Dùng sức mạnh

William Carlos Williams

Nguyễn Đức Tùng dịch

clip_image002

Lời giới thiệu:

William Carlos Williams là một tên tuổi lẫy lừng, có ảnh hưởng nhiều đến các thế hệ sau như Beat generation. Ông sinh ở Rutherford, New Jersey, 1883, và sống ở đó nhiều năm cho đến khi mất, 1963. Ông có thời gian học ở châu Âu và sau đó tốt nghiệp Y khoa ở Đại học Pennsylvania 1906. Là một bác sĩ đa khoa và nhi khoa, ông có sức làm việc phi thường, và như ông kể, thường viết giữa hai bệnh nhân. Ngoài sự nghiệp thơ ca, ông còn là một người viết truyện ngắn và tiểu thuyết. Đọc ông, tôi liên tưởng đến Chekhov. Vốn là một nhà thơ có lối viết cô đọng, Williams thể hiện trong văn xuôi khả năng dùng chữ ngắn, chính xác, giản lược các chi tiết, rọi chiếu vào những khía cạnh bình thường của đời sống, bắt chúng hắt lên một thứ ánh sáng mới, gợi ra nhiều suy nghĩ đằng sau những điều ông mô tả. Mời bạn đọc truyện thật ngắn sau đây, một truyện thường được đề cập trong các chương trình giáo khoa, nhan đề The Use of Force, trích trong tuyển tập Fiction’s Many Worlds của Charles E. May.

Họ là những bệnh nhân mới, tôi chỉ biết mỗi cái tên là gia đình Olson. – Xin bác sĩ làm ơn mau mau đến nhà, con gái tôi bệnh nặng lắm.

Khi đến, tôi gặp người mẹ, một người đàn bà cao lớn có vẻ kinh ngạc, sạch sẽ, bối rối xin lỗi, – Bác sĩ đây hả? Và nhường lối cho tôi vào nhà. Phía sau, chị ta nói thêm. – Xin lỗi bác sĩ nhé, chúng tôi để cháu ở sau bếp cho ấm. Ở ngoài này thường ẩm ướt.

Đứa bé mặc đồ kín, ngồi trên đùi cha nó gần cái bàn bếp. Người cha định đứng dậy, nhưng tôi ra hiệu cho ông cứ ngồi, tôi cởi áo choàng ra và nhìn quanh một chặp. Tôi nhận ra mọi người có vẻ lo lắng, nhìn tôi từ chân đến đầu hơi nghi ngờ. Thường trong những trường hợp như thế này, họ không nói gì với tôi cả ngoài những điều bắt buộc phải nói, và lắng nghe tôi là chính; thì đó là lý do mà họ trả ba đô la cho một cuộc viếng của bác sĩ thế này.

Đứa bé nhìn tôi tưởng như muốn nuốt chửng bằng cặp mắt chăm chú lạnh lùng, trên mặt nó không biểu lộ xúc cảm gì cả. Nó không cử động và giữ im lặng, thu kín vào trong; một sinh vật quyến rũ nhỏ bé nhưng mạnh mẽ như một con bê non. Con bé mặt đỏ bừng, thở dốc, tôi nhận ra là nó đang sốt cao. Bộ tóc vàng hoe, dày. Một trong những bức hình trẻ con thường được in trên các tờ quảng cáo và trang báo Chủ nhật.

– Cháu sốt ba ngày rồi – người cha nói – không biết tại sao nó lại bệnh. Vợ tôi cho cháu uống đủ các thứ lá, chắc bác sĩ cũng biết rồi, giống mấy mụ hàng xóm thường làm, nhưng không hiệu quả. Xung quanh đây cũng có nhiều đứa trẻ bị bệnh. Bởi vậy tôi nghĩ tốt nhất là mời bác sĩ tới nhà để coi sao.

Như các thầy thuốc vẫn làm, tôi cố gắng bắt đầu câu chuyện từ một điểm. – Cháu bé có đau họng không?

Cả người cha và người mẹ trả lời tôi. – Không, không, cháu bảo là họng không đau gì cả.

– Thế họng con có đau không? – Người mẹ hỏi lại đứa bé một lần nữa. Nhưng nó vẫn không biểu lộ gì, cũng không rời mắt khỏi tôi.

– Bà có nhìn họng của cháu không?

– Tôi có nhìn nhưng chẳng thấy gì cả. – Người mẹ trả lời.

Đang có vài trường hợp bệnh bạch hầu trẻ con ở trường học, vì vậy trong vùng mọi người đều nghĩ đến căn bệnh ghê gớm này nhưng ai cũng tránh nói đến nó.

– Thế thì, tôi nói, chúng ta thử nhìn vào họng của cháu xem sao nhé. Tôi mỉm cười như mọi vị bác sĩ đều làm trong trường hợp này, hỏi tên của cháu, và nói, tới đây con, Mathilda, mở miệng ra cho bác nhìn họng con một lát.

Chẳng có gì xảy ra cả.

Tôi lặp lại, cố dịu giọng, nào mở miệng ra để cho bác sĩ coi họng con. Nhìn đây này, tôi mở hai bàn tay ra, bác chẳng có gì trong tay cả, đừng sợ. Mở miệng ra cho bác xem nào.

– Bác sĩ tử tế quá. Người mẹ nói. – Coi kìa, ông ấy vui vẻ quá đi. Tới đây con, và làm theo lời của ông đi. Bác sĩ không làm con đau đâu.

Nghe bà nói thế, tôi nghiến răng lại, bực mình. Nếu họ đừng có nói chữ là “làm đau” cháu thì may ra tôi còn có thể xoay sở được. Nhưng tôi cố không để cho mình bị bực mình hoặc tỏ ra vội vã, vẫn nói chuyện nhẹ nhàng và tìm cách đến gần nó.

Trong lúc tôi kéo ghế lại gần, với một cử chỉ bất ngờ như của một con mèo, con bé nhanh như chớp vươn hai tay ra chụp lấy hai mắt của tôi và gần như chạm được vào chúng. Thực ra nó đã đánh bật cái kiếng của tôi, mặc dù không bị vỡ, bay ra xa vài mét rớt xuống trên sàn bếp.

Cả người cha và người mẹ hoảng hồn bối rối, đồ tệ hại, người mẹ la lên, chụp lấy con bé và lắc lắc tay nó, nhìn kìa, mày đã làm cái gì vậy. Bác sĩ tử tế thế kia…

– Chúa ơi, tôi gắt lên, thôi các người đừng gọi tôi là người tử tế nữa. Tôi đến đây chỉ là để khám họng cho nó và để biết chắc là nó không bị bệnh bạch hầu và có thể nguy hiểm vì bệnh này. Nhưng lời nói của tôi có vẻ chẳng có nghĩa gì với nó, coi đây này, tôi bảo đứa bé, bác sẽ khám họng cho cháu, cháu đã lớn rồi phải hiểu điều mà bác nói chứ. Cháu có mở miệng ra không hay là mọi người phải mở miệng cho cháu đây?

Không một cử chỉ nào cả. Vẻ mặt nó cũng chẳng thay đổi. Hơi thở của đứa bé, tuy vậy, càng lúc càng dồn dập nhanh hơn. Cuộc chiến đấu bắt đầu. Tôi phải làm điều đó thôi. Tôi phải lấy mẫu ở họng để cấy vi trùng. Nhưng trước hết tôi nói với cha mẹ đứa bé là tất cả tùy thuộc ở họ thôi. Tôi giải thích sự nguy hiểm nhưng nói thêm rằng tôi sẽ không buộc phải khám nếu họ chịu trách nhiệm về chuyện này.

– Nếu con không làm điều bác sĩ bảo, thì phải đến bệnh viện thôi – người mẹ nghiêm giọng cảnh cáo con.

Thế mới phải chứ, tôi mỉm cười. Cuối cùng thì tôi cũng cảm thấy thích thú là người cha và người mẹ đang làm theo ý mình. Trong cuộc chiến đấu với con bé, họ trở nên căng thẳng, mệt mỏi, trong khi đứa bé thì ngày càng hung tợn, tìm mọi cách chống lại ba chúng tôi. Người cha cố gắng hết sức. Mặc dù ông ta là một người to lớn nhưng vì đứa bé là con gái của ông, ông cảm thấy xấu hổ vì cung cách của đứa con gái nhưng cũng sợ hãi không muốn làm tổn thương con, cả mấy thứ này khiến cho ông ta phải buông nó ra vào những lúc quan trọng nhất, vài lần như vậy, khi tôi đã gần như thành công rồi, khiến tôi tức điên lên muốn đạp cho ông ta một cái. Nhưng người cha cũng biết sợ là đứa bé có thể bị bạch hầu nên vẫn bảo tôi tiếp tục khám, mặc dù bản thân ông ta gần như bị ngất xỉu, trong khi người mẹ thì chạy lui chạy tới sau lưng chúng tôi, đưa tay lên đưa tay xuống cuống cuồng sợ hãi.

– Đặt cháu lên đùi của ông, giữ chặt hai cổ tay nó – tôi ra lệnh.

Nhưng khi người cha vừa làm thế thì đứa bé hét tướng lên, đừng, con đau quá đi. Đừng có giữ chặt tay con. Buông ra, buông ra. Con bé kêu la ầm ĩ, gần như điên cuồng. Chết rồi, bớ người ta.

– Coi bộ nó có chịu nổi không, thưa bác sĩ, người mẹ hỏi, lo lắng

– Bà đi ra ngoài kia cho khuất mắt tôi, người chồng bảo vợ, bà muốn nó chết vì bệnh bạch hầu à?

– Làm lại, giữ cháu thật chặt – tôi bảo.

Tôi giữ cái đầu của đứa bé thật chặt bằng bàn tay trái và dùng hết sức để đút cái đè lưỡi bằng gỗ vào giữa hai hàm răng của nó. Con bé vùng vẫy, nghiến chặt răng lại. Dứt khoát không mở! Nhưng lúc này tôi đã tức điên lên rồi – với chính đứa bé. Tôi cố làm cho tôi bình tĩnh lại, nhưng không thể được. Tôi biết làm cách nào để quan sát một cái họng bệnh nhân. Và tôi làm hết sức mình. Khi cuối cùng tôi đút được cái đè lưỡi vào sau hàm răng và bắt đầu cậy ra thì con bé mở miệng trong một lát, nhưng trước khi tôi kịp thấy một cái gì đó thì nó lập tức ngậm lại ngay và ngậm chặt cái đè lưỡi ở giữa mấy răng cửa, nghiền nó ra trước khi tôi kịp kéo cái đè lưỡi ra ngoài.

– Thật đáng xấu hổ, mày không lấy làm xấu hổ sao – người mẹ quát mắng đứa con.

– Cho tôi mượn cái muỗng trơn – tôi bảo người mẹ.

Khi chúng tôi bắt đầu lại, miệng của đứa bé đã chảy máu rồi, lưỡi bị rách và nó la lớn điên cuồng. Tôi biết là có lẽ tôi nên rút lui và sẽ trở lại thăm nó trong một, hai giờ nữa. Rõ ràng đó là phương pháp tốt nhất. Nhưng tôi đã thấy ít nhất là hai đứa trẻ nằm chết trên giường vì những chuyện bỏ qua thế này, và cảm thấy rõ ràng là tôi phải chẩn đoán được trường hợp của nó, hoặc là bây giờ, hoặc là chẳng bao giờ cả. Nhưng điều tệ hại nhất mà tôi kịp nhận ra là tôi đã vượt quá biên giới của sự suy luận lý trí. Tôi phải ra tay trừng phạt con bé ương ngạnh vì tôi đã giận quá rồi. Phải tấn công nó một lần nữa. Nghĩ thế, mặt tôi nóng lên vì khoái chí.

Một đứa nhỏ khùng phải được bảo vệ chống lại sự ngu ngốc của chính nó, bất cứ một người nào cũng có thể tự nói như thế. Và những người khác cũng phải được bảo vệ khỏi bị nó làm hại nữa chứ. Đây là sự cần thiết có tính xã hội. Và tất cả điều này là đúng. Nhưng một nỗi giận dữ mù quáng, cảm giác ngượng ngùng của người lớn, và sự ao ước được giãn gân giãn cốt mới thực là những động cơ đang hoạt động. Cái máy đã khởi động rồi thì phải đi hết con đường của nó thôi.

Trong một động tác giằng co quyết liệt điên rồ, tôi kềm chặt cổ và hàm của đứa bé. Tôi đẩy cái muỗng bằng bạc vào sâu giữa hai hàm răng của nó, sâu xuống họng cho đến khi nó bắt đầu sặc sụa. Và rồi cuối cùng tôi đã thấy được chúng – cả hai hạch hạnh nhân đều đầy những màng giả. Con bé đã vùng vẫy đến cùng để cố giữ cái bí mật của nó. Nó đã tìm cách giấu đi chứng đau họng của mình trong ít nhất là ba ngày, đã nói dối cha mẹ để thoát khỏi tình thế hiện nay.

Bây giờ con bé giận giữ điên cuồng. Trước đây nó chỉ tìm cách chống trả sự tấn công của chúng tôi nhưng bây giờ thì nó bắt đầu tấn công lại. Cố gắng vuột ra khỏi lòng của cha nó và nhảy chồm về phía tôi, trong khi nước mắt của sự đau khổ vì thua trận đang làm mờ mắt nó.

Comments are closed.