Đêm chạy trốn (kỳ 10)

Tiểu thuyết của Thái Sinh

13.

Về sáng hành khách ngủ say mê mệt, qua gần một đêm thức trắng nhiều người không còn đủ sức để chống chọi với cơn buồn ngủ đang ập đến, vả lại sắp sáng rồi bọn móc túi chẳng thể lợi dụng bóng đêm để hành nghề nữa. Nghĩ vậy nên mọi người mới đều tranh thủ ngủ trước khi trời sáng, giấc ngủ mau chóng ập đến. Vài ánh đèn pin loang loáng, Sao nghĩ đó là những người soát vé đang đi làm nhiệm vụ. Cô gái nói thầm vào tai chị.

– Cô ơi, trộm đấy…

Sao gật đầu rồi nhắm nghiền mắt lại, chị nghĩ thầm: “Mình có quái gì đâu mà sợ mất”. ánh đèn pin quét qua gương mặt vài người rồi rọi thẳng vào mắt Sao, chị giơ tay lên che cho đỡ chói. Như vậy người ấy chưa ngủ, chúng rọi đèn sang phía người khác, thấy không phản ứng gì chúng mới lục túi. Bọn chúng có dăm sáu đứa, chúng là dân móc túi chuyên nghiệp nên chờ gần sáng mới ra tay hành nghề, khi đó người đi tàu đã ngủ say. Bỗng ai đó kêu lên:

– Trộm! Kẻ trộm…

Một cái gì đó xô mạnh lấp chìm ngay tiếng nói của người ấy, mọi người choàng tỉnh dậy. Cách Sao ba hàng ghế một người đàn bà đang lăn lộn trên mặt sàn tàu, mấy người gần đó xúm lại vực chị ta ngồi dậy, chị ngẩng lên mặt bê bết máu, một bên mép bị rạch một đường toang hoác…

– Bọn khốn nạn! Người đàn ông vừa lau máu trên mặt chị dằn giọng – Chúng rạch mặt chị này bởi chị vừa kêu trộm đó mà…

– Chúng nó đâu cả rồi, gọi công an tới tóm cổ chúng đi…

– Chúng chuồn sang toa bên kia rồi, toàn là những đứa ranh con, mặt còn non choẹt.

– Bọn chó má! Ngày có bọn cướp ngày, đêm có bọn cướp đêm…

Một người đi đào đãi vàng ngồi phía sau Sao kêu lên như thế, mọi người xúm vào băng bó cho người phụ nữ bị lũ trộm rạch mặt rồi nhường ghế để chị nằm. Con tàu vẫn lao đi, những tiếng lao xao lắng dần.

Cô gái ngồi bên cạnh nắm lấy bàn tay Sao, cô ngước đôi mắt buồn ngơ ngác nhìn chị, giọng lo lắng.

– Chả biết ngày ấy cô nuôi anh Núi thế nào? Còn cháu, vâng! Cháu sợ lắm.

– Cháu sẽ quay về với gia đình chứ?

– Không, cháu quyết rồi cô ạ. Chẳng thà cháu chết đi còn hơn là trở về gia đình. Cháu là đứa con gái yêu quí của mẹ cháu, bà vun vén mọi thứ cho cháu, đặt bao nhiêu hy vọng ở cháu… Còn bây giờ nếu cháu trở về như thế này, chắc bà sẽ không chịu nổi khi biết rõ sự thật – Giọng cô gái trở nên khẩn thiết – Cô hãy kể cho cháu nghe chuyện của đời cô đi…

Đội tu bổ rừng ngày ấy chưa có nhà trẻ, ngày ngày cô phải cõng thằng Núi lên rừng. Thông lớn vượt ngang tầm đầu người, công việc của cô là tỉa phát cành nhánh cho quang rừng, trồng dặm những cây bị chết. Mỗi ngày cô dọn thật sạch một đám đất to hơn cái chiếu rồi buộc chân thằng Núi bằng một sợi dây cho nó bò quanh quẩn trong đám đất ấy. Thằng Núi suốt ngày chơi tha thủi một mình dưới bóng rừng thông, bạn bè của nó là những con dế, con cào cào hoặc là những con chuột đã bẻ hết răng. Nửa buổi Sao về cho nó ăn, chơi chán thằng Núi nằm lăn ra đất ngủ. Lúc ấy đang là mùa thu, rừng thông sạch không có muỗi vắt, thật may mắn cho Sao biết chừng nào khi vào đông là lúc thằng Núi chập chững tập đi, cô gửi nó cho người cấp dưỡng trông giúp.

Năm tháng cứ lặng lẽ trôi qua thằng Núi lớn dần lên cùng với cánh rừng thông và những câu chuyện về nàng bướm, gã chuột, chàng ong, lũ kiến… mà Sao kể cho nó nghe với một sự thích thú chưa từng có. Nó chăm chú lắng nghe, trước mặt nó là một thế giới đầy bí ẩn nhưng đáng yêu vô cùng. Một lần Sao bắt gặp thằng Núi trò chuyện với con dế:

– Chị dế ơi, nhà chị ở đâu đấy, ở gốc cây thông kia à? Chị biết hát không? Có à, chị hát cho tôi nghe một bài đi. Mẹ tôi hát hay lắm đấy, mẹ Sao của tôi chị chưa biết ư? Mẹ hay hát cho tôi nghe bài Qua miền Tây Bắc suối ngàn trùng sâu… à, à tôi hát sai rồi, tý nữa tôi bảo mẹ tôi hát cho chị nghe. Mẹ chị tên là gì nhỉ? Mẹ chị có hay khóc như mẹ Sao của tôi không? mẹ tôi bảo nhà mẹ tôi ở xa lắm, tận dưới xuôi kia, khi nào những cây thông này to bằng người tôi thì mẹ tôi cho tôi về thăm ông bà. Bố tôi là Hưng, mẹ tôi bảo bố Hưng nằm trong đất rồi, trong đất ý, chị có biết đường đến nhà bố tôi không? Hôm nào chị dẫn tôi đến nhà bố Hưng nhé, nhưng mà tôi sợ lão chuột chũi lắm. Chị có đánh nhau với nó không? Có hả. Tôi cũng đánh. Mẹ bảo tôi con trai mà nhát, tôi không sợ đom đóm, tôi sợ cóc cụ lắm, cóc cụ kêu kẹc kẹc ấy mà… Chị cũng sợ cóc cụ à? Thì tôi để chị vào cái hộp này nhé, nhà chị đấy, tôi sẽ lấy thật nhiều cỏ non cho chị nghe chưa…

Đêm nào Sao cũng kể cho nó nghe một câu chuyện cổ tích, khi kho truyện cổ tích trong cô đã cạn, cô bèn bịa ra những chuyện ở xung quanh để kể cho nó. Cô chỉ ra ngoài khung cửa sổ trời đầy sao.

– Mẹ Sao ngày xưa ở trên trời đấy con ạ, mẹ chỉ nhỏ bằng hạt đậu thôi, nhà mẹ ở bên sông Ngân Hà gần vai vua Thần Nông chỗ kia kìa…

– Tại sao mẹ không ở trên ấy?

– Trên trời buồn lắm, buồn hơn ở dưới đất con ạ. Vả lại mẹ nhớ con, sợ con đi chơi lạc vào rừng bị chó sói ăn thịt.

– Mẹ xuống đất bằng cách nào?

– Mẹ theo mưa xuống.

– Bao giờ mẹ lại lên trời?

– Khi nào con hay khóc nhè mẹ sẽ theo gió lên trời.

Thằng Núi vội ôm lấy cổ Sao, chân quặp vào lườn cô khóc tấm tức.

– Con ứ cho mẹ lên trời đâu, con dế chỉ cho con chỗ của bố Hưng rồi, ngày mai con tìm bố về. Mẹ không thương bố à?

– Thương! Nhưng con phải ngoan thì mẹ mới ở với con…

– Con ngoan rồi…

– Vậy thì con ngủ đi, ngủ đi nào.

Thằng Núi dụi mái đầu khét nắng vào ngực Sao, đôi cánh tay nhỏ xíu ôm ghì lấy cổ cô như sợ cô đi mất.

Thân được đề bạt lên phó giám đốc lâm trường thay ông Chức nghỉ hưu, có kẻ nào đã viết đơn gửi lãnh đạo Sở Lâm nghiệp vu cáo ông quan hệ với chị Tơn, rồi đẩy chị lên trại chăn nuôi để trốn tránh trách nhiệm. Sở phải thành lập đoàn thanh tra lên tận lâm trường làm việc gần một tuần. Sao phải cõng thằng Núi về lâm trường để trả lời những câu hỏi của đoàn thanh tra, cô bác bỏ lời vu cáo của kẻ nào đó đối với Chức, cô kể tất cả những gì đã xảy ra ở thung lũng Hua Lanh cho mọi người nghe, cuối cùng cô nói:

– Chị Tơn lên trại chăn nuôi trước khi ông Chức được cử lên làm Phó giám đốc lâm trường. Bây giờ chị ấy đã nằm yên dưới đất rồi, đừng nhắc tới chuyện ấy mà vong linh chị ấy tủi thân. Kham không thừa nhận thằng Núi từ lúc nó còn trong bụng mẹ, trời sẽ chứng giám cho những việc làm của họ. Đừng đổi tiếng ác cho ông Chức mặc dù hai người là đồng hương của nhau…

Lúc Sao trở lại đội tu bổ rừng, Chức nắm bàn tay cô, giọng ông rưng rưng nước mắt đầy cay đắng:

– Trước khi lên đây chú hy vọng sẽ làm thay đổi cái lâm trường này, nhưng không làm được gì đâu cháu ạ. Họ có cả một hệ thống, dẫu chú có muốn cũng không làm nổi. Cảm ơn cháu, chú thật sự cảm ơn cháu Sao ạ. Mảnh đất này quả là khắc nghiệt…

Hôm lên kiểm tra các đội Thân có ghé thăm mẹ con Sao, có lẽ đã lâu lắm rồi hôm nay Sao mới gặp chị. Thân chẳng già đi chút nào, Sao ngỡ ngàng phải một lúc cô mới nhận ra, chị để tóc dài chứ không búi như ngày xưa, da thịt đỏ đắn, trắng trẻo nom chị trẻ lên rất hàng chục tuổi. Sao ôm chầm lấy Thân giọng mừng rỡ.

– Ôi chị Thân, suýt nữa thì em không nhận được ra chị. Trời ơi, em cứ ngỡ chị già đi nhiều lắm. Năm ngoái nghe tin chị lên lâm trường, mấy lần em định tới thăm, lần nào cũng vậy cứ chuẩn bị đi thì cháu lại sốt, hoặc nghe tin chị đi công tác vắng. Em mong chị hoài, vậy mà hôm nay chị mới tới đây.

– Công việc của chị dạo này bận lắm Sao ạ, họp hành suốt ngày, bây giờ lại kiêm cái chân Bí thư Đảng uỷ lâm trường, rồi đại biểu Hội đồng nhân dân, Uỷ viên ban chấp hành Hội phụ nữ nên lúc nào cũng bận. Không phải chị không nhớ tới em đâu, lần nào các anh ở đây lên lâm trường họp chị đều hỏi thăm em – Thân chợt thở dài – Nom em già đi nhiều quá, chắc mẹ con em vất vả quá phải không? Thật tội nghiệp…

Im lặng, hai người ngoảnh đi mỗi người một hướng. Sao bồi hồi nhớ lại những ngày tháng sống ở đội ươm cây, chị Thân ngày ấy và chị Thân bây giờ khác nhau quá, chị không chì chiết, gắt bẳn như ngày xưa, giọng chị cởi mở thân tình đã xua tan mối ác cảm trong lòng Sao về chị bấy lâu. Một bận Sao vô tình kể cho Hưng nghe cảnh Bảo và Thân trong cái đêm trăng ấy. Hưng lắc đầu chua chát: “Thì ra họ đã đuổi em lên cái thung lũng Hua Lanh chết tiệt này là bởi vì em biết cái trò khỉ của họ…”. Sao vội níu lấy tay Hưng: “Xin anh đừng đổi tiếng ác cho chị Thân, chắc chị chẳng nhận ra em trong cái đêm ấy đâu”. Hưng gỡ tay Sao ra, anh đi đi lại lại trong lều: “Chúng ta thơ ngây quá. Đúng thế! Em có biết không, Bảo vừa lên đường nhập ngũ hồi đầu tháng, có không ít lời đồn đại về mối quan hệ của họ…”.

Gương mặt non tơ của Bảo chợt bừng lên trong tâm trí Sao, cô hỏi Thân, câu hỏi cô không hề định trước.

– Chị Thân ơi, lâu rồi chị có được tin gì về Bảo không? Anh ấy bây giờ đóng quân ở đâu hả chị?

Mặt Thân hơi tái, chị trả lời hấp tấp.

– Bảo mất rồi em ạ. Cậu ấy mất ở Nam Lào hồi đầu tháng tư năm ngoái…

– Trời, thật tội nghiệp cho anh ta quá – Sao kêu lên thảng thốt – Bảo là một người tốt, lại hay hát nữa, bao nhiêu người ước ao được cái giọng hát trời cho như anh ấy…

Họ lặng im, Sao vuốt đôi bàn tay thon thả của Thân, gương mặt chị trở nên đờ đẫn, dường như chị vừa rơi vào một cõi xa xăm nào đó vời vợi những nỗi buồn. Sao ân hận vì trót nhỡ lời. Cô bóp mạnh bàn tay chị.

– Bữa nay chị ở đây ăn cơm với mẹ con em nhé.

Thân lắc đầu, gỡ bàn tay Sao ra.

– Cảm ơn em, lát nữa chị phải xuống đội ba, sau đó trở về lâm trường để ngày mai kịp họp Ban chấp hành huyện uỷ mở rộng. Cho chị gửi nhiều cái hôn tới thằng Núi, năm nay cháu bốn tuổi rồi phải không? Nhanh quá nhỉ? Sao này – Thân quay lại – Chị thông báo cho em một tin vui: Ban giám đốc lâm trường quyết định cho em đi học lớp trung cấp kỹ thuật khoá tới, em chuẩn bị hồ sơ ngay đi, có lẽ tháng mười thì nhập trường.

Người Sao run lên, cô ngước đôi mắt long lanh nhìn Thân, cái tin thật bất ngờ khiến cô không đứng vững nổi nữa. Nước mắt Sao tự nhiên ứa ra lăn dài trên đôi gò má sạm đen vì nắng gió.

– Em ước mơ được đi học từ lâu lắm rồi… chị Thân ơi, chị không nói đùa em đấy chứ?

Thân lắc đầu.

– Có bao giờ chị nói dối em đâu. Em biết đấy, chị đã hứa với em từ khi chị còn dưới đội, nhất định đợt này phải đến lượt em được đi học. Sau ba năm đi học trở về em sẽ lên lâm trường làm việc cùng chị, lâm trường ta thiếu nhiều cán bộ kỹ thuật lắm em ạ.

Sao gục đầu vào ngực Thân thành thật.

– Có lúc em muốn rời khỏi cái lâm trường này, nhưng lại thương bố mẹ em quá, các cụ sẽ nghĩ gì khi em bỏ về như một kẻ bị sa thải? Hẳn các cụ vui lắm khi hay tin em sắp được đi học chị Thân à. Em cảm ơn chị, cảm ơn chị…

Đêm ấy Sao không ngủ được, cô mường tượng ra cuộc đời mới đang đợi cô ở phía trước. Vui lắm, cô sẽ được gặp bạn bè bốn phương, cuộc sống trong trường hẳn sẽ khác ở đây, cả một chân trời mới đang mở ra bát ngát trước mắt cô. Năm nay Sao mới hai mươi sáu tuổi, còn trẻ chán. Trong làng cô mấy ai học hành tử tế đâu, lũ con trai có đứa học hết cấp hai nhưng có đứa lại chưa qua cấp một, lớn lên đi bộ đội, đứa nào ở nhà thì suốt ngày nồng nỗng đánh cụp, đẩy dậm quanh các ao đầm. Còn lũ con gái hầu như rất ít đứa học hết cấp hai, chúng ở nhà lớn lên chờ lấy chồng, hoạ hoằn lắm mới có đứa đi công tác như Sao, càng ít đứa đi học chuyên nghiệp. Học xong trung cấp nếu có điều kiện cô sẽ tiếp tục học lên nữa, đất nước mình sau chiến tranh hẳn rất cần những người có kiến thức khoa học kỹ thuật. Lâm trường Ta Khao có một số cán bộ trung cấp kỹ thuật, cán bộ đại học thì vẫn chưa có, sau khi học xong Sao sẽ về phòng kỹ thuật trên lâm trường, mảnh đất này sẽ được phủ xanh bằng cái màu cây lá nhọn.

Hai tháng sau Sao nhận được quyết định đi học do chính chị Thân ký, mọi người ai cũng mừng cho cô. Sao lo chưa biết gửi thằng Núi cho ai, gửi nó về nhà mình thì không được, bố mẹ cô chắc gì đã bằng lòng với việc cô nuôi thằng Núi, là gái chưa chồng lại còn trẻ ai người ta dám lấy khi bên cạnh mình kè kè một đứa trẻ? Có người khuyên Sao cho thằng Núi đi, hay trả cho công đoàn. Không, Sao chẳng muốn xa thằng Núi, tuy không dứt ruột đẻ ra nó nhưng nó là một phần đời của cô. Sao không muốn mai ngày lớn lên nó sẽ phải nguyền rủa số phận mình, nguyền rủa những người đã sinh ra nó. Những lúc bình tâm lại Sao cảm thấy cha mẹ nó cũng là hai kẻ bất hạnh, cô quyết định đem nó về trường dẫu cuộc sống có khó khăn đến mấy.

Cuộc sống ở trường chuyên nghiệp khác hẳn cuộc sống ở lâm trường, ai cũng trẻ trung và sôi nổi, so với mọi người trong lớp thì Sao nhiều tuổi hơn chút ít, điều ấy chả sao, bởi cùng là học sinh nên giữa họ chẳng có khoảng cách nào cả. Họ ở trong một ngôi nhà không có vách ngăn, hai người một giường, sau giờ học căn nhà đầy tiếng cười, mẹ con Sao được ưu tiên nằm cạnh cửa cho tiện đi lại, thằng Núi được mọi người cưng chiều, ai đi đâu về cũng mua quà cho nó. Các cô thi nhau dạy nó hát, mới về trường có mấy tháng mà thằng Núi thuộc bao nhiêu là bài hát, nghe cái giọng ngọng nghịu của nó vui ơi là vui. Nhưng có một điều khiến mọi người băn khoăn, bởi mấy tháng nhập trường mà mẹ con Sao chẳng nhận được thư từ, quà cáp của gia đình hay bạn bè, mẹ con cô cũng ít nhắc tới tên người thứ ba, cô có vẻ bối rối khi ai đó hỏi về bố thằng Núi, không khỏi khiến người ta nghi ngờ. Một tối trước lúc đi ngủ có ai đó hỏi Sao.

– Anh ấy bây giờ ở đâu hả chị?

Sao đáp giọng buồn ngủ.

– Nhà mình mất rồi, anh ấy mất trong một trận cháy rừng cách đây năm năm…

– Trời! Sao chị không xin chuyển về quê. Quê anh ấy ở đâu chị ơi?

– Sơn Tây, hình như thế…

– Anh chị xây dựng với nhau được mấy năm rồi mà chị chưa về quê anh ấy?

– Chúng mình mới đến với nhau thôi…

– Thế còn thằng Núi?

Sao ngáp dài.

– Ừ… nó là con mình đấy…

– Nhỡ nhàng à, buồn nhỉ?

-Ừ, buồn ngủ lắm. Ngủ thôi…

Lâu rồi có lẽ đã gần mười năm Sao mới động tới sách vở, mọi môn học đối với cô đều mới mẻ, ngoài học chuyên môn các cô còn học cả triết học, kinh tế chính trị… nghe cứ ù cả tai. Tuy nhiên, Sao là người chịu khó, cô dành thời gian còn lại để đọc sách và nghiên cứu tài liệu. Bởi thế ngay năm thứ nhất từ một học sinh trung bình cô vượt lên đứng đầu lớp, được nhà trường chọn làm báo cáo điển hình. Có phải vì chuyện ấy mà mọi người ganh ghét, nhìn cô với con mắt khác đi. Họ xa lánh Sao, ít người bắt chuyện với cô và họ thì thầm với nhau một chuyện gì đó nghe có vẻ quan trọng lắm, hễ thấy Sao là mọi người lảng sang chuyện khác. Thằng Núi cũng chẳng được mọi người yêu quí như trước nữa, họ nhìn mẹ con cô với con mắt khinh khỉnh, soi mói. Buổi chiều sau khi cơm nước xong hai mẹ con cô thường dắt nhau tha thẩn đi dọc bờ con suối cạn nhặt những hòn sỏi có nhiều vân đẹp đựng trong cái làn be bé và nói với nhau những chuyện tầm phơ. Một hôm thằng Núi hỏi Sao.

– Mẹ ơi, con là con hoang của mẹ à?

– Ai bảo con thế?

– Các chú ở nhà nam, cả các cô nữa.

– Trời! Sao kêu lên, mặt cô tái đi vì tức giận, cô bóp mạnh tay thằng Núi – Các cô, các chú đùa con đấy. Con là con bố Hưng ở Ta Khao, bố Hưng mất rồi. Thôi, con đừng hỏi nữa…

Cho đến một hôm ông Trưởng phòng Tổ chức của trường gọi cô lên, ông chừng năm mươi tuổi, đầu hói bóng nên nom gương mặt ông dài ngoẵng phẳng lỳ, đôi mắt một mí nhìn cô như thể dò xét. Ông chỉ vào thằng Núi với cái giọng xứ Nghệ hỏi Sao như vô tình.

– Cháu đây là con em đấy à?

– Vâng, dạ thưa thầy…

Ông mỉm cười khẽ lắc đầu.

– Sao em không để ở nhà cháu ở nhà với bố cho đỡ vất vả?

– Dạ, bố cháu… Sao lúng túng , mặt cô tái đi.

Đôi lông mày thưa thớt của ông hơi nhướn lên, nét mặt ông giãn ra vẻ sửng sốt.

– Tôi không hiểu, bố cháu làm sao?

Sao kéo thằng Núi vào lòng, cô cúi xuống bẻ cổ áo cho nó rồi khẽ đẩy ra cửa “Con ra ngoài kia, kìa con bướm vàng đẹp chưa?”. Chờ cho thằng Núi ra ngoài, im lặng một lúc lâu cô mới ngẩng lên gương mặt buồn rầu cô kể cho ông ta nghe câu chuyện của sáu năm về trước ở thung lũng Hua Lanh mà ông chưa một lần đặt chân tới. Ông khoanh tay đầu tựa vào thành ghế, đôi mắt lim dim chăm chú nghe Sao kể như nghe một câu chuyện cổ tích, thỉnh thoảng ông lại nhổm người lên nhìn thẳng vào mặt Sao như để kiểm định điều cô vừa nói. Im lặng một lúc lâu, chợt ông bật cười, tiếng cười nhạt thếch.

– Thật lãng mạn! Lần đàu tiên tôi được nghe một câu chuyện lãng mạn như thế này…

Ông uể oải đứng dậy mở chiếc tủ gỗ lim cánh đen bóng lôi ra tập hồ sơ chăm chú đọc, bất giác ông dừng lại chỉ vào dòng chữ.

– Trong lý lịch của cô có ghi “Con: Trần Văn Núi”, thế có nghĩa là thế nào? Chúng tôi không rõ cháu Núi là con trong giá thú hay con ngoài giá thú?

– Thưa thầy, em không hiểu tại sao lại có con trong giá thú và con ngoài giá thú?

Ông Trưởng phòng Tổ chức bật cười.

– Cô có vẻ ngây thơ quá, chúng tôi cần biết như vậy để làm những thủ tục cần thiết cho cô và cháu- Ông đứng dậy cất tập hồ sơ vào tủ, phẩy tay- Rắc rối thật. Thôi cô cứ về đi, ngày mai tôi bàn với hiệu trưởng về trường hợp của cô…

Khi ra tới cửa Sao còn nghe tiếng ông ta lẩm bẩm.

– Hoá ra là đứa con hoang…

Mặt sao tối sầm, nỗi uất nghẹn trào lên trong lồng ngực, cô nắm tay thằng Núi bước đi chếnh choáng, con đường trở về ký túc xá hồi ấy đang vào dạo tháng tư hoa trẩu rơi trắng đất. Thằng Núi nhặt những tổ sâu kèn thổi oe oe suốt dọc đường. Vài tuần sau Sao nhận được quyết định trả về lâm trường với lý do: Lý lịch không rõ ràng, nhà trường không nhận những trường hợp có con nhỏ. Ông Trưởng phòng Tổ chức nhìn cô vẻ ái ngại.

– Nhà trường rất tiếc phải cho một học sinh như cô thôi học, biết làm sao được? Thôi, em cứ vui lòng về đơn vị công tác chừng nào cháu lớn để được ở nhà khi đó trường lại mời em về học. Rất có thể là khoá sau…

Cổ Sao nghẹn đắng, cô quay ra ngoài không muốn nghe những lời giả dối của con người kia. Thằng Núi có vẻ mừng rỡ, nó chạy tung tăng phía trước.

– Mẹ ơi, ở đây chán lắm, không được lên rừng, không được đi đào dế. Về lâm trường con lại theo mẹ lên rừng, bố Hưng chắc không còn ở trong đất nữa. Con phải bắt đền bố Hưng làm cho con cái lồng nhốt dế, đêm lũ dế cũng gáy gọi con. Tiếng của chúng gáy nghe mới hay làm sao, ke ke… ke ke…

Tự nhiên nước mắt Sao trào ra, cô ghì mái đầu thằng Núi vào ngực mình khóc nức nở.

Sao trở lại lâm trường Ta Khao, cô tìm đến chị Thân để giãi bày nỗi oan ức của mình, nhưng chị Thân chẳng còn ở lâm trường, chị chuyển lên công tác ở Phòng Tổ chức của Sở từ hồi đầu năm. Hồi tháng ba, trước lúc nhà trường cho Sao về có một đoàn công tác của Sở về kiểm tra công tác tuyển sinh, dạy và học của nhà trường. Sao nghe nói chị Thân cũng có mặt trong đoàn công tác đó, nhưng cô không tin, bởi chị Thân đang công tác ở lâm trường chứ không phải ở Sở. Giá hôm ấy Sao gặp được chị Thân, hẳn chị sẽ can thiệp giúp cô, còn bây giờ thì đã muộn rồi, cô trở lại lâm trường như một người bị đuổi học. Lâm trường điều cô lên đội phát tuyến phòng hoả.

Đội phát tuyến phòng hoả nằm cheo leo trên sườn núi, mỗi người chịu trách nhiệm phát tuyến làm đường gianh cản lửa một số lô rừng trồng. Sao về sau, họ phân cho cô từ lô năm sáu đến lô bảy ba là những lô xa nhất. Vào những ngày quang trời đứng ở đấy có thể nhìn thấy dòng sông Đà xanh mờ lô xô sóng núi. Hai mẹ con cô sống trong một ngôi nhà vách đã tụt gần hết. Cần gì nhỉ, bởi hai mẹ con cô suốt ngày ở trên rừng, vả lại ngoài mấy bộ quần áo và tấm chăn mẹ con cô có gì để mất đâu? Cô viết thư cho chị Thân kể với chị tất cả những gì đã xảy ra đối với cô trong những ngày tháng qua và nhờ chị bênh vực hộ. Nhưng niềm hy vọng của Sao đã bị sụp đổ, Nhài bảo cho cô biết chính chị Thân đề nghị nhà trường xem xét lại trường hợp của cô trong lần đến làm việc với trường. Sao nắm tay Nhài lắc mạnh:

– Ai bảo mày thế?

Nhài vênh mặt.

– Khối người, mà tao nghe mọi người đồn như thế đấy.

Mặt Sao tái đi .

– Tao chả tin, chính chị Thân đề nghị và ký quyết định cho tao đi học kia mà…

– Mày tin hay không thì tuỳ mày, nhưng tao nghĩ mọi người nói đúng. Mụ Thân thâm hiểm lắm, đã thù người nào thì người đó chỉ có chết.

Sao nghĩ bụng: Nếu thật vậy thì sao? Trời ơi, lẽ nào ở trên đời này lại có người tàn ác như thế? Rồi cô tự hỏi: Có phải vì Hưng đã vô tình kể câu chuyện tình của chị Thân cho ai, rồi sau đó được người ta thêu dệt thêm, khiến danh dự của chị bị bôi nhọ, con đường công danh của chị bị ngăn cản? Bởi thế chị tìm cách trả thù?

Lòng Sao như tã ra, trên đời này còn ai để Sao tin nữa? Người mà cô kính trọng và quí mến, cô ký thác tất cả niềm tin và hy vọng lại chính là người đã hãm hại cô. Sao cảm thấy mọi người như ghét bỏ, xa lánh mẹ con cô như sợ mẹ con cô vấy bẩn. Buồn bã và cay đắng hai mẹ con Sao sống lặng lẽ bên nhau trên cái triền núi hoang vắng đêm đêm rợn tiếng tru của lũ chó sói. Sao hy vọng rồi thế nào mai ngày mọi người sẽ hiểu và chuyển mẹ con cô xuống gần lâm trường để tiện cho thằng Núi đi học. Cho đến một hôm thằng Núi tự nhiên lăn ra ốm, buổi sáng hôm ấy nó bỏ cơm, ngáp và kêu chóng mặt, Sao sờ trán con chỉ hơi nóng, cô nghĩ: Cu cậu hôm qua dãi nắng nay mới sổ mũi đây… Thằng bé vẫn hay sổ mũi vặt như thế, nên cô vẫn cứ để nó ở nhà, cô cố phát nốt đoạn tiếp giáp giữa hai lô để cuối tuần đội tới nghiệm thu, quá trưa cô mới về, thằng Núi nằm bẹp trên giường, mặt đỏ bừng bừng người nóng như hòn than, nó nôn đầy ra chăn chiếu. Sao hoảng hốt, cô vội cho nó uống thuốc, cơn sốt lui dần, buổi chiều nó ăn được mấy thìa cháo nhưng đến đêm thì nó sốt cao, vừa nôn vừa đi ngoài, phân lờ lờ như sữa. Người thằng bé hao đi rất nhanh, mặt bé choắt, đôi mắt trắng dã đờ đẫn, nó thở khò khè nặng nhọc. Thỉnh thoảng Sao lại lay nó, giọng cô thảng thốt.

– Núi ơi, Núi ơi…

Thằng Núi nằm mê mệt đầu ngoẹo về một bên, hay tay duỗi dài mền oặt. Sao chợt nhớ nửa tháng trước người Mông ở Chế Hạng bị dịch tả, còn hôm kia mẹ con cô sang Tà Khâu Rin cạnh Chế Hạng ăn cưới. Cô rùng mình: Hay thằng Núi bị lây dịch tả? Tim Sao thắt lại, cô bế thằng Núi lên tay, người nó mềm nhẽo như tàu lá héo, nước mắt sao rơi lã chã xuống mặt nó.

– Núi ơi! Núi ơi! Con đừng bỏ mẹ nhé, Núi ơi…

Sao đặt vội thằng Núi xuống giường, cô giở tất cả các gói, các bọc mà chẳng biết cho nó uống thuốc gì. Cô liều véo một ít nhựa cây thuốc phiện hơ lên ngọn đèn rồi hoà vào nước đổ cho thằng Núi uống. Đây là bài thuốc chữa bệnh đi ngoài của bà con vùng cao, chẳng còn cách nào khác, nếu nó làm sao thì cô cũng đành chịu, giữa núi rừng hoang vắng không biết kêu ai, trạm xá lâm trường đi cả đêm chưa tới, cô biết làm sao được? Thằng Núi càng lả đi. Trời ơi, thằng Núi sẽ chết mất thôi, Núi ơi! Nếu con có sao thì xin con đừng oán giận mẹ nữa nhé Núi ơi. Sao cuống cuồng bọc nó vào chiếc chăn chiên rồi địu nó lên lưng sấp ngửa bước ra khỏi nhà đi như chạy. Đêm ấy cũng như mọi đêm lũ sói vẫn lảng vảng quanh nhà, tiếng chúng tru nghe hoang rợn lắm.

Không biết mẹ con Sao đi đâu, mọi người kháo nhau cô trốn lâm trường bỏ về bị lũ sói ăn thịt, bởi sau đó họ tìm thấy nhiều vết máu trong thung lũng Huổi Mèn.

Hai tháng sau gia đình Sao và chính quyền địa phương nhận được thông báo của lâm trường Ta Khao cho biết hai mẹ con cô bị mất tích, kèm theo là quyết định kỷ luật về tội đào nhiệm.

Đêm ấy Sao cõng thằng Núi vượt dãy Ta Khao tắt đường xuống Mường Po. Thật may mắn cho cô, sau khi cô liều cho thằng Núi uống ít thuốc phiện nó thôi không đi ngoài nữa, cô đưa nó vào trạm xá của Đoạn giao thông Mường Po, họ liền chuyển nó về bệnh viện huyện. Sau gần nửa tháng điều trị hôm ra viện cô không trở lại lâm trường mà cõng thằng Núi về quê bất chấp mọi lời dị nghị, cô kể cho gia đình và làng xóm nghe tất cả những gì đã đến với cô trong những năm tháng vừa qua. Mọi người thở dài, họ giúp cô dựng một ngôi nhà cuối làng: “Dẫu sao mẹ con nó cũng là một gia đình”.

Năm ấy thằng Núi lên 6 tuổi vừa đến tuổi cắp sách tới trường.

14.

Cô gái chợt hỏi Sao.

– Thế còn Thân, bà ấy đã có gia đình chưa hả cô?

Sao lắc đầu.

– Lâu rồi cô không được tin về người đó, nhưng một điều chắc chắn Bảo đã mất rồi. Những người ở lâm trường ai cũng căm ghét mụ, mọi người đồn rằng Bảo bị mụ đẩy vào bộ đội để bịt đi câu chuyện tình của họ. Mọi người còn nói mụ hiến thân để tiến thân…

– Cô ơi! Cô gái kêu lên thảng thốt- Như thế thì khủng khiếp quá…

– Nhưng đó là sự thật cháu ạ…

Trời sáng dần, chỉ còn cách một ga nữa là đến ga Rừng. Im lặng một lúc lâu Sao kể tiếp:

Thằng Núi học giỏi, sau khi tốt nghiệp phổ thông nó đủ điểm để đi học ở nước ngoài, nhưng người ta không cho nó đi, mặc dù nó đã xách valy tới chân cầu thang máy bay, họ bắt nó quay về vì “Lý lịch không rõ ràng”. Nó tức đến phát điên ném tấm hộ chiếu đi.

– Con sẽ chẳng đi đâu cả, ở nhà làm giàu…

Nó bàn với Sao bán tất cả số tre quanh nhà rồi vay vốn ngân hàng mua một cỗ máy xát gạo, nghiền ngô, lúa, sắn, khoai… phục vụ bà con trong xã. Sau một năm nó thu đủ vốn, rồi nhận thầu khoán tất cả số ao trong làng mà bấy lâu nay hợp tác xã không nuôi thả gì, rồi nhờ người nạo vét, dọn vệ sinh, đắp lại bờ… Tháng ba nó mua cá bột về ương trong các ao đó, sau vài tháng thì gạn bán cá con cho các làng xung quanh, thời gian còn lại thì nuôi cá thịt. Được hai vụ hợp tác xã không cho nó thầu nữa, chuyển số ao đó cho đội chăn nuôi. Nó xoay ra đóng gạch, trước tiên nó vật đất ở vườn lên đóng thử, đốt được vài lò, chất lượng gạch tốt nhiều người đến đặt mua, nó xin thầu đất đồng Khoang. Công việc của thằng Núi đang khá dần lên thì nó có giấy gọi nhập ngũ, nó cười khẩy:

– Người ta không muốn con làm giàu trước mắt họ, ngứa mắt thì họ đẩy đi thôi. Là nghĩa vụ thì không thể trốn tránh được, mẹ cứ yên tâm, bộ đội nghĩa vụ chỉ vài ba năm là con được về, lúc đó con mới xây nhà, đời của mẹ khổ quá rồi…

Trước lúc lên đường thằng Núi dỡ túp lều lụp xụp, dựng cho Sao ngôi nhà gỗ ba gian lợp ngói. Đối với Sao chẳng mong gì hơn thế, nhưng Sao không muốn xa nó, tuy lớn vậy nhưng nó còn khờ dại lắm. Hôm đưa tiễn, nó không dám nhìn vào mắt Sao, dăm lần bảy lượt nó giục Sao về.

– Mẹ về đi, xin mẹ đừng lo nhiều về con kẻo ốm! Con lớn rồi, nào còn bé bỏng gì nữa đâu?

Thằng Núi lẩn vào giữa những người ra đi hôm ấy để khỏi nhìn thấy Sao. Bạn bè của nó sau này trở về kể lại thằng Núi khóc suốt dọc đường, Sao thấy cay cay ở sống mũi, chị chép miệng: “ Cái thằng con trai, nom thế mà yếu đuối”.

Nó nhập ngũ tháng giêng năm 1982 thì tháng bảy năm 1986 nó hy sinh ở biên giới Tây Nam. Sao sững người khi nghe tin thằng Núi mất, đau khổ và chán chường chỉ qua mấy đêm không ngủ mái tóc của Sao bạc trắng, lũ trẻ con thường ngày gọi Sao là cô, nay chúng gọi Sao là bà. Bà Sao. Những lúc nhớ con Sao đi lang thang khắp làng, lẩm bẩm một mình những câu gì chẳng rõ. Mọi người cho rằng Sao mắc bệnh tâm thần, rồi người ta đưa Sao vào Bệnh viện tâm thần. Sau mấy tháng điều trị tại đó, Sao đã trốn khỏi cái bệnh viện khốn kiếp ấy chạy lên chuyến tàu này.

15.

Trời sáng hẳn, vừa lúc tàu tới ga, hành khách còn lại rất ít, họ lục tục kéo nhau xuống. Mấy người đi đào vàng họ chuyển cuốc chim, xà beng, máng đãi, gầu tát… qua cửa sổ con tàu. Một người hỏi Sao:

– Bà cũng xuống ga này?

– Thưa ông, vâng. Còn ga nào nữa đâu?

– Bà có đồ đạc gì nặng đưa tôi xách giùm xuống.

– Cảm ơn ông, tôi chả có gì nặng cả…

Sao đỡ cô gái đứng lên, hai người dìu nhau xuống ga. Chợt cô gái quay lại, mặt cô bé nhợt nhạt.

– Cô ạ, cháu quyết định rồi. Nghe nói ở đây có nhà hộ sinh… cô làm ơn đưa cháu tới đó nhé…

Cô gái đặt vào giữa lòng bàn tay Sao đôi hoa tai.

– Của mẹ cháu tặng cháu đó. Chẳng còn cách nào khác, cháu đành bán đôi hoa tai này thôi cô ạ… Cháu phải về với mẹ cháu, bà cũng như cô, suốt đời khổ…

Cô gái ôm lấy vai Sao khóc nức nở, Sao im lặng. Hai người dìu nhau ra khỏi ga. Một tuần sau Sao dẫn cô gái trở lại ga Rừng, chị giúp cô gái mua vé rồi đưa cô lên tàu xuôi. Còn Sao, chị đi về phía những người đào vàng đã đi sớm ấy.

1989-1990

Viết trong nhưng ngày nhớ mẹ,

nhớ Ly -Vũ thân yêu

Sửa lại tháng 9-2006

T.S.

Comments are closed.