Gặp gỡ trên đất Mỹ (4)

Tiêu Dao Bảo Cự

9. Cali những ngày còn lại.

Chúng tôi đã dự định đi thăm ông Anh Linh ở Santa Rosa sớm nhưng mãi về sau mới thực hiện được. Nhân ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi rủ Thái Anh cùng đi vì Thái Anh đã từng gặp và có cảm tình với Anh Linh lúc chúng tôi mới sang. Santa Rosa ở phía bắc của vùng Vịnh, từ Milpitas lái xe khoảng 2 giờ. Thái Anh lái xe đến địa chỉ Anh Linh cho.

Đó là tiệm phở của gia đình Anh Linh. Nghe Anh Linh nói tiệm phở này khá đông khách và được khách Mỹ tín nhiệm. Ngoài con cái trong gia đình còn thuê thêm một người làm. Chúng tôi được mời thưởng thức ngay món phở và thấy cũng khá. Café pha theo kiểu Việt Nam cũng rất ngon. Anh Linh con cháu đông nên qua đây rất chịu khó làm ăn. Vài ba ngày một lần ông lái xe về San Jose để mua hàng. Vợ ông chịu trách nhiệm nêm nếm. Các con, dâu, rể mỗi người một việc. “Cửa tiệm gia đình” này hoạt động xem ra cũng khá thuận lợi.

Ăn uống xong, Anh Linh đưa chúng tôi về nhà chơi, cách tiệm phở khoảng nửa giờ lái xe, cũng ở thành phố Santa Rosa. Ông đưa chúng tôi đi thăm một người bạn và sau đó đi thăm rừng cây redwood.

Người bạn của Anh Linh ở thung lũng Sonoma, nơi trồng nho làm rượu vang nổi tiếng của Cali, tương tự thung lũng Napa, gần Sacramento mà chúng tôi đã đến thăm. Hai bên đường bạt ngàn vườn nho xen lẫn những nhà máy làm rượu. Anh Linh giới thiệu ông bạn là người làm rượu khá lâu năm và nổi tiếng ở đây. Chủ nhà đã chuẩn bị đón chúng tôi. Ông đưa khách xuống ga ra, nơi ủ rượu của ông, mở thùng lấy rượu ra đã khách. Đây là loại thùng lớn bằng plastic chứ không phải thùng gỗ. Ông lấy vào mấy chai xong đưa lên sân thượng phía sau nhà nhấm nháp. Rượu nhấm với các thứ rau củ sống như cà rốt, sú lơ… ăn kèm mấy loại phó mát, xốt gì đó đúng kiểu tây.

Ông thuyết minh cho chúng tôi nghe về cách làm rượu khá hấp dẫn. Nho của ông làm không phải loại bình thường mà là cây nho đã thọ 90 tuổi (?), hàng năm không tưới tắm gì nên có phẩm chất rất đặc biệt. Tuy không đựng rượu trong thùng gỗ sồi nhưng có ngâm những thanh sồi của cây trên trăm tuổi. Rượu của ông là rượu quý nổi tiếng, ông tự đóng chai, có nhãn hiệu riêng, mỗi chai giá hàng trăm đô la, khách châu Âu rất thích nhưng không phải với ai ông cũng bán, chỉ bán cho người sành điệu. Chúng tôi không biết giàn nho 90 tuổi của ông có thật không nhưng sồi trên trăm tuổi thì chắc chắn. Ngay sân thượng chỗ chúng tôi ngồi có cây sồi cổ thụ khổng lồ cành xuyên qua sàn, có lẽ phải đến vài trăm tuổi chứ không ít. Ông tặng chúng tôi là khách xa mỗi người vài chai đem về uống kỷ niệm, dặn nếu được đem về Việt Nam.

Lòng hiếu khách của ông thật quý hóa. Tuy nhiên (nói vô phép ông), rượu của ông uống không ngon lắm. Mấy chai ông biếu đem về, có hôm chúng tôi mang đến nhà Nguyễn Hữu Liêm uống, cũng quảng cáo như ông nói. Ai dè lúc mở, nút chai nổ tung như champagne làm mọi người hết hồn, rượu lại bị chua không uống được. Các chai khác có chai uống được, chai phải bỏ đi. Dù sao cũng rất cám ơn lòng hiếu khách và tình cảm của ông.

Thưởng thức rượu xong, ông Anh Linh đưa tất cả chúng tôi đi thăm khu bảo tồn thiên nhiên rừng cây redwood có tên Armstrong Redwoods State Natural Reserve. Khu này ở vùng Russian River, cách San Franscisco 75 dặm về phía bắc. Đây là khu rừng tiêu biểu của những cây redwood cổ xưa, có các lối đi tự nhiên để khám phá và những nơi có thể cắm trại ngoài trời. Từ chỗ đậu xe, chúng tôi chỉ đi bộ chừng mươi phút là đã đến cây cổ thụ nổi tiếng The Parsons John Tree cao 310 feet và không xa cây này lắm là cây Colonel Armstrong Tree cao 308 feet, già hơn 1400 năm. Những con số kinh khủng. Các cây này được đặt tên theo những người chủ rừng cũ trước đây. Cây đường kính không lớn lắm, chỉ vài người ôm nhưng không thể nhìn thấy ngọn vì các cây chung quanh cũng cao gần tương đương, ngọn đan cài vào nhau và mất hút trong trời xanh. Về độ tuổi của cây, ngay phía trước phòng thông tin gần chỗ đậu xe, người ta dựng một bảng lớn vẽ mặt cắt ngang thân cây với các vòng từ trong ra ngoài và giới thiệu phương pháp khoa học xác định độ tuổi của cây. Dĩ nhiên chuyện này không thể đoán bừa mà phải có căn cứ khoa học. Lối đi trong rừng thật dễ chịu, ngoài con đường tráng nhựa chính xuyên qua rừng đi vào những khu vực xa hơn, các trails nhỏ được lót bằng mùn cưa và vỏ cây vụn chạy quanh co đi dần vào sâu, có bảng chỉ dẫn những nơi đáng xem. Cũng có bảng cấm yêu cầu không được mang bất cứ thứ gì ra khỏi rừng, kể cả cành củi khô. Sự giữ gìn nghiêm nhặt đến thế là cùng. Chúng tôi thơ thẩn trong rừng hàng giờ trước khi trở về.

Buổi chiều, ông bà Anh Linh làm một bữa ăn đặc biệt đãi khách, với các con, dâu, rể cùng dự. Có hai món hải sản đặc biệt mà ông bảo chỉ gia đình ông mới có đặc biệt tươi ngon là món gỏi bào ngư và ốc vòi voi xào. Tươi ngon vì chính các con ông vừa bắt dưới biển lên. Bào ngư sống được xắt thành lát mỏng như giấy, xắt bằng máy nên mười lát như một, ăn với rong biển và mù tạt. Lần đầu tiên chúng tôi được ăn món này nhắm rượu quả thật hấp dẫn nhưng quá nhiều đến độ không còn ăn được món khác. Ốc vòi voi cũng là một thứ đặc sản của vùng biển gần nhà. Các con ông mời chúng tôi ngày mai dậy sớm cùng họ đi bắt nhưng quá sớm chúng tôi không dậy nổi nên đành hẹn dịp khác. Quả có dịp khác thật và tôi sẽ mô tả cảnh tượng đặc biệt đó về sau này.

Sáng hôm sau ông Anh Linh đưa chúng tôi đến hồ đi chơi ca nô với vợ chồng con gái của ông. Tôi quên hỏi hồ này tên gì. Hồ không rộng lắm nhưng rất dài, quanh co trong thung lũng có lẽ cũng phải hơn 5-7 cây số. Chung quanh bến xuống hồ người ta làm mấy bãi đậu xe trên các mặt bằng của sườn núi. Dưới hồ ít có chỗ neo đậu ca nô nên người ta phải kéo từ nhà tới. Muốn xuống hồ, từ một con đường dốc rộng chạy trên cao xuống sâu dưới mặt nước, người ta lái xe kéo ca nô đâm xuống rồi quay đầu lại, từ từ de đưa ca nô xuống, cho đến khi nổi trên mặt nước rồi gỡ ra khỏi xe. Đủ loại ca nô lớn nhỏ, nhiều kiểu dáng trên bãi đậu, bập bềnh dưới bến hay đang phóng vun vút ra xa. “Nghề chơi” này cũng lắm công phu và tốn kém.

Tuấn, con rể của ông anh Linh, một chàng trai không còn trẻ lắm, cùng với vợ và một cháu bé đã ở sẵn dưới hồ lái ca nô đến bến đón chúng tôi. Tuấn làm nghề mộc, trang trí nội thất, sắm ca nô vừa đi chơi vừa làm “dịch vụ”. Hôm nay anh chở ba mẹ con một bà khách người Mỹ cùng đi. Ca nô kéo theo một chiếc phao lớn. Ba mẹ con thay phiên nhau ngồi vào phao cho ca nô kéo. Ra khỏi bến, Tuấn cho ca nô phóng càng lúc càng nhanh, có lúc có thể tới 60 cây số/giờ, lượn qua lại, đôi khi xoay vòng tròn ở các khoảng hồ rộng. Chiếc phao phía sau nhồi như ngựa chạy hay quay tít như chong chóng, tung nước mù mịt. Thế mà chú bé con bà Mỹ kia, chỉ khoảng vài tuổi, cũng dám ngồi một mình và mẹ cũng chịu cho ngồi. Đúng là Mỹ. Hồ có nhiều ngả ba chia nhánh nên chúng tôi không biết đâu là tận cùng. Ngoài những người chơi phóng ca nô còn có những nhóm tắm hồ dọc theo bờ. Đến một khoảng hồ yên tĩnh, nước sâu, Tuấn dừng lại để tất cả cùng tắm. Mọi người chỉ bơi gần gần bờ hoặc chung quanh chỗ ca nô neo đậu, riêng Thái Anh bơi từ bờ này sang bờ kia dễ như không. Anh cho biết thời sinh viên đã từng là vận động viên trong đội bơi của trường đại học. Tuấn mang theo nhiều bia, nước ngọt nên tha hồ giải khát. Một chuyến đi thú vị với đôi vợ chồng vui tính.

Rời hồ, ông Anh Linh lái xe đưa chúng tôi đi thăm một nơi đặc biệt của vùng này là Chùa Vạn Phật – Ten Thousand Buddhas, cũng khá xa. Chùa này do người Tàu xây dựng đã khá lâu, ngoài chùa còn có một trường học Phật giáo. Khuôn viên chùa rộng, nhiều đường đi lối lại. Trên các bãi cỏ, mấy con công đang xòe cánh múa. Chùa chính có vẻ thấp và hơi tối. Hai bên tường của chánh điện gắn các tượng Phật nhỏ san sát nhau, từ dưới thấp lên trên cao đụng trần. Kể hết các tượng lớn ở trên bệ thờ chắc đúng 10.000 tượng. Đây là con số thật chứ không phải tượng trưng. Bây giờ các nơi khác đã có các chùa nhiều tượng hơn nhưng vào thời kỳ chùa này xây dựng, có lẽ người ta muốn lập kỷ lục. Trước khi vào chánh điện, có một phòng nhỏ để nhiều kinh sách, trong đó có sách ghi lời thuyết pháp của vị sư khai sáng chùa, có bản tiếng Hoa, tiếng Anh và cả tiếng Việt, được biếu không cho khách. Chúng tôi vào chánh điện xem, chụp hình một lúc trước khi ra về.

Buổi tối chúng tôi yêu cầu ông Anh Linh đàn hát. Có lẽ sau những ngày tháng lo toan cuộc sống khá vất vả nơi xứ người, những giây phút như thế này giúp ông lấy lại niềm hứng khởi trong ca nhạc ngày trước. Ông hát lại mấy bài của ban AVT ngày xưa và những bài ông sáng tác trong tù, giọng ông vẫn còn khỏe và ấm, âm vang. Những bài sáng tác trong tù buồn nhưng không thê thiết, oán hận mà thấm đẫm tình người, giai điệu rất trữ tình, chưa được phổ biến. Ước mơ của ông là tiếp tục đưa hết các con cháu còn ở lại Việt Nam qua Mỹ, các con ông một số cũng có năng khiếu âm nhạc, ông sẽ cùng các con lập ban nhạc đi trình diễn các tác phẩm của ông.

(Khi tôi viết những dòng này, một năm sau khi từ Mỹ về Việt Nam, nghe tin ông đã mất mấy tháng trước. Ước nguyện của ông chưa hoàn thành. BY cũng rất áy náy vì chưa kịp làm pps thêm cho các nhạc phẩm của ông trước khi ông mất.)

Dĩ nhiên chúng tôi cũng hát. Thái Anh song ca với ông Anh Linh những bài ưa thích. Ông bạn làm rượu ở Sonoma cũng đến chơi. Ông yêu cầu tôi hát bài “Tình khúc thứ nhất” của Vũ Thành An đến 3 lần và ông rơm rớm nước mắt. Chúng tôi biết lý do. Ông Anh Linh đã kể cho chúng tôi nghe chuyện của ông. Vợ ông đã bỏ đi và ông đang sống một mình. Mới đây ông kỷ niệm đám cưới bạc – 25 năm ngày cưới, vợ ông không đến nhưng ông vẫn cứ tổ chức, lại còn làm thơ, xin lễ ở nhà thờ. Ôi, cuộc sống con người biết bao điều sâu kín và nghịch lý. Và tình cảm chính là thứ làm người ta nặng lòng nhất, đôi khi là tảng đá cột chặt kéo mãi người ta xuống vực sâu. Chúng tôi không nhớ tên ông nhưng không quên được ông, còn vì sáng sớm trước khi từ giã ông Anh Linh, mở cửa ra, thấy có một gốc lan đất màu đỏ rất đẹp để trước cửa kèm theo bốn câu thơ. Hóa ra đó là gốc hoa mà BY thấy ở nhà ông và rất thích, ông hứa sẽ đem cho và đã lặng lẽ làm, không muốn quấy rầy khi chúng tôi chưa thức giấc. BY đem cây này về trồng ở vườn nhà anh chị bạn và sau này nghe nói nó nở hoa rất đẹp.

Chúng tôi có duyên với Sacramento, thủ phủ của bang Cali. Lần trước chúng tôi đã đi thăm Trần Kiêm Đoàn và các bạn ở đây dự định sẽ tổ chức cho tôi một buổi ra mắt cuốn sách “Mảnh trời xanh trên thung lũng”. Tuy nhiên vì một số lý do, buổi ra mắt không thể thực hiện sớm và làm ở nơi công cộng nên cuối cùng Trần Kiêm Đoàn quyết định tổ chức ở nhà mình, chỉ mời một số thân hữu hạn chế. Tôi rủ Nguyễn Hữu Liêm cùng đi. Liêm và Trần Kiêm Đoàn cũng là “chỗ quen thân”. Thế là Liêm lái xe đưa vợ – chị Vân, đến đón chúng tôi và khoảng sau 2 giờ lái xe, chúng tôi đã có mặt ở nhà Trần Kiêm Đoàn.

Ngoài một số người mà chúng tôi đã biết trong lần đến trước, còn có một số người mới. Chủ nhà chuẩn bị sẵn một số thức ăn và một số bạn cũng mang thêm thức ăn đến. Mọi người vừa ăn uống vừa nói chuyện. Đây không hẳn là một buổi ra mắt sách mà như một buổi gặp gỡ bạn bè cuối tuần nên tuy Đoàn giới thiệu, tôi chỉ nói sơ qua một chút về nội dung cuốn sách, quan niệm về sáng tác văn học, sau đó mọi người nói chuyện chung. Trong số những người tham gia, có ba người tự giới thiệu là thành viên đảng Việt Tân, đó là vợ chồng anh Nguyễn Quốc Quân và cô Minh Thi. Về Nguyễn Quốc Quân, tôi đã biết tiếng qua thông tin mấy năm trước việc anh về nước bị nhà cầm quyền bắt giam cùng một số người khác, sau đó bị trục xuất, gây tiếng vang trong dư luận. Cô Minh Thi nghe nói đang làm luận văn tiến sĩ và phụ trách một đài phát thanh gì đó. Những người này ăn nói rất hùng hồn khi phân tích những vấn đề chính trị, tỏ thái độ tôn kính đối với chủ tịch Mặt Trận Hoàng Cơ Minh và cũng nhân dịp nói về chủ trương bất bạo động của đảng Việt Tân hiện nay.

Thái độ đối với đảng Việt Tân ở Mỹ rất khác nhau, thậm chí trái ngược, trên các cơ quan truyền thông cũng như trong trò chuyện thực tế. Có dư luận phê phán, thậm chí mạt sát nặng lời, nhất là đối với Mặt Trận, tiền thân của đảng Việt Tân nhưng cũng có luồng ý kiến trái ngược, đánh giá cao sách lược và cách hoạt động của họ hiện nay. Dù sao hình như đây cũng là một tổ chức có thực lực nhất trên đất Mỹ, có thành viên ở nhiều nơi, hoạt động hăng say và gây nhiều tiếng vang. Nhà nước Việt Nam vẫn coi đảng Việt Tân là một “tổ chức khủng bố” nhưng qua đây gặp gỡ những thành viên của họ tôi cũng chẳng ngại gì. Tôi chỉ gặp họ tình cờ và ở Mỹ họ cũng bình thường như những người khác, có thể có mặt bất cứ nơi đâu trong sinh hoạt đời thường.

Đêm hôm đó, vợ chồng Liêm và chúng tôi ở lại nhà Trần Kiêm Đoàn. Các con của Đoàn đều ra ở riêng cả nên nhà có nhiều phòng trống. Mọi người chia làm hai phe nói chuyện, phe đàn ông và phe phụ nữ, dĩ nhiên đề tài khác nhau. Đoàn, Liêm và tôi ngồi uống rượu nghe nhạc trong thư phòng riêng của Đoàn. Trưa hôm sau, Liêm đưa chúng tôi về lại Milpitas.

Trong thời gian này ở Sacramento, tình cờ chúng tôi gặp ông Âu Dương Thệ. Ông Thệ từ Đức qua Mỹ dự đám tang của một người trong gia đình, biết tôi ở đây nên tìm cách liên lạc. Tôi biết tên ông Thệ từ lâu lắm, là một tiến sĩ chính trị học, chủ trương tập san Dân Chủ và Phát Triển ở Đức. Trước đây khá lâu, ông vẫn gởi tập san cho tôi qua đường bưu điện, tôi nhận được vài số, còn bao nhiêu bị lấy mất. Không hiểu sao nghe tên ông tôi cứ nghĩ ông là một người cao lớn, đạo mạo, nhưng khi gặp hoàn toàn khác hẳn. Đó là một người nhỏ con, không già lắm, để râu mép, ăn mặc có vẻ hơi bụi đời, nói chuyện chân tình, cởi mở. Chúng tôi chỉ nói chuyện được khoảng một giờ. Hóa ra ông xuất thân từ trường Chính trị Kinh doanh Đà Lạt năm xưa nên ông có cảm tình với những người ở Đà Lạt và đặc biệt “nhóm Đà Lạt” mà ông đã đọc rất nhiều. Ông quan tâm đến tình hình trong nước và mong muốn có dịp trao đổi để hiểu sâu hơn, nhất là về những diễn biến mới.

Ít lâu sau, chúng tôi lại có dịp sang Sacramento lần thứ ba. Lần này do anh chị Kiềm – Cơ mời vì muốn gặp lại, chia tay chúng tôi trước khi chúng tôi về Việt Nam. Anh chị chuẩn bị một bữa cơm hến thật công phu và mời thêm một số bạn bè người Huế. Chúng tôi lại gặp hàn huyên với những người đã coi như quen biết cũ. Lái xe đưa chúng tôi đi về Milpitas – Sacramento là cậu con trai của anh chị Kiềm – Cơ, đang học đại học. Chàng thanh niên này ít nói nhưng tôi gợi chuyện hỏi thăm về đời sống sinh viên. Cháu cho biết giữa bạn bè sinh viên người Việt với nhau họ cũng ít đề cập đến chuyện Việt Nam. Đây là thế hệ thứ hai đã hội nhập khá sâu vào nước Mỹ.

Anh chị chủ nhà tổ chức đi chơi công viên nổi tiếng Yosemite, cùng đi với Trung – Hương, vợ chồng một anh bạn ở gần nhà. Bảy người vừa đủ chỗ trên chiếc xe van của Trung. Chúng tôi phải đi sớm vì anh chị chủ nhà chỉ có thể đi được trong ngày, không vắng nhà qua đêm. Mới 4 giờ sáng đã dậy chuẩn bị để 5 giờ lên đường. Đi sớm, sương mù mịt che mờ cả kính xe. Trung phải bật tắt máy sưởi, máy điều hòa liên tục để làm trong kính. Đường đi khá xa, có thể mất đến hơn 4 giờ lái xe.

Yosemite là một trong những national park nổi tiếng, được thành lập bởi một đạo luật của Quốc Hội từ 1.10.1890. Công viên này mở cửa quanh năm, bao gồm 263 dặm đường có thể lái xe (road), 800 dặm đường đi bộ (hiking trail), độ cao từ 2000 feet đến 13.000 feet, có 2 trong 10 thác nước lớn nhất thế giới, mỗi năm đón khoảng 3,5 triệu khách. Với diện tích rộng lớn và địa hình đa dạng, Yosemite có đủ mọi loại hình cho khách vui chơi theo sở thích: ngắm cảnh chụp hình, đi bộ, leo núi, đi xe đạp, bơi lội, chèo thuyền, câu cá, trượt tuyết, cắm trại…Tuy giữa thiên nhiên nhưng công viên có đủ các tiện nghi phục vụ cho khách theo nhu cầu, sở thích và túi tiền như nhà vệ sinh, nơi đậu xe, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng ăn, lều cắm trại, nơi mua sắm, nhà bảo tàng, thậm chí cả nhà thờ. Dĩ nhiên các công trình này được xây dựng hài hòa với khung cảnh thiên nhiên chung quanh. Đây là một công viên kiểu mẫu mà tôi đã được các bạn đưa đến, tuy chỉ là “cỡi ngựa xem hoa”. Nếu có thời gian, người ta có thể ở đây hàng tuần không chán hoặc lâu lâu lại đến.

Từ lối cổng vào phía bắc, đường quanh co theo sườn núi, có nơi đường khuỷu tay khá nguy hiểm. Chúng tôi dừng ở một vista point có thể nhìn thấy vực sâu bên dưới với dòng suối ngoằn ngoèo mất hút phía xa xa và dẫy núi đá rất đẹp bờ bên kia. Sau đó tiếp tục đi xuống vùng trũng thấp nhất, dọc đường nhìn lên thấy vách đá cao sừng sững chạy dài hàng dặm, đây đó các dòng suối nhỏ vạch các nét trắng sinh động với bụi nước làm nhòe mờ trên nền đá xám. Dừng chân bên dòng suối êm đềm chảy dọc theo thung lũng, nước trong vắt thấy cả cá lội và sỏi đá, một đàn vịt con theo mẹ đi kiếm ăn thản nhiên bơi qua trước mặt chúng tôi. Nước khá lạnh nhưng các bạn cũng xắn quần lội xuống đi dọc theo bờ để cảm nhận dòng nước tác động vào da thịt. Một số khách khác mang xuồng hơi đến bơm lên bơi dọc theo suối. Nơi đây người ta có thể thực sự đắm mình trong thiên nhiên. Chúng tôi muốn đến xem cây cổ thụ redwood to lớn gốc bị đục thủng xe có thể chạy qua nhưng loanh quanh mãi vẫn không tìm ra vì khu vực quá rộng và đường nhiều ngã rẽ. Cuối cùng đành trở lại đường cũ để đi lên khu vực cao hơn. Công viên này có nhiều tầng từ thấp đến cao, mỗi tầng cảnh sắc khác nhau.

Giữa đường chúng tôi dừng lại ở một khu rừng redwood khá bằng phẳng, có nhiều cây lớn để ăn trưa. Thức ăn chị chủ nhà đã chuẩn bị sẵn từ hôm qua, chẳng khác gì ăn ở nhà. Nhưng ăn ở đây, giữa rừng cây vắng lặng, trên tấm vải nhựa trải lên nền đất, quả nhiên là một trải nghiệm thú vị cho một chuyến đi chơi ngoài trời. Ở đây chẳng ai nói chuyện chính trị. Chỉ là những chuyện đời thường, những ý nghĩ đùa vui chợt đến và tình cảm bè bạn vô tư trong sáng.

Đường tiếp tục lên cao hơn, cây cối thưa dần vì toàn là núi đá. Những cây redwood này thật là một giống cây kiên cường, tuy thân cành nhỏ lại, có vẻ xơ xác nhưng chúng vẫn đứng vững vàng trên nền đá. Ở một sườn dốc, từ mấy khe nứt, mấy cây đâm ra, gần như nằm nghiêng cheo leo trên vách đá nhưng vẫn tiếp tục phát triển thành một dáng hình cổ thụ, tuy nhỏ bé, nhưng vẫn mạnh mẽ vươn ngọn lên trời xanh. Có một khoảng núi đá rộng khá bằng phẳng là nơi khách dừng nhiều vì có thể đi ra bờ vực để chụp hình vùng núi rộng lớn phía trước kéo dài đến tận chân trời, trên một số đỉnh cao vẫn còn tuyết trắng. Hai bên đường thỉnh thoảng lại có những hồ nước. Hồ trên núi đá, nước trong ngăn ngắt, bờ hẹp thoai thoải có cát như bờ biển và những phiến đá bằng phẳng có thể nằm nghỉ ngơi đọc sách.

Đi mãi không hết đường nhưng trời đã về chiều và phong cảnh cũng gần giống nhau nên chúng tôi trở về. Trên đường về có một sự cố nho nhỏ. Chẳng hiểu sao cửa kính của chiếc xe van bỗng bung ra, văng luôn xuống đường, nát tan thành ngàn mảnh vụn. Chạy xe tốc độ nhanh, gió lạnh, ngồi trong xe không sao chịu nổi. Chúng tôi phải lấy vải bạt bịt tạm chỗ trống, phía trước chèn vào cửa xe, phía sau dùng tay giữ. Ấy thế nhưng gió vẫn lùa vào khe hở làm những người ngồi sau lạnh run. Mãi đến 10 giờ đêm mới về tới San Jose, bụng đói meo, mọi người kéo nhau vào tiệm phở Xe lửa. Tô phở ở đây to nổi tiếng, giống như cái thau. Lần đầu tiên tôi ăn hết nổi một tô nhỏ ở đây. Những lần trước tô nhỏ hơn nhưng không bao giờ ăn hết. Chuyến đi “tốc hành” đã giúp chúng tôi thăm Yosemite, nơi người ta quảng cáo là một trong 100 địa điểm trên thế giới cần đến trước khi chết.

Một tối cuối tuần, Trần Đệ tổ chức họp mặt ở nhà, mời một số bạn và chúng tôi. Trần Đệ là chủ nhiệm của tờ VTimes , tôi đã gặp vài lần ở nhà Nguyễn Hữu Liêm. Là nhà báo nhưng tôi thấy anh rất ít nói, lúc nào cũng trầm ngâm. Liêm là bạn thân của Đệ và cũng là cây bút chủ lực của Vtimes , giữ mục “Lề bên trái”. Ngoài vợ chồng Liêm và chúng tôi còn có Nguyễn Khoa Thái Anh, Lâm Văn Sang– chủ bút của VTimes, Nguyễn Quý Đức – dịch giả, từ Việt Nam mới về (nghe nói Đức là Việt kiều Mỹ nhưng có nhà ở Việt Nam, hiện nay sống và làm việc thường trực ở Hà Nội), Phùng Nguyễn trong ban biên tập trang website Da Màu, Đỗ Quyên từ Canada sang và một anh bạn từ Sacramento qua chơi. Đúng là “hào kiệt bốn phương” hội ngộ. Mọi người vừa ăn uống, vừa chuyện trò, tranh luận sôi nổi . Hết ngồi trong nhà lại kéo nhau ra vườn hút xì gà tranh luận tiếp đến 1, 2 giờ sáng, mặc cho đêm khuya giá lạnh.

Người ta nói đủ mọi thứ đề tài chính trị, xã hội, văn học, ngôn ngữ… với tinh thần tranh luận thật sự nhưng trong tình cảm bạn bè. Trần Đệ thâm trầm. Nguyễn Hữu Liêm sôi nổi. Thái Anh bộc trực. Nguyễn Quý Đức ba lơn. Phùng Nguyễn hài hước. Đỗ Quyên không nhân nhượng. Lần đầu tôi tranh luận với Nguyễn Hữu Liêm. Trước đây qua nhiều lần trò chuyện, tôi chỉ gợi ý và nghe Liêm nói. Tôi đã chịu khó đọc cuốn sách quan trọng của Liêm tặng, cuốn “Dân chủ và Pháp trị”. Nội dung cuốn sách này cho thấy Liêm là một người có tâm huyết với đất nước, bằng tri thức và chiêm nghiệm của mình, muốn đứng trên chiều cao của triết lý và chiều dài lịch sử để nhìn nhận vấn đề, tìm ra giải pháp chứ không sa vào sự kiện và những xung động do thực tế gây ra, nhất là thực tế chiến tranh vừa qua và tình hình chính trị hiện nay. Đại thể tôi hiểu quan điểm lớn của anh qua cuốn sách là như thế nhưng trong cuộc tranh luận hôm nay và qua một số bài viết, tôi thấy Liêm cũng bị chi phối bởi những thực tế không có tính điển hình mà anh đã trải nghiệm khi về Việt Nam và những ý định, việc làm cụ thể của anh mà tôi chưa hiểu rõ. Tôi nêu vấn đề này khi so sánh “cái làng tốt đẹp” ở Quảng Trị mà anh hay viện dẫn với “cái xóm không mấy chuyện hay ho” nơi tôi ở để việc khái quát tình hình được chính xác. Dĩ nhiên cũng chỉ tranh luận “cho vui thôi” trong thời gian hạn hẹp của một buổi nói chuyện đông người với tinh thần bè bạn. Hiểu hết về một con người không phải là điều đơn giản, huống hồ là những bạn mới quen.

Buổi tối họp mặt ở nhà Trần Đệ là một buổi trò chuyện ngẫu hứng, hào sảng, mang nhiều sắc thái do tính cách đa dạng, phóng khoáng của những người tham dự, có không khí khác hẳn với những buổi trò chuyện nặng mầu sắc chính trị mà chúng tôi từng tham dự.

Chúng tôi cũng được mời đến ăn tối cuối tuần ở nhà Nguyễn Hữu Liêm mấy lần nữa, có thêm vài người bạn khác, thường là vợ chồng Trần Đệ. Có lần chúng tôi gặp vợ chồng ca sĩ Ái Vân ở đây. Ái Vân vẫn nhỏ nhắn, xinh đẹp và hát hay khi chị hát vài bài theo yêu cầu của mọi người. Chồng Ái Vân là ông Tiến, nghe nói trước đây du học ở Đức, bây giờ là doanh nhân có về làm ăn trong nước. Ông Tiến bề ngoài khô khan, gần như lạnh lùng nhưng khi trò chuyện cũng cởi mở, nói nhiều, không dè dặt. Ba cặp vợ chồng này có lẽ khá thân nhau.Trước đây không lâu, Liêm đã tổ chức một buổi ra mắt đĩa DVD ca nhạc của Ái Vân tại nhà mình, mời khá đông bạn bè, có mời cả ông tổng Lãnh sự Việt Nam ở San Francisco đến dự.

Tôi thấy Nguyễn Hữu Liêm là một con người bản lĩnh, biết rõ mình muốn gì, làm gì và không e ngại dư luận. Buổi ra mắt đĩa DVD của Ái Vân, anh công khai viết bài tường thuật trên báo. Trong những vấn đề của cộng đồng có những ý kiến trái ngược, anh thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình, không ngại va chạm với đám đông. Chưa nói đến chuyện đúng sai, đồng tình hay không, thái độ của anh là thái độ của một người dám xác tín về suy nghĩ và việc làm của mình. Anh cũng là người có máu nghệ sĩ, thích hát, “chuyên trị” nhạc bolero và có những bài viết rất hay về Trịnh Công Sơn. Tuy chính kiến của anh và tôi có nhiều điểm khác nhau nhưng qua nhiều lần gặp gỡ trò chuyện, cả với vợ anh, có thể nói chúng tôi đã trở thành bạn với tình cảm quý mến.

(Sau này khi tôi đã về nước, Nguyễn Hữu Liêm được mời về dự hội nghị Việt kiều và viết một bài tường thuật “Nơi giữa Đại Hội Việt Kiều: Một nỗi bình an” đăng ở talawas gây ra phản ứng dữ dội trên mạng. Tôi cũng đã viết thư ngỏ góp ý với anh (bài “Từ triết lý đến cảm xúc, giải pháp cá nhân và con đường đi lên của dân tộc.”). Tôi biết anh muốn về nước, hợp tác làm được điều gì đó có ích. Chỉ mong anh luôn vững vàng, không bị mua chuộc hay khuất phục để có thể thực sự đóng góp được cái gì cho đất nước nhưng không rơi vào vòng kềm tỏa của guồng máy độc tài toàn trị, trái ngược với ý thức dân chủ và tinh thần tự do mà anh đã tiếp thu tên đất Mỹ.)

Anh chị bạn chủ nhà lúc nào có dịp lại tạo điều kiện cho tôi hiểu thêm về các sinh hoạt trên đất Mỹ, trong đó có buổi biểu diễn kỷ niệm 30 năm thành lập của một trường múa và tham quan một nhà máy xử lý nước thải.

Buổi biểu diễn nghệ thuật Recital 2009 kỷ niệm 30 năm thành lập của trường múa Jensen School for the Performing Arts tổ chức ở Santa Clara Convention Center Theater. Khán giả phần lớn là phụ huynh của các học sinh trường múa. Cô bé cháu nội của anh chị bạn tôi học ở trường này đã được 6 năm. Buổi diễn quá nhiều tiết mục, có múa đơn, múa đôi hay biểu diễn theo từng nhóm với các độ tuổi khác nhau, từ 5-7 tuổi cho đến thanh niên, gồm vài trăm diễn viên nam nữ. Có mấy tiết mục đặc biệt, học viên múa với bố mẹ của mình và tiết mục riêng của các giáo viên dạy múa. Tôi không hiểu lắm về các điệu múa, chỉ biết họ đã tập luyện rất công phu và biểu diễn tương tự như trên phim ảnh. Điều nhận xét là các bậc phụ huynh ở Mỹ rất quan tâm đến việc cho con đi học các môn nghệ thuật từ bé. Nhờ thế các em lớn lên dù không theo đuổi cũng có cảm thụ tốt về nghệ thuật. Điều đó làm phong phú tâm hồn và cũng là một chỉ dấu của trình độ văn minh.

Cùng lúc với buổi biểu diễn, có một lễ hội gì đó của người Ấn Độ ở tầng dưới. Tôi ngạc nhiên thấy tất cả mọi người đến dự đều mặc quốc phục, đặc biệt phụ nữ với những chiếc xà rông nhiều màu sặc sỡ và cách trang điểm nhìn qua biết ngay là người Ấn Độ. Tôi không biết trong các lễ hội của người Việt ở đây người ta có ăn mặc quần áo đặc trưng của dân tộc không. Tôi nghĩ cũng khó vì ngay ở trong nước, ngoài áo dài của phụ nữ mà không phải ai cũng mặc, đối với đàn ông, y phục không có gì đặc biệt. Ở nước ngoài, người Việt rất dễ bị lẫn với nhiều dân châu Á khác. Người Ấn Độ làm như thế quả biết giữ gìn bản sắc và truyền thống của mình.

Nhà máy xử lý nước thải – Water Pollution Control Plant của thành phố San Jose và hạt Santa Clara có kế hoạch tổ chức cho cư dân trong vùng tham quan để trưng cầu ý kiến về việc tu sửa, mở rộng nhà máy đã có hơn 50 tuổi. Họ gởi bản kế hoạch đến từng nhà và phổ biến trên báo chí, ghi rõ mục đích là “khám phá vai trò của bạn, của chúng ta trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và vùng đất ẩm phía nam vùng Vịnh”. Ai muốn đi phải đăng ký trước ngày giờ theo lịch của họ sắp xếp trong thời gian kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10/2009 vào các ngày thứ năm, thứ bảy đầu tiên và thứ ba trong mỗi tháng. Chị chủ nhà đã đăng ký và đến ngày đưa chúng tôi đi.

Trước khi đi tham quan, mọi người được mời vào phòng họp của nhà máy. Các nhân viên thuyết trình về hoạt động và ý đồ phát triển của nhà máy, bao gồm cả việc xây dựng một khu du lịch sinh thái ở vùng đất chung quanh. Họ phát cho người tham dự một bảng trưng cầu ý kiến theo kiểu trắc nghiệm về từng chi tiết để mọi người đánh dấu hay ghi ý kiến cụ thể vào. Sau đó khách được mời ra hai xe bus đậu phía trước. Quả thực phải đi xe bus vì đây là một khu vực rộng mênh mông với rất nhiều đường đi lại bên trong. Trên xe có hướng dẫn viên giải thích từng công trình khi xe chạy qua, thỉnh thoảng dừng lại để xem kỹ những nơi quan trọng. Những bồn nước cao khổng lồ hình tròn màu trắng, những bể chìm hình chữ nhật rất lớn san sát nhau, nước cuộn sùng sục, từ chỗ đen ngòm đến lúc trong vắt. Nhiều loại máy đặc biệt, lạ mắt đang vận hành, chưa kể các công trình ngầm dưới lòng đất. Xe chạy phải gần một giờ mới lướt qua các công trình chính. Sau đó người ta còn chở khách ra ngoài phạm vi nhà máy, dọc theo đường thoát nước ra vịnh là một khu đất đầm lầy cỏ lấp xấp có nhiều loài chim sinh sống. Chuyến đi tham quan này cho thấy cách làm việc của cơ quan nhà nước rất coi trọng ý kiến của người dân vì chính người dân đóng thuế cho các cơ quan này hoạt động. Đây là một biểu hiện cụ thể của nền dân chủ Mỹ.

Chúng tôi lại được mời đến nhà Bùi Như Mai – Trần Kim Long chơi, gặp mặt lần nữa các bạn của đôi vợ chồng này. Mai coi tôi như người anh. Long cũng đã khá thân. Vì nhà ở gần nên lúc rảnh rỗi anh mời tôi sang uống café, chỉ mất 10 phút đi bộ. Long đơn giản, chân chất, rất băn khoăn phiền muộn về những chính sách và cách hành xử tồi tệ trong nhiều vấn đề của nhà cầm quyền trong nước. Các bạn của Long hỏi tôi có lạc quan không, tôi trả lời tôi luôn luôn lạc quan, không phải vì tình hình có thể thay đổi nhanh mà vì tôi luôn tin tưởng cái thiện sẽ thắng cái ác và dân tộc Việt Nam sẽ vươn lên khi tìm lại được sức mạnh của mình. Nếu toàn dân tộc, không phải chỉ một nhóm người, chưa ý thức được điều đó thì phải chấp nhận số phận của mình, không thể khác được. Dĩ nhiên không phải ngồi yên chờ thời, mà mỗi người, đặc biệt là tầng lớp tinh hoa, phải làm những gì có thể để thúc đẩy tình hình nhưng không nên quá ảo tưởng, sốt ruột hay bi quan thất vọng. Vài người trong nhóm bạn này tỏ ra ngạc nhiên về thái độ của tôi. Họ không hiểu sao một người ở trong nước, từng bị trù dập như tôi, lại có thể có tinh thần lạc quan như vậy, hầu như trái ngược với cách suy nghĩ của nhiều người ở ngoài này.

Mai – Long rủ chúng tôi đi thăm Việt, một bạn thân của hai người, ở thành phố Berkeley. Nhà Việt ở một khu cao cấp trong rừng. Nhà ở khu này rất đẹp, yên tĩnh, tôi thấy đường vào lái xe rất khó nhưng đối với cư dân ở đây họ đã quen, xem như bình thường. Nhà ở sườn núi, từ đường phía ngoài muốn vào phải đâm xuống một đoạn ngắn rất dốc và cong. Xuống đến nơi là giang sơn riêng của mình, chẳng ai quấy nhiễu. Việt cùng lứa tuổi với các bạn nhưng tóc bạc trắng, tuy vậy khuôn mặt vẫn trẻ. Vợ đi vắng, anh tự mình làm bếp đãi khách món spaghetti rồi sau đó đưa mọi người đi thăm một vài nơi ở Berkeley.

Trước đây đã có lần Thái Anh đưa chúng tôi lên Berkeley Hills nhưng vì hôm đó trời mưa nên chỉ dừng lại ngắm đôi chút rồi xuống ngay. Lần này trời nắng đẹp, Việt dừng xe ở một vista point. Nơi đây có thể nhìn toàn cảnh vùng Vịnh với hai chiếc cầu dài bắc qua mặt nước mênh mông phía xa xa và thành phố Berkely dưới chân núi. Có lẽ vì điểm nhìn thơ mộng, lại nằm bên cạnh trung tâm nghiên cứu toán học nên chỗ này được gọi là Inspiration Point, hàm ý có thể gây cảm hứng cho cả văn học nghệ thuật và khoa học. Chúng tôi xuống chụp hình trong ánh nắng chiều chói chang làm nheo cả mắt.

Đại học Berkeley chúng tôi đã đến mấy lần nên không vào, chỉ chạy vòng các khu phố chung quanh và đến xem hai công viên Willard Park và People Park. Ngày trước, dân địa phương thường gọi công viên Willard ParkHo Chi Minh Park vì đây là nơi tụ tập và xuất phát các cuộc biểu tình phản chiến trong thập niên 60 và 70. Công viên People Park ra đời vào cuối thập niên 60 với những họat động chính trị cấp tiến và nay trở thành một cái mốc (landmark) của thành phố. Đây chỉ là một công viên nhỏ, ngày trước sinh viên thường tụ tập để tổ chức biểu tình phản chiến. Bây giờ đặc biệt tập trung rất đông những người vô gia cư. Họ nằm, ngồi trên bãi cỏ, ghế đá, hay ngồi bên đường xin tiền người qua lại. Những người này phần lớn ăn mặc bẩn thỉu, râu tóc xồm xoàm, gia tài chỉ có chiếc ba lô hay túi xách nhếch nhác. Đây có lẽ là nơi tập trung đông nhất những người vô gia cư này mà tôi đã từng thấy. Những người này là một vấn nạn lớn đối với nước Mỹ. Tuy chính phủ có lo cho họ chỗ ăn ở nhưng một số không chịu vào sống trong đó, họ thích lang thang ngoài đường, phần lớn là những người nghiện ma túy hay bị tâm thần. Thỉnh thoảng ở các ngả tư có đèn đỏ hay trên các hè phố sang trọng có người cầm bảng ghi cần giúp đỡ và cầu chúa phù hộ cho những người hảo tâm là một sự tương phản nhói lòng. Không biết bao nhiêu người Mỹ vượt qua những kẻ đó nghĩ gì. Có lẽ nó đã trở thành chuyện thường ngày không làm người ta cảm xúc.

Tiếp theo công viên People Park, trên đường Haste có bức tường dài với một tranh vẽ trên tường “mural” rất đặc biệt, chịu ảnh hưởng của họa sĩ nổi tiếng người Mexico Diego Rivera. Tường cao khoảng 5 mét, dài gần 20 mét, được vẽ bằng sơn đặc kín. Nhìn nội dung có thể biết nó được vẽ khoảng đầu thập niên 80 (nội dung về các sinh họat xã hội và chính trị cuối thập niên 60 và 70) thế kỷ trước, qua hơn 25 năm vẫn còn gần như nguyên vẹn, không bị bôi xóa hay làm bẩn, chỉ có hơi phai mờ theo thời gian. Các hình vẽ cho thấy sự phản đối của người dân đối với chính quyền Mỹ về nhiều vấn đề, trong đó có cuộc chiến ở Việt Nam. Hình lá cờ Mặt Trận Giải Phóng nửa đỏ nửa xanh khá lớn và hình bé Kim Phúc bị bom napal đốt cháy trần truồng chạy trốn trên đường vẫn còn rõ nét. Những hình ảnh này cũng thể hiện quyền tự do bày tỏ chính kiến của người Mỹ. Tuy rằng người ta có thể có quan điểm khác hay đối lập nhau nhưng việc lưu giữ bức tranh này qua thời gian lâu dài như thế cho thấy người ta tôn trọng quyền tự do của người dân và chiến tranh Việt Nam là một vết thương sâu trong lòng người Mỹ.

Ít lâu sau, Mai – Long mời chúng tôi đi xem Chương trình nhạc gây quỹ hàng năm có tên Mùa Thu cho Em 15 của VNHELP, tổ chức tại Santa Clara Convention Center Theater, nơi chúng tôi đã xem múa trước đây. Thành lập từ năm 1991, Quỹ Y tế Giáo dục Văn hóa VNHELP là một tổ chức thiện nguyện, bất vụ lợi, nhằm trợ giúp trẻ em, gia đình và các tổ chức tại Việt Nam về mặt y tế, giáo dục và văn hóa, đồng thời khuyến khích trao đổi khoa học, kỹ thuật và văn hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Giám đốc điều hành của tổ chức này là Đỗ Anh Thư, kỹ sư công nghệ thông tin, cựu sinh viên đại học Berkeley. Trong những tổ chức truyền thông bảo trợ cho chương trình ca nhạc thấy có Little Saigon TV, New Life Media, Inc., Saigon TV và hai tờ báo VTimes của Trần Đệ, Việt Tribune của Nguyễn Xuân Hoàng. Mai – Long có chân trong tổ chức này. Mai cho biết trước đây hoạt động của tổ chức và những buổi ca nhạc gây quỹ cũng bị chống đối, gây khó khăn nhưng hiện nay đã trở nên bình thường.

Tham gia chương trình có các ca sĩ ở Mỹ Đức Huy, Khánh Ly, Tuyết Minh, ban nhạc Phượng Hoàng, MC Thanh Tùng. Đặc biệt ca sĩ trong nước ra có Đức Tuấn, giải nhất Tiếng Hát Truyền Hình năm 2000, một giọng hát trẻ mạnh mẽ, trầm ấm và điêu luyện, chỉ sang Mỹ để biểu diễn trong chương trình này năm nay và năm ngoái. Khán giả đầy kín nhà hát. Sân khấu đơn sơ, không nhiều đèn đóm màu mè. Các ca sĩ trò chuyện với khán giả một cách gần gũi, thân tình. Buổi ca nhạc không hoàn toàn là một buổi trình diễn mà là cơ hội giao lưu giữa ban tổ chức, ca nhạc sĩ và khán giả. Đặc biệt khán giả đã cùng vỗ tay và hát với Khánh Ly mấy bài trong Ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn, nhất là bài “Gia tài của mẹ”.

Tôi đã đọc trên các website và báo chí hải ngoại nhiều bài phê phán, chống đối Trịnh Công Sơn rất dữ dội nhưng không khí ở đây cho thấy không phải mọi người đều nghĩ như thế. Có thể trên quan điểm chính trị, trước đây, cả hai phía chiến tranh, và hiện nay, nhiều người không tán thành Trịnh Công Sơn nhưng không ai có thể phủ nhận tài năng của ông, nhất là qua những bài hát về tình yêu và thân phận, kể cả những bài hát phản chiến mà ca từ mê hoặc với chất thơ đượm triết lý, suy tư sâu lắng, chạm đến hồn người. Theo tôi, Trịnh Công Sơn trước hết và sau hết vẫn chỉ là một nhạc sĩ thiên tài, một nghệ sĩ, một người tình mê đắm đi giữa cuộc đời trầm luân của dân tộc. Tuy thái độ chính trị của ông, có thể hiện trong một vài sáng tác, cho thấy đôi lúc ông hơi “xu thời” nhưng đó chỉ là để tồn tại trong guồng máy chiến tranh và một xã hội khắc nghiệt. Về phương diện này ông không “cao cả” như người ta đòi hỏi nhưng có thể cảm thông. Ông chưa bao giờ là bồi bút, văn nô rẻ tiền cho chế độ chính trị nào như biết bao văn nghệ sĩ khác. Tác phẩm của ông mới là cống hiến giá trị nhất cho đời. Âm nhạc của ông đã đồng hành với những người cùng thế hệ, như người bạn tâm tình thân thiết, tài hoa với biết bao rung cảm và còn có thể chảy lâu trong dòng đời với nhiều thế hệ kế tiếp.

Trong những ngày sắp rời nước Mỹ, Trần Kim Long lại đưa chúng tôi đi thăm một vài nơi nữa, có người bạn thân là Nguyễn Duy Nam cùng đi. Nam là một nhân vật gây ấn tượng mà chúng tôi đã gặp hai lần ở nhà Mai – Long. Một người thấp bé, đeo kính cận nặng, râu không cạo, chuyên mặc quần jean cũ bạc mầu rách ở đầu gối, nhìn bề ngoài không ra vẻ gì trí thức, được giới thiệu là một trong những sinh viên xuất sắc ở University of Chicago trước đây. Anh sống độc thân, không làm việc gì nhất định mà lang thang như một nghệ sĩ bụi đời. Long lái xe đưa chúng tôi đi Monterey Bay Aquarium và sau đó là 17-Mile Drive ở Pebble Beach. Từ Milpitas đến đó mất có thể đến 3 giờ lái xe.

Nhà bảo tồn sinh vật biển Monterey Bay Aquarium xây dựng đã 25 năm, nằm ngay trên bờ biển, có hai tầng rộng lớn. Nhiều bể kính lớn nhỏ nuôi các loại cá bơi lội gần như trong môi trường tự nhiên, đặc biệt có nhiều người xem là cá mập trắng, chim cánh cụt và hải cẩu. Đến giờ được thông báo, khách tập trung xem nhân viên cho chim cánh cụt và hải cẩu ăn. Họ vào hẳn nơi ở của các con vật này mang thức ăn cho chúng, bên ngoài có người thuyết minh về các đặc điểm của loài sinh vật này và sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của khách. Đây là bài học về sinh vật hết sức thú vị, nhất là đối với trẻ em. Xem xong, chúng tôi lên sân thượng ngắm biển một lúc rồi ra về. Trên các con đường chung quanh khu vực này, chúng tôi thấy có đường phố mang tên nhà văn John Steinbeck và một tượng của ông, thể hiện một người đàn ông đứng tuổi có khuôn mặt hơi dài, thông minh và cao quý. John Steinbeck sinh ở Salinas, gần Monterey và lớn lên ở Monterey. Vùng đất này là bối cảnh của hầu hết những truyện của John Steinbeck như Tortilla Flat, Cannery Rows, The Grape of Wrath, East of Eden, Of Mice and Men, một số cuốn đã được dịch ra tiếng Việt. Nhà văn đã làm vinh dự cho một vùng đất hay vùng đất biết quý trọng tài năng, hãnh diện là nơi đã cưu mang và từng in dấu chân nhà văn. Cả hai đều là dấu chỉ của một xã hội có văn hóa.

Đi tiếp không xa lắm, chúng tôi đến vùng gọi là Pebble Beach nằm dọc theo bờ biển giữa hai thành phố Monterey và Carmel. Đây là vùng được xem là “nơi gặp gỡ lớn nhất giữa đất và nước trên thế giới” với vẻ đẹp hài hòa của rừng và biển, nơi có những sân golf nổi tiếng và là chỗ sinh sống của cư dân giàu có. Trong khu vực này có con đường dài 17 dặm gọi là 17-Mile Drive chạy dọc theo bãi biển và vòng vèo bên trong, đi qua 21 điểm đáng xem là những cảnh trí đẹp, các vista point hay sân golf. Điều buồn cười là trên con đường vào khu nhà giàu này có cổng chắn từ các phía, thu tiền đường khi khách lạ lái xe đến tham quan, nhưng nếu vào nhà hàng ăn trả $25 trở lên sẽ được trả lại tiền đó. Long lái xe lướt qua một số nơi trên con đường xuyên rừng mát mẻ với những biệt thự sang trọng rồi quay ra trở về vì trời đã chiều và đường còn xa. Hai bạn Long, Nam đã dành cho chúng tôi trọn một ngày cho chuyến đi này.

Lần trước đi Santa Rosa, các con của ông Anh Linh mời chúng tôi đi bắt ốc vòi voi nhưng vì phải dậy sớm quá nên chúng tôi không đi nổi. Chúng tôi về kể lại cho anh chị bạn chủ nhà nghe. Các bạn tôi ở Mỹ khá lâu nhưng cũng chưa biết chuyện này nên họ cũng muốn đi xem. Chúng tôi liên lạc lại với ông Anh Linh để hẹn ngày. Không phải muốn đi bắt vào ngày nào cũng được mà mỗi tháng chỉ có thể bắt vào hai ngày thủy triều xuống thấp nhất, lúc nước triều chưa lên. Chị bạn tôi hăng hái dậy sớm đốc thúc mọi người. Mới 4 giờ sáng chúng tôi đã khởi hành để tới nơi trước 6 giờ, có thêm vợ chồng Trung – Hương cùng đi.

Ông Anh Linh hẹn chúng tôi ở gần nhà rồi đưa đến gặp người sẽ đi bắt vòi voi lần này. Hóa ra lại là vợ chồng Tuấn đã đưa chúng tôi đi chơi ca nô lần trước.Trung lái xe theo xe Tuấn ra một bãi biển có tên Dillon Beach lúc trời còn mờ sáng. Đây là một khu tắm biển, cắm trại của dân quanh vùng. Có khá nhiều xe và lều bạt rải rác. Khu bắt vòi voi ở sâu vào bên trong, sau mấy đồi cát lô nhô có một ít cỏ mọc. Chúng tôi tìm chỗ đậu xe và vợ chồng Tuấn lập tức chuẩn bị đồ nghề xuống nước. Đồ nghề chẳng có gì nhiều, chỉ là một ống nhựa lớn, chắc, đường kính khoảng 5 tấc, dài 1 mét, thêm cái tô, cái xẻng để đào cát và một xô để tát nước và đựng vòi voi.

Lúc này trời đã hửng sáng, thủy triều trên bãi biển còn rút ra ngoài xa để lộ bãi cát rộng ẩm ướt và không dốc lắm. Một số nhóm người khác cũng đang “hành nghề’ rải rác trên bãi, tất cả đều là người Việt. Chúng tôi đi chỗ này chỗ kia xem họ làm. Đầu tiên họ đi dọc trên bãi biển, nhìn xuống cát thấy có những lỗ nhỏ do vòi voi ở dưới sâu thở làm phì bọt lên, họ dùng cây cắm vào đánh dấu. Sau đó họ làm từng lỗ. Đầu tiên dùng cái ống nhựa để lên lỗ nhỏ và ấn mạnh xuống, chỉ sâu được chừng vài tấc, họ phải dùng xẻng đào chung quanh để có thể ấn xuống sâu hơn. Phía trong ống họ dùng tay hay tô, gáo gì đó móc cát ra, tới chỗ có nước phải dùng xô múc nước đổ ra, làm cho đến lúc có thể chạm tới con vòi voi, cầm lôi nó lên. Nói nghe đơn giản nhưng làm rất vất vả vì vòi voi ở rất sâu, có khi hơn một mét, người ta phải chui đầu vào trong ống luồn hẳn người vào, chổng mông, chổng chân lên trời để đào. Chui sâu quá, ống hẹp nên người chui không tự ra được mà phải có người ở ngoài cầm chân kéo ra. Trời sớm, nước lạnh nên người ta run cầm cập, có người mặc quần đùi cởi trần, có người mặc nguyên quần áo. Đôi khi con vật nằm quá sâu, lôi lên bị đứt, chỉ có cái vòi, không có thân.

Vòi voi là một giống ốc biển, vỏ giống con hến và cứng, to trung bình khoảng bằng bàn tay, vòi lúc vươn ra dài hơn một tấc, có cái đầu đen đen giống vòi con voi, đúng ra giống hệt “của quý” của đàn ông. Người ta nói ăn thịt con này “bổ dương”, chẳng hiểu có đúng không nhưng bán ở thị trường khá đắt. Thịt vòi voi có thể luộc, xào hay nấu cháo đều ngon. Bắt vòi voi ở đây phải có license, mỗi lần một người bắt không quá 10 con, nếu bắt quá sẽ bị phạt nặng.

Trời sáng dần, nước thủy triều lên ngập không thể bắt được nữa. Vợ chồng Tuấn bắt được hơn chục con. Mọi người kéo nhau lên bờ. Tuấn lái chiếc xe tải có chở theo lò nướng, bia, nước ngọt và chuẩn bị sẵn cánh gà, thịt bò nướng đãi chúng tôi. Tuấn cũng tặng chúng tôi vài con vòi voi đem về ăn cho biết mùi. Quả thật bắt được con này không dễ nên chỉ có người Việt mới chịu khó đi làm như thế này. Người Mỹ đến đây tắm biển và cắm trại nghỉ mát. Chúng tôi chụp được rất nhiều hình về công việc độc đáo này.

Một sinh hoạt đặc biệt của dân Mỹ mà chúng tôi cũng có dịp tìm hiểu là garage sale, bán hàng ở ga ra. Dân Mỹ mua sắm nhiều, đồ dùng không hết nên đem bỏ vào ga ra. Nhiều nhà ga ra thành nhà kho còn xe để ngoài đường. Lâu ngày ga ra hết chỗ, họ phải mở cửa đem ra bán bớt những thứ không muốn giữ. Thường người ta mở vào cuối tuần, bán rẻ gần như cho vì người ta muốn tống khứ các thứ đồ cũ đi. Cũng có những đồ mới nhưng không bao giờ dùng tới. Những người nghèo có thể đi lùng mua những thứ cần thiết với giá rẻ. Việc bán garage sale thường lẻ tẻ tùy chủ nhân. Anh chị bạn thỉnh thoảng chở chúng tôi đi đây đó thấy nơi nào có bán ghé vào xem cho biết. Tôi cũng mua được một bộ dao mấy chục con lớn nhỏ chưa dùng tới còn nguyên trong bao, được quảng cáo bảo đảm 20 năm không cần mài vì lưỡi có răng cưa. Giá chỉ có $3.

Đặc biệt thành phố Cupertino tổ chức ngày garage sale cho toàn thành phố hàng năm rất quy mô. Việc bán được quảng cáo trên mạng, có bản đồ, ghi rõ số nhà, đường và các loại vật dụng rao bán. Anh bạn Trung lấy xuống in ra đến mấy chục trang. Người ta bán đủ mọi thứ trên đời, từ những thứ to lớn cồng kềnh như giường, tủ, ghế xa lông, đàn piano, cho đến dụng cụ nhà bếp, quần áo, đồ chơi cho trẻ em, đồ thể thao, sách báo, tranh ảnh, tượng, giày dép, xe đạp … Vợ chồng Trung rủ anh chị bạn và chúng tôi làm một chuyến đi garage sale này, cách chỗ chúng tôi ở chừng một giờ lái xe. Đến nơi chạy vòng vòng thấy có đường nhiều nhà liên tiếp mở ga ra bầy đồ ra sân, người đi mua cũng đông, phần lớn là dân da màu, nhộn nhịp như phiên chợ. Một số nhà dùng tiền bán này để góp gây quỹ gì đó. Các bạn đi xem và mua một số thứ linh tinh. Tôi cũng chọn được một đồ vật đặc trưng của Mỹ để làm kỷ niệm. Đó là một chiếc ba lô đi picnic có hai ngăn, trong có sẵn dụng cụ để ăn uống ngoài trời gồm hai đĩa, hai muỗng, hai ly, hai dao, hủ đựng tiêu muối. Phía ngoài, một bên có túi vải lót bông có thể đựng chai rượu nhỏ, bên kia là tấm vải bạt cuốn tròn gọn gàng, khi mở ra trải làm chỗ ngồi trên cỏ. Đúng là một vật dụng để đi chơi ngoài trời lý tưởng cho hai người. Bà già người Mỹ bán hàng bảo con tặng cho bố mẹ nhưng bố mẹ già không dùng tới. Chúng tôi chưa già bằng bà, hi vọng cũng có thể sử dụng vài lần với thứ này. Giá $10 không bớt!

Thời gian ở Cali, chúng tôi còn có dịp gặp lại những người quen biết cũ và những người mới quen. Đối với những người mới quen mà chúng tôi không biết rõ về họ nhưng thấy họ tỏ ra quý mến mình, mời đến nhà, đi chơi đây đó hay đi uống café, chúng tôi cũng nhận lời.

Ông Quý đưa chúng tôi đến xem trung tâm thương mại Santana Row của người Mỹ da trắng ở San Jose, toàn những cửa hiệu sang trọng, khác hẳn khu đông người Việt. Ông Trí thích nói chuyện chính trị và có những phân tích rất sâu sắc, hơn hẳn một số người chuyên hoạt động có tiếng tăm. Anh Thượng lại không thích nói chuyện chính trị, chỉ nói về những công việc ngày trước anh đã làm ở trong nước. Ông Ngô Đình Chương, một nhà thơ, có ngôi vườn rộng với những cây lê, cây táo trĩu quả quyến rũ, tha hồ cho cô Giới và BY hái ăn tại chỗ và mang về.

Ông Ngô Văn Bằng, người đã từng dạy tôi ở Đại học Sư Phạm. Ông cũng học ở Đại Học Sư Phạm Huế, trước tôi 5 khóa, tốt nghiệp loại xuất sắc, được giữ lại làm phụ giảng. Tôi mới liên lạc với ông cách đây vài năm nhân việc cựu sinh viên và giáo sư tổ chức đại hội và làm tập kỷ yếu kỷ niệm 50 năm thành lập Đại Học Sư Phạm Huế ở Mỹ. Nghe ông đau yếu, tôi đã giới thiệu với ông phương pháp “Năm thức Tây Tạng” trong cuốn sách “Suối nguồi tươi trẻ” mà tôi đã từng tập. Ông tập có hiệu quả rõ rệt, sau một thời gian 6 tháng, ông có thể bay những chuyến bay đường dài như trước kia mà có lúc ông đã phải giã từ phương tiện này đến 5, 6 năm. Ông vẫn thường trao đổi với tôi về kết quả tập luyện và sự kiên trì trong việc giữ gìn sức khỏe và thỉnh thoảng thăm hỏi các sinh viên cũ. Ông qua đây, trước có làm tờ báo Phật Giáo là tờ Chánh Đạo, nay vì mắt kém, phải “nghỉ hưu”, chỉ phụ giúp việc nhà để bà xã có toàn thời gian làm tờ Phụ Nữ Cali. Có lần ông mời chúng tôi về nhà dùng cơm và cùng đi chơi với một bạn học cũ của tôi ở Đại Học Sư Phạm là Nguyễn Kim Chương, sang đây đi học lại và cũng tiếp tục làm thầy giáo.

Tờ Phụ Nữ Cali mấy năm trước có đăng một số trích đoạn trong tác phẩm “Mảnh trời xanh…” và một hồi ký của tôi về thời sinh viên. Hồi ký này tôi gởi cho Kỷ yếu Đại Học Sư Phạm Huế nhưng không được chọn đăng, có lẽ do không hợp với tính chất “mô phạm” của ấn phẩm này, dù tôi đã từng là chủ tịch Ban Đại Diện Sinh Viên ĐHSP. Trong hồi ký, tôi có nhắc đến việc tôi tỏ tình với một nữ giáo sư Anh văn ở Đại Học Văn Khoa lúc tôi học thêm các chứng chỉ bên Văn Khoa. Nữ giáo sư của tôi là một phụ nữ trí thức xinh đẹp, mảnh mai, thanh lịch, tốt nghiệp ở nước ngoài và nói tiếng Anh lảnh lót như tiếng chim rừng. Năm đó là năm cuối ở đại học và tôi bị tù hơn nửa niên khóa. Khi ra tù đi học lại, ngay trong giờ học đầu tiên, tôi “trình” lên giáo sư một bức thư tình. Tôi viết lá thư này khi nằm trên sàn nhà ẩm ướt lạnh cắt thịt của trại giam mùa đông xứ Huế, tôi không ngủ được và mơ về những giấc mơ hư ảo với những ước muốn điên rồ để thoát ra khỏi thực tại khốn cùng. Bà chăm chú đọc xong thư, không nói gì, chỉ nhìn tôi một lúc lâu sau cặp kính cận thị màu xanh nhạt với vẻ dò hỏi và một chút xúc động rồi lặng lẽ cất lá thư vào trong cuốn sách. May mà tôi không rớt chứng chỉ này, lại còn đỗ thứ hạng khá cao. Nữ giáo sư Anh văn của tôi là phu nhân của giáo sư khoa trưởng. Ôi, một thời tuổi trẻ ngang tàng và lãng mạn.

Một hôm ông Đoàn Thanh Liêm mời chúng tôi đi uống café. Tôi đã biết tiếng ông Liêm qua những bài viết của ông về công tác xã hội và cả những hoạt động xã hội ngày xưa của ông ở Sài Gòn lúc còn sinh viên. Ông ở Nam Cali nhưng có con gái ở Milpitas gần chỗ chúng tôi ở nên khi lên thăm con, ông liên lạc đến đón chúng tôi đi. Ông có một người bạn cũ cũng vừa ở Việt Nam sang chơi. Ông đưa chúng tôi đến quán café M hình như khá nổi tiếng ở San Jose, phía trước có hai con sư tử đá. Quán có hai phần, trong nhà và ngoài hiên nhưng khách thích ngồi phía ngoài hơn vì có thể hút thuốc. Quán có mấy màn hình lớn đang chiếu các trận đấu bóng đá và người ta chơi cá độ. Khách đông đến nỗi kiếm được chỗ ngồi cũng khó khăn. Khói thuốc mù mịt và tiếng nhạc ầm ĩ. Giới viết lách, làm báo tập trung ở đây khá đông. Chúng tôi được giới thiệu với nhiều người nhưng chỉ bắt tay hay chào hỏi qua loa chứ không chuyện trò gì được vì rất ồn ào chật chội. Có ông Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh tôi đã nghe tiếng, đã đọc một số bài viết của ông trước đây, có vẻ là người cao niên nhất. Ông Cao Sơn làm chủ bút một tờ báo. Ông Cao Sơn ngồi cạnh tôi, nói chuyện nhiều. Hóa ra ông Đoàn Thanh Liêm và ông đều có gặp rắc rối trong vụ liên quan đến Câu Lạc Bộ Kháng Chiến của ông Nguyễn Hộ ở Sài Gòn, người bị tù có án, người không có án.

Nhân một buổi đi xem triển lãm tranh của họa sĩ Đào Hải Triều cùng với Nguyễn Hữu Liêm, chúng tôi gặp lại ông Trương Vũ. Ông có con gái ở San Jose. Các con ông Trương Vũ rất thành đạt và sống ở nhiều tiểu bang nên ông bà thỉnh thoảng đi đây đó thăm các con. Nghe nói trong nhà ông các con và dâu, rể có đến 6 tiến sĩ và bác sĩ. Ở đây tôi cũng gặp anh Trương Xuân Mẫn, trước là nhạc sĩ ở Sài Gòn chuyên sáng tác nhạc cho thiếu nhi, đã có lần cùng bạn đến thăm tôi ở Đà Lạt. Anh Mẫn hiện là phóng viên ảnh của báo Việt Tribune.

Ông Trương Vũ mời chúng tôi đến ăn trưa ở nhà con gái, có thêm mấy người khách là ông bà Nguyễn Xuân HoàngNguyễn Hữu Liêm. Tôi đã đọc Nguyễn Xuân Hoàng từ hồi ông viết văn, làm báo ở Sài Gòn. Hiện nay ông đang làm tờ Việt Tribune. Vợ ông là chủ nhiệm của báo này. Ở Mỹ tôi đã gặp mấy cặp vợ chồng đều làm báo, người chủ nhiệm, người chủ bút, quả thật tiện lợi. Nói chuyện, hóa ra Ông Hoàng đã từng học ở đại học Đà Lạt. Ông kể kỷ niệm thời sinh viên, lúc mới lên Đà Lạt, đã phải đánh lộn với bọn “xã hội đen” và suýt trở thành “đại ca”. Mấy năm trước, lúc ông qua Pháp, bị tai biến nặng, tưởng không qua khỏi, chỉ qua một đêm mà tóc bạc trắng nhưng bây giờ ông đã khỏe lại và làm việc bình thường. Tôi nghĩ giữa các ông Trương Vũ, Nguyễn Xuân Hoàng và Nguyễn Hữu Liêm có thể có những quan điểm khác nhau nhưng không vì thế mà họ không phải là bạn bè. Tự do tư tưởng, tôn trọng những ý kiến khác biệt là điều mà nhiều người Việt Nam đã học được khi ở Mỹ nhưng cũng không ít người vẫn muốn độc tài tư tưởng chẳng khác gì cộng sản, chỉ muốn áp đặt chính kiến của mình lên mọi người và đả kích, bôi nhọ, chụp mũ người khác quan điểm.

Vì tiện đường, ông Nguyễn Xuân Hoàng chở chúng tôi về nhà. Trên đường đi, ông bà ghé qua trụ sở tòa soạn Việt Tribune. Tòa soạn nằm trên gác, có hai phòng khá bề thế, chứa đầy máy móc, sách báo. Ông Hoàng tặng chúng tôi một số tờ báo tiêu biểu. Một phóng viên ảnh của tòa soạn đang ở đây cũng chụp một số hình của chúng tôi một cách rất chuyên nghiệp, nói là để làm tư liệu.

Một cuộc gặp gỡ khá đặc biệt là cuộc gặp Lý Tống. Ông Ngoạn – ông già chơi lan, người quen của hai anh em Thoàn – Blue Hương Giang, mà chúng tôi đã có dịp đến chơi, mời hai anh em ông Thoàn và chúng tôi đến nhà ăn cơm. Chúng tôi đến, thấy có thêm mấy người khách nữa, trong đó có Lý Tống. Nguyên Lý Tống trước đã từng thuê nhà của ông Ngoạn và vẫn lấy địa chỉ ở đây. Lại còn một người anh của Lý Tống – một nhà thơ cũng có mặt.

Tôi nghe về Lý Tống đã lâu nhưng hơi bất ngờ khi biết anh là người Huế. Anh khá đẹp trai, trắng trẻo, có vẻ hào hoa phong nhã, thường mặc áo và đội chiếc mũ ca lô của phi công. Anh nói nhiều, hầu như độc diễn trong bàn ăn. Ngoài kể chuyện ở tù cộng sản, tù bên Thái Lan, anh còn than phiền về tình hình bát nháo, chia rẽ của cộng đồng. Anh lấy ra một thanh gươm Nhật dài mới mua và bảo: “Tôi đã có súng nhưng tôi vẫn mua thanh gươm này. Để khi nào có đứa vớ vẩn xông vào nhà tôi, tôi sẽ dùng gươm chặt đầu. Thế chúng nó mới sợ chứ dùng súng quá tầm thường.” Anh còn khoe đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ (về luật hay kinh tế gì đó) và soạn một cuốn tự điển dạy làm thơ ?! Quả là một con người đa dạng.

Anh hỏi tôi nghĩ gì về anh. Tôi trả lời: Không phải mới bây giờ mà ở trong nước từ lâu tôi đã nghe nói về anh, chuyện vượt biên, cướp máy bay rải truyền đơn ở Sài Gòn, bay qua Cuba, cưỡng đoạt máy bay của Thái Lan…Những hành động đó về một phương diện, có thể nói là anh hùng mà chỉ một mình anh chứ không ai khác có thể làm được. Tuy nhiên đối với chế độ cộng sản Việt Nam thì với những hành động đó, dù có đến 10 Lý Tống cũng không làm gì được họ. Anh suy nghĩ một lúc rồi nói: Dù sao những hành động của tôi cũng có tác dụng kích thích người khác bớt sợ hãi, đứng lên chống đối.

Trước khi ra về Lý Tống tặng các người khách mỗi người một tập sách và đĩa DVD có tựa đề “Huyền thoại Lý Tống” ghi lại thành tích của anh và tất cả những bài báo tiếng Anh, tiếng Việt viết về anh. Đúng là một con người đặc biệt.

BY lại gặp một người đặc biệt khác: chị Thu Hoa, chứng nhân của một cuộc tình bi thảm thời chiến. Trong Đặc San 2006 của Khóa 21 Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Đà Lạt ở Mỹ, chị có viết một hồi ký “Tết Mậu Thân và gia đình tôi” nói về chồng của mình là cựu sinh viên sĩ quan khóa này. Chị là người quen của ông Nhất Tuấn, được xem các pps do BY làm cho thơ của ông nên chị đề nghị ông Nhất Tuấn giới thiệu để nhờ BY làm pps cho hồi ký của chị. BY nhận lời và đã làm một pps rất dài, dài nhất so với các pps đã làm, với tựa đề “Chiến tranh và định mệnh”.

Hai vợ chồng trẻ vừa mới có đứa con gái nhỏ, chưa được sống bao lâu với hạnh phúc gia đình. Anh là sĩ quan, xuất thân từ Võ Bị Đà Lạt, thuộc sư đoàn 5 có hậu cứ ở Bình Dương; chị là nhân viên Đài Phát Thanh Đà Lạt. Tết Mậu Thân hai người hẹn gặp nhau nhưng vì trở ngại bất ngờ hai người lạc nhau, chị mang con xuống đơn vị thăm anh trong khi anh lại chạy xe honda về Đà Lạt gặp chị, không gặp được nhau. Ngày hôm sau, xảy ra chiến cuộc Mậu Thân. Hai người mất liên lạc. Ít lâu sau, chị được báo tin anh đã chết và chị phải về đơn vị của anh để được một đồng đội của anh đưa đi tìm xác chồng. Chính người đồng đội này đã cùng đi chung honda với anh về Đà Lạt. Anh này cho biết khi hai người vội vã trở lại đơn vị, hai người chở nhau, chồng chị ngồi sau đã trúng đạn lính Mỹ khi đi qua khu căn cứ Long Bình vì lính Mỹ tình nghi hai người là Việt Cộng do họ mặc thường phục và chạy rất nhanh về hướng Sài Gòn, ngược chiều với dân chạy loạn khi Việt Cộng mở cuộc tấn công bất ngờ. Tình hình hỗn loạn nên xác anh đã bị phơi mưa nắng ba ngày đêm cho đến khi đơn vị xác minh và được cha xứ nơi anh chết chôn cất. Chị và con tìm được anh khi anh đã nằm dưới mộ. Chiến cuộc tiếp diễn, cuộc đời chồng chất khó khăn nên mãi đến sau năm 75 khá lâu, chị mới dành dụm đủ tiền để đến bốc mộ đưa anh về Đà Lạt. Khi đến nơi, chị kinh hoàng được biết, do hoàn cảnh cùng khổ, người dân ở đây đã bốc tất cả mộ vùng này đem chôn chung một nơi khác để lấy đất làm nơi sản xuất. Một lần nữa, hai mẹ con, đứa bé gái bây giờ đã là một thiếu nữ, lại đứng trước mộ chồng và cha, nhưng không thể nào nhìn được mặt hay cả nắm xương tàn của anh trước khi vĩnh viễn chia lìa. Một định mệnh vô phương cứu vãn.

Câu chuyện quá bi thương. BY đã dồn hết tâm huyết làm cái pps này và chị Thu Hoa nói lần nào xem chị cũng không cầm được nước mắt. Nghe tin BY qua Mỹ, chị đã tìm đến gặp gỡ người đã giúp chị thể hiện tâm tình mình bằng những hình ảnh và âm nhạc tuyệt vời quyện với những giòng chữ rướm máu trong hồi ký chị đã viết để chia sẻ với đồng đội cũ của anh. Dĩ nhiên tôi để hai phụ nữ đi chơi riêng với nhau cho dễ tâm sự.

Chúng tôi lại gặp thêm một nhân vật đặc biệt nữa, trên một phương diện khác, ông Nguyễn Gia Kiểng, nhân vật hoạt động chính trị kiên trì thuộc loại bậc nhất ở hải ngoại. Ông Kiểng từ Pháp qua để nói chuyện với một số tổ chức chính trị ở Nam Cali. Trước khi về Pháp, ông đến San Jose để gặp gỡ các chí hữu cũ trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên Bắc Cali đã ly khai. Chúng tôi cũng được mời đến dự mấy buổi gặp mặt này.

Tôi biết ông Kiểng đã lâu, từ hồi ông mới bắt đầu làm tạp chí Thông Luận ở Pháp, một tờ báo thuần chính trị với sự góp mặt của trí thức ở nhiều nước và được nhiều người đánh giá là một tờ báo rất trí tuệ. Tôi đã từng có một số bài viết đăng trên Thông Luận, góp ý cho Cương Lĩnh Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên do nhóm này soạn thảo và có một bài trao đổi với ông Kiểng về vấn đề “Tổ quốc ăn năn”, cụm từ sau này thành tựa đề một cuốn sách của ông Kiểng đã gây tiếng vang lớn và có những phản ứng trái chiều. Khi có người trong nhóm Thông Luận hỏi tôi về đánh giá của những người trong nước đối với ông Kiểng, tôi trả lời tôi biết một số người khâm phục, ngưỡng mộ ông nhưng cũng có số người khác chê trách. Riêng tôi, tôi nghĩ ông là nhà tư tưởng hơn là nhà chính trị vì những bài viết của ông thường đưa ra những ý kiến táo bạo, độc đáo, ngược đời nên dù ông chủ trương hòa giải hòa hợp, ông lại có rất nhiều người chống đối. Nếu không đoàn kết được nhiều người chung quanh mình thì khó làm chính trị thành công, nhất là trong tình hình phức tạp, nhiều chia rẽ hiện nay. Có thể ông không hài lòng với nhận định này nhưng vì ông cổ vũ dân chủ đa nguyên nên tôi cứ nói thẳng. Vào năm 1996, khi tôi lần đầu bị gây khó khăn, công an gọi thẩm vấn liên tục, ông là một trong những người đầu tiên gọi điện thoại về thăm hỏi và tìm cách giúp đỡ.

Lần đầu gặp ông ở đây, giữa nhiều người, tôi thấy ông đối với tôi có vẻ như hơi dè dặt nhưng qua một lúc trò chuyện, ông tỏ ra cởi mở, thân mật hơn. Bề ngoài ông có vẻ chân chất. Khi nói chuyện, ông rất hùng biện và có trí nhớ phi thường. Nhắc lại chuyện cũ từ 10, 20 năm trước ông vẫn có thể kể một cách chi ly sự kiện, lời nói, hành động của từng người. Ông tỏ ra tự hào với việc tuy các chí hữu ở Bắc Cali đã ly khai Tập Hợp nhưng họ vẫn gặp gỡ trò chuyện với ông trong tình thân ái, không như ở nhiều tổ chức khác, trong các trường hợp như thế, thậm chí người ta trở thành kẻ thù của nhau.

Tôi thấy ông Nguyễn Gia Kiểng là một người rất có nhiệt huyết và kiên trì theo đuổi công việc của mình. Gần đây trước sự bất lực và chia rẽ của những người đấu tranh cho dân chủ, ông luôn hô hào đề cao văn hóa tổ chức và tự đánh giá Tập Hợp là một tổ chức có thế giá nhất ở hải ngoại để quy tụ mọi người. Nhận định của ông về vấn đề tổ chức rất có lý trên bình diện lý thuyết, nhưng tiếc thay với tình hình thực tiễn rối rắm có rất nhiều nan đề, chủ trương của ông không thực hiện được, ngay chính trong tổ chức của mình. Rõ ràng Việt Nam là một vấn đề quá phức tạp, không có tiền lệ và không có lý thuyết nào duy nhất đúng mà phải qua sự va chạm, sàng lọc của thực tiễn để tìm ra giải pháp. Dù sao, nhiệt huyết và sự kiên trì của ông thật đáng trân trọng.

Những ngày thuận tiện, anh chị bạn chủ nhà còn đưa chúng tôi đi thăm nhà mẹ và các em của anh sống gần Milpitas, những người tôi đã biết khi tôi và anh chơi với nhau thuở học trung học. Mẹ anh hơn 80 tuổi vẫn còn lái xe được. Vợ chồng cô em gái làm ăn khá thành đạt, có nhà là một biệt thự trên đồi rất đẹp. Cậu em trai hát rất điệu nghệ và thích hát karaoke, đã mời mọi người đến nhà hát mấy lần.

Một người bạn cũ, Phạm Hoàng Chương, gọi điện thoại cho chúng tôi. Chương là bạn đồng khóa ở Đại Học Sư Phạm Huế, học Pháp văn nhưng thích văn chương và đã từng gởi tác phẩm truyện ngắn đầu tay đăng trong đặc san Hướng Đi do tôi chủ biên. Tôi đã mail báo trước cho anh biết việc tôi sắp sang Mỹ nhưng không hiểu sao đến lúc tôi sắp về anh mới biết để liên lạc. Anh mời chúng tôi về nhà ở Nam Cali chơi và hứa sẽ đưa chúng tôi ra sân bay. Tiếc thay chúng tôi chỉ còn một ngày và lại đi từ sân bay San Francisco.

Chương cho biết từ khi qua đây, ngoài công việc đi dạy, anh cũng lai rai viết văn viết báo và khá nổi tiếng vì đã đoạt giải nhất cuộc thi Viết Về Nước Mỹ năm 2009 do Việt Báo tổ chức. Không ngờ “nhà văn nghiệp dư” thành công như thế. Tôi đọc vài bài của anh và thấy phong cách thời trẻ của anh được phát triển thêm. Anh có trí nhớ rất tốt, lối viết kể chuyện với rất nhiều chi tiết chi ly và sống động hấp dẫn độc giả. Xin mừng cho anh.

Ngày cuối cùng trước khi chúng tôi rời nước Mỹ, buổi trưa Nguyễn Ngọc Oánh mời chúng tôi đi ăn ở một hiệu ăn Hi Lạp, cùng với Tô Minh Toàn. Món ăn Hi Lạp khá phức tạp, trong một đĩa có rất nhiều thứ thịt, cá. Dĩ nhiên chúng tôi nhìn hình và chỉ đại thôi chứ chẳng biết món gì. May mà ăn cũng được. Dù sao đó cũng là Hi Lạp?! Tô Minh Toàn đã định tổ chức cho chúng tôi và nhóm bạn thân một cuộc đi cắm trại qua đêm. Anh là chuyên gia trong việc này. Tuy nhiên các nơi đẹp đều hết chỗ. Gần cuối mới đăng ký được một chỗ, lại phải đi khá xa. Cái lưng tôi bắt đầu đau kịch liệt, không thể ngồi hay đi lại lâu, tôi đành đề nghị anh hủy bỏ. Hình như anh mất mấy chục đồng tiền đăng ký giữ chỗ.

Buổi chiều, anh chị bạn tổ chức một buổi “tiệc chia tay” cho chúng tôi với mọi người trong gia đình và vài bạn thân, sau đó hát karaoke, có Nguyễn Khoa Thái AnhNguyễn Ngọc Oánh tham dự. Buổi hát này đông người nên ai nấy đều rất hăng hái. Ai cũng hát tới năm bảy bài. Qua 12 giờ đêm, chúng tôi mệt quá và nghĩ phải giữ sức cho chuyến bay dài ngày mai nên xin cáo lỗi đi ngủ trước. Những người còn lại vẫn hát. Chẳng hiểu đến mấy giờ họ mới chịu nghỉ.

May mà gần trưa mới đến giờ bay. Chị chủ nhà vẫn đủ thời gian cho mọi người ăn sáng, uống café đàng hoàng. Thái Anh tối qua nằm xa lông ngủ lại. Vợ chồng Trung – Hương cũng đến để đưa chúng tôi đi. Mọi người đi hai xe. Chúng tôi có nhiều hành lý khá nặng nhưng nhờ đông người giúp nên chúng tôi hầu như không phải động tay vào. Thật may cho cái lưng của tôi vì bây giờ chỉ nhấc vài ký tôi đã không chịu nổi. Ấy thế mà chúng tôi đã để lại Mỹ khá nhiều đồ đạc quần áo, nhất là sách báo. Số sách các bạn cho tôi chứa đầy một kệ, hầu hết là sách có đề tài “nhạy cảm” nên tôi không thể mang về, kể cả sách của chính tôi. Về nước, nếu người ta cố tình kiểm tra và gây rắc rối ở sân bay, chúng tôi sẽ gặp rất nhiều phiền phức. Đây là điều tôi không thể khẳng định nên cẩn thận vẫn hơn. Đành nén lòng thôi dù tôi rất tiếc, đặc biệt có một số sách giá trị. Nhiều người phê phán tình trạng gọi là giao lưu văn hóa trong – ngoài nước hiện nay cũng có lý. Đó mới chỉ là một chiều từ trong ra. Nhà nước vẫn luôn độc quyền trong mọi thứ.

Chúng tôi trở về nước từ sân bay San Fransisco. Hành lý ở nhà cân không chính xác, có va ly dư 1, 2 ký nhưng nhờ Thái Anh “dẻo mồm” tán cô nhân viên phụ trách nên cô cũng cho qua. Chúng tôi ôm hôn từ biệt từng người, thật sự quyến luyến. Biết ra sao ngày sau. Nhưng có lẽ khó có được chuyến đi lần thứ hai. Nguyễn Ngọc Oánh cũng đến tiễn nhưng tới trễ. Chắc tối qua thức khuya mệt quá, phải lái xe về nhà, sáng nay không dậy sớm nổi. Chúng tôi đã vào trong khu vực kiểm tra an ninh, không trở ra gặp Oánh được. Anh bạn tôi có sáng kiến gọi điện thoại bảo chúng tôi ra đứng ở một chỗ trống có thể nhìn ra ngoài qua cửa kính. Khoảng cách khá xa nhưng chúng tôi vẫn có thể nhìn thấy Oánh và mọi người đang vẫy tay. Anh bạn tôi đưa điện thoại cho Oánh và từng người. Mọi người lại nói lời chia tay lần nữa. Ngoài đường băng, chiếc máy bay của hãng UA đang ghé vào đón khách. Từ đây sẽ là cách vời.

T.D.B.C.

Comments are closed.