ĐI VỀ NƠI HOANG DÃ (KỲ 3)

Tiểu thuyết

Nhật Tuấn

Năm

Một sự lạ xảy ra trong cái nếp sinh hoạt thường ngày vốn dĩ quay đều như kim đồng hồ: hôm nay ông trưởng toán cho chúng tôi được nghỉ. Thằng hộ pháp sướng quá nhẩy cẫng lên cười hềnh hệch:

“Tại cái vách đá đấy. Ông toán trưởng hướng địa bàn thế nào đâm mẹ nó vào chỗ đó đào sao được thành đường. Phen này cánh mình tha hồ ngồi chơi sơi nước”.

Thằng học giả tỏ ra hiểu biết:

“Mày đừng trách oan ông toán trưởng, ông ấy lấy hướng địa bàn không sai đâu. Lỗi tại mấy ông trên Ban chỉ huy, cứ ngồi bàn giấy vạch đường trên bản đồ rồi bắt con người ta lần ra bằng được. Ngờ đâu bản đồ đi một đằng, thực địa nó lại khác. Ở các nước văn minh người ta thăm dò khảo sát bằng máy bay, cứ ngồi trong phòng kín, bấm nút truyền số liệu về trung tâm thôi, chả cái xứ nào phải mò mẫm bằng con dao phát rừng như tụi mình”.

Tôi chợt nhớ những điều ông toán trưởng hứa hẹn vơi tôi, ông bảo nước mình cũng đã cử người sang các nước bạn học nghề khảo sát bằng hàng không, tôi cứ cố gắng lên, dăm năm nữa ông sẽ đề nghị Ban chỉ huy cử tôi đi học. Thôi thôi, tôi xin nhường lại cái viên kẹo ngọt đó cho thằng học giả, tôi bảo nó:

“Ở nước ta khối người được đi nước ngoài học cái đó rồi. Có văn hóa như mày, phấn đấu lên, mai mốt nhất định sẽ được đi…”

Nó phá ra cười:

“Mày nói như ông toán trưởng ấy. Thành phần cơ bản như thằng hộ pháp nhà quê kia còn chưa đến lượt, huống hồ tao con nhà tư bản”.

Giọng nó vừa chua chát vừa ngậm ngùi pha chút bất cần đời, nhưng tôi hiểu nó chẳng buông trôi cuộc sống theo kiểu “bấc đến đâu, dầu đến đấy” như nó vẫn nói. Nó còn ham hố nhiều thứ lắm, bởi thế nó mới ngốn sách như vậy chứ. Nếu không, nó đã sống hồn nhiên cây cỏ như thằng hộ pháp. Thế còn tôi? Mọi ngày đi làm, sống ào ào theo công việc, chẳng có thời gian, hơi sức đâu mà ngẫm nghĩ, vậy nhưng chiều nay sau một ngày nghỉ ngơi đột xuất, nằm dài trên võng ngước nhìn làn mây trắng hờ hững trôi trên trời xanh, bỗng dưng tôi cảm thấy thấp thỏm một nỗi niềm vu vơ nào đó. Tôi ra đời dưới một ngôi sao “quả tạ” chẳng thế mà ngay trước khi tôi cất tiếng khóc chào đời, bố tôi đã bỏ mẹ tôi đi biệt đâu đó chẳng ai biết để bà uất ức, ốm hậu sản mà chết khi tôi còn chưa dứt sữa mẹ. Tuổi thơ tôi trôi qua trong bốn bức tường cao của trại cô nhi, khi khôn lớn, tôi được chuyển qua trại thanh niên vừa học vừa làm.

Trong cái đầu bã đậu của tôi chẳng lưu giữ một hình ảnh nào của cái người đời gọi là tình mẫu tử, mái ấm gia đình, có chăng chỉ là hình ảnh một đứa bé lấm lét như một con vật tội tội xung quanh những người đi xem vườn thú vào những ngày chủ nhật. Thế nhưng dù có là con vật đi nữa thì cái sức sống của nó cũng dai dẳng chẳng kém gì con người, nhiều khi tôi cũng thấy lạ, chẳng hiểu sao tôi sống sót được cho đến tận bây giờ? “Tại mày quá khổ rồi nên không còn biết thế nào là khổ nữa”, thằng học giả giải thích như thế, nó còn bảo tôi đã sinh ra và lớn lên “dưới cấp con người”, rồi như nó sợ tôi tự ái, nó gộp luôn cả nó, cả thằng hộ pháp, cả ông toán trưởng nữa cũng đang sống “dưới cấp con người “ như thế. Tuy nhiên, những lời dài dòng của con mọt sách ấy chỉ thoảng qua tai, chẳng chui vào đầu tôi được chút nào. Tôi cần quái gì ba thứ lý lẽ đó, và suy cho cùng ngoài nửa kí gạo hàng ngày đổ vào cái dạ dày cho nó co bóp, tôi chẳng còn cần cái gì hết. Và ngay cả sự nghĩ ngợi gây nên bởi cái màu xanh vời vợi của bầu trời trên đầu tôi kia, xem ra cũng chẳng là cái gì, quẳng béng nó đi và ngủ.

Thằng học giả đánh thức tôi dậy vào lúc tối đã lâu lắm. Nó lôi tay tôi chỉ lên trời:

“Dậy, dậy… mày có thấy cái gì kia không?”

Tôi ngáp, bảo nó rằng tôi chẳng thấy cái gì và dù có cái gì cũng chẳng dính dáng đến tôi, đi chỗ khác chơi cho tôi ngủ.

“Thằng ma tịt, dậy đi, trăng sáng thế kia mà ngủ như lợn tao tưởng mày cũng còn một quả tim chứ?”

Cái thằng trí thức xó rừng này rõ rách việc, dẫu sao nó cũng làm tôi buồn cười, chợt nhớ quả tim lợn ngày trước nó thưởng cho tôi. Quả thực đêm nay trăng sáng quá, tròn vành vạnh treo mãi trên cao, tỏa xuống núi rừng một thứ ánh sáng lạnh lạnh. Tôi theo chân thằng học giả lần theo vệt mòn lên cao lên cao mãi.

Và rồi trước mắt tất cả đã nằm hết ở bên dướí kia: những chỏm núi nhọn với những bóng cây đen sì, những cánh rừng tranh nhấp nhô trải xa mênh mông, những ngọn đồi bát úp bên những khe sâu đen thẫm. Trăng tròn và to quá khiến bầu trời như thấp hẳn xuống. Hoang vu và lạnh lẽo trườn đi theo ngọn gió tới khắp các thung sâu và các trảùng trống. Chao ôi, tưởng như cõi nhân gian đã bị xóa sạch sau một cơn hồng thủy và ở cái nơi đất trời tiếp giáp này chỉ có hai thằng chúng tôi thôi. Mỗi đứa ngồi trên một tảng đá, quay lưng lại nhau và ngợp đi trong ánh trăng trong vắt. Bỗng thằng học giả sờ tay vào người tôi thì thào:

“Mày còn đó không?”

“Tao đây, mày vẫn đấy chứ?”

“Không biết, tao không biết tao là tao hay là ai nữa thế?”

Tôi im lặng nhìn theo một vệt sao đổi ngôi kéo dài trên bầu trời, biến mất vào đâu đó. Nó biến đi đâu nhỉ?

“Này, mày ơi…”

“ Cái gì?

“Mày nói đi chứ, nói gì cũng được, nhưng mày phải nói đi.”

Tôi biết nói gì bây giờ? Chẳng có cái gì để nói trong lúc này, ngay cả ngẫm nghĩ cũng không, cứ ngồi thế này và ngồi thế này.

“Nói đi, mày nói đi…”

Vẻ vật nài, hoảng hốt của nó làm tôi đành phải nói:

“Tao vừa thấy một ông sao biến đi.”

“Vậy có một người vừa từ giã cõi trần…”

“Nó biến đi đâu? Chui vào vực thẳm hả?”

“Trong vũ trụ không có những vực thẳm nhưng có những lỗ đen.”

Thế rồi nó giảng giải chẳng cần biết tôi có hiểu hay không. Sự thực tôi chẳng nghe gì, kệ xác nó với các lỗ đen trên vũ trụ, tôi đang mải đuổi theo một ý nghĩ rất mơ hồ hình như mới nảy ra và tôi sợ rằng tôi đang mất nó.

Nó hỏi:

“Mày bảo trong con người có những lỗ đen như trong vũ trụ không?”

“Tao không biết”

“Tao cho rằng có đấy. Cái đó có thể gọi là những hố thẳm trong lòng người.”

Tôi vùng dậy:

“Tao nghĩ ra rồi.”

“Gì thế? Cái gì thế?”

Nó cũng đứng bật dậy, hoảng hốt. Tôi nhìn gương mặt trắng bệch của nó, cười nhếch mép:

“Tao với mày đốt rừng đi.”

Nó trợn mắt lên, lắp bắp:

“Cái gì? Mày nói cái gì?”

“Đốt rừng. Tao với mày đốt rừng chơi.”

Thằng học giả bỗng bật cười. Nó hùa ngay với tôi đi kiếm tre và lá khô. Tôi giằng lấy bao diêm run bần bật trong tay nó. Lát sau, tôi trèo lên tảng đá cao nhất, rồi xuôi theo chiều gió, tôi ném bó đuốc cháy đùng đùng vào đám cỏ tranh. Thoạt đầu ngọn lửa còn chới với lăm le muốn tắt, nhưng rồi gió thúc vào làm nó cuồn cuộn bốc lên, lem lém lan ra, lan ra mãi. Thế rồi chẳng mấy chốc, bên phía dưới kia ngay trước mắt tôi đã là cả một biển lửa với những ngọn sóng hò reo đuổi nhau chạy xa tít tắp, thắp sáng rực cả một vùng trời. Tôi ngây người thán phục cái hoành tráng của quang cảnh đang diễn ra, miệng tấm tắc:

“Đẹp thật, lửa cháy đẹp thật…”

Thằng học giả nhấc bổng tôi lên quay trôn Và reo hò:

“Ha ha, bạo chúa Nêrông đốt thành La Mã…”

Sáu

Ngay sáng hôm sau ông toán trưởng đã huýt còi tập họp:

“Đêm qua ai đốt rừng

Thằng học giả xua xua tay sau đít ra hiệu cho tôi lờ đi, nhưng không kịp, tôi đã giơ tay lên:

“Báo cáo, chính tôi”.

“Anh đốt làm gì? Phá hoại tài sản quốc gia hả?”

Thằng học giả nhanh nhảu:

“Báo cáo đồng chí đấy là sáng kiến phục vụ sản xuất đấy ạ. Mai mốt mình đi phóng tuyến đỡ phải phát cây, vừa tăng năng suất vừa tiết kiệm lao động”.

Ông toán trưởng quát lên:

“ Sáng kiến kiểu đó các anh giết tôi. Kiểm lâm họ biết được gô cổ cả lũ.”

Tôi cười thầm, ông dọa thế thôi. ông nội thằng kiểm lâm cũng chẳng mò được lên cái đỉnh núi chỉ có vết chân thú này, tôi hiểu cái việc đốt rừng này chả là cái gì, ông bực bội cái khác, giận cá chém thớt vậy thôi. Tất nhiên, với ông, mọi nơi buồn, vui, cáu giận đều xoay quanh chuyện công tác, ngoài cái đó ra, hình như ông chỉ còn mỗi việc ăn và ngủ. Đôi lúc, thằng học giả lại thì thào: “Tao đố mày thủ trưởn g đang nghĩ gì?” Tôi liếc nhìn ông lúc đó đang ngồi như một con cóc cụ nín rình đớp muỗi, ngay cả tấm bản đồ và cái địa bàn, những vật bất ly thân của ông đang đặt trước mặt, hình như cũng không phải thứ ông quan tâm. Bên trong cái vẻ ngoài băng lạnh kia, có trời biết được đang diễn ra những cảm nghĩ gì.

“Tao nghi lão này bị thiến quá, phải không có cặc mới sống được như lão”. Thằng học giả cứ khăng khăng như thế, nó bảo trên thế giới đã có cả một học thuyết về cái đó, và cứ theo lời nó giảng giải, mọi sự điên rồ của con người ta đều từ đó mà ra cả. Giả dụ như lão toán trưởng, mình ăùn miếng ngon lão cấm, thịt phải kho thật mặn, canh bỏ ít mì chính thôi, nửa đêm khó ngủ mò dậy đọc sách lão cấm, tán tỉnh rờ mó đàn bà, lão cũng cấm luôn, cứ sống đúng như lão thì chỉ có quanh năm khoác ba lô, suốt ngày nói chuyện công tác, mẹ kiếp, sống như vậy thì điên nặng quá rồi còn gì. Rồi nó khoe với tôi là vừa mới phát minh một biện pháp giáo dục tinh thần yên tâm công tác rất có hiệu quả mà chưa một thủ trưởng nào nghĩ ra. Tôi không nhịn được cười: “Chính mày mới điên. Mấy ông Ban chỉ huy nghiên cứu có mỗi chuyện đó còn chẳng nghĩ ra huống hồ cái thứ tốt đen như mày”.

Nó đắc chí: “Ấy thế mà có đấy. Tiết lộ riêng với mày thôi nhé. Muốn cánh ta yên tâm công tác, khỏi thắc mắc tiền đồ, hưởng thụ, tốt nhất mấy ông trên cứ cho… thiến béng tất cả đi…” Rồi nó làm một động tác làm tôi sởn gai ốc. “Ấy đấy cứ thế là ai cũng suốt ngày chỉ nghĩ đến nhiệm vụ sản xuất như ông toán trưởng cả thôi”. Tôi nhìn chằm chằm vào mặt nó: “Chính mày mới điên, cái thằng mọt sách kia”. Nó phá ra cười ha hả, cười rũ rượi đến ràn cả nước mắt khiến tôi phải nhòm vào mắt nó: “Mày khóc đấy hả? “ Nó trừng mắt, đạp vào người tôi: “Cút mẹ mày đi”. Tôi quay lưng, không thèm chấp cái thằng thần kinh, sách vở tệ hại thế đấy, cứ đi làm, ăn no ngủ kỹ như tôi, như thằng hộ pháp quanh năm chẳng nhét lấy một hạt chữ vào bụng thì đâu đến nỗi dở người như thế.

Tuy nhiên những lời lẽ điên rồ của thằng học giả không phải là không gây cho tôi một ngờ vực nào đó. Dĩ nhiên ông toán trưởng không thể bị “thiến” được, bằng cớ là ông đã có một vợ ở quê xa lại làm có con với một bà trưởng phòng. Vậy nguyên cớ gì ông sống ép xác như một bộ xương khô thế? Tôi không tin đó là sự hy sinh quên mình vì lý tưởng. Còn một căn nguyên nào đó mờ mịt lắm mà bộ não vốn lười nhác của tôi không quen soi sáng những cái trừu tượng. Thôi kệ ông sống theo cách của ông, còn tôi có kiểu của tôi dẫu rằng tất cả mọi người trong toán thăm dò khảo sát đường này đều luôn được nhắc nhở chung một điều rằng phải thường xuyên sống vì người khác và luôn diệt trừ kẻ thù ở bên trong chính mình: Chủ nghĩa cá nhân trong mỗi chúng ta.

Ngay tối hôm đó, tôi đã biết ông toán trưởng bực mình chuyện gì rồi. Sau khi hí húi mãi với cái máy vô tuyến điện ở trong góc hang, ông lại họp chúng tôi, mặt đầy đau khổ, ông nói:

“Mấy hôm nay các đồng chí đã biết cả rồi, tuyến đường ta đang thăm dò húc phải vách đá rất dầy. Tôi đã điện về ban chỉ huy xin bỏ phương án này, cho thăm dò hướng khác vì vài tuyến vạch trên bản đồ có thể sai, không đúng với thực địa. Tối nay Ban chỉ huy đã điện trả lời: cấp trên đã nghiên cứu rồi, không thể có chuyện sai, chúng ta phải thăm dò cho hết tuyến đường”.

Tôi đá chân thằng hộ pháp cho nó thôi cười nhăn nhở với thằng cấp dưỡng, chú ý nghe ông toán trưởng. Với hai thằng đó, chuyện có vách đá hay không, cấp trên đã vạch đường đúng hay sai chả có gì quan trọng đó là việc mấy ông trên, thực ra, cả tôi cũng thế, cũng mặc kệ các ông như thằng hộ pháp và thằng cấp dưỡng thôi. Lúc bắt đầu thăm dò tuyến đường, các ông bảo nó rất quan trọng, nó là con đường huyết mạch để phát triển miền núi tương lai, tôi cũng chấp nhận là nó rất quan trọng, giờ nếu mấy ông bảo thôi bỏ đi, nó chẳng có vai trò gì trong việc nối liền miền xuôi với miền ngược thì tôi cũng rất vui lòng mà đồng ý vậy thôi, “gái góa lo chi chuyện triều đình”. Tuy nhiên lại vẫn chỉ có thằng học giả là hay “rắc rối cuộc đời”, ông toán trưởng nói xong, tôi vừa nhổm dậy định lên võng đánh một giấc thì nó ngăn lại, giơ tay phát biểu:

“Tôi xin hỏi đồng chí toán trưởng, tại sao tuyến thăm dò đã húc vào khu vực vách đá dài như thế mà vẫn bắt anh em làm tiếp một cách mù quáng vậy?”

Ông toán trưởng sa sầm mặt:

“Anh phát biểu vô tổ chức. Anh dám nói cấp trên là mù quáng hả? Anh quên mất phải tin tưởng tuyệt đốâi ở Ban chỉ huy hả? Anh đứng trên lập trường giai cấp nào dám phát biểu vô tổ chức, vô kỷ luật thế?…”. Ôi thôi, cứ cái đà này ông xổ ra, không khéo thằng học giả bị quy vào tội phản động, thành phần tư sản chui luồn vào giai cấp công nhân để phá hoại. May cho nó, ông toán trưởng bất ngờ lên một cơn ho dữ dội, ông vốn mắc bệnh hen kinh niên, cứ lúc giở giời hoặc hăng lên phát biểu, tiêu phí quá đi phần hơi ông có thể hít vào, lập tức ông lên cơn ôm ngực nấc nấc thật khổ sở. Thằng học giả cũng có vẻ cáu lắm, mặt nó hầm hầm chờ ông toán trưởng vượt qua được cơn hen nó sẽ nổ lại ông chắc không kém gì lúc ông mang ngôn từ ra bắn giết nó. Thôi tôi đành phải dàn hòa, nếu không, cuộc họp kéo dài đến nửa đêm cũng không xong. Tôi nói:

“Đồng chí toán trưởng phát biểu rất đúng, chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng cấp trên, thực địa có thể khác với bản thiết kế con đường, nhưng Ban chỉ huy thì không bao giờ sai. Còn ý kiến anh Hiếu (tên cúng cơm của thằng học giả) cũng có cái lý của nó. Anh lo con đường sau này không thi công nổi, như the álà rất có tinh thần làm chủ. Tuy nhiên chắc chắn cấp trên đã lo cả rồi, mai mốt ta dùng bom nguyên tử, một vách đá chứ cả mười quả núi đá chúng ta cũng phá tan được hết.”

Thằng hộ pháp sướng quá vỗ tay:

“Hoan hô, nhất trí với cấp trên”.

Thằng học giả cũng phì cười, bao nhiêu tức giận xì ra hết. Riêng ông toán trưởng, tâm tư lúc này dồn hết vào việc cắt cơn hen, hơi sức đâu bới chuyện, cuộc họp thế là vui vẻ giải tán.

Sáng hôm sau, tôi yên chí được nghỉ thêm một ngày nữa vì ông toán trưởng tối qua lên cơn hen thế, bò dậy sao được. Vậy mà không, mới mờ đất tiếng còi của ông đã lại rúc lên, tàn nhẫn đánh vào hy vọng nghỉ ngơi của bọn tôi. Thằng học giả nằm trên võng, thò đầu ra càu nhàu:

“Cái lão này, người lão đúc bằng bêtông cốt sắt hẳn”.

Thằng hộ pháp mới thức giấc cũng lên tiếng:

“Tao đang nằm mơ thấy con vợ thằng xã đội chui vào võng tao, trời đất ơi, tao sắp sửa nhốt “con quỷ sứ” vào “cái địa ngục” thì lão thổi còi phá đám, tiếc ơi là tiếc…”

Tôi phì cười:

“Như thế là may cho mày lắm đó”.

Thằng hộ pháp trợn mắt:

“May là may làm sao, phá giấc mộng vàng của người ta”.

“Nếu không thổi còi, cứ để hai đứa quần thảo nhau trên võng nhỡ đứt dây dám gãy cổ “con quỷ sứ” của mày lắm”.

Thằng hộ pháp cười hì. hì, nhảy xuống võng, lom khom tìm giầy. Tội nghiệp nó, năng lượng thừa chẳng biết đổ đi đâu đến nỗi ngay nghỉ trưa ngoài rừng nó cũng chẳng nghỉ, hì hụp một mình khiêng đá lăn xuống vực cho đất lở ầm ầm để vỗ tay cười. Tính nết nó hồn nhiên và trẻ con nhử thế. Có lần tôi nghe thằng học giả mắng nó: “Sao lúc nào tao cũng thấy mày nhăn răng ra cười thế. Sống như tù thế này, mày thích lắm hả?” . Thằng hộ pháp không những không tự ái mà còn hềnh hệch cái miệng: “Nạc quan là niều thuốc bổ nghe chửa? Nhăn nhó đăm chiêu như mày có ngày chết sớm”. Có lẽ bởi thế nó khỏe như một con trâu rừng chăng? Một nhà tạc tượng bắt gặp nó tắm truồng ngoài suối hẳn là phải ngẩn người thán phục và thèm thuồng cái cân đối, rắn chắc trong những cơ bắp của nó.

Còn thằng học giả cứ trầm trồ:

“Tiếc quá, tao tiếc cái thân hình lực sĩ của thằng hộ pháp quá. Bọn đạo diễn điện ảnh nhìn thấy nó là vồ ngay. Ấy thế mà cứ cái kiểu làm việc “mặt trời không lặn” này chỉ vài ba năm nữa là nó thân tàn ma dại. Tao mà có cái thân hình như nó, tao chia tay ông toán trưởng liền”. Tôi hỏi: “Mày sẽ làm gì? “ Nó phì cười: “Làm thằng đĩ đực chuyên hầu hạ các phu nhân của các ông lớn quanh năm sách cặp đi nước ngoài”. Tôi bảo nó phải từ bỏ ngay cái cách nghĩ xấu về mấy ông to đó đi họ toàn là những người được trui rèn trong đấu tranh. Nó cười sằng sặc chửi tôi quanh năm rúc rừng không biết thế nào là cuộc đời “đen như cứt chó”, rồi nó lại vỗ vai tôi gật gù: “Cũng được, thôi cũng được, mày cứ ngu thế này, cứ sống nơi hoang dã thế này đỡ phải nhìn thấy mặt trái của cuộc đời có khi lại hay kia đấy”. Tôi đoán thằng học giả phải có nỗi đau nào ghê gớm lắm nên thỉnh thoảng cứ nổi cơn dở hơi như thế. Chao ôi, cái “xã hội” của tôi nơi hoang dã này chỉ có bốn thằng đực rựa và một ông lão hết hơi mà cũng phức tạp, rắc rối đến thế, thử hỏi xuống thành phố người đông như kiến cỏ, chen vai thích cánh nhau thì còn loạn xạ đến đâu. Thôi, thà vất vả cực nhọc nhưng được sống với nắng rừng gió núi như thế này lại chả hơn ư? Tôi sung sướng hít một hơi khí mát lạnh căng đầy lồng ngực rồi thở ra thành tiếng hú dài. Những vách đá trắng im lìm như những bức tường thành khổng lồ vọng lại: “oa… oa… oa…” làm tôi càng hứng chí.

“Mày phát rồ đấy hả?”

Thằng học giả quát lên rồi bỗng nó trợn mắt nhìn thằng hộ pháp lễ mễ vác tới một tảng đá:

“Kìa lại thêm một thằng phát điên”.

Thằng hộ pháp không trả lời, hì hục đẩy tảng đá tới mép vực “Một, hai… ba này…” nó bám chặt vào sợi dây leo lòng thòng, gồng cứng người lại rồi dùng cả hai chân đạp cho tảng đá lăn ầm ầm xuống dưới khe sâu.

Bảy

Cái ngày đầu tiên chúng tôi đi men theo vách đá thật là vất vả, nguy hiểm. Đường đi cực kỳ khó khăn nên ông toán trưởng hạ lệnh “nhổ trại”, tất cả phải khoác theo đồ đoàn, vừa đi vừa đo tuyến, tối đâu ngủ đó, sáng sau đi tiếp. Thế là thằng cấp dưỡng không còn an nhàn nằm chơi trong lúc chúng tôi vất vả như trước nữa, nó cũng phải bó gọn nồi niêu xoong chảo khoác lên vai và bò men vách đá. Không rõ ông toán trưởng nhặt được nó từ cái xó nào mà tinh thần nó bạc nhược đến thế. Thằng hộ pháp đã phải chặt một cây làm tay vịn chỗ vách đá phẳng lì không nơi bấu víu, mà nó vẫn sợ không dám bước qua. Nó nhìn xuống chiều sâu hun hút dưới đó có một con sông trông chỉ nhỏ bằng một con rắn đang vặn mình, run bần bật bước thử vài bước rồi lùi lại:

“Ối giời ơi hãi lắm, tao chịu thôi, trượt chân thì tan xác.”

Thằng hộ pháp quát to:

“Đừng có nhìn xuống dưới đó, nhìn vào tao đây này…”

Nó thoăn thoắt bước qua đoạn vách đứng làm mẫu cho thằng cấp dưỡng rồi vòng trở lại: nào, bước đi, thằng của nợ”.

Chao ôi, điệu bộ thằng cấp dưỡng trông mà thương, nó ngồi thụp xuống, cố không nhìn xuống vực sâu, nhưng ma ám sao đó, nó cứ he hé mắt nhìn cái con rắn đỏ ngầu đang cuộn dưới đó. Cậu cả này là con cầu tự, gia đình họ xa của ông toán trưởng. Hơn hai chục tuổi đầu, cậu còn chưa vượt qua lớp bảy phổ thông, còn thích chơi thả diều, đánh khăng với đám con nít trong làng hơn là vác cuốc theo mẹ ra đồng kiếm ít điểm hợp tác xã. Buổi sáng, mặt trời dọi thẳng vào màn, cậu mới oằn oèo dậy, xuống bếp lục chạn có gói sôi, quả trứng luộc, hoặc cái bánh chưng mẹ để sẵn rồi đến trưa trưa, mẹ đi làm đồng về đã thấy cậu nằm trên giường ngáy khò khò. Ông toán trưởng về thăm bà chị họ, nhìn thấy ông cháu suốt ngày quanh quẩn giữa bốn bức vách, xềm xệp như gái đẻ, mới lắc đầu:

“Thằng này rồi hỏng. Cứ rúc xó buồng thế kia bao giờ mới thành người. Thanh niên bây giờ nguời ta chịu khó phấn đấu rèn luyện cả, có ai bám váy mẹ mãi như nó”.

Cái tiền đồ ông vẽ ra cho cậu con cầu tự huy hoàng quá khiến bà mẹ bấm bụng giao nó cho ông đưa nó lên đường xây dựng sự nghiệp. Trong bọn tôi, nó là thằng vô tích sự nhất, cầm dao phát cây không chặt, leo trèo trên tuyến thì run bần bật, thôi xếp nó vào chân nấu ăn, ưu tiên cháu ông toán trưởng. Nhưng chao ôi, có lẽ cả đời cậu cả chưa mó vào rá gạo, bởi vậy bữa đầu cậu nấu cơm thành cháo, bữa sau được rút kinh nghiệm cậu nấu thành gạo rang, làm thịt vịt không đủ kiên nhẫn nhổ sạch lông, cậu đem đặt nghiến lên bếp thui. Ông toán trưởng ra sức nhồi nhét vào đầu cậu đủ mọi lời hay ý đẹp nhưng vào tai này nó ra tai kia, thỉnh thoảng cậu vẫn ngủ quên trễ cả giờ nấu ăn, hoặc đôi khi nửa đêm nhớ mẹ, cậu vẫn thút thít khóc, mãi rồi ông toán trưởng cũng chán, ông mặc cậu, thôi không còn dậy dỗ bảo ban như buổi đầu nữa. Chỉ có một điều tôi thấy lạ là khổ cực đến đâu, cấm có bao giờ cậu hé răng đòi về với mẹ. Có lúc nhìn thấy nó lập cập hai tay xách thùng nước từ dưới suối lên, cái thân hình còm cõi của nó eứ lăm le đổ nghiêng xuống đất, thằng hộ pháp xui nó:

“Tao như mày chuồn bố nó về với mẹ. Người ngợm như cây sậy thế kia không theo nổi được bọn tao đâu.”

Thằng học giả cười cợt:

“Nhưng nó là cây sậy biết nghĩ. Chúng mày đừng xui dại, bàn lùi. Nó quyết tâm phấn đấu đấy. Cố lên con, mai kia thay thế ông toán trưởng lãnh đạo bọn tao”.

Chao ôi, thật chẳng ngờ cái thằng lẻo khoẻo, xanh rớt như con sâu đo ấy lại hung dữ thế. Nó quẳng ngay thùng nước xuống chân thằng học giả rồi eứ thế xông đến đấm tới tấp. Thằng kia gồng cứng khuỳnh hai tay, ưỡn ngực, xuống tấn cười ha hả:

“Đấm đi, đấm nữa đi con, tao cho mày đấm gãy tay thôi.”

Thằng hộ pháp phải xông vào, giằng ra, quẳng mỗi đứa đi mỗi phía. Mãi sau này thằng cấp dưỡng tỉ tê tâm sự, tôi mới hiểu thằng học giả đã nói oan cho nó, nó không trốn về, cắn răng chịu đựng chẳng qua nó thương mẹ, không muốn bà vở mộng vì nó mà thôi. Ấy thế rồi con người ta kể cũng lạ, thằng cấp dưỡng hóa ra rất dai sức, qua vài năm sống giữa vùng lam sơn chướng khí, nó chẳng đau ốm gì như người ta tưởng, thịt da tuy không nảy nở nhưng săn chắc, cái vẻ cô hồn trên gương mặt đã tiêu đi, duy chỉ còn cái bệnh lười và nhát sợ là hai thứ bệnh kinh niên có lẽ cậu con cầu tự chẳng bao giờ chữa được. Bò lê bò lết mãi rồi thằng cấp dưỡng cũng vượt qua được đoạn chênh vênh nhất của vách đá. Thằng hộ pháp cười hềnh hệch:

“Mày thử sờ lên cổ coi hai hòn dái có thọt lên đó không?”

Thằng học giả đi sau cũng đang men vách đà lần tới, miệng lẩm bẩm: “tồn tại quyệt định ý thức con người, tồn tại…” Bỗng nhiên thằng cấp dưỡng rú lên, nhắm nghiền mắt lại. Tôi chỉ thoáng thấy thân hình thằng học giả đổ nghiêng ra phía ngoài, lộn đi mấy vòng rồi treo lơ lửng trong khoảng không, dãy duạ đôâi chân một cách tuyệt vọng. Thằng hộ pháp vội hét lên:

“Bám chắc, bám chắc, đừng có dãy, đứt dây leo thì chết!”

Chao ôi, tôi cũng đã trải qua bao gian nan nguy hiểm mà chưa lúc nào dựng tóc gáy lên như thế. Bên dưới chiều sâu hun hút kia con sông vẫn vặn mình như con rắn há miệng sẵn sàng đớp lấy thân xác thằng học giả lúc này nom nhỏ xíu giữa trời đất.

Ông toán trưởng chẳng giữ được vẻ lầm lì, lạnh lùng thường ngày nữa, tai nạn lao động chết người đang đe dọa, bao thành tích của ông sẽ tan vỡ như cái thân xác đang treo đu đưa kia một khi nó rơi xuống. Có lẽ cái giờ phút sung sướng nhất trong ngày của ông là lúc ngồi bên máy VTĐ báo về Ban chỉ huy bao nhiêu mét đường đã thăm dò được, bao nhiêu người tập thể dục buổi sáng, bao nhiêu người phát biểu trong buổi học chính trị… Như một người bỏ ống, từng hạt, từng hạt thành tích ông gom suốt một năm để rồi mai kia ông sẽ nhận lại chúng dưới dạng những lời ngợi khen của cấp trên. Vậy mà than ôi, nước lã sẽ ra sông hết, củi kiếm bao năm sẽ bốc cháy chẳng tới một giờ.

Thằng trí thức dở người kia định giết ông bằng cái chết của chính nó. Ông giận sôi lên, quay lui, quay tới, quýnh quáng la hét làm bọn tôi cứ ngẩn người chẳng hiểu ông ra lệnh gì? Thằng hộ pháp đã đặt ba lô xuống. tháo máy vô tuyến điện sau lưng giao cho thằng cấp dưỡng rồi như một con mối bò trên tường, nó bám theo những chỗ mấp mô của vách đá nhích dần tới chỗ tùm búi dây leo phía trên đầu thằng họe giả. Ngực tôi bỗng đau thắt lại lo sợ, bây giờ thêm một thằng nữa tính mạng treo trên đầu sợi tóc, chỉ cần một tảng đá nơi những sợi dây leo bấu vào kia lở ra, cả hai sẽ thành đống thịt vụn dưới vực sâu. Thằng hộ pháp có hiểu điều ấy không mà nó dám liều mình thế? Tôi bỗng ứa nước mắt thương chúng nó. Một thằng chứ nghĩa đầy đầu và một thằng có thân hình lực sĩ đang gắn kết lại với nhau đu đưa trong cõi chết.

“Bám chặt, bám chặt…”

Ông toán trưởng vẫn la hét một cách vô ích. Lúc này ngoài hai đứa ra chẳng còn ai cứu nổi chúng nó. Giá như ông cứ im lặng như tôi hoặc khiếp sợ úp mặt vào hai bàn tay như thằng cấp dưỡng còn hơn.

“Im mồm đi, tốt hơn hết ông quỳ xuống vái lạy trời phật phù hộ chúng nó”.

Tôi quát lên và bước tới làm ông thu người lại. Ông hiểu lầm, không, không bao giờ tôi có ý định đánh vào bộï mặt đang méo xệch vì sợ hãi và ngỡ ngàng kia. Tôi chỉ nắm lấy cổ áo ông, lôi mạnh:

“Quỳ xuống, quỳ xuống đi, quỳ xuống cho tới lúc hai đứa hoặc là tan xác hoặc là trèo lên thoát được”.

Không hiểu do vẻ mặt hung dữ hay sức mạnh đôi tay tôi ông toán trưởng khuỵu dần hai đầu gối xuống, miệng lắp bắp những gì chẳng rõ. Và rồi khi ông nước nhìn bầu trời lúc này bỗng cao lên và xanh vời vợi bằng đôi mắt mở lớn và ngầu đục, tôi quay lưng, hất cái ba lô xuống, bám theo vách đá lần tới ehỗ tùm búi dây leo. Lúc này thằng hộ pháp đã tìm được một hốc đá bám chắc hai tay, buông thõng đôi chân cho thằng học giả bám lấy. Bất giác tôi nhìn xuống phía dưới. Chiều sâu hun hút của vực thẳm làm tôi hoa mắt. Không hiểu sao lúc này tôi lại nhớ tới câu nói của thằng học giả đêm hôm nào về cái lỗ đen trên vũ trụ và cái hố thẳm trong con người. Tôi nhắm mắt, cố không nhìn vực sâu bên dưới kia nhưng lại cảm thấy nó rất rõ ở bên trong tôi. Chẳng lẽ lại như vậy, chẳng lẽ con người lại sâu thẳm ở bên trong một chiều sâu chóng mặt như thế kia ư? Dưới đó còn những cái gì thế? Tôi phải ghi nhớ điều này mai kia nếu thằng học giả sống sót, tôi sẽ hỏi nó. Tuy nhiên, liệu cái con mọt sách ấy có trả lời được không? Còn lúc này tôi mở mắt ra và nhìn thấy ông toán trưởng hình như vẫn còn quỳ.

Comments are closed.