Đêm giữa ban ngày (kỳ 13)

21

Người Pháp có câu "Muốn giết con chó, hãy đổ cho nó có bệnh dại".

Thoạt nhìn, có vẻ sự đổ vấy cho đối thủ tội âm mưu đảo chính là kế hay, nhưng xét kỹ thì thấy nó không vẹn toàn.

Trong bối cảnh "cuộc đấu tranh giữa hai đường lối", nếu như có một âm mưu đảo chính ắt người ta phải nghĩ tới bàn tay nước ngoài. Vậy nước ngoài ở đây là nước nào? Trung Quốc tất nhiên không đảo chính một chính quyền đàn em.

Nước ngoài đây chỉ có thể là Liên Xô.

Một sự vu vạ như thế có thể gây ra rắc rối to với nước đang là nguồn viện trợ lớn nhất cho cuộc chiến. Không ai biết trước được Liên Xô sẽ phản ứng thế nào.

Cho nên khi đặt vấn đề có âm mưu đảo chính do Liên Xô xúi giục, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, về thực chất, đã cả gan đặt vận mệnh đất nước lên chiếu bạc. Hơn nữa, họ còn coi thường ý dân. Lẽ ra họ phải biết, mà có lẽ họ biết nhưng không thèm quan tâm, rằng mô hình xã hội trại lính kiểu Trung Quốc chưa bao giờ là hấp dẫn đối với nhân dân Việt Nam.

Tuyên bố “xử lý nội bộ” đối với }nhóm xét lại chống Đảng” là việc không có chủ định trước. Nó là cái được nghĩ ra trong lúc bấn, để đối phó với dư luận. Không một nhà cầm quyền nào coi âm mưu đảo chính là chuyện vặt. Cách nói “xử lý nội bộ” cũng vô duyên. Tất cả đều tầm phào, như chuyện con nít. Nhưng hậu quả của nó lại không tầm phào chút nào.

Âm mưu dựng vụ không phải bắt đầu cùng với vụ bắt bớ. Nó được nghĩ đến từ lâu, nhưng nghĩ chưa được chín, cho nên người ta cứ làm, tới đâu hay tới đó. Nói cho đúng, những ý nghĩ và việc làm ấy bị dắt dẫn bởi tâm bệnh đinh ninh của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ rằng chẳng sớm thì muộn họ sẽ bị thay thế bởi những người xứng đáng hơn, giỏi giang hơn. Lại một nghịch lý: những tên độc tài luôn lo sợ cho ngai vàng của chúng – chúng là những tên tự ti trong thực tế. Chỉ nhìn vấn đề theo cách ấy ta mới hiểu vì sao tin đồn Nikita Khrushov gửi thư riêng cho Võ Nguyên Giáp được Lê Đức Thọ tung ra mấy năm trước. Trong bối cảnh lộn xộn của phong trào cộng sản quốc tế hồi ấy, một bức thư như thế, nếu nó có thật, phải được hiểu là sự khuyến khích, là lời cam kết của Khrushov ủng hộ tướng Giáp trong mọi hành động, không trừ cả việc lật đổ chính quyền[1].

Tôi đã viết trong một đoạn trên rằng trong thời gian ấy những người bị coi là thuộc "nhóm xét lại chống Đảng" không hề hướng về tướng Giáp. Họ không đánh giá cao tướng Giáp như một người có ý kiến độc lập và dám bảo vệ ý kiến của mình[2]. Đó không phải là nhận xét của riêng tôi, mà là sự khẳng định của những người trong cuộc.

Về đường lối đối ngoại, thậm chí những người bị coi là xét lại còn ủng hộ Lê Duẩn, tin tưởng ở lập trường trung dung mà Lê Duẩn cam kết. Đổ cho họ về phe tướng Giáp, cùng tướng Giáp mưu mô lật đổ là hết sức bậy, là nói lấy được, bất cần sự thật. Mục đích của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ được giấu kín dưới bức màn khói của dư luận tạo dựng. Mục đích ấy là bằng mọi giá gạt tướng Giáp ra khỏi hệ thống quyền lực.

Sau khi ra tù tôi được biết hồi ấy phần lớn dư luận cho rằng Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đồng tình dựng ra vụ này. Họ đã thành công trong việc đánh lừa được cả Ban Chấp hành Trung ương. Vả lại trung ương Đảng bây giờ, khi Đảng đã nắm chính quyền, không phải là trung ương Đảng ngày trước, khi sự tranh cãi còn được phép tồn tại. Bây giờ đó là một trung-ương-tay-sai cho Bộ Chính trị, cụ thể là tay sai của tổng bí thư và vài bộ hạ. Nhưng cũng có người nói Lê Duẩn bị lừa, Lê Duẩn trông gà hóa cuốc, rằng ông ta bị đánh lạc hướng. Mà kẻ đánh lạc hướng Lê Duẩn, chủ trương vụ trấn áp không phải ai khác ngoài Lê Đức Thọ.

Theo những người bênh vực Lê Duẩn, phần lớn là cán bộ tập kết, nói rằng hồi ấy ông ta đang bận bịu với đại sự – thấy Mao Trạch Đông được đôn lên thành nhà tư tưởng, Lê Duẩn cũng rắp ranh trở thành lý thuyết gia mác-xít, nếu không phải cỡ quốc tế thì cũng cỡ khu vực. Luận điểm "ở các nước không có giai cấp vô sản hoặc giai cấp vô sản chưa hình thành cũng có thể thành lập chính đảng mác-xít – lê-nin-nít" ra đời cùng lúc với chủ thuyết “ba dòng thác cách mạng, làm chủ tập thể, cách mạng tiến công” là trong giai đoạn này.

Tôi chỉ trình bày diễn biến mà tôi được biết, những nguồn tin mà tôi được nghe. Vụ án là một khối tù mù lớn. Như mọi sự tù mù của cái Đảng không thích, hoặc sợ hãi, bất cứ sự công khai nào.

Ngành tuyên truyền hồi ấy bơm Lê Duẩn lên hết mức. Đồn rằng trong một cuộc hội đàm Việt-Xô, Lê Duẩn nóng mắt lên, dám đập bàn quát mắng Khrushov. Tôi đem lời đồn ấy hỏi Khamidulin Rashid[3] thì Rashid cười ầm nói rằng làm gì có, chính anh là người dịch trong cuộc hội đàm ấy mà.

Ở trong tù tôi được Huỳnh Ngự và những chấp pháp dưới quyền y cho biết Ban tổ chức Trung ương đã có đủ bằng chứng cho thấy Liên Xô đứng đàng sau cuộc đảo chính bất thành. Chưa hết. Người của Lê Đức Thọ còn cho tôi biết cụ thể ai là kẻ thực hiện mệnh lệnh của điện Kremli.

Nhưng trước khi cho tôi biết Huỳnh ngự còn vặn vẹo chán chê đã.

-Anh biết thừa, mà còn vờ vĩnh – Huỳnh Ngự cười khẩy – Anh chơi thân với Rashid như thế mà nói không biết, thì có chó nó tin.

Tôi im lặng. Tôi còn biết nói gì với cái tên mao-ít đầu đất này?

Riết rồi Huỳnh Ngự cũng chịu nói ra. Y hạ cố cho tôi biết chính Sáu Búa và Ban Tổ chức Trung ương có đủ bằng chứng rằng chính đại sứ Liên Xô Ilyia Sherbakov[4] là kẻ đứng sau mọi việc dẫn tới hậu quả là chúng tôi phải vào tù.

Tôi không tin Liên Xô có ý muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Những người ở điện Kremli chủ quan, tưởng các đồng nhiệm của họ ở khu Ba Đình là đồng chí tốt, hoặc ít nhất thì cũng chẳng bao giờ rời bỏ họ. Nền kinh tế èo uột của Việt Nam không thể tách rời nguồn sữa mẹ Liên Xô. Họ cũng biết chút ít về những hoạt động bài Xô, thân Trung của một số cán bộ Việt Nam ở cấp trung ương, nhưng cho đó là do nhận thức kém mà ra, không có gì đáng ngại. Do đó mà không có ý muốn, chứ đừng nói tới hành động can thiệp.

Những bằng chứng về sau này tôi tìm được chứng tỏ tôi nghĩ đúng.

Đại hội XX trước hết là công việc của những người cộng sản Liên Xô, chống sùng bái cá nhân Stalin trước hết là công việc của Đảng cộng sản Liên Xô. Những người cộng sản Liên Xô làm việc đó vì những lợi ích của bản thân họ, vì sự tồn tại của đảng họ, của chính quyền xô-viết, không hề có mục đích chống sùng bái cá nhân hộ các nước khác. Phản ứng dây chuyền trong việc chống sùng bái cá nhân ở nước này hay nước kia trong khối các nước xã hội chủ nghĩa chẳng qua chỉ là phản ứng tự nhiên, được cổ vũ bởi sự kiện Đại hội XX mà thôi.

Trong những năm 60 Liên Xô có đủ chuyện trong nhà để mà đau đầu. Ban lãnh đạo ĐCSLX không buồn nghĩ ngợi về lập trường của ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam – thân Liên Xô hay chống Liên Xô.

Việc tra hỏi ngầy ngà về âm mưu đảo chính kéo dài cả tháng. Tôi phát mệt với những câu hỏi của Huỳnh Ngự.

Thế rồi bỗng nhiên thấy im. Cứ như họ chưa hề quan tâm tới vụ âm mưu đảo chính nọ.

Tưởng đến đó là xong, nhưng không phải.

Đùng một cái, Huỳnh Ngự quay lại với đề tài cũ. Giữa một buổi hỏi cung bình thường, y bỗng nổi cơn quát nạt ầm ĩ. Khi quát tháo, giọng y bốc cao, the thé như giọng một tên lại cái:

– Anh còn muốn ở Hỏa Lò nầy tới bao lâu nữa hử? Tui hớt kiên nhẫn với anh rồi. Tui tưởng đâu anh đã hiểu ra tội lỗi của anh trước Đảng, anh sẽ thành khẩn khai báo, nhưng không, anh vẫn chó đen giữ mực, vẫn ngoan cố… Không muốn về nữa hử?

Chao ôi, quát thì quát, anh chàng thư lại này vẫn còn ảo tưởng có thể thí dỗ tôi bằng một cái bong bóng xà phòng. Y muốn tôi nghĩ y cáu với tôi chỉ vì trên nóng lòng nóng ruột muốn thả tôi lắm rồi, còn tôi thì quá ngu ngốc nên không hiểu, cứ trơ trơ như gỗ. Huỳnh Ngự có cái dễ thương của y. Trong những ngày lao đao nhất của tôi, thỉnh thoảng y lại cho tôi một trận cười.

– Tôi chỉ có thể nói sự thật và chỉ có sự thật mà thôi. Nếu tôi nhớ không lầm chính bác đã nhiều lần nói với tôi rằng Đảng không đòi hỏi gì hơn ở tôi ngoài sự thật…

– Đừng có chơi chữ với tui, hiểu chửa? – Huỳnh Ngự vỗ mạnh xuống bàn. Cái vỗ của y quá yếu, nó gây ra một tiếng bẹt thảm hại – Tôi đi guốc trong bụng các anh đó. Đừng có thấy Đảng đối xử tử tế với anh mà tưởng bở, tưởng Đảng buộc phải nương nhẹ còn kiêng nể bọn xét lại hiện đại quốc tế… Lầm to! Lực lượng mác-xít-lênin-nít trên thế giới là vô địch, là bách chiến bách thắng, anh hiểu chưa? Sự thật của các anh là cái thứ chi? Một khi anh không chịu thừa nhận những lỗi lầm của mình thì cái sự thật của anh chẳng bao giờ giống được sự thật của Đảng. Mà chỉ có sự thật của Đảng mới là sự thật, là chân lý. Cái sự thật của anh ấy à, nó không đáng giá một đồng xu keng…

Tôi nổi khùng:

– Nếu chỉ có sự thật của Đảng mới được các anh coi là sự thật, thì hà tất các anh phải hỏi tôi làm gì cho mất thời giờ. Các anh cứ việc viết cái sự thật ấy ra mà lu loa rằng tôi đã thú nhận. Mà có lẽ các anh đã lu loa với mọi người như thế rồi, bây giờ các anh muốn tôi tự tay viết, tự tay ký, để chìa ra làm bằng chứng, phải không? Đừng hòng!

Bên cạnh Huỳnh Ngự có thêm một người lạ mặt. Đó là một người đứng tuổi, tầm thước, với cặp mắt thông minh trên gương mặt sáng sủa của một trí thức thành thị. Anh ta lẳng lặng theo dõi cuộc đấu khẩu, không biểu lộ một thái độ nào.

– Thế thì để tui nói cho anh hay cái sự thật Đảng biết về anh! – Huỳnh Ngự gầm lên – Anh là một-tên-gián-điệp-của-bọn-xét-lại.

Huỳnh Ngự giúp tôi bình tĩnh trở lại. Tiếng gầm của con mèo làm tôi bật cười:

– Sao? Anh nói cái gì, tôi không hiểu. Thật mà, tôi không hiểu khái niệm này. Ra còn có một tội danh như anh nói kia đấy… Thường trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia người ta nói tới tội làm gián điệp cho một quốc gia khác, chứ không ai nói gián điệp cho bọn này hay bọn kia… Các anh có hệ khái niệm của các anh, tôi có hệ khái niệm của tôi. Vì thế mà tôi không thể hiểu nổi anh muốn nói cái gì…

– Anh muốn nói cho rõ hơn hả? Được, tui sẽ nói rõ: anh là gián điệp-của-bọn-xét-lại-hiện-đại-Liên-Xô, anh làm gián điệp cho Liên Xô. Thế nào, anh có đủ can đảm nhận tội nớ không? Hay cái nớ cũng không phải là sự thật của anh? Cơ quan an ninh có đủ bằng chứng. Chính thằng Rashid đã thú nhận tất cả, tại phòng nầy nầy, cả thằng thầy nó nữa, thằng Sherbakov… Bọn xét lại Liên Xô đã phải xin lỗi vì thọc tay vào công việc nội bộ của Việt Nam. Các anh ngu dốt không biết, chớ cơ quan an ninh Việt Nam biết hớt mọi âm mưu của bọn xấu người nước ngoài. Lần này đến cả tên trùm lật đổ Mikoian cũng phải rợn tóc gáy. Chúng nó đều không ngờ…

Tôi muốn cười phá. Ghê chưa, mấy con cún bây giờ nhảy bàn độc, nhổ bọt vào những đấng bậc mà trước mặt họ chúng khúm núm.

– Anh không tin? Anh muốn biết bằng chứng?

– Sao lại không tin? – tôi cười vui vẻ – Tôi tin lắm chứ. Tôi tin rằng cơ quan an ninh Việt Nam phải có bằng chứng trong tay mới dám nói thế, trong việc này không thể à uôm được, còn bằng chứng ấy thế nào lại là chuyện khác. Trong những việc hệ trọng thế này đâu có thể xưng xưng nói ra cho sướng miệng. Những lời buộc tội không dựa trên bằng cớ xác đáng có thể dẫn tới những hậu quả tai hại vì chúng liên quan tới một quốc gia trước nay vốn không phải thù địch, hơn nữa lại là một nước anh em viện trợ cho ta nhiều hơn bất cứ nước nào khác…

Huỳnh Ngự chồm tới, ghé sát vào mặt tôi. Lòng trắng mắt y đỏ ngầu, vằn lên những tia máu. Tức giận không làm cho mắt y đỏ cạch như thế, tôi nghĩ. Thôi chết, y bị nhiễm dịch đau mắt đỏ rồi. Nạn dịch ghê gớm hoành hành dữ dội từ mấy tháng trước, tôi cũng đã bị. Nhưng trận dịch đã tắt, không hiểu sao y còn mắc. Lẽ ra y không nên ở đây lý sự lằng nhằng với tôi mà đến khám ở Viện Mắt.

– Được, tui sẽ cho anh biết những bằng chứng ấy. Ngay bây chừ. Ngay lập tức. – y rít lên – Chỉ vì Đảng nhân đạo khoan dung cho những đứa con lầm đường lạc lối nên tui mới còn kiên nhẫn làm việc với anh mà thôi…

– Có nghĩa là nếu Đảng không khoan dung thì tôi đã bị bắn bỏ? Tôi phải hiểu như thế chứ gì?

– Nè đừng có chọc giận tui nghen. Sự kiên nhẫn nào cũng có giới hạn. Nhơn tiện tui cũng nói cho anh hay: không phải vô cớ Đảng lịnh cho bắt anh ở giữa đường…

– Tôi không hiểu. Bắt giữa đường hay bắt tại nhà thì có gì khác nhau? Bắt ở đâu cũng là bắt. Hẳn phải có lý do nào đó khiến Đảng phải dùng cách bắt cóc…

– Anh lầm. – Huỳnh Ngự lửng lơ – Cái đó có nguyên nhân của nó, mà nguyên nhân ấy không nằm ngoài lòng tốt của Đảng đối với gia đình anh. Anh cứ nghĩ kỹ khắc hiểu[5]

– Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn lượng bao dung và tình thương rộng lớn mà Đảng dành cho gia đình chúng tôi – tôi cố ý chọn những từ ngữ khách sáo nhất để có thể mai mỉa nhiều nhất – Nhưng với tư cách người bị buộc tội tôi cũng rất muốn biết những bằng chứng kết tội mình. Biết đâu đấy, những bằng chứng ấy lại là ngụy tạo, do những tên bất lương cung cấp cho Đảng nhằm mục đích tâng công thì sao?

– Đừng có láo! – vừa dịu giọng được vài phút, Huỳnh Ngự lại sửng cồ – Anh bảo ai bất lương? Anh bảo ai tâng công?

– Những kẻ chạy theo thành tích bằng bất cứ giá nào ấy. Chẳng lẽ trong hàng ngũ cách mạng hết sạch những tên cơ hội rồi sao?

Huỳnh Ngự ngớ ra một giây. Trong các tài liệu tuyên huấn phát hành ra ngoài và lưu hành nội bộ, Đảng không ngớt chửi rủa bọn cơ hội. Tôi có chửi bọn cơ hội cũng là phụ họa theo Đảng mà thôi.

Người đàn ông ngẩng mặt lên nhìn tôi.

– Được, lúc ni tui không thèm đôi co với anh chuyện đó. Để đó sau. Chừ anh trả lời tui: ngày nớ giờ nớ (y giở sổ tay và đọc rõ ngày giờ với vẻ đắc ý) anh gặp thằng Rashid tại quán An Thái kế bên rạp Tháng Tám[6] để bàn chuyện chi? Anh có chối rằng anh không gặp hắn không?

– Việc gì phải chối! – tôi nhún vai – Chẳng lẽ tôi lại không được phép gặp gỡ bạn bè là công dân một nước anh em sao?

– Không được phép. Đảng đã nghiêm cấm mọi sự tiếp xúc với người nước ngoài.

– Rất tiếc, tôi chưa được biết Đảng đã ra một sắc lệnh như thế.

– Anh xỏ lá hả? – Huỳnh Ngự dậm chân quát – Đừng tưởng tôi không hiểu cái lối xỏ lá của anh. Đảng không bao giờ ra sắc lệnh. Nhưng Đảng là Đảng lãnh đạo, Đảng quyết và Nhà nước thực hiện.

– Kể cả sắc lệnh của Nhà nước, xin lỗi, của Quốc hội, tôi cũng chưa được đọc.

– Không phải sắc lệnh, mà là chỉ thị. – Huỳnh Ngự nhăn nhó – Nó đã được phổ biến đến từng cơ quan…

Tôi tiếp tục vờ ngây thơ:

– Tôi hiểu rồi. Chỉ thị này là chỉ thị mật, không được đăng báo, chứ nếu đăng báo thì ắt tôi đã biết. Không thấy cơ quan tôi nói gì về chuyện này. Mà cũng có thể khi chỉ thị được phổ biến thì tôi lại không có mặt ở tòa soạn. Chả là tôi thường xuyên đi công tác địa phương…

Tất nhiên, tôi biết cái chỉ thị mật sặc mùi bế quan tỏa cảng của Phạm Văn Đồng. Cái chỉ thị nhà quê ấy làm cho bất cứ ai trước kia từng học hoặc làm việc ở nước ngoài (trong trường hợp này là Liên Xô và các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa) phải chạy trốn mọi bạn cũ khi vô tình chạm trán họ trên đường phố Hà Nội.

– Ta trở lại vấn đề: anh gặp Rashid bàn những chuyện chi hè? – Huỳnh Ngự nhìn tôi, cười tủm tỉm.

Cách của Huỳnh Ngự là thế – vừa mới quát nạt phút trước phút sau y đã chuyển ngay sang giọng bình thường để quay lại với câu hỏi bỏ dở.

– Bàn chuyện gì? – tôi nhún vai – Chúng tôi chẳng bàn chuyện gì hết.

– Anh lại nói dối rồi!

– Nếu cái gì tôi nói cũng bị coi là nói dối thì còn nói nữa làm gì, vô ích.

– Được, anh nói gì cũng được. Tui nghe.

– Tất nhiên, bên ly cà phê chúng tôi cũng nói chuyện tào lao, không thể không có chuyện đó. Nhưng đó là chuyện trời đất nắng mưa, không đáng kể ra đây…

– Tui cũng muốn nghe cả những chuyện nớ.

– Được thôi, đại loại tôi hỏi thăm Rashid về các bạn cũ – chả là chúng tôi có những người bạn chung…

– Hừm, chi nữa?

– Chuyện mấy năm nay Moskva xây dựng thêm nhiều, Rashid nói, bây giờ tôi có sang đó chắc không nhận ra nơi tôi ở cũ.

Huỳnh Ngự cười nửa miệng.

– Có vậy thôi ư?

– Đáng tiếc, hôm ấy chúng tôi lại chẳng nói chuyện gì khác…

Tôi biết hôm ấy có cá chìm theo. Khi tôi và Rashid ngồi trong quán cà phê, chúng lảng vảng bên ngoài. Ở vị trí đó chúng không thể nghe được chúng tôi nói gì với nhau, giả định rằng chúng biết tiếng Nga. Để có thể nghe lén ở khoảng cách xa, bọn cá chìm phải được trang bị tốt. Nhưng đám “phái khiển”[7], được chọn từ những mối quan hệ huyết thống của gia đình Hoàn, chỉ thạo buôn lậu, chứ ra nước ngoài chúng chẳng những đã không thu thập được tin tức tình báo cần thiết, mà còn không mua sắm được phương tiện hiện đại cần cho hoạt động nghiệp vụ. Điều này giải thích vì sao về sau này Trần Quốc Hoàn mất hai năm không bàn giao nổi công tác tình báo cho bộ trưởng mới Phạm Hùng. Lịch sử còn ghi nhận thêm hai sự kiện đáng xấu hổ cho Hoàn: đó là trong cả hai biến cố lớn – khi quân Polpot vượt biên giới Tây Nam đánh vào Tây Ninh, khi quân Trung Quốc tràn qua biên giới phía Bắc – ngành an ninh đã không báo trước được cho Trung ương lấy một ngày.

Tôi lấy làm tiếc đã không kể được cho Huỳnh Ngự nghe câu chuyện giữa tôi và Rashid. Y không đủ trí tuệ để hiểu được sự thật. Tính đinh ninh, cố chấp làm y mù lòa.

Câu chuyện hôm ấy đáng được kể lại ở đây, vì nó liên quan tới cái gọi là tình quốc tế vô sản. Rashid hỏi ý kiến tôi về một số yêu cầu viện trợ đang làm anh băn khoăn. Chẳng hạn, phía Việt Nam đưa ra con số tổn thất về phương tiện vận tải quá lớn. Theo thỏa thuận giữa hai bên, Liên Xô phải đảm bảo cho Việt Nam một số đầu xe hoạt động trên toàn chiến trường Nam Bắc, Mỹ bắn hỏng bao nhiêu phải lập tức bù lại bấy nhiêu cho đủ. Cầu cũng vậy, Mỹ đánh gục cầu nào là phải có ngay sắt thép lắp lại ngay lập tức để bảo đảm vận chuyển bộ đội và súng đạn cho chiến trường. Theo tinh thần này Việt Nam yêu cầu Liên Xô cung cấp một lượng thép xây dựng cầu rất lớn, tính theo loại có kết cấu trung bình thì đủ để xây dựng một cây cầu có chiều dài tổng cộng… 80km (!)

Rashid nói:

– Nhiều quá! Của cải Liên Xô đâu phải vô tận. Cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được. Tôi không biết sẽ phải giải thích với chính phủ tôi ra sao đây, mà đó là công việc tôi phải làm…

Tôi hiểu: con số không khiêm tốn. Nhưng trong tôi tư tưởng bản vị thắng lẽ công bằng. Tôi không muốn Liên Xô giảm số sắt thép viện trợ.

– Nếu chỉ nói riêng về cầu không thì quả có quá đáng – tôi trả lời – Trong con số này chắc người ta đã tính gộp cả những nhu cầu khác thuộc cầu đường, chẳng hạn làm thanh chắn cho các đường ngầm qua suối, làm pông-tông[8]. Việt Nam, cậu biết đấy, có quá nhiều sông suối…

Rashid vốn nhiệt tình với Việt Nam. Anh gật gù rồi nói có thể tôi có lý.

Câu chuyện hôm đó là thế. Nhưng có nói ra với Huỳnh Ngự cũng vô ích. Trong khối óc bã đậu của y, những người xô-viết có mặt tại Hà Nội đều là những tên xét lại hiện đại, những tên địch, và y đang vênh vang tự hào về chiến thắng của quan thầy y trong cuộc chiến tưởng tượng.

Ở đây kể cũng nên mở ngoặc đơn để nói về một sự bất công. Dư luận thế giới nói nhiều về những mưu toan bá quyền của Liên Xô. Người ta dẫn ra các thí dụ về việc Liên Xô hy sinh một số nước láng giềng như Tiệp Khắc, Ba Lan trong thế chiến thứ hai, việc can thiệp vào nội bộ các nước ở Đông Âu để đàn áp những cuộc nổi dậy của dân chúng tại các nước đó, tham gia cuộc chiến dai dẳng tại Afghanistan[9], can thiệp vào cuộc chiến tại Việt Nam, Angola…

Những việc đó có thật cả. Lịch sử đã xác nhận. Nhưng bên cạnh và bên trong những toan tính vị kỷ của chính quyền cộng sản Liên Xô, còn một sự thật khác bị những người căm ghét Liên Xô cố tình không nhắc tới, nhất là sau khi Liên Xô tan rã. Sự thật đó là: trong những người xô-viết bình thường có thật một niềm tin ở tinh thần quốc tế vô sản. Tôi đã thấy điều đó bằng chính mắt mình. Họ ngây thơ? Họ bị lừa dối? Đều đúng. Đúng hết. Nhưng người dân Liên Xô thực sự có niềm tự hào rằng họ đang thực hiện nghĩa vụ giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc, họ đang làm việc mà nhân loại phải làm, vì những người cùng khổ, vì những dân tộc phải sống dưới ách nô lệ. Vì một chủ nghĩa bá quyền xô-viết mà phủ nhận công lao và xương máu của các chiến sĩ Hồng quân đã hy sinh mạng sống để tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít là vô ơn.

Cũng như vậy, không thể vì những mưu toan của một Lê Duẩn, một Lê Đức Thọ mà xóa sạch những hy sinh của các chiến sĩ Việt Nam trong cuộc chiến chống bọn diệt chủng Polpot. Trong chuyện này quốc vương Sihanuk còn công bằng hơn những người căm thù bất cứ cái gì là cộng sản. Mặc dầu không bằng lòng chính quyền Hà Nội trong nhiều vấn đề ông vẫn ghi nhận sự thật là: nếu không có người Việt Nam (người Việt Nam chứ không phải chính quyền cộng sản) thì thảm họa diệt chủng ở Camphuchia còn lớn hơn nhiều.

Những vấn đề lịch sử thường rất phức tạp, không thể suy nghĩ theo cách đơn giản: có – không có, phải – không phải.

Mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa hiện tồn, sự xuất hiện cũng như sự tan rã của nó, để lại cho nhân loại nhiều suy ngẫm. Ước mơ về một xã hội công bằng trong tình thương yêu không mất đi cùng với sự mất đi của một mô hình. Một xã hội tự do và công bằng, không còn cảnh người bóc lột người, bốn biển là anh em, chẳng lẽ không phải và không được phép là một xã hội mong muốn? Điều đáng tiếc là cái phác đồ cho một tương lai đẹp đẽ ấy chỉ là một cái bánh vẽ, một hoang tưởng, không thể nào thực hiện được, trước hết bởi những tên lãnh tụ say mê quyền lực.

Huỳnh Ngự đi đi lại lại một lát rồi đột ngột dừng bên cạnh tôi, ngọt nhạt:

– Tui hiểu, anh muốn tôi phải chìa bằng chứng ra rồi mới chịu nói hớt chớ chi? Nè, cái đó, tui báo trước cho anh biết, chỉ có hại cho anh chớ không có lợi đâu. Anh không tin hử? Anh coi thường đối thủ của mình hơi nhiều đó. Bây giờ đã là năm 1967 rồi, đâu có còn là năm 1945. Ngành an ninh của ta đã lớn mạnh. Anh thấy đó, cho dù anh có được chúng nó huấn luyện kỹ tới mấy, kết cục anh vẫn thua tụi tui như thường.

Thì ra trong cái đầu cằn cỗi của y, Trường Đại học Điện ảnh Moskva một lần nữa lại nổi lên như một Trung tâm huấn luyện tình báo. Chẳng thế mà y cứ hỏi đi hỏi lại về chương trình học ở trường này, bắt tôi nói kỹ, bắt tôi viết, về từng môn học, về từng giáo sư. Tôi hiểu: bằng những câu hỏi triền miên Huỳnh Ngự muốn tôi bị rối trí lộ ra những cái không nhất quán để y thọc sâu, khai thác tiếp.

Tự nhiên tôi thấy mệt. Có lẽ do áp huyết tụt. Tôi mắc chứng áp huyết thấp, nhưng chẳng bao giờ tôi tìm cách chữa nó. Tôi còn trẻ, bệnh tật chưa làm phiền tôi bao nhiêu. Cái mệt mỏi bất thần ập đến làm tôi không muốn kéo dài cuộc đấu khẩu. Tôi chán ngán cúi xuống. Im lặng tràn ngập căn phòng.

Không nhìn lên, tôi nghe Huỳnh Ngự cao giọng:

– Bây chừ anh còn muốn cãi nữa không? Tui sẵn sàng nghe anh cãi. Còn cái sự thật nào nữa thì đưa ra đây coi thử? Tui chẳng cần phải dối anh làm chi, tui nói có bằng chứng là tui có bằng chứng. Đủ cả: muốn hình chụp có hình chụp, muốn băng ghi âm có băng ghi âm… Nào, chừ anh muốn coi hay muốn nghe? Hay muốn cả hai.

Tôi chẳng muốn gì hết. Tôi chỉ muốn có một phép mầu nào đó giúp tôi biến khỏi nơi này, để khỏi phải thêm những lời xuẩn ngốc của một tên mắc chứng chuyên chính cuồng.

Huỳnh Ngự tưởng đã chế ngự được tôi. Y vênh vang như một kỵ sĩ cuối cùng đã thuần phục được con ngựa bất kham.

– Có vậy chớ! – y thở phào – Chẳng lẽ anh cứ ngoan cố mãi.

Y tưởng tôi gục rồi, tôi sẽ nhận cái tội y muốn tôi nhận.

Ai cũng biết rằng đối với nhà cầm quyền ngoài cái tội tuyên truyền chống chế độ mơ hồ, chỉ còn có tội làm gián điệp cho nước ngoài là tiện lợi hơn cả. Chẳng cần phải vất vả chứng minh, cứ có lời nhận tội là đủ, là đã có thể mang tội nhân ra xử rồi.

Tôi không được trực tiếp nghe những thông báo nội bộ của Lê Đức Thọ. Văn Cao dự họp Đảng ở Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật, được nghe phổ biến về những thông báo trên. Anh kể lại cho tôi không những nội dung mà cả cách dùng từ ngữ trong những thông báo nọ. Chúng là sự sáng tạo ở cấp độ cao lối nói mơ hồ, tạo ra những khoảng không bao la cho sự hiểu ngầm.

Trong thông báo số 1, Lê Đức Thọ nói rằng Đảng (chứ không phải Nhà nước) đã quyết định bắt giam một số tên cầm đầu của một nhóm phản bội. Bản thông báo kêu gọi những ai có quan hệ với nhóm này hãy đến ngay để báo cáo mọi điều mình biết với Ban tổ chức Trung ương Đảng (hãy mau mau lập công, hỡi các đồng chí!).

Thông báo số 2 cụ thể hơn. Lê Đức Thọ cho trích một số lời thú tội của những người bị bắt, nhận có quan hệ với người nước ngoài, lạy lục van xin Đảng khoan thứ. Sự bịa đặt quá lố, làm mẹ tôi phải kêu lên:"Bọn mất dạy, bố của các con không bao giờ nói những lời hèn hạ như thế! Các con chớ tin lời chúng nó". Sự bịa đặt trắng trợn của Lê Đức Thọ và bè lũ là không có giới hạn, như sau này tôi được biết.

Mặc kệ Huỳnh Ngự nỉ non, tôi ngồi im. Cơn buồn ngủ ập đến làm tôi ngáp chảy nước mắt.

Huỳnh Ngự lại hiểu sự im lặng của tôi theo nghĩa khác.

– Chừ anh hiểu cả rồi chớ? Hiểu thiệt chớ?

– Vâng, tôi đã hiểu… – tôi ngán ngẩm đáp và nghe thấy y cười ré trên đầu tôi.

Thằng đần, tôi rủa thầm. Từ khi vào tù tôi thích nói những câu hai nghĩa. Tôi nói hiểu là theo cách của tôi, không phải theo cách của y.

Huỳnh Ngự tự thưởng cho mình một điếu Điện Biên bao bạc. Y ngả người trên ghế, nhả khói lên trần.

– Tui biết, tui biết chớ, chẳng chóng thì chầy anh cũng sẽ hiểu ra. – giọng thủng thẳng, y nói – Ngoan cố là vô ích, bởi vì Đảng biết tất, biết từng hành động sai trái của anh, bởi vì tai mắt của Đảng ở khắp mọi nơi…

Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Đảng là Chúa Trời "ở khắp mọi nơi thông biết mọi sự". Đảng là Phật nghìn tai nghìn mắt. Đảng quyền lực vô biên!

– Đảng còn hỏi anh là để cho anh có cơ hội phản tỉnh, để cho anh do đào sâu suy nghĩ mà hiểu thấu lỗi lầm, rồi tự mình trình bày với Đảng… Thành khẩn khai báo là thước đo lòng trung thành với Đảng… Đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh kẻ chạy lại…

Lại bài ca muôn thuở! Tội nghiệp cho Huỳnh Ngự. Y quá vội sung sướng.

– Mừng cho anh hôm ni đã vượt qua được bản thân để thú nhận tội lỗi của mình với Đảng. – y đặt tay lên vai tôi – Xét cho cùng, cũng chẳng con đường nào khác. Vả lại, anh theo Đảng từng ấy năm, được Đảng giáo dục dạy dỗ, chẳng lý nào anh lại không tiếp thu được điều chi. Trong thời gian tới tui hi vọng anh sẽ tiếp tục khai báo với Đảng những chi mà bọn xấu người nước ngoài mưu toan gây hại cho nước ta…

Tôi ghê tởm cảm thấy trên vai mình chất nhày trên da loài bò sát. Để Huỳnh Ngự không nhận thấy mặt tôi nhăn nhó, tôi lí nhí đáp lại một câu không rõ.

– Bác Ngự ạ, cảm ơn bác chí tình khuyên răn, nhưng…

Huỳnh Ngự chững lại:

– Còn nhưng cái chi?

– Thế này, tôi sẵn sàng nhận tội trước Đảng… – tôi cố ý nói chậm, từng tiếng một, bằng giọng thật điềm đạm – bởi vì, thú thực, cái mà Đảng coi là tội thì trong quan niệm của tôi…, ồ không, xin bác đừng ngắt lời, xin hãy nghe tôi đã…

Huỳnh Ngự nuốt nước bọt. Y nhìn xoáy vào mắt tôi:

– Nói đi, đừng có vòng vo Tam quốc.

Tôi ngưng vài giây cho hiệu quả câu trả lời được nặng cân hơn.

– Tôi sẵn sàng nhận tội làm tình báo cho Liên Xô…

Huỳnh Ngự chỉ chờ có sự thú nhận đó. Y phán:

– Tốt!

Tôi tiếp:

-… tôi đã dại dột mắc vào tội đó, trong khái niệm của Đảng…

– Tốt! Tốt lắm!

Tôi ngừng lại một lần nữa, lâu hơn. Rồi mới nói:

– Tôi nhận còn vì một lẽ nữa: tôi coi sự được đứng trong hàng ngũ các chiến sĩ tình báo xô-viết là một vinh dự.

– Hừm!

– Vâng, đúng thế, tôi coi là vinh dự. Với tôi, không có cách nhìn khác. Những chiến sĩ tình báo xô-viết đã lập chiến công to lớn trong cuộc chiến đấu của loài người chống họa phát-xít. Họ xả thân vì quyền sống của nhân loại, họ ngã xuống như những anh hùng…

– Hừm!

– Nhưng nếu như tôi không nhận mình là người trong hàng ngũ những người anh hùng ấy, mặc dầu lòng tốt và sự khó nhọc của bác, thì xin bác đừng giận: ở đây không phải chuyện chạy tội, hoặc giả tôi không dũng cảm nhận việc mình làm… Nguyên nhân ở đây khác: tôi là một con gà lương thiện không thích được cắm lông công.

Tôi đứng lên, tỏ ý cuộc nói chuyện đến đấy đã chấm dứt.

Huỳnh Ngự trợn mắt, đờ đẫn nhìn tôi. Y không chờ đợi một phản ứng đầy miệt thị như thế. Người của bộ máy chuyên chính vô sản quen đè bẹp mọi kẻ thù bàng hoàng trước một tên tù non choẹt nhưng không thể bẻ gãy.

Người đàn ông mỉm cười, hoặc tôi có cảm tưởng anh ta mỉm cười.

Huỳnh Ngự run bắn lên. Trong cơn giận dữ ập tới y không tìm được lời đối đáp. Y còn tức giận hơn nữa vì trong phút ấy y không chỉ mất mặt với mình tôi – sự mất mặt lần này lại diễn ra trước thuộc cấp.

– Đưa hắn vô trở lại xà lim! – y hét lên, trở lại nguyên hình – Hắn muốn chết rục xương trong Hỏa Lò ni thì cho hắn toại nguyện! Không có nương nhẹ chi với hắn hớt! Từ mai các anh cắt hớt cho tôi! Cắt! Cắt hớt!

Vơ vội vã những tài liệu trên bàn, những ngón tay nhợt nhạt run lên, y nhét tất cả vào cặp, đùng đùng bỏ ra ngoài.

Còn lại người đàn ông và tôi. Giữ nguyên nụ cười khó hiểu trên môi, anh ta lững thững đưa tôi đi qua sân Hỏa Lò vắng vẻ tới cái tiền phòng, từ đó tôi trút bỏ áo quần đời thường để bước vào cuộc sống tù ngục.

Sau buổi làm việc không vui vẻ ấy cái “bánh mì bộ” tuyệt trần cũng vĩnh viễn ra đi. Cái chữ "Cắt hớt! Cắt hớt!" của Huỳnh Ngự té ra có nghĩa là như vậy.

Thành không oán tôi về sự ra đi đột ngột của cái bánh mì đáng yêu. Anh an ủi tôi:

– Cậu lại gây gổ với họ rồi! Thời tiết Hỏa Lò thay đổi như thế là chuyện thường. Đừng ngạc nhiên. Mà cũng đừng lo lắng.


[1] Trong cuốn “Hồi ký” của mình Khrushov (xuất bản lần đầu năm 1970 ở ngoài Liên Xô) không hề nói tới một mối quan hệ riêng nào với tướng Giáp. Khrushov cũng chẳng đả động gì đến bất cứ một bức thư hay một lời nhắn gửi nào cho tướng Giáp. Trong những hồi ký lẻ tẻ của tướng Giáp đăng trên các báo Việt Nam về sau này cũng không thấy nói tới một bức thư nào của Khrushov gửi cho ông. Trong chuyện tung ra ra bức thư nói trên, mà mục đích chủ yếu là cho nó chạy trong luồng dư luận vỉa hè, ác ý của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đối với tướng Giáp là rõ ràng.

[2] Sophie Quinn-Judge viết trong một khảo luận của bà về vụ án "nhóm xét lại chống Đảng" được web talawas đưa ra bản dịch ngày 13. 4. 2006: “Một điều lạ lùng trong giai đoạn này là chúng ta có rất ít bằng chứng khẳng định việc Võ Nguyên Giáp đã từng có lập trường rất khác biệt với những người còn lại của Bộ Chính trị vào năm 1967. Trong các tư liệu mà ông viết, ông thường xuyên bày tỏ sự ủng hộ chiến tranh nhân dân – một học thuyết Mao chính thống. Trên thực tế, một số nghiên cứu đã giả định rằng bài viết của ông trên báo Nhân dân và Quân đội Nhân dân, “Một chiến thắng vĩ đại, một nhiệm vụ to lớn” hồi tháng 9 năm 1967 đã cung cấp “một mô tả chung về đợt Tổng tấn công năm Mậu Thân”. [7] (Chúng ta phải xem xét khả năng những bài của tướng Giáp viết cho công chúng là một hình thức tự vệ và không phản ánh hoàn toàn các niềm tin sâu thẳm trong lòng ông. ) Nhưng nghịch lí là cùng thời điểm đó, ông bị nhìn nhận là thân cận với Liên Xô, phần lớn là vì ông vận động cho một quân đội hiện đại và được đào tạo về kĩ thuật, nhưng cũng có thể vì ông đồng tình với các chính sách của Khrushchev. Vấn đề thực chất của Giáp có lẽ bắt nguồn từ uy tín của ông trong quân đội, với tư cách là người thắng trận Điện Biên Phủ, và vai trò lãnh đạo của ông trong việc sửa sai cuộc cải cách ruộng đất. Tướng Giáp đã đứng ra thay mặt Hồ Chí Minh gửi lời xin lỗi của Đảng tới dân chúng vào tháng Mười và Mười Một năm 1956”.

[3] Bí thư thứ hai đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam vào những năm 60. Sau, Khamidulin Rashid giữ chức đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô tại Phnôm Pênh, rồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô tại Hà Nội. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Rashid vẫn là đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Hà Nội.

[4] Mãi tới Hội nghị Trung ương lần thứ 20, khóa III (tháng 1. 1972) Trung ương Đảng mới có kết luận về "nhóm xét lại chống Đảng" như sau: "Đây là một vụ án rất nghiêm trọng, có mục đích, có biện pháp tiến hành, nhằm lật đổ cơ quan lãnh đạo của Đảng, đồng thời họ tổ chức hoạt động tình báo cho nước ngoài và được nước ngoài chỉ đạo chặt chẽ… " (Trích Nghị quyết số 219A ra ngày 27. 1. 1972 – tôi nhấn mạnh) Như vậy là hơn bốn năm sau khi bắt người Lê Đức Thọ mới lợi dụng Trung ương tuyên bố tội trạng (!), mà là tội trạng bịa đặt, nhất là về cái gọi là tổ chức hoạt động tình báo cho nước ngoài và được nước ngoài chỉ đạo chặt chẽ. Cũng không nói tới đảo chính nữa, chỉ nói tới lật đổ ban lãnh đạo Đảng mà thôi.

[5] Rất có thể Huỳnh Ngự muốn nói Lê Đức Thọ không chủ trương bắt tôi thật, mà chỉ định bắt dọa thôi. Cho tới nay tôi vẫn không hiểu được liệu có một cái ý như thế ở Lê Đức Thọ không? Thế mới biết chính quyền vô sản chuyên chính tùy tiện đến mức nào trong việc đối xử với công dân.

[6] Vốn là rạp Majestic trước năm 1954 ở phố Huế.

[7] Tình báo viên được cử ra nước ngoài hoặc hoạt động trong lòng địch dưới những vỏ bọc khác nhau.

[8] Phao ghép làm cầu qua sông, suối.

[9] Trong những năm 1979-1989 Liên Xô đã mang quân chiếm đóng Afghanistan (con số được công bố là 118. 000 lính) "theo yêu cầu của nước bạn" để ủng hộ chính quyền thân Liên Xô, với những nhân vật lãnh đạo được lần lượt dựng nên và truất bỏ: Noor Taraki, Hafizullah Amin, Babrak Karman, Muhammad Najibullah.

Comments are closed.