Gió tự thời khuất mặt

Tiểu thuyết

Lê Minh Hà

7.

Năm ấy Ngân còn chưa lên mười. Tất cả đều lạ lùng. Cái làm Ngân nhớ nhiều không hiểu vì sao lại là bậc thang mà Ngân đột nhiên phát hiện ra một vết lở mới vào một đêm quáng quàng bổ khỏi giường vì báo động. Vết lở ấy còn mãi mấy mươi năm sau. Nó không nhắc nhớ ngày chiến tranh, nó nhắc nhớ những con đường làng lát gạch nghiêng không biết từ thuở ca dao nào và sau này chẳng hề được tu bổ, toang hoác những ổ gà. Những ổ gà khiến các bà lão đêm đêm ngồi hóng gió ở dốc bến giữa xóm nhỏ mà bà cháu Ngân sơ tán về lại chép miệng thở than về một ngày xưa không trở lại.

Nhưng những ngày tháng đó vẫn chòng chành mãi trong Ngân. Điềm nào báo trước cuộc chiến tranh đánh phá lần thứ hai khi đó? Chưa bao giờ Ngân nghe ai thắc mắc như mình. Hình như cái điềm ấy đến cùng với chấy và rệp. Không biết lây từ đâu mà trẻ con hồi ấy lắm chấy thế. Tóc nhiều đứa trứng chấy trắng như rắc vừng. Có mấy đứa con gái vẫn chơi với Ngân còn phải gọt trụi cả đầu để tiệt chấy. Mẹ chiến đấu từng ngày với những con chấy sơ tán qua đầu hai chị em Ngân những lúc tụ bạ cùng đám trẻ, nhất quyết không để chúng kịp sinh sôi. Đấy là một cuộc phong tỏa tuyệt vọng và mẹ đã chứng tỏ một sự kiên nhẫn khó hiểu. Tối nào chị em Ngân cũng phải gò cổ gục đầu trên trang vở để mẹ lấy lược bí cào tóc và mẹ vô cùng hể hả khi đột nhiên một con chấy kềnh rơi bộp xuống, lồng vô phương trên trang vở như một chiếc xe tăng.

Nhưng mẹ phải buông xuôi trước đám rệp cũng đột nhiên sinh sôi ở mọi nhà trong khu tập thể vào hồi đó, mặc dù mẹ được bố giúp tận tình. Ngày cuối tuần nào cả nhà cũng phải tổng vệ sinh. Mẹ nấu hết ấm nước sôi này đến ấm nước sôi khác để bố dội vào từng khe giường. Thế nhưng bọn rệp lì lợm vẫn cắn nhoay nhoáy cả đêm khiến mẹ thường xuyên mất ngủ. Ngân không tài nào lý giải được nguyên nhân nạn chấy rệp hoành hành trong khu tập thể hồi đó. Chúng đột nhiên biến hết ít ngày sau khi máy bay Mỹ ngừng đánh phá. Điều ấy bí hiểm chẳng khác gì sự bầy cò vẫn bay rợp phố Ngân ngay cả trong những năm ác liệt nhất bỗng dưng rùng rùng bay đi vào một buổi sáng rất đỗi yên bình và không về lại.

Bố kể hồi lên Việt Bắc cả cơ quan bị bệnh ghẻ hành. Nấu đủ thứ lá lẩu độc địa để tắm mà không lại với ghẻ. Rồi cũng tự nhiên mà khỏi, đồng loạt, vào năm bắt đầu mùa phản công. Còn rệp bố bảo chả có bao giờ, mặc dù giường nằm là sạp nứa đóng dọc lán cho cả đống người đêm đêm co quắp nhau. “Đỡ lạnh!”. Bố bảo thế, mắt ánh lên niềm âu yếm tháng ngày đã qua.

Ôi chiếc giường kháng chiến! Ngân không thể hình dung được mình có một lần nào nằm trên đó. Có lẽ bởi thế mà người đàn bà – trẻ con không sao hiểu thấu nỗi chua chát của người cha khi nhắc tới những ân tình xưa. Với Ngân, ân tình phải được biểu hiện trong sự đủ đầy vật chất chứ không phải chỉ là trong gian khó. Lúc gian nan, người ta dễ sống với nhau hơn, dễ lo lắng cho nhau. Đấy chưa chắc là cảm thông, đấy là bản năng cộng sinh của con người.

*

Khi đã đi xa, người đàn bà – trẻ con nhiều khi ân hận vì nỗi đã tàn nhẫn nói tuột điều đó với cha mình. Ông bố không yên lặng. Ông không thể nào chịu nổi ý nghĩ chính nỗi đau khổ của mình là căn nguyên tính khí hoài nghi ở con gái. Dù chỉ còn dám tin mình, ông vẫn mong con biết tin người, tin đời. Không có chuyện cân nhắc đó là bản tính tốt hay xấu. Ông biết rằng khả năng dễ tin sẽ làm người ta sống dễ dàng hơn, nhẹ nhõm hơn. Và ông cũng biết rằng ông đã chua xót biết bao nhiêu khi phải trút lại nửa cuộc đời kia của mình, nửa đời vô tư lự, đầy tin tưởng, niềm tin vô chừng hoang dại.

*

Gió ngày ấy còn thổi mãi. Xót và ráp. Như con đường len lỏi qua những cánh ruộng bậc thang thiếu nước mà ông vẫn còn cảm được dưới chân trần, bàn chân của cậu bé học trò Thủ đô nhà nghèo nhưng cũng chỉ mới bắt đầu biết thế nào là bươn chải khi chiến tranh chồm tới. Gió ngày ấy còn thổi mãi, lạnh buốt hơi mưa chiều rừng Việt Bắc. Cậu trai mười bốn tuổi lên cơn sốt rét nửa đường công tác. Thằng bạn vừa đỡ ông đi vừa khóc vừa chửi cho bằng hết vốn liếng rủa xả tiếng Kinh đã học được ở ông. “Mày ơi. Đi đi. Mẹ mày. Không tao bỏ mày lại ở đây cho cọp vồ bây giờ. Cố thêm một đoạn là tới châu Tự Do. Cố đi nào. Rồi tao đi xin ký ninh cho. Rồi tao xin gạo nấu cháo cho. Mẹ mày chứ sao mày làm ông khổ”. Ông không đi nổi nữa. Thằng bạn lệch thệch cõng ông, cổ tròng thêm túi dết công văn của ông. Mãi mãi sau này, khi đã từng trải bao nhiêu cay đắng, khi đã tự dứt mình khỏi mọi quan hệ cũ ông vẫn thầm tự hỏi không biết bây giờ thằng bạn lang bạt nơi đâu. Có nhớ chiều xưa cõng ông đi? Có nhớ đêm xưa Sơn Dương dựa lưng vào đống chăn mượn đắp cho ông, háo hức nghe những câu chuyện vùng tề của đám đàn ông đàn bà buôn chuyến. Có như ông, vẫn y nguyên những bâng khuâng khi tưởng lại tiếng ghi ta phập phừng bên đống lửa. Và những bài ca… “Đêm nay biết bao nhiêu người Thủ đô mơ thấy trở về nơi ngàn năm văn vật … Ôi Hà Nội ơi ghi biết bao kỷ niệm luyến thương… Ngày Tổng khởi nghĩa tưng bừng muôn ánh sao vàng… Ngày tết Trung thu các em nhi đồng Thủ đô vui đón trăng lên quanh Bờ Hồ… Ba Đình…”. Tiếng đồng ca chìm đi trong một giai điệu buồn buồn rồi bất chợt lại cất cao phơi phới những nhớ thương không bao giờ còn có nữa… “Mời anh vệ quốc dừng chân bên quán… dặm trường chiến chinh bụi đường thắm nhuốm áo nâu”… “Đây miền biên giới chứa chan bao tình mến thương…Còn lưu tiếng thơm lớp người ngày xưa lưu dấu… Đây miền biên giới êm đềm khi bóng chiều về… Lôi cuốn bao người về vui với gió chiều hôm… Có ai xuôi về miền quê đồng bằng yêu dấu… Tôi nhắn đôi lời”…

Gió ngày ấy còn thổi mãi. Cơn gió sáng đầu tiên về lại Thủ đô. “Cất bước ra đi chiều năm xưa… Dặm dài kháng chiến quên ngày về… Bụi đường trường chinh pha mái tóc… Cất bước ra đi ghi lời thề… Ngày mai sẽ về…”. Bài ca ấy làm ông buồn lịm cả người khi tìm về phố cũ, dù biết chẳng thể nào thấy lại bóng mẹ bóng em. Ông đã đứng dưới gốc cây già đầu phố nghe thịt da heo may rờn rợn, nhớ quặn lòng người cha chín năm về trước ra đi từ thành phố này và đã nằm lại ở một góc rừng bao nhiêu năm lá chết thôi không còn xao xác. Ông đã đứng dưới gốc cây già đầu phố, nghe gió mùa thu hoan hỉ xôn xao trong đám lá rụng ven đường, thương thằng bạn Thổ không được về xuôi tiếp quản Thủ đô, hoàn toàn không biết rằng chỉ nỗi nhớ ấy là duy nhất để ấm lòng nhiều năm tháng về sau. Nhớ giọng nó hút dài đi trên con đường rừng buổi hai đứa từ Sơn Dương về lại cơ quan. Bài hát ấy ở cơ quan có lẽ chỉ có hai đứa hay hát nhất. “Mẹ ơi lúc xa mẹ tuổi còn đang thơ ấu… con ra đi xa xăm không hẹn ngày về… Buổi nào con ra đi lòng ghi nhớ… Tiếng của mẹ già gọi hoài vang nương khe…”. Và ông, vừa dứt cơn sốt, thấy mình không giống mình của ngày hôm trước. Nó có nhìn thấy đôi mắt ông nóng ướt hay không mà đột nhiên chuyển giọng, gào mấy câu hát nhại vừa học được đêm trước bằng một thứ tiếng Kinh trôi chảy nhưng ngòng ngọng: “Tóc em dài sao em không búi, cứ phi dê cho rối lòng anh…”. Không có một bóng người trên đường ngoài hai thằng con trai nhỏ. Chỉ cánh rừng sau mấy ngày mưa sũng nắng mới hừng. Không bao giờ ông gặp lại thằng bạn đã chia chung với ông tấm chăn đơn ngày ấy, đã tập cho ông ăn ớt hiểm chống sốt rét, đã chỉ cho ông cách đào măng và thổi cơm lam. Làm sao ông có thể nói cho Ngân hiểu được rằng đấy là những ân tình vĩnh viễn và ông tin có những người không bao giờ thay lòng. Không có niềm tin ấy, làm sao ông có thể sống sau những ngày không còn dám tin ai mình vẫn thường gặp mặt và thường phải tự xét mình sống có còn lý tưởng hay không?

*

Tâm sự… Tâm tình… Lý tưởng… Không hiểu sao Ngân lại dị ứng đặc biệt với những từ như thế, đến nỗi không bao giờ dùng để nói về mình. Ngôn ngữ không phải là đời sống con người. Ngôn ngữ là nơi ẩn trú của đời sống và bản thân nó có một cuộc đời riêng biệt. Không thể gò ép. Không thể gọt đẽo. Không thể phỉnh phờ. Và cũng không thể dùng nó để phỉnh phờ mình.

Cũng vì thế mà Ngân ưa chế nhạo. Trước hết là chế nhạo mình. Đấy là một khả năng rất không nên có ở đàn bà. Nó cũng giống như cái kính cận mà một người đàn bà trẻ phải mang, dù có đẹp có sang có đắt tiền đến mấy thì cũng chỉ làm cho người đàn bà đó mất nhiều hơn được trong cái nhìn đầu tiên của người đời. Đàn bà phải cần hơi hơi xinh, hơi hơi thông minh, hơi hơi duyên, còn ngoài ra: thừa, để có thể hạnh phúc theo tiêu chuẩn.

“Hạnh phúc?”. Chưa bao giờ Ngân dám đặt cho mình câu hỏi đó. Chẳng lẽ lại phải tìm câu trả lời khi rõ ràng Ngân hạnh phúc đúng theo sự đong đếm của người đời. Chẳng lẽ có thể than vãn khi đợi chờ Ngân trong khung cửa ấy là một tình yêu có thật, là một yên bình rất gần với mơ ước của bao người. Chồng Ngân yêu Ngân. Không có gì phải hoài nghi điều đó. Người đàn ông đã bắt đầu bệ vệ tương xứng với tuổi tác và thành công trong cuộc đời chí ít chưa bao giờ nói rằng không yêu vợ và tin vợ. Người đàn ông đó đã cho Ngân hai mặt con, đầy trách nhiệm với vợ con và hoàn toàn trung thành với Ngân. Làm sao Ngân có thể nói với mọi người rằng chính điều đó làm Ngân khổ sở, cũng như là Ngân đã không thể nói điều đó với chồng mình.

Nhưng đúng là Ngân khổ. Khổ vì nỗi chồng mình coi chuyện gừng cay muối mặn là lẽ dĩ nhiên và hạnh phúc là bất biến. Khổ vì nỗi được chồng tin cậy. Khổ vì nỗi chồng không bao giờ băn khoăn tới chữ thủy chung. Làm sao có thể lên án một người đàn ông đầy năng lực thủy chung bởi anh ta thực ra chẳng có một đam mê gì trong cuộc đời, ngoài công việc, sự tiến thân, tiện nghi trong đời sống? Một người đàn ông như thế bao giờ cũng đáng được trọng vọng, từ trong nhà ra ngoài phố.

Chưa bao giờ Ngân có cái lo âu vì nỗi sợ sẽ mất chồng. Chưa bao giờ Ngân được thỏa mãn vì nỗi chồng mình sợ mất mình. Đời sống cứ thế từng ngày trượt qua Ngân, nhàn nhã, nhàm chán, phi lý. Không thể nào hiểu nổi làm sao Ngân lại có thể sống vậy chừng ấy năm. Giá như không có mấy đứa con? Thì vẫn thế. Ngân biết là vẫn thế. Dù có ngấm ngầm công phẫn mình đến bao nhiêu, Ngân cũng sẽ không lồng ra khỏi cái lồng son này.

Và sẽ tiếp tục âm thầm buồn, tiếc những ngày khó nhọc, tiếc những ao ước không thành nên suốt đời vẫy gọi, tiếc những phấp phỏng và thảng thốt rất không đâu, tiếc những người không bao giờ có thể coi là bạn nữa, mà cũng không bao giờ có thể là gì nữa. Ý nghĩ này hồi đầu làm Ngân kinh hãi và ghê khiếp. Nhưng dần dà, Ngân hiểu ra rằng đấy là lối thoát cuối cùng của mình, của những kiếp đàn bà như mình. Phải! Khi người đàn bà không còn có thể sống cho, sống cùng khao khát, thì phải để cho họ quyền thương nhớ tháng ngày đang qua. Nếu không, họ sẽ không chịu được cảm giác mình phản bội lại chính mình. Hồi ức luôn làm sáng lại ngày đang sống một cách trang trọng và buồn thảm. Đấy chính là vẻ quyến rũ của quá khứ trong Ngân. Có biết bao nhiêu người đã chia cùng Ngân quá khứ đó. Còn ai vẫn mang dĩ vãng trong từng ngày sống bây giờ? Khi hỏi mình điều đó, không hiểu sao Ngân luôn tin rằng có, có đấy, dẫu chỉ đôi người. Những người bạn đã từng cho Ngân những ngày sống cứ như mơ, vì cảm giác được hiểu đến tận cùng. Hiểu nhau… Người ta luôn cầu mong điều đó và hay nói thế. Nhưng thế nào là hiểu nhau? Phải làm gì để hiểu được nhau? Tâm tình ư? Tâm sự ư? Sẻ chia cùng nhau một lý tưởng ư? Có ích gì hơn một bản lý lịch trích ngang không? Hiểu nhau trước hết là cảm giác muốn hiểu nhau. Những từ tâm tình, tâm sự, chân thành, biết ơn, lý tưởng… trở thành xa xỉ và hoàn toàn thừa trong những năm tháng đó. Họ có thể không còn muốn như xưa nữa. Có sao! Lúc đó những từ ngữ vô cảm cũng đâu còn cần thiết. Lúc đó, Ngân sẽ lại nhạo báng chính mình và nhạo báng mọi người. Đấy là một phản ứng tự vệ vô điều kiện ở Ngân.

Chồng Ngân chưa bao giờ mất thì giờ để tìm hiểu điều đó. Với người đàn ông, đấy là thói đỏng đảnh đáng yêu và đáng bực của đàn bà, tùy thời điểm, tùy thời tiết trong ngày và tùy công việc ở cơ quan. Anh không thể tưởng được ra rằng biết bao lần đi cùng anh trên phố, người đàn bà – trẻ con kia đã tách mình ra khỏi chồng. Chỉ những hoài nhớ kia là có thật. Chỉ nỗi buồn kia là có thật. Chỉ còn Ngân và xa xôi, và nỗi cô đơn tê người. Anh sẽ cảm thấy bị xúc phạm, nếu mà anh biết, và có lẽ còn tức giận bởi thấy mình hóa ra cũng vẫn là một kẻ ghen tuông.

Người đàn bà đã từng tưởng thế và chỉ rất nhiều năm sau mới hiểu ra rằng không dễ gì, có thể là còn không bao giờ hiểu được một người, một người bình thường, gần gũi. Nhưng vào lúc đó Ngân chỉ băn khoăn về chuyện có thể ghen với dĩ vãng được chăng? Khi mà, ngay trong dĩ vãng hoàn toàn tự do Ngân chưa bao giờ thật sự muốn thuộc về một ai vẫn từng cùng mình quấn quít. Như với người đàn ông vừa gặp lại…

Khi ấy có một niềm hi vọng bé

Không ai nói,

chỉ dám nghĩ bơ vơ

Điều hi vọng bé ấy

mười năm sau vẫn còn

*

Khi nghĩ về những ngày hoang dại

Ta biết

Sẽ không bao giờ ta quên người ấy

Khi nghĩ về những ngày hoang dại

Ta biết

Người ấy

đã lâu rồi

quên ta

9.

Hội nghị kết thúc vào lúc xế chiều. Suốt từ hôm khai mạc, xoay như con quay vì là người của bộ chủ trì, Ngân vẫn bắt gặp mình từng lúc rưng rưng. Nhớ những ngày tháng ấy. Ngân đã bao nhiêu lần ngồi sau tấm lưng trai trẻ ấy, để người con trai đèo đi lang thang trong hoàng hôn. Bao nhiêu gió đã thổi qua đời. Bao nhiêu cơn mưa đã chẳng còn làm lòng buồn dìu dịu nỗi buồn thanh xuân vô tư lự tuổi nào. Thành phố cũng có gì là rộng rãi. Vậy mà sao chẳng mấy khi gặp lại từ lúc Ngân đi lấy chồng. Vẫn có những lúc thoảng nghe được tin nhau. Vẫn có những lúc thấy nhau trong đám cưới của bạn bè thời đi học. Nhưng chưa bao giờ Ngân hỏi lại người vô tình nhắc nhớ hay tìm cách chuyện riêng cùng Vĩnh. Bạn bè cũ đứa nào cũng lắc đầu cười vì nỗi hồi ấy đã ngỡ… Tưởng chừng như tháng ngày xưa không có nẻo quay về…

*

– Ngân…

“Từ từ! Từ từ!”. Có một hồi chuông rung bất chợt trong tâm trí. Người đàn bà kìm mình xếp lại mấy trang tài liệu đưa cho anh nhân viên trẻ cùng phòng. Âm trầm đằng sau lại vang lên: “Bé con!’ ‘Chao ôi! Chẳng lẽ bọn mình còn trẻ thế!”.

– Vĩnh – Người đàn bà thở ra một hơi dài, quay lại – Mấy hôm rồi Ngân thấy Vĩnh mà công việc rối mù. Nhưng Ngân có nghe tham luận của Vĩnh…

– Còn Vĩnh thì cứ chầu chực xem lúc nào Ngân đứng một mình. Giờ thì phải liều ra quấy nhiễu không thì Ngân lại biến mất. Mà hội nghị thì chả biết sang năm có tổ chức lại được không?

Anh nhân viên trẻ cùng phòng Ngân ý tứ đếm lại số trang tập tài liệu, chả biết để làm gì. Ông anh chắc là một vệ tinh xoay quanh bà chị thuở nào. Người đàn bà nhìn bạn, bình tĩnh:

– Vĩnh chưa về ngay chứ. Vậy chờ Ngân vài phút làm nốt mấy việc với anh bạn này. Vĩnh đi xe cơ quan hay là…?

– Vĩnh sẽ đợi đầu đường. Bạn trẻ này! Đừng bắt mình chờ lâu quá nhé.

Chàng trai trẻ mỉm cười, ngỡ ngàng. “Ông anh bà chị này chắc không phải người yêu cũ. Chắc là bạn bè thân thiết thôi”. Chàng ta chưa đến cái tuổi hiểu ra rằng vẫn có thể có những tình yêu đến một lúc nào đó lại giống như tình bạn. Chàng ta không hiểu nụ cười kín đáo mà âu yếm của Ngân khi nghe lời hẹn của Vĩnh. Đã có những ngày xa xôi lắm ở lớp ngoại ngữ ban đêm họ vẫn hẹn nhau như thế.

*

Trái tim Ngân lại đập dồn khi từ xa nhìn lại thấy Vĩnh ngồi ghé trên xe máy, một chân xoải dài trên hè phố. “Y như ngày xưa. Bình tĩnh lại. Ngày xưa là buổi tối…”. Chiều nay, nắng nhỏ dập dềnh, tán phượng lá chưa vàng hết. Phố người xe hớt hải. Một cơn gió thốc lại làm Ngân đau đau trong xoang mũi. Gió bấc. Gió bấc về.

– Bọn mình đi đâu bây giờ Ngân? Ngân muốn uống gì không? Có cái quán nhỏ Vĩnh hay ghé…

– Đừng Vĩnh. Kiếm chỗ nào ở vỉa hè thôi. Cả ngày ngồi trong phòng rồi…

Có điều gì rưng rưng trở lại. Tuổi học trò đầy vơi… Cái tuổi mê nhau mà không tự biết, một ngày không thấy mặt nhau là ruột gan cồn cào. Những ngày kem que và bánh rán, những ngày rẽ vào hiệu sách lại tiếc rẻ đi ra, những ngày Tam Đảo hì hục bưng bê hoa địa lan về chia nhau. Những ngày thương yêu lắm…

Cả hai ghìm xe máy đi chầm chậm, rồi tạt một hàng nước mía ngang đường. Vĩnh hỏi:

– Ngân vẫn thích uống thật lạnh những ngày gió trở như thế này chứ?

– Vẫn. Uống rồi chờ ốm. Nhưng mà thèm lắm, cứ nhìn là không nhịn được. Chết vì tham, đúng không?

– Nhưng hôm nay về thì Ngân không được quyền ốm rồi. Các cháu có khoẻ không?

Người đàn bà khuấy nhẹ mấy viên đá lanh canh trong cốc, nghe vỏ cam bốc lên một mùi hương quá vãng, không trả lời, chỉ nhẹ giọng ơ hờ:

– Vĩnh nhớ góc phố này không? Giá bớt bớt xe cộ đi thì may ra mới cảm lại được cái thư nhàn xưa… Vĩnh sống thế nào? Ngân biết là Vĩnh êm ấm.

– Êm ấm? Có lẽ. Thì Vĩnh cũng có một vợ, hai con, một ngôi nhà như các nhà văn nhà vẻ bây giờ thường mô tả là đầy đủ tiện nghi hiện đại. Bốn bên các cụ nhà Vĩnh đều đã chôn xong cả. Còn Ngân?

– Ăn với nói! Mọi người bảo là Ngân hạnh phúc. Xong thủ tục hỏi thăm nhau chưa nào? Vĩnh có hay gặp lại các bạn không?

– Một vài. Thụy bỏ chồng, lấy Thái. Ngân nhớ bọn ấy ngày xưa động một cái lại lườm nguýt nhau không? Giờ rổ rá cạp lại, có vẻ vừa đẹp vừa bền. Phan tây giả có vẻ muốn về hẳn, vừa tậu cái nhà to vật, tiền tấn. Ông đưa thư của Ngân, phải Việt ngày xưa vẫn đưa thư cho Ngân không? Việt cũng vừa tậu một cô vợ mới toe, trẻ măng đô lin, chả biết là thứ mấy. Hùng bị vợ bỏ rồi. Mợ nó đi tây. Mọi người cứ cười tại cậu nó ngày xưa quên thủy chung với người yêu, nay bị quả báo. Hôm nọ bọn Vĩnh tụ tập, nhìn nó thấy thương. Vợ lấy tây, anh ả cũng chơi đẹp, không phải chia của nả hay đấu tố nhau trước tòa. Nhưng có đứa con thì mẹ nó mang đi lúc mới ba tuổi, nhớ con cuồng cả người mà chịu chết không làm sao thăm nom được. Tội nhất là con bé giờ chỉ còn bập bõm tiếng Việt. Bà nội nó cứ héo cả người…

Im lặng.

Bất chợt:

– Vĩnh thấy Ngân, mừng ghê lắm. Ngân biết không? Hồi ấy nếu như Vĩnh có thể bình thản lại dễ dàng Vĩnh đã tới thăm vợ chồng Ngân luôn rồi. Hoặc giả Vĩnh đã có thể hỏi thăm và biết được nhiều về Ngân hơn rồi. Giá có thể trẻ lại bằng khi đó, Vĩnh sẽ xin lỗi Ngân cách khác. Có thể Ngân vẫn không chịu, vẫn đi lấy chồng, nhưng giữa chúng mình sẽ không phải là mười mấy năm yên lặng như thế này. Rồi có lúc Vĩnh lại nghĩ may là bọn mình không đi tới cái gì. Vĩnh không phải là một người chồng tốt.

Người đàn bà ngần ngừ:

– Ngân cũng không phải là một người vợ tốt. Chúng mình cùng may.

Người đàn ông cười phá lên, nhìn sâu vào mắt bạn:

– Bé con. Vẫn bướng y như trước.

“Không! Không phải thế!”. Ngay cả ngày ấy Ngân cũng chỉ thèm được bé bỏng, được dịu dàng. Không ai biết đằng sau vầng trán dô của cô gái vẫn được tiếng thông minh và đầy nghị lực luôn luôn chất chứa một nỗi tuyệt vọng, một nỗi lo sợ ghê hồn trước tương lai. Tương lai là cái gì? Là đồng lương còm và tiêu chuẩn gạo mì bốc mùi ẩm mốc, cứt gián hôi rình? Là cái đích trở thành nghiên cứu sinh để đi nước ngoài một chuyến và sẽ lát đường về Hà Nội bằng hàng đống những mâm nhôm xoong nhôm chậu nhôm bàn là hoa dâu giường gấp nồi áp suất? Là khoảng cách ngày càng xa giữa mình và những đứa bạn không thông minh hơn nhưng lắm cơ may nhờ bố mẹ làm to hơn bố mẹ mình? Sâu thẳm, là tiếng gọi nào thảng thốt và hối thúc của những miền xôn xao thiết tha lắm mà chưa tới được. Làm cho Ngân luôn cảm thấy cô độc, vô cùng cô độc giữa những niềm vui thường ngày của bạn bè. Nỗi cô độc ấy, niềm thiết tha ấy, sự yếu ớt thể chất ấy rút lại đã thành ngày sống của Ngân, đã lặn vào trong Ngân và hiển hiện ra trong một dáng vẻ khiêm nhường mà kiêu hãnh, đầy vẻ thách đố quyến rũ, bởi chính Ngân cũng không tự biết.

*

Vĩnh nhìn Ngân, nhìn người đàn bà mỡ màng và mới mẻ đang bình tĩnh hớp từng hớp nước mía lạnh buốt, đột nhiên nhớ lời thằng bạn bác sĩ cảnh tỉnh: “Liệu thần xác. Cái Ngân nó chẳng khác gì morphine. Hồi đó Vĩnh đã vừa ái ngại cho thằng bạn vừa không che giấu niềm hãnh diện ít nhiều còn là tự mãn của mình. Giá hồi ấy Vĩnh đừng quá kiêu hãnh thế trước Ngân. Mà giá như ngày ấy Ngân cũng đừng kiêu hãnh thế. Thì có phải bây giờ người đàn bà này sẽ trở về nhà cơm nước cho Vĩnh và những đứa con của họ. Thì có phải đêm về… Vĩnh bất giác mỉm cười.

– Ngân biết vì sao Vĩnh cười rồi. Đã một lần Vĩnh nhìn Ngân cười như thế. Cái đêm bọn mình đi xem “Tôi và chúng ta”, đi mãi mà không về đến nhà ấy. Đúng không?

Vĩnh giật mình. Ngân ngày xưa cũng thế, luôn nói trước những ý nghĩ nhiều khi mới chỉ manh nha trong trí Vĩnh, làm Vĩnh kinh ngạc và sung sướng vì được cảm hiểu. Nhưng cũng chính điều đó đã làm Vĩnh tự ái, khi nghĩ ra rằng đằng sau những lời của Ngân chẳng hàm chứa một chút thần giao cách cảm gì, mà chỉ đơn giản là mình đang bị Ngân phân tích. Vĩnh thăm dò:

– Thế vì gì nào? Ngân nói thử đi. Chính Vĩnh cũng không biết ngày ấy vì sao mình cười đấy.

*

Đêm ấy, hai người trẻ tuổi rời hội trường trường Bách khoa lúc đã 11 giờ đêm. Khuya, phố mưa tầm tã. Xe Ngân chệnh choạng trong làn nước đang chảy như thác trên mặt phố. Vĩnh nắm lấy bàn tay Ngân đặt trên ghi đông, dắt Ngân đi. Gió và mưa lùng bùng bên ngoài tấm nilon. Đi mãi, không thể nào rẽ về phố nhà được. Nẻo phố nào cũng bị chặn vì bộ đội tập trung. Ngày mai là quốc khánh. Ngày mai duyệt binh. Đấy sẽ phải là một sự kiện bình thường để cho dân hoàn hồn sau cú đổi tiền trời sập. Mưa. Mưa. Vĩnh nhìn Ngân tuyên bố: “Vĩnh sẽ gọi thật to tên Ngân để xem mấy ông lính này làm như thế nào”. Vĩnh gọi thật, gọi như chưa bao giờ. “Ngân…ân…”, “Ngân… ân…”. Say sưa. Vui sướng. Một gương mặt tối dưới vành mũ cối, một dáng người tùm hum trong chiếc áo mưa vải bạt từ góc đường vọt ra:

– Anh chị “nàm” cái gì đấy? “Nàm” gì mà hét như hóa ngộ thế?

– Hóa ngộ thật đồng chí ạ. Bọn tôi chưa biết đếm tiền mới, gửi xe trả tiền nhầm, thiệt đến trăm bạc chứ không ít. Giờ thì không biết đâu là đường về nhà. Anh xem, bọn tôi mắt mũi kèm nhèm, mưa gió thế này, kính cũng không đeo được…

– Nhà anh chị ở đâu?

– Đấy! Rẽ đường này nhé. Xong đi thẳng. Đi một đoạn có cái ngã tư lại rẽ, rẽ trái, lại đi, rẽ phải, thế là đã gần về tới nhà. Nhưng hôm nay không hiểu sao đêm hôm thấy chỗ nào đường cũng chặn.

Anh lính nhìn ngờ vực. Ngân thì phải cố lắm mới giữ được vẻ ngoan ngoãn tội nghiệp của một đứa con gái không quen đi chơi về muộn, tiếng cười chỉ chực phì ra sau mỗi câu đầy vẻ nghiêm trang của Vĩnh. Theo lời dặn của anh lính, hai người quay xe và đường thông thật. Lúc chia nhau nắm hoa cúc tím mò mẫm hái ở vườn trường lúc tối, hai đứa nhìn nhau qua màn mưa đầu thu rào rạt, lòng thầm tiếc rẻ vì thế là đã về tới nhà, rồi bỗng dưng phì cười. Vĩnh nhớ chưa bao giờ kể cho Ngân nghe rằng đêm đó, một mình, Vĩnh lại gọi tên Ngân, đã lắng nghe tiếng mình xuyên trong màn mưa và âm vang trở lại dọc con đường vắng. Đêm đó, Vĩnh biết rằng mình vĩnh viễn muốn đi về cùng người con gái ấy, vĩnh viễn muốn có những phút được nhìn nhau như thế, say sưa, vui sướng, quên hết mọi âu lo về ngày sống cằn cỗi, đầy bất trắc…

Vĩnh không biết rằng đêm đó người đàn bà – trẻ con kia đã đứng lại một mình đầu ngõ nhỏ, đã ngước nhìn vòm đa lướt mướt trong mưa lấp loáng ánh đèn sáng tưng bừng của trụ sở công an phường sát đó, và sát đó là mấy chiếc xích lô tùm hum cái mái che cũ kỹ. Trong một chiếc xích lô như thế có người bạn xưa của bố mà bố kể rất nhiều, với bao nhiêu là nể trọng, nhưng chưa bao giờ dừng chân trò chuyện lâu lâu hay mời nhau ghé nhà uống ngụm nước. Vĩnh không biết, đêm đó người đàn bà – trẻ con đã khóc, biết mình không bao giờ có thể vô tư, biết sẽ không bao giờ còn có lại cùng chàng trai những giờ phút mê say vừa trải.

Mùa đông – chiều – cánh chim lạc gió

Như mối tình của một con người

Không bao giờ còn mong đáp lại

*

Từ một quãng đời nào ta đánh mất niềm vui

Từ một kiếp trước nào ta đã chọn kiếp này để nhớ

Hỏi mãi để làm gì

*

Những ý nghĩ không thành hình chìm trong man mác buồn

Hay nỗi nhớ về hạnh phúc vừa bay đi khuất

Em, hãy đi bên anh và đừng nói.

10.

Ngân đã một lần thử giải thích điều đó với cô bạn vẫn tự nghĩ là mình thân nhất với Ngân. Nhưng cô bạn đã chỉ há miệng nghe và lắc đầu lia lịa. Có thể là Ngân đã không nói hết chăng? Mà nói làm sao? Không thể! Không bao giờ có thể.

Cậu con trai không bao giờ biết cô gái đã gắng giữ cho cậu bằng an. Nếu biết điều đó, cậu ta sẽ nghĩ gì? Có thể vô tư tiếp tục được không? Có thể lặng im như cô ta được không? Bởi vì đó là bố cậu.

*

Cô gái biết ông ta từ lúc còn là cô học trò nhỏ, còn ghét cậu con trai và tất cả bọn con trai chỉ vì họ là con trai. Ông ta hay đến đón cậu con những buổi tan trường. Những ngày sau chiến tranh, trẻ con còn phải học ba ca, trường tan muộn, lúc thành phố đã lên đèn. Ông bố ngồi trong chiếc Lada chờ con, mặt mũi phương phi, vẻ béo tốt phương phi hiếm có ở người bình thường ngày ấy. Ngày ấy ai cũng gầy, hình như thế. Hình như ông ta bao giờ cũng tươi cười và chẳng hiểu sao cô bé lại có cảm giác vẻ tươi cười ấy hoàn toàn vô cảm. Cả lớp e dè và kính cẩn tụm lại ở cổng trường nhìn thằng bạn chui vào trong chiếc Lada trắng. Có lần cô bé vô tình nhìn qua cô giáo. Cô cũng một vẻ e dè kính cẩn và điều đó có cái gì hết sức lạ lùng trong ý nghĩ của đứa học trò nhỏ. Học cùng lớp thật, lại cùng bàn, có nói chuyện riêng, hỏi bài hay cãi nhau thật, nhưng cứ ra khỏi cổng trường là cô bé có cảm giác cậu bạn thuộc về một thế giới khác. Mà trong đó, tất cả những ao ước của loại trẻ con như cô đều có thật, đều trở thành bình thường. Là không phải quần áo vá. Là không phải dép cao su. Là cặp da đựng sách vở thật đàng hoàng. Là xe đạp thiếu nhi và những buổi mang đàn đi học thêm. Là những mùa hè đi biển hoặc sinh hoạt câu lạc bộ thiếu nhi thành phố. Và đủ thứ đồ lặt vặt lẩm cẩm tuyệt vời: chiếc com pa ngoại; bút máy Kim Tinh; hòn tẩy thơm như một viên kẹo làm ứa nước bọt không có ở bất kể cửa hàng bách hóa nào. Cậu con trai không bao giờ biết những buổi chiều mồ hôi mồ kê chen chúc trước của hàng gạo. Cũng không bao giờ biết cần phải kiên nhẫn như thế nào nơi máy nước công cộng mỗi chiều. Cô bé hoàn toàn hờ hững trong khi bạn bè mắt tròn mắt dẹt trước những câu chuyện cậu con trai kể về một mùa hè ở biển hay một buổi xem phim chiêu đãi và cậu ta không hiểu được đấy chẳng hẳn là sự khinh khi giả vờ như cậu đã từng tưởng thế ngày hai đứa chưa cùng trong một hội. Ở cô bé, vẻ ơ hờ luôn luôn là cố gắng đầy thất vọng để mình không bị mất mình. Khi cô lớn lên, sự ơ hờ đi xa hơn sẽ trở thành thói quen nhạo báng những lúc lòng buồn nản quá và nó sẽ giúp cho cô toài ra khỏi được âm thầm.

Trong mắt cậu con trai, cô gái luôn luôn là đứa con gái có tiếng cười thảnh thơi và ưa trêu chọc, là cái đinh của những cuộc tụ bạ chúng bạn, là nỗi lo ngại ngấm ngầm của bà mẹ, dù bà luôn luôn tươi cười những lúc cô gái tới. Không hiểu vì sao. Bà mẹ cậu trai, cao ráo, nghiêm trang, giỏi chuyên môn và thường đi nước ngoài vì khả năng chuyên môn có thật chứ không phải vì uy thế của chồng. Bà có cái uy riêng thế nào đó làm tất cả lũ con gái cùng lớp cậu con đều sờ sợ, trừ cô gái, và bà cảm thấy điều đó rất rõ, ngay lập tức, khi biết mặt cô lần đầu. Lần đó cậu con trai mời cả lớp tới nhân sinh nhật cuối cùng trước khi cả lũ ra trường. Đấy là một buổi gặp mặt vui nhất, đông nhất, đầy đủ nhất và chỉ một mình cậu ta làm được điều đó. Trong khi đám con gái tíu tít quạt chả rửa rau thì từ phòng làm việc nhìn ra bà thấy một đứa con gái đang ngồi yên lặng giữa lũ con trai, lắng nghe điều gì đó và mỉm cười. Cô gái không biết, mà làm sao biết được, rằng cái vẻ tự chủ, nửa nồng ấm nửa lạnh lẽo của mình khi dự vào niềm vui chung cùng tất cả bạn bè đã là nguyên nhân của nỗi ác cảm vô cớ nơi bà mẹ. Những người đàn bà ít nhiều giống nhau về tính cách thường rất nhạy cảm và nghiêm khắc trong sự đánh giá nhau.

Cô nhận ra ngay sự dè chừng của bà mẹ cậu bạn, khi mà hai đứa đã rất thân nhau trong mùa hè cuối cùng của tuổi học trò, nhưng không biết nguyên do thật. Đã có cái gì để một bà mẹ phải lo ngại đâu cơ chứ. Hai đứa thân nhau, nhưng đó là tình thân hơn một chút giữa những người trẻ tuổi cùng bè cùng hội. Có thể vì gần nhà nhau chăng? Đấy là một tình bạn kỳ dị, vì kẻ trong cuộc đã không hề nghĩ đến tình yêu, ít nhất là buổi ban đầu. Biết nhau lâu quá rồi để không thể có một tình yêu lốc xoáy.

Mà nếu như có một tình yêu như thế, thì nó sẽ bị dập tắt ngay lập tức vào buổi chiều ấy. Buổi chiều cuối hè năm thứ hai đời sinh viên của cô gái. Cô đến tìm cậu bạn và cậu ta chưa về. Bố cậu mời cô gái vào chơi. Lần đầu tiên cô bước vào căn phòng làm việc thênh thang của ông. Khung cửa sổ mở rộng về phố nắng, nồm nam lồng lộng. Cành sấu vạm vỡ chìa sát ô cửa, tưởng chừng với tay là có thể ngắt những chùm quả đã bắt đầu ưng ửng chín. Ông bố sẻ phin cà phê vừa được, một tay chìa cốc cà phê đá cho cô gái, một tay quàng lấy vai cô từ từ siết chặt. Đôi môi đàn ông nong nóng mềm mềm ươn ướt… Cái bụng đàn ông mỡ mỡ hồng hồng sau lớp áo sơ mi trắng trắng… Cảm giác bị một con dấu nung đỏ đóng thẳng vào thái dương và tóc trên đầu bốc cháy trong khi đang lún vào một đống gì lùng nhùng bẩn bẩn làm cô gái gần như tê liệt. Nhưng không hiểu sao cô gái không hoảng hốt, chỉ thấy ghê sợ, ghê sợ bàn tay mình râm rấp hơi nước tỏa ra từ cốc cà phê đá đang tan, ghê sợ bàn tay đàn ông mũm mĩm hâm hấp nóng trên vai, ghê sợ luồng khí tỏa ra từ thân thể đàn ông đang choàng phủ lên mình, ngầy ngậy, sền sệt. Chưa từng có ai đặt được tay như thế lên vai cô. Cô gái thân với nhiều cậu trai trong lớp, nhưng họ không bao giờ suồng sã với cô. Có cần phải hỏi gì nhau trong lớp tránh mắt thầy cô giáo, các cậu trai ấy đều dùng thước kẻ, bút hay bất kể đồ vật gì sẵn đó đập nhè nhẹ lên vai cô bạn. Họ gọi đó là vật cách điện và điều đó làm nhiều cô bạn khác rất không bằng lòng. Cậu con trai cũng luôn làm thế.

Cậu ta sẽ nghĩ gì nếu nhìn thấy cảnh này? Mẹ cậu sẽ nghĩ gì? Khi đã rất thân nhau rồi, khi đã là sinh viên rồi, cậu con trai đã một lần kể cho cô bạn nghe về chuyện nhà. Lũ trẻ con cùng lớp ngày xưa làm sao biết được nỗi khổ của cậu mỗi chiều muộn khi chui vào trong ô tô cùng với bố. Làm sao biết được anh em cậu đã ngơ ngác bao nhiêu khi đột nhiên cái biệt thự có thêm chủ mới. Nhà cậu đang rộng thế giờ hẹp hẳn lại, thu gọn trong một tầng. Bà giúp việc thôi không thấy đến. Cái Volga bố cậu thường đi thay bằng cái Lada. Vẻ lạnh lẽo của mẹ trong bữa cơm chiều nóng sốt… Khi kể cho cô gái nghe, cậu con trai đã cười: “Ghen như mẹ Vĩnh thật có một không hai. Nhưng có như thế bố Vĩnh mới biết yên phận đấy”. Quả là ghen như thế cô gái chưa từng thấy thật. Ở trong khu tập thể bao năm, cô lạ gì những cuộc đánh ghen. Vả. Đấm. Chát. Huỵch. Quấn tóc nhau mà rứt. Xé quần xé áo. Có những đám đánh nhau thì chửi bới tưng bừng. Có đám chỉ hì hục vật lộn, nhưng lúc buông nhau ra thì chỉ nhìn họ thôi đã đủ để hiểu thế nào là hận thù. Không một đám đánh ghen nào thiếu tiếng cười của dân tình lúc nào cũng sẵn lòng xúm xít xúi bẩy can gián. Rồi sau đó là những câu nhiếc móc, khích bác, mai mỉa và mát mẻ bên một vòi nước công cộng, giữa hàng người trước cửa hàng thực phẩm hay chất đốt. Những cuộc đánh ghen ấy, nói thật, đã là một thứ gia vị đặc biệt cho bữa cơm chiều ở nhiều nhà.

Chưa bao giờ cô gái biết người ta có thể đánh ghen một cách khác, lặng lẽ, đầy hiệu quả, như cách đánh ghen của mẹ cậu bạn. Hồi ấy bà vừa từ Liên Xô về với bằng phó tiến sĩ. Chồng rập rình lên cao nữa, vợ dạy đại học, con hai đứa ngoan và giỏi, nhà biệt thự có cổng sắt và hàng rào dây leo, ban công trồng toàn hoa quý, cùng với tất cả những cái đó: người giúp việc ăn lương nhà nước, bìa Tôn Đản và sổ Giao tế. Còn gì và còn mấy ai hơn. Thế mà chỉ hôm trước hôm sau bà lại phải đối mặt với thực tế cay cực với mọi đời đàn bà: chia chồng. Tình địch là cô thư ký của ông chồng, đẹp và có học, và tự tin. Không một lời giận dữ trách móc ông chồng đang đắm đuối trong công việc cùng cô thư ký; không một lời cảnh cáo người đàn bà đang hăm he cõi bình yên của mình, bà vợ học rộng lên thẳng cơ quan chồng xin gặp ông bí thư đảng đoàn của bộ. Cái điều mà ai cũng biết nhưng không ai tiện nói thì giờ người vợ nói toạc. Không thể khuyên can người vợ khi bà ta bình tĩnh đến thế. Bình tĩnh xin chuyển cô thư ký đi xa “vì hạnh phúc của cô ấy”. Bình tĩnh xin hạ tầng công tác của chồng vì “đạo đức không có ngoại lệ khi đánh giá”. Bình tĩnh xin trả bớt tiêu chuẩn nhà cửa và vân vân cho tương ứng với địa vị mới của chồng dù không ai đặt ra vấn đề ấy. Điều thứ ba này bà làm thật, ngoài sự chờ đợi của kẻ cao người thấp trong cơ quan ông chồng. Không một lần tỏ ra phân vân tiếc rẻ, ngay cả khi ông chồng đã được phục chức nhưng tiêu chuẩn cũ không phục hồi được vì nhà cửa đã chia rồi và chủ mới nhất quyết không đi.

*

Nhưng vào buổi chiều xảy ra câu chuyện kia thì cô gái chưa hề biết điều này trong gia cảnh cậu bạn. Gần như là bản năng, qua cơn tê liệt ban đầu, cô hiểu ngay phải hành xử thế nào để bà mẹ cậu không cảm thấy cô là một sự rối mắc không cần thiết, để cậu bạn không phải đau đớn, và để mình không phải hối hận về sau. Chùm sấu chín lấp ló trong vòm lá rậm và cô gái đầy vẻ ngây thơ toài qua cửa sổ. Bàn tay người đàn ông trượt đi trên bờ vai con gái mười chín tuổi, chới với giơ ngang rồi thõng xuống. Và ông từ tốn hỏi cô gái về chuyện học hành, về dự định khi sẽ ra trường, về những khả năng xin việc ở cơ quan ông. Và cô, rất lễ độ, rất vui vẻ trả lời ông. Cho tới lúc cậu con trai về tới nhà.

Không bao giờ cô gái có thể nói ra sự phẫn nộ của mình vào buổi chiều ấy. Từ đó với cô là một cuộc lẩn tránh kín đáo trong quan hệ với cậu bạn và gia đình cậu. Có những buổi chiều đạp xe trên phố cùng chúng bạn, cô gái đã giật thót mình vì tiếng xe ô tô rà sát lại, cảm thấy như chiều quánh lại còn người mình thì nhão ra khi ông bố cậu bạn hạ cửa kính xe thò đầu ra cười với cô. Những lúc như thế, cô cảm giác rất rõ giữa ông ta với mình không có thứ bậc, và mình hoàn toàn bình đẳng với người đàn ông ấy, với tất cả đàn ông, dù họ có ở cương vị đáng trọng và đáng ngại như thế nào. Cảm giác ấy không mang lại niềm vui sướng cho cô gái, bởi vì từ đó đối với cô cuộc đời mất đi kỳ bí, không đáng sợ nhưng đáng buồn.

*

Cậu con trai không biết điều đó, mặc dù cậu biết rõ bố mình, và, một cách có ý thức, cậu đã giải thích cho cô bạn rằng có những điều bắt buộc phải chấp nhận và thông cảm, khi cậu vừa cười vừa kể đầy vẻ vô can về cuộc đánh ghen của bà mẹ. “Không thể tránh được điều ấy, với đàn ông, nhất là ở những nhà như nhà Vĩnh. Mẹ Vĩnh đánh ghen thế quả cũng độc đáo và quyết liệt thật, nhưng cũng vẫn cứ là làm chuyện thường tình”. Có vẻ như cậu chẳng buồn bực gì. Có vẻ như cậu coi tất cả những điều đó như là một phần đời sống gia đình, được thế thì phải chấp nhận thế.

Cậu ta có thể tiếp tục như thế được không, nếu cậu biết cảm giác và ý nghĩ của cô gái do bố mình đưa lại. Cậu không biết rằng từ lâu cô gái đã thầm quan sát ông bố của cậu và thôi không có ý định tiếp tục tránh ông ta. Điều đó xảy ra có vẻ như rất đỗi vô tình. Hôm đó cả hội kéo tới nhà cô xin việc đỡ một tay trong đám cưới bà chị gái của cô vào tuần tới. Chuyện nổ như ngô rang. Người cha vô cùng hoan hỉ. Đấy là lần đầu tiên ông thật tâm sung sướng từ cái ngày ông gà trống nuôi con. Ông điểm mặt tất cả lũ con trai, băn khoăn không biết thằng nào đang lăm le làm rể thứ của mình.

Sau dãy núi là mặt trời hoàng hôn

Sau màu vàng thu là những cuộc đời lá

Nước mắt có khi rơi, sau một lần hạnh phúc

Hay miệng cười như không sau năm tháng tơi bời

*

Từng lang thang qua những trường đại học

Từng lơ mơ trên những giảng đường

Những hàng cây thẫm màu in hình lên nền trời ráng đỏ

Đoá cúc vàng lộng lẫy mùa đang thu (*)

Giờ làm thợ không nên làm thầy không đắt

Mãi thư sinh cho đến thuở bạc đầu

Quen với nỗi buồn như khói thuốc

Quen với suông tình như sương khuya.

Không tin ai trên đời, không tin ai trên trời.

Sống đã thôi là hạnh phúc

Yêu đã thôi là đắm say

Và thu đã thôi là quyến rũ.

Chú thích:

* Thơ thời sinh viên

Comments are closed.