Lê Công Tư
Tặng Nghiêm Kontum với một cái tết rong ruổi đó đây trong những buôn làng dân tộc.
Chưa có một cái Tết nào mà người dân Đà Lạt lại được chứng kiến trong thành phố có nhiều chiếc xe con cùng những đoàn người dân tộc kéo nhau bỏ rừng xuống phố đi ăn xin nhiều đến thế.
Trước hết là những chiếc xe con. Tôi biết rõ là có rất nhiều chiếc xe có được từ những dành dụm chắt chiu, làm ăn chân chính, và cũng rất nhiều chiếc được tậu ra từ những tham nhũng, trộm cắp dưới đủ mọi hình thức của những quan chức nhà nước. Còn người dân tộc thì họ đi thành nhóm năm, ba người với những cái gùi lớn. Bên cạnh những người phụ nữ là trẻ con, đứa nào chưa đi được thì được địu trước bụng mẹ, những đứa trẻ lớn hơn một chút thì chúng lếch thếch đi theo, chúng chơi lò cò bên hè phố trong lúc mẹ chúng ngửa tay xin bất cứ cái gì có thể xin được: quần áo cũ, tiền bạc, thức ăn. Hỏi họ từ đâu đến thì hầu hết đều đến từ Đam Rông, Đạ Cháy. Ban ngày thì đi xin ăn, còn tối đến thì xin ngủ lại ở một ngôi chùa hay một mái hiên nào đó. Khoảng cách giàu nghèo đã sâu như vực, còn tôi thì cảm thấy ngượng ngùng với cái vực sâu chó chết này, trông nó bất nhẫn, lạnh lùng
Kẻ viết bài này đã từng sống, ăn, ngủ không dưới 500 ngôi làng của người dân tộc ở dọc dài khắp cái dãy Trường Sơn này. Đủ để nhận ra rằng họ là những người có lòng tự trọng. Sống và vui lòng với những nhu cầu tối thiểu: đủ ăn và đủ mặc. Còn khi mà họ bỏ rừng xuống phố để xin ăn thì chuyện này cũng đồng nghĩa là hai nhu cầu tối thiểu đó đã đụng đáy rồi.
Trước 1975, trong thời kỳ chiến tranh, ngôi làng nào tôi đi qua đều nghèo nàn, xơ xác như nhau, bất kể ngôi làng đó của người Kinh hay của đồng bào dân tộc. Không ai không nhận ra đó chỉ là kết quả tất nhiên, giữa lòng bom đạn là hoang mang, ly tán, là bất an, là sợ sệt. Không một ai có thể cày cuốc trên một miếng đất mà hôm sau nó thể bị xới nát bởi đạn bom, và cái mạng sống của họ nữa, nó có thể biến đi bất cứ lúc nào
43 năm sau khi đất nước được hưởng thanh bình, đi vào những buôn làng xa nhất, sâu nhất, không khó để nhận ra cuộc sống của họ vẫn y như thủa nào. Tôi mới từ Kon Rẫy, một huyện lỵ cách Kontum khoảng 30 km, trở về. Năm nay tôi ăn tết ở hai nơi. Phải đến nơi đây mới thấy cuộc sống nơi đây buồn và nghèo đến độ có thể làm thơ được. Đi sâu vào một chút nữa là Kon Plong những buôn làng ở đây chỉ còn cách Ba Tơ của Quảng Ngãi khoảng mấy chục cây số. Nơi đây cũng chỉ có tiêu sơ cùng hoang sơ, khó có thể tìm thấy một nơi nào mà nắng buồn hơn ở chốn này. Dưới những bóng lá là những đứa trẻ con đang chơi đùa với đất, vì ngoài đất ra chúng không có gì để chơi. Xa xa trong nắng là những đồi trọc, thấp đầy những lùm bụi, lẫn trong đó là những nương rẫy khô khốc, không hứa hẹn mà gần như cũng chẳng có gì để đợi chờ. Đi ngang qua Măng Đen, khu du lịch nghỉ dưỡng có khí hậu cùng những cánh rừng thông giống hệt Đà Lạt, thấy mấy chục ngôi biệt thự vẫn còn trong tình trạng dang dở, bỏ hoang, đang được rao bán với giá một tỷ mấy một cái mà cũng chẳng ai buồn mua. Nhìn những ngôi biệt thự đang xuống cấp, kể cả một con bò đang gặm cỏ gần đó cũng có thể nhìn ra những cái đầu thiểu năng của những ai đó đang tự nhận mình là những người lãnh đạo chốn này.
Sau ngày đất nước được hòa bình được mấy chục năm, tôi nhớ là có đọc đâu đó một bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm viết về một người mẹ dân tộc, đại khái bài thơ có một đôi câu như vầy:
Em ru Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội
Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời
Đầu năm, tôi muốn nói gì với với những người đang lãnh đạo đất nước này? Xin làm ơn đừng làm những kẻ bội ơn, vong ơn. Hãy làm ơn nghĩ tới rồi nhớ lại những giấc ngủ của những đứa trẻ thơ bị chao nghiêng vì mẹ nó đang giã gạo nuôi bộ đội cụ Hồ, vì đây là một trong những cách để chứng tỏ mình còn là một con người cùng những giá trị nhân bản nhất mà con người có thể có được
Không có một thằng viết văn nào mới đầu năm lại muốn khai bút như thế này cả. Nhưng biết sao bây giờ vì nó đang sống trên một dải đất không còn một sự chọn lựa nào khác.
Đà Lạt, 7-2-2017