Đỏ xanh vàng và… trắng

Trần Doãn Nho

Nàng nhận việc vào đầu tháng 2, đúng vào thời cao điểm của mùa ghi danh. Nàng phụ trách bàn tiếp khách, lầu một, thay thế Barbara lắm chuyện về hưu lúc vừa chẵn 77 tuổi. Thấy một da trắng đường bệ vào thế chỗ một da đen, tôi linh cảm rồi ra tay trưởng phòng da trắng sẽ mặc sức phát huy cá tính của mình, biến cái Trung Tâm Ghi Danh bao sân cho gần 80 trường học lu bu và bừa bộn nhất của sở giáo dục công lập này trở thành một nơi khó thở. Nàng mới vào, chưa quen việc, ngồi đó, chăm chỉ, xởi lởi, thấy ai cũng vui vẻ chào hỏi. Tôi, lầu hai, thỉnh thoảng có việc đi xuống, nàng thường gọi lại, hỏi han chuyện này chuyện nọ, khá thân tình. Kệ, tôi cẩn thận giữ kẽ. Người da trắng thường có cái bề ngoài lịch sự khỏi chê, nhưng đừng tưởng bở, khi vui khi giận bất thường. Tay trưởng phòng trước, Bob, người nhiệt tình tuyển tôi vào chỗ làm này, một hôm, lên gặp tôi, đưa cái “pink slip”,[1] lạnh lùng bảo “Ông Vũ, ông bị Sở cho nghỉ việc, hôm nay là ngày cuối cùng, ông lo sắp xếp đồ đạc để bàn giao,” rồi quay lưng bỏ đi. Tôi mất việc, ủ ê, không ăn không ngủ được. Đột nhiên, hai ngày sau, ông ta gọi điện thoại, bảo tôi mang theo cái “pink slip”. Gặp, tay bắt mặt mừng, Bob cầm cái “pink slip” xé vứt vào sọt rác, vỗ vai tôi, “Tuk,[2] xin lỗi anh, anh vẫn là nhân viên của sở, xin trở lại phòng, tiếp tục làm việc như cũ.” Hỏi ra, mới hay là bên phòng nhân viên… làm lộn. Thì ra Mỹ cũng biết làm lộn (như ở Việt Nam)!

Một hôm, đang loay hoay điều chỉnh hồ sơ ghi danh, thì nàng bất ngờ xuất hiện. Tôi ngạc nhiên kêu, Helen! Nàng nhìn tôi, không nói gì, mắt nhấp nháy, ướt, như vừa khóc. Tôi lấy làm lạ, hỏi đùa:

– Bộ ai vừa mới đánh cô à?

Nàng lắc lắc đầu, mắt lại nhấp nháy. Tôi đứng dậy, đưa tay bắt, bàn tay nàng mềm, nhiều xương, nghe lành lạnh:

– Tay sao cô sao lạnh thế này! Cô cần gì không?

Nàng siết nhẹ tay tôi, giọng rưng rưng:

– Tuk, tôi cần anh giúp. Tôi làm hồ sơ sai, con mụ Maria,[3] xin lỗi xin lỗi, con… à không, Maria ấy, anh biết con mụ…, xin lỗi xin lỗi, Maria… thấy vậy, đã không giúp tôi điều chỉnh, lại còn la lối om sòm…

Maria, Maria, tôi lặp lại. Thế là thêm một nạn nhân nữa của người phụ nữ cá biệt này.

Nàng đưa cho tôi xấp hồ sơ. Chỉ cần nhìn qua một vài chi tiết là biết ngay tại sao Helen rưng rưng. Một gia đình đến từ một nơi mới nghe tên là đã cảm thấy xa lắc xa lơ như từ hành tinh khác: trại tỵ nạn Mudende, xứ Rwanda. Cái tên lập tức gợi ngay những hoạt cảnh thường tìm thấy trên truyền hình: đen, gầy, đói, loạn, chết, nắng, nhiều con và… vô vọng. Thoát khỏi đó mà đến đây thì quả còn hơn trúng số cạo mỗi tuần lãnh một ngàn đến trọn đời. Năm đứa con, một mẹ ba cha, tên thì Tây, những là James, Sonia, Benjamin nhưng ba cái họ thì thiệt là bất khả tư nghì: Ngenzebuhoro, Rwagasore, Ndasingwa. Đã thế, trên mẫu nhập cư, tên thằng Benjamin thành họ, còn họ Ndasingwa biến thành tên. Vui nhất là ngày sinh đứa nào cũng 1/1, chỉ khác năm. Mà năm lại càng kỳ cục. Thằng nhỏ nhất, James, mười tuổi mà tấm hình mới chụp trông cao lớn dềnh dàng hơn cả tuổi mười bảy bẻ gãy sừng… bất cứ con gì. Nàng, xưa nay làm việc với toàn trắng, hợp pháp, hợp lý, người đâu giấy tờ đó, rành rành, chưa hề quen làm việc với di dân mới nhập cư, nơi mà mọi thứ, cái gì cũng bùng nhùng, tréo ngoe, trật trệu, đầu đuôi lủng củng. Ấy, người tỵ nạn có cái quyền mà người Mỹ chính gốc không được hưởng: giả. Chỉ trừ giống đực và giống cái đành chịu, còn mọi thứ tất tần tật đều giả. Đại khái là xương thịt thì thật mà lý lịch thì bịa. Kể ra, trách họ cũng oan. Ở một nơi quanh năm loạn lạc như mấy xứ này, họ chỉ có thân xác nhưng chẳng có cuộc đời. Cuộc đời họ đã bị chiến tranh và nạn đói tiêu pha hết. Không có đứa nào có học bạ. Ở trại tỵ nạn, người ta nuôi cho khỏi đói đã bở hơi tai rồi, tiền đâu mà mở trường mở lớp. Một chữ tiếng Anh bẻ năm bẻ bảy cũng không biết, thế nhưng đến đây rồi, phải xếp lớp cho chúng theo tuổi: mười tuổi, lớp năm; mười ba tuổi, lớp tám, mười sáu tuổi lớp 10. Ghi danh, đưa hết dữ liệu vào hệ thống và gửi chúng đến trường để mấy thầy cô xử trí là xong. Và phép lạ xảy ra. Bọn chúng đi học, mỗi năm lên một lớp rồi ra trường, đi làm, mua xe mua nhà như ai. Mỹ mà! Chuyện hồ sơ trái cựa như thế này xảy ra dài dài ở đây. Làm riết, quen.

Tôi nhìn nàng vui vẻ nói được rồi, để tôi điều chỉnh lại cho, nhưng cô nhớ gửi họ lên đây để ký giấy tờ nhé. Nàng gật gật đầu cám ơn. Thấy nàng còn đứng ngần ngừ, tôi ngạc nhiên:

– Cô còn cần gì nữa không?

Nàng ngập ngừng nói anh giúp tôi thêm một việc nữa. Tôi gật. Helen không nói gì, quay lưng đi trước, kéo tay tôi đi theo. Đến chỗ cầu thang, Helen đẩy tôi ra phía trước, nói anh đi xuống trước, tôi vịn vai anh xuống theo. Nhớ đi chậm chậm giùm. OK, đi chậm chậm. Helen vịn vai tôi, bước không những chậm mà còn thật chậm, hễ tôi bước hơi nhanh là bấu mạnh vai tôi, lắp bắp, chậm lại chậm lại không tôi té. Cứ thế, một hồi lâu mới xuống đến tầng dưới. Helen thở phào, siết chặt tay tôi:

– Cám ơn Tuk rất nhiều. Tôi bị bệnh acrophobia,[4] lên thì được, nhưng khi đi xuống, nhìn phía dưới là cái đầu xoay tròn, chóng mặt, thành thử cần phải có người đi trước làm chỗ dựa. Chính vì cái bệnh này mà tôi phải bỏ một chỗ làm rất ngon ở bên Công Ty Điện Lực. Anh biết, bọn tôi sợ ngành giáo dục lắm, nhưng kẹt quá, phải vào.

*

Thế là thân nhau. Nàng cần giúp, tôi thì khoái giúp. Có gì quý hơn khi có một nàng da trắng cần mình. Lâu lâu, nàng lên lầu hỏi han, nhờ vả và tôi lại đưa nàng xuống lầu, thân tình, ưu ái. Cứ đến bậc thang cuối, nàng quay lại, nắm hai bàn tay tôi, nhìn thẳng, mắt rươm rướm cám ơn. Cám cảnh, có lần tôi buột miệng nói đùa, “Helen mắt ướt”. Nàng nói OK, xong bèn cười, nụ cười cũng… ươn ướt, trông tội nghiệp!

Nàng gốc Ý, có khuôn mặt điển hình của một phụ nữ da trắng quý phái. Tóc màu bạch kim, uốn gọn gàng, vén khéo, ấp ủ quanh đầu, uốn lượn quanh cổ, vòng ra sau ót, không có sợi nào rủ lơ thơ trước trán làm dáng. Tai đeo bông hạt tròn, ánh lên màu đồng. Mặt mày tươi sáng, không cười, trông cũng vui. Hai đường rãnh sâu chạy từ mũi xuống tạo thành cái khung bao quanh chiếc cằm gọn, làm cho cả khuôn mặt dịu xuống, hiền hậu, trông từa tựa như dung nhan của một mệnh phụ Việt Nam xưa nào đó. Tổ tiên nàng theo đợt di dân giữa thế kỷ 19, quần tụ nhau khai khẩn đất đai, lập nhà máy, công xưởng ở đây. Hầu hết các chức vụ công quyền cũng như các cơ sở kinh doanh, kỹ nghệ đều nằm trong tay cư dân gốc Ý. Những lễ hội truyền thống của họ tổ chức rất lớn và đông đảo ở khu thương mại sầm uất nằm ở ngoại ô thành phố, y chang như diễn hành Tết của người Việt quận Cam. Họ nàng nghe là lạ, Augustus. Tôi nói họ cô khó phát âm quá. Nàng bảo, đó là họ người chồng cũ, đã ly dị từ hồi nàng lên… ba mươi. Buột miệng hỏi một câu rất vô duyên, sao không đi bước nữa. Thế mà được cười trả lời, Tuk ơi, lấy chồng rồi mới biết là không có chồng thì khỏe, vừa khỏe vừa vui lại vừa tự do, giờ mà có ai cho một đứa chồng miễn phí cũng không thèm lấy. Họ con gái là Ricci. Sao không đổi lại họ cũ, tôi lại tò mò. Nàng bảo nàng muốn giữ họ là giữ cho mấy đứa con. Hai thằng con trai tôi, đứa thì là chánh văn phòng thành phố, đứa thì là dân biểu tiểu bang, chắc anh biết rồi. Vow, tôi la lên. Ai dè nàng là mẹ của hai khuôn mặt quan trọng của thành phố. Hèn gì nàng trông có vẻ bà lớn! Mà bà lớn sao lại hay khóc nhỉ?

Nàng mộ dạo. Rảnh, nàng thường lấy sổ sách nhà thờ ra ghi ghi chép chép. Thấy tôi tò mò nhìn, nàng giải thích:

– Tôi giúp xứ đạo làm mấy thứ sổ sách lặt vặt. Tuk có thấy cái nhà thờ đá ở ngã tư đường Lincoln và South? Nhà thờ họ đạo Bernard của tôi đấy. Anh đi nhà thờ nào?

– Không. Tôi đi chùa.

– Chùa? Anh theo đạo gì vậy?

– Đạo Ông Bà?

– Đạo gì mà nghe không giống ai cả vậy. Mà cái đạo anh có God không?

– Không.

– Không có God sao gọi là đạo. Không có God khi anh chết, anh đi đâu?

Tôi chỉ tay xuống dưới đất:

– Sau này, khi chết, tôi chỉ muốn xuống dưới này thôi.

Hai mắt nàng vụt tròn xoe:

– Trời ơi! Tuk ăn nói gì mà kỳ cục vậy! Muốn xuống địa ngục. Ăn nói ẩu tả hết biết! Mà xuống dưới đó làm gì?

– Gặp người thân.

Lại tròn xoe mắt:

– Người thân nào?

– Ông bà cha mẹ anh chị em chú bác cô dì… tất cả đều về dưới đó hết…

– Cái gì?

– Chết, ở xứ tôi, là về với ông bà. Hồi xửa hồi xưa, xứ tôi có ai có có đạo như cô đâu mà lên thiên đàng.

Nàng im lặng, mặt mày trông ngơ ngác. Chắc cách nói của tôi nghe lạ và kỳ cục quá nên nàng không biết phải phản ứng ra sao. Nàng nói:

– Anh nói sao nghe giống đám “vô thần” thế?

Tôi cười đủa:

– Tôi có “thần” chứ không phải “vô thần” đâu. Chỉ có Cộng Sản mới vô thần. Tôi nói đùa cho vui ấy mà. Ai mà ưng xuống địa ngục làm chi. Dưới đó tối om om, sợ lắm!

Nàng cũng cười, lảng qua chuyện khác:

– Khi nào rảnh, anh ghé thăm nhà thờ tôi cho biết. Chúa Nhật, tôi thường ở đó cả ngày.

Tôi gật đầu, hứa sẽ.

*

Làm văn phòng nhiều năm, mà mỗi lần đến sở, tôi cũng lơ ngơ như cá mắc cạn. Những hê lô, ô kê, hao a rờ du lịch sự và vô cảm. Văn phòng tôi âm thịnh dương suy. Ba tầng lầu với hai mươi hai nhân viên, tất cả, kể cả người lao công, đều là phụ nữ, chỉ có hai đực rựa: tay trưởng phòng và tôi. Khi có tiệc tùng gì, đám phụ nữ Mỹ trắng Mỹ đen Mỹ Tây Ban Nha Mỹ Brazil Mỹ Israel Mỹ Iran Mỹ Irak tụ vào nhau thôi thì tíu ta tíu tít, hết chuyện đám cưới, phim ảnh, nhạc đồng quê thì đến Patriot, Red Sox, hết muffin, pizza thì đến áo quần, trang sức. Tôi thuộc loại mắm, muối, ruốc, thịt kho, canh chua, chạy giặc, vượt biên, cải tạo, chiến tranh, ăn trợ cấp, gửi tiền về Việt Nam, tranh đấu cho dân chủ tự do… nhấp nhỏm trên ghế ngồi như món ăn không hợp khẩu vị chẳng ai thèm đụng… nĩa. Bèn mười lần như một, âm thầm và rón rén rút lui có trật tự. Hình như cũng chẳng có ai để ý rằng bàn tiệc vừa trống một chỗ.

Từ ngày có Helen, tôi đỡ cô đơn. Có bạn. Rảnh, tôi xuống lầu nói chuyện với nàng. Nàng, khi có việc gì lên lầu, cũng tạt chỗ tôi nói tầm phào. Ở phòng ăn trưa, tôi và nàng thường ngồi gần nhau, vừa ăn vừa trò chuyện. Lại còn chia nhau đồ ăn nữa chứ. Thỉnh thoảng tôi biếu cho nàng vài cái chả giò, còn nàng biếu lại tôi trái chuối, có lúc chỉ còn một trái, nàng bẻ đôi, nàng nửa tôi nửa, thực chẳng khác gì bạn tình. Mà tình thiệt! Có lần, một buồi sáng mùa đông, bão tuyết, tôi đến sở, chưa sửa soạn xong bàn làm việc, thì nàng lên. Tôi đưa hai tay ra bắt. Tay nàng lạnh ngắt. Nàng cười bảo ôm tôi chút đi, tôi lạnh. Tôi nhìn nàng, đang phân vân tự hỏi nàng đùa hay thật, thì nàng đã xoay lưng ngồi ngay trên đùi tôi, cười, nói cho tôi muợn cái đùi của Tuk chút nghe, lạnh quá. Tôi bối rối, nhìn quanh, nhưng nàng tỉnh bơ. Tôi yên tâm, cố giữ thăng bằng, chịu trận, vì nàng nặng (nặng hơn tôi là cái chắc), choàng hai tay trước bụng nàng, cẩn thận tránh chỗ nhạy cảm, ngồi thật yên, nín thở. Lát sau, nàng đứng dậy cám ơn, bảo bây giờ thấy ấm rồi, ra dấu nhờ tôi đưa xuống cầu thang. Ăn quen bén màu, thỉnh thoảng nàng lại lên muợn cái đùi tôi để sưởi ấm. Và lần nào tôi cũng vui vẻ cho mượn, chẳng thấy mất mát, sứt mẻ gì.

Một hôm, nàng ghé chỗ tôi, mắt đỏ hoe. Chưa bắt đầu, miệng đã mêu mếu. Rồi khóc. Khóc thiệt, trời ạ. Một da trắng khóc trước một da vàng! Tôi định nói đùa bà lớn mà sao mau nước mắt vậy, thì nàng lau nước mắt, giọng vẫn mềm nhưng nghe ra căm giận lắm:

Con mụ Maria lại mắng tôi, bảo tôi là “đồ bảo thủ ngu ngốc”!

Ơ hay, khi gây nhau người ta nhiếc nhau là “đồ ngu” thì đã sao mà trông bộ nàng giận dỗi đến thế!

– Anh làm đây lâu chắc phải biết, con mụ…, không, không, xin lỗi, xin lỗi tôi lỡ lời, không phải con mụ, cô… Maria. Anh biết không, con… Maria, xin lỗi… Maria thuộc bọn “tự do”.

Bọn “tự do”? Tôi ngớ ra, định hỏi, thì sực nhớ chữ này đùng để chỉ cánh cấp tiến trong đảng Dân Chủ. À, thì ra, chuyện gây nhau thì là cá nhân mà Maria đem phe phái ra rủa sả. Thực tình, làm việc ở trung tâm này khá lâu, mặc dầu biết tiểu bang này là tiểu bang “xanh”, nhưng tôi không mấy để ý đến khuynh hướng chính trị của những người cùng sở. Vả lại, chẳng hề nghe ai nói xa gần gì chuyện này. Tôi đã có kinh nghiệm đầy mình chuyện phe này phái nọ đấu đá nhau ở quê mình rồi khi kéo nhau đi tỵ nạn, lại tiếp tục đấu đá nhau ở quê người, nên kinh cung chi điểu, tránh xa. Tôi nói:

– Tôi không để ý vụ này lắm, Helen. Tôi chẳng “bảo thủ” chẳng “tự do” gì cả, chẳng “xanh” cũng chẳng “đỏ”.[5] Xong việc, thì về nhà, lo chở vợ đón con, dọn dẹp, nấu nướng…

Nàng tiếp:

– Ừ, tôi biết. Nhưng Tuk biết không, tôi là Cộng Hòa. Người ta bảo Cộng Hòa là bảo thủ. Ừ, thì là bảo thủ, bào thủ là giữ gìn truyền thống, có gì xấu đâu. Con mụ, concon… xin lỗi, Maria là Dân Chủ, là “tự do”… Tôi chúa ghét cái bọn “tự do” hư hỏng! Bọn họ phá tung cả luật cả lệ từ bao đời… Tôi có thể ngu ngốc nhưng người bảo thủ không thể ngu ngốc… họ biết cách bảo vệ nước Mỹ…

Nàng ngừng, và thấy tôi chú ý lắng nghe, lại tiếp tục, giọng nghe càng lúc càng bù lu bù loa:

-…bọn họ là một đám chống Chúa, thích phá thai, giết trẻ con không gớm tay. Rồi khuyến khích bọn đồng tính, chuyển giới lung tung, phá hoại tự nhiên. Tuk có biết tiểu bang này là tiểu bang đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính hay không? Tất cả là do cái đám “tự do” này mà ra. Thật không thể tưởng tượng được… Bọn họ phá hoại gia đình, vi phạm luật Chúa. Tuk biết không, cái hồi Obama thắng, lúc đó tôi đang coi phòng phiếu, tôi ôm mặt khóc ròng trong phòng phiếu. Trời ơi, một tay như thế mà làm tổng thống Mỹ thì hết nước nói! Cũng là do đám “tự do” mà ra…

Đang hăng hái, nàng chợt ngừng lại. Tôi nhìn nàng dò hỏi. Không hiểu sao, nàng thở dài:

– …ấy thế mà, Tuk biết không, đứa con trai, thằng làm chánh văn phòng ấy, cũng là cũng là… Dân Chủ, nhưng không sao, hắn chơi trò chơi chính trị. Cô cháu ngoại tôi mới làm tôi đau đầu. Cô ta ở với tôi từ thuở nhỏ, thế mà bây giờ lại đi theo thằng cha Sanders, chao ơi, thằng cha Sanders này là cực kỳ “tự do”. Thằng cha này còn tệ hơn… tệ hơn cả… Obama nữa. Cô ta nói sao, Tuk biết không?

Tôi lắc đầu.

– Cô ta chê tôi cổ hủ, thuộc thế hệ John Lennon, chê mẹ cô ta cũng lạc hậu, thuộc thế hệ 9/11, còn cô ta là thế hệ mới, thế hệ 11/8…[6]

– 11/8 là gì vậy?

– 11/8 là ngày ông Trump lên làm tổng thống đó.

Tôi bật cười, hỏi:

– À, chắc cô ta là “fan” ông Trump, đúng không? Cô ta lấy ngày ông đắc cử tổng thống để vinh danh ông chứ gì!

Nàng nhìn tôi mắt long lanh, ươn ướt:

– “Fan” ông Trump? Còn khuya! Hoàn toàn ngược lại. Trước thì cô ta chỉ hơi khoái bọn “tự do”, nhưng từ khi ông Trump làm tổng thống là cô ta ngả theo hẳn bọn “tự do”, thế mới chết chứ! Đấy, Tuk thấy đấy. Ông Trump ông đắc cử thì ông làm tổng thống, đó là hiến pháp Mỹ. Vậy mà cô ta lại bảo ông Trump muốn quay ngược nước Mỹ về thế kỷ 19. Cô ta bảo 11/8 là ngày thụt lùi của nước Mỹ, là ngày tang chế của thế hệ Z.[7] Cô ta chửi rủa những người giàu có, muốn đi học đại học miễn phí… Buồn cười không!

– Ô hay, ba người, ba đảng. Kỳ vậy?

– Xứ này nó vậy đấy. Loạn rồi!

Nói xong, nàng dí hai ngón tay vào trán tôi, rít khẽ:

– Anh liệu chừng nha. Đừng có mà nghe theo dụ dỗ của bọn “tự do”. Tôi sẽ cắt đứt quan hệ với anh nay.

Tôi giơ hai tay lên, cười:

– Không bao giờ! Nghe chữ “đảng” là tôi khiếp rồi. Ở xứ tôi, “đảng” là tất cả, xấu nhất “đảng” cũng lấy mà tốt nhất “đảng” cũng lấy, không chừa chỗ cho ai hết. “Đảng” là God… Vì sợ “đảng” nên tôi phải chạy tuốt qua đây mà trốn, cô biết không.

– Đảng là God?

Tôi lúng túng tìm chữ:

– Không phải là God của cô đâu. God đây là bad God ấy…

Bad God cũng còn OK. Đám “tự do” chẳng hề có God nữa kìa!

Từ đó, gặp nàng là nghe nàng kể về con mụ Maria tự do. Nói xong lại xin lỗi. Xin lỗi xong lại con mụ Maria. Rồi xin lỗi. Hai da trắng, người ngồi bên phía này, kẻ ngồi phía kia, đối diện, nhìn nhau, gai mắt, ngứa miệng. Lần nào xuống lầu, vắng khách, hai bà ngồi lầm lì trông như hai bức tượng cúi đầu, tưởng như chẳng ai quan tâm đến ai, thực ra, họ quấn mắt, quấn lòng lấy nhau, lạnh lùng sôi sục, sôi sục lạnh lùng. Maria gốc Hy Lạp, bốn mươi năm thâm niên, chồng là phi công B52, đã từng nhiều phen oanh tạc miền Bắc thời chiến tranh Việt Nam, giải ngũ, không thương tật. Tự hào với thành tích của chồng, lại sành việc, siêng năng và kiêu ngạo, Maria là điểm nóng của phòng. Trước, Barbara với Maria cũng nhiều phen đụng độ, nhưng Barbara có cái mác da đen, trông bộ Maria hơi dội, hôm nay thấy to tiếng với nhau, ngày mai, lại thấy ôm vai bá cổ nhau y như thể không có gì xẩy ra. Từ ngày Helen vào, có vẻ như Maria tìm ra đối tượng thích hợp để phát huy cá tính của mình. Hình như cái vẻ điềm đạm, nhẫn nhục và hiền lành của Helen kích hoạt độ nóng của Maria. Cãi nhau thì lúc nào Helen cũng thua, nhưng thua một cách ngạo mạn. Thái độ hung hăng của Maria phóng ra như đụng phải một vật mềm, xốp bỗng mất tác dụng. Maria loay hoay bực tức, còn Helen thì có chỗ xả xui: ghé tôi để rưng rưng và phân bua, chì chiết con mụ Maria. Càng nghe chì chiết, tôi càng khoái, hả dạ. Chả là, tôi đã từng là nạn nhân của Maria.

*

Lúc đó, giữa chiều, tôi đang bận làm việc với một gia đình dân thiểu số Caren, Miến Điện từ trại tỵ nạn Thái Lan mới qua, bỗng nghe văng vẳng tiếng cãi nhau dưới lầu bay lên, lúc nhỏ lúc lớn. Thôi rồi, chắc mẫm là con mụ Maria và Helen mắt ướt lại đụng độ nhau. Nhưng lần này sao nghe dữ dội. Tôi bồn chồn, phân tâm nghe ngóng khiến anh chàng thông dịch viên người Nepal cứ phải loay hoay, nhấp nhỏm trên ghế ngồi vì anh ta muốn cho mau xong vì còn một cái hẹn khác. Cuộc khẩu chiến bên dưới nghe bộ không mấy cân sức. Giọng Maria the thé, giận dữ gần như chiếm lĩnh trận địa. Tôi căng hai lỗ tai, cố lắng nghe tiếng Helen, nhưng chỉ thoang thoảng. Giọng nàng vốn mềm, nhỏ, nếu có nói ra được điều thì chắc là bị giọng của Maria nuốt chửng. Thỉnh thoảng lại nghe có tiếng đập bàn và dường như cả tiếng giấy tờ rơi tung tóe đâu đó. Không lẽ hai bà vừa đấu khẩu vừa đấu đồ đạc? Kiểu này thì Helen ướt át của tôi chắc là bị con mụ Maria xé xác mất, tôi nghĩ bụng.

Xong việc, chưa kịp xem lại giấy tờ, tôi vội vã xuống lầu xem sự thể. Lạ chưa, tất cả im ắng, bàn ghế đồ đạc giấy tờ ở đâu nằm đó bình thường y như thể không có chuyện gì xảy ra. Không có dấu vết gì của một cuộc đụng độ nhau tóe lửa giữa hai da trắng. Lại chẳng có ai. Không Helen, không Maria. Hai bà nhân viên, một Ba Lan, một Brazil ngồi ở phần phía trong cũng không. Mọi người đi đâu? Tôi tạt ngang phòng của Matt, tay trưởng phòng. Matt có đó. Thấy tôi, ông ta ngẩng đầu lên nhìn, giơ bàn tay chào:

– Tôi tạm cho văn phòng đóng cửa sớm. Nếu không còn khách, anh có thể về.

Hèn gì! Định hỏi thêm, nhưng thấy ông ta cúi đầu ra vẻ chăm chú vào chồng hồ sơ, nên tôi lặng lẽ rút lui.

Sau đó, Helen không đi làm. Vắng Helen, tôi cảm thấy thiếu, thật thiếu. Dễ gì tìm được một người bạn để trò chuyện trong cái thể giới lúc nào cũng lạ lẫm này. Đã thế, không khí phòng lặng lẽ hẳn đi. Matt dường như bỏ cái thói quen đi vòng vòng từ lầu này lên lầu khác, từ phòng này đến phòng khác quan sát, hỏi han, càm ràm, ca cẩm chuyện này chuyện nọ. Maria ngồi đó, lầm lì. Không có người để gây sự, trông bộ bà ta có vẻ cũng cô đơn.

Một tuần. Hai tuần. Và nàng trở lại. Buổi sáng bước vào, thấy bàn tiếp khách có nàng, tôi rộn ràng vui, chạy đến. Nàng ngước mắt lặng lẽ chào tôi, rồi cúi xuống, khiến tôi chững lại. Tôi lên phòng, lòng băn khoăn. Làm việc, mà cứ ngóng xuống cầu thang, đợi chờ âm vang từng nhịp chân bước chậm lên lâu. Mãi đến chiều, nàng mới ghé lên tôi. Bắt tay, vẫn như trước, tay nàng lạnh. Nàng nói nhẹ, giọng bình thản:

– Báo cho Tuk biết, tôi về hưu!

Tôi đứng bật dậy:

– Về hưu?

– Vâng.

Nàng im lặng nhìn tôi một lát rồi chậm rãi nói:

– Hôm nay là ngày làm việc cuối cùng. Tôi đến để thu xếp giấy tờ. Và thăm Tuk.

Ngày cuối cùng! Nói thiệt, quả thật, tôi xúc động. Cũng gần cả năm trời khi thì du du mi mi khi thì helen helen tuk tuk lên lầu xuống lầu với nhau thân thiết thế mà nàng đành ra đi. Tôi nắm hai bàn tay nàng, bóp chặt:

– Thật đáng tiếc! Helen mà đi rồi, tôi biết nói chuyện với ai đây? Mà chuyện gì xảy ra vậy? Tôi không hiểu gì cả, Helen. Maria gây gổ với mọi người, ai cũng biết cả.

Nàng ngồi xuống chiếc ghế gần đó:

– Tuk biết rồi, tôi nhường nhịn Maria rất nhiều lần. Lần này, bà ta vượt giới hạn. Tôi đang làm việc với một gia đình, giấy tờ khá rắc rối, tôi đang loay hoay tìm cách giải quyết thì Maria đến bảo với gia đình đó là mang hồ sơ qua bên bà để bà ta làm cho nhanh. Tôi giận quá, bảo bà ta cút đi. Thế là bà ta to tiếng gây sự, mạt sát tôi đủ điều, bảo tôi đần độn, ngu ngốc, không biết làm việc…

– Chắc bà ta lại gọi cô là “bọn bảo thủ”?

– Lần này thì không! Nhưng chừng đó là đã quá giới hạn rồi. Hết chịu nổi… Mà thôi…

Nghẹn giọng, nàng dừng lại. Đôi mắt rưng rưng. Rồi, Helen mắt ướt. Nàng lấy giấy chùi mắt:

– Giận quá, tôi không kiểm soát được mình. Tôi đã quá lời… Tôi nói, tôi nói nhiều lắm… Nhưng thôi Tuk, tôi chẳng nhớ gì cả, mà cũng không muốn nhắc lại làm gì. Cái gì qua cho qua.

Tôi tần ngần:

– Helen đâu có lỗi gì. Ở đây ai cũng biết Maria cả. Sao Helen lại chịu thiệt thòi.

– Không thiệt thòi gì cả, Tuk. Tôi đã tính toán trước cả rồi. Lẽ ra tôi về hưu năm kia, nhưng anh chàng chuyên viên lo hồ sơ hưu trí bảo tôi nên kiếm việc làm vài năm cho đủ bốn mươi lăm năm thâm niên thì có lợi hơn. Tôi đâu có cần hồ gì cái công việc này.

Trời! Bốn mươi lăm năm, tôi la thầm trong đầu. Tôi thì tôi mới có… bảy năm. Nàng nắm chặt hai bàn tay tôi, rất ân cần:

– Tuk là người tốt. Tôi rất cám ơn những gì Tuk đã giúp tôi. Mọi người ở đây, cũng như Maria, đều cùng một giuộc.

Tôi buột miệng:

– Đều là “xanh” cả, đúng không?

Nàng gật đầu. Một tia suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu khiến tôi giật thót mình. Thì ra nàng chơi thân với tôi chỉ vì muốn lôi kéo thằng Asian da vàng này vào phe bảo thủ với nàng. Hèn gì! Hóa ra lâu nay, tôi chơi với một “bảo thủ” trong lúc cả cái văn phòng này thuộc bọn “tự do”. Tôi thân tình với một “đỏ” trong một thế giới toàn cả “xanh”. Thế là phạm ngay chỗ chết người. Bỏ cái đất nước mà lý lịch là thứ hàng đầu quyết định hạnh phúc trần gian, không lẽ tôi dại dột lao vào chiếc thòng lọng phe phái để rồi tự treo ngược đời mình? Tôi khủng hoảng nói:

– Chẳng lẽ lâu nay, cô âm mưu kéo bè kết đảng một người chỉ muốn yên thân. Tôi chẳng biết xanh, cũng không phải đỏ, Helen biết không. Tôi là Asian. Asian là vàng. Vàng thì là vàng vọt, là tàn đời rồi, chỉ muốn yên thân nuôi vợ con.

Helen ngớ người ra, mặt mày có vẻ ngơ ngác như không hiểu hết nỗi lòng của tôi. Tôi hơi hối hận. Làm sao mà Helen hiểu được cái uấn khúc này. Suy nghĩ một lát để tìm chữ, tôi cầm tay nàng, dịu giọng:

– Helen, tôi là di dân, đến đất nước này để lập lại cuộc đời từ con số không. Tôi không có quan tâm cái gì hết ngoài chuyện làm cho có tiền để nuôi vợ con. Tôi rất sợ bị mất việc…

– Ai đuổi anh được mà sợ mất việc.

– Sở này toàn là xanh, nếu họ biết tôi theo cô là đỏ thì có chết tôi không.

Helen bắt đầu hiểu ra tâm sự vụn của tôi. Thế là nàng cười, cười ngặt nghẽo.

– Không có đâu. Đâu phải chơi với đỏ là đỏ và chơi với xanh thì xanh đâu. Đừng lo, Tuk. Ở đây, làm việc là làm việc, còn đỏ hay xanh là chuyện khác…

Tôi định hỏi vậy chớ cô với con mụ Maria thì sao, chẳng phải là xanh đối đỏ đỏ đối xanh hay sao. Nhưng im lặng. Trước đây, có lần Helen hỏi tôi Tuk bầu cho ai. Tôi gãi tai, thú thiệt là quên đi bầu. Thực ra, tôi lười. Bầu với không bầu cũng như nhau. Ai đắc cử thì tôi cũng chỉ có cái chỗ này bám vào mà sống.

Nàng chợt đứng lên:

– Thôi, tôi đi… từ nay…

Đầu óc tôi lúc này đang vướng vất chuyện xanh đỏ, nhưng nghe nàng nói lời chia tay, tôi đâm ra cảm động. Nghĩ đến những phút thân tình bên nhau, tôi cố đánh lạc suy nghĩ, nhìn quanh, rồi ngồi xuống, chỉ vào hai bắp vế, cười:

– Mời Helen ngồi đây… lần cuối.

Nàng cười, xoay lưng định ngồi xuống trên đùi tôi như mọi lần, nhưng không hiểu sao, đổi ý, nắm hai tay kéo tôi đứng lên.

– Tôi ôm Tuk một cái nhé. Ôm tạm biệt.

Chưa kịp yes hay no, nàng đã kéo tôi sát vào người, ôm chặt. Chợt đặt lên má tôi một cái hôn. Chao ơi! Tôi cũng ôm chặt thân hình nàng, có cảm giác như ôm một khối thịt. Nàng cao hơn tôi, nàng mập hơn tôi, nên tôi phải nhướng chân lên, dang rộng vòng tay ôm, lịch sự hôn trả vào má nàng. Bỗng máu đàn ông nổi lên, tôi bạo dạn đưa lần môi tôi đến môi nàng, nhưng vừa chạm nhẹ, thì nàng nghiêng đầu, khiến nụ hôn trượt qua bên má, nghe nham nhám trên môi. Tôi bẽn lẽn:

– Xin lỗi Helen, tôi… tôi…

Nàng đẩy nhẹ tôi ra, nói, a good kiss, thank you Tuk! Tôi bật cười trong bụng, hôn trật mà good kiss nỗi gì. Tưởng thế là xong, không ngờ nàng kéo đầu tôi lại lần nữa, lần này hôn nhẹ lên má. Rút kinh nghiệm, tôi cứ để yên. Dường như nàng hôn hơi lâu, bình tĩnh. Một nụ hôn chân thật, thoang thoáng đôi chút lịch sự. Nó không ướt, không mềm, dường như hơi khô, cái khô khô, nham nhám, cái hanh hao của một buổi trưa nhiều mây không gió. Một nụ hôn hỗn hợp, đượm chút tình bạn, tình đồng nghiệp, nhuốm chút chút ơn nghĩa và dường như có cả chút tình trai gái muộn màng vì ai cũng đã quá tuổi… thanh xuân. Không mấy mặn mà, nhưng vẫn nghe chừng có chút hấp dẫn.

Xong! Thả tôi ra, trông nét mặt nàng loang loáng xúc động.

Tôi dẫn nàng xuống lầu hát thầm thôi chia tay từ đây! Hết cầu thang, Helen dừng lại, nhìn tôi, cười trong mắt ướt:

– Tôi vẫn nhớ cái bắp đùi của Tuk. Nhưng hôm nay, trời chưa lạnh.

Tôi cầm hai tay Helen, bóp chặt, bảo khi nào lạnh, cứ tới, bắp đùi tôi vốn để không, cứ tự nhiên dùng. Mắt Helen lại rươm rướm.

Cuộc chia tay chấm dứt, nghe lòng buồn buồn.

Những tưởng rồi sẽ gặp lại nàng. Ấy thế mà, Helen biền biệt từ đó. Nàng không trở lại thăm tôi, cũng chẳng hề gọi điện thoại. Còn tôi thì hễ tới sở là nghĩ đến nàng, nhơ nhớ. Nhất là khi có tiệc tùng. Vắng Helen, tôi lại trở thành món đồ ăn chẳng khoái khẩu của mấy cô nàng cùng sở. Họ toàn xanh. Đỏ đi rồi. Chỉ còn tôi vàng, lạc loài héo úa.

Mãi về sau, khi tôi chuyển về một chỗ ở khác, rất xa thành phố đó, thỉnh thoảng nhớ lại chỗ làm cũ, bỗng nhận ra chút dư vị nụ hôn của Helen mắt ướt. Khác, khác với những nụ hôn khác.

Nụ hôn trắng.

TDN

(8/2020)


[1] Giấy cho nghỉ việc

[2] Nick name, do người Mỹ đọc trại ra từ tên Tuất, họ Vũ.

[3] That bitch Maria!

[4] Bệnh sợ chỗ cao.

[5] Xanh (blue): chỉ đảng Dân Chủ, đỏ (red) chỉ đảng Cộng Hòa. Conservative = bảo thủ, chỉ Cộng Hòa; Liberal = tự do, chỉ Dân Chủ.

[6] John Lennon, một thành viên trong ban nhạc The Beatles. 9/11 (September 11): vụ khủng bố xảy ra vào ngày 11 tháng 9/2001 tại Hoa Kỳ. 11/8 (November 8): ngày 8 tháng 11 năm 2016, ông Donlad Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

[7] Gen Z: generation Z, thế hệ của những đứa trẻ sinh khoảng từ 1995 đến 2015.

Comments are closed.