ĐÚNG MỘT THÁNG NGÀY LẬP BỊ BẮT (LẬP VẪN CHƯA VỀ (9))

Phạm Xuân Nguyên

Hôm nay đúng một tháng ngày Lập bị bắt. Lập bị cơ quan an ninh điều tra Sở công an TPHCM giải ra khỏi nhà mình ở chung cư Hoàng Anh-Gia Lai (quận 2) vào lúc 14h ngày 6/12/2014 (thứ Bảy) do cái gọi là “bị bắt quả tang” khi đang ngồi tại nhà mình, trước máy tính của mình, làm công việc hàng ngày của mình. Trước khi bị cưỡng bức rời khỏi nhà mình, Lập chỉ nói với vợ một câu “nếu sau 9 ngày không về thì là sau 3 năm”, và chống cây gậy của mình đỡ bước chân mình đi ra. Tin Lập bị bắt khiến mọi người bất ngờ, sửng sốt, cho dù có nghe phong phanh nguy cơ này từ lâu. Bởi Lập là một nhà văn có nhiều cống hiến nghệ thuật cho văn học, sân khấu, điện ảnh, báo chí. Bởi Lập làm trang “Quê Choa” với tinh thần và ý thức công dân cho những tiếng nói phản biện xã hội để tham góp ý kiến xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, công bằng. Bởi Lập là một người tàn tật do tai nạn giao thông từ mười mấy năm trước, bị liệt tay trái và chân trái, đi lại khó khăn, làm việc khó khăn, ăn uống khó khăn, ngừng tập luyện là cơ thể sẽ bị suy sụp. Nhưng Lập đã bị bắt. Tức khắc một lá đơn kiến nghị “Yêu cầu trả tự do cho nhà văn Nguyễn Quang Lập tức Blogger Quê Choa” gửi cho các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã được phát đi, cho đến nay sau 18 đợt ký đã thu thập được 1548 chữ ký của nhiều người, trong đó có những nhân vật nổi tiếng. Bản kiến nghị cũng đã được dịch ra tiếng Anh và tiếng Đức. Trong 9 ngày đầu tạm giam giữ, mọi người còn hy vọng Lập sẽ sớm được thả ra, hay chí ít là được cho tại ngoại để điều tra. Nhưng hết hạn tạm giữ, Lập đã bị tống đạt quyết định tạm giam để điều tra theo điều 88 Bộ luật hình sự. Những tiếng nói của các trí thức, văn nghệ sĩ, bạn bè, độc giả tiếp tục cất lên bảo vệ Lập, ca ngợi Lập, đòi cho Lập được tha, được tại ngoại. Ba nhà khoa học người Việt nổi danh đang ở nước ngoài là Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn đã viết một thư ngỏ gửi ông Bộ trưởng công an Việt Nam yêu cầu một sự đối xử nhân đạo đối với nhà văn Nguyễn Quang Lập. Vợ Lập đã gửi ba lá đơn xin bảo lãnh cho chồng được tại ngoại đến Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Cơ quan an ninh điều tra Sở công An TPHCM. Lá đơn này còn được gửi đến hai đại biểu Quốc Hội nổi tiếng là Dương Trung Quốc và Trương Trọng Nghĩa. Tính đến ngày 5/1/2014 con trai đầu của Lập đã thống kê sơ bộ có hơn ba mươi bài báo, bài thơ, bài văn viết về Lập, bình luận về vụ bắt Lập, có những bài sâu sắc như “Con thuyền” (Phạm Thị Hoài), “Nợ tiền đò sự thật” (Võ Thị Hảo), “Cây gậy Nguyễn Quang Lập” (Nguyễn Trọng Tạo), “Tôi nợ” (Phan Vũ)…
Một tháng Lập bị xa vợ con, bạn bè, độc giả, sống trong bốn bức tường mà không ai biết có những gì đang xảy ra với anh. Một tháng những kiến nghị, đơn từ yêu cầu cho Lập đều không có hồi âm. Một tháng gia đình chỉ được gửi đồ ăn vào cho Lập, còn chăn đắp gối kê để Lập nằm trên sàn xi măng đỡ lạnh thì không cho chuyển vào. Một tháng Lập có viết một thư tay ra, công an gọi Hồng lên cho đọc tại chỗ rồi thu lại, thư nhắn mua xà phòng để giặt đồ và làm thức ăn mặn để ăn lâu. Một tháng mọi người ai cũng thương Lập, lo cho Lập, cầu mong không có sự gì xấu xảy ra với Lập, nhất là về sức khỏe. Một tháng mọi người luôn hỏi tin Lập, thỉnh thoảng lại truyền nhau Lập được tha rồi, và khi biết không phải thì vẫn mong cho Lập được sớm ra. Nghe đâu Lập sẽ ra, chỉ ít ngày nữa thôi, sắp rồi…cứ thế, chờ đợi để thất vọng, nhưng không tuyệt vọng. Lập bị biệt lập một mình trong trại tạm giam 4 Phan Đăng Lưu, nhưng trong lòng gia đình, bạn hữu, độc giả Lập luôn ở giữa. Từ trại giam số 6 ở Thanh Chương (Nghệ An), nơi đang thụ án hai năm bị xử theo điều 258 Bộ luật Hình sự, nhà báo Trương Duy Nhất thông qua người nhà vào thăm đã gửi “anh Lập và gia đình anh hai từ, đó là “tự tin, bản lĩnh” và câu nói mà Nhất tuyên bố tại phiên tòa sơ thẩm: “Có loại tù làm người ta nhục nhã, nhưng có loại tù chỉ khiến họ vinh quang”. Nguyễn Quang Lập và gia đình anh sẽ không bao giờ cô đơn”.
Nhưng Lập vẫn đang bị bắt. Một tháng rồi. Còn bao lâu nữa, dài hay ngắn? Liệu Lập có được trở về với vợ con, trở lại với bạn bè, trước Tết Ất Mùi này không? Những câu hỏi chưa biết câu trả lời hay đang chờ câu trả lời. Chỉ biết từ ngày 6/12/2014 đến nay Lập vẫn chưa về. Gia đình đang tìm cách mua thuốc bổ chống sụt huyết áp và chống suy dinh dưỡng để gửi vào cho Lập. Lo nhất là sức khỏe của Lập. Còn tinh thần, đầu óc Lập, khỏi lo. Lập thông minh, sáng suốt. Lập trong sáng, đàng hoàng. Tôi tin, và nhiều người tin, Lập không có tội gì cả. Tôi tin, và nhiều người tin, Lập yêu nước và có tâm với đất nước.
Một tháng Lập vắng nhà, điều mừng là các con Lập cùng với mẹ đã bình tĩnh, chủ động đối phó lại hoàn cảnh bất trắc với niềm tin tưởng và tự hào vô cùng về ba Lập của mình. Cu Bi (Nguyễn Quang Hồng Nhật), con trai cả của Lập, gửi đến tôi bài thơ cháu nhớ ba mà viết. Tác giả kịch bản phim truyền hình “Vô cảm” vừa được giải vàng Liên hoan truyền hình toàn Quốc 2014 lần đầu tiên làm thơ. Cháu bảo chú đọc có gì thì sửa cho cháu. Tôi bảo bài thơ của cháu nhiều nỗi niềm chất chứa được nén xuống một cách khách quan hóa nên cứ để nguyên thế càng có ý nghĩa.
Người đi sau bữa cơm trưa ấy
Mẹ già giận tủi hờn không nói
Một lão già què với thuyền đơn.
Biến dữ sóng gầm sống sao đây.
Một chân bước đi một chân xóa
Hai bảy tầng không báo bão tới
Thời gian lắng trong phút giây đã chọn
Gió ngưng thổi trước cánh rừng người.
Người bạn già hớt hải tìm đến
Nhìn một gia đình gục đầu trên gối
Tiếc cho mình phút giây ly biệt
Năm cùng tháng tận anh xa tôi
Đường về nào đâu quá xa xôi
Trên nền lạnh nghe mùa đông tới
Anh vẫn chưa về anh lập ơi
Mẹ già gạt nốt dòng lệ rơi
Hôm nay đúng một tháng ngày Lập bị bắt. Nhớ Lập. Thương Lập. Tin ở Lập. Bức ảnh này tôi chụp Lập lúc 7h58 sáng ngày 25/6/2011 tại một khách sạn bên bờ biển Đà Nẵng. Khi đó phía trước chỉ là biển trời. Hôm nay phía trước là biển đời. Hãy nhìn vào tấm ảnh để cười cùng Lập của chúng ta.

Comments are closed.