Đêm chạy trốn (kỳ 4)

Tiểu thuyết của Thái Sinh

5.

“Ngày…vậy là tôi đã xa gia đình được nửa tháng rồi, đêm nay là đêm thứ ba tôi ngủ ở lâm trường, nhớ lại những ngày tháng qua đối với tôi quả là ghê gớm. Thật khó mà tưởng tượng nổi chúng tôi đã vượt một chặng đường hơn nửa ngàn cây số để hôm nay nhớ lại cứ tưởng đó là chuyện hoang đường. Hôm ấy xe chạy gần tới Hà Nội thì chết máy, người lái xe bảo chúng tôi xuống đẩy. Vừa chia tay với người thân trong gia đình chúng tôi có người còn chưa khô nước mắt, vừa đẩy vừa khóc y như một đoàn đưa ma, làm nhiều người đi đường tò mò đứng lại ngó nhìn. Họ ngạc nhiên, đám ma gì mà không kèn trống, không người đội khăn tang, còn chiếc loa gắn trên nóc xe cứ oang oang phát hết bài hát này đến bài hát khác, trông chúng tôi lúc đó thật ngộ nghĩnh, y như một đám hề.

Đêm ấy chúng tôi ngủ ở ga Hàng Cỏ để chờ chuyến tàu năm giờ sáng mai, anh đoàn trưởng đề nghị lái xe chạy vòng quanh Hà Nội một lượt để chúng tôi có cơ hội nhìn ngắm Thủ đô. Hà Nội hiện trong đêm với vô vàn những ngọn đèn điện sáng trưng, như thể cả bầu trời đầy sao đã tụ hội xuống đây cùng với bao nhiêu người mỉm cười vẫy chào chúng tôi như những người sắp sửa ra mặt trận. Vui lắm, ngày mai trên các báo người ta đăng tin thanh niên làng Hạ ra đi làm giầu cho Tổ Quốc. Thế là cái làng Hạ nghèo nàn quanh năm úng lụt nhờ chúng tôi mà cả nước biết tới. Thật tự hào lắm chứ?

Đêm đầu tiên xa nhà nào ai ngủ được, chúng tôi trải ni nông ra sân ga ngồi nói chuyện với nhau về những chuyện đã qua. Kể từ hôm nay mẹ tôi sẽ vất vả nhiều hơn, cái Thắm, thằng Thao thay tôi làm tất cả công việc trong nhà. Đêm qua tôi dặn chúng rất nhiều, chúng hỏi tôi: “Bao giờ thì chị về?”. Tôi trả lời cho qua. Có thể cuối năm chị về. Chị phải về ăn Tết với bọn em. Ừ, Tết chị về. Thật nhá, chị hứa đi. Hứa! Khi về chị mua cho em gì nào? Nhưng bọn em phải ngoan, phải biết vâng lời bố mẹ. Thắm phải bảo các em, đừng cốc vào đầu mà chúng học dốt. Vâng! à, Chị Sao này, hôm qua anh Bân có qua đây ngồi nói chuyện với bố về chị lâu lắm. Chị biết rồi, thôi đừng nhắc tới anh ấy nữa. Ôi, ta căm ghét hắn. Mà nhắc tới hắn làm gì nhỉ?

Nửa đêm trời đột ngột đổ mưa, mọi người chạy quáng quàng vào trong ga, người nọ chen lấn người kia cãi nhau ỏm tỏi. Tôi không ngủ được nên mắt cay xè. Chừng ba giờ sáng thì tàu về, chúng tôi lại quáng quàng chen đẩy nhau lên tàu, vì không nhìn thấy nhau nên mỗi người leo lên một toa, chúng tôi chạy ngược chạy xuôi gọi nhau ơi ới. Lan làng Hạ ơi. Ai là Phương, Phương đi Tây Bắc về ngay toa số bảy gặp đoàn… Khi tàu chạy kiểm lại quân số đoàn chúng tôi thiếu hai người, cái Hoài thôn Bùi và cậu Nhiệm thôn Hương Tảo, có lẽ họ lạc dưới ga. Không thể khác được chúng tôi vẫn cứ đi. Đoàn trưởng lầu bầu: Mặc xác họ, để họ đi chuyến tàu sau, thế nào họ cũng tìm được đoàn, các giấy tờ của họ tôi đang cầm đây… Khi đó chúng tôi mới xem lại hành lý, ôi thôi chiếc ba lô của tôi kẻ nào đã rạch một đường bên sườn mấy bộ quần áo trên cùng đã bị chúng lôi đi mất. Mẹ ơi. Tôi bật khóc, khóc vì uất ức, khóc vì tiếc mấy bộ quần áo đẹp nhất mà mẹ tôi cóp nhặt mấy năm trời mới may được cho tôi, cho cô con gái cưng của mẹ sắp sửa thành công nhân lâm trường. Lúc ấy mấy người khác cũng la lên vì mất cắp. Mọi người xúm lại dỗ dành tôi, họ nguyền rủa lũ trộm cắp bất lương.

Tàu chạy qua những cánh đồng bát ngát, tôi còn đâu niềm hứng khởi để ngắm đất trời xanh thắm, tôi gục đầu vào lưng cái Nhài để giấu đi những giọt nước mắt, lũ bạn chốc chốc lại reo lên: Đẹp quá! Đất nước mình đẹp quá! Rồi chúng hát vang những bài hát không đầu không cuối làm cho bao người dưới đồng phải ngóng nhìn theo…

Cái Nhài vén màn ngó nhìn sang.

– Chép bài hát à?

– ừ…

– Này chúng mày ơi – Nhài nói toáng lên – hát một bài cho đỡ nhớ đi.

– Ông đang đói bỏ xừ đây, nhà bếp chiều nay nấu cơm vừa sống lại vừa khê, chả làm sao nuốt được.

– Rồi cũng quen thôi các mụ ạ. Nào bắt đầu nhé…

Căn lán rung lên trong tiếng hát hồn nhiên, khoẻ mạnh và tràn đầy sức sống: “Rừng ơi, ta đã về đây mang sức của đôi tay lao động khó khăn không quản ngại…”

“Ngày… lửa cháy khiếp quá, cháy suốt đêm cho đến tận bây giờ vẫn chưa tắt. Hưng bảo: Không tài nào dập nổi, ngọn lửa kia sẽ cháy suốt cả mùa khô. Thảo nào núi rừng ở đây trơ trụi chỉ toàn cỏ tranh cùng lau chít và sim, mua. Lại gió, gió thổi suốt đêm ngày, đêm tỉnh dậy nghe gió thổi ù ù qua mái nhà ngỡ tưởng sớm mai trên mặt đất chả còn gì nữa, gió sẽ vặt đi tất cả. Hai lỗ mũi tôi khô khét, đêm nằm trong màn vậy mà sáng ra mặt mũi cờm cợp một lớp bụi, chiếc màn mà lâm trường phát cho chúng tôi đã chuyển sang màu đất. Sớm nay tôi gỡ màn xuống để giặt, cái Nhài bảo: Kệ nó, cho qua hết mùa khô ta giặt thể. ờ nhỉ, bây giờ tôi mới nhớ ra lấy nước ở đâu mà giặt? Các con suối cạn nhe, chảy ri rỉ, nước chỉ đủ nấu cơm, có đâu nhiều nước để giặt rũ. Những lúc giải lao bọn tôi ngồi phơi mình trên các tảng đá mồ côi kỳ cọ cho nhau, đó là kiểu tắm khô, sau mỗi lần kỳ cọ thấy người nhẹ nhõm và dễ chịu hơn. Bây giờ trở thành thói quen, chúng tôi tắm khô cả những lúc đang ngồi nói chuyện với nhau, khi đang đi, lúc họp hành. Chao ôi là nhớ nhà, đêm nào tôi cũng mơ về làng được bơi lội thoả thích trong các ao đầm, rồi ngắt những bông hoa súng cài đầy người như một con rồ.

Không biết cái Nhài nghe ở đâu câu chuyện Ma Cà Rồng, nó kể làm cho mọi người chết khiếp. Suốt mấy hôm nay câu chuyện ấy cứ ám ảnh tôi mãi trong tôi, đêm bây giờ tôi không dám nhìn lên phía thung lũng Hua Lanh, nơi ấy có hai mẹ con người dân Ta Khao bị dân bản cho là Ma Cà Rồng, họ đuổi ra khỏi bản, bây giờ đang sống lẩn khuất ở trên đó. Ma Cà Rồng hút máu người ốm, trẻ em và những người mới chết. Ban ngày chúng như người, ban đêm đi kiếm ăn chúng mới hoá thành các con vật phát ra ngoài mũi tia sáng xanh xanh. Thật vô lý, người hoá thành ma và ma hoá thành người. Ôi, cái mảnh đất khô cằn này chứa đựng biết bao điều huyền hoặc và bí ẩn”

“Ngày… Chiều nay Hưng đợi tôi bên cạnh nhà bếp, anh bảo: Sao có thư đấy. Tôi mừng run lên: Đâu, em có thư thật à? Nhưng hãy khai ra người ấy có phải là? Vâng, người yêu của em. Tôi cuống lên trả lời cho qua, Hưng mỉm cười chìa cho tôi chiếc phong bì có in cành hoa đào. Đã lâu lắm rồi, có lẽ gần một năm nay tôi mới nhận được thư, nghĩ là thư của gia đình nên tôi vội bóc ra. Thật không ngờ đó là thư của Bân. Trời ơi, có lẽ nào lại như thế? Một con người tôi cố quên đi, vậy mà hôm nay anh tự nhiên viết thư cho tôi, giãi bày nỗi niềm cay đắng của mình. Tôi bị anh lừa gạt, thế mà có lúc tôi ngỡ là “hoàn cảnh”. Phải, ngày ấy tôi đã yêu anh, chẳng biết mình yêu anh vì lẽ gì? Sau chiến dịch đào mương anh được kết nạp vào Đảng, nhưng vẫn sinh hoạt với chi đoàn tôi như một đại biểu của chi bộ. Tôi được chỉ định làm bí thư thay anh, hàng ngày anh gặp tôi trao đổi về tình hình chi đoàn, còn tôi thỉnh thoảng vẫn tìm anh để xin ý kiến giải quyết những vướng mắc trong chi đoàn. Cho tới một hôm sau buổi sinh hoạt anh đón đợi tôi cạnh con đường lối rẽ vào ngõ nhà tôi, anh thì thầm: “Đi dạo một lát Sao ơi, đêm nay trời đẹp quá”. Chúng tôi dẫn nhau ra ngoài đầm Vông, ở đấy gió mát lại thơm ngát mùi hoa súng. Anh với ngắt cho tôi mấy bông hoa súng mọc gần bờ, bàn tay anh run lên khi chạm vào tay tôi: “Sao có bao giờ nghĩ rằng tôi yêu Sao không?”. Tôi nhìn anh ngạc nhiên: “Anh nói thật hay đùa đấy?”. “Thật! Anh yêu Sao thật… không đùa đâu…”. Với cái giọng gấp gáp anh cho tôi biết tất cả những gì anh đã làm trong thời gian vừa qua là vì tôi, rồi anh thề rằng anh đã yêu tôi bằng danh dự của người đảng viên. Tai tôi ù đi, tôi chẳng thể nghe được những điều anh nói nữa, bầu trời đầy trăng sao và mặt đất bát ngát hoa súng quay cuồng trước mắt tôi, tôi cảm thấy một cái gì đó rưng rưng cứ dâng lên nghèn nghẹn trong lồng ngực, tôi chẳng biết nữa. Vâng, cái đêm ấy tôi đã gục đầu vào ngực anh khóc thổn thức trong nỗi sung sướng của một cô bé mới lớn vô cùng vụng dại lần đầu tiên nếm vị ngọt ngào của tình yêu.

Cái “hoàn cảnh” mà anh cho tôi biết hồi ấy là bịa đặt, tôi hiểu vì sao sau khi được bầu vào Chi uỷ anh xa lánh tôi, anh sợ rằng yêu tôi sẽ ảnh hưởng tới con đường thăng tiến của anh, bởi bác Tĩnh nhà tôi một thời đi lính cho Pháp, mặc dù chỉ làm đầu bếp, bây giờ bác ấy già và lú lẫn lắm rồi. Người mà anh chung sống hiện nay là con gái bí thư Đảng uỷ xã đấy chứ, một gia đình trong sạch có đến ba đời ăn mày. Cay đắng điều gì? Làm sao tôi có thể tin được, vả lại bây giờ anh than vãn với tôi để làm gì? Tối nay Hưng không qua phòng tôi như mọi tối, từ lâu anh muốn nói với tôi một câu chuyện gì đó nhưng anh còn e ngại. Với sự nhạy cảm của người con gái tôi đã đoán ra. Không, tôi không xứng đáng với anh đâu…

“Ngày… Vào cuối mùa khô dòng suối ở nơi đây trở nên cạn kiệt, đội ươm cây có ba mươi bảy cô gái, vào những ngày “chiến tranh” mới thật rầy rà. Mẹ ơi, giá mẹ sinh con là con trai nhỉ? Cuộc sống của con chắc hẳn sẽ giản đơn biết bao. Hai tháng nay “không thấy”, vừa mừng lại vừa lo, mừng vì đỡ đi khoản giặt giũ phiền hà. Nhưng lại lo, đó là biểu hiện của bệnh lý, mai kia xây dựng gia đình chẳng có con cái thật là điều bất hạnh. Mẹ có lần kể ngày xưa mẹ cũng hay bị “trầm” như thế, nhưng nếu “trầm” lâu phải uống thuốc kẻo nó teo đi mất.

Mình ao ước sinh được một lũ con trai dăm bảy thằng, dẫu sao thì bọn con trai vẫn cứ dễ sống hơn, cứ nhìn ba mươi bảy cô gái ở đây đã ngán lắm rôi, sớm nào cũng chí cha chí choé đủ thứ chuyện, toàn những chuyện vặt vãnh, đuôi co, hớt lẻo… chẳng đâu vào đâu nghe đến nhức óc.

Có lẽ hôm nay mình mới nhận ra điều này chăng, với hai vị con trai mà những ba mươi bảy đứa con gái, một sự chênh lệch ghê gớm. Rồi mai đây sẽ như thế nào nhỉ, chúng tôi sẽ chết già trong sự đơn côi mất, chính vì điều ấy mà chúng tôi trở nên cáu gắt, thậm chí còn phỉ báng lẫn nhau. Chúng tôi chẳng ai nói ra nhưng với hai ông ông tướng kia quá ít ỏi, mà họ đều là những vị đẹp trai mới chết chứ, họ chính là nguyên nhân của mọi cuộc cấu xé lẫn nhau ở đây. Giá tôi là chị Thân tôi sẽ đề nghị lâm trường điều cho chúng tôi mỗi người một thằng đàn ông, nếu không hãy điều họ đi nơi khác, chẳng thà chỉ toàn chúng tôi như thế sẽ dễ chịu hơn. Đằng này hàng ngày chúng tôi phải đối mặt với họ, đối mặt với mình, họ thì quá ít ỏi mà chúng tôi một lũ đàn bà đông đúc, mắt đứa nào cũng hau háu nhìn họ như nhìn thấy của chua nhưng không với tay tới.

Hưng ơi, đêm qua tôi đã mơ thấy anh, anh dẫn tôi vào rừng Sơn tra, chọn cho tôi những trái Sơn tra một nửa đỏ một nửa vàng, tôi cắn đưa cho anh một nửa, cười bảo: Anh đã nghe truyện cổ tích Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn rồi chứ? Đây là quả táo mà bà Hoàng Hậu tặng nàng Bạch Tuyết, xin phần anh nửa đỏ… Hưng lặng lẽ ngắm nhìn tôi mà chẳng nói năng gì, tôi cáu tiết: Trông em lạ lắm à? Em từ trên trời rơi xuống hay sao mà anh ngạc nhiên? Ừ, em từ trên trời rơi xuống đấy!… Đừng có mà khoác loác. Thật chứ, em là nàng tiên của anh đó mà…Anh bế thốc tôi lên tay, tôi cảm thấy mặt mũi mình rát bỏng bởi những cái hôn nồng nàn của anh. Khi tỉnh dậy tôi vẫn cứ bàng hoàng không biết đó là mơ hay là thực. Tôi úp mặt vào chăn mà khóc, khóc vì sao tôi cũng chẳng biết nữa, chỉ thấy vừa tủi lại vừa buồn. Cái Nhài lay vai tôi: Con khỉ, mê ai chết mà khóc ghê thế. Tôi ngước đôi mắt đẫm nước nhìn nó: Mình mơ thấy mẹ vừa mất. Nó tặc lưỡi: Sinh dữ tử lành. Chẳng sao đâu, tốt thôi.

“Ngày… Hưng đào một cái hố to tướng bên cạnh vòi nước, anh lấy ni nông lót dưới đáy để hứng nước đêm. Sớm ra mọi người hết sức ngạc nhiên, mừng đến phát khóc. Chúng tôi mỗi người được một chậu nước trong vắt vừa rửa mặt vừa lau người. Nước, ôi nước! Chỉ có vậy mà bấy lâu chúng tôi chẳng nghĩ ra. Cái Nhài bô bô: “Chúng ta hãy thưởng cho lão ta mỗi người một cái hôn. Bắt đầu từ chị Thân, mỗi người lần lượt hôn, rồi cuối cùng đến tôi, nào bắt đầu đi. Mặt chị Thân tái nhợt, chị liếc nhìn anh rồi cúi xuống. Tôi ôm mặt hét lên: Không! Tôi không hôn đâu! Mọi người quây lấy anh: Hỡi ông tướng, nếu ông không để chúng tôi hôn thì ông hãy hôn chúng tôi đi, tưới nước cho chúng tôi kẻo chúng tôi khô héo hết cả rồi… Tiếng cười, tiếng reo hò ầm ĩ vang động cả một vùng núi. Chị Thân chợt ngẩng lên, chị xua tay: “Thôi đủ rồi, không đùa nữa, đã đến giờ ăn cơm rồi đấy…”. Lâu lắm rồi hôm nay chúng tôi mới có một buổi vui như thế này. Thôi ngủ.

“Ngày… Hình như có người xem trộm những điều tôi ghi trong cuốn sổ tay này. Buổi sớm trước khi đi làm tôi giấu cuốn sổ trong gối, vậy mà lúc về lại thấy nó nằm ở ngoài, phía dưới gối. Như thế là thế nào nhỉ, phải có người lôi nó từ trong lần áo gối ra chứ? Chiều nay đi từ dưới suối lên, chị Thân hỏi tôi như vô tình: Em có nhận xét gì về Hưng không? Tôi trả lời: Anh ấy là người tốt. Im lặng một lát chị tiếp: Một số người ở đây đồn rằng Hưng yêu chị phải không? Đáp: Em không biết. Nhưng… điều ấy thì tốt chứ sao ạ? Đã đành là thế. Nhưng đó là chuyện bịa đặt. Anh ấy kém tuổi chị phải không? Không, bằng tuổi nhau… Như vậy thì tốt chứ ạ? Nhưng không thể thế được…

Chị Thân vùng vằng bỏ đi, tôi cảm thấy rờn rợn. Tại sao chị hỏi tôi như vậy? Quả thật, nếu anh ấy yêu chị thì sao, việc gì chị phải nổi nóng? Nếu chị không yêu Hưng, nói như thế là đặt điều, chị bực tức vì lý do ấy. ở đây có bao nhiêu người mà sao chị lại hỏi tôi? Đau đầu quá, chuyện đời có bao nhiêu là rắc rối…

“Ngày… Mấy ngày nay cái Vui đều bị đổ máu cam vì không chịu nổi nắng, gió thổi ngào ngạt, khiến đầu óc cứ quay cuồng, chiều qua nó ngất tại luống, mọi người phải cõng nó về. Thật tội nghiệp nó quá. Trước đây nó làm ở nhà bếp, không biết vì sao nó vằng nhau với chị Thân, chị quát tướng lên: Mọi người dãi nắng dầm mưa, còn cô hằng ngày chỉ mỗi việc như thế… Thì chị điều ngay người khác về đây thay tôi, nào ai thích gì cảnh làm dâu trăm họ, mà vẫn bị mắng mỏ, chì chiết. Cô nói thật đấy chứ? Thật! Được rồi, ngày mai cô ra nương, có người khác sẽ thay cô. Con bé hì hục suốt ngày, nắng gió đã quật nó quỵ xuống, nhìn gương mặt xanh xao của nó mà thương. Buổi chiều mình đến thăm, nó oà khóc. “Tao sẽ bỏ nơi này về quê thôi Sao ạ. Không thể chịu được nữa, mụ ấy không phải là người mà là mụ Phù thuỷ, vừa cay nghiệt vừa độc ác… Tôi bịt miệng nó: Thôi đi! Tao xin mày, mày hãy im cái miệng vào đi kẻo vạ đấy… Mày sợ mụ hả? Không, chị ấy làm vì trách nhiệm được giao đấy chứ? Trách nhiệm? Tao nói thẳng cho cho mày biết, mụ chẳng phải trách nhiệm gì đâu, mụ muốn đày đoạ chúng ta để trả thù cho chính đời mụ đấy… Im đi, mày gở mồm rồi…”.

Tôi nhìn nó căm ghét rồi bỏ đi vì sợ ai đó nghe được câu chuyện giữa nó và tôi, may sao mọi người khi đó đã xuống nhà bếp. Chiều nay lại cơm với cá mắm xót ruột quá thôi…”.

Đó là những trang nhật ký còn sót lại, hôm ấy đi làm về cái Nhài lôi cuốn sổ từ trong lần áo gối ra dứ dứ vào mặt Sao:

– Mày ghi cái khỉ gió gì vào đây? Mày định làm nhà văn hả? Người ta sẽ cắt cổ mày, con từu ạ. Đêm nào cũng thấy mày hí húi ghi chép, tưởng chép bài hát, hoá ra… đừng tưởng mọi người ở đây không biết mày ghi gì đấy. Này ghi… Nhài xé toạc quyển sổ rồi bật diêm châm lửa đốt, những trang giấy cháy quằn lên, Sao đứng ngây người ra đần độn, cô không hiểu nó nói với cô điều gì, khi thấy quyển sổ cháy gần hết cô mới lao tới giằng lấy những trang còn lại, giấu biệt dưới đáy ba lô.

Đêm ấy sao đi lang thang ra vườn ươm, khuya mới trở về thì gặp Hưng, anh hỏi cô:

– Hôm nay em nhớ nhà phải không?

– Chả nhớ!

– Nhưng nom em buồn thế?

Lúc ấy cô cảm thấy căm ghét anh, cô cười gằn.

– Anh là cái quái gì mà hỏi vặn vẹo tôi như thế? Tôi buồn hay tôi vui thì bận gì đến anh? Hay anh muốn tôi kêu lên thật to rồi vừa khóc vừa chạy khắp đồi như con điên hả?

Hưng không đáp, anh lầm lũi bỏ đi.

Cho tới một sớm khi mọi người thức dậy không thấy Vui đâu, cô để trên đầu giường một mảnh giấy với mấy dòng chữ:

“Gửi các bạn trong đội ươm cây!

Tôi thật có lỗi với các bạn khi phải từ biệt nơi này, không phải tôi đầu hàng trước khó khăn gian khổ mà chính là danh dự của tôi bị xúc phạm. Tôi thà mang tiếng là kẻ đào nhiệm còn hơn là để người ta lừa dối và tiếp tục bị lừa dối mà không biết mình là ai. Xin vĩnh biệt các bạn”.

Mảnh giấy được chuyền tay nhau hết người này tới người khác, cuối cùng tới tay chị Thân. Mặt Thân sa sầm, suốt ngày hôm đó Thân không nói năng nửa lời, một không khí nặng nề bao trùm khắp đội, ai có việc của người nấy, họ lầm lũi làm cho đến khi kẻng báo nghỉ. Việc Vui bỏ lâm trường đã làm xáo động trong lòng họ, giá như Vui cứ lặng lẽ bỏ đi không để lại vài dòng chữ kia, nhưng đằng này, những dòng chữ ấy như một lời buộc tội độc ác và tàn nhẫn. Chẳng ai có thể dửng dưng, họ ngẫm lại những ngày tháng qua và cảm thấy một cái gì đó không rõ rành cứ lớn dần lên trong lòng họ, đó là một con người bản năng đầy ham muốn và một con người đang phấn đấu cho một lý tưởng. Mọi người tưởng như mình bị nghẹt thở bởi cái mảnh đất bời bời nắng gió và sự căng thẳng quá mức của thần kinh trước sự đào nhiệm tệ hại của Vui, nếu chiều ấy Bảo không ngồi trên lưng trâu hát ới a những làn điệu dân ca quan họ. Giọng của Bảo mới mê đắm và quyến rũ làm sao. Cái anh chàng trông như trẻ con kia lại hát hay đến thế, kể từ ngày tới đây lần đầu tiên mọi người được nghe anh hát “nghiêm túc”, giọng anh trầm đục nghe da diết như tiếng gọi của cánh đồng mênh mang khi mùa nước lên chấp chới những cánh cò loáng trắng và khi mùa gặt đã hết lũ trẻ chăn trâu nhặt những gốc rạ vun thành đống đốt khói hun chuột khắp cánh đồng, một cánh đồng buốt giá khi mùa đông qua gió thổi ngời lên những những ô mạ xanh non…Lòng họ cồn cào, tiếng hát của Bảo thổi bùng ngọn lửa nỗi nhớ quê hương. Thân bước đi khập khững, tiếng hát của Bảo làm tâm hồn chị như đang tã ra, đang đi chị phải đứng lại tựa vào tảng đá ven đường.

– Thôi đừng hát nữa ông bạn cà tẩm ơi.

– Tôi hát nghe ngộ lắm phải không hả chị? Bảo cười nét mặt vô tư.

– Cũng được! Có khi phải đề nghị anh nhận cho cái chân đội trưởng đội văn nghệ của đơn vị mình. Xem ra đơn vị ta cũng có khá nhiều gương mặt lên sân khấu được đấy.

Buổi tối chưa tới bảy giờ mọi người đã tề tựu đông đủ trong phòng họp, cuộc họp vừa mang tính chất họp đội vừa mang tính sinh hoạt Đoàn, bởi mấy chị quá tuổi Đoàn cũng được mời tới dự. Mở đầu cuộc họp chị Thân thông báo tình hình thời sự trong nước, thời sự quốc tế và tình hình sản xuất của lâm trường mấy tháng qua. Việc Vui bỏ lâm trường được đưa ra chi đoàn nghị quyết:

1– Kỷ luật khai trừ Lê Thị Vui ra khỏi Đoàn, vì thiếu tinh thần khắc phục khó khăn gian khổ, đã đào nhiệm và thoá mạ cán bộ đảng.

2 – Đề nghị lâm trường kỷ luật thông báo về địa phương.

Thân kết thúc cuộc họp giọng gay gắt:

– Dù sao thì tên Tơrôtkit cũng lộ mặt, đội ngũ của chúng ta không thể chấp nhận những kẻ hèn nhát, hắn công nhiên bỏ lâm trường, tức là công nhiên từ bỏ và phủ nhận tổ chức lao động xã hội chủ nghĩa. Con đường mà hắn chọn là làm đĩ và ăn cắp. Thật kinh tởm, chắc chắn vào một ngày không xa người ta sẽ gom hắn lại như một thứ rác rưởi của xã hộ – Thân nhìn mọi người một lượt như thể thăm dò, giọng bớt gay gắt hơn – Đội ta sẽ thành lập một đội văn nghệ, sau đây là danh sách những người trong đội văn nghệ do đồng chí Bảo làm đội trưởng.

Thân đọc tên từng người rồi hỏi:

– Ai có ý kiến gì không?

Im lặng một lúc mãi sau mới có một người ngồi khuất trong bóng tối rụt rè hỏi:

– Em có ý kiến, thưa chị.

– Mời đồng chí.

– Dạ, em chả biết hát hò gì đâu ạ, vậy cho em xin rút…

– Hát cũng như lao động, cứ hát mãi, luyện mãi thì sẽ hay thôi mà.

– Còn tôi, thưa đồng chí, vâng trông tôi thế này… có hoạ là đóng hề chứ văn nghệ văn gừng gì…

Mọi người ôm bụng cười, bởi người vừa nói là Lý, giọng nói của chị như sắp khóc nghe thảm thương và gương mặt rỗ nhằng rỗ nhịt cứ như muốn rách ra nát vụn. Thân nghiêm nét mặt.

– Đồng chí Lý là chúa tự ty, tôi chọn đồng chí bởi đồng chí có dáng người đẹp, rồi còn phải trang điểm, son phấn chứ? Son phấn sẽ xoá hết mọi nếp nhăn. Vậy đồng chí cứ yên tâm mà luyện tập. Đào sông lấp biển chúng ta còn làm được huống chi là hát hò. Tôi hy vọng trong ngày hội diễn đội ta sẽ giành cờ đơn vị khá nhất trong phong trào văn nghệ của lâm trường. Biết đâu sau đó các đồng chí được mời đi biểu diễn ở trên tỉnh và toàn ngành, sẽ làm sang cho lâm trường, dĩ nhiên tôi cũng được tiếng biết xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng, biết chăm lo đời sống tinh thần của công nhân. bây giờ xin các đồng chí một tràng vỗ tay chúc mừng sự ra đời của đội văn nghệ.

Sao không thể cười càng không thể khóc được, bởi cô là một trong số mười lăm người kia, điều mà cô không muốn. Bây giờ dẫu có trình bày thì cũng vô ích, bởi chị Thân đã quyết định rồi, với chị mọi quyết định của chị đều đúng đắn cả. Tối hôm sau Bảo cho đội văn nghệ dựng trích đoạn vở chèo Quan Âm Thị Kính, Sao được phân vai Thị Kính, Bảo vai chú Tiểu. Thôi thì cũng í a, chứ cô hiểu gì về chèo, Bảo hướng dẫn mọi người rất tận tình, lúc giải lao Sao hỏi:

– Trước đằng ấy ở nhà chắc hoạt động văn nghệ sôi nổi lắm nhỉ?

– Gia đình mình vốn làm nghề hát rong, nhưng đã giải nghệ từ khi Cách mạng thành công. Nhưng thỉnh thoảng những hôm mưa dầm gió bấc bố mẹ mình vẫn tụ tập con cháu tập tành cho đỡ buồn, mình thừa hưởng cái dòng máu nghệ sĩ của các cụ. Người đời cho rằng đám nghệ sĩ là hạng xướng ca vô loài. Các cụ nhà mình không ai biết làm ruộng, đi hát rong khắp nơi để kiếm sống, cứ ngỡ đó là một nghề, nào ngờ đó chỉ là thứ phù hoa của xã hội, đất nước đang cần lúa, ngô, khoai, sắn chứ đâu cần tới thứ phù hoa ấy? Các cụ nhà mình về quê, không biết làm ruộng nên năm nào cũng đói, mẹ mình mở quầy bán hàng xén, mấy ông cán bộ xã cho là mầm mống của chủ nghĩa Tư bản, thế là họ xoá. Đói, các cụ lại bồng bế nhau ra thành phố. Mình không chịu nổi mỗi khi nghe ai nhắc tới cái nghề hát rong, mình thề quyết lập nghiệp bằng bàn tay lao động của mình, sẽ không bao giờ sờ tới cây đàn nữa. Vậy mà chiều ấy mình đã hát…

– Anh hát hay lắm! Sao thở dài – Giá mà tôi có giọng hát như anh nhỉ?

– Chị sẽ đi văn công?

– Không hẳn thế, nhưng đó là vốn quí của con người…

– Tôi sẽ giúp chị. Nào bắt đầu tập nhé, buổi đầu ta tập thêm một tiếng nữa thôi, có lẽ chị mệt phải không?

Đội ươm cây kể từ ngày có đội văn nghệ vui hẳn lên, đêm đêm trong ngôi nhà ăn tập thể vang lên tiếng đàn, tiếng hát, lâm trường quyết định trích quĩ phúc lợi mua tặng đội văn nghệ một bộ trống, bộ gõ, đàn, nhị cùng hai cây đèn măng xông. Đây là đơn vị đầu tiên có đội văn nghệ, do đó phải xây dựng để nhân ra tất cả các đơn vị, mai đây lâm trường phải có đội văn nghệ mạnh để tham gia hội diễn toàn ngành, nhất định phải mời bằng được tác giả kịch bản và đạo diễn lên Ta Khao dựng một vở kịch ca ngợi tinh thần lao động quên mình vì Tổ quốc của cán bộ và công nhân lâm trường. Việc lâm trường tặng đội văn nghệ một số nhạc cụ đã làm nức lòng mọi người trong đơn vị, mọi người tập hăng say hơn, giọng mới đầu còn chệch choạc sau đã mượt hơn, động tác đã khá dần lên, khổ luyện mãi cũng thành tài là thế. Những ngày đầu đội văn nghệ cấm những người ngoài vào xem, sau thì tất cả cùng diễn, cùng hát.

Buổi tối diễn thử, chị Thân cho mời ban giám đốc lâm trường lãnh đạo các đội và bà con dân bản xung quanh tới xem. Chiếc đèn măng xông sáng trắng treo ở chính giữa sân khấu, các vỏ chăn được huy động ra làm phông màn, lần đầu tiên các diễn viên đánh phấn tô son, đứng dưới đèn trông cô nào cũng rực rỡ, xinh đẹp như tiên. Người từ các bản kéo đến nườm nượp, đuốc sáng rực trời. Từ mấy hôm trước đơn vị đã phối hợp với các địa phương lập một tổ bảo vệ cảnh giác biệt kích nhảy dù phá buổi biểu diễn, Hưng không trong đội văn nghệ nên được cử làm tổ trưởng tổ bảo vệ. Suốt từ tối anh khoác súng lảng vảng bên ngoài, anh bảo mấy người địa phương.

– Chẳng có biệt kích gì đâu, các anh cứ vào mà xem, một mình tôi gác là đủ rồi…

Hưng leo lên một tảng đá cao nhất phía ngoài sân bãi đứng ngó vào, lúc nãy đi qua cánh gà anh nhìn thấy Sao, cô là người giới thiệu chương trình tối nay, mặc áo lụa dài màu thanh thiên, tóc chải bồng bồng trước trán, đuôi tóc buộc nơ đỏ, nom cô trội hẳn lên với gương mặt thanh tú, chiếc mũi thẳng, đôi mắt thơ ngây, cô mỉm cười nhìn anh, khiến anh giật mình cảm thấy trái tim như thắt lại, một tiếng nói mơ hồ vang lên trong anh, anh bước đi chếnh choáng như người say rượu: “Anh là con nai con, lạc mẹ giữa chiều nay bị em bắt được, tay em mềm như lá cỏ khẽ chạm vào anh. Anh lặng nghe tiếng sương rơi trong rừng hoang vắng, đôi tai anh ấm nồng trong hơi thở của em…”. Câu thơ của ai ấy nhỉ, Hưng không còn nhớ nữa bất chợt vang lên trong tâm trí anh.

Những ngọn đuốc huơ lên sáng rực một góc núi, người đi lại nhộn nhạo, đám con gái Mông tắt đuốc đứng tụm vào một chỗ, còn bọn con trai đi vòng quanh thổi sáo. Lũ con gái người Thái thì xúm vào sát sân khấu để xem các cô gái diễn viên trang điểm. Có lẽ đây là lần đầu tiên những người ở vùng núi Ta Khao được xem văn nghệ, người lớn, trẻ em và nhiều cụ già bảy tám mươi tuổi cũng chống gậy theo các con cháu từ khắp các bản làng kéo tới. Một đêm đông vui chưa từng thấy, người tràn ra khỏi bãi đất len vào sát chân khấu, bám vào cây buộc phông màn. Hai lần Thân yêu cầu bà con đứng lui xuống. Tiếng ồn ào lắng dần cùng với những ngọn đuốc lần lượt được dập tắt khi hai cánh màn từ từ mở. Sao từ sau cánh phông đỏ bước ra với từng bước đi nhẹ nhàng, uyển chuyển nếp áo dài bay bay, người ta thoáng ngỡ ngàng tưởng cô vừa từ trên cao đáp xuống làm lay động cả bầu không gian khét nồng mùi khói nhựa thông. Sân bãi lặng phắc, chỉ nghe tiếng lửa của vài ngọn đuốc còn lại cháy xèo xèo…

Hưng không nhớ được những lời Sao nói, gương mặt và dáng người Sao như ngọn đuốc cháy rực trong lòng anh. Buổi biểu diễn đêm ấy anh chỉ nhìn thấy một mình Sao, cô đẹp và trong sáng quá, vậy mà gần hai năm nay anh để ý tới cô mà chưa nói với cô một lời nào. Như bị thôi miên, anh đứng ngờ ngẫn nhìn cô mà quên mất nhiệm vụ của mình, Thân đã nói lời cuối cùng và cánh màn của đêm biểu diễn đã khép lại, Hưng mới giật mình tụt xuống lẫn vào đám người đi xem, nhắc người nọ người kia đang cầm đuốc:

– Này cẩn thận, tàn lửa bay vào mái nhà bây giờ, xem có hay không?

– Chúng mày hát hay quá, nhưng nhiều hy quá. (Hy là tiếng tục của người Thái, chỉ dùng khi chửi nhau)

Mọi người cùng cười vui vẻ.

Hưng chạy vào cùng mọi người gỡ phông màn, anh bước tới bên Sao giúp cô hạ chiếc phông hậu xuống, anh nhìn vào mắt cô nói khẽ:

– Hôm nay em đẹp lắm, đẹp như tiên ấy…

Sao mở to đôi mắt nhìn Hưng ngỡ ngàng, cô khẽ dúi tấm phông vào lòng anh.

– Tối nay em diễn có đạt không?

– Anh phải đứng canh, nào có được xem đâu.

– ừ nhỉ. Theo em, chị Lý diễn đạt nhất, mỗi khi Mẹ Đốp bước ra làm cho tất cả mọi người đều cười nghiêng ngả…

Đêm biểu diễn thử thành công vượt ra ngoài mong đợi của mọi người, lâm trường trưng tập ngay đội văn nghệ của đơn vị ươm cây đi biểu diễn ở các đội. Thân giãy nảy khi lâm trường quyết định đưa đội văn nghệ tham gia Hội diễn toàn ngành.

– Thật là bất hợp lý, chúng tôi vừa phải hoàn thành ra bầu nửa triệu bầu thông, vừa phải xuất quân đi làm cho lâm trường, chẳng thà anh cứ cách chức đội trưởng của tôi đi, như thế để cuối năm tôi khỏi phải giãi bày lý do vì sao không hoàn thành kế hoạch…

– Chúng tôi sẽ rút người từ các đơn vị khác về tăng cường cho đơn vị của cô…

Phó giám đốc Chức kiêm bí thư Đảng uỷ vừa mới được điều lên, ông mỉm cười nhìn Thân. Tuy mới có vài tháng nhưng hai người luôn có sự va chạm, ông nhìn thấy ở Thân một con người độc đoán, luôn chứng tỏ bằng quyền lực, thứ quyền lực mà người khác trao cho, đó là tai hoạ của tất cả những ai dưới quyền. Ông đã nhận ra điều ấy kể từ ngày ông về đây nhận chức. Trong cuộc họp Đảng uỷ ông đưa ra điều đó, liền bị giám đốc Mạnh đẩy ông và Thân vào hai đối cực. Thì ra ông lên đây không phải là điều Mạnh mong, ông còn nhớ hôm đưa tiễn ông, giám đốc Sở Lâm nghiệp vốn là bạn thời kháng chiến bắt tay ông rất chặt: “Anh lên trên đó giúp cậu Mạnh vài năm, đơn xin nghỉ hưu của anh tôi vẫn để trong ngăn bàn kia, đội ngũ lãnh đạo ở trên đó hơi non, chừng nào vực được họ lên tôi sẽ giải quyết đơn hưu cho anh. Chẳng lẽ lúc này anh lại bỏ tôi?”. Ông hăm hở khoác ba lô lên đây như cái thuở vượt Lũng Lô vào giải phóng Điên Biên Phủ. “Qua miền Tây Bắc”, bài hát ấy lại vang lên trong tâm trí ông, nhiều người lại cho rằng ông “bị đá” ngược, ông không băn khoăn điều ấy, ông tin ở ông, tin ở bạn ông. Ngay sau hôm đến nhận chức ở lâm trường ông bàn với giám đốc Mạnh về vấn đề tổ chức lại sản xuất, Mạnh hờ hững nghe ông nói, trong con mắt Mạnh, ông không phải là người đến đây để giúp đỡ Mạnh, ông chỉ là một anh lính già, văn hoá cấp một chỉ học qua lớp sơ cấp chính trị, năm mươi tuổi còn bị đày lên vùng núi này vì không cùng cánh với giám đốc sở.

Chức không biết được điều đó, ngồi đối diện với ông bây giờ là Thân, nét mặt chị đanh lại hơi vênh lên như thể thách thức. Lâm trường giao công nhân và kế hoạch cho chị phải đảm bảo cây giống cho hơn ba trăm ha trồng mỗi năm, lâm trường không thể kiểm điểm tại sao chị không cho đội văn nghệ đi biểu diễn. Kế hoạch mang tính pháp lệnh, Ban giám đốc luôn quán triệt với các đội như thế, chị phải đảm bảo cho việc hoàn thành kế hoạch, đó là mục đích chính, vả lại giám đốc Mạnh chưa có ý kiến với chị về việc này cơ mà. Biết đâu đây là cái cớ để cuối năm Chức vin vào việc không hoàn thành kế hoạch để hạ bệ mình. Thân cúi xuống, một điều mà chị không bao giờ nói ra, bởi từ lâu trái tim chị luôn hướng về Bảo, người con trai tâm hồn trong sáng và thơ ngây như trẻ nhỏ, mỗi lần nhìn Bảo bước lên sân khấu cổ chị nghẹn lại, anh đẹp như thiên thần, chị chỉ có thể so sánh anh với các vị thần trong thần thoại Hy Lạp. Chị thầm ghen với Sao, hai người đẹp đôi quá, họ cùng lứa tuổi, còn chị hơn bảo gần chục tuổi, một sự chênh lệch quá lớn. Họ có yêu nhau không? Thân để ý thấy Bảo hờ hững với tất cả mọi người, họ chỉ là bạn diễn, Bảo dường như chỉ để tâm tới một điều gì đó ở đâu rất xa. Chính vì thế mà lũ con gái thường trêu đùa, âu yếm Bảo như một đứa trẻ. Họ gọi Bảo là anh chàng cà tẩm, con nai con lạc mẹ, chú em bé bỏng và khờ dại. Thân vừa nghe phong thanh chú Tiểu bóp vú Thị Kính, thật sàm sỡ. Trong Quan Âm Thị Kính làm gì có cảnh ấy? Hay là chuyện ở ngoài sân khấu, trong bóng tối? Lòng Thân giận sôi lên, bây giờ Chức lại nói với chị như vậy. À, thì ra các vị muốn rút họ đi? Cái đội văn nghệ ấy do chị đẻ ra, bây giờ thì chị có quyền giết nó. Thân ngẩng mặt lên, gương mặt lạnh băng.

– Nếu lâm trường cần có một đội văn nghệ để đi biểu diễn toàn ngành thì lâm trường hãy lập một đội khác. Đã hơn một tháng nay những người của đơn vị tôi phải gánh thêm phần công việc của họ. Thật bất công, nhiều khi sáng kiến trở thành tai hoạ, ít nhất là đúng với riêng tôi hiện nay…

Thân đứng dậy bỏ ra ngoài trước sự ngỡ ngàng của Chức.

T.S.

Comments are closed.