Đêm giữa ban ngày (kỳ 3)

3

Cai ngục của tôi, chính là anh công an mang cho tôi bộ quần áo, dẫn tôi tới trước một cánh cửa lim sơn đen, nằm giữa loạt cánh cửa giống hệt nó trong một hành lang hoang vắng và mốc thếch. Tất cả hiện lên mờ mờ trong ánh sáng bủng beo đầu đông. Tôi đứng lặng, ngắm giang sơn mới của mình. Dội vào óc tôi tiếng mở khóa, tiếng then kim loại trượt lạch xạch trong hõng. Ngoài những tiếng động chát chúa, khu giam người này vắng nặng và ảm đạm như một hầm mộ.

“Những nấm mồ chôn người sống”, tôi nghĩ.

– Anh vào trong này!

Tôi ngạc nhiên. Đúng hơn, tôi sửng sốt. Tôi không chờ được nghe ở đây một giọng nói hiền lành như thế. Tôi hình dung mọi cái ở chốn này phải tồi tệ hơn nhiều, phải phi nhân hơn nhiều, kể cả cách cai ngục nói với tù.

Bước ngoặt cuộc đời diễn ra quá lẹ. Sau một Huỳnh Ngự hách dịch, giọng nói bình thường mà người ta nói với nhau hàng ngày đã đủ làm tôi sững sờ.

Tôi lẳng lặng quan sát viên cai ngục. Trên gương mặt nông dân thuần phác, nước da thô đầy những sẹo trứng cá, cái mũi to quá khổ, không có lấy một nét gian giảo hoặc ác độc mà ta đinh ninh phải có. Một gương mặt như thế ta có thể gặp ở bất cứ đâu trong vùng châu thổ sông Hồng.

Đã bước một chân vào xà lim, tôi dừng lại:

– Tôi có việc muốn phiền đồng chí.

Anh ta nhướng mắt:

– Việc gì vậy?

– Nhờ đồng chí báo giùm cho cơ quan tôi ở số 76 Lý Thường Kiệt biết tôi hiện ở đây – tôi nói và nghe thấy giọng mình ngập ngừng bởi không tự tin rằng mình cư xử hợp lẽ – Đồng chí làm ơn gọi điện thoại số 3508, cơ quan tôi lúc nào cũng có người trực.

Hình như anh ta mỉm cười. Tôi sực nhớ điều đã được nghe: trong nhà tù không được gọi công an bằng “đồng chí”.

– Được.

– Nhân thể xin anh nhắn giùm người phụ trách căng-tin bảo chuyển cho tôi thuốc lá tiêu chuẩn. Và một cái bật lửa.

– Được.

Kiên nhẫn nghe hết lời nhắn của tôi, anh ta quay ra.

Cuộc đối thoại hôm ấy giữa tôi với cai ngục hẳn đã cho những người tù ở các xà lim bên cạnh một trận cười, như sau này tôi hiểu. Nó giống chuyện tiếu lâm.

Cánh cửa lim đóng xầm. Sau cái tiếng động không lịch sự là tiếng then rít lên trong hõng, tiếng bấm khóa, tiếng chân xa dần. Căn phòng tối hẳn lại.

Quay vào, tôi thấy một cái đầu bù xù ngẩng lên trong tranh tối tranh sáng. Thì ra ở đây đã có sẵn một cư dân.

Người này cất giọng khàn khàn hỏi tôi:

– Anh mới vào?

Tôi hiểu đó là một câu chào. Tôi chào lại.

– Vâng.

Mắt tôi quen dần với bóng tối. Trước mặt tôi là một người đàn ông đứng tuổi, mái tóc dài rũ rượi bao quanh gương mặt xương xẩu, đen xạm, râu ria tua tủa. Anh ta khoác tấm chăn sợi Nam Định đã rách tả tơi và chắc là rất bẩn, ngồi bó gối trên phản, giống hệt một con cú mèo.

– Anh vừa bị bắt?

Người tù trừng trừng quan sát tôi. Hình hài tiều tụy cộng với cái nhìn thất thần dính chặt vào mặt tôi làm tôi cảm thấy khó chịu.

– Vâng, cách đây mấy giờ tôi còn ở ngoài kia.

– Thế à?

Xà lim của chúng tôi là một căn phòng hẹp, chiều ngang khoảng dưới hai mét, chiều dài hai mét rưỡi, với hai tấm phản xi măng bắt chết vào những trụ bê tông cách nhau bởi một lối đi vừa cho một người. Cuối mỗi phản, sát cửa, là một cái cùm sắt.

Tôi ngồi xuống tấm phản đối diện với người tù. Cái lạnh lẽo của khối xi măng đặc lọt qua lần vải chạm vào da thịt. Tôi rùng mình. Xà lim phảng phất một mùi khó tả, hòa trộn mùi mồ hôi người chua chua, nồng nồng, mùi nước tiểu lưu niên khăn khẳn với mùi tanh của đờm rãi thường gặp trong nhà thương làm phúc.

Chà, xà lim Hỏa Lò, nó thế này đây!

Lần đầu tiên tôi được thấy nơi giam tù trong phòng riêng, còn gọi là xà lim cá nhân, là ở nhà tù Petropavlovsk, mùa hè năm 1955. Khi ấy tôi là một sinh viên đại học chưa có ria mép, được nhà trường cho đi tham quan các di tích lịch sử của nước Nga. Nhà tù Petropavlovsk nằm bên kia sông Neva, mà bên này là thành phố Lêningrad[1]. Nghe cô hướng dẫn viên giải thích thì trước kia nó là một pháo đài, sau được xây lại thành xưởng đúc tiền, Nhà Tiền[2], thuộc sở Kho bạc, sau nữa mới được sửa lại để dùng làm nhà tù.

Trong xà lim dành cho những nhà cách mạng ở nước Nga quân chủ có một giường, một bàn, một bồn rửa mặt, một bàn cầu, tất cả đều bằng sắt, được gắn chết vào nền bê-tông. Ngoài ra có một tủ tường để đựng sách và đồ dùng. Xà lim Hỏa Lò hẹp hơn nhiều, diện tích chưa được bằng nửa, lại trống trơn. Đem hai cái xà lim ra so sánh thì xà lim thời Nga hoàng giống một phòng trọ rẻ tiền, còn xà lim Hỏa Lò giống một chuồng thú.

– Anh ở đây bao lâu rồi? – hai tay ôm ngực cho đỡ rét, tôi hỏi anh bạn tù.

Anh ta không trả lời ngay:

– Năm năm.

Tôi ớn lạnh. Năm năm? Trong cái chuồng này?

Người tù thở nặng nhọc. Anh ta quay mặt vào tường, chậm rãi hút thuốc lào. Tôi không nghe tiếng lọc xọc quen thuộc của điếu ống hay điếu bát. Khói thuốc cay nồng lan tỏa làm cho căn phòng ấm lên được một chút.

– Hà Nội bây giờ có gì khác không anh? – anh tù hỏi, húng hắng ho.

– Năm năm, chà… – tôi đáp – Cũng chẳng khác trước mấy đâu. Xem nào, so với năm năm trước Hà Nội bây giờ khác cái gì? Hai bên hè phố có nhiều hố cá nhân, cứ vài mét một cái. Nhiều tự vệ đeo súng. Trên những nhà cao đặt nhiều đại liên, trung liên. Phong cảnh mới của Hà Nội là thế. Thành phố, tất nhiên, vắng hơn trước nhiều.

– Nhưng vẫn còn đông chứ?

– Vẫn đông. Hà Nội bao giờ cũng vẫn là Hà Nội. Vắng đi một anh, một tôi, chẳng nghĩa lý gì đối với nó.

Anh tù thở dài.

– Anh bị tội gì?

Người tù không trả lời.

– Tôi tò mò hỏi vậy thôi, anh không muốn trả lời thì thôi, đừng nghĩ ngợi.

Anh ta ngẩng lên lặng lẽ quan sát tôi. Rồi nói, rất khẽ:

– TGiết người.

Một tên sát nhân đấy ư? Không có lẽ. Trong hình dung của tôi, tên sát nhân phải dữ tợn hơn, với đôi mắt xếch đầy lòng trắng chẳng hạn.

– Ngộ sát, chắc vậy?

Anh ta đáp, giọng miễn cưỡng:

– Chuyện dài. Mà rắc rối lắm.

– Anh bị xử mấy năm?

– Nào đã được xử đâu mà biết!

– Mà đã năm năm rồi?

Anh tù lúng túng. Chắc hẳn muốn chọe tên lính mới tò te anh ta đã thổi phồng số thời gian ở đây. Bây giờ anh ta ngượng.

– Còn đang giam cứu. – anh ta thở dài đánh sượt – Chưa biết đến bao giờ.

Giam cứu nghĩa là thế nào?

– Là người ta cứ giam mình đấy đã để điều tra nghiên cứu. Bao giờ điều tra xong, nghiên cứu xong thì đem xử.

Chuyện này tôi chưa từng nghe. Cái gì cũng có giới hạn của nó chứ. Không lẽ nếu chưa điều tra xong thì cứ giam miết những người chưa thể kết luận về tội trạng.

– Giam cứu thường có lâu không?

Người tù trả lời bằng giọng lừng khừng:

– Biết thế nào được. Cũng tùy vụ, tùy người… Nhanh thì sáu tháng, một năm, chậm thì vài ba năm không chừng.

Tôi hỏi tiếp vì tò mò:

– Xử rồi người ta có trừ đi thời gian đã ở tù không?

– Trừ chứ.

– Thế nếu điều tra xong anh lại trắng án? Hoặc án xử lại ít hơn thời gian anh đã ngồi tù, vì tội ngộ sát chẳng hạn?

– Thì người ta cho về.

– Có thế thôi?

– Được về là phúc rồi, còn muốn cái gì nữa? Bắt người ta ngồi tù đền à?

Chòm râu rung rung, anh ta cười không có tiếng.

Bên ngoài có tiếng chân người. Miếng tôn ở cái khung hình vuông bằng bàn tay ở cửa dịch sang bên. Một con mắt ngó vào. Miếng tôn khép lại.

– Cái gì thế?

– Các ông bộ đội đi kiểm tra. Kệ, không sao đâu.

– Bộ đội sao lại gác ở đây?

– Công an quản lý trại, gác trại là công an nhân dân vũ trang, họ vận đồ lính, chỉ khác phù hiệu với quân hàm màu xanh, chúng tôi gọi là bộ đội.

– Lôi thôi nhỉ? Đã có công an rồi lại còn thêm công an nhân dân vũ trang.

Hình như anh ta tủm tỉm cười.

– Mỹ ném bom Hà Nội có nhiều không anh?

Tôi ngạc nhiên:

– Trong này anh không nghe thấy gì sao?

– Có chứ, có nghe thấy còi báo động. Nghe thấy tiếng nổ. Nhưng trong phòng kín như bưng thế này nghe chỉ ầm ầm, ầm ầm, không phân biệt được đâu là tiếng tên lửa phòng không, đâu là tiếng bom… Anh ở đây lâu rồi khắc biết.

Bom đạn Mỹ rót xuống đất Thăng Long phi chiến địa, theo lời sấm Trạng Trình, không phải bây giờ là lần đầu. Mùa thu năm 1944, những pháo đài bay B-26 đã bay đến đây ném bom khu Tám Mái, ném bom bên cạnh Quần Ngựa. Những mẩu tro của đám cháy lớn từ kho Tám Mái bay khắp Hà Nội, rơi xuống những hầm trú ẩn gần đền Hai Bà còn nguyên hình nống vải kaki. Mấy con ngựa đua của ông Đỗ Kim Hải, bạn cha tôi, chết cứng trong tàu vì mảnh bom, bốn cẳng duỗi thẳng đơ, trông như ngựa gỗ, với những con mắt ngây dại bằng thủy tinh.

Người tù nằm xuống, kéo chăn lên, lạnh lùng quay mặt vào tường.

Tôi còn lại một mình.

Cảm giác đầu tiên ập đến, làm tôi choáng váng, là thời gian đang chảy trôi bỗng ngừng lại đột ngột. Tưởng chừng thấy được, bằng thị giác, bằng xúc giác cái thanh chắn, cái cột mốc ngăn đôi cuộc đời – bên kia là quá khứ, là phần đã mất, còn bên này, nơi tôi hiện diện, là sự ngưng đọng mở đầu cho cõi bất tri, thăm thẳm, khôn cùng.

Tôi sẽ phải ở đây bao lâu? Bao nhiêu tháng? Hoặc, trời hỡi, bao nhiêu năm?

Tôi không được chuẩn bị để phải chịu đựng cảnh này. Tôi có thể hình dung mình trong nhà tù đế quốc, nhưng không bao giờ tôi hình dung mình trong nhà tù cộng sản.

Nhớ lại những ngày Tháng Tám tưng bừng, khi tôi còn là đứa trẻ, mà tiếc. Trước mắt tôi cuộc đời mở ra toàn một sắc hồng. Cờ đỏ sao vàng tràn ngập Hà Nội. Tiếng trống ếch thiếu nhi vang rền trên các phố. Những đám đông rầm rập như những dòng lũ người, ồn ào tiếng hát, tiếng thét vui mừng.

Cách mạng thành công rồi, mẹ tôi nói. Nhìn thành phố biến đổi như do một phép mầu trong niềm vui chung của mọi người, mọi nhà, mẹ tôi nước mắt rưng rưng, miệng cười mếu máo vì xúc động. Thế là nước ta độc lập rồi! Chúng tôi reo mừng, chúng tôi nhảy cỡn lên vì sung sướng. Thế là từ nay chẳng bao giờ mẹ con chúng tôi còn phải thao thức đêm đêm, giật mình với mỗi tiếng phanh ô tô rít lên ngoài đường. Chẳng bao giờ hai mẹ con tôi còn phải chầu chực bên ngoài bức tường đá Hỏa Lò chờ đến lượt mình được gọi tên vào thăm cha tôi trong đó. Cùng với những lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp Hà Nội, tâm hồn chúng tôi mọc cánh trong niềm vui tự do.

Tuổi thơ của tôi chấm dứt từ đó. Tôi lăn vào các công tác cách mạng đáng lẽ của người lớn, bắt đầu bằng một đội viên tuyên truyền xung phong. Chúng tôi diễn kịch, chúng tôi ca hát cho đồng bào nghe, chúng tôi lang thang làng này qua làng khác, trong không khí hội hè bất tận. Rồi lớn lên, tôi thành người lính, thành cán bộ. Những năm xen kẽ giữa các công tác, thỉnh thoảng lại bị bố mẹ bắt về đi học, là những năm tôi bứt rứt lắm, ngứa ngáy chân tay lắm; sểnh ra tôi lại lên đường. Chiến tranh, tất nhiên, gắn liền với bom đạn, với hy sinh. Nhưng chúng tôi không sợ.

Lớp trẻ chúng tôi đi vào chiến tranh với những khúc quân hành hùng tráng và những bản tình ca lãng mạn. Chúng tôi không sợ hy sinh, chúng tôi không sợ chết. Thế hệ chúng tôi là thế hệ quyết tử quân của cách mạng. “Các em quyết tử cho tổ quốc quyết sinh… !”[3] Chúng tôi nghe thấy giọng nói sang sảng của Bác Hồ giục giã. Chúng tôi hăng hái ra đi theo lời Bác gọi. Không khó khăn gian khổ nào có thể làm chúng tôi chùn bước.

Đó là những ngày đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Nếu, nói ví thử điều không thể có, tôi sống thêm một lần và lịch sử lại lặp lại những ngày Tháng Tám, chắc chắn tôi sẽ lại sống như tôi đã sống. Trước mặt chúng tôi là quân xâm lược, sau lưng chúng tôi là nền độc lập vừa giành được, là Tổ quốc. Không có chọn lựa nào khác.

Chuyện sau Cách mạng Tháng Tám là cái gì thì lúc đó chẳng ai nghĩ đến. Những người cộng sản trong những ngày Tháng Tám không xưng mình là cộng sản. Mà cho dù họ có xưng như thế chăng nữa thì cũng chẳng ai hiểu cộng sản là cái gì. Người ta chỉ biết vui mừng khi được trút bỏ thân phận nô lệ, trở thành dân của một nước độc lập.

Nhưng kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc thì cuộc cách mạng của tất cả chúng tôi bỗng dưng trở thành không phải của chúng tôi nữa. Một ma thuật đã xảy ra. Cách mạng vẫn đấy, nhưng không còn là nó. Trước mắt chúng tôi là một cái gì lạ lẫm, hoàn toàn không giống cái mà chúng tôi hình dung khi lên đường chiến đấu.

Người ta nói với chúng tôi: chúng ta đang bước vào giai đoạn mới, chúng ta đang xây dựng một xã hội mới, một thể chế mới, nền nếp mới. Phải học tập để quen với nó, để hội nhập vào nó. Mọi quá trình tiếp nhận cái mới, cái tiến bộ đều là gian nan, đều không dễ dàng, đều phải trả giá bằng sự từ bỏ quan niệm cũ, lề thói cũ.

Cái xã hội mới ấy hình thành dần, mỗi ngày một rõ nét. Càng ngày nó càng trở nên xa lạ. Càng ngày nó càng giống cái mà chúng tôi vừa chiến đấu để xóa bỏ. Chỉ có bề ngoài là khác, với những ngôn từ khác, rất ồn ào, rất sang trọng, với nội dung mơ hồ..

Tôn ti trật tự của xã hội mới được thiết lập ngay từ những ngày đầu chúng tôi từ chiến khu về Hà Nội.

Một thí dụ nhỏ: theo quy định trong quân đội, từ binh nhì tới chỉ huy trung đội phải mặc áo đại quân có hai túi trên, vai áo có đệm dày (để mang vác) với nhiều đường chỉ máy cho bền, tôi không đếm nên không biết có bao nhiêu đường tất cả, nhưng lính tráng gọi cái vai áo chi chít đường chỉ may ấy là “ba mươi hai đường gian khổ”. Cán bộ từ cấp đại đội trở lên được mặc áo không có “ba mươi hai đường gian khổ”, lại được thêm hai túi dưới, gọi là đại cán.

Cán bộ dân chính, cũng theo qui định, phải mang đại cán nhưng khác màu bộ đội. Đó là thứ áo cổ đứng cài đủ cúc, được những ông phó may gọi là kiểu TônTrung-sơn[4]. Khi lệnh này ban ra, đoàn quay phim chúng tôi đang ở thành phố Nam Định vừa giải phóng. Trên không kịp cấp phát quần áo, người trong đoàn được lĩnh tiền tự đi may. Tôi không thích cái kiểu dáng cứng nhắc trông rất Tàu, bèn dùng tiền được phát để may quần áo theo quy định đi may quần áo thường: áo sơ-mi, quần ximili. Thế là sóng gió nổi lên ầm ầm, tôi bị đưa ra mấy cuộc họp kiểm điểm và bị các bạn cùng công tác phê phán rất gay gắt về tội vô kỷ luật. Đành phải thành khẩn nhận khuyết điểm trước tập thể, hứa hẹn sẽ may ngay một bộ đại cán đúng quy định, tôi mới được buông tha.

Kỳ cục nhất, buồn cười nhất là chuyện quy định về việc sử dụng xe cộ. Cấp cục, vụ được đi xe chung, loại Moskovich. Cấp thứ, bộ trưởng được đi xe Pobeda riêng, với rèm che hai kính hông. Cấp ủy viên Trung ương đi xe có che thêm rèm ở kính hậu. Còn các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư đi xe Volga, thêm rèm ở hai kính cửa trước. Lãnh tụ tối cao, tổng bí thư sang hơn nữa, có Chaika. Khi tiếp khách hoặc trong những dịp khánh tiết thì dùng xe Zil bọc thép, có trang bị kính chống đạn. Tất cả những loại xe này đều do Liên Xô sản xuất.

Vừa về tới Hà Nội, mỗi vị lãnh tụ đã chiếm một dinh thự khang trang của Tây, hoặc của các nhà giàu bỏ chạy vào Nam, mỗi nhà là một hành dinh với đầy đủ các bộ phận phục vụ, thư ký, lái xe, bảo vệ, cần vụ, cấp dưỡng. Các vị làm việc tại nhà, các thư ký, giao thông viên chạy như đèn cù giữa các hành dinh để “các cụ” liên lạc với nhau.

Khó chịu nhất là cái sự phải gò mình vào trong cái gọi là dân chủ tập trung. Bất cứ quyết định nào của Trung ương cũng là chân lý, là duy nhất đúng đắn và vô cùng sáng suốt, cấp dưới chỉ có việc học tập cho thông để thực hiện. Không ai có quyền phát biểu trái với những nghị quyết do Trung ương ban xuống.

Không còn đâu bóng dáng của sự bình đẳng giữa những người cùng chung một chiến hào. Tôi nhớ một ca khúc rất tình cảm của Tô Hải. Anh sáng tác nó trong thời kỳ kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Lính tráng thích bài ấy lắm, tên chính thức của nó là gì tôi không nhớ, nhưng nó lại là bài hát bị cấm. Nó bị cấm vì lời ca ủy mị, theo quan điểm của Đảng, người ta giải thich như thế. Thế nhưng những người lính vẫn thuộc nó, vẫn hát, tất nhiên là không thể hát to. Nhưng trong bài hát có một từ bị đổi, một từ thôi, biến một chữ triệu thành chữ vài, tâm trạng người lính sau ngày chiến thắng được bộc lộ:

Ngày về tươi vui.

Nhưng giữa thủ đô ai chẳng ngậm ngùi.

Bao mái tóc xanh quấn vành khăn trắng,

Bao má nhăn nheo lệ cuốn tơi bời.

Chờ chồng mong con ngày về chiến thắng,

Trông toán quân về đếm thiếu những ai.

Đây căm hờn dựng lên ngàn phố

Máu xương xây vài chiếc lâu đài

Hồn quân đi còn vương đây đó

Với đô thành kiếp kiếp khôn nguôi!

Người ta nói rằng nhiều người cách mạng biến chất sau thắng lợi.

Tôi loại trừ khả năng đó. Chất của con người nó thế nào thì nó thế ấy. Không phải người cách mạng nào cũng biến chất. Những tên cơ hội trong cách mạng hiện nguyên hình thì đúng hơn. Có điều mắt chúng ta kém, tầm nhìn của chúng ta hẹp, hoặc nói theo cách hiện đại là chúng ta không cảnh giác nên chúng ta không thấy trước được mà thôi.

Anh tù lục cục bò dậy. Hình như anh ta khó ngủ.

– Này, Mỹ đã bỏ bom những phố nào hở anh?

– Mỹ chưa bỏ bom Hà Nội. – tôi đáp – Nam Định thì có, bị khá nhiều. Tôi vừa ở đấy về cách đây vài ngày.

– Sao người ta nói Hà Nội cũng bị?

– Người ta lầm. Có hai lần máy bay Mỹ phóng tên lửa vào nội thành: một lần ở chợ Hôm, một lần sát đại sứ quán Pháp ở góc Hàm Long – Bà Triệu.

– Chết nhiều không anh?

– Lần ở chợ Hôm chết cũng khá. Lần sau thì không. Hình như chỉ có mấy người bị thương thôi.

Anh ta lẩm bẩm câu gì không rõ.

– Khi có báo động người ta có cho tù ra hầm trú ẩn không? – tôi hỏi.

Anh ta bật cười khe khẽ.

– Ra hầm trú ẩn?

– Chứ sao.

– Còn lâu! – anh ta bĩu môi – Mà này, sao từ sáng tới giờ không thấy có còi báo động nhỉ?

Tôi ngạc nhiên thực sự.

– Hôm nay ngừng bắn mà. Anh không biết à?

– Ngừng bắn? Mà sao lại ngừng bắn cơ chứ?

– Ủa, anh không biết thật?

– Thì ngồi đây làm sao mà biết được?!

– Hôm nay là 24 tháng Chạp dương lịch. Nửa đêm sẽ có lễ mừng Thiên Chúa giáng sinh.

Anh tù ngẩn người. Như kiểu thất vọng. Nghe ngóng một lát, anh móc từ trong hốc phản ra một cái đinh năm phân, không vội vã khắc lên tường một cái dấu. Tường xà lim rất cứng. Chật vật lắm anh mới khắc được một nét.

– Tôi lầm ngày mất rồi. – anh buồn bã – Thế quái nào mà lầm được mới lạ chứ? Tôi cứ ngỡ mai mới Nô-en. Còn anh, làm sao anh bị bắt?

Tôi không trả lời ngay.

– Biết giải thích thế nào cho anh hiểu. – tôi nhún vai – Chính tôi cũng không biết vì sao người ta bắt tôi. Tôi muốn nói, tôi không hiểu người ta định buộc tội tôi vào tội gì…

Chẳng lẽ anh ta hỏi mà mình không trả lời, tôi nghĩ, chuyện của mình thường phạm hiểu sao được.

– Tại sao lại không biết? – anh ngạc nhiên – Khi bắt phải có đọc lệnh bắt chứ, mà trong lệnh bắt bao giờ người ta cũng nói tội gì.

– Người ta bắt tôi ở giữa đường rồi đưa thẳng vào đây.

Cái đầu bù xù trầm ngâm:

– Vậy thì hiểu rồi, hiểu rồi – bị bắt mà không rõ vì tội gì thì chỉ có món số lẻ thôi. Lạ nhỉ, sao lại bắt giữa đường?

– Tôi cũng chẳng biết.

– Thế thì đích thị chính trị rồi. Là số lẻ. Chính trị, nó như con đĩ ấy, kinh lắm…

Tôi bật cười.

– Sao anh lại gọi chính trị là cái món số lẻ?

– Anh không biết à? Ờ, mà làm sao anh biết được -, anh chưa vào tù bao giờ… Gọi chính trị là số lẻ nguyên do thế này: tù không cần có tên mà có số, người ta cho tù chính trị mang số lẻ, nên gọi là số lẻ, còn tù hình sự thì mang số chẵn.

– Ra thế! Tôi không biết. Không thấy họ nói tôi mang số nào.

– Anh mới bị bắt, họ chưa cho anh biết số, chứ số là phải có ngay từ lúc người ta lập hồ sơ tống giam kia. Chắc anh bị ghép vào tội tuyên truyền phản động?

– Tôi cũng chẳng rõ.

– Tội này rộng. Mà lại không rõ ràng. – anh ta thở dài – Ăn nói không giữ gìn, lỡ mồm lỡ miệng đụng đến chính quyền hay lãnh tụ là đi tong. Cứ có đứa báo cáo là người ta tom ngay, không oong đơ gì hết… Trong này ối trường hợp như anh. May thì được đưa ra tòa xử. Không may, bị một suất tập trung cải tạo coi như rồi đời.

Tập trung cải tạo nghĩa là thế nào?

– Nghĩa là cứ tù mút mùa. Bao giờ người ta thích tha thì người ta tha.

– Tại sao lại có thể như thế được?

Người tù im lặng sửa lại cái chăn trên vai vừa tụt xuống, lại quay mặt vào tường, hút tiếp một điếu thuốc lào. Trong phòng mỗi lúc một lạnh thêm. Nghe rõ tiếng gió hú bên ngoài.

– Anh là cán bộ kháng chiến chống Pháp phải không?

– Phải.

– Thế thì không bị tập trung cải tạo[5] đâu, đừng lo. Cán bộ tham gia kháng chiến chống Pháp được bỏ ra ngoài lệnh này.

– Tôi chẳng lo. Họ có quyền bắt thì họ cứ việc bắt.

– Anh không nên nói thế. Người ta đã bắt, nghĩa là mình phải có tội.

Tôi nhún vai.

– Mình không nghĩ là tội, nhưng người ta cứ nghĩ là tội thì vẫn thành tội như thường… – anh ta nói.

Có nên trò chuyện với anh chàng giết người này không nhỉ? Nói cũng chẳng sao, đằng nào thì cũng thế.

– Nói của đáng tội, giữa tôi và Đảng cũng có vài chuyện lủng củng. – cuối cùng tôi cũng nói chung chung cho anh ta biết nội dung vụ tôi bị bắt – Đảng không bằng lòng tôi.

– Chết chửa, thế thì căng lắm! – anh tù trợn mắt, lắc đầu – Mà sao các ông ấy lại cho anh vào xà lim này nhỉ?

Tôi không hiểu ngay ý nghĩa câu nói.

– Anh nói thế nghĩa là thế nào?

– Thường người ta không giam lẫn lộn số chẵn với số lẻ. Mà anh thì rành rành là số lẻ rồi…

Ra thế.

-Hừm, tôi hiểu. – tôi nhếch mép cười – Nghĩa là tôi là đối tượng[6] của cách mạng, còn anh thì không. Chính tôi cũng không hiểu tại sao người ta lại giam kẻ thù của nhân dân lẫn với bạn của nhân dân đấy?

– Tôi không có ý nói thế.

Trong những cuộc giáo dục chính trị, các giảng viên thường xuyên dạy chúng tôi phải phân định cho rõ bạn thù. Hiển nhiên cách phân định này vẫn giữ nguyên ý nghĩa trong cả Hỏa Lò – những tên lưu manh trộm cướp, những tên sát nhân là bạn của nhân dân, còn người bị Đảng buộc tội chống chế độ là kẻ thù của nhân dân.

– Anh có thể phản đối nếu người ta lầm. – tôi nói thêm – Họ đưa tôi vào đây thì tôi vào đây. Họ có hỏi ý kiến tôi đâu. Tôi cũng không đề nghị…

Tôi không kịp nói hết câu. Không khí lạnh trong phòng làm tôi hắt hơi chan chát.

– Anh không có quần áo ấm à?

Anh bạn tù ngẩng nhìn tôi. Giọng nói của anh có chiều ái ngại.

– Chúng nó thu hết quần áo của tôi – tôi vẫn tiếp tục ho – rồi đưa tôi bộ này.

Người tù nhớn nhác. Cái nhìn của anh hướng về ô cửa kiểm tra. Tai tôi cũng bắt được một tiếng động lạ.

– Dào, rồi các ông ấy sẽ cho anh nhận lại thôi, việc quái gì mà sốt ruột – anh ta cất cao giọng, cố ý nhấn mạnh hai chữ các ông ấy để xóa đi hai chữ chúng nó xách mé của tôi, cốt để người bên ngoài nghe thấy.

Tôi chợt nhớ ra tên gọi tiếng Pháp của của cái lỗ cửa nọ: le judas. Tên của tông đồ thứ 13 của Chúa Giê-su Ki-ri-xi-tô, kẻ bán thầy cho quan Phi-la-tô lấy ba mươi đồng đi-na.

Tiếng chân đi xa dần.

– Nếu anh rét quá thì cứ lấy tạm đồ của tôi mà dùng.

Thái độ ân cần của anh làm tôi ngượng. Nhưng dùng đồ của anh ta? Tôi rùng mình. Không khi nào!

– Cảm ơn anh. Chúng nó phải trả lại cho tôi quần áo chứ, ít nhất cũng phải trả chiếc áo bông. Chúng nó không có quyền…

– Anh vừa vào không biết luật lệ trong này thế nào đâu. – anh ta hấp tấp cắt ngang – Đã vào đến trong này là mình không còn cái quyền nào hết. Trả hay không trả, trả cái gì, không trả cái gì, trả lúc nào là tùy các ông ấy. Người ta đã tính toán cả.

Cả cái sự tôi bị đưa vào xà lim ở chung với người tù có bộ dạng gớm ghiếc này cũng đã được tính toán, chắc thế. Một phương án, theo ngôn từ nghề nghiệp của công an. Có tiếng dép nhựa loẹt quẹt trên nền xi-măng ở bên ngoài. Tiếng mở khóa lạch xạch. Rồi cửa xà lim mở toang.

– Cơm!

Viên cai ngục nông dân đặt xuống trước mặt tôi một cái tô tráng men. Trong ánh sáng mờ mờ lọt qua cửa thông gió ở tít trên cao tôi nhìn thấy trong cái bát men lổn nhổn một thứ gì đó giống như rau muống, nhưng đen xì. Nhìn kỹ thì thấy là rau muống thật. Những cọng rau già bập bềnh trong nước lõng bõng, ở trên có hai miếng mì luộc trông giống như cặp bánh dầy con ở các gánh dầy giò thường bán ở bến tàu bến xe, nhưng mỏng hơn.

Liếc nhanh quan sát tôi, viên quản giáo quay ra, khóa cửa lại. Tiếng cài then lạch xạch xuyên vào óc.

– Còn suất của anh đâu? – tôi hỏi.

– Tôi ăn lâu rồi – anh tù quay mặt đi – Cơm trưa ở đây người ta cho ăn từ 11 giờ đến 12 giờ.

Lúc ấy tôi còn đang bị khám.

Tôi ngán ngẩm nhìn bữa cơm đầu tiên trong tù.

Tôi chưa ăn ngay. Trên đồng bánh mì luộc xác những con mọt tí xíu nổi lên lấm tấm như rắc vừng. Rau muống đen là phải: nấu trong chảo gang rau muống bao giờ cũng có màu như thế. Tôi khều mấy cọng rau lên ngắm. Rau muống già lại không được nhặt và rửa kỹ, hoặc không nhặt cũng không rửa, còn nguyên rễ và tua tủa và lá vàng.

Tôi ngồi bất động một lát trước tô cơm.

– Chịu khó mà ăn – anh tù ái ngại nhìn tôi – Hỏa Lò chỉ có thế thôi.

Tôi xếp chân bằng tròn trên phản, từ từ đưa vào miệng, từng miếng một, cái khẩu phần quái gở. Chưa bao giờ tôi phải ăn một thứ gì tệ hại hơn, kể cả trong năm 1949, năm gian khổ nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp. Hồi ấy bộ đội chúng tôi thường xuyên ăn cơm gạo mốc với thức ăn là canh bí đỏ nhạt thếch vì thiếu muối.

Tôi chiến thắng bản thân. Một lát sau, viên cai ngục quay trở lại lấy bát rếch. Anh ta ngẩn người trước cái bát sạch trơn, lẳng lặng cầm lấy nó, đi ra.

– Anh giỏi! – người bạn tù buông một lời khen.

4

Tôi lặng lẽ quan sát người từ nay tôi phải sống cùng, không biết là bao lâu: vài tuần, dăm tháng hay cả năm?

Tôi nhớ tới chuyện cha tôi kể về những lần ông bị Pháp và Nhật bắt. Ông nói đối với người tù quan trọng nhất là mấy ngày đầu. Mọi thủ đoạn của địch nhằm bẻ gẫy mình nằm trong mấy ngày đó. Tra tấn dữ nhất cũng nằm trong mấy ngày đó. Sau thì không đáng kể. Mình quen rồi. Địch ngán rồi.

Người bị bắt lần đầu thường không biết rằng vào thời gian đầu địch thường cài chỉ điểm vào xà lim, cho ở chung với mình. Những ngày ấy, vừa bị tách khỏi cuộc sống bình thường, người tù cảm thấy một nỗi cô đơn ghê gớm, tưởng chừng phát điên được. Thế là trong nỗi cô đơn ấy, những điều bí mật mà anh ta cắn răng không hề khai với địch một tiếng thì lại thông thốc kể cho tên chỉ điểm trong những câu chuyện tâm tình.

Trời tối lúc nào không biết. Sau cái chạng vạng nhập nhòa, không rõ của trời hay của xà lim, ngọn đèn trong lưới sắt bừng sáng. Dưới ánh sáng điện anh tù trông cũng không đến nỗi gớm ghiếc cho lắm.

Cửa lại mở, lần này không có tiếng động dữ dằn như lúc tôi mới vào. Viên cai ngục nông dân hiện ra, cái áo bông của tôi vắt ngang tay:

– Anh!

Tôi hỏi lại:

– Tôi hả?

Anh ta gật đầu, đưa cho tôi cái áo bông:

– Anh mặc vào rồi đi với tôi.

Tôi uể oải xỏ giày, đi theo anh ta.

Chúng tôi đi, lặng lẽ, không ai nói với ai một câu, trong một cái sân hẹp và tối, tiếp đến là mấy ngôi nhà kiểu trại lính, từ trong đó bay ra tiếng người rì rầm như một tổ ong. Sau khi đi qua một xưởng thợ ngổn ngang sắt thép, chúng tôi bước vào một ngôi nhà lớn tăm tối. Trong một góc đen ngòm leo lét mấy ngọn đèn màu mắc trên một cành thông. Từ xó tối đó một cái loa vô hình rền rĩ:

Hồng Hà mênh mông trôi cát tới chân làng quê…

Cuối í í sông… ngoài bến Việt Trì có những chàng áo nâu về…

Say mê đồng lúa…

Vui tràn trề.. ề…

Ánh đèn mờ mờ cho thấy nơi này có một hành lang ngắn, một cái ngách, với hai dãy cửa. Tôi đoán đây là khu tù binh. Người cộng sản vô thần không chiều tù nhân Thiên chúa giáo bản xứ tới mức tha vào đây cho họ một cây thông. Lại càng không để ý tới chuyện cho họ một chút âm nhạc đang phát ra kia, từ một máy ghi âm cà khổ. Dây cu-roa máy đã rão lắm, nó chạy èo ẽo làm cho bài ca trữ tình của Đỗ Nhuận[7] trở thành rầu rĩ đến não lòng.

Không biết người ta sẽ cho tù binh Mỹ mừng Nô-en theo cách nào đây? Chẳng lẽ lại điệu từng tên ra, cho nó đi những bước dè xẻn quanh cái cành thông nhà quê kia một lát, cho nó hưởng khúc nhạc thê lương kia một lát, rồi điệu về, nhường chỗ cho tên khác? Xem ra với cung cách này, lễ Thiên chúa Giáng sinh cho tù binh chắc chắn sẽ diễn ra đúng như vậy. Thật buồn cười.

Kể từ 5 tháng 8 năm 1964, khi những máy bay Mỹ lần đầu xâm nhập vùng trời miền Bắc Việt Nam, đã có không ít phi công Mỹ bị bắt làm tù binh, mở đầu danh sách là Everett Anvarez danh tiếng Ngoài số phi công bị bắn rơi trên lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà kể từ khi có cuộc leo thang bằng không lực trên miền Bắc Việt Nam, còn có nhiều tù binh Mỹ khác. Đó là tù binh thuộc các binh chủng khác của quân đội Mỹ từ các chiến trường miền Nam, Lào và Campuchia được đưa về giam tại các trại bí mật nằm rải rác trong vùng rừng núi.

Bài báo cuối cùng của tôi về cuộc đánh bom của Mỹ vào khu vực dân cư ở phố Hàng Thao Nam Định chắc đã lên khuôn. Hai hôm trước tôi đã ký “bông”[8] lần ba. Liệu bài báo có bị bỏ đi không, khi tôi bị bắt? Còn cuốn Năm Người Im Lặng ở Nhà xuất bản Văn Hóa nữa? Cho dù là sách dịch từ tiếng Nga của Miguel Otero Silva[9], một tác giả thiên tả người Venezuela, chưa chắc người ta đã cho nó ra vì kẻ dịch sách lại là một tên chống Đảng[10]. Vợ con tôi thế là mất đứt khoản nhuận bút. Mà vợ tôi đã hi vọng bao nhiêu vào cuốn sách ấy.

Cần phải nói thêm cho rõ rằng lương của một anh nhà báo quèn như tôi không nuôi nổi vợ con đã đành, ngay những nhà báo có lương cao cuộc sống cũng chẳng hơn là bao nhiêu. Trừ những nhà báo nhưng không biết viết báo ở báo Nhân Dân ra, phần lớn chúng tôi đều phải làm thêm để kiếm sống bằng đủ cách. Ngoài công việc dịch sách, tôi còn viết cả mục kể chuyện làm kỹ xảo điện ảnh cho một tờ báo tuần chuyên giới thiệu và quảng cáo phim mới. Mà không phải ai cũng có thể viết thêm cho báo này báo kia. Ngoài cái tài và những mối quan hệ không thể thiếu để có được việc làm, người viết còn phải được những người có trách nhiệm ở mỗi tờ báo nọ tuyệt đối tin tưởng rằng anh ta không gài vào trong những bài viết của mình những ý tưởng “không trong sáng”..

Trong cái xã hội gọi là xã hội chủ nghĩa có một cái luật không thành văn nhưng mạnh hơn bất cứ điều luật nào được công bố. Ấy là: người cầm bút, tức là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà biên kịch hay nhà phê bình văn học… vân vân (không cứ ở Việt Nam, ở bất cứ nước cộng sản nào cũng vậy) phải là người có lý lịch trong sạch, có lập trường vững vàng, có thâm niên cao “trong tổ chức[11]” càng tốt. Các báo và các nhà xuất bản tuyệt đối không in tác phẩm của những phần tử “có vấn đề”. Ở các nước cộng sản châu Âu còn khá, chứ ở những nước cộng sản châu Á thì chuyện đó căng lắm lắm. Tôi biết có những nhà văn nhà báo đã tham gia kháng chiến chống Pháp, có thành tích hẳn hoi, thế mà chỉ vì một chút dính líu với các văn nghệ sĩ “có vấn đề” là đã không được in sách, không được đăng báo nữa rồi. Chẳng có văn bản nào quy định sự cấm đoán cụ thể với người này hay người khác. Tất cả những chuyện đó đều được quyết định trong những cuộc họp mà người thường, trong nhiều trường hợp cả người trong Đảng nữa, không được biết. Những quyết định từ những cuộc họp mật ấy trước sau rồi thiên hạ cũng biết cả, nếu không được nghe phổ biến chính thức từ “trên” xuống thì cũng nghe hơi nồi chõ, mà cái sự nghe hơi nồi chõ này dù chỉ đúng một phần thì cũng đã đủ làm cho người ta vì sợ mà tránh trước đi những điều làm “trên” không hài lòng. Cho nó chắc.

Số phận nhà văn Thanh Châu[12] trong nhóm Tiểu thuyết Thứ bẩy trước cách mạng là một thí dụ. Tên của anh không bị một nghị quyết nào, một chỉ thị chính thức nào liệt vào nhóm Nhân văn – Giai phẩm, nhưng vì anh có quan hệ với những người bạn thuộc nhóm ấy, cho dù chỉ là quan hệ bạn bè bình thường, không phải quá thân mật, quá gắn bó, nhưng anh vẫn cứ bị treo bút như thường. Các toà báo, các nhà xuất bản lịch sự mời anh uống trà mỗi khi anh ghé thăm, nhưng không một nơi nào dám in cho anh lấy một truyện ngắn. Cho đến lúc người ta xét lại cho anh, cho anh được phép viết, được phép in, thì tuổi anh cao mất rồi, sức anh kiệt mất rồi.

Kim Lân may mắn thoát nạn trong cái đận Nhân văn – Giai Phẩm. Anh khôi hài nói rằng sau vụ này hết thẩy nhà văn đều xây xát, chỉ có các “cung văn”[13] là lành lặn.

Nếu tôi bị bom chết trong chuyến công tác Nam Định, chắc hẳn ở cơ quan sẽ có một điếu văn thống thiết rằng sự hy sinh của tôi là một tổn thất to lớn không thể nào đền bù được cho gia đình và nhà nước, còn tôi trở về nguyên vẹn để bị bắt thì người ta lại uốn ngược lưỡi để xưng xưng lớn tiếng rằng tên phản động Vũ Thư Hiên mà ta theo dõi từ lâu đã bị tống giam.

Từ vài năm nay lòng trung thành của tôi đối với cách mạng đã bị đặt dưới sự soi mói không khoan nhượng. Cái đó có nguyên ủy của nó. Năm 1958 tôi từ Liên Xô về nước để lấy tài liệu cho đề tài thi tốt nghiệp khoa kịch bản thì ở trong ký túc xá sinh viên, một ông bạn họa sĩ cùng sang học với tôi một chuyến đã lục lọi đồ đạc của tôi để lấy cuốn nhật ký đem nộp sứ quán. Cuốn nhật ký ghi những kỷ niệm trong chuyến về Việt Nam năm 1957 với nhà quay phim xô-viết Otilya Reizmann để thực hiện bộ phim Ánh Sáng Tháng Mười, trong đó tôi có những nhận xét rất xấu về Cải cách ruộng đất, về ông Hồ Chí Minh. Cuốn nhật ký lập tức được gửi về Bộ Công an[14].

Nghe nói Nguyễn Văn Kỉnh, uỷ viên trung ương Đảng khoá 2 và 3, trước Cách mạng tháng Tám cũng là một trí thức ở Nam Bộ, được nhiều người mến mộ. Trong việc chỉ đạo ông bạn họa sĩ đảng viên ăn cắp nhật ký của tôi, ông ta còn tỏ ra có khiếu làm mật thám, là điều không ai biết. Thời ấy năng khiếu mật thám được coi là một năng khiếu đáng khuyến khích. Tôi bị Lê Văn Rạng, vụ trưởng Vụ đại học và Trung học chuyên nghiệp, một tay trí thức bảo hoàng hơn vua, giữ lại trong nước. Việc tôi có được trở lại Liên Xô học tiếp hay không sẽ được xét sau.

Tôi trở về Xưởng phim Việt Nam, từ đó tôi ra đi. Ở đó được gần một năm tôi phải bỏ nghề điện ảnh vì không chịu nổi tên trưởng phòng tổ chức vốn là một tay thư ký của một đội Cải cách ruộng đất. Tên hãnh tiến này gọi tôi lên gặp y rồi vặn tôi: “Cả xưởng chào tôi, sao anh không chào?” Tôi lễ phép hỏi tên y, rồi cũng lễ phép như thế tôi thưa với y rằng rất có thể y quan trọng, y có ích, tựa như cái cột đèn vậy, không có nó điện không vào nhà được, tôi sẽ không có ánh sáng để đọc, tôi biết chứ. Nhưng, tôi kính cẩn thưa tiếp, không phải vì thế mà tôi sẽ dừng lại trước mỗi cái cột đèn để chào nó.

Tôi quyết định sang nghề báo. Bạn bè tôi ở các toà soạn muốn tôi về với họ. So sánh các tờ báo muốn nhận tôi, tôi thấy báo ảnh Việt Nam, hay còn gọi là họa báo Việt Nam, hợp với tôi hơn cả. Nó là tờ báo dành cho độc giả nước ngoài, bài vở không nhất thiết phải viết theo công thức của các báo trong nước. Hơn nữa, mấy anh trong bộ biên tập báo ảnh mến tôi qua những truyện ngắn và bài báo đã đăng, chèo kéo bằng được tôi về với tờ báo của các anh.

Trong những cuộc đụng độ lặt vặt kiểu như chuyện xảy ra với anh chàng tổ chức Xưởng phim, tôi không thể tránh được những câu nói lẽ ra không nên nói. Cơ quan tổ chức, cũng như cơ quan công an, rất mẫn cán thu thập thông tin về thái độ chính trị của cán bộ. Chỉ cần anh ăn nói không giữ gìn một chút, để lộ ra những suy nghĩ không theo dòng chính thống một chút, là tội của anh lập tức được ghi nhận, anh bắt đầu bị theo dõi mà không biết. Cho tới ngày anh chợt nhận ra mình bị theo dõi thì đã muộn – anh đã bị ném khỏi boong con tàu cách mạng.

Còn nhớ năm 1961, mọi người trong tòa soạn báo ảnh đã được nhận Thẻ nhà báo rồi mà mãi tôi vẫn chưa được nhận. Tôi chỉ ngạc nhiên tí chút, cho rằng những cái bàn giấy quan liêu bao giờ mà chả thế, chúng không vội vã trong bất cứ việc gì. Thư ký tòa soạn gọi điện thoại hỏi. Người ta nói ảnh của tôi bị thất lạc. Tôi đưa tiếp ảnh khác. Vẫn không xong. Hóa ra không phải chuyện mất ảnh. Chỉ sau khi chủ nhiệm tờ báo đích thân lên Sở báo chí kiện cáo thế nào không biết, tôi mới được nhận thẻ. Bây giờ nghĩ lại tôi mới hiểu ra, chẳng qua người ta ngần ngại, người ta còn phải xin ý kiến trên, bởi vì tên tôi nằm trong một danh sách nào đó đòi những người trực tiếp quản lý các nhà báo phải suy nghĩ. Cấp trên trực tiếp của tôi chắc chắn chẳng khó chịu với tôi, nhưng ở trong lòng xã hội chủ nghĩa chẳng ai muốn chịu trách nhiệm về ai hết.

Sau vụ này tôi bắt đầu để ý đến thái độ của lãnh đạo, tức là các quan chức cấp trên của tôi, ngang cũng như dọc. Mới thấy rằng trong công việc hàng ngày người ta tránh không phân công tôi làm những đề tài có dính tới bí mật quân sự hoặc những bí mật khác. Mà bí mật trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì lại quá nhiều, cái gì cũng bí mật, kể cả những cái hoàn toàn không dính líu tới quốc phòng. thành thử tôi chỉ được phân công đi các địa phương khi tờ báo cần có các bài về văn hóa, nông nghiệp, công nghiệp. Hoặc cứ ngồi nhà làm công việc chữa cháy cho các số báo chẳng may bị ông Trường Chinh, người khai sinh ra tờ báo, bất ngờ gạch bỏ một bài, thậm chí vài bài một lúc[15].

Đến lúc thấy mình không có tên trong danh sách những nhà báo được cử đi B[16] thì tôi mới biết chắc chắn rằng cái sự cảnh giác cách mạng của cơ quan tổ chức quyền lực vô biên đã được áp dụng cho tôi rồi. Chả trách đợt vào Vĩnh Linh công tác, khi tôi muốn ra đảo Cồn Cỏ thì bị người ta từ chối. Hòn đảo nhỏ bé lúc ấy đang cô độc chiến đấu chống lại những cuộc tấn công bão táp của hải quân Mỹ. Như bất cứ nhà báo nào, tôi muốn có mặt ở đó. Nhà văn Nguyễn Khải[17] ở Vĩnh Linh cùng thời gian với tôi. Anh được ra Cồn Cỏ, còn tôi thì không. Tàu đi Cồn Cỏ chỉ có một chỗ dành cho văn nghệ sĩ, mà chỗ ấy đã được dành cho anh Nguyễn Khải là người đăng ký từ lâu, người ta nói thế.

Những tin tức rò rỉ từ Bộ Nội vụ cho biết tôi nằm trong “diện” những phần tử không phải chỉ không đáng tin cậy, mà còn đáng chú ý. Từ “diện” không đáng tin cậy và đáng chú ý sang “diện” có vấn đề chỉ là một bước, mà là một bước không dài. Các bạn tôi nhắc tôi phải thận trọng, phải giữ gìn lời ăn tiếng nói. Nghe thì nghe, chứ trong thâm tâm tôi không hẳn tin lời các bạn dặn. Chẳng lẽ người ta lại có thể nghĩ bậy bạ đến thế?

Mọi việc chỉ sáng tỏ khi tôi đã ở trong Hỏa Lò.

Thì ra từ lâu rồi tôi đã bị nhà cầm quyền nghi ngờ. Thậm chí họ còn lo tôi sẽ chạy sang bên kia chiến tuyến khi gặp cơ hội thuận tiện nữa kia.

Tôi cay đắng được biết sự thật. Tôi coi cuộc kháng chiến chống Mỹ, do những biến chuyển lịch sử run rủi, là bước kế tiếp trên con đường tiến tới thống nhất đất nước. Thống nhất là khát vọng ngàn đời của người dân nước Việt, từ thời nước mắt tủi hờn chia cắt còn lã chã trên sông Gianh, mặc dầu trong thâm tâm, tôi và những người bị chụp cho cái mũ “xét lại”, đều không đồng tình với đường lối thống nhất đất nước bằng bạo lực của ban lãnh đạo cộng sản.

Trong nghề báo, tôi may mắn được tiếp cận với một số ít ỏi những nguồn thông tin khác với thông tin chính thống. Đó là những sách báo thuộc loại “địch” nhưng không bị cấm hoàn toàn, chúng vẫn có trong thư viện Trung ương ở mấy phòng đọc dành cho số độc giả hạn chế và số độc giả quen biết với ông Mai, giám đốc thư viện. Ngoài ra, sự gặp gỡ với một số phóng viên ngoại quốc, tuy họ cũng thuộc những tờ báo cộng sản đấy, nhưng tư duy của họ phóng khoáng hơn nhiều so với những gì được coi là duy nhất đúng, không được phép bàn cãi, ở Việt Nam. Còn phải kể thêm vào đấy những cuốn kinh điển mác-xít nữa. Chúng, như một nghịch lý, cũng góp phần làm cho phương pháp tư duy của chúng tôi thay đổi, khác hẳn tư duy của đám lãnh tụ đọc Marx theo cách ăn đong, đã thế lại chẳng bao giờ chịu đọc bản chính, dù là bản dịch.

Chúng tôi tin chắc rằng thế giới ắt phải thay đổi theo chiều hướng ngày một nhân bản hơn. Chúng tôi không chịu nổi chế độ toàn trị của miền Bắc, nhưng chúng tôi cũng không ưa gì chế độ gia đình trị của ông Ngô Đình Diệm, căn cứ những gì chúng tôi được biết (không phải qua báo chí chính thống) về hệ thống quyền lực ở miền Nam.

Những gì tôi đọc được cho tôi một hình ảnh không mấy đẹp về Ngô Đình Diệm. Ông chưa bao giờ là một nhà cách mạng trong nghĩa người dấn thân tranh đấu cho công cuộc giải phóng dân tộc. Ông có thể là một ông quan thanh liêm, pha chút cứng đầu đối với mẫu quốc, nhưng không hơn. Trong hoàn cảnh đất nước chia đôi, ông là người may mắn leo lên địa vị lãnh đạo miền Nam, nơi ông không cần lựa chọn cũng có sẵn nền cộng hoà, là cái tất yếu phải có của một đất nước nằm trong hệ thống tư bản, gọi theo cách của những người cộng sản. Nền cộng hoà hiển nhiên tốt hơn bất cứ nền chuyên chế nào. Cho nên nó hiển nhiên tốt hơn chế độ chuyên chính vô sản ở miền Bắc. Tốt hơn không có nghĩa là tốt.

Điều khó hiểu, căn cứ những tài liệu và tin tức lọt ra qua vĩ tuyến 17, là ông Ngô Đình Diệm đã có lúc cho rằng muốn có một miền Nam ổn định thì phải bắt chước cách cai trị của cộng sản ở miền Bắc. Từ đó đã nảy sinh sự hấp tấp dựng lên một chủ thuyết đối lập với chủ thuyết cộng sản (chủ thuyết Nhân Vị), xu hướng lập một đảng cai trị tương tự đảng cộng sản (đảng Cần Lao), việc người cầm quyền bính thích giao những chức vụ then chốt cho thân tộc. Tất cả những cái đó chẳng những đã không tạo ra sự ổn định mà lại trở thành mảnh đất màu mỡ cho mọi bất ổn về sau này. Nhưng không phải chỉ có ông Ngô Đình Diệm nghĩ thế. Các quốc gia châu Á mới phát triển sau thế chiến thứ 2 đều trải qua thể chế độc tài rồi mới xây dựng được nền dân chủ, như ta thấy.

Những dữ liệu về chế độ cộng hoà ở Nam Việt Nam trong những bài báo nước ngoài cho chúng tôi thấy còn lâu nó mới là một chế độ dân chủ thực sự.

Những người cộng sản Việt Nam, vốn chủ trương “bạo lực là bà đỡ của cách mạng” theo những giáo điều mác-xít, từ ngay sau kết thúc cuộc chiến tranh với Pháp (1946-1954) đã chuẩn bị chiếm chính quyền trong cả nước bằng bạo lực, liền lợi dụng tình thế rối ren để phát động cuộc nội chiến nhằm xoá bỏ nền cộng hoà ở miền Nam, không phải vì căm thù chế độ cộng hoà mà vì lòng ham muốn đặt nền cai trị của đảng cộng sản trên toàn quốc.

Sự bất bình với chính quyền này còn mạnh mẽ hơn nữa khi những người cầm quyền sau ông Ngô Đình Diệm đã để cho người Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam Việt Nam. Lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc không cho phép người ta bàng quan trước hiện trạng một quân đội nước ngoài cầm súng đi lại như trong đất nước họ trên đất đai của tổ tiên để lại. Chính sự hiện diện của quân Mỹ đã làm lợi cho ý đồ thôn tính miền Nam bằng bạo lực, được chuẩn bị từ trước, của Lê Duẩn.

Người Mỹ tự thị đã đi lầm nước cờ. Dân tộc Việt Nam có truyền thống chống ngoại xâm là điều người Mỹ hoàn toàn không biết, hoàn toàn không tính đến, và khi hiểu ra thì đã muộn. Sau năm 1965 người ta không thể trở về với năm 1954, cho dù có muốn.

Đây là đề tài rắc rối và tế nhị, thuộc thẩm quyền các sử gia, và của các nhà chính trị ở cả hai phía, tôi không dám lạm bàn. Có nhiều chi tiết mà người dân thường như tôi không được biết. Tuy nhiên, nhìn cuộc chiến từ góc độ người làm báo, tôi cho rằng trong suốt thời gian chiến tranh không phải hoàn toàn không có cơ hội để thoát khỏi nó, và trong chuyện không muốn tìm cơ hội thoát ra, lỗi không phải ở một bên, mà là ở cả hai.

Nhưng đó là chuyện khác.

Đi qua khu tù binh, viên cai ngục nông dân đưa tôi tới một cái nhà dài phía trái cổng Hỏa Lò, có rất nhiều cửa vào các phòng. Phòng hỏi cung mà tôi được đưa tới là một phòng nhỏ, chừng mười sáu thước vuông, không hơn, lờ mờ sáng nhờ một bóng điện 60 oát.

Huỳnh Ngự đã chờ sẵn. Thấy tôi bước vào, y ngẩng lên. Mặt nhẹ nhõm, không hằn học, không căng thẳng, trông y thật hiền lành. Khó tưởng tượng được vừa mới đây y còn hầm hè với tôi như với kẻ thù của cá nhân y, chứ không phải của Đảng.

– Ngồi xuống, ngồi xuống đây, anh Hiên! – y vồn vã chỉ cho tôi ghế đối diện – Anh dùng trà, hỉ?

Phòng hỏi cung được bày biện như một phòng khách nghèo – mấy cái ghế ba nan quây quanh một bàn nước chân quỳ. Trên bàn là một ấm sứ Hải Dương bắt chước kiểu men rạn đời Lý, không hợp chút nào với mấy chén sứ Bát Tràng rẻ tiền. Bộ đồ trà được đặt trong một đĩa sắt tráng men sứt sẹo với mấy con tôm Tề Bạch Thạch bạc màu. Hoạ sĩ Lưu Công Nhân, bạn tôi, đã vẽ cho nhà máy sắt tráng men Hải Phòng nhiều hoạ tiết đẹp, nhưng nhà máy không chịu dùng sáng tác của anh vì phải trả nhuận bút. Dùng tranh của Tề Bạch Thạch hay Từ Bi Hồng không phải trả bản quyền.

Mặc dầu đã có áo bông, tôi vẫn run rẩy – nhiệt độ xuống quá nhanh, buổi sáng trời còn ấm, vậy mà bây giờ đã lạnh dữ. Căn phòng hỏi cung còn lạnh hơn cả xà lim, lại có mùi gỗ mốc, như thể nó bị bỏ hoang lâu ngày.

Huỳnh Ngự bốc trà cho vào ấm, tỉ mẩn nhặt từng cánh trà rơi xuống mặt bàn cho vào tiếp rồi mới từ tốn với tay lấy cái phích Trung Quốc, cũng từ tốn như thế, chế nước sôi. Đợi một lát cho trà thật ngấm, y mới chuyên chậm chậm vào hai chén. Cung cách pha trà cho thấy viên sĩ quan công an này là tay nghiện trà thâm căn cố đế. Hồi ấy uống trà là thú vui duy nhất và hợp túi tiền của mọi cán bộ đứng tuổi.

Tôi lặng thinh quan sát.

– Uống đi, anh Hiên! – y chìa bàn tay gầy, với những ngón dài và xương xẩu, về phía tôi – Kẻo nguội.

Tôi vẫn nín lặng.

– Tiết trời như ri uống trà thiệt thú vị, phải không? Anh dùng đi, tự nhiên nghen. Anh thấy đó, ở ngoài nhìn vô ai cũng nghĩ cái sự bị bắt, cái sự ở tù nó ghê gớm lắm lắm kìa, khủng khiếp lắm lắm kìa, chớ thiệt ra thì, hì hì… có chi ghê gớm lắm mô…

Y đẩy một chén về phía tôi.

– Tác giả “Chiếc va-li” [18] đã báo trước cho anh biết anh sẽ bị bắt, phải không? Hắn còn nói với anh những chi nữa, hè?

Ấy là Huỳnh Ngự nói về Hoàng Đạo. Nói lửng lơ. Như thể đó là điều hoàn toàn không có gì quan trọng. Tôi không ngạc nhiên. Chuyện không quan trọng thật. Chẳng qua y muốn khoe y biết hết, đừng hòng giấu y điều gì.

Đúng là Hoàng Đạo có báo trước cho tôi điều sẽ xảy ra.

Tôi gặp Hoàng Đạo tuần trước. Tôi không chủ bụng tới anh, tiện thể đi ngang phố Nguyễn Chế Nghĩa thì rẽ vào. Anh có căn nhà nhỏ ở đó. Từ phòng ngoài nhà anh nhìn ra, tôi vẫn thấy thấp thoáng mấy bóng công an mật lởn vởn trong ánh sáng vàng vọt rỉ ra từ những chao đèn phòng thủ.

“Họ sẽ bắt anh”, Hoàng Đạo nói. “Hôm nọ tôi có việc rẽ vào Bộ, thấy căng lắm. Họ còn bắt nhiều nữa. Tôi thì chỉ quan tâm tới anh thôi”.

Tôi cười: “Vậy thì bỏ rượu ra, chúng ta uống một trận chia tay”. Tôi cố ý nhắc lại câu Hoàng Đạo nói với một sĩ quan Phòng nhì Pháp trong một lần tính mạng anh ở vào thế ngàn cân treo sợi tóc[19].

Trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp Hoàng Đạo là trưởng ty công an Thanh Hóa. Anh tự ý làm ra một chiến khu giả ở miền Tây Thanh Hóa, rồi tự ý vào Hà Nội với tư cách người chủ của chiến khu mang tên địa phương Ngọc Lặc. Lãnh tụ giả mạo của một đảng không có thật vượt qua được thử thách của tình báo Pháp, trở thành bộ trưởng không bộ nào của chính phủ Bảo Đại. Do không thỉnh thị Trung ương, Hoàng Đạo bị tổng bí thư Trường Chinh thi hành kỷ luật. Điệp vụ do Hoàng Đạo tổ chức kết thúc bằng việc đánh đắm thông báo hạm Amyot d’ Inville tại vùng biển Thanh Hóa năm 1950. Anh tiếc sáng kiến không được chấp thuận và làm rốn việc cuối cùng có thể làm, lần này cũng không thỉnh thị Trung ương. Một nữ điệp viên tên là Nguyễn Thị Lợi tình nguyện sắm vai vợ lãnh tụ Đại Việt Hoàng Đạo đi nhờ tàu Pháp ra Hải Phòng mang theo một va-li thuốc nổ và làm nó nổ tung[20]. Trong thời gian ở miền Nam, Hoàng Đạo đã gặp Ngô Đình Diệm, Năm Lửa, Ba Cụt, Bẩy Viễn… và nhiều nhân vật chính trị khác. Sau khi biết chắc người Mỹ có ý định dùng Ngô Đình Diệm thay thế Bảo Đại, Hoàng Đạo đề xuất với Trung ương cho phép anh thủ tiêu Ngô Đình Diệm để thế chân ông ta. Kế hoạch này của Hoàng Đạo bị Trường Chinh bác bỏ. Trường Chinh nói rằng việc Hoàng Đạo tổ chức chiến khu giả ở Thanh Hóa là việc làm xấu uy tín của chính phủ kháng chiến, lợi bất cập hại. Theo Trường Chinh, Hoàng Đạo là người ham mê tửu sắc, nếu làm việc với Mỹ sẽ bị Mỹ mua chuộc, “đến lúc ấy đánh nhau với nó còn khó hơn đánh nhau với Ngô Đình Diệm nhiều”, ông ta nói. Về sau này Hoàng Đạo có viết một cuốn hồi ký nhan đề “Hà Nội – Huế – Sài gòn – Đà Lạt” về điệp vụ trên, tôi được đọc bản thảo, nhờ đó mà được biết nhiều chi tiết thú vị của điệp vụ này. Cuốn sách chưa bao giờ được xuất bản. Rất có thể, nó đã thất lạc. Nhưng chính nhờ đọc nó mà trong đầu tôi nảy ra ý định viết kịch bản về hoạt động của một tổ điệp báo kết thúc bằng vụ đánh đắm thông báo hạm Amyot d’Inville. Cũng nhờ nó mà quan hệ giữa Hoàng Đạo và tôi trở thành thân thiết.

Chúng tôi dẹp mọi chuyện qua một bên, bàn tiếp việc viết kịch bản.

“Anh không thể xử nhũn một chút được sao? – Hoàng Đạo hỏi khi tôi ra về – Anh dây vào chính trị làm chi?”

“Không được, anh ạ. Tôi không quan niệm nói ra ý kiến của mình là dây vào chính trị. Tôi không làm điều gì sai trái. – tôi nói – Tôi chỉ có tội cho rằng con người có quyền tự do tư tưởng”.

Hoàng Đạo ôm lấy tôi. Chúng tôi bùi ngùi chia tay.

– Anh không muốn nói cũng không sao. – Huỳnh Ngự nói bằng giọng kẻ cả – Chuyện Hoàng Đạo chẳng có gì quan trọng. “Hắn ta” không phải đối tượng đáng chú ý. Cũng không phải kẻ chúng tui cần anh báo cáo. Nhân tiện thì tui hỏi cho biết, tức là chúng tôi biết hớt, nhưng chúng tui muốn nghe anh nói, coi ra răng. Những chuyện khác cũng rứa. Anh thích nói thời nói. Không thích thời thôi. Tui sẽ chờ. Bao chừ giác ngộ tự anh sẽ nói. Cơ quan an ninh chúng tui rất kiên nhẫn.

Tôi tưởng y sẽ nói thêm: “Chúng tôi sẽ chờ năm năm, mười năm, hai mươi năm, hay lâu hơn nữa” theo cách ông Hồ Chí Minh nói với người Mỹ về cuộc chiến tranh. Hình như y định nói thế thật, nhưng kìm lại được.

– Nói thiệt cho anh hay để anh đừng sợ: Đảng đưa anh vô nơi ni là để ta có chỗ mần việc cho thuận tiện mà thôi – Huỳnh Ngự nhe răng trong nụ cười không thành tiếng – Đảng muốn hỏi anh một số việc, hỏi xong thời cho anh về, Đảng cũng không giữ anh mần chi. Ngoài tê anh công tác phục vụ Đảng, phải không nào? Nơi ni anh cũng mần việc đó, không có chi khác. Anh là cán bộ của Đảng, phải biết chấp hành mịnh lịnh của Đảng. Bữa ni Đảng biểu anh mần việc ở nơi ni thì anh mần việc nơi ni. Mai mốt Đảng biểu anh vô Nam thì anh vô Nam, còn khi mô Đảng biểu chừ phải qua Liên Xô thì anh xách va-li qua bển. Vậy đó, thanh niên phải như rứa, hè hè, nơi Đảng cần thanh niên có, nơi nào khó có thanh niên…

Ngon lành chưa?! Cứ như thể nay mai Đảng sẽ cử tôi đi công tác Moskva, hoặc xa hơn nữa, tới Paris hoặc New York chửa biết chừng.

Mặc cho y ba hoa, tôi đủng đỉnh nhấp trà. Trà ngon. Không phải ai cũng pha trà Hồng Đào[21] được thế này. Té ra Huỳnh Ngự cũng sành uống trà ra phết.

– Tui nói vậy là trúng chớ? Không trật chớ? – y nói bằng giọng tin chắc ở lẽ phải mà y đang ngồi ở trên – Vậy, chừ Đảng chỉ thị cho anh ở nơi ni, vị trí chiến đấu của anh lúc nầy là ở nơi ni, anh hãy yên tâm phục vụ ở vị trí mới. Chỉ thị của Đảng là cái mà chúng ta, những cán bộ của Đảng, chỉ có việc tuân theo…

Một con cừu trong đàn cừu Panurge, tôi nghĩ. Kết quả của cuộc hoài thai hầm bà làng kỳ cục giữa các thứ chẳng có gì chung với nhau: chủ nghĩa Marx bị thiến, chủ nghĩa Mao[22] đang cơn động dục, và chế độ phong kiến hiện đại có tên là xã hội chủ nghĩa.

Trong yên lặng tôi nghe tiếng mấy con sẻ rên rỉ vì rét trên mái nhà. Ở đâu đó, từ một thế giới khác, vẳng tới tiếng xe tải nặng lăn bánh trên đường. Mà cũng có thể là xe bọc thép. Những chuyến xe đi về phương Nam nối tiếp nhau không ngớt, ì ì ầm ầm.

Huỳnh Ngự mời tôi uống tiếp. Tôi nhã nhặn nâng chén, chờ y rót thêm.

– Nào, uống xong ta mần việc! – có vẻ ấm trà ngon làm cho Huỳnh Ngự cảm thấy sảng khoái và độ lượng – Anh không thấy sao, trong ni cũng bảnh chẳng kém chi ngoài tê, hả? Cũng Hồng Đào loại một, cũng Điện Biên[23] bao bạc như ai. Anh hút đi, khi ta mần việc trên cho trà thuốc thoải mái. Tiêu chuẩn, chớ không phải của tui đâu. Phải nhịn thuốc cả ngày, khó chịu lắm hè?

Tôi nhìn bao thuốc y đẩy tới trước mặt. Chao ôi, giá mà được rít một hơi lúc này nhỉ, chỉ một hơi thôi! Tôi cảm thấy một cơn thèm ghê gớm không sao cưỡng nổi chạy râm ran trong cơ thể.

– Cảm ơn – tôi nói – Tôi không hút.

Y ngả hẳn ra trên ghế để nhìn tôi, theo cách người viễn thị.

– Ủa? Anh? Mà không hút?

– Thì có gì lạ?

Huỳnh Ngự làm mặt giận:

– Tui mời thiệt tình mà. Bộ anh giận hả?

– Cảm ơn. Tính tôi thế, đã không hút là không hút.

– Mà sao vậy chớ? Hay là anh chê thuốc Điện Biên của ta không ngon bằng Gold Flake? Cánh văn nghệ sĩ các anh khoái Gold Flake lắm thì phải?

Hồi ấy ở Hà Nội thuốc lá ngoại chỉ có độc một thứ Gold Flake. Ai cũng biết rằng thứ thuốc lá thơm này lọt ra từ một nguồn duy nhất là sứ quán Indonesia. Việt Nam đang ra sức lấy lòng người hùng Suharto sau sự sụp đổ bất ngờ của cái gọi là lực lượng mới trỗi dậy và ghế tổng thống suốt đời của Sukarno, người anh em của ông Hồ Chí Minh, cho nên phải ngoảnh mặt đi trước việc nhân viên sứ quán Indonesia buôn lậu[24].

Cái ghế kêu cọt kẹt dưới tấm thân còm của Huỳnh Ngự.

– Tôi không chê Điện Biên. Nhưng tôi không hút.

– Chà, anh Hiên nè, anh coi thường cơ quan an ninh tụi tui hơi nhiều đó! – mặt Huỳnh Ngự toác ra trong nụ cười khoái trá – Anh nghĩ tụi tui biết về anh quá ít thì phải?

Tiếng cười khanh khách của y làm tôi nóng mặt.

– Tôi chẳng coi trọng mà cũng chẳng coi thường cơ quan an ninh. Tôi cũng chẳng quan tâm chuyện các anh biết tôi nhiều hay ít. Tôi không có thời giờ để nghĩ vớ vẩn.

Huỳnh Ngự nghiêm nghị trở lại.

– Nè, nói cho anh hay, trước khi bắt một người tụi tui nghiên cứu về người đó rất kỹ. Tui biết mọi khuyết tật của anh, mọi thói quen của anh. Tui biết anh ghiền thuốc lá, mà còn ghiền nặng nữa kìa.

Đến lượt tôi bật cười.

– Thế thì không đúng rồi. Tôi chưa bao giờ liệt mình vào loại nghiện nặng.

– Chẳng ai bắt bẻ anh chuyện ghiền thuốc hay không ghiền thuốc. Có chi mà phải chối!

– Hút thuốc lá đến độ bỏ điếu này ra phải nạp ngay điếu khác vào, không thì không chịu được mới là nghiện nặng. Tôi có hút nhưng chưa tới mức đó.

– Anh bắt đầu hút từ năm nào hỉ?

– Từ năm tôi mười sáu.

Chẳng có cuốn trinh thám nào viết về sự hỏi cung kỳ cục thế này. Không có lấy một dụng cụ tra tấn nào – không một cái magnéto, không một sợi thừng, không một cái roi, không một móc xích lủng lẳng trên trần. Lại còn hỏi về cái sự nghiện hay không nghiện thuốc lá nữa.

– Sớm quá, hút thế sớm quá! – Huỳnh Ngự lắc đầu – Thuốc lá có hại lắm, chẳng nói anh cũng biết. Ung thư phổi, ung thư vòm họng từ đó mà ra. Để coi, bao nhiêu phần trăm người hút thuốc bị ung thư hè? Tui có đọc mà không nhớ. Nhưng hút chút chút thì không sao. Tui lâu lâu cũng hút một điếu, ghiền thì không, tui không ghiền.

Thì cứ nói chuyện chơi với thằng cha này một lát xem y định dẫn câu chuyện tới đâu? Một nghệ thuật hỏi cung độc đáo? Buồn cười, y trẻ con quá!

– Hồi ấy chúng tôi đói – tôi dịu giọng – Hút thuốc quên đi được phần nào cảm giác khó chịu.

– Nói chi lạ? Anh mà đói?

– Anh người khu 5, phải không?

Huỳnh Ngự cau mặt. Y bỏ điếu thuốc ra khỏi cặp môi thâm.

Tôi chợt hiểu – y bị chạm nọc. Trong số những người từ bên kia vĩ tuyến 17 tập kết ra Bắc theo Hiệp nghị Genève, người liên khu 5 đông hơn cả. Ngoài cán bộ và gia đình họ, còn có một đám lúc nhúc tù hình sự được tập kết theo. Người ta nói Khu ủy Khu 5 sợ không đưa tù đi theo thì rồi chúng sẽ chạy theo địch. Trong lúc công tác đón cán bộ tập kết diễn ra lộn xộn, chẳng hiểu sao những người tù này lại được thả ra, thậm chí còn được bố trí công tác, phần đông sung vào ngành thuế và quản lý thị trường, gây nên nhiều tiếng tăm không đẹp. Nói chung, hồi ấy cả dân Bắc lẫn dân Nam bộ tập kết đều có định kiến xấu và rất xấu với những người từ khu 5 ra. Đến nỗi một anh bạn tôi, cán bộ khoa học người Liên khu 5, khi đi thuê nhà phải nhờ tôi đi hộ vì sợ nghe giọng anh chủ nhà không cho thuê.

– Ý tôi muốn nói ở chiến trường Liên khu 5 các anh không bị đói – tôi nói chữa, trong lòng có chút ân hận thấy mình thiếu tế nhị – chứ ngoài này năm 1949 là năm bộ đội chúng tôi đói lắm, đói vô cùng, đến sắn cũng không có mà ăn…

Tôi đã làm cho y hiểu tôi không có ý nói xỏ, nhưng mặt y vẫn lạnh như băng.

– Hừm.

Y không muốn nghe chuyện tôi đã ở trong quân ngũ, chắc thế. Rất có thể, trước đây y cũng từng ở bộ đội như phần lớn cán bộ kháng chiến, nhưng lúc này đây y không muốn thấy giữa tôi và y có cái gì đó giống nhau, là cái làm nhòa đi ranh giới giữa cán bộ chấp pháp và tên tù. Tuy nhiên, đó là sự thật không thể bác bỏ. Y nói y nghiên cứu kỹ lý lịch tôi, thế tất y phải biết tôi đã ở bộ đội.

Nhưng rồi y cũng lấy lại sắc mặt bình thường:

– Anh không có thuốc hút là tại tui – y bỗng nhiên hiền lành trở lại, y nói như thể phân trần – Anh nào ghiền vô đây cũng có tiêu chuẩn thuốc lá như khi ở ngoài. Tui mắc nhiều công chuyện quá. Lẽ ra anh phải có thuốc ngay mới đúng. Thôi được, cứ hút tạm thuốc tiêu chuẩn của tui cái đã. Mai mốt rồi tính.

– Cảm ơn. Nhưng tôi đã quyết định thôi không hút nữa.

– Anh tính nhân tiện vô đây cai thuốc luôn, hỉ? Hay đó.

Tôi lắc đầu:

– Không phải. Chẳng qua là thế này: tôi không muốn trở thành một Ngô Đức Trì[25].

Huỳnh Ngự đang uống dở ngụm nước, y ngưng lại, đặt mạnh chén xuống bàn. Cái nhìn soi mói xoáy chặt vào mắt tôi:

– Anh vừa nói đứa nào? Thằng Trì nào?

Đến lượt tôi ngạc nhiên. Chẳng lẽ y, vụ phó một bộ quan trọng là Bộ Nội vụ, chẳng gì cũng là một cán bộ có cỡ, lại không biết Ngô Đức Trì là ai.

– Thế này, Ngô Đức Trì là ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng vào thời kỳ trước khi Mặt trận Bình dân vỡ…

Y nhíu lông mày nhìn tôi.

– Khi bị Pháp bắt, bị tra tấn – đành phải giải thích cho y vậy – Ngô Đức Trì đã bán đứng cho Pháp một số cơ sở của Đảng để đánh đổi lấy một lần gặp vợ và, thật khó tưởng tượng nổi, để được chúng cho… hút thuốc lá. Giữa hai thứ mà Ngô Đức Trì đem mạng sống của các đồng chí ra đánh đổi tôi không rõ cái nào quan trọng hơn: vợ hay thuốc lá? Có người nói Ngô Đức Trì phản bội vì thèm một mụn con trai nối dõi tông đường…

Ẩn ý của câu nói thật dễ đoán. Huỳnh Ngự ném cho tôi một cái nhìn bốc lửa. Tôi nghĩ y sẽ nổi khùng, sẽ quát nạt, nhưng không, y tỏ ra biết tự kiềm chế.

– Anh ngồi ngay ngắn lại.

Tôi quan sát tư thế của mình – tôi vắt chân chữ ngũ theo thói quen, cái áo bông để hở làm lộ ra cái áo tù không cài cúc. Tôi bỏ chân xuống.

– Thế này được chưa?

– Nghe đây! – y dằn giọng – Hôm nay tui cho gọi anh ra trước hết là để phổ biến cho anh nội quy trại giam.

– Tôi đang nghe.

– Thứ nhất, kể từ bây chừ, khi anh đã nằm trong trại giam thì quyền công dân của anh không còn nữa, quyền đó tạm thời bị tước bỏ…

– …

– Anh không được phép kêu cán bộ thực hành pháp luật ở nơi ni, từ cán bộ chấp pháp cho tới bộ đội gác trại bằng đồng chí! Với bất kỳ công dân nào khác là người tự do cũng vậy…

Cái sự tung hứng ngôn từ và đánh tráo khái niệm được thực hiện tuyệt vời ở mọi lĩnh vực, mọi nơi chốn, không trừ cả trại giam! Những khái niệm còn đó cả nhưng đã rỗng ruột. Các ngôn từ vẫn bay lượn, nhưng chỉ là những cánh diều giấy mà sợi dây nằm trong tay nhà cầm quyền.

Chao ôi, tôi, kẻ bị bắt cóc giữa đường đưa thẳng vào xà lim mà gia đình không được báo, bản thân không biết bị kết tội gì, mà còn có quyền công dân để bị tước bỏ cơ đấy! Hân hạnh chưa?

Tôi có nghe kể trong trại giam tù nhân phải gọi cán bộ bằng ông bằng bà[26]. Tôi không tin. Thì ra không phải chuyện bịa. Cách quy định xưng hô này bắt nguồn từ thời kỳ Cải cách ruộng đất. Hồi đó, để hạ nhục các đối tượng của cách mạng, cán bộ đội Cải cách ruộng đất bắt địa chủ, phú nông phải gọi bất cứ ai là người tự do bằng ông, bằng bà: ông đội, bà đội, ông nông dân, bà nông dân…

Vợ tôi hiện nay là người tự do. Nếu bây giờ tôi được gặp vợ thì, theo đúng cái quy định quái gở kia, tôi cũng phải lễ phép chào vợ tôi: “Chào bà ạ!”

Vui thật!

Tôi bật cười. Thái độ hách dịch của Huỳnh Ngự không làm tôi sợ y, mà ngược lại, làm tôi thấy dễ chịu. Y quát nạt, có nghĩa là y thấy cần phải trấn áp, y thấy y không thể chiến thắng dễ dàng. Tôi nói:

– Chà, chẳng hóa ra tôi đã thực hiện đúng nội qui của các anh ngay cả khi chưa được nghe anh phổ biến hay sao? Từ khi gặp anh tôi chưa một lần gọi anh bằng đồng chí, đúng thế không nào?

– Hừm – y đành xác nhận với vẻ mặt chưng hửng.

Tôi dấn thêm một bước:

– Không phải tôi nghe ai nói hoặc thông minh mà đoán ra đâu. Chẳng qua, nói thực với anh, tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng, trong gia đình chúng tôi hai tiếng đồng chí được coi là rất thiêng liêng, tôi đã thấy vì tình đồng chí những người cách mạng sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình…

– Hừm.

Huỳnh Ngự tím mặt. Y lúng túng, không biết nên xử sự thế nào khi thấy tôi đối đáp bằng giọng điềm đạm. Lẽ ra nên kết thúc, y lại ngu xuẩn kéo dài cuộc đối thoại:

– Không những không được xưng hô đồng chí, mà anh còn phải kêu cán bộ tụi tui bằng ông hoặc bằng bà…

Hoàn toàn bất ngờ đối với y, tôi đã sẵn sàng để đập lại.

– Một cách xưng hô tuyệt vời, thưa ông! – tôi nói, làm bộ còn vui vẻ hơn trước nữa – Thú thực, tôi vui mừng được biết ngành công an, tiếc thay lại không phải ngành văn hóa chúng tôi, đã có công trong việc phục hồi những từ ngữ chẳng may chết uổng. Kể từ Cách mạng tháng Tám những từ lịch sự như “ông, bà, ngài…” tự nhiên bị ác cảm, bị miệt thị, cứ như thể chúng thuộc về một thứ ngôn ngữ kém cỏi của riêng những giai cấp thống trị. Vô lý, và hơn thế, còn đáng buồn, có phải không ạ? Tôi hoan nghênh sự phục hồi những từ đó. Bản thân chúng vô tội. Để mất chúng, tiếng Việt của ta nghèo đi, trong khi nó cần được bổ sung càng nhiều cách diễn đạt càng tốt để trở nên phong phú hơn. Hay lắm, hay lắm! Vậy thì, thưa ông cán bộ, về phía các ông, các ông sẽ gọi tôi bằng gì?

– Chúng tui kêu các anh bằng anh chớ bằng cái chi?

– Chết chết, sao lại thế? Gọi như vậy đâu có được?! Như vậy là không công bằng.

Huỳnh Ngự trề môi, cười đểu:

– Bộ anh muốn tui kêu anh bằng ngài chắc?

Tôi nghiêm mặt:

– Nói về xưng hô, tôi yêu cầu phải có sự sòng phẳng. Chúng tôi đã lịch sự gọi các anh bằng ông thì về phía các anh tôi yêu cầu các anh cũng phải gọi chúng tôi bằng ông.

Huỳnh Ngự bật khỏi ghế. Y đã mất bình tĩnh.

Từ đầu cuộc nói chuyện, y chơi mèo vờn chuột với tôi, đến đây vai trò bị đảo ngược. Y cảm thấy nhục nhã bị tên tù giỡn mặt.

– A, anh láo! Vô tới nơi ni rồi mà vẫn còn láo! Anh… anh dám ví tui với anh hử? Anh dám đặt tui ngang hàng với anh hử? Tui là ai? Tui là người trông coi pháp luật, anh hiểu chưa? Còn anh là ai? Anh là kẻ vi phạm pháp luật. Rứa, hiểu chửa? Anh là can… can phạm, anh… anh… là thằng tù! Bình với chả đẳng! Bình đẳng cái con c… tui nè! Được, rồi tui sẽ cho anh biết thế nào là bình… bình… đẳng! Tui… tui sẽ vặn… vặn cổ anh!

Mặt tôi nóng bừng. Khi có quyền trong tay cái lũ hư đốn này coi người bằng nửa con mắt. Chúng nói leo lẻo về những người cách mạng hiên ngang trước mặt kẻ thù, nhưng không bao giờ chúng có can đảm thừa nhận rằng có những người anh hùng bị bỏ tù ở trước mặt chúng.

– Hãy bình tĩnh nghe tôi nói đã nào – tôi bình thản nhìn thẳng mặt y – Anh bảo tôi là can phạm ư? Đó mới chỉ là quan điểm của các anh. Của riêng các anh thôi. Chúng tôi có quan điểm của chúng tôi. Nó khác quan điểm của các anh, khác hẳn đấy. Theo quan điểm này, chính các anh mới là can phạm. Các anh phạm tội lợi dụng chức quyền tước đoạt những thành tựu của cách mạng. Các anh ngang nhiên vi phạm Hiến pháp, chà đạp những quyền tự do dân chủ của nhân dân…

– Láo!

– Đừng vội nóng. Rồi đây lịch sử sẽ phán xét tất cả, chính anh sẽ được thấy sự phán xét đó, chính anh cũng sẽ hiểu ra ai đúng ai sai, ai vì nhân dân, ai phản bội nhân dân……

– Câm ngay! Câm ngay lập tức!

Huỳnh Ngự ré lên. Toàn thân y run bần bật. Trong phút chốc mặt y méo xệch, dãi nhểu ra nơi khóe miệng.

Tôi đâm lo. Thằng cha này mắc chứng kinh phong? Tôi sẽ phải làm gì nếu đột nhiên y lăn đùng ra? Trong trường hợp này phải luồn một cái thìa giữa hai hàm răng để bệnh nhân khỏi cắn phải lưỡi, người ta nói thế. Nhưng đào đâu ra một cái thìa bây giờ? Mà y thì đang lên cơn. Tệ hơn nếu y chảy máu não? Y có thể chết.

Tôi chẳng muốn làm chết một ai. Tôi không muốn trở thành nguyên nhân cái chết của cả thằng phải gió này.

Luống cuống vì không biết nên làm gì, tôi rót một chén nước đưa cho y.

Nhưng Huỳnh Ngự đã trấn tĩnh lại được. Y gạt mạnh tay tôi ra làm chén nước đổ tung tóe.

– Chờ đó! Cái… thứ… cái thứ anh còn… còn ở nơi ni còn lâu! Đồ… đồ… ! Nói trước cho… cho anh hay: cái thứ anh rồi sẽ… sẽ chết rục xương trong Hỏa Lò nầy! – cuối cùng, rồi y cũng nói được thành lời – Anh sẽ được biết thế nào là… là chuyên chính vô sản! Trong Hỏa Lò nầy đến thép cũng phải chảy, nói chi cái thứ ruồi muỗi như anh…

Toàn thân tôi run bắn lên trong một cơn giận không kiềm chế nổi. Giờ thì y có giãy đành đạch mà chết trước mặt tôi, tôi cũng mặc.

– Hừm, cái đó thì còn phải chờ xem!

– Không phải chờ lâu đâu. Láo đến như Hoàng Minh Chính mà vô đây còn phải quỳ mọp xuống xin tha tội kìa!

Y lấy ngón trỏ chọc chọc vào không khí:

– Đó, hắn ta quỳ chỗ nớ đó!

Tôi cười phá:

– Đâu, chỗ nào?

– Đó, chỗ tui chỉ đó!

Sao mà một quan chức như y mà ngây thơ đến thế! Chẳng lẽ y nghĩ tôi là đứa trẻ lên ba? Hay là trong đầu y có cái gì không ổn.

Tôi phá lên cười:

– Thú vị quá nhỉ? Vậy thì thưa ông, ông có thể vui lòng cho tôi được thấy cảnh tượng ấy một lần không? Một lần thôi! Tôi quen Hoàng Minh Chính. Tôi biết rõ tính cách anh ấy. Tôi không tin Hoàng Minh Chính lại có thể sa sút tinh thần như vậy. Một con sư tử quỳ gối trước một con chuột? Không, không thể có chuyện đó được.

– A, anh láo hử?! – Huỳnh Ngự kêu choe chóe – Tui… tui bẻ cổ anh bây chừ…

Y lại thở hổn hển, mặt tái nhợt.

Viên cai ngục hốt hoảng chạy vào, theo sau là một anh chàng búng ra sữa, hình như là thư ký của Huỳnh Ngự.

Tôi những tưởng chúng sẽ bổ tới để đánh tôi, khóa tay tôi, nhưng chuyện đó không xảy ra. Cả hai đứng sững, ngơ ngẩn nhìn cảnh tượng diễn ra trước mắt.

– Bây giờ các anh hãy nghe tôi nói đây! – hai tay khoanh trước ngực, tôi cao giọng diễn thuyết trước cái cử tọa ít ỏi trời cho – Các anh có tất cả: súng đạn, gông cùm, nhà tù. Còn chúng tôi, chúng tôi chỉ có một thứ: chính nghĩa. Các anh có thể thủ tiêu tôi, tôi biết, nhưng công khai giết tôi thì đến bọn chủ các anh cũng không dám. Nói thật đấy, cho ăn kẹo cũng không dám. Cứ hành hạ thân xác chúng tôi đi, đó là việc trong tầm tay các anh, bởi vì ở đây tôi không có gì để chống lại, nhưng bẻ gãy tinh thần chúng tôi thì các anh không làm nổi đâu, đừng hòng.

Huỳnh Ngự rít lên:

– Được! Được! Rồi anh sẽ biết thế nào là chuyên chính vô sản!

– Tôi đã nói rồi, không muốn nhắc lại nữa: dọa nạt tôi vô ích!

– Tui không thèm dọa anh!

Nổi giận với thằng tay sai này làm gì, tôi tự nhủ: Vô ích. Mà hùng hồn thuyết giáo như vừa rồi, mình không nhìn thấy mình đấy thôi, chứ nhìn thấy thì phải đỏ ửng mặt lên vì xấu hổ, phường tuồng ơi là phường tuồng!

Hai anh chàng cấp dưới của Huỳnh Ngự nhìn tôi bằng cặp mắt van lơn, thật lạ. Có vẻ như họ muốn đụng vào tôi, để nhắc nhở chứ không có ý gì khác.

– Vả lại, còn điều này nữa là điều anh chưa biết, và tôi thấy cần phải nói ngay để cho anh biết – tôi lạnh lùng tiếp – Đó là: ngay tại chốn này, ngay trong Hỏa Lò của các anh, tôi vẫn còn có quyền của tôi, cái quyền cuối cùng không kẻ nào tước đoạt nổi…

– Anh nói chi lạ? Anh? Mà còn có quyền? Hứ! Quyền, quyền cái con… Chỉ chúng tui mới là người có quyền, hiểu chưa, đồ…

Máu tôi lại bốc lên mặt:

– Lẽ ra tôi không nói thêm với anh nữa, vì anh lại dở giọng du côn, cho nên tôi phải nói cho anh hiểu…

– Quyền chi mô? Nói coi thử!

Khoanh tay trước ngực, tôi nhìn thẳng vào cặp mắt ngây dại của y:

– Còn cái quyền này: tôi-tuyên-bố-không-nói-gì-với-anh-nữa!

– Tui… tui sẽ… gang họng anh ra, bắt anh phải nói!

Y lại hét, giọng đã đuối.

– Không ăn thua gì đâu – tôi dằn từng tiếng – Anh chẳng là gì đối với tôi. Đừng phách lối. Nhờ anh chuyển lời tôi tới bọn chủ của các anh, bảo họ cử người khác đến gặp tôi. Bằng không, tôi sẽ không nói gì hết. Các người cần nói chuyện với tôi, không phải tôi cần nói chuyện với các người.

Không thèm nhìn Huỳnh Ngự, tôi quay ngoắt, bước nhanh về phía cửa. Viên cai ngục lật đật chạy theo.

– Đưa tôi về xà lim! – tôi ra lệnh cho anh ta.

(Còn tiếp)


[1] Sau khi Liên Xô tan rã thành phố này được đổi tên thành Sant-Petersburg.

[2] Hình như kiến trúc của mọi xưởng đúc tiền đều giống nhau ở chỗ chúng có nhiều khu riêng rẽ, hoặc ở tính chất kiên cố trong xây dựng, cho nên chẳng riêng ở nước ta, ở nhiều nước khác cũng vậy, khi cần thiết người ta liền biến chúng thành nhà tù. Nhà tù Petropavlovsk trước kia là một Nhà Tiền thuộc Nha Ngân khố của nước Nga quân chủ. Nhà Tiền Hà Nội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1946-1954 bị chính quyền chiếm đóng sửa lại thành trại giam. Nhà máy in Tiến Bộ được xây dựng trên nền của nhà tù này.

[3] Lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày toàn quốc kháng chiến.

[4] Kiểu áo cổ cứng phổ biến ở Trung Quốc. Tôn Trung-Sơn, hay Tôn Dật-Tiên (1866-1925), nhà cách mạng chủ trương chủ nghĩa tam dân. Tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc.

[5] Lệnh tập trung cải tạo được thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội mang số 49NQ/TVQH do chủ tịch Trường Chinh ký ngày 20. 6. 1961. Nghị quyết này được coi như pháp lệnh, cho phép Bộ Nội vụ có toàn quyền bắt giam công dân không cần đến thủ tục tố tụng, mỗi hạn tập trung cải tạo được ấn định là ba năm. Khi hết một hạn, người bị tập trung cải tạo có thể và thường bị ở thêm hạn tiếp theo, và cứ thế kéo dài mãi. Trong cuốn này, nghị quyết nói trên thường được các nhân vật gọi là “luật”, theo cách hiểu đúng nghĩa, chứ không đúng chữ. Ở Trung Quốc, hình thức tập trung cải tạo đã có từ sau khi Đảng cộng sản Trung Quốc chiếm được chính quyền ở toàn Hoa lục với hình thức “trường 7. 5”. Mãi tới tháng 2. 1980, nó mới được thể chế hóa bằng một chỉ thị của Quốc vụ viện, theo đó, bất cứ công dân Trung Quốc nào cũng có thể bị đưa vào trại cải tạo đặc biệt trong một thời hạn nhất định. Trong chuyện chính thức hoá hình thức trấn áp Chu Ân Lai rõ ràng đã đi sau Trường Chinh.

[6] Xin hiểu “đối tượng” theo nghĩa kẻ thù của Cách Mạng.

[7] Đỗ Nhuận (1922-1991), nhạc sĩ nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam, nguyên Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam hai khoá (từ 1958 đến 1983). Ông tham gia đấu tranh cách mạng sớm, từng bị thực dân Pháp giam ở Sơn La. Tác giả nhiều ca khúc cách mạng và kháng chiến.

[8] Bản dập thử để sửa lỗi của nhà in.

[9] Miguel Otero Silva (19081985), nhà văn, nhà báo, nhà chính trị. Những tác phẩm của ông gắn liền với lịch sử chính trị – xã hội của Venezuela.

[10] Cuốn Năm Người Im Lặng rồi vẫn được xuất bản trong năm 1968, khi tôi đã ở trong tù. Người quyết định cứ in cuốn sách, bất chấp thói thường thời ấy không dám in sách mang tên người bị bỏ tù, dù chỉ là tên người dịch, là Lý Hải Châu, giám đốc Nhà xuất bản Văn Hóa. Trong kháng chiến chống Pháp, Lý Hải Châu chỉ huy đội biệt động Sài Gòn – Gia Định, bị chính quyền chiếm đóng kết án tử hình, rồi giảm xuống chung thân và đày ra Côn Đảo.

[11] Nói “trong tổ chức”, tức là trong Đảng, là đảng viên.

[12] Thanh Châu, tên thật là Ngô Hoan, (1912-2007) một cây bút của tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy trước năm 1945, trong kháng chiến chống Pháp làm báo Vệ Quốc Quân ở Việt Bắc, tác giả của nhiều truyện ngắn lãng mạn nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam thời thuộc Pháp.

[13] Người chơi đàn tranh trong cuộc hầu đồng, trong dàn nhạc lễ bái. Cung còn có nghĩa là ngôi nhà tráng lệ, cung điện. Cung văn đây được mọi người hiểu như nhà văn cung đình, bồi bút.

[14] Theo báo cáo đọc trong nội bộ của Lê Đức Thọ thì trong nhật ký tôi có ghi: “Cần phải bắn chết tất cả chúng nó, từ Hồ Chí Minh trở xuống”. Tôi không nhớ, và tôi cũng tin chắc rằng không ghi dòng nào như vậy. Một nhận xét rất xấu về Hồ Chí Minh thì có, chắc chắn có, nhưng thú thực, đến nay tôi không nhớ nổi mình đã viết gì trong nguyên văn.

[15] Có thể nói Trường Chinh là cha đẻ của tờ báo ảnh Việt Nam. Nó ra đời từ sáng kiến của ông. Cho tới năm 1965, Trường Chinh vẫn duyệt từng số báo ảnh, như khi tờ báo vừa ra đời, mặc dầu ông không có trách nhiệm đó. Sự đưa tổng bí thư duyệt báo trước khi ra không bị coi là kiểm duyệt, mà là để xin ý kiến. Cho tới nay ở Việt Nam, về mặt công khai, không hề có chế độ kiểm duyệt nhà nước.

[16] Cách gọi tắt các chiến trường: B – miền Nam Việt Nam, C – Cămpuchia, D – Lào, E – Thái Lan. Tại những chiến trường này đều có mặt bộ đội Việt Nam. Tại Thái Lan, trong thời kỳ còn chiếm đóng Cămpuchia, bộ đội Việt Nam chỉ vào sâu trong nội địa Thái Lan có một lần, chừng hai chục cây số.

[17] Nhà văn (sinh năm 1932) nổi tiếng với những tác phẩm Xung Đột, Mùa Lạc, Cha Và Con Và….

[18] Năm 1950, Hoàng Đạo vào Hà Nội dưới vỏ bọc đảng trưởng của một đảng Đại Việt bịa đặt. Tình báo Pháp hoan hỉ đón tiếp anh, rồi bí mật kiểm tra anh. Giữa đêm hôm khuya khoắt họ cho viên sĩ quan Phòng nhì, người được anh coi như bạn thiết, giả vờ lẻn đến nhà anh, báo cho anh biết anh sắp bị bắt. Viên sĩ quan khuyên Hoàng Đạo nên trốn ngay trong khi còn kịp. Hoàng Đạo cười ngất, nói anh cảm ơn, nhưng anh sẽ không trốn, anh đã dự kiến tình huống này, người Pháp đa nghi rồi sẽ ân hận, còn bây giờ anh muốn rủ ông bạn uống ly rượu chia tay. Bài toán thử của tình báo Pháp thất bại. Sau thái độ cứng rắn của anh, họ cho rằng họ nhầm và tiếp tục sử dụng anh.

[20] Vì hành động không cần thượng lệnh của Hoàng Đạo mà mấy chục năm sau người ta mới chịu công nhận chị Lộc (hay Lợi) là liệt sĩ thời chiến tranh chống Pháp.

[21] Một loại trà gói rất phổ biến trong những năm ấy. Trà gói loại sang có Ba Đình, nhưng cán bộ thích Hồng Đào hơn vì nó vừa rẻ tiền lại vừa ngon.

[22] Mao Trạch Đông, Mao Zedong hoặc Mao Tse-tung (1893-1976). Lãnh tụ Đảng cộng sản Trung Quốc. Chủ nghĩa Mao được nói tới nhiều bắt đầu từ sau cái chết của Stalin, chủ trương bạo lực cách mạng là con đường giải phóng duy nhất cho giai cấp vô sản.

[23] Thuốc lá điếu loại sang. Trên nó chỉ có Thăng Long. Dưới Điện Biên bao bạc còn có Điện Biên bao thường, rồi đến Tam Đảo (bao bạc và bao thường). Đứng hạng chót là Bông Lúa. Như vậy có nghĩa tôi được đối xử khá tốt, tất nhiên, để mua chuộc.

[24] Năm 1965 uy tín của tổng thống suốt đời Sukarno (1901-1970) xuống tới mức thấp nhất kể từ Hội nghị Bandung (khối các nước không liên kết) năm 1955. Đường lối thân Trung Quốc đã dẫn tới một cuộc tàn sát của phe hữu chống lại Đảng cộng sản và các lực lượng cánh tả. Phe quân sự do tướng Suharto giành được chính quyền năm 1965, lật đổ Sukarno, lên làm tổng thống năm 1967. Sukarno bị giam tại gia cho tới khi qua đời. Số người bị giết trong thời kỳ xảy ra cuộc binh biến là ở khoảng từ 300.000 tới 1.000.000, tuỳ theo những nguồn tin.Việt Nam rất lúng túng trong quan hệ với chính quyền mới của Indonesia. Ông Hồ Chí Minh nói ông và ông Sukarno kết nghĩa anh em. Qua báo chí ngoại quốc tôi không thấy ông Sukarno nói gì về chuyện kết nghĩa này.

[25] Năm 1927, Ngô Đức Trì học tại trường Đại học Phương Đông cùng với Bùi Công Trừng, Nguyễn Thế Rục, Trần Phú, Bùi Lâm, Nguyễn Xích… Nhóm cộng sản Việt Nam đầu tiên được thành lập tại Moskva, trong phòng ngủ của Nguyễn Xích, gồm 5 người nói trên. Lê Hồng Phong còn đang học Trường hàng không ở Leningrad, nên không có mặt. (Theo hồi ký Phải Sống Cho Đời Sống của Bùi Công Trừng). Tháng 10 năm 1930 Ngô Đức Trì được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương cùng với Trần Phú và Nguyễn Trọng Nhã.

[26] Tôi nhớ hồi Cách mạng tháng Tám, ở trại giam vùng tự do Nam Định công an gọi tù cũng bằng “đồng chí”, tù cũng gọi công an như vậy.

Comments are closed.