Đẻ sách (kỳ 3)

Tiểu thuyết của Đỗ Quyên

Chương 2

2.7

Minh Rô-lăng như con quái vật của dân thiết kế xe hơi vùng biên giới Pháp-Đức. Với mọi công ty trong vùng anh ta cũng làm vài năm rồi ra đi để lại trong giới chủ sự thèm thuồng và tức tối, lưu trong đồng nghiệp cái thèm muốn và ngưỡng mộ. Tiền kiếm phải nói là bội. Anh nuôi hai người “đàn bà”: xe hơi và đạo phái. Mà không đủ.

Xe hơi là thứ đàn bà không biết mệt trong cuộc làm tình với đàn ông của hai thế kỷ 20 và 21. Nó lấy đi không chỉ tiền bạc, sức lực là hai thứ đàn ông làm chủ. “Mụ đàn bà hồi xuân” – các giấc mơ xe hơi – làm tiêu hủy rất nhiều nhân tài khi mà sự đam mê của họ bị chia trí. Còn các tôn giáo, nhất là đạo phái. Thì cũng là đàn bà. Tôn giáo là loại đàn bà lưỡng tính. Nó hấp dẫn phụ nữ vô cùng nhanh chóng, bởi cùng là đàn bà. Nó thu phục đàn ông dễ dàng như chuyện trai gái ngoài đời.

Minh Rô-lăng, chỉ trong hai lãnh vực xe hơi và đạo phái, thực sự là đàn ông. Không biết ở người trai đó trong hai dòng máu Rồng Tiên và dòng máu Gà Trống Gaulois, dòng nào nuôi nấng lãnh vực nào. Dám máu Rồng Tiên của mẹ làm phù sa cho những nhánh sông mộ đạo lắm? Dân Việt đâu có ham chơi với tốc độ và tử thần nằm khỏa thân trên tay lái? Đích thị là dòng gà trống Gaulois ham rồi! Còn ai trồng khoai đất này nữa? Mà các nhánh đạo ở Minh Rô-lăng nó ngắn làm sao. Ngắn như các cú làm tình “khóc ngoài biên ải” của anh vậy! Cha theo Tin Lành gốc Hà Lan di dân qua, anh theo đạo của cha cho đến hết trung học. Mẹ theo đạo Ông Bà. Anh cho là nhẹ, không có tư tưởng, kinh sách. Nên anh thành Phật tử khi còn là sinh viên. Anh gặp lại cô Tabitha trên danh thiếp luật sư Tabitha McAmmond trong buổi lần đầu cả hai cùng tới Vô thượng sư Thanh Thủy thỉnh đạo. (Ngày đó, vị nữ luật sư không muốn có văn phòng cố định. Văn phòng là xe hơi. Điện thoại liên lạc là điện thoại công cộng. Luật sư McAmmond như cánh chim bay đến từng thân chủ di dân để tìm mùa xuân cho tâm tưởng và mùa hè cho nghề nghiệp của mình; cô đưa đến cho họ miễn phí những điều tốt lành và nóng bỏng.) Kể từ đó phần hồn trong Minh Rô-lăng rẽ hết nhánh này tới nhánh khác. Anh và Tabitha cưới nhau khi cả hai cùng thành tín đồ của Vô thượng sư. Khi họ có chút mâu thuẫn, anh qua Canada hai năm và sinh hoạt trong một bạn nhóm đạo vô vi của Thiền sư Lương Sĩ Nga. Một tờ báo nhờ anh làm phỏng vấn, thế là sau khi gặp Ông Tám như đối tượng đối thoại, anh hết còn muốn đối diện với thiền nữa. Và còn hai giáo phái khác, ở Mỹ và Ấn Độ, anh cũng là tham dự viên. Dần dà anh vơ về lý thuyết và kinh sách các tôn giáo, đạo phái đã từng kinh qua. Các giáo phái chia nhau phần hồn của anh.

Đúng lúc chưa biết tìm đến nhánh tâm linh nào khác hơn và khá hơn, anh gặp Hải! Trước khi thân Hải, anh đã gặp gỡ, bắt quen nhiều người Việt tỵ nạn ra đi từ Đông Âu, cũng như từng ngao du cùng nhiều người Việt ở các nước đó trong những chuyến du lịch. Muốn hiểu họ lắm, chỉ vì anh muốn hiểu “Việt Nam của Hồ Chí Minh”. Người Việt thuyền nhân đến từ miền Nam sau 1975 và Việt Kiều thiên tả lâu năm ở Tây Âu trước 1975 chẳng được Minh Rô-lăng coi là mẫu người Việt cần tìm. Anh tới họ rất nhanh, đi guốc trong bụng họ. Biết về Việt Nam cũng đã nhiều, nhưng không sao hệ thống được thế nào một cái Việt Nam của riêng Minh Rô-lăng. Cho tới ngày bức tường Berlin lở vỡ và xô đẩy những công nhân, sinh viên Việt ở Đông Âu, Liên Xô sang Tây Đức. Việt Nam lúc đó là tôn giáo mới cho Minh Rô-lăng. Khiến anh xa cách vợ. Khiến anh xao lãng công việc và kiếm tiền. Khiến anh bỏ bê các giáo phái trong những ngăn tủ, trên giá sách hay trong cốp xe. Một Việt Nam mới, qua sự thân thiết cùng Hải và đúng nhất là qua con người Hải, từ đây đã chế ngự đời anh. Mạnh và sâu nhất, suốt sáu, bảy năm trời, và còn cho đến nay. Thưa về Pháp thăm cha mẹ. Không du lịch hàng năm (mà cũng chẳng còn tiền!). Hành trình rất trung thành: Đi làm năm ngày ở Stuttgart; chiều thứ Sáu: phone cho Hải để hai ngày cuối tuần cùng Hải đi các trại tỵ nạn, chơi loăng quăng; thường đến Trại Windsbach, làm phụ gì đó cho báo Cánh Diều thì ít, cãi chày cãi cối với mọi người thì nhiều. Anh em tỵ nạn, vui. Minh Rô-lăng, thú. Nhiều tối, qua Hải – và chỉ có thể qua Hải – dính việc nguy gấp người tỵ nạn nhờ, anh bỏ vợ qua đêm mà xách xe đi “vác ngà voi”. Bạn dễ nhờ vả tài, sức và thời gian của anh, miễn đừng động đến ví tiền. Kể cả Hải Dớ. Hải Dớ là người đầu tiên và duy nhất Minh Rô-lăng hứa cho vay tiền khi gặp SOS. Song thân của Minh Rô-lăng cũng không được vậy. Nói gì đến các em gái, các mợ đàn bà. Thế mà đi với Minh Rô-lăng, Hải Dớ cứ lanh chanh trả tiền trước, và chủ tâm nhớ kỹ xem Minh Rô-lăng thanh toán ra sao, để rồi thầm thán phục trong chuyện tiền nong bạn mình có trí nhớ dài như rắn và li ti như kiến.

– Đến chết tôi cũng không vay anh nửa Đê-mác! Nếu như anh không bỏ cái thói chi li với cha mẹ và vợ mình!

– Họ không nghèo. Họ không khó khăn như các anh. Tôi không giúp đỡ người không nghèo.

– Tôi nghèo bạc vạn bạc ngàn, không nghèo bạc trăm bạc chục. Đấy, anh bao giờ có tới 50 Đê-mác trong ví đâu! Chúng tôi tiền vứt lung tung khắp người…

– Vì các anh hiện tại không có bạc vạn bạc ngàn! Và vì thế các anh sẽ không thể có bạc vạn bạc ngàn trong thời tương lai! Các anh chưa biết dùng Konto. Chưa hiểu Konto chính là cuộc đời. Tôi đang, đã và sẽ giúp anh hiểu ra điều này.

– Anh thích chủ nghĩa Cộng sản mà lại cũng thích Công-tô! Anh là Cộng sản nửa mùa, Công-tô nửa mùa!

– Tôi muốn làm ra một Cộng sản khác Marx, thực hơn Marx. “Cộng sản” hơn Marx.

– Sao hôm nọ bác Khoa, bác Hộ đến Cánh Diều, anh không nói gì. Hèn! Cộng sản lưỡi.

– Tôi quý và trọng các ông Đệ Tứ Việt Nam ở Pháp. Mà không phục. Tôi thương họ. Họ không bằng Bác Hồ trong việc chống Pháp thực dân! Lại còn đòi chống Bác. Làm loạn cả phe Cộng sản lên. Lấy ai đánh Pháp?

– Minh Rô-lăng còn nói theo cách so sánh bất đối xứng như thế, tôi nhào khỏi xe ngay!

– Ha ha ha! Hôm nay anh là người nổi giận trước tiên. Anh sẽ bị ba ngày rửa bát đấy!

– Anh thương anh xong đi đã. Các bác ấy chắc không cần người như anh thương hại. Họ hiểu họ. Anh không hiểu anh. Anh chả có gốc chả có ngọn. Hừm! Quả cũng không có nốt! Này sao anh không đẻ con đi? Hay là anh chỉ có… hoa? Hí hí…

– Nói thế nào cho Việt hóa nhỉ? À tôi phải làm việc “cái” trước khi đẻ “con”. Anh hãy giúp tôi, Hải! Từ khi tìm ra được anh, tôi đã biết làm “cái” Việt Nam cho mình.

– Làm cái con… bòi tôi đây này! Cái với chả con! Khi nào có “pát-xì-bo tỵ nạn”, tôi đi làm, tôi mua xe, tôi lấy vợ, tôi đẻ con. Rồi tôi bỏ mặc anh với “cái Việt Nam” của anh.

– Anh sẽ không bao giờ thế đâu. Hải, tôi biết anh là người tốt. Người tốt nhất trong những người tốt, kể cả Tây cả ta.

– Tôi đang xấu, hết tốt rồi. Tôi cần một ít, không, kha khá tiền, rồi sẽ trở về với tốt. Kìa, chạy xe chậm lại! Tôi không phải là vợ anh thích tốc độ cao.

– Ô kê! Xin lỗi. Tôi sắp cần xuống để đi đái, anh nhớ nhắc chừng tôi. Anh vừa nói gì? À không thể vậy đâu, nếu anh còn ở Tây phương, lại là Đức. Bằng không, anh nên về lại Bungary của anh nếu vẫn ghét Việt Nam. Nhưng tôi biết, thế nào rồi anh cũng về Việt Nam. Không, anh không ghét, anh chỉ giận Việt Nam thôi. Anh thương Việt Nam của anh lắm. Hải ơi! Tất cả đám các anh, đều vậy. Người Việt các anh không chịu dứt khoát khi dời ra một cái cũ. Nên không đến được cái mới. Với tay cũng chưa tới, chứ đừng nói đặt được chân lên cái mới. Câu thơ anh từng nhái đấy: “Người ra đi đầu luôn ngoảnh lại…”

– Ừ, anh khôn ra rồi. Tôi không phí rượu dạy anh. Thế có biết anh cũng là người cần về Việt Nam ngay bây giờ không?

– Tôi chưa chuẩn bị tốt. Tôi cần biết thật rõ một Việt Nam Mới qua anh trước đã.

– Trời ơi! Hải Dớ tôi thằng vô dụng, ăn hại đái khai đánh rắm vặt”. Đếch ích gì cho ai cả.

– Đã làm thật nhiều việc cho tờ báo của anh Đồ Râu, sao anh không là thành viên mà chỉ cộng tác viên chuyên bàn ngang vòng ngoài.

– Vậy tốt hơn. Anh chưa hiểu hết người Việt mình. Bùng nhùng đã lắm, bầy nhầy cũng nhiều! Người Nam thì phèn phẹt, dân Bắc thì bèn bẹt. Tôi mà vào ban báo, khối thằng chết nhiều đứa bị thương tất cả rồi đi nhà đòn; Cánh Diều sẽ có ngày đứt dây, như Nói đã câm tịt. Người tỵ nạn làm báo chí ở Đức bây giờ khác sinh viên, công nhân chúng tôi làm báo ở Bungary dạo đó. Chúng tôi khi ấy được cái hồn nhiên lắm, không phải tính toán thiệt hơn. Ngay việc tôi viết loạt bài phiếm sự nổi tiếng đó cũng từ tâm: tôi viết cho chúng tôi và cho người trong nước, chứ không phải là “Cộng con” làm “Hoàng Cái trói mình khổ nhục, Hám Trạch đưa thư trá hành” cho các ông “Vịt Kiều què” chống gậy chống cộng ở đây. Già Hồ của anh mãi mãi là tuổi trẻ của tôi, đến khi tôi chết. Nhưng nghe này: tôi chờ ngày ở Việt Nam mọi người sẽ được bàn luận tự nhiên như những người công dân bình thường trước một lãnh tụ, một VIP dù phi thường cỡ nào, sẽ được đánh giá với giọng “hồn nhiên như gié lúa cành cam” xung quanh 101 điều về các VIP đó trong lịch sử Việt Nam ngót trăm năm qua. Ngày ấy, tôi sẽ dẫn anh đi khắp ba miền Việt Nam Mới của chúng ta. Bao giờ cho đến ngày ấy, Minh Rô-lăng ơi? Hụ hụ hụ…

“Nhà thơ Hải Như từng tâm sự rằng: ‘Là nhà thơ đi sâu khám phá đề tài Hồ Chí Minh, tôi đề ra cho mình phương châm không ‘thần thánh hóa’ mà ‘người hóa’ Bác Hồ. Về phía nghiên cứu lịch sử, tôi mong đợi sẽ có những tác giả ‘giải mã’ trung thực vĩ nhân với tất cả những hạn chế, không né tránh’.” [1]

– Kìa, anh đừng khóc. Tôi sợ đàn ông khóc. Tôi rất xin lỗi. Để tôi mở nhạc Ly Ly hát… Hay chúng ta ngừng xe, nghỉ?

– Không sao. À, khi nãy anh hỏi về buổi cờ vàng cờ đỏ mà Cánh Diều bị tẩy chay ở Hamburg tuần trước? Vặn nhỏ nhạc, nghe tôi này: thầy Đồ muốn anh chính thức vào làm báo lắm. Việt Nam Mới đấy chứ đâu xa! Đừng vì 30 Đê-mác nguyệt liễm mà không “làm cái gì đó cho dân tộc”! He he he…

– Anh làm gì, tôi làm theo. Mao Trạch Đông từng bảo Hoa Quốc Phong: “Chú làm việc, tôi yên tâm!” Hí hí hí…

– Anh ngang như cua cái ấy! Tôi là tôi, anh là anh! Nào, nếu không chịu thế thì bây giờ anh theo tôi: Đái! Đoạn trên dừng xe được rồi.

Đã biết Minh Rô-lăng, cách ví von nên ngược lại: Các thầy tu đẹp như Minh Rô-lăng. Chân giò thẳng, không mảnh không bự; thân hình không dây không lẳn. Bụng hơi gọi là có, để tuyệt vời trong dáng đàn ông với chiếc quần xám quai đeo áo trắng nơ đen, hoặc trong bộ complet chỉn chu, hoặc dưới chiếc áo dạ dài buông lơi hàng cúc dưới lá thu thành Ba Lê. Tỷ lệ chân và lưng đáng làm mẫu cho các trường hội họa về tính cân xứng. Râu xanh rì vừa phải. Cặp mắt đen. Chúng không đen đuối chìm xuống như nhiều đàn ông Việt, đẹp mà mềm. Càng không đen lánh gắt lên gợi chút ranh mãnh của nam giới Ấn. Cái đen sang và sáng, nhìn đời tỉnh hơn, nhìn phụ nữ điếm hơn. Tóm, một cặp mắt tình tứ nhưng không lụy tình. Mắt Minh Rô-lăng không làm đĩ cho cả thân thể. Hai bàn tay vừa phải. Không u lù cứng như ở đàn ông Pháp thứ thiệt. Chúng đủ mảnh để vẽ nên cái đẹp, cái bay của các mẫu mã xe hơi và cũng đủ cứng, dẻo để điều khiển những “con đàn bà hồi xuân” này. Bạn đọc sẽ sốt ruột: “Nói gọn, thế ra chàng lại thành đàn ông Ý lai?”. Không, chúng ta lúc này chưa đủ kinh nghiệm ở cái xứ sở quả là thần tiên đó của chuyện nam giới cùng chuyện đàn bà. Hãy khuôn viên Minh Rô-lăng trong vành đai Pháp-Việt và vài quốc gia liên hệ mà thôi. Lần đầu, nhìn Minh Rô-lăng vắt vai chiếc áo da bàng bạc, mở cửa xe hơi, khẽ và nhanh cười mỉm chào – nụ cười bằng mắt như đã tả rất kỹ ở trên, bằng hàm râu quai nón chưa đủ rậm qua đêm cố tình chưa cạo – đám trai gái, đàn ông đàn bà Việt ở Trại Windsbach không ai không lưu lại tấm hình đẹp trong đầu về một nam giới Việt lai.

Cũng phải thấy, chọn Hải là Việt Nam của mình Minh Rô-lăng đã khá hiểu về dân tộc Việt đương đại. “Hải là gì? Định nghĩa Hải?”. Anh em làm báo hay đùa, mỗi khi chuyện vãn. Chỉ cần nghe, nhìn Hải nói, làm gì đó, đứng trong bếp nấu phở chẳng hạn. Không! Hãy quan sát Hải hỏi mua vé rồi bước vào tàu điện U-Bahn, ở đâu cũng được, ngay Nuernberg hay tận Đông Berlin, sẽ thấy Việt Nam là gì, người Việt là ai. Các nhà làm phim tất sẽ có được một diễn viên không chuyên nghiệp cừ khôi. Cứ theo tác giả Trần Trọng Kim viết hồi năm 1920 là thấy tiên sinh đã chọn cụ tổ Hải làm người mẫu. Nguyên văn lời miêu tả người Việt mà anh Đinh Văn Hải là một, nó thế này:

“Người Việt Nam thuộc về loài da vàng, nhưng mà người nào phải đi làm lụng dầm mưa dãi nắng lắm, thì nước da ngăm ngăm đen, [người nào nhàn hạ phong lưu, ở trong nhà luôn, thì nước da trăng trắng như màu ngà cũ]. Trạc người thì thấp nhỏ hơn người Tàu, mà lăn lẳn con người, chứ không to béo. Mặt thì xương xương, [trông hơi bèn bẹt,] trán thì cao và rộng, mắt thì đen và hơi xếch về đàng đuôi, hai gò má thì cao, mũi hơi tẹt, môi hơi dày, răng thì to [mà lại nhuộm đen]. Râu thì thưa mà ít, tóc thì nhiều và dài, đen và hơi cứng. Dáng điệu đi đứng thì nhẹ nhàng và xem ra bộ vững vàng chắc chắn.”

Hậu sinh mạn phép để trong dấu […] những điểm không trúng lắm so với Hải và nối dài ý lớn trên bằng các chi tiết khác có ở anh ấy.

Là đàn ông vùng đồng bằng Bắc Bộ, miền biển Thái Bình, Hải có tấm lưng dài cánh phản tiêu chuẩn khiến anh tự tả là thẳng cánh ruồi bay. Nếu đánh giá đàn bà Tây ở hai cặp chân thì qua tấm lưng có thể biết nhiều về nam giới Việt. Lưng đàn ông Việt nó xác quyết dáng đi, cách ngồi, kiểu chạy, đến cả tư thế làm tình của họ. Nhìn lưng, biết ông Việt ấy thằng Việt kia làm nghề gì nghiệp nào. Thầy giáo trường tỉnh hay dân đục tường cạy cửa? Chân của Hải vào loại ngắn, kể cả so với đồng hương Việt, và lại vòng kiềng. Bàn chân Giao Chỉ như ở anh quả là chữ ký của tộc Việt. Lạy Chúa tôi! Giữa trại tỵ nạn, Minh Rô-lăng nhiều lần kéo bàn chân gân guốc nhằng nhịt đường nét của Hải lên mà trêu chọc. Năm ngón chân xòe cánh quạt, ngón cái chĩa ra ngoài muốn bỏ cả bàn chân để đi di tản, cái gót chân thì tóp lại. “Giời ơi là giời! Các ngón bay tung tóe thế này thì giày nào cho vừa chân!” – “Anh đúng là mất gốc! Chân thế mới bám đất bùn được. Để giữ lấy nền văn minh lúa nước chứ! Kẻ Tây lai kia phải hiểu dân Việt ta mấy nghìn lập quốc đến nay, cả nghìn năm người Tàu cai trị mấy lần, cả trăm năm người Tây đô hộ, mà vẫn giữ được nền tự chủ. Ấy nhờ hai bàn chân Giao Chỉ xòe mười cánh ngón đấy ạ! Không thì tộc Việt đã văng ra ngoài biển Đông rồi. Nhìn tôi đi đi lại lại xem nào: Hai bàn chân có các ngón chĩa ra, tạo thành cách đi hai hàng vững chắc. Đường sống trâu lầy lội thế nào cũng không ngã.” – “Cho phép tôi ngắt lời hai anh và nhân cơ hội ở đây không có bạn nữ nào chưa lập gia đình.” – Phó tiến sĩ Hữu giơ cánh tay trái lên. – “Ngón chân cái Hải Dớ to như thế, tất cái của anh ấy cũng to theo. Minh Rô-lăng chẳng tin thì đọ thử, dám không?”.

Lại tiếp lời Lệ Thần tiên sinh. Tính nết Đinh Văn Hải là đây, đúng từ dấu phẩy trở đi:

“Về đàng trí tuệ và tính tình, thì người Việt Nam có cả các tính tốt và các tính xấu. Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quý sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy vẫn hay có tính tình vặt, cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác nhạo chế. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỹ luật. Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tin tông giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn.” [2]

Đọc tờ báo Nói ở Bungary mà Hải là cây bút chính dạo đó thì thấy hết con người này ra sao. À, tới lúc cần giải thích một chi tiết phụ, cho nó chính danh: Trong Ban biên tập Nói có hai Hải. Hải miền Nam, hỗn danh là Hải “dơ”, ăn ở luộm thuộm dơ bẩn quá xá. Hải miền Bắc, như độc giả nãy tới giờ đã biết, bị gọi là Hải “dớ”. Khỏi giải thích! Đi trên mặt báo dưới các bài trang trọng thì là các danh Hải Nam, Hải Bắc, rồi Nam Hải, Bắc Hải. Nghe cũng oách. Hoành tráng đáo để. Còn trong các bài báo tếu táo, các mục phiếm, hay nói năng hàng ngày thì Hải Dơ, Hải Dớ. “Thấy mà ghê!”. Các cô gái, các chị già miệng la vẻ vẫn thích chí khi réo gọi cái tên ấy.

– Minh Rô-lăng ơi, anh nói có đủ các sách, tư liệu hiếm quý về Ông Cụ. Sao không viết đi? Thầy Đồ Râu đăng liền.

– Đeo bài của anh ấy Cánh Diều chắc bay không lên nổi?

– Đúng! Báo tiếng Việt tới bây giờ chưa tờ nào đăng nổi bài của tôi về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả trong nước lẫn hải ngoại.

– Anh viết một bài báo bằng những năm thứ tiếng hả Minh Rô-lăng? Anh Hải Dớ sửa lỗi chính tả những câu tiếng Việt à? Thôi thôi, em nói đùa thôi đấy…

– Em Phương hỏi ác. Em ấy muốn tranh phần biên tập các chỗ “lờ nờ”, “sờ nặng xờ nhẹ” chứ gì?

– Cho bọ hỏi nghiêm chỉnh một câu, Minh Rô-lăng. Sao chú không có bài đăng ở các báo Pháp Cánh tả?

– Các anh các chị các em không hiểu chính trị nước Pháp. Nó nát như bánh phở của anh Hải Dớ khi anh ấy mải xem phim “con lợn”. Nhưng nó có mùi thơm bay qua nhà bên từ nước phở Hải Dớ quyện trong lời ca Ly Ly. Người cộng sản Pháp bây giờ chỉ thích nằm trong viện bảo tàng mà hô khẽ khẩu hiệu. Hầu chuyện bọ, chú em ngoan là tôi còn muốn cung cấp thông tin dự báo vàng mười cho Ban biên tập Cánh Diều… Thập niên tới, cũng là khi anh chị em đây đã hóa thành công dân Đức hết cả, tả phái chúng tôi sẽ ôm hận nỗi buồn hậu chiến theo kiểu Bảo Linh, đúng như tay bạn thâm hậu hào hoa người Pháp gốc Mexico của tôi – từng là chân giữa trong cao trào phản chiến – vừa hạ câu kết ở một bản thảo gan ruột:

Các nước tư bản tiêu biểu như Mỹ và các nước trong Liên Hiệp Châu Âu dường như đang lún từ từ vào một cuộc khủng hoảng chính trị. Chính trường ngày càng tan nát, vỡ vụn. Hai chính đảng truyền thống, hữu và tả, thay nhau nắm quyền ở các nước đó ngày càng suy yếu. Có nơi chính đảng tả tan nát hoàn toàn, rất ít có khả năng khôi phục. Các đảng hay phong trào cực hữu đâu đâu cũng có và phát triển như thể không sao cưỡng lại được. Để nắm chính quyền, ở vài nước, chính đảng hữu liên hiệp với đảng cực hữu. Ở Phu Lăng Xa, chính đảng hữu sa sút và chia rẽ trầm trọng, nhóm đang thắng thế có khuynh hướng nhại đảng cực hữu FN của bà Marine Le Pen.[3]

– Minh Rô-lăng à, giờ hỏi thật anh cái này?

– Thì hỏi đi. Trừ anh Hải và thầy Râu, có bao giờ các anh chị em thật với tôi đâu!

– Á à, Minh Rô-lăng lại đá đểu rồi. Thì hỏi này: Thế trong các nước cộng sản còn lại, ngoài Việt Nam ra, anh còn thích nước nào? Nước “Nào” à?

– Không! Nào nghèo nắm. Nại nười.

– Hí hí hí! Thua anh Minh Rô-lăng luôn.

– Thế Tàu hay Triều Tiên?

– Tàu không bao giờ là cộng sản! Tôi sẽ trở lại đề tài này trong bữa phở khác, anh Hải hứa sẽ nấu từ đuôi bò cái tơ. Tất cả các anh, nhầm. Thiên hạ, nhầm. Trừ Ông Cụ: Trung Quốc không khi nào là cộng sản cả! Sao, Bắc Triều Tiên? Không thể thích và không hiểu nổi! Mà tôi thích Cu Ba cơ.

– Nhưng này, Phi-đen cộng sản đến cùng vì có râu rậm dài, còn Minh Rô-lăng cộng sản lớt phớt râu chưa đen đã cạo. Phí cả cái chất cộng sản Minh Rô-lăng!

– Các anh nghe đây: Nếu Bác mà còn, tôi sẽ về Việt Nam sinh sống. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”

– Ha ha ha! Bờ-ra-vồ anh Minh Rô-lăng, cháu ngoan nhứt của Bác!

– Hí hí hí!

– Chân lý mà có “Nếu” như tiếng Tây là “Si” ấy, là chân lý què, chân lý cùn! Minh Rô-lăng xuyên tạc lời lãnh tụ.

– Hớ hớ hớ!

– Lúc đó Minh Rô-lăng về Việt Nam xin tỵ nạn à? Anh tính vào Trại nào nộp đơn? Trại Cầu Giấy Hà Nội, hay Trại Ngã Sáu Hải Phòng? Thôi, vô Trại Lăng Ông Bà Chiểu ở Sài Gòn kế nhà em Phương.

– Anh ấy “tỵ nạn phở” thì có…

– Các anh chị em mới là tỵ nạn giả, trừ thầy Đồ làm báo Cánh Diều và anh Hải trước kia làm tờ Nói.

– Thôi để phở tôi được bình yên! Xì tốp chuyện đại sự! Còn cãi nhau nữa là xơi tái cả tình bạn lẫn tình đồng hương. Mời cả nhà ra xơi phở tái Hải Dớ nào. E hèm… Phở là sợi dây loòng thoòng nối kết người Việt khắp nơi. Phèng phèng phèng! Cộng sản. Chống cộng đến trưa hoặc đến chiều. Việt Kiều yêu nước. Việt Kiều (không biết có yêu nước hay không) yêu con gái Đông Âu tỵ nạn. Trung lập. Tỵ nạn kinh tế. Tỵ nạn chính trị thật. Tỵ nạn chính trị dởm. Tỵ nạn gái. Tỵ nạn chồng… Phèng phèng phèng! Tất cả đều yêu phở Việt! “Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”. Mời mang tô ra đây nếu là Nam, mang bát ra đây nếu là Bắc! Mang thìa, nếu Bắc! Muỗng nếu Nam! Phèng phèng phèng! Phở hôm nay được Hải Dớ xử lý bằng đuôi bò đực chưa nhẩy cái đây…

– Hoan hô anh Hải! Bờ-ra-vô Hải Dớ. Cho em và bà xã bác sĩ nói mới có bầu hai tô đầy không hành.

– Vô duyên, trình làng sớm thế! Người đâu mà hỗn; để anh ấy chan cho thầy Đồ trước đã nào. Kia kìa! Mắt cứ dớn cả lên! Cái bát to có chữ Cánh Diều nằm sâu trong góc chạn ấy. Đấy… đấy… Cái tô sành ấy… Chỉ tia gái là giỏi!

– Ối, cái chậu này mà gọi nó là bát! Đồ Râu cũng tỵ nạn phở rồi!

– Cứ phở đuôi bò đực tơ vào là em Phương hết thắc mắc!

– Không, phở xong xuôi rồi em ấy còn hỏi “Tối nay anh Minh Rô-lăng về đâu?”

– Các anh các chị đừng đùa quá trán, à quá trớn. Tôi không ly dị vợ, còn cô Phương đang chờ chồng ở Tiệp qua.

– Minh Rô-lăng kẹo! Không yêu nổi gái Sài Gòn đâu mà…

– Vâng, tôi khó yêu được con gái Việt ở Đức, vì không thể biết họ thích tôi hay thích DM! Ối! Phở ấm quá…

– Có về Việt Nam anh cũng ế. Cho giá vào đi, Minh Rô-lăng! Vì anh không hào phóng. Hôm nọ anh không dám đốt tờ 10 Đê-mác tìm cặp tóc cho em Phương. Anh là đàn ông Pháp trừ đi tính ga lăng. Anh lấy vợ người Đức là đúng. Nhưng thôi, đừng! Anh mà ly dị là vợ anh sẽ lấy tiền thuê luật sư đắt như các luật sư khác…

– Anh Hải nói gì cũng phải! Hải Dớ nấu phở ngon nhất trần gian nhì địa ngục!

2.8

“[Hallo. Chưa được tra tấn ai thú như vầy! Mới màn hâm nóng đã bỏng! 101 lần cảm ơn Ta! Không dám nói leo nhiều e hỏng đại sự.

Da (nickname chính thức entre nous với Ta đấy. OK?]

Câu hỏi 2:

“Tôi nghĩ rằng độc giả đã nhận ra nơi bà McAmmond sự thông minh một cách rành mạch, đầy nữ Đức tính! Quả là chúng tôi đã chọn… lưỡi gửi phỏng vấn. Đây sẽ là phỏng vấn vàng. Dạ vâng, thưa bà, vậy sao bà chọn (sự ăn) chân (người di dân, tỵ nạn, kẻ ngụ cư) là phương tiện thể hiện cuốn sách của mình?”

“[Ê! Chớ lạm dụng, hỡi nhà văn lớn! Tôi thây kệ ba cái Da cái Ta nhà ông. Tabitha vẫn là Tabitha. Nói (leo) mà duyên (như ông) thì cứ nên. Đừng có “quân tử Tàu” như ông chồng ly thân kia! Hãy nhớ mình là một gã đàn ông da trắng! Cây đại thụ nào cũng có giống cây bám leo vào, thưa ông đại thụ.]

Trả lời 2:

“Câu hỏi trên đâu chỉ ông và The Kangaroo nêu ra. Đó là đề tài thân thuộc trong bất cứ thảo luận, phỏng vấn, nghiên cứu nào về các vấn đề của hai thập niên cuối thế kỷ 20 và nhiều thập niên đầu thế kỷ 21 – thời đại của người di dân. Tôi được phép trích dẫn một phần trong nghiên cứu của mình làm cho Học bổng Quỹ Khoa học Nhân văn Thockfeller năm ngoái về Chương trình Diaspora do Viện Đại học Mosdong tiến hành.

Dù hơi khô khan, song tôi tin quý vị sẽ không chán nhờ cách dẫn chuyện mềm mại của MC David O’Donovan.

… Trong thời đại di dân, luật không còn là của kẻ mạnh một cách trừu tượng; mà phải kêu thẳng tưng: Luật pháp của dân bản xứ; cho dù kỷ nguyên chúng ta là toàn cầu hóa, mà gọi theo kiểu người Việt là làng thế giới. Nói vậy vì ông xã của tôi người Việt cứ luôn miệng rằng đã gợi tới chữ “Việt” mà không kèm chữ “làng” thì coi như ứ hiểu một tí gì về Việt, cũng như chẳng biết nửa tẹo gì về làng! Xin tiếp tục… Tôi không – đúng ra là chưa – tin rằng con người ta lúc này vừa đủ vị tha và vừa đủ khách quan nhìn về nan đề lưu vong, di dân, tỵ nạn, du mục, ngụ cư. (Lại cũng người Việt, từ xa xưa đã có cái quan niệm đau lắm, ác lắm: bỏ làng!). Thế nên, vấn đề luật pháp ở các nước giàu (giàu dân mới di đến) cũng nằm trên cái phông chung của nan đề di dân, lưu vong. Khác với vài quốc gia giàu, nước Đức mang vấn đề kép: một thể chế của pháp quyền và một xứ sở phát triển trên lưng người di dân. Lưng, chứ không phải tim, như ở Pháp; hay toàn thân thể, như ở Hoa Kỳ, Canada hoặc chí ít cũng như Úc của The Kangaroo.

Là nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ cư ngụ tại Pháp 26 năm qua, Nedim Guersel rời bỏ đất Thổ sau đảo chính quân sự để trốn thoát khỏi một vụ án báo chí. Tôi chưa biết ông là ai trước ngày đọc được ở Guersel thành ngữ mới “Chữ nghĩa của lưu đầy, lưu đầy của chữ nghĩa” khi ông coi việc sống, làm việc giữa hai ngôn ngữ giống như ngồi giữa hai cái ghế; và khi ông tâm đắc với định nghĩa văn sĩ lưu vong của Joseph Brodsky, nhà thơ nổi tiếng người Nga lưu vong ở Mỹ: “Đối với những người trong nghề chúng ta, tình trạng lưu vong trước hết là một biến cố ngôn ngữ. Bị phóng vào một nơi khác, nhà văn ẩn náu trong ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Có thể nói, ngôn ngữ của nhà văn, trước kia là thanh gươm, trở thành cái mộc.” Dẫn chứng để thấy tôi phần nào ủng hộ Guersel và Brodsky khi phi chính trị hóa, phi kinh tế hóa, phi tâm lý hóa các lý do lưu vong ở người cầm bút. Vẫn Guersel: “Lưu vong, theo nghĩa rộng, là một trong những định mệnh khả hữu cho nhà văn thời chúng ta.” Viết đến đây, không khéo thanh minh thanh nga ắt tôi sẽ lãnh búa bút hoặc cà chua trứng thối từ các nhà văn luôn khẳng định tư cách tỵ nạn chính trị của họ ngang dọc trang văn của họ. Có khối vị còn nhảy cả lên lề lên gáy sách tái khẳng định điều này…

Thế những di dân không viết văn thì sao ạ? Đây mới là chìa khóa của vấn đề: Đôi chân của lưu đầy, lưu đầy của đôi chân.

Câu hỏi 3:

“Một lối dẫn dắt đầy kịch tính. Và mang cả sự tương phản lẫn so sánh. Cho tôi – nói theo kiểu các thân chủ của bà, người Việt – “cầm đèn chạy trước ô tô” khi đoán rằng ý bà là – nói theo cách của dân Pháp – hãy cho tôi biết đôi chân anh ra sao, tôi sẽ nói cho biết anh di dân như thế nào?”

[Này, thành ngữ Úc đương đại nên bổ sung câu “Đừng nhiều chuyện như đàn ông Pháp và đàn ông Việt!]

Trả lời 3:

“Ông MC của chúng ta, đã mềm mại lại mẫn cán. Hợp chuyện của một người đàn bà với một tạp chí dành cho đàn bà. Cảm ơn nha!

Thưa quý độc giả. Nhiều thế kỷ nay nhân loại chúng ta chung sống với một nhầm lẫn. Không, không phải não bộ (như người Đức quan niệm), hay màu da (người Mỹ cho là vậy). Mà chính là đôi chân.

Tôi cho rằng tỷ lệ đôi chân trên cơ thể người mới là yếu tố nhân chủng học quyết định dân tộc tính của một sắc tộc khi họ sống trên xứ khác. Y học hiện đại ngày càng chứng tỏ rằng não bộ không là vô hạn tới mức có một số di truyền siêu nhân, rằng huyền thoại suốt một thế kỷ nay về việc chúng ta chỉ mới sử dụng 10 phần trăm não bộ đã bị lật tẩy qua ảnh chụp MRI cho thấy con người xài hầu hết vỏ não vào trạng thái hoạt động hữu ích, ngay cả khi đang chợp mắt. Sự phát triển của khoa học và công nghệ điện toán với các đường biên của trí tuệ công cộng ngày càng bỏ xa trí tuệ cá nhân mà internet và website là hai dẫn chứng. Nghệ thuật đương đại đang dần xóa nhòa sự phân loại các sắc màu. Thế thì trong ba tiêu chí thẩm định cái Đẹp ở một con người Dáng, Da, Nét (mặt – thể hiện ra ngoài của não bộ), tôi thấy người Việt có lý khi xếp thứ tự “nhất dáng, nhì da, thứ ba là nét”. Dáng vận của một người lại do đôi chân quyết định. Lưng và vai rồi đầu cũng dự phần của nó. Tóm, tôi đã chọn đôi chân người (Việt) di dân làm thực đơn cho cuốn sách bình luận luật pháp nước Đức hiện đại, và qua đó gợi ý các thay đổi trong quan niệm về mục đích và phương tiện của pháp luật trong kỷ nguyên di dân.

May thay cho cuốn sách ăn chân! Quan sát của tôi về phong dáng các thân chủ người Việt Nam, khi họ ra tòa, khi họ vào văn phòng luật sư, nhất là khi họ ở các tư thế thoải mái (bồi bàn quán Tàu, chủ sạp quần áo hay rau quả tươi), khi họ ngồi xổm (trên nền nhà, bên mâm cơm, trên ghế salon).

Phải, các quan sát đó vừa được soi sáng thêm bằng khảo cứu của một giáo sư đồng hương Úc nhà các vị cùng các đồng nghiệp Nhật, Trung Hoa, Việt:

Trong một nghiên cứu 2.500 phụ nữ Nhật trong độ tuổi trưởng thành (từ 18 đến 79 tuổi), chiều cao trung bình được ghi nhận là 153,4 cm. Một nghiên cứu trên 1.400 phụ nữ Việt trong cùng độ tuổi (do chúng tôi tiến hành ở Việt Nam) cho thấy chiều cao trung bình là 153,9 cm. Trong nam giới, chiều cao trung bình của người Nhật là 164,5 cm. Nghiên cứu 700 đàn ông Việt Nam của chúng tôi cho thấy chiều cao trung bình là 164,3 cm. Chiều cao người Việt Nam hiện nay cũng tương đương với chiều cao người Thái Lan (165 cm ở nam giới và 155 ở nữ giới), và người Trung Quốc (164 ở nam giới và 155 ở nữ giới). Rõ ràng yếu tố di truyền đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định chiều dài của một cặp giò. Chúng ta có lí do để tin rằng chiều dài chân người Việt Nam, người Trung Quốc, ngay cả người Nhật, sẽ còn tăng trong tương lai, nhưng chúng ta không kì vọng đạt cho bằng chiều dài như ở đôi chân của người Tây phương hay Phi châu. Vì cấu trúc di truyền khác nhau. [4]

Nhưng không gì trên đời (cũng có nghĩa không gì trong Đẻ Sách) không ngoại lệ, kể cả chiều cao đầy tủi hờn nơi con dân Việt. Nào, các bạn nho nhỏ của tôi, chúng ta hãy cùng kéo dài niềm tự hào ngoại lệ bằng cách đọc thật chậm những điều ngoại lệ sau đây:

Thôn của những người… khổng lồ

Tại nơi hợp nhất của ba dòng sông Đáy, Nhuệ, Châu Giang, từ bao đời nay thôn Đình Tràng (xã Lam Hạ, Phủ Lý, Hà Nam) được gọi là “làng khổng lồ” do có rất nhiều người cao nổi trội. Ngồi uống chén nước ở quán lá nhỏ giữa thôn, chúng tôi gặp anh Nguyễn Quốc Toàn. Thân hình cao lớn, vừa đứng dậy đã chạm đầu vào nóc quán, anh Toàn có chiều cao “khiêm tốn” 1,82m.

Thôn Đình Tràng có 272 hộ với hơn 1.300 nhân khẩu. Số nam, nữ thanh niên tuổi từ 15 – 25 có khoảng 250 người thì 70% có chiều cao 1,70m trở lên. Theo chân ông trưởng thôn đến gia đình vận động viên Ngô Văn Công và Ngô Văn Kiều, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước chiều cao lênh khênh của đại gia đình “khổng lồ” này. Được biết, gia đình anh Ngô Văn Công có chiều cao vượt trội từ nhiều đời trước, bà ngoại cao 1,8m, ông nội cao 1,82m. Gia đình anh Ngô Văn Công được xếp vào danh sách cao nhất trong thôn, bố mẹ đều xấp xỉ 1,8m, ngoài anh và anh Kiều thì anh cả Ngô Văn Ca sinh năm 1977, cao 1,9m, anh thứ hai Ngô Văn Cảnh sinh năm 1979 cũng ngót 1,85m. Cụ Đạt, phụ trách Hội Người cao tuổi thôn và là trưởng tộc họ Trịnh, không giấu nổi niềm tự hào, kể sơ sơ trong cuốn “Gia phả chiều cao” của thôn có tới vài chục người cao trên 1,8m; em Ngô Phong mới 14 tuổi nhưng cao tới 1,75m.

Theo ghi nhận của cụ Phách (nay gần 100 tuổi) thì họ Ngô và họ Phạm là hai họ có nhiều người cao nhất trong làng. Trong đó, vận động viên Ngô Văn Kiều với chiều cao 1,96m là người giữ chiều cao “khủng” nhất trong thôn từ trước tới nay. Ông Hùng, Bí thư thôn, đưa ra con số thống kê khiến bất kỳ thôn nào ở nước ta cũng thầm mong: Chiều cao trung bình nữ giới 1,65m, nam giới 1,73m. Kiều đã trở thành chủ công số 1 của bóng chuyền Việt Nam, là Đội trưởng bóng chuyền nam quốc gia kiêm Đội trưởng bóng chuyền Sanest Khánh Hòa.

Không ít đàn ông nơi khác lấy vợ Đình Tràng, khi nổi cơn thịnh nộ muốn tát cho vợ một cái thì cũng… khó. Trường hợp vợ chồng chị Tĩnh cũng từng khóc dở mếu dở vì chiều cao chênh lệch. Anh Nguyễn Thân (chồng chị, người Nho Quan) chỉ cao 1,50m, trong khi chị cao đến 1,67m. Hơn nhau những một cái đầu, phải đấu tranh mãi hai người mới nên vợ nên chồng. Trai các làng khác ít khi chọn vợ người Đình Tràng vì ngại… chiều cao. Đôi nào “phá rào” thì phải độn gỗ dưới chân để chụp ảnh cưới. Cũng có trường hợp những cô con dâu Đình Tràng được bố mẹ chồng rất quý bởi đã “cải thiện” chiều cao cho dòng họ nhà chồng. Do chiều cao quá cỡ nên nhiều người trong làng phải đóng giường dài 2,20m trở lên, chứ giường 2m nằm kích chân hoặc phải nằm co. [5]

Như giáo sư Tuấn tuân theo quan niệm của môn cơ thể học, chiều cao thân thể do chân quyết định. Mặc nhiên, ký giả của bài báo giật tít “Làng… ‘chân dài’” đang làm nức lòng nức chân dân tình Hình chữ S đã nêu nhiệm vụ cho giới nghiên cứu:

Vì sao chân lại dài?

Cho đến nay, chưa có cuộc điều tra thăm dò nào tìm hiểu về nguyên nhân chiều cao vượt trội của người dân thôn Đình Tràng. Trong các thư tịch cổ của làng cũng không thấy ghi chép lại (…) TS Nguyễn Khắc Cảnh – Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM – đã đưa ra lý giải về mặt nhân trắc học: có thể từ xa xưa đã có một nhóm người có chiều cao vượt trội tới làng sinh sống hoặc có một cá thể trong làng bị đột biến gene trở nên cao lớn hơn. Theo PGS Nguyễn Xuân Viết (…) cần có một cuộc điều tra khoa học mới có thể đưa ra kết luận chính xác. Hơn nữa, ngày xưa khu vực quanh làng Đình Tràng rất nhiều sông, làng nằm ở ngay ngã ba, ngã tư sông nên biệt lập với các làng khác, người trong làng kết hôn qua lại nên nguồn gene cao chỉ phát triển trong nội bộ làng, không bị phân tán ra ngoài. Dân Đình Tràng lại chủ yếu sống bằng đánh bắt cá, ăn tôm cá quanh năm nên thể chất cũng dễ phát triển. [6]

Chiều dài của lưng như một hằng số đối với các dân tộc. Tôi đồng ý, dù chưa đọc được ở đâu lời phân tích. Quan sát những người di dân và người bản xứ ngồi, tôi khó có các cảm hứng luật lệ và pháp chế. Những lúc đó, tôi chỉ mong mình có thể ăn được màu da, hay ánh mắt hoặc tiếng nói, thậm chí mùi mồ hôi, của họ.

Cuốn sách này tôi dành tặng đức ông chồng ly thân của mình, một người Việt lai Pháp (hay bảo Pháp lai Việt ông ấy cũng chịu). Sau cao trào người Việt du học và làm việc ở các quốc gia Đông Âu qua Tây Đức tỵ nạn cùng sự sụp rã bức tường Berlin, ông ấy và tôi mới ly thân thật, không giả vờ nữa. Đâu phải cái quan hệ phu phụ hai chúng tôi sở hữu đủ dài lâu đã bị sụp cái rầm theo bức tường lịch sử đó! Hạnh phúc hai chúng tôi, tự hai chúng tôi xây. Liên Xô nào có đặt bàn tay lông lá của họ vào chúng tôi! Nửa thân của tôi không đi tìm vợ Việt ở các trại tỵ nạn, như nhiều Việt Kiều đồng cảnh. Mà chỉ vì, anh ấy những muốn – như người Việt ưa nói – về với cội nguồn. Nói theo chữ của chương trình Diaspora, đi tìm “Identity and Place”. Bản sắc và Vị trí; quan tâm đến hai chân, tôi thích dịch là Bản sắc và Chỗ đứng. Chồng ly thân tôi thực ra đã là cuốn sách ở trong cuốn sách của tôi. Có điều – lại như ông ấy hay nói, dao sắc không gọt được chuôi – tôi không thể chuyển hóa thành ngôn ngữ được nội dung cuốn sách cơ sở mà thằng chả là nhân vật chính. Nó vẫn là cuốn sách ảo, trong tôi. Trừ khi làm tình với tôi, đôi chân lão ta tuyệt đẹp, dân trong nước Việt Nam thì bảo “ngon lành cành đào”. Nhưng tôi lại không hề ăn đôi chân ấy khi viết sách. Dù tay này với Đức quốc cũng là một kẻ ngụ cư. Chân chồng nhà không thiêng?

Khi làm dịch vụ pháp luật, tôi lấy tiền thân chủ vì lý do hành nghề. Khi viết sách phê bình luật pháp, tôi ăn chân họ vì đeo đuổi cái nghiệp. Các vị có thể nghĩ rằng tôi đi tìm lại bản sắc Do Thái của chúng tôi qua hai công việc này? Có thể. Không người Do Thái nào đếm tiền bằng cả hai tay. Sao phải phí như thế nhỉ? Chúng tôi có một tay để sáng tạo, một tay để máy móc. Và cả hai tay đều được điều hành bởi cái đầu. Trái tim không tham gia nhiều. Nếu là Do Thái chính hiệu con nai vàng. Chúng tôi chỉ coi người Tàu là địch thủ của tay đếm tiền, dù bằng tay Này hay tay Kia. Chưa có dân xứ nào là địch thủ của chúng tôi ở tay sáng tạo, dẫu tay Kia hay tay Này. Dân tộc Đức? Các vị sẽ nhao nhao hỏi… Tôi công nhận người Đức, nam cũng như nữ, giỏi giữ tiền. Giữ tiền với họ đã là sáng tạo. Nhưng đếm và giữ là hai hành vi khác nhau. Động và tĩnh. Như nước và đất vậy. Người Đức là đất, người Tàu là nước. Nói thế các vị liên tưởng ngay đến các vòi, tháp nước phong thủy ở nhà, nơi cửa tiệm, hay bất kỳ nơi nào người Tàu sống và làm. Xin lỗi, đoạn trên tôi đi hơi xa chủ đề The Kangaroo đặt hàng. Ý tôi là có lẽ vì bản sắc này Đức quốc xã đã muốn xóa sổ dân Do chúng tôi, “Này thì cho tụi bây diaspora luôn!”. Nhưng họ suy nghĩ nhầm cho một hành động đúng. Tiếc lắm ru! (Nói theo kiểu Tàu!)

Tôi còn trở lại món ăn nuôi chữ nghĩa của mình ở phần tiếp. Tạm ngưng, quý vị có thời gian đồng hóa mớ thông tin và lý lẽ trên.”


[1] Xem “Hải Như: Chuyện đạo và đời”, sggp.org.vn 2/7/2017

[2] Trần Trọng Kim; “Việt Nam sử lược”, dactrung.net

[3] Phan Huy Đường; “2017: Phu Lăng Xa mặt rỗ hoa – Một “thời đại chính trị mới” hay bước đầu khủng hoảng thể chế?”, diendan.org 22/1/2018

[4] Theo Nguyễn Văn Tuấn và M. Iki, C. Pongchaiyakul, J. Woo, V.T. Thuy; xem “Chiều cao của người Việt”, chuyenluan.net 4/2006

[5] Phỏng lược Hoàng Hiệp; “Làng… ‘chân dài’”; laodong.com.vn 20/4/2013

[6] Như trên.

Comments are closed.