Gió tự thời khuất mặt

Tiểu thuyết

Lê Minh Hà

30.

– Em có đồng ý vậy không? Một bản nhạc mình mê khi còn đang trẻ thường mình sẽ thích nghe suốt đời. Nó khua cả một thời dậy… một thời khá là ngu ngốc phải không?… thế mà mình luôn luôn thèm sống lại để lại bước lại đúng những bước ngớ ngẩn. Những tình bạn – Thịnh cười, trong khi loay hoay thử cái CD nhạc mới sang lại – Những mong chờ. Cả tình yêu nữa. Bơi trong khao khát và tự tin. Chả hiểu sao tuổi ấy động một tí là buồn là chán, lúc nào cũng phồng má lên mà tuyên bố, chẳng khác gì trẻ con thổi bong bóng, tưởng nó bay lên trời, đánh đùng một cái nó nổ ngay mũi mình, ấy vậy mà ai cũng thèm sống qua một lần nữa. Đúng thế đấy. Mà chưa chắc tất cả là cao đẹp.

Người đàn ông vặn to cái loa, bước lùi, đột ngột cất tiếng hát, rồi lắc đầu cười cười. Ngân lặng im ngắm chồng, mắt lộ một vẻ kinh ngạc dịu dàng. Có cảm giác Thịnh nói với vợ đấy mà lại là không phải. Thật ít khi Thịnh có vẻ cởi mở như thế. Mọi sự ở chồng, Ngân có cảm giác đã được chương trình hóa. Ba mươi tuổi: xong Kandidat. Ba mươi hai tuổi: về bộ. Ba mươi nhăm: yêu, cưới vợ, sinh con. Bốn mươi: xây nhà… Tối thứ tư và sáng chủ nhật nếu không đi công tác xa thì đưa vợ con về thăm bố mẹ. Câu chuyện về gia cảnh một thời gieo neo của bà mẹ chồng làm Ngân thêm trọng chồng, nhưng tựa hồ cũng làm vững chắc hơn trong người đàn bà ý nghĩ về người đàn ông. Chính với ý nghĩ ấy mà Ngân nhận lời lấy Thịnh. Ngân lấy Thịnh bởi chưa một lần cảm thấy nôn nao trước giờ hò hẹn, bởi những câu chuyện giữa hai người bao giờ cũng điềm đạm vậy, không còn gì để phải nghĩ phải tức tối với nhau, rồi cười một mình trước khi chìm vào giấc ngủ, biết chỉ hôm sau thôi người ấy sẽ lại tới tìm mình, như lẽ ra phải thế ở một quan hệ khác. Những lần Thịnh đón đi chơi bao giờ cũng mở đầu có hoa, kết thúc ở quán, rất êm đềm, đủ đầy: bữa ăn, lời căn dặn, suy tính. Thịnh hào phóng và tự tin, đầy vẻ đàn anh nhún nhường thằng em khi vô tình gặp bạn của Ngân. Thịnh mặc nhiên chấp nhận ở Ngân một quá khứ riêng, những mối quan hệ, nếu như đã có. Thịnh không ghen tuông và không phải một lần tuyên bố như thế trước vợ và bạn vợ. Thực ra thì sao? Đấy có phải là cách tốt nhất để giữ riêng cho mình một dĩ vãng, không cần chia sẻ, tự thú. Một cách bình tĩnh, Ngân nhận ra rất nhanh mối quan hệ giữa hai vợ chồng vừa bền chặt vừa lỏng lẻo, và vui mừng chấp nhận. Nhưng bao nhiêu đêm về, thân thể chùng lại, rũ lả, vừa mệt mỏi vừa dễ chịu sau cơn hoan lạc, người đàn bà nằm yên lặng không thể nào ngủ nổi vì cảm giác trống rỗng, và cứ vừa thiếp đi là lập tức bị bóng đè. Trong cơn mộng mị, người đàn bà thấy mình tiếc những giấc mơ bay, thấy mình rơi, rơi. Sâu hút, tối đen, sền sệt, chảy vào trong mắt, trong mũi, trong tai. Sặc sụa.

– Sao vậy? Em! Dậy đi em. Em lại mệt rồi.

Bao nhiêu lần Ngân chỉ muốn khóc òa lên khi Thịnh cúi xuống, nước và thuốc trên tay. Sự khủng khiếp này có phải là sự khủng khiếp của Phan, trong giấc mơ tuổi mới lớn? Thịnh không phải là Phan. Tại sao Thịnh không phải là Phan? Ngân cầm cốc nước từ tay chồng, nhấp nhấp, mỉm cười biết ơn. Thịnh tắt đèn, lên giường nằm trở lại, với tay xoa lên vai vợ. Nếu người đàn bà nghe thấy tiếng thở dài của chồng, có ý định nhìn vào mắt người đàn ông lúc đó, chan chứa những dò hỏi, bất lực và yêu thương… hay nếu người đàn ông đủ sức dẹp đi ý muốn giữ đến cùng cho riêng mình những ngày đã qua, hỏi vợ, vẫn bằng giọng yêu thương ấy, nhưng là một câu khác, không phải về bệnh tật, không phải về cơn ác mộng, liệu cuộc sống chung của họ có đơn giản và nhẹ nhàng đi không?

Có nhẹ nhàng đi không, nếu Ngân là con trai, là Việt, chẳng hạn thế? Sẽ là những cuộc hôn nhân nối tiếp những cuộc hôn nhân. Nhưng Ngân không có một tình yêu cụ thể để có thể bám víu vào đó trong những quyết định thay đổi đời mình như Việt. Chỉ có những tình bạn, những tình bạn không thể sống chết một đời cho nhau, nhưng rút cục lại phải mang theo một đời cùng với đủ thứ nghĩa vụ hàng ngày của một người con, một người vợ, một người bạn, một viên chức.

*

– Lần này đi tìm mộ ông cả nhà để một mình tôi thôi. Tôi quen thung thổ, với lại còn bè bạn cũ. Mình nhờ vả chuyện hiếu chứ chẳng phải xin xỏ gì…

Người cha không nói hết câu. Ông anh bà em im lặng. Những đứa con cũng im lặng. Họ biết bao năm chỉ nội chuyện đến gặp lại bè bạn cũ thành đạt đối với người cha cũng là chuyện không thể có. Ngần ấy năm người cha nén mình sống lầm lũi, đoạn giao với tất cả, ngày tháng trẻ trung gian nan nơi chiến khu, sáng thu về xuôi tiếp quản Thủ đô, châu Sơn Dương, bến Bình Ca, Ghềnh Quýt, rừng Chiêm Hóa, Chợ Bờ, Chợ Rã, những đêm Hà Nội buổi hòa bình lập lại bình an mà xáo xác, và đồng đội. Ngần ấy năm ông lấy chuyện gà trống nuôi con thành người là niềm tự hào thứ hai bên niềm tự hào đã là người của cơ quan từ thuở mười ba tuổi. Niềm tự hào không lời và xót xa đó níu lấy ông, không cho phép ông buông xuôi, dù sống cực nhọc và buồn khổ quá.

– Thật ra thì mẹ hồi còn sống cũng đã dặn thôi đừng tìm mộ bố chứ chả phải vì bom đạn không làm được. Đận ấy ở Việt Bắc tôi được tin bố bị thương đưa vào bệnh viện Chiêm Hoá, nhưng bệnh viện đến chiều hôm đó bị oanh tạc… Có còn ai đâu… Nghe anh em cơ quan bên cạnh bảo bệnh nhân thầy thuốc tất cả đều chôn ở ven rừng, chả biết ai ra ai cả. Năm mươi năm rồi còn gì. Nhưng chả hiểu sao năm nay tôi cứ thấy nóng ruột quá. Thế nào tôi cũng phải tìm lên đó một lần. Nghe mấy thằng bạn ngày xưa làm ở ủy ban tỉnh cũng về hưu cả rồi, già hết cả rồi, chả còn gì để làm ra vẻ, chắc lắm thì giờ rảnh rỗi giúp mình.

*

Trở về nhà sau chuyến đi, bố bần thần mãi. Mộ ông nội không tìm thấy, dĩ nhiên rồi. Bãi tha ma giữa cánh rừng xưa, và cả cánh rừng xưa không còn một dấu vết. Người trai trẻ mặt mũi ngơ ngơ, trên áo thổ cẩm dưới quần bò dép tông đi Minsk trả lời ông. “Không biết mà. Người vẫn ở đây mà. Bác vào hỏi pò mè, pò mè biết nhiều chuyện già lắm”. Cái tiếng Kinh ngòng ngọng của anh ta làm ngực ông nóng lên vì nỗi nhớ thằng bạn Thổ đã chung với mình tấm chăn dạ rách anh bí thư cơ quan nhường.

– Anh nhỉ, không hiểu sao mà cái năm đầu ở cơ quan lắm rận thế không biết nhỉ. Chăn dạ rận, chăn sui rận. Hồi ấy chả có xống áo gì, nhảy xuống suối bắt cá, chạy về lán chui vào chăn thấy ấm sực. Thêm đống lửa cay hết cả mắt cả mũi nữa. Giờ già rồi, con cái phế cả chăn bông, biếu bố chăn lông bảo nằm cho nhẹ, mà lại không ngủ được như cái hồi co quắp đánh nhau với rận. Cái chăn dạ anh Bảo cho cũ lắm rồi, động cái là bục, thằng Giủ nằm mê đạp thế nào toạc một lỗ to bằng cái rá, chịu không sao vá được. Cái thằng Giủ…

– Cậu có định tìm nó không đấy? Nó chết lâu rồi, bụng báng to tướng ốm phật phừ mấy năm rồi mới ngủm được. Thằng ấy nó hiền, chí tình lắm. Chả biết tranh giành gì. Được con vợ, cậu biết vợ nó không, con Chít nhoắt vẫn lẩn quẩn bên cơ quan phụ nữ ấy. Vợ thằng Giủ thì khá, hòa bình được cho đi học, rồi làm bên phụ nữ tỉnh, lúc chồng chết nó đã là tỉnh ủy viên chuyển qua làm bên toà án. Hai vợ chồng nó không bao giờ đói, nhưng mà chả có lúc nào sướng hẳn. Tội nhất là lúc thằng Giủ nằm xuống rồi, có thằng con dính vào vụ buôn lậu qua biên giới, cò con thôi, nhưng mà không may. Thế là mẹ xử con. Hai năm tù. Cô Chít đến nhà tôi khóc chán rồi bảo: “Chạy ai. Giá mình không ở cương vị này, mình còn muối mặt đi xin”. Xử xong thằng con thì con mẹ ốm, cứ lay lắt thế cho đến khi về hưu.

– Thế ra vẫn có người sống y như thời xưa ấy nhỉ! Hồi tôi bị oan, ở tù về tôi bỏ cơ quan luôn. Chả đến ai, mà cũng chả ma nào đến mình. Cũng là lẽ đời thôi mà. Nhưng hồi ấy thì đau lắm. Cô Chít về Hà Nội họp, đến thăm tôi, kể thằng Giủ nghe tin xin nghỉ phép tìm về Hà Nội. đến được nhà tôi nhưng lại vào lúc con bé con nằm viện, hai vợ chồng quanh trong đó, thành ra không gặp được nhau. Cậu ấy là người duy nhất…

Người đối thoại thở dài:

– Uống đi cậu. Uống đi mày. Già một chân dưới lỗ hết cả rồi. Nhớ làm mẹ gì. Cũng là lẽ đời cả. Mày vừa bảo thế hả? Cũng là lẽ đời. Chả phải không biết nhớ tới nhau đâu. Nhưng mà ai cũng sợ cũng ngại. Rồi là công tác, vợ con, chép miệng vài lần là mọi sự đã trôi xuôi rồi, đến cả cái áy náy dành cho nhau nó cũng đi đâu mất. Tao cũng là người như thế. Mấy năm sau đó tao cũng có lần về Hà Nội họp, chả ai nhắc chuyện mày nữa nên cũng không hỏi. Giờ đã ngoài bảy mươi. Có những chuyện nghĩ lại muốn ân hận cũng không kịp nữa rồi. May mà mày có việc lên ngược mới có ngày gặp lại nhau. Uống nốt chén này rồi đi nằm. Mai tao đưa mày đi sớm. Nhớ xóm Cò không? Ông Muỗi sống đến hơn chín mươi mới chết, lần nào về cũng cầm tay khóc nhắc các anh ở cơ quan. Mẹ, có anh nào về xuôi còn ngược về thăm cụ đâu. Có hồi cụ đói rách lắm, tao về, cụ khoe cái áo trấn thủ cũ, bảo anh Giủ biếu, ấm lắm. Độ này con cháu chạy hàng biên giới, khấm khá lắm rồi. Nhưng mà mày không nhận được ra xóm Cò đâu. Ngày trước rừng ở bên hông nhà, giờ có đi nửa ngày mới thấy loe ngoe mấy cây nứa tép. Nói dại chứ dân bây giờ có đói khéo không bò nổi vào rừng tìm miếng ăn như xưa nữa. Xa quá rồi.

*

Bà em gái út nghe chuyện ông anh từ chuyến đi tìm mộ bố về, cười ồn ào:

– Ôi giời ơi bác. Ngỡ bác đánh đường một chuyến ngược về chiến khu là để cho cái lòng già nó nhẹ. Hóa ra các bác gặp lại nhau lại bủi ngủi bùi ngùi. Mấy đứa nhà em nghe chuyện khéo bình vụng với nhau là các cụ già lên cơn lởm khởm. Cha bố nhà chúng nó chứ! Nhưng mà nhiều khi em nhìn các cháu lại nghĩ… Giá mà ngày xưa anh em mình được sống như chúng nó độ vài ba phần khéo đời mình nó cũng nhẹ rồi. Thằng cả nhà em hôm rồi dám bảo bố nó thế này bác ạ: Tuổi bố khổ vì đổ vỡ niềm tin, tuổi con khổ vì không có niềm tin. Nghĩ đi nghĩ lại đã khổ thì khổ nào chả như nhau. Giá phải ngày xưa thì nhà tan cửa nát vì câu nó nói đấy. Nhưng bây giờ bố nó lại rót rượu cho con, cười khà khà. Em nghĩ bác cứ cố sống như bố cháu nhà em có khi lại sướng.

– Cô bảo… Có bao nhiêu điều tôi tâm niệm là phải quên mà nó vẫn cứ bám lấy tâm trí mình. Càng già càng hay chạnh lòng. Cái tạng tôi giống bà nhà mình. Có điều cũng chả nói được với ai. Khổ thế. Vừa rồi đi tìm mộ bố gặp lại anh em đồng chí cũ, có lẽ cũng chỉ một lần này. Rủ nhau đi cũng sắp vãn rồi. Tôi ngày ở cơ quan là thuộc lớp ít tuổi nhất mà giờ cũng bảy mươi mốt. Có lẽ vì thế mà lại vạch vòi lòng dạ được trước nhau.

*

Bi kịch? Bi kịch của thế hệ? Bi kịch của mỗi người? Lứa tuổi nào chẳng có niềm tin thời đang trẻ. Nhưng niềm tin thật khó quy đồng. Làm sao tìm được mẫu số chung trong niềm tin của những người như bố, chú Thái và như bố mẹ chồng Ngân ở thời buổi đã rất xa xôi kia. Làm sao thấu hết mãnh lực của niềm tin đã thúc ông nội từ bỏ Hà Thành lên Việt Bắc và nằm lại đó, cũng như niềm tin đã dẫn dắt ông lão Việt Nam một đời bôn ba quê người. Thằng em Ngân kể cũng là hơi bạo khi tuyên bố rằng bi kịch của tuổi nó là không có niềm tin. Có chứ! Niềm tin sắt đá vào sức mạnh của đồng tiền chẳng hạn. Hay là sức mạnh của Microsoft? Mới, mà cũng xưa như là cổ tích. Nếu chúng nó có bi kịch thì bi kịch có lẽ là ở đấy. Còn bi kịch của bọn Ngân ở tuổi chúng nó bây giờ? Là sự giằng xé giữa lý tưởng của thế hệ bố mẹ, muốn theo lắm, với thực tế từng ngày, với lòng ham sống, với ý thức cần phải sống, sống thật sự, cho mọi người, nhưng trước nhất là cho mình? Không nếm, làm sao biết dọn cỗ. Hay cũng không phải thế? Ngân nhớ mình đã khổ sở bao nhiêu khi không thể nào vui hết mình được cùng bè bạn. Càng khổ hơn lúc bất chợt nhận ra niềm sung sướng cay độc khi có thể nói ra một lời nhạo báng không động chạm một ai nhưng không ai chịu nổi. Sau này người đàn bà sẽ âm thầm tiếc rằng tuổi ấy đã không được quyền nói với nhau rằng có thể có một niềm tin khác, rằng có những niềm tin rất khác nhau. Sao không, khi Ngân, một buổi sáng đầu mùa hạ thấy mình khoẻ mạnh bất thường, thấy sự im lặng tinh khiết đang thống trị hành lang khu nhà tập thể hệt như ân huệ không dám cầu, thấy nắng và gió sớm sao mà tuyệt diệu, thấy màu hoa vàng trên bàn viết lộng lẫy và mong manh, đã bất chợt buông sách cất tiếng “Chiều biên giới em ơi – có nơi nào xanh hơn – như đầu sông ngọn suối- như chiều quê biên cương… Em ơi có nơi nào đẹp hơn chiều biên giới…”. Sẽ đến một ngày người đàn bà nhận ra tất cả sự nhẫn tâm vô tình trong tiếng hát của mình. Biên giới lúc đó là chiến tranh, là mìn giật sập động Tam Thanh, là biển người từ phía Trung Quốc tràn sang. Lúc đó Ngân sung sướng, sung sướng vì được sống qua một tâm trạng thời đại cao đẹp báo đăng đài nói liên miên mà không phải thực sự dấn mình vào hoàn cảnh chẳng dễ chịu tí nào kia, sung sướng vì được hát như thế, giữa thành phố.

Ta mang theo mùa thu

như một niềm mong ước

Em mang theo đời ta

lẽ nào em không biết

Đừng nghĩ rằng tuổi trẻ qua mau

Cả tuổi già cũng thế

Biết không

Trong hắn vẫn một chiếc thuyền

đậu bến em.

*

Trên lá vàng lại thêm lá vàng nữa

Trên nỗi buồn lại thêm nỗi buồn nữa

Cuộc đời ta?

Ta vẫn yêu mối tình ấy thôi

Ta vẫn đau nỗi buồn ấy thôi

Thu nay có lại như thu trước

Non nước bây giờ năm tháng trôi

31.

– Vĩnh cứ tưởng là hồi ấy bọn mình đã có thể nói hết với nhau…

– Thì đúng thế còn gì. Ngân có giấu gì đâu… những ý nghĩ có trước Vĩnh khi đó.

– Thế nhưng mà…

– Phải, phải. Có những điều ngày đó Ngân đã nghĩ, nhưng mà trước Vĩnh Ngân không nói. Chỉ đơn giản là… Xin lỗi…

– Không phải vì những éo le. Chỉ là… những điều ấy Ngân không thấy cần phải nói với Vĩnh. Ở một nơi nào đấy có một người nào đấy… Sau này Ngân biết rằng cảm giác ấy gọi đúng tên là tưởng bở. Tưởng bở đấy thôi. Vô nghĩa thật, khi nhìn những cuộc đời đi qua. Chả biết phải phấn đấu ra sao và phấn đấu để làm gì. Sao mọi người vẫn bình thản trước cuộc đời trầy trật thế này. Dù sao thì… Vĩnh nhỉ, không thất vọng làm sao biết thế nào là hi vọng.

Mưa. Cơn mưa bất chợt. Nguời đàn ông giúp người đàn bà đứng dậy:

– Mưa hắt ghê quá. Khéo mà Ngân ốm. Mình vào trong này ngồi nhé.

– Thôi Vĩnh. Cũng muộn rồi. Đứng ngoài này cho nhẹ đầu, chờ mưa ngớt rồi còn…

Những tiếng cuối cùng người đàn ông không nghe thấy. Gió đuổi hơi người đàn bà đi đâu. Người đàn bà xoè bàn tay ra ngoài mái hiên. Những giọt nước bay xiên trong ánh đèn đường vừa mới sáng, vỡ trên lòng bàn tay dẫu tuổi tác rồi mà vẫn mỏng y như thời con gái. Lá ướt. Những ngón tay mưa. Da thịt người đàn ông se lại trong nỗi nhớ một ngày trẻ tươi và lặng lẽ. Người đàn bà quay sang nhìn bạn:

– Ngớt rồi. Vĩnh về được rồi. Bình thường có về muộn thế này không? Handy của Ngân hết pin, cho Ngân mượn gọi mấy câu về nhà để bọn trẻ khỏi nóng ruột.

Giống như là một dấu lặng để chuyển qua những gào thét âm thầm khác. Người đàn bà nhìn theo bóng xe người đàn ông thoắt cái đã biến mất ở chỗ ngoặt đầu phố. Chợt nhớ mình bao năm xưa. Đã bình thản vô cùng khi nhận thiếp mời của bạn, đã vui mừng cho nhau, nhưng lòng đau đớn mãi. Không biết vì sao. Có thể vì biết rằng dù có chung bao nhiêu là hồi ức và thông cảm, với bạn, mình tuyệt nhiên không phải là hạnh phúc. Nhưng buổi chiều muộn này đã là của mười mấy năm sau. Trong trí, một hình dung cứ dần dần hiện rõ. Đêm nay thôi, sau bữa cơm tối, lúc những đứa con yên giấc, người đàn ông sẽ nằm xuống, ôm lấy vợ, thì thầm: “Chiều nay về anh gặp cô bạn học cũ, mải chuyện, lại mưa, em có nóng ruột không?”. Những động cựa và âu yếm. Không hiểu vì sao hình dung ấy lại làm người đàn bà yên tâm, ấm lòng. Và kinh ngạc nhận ra lòng mình yên ổn lại không chỉ vì ý nghĩ về bạn, mà vì ở góc phố ấy, trong khung cửa ấy đang có một người đàn ông chờ mình. Mưa ngớt hẳn. Từ bốn phía lại dậy mùi hương cũ. Hoa sữa. Đầu đông. Người đàn bà lên xe. Vòng bánh xe quay đè nát những giọt mưa mồ côi vừa vỡ trên mặt đường. Ngày trước, Ngân thường thận trọng lắm để không làm vỡ những giọt nước như thế đọng trên lá gió mưa vừa rứt khỏi cành khi bước đi trên phố.

*

– Việt chờ em vừa mới về. Các con với Osin ăn rồi. Còn anh đợi em. Anh rủ Việt ở lại chờ em rồi bọn mình ra quán mà cậu ấy đòi về, bảo sốt ruột vì con bé. Bạn em buồn cười thật. Bỏ vợ lia lịa nhưng mà với con thì dính như keo.

– Bọn em biết mà. Cô vợ mới nào cũng tha hồ làm nũng cậu ấy, nhưng đừng có tính chuyện quỷ quái gì với con bé con. Có lần em đã bảo Việt đừng có chiều con quá mà cũng đừng đòi hỏi nó nhiều quá.

– Có mà giời bảo. Em cứ nhìn em xem nào. Nhiều lúc anh sốt hết cả ruột vì cái cách em tha con chạy quanh cái guồng dạy và học bây giờ. Nào, đi ăn đã. Đã về nhà một mình một mâm là anh không tài nào ăn nổi, nhưng chờ vợ đến giờ anh hết cả đói rồi đây này.

– Em gặp Vĩnh. Lâu quá mới gặp nhau. Lại mưa. Lúc mưa anh đang ở đâu?

– Trên đường. Phóng như điên. Trời mưa nên không tắc. Cứ nghĩ bà nó ở nhà rồi. Ngày xưa mà biết gia đình một chồng một vợ hai con cùm mình chặt thế này thì anh sẽ thi hành chế độ…

– Chế độ gì? Em ủng hộ cả chế độ đa thê lẫn đa phu đấy.

– Biết rồi. Biết rồi. Biết vợ của anh rồi…

Người đàn ông cười cười đưa tay nhận bát cơm vợ mới xới. “Vĩnh có được vợ chờ cơm không?”. Bất giác Ngân cũng mỉm cười.

Sông con chảy

Trong vàng thu

Yên ắng

Mù sương giăng

Che một vầng trăng

Xa vắng

Thảng thốt đau

*

Và mịt mờ trong sương

Chopin

Và ngọt ngào bi thương

Chopin

Đâu cũng như quê

Đâu cũng như không

Chopin

32.

Đứa bé gái đứng trên ngôi mộ giơ tay về phía trước. Bầu trời như một tấm vung thiếc khổng lồ úp chụp lấy nó trong một vùng tối ướt sũng. Mưa rụng những hạt to và nặng, bỏng rát, bám lấy da mặt nó. Đứa bé gái muốn bước về phía trước. Nhưng không thể. Đôi chân gầy của nó lún xuống nấm mồ. Có gì dưới ấy giống như là bùn, như là cỏ ướt bíu lấy hai bàn chân nó. Con bé con rướn người, giơ hai bàn tay hướng về phía trước. Từ đôi môi trẻ con bầm tím vì ánh trời quái gở thoát ra tiếng thì thào khẩn cầu vô vọng: Mẹ!

Đấy là một giấc mơ khủng khiếp. Nó đến với Ngân ngay đêm đầu tiên đi đưa mẹ về. Nó đến với Ngân năm con bé mười ba tuổi và thỉnh thoảng lại quay về. Không có điềm gì báo trước rằng giấc mơ đó sẽ quay về. Nó về, đơn giản vậy, sau một buổi chiều dường như rất vui tụ bạ cùng bè bạn. Nó về, trong những ngày người đàn bà sung sướng thấy mình hoà hoãn được với cuộc đời. Nó về, khi một đứa con bỗng dưng ốm. Nó về, vào lúc người đàn bà từng ngày chu toàn mọi việc, và dù thế, vẫn biết mình khát khao gì. Đấy là một giấc mơ khủng khiếp.

Mẹ phía trước. Trên nấm mồ của mẹ. Mẹ không héo hắt như những ngày cuối cùng trong mùa hè nhiều sự kiện vừa phấn chấn vừa buồn thảm ấy. Mẹ, mái tóc trong ánh trời xám sùng sũng nước vẫn toả một vầng sáng nồng ấm. Mẹ, dáng lẳn và môi mọng. Mẹ, nhưng đôi mắt mở to, căng thẳng. Hai hàng lông mày vạch một đường đậm, rướn cao. Đấy là đường nét của người không biết nhân nhượng và đấy là nét duy nhất mà Ngân thừa hưởng được từ mẹ.

Mẹ đứng đó. Trên nấm mồ của mẹ. Tay mẹ với về Ngân. Đôi mắt mẹ trong một nét nhìn căng thẳng cuối cùng chuyển hẳn thành đau đớn. Mẹ cũng không thể nào bước được. Đôi chân mẹ đã cắm sâu xuống mồ và cái khoảng rỗng dưới đó hút chặt lấy mẹ. Hai mẹ con nhìn nhau, cố với lấy nhau. Mưa vẫn rơi, bỏng rát. Bầu trời phù thũng sập đến nơi rồi. Những nấm mồ nhấp nhô khắp nghĩa trang lún dần. Con bé cũng lún dần. Nó còn cố nhìn mẹ vẫn ráng bám chân trên nấm mồ, giơ tay về phía nó trong một cố gắng hoảng loạn, tuyệt vọng.

*

Người đàn ông không tìm cách đánh thức vợ dậy như mọi lần, chỉ ôm xiết tấm thân đầy đặn đang run bần bật của người đàn bà, cố lọc lấy từ đôi môi run của vợ một âm thanh có nghĩa. Người đàn bà đã tỉnh, không tìm cách toài ra khỏi vòng ôm của chồng, khóc nức lên như trẻ nhỏ. Có thể giải thích được chăng nỗi đau đớn khủng khiếp không giảm bớt theo thời gian của mình khi mơ lại giấc mơ nghiệt ngã. Ngân quay người, hít mạnh. Hơi ấm nồng nồng từ thân thể người chồng làm lòng người vợ bình thản lại. Nỗi tuyệt vọng rút dần như lũ mùa.

– Tỉnh hẳn chưa em. Em uống nước không? Anh dậy rót nhé!

Ngân nhìn lưng chồng quay về phía giường. Người đàn bà không hề biết rằng phút ấy lòng người đàn ông tan hoang thế nào.

– Mình thức nhé. Đằng nào cũng khó ngủ lại. Em này, anh có một tin mới cho em.

– ?

– Anh qua kỳ tuyển rồi đấy. Thì vẫn nghề mình. Có điều giờ không là đại diện cho Việt Nam mình mà ăn lương của FAO và sẽ làm việc ở nước ngoài. Sang năm bắt đầu.

– ?

– Anh không nói với em. Nhiều bọn trẻ lắm cũng xin. Mình chững tuổi rồi, nghĩ khó. Ở nhà làm ăn đang được. Nhưng mà anh thấy mệt mỏi quá rồi. Chúng mình sẽ đi cùng nhau chứ? Anh nghĩ em dừng một thời gian cũng là điều tốt. Dạo này em ngủ thấy khổ sở quá.

– Nhưng còn việc học của các con? Đi có thời hạn, liệu có khó cho các con không?

– Mình sẽ thu xếp được…

– …

– Còn chuyện này nữa: Đề án anh đang làm với công ty của Phan sắp kết thúc. Có một phần việc phải làm bên kia. Đoàn gồm Phan, anh với một cậu cùng cơ quan, mấy ông lãnh đạo địa phương. Và Vĩnh. Vĩnh không nói với em là làm đề án cùng anh à? Phan bảo muốn mời cả em. Anh nói Phan làm giấy mời nhé, nhân thể thôi. Mình sẽ không phiền cậu ấy thêm, sẽ tự chi, coi như một chuyến đi nghỉ. Em thấy thế nào?

*

Một chuyến đi nhọc mệt. Chen giữa những giờ ngồi một mình ở khách sạn trong khi chồng làm việc là những chuyến tham quan chớp nhoáng theo yêu cầu của mấy ông cán bộ lãnh đạo địa phương cùng đoàn. Từ khu đèn đỏ ở Amsterdam lại lồng qua Louvre ở Paris, rồi lại nhảy bổ tới Roma. Chỉ tội cậu nhân viên Phan giao cho việc lái xe, dịch dọt và rước xách. Thịnh ái ngại nhìn vợ. Phan thì đầy vẻ băn khoăn.

– Mai Phan định đưa đoàn đi thăm thành phố nơi nhà mình sẽ sống năm sau. Em có mệt quá không?

– Không sao đâu anh. Em đi được. Còn mấy ngày nữa đã về. Đi chứ? Đi cho biết.

Ấn tượng sâu đậm về thành phố châu Âu mà Ngân sẽ sống một khoảng đời bắt đầu từ buổi đó. Nếu không có cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên đó liệu nó có được trong lòng Ngân không? Mùa thu. Con đường chạy giữa hai hàng sồi già ngời ngời lá đổ: Tía, vàng, nâu, đỏ thắm. Màu lá kỳ diệu, hồ như sắc nắng trong mưa.

Người đàn ông bối rối dừng chân:

– Ngân đấy à? Ngân không ở trong đó xem tiếp nữa à?

– Ở ngoài này thích hơn Phan. Sang năm Ngân lại đến nơi này. Bảo tàng thì vẫn còn đấy, xem sau. Nhưng cái khoảnh khắc này thì chỉ một phút nữa thôi là người ta đã có thể không thể hình dung lại nổi. Phan nhìn xem: Lá như là nắng đầu thu vậy. Trong khi mây xám như một ngày đầu đông ở nhà mình. Còn bầu trời thì mới rộng làm sao. Liệu bao giờ tuyết nhỉ?

Người đàn ông tắt cái walkman, quay nhìn vòm cửa viện bảo tàng:

– Còn lâu Ngân. Bây giờ mới mùa thu. Rồi sang năm Ngân sẽ phát nản vì tuyết. Nhất là những ngày tuyết sắp rơi. Lạnh kinh khủng. Lạnh méo cả miệng. Còn bầu trời thì giống như cái bụng của con tằm bệnh ấy, vàng úa úa và phù ra ở chân trời. Kìa, anh Thịnh nhà Ngân với Vĩnh cũng ra rồi. Giờ thì phải đi tập hợp mấy vị lãnh đạo kia lại. Các vị đó ra lâu lắm rồi.

Người đàn bà chìa tay, cầm lấy cái walkman từ tay bạn, ngoắc ống nghe lên tai:

– Phan đang nghe gì đấy?

– Bình thường toàn classic. Hôm qua thấy cái CD Trịnh Công Sơn của Vĩnh. Lâu lắm rồi nghe lại… thấy…

Tiếng người đàn ông nhỏ dần theo bước chân Ngân rời đi, xa vời bên ngoài headfon đang thả tiếng. “Rừng đông rơi chiếc lá – ta cười với âm u… Trên quê hương còn lại ta đi qua nửa đời không thấy một ngày vui đường trần rồi khăn gói mai đây chào cuộc đời…Nhìn lại nhau con mắt lo âu xin vỗ về muôn yêu dấu… Nhìn lại nhau che những cơn đau…”. Rơi, từng giọt âm thanh cà phê đắng. Bầu trời xứ lạ mênh mông như những ngày chưa xa nơi quê nhà. Thời gian giống như tách cà phê bỏng rẫy thình lình tuột khỏi tay, tan tành trong lòng người đàn bà. Tiếng chân những người đàn ông thân quý lạt xạt gần lại trên lá ướt. Người đàn bà ngửa mặt, mỉm cười. Nước mắt ứa ra mằn mặn. Vậy đấy! Năm tháng này còn được nhớ về nhau? Hạnh phúc!? Năm tháng này còn được nghĩ về nhau! Hạnh phúc!?

*

Nơi ấy, những cô bé con trở thành thiếu nữ, qua tháng ngày đứt đoạn, rồi thành đàn bà.

Nơi ấy, rất lâu sau có một người đàn bà trở về. Ngõ nhỏ ồn ào. Người đàn bà đứng bên này đường ngước nhìn vòm đa cổ thụ. Những chiếc xe máy lồng lộn, nhả khói khét lẹt cùng âm thanh rợn óc. Một chiếc lá vừa rời cành, nóng nảy vật lộn với gió. Người đàn bà ghìm mình không bước dấn ra giữa phố, xoè tay…

Ngày hôm sau người đàn bà ra đi.

Trở lại quá khứ gặp nhiều người quen hơn bây giờ

*

Không phải là quá khứ chung chung…

Quá khứ của hắn

Mà dùng súng lục để bắn

Là chết

*

Vầng trăng nhỏ bé

Đêm ta về

Chìm dưới đáy sông sâu, lặng lẽ

Nước chảy, theo thời gian, và gương trăng khi mờ khi tỏ

Buồn hay vui, ai có hỏi một lần

Này trăng

Người có quá khứ không?

2003 – Limburg

Chú thích:

(*) Thơ Đỗ Quang Nghĩa

Comments are closed.