Đường về xa ngái

Vũ Thư Hiên

Nhiều lần tôi đã tự nhủ: thôi, không viết thêm về đời tù nữa. Chán lắm rồi. Ngấy đến tận cổ rồi. Tự nhủ thì tự nhủ, mà lòng vẫn ray rứt – có những cuộc đời cay đắng mình biết, mọi người cũng biết, lại chưa có ai viết ra. Với tôi, việc đó như một món nợ trước sau cũng phải trả, không thể quịt, không thể cứ lờ đi mà xong.

Một thời có nhiều người rời bỏ gia đình, rời bỏ quê hương đi theo tiếng gọi của cách mạng. Chuyện nhàm, ai chẳng biết. Sự rời bỏ này lựa chọn tự thân, không bị ai ép buộc, không có gì ép buộc. Nhưng khi họ muốn trở về thì đường về lại là ngõ cụt. Ở đó có một cái cổng khang trang – trại tù.

Nhớ đến Nguyễn Hữu Muôn là tôi như lại ngửi thấy mùi khói cà độc dược.

Muôn gầy đến mức không thể gầy hơn. Trong bộ đồ tù lụng thụng anh suốt ngày đứng trước cửa phòng giam, liên tục phì phèo thứ thuốc lá khét lẹt. Anh bị hen rất nặng. Vì bệnh ấy, anh được ban giám thị trại miễn lao động. Lá cà độc phơi khô thái nhỏ đựng trong một cái túi nilon là vật bất ly thân của anh. Nhưng nó chỉ cứu anh hàng ngày chứ không cắt được những cơn hen dữ dội nổi lên bất thần. Nhìn anh thở rốc mỗi lần lên cơn tôi phải quay mặt đi – cảm giác bất nhẫn quen thuộc khi mình gặp người bị nạn mà không thể cứu giúp.

Tôi hỏi để mà hỏi:

– Trạm xá không có thuốc chữa hay sao?

Muôn lắc:

– Không. Chỉ có Berberin và Mercurochrome. Berberin ở đây nó là thứ bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ.

– Tệ nhỉ?

– Anh tưởng nhà tù thuộc Bộ Y tế hả?

Muôn cười to không thành tiếng. Mắt anh nhắm tịt, yết hầu nhô lên hạ xuống liên hồi.

Các bạn tù nói Muôn là nhà báo. Dường như anh có làm phóng viên hay biên tập viên cho một tờ báo nào đó, báo thương nghiệp hay báo hợp tác xã thủ công. Anh bị bắt trên đường đi Vĩnh Linh, quãng gần sông Bến Hải. Đất nước chia hai, ngăn cách bởi một cây cầu.

Bằng chứng dẫn tới việc anh bị bỏ tù là cuốn nhật ký lọt vào tay đồng nghiệp.

Nhật ký là của riêng, chủ nó muốn viết gì thì viết. Nhưng khi nó bằng cách này hay cách khác rơi vào tay nhà chức trách thì nó hết là của riêng. Nó trở thành tang vật. Nhà chức trách là người phán xét những gì được ghi trong đó – đúng hay không đúng, không có tội hay có tội. Chắc chắn Muôn đã ghi những điều không nên ghi, cho nên anh mới bị theo dõi, hồ sơ anh được lập. Kết cục là anh đi tù.

Bạn tù thân thiết của Muôn là Thạch Mười, người Khmer. Muôn là cán bộ miền Nam tập kết, lại biết tiếng Khmer, tôi đồ rằng anh có hoạt động ở Campuchea với Khmer đỏ khi lực lượng này còn chống Pháp.

Thạch Mười cũng như Muôn, là cán bộ miền Nam tập kết. Ra Bắc chưa được nửa năm anh đã nhớ nhà, nhớ cha nhớ mẹ, nhớ những gì nữa không biết, anh tìm đường quay lại quê hương. Thế rồi loanh quanh thế nào lại lạc vào trại giam. Ban giám thị thương tình, cho anh làm tự giác. Tù tự giác là tù được đi làm ở ngoài trại không cần có lính áp giải. Anh được hưởng ưu tiên ấy khi ban giám thị tin chắc anh không trốn trại.

Tôi gặp Thạch Mười trong năm tù thứ sáu của mình. Thạch Mười thì đang ở năm thứ mười mấy chi đó.

Thạch Mười người gốc Khmer Nam Bộ, nói sõi tiếng Việt. Anh được làm chủ một cái xe bò chở mọi thứ linh tinh lang tang cho trại. Anh em tù quý Thạch Mười ở tính tình thật thà, xởi lởi, hay giúp đỡ bất cứ ai cần được giúp đỡ, không nề hà việc nặng việc khó.

– Cha nầy bụng dạ số dách – Thạch Mười nói về Muôn – Vụ Bảy Lé nằm cạnh hắn chuẩn bị vượt ngục hắn biết hết mà không báo cáo, thế là bị vào xà lim kỷ luật một tháng. Ấy là hắn cán bộ cựu, được chiếu cố, chứ không thì mọt gông.

Muôn tốt thật. Anh hiền lành một cục. Ở trong trại, anh không bao giờ vi phạm kỷ luật. Những ngày cuối tuần tù không phải đi lao động mà trời nắng là anh lê la ngoài sân trại với lũ trẻ hình sự. Anh bắt rận cho chúng. Chúng bắt rận cho anh.

– Chú ơi, sao áo chú chẳng có mấy rận hở chú?

– Tại chúng nó sợ mùi thuốc chú hút.

– Ra vậy.

Chúng cười ồ.

Nhớ đến Muôn, tôi không biết đã gặp anh ở năm tù thứ mấy của mình. Tôi đã mất khả năng ngạc nhiên khi gặp những người tù lưu cữu đã ở qua nhiều trại. Chính họ đôi khi cũng chẳng nhớ mình đã ở bao nhiêu năm, qua những trại nào. Khi hỏi, có người đần mặt, nhẩm tính trong đầu rồi mới có câu trả lời.

– Tại sao anh muốn trở về Nam? – tôi hỏi Muôn – Chán miền Bắc lắm à?

– Không phải. Miền nào cũng có cái hay cái dở. Tôi muốn về vì tôi nhớ, ông ạ. Nhớ cái gì khỏi kể. Nhớ là nhớ, vậy thôi.

– Vượt biên vào miền Nam là tội chính trị, chẳng lẽ anh không biết?

– Tôi biết chứ. Nhưng tại sao tôi khi tự nguyện ra Bắc thì đúng, mà khi tôi tự nguyện trở về thì sai, lại còn là cái tội?

Tôi cười khẩy. Tiếng ngày nay gọi là cười đểu.

Anh chàng này mới ngây ngô làm sao! Nhưng nó là lý lẽ không thể phản bác. Nó đúng với anh, nó đúng với tôi, nó đúng với chúng ta. Nó chỉ sai với nhà cầm quyền mà thôi.

Đùng một cái, tôi bị chuyển trại.

Hôm trước, Muôn bị lên cơn rất nặng. Anh gần như không thở được Mắt trợn ngược, da tím tái. Bạn tù người túm tay, người xách chân, tha anh đến trạm xá.

Y tá trại, một bác sĩ bị tù vì tội hiếp dâm bệnh nhân nhìn anh, phán:

– Khỏi cần khám. Bệnh này tớ biết: chỉ cho hắn nằm yên một lúc khắc khỏi.

Tôi biết tin, ba chân bốn cẳng chạy đến trạm xá.

– Gắng lên cho qua cái đận này. Còn về quê chứ.

Anh khò khè:

– Về chứ. Mà xa quá!

– Xa thật. Nhưng rồi sẽ có ngày ấy mà.

Tôi thở dài, nói lời an ủi mà chính mình không tin.

Muôn gật gật cái đầu trên cổ ngẳng.

Ở trại mới, tôi cứ hi vọng Muôn sẽ được đưa lên vào một dịp khác.

Không bao giờ tôi gặp lại anh bạn tù này nữa.

Không biết rồi sẽ có ngày trở về cho anh không?

Comments are closed.