Đọc Thư gửi con trai của Nguyễn Đức Tùng

Liêu Thái

 

Tôi cũng là một người cầm bút, viết văn, có thể hay, có thể dở, nhưng vấn đề nằm ở chỗ tôi xem công việc viết của mình là một công việc chính trong cuộc đời, bởi ngoài việc viết, tôi chỉ có thể cuốc đất, trồng rau, nuôi heo, nuôi gà. Và, khi đọc một tác phẩm của bạn văn, lẽ thường, người cầm bút sẽ tiếp cận trên phương diện văn chương, thi pháp và những phần kĩ thuật đằng sau trang viết, hầu hết là như vậy. Việc tiếp cận theo hướng tìm đồng cảm và đánh thức những ngóc ngách tâm hồn thường rơi vào người đọc không phải người cầm bút, phần lớn là vậy.

Thế nhưng với Thư gửi con trai, tôi hoàn toàn rũ bỏ cách đọc của một người cầm bút, tôi tìm thấy tuổi thơ và những vui buồn của mình trong từng trang viết, từng câu chuyện, từng câu văn và cả từng con chữ.

Thư gửi con trai, ở đó có bóng dáng tuổi thơ của tôi và có cả bóng dáng ước mơ lúc tuổi thơ của tôi. Những biểu niệm sinh hoạt cũng như ước mơ hay thèm khát của một cậu bé, của một người cha kể lại, của một người đàn ông từng trải nhìn về, của một người đàn ông vẫn đang nuôi một đứa trẻ trong tâm hồn, của một người đàn ông lo lắng cho con mình, của một người cha ký thác yêu thương vào con chữ… Tất cả, dường như tôi tìm thấy tôi ở đó, một đứa trẻ đi qua chiến tranh trong bụng mẹ (khác với cậu bé kia đi qua vùng hòa bình trong một giới tuyến của chiến tranh), tôi cảm nghiệm mọi giá trị mất mát từ chiến tranh bằng nỗi thèm khát một tiếng gọi “cha”.

Tôi nhớ, những ngày còn nhỏ, tôi sống với bà ngoại và mẹ. Bà ngoại tôi là một người phụ nữ chịu quá nhiều mất mát trong chiến tranh và cả sau chiến tranh, bà trở nên cứng cỏi và đứng vai người đàn ông trong nhà, mọi qui chuẩn về đàn ông tính tôi học được từ bà, và bà luôn lo lắng cho tôi, bà sợ tôi sống với hai người phụ nữ, sau này tính cách cũng như hành xử của tôi sẽ thiếu vắng đàn ông tính. Bà tìm những cuốn sách về Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Lê Lợi… cho tôi đọc.

Tôi là đứa bé có cha, tôi khẳng định như vậy, hình ảnh đám cưới của cha mẹ tôi trong một cuốn album dày cộm, hình đen trắng, đám cưới diễn ra ở Sài Gòn. Thế rồi sau biến cố 1975, nghĩa là sau khi đám cưới chưa đầy nửa năm, cha mẹ tôi đều phát hiện ra cả hai đều là người “phía bên kia” của nhau, không thể tiếp tục đời sống vợ chồng.

Tôi được sống với bà từ lúc bốn tháng tuổi, người lạ mà quen tôi gặp đầu tiên trong đời có lẽ là mẹ tôi, bà bỏ việc ở Sài Gòn, về Quảng Nam với tôi, sau thời gian dài làm ruộng công điểm, bà đến làm việc ở một ngôi trường, sau đó bà chở tôi đi học, cho tôi ăn và tôi được “người lạ” dần làm cho quen với hai tiếng “mẹ ơi” mỗi khi cần một thứ gì đó. Nhưng tôi chưa bao giờ gặp cha mình. Đôi khi tôi thèm một tiếng gọi cha như bao bạn bè khác, và thi thoảng tôi hỏi mẹ tôi về cha, bà có kể về cha, nhưng mọi lời kể của bà chỉ làm tôi thấy mình thật xa lạ với cha, cha cũng xa lạ với mình quá, một ông ngụy nào đó, đã làm tổn thương mẹ.

Năm tôi mười bốn tuổi, bà nội và bác ruột tôi đến tìm tôi, tôi mới biết rằng cha của tôi đã từng nằm bệnh viện tâm thần, nằm chung chỗ với thi sĩ Bùi Giáng và là bạn nghiện thuốc lá của ông ấy. Cha tôi là một trí thức, ông tốt nghiệp Văn Khoa Sài Gòn và học sang Luật Khoa, đang học luật thì ra chiến trường, đoạn này tôi không rõ lắm vì sao ông ra chiến trường, nhưng theo các anh họ tôi kể lại thì ông bị điên sau trận chiến đỏ lửa ở Khe Sanh năm 1972. Lúc đó, toàn bộ cuộc chiến đã tạm lắng, mọi thứ chỉ chết chóc, cha là chỉ huy phó, tất cả đang ở trong hầm, nguồn nước bên ngoài đã nhiễm độc nặng, ông và chỉ huy trưởng quyết định ra bên ngoài để tìm nguồn nước cho những người lính gồm cả bị thương và lành lặn. Ông chỉ huy trưởng đi trước, cha tôi theo sau. Khi ông chỉ huy trưởng vừa bước lên khỏi miệng hầm, cha tôi vừa chạm miệng hầm thì một tiếng nổ lớn, toàn bộ lục phủ ngũ tạng của chỉ huy trưởng phủ lên người cha.

Lúc đó, cha đã mang nguyên một bồ đồ máu chạy băng làn đạn, chạy mãi. Và, gần ba tháng sau, người ta thấy cha thất thểu trên đường Sài Gòn, người hôi hám một cách gớm ghiếc, dường như cha không nhận ra ai và cũng hiếm người nhận ra cha, cho đến khi người chị ruột của cha nhìn thấy. Cha được đưa vào viện tâm thần và phục hồi sau đó vài tháng, các bác sĩ kết luận cha bị sang chấn tâm lý và có một mảnh đạn trong hộp sọ. Nghĩa là khi tôi thụ thai, cha đã có sẵn máu điên.

Nhiều khi đi học, trong lúc ngồi nghe thầy cô giảng bài, tôi lại nghĩ bâng quơ về một lá thư nào đó của cha gửi về. Bởi từ Sài Gòn, gửi một lá thư về Quảng Nam, tốn hết nửa tháng nếu thư thường, tốn hết ba ngày nếu thư gửi bảo đảm và phát nhanh. Thời xưa thư từ khó hơn bây giờ. Thế nhưng tôi chỉ ước mơ vậy thôi và cũng mong cha đừng gửi thư cho tôi, bởi tôi biết khi nhận được thư của cha, tôi sẽ gặp rắc rối với mẹ, và bà cũng sẽ không vui vì điều này. Thế nhưng đôi khi, bà, chỉ có bà thôi, hay chép miệng, nói rằng giá như cha tôi tìm đến tôi như một người cha thì tốt cho tôi biết mấy… Cuộc sống là một nghịch lý.

Năm đó tôi mười lăm tuổi, cha ghé về nhà người anh ngoài thị trấn, tôi chơi với bạn ở gần đó, thi thoảng tôi liếc sang chỗ cha ngồi, và tôi biết cha cũng đang lén quan sát tôi. Tôi siêng ra nhà bạn hơn, có khi chơi cả ngày với bạn, ở lại ăn cơm trưa luôn (mặc dù tôi tối kị ở lại ăn cơm nhà người khác). Thế rồi cha gọi tôi, nhưng không trực tiếp, cha nhờ một người cháu sang gọi tôi qua nhà bác để gặp cha.

Lúc ấy tôi rất phân vân, tôi nghĩ lẽ nào cha từ Sài Gòn về Quảng Nam được mà chỉ có mấy bước chân để sang chỗ tôi, gặp con trai mình, ông lại thấy khó vậy sao. Tôi chưa sang thăm cha và cũng chưa biết tính làm sao. Nhưng, một cú bồi của cha khiến tôi và cha không bao giờ gặp nhau. Người cháu lại sang lần nữa, nói rằng cha nhắn với tôi, ông có mang về mấy lượng vàng để cho tôi. Nghe vậy, tôi tê tái, không thể nói gì hơn, chỉ nhắn với người cháu rằng tôi không thể sang thăm cha được.

Và sáng hôm sau, cha lên xe về lại Sài Gòn, nghe cha của người bạn mà tôi ở lại ăn cơm trưa mấy hôm nói với tôi rằng cha đã khóc trước khi bước lên xe. Còn tôi thì buồn vì lẽ khác, lẽ nào câu chuyện của cha con được bắt đầu bằng mấy lượng vàng sau mười mấy năm tôi thèm một tiếng cha (và ông cũng thèm gọi một tiếng con lắm chứ, tôi nghĩ vậy!) sao!

Thế rồi mọi thứ biền biệt, sự mặc cảm của một đứa nghèo, sống với bên ngoại, cả bà ngoại và mẹ đều nghèo khổ, khánh kiệt, sau 1975, dường như không có thu nhập nào khác ngoài việc bán vàng mà ăn dần, đụng đâu thì thua lỗ đó, đụng đâu thì bị lừa đó. Tôi thăm cha khi đã bước vào năm thứ hai đại học. Lúc đó cha đang sống nhờ ở đậu với một người anh, bởi nhà của cha đã bị bán, người vợ sau của cha có nhờ cha ký giấy để bán nhà, mua một căn nhà nhỏ hơn, dành số tiền trích để chữa bệnh cho cha. Cha ký giấy bán nhà và bà ấy ôm tiền bay sang Thái Lan cùng một gã trẻ, mọi sự xem như chấm dứt.

Khi tôi đến thăm, cha không muốn nhìn tôi là con, lúc đó, tôi lại thương cha và cứ ngồi nói chuyện lì, bởi tôi biết cha mặc cảm, cha chẳng còn gì để cho tôi, và tôi thấy thông cảm với cha hơn cho cái lần cha nói rằng có mang mấy lượng vàng về cho tôi. Sau lần thăm, tôi về nằm bệnh gần nửa tháng, dường như có một sự đổ vỡ nào đó trong sâu thẳm tôi. Lúc đó tôi sống chung phòng trọ với Lý Đợi, hắn đã nuôi tôi, chăm bệnh cho tôi như một người cha chăm con mình, cách hắn dỗ tôi ăn, khiến tôi nghĩ đến cha và thấy buồn, rất khó tả!

Hai tháng sau, tôi đang ngủ trưa, tự dưng nghe một làn gió thổi băng qua mái tóc, và một tiếng thở dài hắt ra, của một người đi đường xa đã quá mệt nhọc… Tôi giật mình, bần thần, ngồi dậy, một nỗi buồn mơ hồ vây lấy tôi. Chiều hôm đó, tự dưng trời Sài Gòn trở gió, tôi đi dạo và thấy chưa bao giờ Sài Gòn vắng và buồn như vậy. Nhưng tôi cũng không biết chuyện gì đang xảy ra.

Tôi tiếp tục cho việc thi học kỳ, đến ngày giỗ ông nội, tôi đến nhà của người anh họ. Mọi người nhìn tôi rất lạ, hỏi tôi gặp cha chưa, tôi nói chưa. Người anh rủ tôi ra thăm cha (cha sống trong một căn chòi phía trước nhà của anh), trên đường đi, người anh nói: “Giờ anh nói thật nha, ba em mất rồi”. Lúc đó, tôi không nói gì nữa, tôi vào thắp nhang cha, mọi người hỏi chuyện, an ủi, tôi không trả lời, bởi tôi chỉ cần mở miệng thì tiếng khóc sẽ trào ra. Tôi mua một điếu thuốc lá đốt cho cha và ra về. Người anh níu tôi lại, trao cho tôi một lá thư của cha, lá thư đầu tiên và duy nhất của cha gửi cho tôi với dòng chữ vỏn vẹn “Cha xin lỗi con!”.

Nhìn ngày tháng cha qua đời, nhớ lại tiếng thở trong giấc ngủ trưa và cơn buồn buổi chiều, có sự trùng khớp lạ lùng!

Lá thư khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về đời sống, và mọi thứ trở nên xa lạ, đổ vỡ, và mãi cho đến giờ, khi tôi đã làm cha của các con mình, tôi vẫn nghĩ không ra, không tài nào lý giải được những trắc ẩn của thế hệ trước. Lá thư như một cầu nối, lá thư là một lời giải thích, lá thư là một chiếc chìa khóa để tra vào ổ khóa bí mật cuộc đời và lá thư bất lực, giá như đó là những lá thư sớm hơn, những lá thư giải bày và san sẻ suy nghĩ. Về nhân tình thế thái, về đời sống và về mối quan hệ cha – con. Giá như…!

Tôi tình cờ đọc tác phẩm, hay đúng hơn là một lá thư, kể về tuổi thơ của, với ước mơ của một cậu bé nghèo, ước mơ có một đôi giày Bata, cậu bé ấy sau này là một người cha, đã kể lại với con trai mình những cảm xúc tuổi thơ, những kỉ niệm… của nhà văn Nguyễn Đức Tùng.

Tôi lại nhủ thầm “giá như”, nghĩa là giá như lúc còn sống, cha tôi đạp qua mọi mặc cảm hay tổn thương để viết thư cho tôi, cũng như tôi đạp qua mọi mặc cảm hay tổn thương để đến thăm cha, câu chuyện sẽ rất khác. Nhưng, dường như thế giới chung quanh ta, đặc biệt là thế giới của một người Việt nhỏ nhoi, buồn tủi và đôi khi tủi hận sau những biến cố lịch sử… nó có gì đó vừa tự ti, vừa mặc cảm và tổn thương, con người tự rào mình lại bằng một lá thư khác, lá thư gửi cho chính mình.

Có biết bao nhiêu lá thư trong cuộc đời này mà giá như nó gửi đi sớm vài giây, lịch sử, cuộc đời và số phận đã thay đổi trong mắt bạn. Những lá thư gửi cho con trai, hay tác phẩm Thư gửi con trai của nhà văn Nguyễn Đức Tùng đã trả lời thay cho rất nhiều lá thư đã viết và gửi cho chính mình. Xin cảm ơn tác giả, người đã nói hộ và đánh thức những lá thư trong tâm hồn!

 

image

 

ĐÔI GIÀY BATA

Nguyễn Đức Tùng

Trong thành phố, mà nay không còn nữa, có một cửa hiệu giày, nơi duy nhất bán giày Bata. Khi bạn đứng đó trên hè phố nhìn qua một lần gương bạn có thể nhìn thấy những chiếc giày đủ màu sắc, trắng, xanh, đen, và bạn đứng đó, tự chọn cho mình một đôi, nhưng bạn không bao giờ mua được, giày Bata là mơ ước của tuổi thơ của bạn, một lần nọ bạn đập vỡ tấm kính, nhảy vào bên trong, ăn cắp đúng một đôi giày vừa vặn chân mình và bạn mau chóng bỏ chạy trước khi người chủ có thể đuổi kịp hay bị cảnh sát bắt lại trên đường. Bạn ôm đôi giày ấy vào lòng, khi đã ngồi trên bờ sông, bèn tháo đôi dép cũ của bạn ra, nghiến răng vứt thật xa xuống nước, vì bạn không cần đến chúng nữa, và bạn mang đôi giày mới vào, đôi giày có cái đế giày trắng tinh, ngoài ra toàn một màu xanh sẫm, cái màu bạn ưa thích. Chúng vừa vặn chân bạn, và bạn bắt đầu chạy trên đường, mới đầu chạy từ từ về sau nhanh vọt lên, nhưng thật ra bạn chưa bao giờ đập vỡ cửa kính của ai, không phải vì bạn quá tử tế mà vì bạn không có đủ can đảm lúc lên mười một tuổi. Người chủ hiệu giày hoàn toàn im lặng từ đầu đến cuối, bạn không biết điều ấy, bạn đứng đó, phía sau chiếc cột đèn, trong không gian mờ tối, khi hiệu giày sắp đóng cửa, tưởng rằng không ai nhìn thấy mình, không biết rằng người đứng từ bên trong nhìn ra ngoài bao giờ cũng thấy rõ bạn đang làm gì, không những cái bóng của bạn cắt lên nền trời ra sao, mà khuôn mặt trầm tư của bạn, và cặp mắt háo hức của bạn, vả lại một thằng bé mười mấy tuổi đứng đó nhiều lần ngày này qua ngày khác, nhìn chăm chú những đôi giày, không mấy khó khăn để nhận ra. Không ai biết nó nghĩ gì nhưng ông chủ biết, một hôm ông mở lớn cửa gọi nó vào, thằng bé trở nên nhút nhát, chính thằng bé muốn đập vỡ cửa kính để ăn trộm một đôi giày, trở nên nhút nhát, khiến ông chủ phải ra tận ngoài đường lôi nó vào.

– Cháu muốn gì. Ông ta hỏi.

– Cháu muốn một đôi giày.

– Đôi nào?

Thằng bé dẫn ông ta tới kệ để giày, nó đưa tay sờ vào đôi giày yêu thích, người chủ im lặng một lát, bảo: cháu ngồi xuống, thằng bé ngồi xuống trên cái ghế gỗ nâu dài thấp, ông ta đưa đôi giày mà nó chọn, cháu mang thử, nó mang vào, hóa ra không vừa. Đôi giày mà nó chọn từ lâu, chật quá so với chân nó, nó thử thêm một đôi khác, rộng quá, hóa ra những đôi giày mà nó thích khi đứng từ bên ngoài nhìn vào đều không có kích thước của chân nó.

– Nếu cháu muốn, cỡ giày chân cháu phải một tháng nữa, hàng từ Sài Gòn mới về. Cháu sẽ quay lại, ông chủ bảo.

Nó gật đầu, mặt đỏ lên, người đàn ông hiểu ý:

– Cháu không có tiền phải không?

– Cháu có, nhưng ít thôi.

– Cháu có biết đôi giày giá bao nhiêu không?

Nó lắc đầu. Thay vì nói giá tiền, ông ta hỏi lại, cháu có bao nhiêu tiền?

Nó rút tất cả số tiền trong túi ra. Đây là những món tiền mẹ nó cho, dành để ăn trưa, hóa ra phải cần một số tiền nhiều gấp bốn năm lần như thế, thậm chí nhiều hơn nữa, người chủ ngẫm nghĩ, rồi bảo nó: ta đã có cách. Cháu hãy trở lại, độ ba tuần đến một tháng nữa, kích thước ấy mới về.

Thằng bé khi ra về còn dừng lại đứng ngắm một lần nữa cửa tiệm, cánh cửa sắt sơn xanh, chiếc quầy bằng kính, ánh nắng chiều chiếu xuyên qua từ cửa sổ, những cái ghế ngồi thấp để thử giày, người chủ đứng sau quầy hàng, và một người thiếu nữ hoàn toàn im lặng, có lẽ là người giúp việc hay con gái của ông ta, nó không biết, trên trường treo một bức tranh thiếu nữ mặc áo dài vàng tươi sáng, nhưng cặp mắt đen lớn buồn buồn nhìn xuống nó từ trên cao. Cô gái trong tiệm rất giống với bức tranh ấy, nhưng cũng có thể chỉ là tình cờ, vì cô gái trông gầy hơn so với trong tranh, tóc cũng dài hơn, có hơi khác một tí, cũng như đôi chân của nó coi bộ vừa nhưng thử vào thì không khít lắm với đôi giày. Lòng vui vẻ nó huýt sáo đi luôn một mạch không ngoái nhìn thêm lần nào nữa, nó cố sức để dành, thêm một tháng nữa, số tiền của nó sẽ tăng lên nhưng không đáng kể. Nhiều tháng sau, sáu hay bảy tháng, với thời gian, số tiền đã tăng lên nhiều lần, nó có thể mua một đôi giày vừa vặn mà không cần hồi hộp chờ đợi giải pháp của ông chủ hiệu giày, một người hiền lành, tử tế, ánh mắt thông minh. Nhưng nó không bao giờ có thể trở lại để mua đôi giày ấy nữa, vì sau một tháng, hay hai tháng, hay ba, hay sáu, làm sao nó nhớ được, người chủ hiệu giày không còn ở đó, không còn ai ở đó, không còn ai ở trong thành phố ấy, thành phố ấy đã biến mất. Thực ra trước khi thành phố biến mất, thằng bé ấy đã có lần quay trở lại đứng ngay trước cửa tiệm giày kia, cánh cửa sắt xanh bị ai tháo tung, những mảnh kính vương vãi trên sàn nhà, trên vỉa hè đường phố, những mảnh sơn vỡ, gương vỡ, những mảnh nắng vỡ, rải rác khắp nơi. Dấu đạm lỗ chỗ trên tường. Nó đứng đó đăm đăm nhìn những chiếc giày Bata, cái còn trên kệ, cái rơi xuống đất, không thành cặp, dõi mắt đi tìm đôi giày của mình. Đôi giày của nó, bây giờ nó có thể bước vào mà không cần phải đập vỡ một lần kính nào, nó đứng đó, dụi mắt nhiều lần, không phải vì cay mắt, nhưng không vào, rồi bỏ đi, cố ghi nhớ hình ảnh ấy cho suốt cuộc đời mình, khuôn mặt người chủ tiệm, bức tranh treo trên tường vẽ thiếu nữ áo vàng tóc xõa, cặp mắt đen láy bị đạn bắn loang lổ, cô gái đứng ở sau quầy kia, có mái tóc dài hơn cả trong tranh, cố ghi nhớ hình ảnh của đôi giày mùa hè chạy bộ kêu siết trên đường phố, kêu ken két, vì những đôi giày mới khi bạn mới mang vào chân, chúng thường kêu lên một cách hí hửng như vậy, như cuộc đời trước khi biến mất.

Nguyễn Đức Tùng

(trích Thư gởi con trai)

Liêu Thái

Quảng Nam, 01/6/2023.

Comments are closed.