Dấu ấn từ một dòng sông

Ký Thương

clip_image002

1.-

Mãi đến hôm nay, gần tới tuổi ”nhi nhĩ thuận”, tôi vẫn chưa hiểu được nguyên do nào mà năm tôi mười hai tuổi, cha tôi lại dẫn tôi đi ”buôn Thượng”. Nếu nghĩ rằng đó là một thử thách đầu đời dành cho một đứa trẻ vừa mãn hạn ”ký bán cho thần thánh” theo tập tục của dân quê thời bấy giờ thì chưa hẳn đúng, nhưng dù sao, những gì tôi đã trải nghiệm qua chuyến đi đó, quả là một dấu ấn linh thiêng mà tôi được mang suốt đời…

Đi ”buôn Thượng” có nghĩa là người Kinh lên tận miền ngược như Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, mang theo những nhu yếu phẩm như vải vóc, cá khô, muối, v.v. mà người Raglai cần để trao đổi những sản vật núi rừng của họ. Người đi ”buôn Thượng” còn mang theo tiền để mua những thứ quí giá như ngà voi, răng cọp, răng nanh heo rừng, trầm hương, tô hạp hương, v.v. đem về bán cho người miền xuôi. ”Buôn Thượng” có người may mắn làm giàu, nhưng cũng có người tán gia bại sản rồi chết vì căn bệnh sốt rét rừng mà người thời ấy thường cho là do ”Mọi thư” để trừng phạt tội bội tín, lừa gạt hay do Thần Núi, Thần Rừng bắt vì những hành động hay lời nói phạm thượng.

Cha tôi không phải là dân chuyên ”buôn Thượng”. Thỉnh thoảng ông mới đi một chuyến, giống như một cuộc phiêu lưu. Phải chăng ông cũng muốn truyền cái máu phiêu lưu của mình cho tôi, vượt ra khỏi lũy tre làng khép kín để đi một ngày đàng học một sàng khôn?

Toán của chúng tôi gồm bốn người: hai cha con tôi, cậu Hào người lối xóm luôn có mặt trong những chuyến đi xa với cha tôi và chú Tới – những người hạp tuổi nhau do cha tôi chọn. Chú Tới là người dân tộc Hạ (mang hai dòng máu Kinh-Raglai), quê ở Suối Dầu, dẫn đường và cũng là ”thông dịch viên”. Ngày giờ lên đường cũng được cha tôi nhờ thầy trụ trì chùa trong làng coi kỹ và cúng kiếng tươm tất.

Chúng tôi đi theo hướng Sông Cầu bằng xe ngựa bánh gỗ, qua đò Phú Cốc, tới Đồng Nga. Bến đò này khác với những bến đò trên dòng Sông Cái, ở chỗ người ta bắt một sợi dây cáp từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia để cho người lái đò vin vào mà di chuyển con đò trong mùa nước lũ. Đoạn sông này gần đầu nguồn, mùa mưa mái chèo không thể chống cự nổi dòng nước chảy xiết.

Đồng Nga, Đồng Lũy, Đồng Dài nằm bên bờ bắc Sông Cái, tiếp giáp với ”xứ sở của dân Man” (theo cách gọi của các triều vua nhà Nguyễn), mà thời bấy giờ dân Man thường hay quấy nhiễu dân Kinh. Năm 1875, vua Tự Đức sai các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên khéo xử với dân Man. “Dụ rằng: người Man tính thất thường phải phòng bị ngay, nhưng biết lấy đức giáo dạy cho quen dần là hơn nhất, sau thì dùng người Man thuần thục khống chế người Man ở xa, cho cùng yên ổn làm ăn, mới là hết sức hay. Nếu chỉ lấy oai quân để trị, thì bắt chém không được mấy, nó có thể hết được mần ác, giả sử san phẳng sân, quét sạch sào huyệt, cho không còn mống nào sống, cũng không phải đức trời lòng nhân nỡ thế, mà một phen vất vả phí tổn, đốt phá cầu và hàng rào, chứa chất thất nghiệp, sinh oán, lại phải phái quân đóng giữ thêm phòng bị nhiều việc, cũng không phải kế hay. Phàm có trách nhiệm là quan địa phương, nên thể theo lòng trẫm, mà nghĩ kỹ.”(1). Qua đó, chúng ta thấy dưới triều vua Tự Đức đã có chính sách nhân đạo với đồng bào dân tộc.

clip_image004

Các cô gái dân tộc Raglai (ảnh trên internet)

Dân Man ở tỉnh Khánh Hòa phần lớn là người Raglai bản chất vốn hiền hòa, chân thật và một số nhỏ người Rhadé. Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành vùng đất Khánh Hòa không có một sự tranh chấp quyền lợi nào giữa người Kinh và người Raglai.

Chỉ cách nhau một dòng sông và gần nơi sơn lam chướng khí nhưng vùng đồng bằng bờ Bắc dân cư tập trung và đông hơn bờ Nam. Nhà cửa liền nhau, vườn rộng, ngai ngái mùi phân trâu, phân bò và mùi rơm rạ mới từ đồng ruộng đem về. Ngày xưa đây là vùng sơn phòng nhằm ”chấn hưng mối lợi tự nhiên của trời đất, làm nền tảng mở mang của nước nhà” (2). Cũng trong năm 1875, vua Tự Đức đã phê chuẩn tấu trình của Sơn phòng sứ Thanh Hóa Trương Quang Đản cho đặt Ty Doanh điền ở Khánh Hòa cùng một số tỉnh khác trong nước nhằm khai khẩn đồn điền, ”cho việc phòng bị được nghiêm, tuy nói rằng: để giữ vững bờ cõi ta, thực để phòng bị mối lo không ngờ” (3). Ty Doanh điền được ”giao cho sơn phòng kiêm trông coi hoặc mộ dân làm quân, hoặc khuyên dân quyên tiền, hoặc vay vốn công, liệu cấp cho trâu cày, đồ làm ruộng, cho tùy thế đất khai khẩn, sau ba bốn năm số quân đầy đủ, ruộng đất mở mang, có thể thành một nơi đô hội lớn” (4). Đây là một trong những vùng đồng bằng màu mỡ nhất của tỉnh Khánh Hòa. Hồi mẹ tôi chưa lấy chồng, mỗi năm tới mùa gặt, bà được người cậu họ ở Đồng Dài, là dân sơn phòng có một sở ruộng lớn, đưa lên đây ở trong nhà cả tháng để lo nấu ăn cho con gặt ngày ba bữa chính. Đến nửa buổi gặt, con gặt được ăn lót dạ bằng chuối mốc (chuối sứ) luộc, ổi, đu đủ hườm, hay khoai mì, khoai lang – những thứ có sẵn trong vườn nhà. Tưởng rằng người cậu thương con gặt, nhưng thực ra cho họ ăn lót dạ những thứ đó rồi uống nước vào, bụng cứ no inh ích, đến bữa cơm trưa họ ăn ít, đỡ hao… gạo!

Chúng tôi đến nhà một người quen ở Đồng Dài ngủ trọ, đến nửa đêm khi trăng lên, thuê xe trâu theo con đường mòn băng rừng lên Bến Khế. Nằm trên chiếc xe trâu lục cà lục cục trong đêm, chú Tới kể cho tôi nghe một câu chuyện mà chú nói rằng chuyện thật, vì ông cố chú là người trong cuộc.

”Thời đó, có một người Kinh tên Lẵm đi buôn Thượng ở tận vùng núi Tô Hạp. Lẵm là một chàng trai khỏe mạnh, thông minh, biết bắt con hổ dữ, biết hóa phép ra lửa. Anh đã có vợ con ở miền xuôi, nhưng lỡ nằm chung một tảng đá, tắm chung một dòng suối và uống chung một bầu nước với một cô gái người Raglai tên là Din. Din trẻ đẹp như một con gà rừng, có đôi vú to như quả bầu. Nàng muốn bắt Lẵm làm chồng. Din báo cho cha mẹ nàng biết là cái mông của hai người đã nhún nhảy với nhau rồi. Trong tình thế bắt buộc, Lẵm phải cưới nàng làm vợ. Trường hợp của Lẵm cũng giống như trường hợp của ông cố chú Tới ngày xưa. Hai người được cha mẹ vợ chia cho một mã la, một chóe, một nỏ, hai cái chén để ra riêng. Họ gắn bó như vòng cườm đeo trên cổ. Chừng một năm sau, nàng Din sanh được một bé trai đầu lòng. Chẳng may đứa bé bị con ma rừng bắt đi khi vừa lọt lòng mẹ. Nàng Din quá thương con, không muốn đem chôn, bèn nhờ thầy cúng ướp xác nó, bỏ trong chậu rồi để nơi góc căn chòi ngoài rừng, nơi nàng sanh đẻ, làm ma xó giữ rẫy. Trong khi chung sống với Din, Lẵm vẫn luôn nhớ vợ con và cha mẹ già ở dưới xuôi. Cái bụng của chàng bao giờ cũng nghĩ đến chuyện trốn thoát Din, trốn thoát núi rừng. Sau khi thu hoạch mùa rẫy thứ hai, chàng ngỏ ý với Din cho chàng về xuôi thăm cha mẹ chừng một con trăng rồi trở lại. Din hỏi Lẫm: ”Cái bụng mày có thiệt không? Hay là mày muốn bỏ mẹ con tao để về với mẹ con mày?” Lẵm nói cái bụng anh không nói lời ngược. Din không tin, bắt anh thề. Lẵm thề trước tảng đá hai người đã nằm chung, Din vẫn không tin vì tảng đá là ma đã bắt con nàng chết. Lẵm thề trước bếp lửa, Din vẫn không tin vì Lẵm biết làm ra lửa theo cái bụng của Lẵm. Lẵm thề trước xác ướp của con, Din nói: ”Muốn lời thề của mày đúng y như cái bụng của mày thì hãy cởi chiếc áo mày đang bận đắp trên xác của con một ngày đêm, cho linh hồn con sống trong thân xác mày khi mày bận nó về xuôi. Nó luôn luôn theo mày, bắt mày phải về với tao, mày không thể bỏ tao với bếp lửa trống không, nếu bỏ tao, mày sẽ chết”. Để chứng tỏ cái bụng mình thiệt, Lẵm buộc lòng phải ưng chịu ý muốn của Din, nhưng chàng biết đó là cách thư (ếm) của người Raglai mà ông thầy cúng trong làng đã chỉ bày cho Din. Lẵm bèn tìm đến ông cố của chú Tới, một người Kinh có vợ Raglai và trở thành Người đầu Khôn (5) của làng, để nói rõ cái bụng và xin giúp đỡ. Người đầu Khôn chỉ cho Lẵm cách giải trừ Mọi thư. Lẵm an tâm định ngày lên đường bỏ rừng về xuôi. Còn Din thì tin cái bụng của chồng là thiệt. Lẵm cắt rừng xuống tới đồng bằng, anh gặp một bãi phân trâu còn mới nơi bìa rừng. Theo lời Người đầu Khôn dặn, anh lấy phân trâu bôi khắp người, từ đầu tới chân, rồi cắm đầu chạy tới bến đò Phú Cốc, không hề ngoái cổ nhìn lui. Đến bến đò, anh cởi chiếc áo bị thư bỏ lại, lội qua sông. Khi tới giữa dòng, bất ngờ từ trong bụng anh tuôn ra cửa miệng một đàn vịt trời cả trăm con, chúng kêu quang quác rồi bay vút lên không trung và biến mất. Sau giây phút kinh hoàng, Lẵm hoàn hồn biết mình thoát nạn được về lại với làng xóm, gia đình và vợ con… Từ đó, trên bến đò Phú Cốc trong những đêm khuya thanh vắng, người ta thấy một chiếc áo bò trên bãi cát và phát ra tiếng than ai oán: ”Áo đây, người đâu? Áo đây, người đâu?…”.

Chuyện chú Tới kể giống như chuyện cổ tích, tuy nhiên sau này, tôi tìm đọc những truyện cổ dân gian được sưu tầm phổ biến của vùng Khánh Hòa, Ninh Thuận, nơi có tộc người Raglai sinh sống, chưa may mắn gặp một chuyện nào tương tự.

Xét về mặt nội dung và những tình tiết trong câu chuyện, tôi biết được từ xa xưa, trên vùng đất ”theo thiên văn thuộc về sao Dực sao Chẩn, về tinh thứ sao Thuần vĩ”(6) đã có sự giao thương giữa người Kinh và người Raglai, mặc dù thời đó nơi người Raglai sinh sống còn là rừng thiêng nước độc, tách biệt khỏi xã hội người Kinh, nơi những huyền thoại xoay quanh chuyện Mọi thư, Ó ma lai có thể được người Kinh tưởng tượng thêu dệt nên để làm nhụt chí những ai muốn khám phá vùng đất đó. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là có những người Kinh mang dòng máu phiêu lưu đi ”buôn Thượng” hay ”ngậm ngải tìm trầm” rồi tự nguyện hay bắt buộc lấy vợ người Raglai, đặt nền móng cho những cuộc hôn nhân dị tộc sau này, sinh ra một tộc người mới là tộc người Hạ, chỉ có ở vùng đất Khánh Hòa, xưa kia sống rải rác ở Đầm Môn, Suối Dầu, Cam Ranh, và hiện nay chỉ còn một số ít định cư ở Suối Dầu, huyện Diên Khánh.

Chúng tôi lội qua sông Chò, tới Bến Khế vào lúc chiều hôm. Cảnh vật trên đường đi quá xa lạ với tôi, bây giờ trước cảnh núi rừng hoang vu tịch mịch lại càng xa lạ hơn. Bao quanh chúng tôi là một rừng cây buông (bối diệp) xanh mướt lá. Từ xa xưa, người miền xuôi đã khai thác lá buông ở nơi này để bán cho dân miền biển dệt đệm làm buồm cho ghe thuyền đánh cá. Nha Trang tới Chụt không xa / Kẻ vô mua đệm người ra đánh buồm (vè hải trình từ Bắc vô Nam), chứng tỏ rằng thời kỳ ghe thuyền đi lại trên biển từ Bắc vô Nam còn chạy bằng buồm thì Chụt (phường Vĩnh Nguyên) là đầu mối tiêu thụ lá buông từ Bến Khế đưa về cho ghe thuyền cả nước. Lá buông còn dùng làm nón cho các ngư phủ. Những chiếc nón lá buông này được trét dầu rái để giữ độ bền trước mưa nắng biển khơi. Sống lá buông bền dẻo nên người Raglai dùng làm cánh cung…

clip_image006

Sông Chò (Nha Trang)

Trong tâm trí tôi cứ phảng phất những hình ảnh trong câu chuyện kể của chú Tới. Tôi sợ đàn vịt trời trong bụng chàng Lẵm đang lẩn trốn đâu đây, chờ chúng tôi đến để bắt chúng tôi trả thù thay cho mối tình bội bạc của chàng. Tôi nắm mãi chéo áo của cha tôi mà đi, không dám rời nửa bước. Chú Tới dẫn đường đến nhà Ama Bỉnh.

Nhà Ama Bỉnh nằm tựa vào một tảng đá lớn dưới chân núi. Đó là một căn nhà sàn vững chắc, xung quanh bốn bức vách phên tre sắp đầy bắp khô còn nguyên bao mới thu hoạch theo hàng lớp ngăn nắp. Chú Tới giới thiệu với chúng tôi người thiếu nữ đang nấu ”gô” cơm trên ba ông Táo đá giữa sân là vợ của Ama Bỉnh. Chị khoảng hai mươi tuổi, chỉ quấn chiếc cà chăn (váy) đen bạc màu, để lộ cái bụng tròn trịa và đôi vú căng phồng. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được vẻ đẹp tự nhiên của người nữ giữa chốn núi rừng, bóng từ đùi trơn từ thân (djrưh mũ pha linã mũ rùp) như thành ngữ của người Raglai (7). Chị không chút thẹn thùng trước mặt người xa lạ, chỉ cho chúng tôi chỗ để đồ đoàn, nói với chú Tới một câu gì đó rồi cầm rổ đi vào rừng. Chú Tới cho biết Ama Bỉnh cùng thằng con trai bằng tuổi tôi đang lưới cá ngoài sông Chò. Người vợ hiện tại của Ama Bỉnh là dì ruột của thằng bé, mẹ nó chết cách đây hai năm. Cha tôi và cậu Hào tìm đá bắt bếp nấu cơm còn chú Tới dắt tôi ra sông lấy nước. Chú lấy những ống tre đựng nước của nhà Ama Bỉnh bỏ trong gùi gùi đi, riêng tôi thì chú cho mang một ống tre trên vai giống như mang khẩu súng ba-dô-ka.

Bến sông này là nơi dân ”buôn Thượng” tụ tập sản vật của rừng, kết bè lồ ô vượt sông Chò, sông Cái chở về xuôi. Tương truyền nơi này cũng là điểm sơn phòng của thủy binh nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn. Bãi rộng, đầy sỏi. Hai bên bờ sông vây kín những lùm tre rừng um tùm. Những thân tre cao vút, lả lơi trước cơn gió chiều chạng vạng bất ngờ mát lạnh sống lưng. Giữa không gian tĩnh mịch, bỗng nổi lên từng tràng tiếng hú dài như tiếng than ai oán của những con ma rừng. Phải chăng là tiếng than tìm cha của đứa con nàng Din vẫn còn ám ảnh trong tâm trí tôi? Tôi rợn tóc gáy, vội chạy đến ôm chặt chân chú Tới. Chú Tới vẫn ung dung đứng hứng nước giữa dòng nước chảy, chỉ nói: ”Sợ lắm phải không? Hổng phải ma đâu. Những tiếng hú đó phát ra từ những thân tre gãy đầu khi có gió mạnh thổi qua, giống như người ta thổi lửa bằng ống tre vậy”. Lần đầu tiên tôi biết được nguồn gốc một thứ âm thanh huyền bí của rừng, không còn sợ hãi và cảm thấy thích thú.

Chúng tôi gùi nước về. Hai cha con Ama Bỉnh cũng vừa về, xâu cá lưới được đang treo trên cành cây cạnh nhà. Ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn bão mà toán chúng tôi mang theo, hắt lên thân những con cá đỏ mang bằng ba ngón tay tạo thành một vệt sáng màu bạc như lưỡi dao cau. Ama Bỉnh chỉ quấn một cái khố đen còn thằng con ông thì trần như nhộng – một ”cậu bé rừng xanh” của Bến Khế. Chủ và khách chuyện trò với nhau bằng tiếng Raglai, thỉnh thoảng xen vài tiếng Việt. Chú Tới là người thông dịch khi cha tôi và cậu Hào nói mục đích chuyến đi với Ama Bỉnh. Ama Bỉnh là một trung niên cường tráng như con voi, lanh lợi như con sóc và hoạt bát như con chim trĩ, hơn vợ tới hai chục nút thắt (cách tính tuổi của người Raglai: mỗi năm một nút thắt). Ông là Người đầu Khôn trong làng, giao tiếp nhiều với người Kinh và nhiều lần theo dân ”buôn Thượng” xuống tận chợ Thành (Diên Khánh) để mở ”con mắt khôn”.

Cha tôi tặng quà giao hảo cho chủ nhà: muối hột, cá khô và đặc biệt là một cái áo vải hoa sặc sỡ dành cho vợ Ama Bỉnh. Vợ Ama Bỉnh đang nấu canh rau rừng mới hái về cùng với xâu cá lưới, chú nói vợ bận thử áo, nhưng chị trả lời malơu (mắc cỡ) lắm. Cậu bé rừng xanh đang chơi với chú khỉ nơi góc sàn nhà thấy gói cá khô vội đến xin một con. Ama Bỉnh làm vừa lòng cái bụng nó, nó mừng rỡ cầm con cá liệt khô nhảy phóc xuống sàn rồi chạy ra bếp nướng liền. Mùi cá khô chín thoảng trong gió rừng thơm nức mũi, ngay tôi cũng cảm thấy thèm chảy nước miếng. Vợ Ama Bỉnh bẻ lấy phần đầu còn phần thân giao cho thằng bé. Họ ăn như quà vặt miền xuôi một cách ngon lành.

Bữa cơm tối dọn ra trên sàn nhà. Chủ đem chén kiểu cất kỹ trong gùi ra dọn cơm để tỏ lòng hiếu khách. Chủ khách ăn cùng mâm, riêng dì cháu cậu bé rừng xanh chưa ăn, ngồi chơi với chú khỉ. Khi mọi người ăn xong, vợ Ama Bỉnh mới dọn mâm mang xuống đất rồi cùng cháu ăn những thứ còn lại một cách tự nhiên. Cha tôi nói đó là tập tục của họ, nhưng lúc bấy giờ tôi cảm thấy xốn xang như vừa phạm một lỗi lầm khó tha thứ, dù là vô tình: để họ ăn thức ăn thừa của mình. Để tự chuộc lỗi lầm, tôi lấy bị kẹo cau mà mẹ tôi bới riêng cho tôi đưa cho dì cháu thằng bé. Họ lắc đầu nói không biết ăn…

Cơm nước xong, chủ nhà bày tiệc rượu cần, vừa uống vừa bàn tính công việc của cha tôi. Lúc này thì vợ con Ama Bỉnh cùng ngồi uống với mọi người một cách bình đẳng và vui vẻ. Sàn nhà làm bằng tre lồ ô đập dẹp rồi ghép lại, có nhiều kẽ hở bằng ngón tay. Tôi không uống được rượu, lại không biết hút thuốc như cậu bé rừng xanh, chỉ ngồi tựa lưng vào bức tường bắp khô nhìn mọi người uống và chuyện trò rôm rả dưới ánh đèn bão. Ama Bỉnh hút thuốc liên tục, cứ hết điếu này ông lại với tay lấy trái bắp khô, lột vỏ thay giấy quyến vấn điếu khác, thỉnh thoảng ông chép miệng đánh cho nước miếng văng gọn gàng xuống giữa các kẽ sàn như một trò ảo thuật, cả vợ con ông cũng vậy, khiến tôi cứ tròn xoe mắt thán phục. Tôi không thể thức đợi họ tan cuộc vui. Cha tôi mắc mùng cho tôi ngủ trên góc sàn mà chủ nhà dành cho khách. Trong giấc ngủ, tôi mơ thấy mình là cậu bé rừng xanh đang chăm sóc vết thương cho chú nai con vừa thoát khỏi tay người thợ săn hiểm độc.

2.

Toán chúng tôi ở lại Bến Khế năm ngày, vừa đủ thời gian cho cha tôi tìm được hai súc gỗ lim làm cột nhà. Trong lúc những người đàn ông vào rừng từ sáng sớm đến chiều tối mới về, tôi theo vợ con Ama Bỉnh lên rẫy. Giữa chốn núi rừng, thằng con của Ama Bỉnh tự cho mình là con nhái còn tôi chỉ là con nòng nọc. Con nhái biết trèo lên cây xoay hai trái cho nòng nọc ăn. Con nhái biết làn bẫy bắt con két tặng cho nòng nọc, biết dọn rẫy, biết chọt lỗ tỉa bắp tỉa lúa, biết đủ thứ hết… còn nòng nọc thì chẳng biết gì!

Đúng! Tuy bằng tuổi nó tôi chỉ là con nòng nọc mới đứt đuôi, sắp thành con nhái nhảy lên bờ nên đang học cách sống của một con nhái. Con nòng nọc vô cùng hứng khởi về chuyến đi của mình và đang chờ đợi chuyến trở về mà cha nó đã nói trước sẽ là những thử thách thiệt sự dành cho nó.

Cha tôi thuê Ama Bỉnh và một thanh niên Raglai nữa là Chang phụ kết hai chiếc bè lồ ô giấu hai súc gỗ lim dưới đáy, phía trên chất một số sản vật rừng như lá buông, chuối, vỏ cây ren để làm nhang, v.v., đồng thời họ đi cùng để giúp chúng tôi vượt qua ba con thác nguy hiểm nhất trên sông Chò.

Ngày chúng tôi từ giã, vợ Ama Bỉnh dậy thật sớm, ra rẫy chặt cho tôi một bó mía lau để ăn trên đường về. Thật cảm động trước cái tình chân thật của người Raglai. Tôi rút cho cậu bé rừng xanh hai cây, nó lắc đầu không nhận. “Đó là phần của mày, của khách, phần của tao trên rừng”. Nó nói.

Cha tôi thắp nhang vái giã từ Thần Núi, Thần Rừng và cầu nguyện Thần Sông phù hộ cho chuyến trở về xuôi chèo mát mái.

*****

Sông Chò vào mùa khô như con ngựa chồn chân sau một mùa mưa phi nước đại, chảy lừ đừ, thuận lợi cho dân ”buôn Thượng” đưa bè về xuôi. Nó là một trong bốn nhánh sông chính tạo thành dòng sông Cái dài 75 ki-lô-mét, trong đó phần hạ lưu tính từ Đồng Trăng (Diên Khánh) xuống tới cửa sông nơi cầu Xóm Bóng dài 30 ki-lô-mét được xem là vị Phúc Thần từ xưa đến nay của hai huyện Diên Khánh và Vĩnh Xương (nay là thành phố Nha Trang). Dọc hai bờ sông Cái, cứ cách khoảng một hai cây số có một guồng xe nước đường kính đến bốn năm mét, nép mình bên lũy tre xanh, ngày đêm kẽo kẹt đưa nước vào những cánh đồng rộng lớn trong vùng. Những guồng xe nước này đều do tư nhân tạo dựng và quản lý, mang tính cha truyền con nối, hình thành từ khi những vùng đồng bằng dọc theo sông được khai khẩn thành đồng ruộng mênh mông. Mỗi mùa, những cánh đồng ăn nước xe đóng công lúa cho chủ xe. Chủ xe đóng thuế cho nhà nước. Hàng năm, vào mùa khô, khi sông cạn cũng là lúc vụ mùa thu hoạch xong, xe nước ngưng hoạt động, chủ xe thuê người nạo vét kênh mương, lên nguồn chặt cây về tu bổ guồng xe, bờ cừ ngăn nước, chuẩn bị cho vụ mùa mới. Nhờ vậy, những cánh đồng dọc sông Cái mỗi năm canh tác được hai vụ. ”Ruộng cấy tháng 11 thì thu hoạch tháng 3, ruộng cấy tháng 7 tháng 8 thì thu hoạch tháng 12”(8).

Tôi thường trốn nhà theo các anh trong xóm đi tắm sông vào những trưa trời nóng và thích thú chơi trò đi guồng xe nước như trẻ con chơi trò đu quay hiện nay. Bên cạnh guồng xe nước luôn luôn có chiếc bè lồ ô, từ bè chúng tôi chuyền qua tấm vỉ phên trên guồng, tựa lưng vào thành guồng và ngồi đó theo vòng quay của nó, khi lên gần tới đỉnh và khi qua khỏi dòng nước đẩy guồng thì đổi thế ngồi cho thuận, đến lúc chán thì nhảy tõm xuống sông. Không phải ai cũng có gan chơi trò này. Có lần, một thằng trong xóm, tướng bặm trợn nhưng hơi nhát gan, bị bạn bè nói khích, đánh bạo nhảy lên guồng xe, đến lúc chóng mặt muốn xuống nó không dám nhảy, cứ ngồi đu chặt trên vỉ la ơi ới. Lúc đầu, chúng tôi đứng trên bè lấy đó làm trò vui, vừa cười vừa chỉ cách cho nó nhảy, nhưng càng lúc nó càng la to kêu cứu khiến chúng tôi phát hoảng phải chạy tìm chủ xe nước. Ông huy động trai tráng khỏe mạnh trong xóm, dùng những cây gỗ to xuyên qua guồng xe, chận đứng đường quay để đưa nó xuống an toàn. Hú hồn! Từ đó, guồng xe nước luôn có người canh giữ, không cho chúng tôi chơi trò nguy hiểm có thể chết người này nữa…

Sau khi vượt qua dễ dàng những con thác nhỏ, tôi quen dần với chuyến phiêu lưu trên sông của mình. Dường như nỗi lo sợ khi đối diện với hiểm nguy không những biến mất mà còn tạo cho tôi một cảm giác thích thú, giống như cảm giác ban đầu khi tôi tập quay theo guồng xe nước. Tôi biết những người trong toán đã thuộc lòng đường đi nước bước của dòng sông này, dòng sông mang một màu xanh đen bí hiểm của núi rừng, màu của những tai ương có thể ập đến cho chúng tôi khi sắp vượt qua những con thác dữ nếu xảy ra một phút lơ là, mất cảnh giác.

Bè xuôi tới một một đoạn sông rộng, nước chảy hơi xiết, cha tôi nhắc tôi mang phao vào người để chuẩn bị vượt thác Trâu Đụng. Xa xa, trước mặt chúng tôi hiện ra ba tảng đá giống hình con trâu nằm giữa dòng sông. Trâu mẹ nằm giữa, hai bên là trâu nghé như đang thủ thế chờ đợi những ai lỡ tay sào đụng vào. Bè của cha tôi vượt trước. Cậu Hào dạng hai chân đứng trước mũi bè, hai tay cầm cây sào dài để ngang ngực trong tư thế sẵn sàng nghênh chiến với ba con trâu. Cha tôi đứng phía sau, ông bảo tôi nằm xuống, hai tay giữ chặt sợi dây mây buộc hàng trên bè. Tiếng thác reo sùng sục như đang de dọa nhận chìm mọi người. Bỗng chiếc bè trượt dài theo dòng nước, nước bắn tung tóe, chiếc bè tròng trành uốn lượn như chiếc diều đứt dây. Tôi cảm thấy dường như mình bất chợt bước sang một thế giới khác, một thế giới xa lạ toàn màu trắng của hoa lau mọc dọc theo hai bờ sông, một thế giới không có trong sách vở, không chờ đợi, không mong muốn… Thân hình tôi chao đảo, tôi nhắm nghiền đôi mắt, tai nghe văng vẳng tiếng hét của cha tôi: ”Cố giữ chặt sợi dây, đừng buông!”. Người tôi rã rượi, bụng cồn cào muốn nôn thốc nôn tháo mỗi khi chiếc bè xốc lên nhồi xuống. Tiếng chú Hào la lớn: ”Giữ đuôi cho vững, coi chừng trâu húc!”. Tôi lịm người, loáng thoáng trước mặt mình là những con vịt trời đang bay lượn…

Khi hai chiếc bè vượt qua thác Trâu Đụng bình yên, cha tôi vò đầu tôi và nói: ”Khá lắm, con là đứa trẻ đầu tiên trong xóm được vượt thác, nhưng còn hai thác dữ hơn đang chờ đợi con trước mặt”.

Đó là hai thác Ngựa Lồng và thác Dằng Xay. Tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh của thác Ngựa Lồng. Nó không dốc như thác Trâu Đụng, nhưng dài và có nhiều đá ngầm, trong đó có ba tảng đá chồm lên khỏi mặt nước theo hàng dọc làm cản sức nước từ trên đổ xuống, tóe bọt trắng xóa, từ xa trông như ba con ngựa đang chổng vó và cất tiếng hí vang trước khi xung trận… Còn thác Dằng Xay thì dòng chảy của nó giống như dằng xay lúa đang quay mà cối xay là cồn cát giữa dòng. Nước chảy rất mạnh, khi bè trôi vào đoạn giống hình dằng xay thì người điều khiển phải linh hoạt tay sào chống đỡ vào vách đá để cho bè đi xuôi theo dòng nước, nếu không tập trung, bè va vào vách đá thì tai họa khó lường hoặc cuốn theo dòng nước quay tròn quanh cồn cát như xay lúa, phải vất vả lắm mới thoát ra được. Từ sông Chò xuôi về đồng bằng chỉ có ba con thác này là nguy hiểm và gây ấn tượng sâu đậm nhất cho những người xuôi ngược trên đoạn sông này, vì thế ai cũng thuộc lòng câu ca dao:

Ngựa Lồng, Trâu Đụng, Dằng Xay

Qua ba thác ấy khoanh tay mà ngồi.

3.

Tôi về thăm Nha Trang lần này đúng vào dịp cầu Trần Phú khai thông. Cầu rộng, khá đẹp và hài hòa với quang cảnh trên cửa sông Cái, nối liền đường Trần Phú A và đường Trần Phú B chạy thẳng đến tận Bãi Tiên. Nay mai nó sẽ trở thành con đường chạy dọc theo bờ biển, dài và đẹp nhất nước, niềm tự hào của thành phố quê hương tôi. Ngày trước, tôi có một người bạn làm thơ, anh ví biển Nha Trang như chiếc cần vĩ cầm mà thành phố là cây đàn. Bây giờ không những chiếc cần được nới rộng gấp đôi mà cây đàn còn được chỉnh trang rộng lớn và đẹp gấp chục lần, điều không ai ngờ được.

Tôi đứng giữa cầu một mình trong đêm trăng khuya, vừa hóng gió biển vừa đưa mắt ngắm nhìn quang cảnh tĩnh lặng quanh cửa sông. Ánh trăng vàng tỏa cả một vùng sông nước. Lúc này, chỉ có tôi và trăng và nước. Tôi gặp lại trăng Nha Trang và nước sông Cái. Trăng không từ bầu trời phản chiếu xuống nước mà trăng từ đáy nước chiếu dọi lên bầu trời. Tôi hòa nhập vào trăng. Tôi là trăng. Tâm hồn tôi lâng lâng bay bổng, tràn trề hạnh phúc thánh thiện trước vẻ đẹp huyền diệu của thiên nhiên như lần đầu tiên tôi gặp người vợ của Ama Bỉnh trên rừng Bến Khế năm mười hai tuổi. Ngay phút giây này, tôi tin chuyện thi hào Lý Bạch ngồi trên thuyền uống rượu thấy trăng nằm dưới sông đẹp quá, liền nhảy xuống ôm lấy rồi chết cùng trăng là có thật chứ không là huyền thoại.

Huyền thoại được thêu dệt từ những thực tế của cuộc sống. Huyền thoại về Poh Nagar của người Chiêm Thành hay Thiên Y A Na của người Việt đều xuất phát từ vùng đất này, đều liên quan đến dòng sông Cái trước mặt tôi. Nữ thần Po Nagar là mây-trời-bọt-biển, khi nước biển dâng cao đưa bà vào bến Yjatran, ngay tại cửa sông này, bà dùng phép hóa ra lâu đài, cung điện nguy nga, hóa ra trầm hương, kỳ nam (đặc sản rừng của Khánh Hòa)… Còn nữ thần Thiên Y A Na cũng là tiên nữ giáng trần trên núi Đại An (Đại Điền, Diên Khánh), có lẽ trong một đêm trăng đẹp như đêm nay, bà nhớ cảnh bồng lai lại thêm buồn bực vì bị cha mẹ nuôi rầy oan nên nhập thân vào khúc kỳ nam để mặc cho dòng sông Cái đưa đẩy đến tận biển Đông… Hòn Chữ bên cầu Xóm Bóng là biểu tượng chiếc thuyền của thái tử Bắc Hải trong huyền thoại bị bà hóa phép đánh đắm khi người Bắc Hải hà hiếp nhân dân địa phương.

Cửa sông Cái xưa kia mở rộng từ Xóm Bóng sang tận xóm Hà Ra. ”Từ Ngọc Hội nước chạy thẳng xuống biển chứ không phân lưu như hiện nay. Bến Trường Cá ở Phường Củi ăn sâu vào tận chân núi Trại Thủy chùa Hải Đức và núi Gành chùa Kim Sơn. Nước lênh láng như biển. Mùa nắng cũng như mùa mưa, không lúc nào, không khúc nào có thể lội qua được”(9), thuận tiện cho việc tàu bè đi lại. Đoạn hạ lưu sông, từ đây trở lên Phú Lộc (Diên Khánh), dài hơn mười cây số đã xảy ra ba trận thủy chiến ác liệt giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 18. Năm 1793, chính Nguyễn Ánh thân chinh đem chiến thuyền từ Đồng Nai theo đường thủy tiến ra đánh Tây Sơn. Lúc bấy giờ, thủy binh Tây Sơn đang đóng trên bến sông Trường Cá (Phương Sài), Nguyễn Ánh cho thủy binh vào cửa Nha Trang, thẳng đường tiến đánh lên Diên Khánh, hai bên giao chiến ác liệt, cuối cùng quân Tây Sơn thua phải bỏ dinh Bình Khang. Chiếm được Bình Khang, Nguyễn Ánh liền cho xây thành Diên Khánh và giao cho Nguyễn Văn Thành trấn thủ, sau đó tăng cường thêm Hoàng tử Cảnh và Giám mục Bá Đa Lộc và cuối cùng cử phò mã Võ Tánh thay Nguyễn Văn Thành. Hai năm tiếp theo, 1794 và 1795, tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu kéo thủy binh vào đánh trả thù. ”Chính tướng ấy (Trần Quang Diệu) chống cự với Vương (Nguyễn Ánh) trong 12 năm, đã bao vây tiểu đô thị Nha Trang (thành Diên Khánh) và có cơ hạ được nếu Đức Giám mục Bá Đa Lộc bây giờ cũng ở trong vây không khuyến lệ phò mã Võ Tánh kiên trì cố thủ cho tới lúc quân chúa từ Đồng Nai ra cứu viện”(10). Những địa danh còn lưu lại đến ngày nay như Xóm Xưởng, Trại Thủy là nơi doanh trại của thủy binh nhà Nguyễn trú đóng. Một số làng nghề truyền thống của Khánh Hòa cũng nằm dọc theo hạ lưu sông: nghề gốm ở Lư Cấm (thành phố Nha Trang), nghề chằm nón, dệt chiếu ở Gò Găng (thành phố Nha Trang), nghề làm bún, đúc đồng ở Phú Lộc (Diên Khánh). Nghề đúc đồng ở Phú Lộc lưu truyền cho đến cuối những năm 50 của thế kỷ trước rồi mất dần. Tôi vẫn còn nhớ hồi đó, thỉnh thoảng vào dịp gần Tết, người dân Phú Lộc gánh đồ thờ cúng bằng đồng như chân đèn, lư hương, cổ bồng đi từng nhà trong vùng lân cận để mời mua, có thể qua Tết trả tiền cũng được, hoặc đổi đồ cũ lấy đồ mới với điều kiện dễ dãi. Người dân Khánh Hòa thời đó đa phần còn nghèo, bộ đồ thờ trong nhà thường làm bằng gỗ mít (gỗ ba la), nhà nào có bộ đồ thơ bằng đồng là sang lắm.

Quang cảnh hai bên hạ lưu sông rất đẹp và đa dạng, ngoài Tháp Bà nổi tiếng còn có đồi núi (Núi Sạn, đồi Trại Thủy, núi Kim Bồng…), cồn bãi (cồn Dê, cồn Nhất Trí) do sông Cái bồi nên, vườn tược ở Xuân Phong, Xuân Lạc, Phú Vinh, Phú Nẫm, Phú Ân, Phú Lộc… bốn mùa xanh tốt. Cả khu vực này có nhiều đường giao thông thuận tiện đi lại giữa bờ Nam và bờ Bắc sông Cái và nối liền với quốc lộ 1A. Xét về khía cạnh du lịch, đây là một ”viên ngọc” mà thiên nhiên đã ban tặng cho Nha Trang – Khánh Hòa.

Có thể nói sông Cái là kinh mạch chính của vùng đất phía nam Khánh Hòa, nối liền dòng văn hóa Chăm – Raglai – Kinh trong chiều dài lịch sử của nó, nối liền núi rừng với biển cả, miền ngược với miền xuôi, nối liền huyền thoại với hiện thực, con người với thiên nhiên… Tất cả hòa quyện vào nhau, cùng những dòng sông con suối trong tỉnh, tạo dựng một Nha Trang – Khánh Hòa giàu đẹp như hôm nay.

Nha Trang – Sài Gòn, 2002

Chú thích:

(1, 2, 3, 4): Xem Đại Nam thực lục chính biên, tập XXXIII, Nxb. KHXH, H. 1975, tr.197-198, tr. 226, 227)

(5) Người Đầu Khôn là người giao tiếp nhiều, kiến thức rộng, được dân trong buôn kính phục.

(6): Xem Đại Nam nhất thống chí, tập 3, nxb. Thuận Hóa, 1992, tr.87, tr. 92).

(7) Xem: Akhàt Jucar Raglai, Nguyễn Thế Sang sưu tầm – Việt dịch, Nxb. Văn Hóa Dân tộc, 2001, tr.95.

(8, 9): Xem Xứ trầm hương, Quách Tấn, nxb. Lá Bối, S. 1970.

(10): Những ngày tàn của Tây Sơn dưới mắt các giáo sĩ Tây phương, Nguyễn Ngọc Cư dịch, tập san Sử Địa số 21, S.1971, tr.151.

Comments are closed.