Đôi ngả suối vàng

Truyện ngắn Sáu Nghệ

Văn Việt: Sáu Nghệ tên thật là Phạm Duy Tương, sinh năm 1956, là một cựu chiến binh. Anh tốt nghiệp cử nhân báo chí, hiện là Trưởng ban đại diện báo Tiền Phong ở đồng bằng sông Cửu Long. Anh đã có truyện ngắn đăng trên nhiều báo và in chung thành sách, từng được giải thưởng của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội và thành phố Cần Thơ.

 

Năm cũ sắp qua, bấy giờ nắng đã xanh mướt ngọn dừa, gió thổi vi vu suốt ngày đêm như tiếng nhạc lễ hội cõi Thiên đình vọng xuống. Chắc trên đó cũng có thêm một năm ăn nên làm ra như con cái của bà Năm Thành ở trần gian, một gia đình nhiều phúc lộc. Ông Năm Thành đã qua đời nhưng tiếng tăm, uy tín của ông vẫn phù hộ độ trì cho anh con trai đường làm quan hanh thông liên tục kể từ khi ông nằm xuống, còn bà Năm Thành vẫn khoẻ mạnh làm điểm tụ họp cho con cháu và cả nhiều người xa lạ để đưa đến nhiều mối mang kinh doanh cho cô con gái, mà mối nào cũng lợi.

Dân gian có câu “không biết phúc đâu mà tìm, tội đâu mà tránh”, nhưng khi phúc lộc đến mà không biết chớp lấy, tận dụng thì thật không thông minh. Hai người con của ông bà Năm Thành rất thông minh.

Ông Năm Thành đi theo cách mạng từ nhỏ, tuổi thanh xuân trải qua chiến tranh, hòa bình lo việc xây dựng đất nước. Làm cán bộ cao cấp, ông vẫn giản dị; có quyền lực không lạm quyền để tư lợi; có điều kiện sa đà vẫn chung thủy với vợ, không bồ bịch lăng nhăng.

Bà Năm Thành chất phác, đôn hậu. Bà lấy ông, dẫu khi ông làm quan to, bà vẫn ở quê làm ruộng như những người nông dân láng giềng. Nghỉ hưu, ông về quê sống với bà trong ngôi nhà nhỏ. Hai người con của ông bà, trai đầu gái sau, được cả lộc của ông lẫn phúc của bà. Sau khi ông nghỉ hưu ít lâu, hai người con có gia đình riêng và sống ở thành phố, người con trai làm công chức, người con gái mở doanh nghiệp tư nhân.

Ở quê chỉ còn ông bà.

Thường sáng sớm, ông pha trà thì bà xách giỏ đi chợ, vừa nhẹ nhàng mở cổng bà vừa vọng hỏi: “Hôm nay ông muốn ăn gì nào?”. Ông ngửng lên, nheo nheo mắt nhìn bà, nghĩ một lúc rồi nói tên vài món cá thịt hay rau cỏ. Bà bảo ông ở nhà chờ rồi lặng lẽ khép cổng. Có người nói ông bà đang hưởng tuần trăng mật, nhưng thanh thản có khi còn hơn tuần trăng mật.

Tuổi già, đời người chẳng còn dài. Năm đó, ông bị cảm cúm mà nhì nhằng cả tháng không khỏi. Một đêm, trằn trọc không ngủ được, ông thều thào gọi:

– Bà ơi…bà à…

Bà lồm cồm rời chiếc giường đơn ở chái, men theo cửa bước lại bộ ván giữa nhà, nơi ông đang nằm. Hơi thở của ông gấp gáp.

– Tôi muốn nói với bà… một chuyện…

Bà giật thột người, không biết có chuyện gì mà ông gọi bà dậy giữa đêm?

– Đời tôi thì sướng khổ cũng có đủ cả… thương bà lấy tôi chỉ có cực khổ…

– Có chuyện gì … ông để sáng mai nói được không? – Giọng bà thảng thốt.

– Không … Chuyện này quan trọng lắm, phải nói với bà bây giờ…

 

Bà nhướng mắt nhìn ông rồi ngoảnh nhìn bóng tối góc nhà, phập phồng một nỗi lo sợ mơ hồ. Những người đàn ông xa nhà thời chiến tranh loạn lạc, cuộc đời có nhiều khoảng tối như góc nhà kia, mãi mãi không ai biết được bí mật bên trong. Có vài trường hợp lộ ra, vẻ vang thì ít mà gây đau khổ cho người thân thì nhiều. Bà sống với ông gần trọn đời, hàng xóm láng giềng vẫn ca ngợi hạnh phúc, nhưng hạnh phúc của ông bà có thật trọn vẹn không? Bà nơm nớp. Ông cựa quậy đầu trên gối, giọng yếu ớt:

– Tôi muốn nói với bà … Khi tôi qua đời, bà nhớ bảo con cháu, để tôi…để tôi nằm trong vườn nhà…

Bà quay phắt lại:

– Ông nói gở gì vậy?

– Không nói gở đâu bà ạ… Tôi chừng này tuổi rồi, chỉ còn có một việc chết nữa mà thôi…nên muốn nói với bà…

– Lúc này không phải lúc nói chuyện đó – Bà kiên quyết cắt ngang lời ông.

– Bà đừng la tôi… Đừng mà… – Ông run rẩy với tay nắm bàn tay bà – Tôi với bà lấy nhau nhưng về già mới được sống bên nhau… nên muốn sau khi chết được nằm … bên nhau mãi mãi.

– Thôi, ông đừng nói chuyện xui, chuyện rủi nữa mà – Giọng bà đã gắt gỏng – Tôi không nghe ông nói nữa đâu, ông cũng ngủ đi.

Bà kéo mền lên ngực ông, vỗ vỗ dỗ dành, rồi kiên quyết đứng dậy. Tính bà vậy, ở nhà những khi ông tỏ ra yếu đuối, ngập ngừng thì bà kiên quyết, khác với ngoài xã hội bà đều nhún nhường nghe theo ông. Bà trở về chiếc giường đơn ở chái, nằm mãi không ngủ được, nghĩ chuyện mông lung, nước mắt ứa ra.

Sau đêm ấy, ông trở bệnh nặng hơn, mấy ngày thì qua đời.

Dân làng viếng ông rất đông. Con cháu về chịu tang đầy đủ. Hai gia đình thông gia cùng nhiều ban ngành, đoàn thể mang vòng hoa đến viếng. Còn có một ban tang lễ trên thành phố cử về.

Bà nói với con trai, để ông nằm trong vườn nhà. Người con trai băn khoăn, tiêu chuẩn của ông được an táng trong nghĩa trang liệt sỹ. Bà lắc đầu thì anh con trai xin phép trao đổi với ban tang lễ, trước khi quyết định. Ban tang lễ nói, tùy gia đình quyết định, còn vào nghĩa trang thì ông sẽ được nằm ở vị trí gần tượng đài tổ quốc ghi công, lễ tết có nhiều đoàn hương hoa đến viếng.

Anh con trai đã viếng nghĩa trang liệt sỹ, hình dung ra ngay vị trí trang trọng ấy, thì nghĩ, vinh dự lớn như thế không thể bỏ. “Sống vì mồ mả”, chết mà được nằm ở vị trí hàng năm quan chức khắp nơi đến thắp hương, đọc bia mộ để vái lạy, khấn cầu thì uy danh khác chi còn sống, có khi còn hơn sống. Anh con trai bàn ngay với em gái:

– Ba của chúng ta sống thanh bạch, để lại cho con cháu chỉ có cái danh cao quý, tiếng thơm ấy không thể quanh quẩn vườn nhà dễ lu mờ, mai một.

Cô em gái đồng ý ngay, hất mạnh mái tóc đang sổ tung ra sau lưng, trả lời:

– Để em khuyên mẹ.

Anh con trai còn bàn với họ hàng nội ngoại nói thêm vào, tiêu chuẩn cao quý của ông thì bà không nên ngăn cản. Đang lúc rầu rĩ ruột gan, xung quanh khăng khăng, bà nhún nhường nghe theo. “Thôi thì tùy ý các con”, bà nói.

Sự thông minh của anh con trai đưa lại kết quả nhanh chóng không ngờ. Một ngày lễ lớn năm đó, có vị cán bộ trên trung ương về dự với địa phương, đi viếng nghĩa trang liệt sỹ, đứng trước mộ ông Năm Thành vái lạy. Vị cán bộ hỏi khẽ người đi cùng: “Con cái ông Năm Thành thế nào?”. “Dạ, báo cáo anh, con trai của ông cụ đây ạ”, người cán bộ đi cùng gọi anh con trai của ông Năm Thành. “À, tôi biết ông cụ lâu rồi mà nay mới gặp anh”, vị cán bộ trung ương mềm mỏng hỏi “Sao, cháu công tác ở đâu?”.

Ngày xưa, được vua biết mặt chúa biết tên thì chẳng còn gì bằng, ngày nay đang đề cao huyết thống, được cấp trên biết tên còn biết gốc tích thì đường làm quan rộng mở. Anh con trai nhận ra ngay lập tức điều kiện tuyệt vời, từ đó, các dịp lễ tết đều quanh quẩn chăm sóc mộ của ba.

Mà lễ lạt hầu như quanh năm. Nên chỉ ít lâu sau ngày ông Năm Thành qua đời, anh đã được rất nhiều quan chức quyền thế biết đến. Anh được chuyển sang công tác quan trọng, cất nhắc lên những chức vụ cao mau lẹ đến ngạc nhiên. Cô em gái vốn tính thẳng thắn, nói:

– Phục anh thông minh.

Anh con trai đáp:

– Nhờ hồng phúc tổ tiên, quê hương đất nước.

Câu trả lời thời thượng mà tuyệt đối chính xác!

Nhưng bà Năm Thành sức khỏe lại suy kém. Cuộc đời bà rơi vào nỗi cô đơn trống trải khiến bà héo hon. Bao nhiêu năm trước gần cả cuộc đời, bà cũng sống một mình, xa ông đấy nhưng còn có ông để mà chờ đợi, trông ngóng, nay không còn gì để chờ đợi nữa, như chân trời trong đêm tối đen, lặng phắt đến tận cùng. Những lúc quạnh quẽ, bà thơ thẩn đi quanh nhà, ra vườn và càng nhớ ông. Đôi khi, bà tự trách mình không kiên quyết để ông nằm trong vườn nhà, dù âm dương cách biệt nhưng ít ra bà cũng được cảm thấy có ông bên cạnh hàng ngày, và ông chắc cũng bớt lạnh lẽo một mình.

Thấy bà mãi ủ rủ, con cháu mời bà ra thành phố sống với họ. Hai người con nói, bà ra thành phố muốn sống với con nào thì sống, ít ngày với cháu nội rồi ít ngày với cháu ngoại là tùy thích. Họ hàng, xóm giềng cũng khuyên bà ra ở với con cháu để con cháu tiện chăm sóc, đỡ phải thỉnh thoảng kéo nhau về thăm bà. Bà rủ rỉ với anh con trai:

– Mẹ đi thì được rồi nhưng thương ba con nằm một mình.

– Ba nằm ở nghĩa trang liệt sỹ, có đồng đội cũ và có nhiều người thường xuyên hương hoa đến viếng mà mẹ.

– Biết vậy nhưng mẹ vẫn áy náy – Bà Năm Thành rút khăn lau mắt – Con ơi, mẹ ra thành phố thì mẹ con mình lại xa cách ba con, khác chi hồi trước ba con công tác trên thành phố, thỉnh thoảng mới về thăm mẹ con mình. Nhưng thôi, mẹ cũng già rồi, gần đất xa trời rồi, tùy ý các con. Mẹ chỉ muốn nói với con điều này, lên thành phố ở với các con nhưng khi mẹ chết, các con phải đưa mẹ về nằm cạnh ba các con nghe chưa.

Anh con trai hứa với mẹ, sau đó kể với em gái. Cô em nghẹn ngào:

– Người già nghĩ sâu sắc mà trẻ tuổi không hiểu hết được.

– Cũng thương ba mẹ – Anh con trai nói – Hầu như cả đời biền biệt xa nhau, về già mới sống được với nhau ít lâu.

– Nên anh đã hứa thì coi như em cũng đã hứa – Cô em tươi cười – Chúng ta sẽ làm cho ba mẹ toại nguyện. Mà chuyện đó có gì khó khăn đâu, phải không anh?

Bà Năm Thành ra thành phố, nhờ trời, con cháu hiếu thảo và khá giả nên sức khỏe hồi phục. Nhưng ở nhà con cháu, bà trở thành người nhún nhường. Thuở nào, chuyện xã hội bà nhún nhường, chuyện nhà bà quyết đoán, thì nay chuyện nhà bà cũng nhún nhường. “Tùy ý các con”, bà thường trả lời như vậy mỗi khi con cháu hỏi đến.

Trong lúc đó, đường làm quan của anh con trai ngày càng hanh thông thì việc kinh doanh của cô em cũng gặp nhiều thuận lợi bất ngờ. Bà Năm Thành ở thành phố, tiện cho bạn bè và cấp dưới của anh con trai đến thăm. Họ đến thường xuyên hơn các đoàn đi viếng nghĩa trang liệt sỹ, và cô con gái thông minh tinh nhạy phát hiện ra lợi thế tìm kiếm mối mang làm ăn ở những người nhiều quyền lực ấy. Cô ngọt ngào nói với anh:

– Anh lo việc dân việc nước chẳng mấy khi ở nhà, mà có về nhà cũng bận bịu không yên. Thôi thì để mẹ sống luôn ở nhà em, có người phục vụ, có mẹ có con dễ tâm tình.

Người anh trai suy nghĩ giây lát, gật đầu nhưng vẫn nói thêm:

– Thỉnh thoảng nhớ đưa mẹ đến nhà anh chơi để mẹ vui với cháu nội.

Cô em gái thoắt nghĩ, sao anh không bảo cháu nội thỉnh thoảng sang chơi với bà? Nhưng cô gạt đi, mong muốn của cô đã được chấp thuận, cô tươi cười:

– Việc đó là đương nhiên.

Anh con trai càng lên chức vụ cao thì cấp dưới càng đông, nên cô em gái không còn phải bôn ba ngược xuôi tìm kiếm mối mang làm ăn như trước nữa, chỉ ngồi ở nhà, quấn quít bên mẹ là mối mang gần xa tự đến. “Nhà giàu trồng lau ra lúa”, bây giờ cô tính việc gì cũng ra tiền, mà nhiều tiền, lắm lúc ngỡ như tiền tìm đến nhà cô vậy.

Nên năm đó, gần hết năm, chưa đến tết mà nhà hai anh em đã vui như tết. Nắng xanh mướt ngọn dừa, tiếng gió vi vu suốt ngày đêm như tiếng nhạc lễ hội cõi Thiên đình vọng xuống, góp vui cùng rộn ràng tiếng người cười nói mang quà cáp, tiền bạc đến nhà anh lẫn nhà em. Cô em chợt nghĩ:

– Ơ, chúng ta chưa bao giờ làm lễ mừng thọ cho mẹ, có bất hiếu không anh?

– Năm nay chúng ta phải làm – Người anh trả lời.

Lúc đầu, hai anh em tính làm lễ mừng thọ mẹ ở nhà anh cho đúng phong tục và làm sớm để những ngày tết nhất anh còn phải về viếng nghĩa trang liệt sỹ. Nhưng năm ấy, lại có nhiều đoàn quan chức đi viếng nghĩa trang liệt sỹ sớm nên anh vội vã đi theo, lễ mừng thọ chuyển sang nhà cô em.

Bà Năm Thành hơi buồn, cô ôm vai bà an ủi “Quanh năm mẹ ở nhà con thì làm lễ mừng thọ phải ở nhà con mới đúng chớ. Con sẽ làm thật lớn cho mẹ vui”. Cô làm lớn thật, dựng rạp chiếm cả một đoạn phố trước nhà, người xe nghìn nghịt từ sáng đến khuya. Nhiều khách sang trọng của anh, khi đến trao quà cho bà Năm Thành hoặc cô em gái, ngỏ ý muốn gặp anh để chào hỏi. Cô thành thật:

– Ông anh tôi đang lo việc ở nghĩa trang liệt sỹ, những dịp như thế này là anh không rời nghĩa trang liệt sỹ được.

– Thật là người con hiếu thảo – Mọi người tấm tắc.

Có đoàn cán bộ ở quê nhà ra mừng thọ bà. Những người này kể, ở quê có mấy vị lớn tuổi vừa nhớ ra ngôi nhà của ông bà Năm Thành hồi chiến tranh có nuôi chứa cán bộ cách mạng. Đúng hơn, chỉ bà nuôi chứa, vì ông đã thoát ly theo cách mạng. Các vị lớn tuổi đang yêu cầu xã và huyện làm hồ sơ xin công nhận ngôi nhà là di tích lịch sử địa phương. Cô con gái hỏi ngay:

– Các anh các chị tính thế nào ạ?

– Chúng tôi đang muốn hỏi ý kiến của bà và anh chị. Nếu được thì mở ra khu đất công bên cạnh để xây thêm nhà trưng bày hình ảnh và hiện vật lịch sử địa phương.

– Ồ, được đấy – Cô em gái mắt sáng lên – Tôi đồng ý, các anh các chị làm ngay cho, còn việc xin kinh phí và xây dựng để tôi lo.

– Cảm ơn chị và gia đình ta quá – Các cán bộ địa phương nói.

Khi trải ra cái sơ đồ khu di tích lịch sử tương lai lộng lẫy thì bà Năm Thành băn khoăn, bà nhướng đôi mắt già nua nhìn đi nhìn lại. “Có cách gì giữ được cây cối trong vườn không?”, bà khẽ khàng hỏi. Cô con gái ôn tồn:

– Toàn cây tạp mẹ ạ, bỏ đi để khu di tích trồng vào những cây cổ thủ quý giá hơn.

– Nom không còn giống nhà mình nữa…

– Nhà của mình còn giữ lại mẹ ạ, đây này, còn đây là toà nhà mới xây dựng trên khu đất công bên cạnh. Khi xong, sẽ có người coi giữ luôn cả nhà mình.

– Vậy các con về quê thì ăn ở vào đâu? – Bà vẫn băn khoăn.

Cô con gái cười ngặt nghẽo.

– Bây giờ đi khắp thế giới còn chẳng lo, về quê lại lo chỗ ngủ, mẹ ơi.

Bà nghe giọng con gái rổn rảng, thấy ánh mắt con gái long lanh thì không nói gì nữa, rơm rớm nước mắt bảo “Thôi thì tùy ý con”.

 

Trước ngày khởi công xây dựng, bà về đốt hương viếng ông. Bà thẫn thờ nhìn tấm ván ông nằm ở gian giữa, cái giường đơn của bà bên chái, rồi hàng hiên, khoảnh sân, cánh cổng thân thuộc mà đột nhiên như xa lạ. Bà đứng bên cổng, đưa tay đẩy cánh cổng sắt bao năm bà từng đẩy, bản lề rít lên vì lâu ngày không mở. Bất giác bà nhìn vào nhà, như thấy ông vẫn ngồi mỗi khi bà mở cổng đi chợ, hỏi ông ăn gì để bà mua, ông ngửng lên nheo nheo mắt nhìn bà, nghĩ một lúc rồi nói tên vài món cá thịt hay rau cỏ. Cánh cổng ông làm trước khi nghỉ hưu mấy năm, thay cho cánh cổng tre. Hồi đó, cánh cổng sắt này thuộc loại hiếm hoi ở quê, sang trọng lắm, bây giờ đã rỉ sét nham nhở.

Cô con gái đi tới, bà hỏi:

– Cánh cổng này đem lên thành phố làm được việc gì không hả con?

– Không làm được gì đâu, để con xem trong xã có ai cần thì biếu cho người ta.

Mấy cán bộ xã đến, ồn ào từ xa:

– Thấy hai mẹ con bà là thấy ngay một gia đình hạnh phúc.

Các cán bộ hồ hởi giới thiệu với bà Năm Thành nơi sẽ xây dựng ngôi nhà trưng bày hiện vật lịch sử với sân, cổng, lối đi, vườn hoa cây cảnh…

– Khu di tích lịch sử này lớn nhất huyện bà ạ, vừa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ vừa thu hút khách du lịch cả nước và cả thế giới, đem giàu có về cho quê hương.

Bà gượng cười:

– Được vậy thì tốt quá, ông nhà tôi dưới kia chắc cũng ủng hộ.

– Chắc chắn là ông ủng hộ – Các cán bộ khẳng định.

Bà có cảm giác không còn là chủ ở đây nữa. Nhìn con gái hồ hởi, bà nén tiếng thở dài, hỏi nhỏ:

– Ngôi nhà cũ sẽ giữ lại chứ con?

– Dạ – Cô con gái trả lời.

– Thế à? – Bà vẫn ngơ ngác.

– Hôm trước, con đã thưa với mẹ rồi, ngôi nhà cũ bằng giá nào con cũng giữ cho mẹ.

Cô nói thật lòng, không phải đãi bôi cho vừa lòng mẹ. Cô tính toán khôn khéo lắm.

Giành được thầu xây dựng khu di tích, cô đã có tiền lời ngang bằng bán mảnh vườn. Giữ ngôi nhà cũ, cô được tiếng bảo vệ di sản mà khu di tích có xây dựng kiểu gì thì vẫn còn đó ngôi nhà của gia đình bà Năm Thành, cô có quyền đi về, vào ra bất cứ lúc nào. Khu di tích lịch sử thu hút đông đảo khách gần xa, cũng là về vườn nhà cô, thuận lợi cho cô tiếp xúc, gặp gỡ hơn ai hết. Vốn tinh nhanh sắc sảo, cô nhìn tương lai xa, mẹ cô rồi sẽ qua đời, anh trai cô thì làm quan cũng chỉ nhất thời, khi đó, khu di tích này sẽ là điều kiện tuyệt vời cho cô duy trì, mở mang các mối quan hệ làm ăn gần xa. Nên cô thành tâm nhất mực giữ ngôi nhà cũ, cố hoàn thành nhanh việc xây dựng để mẹ chứng kiến.

Công trình chưa xong thì bà Năm Thành qua đời. Tối hôm ấy, bà thấy mệt trong người, lên giường nằm sớm, nửa đêm khó thở và thiếp đi, khi tỉnh dậy ở trong bệnh viện, xung quanh con cháu lo lắng túc trực. Bà kể vừa mơ được gặp ông và muốn về quê. Bà lần bàn tay con trai, nói nếu bà qua đời, nhớ đưa bà về nằm cạnh ông. “Con nhớ đưa mẹ về nằm bên cạnh ba con nghe”, giọng bà rành rọt như thể tính chuyện khỏe lên là đi chợ vậy. Cô con gái hốt hoảng chen vào “mẹ đừng nói vậy, mẹ còn phải sống nhiều năm nữa”. Bà khẽ mỉm cười rồi chìm vào giấc ngủ vĩnh viễn.

– Không biết phần đất cạnh mộ của ba còn trống nữa không? – Anh con trai hỏi.

– Còn – Cô em gạt nước mắt – Em vẫn biếu tiền cho người ta giữ giùm phần đất ấy.

– Vậy em theo xe đám tang về sau, còn anh về trước chuẩn bị chỗ nằm cho mẹ.

Cô em biết việc ấy không ai lo được bằng anh nhưng vẫn dặn:

– Anh nhớ khéo léo quà cáp để người ta nhiệt tình giúp đỡ, cho trọn vẹn ước nguyện cuối cùng của mẹ. Chứ các anh làm quan chỉ quen lấy quà biếu của dân, không quen biếu quà cho dân cũng dở lắm đấy.

– Em đừng có nói lung tung, nhớ tập trung đưa đoàn xe tang về thật chu đáo.

Tin bà Năm Thành qua đời gây xúc động dân làng hơn ông hồi nào, vì cuộc đời bà gắn bó với dân làng. Quan tài của bà được đặt vào ngôi nhà lớn mới xây dựng. Người đến viếng rất đông. Không có ban tang lễ ở thành phố cử về như đám tang của ông, họ hàng làng xóm xúm vào lo, nhiệt thành và có cô con gái sắc sảo quán xuyến nên chu đáo.

Quan tài bà về đầu chiều mà gần tối, anh con trai mới phờ phạc xuất hiện. Anh đưa mắt kín đáo ra hiệu cho em gái vào ngôi nhà cũ. Khép cánh cửa xộc xệch, anh nói:

– Không được an táng mẹ ở nghĩa trang liệt sỹ.

– Cái gì?

– Mẹ không có tiêu chuẩn.

Cô em gái trố mắt một lúc mới hỏi được:

– Vậy an táng mẹ ở đâu?

Người anh ngồi phịch xuống tấm ván giữa nhà, nơi ông Năm Thành từng nằm, nét mặt vô cùng mệt mỏi.

– Em cho anh ly nước.

Dốc cạn ly nước, thõng thượt đưa ống tay áo quẹt ngang miệng, người anh kể, nghĩa trang liệt sỹ chỉ an táng liệt sỹ và cán bộ có mức lương bậc nọ bậc kia.

– Mẹ có Huân chương kháng chiến? – Cô em nói.

– Chưa đủ để được an táng trong nghĩa trang liệt sỹ.

– Nhưng không có mẹ thì không có công lao của ba, anh có nói rõ với người ta như vậy không?

– Không nói thì người ta cũng biết.

– Nhưng anh có nói không? Thiên hạ cũng hay quên lắm, anh có nói chưa? – Cô em căn vặn, lắc mạnh đầu làm mái tóc xoã ra.

– Anh đã nói rã họng, người ta bảo tiêu chuẩn là tiêu chuẩn.

– Trời ơi, sao lại có thứ tiêu chuẩn lạnh lùng – Chợt cô ngửng phắt lên, hất mạnh mái tóc ra sau lưng – Không có tiêu chuẩn thì mình mua đất, mua mảnh đất bên cạnh ba ấy, đắt mấy cũng mua.

– Đất ở nghĩa trang liệt sỹ không được mua bán.

Cô em ủ rủ bước lại chiếc giường đơn bên chái, nơi bà Năm Thành nằm hồi nào, cô từ từ ngồi xuống và vẫn cúi đầu, giọng đầy đay nghiến tuôn ra:

– Tại sao hồi đó anh cứ bàn với em đưa ba vào nghĩa trang liệt sỹ, mà không để ba nằm trong vườn như ý của mẹ? Tại sao anh là quan chức mà không nắm được tiêu chuẩn để bây giờ mắc kẹt như thế này? Tại sao…?

Người anh trợn mắt, cắt ngang lời em:

– Bao nhiêu thứ tiêu chuẩn, cho người sống anh còn không biết hết, làm sao biết được những tiêu chuẩn cho người chết. Nhưng lúc này đừng đay nghiến nữa, bây giờ là lúc phải tìm cách tháo gỡ vướng mắc.

Cô em ngửng phắt lên, lại hất mạnh mái tóc ra sau lưng.

– Vậy thì để mẹ nằm ở vườn nhà, rồi sau này bốc mộ của ba về với mẹ.

– Nhưng vườn nhà mình đã là khu di tích lịch sử, không thể chôn cất mẹ ở đây, mà cái này là do em tự ý quyết định đây, nhớ chưa …- Người anh rên rỉ.

Bên ngoài chợt lặng phắt trống kèn. Cây cối trong vườn đã chặt hết, cả hàng dừa trước cổng cũng không còn nên không có tiếng gió vi vu. Không có tiếng xào xạc. Lặng phắt rợn người.

 

– Trời ơi! – Cô em hét lên một tiếng, đập tay xuống giường, một lớp bụi cùng mùi ẩm mốc bốc lên nhưng cô không để ý đến điều đó. Có một nỗi lo sợ vô hình đột ngột bóp nghẹt tim cô, khiến cô lạnh toát người. Nỗi lo sợ không thực hiện được ước nguyện cuối cùng của mẹ, cũng là của ba, mà ở suối vàng ba và mẹ chia lìa đôi ngả thì ở cõi trần gian, anh em cô sống yên ổn được không?

Cô đổ gục xuống giường, lăn lộn:

– Ba ơi … Mẹ ơi… – Nước mắt cô phút chốc tuôn ra như suối.

 

 Cần Thơ tháng 8/2013

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.