Đến già mới chợt tỉnh (kỳ 9)

Tống Văn Công

VU CÁO ÂM MƯU DIỄN BIẾN HÒA BÌNH.

Ở thập kỷ 80 hầu hết các báo ở Trung ương trong đó có báo Lao Động đều được bù lỗ từ tiền của ngân sách. Ban Tài chính Tổng Liên đoàn Lao động giao khoán cho Ban biên tập báo Lao Động “định mức số tiền được phép lỗ”. Cuối năm nếu số tiền bị lỗ thấp hơn định mức thì được coi là “lãi” và được thưởng vì đã “có lãi”! Tờ báo được mua từ quỹ công đoàn, hoàn toàn không bán được ở các sạp báo ngoài thị trường.

Tôi đề nghị với Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Phạm Thế Duyệt 2 điều và được ông chấp nhận:

– Nếu báo Lao Động thoát khỏi bù lỗ thì được phép chi trả nhuận bút vượt quy định của Bộ Thông tin – Văn hóa và trả phụ cấp cho phóng viên không theo quy định của ban Tài chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

– Tổng biên tập có quyền sắp xếp lại nhân sự của cơ quan báo Lao Động: giảm biên chế, bãi chức vụ những người không đủ năng lực; sau khi có đủ khả năng tài chính tự trang trải chi thu thì có quyền tăng biên chế theo sự cần thiết để phát triển tờ báo

Khi tôi nhận làm tổng biên tập, tổ chức nhân sự của báo là một hệ thống thứ bậc “sống lâu lên lão làng”, hoặc “kinh qua trường Đảng”. Tất cả các trưởng ban, trưởng phòng đều là đảng viên “4 tốt”, đã học qua trường Đảng, nhưng không đủ năng lực để đảm đương chức vụ. Có những trường hợp kỳ quặc như: Anh V. là lái xe lâu năm được đề bạt làm Chánh văn phòng, anh Q. chữa morat lâu năm được đề bạt làm Tổng thư ký tòa soạn, cô B. đánh máy lâu năm được lên phóng viên đặc biệt (phóng viên có 6 bậc, trên bậc 6 là phóng viên đặc biệt ngang với bậc chuyên viên của công chức). Có ba phóng viên có năng lực hơn hẳn các trưởng ban, nhưng do chưa vào Đảng nên không được đề bạt là: Phạm Huy Hoàn, Trần Đức Chính, Nguyễn An Định. Đảng ủy cơ quan báo Lao Động (đều là các trưởng ban, trưởng phòng) viện mọi lý do để không cho 3 người này vào Đảng vì sợ họ vượt qua mình: Anh Chính bị cho là tự cao, tự đại; anh Hoàn bị loại vì xuất thân từ gia đình tư sản; anh Định có bố theo đạo công giáo. Tôi quyết định đề bạt 3 anh này lên trưởng ban. Sau khi họ làm tốt chức trách của trưởng ban, Đảng ủy không có lý do chính đáng để ngăn họ vào Đảng. Sau này Phạm Huy Hoàn kế nhiệm tôi. Sau khi nghỉ hưu, anh làm Tổng biên tập báo mạng Dân Trí cho đến nay. Anh Trần Đức Chính làm Phó Tổng biên tập báo Lao Động, sau đó là Tổng biên tập báo Nhà báo và Công luận, hiện nay anh vẫn đều đặn có bài trào lộng ở mục “Nói hay đừng” trên báo Lao Động với bút danh Lý Sinh Sự nổi tiếng. Nguyễn An Định là cây bút tài hoa, nhưng mất sớm. Trong số hơn 30 phóng viên đã phải loại ra 10 người không biết viết! Để anh em này yên tâm ra đi, chúng tôi nâng lương cho mỗi người lên hai bậc. Việc tinh giản bộ máy như thế này là chưa từng có. Đồng thời với việc tinh giản bộ máy, chúng tôi tuyển dụng những cây bút có nghề.

Lúc ấy Sài Gòn đã có ba tờ báo ngày và đều tỏ ra có sức sống ở thị trường hơn hẳn các tờ báo ở Trung ương. Trong đó có tờ Tuổi Trẻ, trước năm 1981 còn là tờ báo yếu nhất (năm 1981, báo Sài Gòn Giải phóng 90.000 tờ/kỳ; Báo Phụ nữ Thành phố và Công nhân giải phóng 25.000tờ/kỳ; Tuổi Trẻ 10.000 tờ/kỳ). Sau khi báo Tin Sáng bị đình bản, các nhà báo Lý Quý Chung, Trần Trọng Thức, Võ Văn Điểm về báo Tuổi Trẻ, biến tờ báo này trở thành tờ báo đi đầu đổi mới. Lẽ ra các nhà báo này phải được quý trọng, nhưng ngược lại Thành đoàn và ban biên tập Tuổi Trẻ thường tỏ ra không mặn đối với họ, những người xuất thân từ chế độ cũ thường bị BanTuyên huấn Đảng và cơ quan an ninh săm soi. Đó là thời cơ để chúng tôi “trải thảm” mời các bạn ấy về báo Lao Động. Anh Hữu Tính trưởng cơ quan miền Nam được giao nhiệm vụ tiếp xúc mời mọc các anh. Nhiều nhà báo giỏi muốn rời Tuổi Trẻ sang với chúng tôi: Lý Quý Chung, Trần Trọng Thức, Hoàng Thoại Châu, Huỳnh Dũng Nhân, Quang Đồng, Kim Phi, Phan Tùng. Tất cả các anh này đều yêu cầu tôi nhận thêm anh Hồng Đăng vừa rời nhiệm vụ trợ lý báo chí của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Anh em đề nghị như vậy có lẽ vì họ biết tôi có chỗ rất yếu về chính trị là không được lòng Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Tôi bảo họ ở đây đang thừa cán bộ chính trị, chỉ cần người giỏi nghề như các anh. Anh Lý Quý Chung bảo: “Hồng Đăng không phải chỉ là cán bộ chính trị mà cũng rất giỏi nghề. Chúng tôi cần có anh ấy”. Anh Hoàng Thoại Châu thuyết phục tôi gần một tiếng đồng hồ để tôi tin rằng Hồng Đăng tương lai sẽ là một “ngôi sao lãnh đạo báo chí cách mạng”. T ôi miễn cưỡng nhận Hồng Đăng vì chiều ý anh em. Tôi không lường được anh này rất có ý thức lợi dụng “gót chân Achille” của tôi là bị Nguyễn Văn Linh ghét và các anh giỏi nghề đều có vấn đề về lý lịch: Lý Quý Chung là Bộ trưởng Chính phủ Dương văn Minh, Trần Trọng Thức là sĩ quan, biên tập viên Việt Tấn xã, nhà thơ Hoàng Hưng đã bị tù 3 năm, họa sĩ Chóe vừa ra tù sau 10 năm…

Bằng sự từng trải nghề nghiệp, Lý Quý Chung nhận xét theo ngôn ngữ bóng đá: “Báo Lao Động là một đội hình đẹp như mơ”! Lý Quý Chung thiết kế tờ báo Lao Động Chủ Nhật với sự góp ý của Trần Trọng Thức. Trong buổi họp trước khi in báo, ông Nguyễn Văn Dòng giám đốc Nhà in chân thành góp ý: “Tờ báo ăn khách hay không chủ yếu là do nội dung, chứ không phải hình thức. Các anh chủ trương in 4 màu thì giá thành tờ báo rất cao, bán mắc, khó lòng được bạn đọc chấp nhận”. Trái lại, tất cả chúng tôi tin rằng với nội dung hấp dẫn, bạn đọc sẽ vui lòng bỏ thêm tiền để nó có hình thức đẹp, làm một bó hoa trao cho bạn đọc ngày chủ nhật.

Số báo thứ 8 ra ngày 11–3–1990 đưa tới bước ngoặt khi đăng bài “Xưởng nước hoa Thanh Hương tồn tại đến bao giờ?” nói về chuyện huy động vốn 19 tỉ đồng với lãi suất 14% trong khi sản xuất thu lãi chưa tới 2 triệu đồng/ tháng của Nguyễn Văn Mười Hai. Loạt bài về nước hoa Thanh Hương đã đưa số lượng in của tờ báo tăng vọt. Lao Động Chủ Nhật thắng lớn đưa tới quyết định xuất bản ba kỳ báo / tuần, cũng rất thành công. Cả ba kỳ báo đều phát hành ra sạp trên toàn quốc với số lượng cao nhất trong các báo Trung ương. Tôi từ chối ứng cử vào Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động, để đề cử người trẻ tuổi Hồng Đăng. Hồng Đăng đắc cử vào Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động với số phiếu rất cao. Cuối năm 1993, tôi nói với Hồng Đăng, mình rất yên tâm để nghỉ hưu vì đã có chú kế nhiệm.

Vẫn biết quyền lực làm tha hóa con người, nhưng ở trường hợp Hồng Đăng thì vừa “đỗ ông nghè đã đe hàng tổng.” Sau Đại hội Công đoàn toàn quốc khoảng hai tháng, tôi vào Sài Gòn thì hôm sau, bốn anh Lý Quý Chung, Trần Trọng Thức, Hoàng Thoại Châu, Nguyễn Hữu Tính yêu cầu gặp riêng. Mỗi người kể một số biểu hiện không hay của Hồng Đăng. Nói chung là hách dịch, độc đoán, không minh bạch trong thu, chi. Cuối buổi gặp, anh Lý Quý Chung lại đề nghị, khi góp ý với Tám Đăng xin anh giữ kín chuyện bốn anh em chúng tôi gặp anh hôm nay. Trong “Hồi ký Không tên”, khi nhắc lại chuyện đổ vỡ của tập thể chủ chốt báo Lao Động, anh Lý Quý Chung viết “tôi cho rằng trong cương vị tổng biên tập, anh Tống Văn Công thiếu sự quyết đoán và không kịp thời chận đứng những lệch lạc trong nội bộ, khiến cho con đường phát triển độc đáo của tờ báo – một tờ báo mang tính đột phá về nghề nghiệp ở thời điểm đó – bị khựng lại giữa lúc đầy hưng phấn”. Cái lỗi “không kịp thời chận đứng” của tôi có một phần từ yêu cầu “giữ kín” của anh!

Cuối năm 1993 tôi cao hứng làm một bài thơ và nộp bài cho nhà thơ Hoàng Hưng Trưởng ban Văn hóa – Văn nghệ, trước khi ra Hà Nội. Trong khi làm báo Xuân, Lý Quý Chung vẫn hay gọi điện cho tôi tán chuyện. “Tán” với nhau một lúc, tôi chợt hỏi, bài thơ của mình có được Hoàng Hưng duyệt cho vào báo Xuân không? Lý Quý Chung đáp có, nhưng không phải vào báo Xuân mà là báo Tết. Ngưng mấy giây, anh hỏi thêm, anh thấy sao? Tôi nói, được vô báo Tết cũng khoái, nhưng vô báo Xuân thì khoái hơn. Chung nói, thế à? Không ngờ sau đó anh đưa bài thơ vô báo Xuân. Trong cuộc họp cuối năm, Hồng Đăng đã gay gắt phê bình Lý Quý Chung là “vô tổ chức, vô kỷ luật, tùy tiện đưa bài thơ đã được người chủ biên xếp vào báo Tết chuyển qua báo Xuân mà không xin ý kiến”. Lý Quý Chung trả lời, anh thấy không cần xin ý kiến là vì: 1/ bài đã được duyệt, tức là nội dung không có vấn đề; 2/ bài không hề kém những bài đã được chọn cho trang thơ báo Xuân. Đến đây thì Hồng Đăng nổi nóng, dùng những từ ngữ mà Lý Quý Chung gọi là “xài xể”. Sở dĩ Lý Quý Chung quá bức xúc là vì trước đó một tuần có một việc xảy ra khi Hồng Đăng đi vắng, anh Chung trực tiếp báo cáo ra Hà Nội cho tôi. Biết chuyện này, Hồng Đăng đã to tiếng phê bình anh Chung ngay giữa sân cơ quan, “từ nay ông đừng làm việc với tôi mà cứ trực tiếp với Hà Nội”!

Tết năm 1994, từ Hà Nội tôi vừa về tới Sài Gòn thì các anh Lý Quý Chung, Trần Trọng Thức, Hoàng Thoại Châu, Nguyễn Hữu Tính yêu cầu gặp và đưa ra yêu cầu: Cả bốn người không thể cộng tác với Hồng Đăng, nếu tổng biên tập chọn Hồng Đăng thì ngay ngày mai cả bốn người xin thôi việc. Tôi gặp Hồng Đăng bàn cách hòa giải. Không ngờ vừa nghe nửa chừng, anh đứng lên nói to, “anh bảo cho bốn anh đó biết để họ yên tâm, ngay bây giờ, tôi thôi việc”! Nói xong, anh bước nhanh ra cửa. Tôi gọi giật lại, “Chú Tám, chú nên bình tỉnh cùng tôi hòa giải với anh em”. Hồng Đăng xua tay rồi đi nhanh không ngoái lại. Mồng 4 Tết, tôi phải ra Hà Nội để kịp dự cuộc họp do Ban Tư tưởng Văn hóa triệu tập. Hai hôm sau, khoảng 9 giờ tối, Hồng Đăng gọi điện thoại: “Anh ơi, tôi gọi để báo với anh một tin quá bất ngờ. Bên an ninh người ta phát hiện là ở cơ quan mình có một âm mưu chính trị diễn biến hòa bình nhằm vô hiệu hóa tôi, người mà họ cho là có vai trò ‘gác cổng chính trị’! Theo cơ quan an ninh thì người chủ mưu vụ này là Lý Quý Chung”. Tôi không thể ngờ Hồng Đăng có thể phản đòn bằng cách vu khống chính trị bẩn thỉu như vậy. Dù rất tức giận, nhưng tôi cũng cố ôn tồn: “Chú Tám à, mấy anh em này vốn là những người rất quý chú. Chú cũng là người nhiều năm qua có nhận xét rất tốt về họ khi làm việc với cơ quan an ninh. Nay dù họ bất mãn, có phản ứng quá đáng, nhưng chú là người lãnh đạo, trước hết nên tự xét mình và nên rộng lượng đối với anh em, không nên đánh lại anh em bằng đòn chính trị! Tôi không thể đồng tình với chú trong chuyện này”. Hồng Đăng đáp: “Anh ơi, tại sao anh lại nói như vậy, tôi xin nhắc lại, đây là phát hiện của cơ quan an ninh. Tôi vừa mới biết đã vội báo ngay cho anh”. Tôi nói, chúng ta dừng câu chuyện ở đây để hai anh em mình cùng suy nghĩ, sau 30 phút tôi sẽ gọi lại chú. Sau này tôi mới biết, ngay hôm tuyên bố bỏ việc về nhà, Tám Đăng gọi hai anh cán bộ báo Quân Đội Nhân Dân ở bộ phận phía Nam đã nhiều năm làm công việc chữa morat cho tờ Lao Động Chủ Nhật, bàn cách tố giác “âm mưu chính trị” tới Cục 2 (từ năm 1995 là Tổng cục 2) và ông Lê Khả Phiêu, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và ông Nguyễn Văn Linh cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng. Từ đó đưa tới cuộc họp của Bộ Chính trị do Tổng bí thư Đỗ Mười chủ trì, đưa ra kết luận 4 điểm: “1– Đội ngũ báo Lao Động do Tống Văn Công tập hợp không đảm bảo an ninh chính trị. 2– Từ ngày Tống Văn Công làm tổng biên tập có nhiều loạt bài làm Bộ Chính trị không yên tâm. 3– Báo Lao Động là cơ quan ngôn luận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại sao Tống Văn Công đặt phòng thư ký tòa soạn ở Sài Gòn? 4– Hiện nay có tố giác đang xảy ra âm mưu diễn biến hòa bình.

Dừng nói với Hồng Đăng, tôi gọi điện thoại cho anh Khổng Minh Dụ, Cục phó A 25. Gia đình cho biết anh Dụ còn ở cơ quan. Tôi gọi lên cơ quan. Sau khi nghe tôi kể, anh nói, giờ này tôi còn ở cơ quan là để giải quyết những chuyện chính trị, nhưng không phải của báo Lao Động. Ở báo Lao Động chỉ là mất đoàn kết nội bộ, chứ chả có chính trị chính em gì cả. Nghe vậy tôi có phần yên tâm, nhưng lại nghĩ, Hồng Đăng có thể đã đánh động tới Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Nguyễn Văn Tư, tôi liền đến nhà ông. Ông Tư mở cửa, dưới ánh điện, mặt ông đỏ rực vẻ hết sức căng thẳng nói, tôi định gọi anh thì may quá, anh đã tới. Tôi hỏi lại, chú Tám Đăng vừa gọi cho anh phải không? Anh yên tâm, anh Khổng Minh Dụ cục A 25 vừa cho tôi biết, ở báo Lao Động chỉ là mất đoàn kết, chẳng có vấn đề chính trị chính em gì cả. Ông Tư lắc đầu, không phải từ A 25! Đây là Cục 2 tình báo quân đội, họ đã báo cáo với Bộ chính trị! Anh gọi điện ngay cho Hồng Đăng để tôi nói chuyện. Tôi quay điện thoại trên bàn ông Tư. Vợ Hồng Đăng trả lời, anh Công à, anh Tám đi vắng, sáng mai anh hẵng gọi nha. Tôi bảo, cô đi tìm chú Tám ngay, bảo anh Tư cần nói chuyện. Nghe vậy vợ Hồng Đăng vội vã gọi to, anh Tám ơi, dậy, dậy nói chuyện với anh Tư. Thì ra, sau khi bắn mũi tên “chính trị”, chú ta đi ngủ, không cần nói gì với tôi nữa. Ông Tư chỉ nói một câu: Sáng mai chú phải đến cơ quan, ngày kia, tôi với anh Công sẽ vào. Ông Tư họp cơ quan miền Nam báo Lao Động, cho biết ông đã nhận được nhiều dấu hiệu mất đoàn kết trong anh em, nên muốn được nghe ý kiến từng người. Sau hai tuần, nghe ý kiến tất cả anh em, ông Tư họp cơ quan nói rõ nhận xét của mình: Không có âm mưu chính trị nào cả mà chỉ do mất đoàn kết nội bộ. Nguyên nhân là do anh Tống văn Công quá tin tưởng, giao quyền cho anh Hồng Đăng rộng quá mà thiếu sự kiểm soát. Anh Hồng Đăng lạm quyền, độc đoán, không tôn trọng anh em, hoạt động kinh doanh ngoài tờ báo không minh bạch. Từ ngày mai, anh Công phân công lại tòa soạn, sau đó từng thành viên trong ban biên tập phải tự kiểm điểm trách nhiệm của mình về tình trạng mất đoàn kết nghiêm trọng hiện nay.

Tôi nói với Hồng Đăng, vì mấy anh em ở ban thư ký tòa soạn không chịu cộng tác với chú, nên tạm thời chú làm việc ở vòng ngoài, bao giờ hòa giải với nhau xong tôi sẽ đưa chú trở lại vị trí cũ. Tám Đăng phản ứng rất ngớ ngẩn, anh ạ, tôi xin nhắc anh, chức vụ của tôi là do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bổ nhiệm đấy. Tôi bảo, chức vụ của chú là do tôi đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động bổ nhiệm, phó tổng biên tập là người giúp việc cho tổng biên tập, có đúng thế không? Hồng Đăng cười gượng. Nhưng sau đó, anh ta tiếp tục xui giục một số người thân cận gây rối. Loan truyền tin tức về Cố vấn Nguyễn Văn Linh đang rất quan tâm đến người trợ lý cũ của mình bị vô hiệu hóa. Ngấm ngầm vận động anh em ký tên vào bản kiến nghị gửi lên Trung ương Đảng yêu cầu khôi phục vai trò người “gác cổng chính trị” ở báo Lao Động. Phan Tùng trưởng ban Quốc tế (nhân vật mà trước đó 2 năm nhà văn Bùi Việt Sĩ cho là có nhân tướng phản phúc) viết lá thư hướng dẫn cô Thanh Vân nhân viên ban thư ký tòa soạn cách gài bẫy Tổng thư ký Tòa soạn Lý Quý Chung bằng bản tin về vụ Thiên An Môn. Cô Thanh Vân xem thư xong đã xé nhỏ ném vào sọt rác. Anh Trần Thức (nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Huế, lúc đó làm công việc sửa morat) nhìn thấy, đã moi từng mảnh nhỏ của lá thư, dán lại trên trang giấy, nộp cho Tổng biên tập. Tôi gọi Phan Tùng, đưa lá thư bị xé đã được dán lại, yêu cầu anh viết bản tự kiểm điểm nói rõ anh viết lá thư này nhằm mục đích gì. Phan Tùng không tự kiểm điểm mà viết bản tường trình kể rằng mình nhận nhiệm vụ do Đảng cấp trên giao nhằm phát hiện bọn âm mưu diễn biến hòa bình trong tờ báo. Tôi bảo, Phan Tùng ghi rõ tên người thay mặt Đảng cấp trên chỉ đạo anh làm việc này, tôi sẽ xem anh là người có công làm nhiệm vụ đặc biệt cho Đảng, tuy có sơ suất. Nếu anh không nói được tên người chỉ đạo thì ngay ngày mai tôi mời họp chi bộ đuổi anh ra khỏi Đảng, sau đó cho anh hưởng ba tháng lương để đi tìm việc nơi khác. Phan Tùng không thể tin rằng tôi là một kẻ có tên trong sổ đen vì âm mưu diễn biến hòa bình, lại có thể đuổi ra khỏi “Đảng quang vinh” một người có lý lịch như anh ta: Nguyên chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, con rể ông Phan Văn Dỉnh Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, cánh tay phải của nguyên trợ lý báo chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh! Phan Tùng nộp bản tường trình mới khẳng định: “không thể công khai tên của đồng chí cấp trên, vì đó là nguyên tắc của Đảng”. Tôi họp đảng bộ báo Lao Động cả miền Bắc và miền Nam, chỉ trừ 3 phiếu của Phan Tùng, Tám Đăng, Tư Hạnh (vợ Tám Đăng), còn lại đều biểu quyết khai trừ Phan Tùng ra khỏi Đảng. Sau đó, Phan Tùng xin về Liên hiệp Hợp tác xã thành phố Hồ Chí Minh.

Đoàn kiểm tra của Ủy ban kiểm tra thuộc Tổng Liên đoàn Lao động kết luận các hoạt động kinh tế ở cơ quan báo Lao động thường trú Miền Nam do Hồng Đăng trực tiếp điều hành có 5 sai phạm nghiêm trọng: Mua bán đất Cầu Tre vi phạm luật đất đai; mua bán ở phòng kinh doanh và thu chi tiền quảng cáo không minh bạch. Đảng bộ báo Lao Động quyết định khai trừ Hồng Đăng ra khỏi Đảng và được Đảng ủy cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chấp nhận. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động quyết định cách chức phó tổng biên tập và buộc thôi việc đối với Hồng Đăng. Suốt hai tháng thực hiện việc “kiểm điểm”, số đông anh em, nhất là các cán bộ chủ chốt của tờ báo quan tâm cách xử lý đối với tôi. Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động biết điều đó nên đã luôn trấn an là “anh Công sẽ còn tiếp tục làm việc” và tổ chức thăm dò xem những ai sẽ nghỉ việc nếu tôi bị buộc phải nghỉ hưu. Ngày 9 tháng 10 năm 1994, anh Nguyễn Hữu Tính trưởng cơ quan miền Nam báo Lao Động có thư báo cáo Tổng Liên đoàn Lao động là đã có 19 người gặp anh “bày tỏ sẽ nghỉ việc ngay”. Trong đó có Lý Quý Chung tổng thư ký tòa soạn, Trần Trọng Thức trưởng ban kinh tế, Hoàng Thoại Châu (bút danh Ba Thợ Tiện), họa sĩ Chóe, Lê Xuân Tiến trưởng ban thể thao, Đinh Quang Hùng trưởng ban in ấn và phát hành báo, Lưu Trọng Văn cây bút phóng sự điều tra sắc bén. Từ danh sách này bà Hoàng Thị Khánh phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động chọn mời 4 người mà bà cho là quan trọng nhất đối với chất lượng tờ báo là Lý Quý Chung, Trần Trọng Thức, Chóe, Ba Thợ Tiện để “công tác tư tưởng”. Bà nói tờ báo không phải của riêng anh Tống Văn Công mà nó là của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn.

Tổng Liên đoàn Lao động vừa muốn bảo vệ tôi để giữ được những nhà báo giỏi, vừa muốn chứng tỏ đã tôn trọng các kết luận của Bộ chính trị. Phương án giải quyết được chọn là: Tôi không còn là tổng biên tập mà là “cố vấn” hoặc “phó tổng biên tập”, nhưng vẫn là người thực sự điều hành tờ báo y như trước. Các nhà báo có vai trò chủ chốt đứng đầu là Lý Quý Chung không chịu như vậy. Lý Quý Chung nói: “Chỉ thêm chữ Q. trước ba chữ tổng biên tập tôi cũng thôi việc, chứ chưa cần hạ xuống phó tổng biên tập” (thêm chữ Q. tức là “quyền tổng biên tập”).

Ngày tôi nhận quyết định nghỉ hưu, cầm vé máy bay để hôm sau về Sài Gòn, thì bất ngờ có giáo sư Nguyễn Lân Dũng đến thăm. Tôi phân trần, mình lu bu quá nên không báo cho Nguyễn Lân Dũng biết chuyện mình nghỉ hưu và về Sài Gòn. Nguyễn Lân Dũng trố mắt ngạc nhiên hỏi “vì sao”? Tôi nói, mình phải chịu trách nhiệm về nội bộ lục đục và bị tố cáo có âm mưu “diễn biến hòa bình”. Lân Dũng bảo, anh nào tố cáo bậy bạ vậy? Anh không quen với một ông Bộ Chính trị nào hay sao? Tôi nói, mình quen ít nhứt ba bốn ông chứ, nhưng để làm gì? Chẳng lẽ chạy đến xin được giúp đỡ? Dũng hỏi, anh Phạm Thế Duyệt có biết chuyện này không? Không chờ tôi trả lời, Nguyễn Lân Dũng quay chiếc điện thoại trên bàn tổng biên tập. “Thưa anh Duyệt, tôi Nguyễn Lân Dũng đây! Tôi đang ở chỗ anh Công. Tại sao anh Công nói ngày mai anh ấy về Sài Gòn, không ra nữa, anh đã biết chuyện này chưa ạ? Vâng, vâng, anh Công đang ở đây, anh Duyệt muốn nói với anh”. Tôi bước lại cầm ống nghe. Anh Duyệt hỏi, hai giờ chiều nay anh Công đến nhà mình được không? Tôi nghĩ, đến từ giã người đã đưa mình ra Hà Nội là phải lẽ. Khi anh Phạm Thế Duyệt từ chỗ là chủ tịch công đoàn mỏ Mạo Khê, do “cơ cấu” đã vọt lên làm phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động, tôi đang kiêm nhiệm phó tổng biên tập báo Lao Động phụ trách miền Nam. Tôi đã đưa anh đi thăm các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên gần một tháng do đó đã nảy nở một tình thân. Dù là cấp trên, nhưng anh kém tôi bốn tuổi, tham gia cách mạng và vào Đảng đều sau tôi gần mười năm cho nên tôi cũng được anh nể trọng. Khi tôi bị Thành ủy Sài Gòn cách chức, anh đã vào xin Thành ủy cho chuyển tôi về cơ quan miền Nam của báo Lao Động.

Anh Phạm Thế Duyệt ra tận cổng đón tôi vào. Từ ngày anh rời Tổng Liên đoàn Lao động, làm bí thư Thành ủy Hà Nội cho đến nay tôi mới tới nhà anh. Chỉ có hai anh em trong phòng khách, nhưng anh hạ giọng thầm thì: Bộ chính trị có một phiên họp đặc biệt về báo Lao Động. Tống Văn Công bị kết luận bốn “vấn đề”: Một là anh tổ chức nhân sự báo Lao Động làm cho cơ quan an ninh không yên tâm; hai là từ ngày anh làm tổng biên tập có nhiều loạt bài khiến Bộ chính trị lo lắng; ba là báo Lao Động, cơ quan ngôn luận cấp Trung ương, theo nguyên tắc phải ở Hà Nội mà anh tự tiện để tòa soạn ở thành phố Hồ Chí Minh; bốn là anh có trách nhiệm trong việc để xảy ra lục đục trong cơ quan và bị tố cáo có âm mưu diễn biến hòa bình. Bộ chính trị kết luận, anh và một số anh ở báo Lao Động không đảm bảo tiêu chuẩn chính trị để tiếp tục làm báo trong giai đoạn này.

Nếu không có Nguyễn Lân Dũng đưa đến cuộc gặp Phạm Thế Duyệt thì tôi cứ nghĩ mình “về vườn” vì chuyện lục đục nội bộ! Chỉ cần một tội là để “lục đục nội bộ” cũng đủ cho tôi về vườn rồi, do đó Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động không công khai ba tội kia vì nó quá “nhạy cảm chính trị”. Về tội thứ nhất: Người ta muốn nói về hai người có vị trí trong làng báo thời Việt Nam Cộng hòa là Lý Quý Chung (Bộ trưởng Thông tin Chiêu hồi trong chính phủ Dương Văn Minh), Trần Trọng Thức cán bộ Việt tấn xã. Họa sĩ Chóe bị tù do vẽ bức biếm họa ông Lê Đức Thọ chìa răng hô (vẫu) xé toẹt Hiệp nghị Paris. Nhà thơ Hoàng Hưng đi tù vì giữ tập thơ “Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm. Cả hai anh này vừa ra tù, tôi đã mời về báo Lao Động. Về tội thứ 2, trong một tháng báo Lao Động có 4 bài phê bình 4 Bộ trưởng của Chính phủ (Bộ trưởng y tế Phạm Song, Bộ trưởng Bộ Năng Lượng Vũ Ngọc Hải, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp Phan Xuân Đợt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm). Về tội thứ 3, thì phải nói tôi không hề vụng trộm đặt tòa soạn ở Sài Gòn. Người có trách nhiệm cao nhất của Đảng về tuyên huấn, báo chí là ông Nguyễn Đức Bình đã nhiều lần tới thăm Cơ quan miền Nam báo Lao Động ở 120 Nam Kỳ Khởi nghĩa, nghe tôi giới thiệu mạng thông tin kỹ thuật số (sớm nhất các báo Trung ương) đã làm cho văn phòng Hà Nội và văn phòng Sài Gòn như ngồi chung trong một gian phòng, có thể cùng thảo luận, tranh cãi với nhau. Tội thứ tư là có trách nhiệm của tôi đối với tình trạng nội bộ đấu đá nhau. Thực ra nguồn gốc của tình trạng này có nguyên nhân chủ yếu từ sự phân biệt đối xử của Đảng đối với những người từng làm việc trong chế độ cũ, dùng họ nhưng không bao giờ tin họ! Chị Kim Hạnh nguyên Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đã cảnh báo điều đó với tôi khi tôi nhận các anh Lý Quý Chung, Trần Trọng Thức về báo Lao Động.

Comments are closed.