Lê Huyền Ái Mỹ
Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn Đường 20 Quyết Thắng, Trọng điểm Cà Roòng – ATP.
Chẳng biết có phải vì con đường 20 Quyết Thắng bắt đầu từ Km 00 của thôn Phong Nha, bên bến sông Son mà suốt nửa chiều dài nằm trên địa phận Việt Nam (nửa còn lại bên nước bạn Lào) gần như thấm máu của những chàng trai, cô gái tuổi xuân son. Hay cái tuổi họ nằm xuống cũng vừa tròn 20 đã làm nên tên đường, như dòng sông cứ mãi son trẻ giữa rừng già, trong vắt mà chảy vào lòng Trường Sơn hùng vĩ.
Tôi bước theo ông – người lính già Trường Sơn xuống bến đò sông Son. Trưa, không một chiếc đò ngang. Núi xanh dựng đứng. Sông xanh phẳng lặng. Ông ngước lên rồi lại cúi mặt, soi vào lòng sông như thể muốn tìm lại đồng đội vẫn còn khuất lặng đâu đó. Cái động tác ấy cũng lặp lại, khi ông đứng từ cầu Trạ Ang mà nhìn xuống con suối máu – ông gọi vậy, cúi người nhìn dòng nước cạn giữa rừng, như tìm trong đá trong cây những linh hồn mãi mãi tuổi 20.
Đúng vào ngày kỷ niệm 65 năm đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại, tôi được đi giữa lòng Trường Sơn, chạm lên lá lên đá nơi cột mốc biên cương 543, đứng từ đây mà nhìn về ngầm Ta Lê, đèo Pu La Nhích – 2 ký tự trong tọa độ máu ATP gắn liền với cung đường lửa Cà Roòng – 20 Quyết Thắng.
Có phải máu và thân xác của một thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn” đã thấm xuống đất này mà rừng cứ xanh thẳm, cái xanh của thanh xuân, của sự sống đã nhường cho sự sống. Đêm, từ trên ban thờ của Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn Đường 20 Quyết Thắng, Trọng điểm Cà Roòng – ATP, dưới những ánh đèn vàng hắt ngược, tôi nhìn thấy trùng trùng những ánh mắt xanh từ trong rừng sâu, suối thẳm đang về, hội quân. Tiếng con chim Patong như gõ nhịp vào vách đền… cà ruồng cà tiệc (nghĩa là nước – đất)… Là tiếng chim hay lời của đoàn quân “sát thát” năm nào.
Từ sân bay Đồng Hới lên Cà Roòng chỉ chừng hơn 2 tiếng, đường đẹp, cả một thảm thực vật chào đón và ôm ấp bạn. Trong ngày, bạn có thể thăm viếng đền Hang Tám Cô, đền Y tá rồi lên đỉnh Cà Roòng linh thiêng, đi – về đều trên cung Đường 20 – Quyết Thắng, tùy bạn muốn rẽ nhánh từ bến sông Son Km 00 hay đi thẳng vô thành phố.
Bến sông Son.
Chúng tôi được ké theo “đặc ân” của người lính già Trường Sơn, mà nói đúng hơn, 20 năm đi tìm đồng đội, quy tập, xây đền, cất cầu làm đường nơi vùng biên đã cho ông chút ân hưởng từ chính đất, rừng và người biên cương. Đồn Biên phòng Cồn Roàng, Cà Roòng đón ông như đón người cha, người chú đi công tác lâu ngày trở về. Ngày, cơm 3 bữa, rau rừng, chuối rừng, trứng chiên lá mơ, lợn bản (là bộ đội mua lại của dân bản). Tối đến, ông ngủ ở phòng Chính trị viên, chúng tôi được ưu tiên ở “nhà khách” – cũng là do ông vận động để cất.
Buồn cười, mạnh thường quân hào phóng trang bị luôn máy lạnh, máy nước nóng nhưng Cà Roòng chưa có điện, chạy máy nổ bằng xăng nên ưu tiên nguồn điện cho công tác, phục vụ dân bản nên lần đầu tiên trong đời, ngủ “tênh hênh” không cửa đóng then cài là thế!
Chưa kể đang tắm thì vòi tắt, may nhờ có xô nước để dành, quý hơn vàng!
Đêm trăng trên Đền Cà Roòng.
Trưa nay nhà có tiệc, là trưa thay vì chiều tối sẽ hụt nguồn điện. Kỷ niệm 65 năm nên khách còn có cả chỉ huy đồn, lính biên phòng phía bạn Lào. Mà cũng chẳng còn ai khách ai chủ khi 1/2 tuyến đường 125km nằm ở phía nước bạn. Chúng tôi cụng ly nhau, anh chỉ huy người Lào nói cả tràng nhưng tôi chỉ nghe được 2 chữ “tình cảm”, ok, zô, chỉ cần chừng ấy thôi là đã quá đủ…
Nhạc cất lên, một chàng trai trẻ cầm mic, chàng chỉ huy phó Đồn Cà Roòng Đặng Văn Long nói nhỏ với tôi, đó là đứa trẻ được lính biên phòng tụi em cứu trước khi bị chôn sống theo mẹ, nay cậu 24 tuổi, làm nghề giáo, trở về dạy lại cho trẻ con trong bản.
Bản Tuộc.
Qua cầu vai xanh ngắt của thiếu tá Long, tôi kịp nhìn thấy khuôn mặt rạng rỡ giữa những đồng nghiệp giáo viên. Người thầy ấy không chỉ mang con chữ đến cho trẻ con dân bản, nó là minh chứng cho sự đẩy lùi cái hủ tục kia, chẳng có con ma nào bắt người sống cả.
Tiệc vẫn còn, nhóm chúng tôi kéo nhau xuống bản, là bản 61 ngay sát đồn biên phòng, rồi qua bản Tuộc của người Ma Coong, bản Troi. Đường tráng nhựa tới sát chân nhà sàn. Bản nào cũng đông trẻ con, thiếu tá Long cười nói nhỏ, chưa có điện nên tối đến dân bản đâu biết giải trí gì đâu chị…
Những đứa trẻ ở Trường Sơn.
Thanh niên, trẻ con thấy có khách, túa ra trước nhà, chào đón bằng… mắt. Chỉ duy nhất thiếu tá Long, anh như người nhà của họ. Hôm nay không đi làm gì à? – Mới đi lấy mật về. Nhà hôm nay làm gì mà đông thế? – Có khách… Tranh thủ dọn sạch phân bò đi nhé, ai lại để thế kia – Vâng…
20 năm là lính biên phòng nên có lẽ cái màu xanh của rừng, của những linh hồn 20 tuổi ở bến sông Son cứ hiển hiện, nó khúc xạ lên những ánh mắt trong veo của thiếu tá Long ở đồn Cà Roòng, trung tá Hòa – chỉ huy trưởng, thiếu tá Thành ở đồn Cồn Roàng. Hướng tầm mắt về Trường Sơn, các anh nói, rừng lại tiếp tục nuôi mình đó chị, vừa qua tỉnh bán tín chỉ carbon nên bà con dân bản được thụ hưởng. Nhà nước giao rừng cho dân giữ, đổi lại dân được lãnh tiền từ tín chỉ carbon từ rừng.
Người dân trong bản.
Hôm đứng ở cột mốc 543, nhìn 3 bộ quân phục màu xanh đang từ biên giới Lào đi ngược về, rồi họ đốt nén nhang, đứng chờ cho đến khi cả bó nhang tàn. Một là lính Trường Sơn nay đi xây đền cho đồng đội có nơi nương náu; một là lính từ chiến trường Tây Nam, nay về làm ông Từ canh gác đền cho đồng đội; một là sĩ quan biên phòng, nơi vùng biên này, dân quân là một nhà, họ chính là cột mốc sống giữ gìn chủ quyền biên địa.
Cái màu xanh ấy như xuyên cả không gian, thời gian; nó pha trộn cả ký ức huyền thoại và thực thể sống hôm nay mà từ đó, di sản của dân tộc này đã được tạo lập và tiếp biến…