Đốt sách

Truyện Lê Học Lãnh Vân

Khoảng cuối tháng 5/1975, chiến dịch Bài trừ Văn hóa Đồi trụy được phát động. Lệnh ban ra từ trung ương, các đài phát thanh phường ra rả loan tin: “Tất cả các sách vở, tài liệu in ấn trước ngày 30/4/1975 phải đem nộp cho nhà nước”.

Chiến dịch này được nhiều người trong giới trí thức cảm nhận là cú đấm trực diện vào mặt họ. Bởi sách chính là cơm tinh thần của giới trí thức, là phương tiện tối quan trọng để phổ biến, duy trì hiểu biết và đạo đức của xã hội. Ban đầu một số người vẫn chưa tin…

Khi chị Hai bày tỏ sự bực tức, rằng bây giờ chỉ còn họ cầm quyền mà không có đối lập nên họ muốn làm gì cũng được, không biết sợ ai, thì chị Ba nói: “Cách mạng đâu phải là Tần Thủy Hoàng. Bản chất họ đã không phải, mà họ cũng không ngu tới như vậy. Lệnh này chỉ để loại bỏ các tác phẩm tâm lý chiến phản động và các tác phẩm đồi trụy của chế độ cũ thôi”.

Ông Trọng biểu Vương đưa tới thăm ông Sáu Tranh, một trong vài người cao cấp nhất của Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Tp Hồ Chí Minh. Ông Sáu Tranh là bạn cũ, cũng là bạn chiến đấu của ông Trọng hồi chín năm. Ông Sáu Tranh nói, tất cả sách, báo, tạp chí…, nghĩa là tất cả những gì đã được in ra, đều phải nộp. Ông Sáu Tranh đề nghị ông Trọng mang tủ sách gia đình tới gởi cơ quan ông, ông sẽ làm giấy xác nhận đã mượn tủ sách này để nghiên cứu từ trước ngày lệnh được ban hành.

Không nên tàng trữ sách ở nhà đâu anh, ông Sáu Tranh nói. Tôi nghĩ cấp cao thiệt  lòng muốn loại bỏ sách đồi trụy, phản động, nhưng mà, ai biết đám dưới lộng hành tới mức nào. Tôi hiểu anh, nhưng thời buổi này phải cẩn thận giữ mình!

Trong khi gia đình Vương còn lưỡng lự về việc gởi sách cho ông Sáu Tranh thì hàng ngày từng nhóm thanh niên ngang dọc trong xóm, đi tới từng nhà gõ cửa nhắc nhở người dân phải nộp tất cả ấn phẩm ra đời trước 1975. Ngoài đường lớn, những chiếc xe tuyên truyền chạy chậm chậm với tiếng loa vang vang, đanh thép lên án tàn dư văn hóa phản động đồi trụy của Mỹ Ngụy và đe dọa những ai dám tàng trữ sách báo thời chế độ cũ…

Ông Trọng tuyên bố: “Mình không thể đem nộp cho phường. Nếu họ biết mình từng đọc sách gì, họ sẽ chú ý tới mình, có thể họ sẽ bắt mình đi học tập cải tạo hay đi lao động”.

“Vậy mình đem gởi anh Sáu Tranh?”. Bà Trọng hỏi.

Ông Trọng dứt khoát: “Mình không nên làm phiền anh Sáu. Chế độ này không tin ai, không tin cả những người đã theo họ ba mươi năm. Mình sẽ tự đốt. Mỗi ngày chỉ đốt một hai thau sách”.

Vương giẫy nẫy: “Ba ơi, sách con với các chị lục lọi mua từng cuốn, từng bộ. Bao nhiêu năm mới có tủ sách quý này. Đốt đi rồi bao giờ mới có lại?”.

Theo truyền thống gia đình, các chị em Vương rất mê sách. Ba chị em dùng căn phòng gần ba mươi mét vuông trên lầu lập thư viện, thời đó nhà Vương không dùng kệ mà để sách trong tủ hay trong rương. Các tạp chí Đông Dương, Nam Phong, Văn Hóa, Thanh Nghị, Tri Tân, Phong Hóa, Ngày Nay… đóng thành bộ. Cả thất tài tử thư, thơ phú đời Đường, Tống, Tình Sử, rất nhiều sách nghiên cứu về Bách Gia Chư Tử… Các tác phẩm của thời đại Ánh Sáng như của Voltaire, Rousseau, Montesquieu, các tác phẩm về cách tổ chức xã hội và các nền chính trị khác nhau… Các tác phẩm văn chương đoạt giải Nobel bằng tiếng Pháp, Anh hay dịch ra tiếng Việt như Chiếc Cầu Trên Sông Drina. Các tác phẩm nghiên cứu phê bình mỹ thuật của Pháp, Đức, Ý… Các bộ kiếm hiệp của Kim Dung. Các tiểu thuyết Việt Nam thời tiền chiến… Cũng có trong số đó quyển sách cũ bìa vàng tập hợp các bài viết chính trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm mà nhờ nó Vương biết tên tuổi của những Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán…Có nhiều bộ sách Vương đọc hàng chục lần, có những bộ chưa đọc hay chỉ cầm xuống vuốt ve hẹn ngày sẽ đọc…

“Ba không biết bao giờ mới có lại. Cũng chưa biết bao giờ mình có lại cuộc sống như hồi xưa. Nhưng chuyện trước mắt là phải thủ tiêu hết. Nếu tụi nó vô nhà kiểm tra, thấy sách cấm tụi nó sẽ lục tung cả nhà lên lấy hết của cải, mà không chừng còn có những tai họa tù tội khác. An toàn gia đình là trên hết”.

Ông nói thêm: “Một chánh sách mất lòng dân và gây tai họa lâu dài cho dân tộc như thế này mà cũng ban ra được! Không biết có phải CIA. cài vô xúi mấy ổng làm bậy không?”.

Thời gian sau đó, mỗi ngày, Vương lấy sách từ một ngăn tủ chất đầy hai thau nhôm đem ra sân đốt. Lòng anh buồn rũ lúc đầu, song mấy ngày sau rồi cũng chai dần.

Vương muốn giữ lại tập kỷ yếu của trường Petrus Ký, nơi đã cho anh bảy năm trung học đầy tình yêu và kỷ niệm quý thương, cho anh nền móng kiến thức căn bản lẫn tinh thần nhân ái, phụng sự cộng đồng. Tập kỷ yếu in hình thầy cô các môn học và học sinh từng lớp. Ông Trọng nói tùy con, nhưng ba nghĩ không nên giữ vì trang trong có in lời chúc với chữ ký của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hai cha con nhìn nhau. Ông Trọng nhỏ giọng, kệ nó con, bao nhiêu thứ quý hơn còn bị mất! Sinh mạng người ta chưa chắc được còn, mình tiếc gì mấy thứ ngoại thân!

Một lúc sau, ông Trọng lại tiếp: “Bao nhiêu người đã chết vì Độc lập, Tự do. Vậy mà mới mấy tháng mình đã thấy Tự do bị siết lại. Tự do bị siết rồi, Độc lập biết có còn giữ được không?”

Một ngày kia, Vương phải đốt tới tập sách in các bức họa thời tiền chiến, trong đó có bức Thiếu Nữ bên Hoa Huệ của Tô Ngọc Vân. Anh chàng sinh viên mười chín tuổi ngẩn ngơ ngắm bức họa yêu thích, nhìn lần cuối dáng cánh tay vén tóc mây khi tâm sự thật đài các, đoan trang, dịu dàng của một khuê nữ Hà thành… Rồi lửa đã xém nửa khuôn mặt… Rồi khói đen che hết…

Cô gái yêu hoa trong bức tranh bị đốt liệu có biết chăng…

Mấy mươi năm sau, những nam nữ thanh niên thế hệ con cháu cô om sòm chửi rủa nhau, tranh giành, cướp giật, giày xéo lên những cành hoa triển lãm ngay giữa trung tâm Hà Nội ngàn năm văn vật?

Một ngày sau năm 2009

Comments are closed.