Gió tự thời khuất mặt

Tiểu thuyết của Lê Minh Hà

14.

“Con mang trên vai tuổi con gái chòng chành – con không được như các bạn của mình – khi mỏi nghiêng về bên mẹ…”.

Ngân đã viết như thế ở trang cuối của một cuốn vở, giữa một tiết học cuối năm, khi các bạn trong lớp dấm dúi chuyền tay nhau cuốn sổ lưu niệm để mơ màng nhắm mắt trước khi hạ bút vạch một chữ ký lãng mạn, với cái đuôi loằng ngoằng hướng tới tương lai. Đấy sẽ là cuốn vở duy nhất Ngân giữ lại nhiều năm sau khi đã rời trường phổ thông và đại học. Cuốn vở chỉ nguệch ngoạc đôi công thức toán và dòng chữ đó, trang cuối cùng. Nó nhắc Ngân nhớ tới nỗi cô độc bất thường của mình, không hẳn chỉ vì mồ côi mẹ sớm đến thế.

*

Nhiều năm sau này, khi đã là một người đàn bà từng trải nhiều mà vẫn không dạn dày, những dòng chữ viết trong buổi sáng hè rời rợi gió đó sẽ làm Ngân sợ hãi khi nghĩ về đời sống. Ngân nhớ mẹ đã ra đi vào tuổi Ngân bây giờ, mà chưa từng có một khoảng thời gian nào thật sự yên bình, nói gì hạnh phúc. Chỉ ở tuổi này, Ngân mới thấu hết nỗi đau của một đứa con mồ côi, chỉ thấu, khi hiểu ra nỗi đau đớn kiệt cùng của mẹ những ngày tháng đó, khi mẹ biết mình sắp chết, mà con mình còn nhỏ dại thế kia. Dẫu đã hết đạn bom. Nhưng đã bắt đầu lẩn khuất đâu đó khó khăn của thời hậu chiến, với bao nhiêu lo toan no đói tầm thường.

Và cũng chỉ ở tuổi này, khi hầu như mọi buồn vui dồn hết vào những đứa con rứt ruột, Ngân mới dám nghĩ rằng mẹ thật ra đã ra đi đúng lúc. Mẹ sẽ sống làm sao cho qua những ngày tháng đó. Mẹ, người đàn bà đẹp nhất, đẹp đến nỗi bao giờ bắt gặp một gương mặt phụ nữ khả ái, Ngân đều có cảm giác người đó có đôi ba nét giống mẹ mình.

Đấy không hẳn là cảm giác dễ hiểu ở một đứa con yêu mẹ. Người phụ nữ đã sinh ra người đàn bà trẻ con đẹp thật. Đẹp khác thường. Mái tóc rất dày nâu óng lên trong màu nắng quái dâng ngập những thân cây già bao chiều trên phố vắng. Hàng lông mày rậm cũng óng một màu nâu như thế. Sắc nâu lạ lùng và nồng ấm biết bao nhiêu, cứ làm Ngân thót cả tim mỗi bận nhìn dọc phố ngóng bóng mẹ đi về. Thường phụ nữ da trắng thì tóc và mắt cũng hơi nâu, nhưng đường nét sẽ nhạt, và buồn vui thì hời hợt yếu mềm. Còn mẹ, tóc và lông mày óng ả một màu nâu pha màu đồng đỏ, mắt to và môi mọng, hai khoé môi lúc nào cũng như đang giấu sẵn một nụ cười trái ngược với cái nhìn đầy tra vấn. Mẹ đã đi suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình với mắt và môi ấy, cả tin mà không biết khoan nhượng. Mẹ đã đi qua hai cuộc chiến tranh. Tuổi thơ âm u dưới bóng rừng già Việt Bắc. Tuổi trẻ trập trùng những nỗi đạn bom, nỗi mẹ già con dại chồng nghèo u uất mãi một nỗi niềm không thể nào gỡ bỏ. Mẹ đã đi qua tất cả với cái nhìn đau đáu và miệng cười không bao giờ gìn giữ lại cho mình một chút gì. Ngân không biết mình thừa hưởng được ở mẹ điều gì. Không phải là nhan sắc thắt lòng thắt ruột. Không phải là tính khí, cả tin, nóng nảy, kiêu hãnh mà thực ra khiêm nhường. Ngân nhớ, nhớ bao nhiêu giọng hát của mẹ, những đêm Hà Nội, mất điện, thanh khiết trăng sao. Những bài hát thời kháng chiến, những bản “nhạc vàng” ở lớp ở trường Ngân vẫn thường nghe nói mà không biết. “Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng – Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa … Âm ba thoáng rung cánh đào rơi – Nao nao bầu sương khói phủ lưng trời – Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan – Quê hương dần xa khuất núi ngàn… Gió hát trầm khúc ca – Tiếng phách giòn lắng xa – Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta…”. Bao nhiêu bài mẹ đã hát Ngân nghe. Những bài hát mẹ đã nghe từ bà ngoại giữa một Hà Nội lạ lùng trước ngày kháng chiến, nghe từ các chú các bác cùng cơ quan ông ngoại dưới bóng núi chiến khu, những bài mẹ đã học thời thiếu sinh quân quê người. Nhưng Ngân nhớ, nhớ nhất khúc thiên thai kỳ diệu mà mẹ đã hát say mê trong hơi gió nồm nam lồng lộng thổi, và nhớ những ngón tay mẹ mơn man trên tấm lưng nóng hầm hập vì sốt của Ngân. Ngân nhớ đêm mùa hạ ấy Ngân rét lắm trong cơn sốt, nhưng con bé con vẫn nằm mình trần, yên lặng, chỉ để được có bàn tay mẹ trên thịt da mình, chỉ để được nghe mẹ hát như mẹ đang nghĩ ngợi. Trăng xanh biếc hào phóng rải trên tấm chiếu cũ hai mẹ con nằm. Đấy là đêm riêng tư cuối cùng của hai mẹ con. Mẹ sẽ không thể sống những ngày những đêm đầy sự kiện đến rất nhanh sau đó. Như đêm ấy…

*

Đêm ấy, 30 tháng 4 năm 75, Hà Nội vẫn mất điện. Trong bóng tối hầm hập, tiếng loa truyền thanh không dễ định vị như lúc ban ngày, vang xa hơn, chói lói hơn. Hai chị em Ngân kẽo kẹt đèo nhau về nhà trên cái xe đạp cũ. Từ bệnh viện K nơi mẹ và những bệnh nhân ung thư nằm – những người mà người thân đang cố giấu họ một cách vô ích chẩn đoán vô vọng của bác sĩ, nơi chỉ có những mắt nhìn mỏi mệt của người sống và hoang vu của người đang chết trở ra phố, Ngân có cảm giác thế giới này không có thật. Người như nước tuôn về phía Bờ Hồ. Như cả thành phố dồn về đây, để đứng bên nhau, để cùng lắng nghe. Đoạn Hai Bà Trưng – Hàng Bài tắc cứng. Không rõ mặt ai trong tối. Chỉ những hơi thở nóng, nặng nề. Chỉ những tiếng lầm bầm xin lỗi của những người bị mắc xe đạp vào nhau hay sơ ý giẫm phải chân nhau. Bay trên tất cả, trên đám người không rõ mặt, trên vòm lá bắt đầu lồng lộng gió là những âm giai náo nức. “Việt Nam trên đường chúng ta đi – Nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó – Nghe sóng biển ầm vang xa tận tới chân trời – Nghe ấm lòng những khi đang dồn bước mà vui sao ta chẳng nói nên lời… Chặng đường xa ta đi giữa mùa xuân – Ta đi giữa tình thương… chiến trường xa dồn dập bước… Việt Nam… Việt Nam…”. “Yên hàn thật rồi”. Ai nói lầm thầm như mơ. Đột ngột vang lừng một giai điệu chưa bao giờ nghe. “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng – Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng…”. Lại Việt Nam. Lại Hồ Chí Minh. Có cái gì cảm động lắm, vừa cảm động vừa nghẹn ngào vừa kỳ quặc nở dần ra trong bóng tối của ngày đại thắng.

Khi đó Ngân chưa biết Trịnh Công Sơn. Cũng chưa biết tự hỏi mình nếu vào lúc đó hoặc trước đó người Hà Nội đã biết chẳng hạn “Một buổi sáng mùa xuân” hay “Đại bác ru đêm” của Trịnh thì ấn tượng về ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh đằng đẵng ấy đối với mỗi người sẽ như thế nào?

Đại hội Đảng lần thứ tư sẽ diễn ra sau đó một năm. Trước đó là cuộc diễu binh lớn chưa từng thấy. Nhà Ngân chật cứng bà con ra tỉnh xem duyệt binh. Mẹ lại nằm viện, đang heo hắt những hơi thở cuối. Ai ra Hà Nội cũng vào thăm mẹ và mẹ vẫn cố hết sức để mỉm cười, để diễn tả niềm vui có thật trong lòng khi biết mình sẽ chết. Rằng con mình đã sống và sẽ sống. Vì đã là hòa bình. Nhưng, trong hòa bình đã bắt đầu một cái gì đó còn khó khăn hơn cả thời bom đạn. Sau này, ký ức về những ngày đó trong trí Ngân cứ tự xóa từng vệt. Chỉ còn duy nhất một ấn tượng: hè năm đó ve sao mà nhiều thế, và mậu dịch bán nhiều chanh thế. Ve ran ran đêm ngày như một lời tiên cảm về những mùa khô khát chưa tới. Chanh đổ từng đống bên hè phố, thơm mát đường trưa tháng sáu, rồi úa đi, nẫu đi, bốc mùi. Tại sao Ngân lại nhớ điều nhỏ nhặt ấy? Tại sao Ngân không mấy khi nghĩ tới những buổi trưa hai chị em lủi thủi đi xuyên thành phố mang cơm cho bố đang trông mẹ trong bệnh viện? Tại sao Ngân không nhớ những tiết học đột nhiên nhãng hẳn lời thầy giảng, trái tim đập nặng như muốn ngừng vì ý nghĩ có thể trên cái giường sắt đó ở viện mẹ đã tắt thở? Đấy có phải là phản ứng tự vệ để lẽo đẽo cho hết phần đời chưa kịp sống?

Lúc đó, trong đầu óc cô gái mười ba tuổi không còn chỗ cho Trịnh Công Sơn. Mà có lẽ, với những người khác thì cũng thế. Đại hội Đảng IV thành công rực rỡ. Báo đăng. Đài nói. Công viên Thống Nhất thành rừng ánh sáng. Nghị quyết về các chỉ tiêu kinh tế đất nước phải đạt tới trong kế hoạch năm năm tiếp đó… Những con số… “Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng”, Hai mốt triệu tấn lương thực thành mục tiêu trên giấy cho bà con nông dân hướng tới… “Hợp lý”,’ “Nhảy vọt!”. Đài nói. Báo đăng. Có thể đoan chắc chuyện ngờ vực không có trong lòng người dân bình thường. Cái chính là đang sống, còn sống. Vả chăng đánh Mỹ còn được thì làm gì chả được. Đã ở nước nào đại sứ Mỹ phải cuốn cờ cắp nách cút đâu. Không ai thấy chuyện giang sơn thu về một mối mà vào tìm thân nhân trong miền đất vừa giải phóng vẫn cần có đủ thứ giấy chứng nhận nhân thân của cơ quan khối phố là điều bất thường. Nếu có ngỡ ngàng thì chỉ là ngỡ ngàng về một miền Nam phồn vinh lắm đồ nhựa xanh xanh đỏ đỏ, lắm máy móc gia dụng cũ, lắm vải mỏng đẹp tuyệt mà vừa giặt vài ba nước đã rách và vào chợ Bến Thành không biết cách mặc cả thì chớ có mua bán gì. Nếu có ngờ vực thì chỉ là sự ngờ vực kín đáo trước những người đàn bà miền Nam ra thăm chồng đi tù, áo bà ba vải mỏng tang mà nét cắt trông cưng cứng, quần ống rộng đen nhấp nhoáng, dép lưới, đội mũ vải thay vì nón lá, miệng lúc nào cũng hờm sẵn một nụ cười giữ ý chẳng ăn nhập gì với cái nhìn căng thẳng, buồn bã. Họ luẩn quẩn trong căn phòng chật của người bà con Hà Nội, lo xếp xếp sắp sắp những gói những lọ những hộp bốc mùi thơm lừng. Toàn những mùi xa xỉ tra tấn mũi và lưỡi và dạ dày của đám con chủ nhà cùng chúng bạn. Ngoài phố, tiếng loa truyền thanh vẫn vang vang dội ngược vào nhau. Náo nức. “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay – Non nước mây trời lòng ta mê say”, “Từ ngày hôm nay chỉ còn những tiếng ca”, “Từ thành phố này Người đã ra đi – Bao năm ước mong đón Bác trở về”. Cũng đã chen vào những âm thanh mới của những cuộc chiến mới. Nức lòng. Hùng tráng. “Chẳng kẻ thù nào ngăn được bước ta đi – Khí thế tiến công mang sức mạnh thần kỳ – Lời Tổ Quốc vẫn âm vang sông núi”, “Chúng con lên đường hình Tổ Quốc trong tim”. Trịnh Công Sơn phản chiến của cuộc chiến đã qua không thể chen chân trong dòng chảy này của đời sống. Còn tình ca? Tình ca thích hợp với một cuộc chiến nhất định thắng chỉ có thể hát về những nỗi nhớ hai đầu, hai đầu dòng sông, hai đầu núi biếc, hai phương trời cách biệt, là sự chia xa thực chứ không phải là tưởng tượng, và không bao giờ là cô đơn. Vẫn còn nguyên trong trí nhớ Ngân tiếng hát Trung Kiên sắt đá một niềm tin phơi phới: “Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu phương xa – Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba – Em ơi nghe chăng lời trái tim… Qua núi biếc trập trùng xa xa – Qua bóng mây che mờ quê ta – Tiếng ca đời đời đời chung thủy thiết tha… Giữ lấy đức tin bền vững em ơi – Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời làm một bản tình ca dâng cả bao người”. Vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ Ngân giọng nữ trung nồng ấm và rạo rực của Vũ Dậu: “Rất dài và rất xa là những ngày thương nhớ… Anh đang mùa hành quân pháo lăn dài chiến dịch – Bồi hồi đêm xuất kích chờ nghe tiếng pháo ran – Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ – Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào – Ngày và đêm xa nhau những đêm dài thương nhớ – Thời gian trong cách trở vẫn cháy ngời tình yêu”. Vẫn còn nguyên… giọng hát và ánh mắt… gửi trao… hò hẹn… rụt rè… liều lĩnh… Quang… chiều Đại Lải năm nào: “Một tiếng chim ngân – một làn gió biển – một sớm mai xuân bên cửa hầm dã chiến thấy trời xanh xao xuyến… ta vẫn thầm hái hoa tặng nhau”. Không một nhấp nháy xao xuyến trước tấm tình ấy, nhưng Ngân nhớ, nhớ tới bây giờ và chắc mãi về sau nữa, về người bạn cùng lớp sẽ hy sinh chỉ sau đó ít ngày, dù Ngân đã chồng con, đã mệt nhọc lắm bơ phờ lắm vì phải sống. Lứa tuổi Ngân khi ấy chưa có tình ca cho riêng mình. Vẫn phải ăn đong tình ca của các thế hệ trước. Tiền chiến là cái gì đó chỉ lõm bõm nghe “các cụ” âm ư rồi thở dài sau những bữa ăn chiều còn hơn là đạm bạc. Còn cái món ỉ ôi sướt mướt “Thi ơi Thi Thi có biết biết không Thi khi con tim yêu đương thầm chết” nhà hàng xóm khuân từ miền Nam ra nghe lén qua cái Akai cũ to như hòm lương khô, cái món ấy làm cho xương thịt thiếu ăn cứ muốn rão ra và những trưa hanh hao Hà Nội đâm khó thở.

Khi đó Ngân chưa biết Trịnh Công Sơn. Mà biết, liệu Ngân đã biết để mà mê đắm?

*

Cô gái mười sáu tuổi không hề nghĩ rằng chỉ sau đó mấy năm thôi mình sẽ đổi khác hoàn toàn. Càng thiết tha bao nhiêu thì càng có vẻ ơ hờ. Càng nồng nhiệt bao nhiêu thì càng cô độc. Trịnh Công Sơn? Rồi Ngân sẽ biết nhưng không phải ngay lập tức đã cảm được “Biển nhớ!”, “Tình nhớ”, “Cuối cùng cho một tình yêu”, “Rừng xưa đã khép”, “Tình yêu như trái phá con tim mù lòa… Một mai thức dậy chợt hồn như ngất ngây… Chợt buồn trong mắt nai… Tình yêu như vết cháy trên da thịt người… Tình xa như trời… Tình gần như khói mây… Tình yêu như nỗi chết cơn đau thật dài… Tình cho nhau môi ấm một lần là trăm năm…”. Tình nào mà chẳng như tình nào. Có gào thét than van cho lắm cũng có khác gì nhau lắm. Ngân sẽ còn phải nhắm mắt lăn đời mình qua những đam mê và khó nhọc của ngày sống thời hậu chiến rồi mới hiểu ra rằng những than van, những gào thét, những day dứt giữa những cơn say dài những cơn say vùi của Trịnh cần phải cảm không phải bằng trái tim đau khổ vì yêu hay vì đã chán yêu mà phải bằng trái tim hoang mang của người biết mình là duy nhất, lớn lao và nhỏ bé, tột cùng “Từ lúc đưa em về là biết xa ngàn trùng…”. Đấy không còn là nỗi thiết tha tuyệt vọng của kẻ đang yêu. Đấy là nỗi bi thảm của người – xa – lạ, mến thương cuộc đời này, mê đắm cuộc đời này, cô độc tuyệt đối trong cuộc đời này và mỗi mối tình sống qua, mỗi người tình quen thêm chỉ là thêm một bước, vào hoang vu.

Ngân hiểu ra điều ấy hơi bị sớm. Nhưng cần một buổi chiều, một cơn gió bời bời khua trong vòm sấu làm chao nghiêng một chiếc lá bên trời, một mùi hương thơm ngát của tách cà phê quán vắng, một con người sẽ bước ra khỏi đời Ngân, điều mà cả Ngân và người ấy khi chia tay đã không hề nghĩ.

*

Trời trở lạnh đột ngột. Phong phanh trong cái áo mỏng đứng run cầm cập giữa đám người chen chúc trước cửa hàng chất đốt, Ngân buồn nản nghĩ tới cái cổ họng nhạy cảm và lồng ngực ốm yếu của mình. Bài tập lớn chưa làm. Sắp thi điều kiện rồi. Rồi sau đó là kỳ thi tốt nghiệp. Nhưng trước mắt sẽ là những đêm không ngủ không chạy đâu cho thoát vì khó thở, sẽ là những ngày nằm bẹp dí trên giường kẹp giữa hai chồng sách sẽ đọc và đã đọc. Nhưng cũng không thể bỏ về. Đã xếp hàng suốt từ trưa tới giờ. Bìa chất đốt chiều nay hết hạn. Bố đi làm. Chị đi thực tập. Không còn trông được vào đâu. Ngân không chờ đợi cái tin ấy vào đúng lúc ấy.

Việt dừng xe sát bên Ngân, nhẹ giọng “đặt lên đây” và đỡ lấy can dầu nặng trĩu trong tay Ngân. Có cái gì thương mến lắm trong mắt Việt. Ngân không biết khuôn mặt trắng xanh, cái áo cũ mỏng Ngân vừa co hai vạt quấn chặt tấm thân thanh mảnh, mái tóc dày buông lơi của mình đã siết lấy trái tim Việt trong khoảnh khắc đó của buổi chiều đó. “Vừa lĩnh học bổng. Muộn muộn Việt tới. Đi nhé!”. Vẫn là thương mến, nhưng thêm một chút gì như gượng nhẹ, như vui thầm trong mắt Việt, khi Ngân gật đầu. Việt không lên nhà, trước khi quay xe, Việt ngần ngừ rồi bảo: “Phan viết thư về kể chuyện có cô bạn nhà ở gần gần đây”. Mặt Ngân không thể tái hơn được. Ngân mỉm cười. Cả ba là bạn cũ.

“Đen hay nâu? Ngân đừng uống đen. Nâu nhé!”. Vẫn Việt nói. Việt ngồi xoay lưng ra cửa. Ngoài kia gió vẫn bời bời. Lá sấu xoay tròn lấp loáng trong sắc trời xám sáng chỉ có vào những ngày cuối thu gió trở như thế này. Ngân cầm cái thìa, gẩy một chút bơ vào tách cà phê chị chủ quán vừa mang tới, chăm chú nhìn giọt bơ loang. Mùi cà phê ngầy ngậy và khắc khoải. Việt vẫn nói, vẫn nói. “Vậy đấy. Phan đã có một cô bạn. Khi nói một cô bạn thì đã không còn là bạn. Phan đang xoay làm chuyển tiếp sinh…”. Ngân lắng nghe, nghĩ, tưởng như mình thờ ơ. “Không một ai biết chúng mình đã viết cho nhau những lá thư như thế nào. Cả Việt nữa. Nhưng lẽ nào Việt không biết chúng mình…”. Ngần ấy năm Ngân thân tình với bao nhiêu người nhưng không thân thiết riêng một người nào. Không hẹn thề, không gì cả, nhưng những lá thư mang màu sắc một trời xa và những lá thư Ngân gửi đi bằng con tem mua từ đồng học bổng chắt bóp dán bằng cơm nguội đã riết Ngân vào trong ảo giác về một cái gì tuyệt đối và vĩnh viễn. Có thể gọi là tình bạn. Cũng có thể là tình yêu. Bởi vì chỉ có hai người, chỉ có khát khao, cảm hiểu. Thánh thiện. Nguyên chất. Tất cả bạn bè đều nghĩ thế. Mà đến hai gia đình cũng nghĩ thế. Việt chắc càng nghĩ thế. Vì Việt thân với Phan đến thế và vẫn là người chuyển thư Phan cho Ngân. “Mấy năm rồi nhỉ? Chẳng bao lâu nữa tất cả sẽ ra trường”. Ngân xoè bàn tay hất mái tóc văng về phía sau lưng, cố gắng rời mắt khỏi một chiếc lá sấu đang vật lộn với gió tìm cách đậu xuống hè phố: “Việt vừa bảo gì Ngân? Việt được dự kiến ở lại trường? Chúa thế!”. Việt cắt ngang lời Ngân, thô bạo: “Việt bảo Việt muốn có Ngân. Việt muốn sống cùng Ngân khi bọn mình ra trường. Việt không muốn cứ phải làm hộp thư sống hộp thư chết của Ngân với những ai ai… Ngân nói đi!”. Việt chộp lấy bàn tay Ngân: “’Nói đi! Nói đi!”. Ngân ngẩn người, tỉnh hẳn. Quán vắng. Chỉ có hai người và chị chủ quán đang hí hoáy thay băng mới. Trịnh Công Sơn! Sao lại Trịnh Công Sơn lúc này? “Đời sao im vắng… Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm… Có đường phố nào vui cho ta qua một ngày… Có sợi tóc nào trôi trong trí nhớ nhỏ nhoi… Không còn không còn ai… Ta trôi trong cuộc đời… Không chờ không chờ ai…”. Ngoài trời mưa giăng tự lúc nào. Ngân khẽ khàng rút những ngón tay ra khỏi bàn tay Việt, với tách cà phê nguội uống ực ực. Chua loét. Vô duyên. “Có những ai xa đời quay về… về lại nơi cuối trời làm mây trôi”. Việt nhìn vào mắt Ngân, vẫy chị chủ quán rồi lặng lẽ ra mở khóa xe. Ngân ngồi nhìn phố chiều đông dần lên, nhìn những dáng người mải mốt trong mưa lất phất. Phía bên kia ngã tư, người ta đang dựng một tấm pano mới. Bác. Mặt gầy và mắt sáng. Tay chống nạnh. Và phía dưới là hàng chữ to đùng: “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”. “Bác đang cần chúng cháu hành quân”. Ngân lắc đầu, xua đi một nỗi nhớ. Phan. Phan hay gào câu hát láo lếu ấy. Cứ tưởng như Phan thì khó sống. Vậy mà lại chính Phan là người biết cách hòa hợp trước với cuộc đời này. “Ngày ra đi với gió, ta nghe tình đổi mùa…”. Đâu rồi ôi những non tơ?

Sau này, Ngân không biết nên ơn hay nên oán Trịnh Công Sơn. Liệu không có Trịnh Công Sơn xót xa và giản dị đến ma quái, liệu không có giọng hát rền rền mê mệt một nỗi ai hoài trống trải của Khánh Ly, không rõ Ngân có chú tâm hơn không khi nghe Việt nói lời yêu dấu ấy. “Ngày ra đi với gió… Ta nghe tình đổi mùa… Rừng đông rơi chiếc lá… Ta cười với âm u… Trên quê hương còn lại ta đi qua nửa đời không thấy một ngày vui… Đường trần rồi khăn gói… mai đây chào cuộc đời… nghìn trùng cơn gió bay…”. Không bao giờ họ trở lại câu chuyện cũ, dù vẫn đến nhà nhau chơi, vẫn lang thang cùng nhau, vẫn lo lắng cho nhau. Nhưng buổi chiều ấy vĩnh viễn trở thành màn sương mưa phủ lấy một cõi chung riêng tư lắm mà không một ai muốn vén. “Nhìn lại nhau con mắt lo âu xin vỗ về muôn yêu dấu… Nhìn lại nhau che những cơn đau…”. Trịnh Công Sơn bất chợt, đã buộc Ngân phải soi ngắm lại cuộc sống quanh mình, phải nhìn thẳng vào từng ngày sống của mình.

*

Đấy là những ngày kỳ quặc và buồn thảm. Nhưng hầu như không ai nhận thấy. Có biết một cuộc sống khác hơn đâu để mà ao ước rồi buồn. Chỉ những lo là lo. Toàn chuyện áo cơm phải từng ngày đối mặt. Niềm vui chiến thắng, đúng hơn là niềm vui yên hàn đã nhoè mờ theo thời gian. Niềm tin thì, không ai muốn nói và dám nói, nhưng cứ từng ngày mai một. Làm sao có thể tin vào một sự đổi thay lập tức và kỳ diệu, rằng “thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày xưa” khi thành phố hình như mỗi ngày một xao xác và nghèo hơn, khi định lượng gạo còm cõi thế mà mậu dịch cũng không thể cung ứng. Làm sao có thể yên tâm khi chiều chiều nghe tiếng reo à à của bọn trẻ con là phải buông tất cả sách vở chạy ra chen lấn đổi bánh mì tem phiếu. Những cái bánh mì khô, rắn và chua mậu dịch bán thay gạo ấy Ngân đổ lổng chổng trong thùng gạo rỗng, vài ba hôm lại chờ lúc nhọ mặt người bê đi bán tống bán tháo được đồng nào hay đồng đó cho mấy bà phe phẩy đầu ngõ. Những giờ học triết, kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học và Lịch sử Đảng trở thành lạ lùng. Cái cần nhất là nhập tâm, không đối chiếu so sánh với đời sống hàng ngày làm gì cho mệt. Chân lý của chủ nghĩa là một cái gì đó không thể và không nên tìm cách chứng minh, bởi vì nó nằm ở thì tương lai, của những thế hệ sau nữa. Không lẽ thế hệ trẻ của dân tộc này lúc nào cũng phải thực hiện kỳ vọng vào tương lai của thế hệ già? Nghĩa là không một thế hệ nào được sống cho đúng nghĩa! Ý nghĩ này Ngân không bao giờ dám chia sẻ với một ai trong đám bạn bè. Học hành trở thành gánh nặng vô nghĩa, càng vô nghĩa khi biết chắc tốt nghiệp rồi sẽ không mấy đứa thi thố nổi. Sẽ có những đứa chễm trệ trong cơ quan một bộ nào ngay giữa Hà Nội nhờ vào thần thế ai đó. Còn những đứa như Ngân, hôm nay no đói thế nào ra phố vẫn tóc ngang vai, guốc cao, quần áo là kỹ lưỡng và vẫn rủ rê nhau cà phê cà pháo khi trong túi có tiền, ngày mai chưa biết bị bắn về phương trời nào của Tổ Quốc, để rồi chết dí ở đấy với đồng lương đùa nhả, bao nhiêu điều học được cứ chột dần đi. “Nơi em về trời xanh không em?”. Không ai có thể hỏi một câu như thế vào lúc ấy, ngay cả để trêu chòng nhau. Cho nên câu hát càng hoang mang, ứa một khát khao. Bao nhiêu lần lang thang trên phố, ngang qua mấy hàng thuốc lá có cô bán hàng xinh xắn, bao nhiêu lần Ngân tự hỏi đấy có phải là một nữ sinh viên đã tốt nghiệp chống lệnh công tác hay không? Đã tự hỏi liệu mình có dám đánh đổi tất cả cho một cuộc sống yên bình nửa vời và thảm đạm như thế ở thành phố thân thương này?

Mà vẫn tự biết “vai em gầy guộc nhỏ…” Từ buổi chiều gió trở Việt bỏ về trước còn có bao nhiêu lần Ngân như thế một mình. “Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua… Trên bước chân em âm thầm lá đổ…, những chuyến mưa qua…”. Ôi Trịnh! Phải, Hà Nội mùa thu nhiều mưa lắm, hết mưa ngâu, hết bão rồi lại những cơn mưa dầm, lững thững đến rồi đi. Những cơn mưa buộc người ta ngồi lại, lặng lẽ nơi này, để, đôi khi, chỉ đôi khi thôi mà đau đớn mãi “nhìn lại mình đời đã xanh rêu” dù còn rất trẻ, chưa sống được bao nhiêu.

Giống như là mộng mị. Vẫn sống đấy, vẫn lo toan đấy, vẫn nói cười đấy, vẫn yêu đương loạn xạ đấy, nhưng không thiết tha với một cái gì, ngoài khao khát về một cái gì tuyệt diệu lắm tồn tại đâu đó, có thật, nhưng mà mong manh, có lẽ còn vô nghĩa và vô ích giữa cuộc đời toàn những bươn chải không đáng như thế này. Không còn là lý tưởng đã hối thúc mấy thế hệ liền suốt mấy chục năm qua, đã một thời non trẻ hết mình tin tưởng. Những trang sách đẹp chỉ làm cho nỗi thiết tha thêm tuyệt vọng. “Đôi khi ta lắng nghe ta… nghe sóng âm u dội vào đời”. Những ngày ấy đã tạo ở Ngân thói quen lang thang phố vắng một mình. Bao chiều. Bao đêm. Sương buông mờ phố nhỏ. Mùi lá đốt quyện trong sương buông lúc chiều hôm bình thản. Là cái gì chỉ thành phố này ngày ấy mới có. “Gió heo may lại về… Chiều tím loang vỉa hè… Rồi mùa thu bay đi… Trong nắng vàng chiều nay”. Đèn đường bật sáng héo hắt dưới ánh chiều còn rớt lại và nhoè dần đi trong sương cuối thu mỗi lúc một phủ dày hơn. Hoa sữa dậy một vùng hương ấm cơn gió lạnh vừa xộc tới. Đã mấy mùa thu sang như thế. “Đêm khuya nhìn đường phố… thành phố hoang vu”. Không phải một lần Ngân cảm giác được cảm giác của người nhạc sĩ ấy. Cuối phố đằng kia, nơi có hàng cây cao chứa đầy ánh sáng xanh tái của những bóng đèn cao áp mới được lắp, có đôi lần Ngân thấy Việt đạp xe rất chậm, cũng một mình, và Ngân đã rẽ sang lối khác. Đồng điệu ư và ích gì cho nhau? Nói gì với nhau? Rằng từ đấy đã yêu nhiều lần lắm rồi chăng? Rằng dù thế vẫn chưa biết thế nào là mê đắm? Rằng vẫn không thể cùng nhau! Hay không dám! Sợ làm xước những tin yêu. Vì không thể sống khác! Không thể từ bỏ đam mê, đam mê một cái gì rất đẹp, có thực mà vô ích. Như màu nắng hanh kia. Như tiếng vọng trong lá kia của gió. Như một con người vĩnh viễn trượt qua đời mình, vĩnh viễn mang đi mất của mình chút hy vọng, chút ảo giác vào một cõi sống bình yên, trong trẻo, lãng đãng. Và bởi thế, mọi mối tình đều dần tàn lụi, tắt ngấm. “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ… Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa”. Không ai có lỗi. Chỉ có điều sống thật khó. Từng ngày rời rã, từng ngày hoang mang. “Màu nắng hay là màu mắt em… Mùa thu mưa bay cho tay mềm… Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm… Bàn tay xanh xao đón ưu phiền… Ngày xưa sao lá thu không vàng… Em qua công viên bước chân âm thầm”. Là thật đấy, rất thật, mà vẫn như là hoang tưởng giữa những ngày rất nhiều sự kiện, kỳ quặc và buồn thảm ấy.

*

“Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì”. Thầm thì cùng Khánh Ly, bao giờ Ngân cũng kinh ngạc. Người nhạc sĩ ấy đã sống thế nào trước đó, ở một miền đất với Ngân cho đến bấy giờ vẫn là một miền đất lạ để viết nên bài ca đó. Như là cho cả thế hệ Ngân sau này, ở một miền khí hậu khác, với một nhịp sống khác. Ngân đã không thể nghĩ về Phan như cũ. Buồn? Rất! Nhưng hối tiếc? Không! Có lẽ mọi sự sẽ không thể là như thế nếu giữa hai đứa đã có một chút gì, một ước thề, chẳng hạn. Nhưng đã không hề có một điều gì như thế, cũng như không một lần trìu mến nắm tay, cũng như không một lần nói lời gì từa tựa như thương mến. Sau này, rồi Ngân sẽ gặp lại Phan. Và cũng như với Việt, không bao giờ câu chuyện dài xưa được nối lại. Nhưng cái cảm giác hiểu nhau đến tận cùng, đến độ như thể chẳng hề trôi qua khoảng đời vừa bình thản vừa run rẩy tin yêu ấy thì vẫn còn lại đó, mặc dù Ngân rồi sẽ dần quen chấp nhận cái hữu hạn của con người. Sự lặng im đầy cẩn trọng của Phan, với Ngân, như một lời xin lỗi, xin lỗi khát khao xưa, đã vô tình để cho Ngân hiểu Trịnh Công Sơn, theo một cách nào đó. Người nhạc sĩ ấy đã đến và ở lại trong trí nhớ khắt khe của thành phố này, của Ngân, không phải bằng những bài ca phản chiến, không phải bằng tình ca viết cho một người con gái tuổi tên nào. Rất mỏng và rất nhẹ, mà dai dẳng, đầy ám ảnh là những bài ca Trịnh viết dường như cho chính mình, như về chính mình, kẻ sau này cuối đời sắp về lại nơi cuối trời còn tự dặn “đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Câu ấy, ở tuổi xuân thì bọn Ngân không tự biết để mà nói. Cũng chưa có để mà hát. Nhưng đã sống nó một cách vô thức, bởi dù sao thì vẫn không thể chết, vẫn muốn biết “ta là ai mà còn khi dấu lệ… ta là ai mà còn trần gian thế…”. Ta là ai? “Ôi áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều” sao vẫn thiết tha thương nhớ, như vẫn nhớ thương niềm vui hiếm hoi buổi sáng năm học cuối cùng ở ngôi trường ấy, gió đầu hè mát rượi đưa từ phố xa vào lớp học lời ca làm rung lên trong cả lũ con gái con trai mười bảy mười tám tuổi một cái gì mênh mang không thể đặt tên, tuyệt vời, diệu vợi. “Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay… Gọi cho nắng chết trên sông em dài… Gọi tên em mãi suốt cơn mê này… Đời xin có nhau… Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau…”. Không có những gian nan của thời hậu chiến, mà trước hết, không có cái hoang mang bắt buộc chứ không phải là bất chợt, chứ không phải là vì rửng mỡ bới chuyện trầm tư của những ngày sống ấy, khi người ta luôn phải cúi nhìn hố thẳm giữa những điều trông thấy nghe thấy, chưa chắc Trịnh Công Sơn ở lại được với thành phố kiêu bạc này, như đã. Cũng như nếu không phải là Khánh Ly ma mị, rã rượi mà không sướt mướt, quạnh quẽ cơ hồ lãnh cảm, cứng cáp mà tan hoang, như đang lục lọi chính tâm hồn mình, đã chắc gì ngay lập tức… Thành phố này từ ấy có thêm một nỗi yêu thương: Trịnh; có thêm một nỗi nhớ: Trịnh Công Sơn. Giá không phải là như thế! Khi những thế hệ sau vẫn cứ luôn phải soi bóng mình, vẫn phải đau đớn vì đời im vắng, vẫn thấy dường như nỗi lòng mình đang được hát ca trong nhạc Trịnh, vẫn tìm tới Trịnh Công Sơn không phải như tìm tới một quý báu còn đọng lại thì điều đấy chỉ có nghĩa là cuộc sống không có dời đổi, như lẽ ra phải thế. Trịnh Công Sơn không nói hộ ai điều gì, không gửi gắm giùm ai điều gì. Trịnh làm thức dậy trong mỗi người cái điều bao lâu rồi bị nén bẹp dí, là ý thức về phía sâu khuất của mình và cuộc đời, để có thể níu vào chính mình mà sống tiếp, khi miên man thầm thì rên siết một nỗi hoang mang, khi day dứt mãi nỗi phù du tuyệt kỳ của kiếp. “Ôi cát bụi tuyệt vời”. Ai biết sỏi đá không đau?

*

Mãi mãi về sau này, rất nhiều khi Ngân còn bàng hoàng ngỡ trong lồng ngực mình vẫn đập mãi trái tim mười sáu tuổi. “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi… Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Lời ca réo gọi, nhắc mãi, rứt mãi về tuổi thiếu nữ hoang vu ấy. Người đàn bà trẻ con hiểu rằng Trịnh ám ảnh còn hơn một tình chung. Và cay đắng. Sẽ không bao giờ, không có ai đạt tới được nỗi cô đơn ấy của người nghệ sĩ ấy. Trịnh bắt mỗi người phải nhìn cho ra đỉnh cô đơn của chính mình. “Đâu là của mình?”. Lần đầu tiên hiểu ra rằng Trịnh không phải là tri kỷ của ai ngoài Trịnh, và mình, cũng chỉ mình là tri kỷ của mình thôi, Ngân kinh hoàng.

Ngày Trịnh mất, Ngân đang ở rất xa những buổi chiều nắng thủy tinh nơi quê nhà. Đi rồi… Tưởng rằng được quên thương nhớ… Mà không! “Lòng thật bình yên mà sao buồn thế”. Nghe nói đám tang Trịnh là một đám tang huyền thoại, với cả biển người đưa. Nghe nói, người ta đồng thanh nhạc Trịnh trước nấm mồ chưa lấp. Nghe nói, có cả đoàn tăng ni đã đến nghiêng mình trước linh cữu Trịnh và xin hát gửi theo linh hồn gió nhẹ ấy “Một cõi đi về”. Bài hát từ đó được người Sài Gòn coi là “Chùa ca”. “Mình sẽ hát thầm bài gì vào lúc ấy?”. Chọn lựa này khó biết chừng nào. “Tại sao mình không thể xúc động như bao người?”. Ngân tự hỏi, tự hỏi. “Liệu mình có đi viếng Trịnh nếu như có thể?”. Nhưng ngay lúc tự hỏi mình như thế, Ngân đã biết rằng mình sẽ lại xử sự một cách không bình thường trong mắt bạn bè, quá ư là bình thản, y như năm nào những Nguyễn Tuân những Lưu Quang Vũ những Văn Cao mất. Họ đã sống một cuộc đời không thường, với những đau đớn và vui sướng không thường, với những hi vọng và tuyệt vọng cao vút sâu hút. “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi… Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt… Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy… Một bờ cỏ non một bờ mộng mị”. Giờ họ không còn phải than van vì đôi vầng nhật nguyệt trên vai cùng những day dứt của cõi sống hư hao này. Giờ họ được bước thẳng vào cõi chết. Nơi đó chắc có màu bình an sương mù. Sao không để cho họ nhẹ nhàng đi vào cõi ấy. Những lập lòe rực rỡ, những thống thiết trong lễ tưởng niệm bây giờ và và vui vẻ (chắc chắn) trong những lễ kỷ niệm năm năm mười năm hai mươi năm họ mất có phải dành cho người đã khuất? Chắc chi!

Mà đã chắc gì người đã khuất lại mong ước điều đó cho mình khi còn sống. Chứng kiến những phút cuối cùng của những người thân yêu nhất, là bà, là mẹ, là anh, trong và ngay sau thời gian khổ ấy, Ngân tin ai cũng chỉ mong được sống bình an và tiếp tục được bình an trong cõi chết. Nhưng thế nào là bình an với mỗi người? Có lẽ chỉ ai một lần thực sự cảm được cái lạnh lẽo và hờ hững của cái chết, thực sự sắp ra đi mới có thể nói cho người còn sống biết. Nhưng họ có còn muốn nói nữa chăng? Khi mà, chính ở phút giây đó, người sẽ chết và người còn phải sống đột nhiên hiểu ra rằng họ xa cách nhau biết chừng nào, mỗi người đều ở trong cõi lạ với nhau, và những ao ước, những thiết tha, những dồn nén suốt cuộc đời rút cục thành vô nghĩa. Chỉ còn có một cách để giữ nhau trong cõi nhớ: Thương lấy nhau, biết ơn nhau, khoan thứ cho nhau.

Ngân đã nghĩ thế khi nhớ tới cái ngày mình mấp mé bên bờ sống chết. Đánh thức hồi ức ấy là nỗi xót một con người.

Nửa đêm chợt thức

Những ánh đèn

Những ánh đèn Standby

Standby –

Standby-

Standby

Nhả ánh sáng của bầy đom đóm chết.

Ngủ đi đôi mắt thức

Tiếc nhớ gì?

trong đêm

Comments are closed.