Dưới mặt trời – Trích đoạn tiểu thuyết Giáng Vân & Trần Trọng Vũ

Trích đoạn tiểu thuyết của Giáng Vân & Trần Trọng Vũ

Tác giả gửi Văn Việt

unnamed

Nhà thơ Giáng Vân

Văn Việt: Nhà thơ Giáng Vân cho biết, cuốn sách này được bắt đầu một cách hoàn toàn tình cờ và đầy ngẫu hứng. Trong một cuộc chuyện trò qua Facebook, họa sĩ Trần Trọng Vũ gợi ý với chị một hợp tác theo cách, anh sẽ vẽ, và chị viết, điều mà anh cảm nhận từ cái chị viết, và ngược lại.

Giáng Vân đồng ý thử. Đầu tiên, Vũ đưa một hình vẽ. Vũ nghĩ anh sẽ nhận lại những câu thơ, nhưng hóa ra một chương văn.

Hiện công việc của họ đã đi được hơn nửa chặng đường với khoảng 50 chương (tạm gọi), và một cái tựa đặt tạm: Dưới mặt trời.

Theo Giáng Vân, đây là tác phẩm thứ 5, trong dự án dài hơi mà họa sỹ Trần Trọng Vũ theo đuổi từ 3 năm nay: Những đề nghị của Lời và Hình

Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc 4 chương trong số 50 chương cả hai đã hoàn thành

 

Chương 27

Chương 28

Diễm đẹp. Diễm hút hết mọi ánh mắt đàn ông mỗi khi ở nơi nào Diễm có mặt.

Cặp mắt lá răm có đuôi dài. Giọng nói ngọt ngào thỏ thẻ. Dáng đi mềm mại như một con báo với khuôn ngực và cặp mông là hai thứ đập vào mắt trước hết. Diễm mặc sơ mi trắng, quần tây đen kiểu nữ sinh áo trắng, trông Diễm giống như một thiên thần với gương mặt trắng trong, nụ cười tinh khôi.

Khi Diễm còn học khoa Văn, Đại học Huế, mỗi sáng có một sư thầy trẻ ở ngôi chùa gần ký túc xá của trường lại mang cho Diễm một ly sữa, chỉ đưa thôi, không nói một câu nào, rồi rụt rè lui ra. Diễm học xong được giữ lại làm giáo sinh của khoa Văn. Nhưng đất Huế yên bình và buồn quá. Hằng ngày Diễm nhìn đi nhìn lại thấy mấy thầy giáo khoa Văn lại càng thấy đời buồn hơn.

Diễm làm thơ, thơ Diễm cũng đẹp như Diễm, phảng phất nỗi u hoài những con đường miền Trung của những đêm trăng, những buổi hoàng hôn trên những triền cát trắng. Diễm mang những bài thơ của mình đến tạp chí Sông Hương, và Diễm xuất hiện trên tạp chí này như một cơn gió thơm tho và buồn bã.

Thế rồi có một sự kiện đã xảy ra với cuộc đời của Diễm. Đó là sự xuất hiện của gã họa sỹ P. từ Hà nội trong một triển lãm của một người bạn họa sỹ của Diễm Khác với sự lặng lẽ của xứ Huế, P. ồn ào, bặm trợn. P. phăm phăm tiến đến Diễm và nói với Diễm, rằng không ai có thể đẹp hơn Diễm được. Rằng một nhan sắc như Diễm mà chôn vùi ở xứ này thì quá phí phạm. Rằng nếu Diễm ở Hà nội thì sẽ gặp biết bao anh tài. Như P. đây chẳng hạn, P. chỉ cần ngồi ngắm Diễm, vẽ chân dung Diễm thôi cũng là đủ quá cho đời.

Sự bặm trợn của P. cùng sự khoa trương của gã thổi vào Diễm một sự khao khát thay đổi. Đúng ra thì những khao khát đó đã âm thầm từ rất lâu trong trái tim Diễm, nay nó như than hồng được gió thổi bùng lên. Diễm không muốn cuộc đời mình lặp lại cuộc đời của mẹ và chị. Họ cũng rất đẹp nhưng đầy bất hạnh. Đàn ông luôn khao khát chiếm hữu họ rồi bỏ rơi họ trong đau buồn và tủi hổ. Và họ, chỉ biết đến khu vườn trên sườn đồi, con đường qua khu nghĩa trang vòng ra chợ, bán những mớ rau và những chục trứng gà.

Diễm đã thoát khỏi khu vườn của mẹ và sự đàm tiếu của xóm làng về người đàn bà đẹp là mẹ và những đứa con không có bố là Diễm và chị Lệ của Diễm. Diễm đỗ đại học nhờ trí thông minh bẩm sinh, nhờ ý chí muốn thoát khỏi ngôi làng và khu vườn của mẹ.

Nhưng làm sao để thay đổi khi Diễm chỉ có hai bàn tay trắng. Trong đầu Diễm, P. giống như  một cây gỗ giữa biển khơi, P. dù khoa trương nhưng đấy cũng là bàn tay đã đưa ra cho Diễm. Người bạn họa sỹ của Diễm nói rằng, P. là một họa sỹ trẻ nhiều triển vọng, điều ấy cũng đồng nghĩa với việc Diễm cũng có thể nhờ P. mà có tương lai. Diễm nghe P.nói, một bức tranh có thể bán tới vài ngàn đô la, bằng tiền lương hai năm của một giáo sinh đại học như Diễm.

Thế là Diễm đi tìm P. để hỏi thăm về chuyện ra Hà Nội. P. hẹn Diễm buổi tối ở khách sạn.

Vẫn bặm trợn như vậy, gã vồ lấy Diễm như mèo vồ chuột. Diễm vùng ra, định chạy ra ngoài thì gã cười phá lên, bảo Diễm ngồi yên đấy, gã không làm gì. Gã bảo, không có thằng đàn ông nào ở cạnh Diễm mà giữ được bình thường, Diễm hãy thông cảm cho gã. Gã nói rằng, nếu Diễm đồng ý, thì theo gã ra Hà Nội, có thể ở luôn trong nhà gã, có cả bố mẹ, ông bà lúc nào cũng giục gã lấy vợ, thấy Diễm họ sẽ rất mừng. Nhà cửa và công việc tính sau. Gã vẫn còn nghèo chưa thể mua nhà riêng cho hai đứa được. Nhưng Hà nội có nhiều cơ hội cho Diễm hơn ở xứ này.

Diễm không thích cách sắp xếp này của gã, sao lại dễ dàng như thế được. Diễm và gã đã có gì đâu. Nhưng trong lòng Diễm xáo trộn ghê gớm. Diễm nghĩ đến chị Lệ, những người đàn ông trong làng thích chị vì chị đẹp, nhưng không ai dám lấy chị, vì chị quá đẹp, lại là đứa con của một người đàn bà đẹp không có bố. Chị Lệ đành làm vợ hờ của một tay nhà thơ đã có vợ con đàng hoàng ở tỉnh.

Diễm cũng có khác gì chị Lệ đâu. Diễm đẹp, cũng như một thứ tai ương. Vậy thì gã họa sỹ này muốn lấy Diễm cớ sao Diễm lại từ chối. Mà Diễm lại được ra Hà Nội, miền đất hứa chứa chan hy vọng.

Gã thấy Diễm ngồi thẫn thờ bèn sán lại ôm Diễm. Diễm không phản đối cũng không hưởng ứng, nhưng cơ thể Diễm căng tràn, tay gã chạm vào cứ như bị điện giật. Thế là Diễm và gã dính vào nhau không sao buông ra được, suốt cả đêm.

Diễm trở về ký túc xá, nằm khóc suốt một tuần. Sáng sớm, vẫn sư thầy trẻ tuổi mang đến trước cửa phòng cho Diễm một ly sữa, rồi rụt rè trở lui.

Qua cái Tết năm đó, Diễm xin thôi việc ở khoa văn Đại học Huế, khăn gói ra Hà Nội, đến ở nhà họa sỹ P. không cưới cheo gì

 

Chương 29

 

Chương 30

 

Những mái ngói nâu trầm

Nàng thì nâu tươi

 

Hoa gạo hôm qua đỏ trời

Hôm nay mưa như nước mắt

 

Nàng chạy chân trần

Nỗi buồn giăng tơ nhện

Mong manh mà không biết vì đâu

 

Tôi lại mơ. Những trận gió nổi lên, từ từ, rồi cuồn cuộn. Rồi sấm chớp cùng với một cơn giông. Trong gió mưa tôi cầm một cây đèn, cố gắng che chắn cho đèn không bị tắt. Tôi bị ướt, lạnh run cầm cập, răng đánh vào nhau. Nhưng tôi chỉ quan tâm làm sao cho ngọn đèn đừng tắt.

Tiếng một con mèo gào lên ở đâu đó. Rồi tôi về được đến căn nhà của mình. Ngọn đèn nhiều lần tưởng đã tắt ngấm lại le lói vươn dậy, rồi lại cháy lên trong sự tuyệt vọng và đau thương của tôi, cứ như vậy cho tới tận lúc giông gió chìm xuống.

Con mèo đen cuộn mình trong chăn lười biếng ngó ra nhìn tôi ngạc nhiên, rồi nhắm mắt ngủ lại.

Tôi tỉnh dậy lại đúng một giờ sáng.

Giấc mơ này lặp lại với tôi lần thứ ba. Mỗi lần cách nhau mười năm, và tôi không thể không thấy kinh ngạc.

Tại sao lại là một ngọn đèn trong giông bão ? Và tại sao nó không tắt ? Tôi đã giữ cho nó không tắt, hay có một vị Thượng đế đã tạo ra những phép mầu mà tôi là người  chứng nghiệm ? Ngọn đèn nói về điều gì ? Sự tốt đẹp, điều tử tế, ánh sáng, niềm hy vọng ? Có thể là tất cả những điều đó, nói với tôi rằng, đừng để tắt, hay là chúng không bao giờ có thể tắt ? Và tôi cứ thao thức mãi không sao ngủ lại…

 

Diễm có mặt ở nhà họa sĩ P., nơi có cả bố mẹ gã cùng chung sống, giống như một người vợ của P. và như dâu con trong nhà. Diễm đi chợ, nấu ăn, làm vợ, nhẫn nhịn, nhẹ nhàng. Sau một tuần, Diễm xin phép được ra khỏi nhà đi tìm việc.

Trước hết, Diễm đi đến một vài tòa báo, nơi có người quen mà anh bạn họa sĩ ở Huế của Diễm gửi gắm. Thế là Diễm gia nhập làng báo, nơi Diễm bắt đầu bằng những bài báo viết cho các trang văn hóa, nghệ thuật, lĩnh vực Diễm hiểu biết ít nhiều. Điều đấy cũng có nghĩa là Diễm bắt đầu tiếp cận với các nhân vật của giới này.

Nhan sắc cùng với trí thông minh sẵn có khiến cho Diễm chẳng khó khăn gì để trở thành thân thiết với những nhân vật hàng đầu của cái xã hội nghệ sĩ vừa tinh ma vừa phù phiếm này. Diễm không là quân số chính thức cho một tờ báo nào, nên chỉ sống bằng nhuận bút từ các bài viết. Lúc đầu Diễm viết một cách thận trọng, nhưng thấy bài nào cũng qua một cách dễ dàng tất cả các cửa ải biên tập, Diễm trở nên tự tin hơn, viết ào ào tất cả mọi thứ. Cùng với đó là gặp gỡ đủ mặt anh tài trong cái thành phố này.

Sau một thời gian ngắn, Diễm phát hiện một số điều quan trọng. Phát hiện thứ nhất là chẳng riêng gì họa sỹ P., gã chồng bất đắc dĩ của Diễm, mà các mặt anh tài kia, anh tài nào mắt cũng dán chặt vào ngực Diễm khi Diễm ngồi cạnh để chuyện trò, lấy tư liệu.

Phát hiện thứ hai, là các anh tài đều thích được phỏng vấn đến phát điên lên được.

Phát hiện thứ ba là với một số nhân vật, theo đánh giá của cá nhân Diễm thì không những chẳng tài cán gì, nhân cách cũng rất tầm thường, lại vẫn xuất hiện liên tục trên các mặt báo bởi họ rất sẵn lòng chi nhiều tiền cho các bài viết về họ.

Diễm đã được một số nhân vật như vậy đề nghị viết bài về mình. Họ nói một cách hoa Diễm rằng, họ rất chú ý đến phong cách viết  tài hoa của Diễm, rằng sự xuất hiện của Diễm đã làm lu mờ các cây viết khác. Thậm chí thấy ca ngợi thế vẫn chưa đủ, họ trắng trợn ra giá với Diễm.

Cùng lúc những phát hiện của Diễm là những bắt đầu những cơn ghen tuông điên cuồng của họa sỹ P.  Gã không vẽ vời gì, chỉ đi theo sau lưng mỗi khi Diễm ra khỏi nhà. Khi Diễm trở về, gã sỗ sàng hỏi hôm nay Diễm làm gì khi ở chỗ thằng Q., thằng X, thằng L,… Những thằng kia đã ngủ với Diễm mấy lần? Gã nghĩ rằng Diễm do đã trót ăn nằm với gã, nên mới phải theo không gã về nhà, bây giờ Diễm là nô lệ, gã là chủ nhân nên muốn cư xử với Diễm thế nào cũng được.

Một lần, Diễm về nhà muộn, gã thượng cẳng chân hạ cẳng tay với Diễm . Diễm cắn răng không nói câu nào, chỉ nhìn gã trân trân. Gã gào lên tức tối,  mày nhìn gì tao con điếm kia, tao biết hàng ngày mày đi la liếm với những thằng nào rồi, đừng giả bộ thiên thần trong trắng, mày cũng như mẹ và chị mày thôi… 

Hôm sau Diễm không đi làm mà chạy khắp thành phố tìm  thuê nhà. Hôm sau nữa, Diễm dọn hết đồ đạc của mình ra khỏi nhà gã. Diễm nói với bố mẹ gã là Diễm xin lỗi vì thời gian qua đã làm phiền ông bà. Trong thâm tâm, Diễm rất quý mến và kính trọng ông bà, nhưng vì không hợp với P, nên Diễm xin phép được ra ở chỗ khác.

P. về đúng lúc Diễm ra khỏi nhà. Gã vô cùng sửng sốt, ngạc nhiên. Từ sửng sốt ngạc nhiên gã chuyển sang hoảng hốt. Rồi gã nhảy lên xe, đuổi theo chiếc xe tắc xi chở Diễm với mấy thứ đồ đạc. Gã không thể để mất Diễm một cách dễ dàng như thế được.

 

 

 

 

 

Comments are closed.