Điều xảy ra khi đốt lên ngọn lửa yêu thương.

(Câu chuyện lạ lùng của một trí thức “ngoài đảng”)

Tiêu Dao Bảo Cự

TIEU DAO BAO CU BEN DOI THONGLTG: Câu chuyện khá kỳ lạ và có thật sau đây của một trí thức “ngoài đảng” với ý tưởng dùng yêu thương để thay đổi những người cộng sản ngày trước vốn ít học và nhiều hận thù. Điều này có kết quả trong một không gian nhỏ đặc thù thời gian trước đây nhưng e rằng khó có hiệu quả trong một không gian lớn hơn đã bốc mùi suy thoái nồng nặc. Dù sao câu chuyện cũng có điều đáng suy gẫm.

Trong một lần đưa Đan Vy đi chữa bệnh, tình cờ tôi gặp được một người bạn mà tôi đã trò chuyện rất thú vị. Thực ra người này không phải là bạn tôi từ trước nhưng qua câu chuyện xã giao, ông và tôi biết có những người bạn chung và các cuộc chuyện trò tâm đắc đã làm chúng tôi coi nhau như bạn bè.

Người này quả là một nhân vật khá đặc biệt và kỳ lạ. Ông ta là một trí thức nổi tiếng, thủ trưởng một cơ quan nghiên cứu khoa học của Nhà nước. Ông không phải là đảng viên nhưng lại lãnh đạo một cơ quan có đảng bộ gần trăm đảng viên. Có lẽ đây là hiện tượng duy nhất trên đất nước này. Mặt khác trụ sở của cơ quan ông được xây dựng mang đậm nét phong cách của cá nhân ông, hoàn toàn khác hẳn với bộ mặt các cơ quan nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là điều làm tôi hết sức ngạc nhiên.

Trụ sở của cơ quan nằm ngay bên một con đường phố lớn, xe cộ ồn ào nhưng bước qua cổng, người ta có cảm giác khác hẳn với không khí bên ngoài. Những tàng cây lớn phủ bóng rợp một vùng sân, làm dịu bớt nét khô cứng của các tòa nhà bê tông bên trong. Vùng sân này được xây dựng như một công viên nho nhỏ, vài hồ cá có hoa súng trắng hay đỏ nở dịu dàng dưới bóng của một bụi tre vàng lả lướt. Những lối đi trải sỏi quanh co giữa thảm cỏ xanh được chăm sóc kỹ. Đây đó có vài chiếc ghế đá dưới mái che lợp bằng tre kiểu dáng tây nguyên rất mỹ thuật. Đặc biệt là các pho tượng danh nhân đặt rải rác khắp vườn. Có tượng rất lớn cao vài thước với bệ xi măng vững chắc. Nhiều tượng vừa phải đặt trên các bệ gạch nhỏ hay các phiến đá. Mỗi tượng đều có ghi chú vài dòng tiểu sử và sự nghiệp của danh nhân được tạc. Phần lớn đây là tác phẩm của những điêu khắc gia nổi tiếng, trong đó có một vài tác phẩm của chính thủ trưởng cơ quan.

Ông ta đã dẫn Đan Vy và tôi đi thăm cơ quan và chúng tôi rất ngạc nhiên và thích thú trước hàng loạt tranh treo dọc theo hàng lang và các phòng họp, phòng làm việc do chính ông sáng tác. Tranh ở mỗi khu vực thể hiện một phong cách, một giai đoạn trong quá trình sáng tạo của ông. Nơi chỉ toàn treo tranh tĩnh vật, nơi là tranh chân dung, nơi khác là tranh lập thể. Đặc biệt ông để hai người đứng ngắm rất lâu và hỏi ý kiến về loạt tranh mới nhất ông đang thể nghiệm. Đó là những bức tranh vẽ bằng mực tàu với một cây bút lông xơ mà tác gỉa chỉ phóng bút trong vài phút, thậm chí vài mươi giây. Đó không phải vẽ bằng kỹ thuật mà vẽ bằng ý, bằng hoài niệm, thậm chí bằng những ức chế bùng nổ trong giây phút sáng tạo như ông giải thích cho hai người sau này. Thật khó mà có ý kiến gì được với loại tranh này. Người xem chỉ có thể cảm hay không tùy theo nội tâm mình, trong chừng mực nào đó có những rung cảm hòa điệu với nội tâm tác gỉa.

Ông ta mời chúng tôi vào phòng làm việc riêng ở trên lầu. Đây là một phòng yên tĩnh ở cuối một dãy nhà phụ của cơ quan. Phòng làm việc chính thức của ông ở ngay lối vào của dãy nhà chính, nơi ông chỉ có mặt khi họp hành hay tiếp khách, giải quyết công việc chuyên môn. Ngoài ra ông thường rút về làm việc riêng ở đây. Căn phòng giản dị, chỉ có một bộ bàn ghế, một gía sách lớn. Trên tường treo những bức tranh có lẽ ông ưng ý nhất và trên sàn vứt ngổn ngang vô số tranh ông phác thảo nên cả chủ và khách đều phải cẩn thận để khỏi dẫm lên.

Qua câu chuyện ông biết rõ tôi vừa trải qua mấy năm quản chế, điều mà trước đó ông cũng có nghe phong thanh. Vừa vào phòng, mời hai người ngồi uống nước xong, ông cầm lấy cây đàn dựng cạnh bàn nói:

– Tôi xin hát mấy bài mới sáng tác cho ông bà nghe, gọi là để bù đắp một chút gì cho ông bà sau những năm tháng khó khăn.

Thế là ông rung nhẹ dây đàn, nhắm mắt lại lắng nghe những âm thanh thánh thót đầu tiên như để đưa mình vào cõi khác rồi bắt đầu hát. Hầu như ông luôn nhắm mắt du hồn theo bài ca, chỉ trừ những lúc ông dừng lại để giải thích đôi lời về nội dung bài ông sắp hát. Đó là mấy bài phổ thơ về tình yêu và thân phận của một nhà thơ trữ tình. Rồi những đoản khúc trong một bản trường ca phỏng theo ý một truyện thơ bất hủ. Nhạc của ông rất lạ, khi réo rắt, khi trầm lắng, lúc tha thiết, lúc hào hùng và có cái gì như rất sang trọng và trí tuệ trong những âm thanh mang lời của những vần thơ trác tuyệt. Thơ và nhạc quyện vào nhau, nâng đỡ nhau, bật lên những tiếng nức nở của phận người hay giải bày tâm trạng trong muôn vàn cảnh ngộ. Khi ông hát, người ta không còn thấy hình ảnh của một trí thức có khuôn mặt nghiêm nghị mà hoàn toàn trở thành một con người khác, một nghệ sĩ bộc lộ hết tâm hồn mình trong tiếng nhạc tài hoa và lời ca.

Ông đắm mình vào cõi mê say ngay từ dòng nhạc đầu tiên và hầu như không dứt ra được. Một nhân viên của cơ quan đến tìm ông, thấy ông như thế không dám vào dù cửa mở. Một người khác bồn chồn đứng đợi nhưng khi ông mở mắt nhìn ra và lắc đầu nhè nhẹ, anh ta đành bỏ đi dù hình như đang có việc gấp cần ông giải quyết. Tôi kinh ngạc về sức làm việc phi thường của ông khi ông cho xem qua hàng chục tập nhạc đã sáng tác, lại còn mấy tập thơ. Ấy thế mà ông đang làm thủ trưởng của một cơ quan khoa học lớn và bản thân có những công trình nghiên cứu được đánh gía cao không những trong nước mà cả ở nước ngoài.

Tôi hỏi ông lấy thì giờ đâu để làm được nhiều việc như thế. Ông đáp: “Tôi không bao giờ nghỉ ngơi và có thể làm việc bất cứ lúc nào. Họp xong tôi có thể cầm bút vẽ tranh, làm thơ hay sáng tác nhạc ngay. Tôi không cần chuẩn bị tìm hứng. Có lẽ ngay trong lúc ngủ, tiềm thức của tôi cũng đã hoạt động để chuẩn bị cho những gì cần sáng tạo”.

Sau khi nghe ông ta hát, nói chuyện thêm một lúc. Tôi và Đan Vy cáo từ vì lại thấy một nhân viên khác đến tìm ông để giải quyết công việc. Ông ta không quan tâm nhưng hai người thấy ngại vì đang trong giờ hành chính. Tôi tặng ông ta một cuốn sách của mình và hẹn hôm khác, vào ngày nghỉ, sẽ lại đến chơi để nói chuyện thoải mái hơn.

Trước khi tiễn chúng tôi ra tận cổng, ông còn dẫn hai người đến xem một bức tượng ông đang làm dở dang ở cuối sân. Bức tượng này đắp bằng xi măng thể hiện một cụ gìa có bốn khuôn mặt ở bốn phía. Ông cầm lấy cái bay để tại chỗ sửa lại một vài đường nét trên tượng và hỏi chúng tôi:

– Anh chị có nhận thấy pho tượng này có gì khác với các pho tuợng kia không?

Tôi nhận xét:

– Hình như cụ gìa đang mỉm cười và nét mặt đầy hân hoan.

Ông yêu cầu hai người xoay quanh bốn phía của bức tượng, tay không ngớt cầm bay đẽo gọt trên lớp xi măng chưa khô một cách khéo léo:

– Cám ơn anh đã nhận ra. Ở góc độ nào cụ gìa này cũng mỉm cười. Kể cả những nếp nhăn cũng biểu hiện sự lạc quan yêu đời chứ không phải nét gìa nua suy tàn. Tôi không còn thích những pho tượng trầm tư đau khổ nữa. Cuộc đời này đau khổ đã nhiều nên tôi muốn mang đến cho mọi người niềm vui hơn là nỗi buồn. Tôi sẽ tiếp tục tạc một loạt tượng theo hướng này. Vài tháng sau anh chị có trở lại đây chắc sẽ thấy không gian này đổi khác, tràn ngập những nụ cười và niềm hi vọng.

Chia tay ông, tôi và Đan Vy hứa nhất định sẽ trở lại thăm ông một lần nữa dù còn ở đây không lâu. Chúng tôi cảm thấy bị hấp dẫn bởi chủ nhân kỳ lạ này và hình như ông ta cũng tỏ ra quyến luyến hai người.

Hai ngày sau, buổi chiều chúng tôi lại đến. Ngày nghỉ nhưng ông không về nhà mà ở lại làm việc trong căn phòng riêng ở trên lầu. Ông ta mời chúng tôi uống café, một loại café ông khoe đặc biệt ngon do một người quen gửi tặng nhưng đối với người sành uống café như chúng tôi thì thực ra loại café này cũng không có gì đặc biệt lắm. Tuy nhiên chúng tôi qúy sự tiếp đãi chân tình của ông vì thấy ông lóng ngóng pha café đãi khách nhưng ông lại không uống mà chỉ uống trà, có lẽ do kiêng cữ vì một thứ bệnh nào đó.

Tôi muốn hỏi ông nhiều chuyện nhưng ông mở lời trước:

– Tôi đã đọc xong cuốn sách anh tặng và rất ngưỡng mộ. Có điều qua cuốn sách, tôi thấy anh mất thì giờ quá nhiều cho chính trị, cả trong cuộc đời và trong tác phẩm. Thứ lỗi cho tôi nói thật, trong cuốn sách của anh tôi chỉ thích những lá thư tình. Anh viết thư tình tuyệt hay. Và có lẽ chỉ những bức thư tình này có gía trị lâu dài. Còn những vấn đề chính trị rồi sẽ qua đi mau chóng.

Tôi mỉm cười:

– Tôi rất vui lòng được nghe anh nói thật. Tôi cũng không thích chính trị. Như anh biết, bút hiệu của tôi là Tiêu Dao nhưng từ thời trẻ đến nay tôi vẫn bị cuốn hút vào những vấn đề chính trị. Có lẽ tôi quá nhạy cảm với những vấn đề xã hội và nhân sinh. Làm sao không đau lòng, không phẫn nộ, không phản kháng khi những chuyện bất công, áp bức diễn ra hằng ngày trước mắt mình. Tôi là người cầm bút, lẽ nào trong tác phẩm của mình lại thiếu vắng những điều đó. Còn anh, có phải thực sự anh không quan tâm đến chính trị?

Ông ta ngửa người trên ghế, đôi mắt nhắm lại một lúc lâu. Ông nói hôm qua ông đã thức suốt đêm để đọc cuốn sách của tôi. Cuốn sách gây cho ông nhiều xúc cảm và ông quyết định nói với người bạn mới này những suy nghĩ từ lâu ông ít thổ lộ với ai.

– Thành thực mà nói tôi cũng đang làm chính trị nhưng tôi tiếp cận vấn đề chính trị và giải quyết vấn đề chính trị theo cách hoàn toàn khác anh.

Để tôi kể anh nghe một chút về tôi. Ngày xưa tôi là một trí thức được đào tạo ở Miền Nam và đã tham gia hoạt động cách mạng nhưng tôi không vào Đảng. Sau này tôi biết người ta định xây dựng tôi thành một trí thức tiêu biểu của Miền Nam giác ngộ cách mạng và đưa tôi vào một chức vụ lãnh đạo cao ở trung ương. Tuy nhiên tôi đã chớm nhìn thấy con đường hiểm nguy của chính trị nên tôi tìm cách thoái thác để chỉ làm công tác chuyên môn.

Việc tôi được đưa về làm thủ trưởng cơ quan nghiên cứu khoa học này có thể coi là một chuyện ly kỳ. Mười lăm năm trước, ở cơ quan này có hai phe đấu đá nhau giành quyền lãnh đạo và không phe nào chịu nhường phe nào. Họ đấu nhau suốt năm năm và cấp trên không sao giải quyết nổi. Công tác chuyên môn bị bỏ bê, trụ sở cơ quan nhếch nhác vì người ta mải đấu đá. Người ta có thể họp hành sát phạt nhau triền miên ngày này sang ngày khác nhưng không ai buồn quét một cái mạng nhện chăng ngay cửa ra vào. Cuối cùng cấp trên không đưa người của phe nào lên lãnh đạo mà lại đưa tôi về, một người không phải là đảng viên.

Ông lại ngả người trên ghế, nhắm mắt hồi tưởng rồi mỉm cười:

– Anh biết việc đầu tiên tôi làm khi về đây là gì không? Tôi trồng cỏ. Cái sân anh nhìn thấy bây giờ trước đây toàn cỏ dại, có nơi cao đến hàng mét. Chính tôi cầm cuốc làm cỏ dại và sau đó mua một loại cỏ đẹp về trồng. Ban đầu không ai giúp tôi cả nhưng một mình tôi vẫn làm, về sau mới có một vài người tự động tham gia. Những người khác nhìn tôi với đôi mắt nghi kỵ và ác cảm nhưng tôi vẫn kiên trì việc mình làm cho đến khi sân trở thành một bãi cỏ mượt mà.

Ông bỗng cười to thành tiếng, đôi mắt sau cặp kính cận màu nâu nheo lại tinh nghịch:

– Việc thứ hai tôi làm là đi thăm những nữ nhân viên sinh đẻ và tặng quà sinh nhật cho mọi người trong cơ quan. Tôi đến tận bệnh viện thăm các sản phụ với đường sữa và những lời chúc mừng tốt đẹp, cho họ nghỉ thêm vài ngày ngoài quy định. Đến sinh nhật của ai, tôi vẽ tặng cho người đó một bức tranh hay hát cho họ nghe một bản nhạc, ngay trong phòng làm việc. Thế là dần dần cũng có người có cảm tình với tôi.

Chúng tôi cũng vui lây câu chuyện của ông nhưng tôi cắt ngang lời nói của ông bằng nhận xét:

– Cách làm đó cũng hay nhưng tôi nghĩ đây là một cơ quan nghiên cứu khoa học và người ta có phục anh hay không là ở công tác chuyên môn.

– Anh nói đúng. Dĩ nhiên điều quan trọng là công tác chuyên môn. Tôi đã chứng tỏ cho họ thấy năng lực của mình. Từ một cơ quan nghiên cứu khoa học ít ai biết đến, bây giờ nó đã trở nên nổi tiếng, không phải chỉ ở Việt Nam mà cả nước ngoài. Đến đây chắc anh đã thấy có nhiều người nước ngoài ra vào. Họ là người của các cơ quan cùng chuyên môn từ Mỹ, Pháp, Đức, Ấn Độ và nhiều nước khác đến đây trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu, học tập. Nhiều cán bộ của cơ quan này cũng được cử đi tham quan học tập ở nước ngoài. Việc này trước đây chưa hề có. Mọi người đều hãnh diện là thành viên của cơ quan này.

Tôi lại hỏi:

– Bí quyết của anh còn gì nữa không?

– Còn chứ. Tôi phải làm sao cho họ thật sự tâm phục khẩu phục. Ai cần gì tôi tìm cách đáp ứng yêu cầu của họ. Dĩ nhiên phần lớn họ cần tiền bạc và địa vị. Tôi nghĩ cách tăng thu nhập của họ một cách chính đáng bằng việc liên kết áp dụng các nghiên cứu khoa học vào sản xuất và dịch vụ. Họ có thêm việc để làm, phúc lợi tập thể ngày càng nhiều nên thu nhập của mọi người đều khá cao, gấp bốn năm lần trước đây. Ai có năng lực tôi sẵn sàng đề bạt một cách công tâm, không phân biệt phe phái nào. Thế là họ thỏa mãn và không còn nghi kỵ.

Đan Vy nghe ông nói với vẻ thán phục nhưng nàng xen vào:

– Nhưng có ai muốn tranh giành địa vị của anh không? Khi cơ quan đã có uy tín và nhiều lợi nhuận như vậy, thế nào cũng có kẻ muốn tranh đoạt. Rồi còn chuyện lôi bè kéo cánh trong toàn bộ guồng máy này nữa. Nhiều khi ta muốn yên mà đâu có được.

Ông nhìn Đan Vy gật đầu :

– Chị tinh ý lắm. Cũng có thể có người muốn tranh giành địa vị của tôi. Tôi đã làm đuợc như thế nhưng cũng chỉ mới như ngồi trên chiếc ghế ba chân thôi. Tuy nhiên cũng có điều họ muốn mà chưa chắc làm được, ít ra cho đến bây giờ. Còn trong toàn bộ guồng máy, tôi cố giữ tư thế độc lập và làm cho cấp trên cảm thấy an toàn, không bị đe dọa. Cơ quan tôi có thành tích thì lãnh đạo địa phương và lãnh đạo cấp trên ngành dọc hãnh diện vì đó cũng là công lao của họ. Tôi sẵn sàng nhường thành tích cho những người muốn có, miễn là tôi làm được theo ý mình. Thế là họ cũng yên tâm.

Tôi xin phép hút một điếu thuốc vì đối với tôi, khi uống café mà không hút thuốc thật nhạt nhẽo nhưng thấy chủ nhân không hút nên tôi cũng ngại. Chủ nhân mỉm cười giơ tay:

– Anh cứ tự nhiên. Tôi không hút nhưng khách có quyền.

Ông ta với tay ra sau kệ sách lấy chiếc gạt tàn đặt trước mặt tôi. Tôi nhìn qua cửa sổ thấy mấy pho tượng đang trầm mặc ngoài sân. Một vài tiếng chim lảnh lót trên tàng cây. Không gian buổi chiều ngày nghỉ ở đây thật yên tĩnh. Tôi nói:

– Bây giờ tôi mới hiểu tại sao anh có thể xây dựng một cơ quan nhà nước mang đậm dấu ấn phong cách riêng như vậy. Tôi thật sự khâm phục anh.

– Thì cũng không hại gì cho ai và không tốn kém gì mấy. Mà là công sức của tôi cả. Về phương diện này họ chỉ tặc lưỡi: “Anh ta có máu nghệ sĩ. Cứ để cho anh ta làm”. Mà rồi mọi người cũng thực sự cảm thấy thoải mái khi vào cơ quan này. Các vị lãnh đạo cấp trên khi về đây công tác cũng thích nghỉ lại ở cơ quan này chứ không ở khách sạn. Chắc chắn là họ dễ chịu khi ở đây, nơi tạo được một phong cách rất đặc trưng và làm việc rất hiệu quả dưới sự lãnh đạo của họ.

Tôi cảm thấy chủ nhân hoàn toàn cởi mở với mình. Tôi muốn hiểu sâu thêm quan điểm của ông nên đặt vấn đề:

– Có thể cách làm của anh ở cơ quan này như thế là tốt. Nhưng còn những vấn đề xã hội, sự suy thoái của toàn bộ guồng máy. Anh nghĩ trách nhiệm của chúng ta như thế nào trước những vấn đề đó.

Ông ta nhìn chăm chú vào mắt tôi, như đọc thấy tất cả những gì tôi muốn nói mà ông ta đã hiểu khi đọc cuốn sách của tôi. Ông ta suy nghĩ một lúc rồi nói chậm rãi:

– Tôi nói thế này để anh hiểu nhận thức của tôi. Bây giờ tất cả mọi thứ đều có thể mua bằng tiền, đều có gía, trên tất cả mọi lãnh vực. Từ việc cho con em vào học trường điểm, cho đến bằng tú tài, thậm chí bằng tiến sĩ. Từ việc có một chỗ làm thuận lợi, lương cao, cho đến giữ một chức vụ lãnh đạo, đi công tác hay du học ở nước ngoài. Từ một món hàng xa xỉ, một tàu hàng nhập lậu cho đến cần sa ma túy. Tất cả đều có thể mua đựơc. Đó là sự sa đọa không những chỉ về mặt xã hội, chính trị mà còn là sự sa đọa về đạo đức, tinh thần, nhân cách, văn hóa. Đó là một hiểm họa thật đáng sợ, và tất cả đều bắt nguồn từ sự suy thoái của guồng máy. Nhưng chống lại bằng cách nào?

Ông ta gõ gõ ngón tay xuống mặt bàn rồi tiếp tục:

– Tôi biết anh đang nghĩ gì. Tôi có nghe về các cuộc đấu tranh của anh và những người bất đồng chính kiến khác. Tôi không dám phê phán cách làm của các anh là đúng hay sai nhưng tôi có chọn lựa riêng. Tôi nghĩ thế này. Quyền lực hiện nay thuộc về những người cộng sản. Không phải tôi nói như họ là lịch sử đã giao phó cho họ sứ mệnh lãnh đạo đất nước nhưng trong một hoàn cảnh lịch sử họ đã chiến đấu và nắm được quyền lực. Họ là ai? Phần lớn họ là những kẻ chân đất, những kẻ khốn cùng, những người ít học, những người bị bóc lột, áp bức. Họ đã vùng lên với sự căm thù sâu sắc và họ đã chiến thắng. Lịch sử giai đoạn này thuộc về họ. Tôi nói giai đoạn này thôi. Còn tương lai, nhất là tương lai xa lại là vấn đề khác. Khi đã nắm được quyền lực, họ có tất cả. Tri thức là thứ họ thiếu nhưng họ cũng có thể học được. Tôi cho rằng cái họ thiếu nhất là tình yêu vì họ đã có quá nhiều căm thù. Giải pháp của tôi là mang đến tình yêu cho họ. Như tôi đã nói với anh từ đầu, khi tôi vẽ một bức tranh, hát một bài hát tặng họ trong ngày sinh nhật, đó là tôi mang lại tình yêu cho họ. Và tôi tin họ sẽ thay đổi. Nên tôi cũng đã mạo muội khuyên anh nên viết về tình yêu. Viết về tình yêu, bản thân anh sẽ hạnh phúc và mang lại cho người khác hạnh phúc. Và chắc hẳn tác phẩm của anh sẽ có gía trị lâu dài.

Nghe lời khuyên của ông ta, tôi nghĩ thầm một cách cay đắng: “Phải, tôi cũng muốn viết về tình yêu lắm. Bản thân tôi đã trải qua những chuyện tình nay trở thành hoài niệm và sống mãi trong tôi như một phần máu thịt, một phần hồn xác của chính mình. Tôi cũng đã biết về bao nhiêu thiên tình sử đã làm người ta rung động, khổ đau và hạnh phúc. Đúng là khi viết về tình yêu, bản thân tôi cảm thấy hạnh phúc và hi vọng cũng sẽ mang lại cho người khác niềm vui sống. Nhưng thực tế những chuyện tình yêu tôi đã viết đều bị hoen ố bởi sự xâm lấn của những vấn đề chính trị, trong một cuộc sống mà những vấn đề chính trị đã len vào tận giường ngủ của vợ chồng. Thật đáng buồn, cho riêng tôi hay cho cả dân tộc bất hạnh này.”

Chúng tôi còn nói chuyện rất lâu, quan điểm của chúng tôi về nhiều vấn đề khác nhau nhưng không tranh cãi. Chúng tôi chỉ trình bày tư tưởng của mình và suy nghĩ về điều người khác nói. Đối với tôi và Đan Vy, trong suốt mấy năm qua, đây là một trong những buổi nói chuyện hiếm hoi chúng tôi cảm thấy thú vị và có nhiều điều mới mẻ.

Khi chúng tôi cáo từ, chủ nhân yêu cầu chúng tôi nán lại một phút để ông ta vẽ tặng chúng tôi hai bức chân dung. Ông ta đổ mực tàu vào nghiên, cầm lấy cây bút lông xơ và ngoáy trong ba mươi giây sau khi liếc nhìn hai người khách. Đó là chân dung ý niệm. Dù sao tôi cũng nhận ra mình qua một đôi mắt rực sáng trong một cánh rừng quằn quại giữa cơn bão táp và Đan Vy là một mái tóc trên bờ vai mảnh mai mơ hồ đằm thắm.

Ông ta hứa khi mực khô, ông sẽ gởi đến cho chúng tôi như một chút tình gặp gỡ.

(Trích “Hồi ức về ngọn lửa”)

Comments are closed.