Đất Thủ Thiêm (kỳ 4)

Bút ký Võ Đắc Danh

Kỳ IV: TỘI ÁC NỐI DÀI TỘI ÁC


“Chị ơi! Sắp đến ngày kỷ niệm 43 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Em hy vọng đảng bộ thành phố sẽ giải quyết dứt điểm vụ khiếu nại tố cáo của việc cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật tại địa chỉ B26/9 khu phố 1, phường Bình An, quận 2 theo đúng pháp luật để chúng em còn ổn định lại cuộc sống. Đập nhà chúng em, thu gom toàn bộ từ xác nhà và tất cả đồ đạc chở đi đâu đến nay chúng em không biết, làm cho một gia đình đang sinh sống ổn định, hạnh phúc, bỗng chốc nhà tan cửa nát, đó là tội ác. Gần sáu năm nay chúng em sống vất vưởng, chồng em cũng vì việc này mà sinh đổ bệnh rồi chết. Tại sao đất nước HÒA BÌNH, ĐỘC LẬP mà chúng em không có TỰ DO, HẠNH PHÚC? Kính xin chị và đoàn đại biểu Quốc hội hãy lên tiếng cho chúng em. Xin hãy thương xót cảnh mẹ góa con côi, thương cảnh con gái em sanh không có nhà để ở…”.

Đó là những dòng tin nhắn của chị Nguyễn Thị Kim Phượng gởi chị Nguyễn Thị Quyết Tâm, phó bí thư thành ủy. Trong chiếc điện thoại “cùi bắp” của chị Phượng còn lưu lại hàng loạt tin nhắn với nội dung tương tự như vậy gởi cho các vị lãnh đạo thành phố, nhưng phần lớn những tin nhắn ấy chìm trong im lặng, cũng có vài tin nhắn mà phía dưới có vài câu phản hồi ngắn gọn, vô cảm, khô khốc, lạnh lùng, đại loại như “hãy yên tâm chờ… giải quyết”.
Chị Phượng nói buồn quá, đau quá, tuyệt vọng quá không biết làm gì, chị gởi tin nhắn để cầu may.
Tháng 3 năm 1976, chị Phượng tham gia lực lượng thanh niên xung phong, đi xây dựng nông trường Phạm Văn Hai cùng với ông Trương Tấn Sang. Năm 1978, chị tình nguyện chuyển sang quân đội, làm việc tại phòng vận tải trung đoàn 657, thuộc cục hậu cần quân khu 7. Năm 1981, chị ra quân với cấp hàm thượng sĩ, chuyển qua làm việc tại công ty dược 3/2. Năm 1985, chị kết hôn với anh Trương Việt Hiếu, công nhân cơ khí cùng cơ quan. Năm 1986, vợ chồng chị được cấp và hóa giá căn nhà 87 mét vuông trên đường Lương Định Của. Họ sinh được hai đứa con, một trai một gái. Cuộc sống sẽ kéo dài hạnh phúc, và căn nhà của chị vốn nằm ngoài ranh quy hoạch, cạnh khu đô thị mới Thủ Thiêm, vợ chồng chị sẽ sở hữu khối tài sản trị giá vài chục tỷ đồng nếu ngôi nhà không bị cướp.
Một hôm, có một nhóm người của nhà nước tới cho chị hay, nhà của chị nằm trong diện phải thu hồi, đề nghị chị cho họ đo vẽ để chiết tính giá đền bù. Anh Hiếu nói đất của anh không nằm trong quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm, và anh đuổi họ ra khỏi nhà. Cứ thế, mỗi lần họ tới đo vẽ đều bị đuổi. Cuối cùng họ dùng biện pháp cưỡng chế. Ngày 4 tháng 11 năm 2010, hơn một trăm nhân viên công lực cùng với nhân viên địa chính, xe cứu thương, cứu hỏa kéo tới, họ cắt hàng rào lưới B40 rồi xông vào đo vẽ. Sau đó họ lập bảng chiết tính, áp giá đền bù cho vợ chồng chị theo hai phương án: Thứ nhất, chị sẽ nhận số tiền 236.449.000 đồng và được mua căn hộ chung cư 51 mét vuông bằng số tiền ấy, nếu muốn mua căn hộ diện tích rộng hơn thì chị phải trả tiền thêm theo giá bảo toàn vốn. Phương án thứ hai, nếu chị không mua căn hộ tái định cư thì sẽ nhận khoảng đền bù cộng với tiền hỗ trợ di dời tương đương 18.000.000 đồng trên mỗi mét vuông cả nhà lẩn đất, tức khoảng hơn 1,5 tỷ đồng rồi tự đi tìm chỗ ở.
Anh Hiếu và chị Phượng cùng hàng trăm bà con Thủ Thiêm làm đơn khiếu nại, nhưng không thành. Ngày 29 tháng 6 năm 2012, chúng đem quân tới cưỡng chế. Chị Phượng thương lượng xin hoãn lại hai tuần, họ chấp nhận không đập nhà. Chị viết thư gởi khẩn cấp cho ông Trương Tấn Sang hy vọng cầu cứu ở người sếp cũ. Ông Sang chỉ đạo cho văn phòng Chủ tịch nước làm công văn gởi ông Tất Thành Cang, yêu cầu ông Cang tiếp chị Phượng và báo cáo sự việc lên Chủ tịch nước trước ngày 20 tháng 8 năm 2012. Chị Phượng mừng rỡ mang “lá bùa” ấy lên ủy ban quận 2, nhưng ông Cang không tiếp. Ngày 31 tháng 7 năm 2012, tức là trước thời hạn 20 ngày ông Tất Thành Cang phải trả lời Chủ tịch nước, một đoàn xe cứu hỏa, cứu thương, xe tải, xe ủi, xe cuốc cùng với hàng trăm nhân viên công lực kéo đi giải tỏa, đập phá sáu căn nhà ở khu phố 1, đường Lương Định Của, phường Bình An. Căn nhà chị Phượng bị đập vào lúc 10 giờ 30 sáng, toàn bộ vật dụng trong nhà chúng chất lên xe tải chở đi đâu không biết, chỉ nghe chúng nói chở vào khu tạm cư. Vợ chồng chị Phượng không vào khu tạm cư, chị nói trong đó chúng nhét mỗi gia đình vô căn phòng tạm bợ 21 mét vuông, không đủ chứa vật dụng thì làm sao ăn ở. Hai đứa con, một đứa về nhà cậu, một đứa về nhà ngoại, anh Hiếu vào ở trong cơ quan, chị Phượng lấy bốn khúc tre với tấm nilon dựng mái lều trên cái nền nhà đổ nát, đi kiếm việc làm thuê tạm sống qua ngày, ai kêu lau nhà thì tới lau nhà, ai kêu đón con thì đi đón con. Anh Hiếu có hôm thì ở cơ quan, có hôm thì về tá túc trong mái lều với chị.
Trong cảnh màn trời chiếu đất, anh Hiếu lại lâm trọng bệnh, khi đưa anh vào nhập viện, chị Phượng như sét đánh ngang tai, người ta cho chị hay anh Hiếu bị ung thư phổi ở giai đoạn cuối. Không còn khả năng điều trị, nhưng về đâu? Không thể đưa anh về chờ chết trong mái lều bạt trên nền nhà cũ. May thay, người chị ruột của chị ở Gò Vấp bảo chị đưa anh về đó tạm trú trong những ngày tháng cuối đời. Và cuối cùng, anh Hiếu đã ra đi trong cảnh tan nhà nát cửa. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh nói với chị Phượng rằng khi di quan, hãy cho chiếc xe tang chở anh đi qua con đường Lương Định Của để anh chào vĩnh biệt ngôi nhà, dù bây giờ nó chỉ còn là mái lều trơ trọi. Nhưng khi di quan, nhân viên của nhà chức trách bước lên chiếc xe tang, ngồi cạnh tài xế với lý do là để can thiệp khi tình huống kẹt xe. Thế là, chiếc xe tang đi thẳng về nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa.
Tiếp xúc với chị Phượng, tôi cảm nhận được nỗi đau đã làm cho chị biến đổi tính tình. Từ một mái lều bạt, chị nhặt tôn cũ chung quanh về dựng lại căn chòi trên nền nhà cũ, nền rải đá mi, một chiếc ghế bố, một bàn thờ nhỏ cho anh Hiếu, một chồng hồ sơ khiếu kiện. đó là tất cả những gì còn lại sau trận cướp phá kinh hoàng.
Đã khổ đến thế, nhưng chị Phượng còn quan tâm, chở che cho những thân phận khổ hơn mình. Chị đưa chúng tôi đến thăm chị Vinh, một trong vài căn nhà còn sót lại giữa cái bãi đất hoang tàn, ngổn ngang xà bần của hàng trăm ngôi nhà bị đập phá trên đường Lương Định Của.
Chị Phạm Thị Vinh năm đời cha ông sống ở Thủ Thiêm, chị bị khuyết tật bẩm sinh, phải di chuyển bằng xe lăn và nạng gỗ. Năm 1968, lên 11 tuổi, chị được tổ chức Terre des hommes đưa sang Tây Đức nuôi dưỡng và cho học hành, đến năm 1974, chị quên mất tiếng Việt nên không liên lạc được với gia đình, chị xin phép về Việt Nam ôn lại Việt ngữ một thời gian ba năm, đến năm 1975, chị kẹt ở lại. Cha mẹ qua đời, chị lên Đồng Nai học Đông y rồi về Thủ Thiêm dựng căn nhà gỗ 15 mét vuông cạnh ủy ban phường Bình An, mở quán nước và phòng mạch Đông y từ thiện, khám chữa bệnh bằng thuốc Nam, ai cho bao nhiêu thì bỏ vào thùng phước thiện. Chị nói ở đây hồi ấy còn hoang vu, gần phòng mạch của chị có cái bô rác của chính quyền cũ để lại, chị lên quận xin dọn dẹp để cất nhà ở, ông chủ tịch quận nói mầy cất nhà chỗ đó tao còn mừng, để cái bô rác vừa mất mỹ quan, vừa ô nhiễm môi trường, lại là nơi chích choác của bọn xì ke ma túy. Chị Vinh thuê xe rác tới dọn dẹp rồi thuê người tới đập phá, san lấp mặt bằng, dựng lên căn chòi che mưa che nắng. Phòng mạch của chị bắt đầu thu phí, có được ít tiền, chị thuê thợ xây nhà, mua vật liệu trả góp, vay mượn bạn bè, cuối cùng chị đã dựng lên được ngôi nhà cấp bốn.
Thế nhưng, khi cuộc càn quét Thủ Thiêm xảy ra, chị Vinh không được đền bù vì nhà của chị không có giấy tờ. Người ta chỉ bảo chị đi tạm cư ở một căn hộ chung cư để giao đất cho nhà nước, chị nói tôi què quặt thế nầy là sao ở được chung cư, hồi xưa chỗ nầy là cái bô rác, tôi xin cất nhà, các anh còn mừng, tại sao bây giờ các anh lại cướp của tôi? Nói gì thì nói, không đi thì cưỡng chế, cuộc cưỡng chế lần thứ nhất không thành vì luật sư Trần Vũ Hải đứng ra bảo vệ chị, ông nói nếu các anh cưỡng chế nhà chị Vinh, tôi sẽ tố cáo các anh lên tổ chức bảo vệ người tàn tật thế giới. Chúng tạm dừng lại. Cuộc cưỡng chế lần thứ hai, bà con Thủ Thiêm kéo tới làm hàng rào sống bảo vệ chị. Chúng tạm dừng lại. Cuộc cưỡng chế lần thứ ba, cũng vậy, bà con kéo tới làm hàng rào cản đầu xe ủi, trong nhà, chị Phượng chuẩn bị sẵn đầy một bình xăng trong chiếc Honda, sẵn sàng châm lửa, chị nói với chị Vinh, chuyến nầy hai chị em mình cùng chết. Chúng dùng loa tay đọc lệnh cưỡng chế và kêu gọi chị Vinh mở cửa, mở cổng rào để giao nhà, giao đất. Bà con bên ngoài hò hét, đả đảo, chửi bới làm át tiếng loa, bên trong, chị Phượng mở nắp bình xăng, tay cầm quẹt gas, tay cầm tờ giấy báo làm mồi lửa trong tư thề sẵn sàng. Cuối cùng chúng phải rút quân.
(Còn tiếp)

Ảnh 1&2: Chị Phượng với căn chòi và đống hồ sơ khiếu nại

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi, bàn và trong nhà

Ảnh 3: Tác giả nghe chị Phương kể chuyện

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang ngồi, giày và trẻ em

Ảnh 4&5: Chị Phạm Thị Vinh

Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang ngồi và ngoài trời
Ảnh 6: Bà con Thủ Thiêm “ bao vây” tác giả

Nguồn: FB Võ Đắc Danh

Comments are closed.