Đường dài trên quê hương

Truyện Hoàng Thu Phố

1.

Quỳ ngồi dưới giàn hoa giấy xanh thẫm vào ngày mưa, giữa con phố dài chừng trăm mét, phố nhỏ lác đác còn lại vài nóc nhà gỗ mái ngói xộc xệch bám đầy rêu thi thoảng lộ ra chút gì sứt sẹo của thời gian, buồn thiu, lay lắt. Như đôi mắt những người già buổi trưa nằm thiu thiu mà không sao ngủ được. Nếu không dừng chân lại, tìm cho mình một chỗ ngồi, giữa những tủn mủn nhỏ bé (mà không chắc cái gợi lên trong mình là bình yên hay chỉ một hơi thở giữa những bước chân của một ngày đang lặp đi lặp lại và dần trôi vào thứ gì đã cũ) mấy ai để ý thấy sự mỏi mệt già nua của nó. Quỳ hay ngồi ở quán này vào ngày mưa (cũng có thể mỗi khi Quỳ đến đây trời sẽ mưa? Làm sao biết được) quán có chỗ gửi xe, Quỳ gọi hai cốc trà, mưa bay nhẹ. Hôm nay mây nặng, tiếng kèn đồng thổi từ đầu phố, thế là đã có người chết vào đầu mùa đông. Một cô gái Quỳ nhìn không rõ mặt, váy trắng, đi dưới mưa, không ô và mũ nón. Bất chợt Quỳ muốn mời cô ngồi cùng, quán bên đường còn nhiều ghế trống – những chiếc ghế nhựa thâm thấp sắc mầu xếp không theo một trật tự nào, nhưng Quỳ nhìn không rõ mặt, khi ngước lên chỉ còn mưa, tiếng kèn đồng đã ngưng từ đầu phố, người đã chết vào đầu mùa đông.

 

Cầm mười chín tuổi, tóc ngang vai, má bầu bầu, ít nói và hơi bướng. Đó là tất cả những gì còn sót lại trong trí nhớ của Quỳ, về mười năm trước.

Quỳ hút thuốc khi bước qua tuổi mười tám, hút thuốc và uống rượu, như tuyên ngôn của ông nhạc sĩ mê rượu đầy đau khổ (tôi muốn hút thuốc và uống rượu khi đủ mười sáu tuổi) (*), đơn giản chỉ là thích, không bởi một lý do nào cả. Quỳ nghĩ đó là bước chân đầu tiên của mình trong khu vườn hoang vu tuổi trẻ. Không ai biết mình đã có những gì, sẽ làm những gì, tất cả đều mang một vẻ bồn chồn, ngóng đợi, đôi chút bất an, một tĩnh lặng u hoài khổng lồ lặng lẽ dịch chuyển Quỳ không đoán định được. Và chính vì không đoán định được Quỳ muốn bước vào, cái không gian đang bao bọc đầy ám ảnh mời gọi rất khó phân tách ấy. Nếu có thể so sánh với hình ảnh để mường tượng ra thứ tương tự, Quỳ muốn vẽ nó với một phần sắc mầu mìn mịn xốp tơi trắng xám với chung quanh đặc tràn bụi nước, như trong “Hồ” của Kawabata.
Ý thường bảo khi ngồi với nhau, Quỳ sẽ đến đoạn phải làm nghệ sĩ (thứ mà có lẽ không còn dạng nghề nghiệp nào thì người ta mới phải lay lắt vướng vào) một loại thì thào mơ màng với mọi thứ, chẳng đi đến đâu, cũng không biết mình đến từ đâu. Băn khoăn và dằn vặt trong dầy đặc phần lớn thời gian sống, những đặc trưng khiếm khuyết không có ở số đông. Bởi số đông theo quan sát của Quỳ thường tròn trịa (hay đó là ánh mắt ngây thơ tưởng tượng về họ của Quỳ). Họ giản đơn, không đặt những câu hỏi ngớ ngẩn, chăm chỉ làm, chăm chỉ ăn, chăm chỉ học (còn việc học được gì và học như thế nào thì chẳng quan trọng, miễn là học hay thứ gì na ná với học cũng chẳng sao).
– “Số mệnh, đó là số mệnh, chẳng thể chối bỏ, vì chối bỏ là điều vô ích, bất khả!” – Ý nói như thế. Có thể một món quà nở ra gai nhọn cho bất kỳ ai dám nắm giữ nó, hay là đoạn vơ với mà Quỳ chẳng cách nào thoát ra nổi – nó gần giống với thứ đã định đoạt trước mà ai ai cũng nói đến, mỏng manh nửa vời giống với sự bất lực khi có vẻ mình sinh ra đã thiếu đi vài giác quan cần thiết để soi chiếu những bí mật vốn vẫn hiện hữu xung quanh, đã có những khoảnh khắc Quỳ tưởng rất gần với sự mon men chạm nắm nhưng rồi – nó – tan đi rất nhanh, như bọt vụn, vào hư không, vào vài thứ thanh âm lặng lẽ biến mất.

Nhà Ý gần núi, nói đúng hơn là một rẻo đất bằng phẳng nho nhỏ có suối mà từ đó nhìn lên có thể thấy vài nóc nhà người Mông như những tổ chim xanh đeo bám vào khoảng chới với lưng chừng trời đất, vài con dốc lên xuống ngập ngừng mà trai bản và sắc người ở đây ưa dùng Minsk để đi lại, vây bọc quanh năm bởi núi, núi và sương mù. Những thứ biểu trưng cho một sức mạnh lặng câm, hùng vĩ, nhiều khi Quỳ thích cái ý nghĩ núi non và những dải xanh ngắt trước mắt mình mà mỗi khi bừng sáng bởi rực rỡ mặt trời là bóng dáng trầm hùng (đôi lúc buồn bã, cô tịch, như đang dõi theo mọi thứ ồn ã, phi nghĩa trong đời sống phô trương) của một tráng sĩ đang trong từng phút giây cuối cùng lặng lờ hoá đá.
Mọi thứ ở đây chậm rãi, thờ ơ với con người, hay phải chăng bất kỳ nơi đâu không có dấu chân của giống loài băn khoăn rệu rã ấy đều đẹp, một vẻ yên ả mê lòng. Vài dịp lên đây, Quỳ có thể ngồi tha thẩn cả buổi sáng để ngóng theo một cô gái thấp đậm váy áo hai mầu xanh lá cây đan hồng sặc sỡ như một bông hoa bay, từ đỉnh núi, qua chỗ Quỳ, rồi mất hút theo con đường dẫn vào trung tâm thị trấn.
Quỳ mê Ý theo một nghĩa hoàn toàn khác với tình yêu nơi Cầm. Gần Ý, Quỳ như kẻ chếnh choáng men say và đậm đặc u hoài, nó cho Quỳ hương thơm của bềnh bồng, chẳng nghĩ gì nữa, không dằn vặt gì nữa, thanh thản cận kề, như núi, lặng lẽ, lẩn khuất, nhưng thăm thẳm, sức nặng đó nhấn chìm Quỳ, Quỳ mặc kệ cho mình chìm mãi, chìm mãi, lấp lánh theo Ý, trong những đêm mưa, những ngày gió thổi, những con đường đèo dốc núi dựng và vực thẳm, gần Ý, Quỳ thấy mình mơ mộng, con trẻ, thả trôi, như có lần Quỳ nằm giữa một mùa cây dại khi dừng chân trên đèo, mưa đổ ầm ập, trời vần vũ, Quỳ nằm mà mơ thấy Ý, bay trên những khoảng trời lác đác mây, cánh tay thật dài, dài mãi.

2.

Mười năm trước Quỳ nằm bệnh. Một nơi lặng lẽ, những con mắt trong mình lặng lẽ, song hành là thời gian, những ngả đường trở nên xa hơn Quỳ biết không thể với tới. Có vẻ Quỳ quanh co với đoạn tháng năm ngưng đọng mình lại này, chẳng biết đi đâu, có thể đi đâu, hay kiếm một nơi chốn nào để yên lặng gục xuống. Cầm đã ở đâu trong những điệp trùng đen tối đó. Quỳ không muốn nhớ. Có thể Cầm đã không ở đâu, không có một hiện diện nào mang dáng dấp gần gũi đó trong tháng năm xô ngã Quỳ. Vài lần nhắn tin, có khi tin nhắn trở lại, có khi không, một hay vài dòng bâng quơ, Quỳ biết thế là đã xa lắm. Khi một trong hai con người đã mất đi vẻ thiết tha ở nhau, cái âm thanh còn lại trong đoạn cuối cuộc tình, buồn nản, chấm hết, như tiếng hắt đi của bát nước giữa đêm. Lạnh lẽo, hoang vu, chẳng ai biết vì sao, chẳng ai còn biết nó có nghĩa gì.
Tin nhắn cuối không dấu, không chấm phẩy, không viết hoa tên riêng như ngày nào. Cầm bảo đang làm công tác văn phòng kiêm kế toán cho một doanh nghiệp gần nhà, Cầm trở về vào lúc những khu công nghiệp quanh cái đồng bằng nhỏ bé ấy mọc lên ngày càng nhiều. Khi mộng mơ qua đi, chỉ cần nhỡ nhàng ngoái lại, ta sẽ thấy những thứ đã gắng công xây đắp với sắc mầu thời gian, kỷ niệm lại mang sắc diện không như mình tưởng tượng. Những xấu xí từ đời sống thực tại sao mà nhiều quá, làm sao con người có thể sống cả một cuộc đời với nó, chịu đựng, dai dẳng, và tập cách để quen. Hay Quỳ đang biết dần, mình bất lực – trước tất cả, cả những thứ nhỏ nhặt mà trước nay chẳng khi nào chú ý để mắt đến. Nhưng Quỳ nghĩ, nếu có thể Quỳ sẽ đặt lại tên cho tất cả, bắt đầu bằng tên gọi nghề nghiệp. Sao có thể gọi những ngành nghề bằng những ngôn từ mà chỉ mới nghe Quỳ đã chẳng muốn tìm hiểu xem chúng là gì, chúng có thể giết chết tất cả ước mơ ngay chỉ khi mới nhen nhóm bắt đầu ở thanh xuân một con người, ít ra hãy làm đẹp điều gì đó ngay từ đầu, trước khi bị những áp lực nặng nề trong hành trình cùng nó quật ngã – “Kế toán”, “Nhân viên văn phòng”, “Kiến trúc sư”, “Kỹ sư cầu đường”, “Nhân viên bán hàng”, “Tiếp viên”…, Quỳ sẽ đặt những cái tên thật lạ, thật đẹp, đầy thơ mộng, – như : “cái cây mọc mầu mướt xanh”, “đôi mắt hoàng hôn biển”, “cỏ ướt nằm, với lá khô”, “những con đường dài trên quê hương”…, Quỳ thích cái nghĩ suy đó.

Cơn đau đến với Quỳ không theo một giờ giấc, bất cứ nơi đâu, không rõ ràng ở đoạn quãng nào. Quỳ nghe tiếng thở và vết dấu nặng mầu đen thẳm của – nó, những lúc – nó – duỗi đôi cánh khổng lồ cắp Quỳ theo, trong tịch lặng, tịch lặng màu chết, tịch lặng của nẻo vô phương quay về. Quỳ thấy mình là kẻ cầm cây thương rỉ long cán trên đỉnh núi mùa đông, đơn độc, chờ đợi, chờ đợi ngày đối mặt với loài quái vật khổng lồ đang đâu đó ngoài bức tường đậm đặc sương mù. Quỳ chưa thấy nỗi đau nào như thế, chưa có điều gì làm Quỳ thấy mình bé nhỏ sợ hãi như thế. Không hề giống với cơn đau đi ngang qua như thời trai trẻ – (khi tối tối lẩn khỏi phòng trọ, lang thang qua những ngõ ngách giữa phố với nhà, qua vài cánh cổng, gặp ông thầy đầu trọc dáng dấp to lớn (giống tượng những vị thần giữ đền râu rậm trợn mắt quần áo rộng thùng thình được sơn xanh đỏ cầm binh khí trước cổng nơi linh thiêng) với những cú đấm mỗi khi Quỳ không kịp chặn là đổ gục. Và Quỳ chỉ còn cách cố bước về phòng, quăng mình xuống sàn, bỏ mặc cửa giả, cho gió hay bất cứ thứ gì có thể tràn vào từ trời đêm, từ cây dâu da xoan có lá xanh lòa xòa trước cửa, nằm bệt tới sáng) – nhưng thứ đau này không giống vậy, nó rình rập, kiên nhẫn, lặng lẽ, không đoái hoài tới điều gì, không gì có thể làm nó xao nhãng – một con thú lạ lùng đi săn ngày qua ngày đợi chờ con mồi kiệt quệ trong cực điểm sợ hãi, và Quỳ biết, nó sẽ đến khi nghe tiếng thở của buông xuôi, một cuộc tranh đấu đã ngưng lại, kẻ thất bại đang mong ngóng tiếng chuông của kết thúc, cúi xin và nghe tiếng tắt lịm phô bày.

3.

Ý nói thương Quỳ, trong ngỡ ngàng đầu tiên. Thật khó để biết được vì sao hai cuộc đời trong vô số những cuộc đời đi ngang qua nhau, hai nốt lặng trong bảy tỉ những chấm tròn lầm lũi ngày ngày trên mặt đất lại nảy sinh một thứ gọi là yêu thương. Ai đó nói về hạnh ngộ, vài bước ngoặt của số phận hay một nhầm lẫn nào đó đã định trước. Nhưng với Quỳ, nó không phải vậy (ít ra là vào lúc này). Thương, tình thương, có chắc trong đời sống này chỉ cần yêu thương là đủ, có chắc vậy không, Quỳ biết nó cần nhiều thứ khác, những thứ không giống yêu thương, không phải yêu thương, bù lại nó mang tới cuộc đời mỗi con người những mùi vị khác, của thứ chỉ vài lần đi qua là mãi xa tầm với, của tuổi tác nhom nhem và đôi khi hướng vọng suy tư về một chân trời mù tăm nào đó.
Yêu thương, như khi người ta nhấp một ngụm rượu mạnh, chếnh choáng, mờ ảo, thấy mọi thứ bay bổng, thấy mọi sự nghiệt ngã. Khi tỉnh lại chẳng còn gì nắm giữ trong tay cả, vuột mất, những rời rạc rơi vỡ, và lại cuống cuồng đi tìm một cơn say khác, cái vòng lẩn quẩn ấy biết khi nào dừng lại.

4.

Vài lần Ý bảo sẽ ra đi, vứt lại tất cả, những chờ đợi trong ngày tháng này, những chơ vơ ước mong vụt sáng rồi chợt tắt, và cùng bao nhiêu thứ nữa. 
– Có thể chúng ta được sinh ra để mơ hồ rằng có ai đó cần mình, ai đó trong vu vơ nào đó đợi chờ mình. Và những phút giây thừa thãi đáng vứt đi mà ta đang đối mặt chỉ còn cách cái niềm mong mỏi ấy một chút, một chút thôi.
– Nhưng một chút ấy xa xôi quá (một chút ấy là bao lâu?), sao đi mãi mà không gần lại được. Còn được bao lâu nữa, ta thì cứ mỏi mệt dần, thời gian là thứ gì không thể hiểu nổi, nó đi con đường riêng của nó, bỏ lại tất cả, không tiếc thương ai, không đợi chờ ai, đợi chờ ai. 
– Có thể khi sực tỉnh, khi vùng vẫy để bay đi, ta mới nghiệt ngã biết rằng, sức lực đã cạn kiệt, đôi cánh già nua sẽ không thể nhấc ta lên một lần nào nữa, một lần cuối trước khi đường chân trời đổ sập, sau cuối là điệp trùng đêm tối.
Ý nói miên man không dứt, một giọng điệu mê mê, như chẳng cần ai có mặt, chẳng cần một sự hiện diện nào chung quanh, những lúc ấy Quỳ biết mình là người thừa, Ý đang độc thoại. Một vẻ đẹp lạ lẫm say ngủ mà chỉ khi đó Quỳ mới được ngắm nhìn, đơn độc, kiêu hãnh, một sắc xanh mỏng manh lẩn khuất cứ bay mãi bay mãi rồi chìm vào vách đá, sắc lạnh, biệt tăm. Một sắc diện không để lại vết dấu.
Có gì lạ đâu, Quỳ nghĩ, ta đều thế, bủa vây và yếu đuối. Bất cứ lúc nào ta cũng muốn có đủ sức lực và mạnh bạo của ước ao để đạp bỏ và ra đi, (nhưng biết đi đâu, nhiều người sẽ băn khoăn hỏi! Quỳ chắc chỉ biết cười, một con chim khi đã dang cánh trên nền xanh rộng thăm thẳm, đâu có đặt ra câu hỏi nó sẽ bay về đâu. Nhiều người sẽ bảo ta chẳng biết gì. Chúng bay trên những đường tháng ngày được định trước từ dòng máu tổ tiên truyền lại, để hướng về nơi ấm áp, chúng bay để tránh những lạnh lẽo của mùa màng ập đến, đó là cuộc đời của kẻ di cư, mải miết chỉ di cư. Nhưng hãy dừng lại những phán xét, áp lực và vô số những điều gọi là nghiên cứu về tập tính giống loài của con người dành cho chúng. Có thể chúng ta đừng mang suy nghĩ của con người, kẻ bị trói buộc mang vác, lên chúng. Hãy một lần, để biết rằng – chúng là chim, chỉ chim thôi, và bay đi bất kể nơi đâu trái tim cùng tiếng hót vẫy gọi). Nhưng ta đâu có làm thế, ta sẽ dừng lại đắn đo, tính lại vài thứ, để đầu óc mình lại rối bù lên một lần nữa, và khi tỉnh dậy trong một sáng mai buồn bã, ta thấy mình đi qua những con phố ngày hôm qua, gặp những gương mặt ngày hôm qua, ăn vài thứ ngày hôm qua, có thể nắm tay người tình vừa hôm qua…, và ta biết mình đang sống tiếp một ngày hôm qua nữa. Quỳ biết sẽ như thế, mãi như thế.
Ý nằm ngoài hiên dáng hiền như con chó ốm, nghiêng nghiêng, tóc chườm lên cả mặt, môi như cười, chắc Ý đang mơ. Biết đâu trong cơn mơ Ý đã xa khỏi nơi này, bay trên những đền đài, qua ngày dài và vực thẳm, có thể đâu đó giữa mù xa, một nụ xinh tươi đón đợi mình.

5.

Mưa, lịch ghi giữa hạ, mùa hạ buồn bã, Quỳ chạy xe trên phố, đầu trần, mặt hớn hở, những giọt dài trắng muốt chảy thành dòng xuống má. Quỳ mê mưa, nhất là mưa mùa hạ, khi mây kéo đến, Quỳ trốn ở đâu đó và đợi, một chút nữa là gió, gió thật mạnh, có vô số thứ bị cuốn ra đường mà bình thường không ai nghĩ đến, không khí lạnh dần, những mảng tối sáng chạy nhảy trên đầu. Thế là đủ, Quỳ sẽ ra đường từ một ngõ ngách, một mái quán xập xệ đầu đường hay một phòng trọ thấp ẩm tối tăm lẩn khuất giữa ngoại ô nào đó. Quỳ thích phút giây ai ai cũng vội vã, cũng cuống lên tìm một chỗ trú chân giữa thứ ào ạt man mát đang quất vào mặt mình. Quỳ nghĩ lúc đó họ giống những chú kiến hối hả tha thứ gì đó về tổ, lầm lũi, bé nhỏ, pha chút thấp thỏm sợ hãi. Và khi nào cũng có Ý theo cùng. Chỉ hỏi một câu như mọi khi, một câu hỏi chẳng cần câu trả lời: “Lại tắm mưa!”.
Thế là đi, dong ruổi, chạy, Ý áo xanh áo đỏ bảy mầu như con cào cào mướt xanh đậu trên cọng cỏ ngơ ngác trong khu vườn đong đưa vào một ngày xưa xa xôi lắm. Giữa phường phố không còn chật chội, chỉ còn mưa, những hàng mưa song song đuổi nhau, những bông hoa ướt mượt nhỏ nhắn chỉ chạm vào là rơi vỡ. Thi thoảng quãng nhập nhoạng lên đèn những biển hiệu vàng đỏ chầm chậm nhoè đi. “Phố đèn màu, hai kẻ đui mù lạc mất nhau. Tìm nhau giữa phố đèn màu, có hai kẻ đui mù tìm nhau.” (**)
Mỗi khi đọc những câu thơ đó, Ý đều cười,
“Có bao giờ sau này chúng mình tìm nhau giữa một phố đèn màu không?”.
Mưa ướt chẳng còn gì, tóc Ý, vai nhỏ trắng tròn của Ý, những cánh tay Ý như hai hàng nước chạy dọc eo Quỳ. Cả nụ cười của Ý, cũng ướt.
Cuối những tháng ngày mưa năm đó. Ý buồn đi nhiều, không còn háo hức với những chuyến đi, thường lang thang lơ đãng với suy nghĩ bất chợt ẩn sâu nào đó. Lơ đãng ngay cả trong lúc hai đứa thì thầm. Quỳ dự cảm về thứ gì đang đến, chậm chạp, không rõ ràng, nó nuốt từng mảng thời gian của Ý. Có đêm tỉnh giấc, Quỳ nhìn theo bóng, Ý mộng du, mê mải, đi dưới trăng, lần theo con đường mòn lên núi, nơi có cây gạo của làng. Khi trở về Ý ngủ li bì ngày sau đó, không nói năng, không nhớ gì. Con mắt treo vào khoảng không.

Cây gạo trên núi, một dáng dấp to lớn già nua là Thần của làng, có lẽ nếu không phải nó xuất hiện với vẻ khác thường nơi đỉnh cô liêu trấn giữ nhìn xuống những nóc nhà ven thung lũng, người ta đã đốn hạ nó như bao cây cối ở dải đất này. Quỳ đã gắng tìm xem những dải gồ ghề chạy vắt vẻo chung quanh, hay đi xa hơn vào những bản Mông lác đác cũng không thể kiếm tìm một bóng dáng cổ thụ nào, vạt rừng nào, không gì còn sót lại ở thời điểm này, khi vây quanh chúng là lòng tham, sự u tối hung mãnh của con người.
Dưới gốc gạo có một am nhỏ, một ông lão kỳ quặc vẫn ra vào, ông sống có lẽ từ trước khi người ta đến đây lập làng, làm những thửa ruộng, trước khi họ chặt hạ hết cánh rừng này đến cánh rừng khác, sinh con đẻ cái, rồi lại chặt hạ hết cánh rừng này đến cánh rừng khác xa hơn, xa hơn nữa. Không giao du với ai, không tiếp chuyện một ai, chỉ lẳng lặng như mây mù, ảm đảm, cô độc, dân làng truyền nhau ông là người còn sót lại của một tộc người canh giữ vùng đất này, đỉnh núi ấy là cổng trời, cánh cửa đi vào một vùng linh thiêng, của những vị thần. Ông là kẻ phạm luật, bị đày ải, không thể quay về với thế giới của mình, cũng không thể sống chung với những kẻ nhỏ bé tham lam dưới kia, và hình phạt này là minh chứng cho sự tồn tại của một thế giới kỳ bí khác – thế giới lạ lẫm mà lòng tham hay hận thù chẳng thể biết tới.
– “Ông ấy đợi phượng hoàng”. Ý nói mà không nhìn Liêu, mưa vẫn đổ dài trên mái.
– “Cây gạo là cánh cổng, khi nó mở ra, đỉnh núi là ngọn đuốc. Phượng hoàng xuất hiện, ông ấy được giải thoát và ngôi làng từ đó sẽ chìm vào bóng tối, mãi mãi”.
Quỳ biết những ý nghĩ kỳ quặc của Ý, nhưng phượng hoàng thì làm sao tin được? Bộ tộc canh giữ cổng trời? … Đây là thế kỷ 21, người ta đã đưa người lên mặt trăng, có tầu ngầm, máy bay, thậm chí có thể huỷ diệt nhau bằng một cái ấn nút. Và khi ấy làm gì có vị thần nào, không có ai bay lượn trên trời giữa hoàng hôn rực đỏ với ánh sáng chói loà và bảo nhân gian thôi ngừng chém giết nhau, không có ai đeo cánh mắt hiền từ xa xôi với vòng sáng trên đầu. 
– “Thời khắc đó đang đến, đó là giây phút cuối cùng chia cắt hai thế giới, sẽ không ai nhìn thấy điều đó một lần nào nữa, một lần nào nữa sau này”. Ý nói như mê man, một vẻ nhập đồng không sao diễn tả. 
Mưa nặng hạt hơn khi về khuya, Ý đã ngủ, đỉnh núi không rõ hình thù. Quỳ không biết những câu hỏi về tương lai, về sợi dây gắn kết giữa hai người, một thứ gì bất định, sai sót, lầm lỡ, chẳng rõ khi nào nút thắt trong đoạn đời này rơi xuống cả, hai đứa có phải những kẻ đui mù trong một phố đèn màu, trong phố đèn màu có hai kẻ đui mù lầm lũi tìm nhau?

6.

Tia sáng xanh xẻ dọc màn mưa, chói lòa như tiếng nói một cuồng nộ sau cuối, rồi tắt lịm. Quỳ bồng bềnh trôi giữa một nơi chốn, không thể mở mắt mà nhìn ngó gì, lạ lẫm, lao xao, vô bờ, nhưng đâu đó giữa nơi không thiếu thốn gì ngoài hơi thở hoang vu – có một thân quen đang chăm chú theo Quỳ, để Quỳ trôi, lẳng lặng trong hồ hởi, vồn vã mà len lén thanh âm, một mầu nhỏ nhẹ hiền hòa. Quỳ lang thang như thế, xanh thẫm cỏ mùa thu, hương ấm giọt nắng đọng lại và ngày mới, tiếng rơi vỡ lách tách của đêm như thủy tinh đậu trong vòm lá cổ, lặng lẽ, lặng lẽ, có phải tiếng mưa tuôn trong ngàn lặng lẽ.
Hoa đã nở, Quỳ nằm trên nắng, giữa một khoảng không có mây giăng. Hoa rơi đầy mặt Quỳ, một góc trời đỏ rực, nhưng nhức. Quỳ nằm trên núi, trên những tháng năm âu lo lả tả quanh Quỳ, Quỳ không thấy cái tự do mà mình hằng ao ước (hay thực ra là Quỳ chẳng thể mường tượng hình hài nó thế nào), không rõ cái vẫn thường trong đâu đó trói buộc mình là gì, thế có phải ngỡ ngàng hư vô.
Không còn thấy những tin nhắn lác đác của Cầm từ ngày lấy chồng, từ ngày Cầm bảo có con, từ ngày Cầm kêu chồng mình đẹp ẻo lả hay mang tiền cho nhân tình nhỏ. Quỳ không còn mơ thấy Ý, không mơ thấy đôi cánh rực lửa bay vòng vòng đỉnh núi vào ngày mưa nữa. Quỳ không còn thấy vướng bận giữa nhân gian này, hay Quỳ đang đi vào giấc mơ của Ý đã từng mơ. Quỳ đang đi lạc, hay không còn lạc nữa!

……………………………………..

(*): Câu nói của ông nhạc sĩ mê rượu đầy đau khổ.
(**): Thơ Nguyễn Quang Tấn.

Comments are closed.