Đêm chạy trốn (kỳ 2)

Tiểu thuyết

Thái Sinh

3.

– Ai xôi nóng đơi…ơ…ơi…

– Chè tươi nóng ròn đây…

– Bánh chưng, bánh dẻo, bánh giò đây. Ba trăm một chiếc… ai gọi đó? Vâng, có đây thưa bà. Chúng con là người phục vụ tận tâm nhất đấy bà ạ…

Con tàu khập khừng rồi từ từ dừng lại, người trong toa nhốn nháo hẳn lên, đám buôn cá khô, chăn bông…từ mọi chỗ trong toa bật cả dậy:

– Buông cửa xuống, đây là ga rau, chúng tống rau lên cả mặt bây giờ….

– Nước đơi, chè tươi nóng giòn đơ…ơi…

– Ai xôi nóng đây…

– Trong toa tàu, dưới sân ga náo loạn với đủ thứ âm thanh, mọi ngôn ngữ nghe nhức óc.

-Em ăn bánh giò nhé – Người con trai quay sang phía cô gái cô gái – Bánh giò ở ga này ngon nổi tiếng đây em ạ.

– Em không đói, giá lúc này được một cốc nước dừa nhỉ?

– Hay em dùng nước cam. Nhưng thôi, để em xuống ga xem có quán nào bán dừa không?

– Thôi anh ạ, tàu sắp chạy rồi.

Một bóng người cao lớn từ phía trong nhoai người ra đột ngột rập cửa sổ xuống, cô gái đang gác khuỷu tay lên thành toa kịp rụt lại.

– Muốn chúng nó ném cứt lên mặt hả? Cái bóng người cao lớn gầm ghè.

– Ông muốn buông cửa sổ xuống ông phải bảo người ta chứ? Người thanh niên cự lại.

– Mù à, mày không thấy chúng nó đang vứt rau lên mặt hay sao?

– Nhưng đây là tàu nhà nước, chẳng thằng đếch nào cấm được họ.

-Tao cấm! Mẹ kiếp, mày muốn gì hả?

Cô gái vội kéo áo người bạn trai của mình lại, giọng cô gần như van nài.

– Thôi, thôi em xin các anh, làm gì mà các anh phải ầm ĩ lên thế?

– Này cô em thân mến, cô hãy dạy cho thằng đực của cô sống phải biết điều, bớt cái hung hăng đi kẻo bọn này vặn cho gãy cổ đấy.

– Ha…ha…hô…hô…Sáu trọc ơi, lại đây. Khá lắm!

Người con trai hậm hực ngồi xuống, bóng Sáu trọc như bơi trong cái đám người hỗn độn nhập nhoà khói thuốc. Các cánh cửa sổ lần lượt buông xuống, ánh đèn của cây đèn bão chỉ đủ toả một vầng sáng đục giữa toa, lúc này toa tàu càng trở nên ngột ngạt hơn, mùi người, mùi cá khô, mùi rau úa… quyện vào nhau không khí tưởng như đặc quánh lại. Những người dưới sân ga dùng đòn gánh nện côm cốp vào các cửa sổ, họ la hét ầm ĩ: “Mở ra! Mở ra…”

Bố con người hát rong từ đầu toa đi lại, tiếng người chợt ắng đi, hai bóng người còm cõi hiện lên trong ánh sáng đỏ đục của ngọn đèn.

– Thưa các quí ông, quí bà. Chúng con là những kẻ đui mù tàn tật. Hôm nay chúng con mang đến tặng các quí ông quí bà lời ca tiếng hát, để quí ông quí bà đỡ sốt ruột trên chuyến tàu dằng dặc đêm nay.

Tiếng nhị ư ử cất lên cất lên cùng với đôi giọng hát một già một trẻ với cung bậc khác nhau nghe vừa ngộ nghĩnh vừa xót xa: “Một đôi lời, một đôi lời nhắn bạn tình ơi. Thề non nước giao ước kết đôi, trăm năm tạc dạ. Dù xa cách song tình thương chớ phụ thì thôi…”

– Bố già ơi, chuyến tàu nào tôi cũng chỉ nghe bố ca quanh quẩn mấy bài cổ lỗ sĩ ấy. Cho một bài mới đi, tân cổ giao duyên mà…

Ngập ngừng một lát, ông bố cúi xuống nói gì với đứa con gái đang đong đưa cây đèn sắt trên tay, ông ngẩng gương mặt ngây thộn nhìn ra xung quanh.

– Vâng, theo yêu cầu của các quí ông, quí bà cha con tôi xin phục vụ những bài hát mới.

Tiếng nhị lại rền rĩ cất lên, đứa con gái khép hai tà áo lại cổ vươn ra phía trước, nó cố lấy hết hơi để hát: “Con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa xuân, qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi…”

– Bố tướng chưa, Thanh Hoa cứ phải lạy sát đất…

Chiếc nón rách chìa về phía những gương mặt lờ mờ, nhiều tiếng thở dài.

– Thưa quí ông, quí bà thương cho những kẻ tàn tật này…

– Toàn tiền chẵn thôi, chẳng có tiền lẻ đâu. à, đây rồi, tìm thấy hai đồng tiền lẻ. Tiền cũ đấy, quí lắm!

– Ha… ha… Có lẽ vài ba trăm năm sau những đồng tiền hôm nay lại được bán đấu giá cho các viện bảo tàng và những người chơi tiền cổ, lúc đó tha hồ đắt. Các nhà sưu tầm tiền cổ sẽ phải mất bao nhiêu thời gian để nghiên cứu những đồng tiền của cái thời loạn tiền, loạn giá này nhỉ? Thời, giá của đồng tiền liên tục mất giá, thời con người sống trong vinh quang mà đói khổ. Ngày xưa ba hào một bát phở không người lái, năm hào một bát phở có người lái. Vậy mà bây giờ là một ngàn, hai ngàn… Loạn thật! Loạn thật!

Chiếc nón rách chìa về phía Sao, chị giật mình. Lúc này Sao mới nhớ ra khi trốn khỏi bệnh viện chị chẳng đem theo một thứ gì, vậy mà không biết bằng cách nào đó chị lọt được vào ga, len được tới đây. Sao cúi xuống như thể tránh cái nhìn của đứa bé, giọng chị thầm thì.

– Hãy tha lỗi cho cô, cháu ơi…

Chiếc nón lại run rẩy chuyển sang phía đôi trai gái. Người con trai dựa đầu lên đôi vai người con gái tựa như đang ngủ, cô gái mở chiếc ví mà cô đang đeo ở cổ tay rút ra mấy tờ giấy bạc đặt vào nón đứa trẻ.

– Chị chẳng có nhiều đâu em ạ.

– Cảm ơn quí bà.

Người con trai bừng tỉnh dậy, giọng anh ta hơi sẵng.

– Em vừa cho tiền cha con nhà lão hát rong?

– Vâng, còn mấy đồng tiền lẻ mà anh…

Ngật đầu ra sau ghế người con trai ngáp dài.

– Chúng ta không quá dư tiền đâu em nhá.

Con tàu huýt một hồi còi dài làm cha con nhà lão hát rong cuống quýt.

– Tàu sắp chạy rồi, nhanh lên, xuống tàu đi con…

Bàn tay đứa bé khua vội trong lòng chiếc nón rách, bất ngờ chạm phải một bàn tay to bè nào đó cũng vừa thò vào.

– Thưa ông….

– Đồ nhãi, ông thì tát cho vỡ mặt cái thói ăn cắp bây giờ.

– Bố ơi!…

– Nhanh lên con, tàu sắp chạy rồi …

Hai bố con lão hát rong dắt díu nhau khuất chìm vào cái đám người đang nhốn nháo. Con tàu rùng mình một cái thật mạnh rồi từ từ chuyển bánh.

Các cánh cửa sổ của con tàu lại bắt đầu kéo lên, Sao nhìn xuống sân ga, những ngọn đèn dầu xanh lét như những con đom đóm đực di chuyển loạn xạ trên sân ga. Sao không thể nhận ra trong vô vàn những ngọn đèn kia ngọn đèn nào của cha con người hát rong. Cũng giống như Sao cô gái thờ thẫn nhìn về phía sân ga, gió thổi ào ào qua mái tóc họ, cô gái chợt quay lại hỏi.

– Bao giờ lại có chuyến tàu xuôi qua đây hở anh.

– Mười hai giờ, hình như thế – Người con trai đáp hơi cáu kỉnh.

Sao thở dài, đêm nay ở dưới cái sân ga kia có ai để ý tới hai bố con nhà lão hát rong đang ngủ gà ngủ gật trong một xó xỉnh nào đó để chờ chuyến tàu mười hai giờ đêm nay? Tiếng nói chuyện dần dần lắng xuống, ngọn đèn bão treo trên nóc toa tàu cứ lắc lư, lắc lư quét một vầng sáng đục qua những gương mặt nhợt nhạt vì mỏi mệt. Cô gái trùm chiếc khăn lên đầu hướng mặt về phía Sao hỏi khẽ.

– Cô có lạnh không? Cháu buông cửa sổ xuống nhé.

– Cũng hơi lạnh – Sao đáp – Nhưng chả sao, cứ để như thế cho thoáng cháu ạ.

Hai người cùng hướng mặt ra phía ngoài, những bóng cây loang loáng chạy vùn vụt ngược lại phía sau, xa tít ngoài kia con sông hiện mờ mịt trong màn sương trắng đục, ngọn đèn của những người đánh cá đêm lặng lờ trôi trên mặt nước. Cơn buồn ngủ loãng dần và bây giờ thì Sao không tài nào ngủ được, chị căng mắt nhìn ra ngoài, mọi vật đều đen đúa và huyền ảo. Chị không tài nào mường tượng nổi cái gì sẽ đến với chị ở phía đầu đường kia, ngày mai chị sẽ đi đâu về đâu? Nỗi hoảng sợ và ý thức chạy trốn dồn đẩy chị lên chuyến tàu này mà chị không cần biết chuyến tàu sẽ chạy tới đâu. Sao nhớ rất rõ ngày ấy lâm trường Ta Khao có bảy đội, Sao ở đội ươm cây, những ngày đầu cô làm công việc bứng cây con gói bầu đất vào lá dong đặt trong các luống có mái che, tháng tư khi mưa xuống người ta gánh những bầu thông đã bén rễ đó lên núi. Hưng hướng dẫn tỷ mỷ cho Sao từ cách bứng cây con đến việc gói bầu, cô đặt bầu cây xuống nhìn Hưng ái ngại.

– Ôi, sao em vụng về thế này nhỉ, những bầu cây em gói cứ bị bung ra thế kia?

– Sao gói nhẹ tay quá, phải gói chặt tay chút nữa Sao ạ…

Vừa vuốt ve những chiếc lá thông non, đôi mắt Hưng sáng long lanh vẻ mừng rỡ.

– Chỉ mười năm nữa thôi những cây thông chúng mình trồng hôm nay sẽ khép tán Sao ơi…

Anh đứng dậy bươn bả đi về phía cuối vườn ươm, gần trưa Thân đi tới, nhìn lướt qua số bầu cây Sao vừa bứng ra chị hỏi gay gắt.

– Từ sớm tới giờ cô mới bứng được bằng này thôi à?

– Dạ, thiếu năm chục nữa là được năm trăm.

Nhắc một bầu cây lên Thân lắc đầu.

– Có lẽ phải chuyển cô sang làm công tác khác thôi. Tháng trước cô không đạt định mức, rồi tháng này nữa, thật là khó hiểu…

Hôm ấy Sao về rất muộn, trăng vượt qua dãy Ta Khao chừng hai sải tay, vầng trăng như con mắt thiếu ngủ bệch bạc, mệt mỏi bập bềnh trôi qua những đám mây. Về đêm gió chừng đã ngớt, mặt đất phả hơi nóng hổi, mùi cỏ tranh cháy thơm thoảng như mùi mía nướng. Người Sao đau ê ẩm, suốt ngày nay không một phút Sao ngừng tay, cho đến tận lúc này Sao vẫn không đạt nổi định mức, nhưng cớ gì chị Thân lại nhìn Sao với con mắt khó chịu và thù hằn như thế? Chị Thân có mặt ở đây từ những ngày đầu thành lập lâm trường, trong đội ươm cây duy nhất chỉ có một mình chị là đảng viên, Sao đã một lần nghe ai nói chị là người đàn bà có nhiều tham vọng. Chị hơn Sao chục tuổi, phải nói chị là người phụ nữ đẹp, thân hình tròn lẳn và cân đối, mái tóc đen dày đổ xuống đôi vai thon thả, nhưng chưa một lần chị buông tóc chỉ trừ khi gội đầu, còn lúc nào tóc chị cũng búi cao càng khiến gương mặt chị đẹp một cách kiêu hãnh. Là đội trưởng chị trực tiếp điều hành công việc hàng ngày, buổi sáng chị dậy từ lúc năm giờ, mùa đông trời còn tối đất, lạnh buốt, mùa hè đất trời còn ướt hơi sương, sau hồi kẻng róng riết là bước chân của chị đi tua suốt mấy dãy nhà, ai lơ là bị nhắc nhở liền, sáu giờ ăn cơm, bảy giờ chuẩn bị dụng cụ, bảy rưỡi đi làm. Còn buổi tối đúng chín giờ tất cả mọi người đều phải tắt đèn đi ngủ, nhất loạt mọi người phải hành động theo tiếng kẻng.

Đội ươm cây chỉ có hai người thuộc “đấng mày râu”, đó là Hưng và Bảo, Hưng xấp xỉnh tuổi chị Thân, phụ trách kỹ thuật, còn Bảo được mọi người âu yếm gọi là cậu út của đội, mặc dù Bảo hơn Sao ba tuổi. Bảo đẹp trai nhưng chậm chạp và hiền lành, suốt ngày quanh quẩn bên con trâu hát nghêu ngao những bài hát không đầu không cuối. Chị Thân vẫn thỉnh thoảng sai Bảo làm những việc lặt vặt giúp chị như bổ củi, nấu nước gội đầu… Bảo sung sướng làm những việc đó như là một ân huệ. Những người trong đội ươm cây nhìn chị Thân với con mắt nể sợ, họ phục tùng chị một cách tuyệt đối. Có một người không phục chị Thân đó là Nhài, Nhài nhanh nhẹn và tháo vát, cô có tài bắt chước, những lúc nghỉ giải lao Nhài thường bắt chước giọng nói và những động tác của người này người nọ khiến mọi người cười bò ra đất. Một hôm Nhài chống hai tay vào hông bắt chước Thân trong buổi họp, với cái giọng rin rít qua hai hàm răng.

– “Đồng chí Nhài ạ, đây không phải là cái chợ để đồng chí muốn làm gì thì làm đâu nhá. Chủ nhật trước đồng chí không tham gia lao động lấy tiền xây dựng câu lạc bộ lâm trường, chủ nhật vừa rồi đồng chí cũng không tham gia lao động công đoàn. Chúng tôi không thể nào hiểu nổi tại sao đồng chí lại hay ốm vào những ngày lao động cộng sản thế? Rồi đồng chí lại hay mang những chuyện yêu đương nhăng nhít để đầu độc tư tưởng chị em…”

– “Vâng, tôi ốm thật đấy chứ không phải ốm vờ đâu. Ôi, lạ quá! Chủ nhật nào người ta cũng tổ chức lao động, đủ thứ lao động với những cái tên rất đẹp làm sao. Tôi chẳng phản đối những buổi lao động ấy, nhưng ít ra cũng phải cho chúng tôi có chút thời gian may vá, quần áo chúng tôi rách hết cả rồi. Còn chuyện riêng ư? Xin đồng chí khỏi lo, ở đây chẳng có đàn ông để chúng tôi quan hệ nhăng nhít. Vâng, chỉ vài năm nữa chúng tôi sẽ trở thành những bà lão, hẳn lúc đó chúng tôi sẽ sống từ bi hơn…”

Sao bước đi chếnh choáng, người ta đang đồn rằng Nhài sẽ không được ở đội ươm cây nữa Nhài sắp điều về đội sáu chuyên phát rừng cuốc đất, hất mạnh mái tóc ra phía sau, mặt Nhài sắt lại bật cười khanh khách.

– “Thì ở đây cũng cuốc đất tưới cây nào có hơn gì nơi ấy, xem ra đất trời này đâu cũng thế cả thôi! Người ta không ưa mình thì mình đi – Nhài quay lại véo một cái thật mạnh vào má Sao – Mày trẻ và đẹp quá thì liệu hồn đấy, người ta đọc được cái nhìn khinh khỉnh trong con mắt của mày…”

Dừng lại bên tảng đá chỗ con đường rẽ xuống suối, Sao búi lại tóc chảy loà xoà xuống vai, cô chợt nghe tiếng nói chuyện rì rầm của đôi trai gái đang đi lại phía mình, Sao đứng khuất vào sau tảng đá, vừa lúc hai bóng người đi tới, họ im lặng bước lên phiến đá mặt khá bằng phẳng ngay cạnh chỗ Sao đang đứng vừa đúng một sải tay. Dường như chỗ này là nơi họ thường xuyên đến ngồi tâm sự. Sao nín thở, cô tự trách mình sao lúc này lại có mặt tại đây, còn gì lố bịch hơn khi nghe lỏm chuyện riêng của người khác? Mình có rình mò họ đâu, một sự tình cờ đấy chứ? Sao cãi lại chính mình, nhưng rồi sự tò mò đã níu giữ Sao lại, tiếng người con trai nhỏ nhẹ, đúng tiếng Bảo, không thể ai khác.

– Hình như anh Hưng biết được chuyện của tôi và chị.

Người con gái thở dài, im lặng một lúc lâu mới lên tiếng.

– Có phải vì thế khiến anh băn khoăn?

Ngực Sao thóp lại, trời ơi chị Thân! Có lẽ nào lại như thế này nhỉ? Cô không thể ngờ, càng không thể ngờ cái sự đang diễn ra rõ ràng trước mắt kia. Chị Thân hơi ngước mắt lên, trăng không sáng lắm nhưng đủ soi rõ gương mặt đang héo đi vì đau khổ của chị. Một cái gì đó trong Sao sụp đổ, cô nhìn trân trân lên vòm trời, vầng trăng đỏ đục vùn vụt lướt qua những đám mây, đầu óc Sao mụ mị, trước mắt cô thoáng hiện lên gương mặt kiêu kỳ và cái nhìn soi mói, ghẻ lạnh của người đội trưởng như chập đôi lại với gương mặt đầm đìa nước mắt kia…

– Bảo ơi!…

Thân gục đầu vào ngực Bảo khóc nức nở, bờ vai Thân rung lên theo tiếng khóc, Bảo vòng tay ôm lấy ngang người chị kéo sát vào ngực mình.

– Đừng khóc nữa chị Thân. Tôi van chị, đừng khóc nữa …

Sao cắn vào tay mình như thể vùi lấp một cái gì đó vừa dâng đầy trong ngực, tự nhiên cô cảm thấy hổ thẹn vội nhắm nghiền mắt lại không muốn nhìn sự việc đang diễn ra trước mắt kia, bất thần Sao ôm đầu bỏ chạy, cô chạy tơi bời dưới ánh trăng lễnh loãng. Ngã, cô vùng dậy, chạy tiếp. Cô chạy một mạch về tới nhà, mọi người đều đã ngủ, cô không rửa chân cứ lao vào giường mà ngủ. Sớm dậy Thân mỉm cười hỏi Sao.

– Đêm qua em đi đâu về muộn thế?

Mặt Sao đỏ bừng, cô lắc đầu vội ngoảnh đi.

– Đêm qua em lên giường sau khi kẻng một lúc chị ạ…

Nụ cười trên môi Thân tái nhợt, đôi mắt sắc lạnh chiếu cái nhìn vào người Sao một lời hăm doạ: “ Cứ liệu đấy, cô đừng bịp tôi!” Giọng Thân trở nên ân cần.

– Trông em dạo này xanh quá, công việc ở đây không hợp với em phải không? Hôm vừa rồi lên lâm trường họp, chị nghe nói tới đây lâm trường sẽ cử một số người đi học lớp y tá về phục vụ lâm trường, nếu em có nguyện vọng chị sẽ giúp em nói với mấy vị lãnh đạo ở trên đó.

Sao cúi xuống giọng lí nhí.

– Dạ, cảm ơn chị…

Hai tháng sau Sao nhận được quyết định điều động về trại nuôi bò của lâm trường ở thung lũng Hua Lanh, cô hơi bất ngờ và tự hỏi: Tại sao sự thể lại như thế này? Với mọi người và chị Thân, Sao chẳng làm điều gì đáng phàn nàn, với công việc cô cố gắng đạt đủ định mức. Trong cuộc họp sơ kết công tác sáu tháng đầu năm chị Thân đã biểu dương thành tích của Sao trước toàn đội kia mà.

Cái tin Sao bị điều lên thung lũng Hua Lanh làm cho tất cả mọi người sửng sốt. Chẳng một ai hiểu rõ nguyên cớ vì sao, ở đây trong cái lâm trường này mọi người đều ngầm hiểu rằng: Những ai bị điều lên đó nếu không bị kỷ luật thì cũng là người có vấn đề. Có lẽ nào cái con bé hiền lành như vậy lại có những chuyện khuất tất nhỉ? Biết đâu đấy, hay quan hệ nhăng nhít? Cái tay Hưng hay đứng trò chuyện với nó cũng chẳng phải là người đứng đắn lắm đâu. Họ cách ly à? Không rõ! Nhưng con bé có đi sớm về khuya đâu, tối nào nó cũng ngủ trước chúng ta kia mà. Năm ngoái đằng ấy có nhớ ai đã kêu toáng lên khi thấy lửa cháy trên núi kia, có phải là nó không? Gớm nhỉ! Việc gì mà các vị phải ồn ĩ lên thế, chế độ ta cho phép tự do luyến ái, tự do tìm hiểu, sao coi chuyện ấy như là chuyện phản quốc thế? Tự do không có nghĩa là bừa bãi kiểu giống đực giống cái như xã hội tư bản. Nhưng ở đây ai bắt được họ ăn nằm với nhau? Đấy là nói thế, giả dụ như vậy thôi. Cái gì cũng phải có chứng cớ rõ ràng, không nên hàm hồ, nếu có ai cũng đặt điều cho tôi và bà có chuyện này chuyện khác thì bà nghĩ gì? Cây ngay không sợ chết đứng, tất nhiên tôi sẽ gang họng kẻ đặt điều. Vậy mà có người đặt điều cho nó. Ai? Ai hả? Lên mà hỏi chị Thân, bà đội trưởng kính yêu của chúng ta đấy. Thì đi, tôi chẳng thể chịu được cái kiểu nghi nghi hoặc hoặc lẫn nhau như thế này mãi được. Thế là Nhài cùng năm sáu người kéo nhau đi. Mọi người rụt rè đùn đẩy nhau không ai dám bước chân vào trước, Thân đang ngồi cắm cúi ghi chép trên cái bàn ọp ẹp thấp lè tè, chị ngẩng lên đôi lông mày hơi nhíu lại vẻ khó chịu. Như đoán biết điều chẳng lành, Thân đứng lên chị cố lấy giọng bình tĩnh.

– Kìa các bạn, có chuyện gì thế?

Mọi người đều cúi xuống im lặng, trong đội ươm cây mọi người đều nể sợ Thân, chẳng ai dám đấu khẩu với chị ngay cả trong cuộc họp, họ ngắm nhìn chị từ xa hay từ phía sau lại, ai cũng thầm ước ao giá mình có được cái sắc đẹp trời cho như chị. Thân bật cười, tiếng cười của Thân vụn như tiếng thuỷ tinh vỡ.

– Có việc gì mà mọi người kéo nhau tới đây như đi biểu tình vậy?

Nhài bước tới, giọng cô run lên uất ức.

– Chẳng biểu tình biểu tót gì đâu. Chúng tôi đến đây đề nghị chị giải thích vì lẽ gì cái Sao bị điều lên Hua Lanh như một người bị kỷ luật thế?

– Đó là chuyện của tổ chức – Giọng Thân hơi gay gắt.

– Nhưng ít ra chị cũng phải biết được điều đó chứ?

– Lẽ dĩ nhiên là thế. Nhưng nếu đây là sự thử thách thì sao?

– Vô lý, tất cả mọi người ở lâm trường đều biết những ai bị điều lên cái thung lũng Hua Lanh chết tiệt ấy không phải là người bị kỷ luật thì cũng là người có chuyện này chuyện khác. Nếu không thì cái Sao bị người trù đập, hãm hại…

– Đó là lối suy diễn hàm hồ – Thân cáu kỉnh – Chẳng lẽ tất cả chúng ta lên dây đều bị hãm hại hay là sự tình nguyện? Nếu tổ chức cần một người như sao lên Hua Lanh để vực dậy cái tổ chăn bò thì có thể gọi việc làm đó là hãm hại? Còn bây giờ nếu mọi người không có ý kiến gì khác, tôi yêu cầu tất cả giải tán. Tôi sẽ phản ánh việc này lên Ban giám đốc và Đảng uỷ lâm trường.

Thân khoát tay mặt hầm hầm tức giận quay vào nhà.

Ngay tối hôm đó Chi đoàn triệu tập một cuộc họp bất thường, không khí cuộc họp càng trở nên nặng nề khi cán bộ Đoàn giới thiệu chị Thân bí thư Chi bộ đến dự, vấn đề phân công Sao lên công tác ở Hua Lanh được đưa ra phân tích. Thân ngồi im lặng theo dõi cuộc họp với sự chăm chú đặc biệt, chị ghi chép và gạch chân những dòng chữ cần thiết. Mọi người phát biểu rụt rè và thận trọng, nhiều người không dám phát biểu. Thân gợi ý việc làm của Nhài và mấy người kia xuất phát từ động cơ nào, phát huy quyền tự do dân chủ hay chống đối lại tổ chức, chống lại Đảng (vì đồng chí giám đốc đồng thời là bí thư Đảng uỷ lâm trường). Đó là tư tưởng ngại khó, ngại khổ hay là biểu hiện của của sự chống phá công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc? Hiện nay Đế quốc Mỹ đang tung gián điệp ra miền Bắc cài cắm người vào các tổ chức của ta, chúng sẽ phá ta từ trong phá ra. Việc làm của Nhài nhằm mục đích gì, có phải gây rối hay phá hoại lâm trường? Địch có thể lợi dụng chuyện này và chúng loa lên rằng đây là cuộc biểu tình thì vấn đề đó không đơn giản nằm trong phạm vi lâm trường. Thế giới sẽ nhìn nhận công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như thế nào? Nó sẽ ảnh hưởng tới cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đồng bào miền Nam có còn tin tưởng ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa – hậu phương vững chắc của tiền tuyến anh hùng hay không?

Mọi người đều giật mình, không ngờ cái chuyện đôi co lại hoá ra phức tạp, lắm vấn đề. Cuộc họp kéo dài thêm hai buổi tối nữa, những người cùng Nhài lên gặp chị Thân đều phải làm kiểm điểm để Chi đoàn phân tích, góp ý. Chi đoàn nghị quyết khai trừ Nhài ra khỏi hàng ngũ Đoàn thanh niên, cảnh cáo ghi lý lịch năm người còn lại. Tuy nhiên Chi đoàn cho đó là hình thức kỷ luật nhẹ nhất đối với những người vi phạm kỷ luật. Cuối cùng chị Thân hỏi Sao.

– Việc lâm trường phân công đồng chí lên nhận nhiệm vụ ở tổ chăn nuôi Hua Lanh đồng chí có ý kiến phản bác gì không?

Sao nặng nề đứng dậy, ba buổi tối nghe mọi người và chị Thân phân tích lòng Sao như tã ra, đầu óc mụ mị, cô chỉ thấy thương Nhài và các bạn. Có lẽ vì mình mà các bạn của cô bị kỷ luật? Sao đan hai bàn tay vào nhau mặt cúi gằm xuống, giọng lạc đi:

– Thưa các đồng chí… Vâng, tôi đã tự nguyện… hai lần tự nguyện nếu lúc này lâm trường lấy tinh thần xung phong…

Thân nhìn mọi người với vẻ đắc ý, chị mỉm cười.

– Các đồng chí đều nghe rõ lời phát biểu của đồng chí Nguyễn Thị Sao, thay mặt Chi bộ tôi nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần tiến công cộng sản của đồng chí Sao. Tôi hy vọng một ngày nào đó tôi được phép giới thiệu đồng chí Sao với Đảng. Vâng, có lẽ điều ấy không còn xa nữa, vì đó là trách nhiệm của tôi…

Tiếng vỗ tay ran lên, mọi người hồ hởi đứng dậy ra về. Riêng Sao cô cúi rũ xuống úp mặt vào hai lòng bàn tay khóc nức nở. Nhài bước tới, cô đặt bàn tay thô nháp tựa như tay đàn ông lên vai bạn, giọng dằn xuống.

– Khóc cái con khỉ! Đời toàn một lũ giả dối…

Sao chếnh choáng bước ra khỏi phòng họp, cô đi mà chẳng biết mình đi đâu. Giữa bốn bề hoang vắng của núi rừng trong màn sương trắng lạnh. Trời đã sang thu, gió Lào bắt đầu thổi xào xạc qua các triền cỏ tranh, đây đó trên các vạt núi lúa nương chuyển dần sang màu vàng đậm. Chỉ ít ngày nữa ngọn lửa đốt rừng sẽ lại bùng lên suốt dải núi kia. Cứ thế năm này qua năm khác đất ở đây trở nên khô cằn, xác xơ, còn mùa mưa thì dai dẳng, dữ dội, phần đất trên cùng tã ra sụt từng mảng lớn, mặt núi hoác ra nham nhở như gương mặt của lão già ghẻ lở, bẩn thỉu. Những lô thông của lâm trường qua mỗi mưa lại thẫm xanh hơn, đó là niềm an ủi duy nhất cho mỗi người ở đây. Chẳng ai tưởng tượng nổi tương lai của mình rồi sẽ ra sao, nhưng nỗi khát khao phủ xanh núi đồi cứ ngút lên trong lồng ngực mỗi người.

…“Mai đây chúng ta có quyền tự hào về những ngày hôm nay chúng ta không quản khó khăn gian khổ mang tất cả niềm tin và nghị lực vun đắp cho hòn ngọc của miền Tây tổ quốc ngày một xanh tươi. Cùng với đồng bào miền Nam mỗi nhát cuốc của chúng ta là một đòn đích đáng giáng vào đầu Mỹ-Nguỵ. Thi đua với tiền tuyến anh hùng chúng ta sẽ làm việc bằng hai để xứng đáng với sự tin cậy của đồng bào miền Nam. Các đồng chí biết đấy, Chủ nghĩa Tư bản đang giãy chết, nhưng chúng còn ngoan cố và lắm âm mưu thâm độc, hãy cảnh giác với chúng. Tư tưởng Tư sản không nằm đâu xa, nó nằm ngay trong mỗi con người chúng ta, đó là sự lười nhác, lối sống thực dụng, tính tự do vô tổ chức…”

Lời nói của chị Thân cứ ngột lên, dìm tắt một cái gì đó rất bản năng trong Sao.

T.S.

Comments are closed.