫn chạy. Tôi gào lên vô vọng, đừng đi ngược hướng lịch sử. Và cứ thế, tôi lao về phía trước, chạy và chạy, cho đến khi mệt lả, ngã đập mặt xuống lớp đá lót đường.

 

Chỉ tỉnh dậy khi tiếng trống cuồng nộ bung lên kèm tiếng ghi-ta điện giằng giựt  đánh thốc vào màng nhĩ, tôi đưa tay quệt mồ hôi rỉ rả trên trán, cố mở mắt, hoang mang chưa biết mình ở đâu. Chung quanh, toàn đàn bà và trẻ con. Họ lõa lồ, nhưng không im lặng như những bức tượng đá cụt đầu trong thế giới Ðại Ðồng, đồng thanh rên rỉ, rằng họ đang sống cảnh nô lệ ở thế kỷ thứ 21, thời đại con người đang trải nghiệm một cuộc cách mạng thông tin toàn cầu.

 

Không còn gì ém nhẹm được nữa đâu, dù tường lửa dài như Vạn Lý Trường Thành. Hiện có 350 triệu người sống cảnh nô lệ dựa trên tiêu chuẩn định loại của những chuyên gia Liên Hiệp Quốc. Trong số đó, 150 triệu phải bán trôn nuôi miệng, kể cả những bé gái chưa được 10 tuổi. Con người có khác chi hàng hóa khi Thị Trường Tự Do đã được biến thành một niềm tin tôn giáo qua cái vẫy tay của những nhà qu thuật, xếp nó vào một  trong ba ngôi chí thượng, hai ngôi kia là Dân Chủ và Nhân Quyền.

 

Tôi cố ngồi dậy. Những bàn tay đưa lên vẫy tôi. Có những tiếng cuời đĩ thõa. Những tiếng van nài. Tiếng một ai đó nói với cái giọng quê tôi, …anh giai ơi, em cũng người Nam Ðịnh ! Vào chơi đi anh !

 

Vào chơi? Chơi thế nào được trong thế giới này hở em? Tôi vùng chạy, chẳng biết là về phía trước hay phía sau. Ngậm ngùi, tôi thương cả tôi lẫn người  đàn bà nói giọng quê tôi, thương thắm thiết trên từng bước chân hốt hoảng của loài nai mấp mé mép bờ tuyệt vọng.

 

***

 

Chồm dậy khi chuông điện thoại reo. Tiếp tân báo có người đợi tôi dưới phòng khách. Ðoán biết, tôi xỏ chiếc quần jean, cầm theo máy ảnh, ra cửa bấm thang máy. Khi tôi xuống, Mehmet đứng lên cười. Hôm nay, nó chải đầu gọn ghẽ, mặc sơ mi trắng boong, cứng ngắc trong chiếc quần dài là phẳng phiu. Tất nhiên nó là tour-guide, ăn mặc đúng tiêu chuẩn, không như thằng bé đánh giầy quần đùi áo thun hôm qua. Giõng dạc, nó reo good morning, my friend  [9 ] ! Tôi bật cười, chào lại và quên khuấy những cơn mộng mị đêm qua.

 

Chúng tôi đến quảng trường Taksim.

Sáng ra, hàng quán lục tục mở cửa, người còn thưa, chiếc xe đìện cổ xình xịch đi mà không cần lắc chuông leng keng như khi đông người. Quảng trường rộng, nhưng không có lấy một bóng cây xanh. Bên trái, Holliday Inn sừng sững, cờ quạt đủ thứ quốc gia phần phật gió. Bên phải, trên triền đồi, Mc Donald cũng sừng sững, bảng hiệu vẫn hai mầu đỏ và vàng cố hữu, nhưng chữ quảng cáo là chữ Thổ. Ở ngay chính giữa quảng trường là bùng binh, xung quanh xe phóng ào ào như chỗ không người, khói xăng bốc lên khét lẹt. Cảnh sát đã ra gác đường, chưa cần thổi tu huýt, và chưa cần chỉ trỏ cho xe chạy, nhưng tay vẫn để trên dùi cui, nét mặt vẫn cứ lạnh lẽo vô cảm.

 

Mehmet kéo tay tôi vào một cửa tiệm thực phẩm, miệng kêu picnic, tay chỉ vào những miếng Pizza, những chiếc sandwhich kẹp thịt nguội và những thỏi xúc xích lủng lẳng treo trên quầy. Chúng tôi mua rồi băng qua bùng binh, men vòng thành cổ để đến bến xe buýt.

 

Ra ngoại ô, xe còn vắng khách chứ không như những chuyến vào thành. Tôi ngồi phía sát cửa, kéo kính lên cho gió thốc vào mặt. Trời hôm nay không nắng như lệ thường. Một đám mây đen lơ lửng cuối tầm mắt bay như bị đuổi ra biển. Tôi chỉ, Mehmet nhún vai, lắc đầu, miệng khẳng định, good day, no rain [10]. Xe đi ngang lâu đài Dolmabahce, men bờ Bogazici, đỗ lại những phố thị dọc đường lấy khách trên con lộ dẫn đến Sariyer, vùng eo biển Hắc Hải.

 

Chúng tôi  xuống khi xe ngừng ở trạm cuối cùng. Anh tài xế nhe hàm răng bịt vàng sáng choé ra cười rồi nói vài câu với Mehmet. Nó ra dấu, tôi hiểu, móc túi đồng 1.000.000 lira ra cho tiền boa. Mehmet xách gói thực phẩm đi trước, tôi cuốc bộ theo sau, gò lưng lên một con dốc khá cao. Ðến đỉnh dốc, biển đập vào mắt từ ba phía, nước lờ lờ, đục và vô hồn như cặp mắt người có tuổi, màng kéo lên che không cho thấy khoảng trời trên đầu đang chuyển mầu giông gió. Mây đen ngòm kéo từ phía Tây ùn ùn đua nhau chụp xuống, dăm hạt mưa li ti hắt vào mặt. Và tiếng cầu cứu Allah của Mehmet bật lên như than.

   

Kéo tôi chạy xuống triền đồi phía bên kia, Mehmet giục vể nhà,  go home, go home. Nó cắm cổ lao xuống, thỉnh thoảng ngoái đầu lại, miệng hò go home, go home.

 

Từ chân đồi, chúng tôi băng vào một lối mòn một bên là đồng, một bên là những căn nhà xộc xệch, cửa khép hờ trổ ra ngoài vườn nằm sát đường đi. Mưa nặng hột, vỗ nhịp cho  tiếng chó sủa đuổi theo chân. Qua những hạt nước li ti bám vào mắt kính, vũ trụ nhạt nhoà hư thực, nứt rạn, vỡ ra thành những mảnh vụn huyền ảo.

 

Go home, Mehmet lại hét. Nhưng nhà ở đâu bây giờ ? Ngày lên đường đi sang xứ lạ, những người như tôi nghĩ chỉ vài năm học xong là về. Năm năm sau, đúng Tết Mậu Thân. Buổi trưa cô bạn sinh viên đi từ xứ Huế khóc nức nở chìa bức thư báo tử cả nhà, đến đêm cắt mạch máu tay tự tử. Đi đưa đám, chúng tôi bảo nhau, thôi chờ một hai ba năm nữa. Sau hai năm, lòng bảo lòng, về thôi, go home, sweet home [11]. Người yêu vội viết thư, nếu vì em thì đừng, tháng này làm đám hỏi, hai tháng nữa em về nhà chồng. Mẹ cũng vội viết thư, em anh năm nay thi tú tài, anh ở lại giúp mẹ lo cho em ăn học bên đó.

 

Nhưng thực ra, không phải vậy. Tất cả là vì mặt trận An Lộc, ngày đêm chịu pháo kích, ông anh rể trung Úy Biệt Động Quân vinh thăng quan Ba khi đã nằm im trong chiếc áo quan trên có phủ cờ đèo bốn chữ Tổ Quốc Ghi Ơn. Tất cả là vì mặt trận Quảng Trị, thằng em con chú con bác mới vừa tốt nghiệp Võ Bị Đà Lạt đã bị mảnh pháo 105 ly phạt băng hai chân, tương lai trên đôi nạng gỗ chắc hẳn thấp cao khập khiễng.

 

Cha khuyên, thôi con, báo hiếu thì đợi sau ngày ký kết hiệp định Paris, hết chiến tranh hãy về. Ký xong, vẫn bom đạn, mất Ban Mê Thuột, rồi Đà Nẵng. Rồi Xuân Lộc. Điện tín mẹ gửi, con ơi, hãy cứu cả nhà! Nhưng làm sao đây? Cứu thế nào? Go home, sau 75 cuộc bể dâu đã thay hình đi dạng núi sông, đi tìm trầm phải ngậm ngải, ngậm mãi đâm hóa cọp, đành cường điệu lên gân nói quê hương tôi là tự do, tổ quốc tôi đồng nghĩa với lương tri và tiến bộ. Nói thế, nhưng sao vẫn có một phần hồn mất mát tàn tật, nằm tênh hênh như rễ cây bật gốc sau giông bão, vô vọng tìm về lòng đất đã cạn kiệt lượng bao dung.

 

Mehmet lại rối rít go home, go home. Kiếp lưu đày bắt đầu từ khi ra đi và kết thúc lúc chẳng còn biết đâu là nhà. Hai tiếng go home thôi thúc, nhưng tôi vẫn chỉ đuổi theo một cái bóng trước mặt. Go home, chẳng phải chỉ để tránh cơn mưa ngoài trời mà còn là tìm một chỗ trú cho tâm hồn những kẻ như tôi, cái ngày bỏ kiếp lang thang để quy cố hương là điều không tưởng. Tôi đến xứ này tìm N. Nhưng tôi vẫn chưa gặp, mãi còn bơ vơ trên con đường lầy bọc vòng một chân đồi dưới cơn mưa lúc một nặng hạt.

 

***

   

Ðến trước một căn nhà xiêu vẹo, Mehmet đẩy cửa, thốt lên một tràng thanh âm, tay kéo tôi, kêu my house [12]. Từ góc nhà, một  người đàn bà đứng dậy, mặt nhô vào khoảng sáng ảm đạm hắt qua cánh cửa dẫn xuống nhà sau. Bà trên dưới bốn mươi, giọng líu ríu, nhìn lên, mắt trân trân bất động.

 

Mehmet reo, tourist. Bà ta cười nửa miệng, nhưng vẫn lộ ra hàm răng khuyết mất cái răng cửa. Tiếng chân ở dưới đi lên. Một cô gái mảnh dẻ dưới chiếc áo choàng Djellaba trắng có những xọc dài mầu lơ óng ánh viền kim tuyến. Mehmet chỉ tay, giới thiệu, Sema. Cô gái gật đầu, mắt cũng trân trân nhìn như người đàn bà đứng tuổi, miệng hé ra nói nhỏ Salom[13], tiếng ríu rít thứ chim lông vũ mượt mà đậu trên một cành cây chót vót.

 

Nhìn quanh, căn nhà có hai phần, trên và dưới, cạnh là cái chái dùng làm bếp trổ ra khoảnh vườn hẹp có trồng những loại rau cỏ lặt vặt. Nơi tôi đứng là phần trên, cũng chia làm hai, một bên tường tấm áp phích hình đội tuyển bóng đá Thổ, bên kia treo những bức ảnh lồng kiếng.

 

Mehmet đẩy tôi đến, tay chỉ vào một bức đã chuyển sang mầu vàng ố. Bức ảnh có bốn người. Một cặp vợ chồng và hai đứa con, một trai một gái. Người đàn bà trên ảnh hao hao giống người đàn bà đứng tuổi, dĩ nhiên trẻ hơn, và rất nhan sắc. Metmet lấy ngón trỏ day vào hình đứa bé trai, mồm kêu, me, và chỉ vào hình đứa bé gái, kêu Sema. Tôi chưa kịp nhìn kỹ thì nó lôi tôi đến trước bức ảnh khổ lớn một người mặc quân phục, râu cá chốt, vai đeo lon, mũ có gắn một vành lưỡi liềm trên thêu những vì sao lớn nhỏ không đều. Nó khoe, giọng tự hào, my dad [14]Nói nói tiếp, nhưng tôi không hiểu, lắc đầu. Nó khom người như cầm súng, chạy vòng, bóp cò, miệng kêu bùm bùm bùm, rồi thình lình ôm bụng nhăn nhó nằm lăn quay xuống đất, tay chỉ ảnh cha, lè lưỡi ra giả chết.

 

Hai người đàn bà vẫn đó, nhìn trân trân, bất động. Ánh mắt Sema trong suốt thủy tinh, hàng mi cong khe khẽ đập như cánh bướm non trước cơn gió động. Góc nàng đứng sáng lên, toát ra thứ hào quang thánh thiện từ sắc đẹp tự nhiên, không son phấn và không kiểu cách.

 

Nàng quay lưng, dòng tóc đen tuyền thướt tha đổ xuống ôm lấy bờ vai thon nhỏ. Người đàn bà thốt nói mấy câu. Mehmet nghe rồi bưng gói đồ ăn mua buổi sáng đặt lên chiếc bàn khập khễnh. Nó kê lại bàn, mở gói, miệng huyên thuyên, lấy sandwhich và pizza để vào tay mẹ, tay chị.

 

Sema cười, cái nhìn vẫn cứ trong suốt, tay đưa miếng pizza lên mũi ngửi, hé răng cắn khẽ vào. Bà mẹ nhai ngấu nghiến, không để ý gì đến tôi. Họ nói với nhau, tiếng lẫn vào tiếng mưa, thỉnh thoảng lại chen vào tiếng sấm động gầm gừ nhắc nhở một cuộc chiến chưa bao giờ chấm dứt giữa người Thổ và người Kurd, ảnh những kẻ tử vong vẫn cứ lấp những khoảng còn trống trên  hàng trăm hàng ngàn những bức tường loang lổ vết tang ma.

 

Hai người đàn bà tiếp tục nhai rồi nuốt như từ lâu rồi họ chưa ăn. Sema đưa vào miệng miếng pizza, răng nuột nà, môi cong lên, nhờn nhẫy, thèm thuồng. Họ lâu lâu lại nói với nhau, âm sắc và gọn, mắt vẫn trân trân như thôi miên khoảng không trước mặt.

 

Mehmet đi pha cà phê. Tôi uống, nhăn mặt vì đắng, lắc đầu nhìn lớp bột cà phê quánh đặc đọng ở đáy cốc. Vẻ hài lòng, Mehmet cười, cất tiếng hát nho nhỏ. Nó ra ngoài cửa bếp và khi quay lại tay ôm một đống củi khô, cẩn thận xếp vào cái lò sưởi chụm dăm cục đá ong ở một góc nhà. Lúc lửa cháy phừng phừng, hai người đàn bà không còn gì để ăn. Sema mút tay, thè lưỡi liếm mép, mắt khép hờ, người ưỡn ra phía sau ngả vào thành ghế.

 

Sấm chớp bỗng đùng đùng. Trời chợt tối sầm, mưa xối xả tuôn xuống như lũ. Người đàn bà lần ra cửa sổ, tay khép, ngoái lại nói gì đó với Mehmet. Tôi không hiểu, nhìn Mehmet. Nó bảo, mẹ nó cám ơn tôi. Người đàn bà đến gần tôi, mũi hít hà, tay quơ, chân đụng vào chiếc ghế. Bà để một tay lên vai tôi, lại nói. Tôi lắc đầu, không hiểu. Bà phá lên cười ngặt nghẽo. Bỏ tay trên vai tôi xuống chỉ vào hạ thể, tay kia chỉ lên trời, bà ta rú rít  Allah, Allah, hông nhếch lên uốn éo như trong những màn múa bụng. Mehmet lại nói, cái giọng hệt lần đầu nó gặp tôi, girl…girl, beauty!

 

Thì ra Mehmet vẫn làm cái việc dẫn khách. Và cho mẹ nó, trưa nay. Tôi lùi lại, nói gần như quát, no. Người đàn bà nhún vai, lắc lư đi xuống nhà dưới. Mehmet níu tay tôi kéo về phía Sema. Nàng vẫn trân trân ngó lên, môi mọng, nhờn nhẫy. Tôi lại gần nhìn vào đôi mắt nàng trơ trơ trong suốt. Nàng nhếch môi cười, để mặc Mehmet ấn tay tôi  vào ngực nàng, miệng đưa giá, fifty dollars…yes.

 

Tôi cảm thấy viền kim tuyến thêu trên ngực áo nàng đâm vào lòng tay tôi như những chiếc gai nhọn tẩm thuốc độc của loài hoa tuyệt tình tưởng chỉ quê hương tôi mới có. Sema cất tiếng, vẫn tiếng chim, nhưng sao tôi nghe, rất rõ ràng, …anh giai ơi, em cũng người Nam Ðịnh ! Nàng ấp tay vào tay tôi, cười ngây ngô, và nhìn cái nhìn hoàn toàn vô hồn. Cũng như mẹ, nàng là một người mù, và Mehmet, đứa con trai mồ côi cha không tật nguyền là kẻ phải lo sinh kế cho cả ba.

 

Nó khều khều, miệng nhắc, beauty…fifty, Ok my friend! Mùi da thịt Sema ngai ngái nồng nàn đến độ chẳng còn sức nào cưỡng được. Nàng đứng dậy, lần bước vào căn phòng có kê một chiếc giường đôi. Cởi Djellaba, nàng quăng nó lên mặt thảm cũ xì, quay lại vẫy, miệng vẫn cười cái cười ngây ngô, mắt vẫn trân trân thả hững vào khoảng không trước mặt.

 

Tôi đột nhiên lùi lại.  Mehmet đẩy, nhưng tôi gạt tay nó ra. Tôi tiếp tục lùi, dẫu đằng sau có thể là một vực bờ trong buổi trưa sấm sét này. Mehmet trở nên cc cằn, mặt bạnh ra như rắn hổ, hỏi why [15] rồi chửi fuck your mother [16]! Tôi vẫn lùi. Nó vòng ra sau cản tôi lại. Quay người, tôi nghe nó thét fuck me…ten dollars [17], rồi nó tuột quần, khom người chổng cái đít trắng hếu về phía tôi,  giọng the thé gọi Allah và cứ thế nó tiếp tục gào fuck me…fuck me…fuck me!

 

Tôi tung chạy ra đường. Mưa quất vào mặt tựa những ngọn roi trời. Một ánh chớp lóe trên đỉnh đồi. Phải lên đó, và xuống cái dốc đồi bên kia để ra con đường có xe buýt chạy. Tôi không còn chọn lựa nào khác ngoài cái thế giới đại đồng bên này, hay cái thế giới có ba ngôi bên kia sao? Nhưng thế thì có gì gọi là chọn lựa, vì một cái đã chôn sâu vùi kỹ trong nấm mộ  lịch sử. Còn cái kia đang hủy hoại con người nay chẳng còn sức đề kháng nào trên con đường rồi dẫn đến nơi một tận cùng của lịch sử [18].

 

Và biết đâu nơi đó cũng là chỗ tận tuyệt của loài người.

 

***

Xuống đến con lộ men eo biển, mưa tạnh hẳn, nắng lên bắt vào những mái ngói  nhuộm vạn vật một màu đất non tươi tắn. Không lấy xe buýt, tôi ra bến tàu, đợi chuyến đi về Eminonu. Thiên nhiên quả quay quắt, thoáng một cái đã không để dấu vết giông tố gì bên này triền đồi.

 

Vài tay người Âu cởi trần, ngực lông lá, ngồi phơi nắng trên cảng. Bên kia dòng Bogazici, châu Á bình lặng chưa hề biết sấm chớp bên này châu Âu, mặc những con sóng nhỏ nhấp nhô vỗ bọt trắng vào bờ, thản nhiên đợi như tuyệt đối tin vào thứ sức mạnh không chỉ thuần vật chất.

 

Nhìn dòng nước trôi ngược, tôi ném vào đám bọt nổi lênh tênh trên sóng hình ảnh thằng bé đánh giày, người mẹ mù, cô bé tên Sema và bức ảnh người cha chết trận treo trên tường. Tôi nhận cho chìm chuỗi sự kiện, từ đôi giầy bẩn, lời dẫn gái, đến con bông vụ sặc sỡ và buổi đi chơi gặp mưa khiến tôi biết ngày chẳng mấy khác đêm trên đất Thổ.

 

Tôi  đến xứ này tìm N.

 

Nhưng N lìa đời năm 1963, năm tôi bắt đầu hành nghề lưu đày.

 

Sống 61 năm, N lâm cảnh lao tù ròng rã 20 năm, phần còn lại là 10 năm vật vờ ở   Warszawa. Và rồi chết ở Moscova hai năm sau.

 

Khát khao một  thế giới mới, N theo Quốc Tế Ðệ Tam, chống quân phiệt Đức phát xít, song cũng chính vì đeo đuổi khát khao đó mà N quay  lại chống cả Stalin. N biết cái thế giới đại đồng hứa hẹn chỉ thuần lý thuyết.

 

Tôi, kẻ mang nghiệp- lưu đày, cùng khát khao như N, nhưng tôi ở trong một cực khác, nơi cánh cửa tù ngục ngày nay là thế giới bị vây hãm bởi mầu xanh những đồng đô la ngửi kỹ có mùi máu. Đàng sau hàng chữ in God we trust [19] là những Mehmet, Sema, và người đàn bà đồng hương của tôi quê Nam Ðịnh. N chiến đấu như thế, biết mục tiêu không bao giờ đạt được trong cái giới hạn của đời sống mình. Nhưng phải chăng chính vì vậy nên cuộc chiến đấu ấy mới được nâng lên hàng cái đẹp. Và cuộc đời thành nghệ thuật, dẫu phải trả với giá những khát khao không thành.

 

Tàu rẽ sóng chạy một mạch đến Yenikoy, chui qua gầm cầu nối Âu vào Á rồi ghé bến Ortakoy. Tôi nhìn quanh, vẫn không thấy N đâu. Chắc tôi không tìm những cái thấy bằng mắt. Ngủ lịm đi, tôi để tiếng máy tầu xình xịch đẩy vào một vòng u minh, trong đó có nàng, người tôi chưa từng biết mặt, đang đẩy tôi quay một vòng hư thực hệt như đoạn kết bài thơ xưa:

 

Sợi dây hỡi, ơi sợi dây mềm mại

cho nhau xin một phút bình yên

Bởi khi quăng ra là rồi đời quay mãi

theo triền mi vòng trong cõi lặng thinh

Trên quĩ đạo giữa ngân hà trong suốt

bờ thực hư anh quay tít phận mình…

 

Tầu cp vào bến cuối.

Hành khách lục tục đứng dậy, xôn xao gọi nhau. Tôi bước lên boong, theo chân đoàn người đi ra. Xuống tàu, tôi băng ngang bến cảng, lên chiếc cầu hai bên thành có những người thả cần câu những con cá mòi trắng bạc.

Qua cầu, tôi bỏ lại đằng sau thành cổ, đền Yeni với câu kinh Âm mo mek men…Tôi bỏ lại hết, trừ sự khát khao, điểm cố định độc nhất giữ tôi khỏi văng vào hư vô. Tôi hiểu đó là cách duy nhất cho những kẻ mang nghiệp-lưu đầy tồn tại.

 

Ra khỏi đường hầm có chiếc xe điện thời Thế chiến thứ nhất đưa lên dốc để về Beyoglu,  biểu ngữ No to Nato, get out  chữ đỏ lại đập vào mắt. Vẫn những thanh niên thiếu nữ hôm nọ tôi gp trên đường. Họ đang chiến đấu chống Chiến tranh và Tội ác qua sự rêu rao toàn cầu hóa cuộc chiến chống khủng bố. Và họ cũng biết, mục tiêu của họ không thể đạt ngay được, ngoài tác động đánh thức luơng tri.

 

Nhìn quanh,  nhưng tôi không còn tìm N.

 

Tôi không đi tìm vô vọng.  Bây giờ, tôi tìm cặp mắt xanh ve trong suốt thủy tinh chưa kịp hỏi tên hôm ấy. Tay vẫn ôm xếp báo, nàng đáp. Tôi nghe hình như là Sema, tên trùng với tên cô gái mù, giọng tiếng cười cũng hệt tiếng chim trên cành cao, nhưng đuôi mắt óng ánh bình minh soi sáng mặt đất này bằng khát khao hòa bình trên những con đường trước mặt.

 

11/ 08/ 2004


[1] Áo choàng của người Ả Rập

[2] Giầy, giầy bẩn.

[3] Này ông bạn, gái…đẹp…

[4] S.P Huntington, ‘’ The Clash of Civilization’’, Foreign Affair, 1993,vol 72, no 3.

[5] sáu đô Mỹ, sáu…

[6] quà … cho ông bạn

[7] Thời gian không trôi ngược, tôi chẳng thể học lại khả năng khao khát nữa.

[8]…red, bruised, swollen

   perhaps devoured by ravens

   perhaps they are no longer there

   and in their place is the purest of pain

   unsullied by desire

   dull, formless, essence-less

   just less (N. Hickmet)

[9]Chào anh bạn.

[10] Ngày đẹp, không mưa đâu.

[11] Về nhà, chẳng đâu bằng được.

[12] Nhà tôi.

[13] Lời chào.

[14] Cha tôi.

[15] Tại sao.

[16] Ð…mẹ mi!

[17] Đéo đi…10 đô.

[18] F. Fukuyama, ‘’ The End of History and the Last Man’’, 1992, publ. Penguin.

[19] Xin đặt lòng tin vào Thượng Ðế

[20]Gửi.

 

Comments are closed.