Gió tự thời khuất mặt

Tiểu thuyết

Lê Minh Hà

17.

Tính khách quan của các sự kiện cố nhiên phải là thuộc tính của mọi sử liệu. Nhưng, sẽ phải coi thuộc tính giả định ấy là phẩm chất. Liệu có sử gia nào không tự tín? Liệu có sử gia nào thật sự khách quan khi truy tìm sự kiện, và đằng sau chúng là bản chất rất người của thời gian. Mà ngay cả khi thật sự đạt tới yêu cầu khách quan, tác phẩm sử học dường như vẫn hàm chứa một sự tàn nhẫn không thể loại bỏ. Bởi vì người ta luôn chỉ thấy trong đó bóng dáng các cá nhân anh hùng thành hay bại, hoặc kẻ phản bội bại hay thành. Còn đám đông luôn lao đi trước, dựng hồn sông núi dậy bằng cái chết, bằng mất mát của riêng mình, bất quá lắm cũng chỉ được tôn là “quân ta”, “bên ta”, chỉ còn được quy thành những con số tổn thất. Với Ngân, điều ấy bất nhẫn. Mỗi một người là một thế giới, một miền tâm cảm, không ai có thể thay thế cho ai. Hai tiếng “nhân dân” nếu không làm cho con người xúc động bởi ý thức đời đời về những số phận ẩn tàng trong đó thì hoàn toàn vô nghĩa. “Dân là nước”. Phải! “Dân là bể”. Phải quá! Nhưng trước hết, nhân dân là từng người từng người một, sống âm thầm lầm lũi quanh nhau, nếu có xôn xao lên được chăng thì cũng chỉ như là cái xôn xao bụi nắng.

*

Nhiều năm đã trôi qua kể từ ngày bước chân đi lấy chồng và thôi không bận bịu vì nghề nghiệp cũ, người đàn bà vẫn không quên đứa học trò thông minh vô cùng, chịu khó vô cùng, mà nghèo quá. Bố nó đã đến nhà Ngân một ngày ba mươi tết, lúc trời vừa tang tảng. Người đàn ông gầy, sắm vắn trong bộ quân phục cũ, hai ống quần vo lên ngang đầu gối, đầu úp cái mũ cối sờn vành, lúng túng bê vào nhà cô giáo của con mình một rổ rau thơm rau mùi đầy ụ, cởi mở dăm ba câu chuyện xóm làng rồi vội vã xin phép ra chợ. Nhìn theo người khách đang gò lưng đẩy cái xe thồ lèn đầy rau cỏ ra khỏi ngõ, sau nỗi cảm động ban đầu, lòng Ngân bàng hoàng trống trải, thấy mọi lời lên lớp của mình trong những giờ giảng văn về sức mạnh của nhân dân, về ân tình của nhân dân – những lời mình đã nói với tất cả sự thành tâm – đột nhiên thành rỗng tuếch. Ý nghĩ ấy theo người đàn bà suốt buổi sáng chợ Hoa, suốt bữa cơm chiều ba mươi tết, suốt lúc giao thừa, suốt về sau. Hồi ấy Ngân chưa biết cái ngon của những cọng rau thơm rau mùi xứ sở, món quà của gia đình đứa học trò nghèo đủ để Ngân chia cho mấy nhà hàng xóm, còn những bàng hoàng kia Ngân giữ mãi cho mình. Nó cứ đầy mãi lên cùng năm tháng, không làm người đàn bà từng trải hơn, nhưng đủ để cứ dần dần thiếu tự tin hơn. Những giờ đi dạy thêm, những phong bì tiền dày cả gang tay nhận từng tháng từng giờ, những vé nọ vé kia người chồng dăm ba tháng lại đưa cho vợ không làm người đàn bà vui vì đời sống dễ dàng hơn bọn bạn cùng trang lứa đang tám giờ vàng ngọc trong cảnh lo giảm biên về một cục. Bao nhiêu lần Ngân tự hỏi mình có đủ sức dứt ra khỏi guồng sống này không, hay cứ thế, cứ từng ngày lo cười mỏi miệng với khách của chồng, nghe họ bàn toàn những Quota với tín dụng thư và những câu chuyện không ra ngoài đề tài ấy cùng đủ lời triết lý mọn không thể chấp nhận mà cũng không thể nào cãi nổi. Bao nhiêu lần Ngân kinh hoàng tự hỏi mình, chẳng lẽ cứ thế, cứ để học trò mang đồng tiền mồ hôi nước mắt, có thể là tiền bán cả tấn thóc của nhà, có thể là tiền bán cả sào đất sống của cả nhà, có thể là tiền bù giá vào lương bù da vào xương trong cảnh bố mẹ lúc nào cũng nhớn nhác vì hết việc, cúng vào đủ thứ trung tâm để tiếp tục nghe những cô những thầy thành tâm nói nhảm. Không phải là duy nhất, nhưng đó thực sự là một lý do để Ngân bỏ nghề.

Nghề bỏ được, nhưng nghiệp, đã tưởng thông minh rứt được từ hồi còn trẻ trung lắm và tự tin vào tuổi trẻ lắm, rút cục lại quàng lấy Ngân, riết lấy Ngân bằng nỗi khổ vì không thể nào quên lãng.

*

Bố cũng là người không biết quên lãng. Những lúc cay cực nhất là lúc ông hay bần thần nhắc chuyện những ngày đã qua. Toàn những chuyện chỉ nghe đã thấy đời đáng sống. Nhưng chuyện này thì hình như bố chỉ kể có một lần. Không hiểu vì sao chính câu chuyện chẳng liên quan gì tới mình ấy lại hay trở về trong Ngân, làm lòng Ngân uể oải và buồn bã. Và sau đó bao giờ cũng khiến Ngân bình tĩnh lại.

Ngân chưa bao giờ giáp mặt những người mà bố cũng chưa từng gặp lại kia. Nhưng đôi khi, Ngân lại nghĩ có lẽ nếu gặp bố và họ cũng chẳng thể nào nhận ra nhau. Làm sao có thể nhận ra những người bình thường như thế.

Đừng tìm ta giữa những nẻo đường ta đang lạc lối

Giữa quãng đời ta có đợi nữa đâu

Bao năm rồi ta có đợi nữa đâu.

Cuộc đời không dài

Sao bao nỗi đau phải chịu đến hai lần?

Đừng tìm ta, đừng đi lạc cùng ta.

*

Hình như năm ấy là 1947. Bố lúc đó mới mười bốn tuổi, vừa trốn bà bỏ nơi tản cư theo người anh họ ra đi. Cơ quan kháng chiến những ngày đó còn đơn sơ lắm. Công việc đơn giản và khó khăn, là lo mua giấy mua mực cho cơ quan in báo. Phải mua số lượng lớn để chuyển lên Việt Bắc. Cả đoàn lặn lội về xuôi nhờ bà con vùng tề. Đá in li tô đã có rồi. Mực có rồi. Giấy nữa. Cả người gánh thuê cũng đã tìm được. Buổi chiều còn ngồi phân chia tài sản. Hai người đàn ông một còn búng ra sữa một đã cưng cứng tuổi hì hục lèn đồ vào mấy cái bồ to, vừa làm vừa to nhỏ với nhau bằng cái giọng bèm bẹp hỏi ngã lẫn lộn của người gốc gác vùng đó. Ngày mai lên đường.

Gần sáng thì Tây càn. Cái làng nằm rìa vùng tự do náo loạn. Trong bóng đêm đặc quánh, tiếng trâu bò rống nghe còn khiếp đảm hơn cả tiếng người tru tréo than vãn giục giã. Đồng chí trưởng đoàn lệnh: “Chạy”. Tản ra mà chạy! Chạy đi đâu? Bố cứ bám theo một thằng cu trạc tuổi và con trâu nó dắt theo. Suốt cả ngày. Đói. Khát. Sợ. Sợ nhất vì cái túi dết công văn vẫn quàng chéo qua vai không dám bỏ. Cái làng đêm còn ngủ đỗ bốc cháy sau lưng. Hai đứa trẻ mặt mũi tái mét đứng giữa đồng không mông quạnh, không đứa nào nhìn nhau. Bố bảo lúc đó không biết vì sao bố nhớ bà nhớ các cô chú trong nhà khôn tả.

Đêm. Sương đã buông dày lắm, đến nỗi không còn thấy những sợi khói mệt lả run rẩy vươn lên từ xóm cháy. Bố run run nhờ thằng bạn mới quen chỉ đường đi về phía bờ sông. Cũng chả có kinh nghiệm gì, cũng chả biết Tây đã rút hết chưa hay đóng ở đâu. Chỉ đinh ninh lời anh trưởng đoàn dặn cố tìm nhau nơi ấy để lại ngược lên Việt Bắc. Đói, mệt, người cứ từng lúc nóng nóng lạnh lạnh như lên cơn sốt, hai đứa nhỏ và con trâu lầm lũi bước trong sương.

Thế mà tứ tán vậy rồi cũng đủ mặt anh em. Sáng ra gặp lại, nhìn nhau mới thấy ai cũng rộc rạc đi sau có vài ngày, mới thấy hai cổ chân muốn long ra vì mỏi. Kiểm đồ đoàn, mất hết. Có mỗi bố còn túi công văn thư từ vẫn khư khư đeo chéo qua vai. Bác Tuất lắc đầu: “May mà mày thoát. Chứ bị lùa thì chắc chúng nó đòm một phát là xong”. Đồng chí trưởng đoàn đờ đẫn: “Cả hai ông gánh đồ nữa. Nó mà lục ra những đá li tô những giấy những mực thì… Chắc lại phải một lần nữa tìm người nhờ mua lại tất…”.

Không thể tin được là hai người nhà quê gánh thuê cho đoàn lúc ngả chiều cũng tìm về được chỗ đó. Không thể tin được là đòn gánh với hai cái bồ to vật vẫn đè trên vai họ. Suốt ngày suốt đêm họ đã chạy giặc với đồ đoàn của người khác mà họ biết rõ là gì, không một lần tính chuyện quẳng quách đâu đó cho nhẹ người.

*

Có biết bao nhiêu tượng đài hay phù điêu đã được dựng lên từ buổi ấy. Chưa khi nào người đàn bà cảm được chất hoành tráng trong đó. Hồi nhóm tượng “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh” được dựng gần đền Bà Kiệu, người đàn bà đã một mình tới đó, ngắm nghía một mình, cứ tiêng tiếc một điều gì thiếu thiếu. Sau này, khi có dịp ra đi, một lần đứng trong vườn Treptow ở Berlin, giữa mênh mông cỏ xanh và im, nơi chỉ có những bầy chim tìm đến, đối diện với những bức tượng nao nao nỗi niềm của đá của người, người đàn bà bất chợt thấy lòng cồn lên những thương nhớ lạ lùng. Thương người ông chưa một lần biết mặt đã nằm xuống đâu đó giữa núi rừng Việt Bắc. Thương những người lính cũ không bao giờ có thể sống như cũ khi trở về với cuộc đời thầm lặng bình thường. Thương hai người dân không tuổi không tên trong câu chuyện xưa của bố. Thương thắt cả lòng cả dạ. Mà vẫn biết mình chẳng có quyền gì để sống tâm trạng này.

Mình sẽ làm gì lúc đó với đôi bồ đè vai? Ngân tự hỏi và tự hỏi. Đấy có phải là bằng chứng của sự giác ngộ, của tình yêu Tổ Quốc ở mỗi người dân trong những thời buổi tao loạn? Và sự giác ngộ hay tình yêu Tổ Quốc như thế thật dễ dàng diễn dịch tiếp thành những phẩm chất tuyệt vời. Như, Ngân rất tin, nếu hai người đàn ông nhà quê kia trở thành nguyên mẫu của một nhân vật tích cực trong một tác phẩm văn chương nào đó viết về thời buổi đó. Nhưng, viết về nhân dân như vậy, dù chân thành bao nhiêu chăng nữa, liệu có phải là dễ dãi quá không?

Bao nhiêu lần nhìn bố bồn chồn đánh đắm mình trong hồi ức, Ngân lại nghĩ có thể đâu đó ở một làng nghèo nào đó cũng có hai ông lão đang ngồi nhắc nhớ một ngày xa xôi chạy giặc với đôi quang gánh toàn giấy mực và đá li tô của chính phủ kháng chiến trên vai. Có lẽ họ sẽ kể rằng lúc ấy họ sợ, “sợ vãi đái”. Một ông lão nhà quê thì hiển nhiên phải có cái giọng dùi đục ấy. Có lẽ họ sẽ chẳng tự hào và cũng không mất công đặt câu hỏi “vì sao”, như bao nhiêu người cứ không ngừng bận rộn với câu hỏi ấy. Đấy là bằng chứng của tình yêu Tổ Quốc, hẳn rồi, một tình yêu giản dị, không bắt đầu từ khẩu hiệu, là phần hồn được di truyền từ đời nọ qua đời kia ở xứ sở mình. Và đằng sau đó, là sự lương thiện của con người, thuần chất, tội nghiệp, đáng trọng. Cái lõi để trường tồn được của người mình phải là sự lương thiện nguyên sơ ấy. Và nếu có thể tự khắc cho mình một bức phù điêu, hay dựng một bức tượng về nhân dân, mà thôi, nếu Ngân có thể tặng không một ý tưởng, thì thế, chỉ cần khắc, đục hình ảnh hai người dân quê mặt lành như ngói cũ lầm lì mải mốt bước vào gió ngược với đôi quang gánh trĩu nặng, đôi quang gánh, chứ không phải là gươm hay súng. Thế là đủ để dân mình đi qua tao loạn, đi qua lịch sử chung chiêng giữa hạnh phúc và đau khổ. Thế là đủ để nhân dân thành bất tử. Phải! Bất tử!

Nhưng, để được ngợi ca là bất tử, không lẽ nhân dân cứ mãi mãi phải vô danh?

Hải âu biết biển mênh mông thế

Bay không?

Vẫn bay

Trái đất biết mình đau buồn thế

Quay không?

Vẫn quay

Dũng cảm và cuồng điên

Trong những tháng ngày

Có tên là cuộc sống.

18.

Vậy thì Ngân muốn gì? Cứ cho là hai ông toái ơ dại dột của Ngân thiệt đi vì anh hùng dũng cảm đến thế mà cái tên cũng chả được nhớ. Nhưng không thế thì ai gọi các cụ ấy là nhân dân nữa? Và có thể gọi họ là gì? Mà giả dụ các cụ ấy được nhắc tên nhắc tuổi vì chiến tích giữ được đôi bồ cho kháng chiến, rồi nhờ thế mà hôm nay thoát được cái làng nghèo đó, hoặc bệ vệ nghênh ngang hoặc lếch thếch lủi thủi đi giữa phố phường thì hỏi liệu ra sao? Hay bất quá lại thêm một kiểu Xuân tóc đỏ?

*

Không phải là Việt nói câu đấy. Không phải là Vĩnh. Không phải là chồng Ngân. Là Phan. Chỉ với Phan Ngân mới hay nói những chuyện tầm phơ như thế. Có lẽ vì hai đứa thường cùng đọc mọi cuốn sách rơi vào tay. Phan có một ông bác khác thường. Thời sôi nổi của ông đã qua rồi, lâu lắm rồi. Những nông nỗi đoạn trường hình như cũng trượt qua ông rồi. Giờ ông ngồi bên trong cái quầy bán sách báo cũ nhờ nhờ sáng, ngày ngày ngóng ra hè phố và chỉ quay lại với mình khi khuôn cửa bất chợt tối lại vì bóng một người khách rất biết tìm của tìm người ở đâu. Bố cũng đã có lần lục được ở quầy sách âm thầm đó “Hà Nội ba mươi sáu phố phường”, bản in từ năm 41, bằng giấy dó hẳn hoi, rẻ giật mình. Phan hay tha từ đó đủ thứ khó kiếm cho Ngân cùng đọc. Rồi cùng cãi vã…

Hồi ấy dường như là hạnh phúc. Hồi ấy cả lũ vừa thi xong đại học, đang tấp tểnh làm người lớn bằng cách thay vì rủ nhau đi ăn chè đỗ đen Hàng Thùng hay chè thập cẩm Hàng Điếu thì lại mời nhau vào quán cà phê húp cái thứ nước đen sì đắng nghét hay pha chè đặc chát sít cổ rót cho nhau.

Buổi chiều Ngân kể cho Phan nghe câu chuyện của bố sao mà nóng. Như sắp có áp thấp. Nắng ơi ơi. Đứng gió. Hầm hập. Bên kia đê, treo trên hàng tre là một dải mây trắng mong manh, im lìm, không thể nào bay đi nổi. Phan ngồi tựa lưng vào tường, nhìn ra khung cửa sổ, lặng lẽ. Ngân cũng lặng lẽ. Có cảm giác chỉ cần cựa nhẹ một cái thôi, chỉ cần thốt một lời rất nhỏ thôi là chút gì riêng tư lắm đang hồi hộp thành hình sẽ tiêu tan. Họ sẽ ngồi như thế …

Trời bất chợt gầm một cơn sấm cạn. Thinh không gió nổi tơi bời. Mây đen cuồn cuộn trôi về. Ngọn tre lúc nãy im lìm giờ lồng lộn, bị gió đánh rạp xuống vẫn còn cố quất lên mây. Dải mây trắng tướp ra, bị những vòm mây đen nuốt chửng. Mặt trời tuột xuống đâu đó sau những vầng mây ấy, sáng hắt lên viền lấy những quầng mây đen một đường trắng lóa, sắc lẻm. Một sắc vàng âm u nửa như phả từ trời xuống, nửa dâng từ mặt đất lên, dập dềnh. Cát thốc từ bờ đê vào phòng qua khung cửa. Phan đứng dậy, hỏi trống không:

– Đóng lại nhé? Ngân này, Ngân biết không, từ bé Phan cứ hay mơ mãi một cơn mơ, chả ra lành chả ra dữ, và thực ra thì chả có gì. Vậy mà nó làm Phan sợ khủng khiếp. Trong mơ Phan thấy trời đất như thế này đây, còn mình ngồi trên một cái xe đạp cao lềnh khềnh, không với được chân xuống đất. Cái xe cứ 1ao vùn vụt vùn vụt. Không ai giúp Phan dừng cái xe điên rồ đó lại bởi vì… Ngân biết không? Không có một ai. Không một ai trên con đường Phan qua. Không ai có thể nghe thấy Phan. Không một ai. Gió cứ réo bên tai, quạt thốc vào mặt đủ thứ. Lần nào Phan cũng phải sặc sụa mãi mới vùng ra khỏi được giấc mơ ngu ngốc ấy.

Phan quay nhìn, bắt gặp trong bóng tối âm u vàng của căn phòng vừa khép cửa một nét long lanh dò hỏi:

– Không hiểu sao, từ hôm thi đại học đến giờ giấc mơ ấy không thấy quay lại nữa. Chứ hồi ôn thi thì…

*

Giả dụ không có buổi chiều ấy, không biết tới giấc mơ kỳ cục đó của Phan, chắc sau này Ngân cũng khó bình tâm khi nhớ về người bạn cũ, hay khi gặp lại. Giọng Phan lúc đó làm cho Ngân cứ mãi tin rằng chỉ một mình mình biết điều ấy, chỉ một mình Ngân biết nỗi đau đớn vì bất lực của Phan, chỉ một mình Ngân hiểu đằng sau những thành đạt hanh thông của Phan có một nỗi niềm còn lại mãi. Khi Phan đi học xa, rồi ngưng viết thư cho Ngân, Ngân đã bao nhiêu lần tự hỏi. Buồn? Rất! Nhưng hối tiếc? Không! Cũng bởi vì Ngân biết Phan đã phải gồng mình lên như thế nào để thoát ra khỏi giấc mơ ngớ ngẩn mà hãi hùng kia. Cũng bởi vì Ngân biết mãi mãi mình yêu thương người bạn ấy, mãi mãi mình cần cho riêng mình một thương nhớ âm thầm.

Người đàn bà – trẻ con cũng hay mơ. Mơ bay. Rất dễ dàng. Giang hai tay ra, và tự dưng như không còn chân nữa. Cứ thế trong mơ Ngân bay qua những dòng sông xanh, những bờ đê mượt cỏ, những vườn cây không bao giờ thấy ngoài đời, bay qua những mái phố nâu đen mấp mênh sóng gợn. Và đâu đó bên dưới là những tiếng gọi vói lên kinh ngạc và vui sướng của bạn bè. Giấc mơ bay kỳ diệu đi kèm với chứng mộng du kỳ quặc. Biết bao lần trong đêm con bé con đã ngồi dậy, mở cửa, ra đường. Lần đầu tiên con bé biết mình đã đi đâu trong khuya khoắt cũng sẽ là lần cuối cùng giấc mơ bay đến với nó. Người cha tìm thấy con gái đứng huyên thuyên với anh công an gác cổng sứ quán Thụy Điển cũ ở góc đường Lê Phụng Hiểu Lý Thái Tổ, đã đánh thức con bé dậy trước sự kinh ngạc của chú công an trẻ. Sẽ không bao giờ đứa bé quên cảm giác của mình khi đó, khi ngước nhìn nhà Ngân hàng rực sáng bởi ánh đèn pha chiếu ngược lên ảnh Bác, khi nhìn hồ Gươm rạn thành bao nhiêu miếng óng ánh tít sau cây, khi đi ngang cái cửa quay của khách sạn Metropol huyền ảo ánh đèn màu xanh lá. Giấc mơ bay mãi mãi thành một đeo đẳng, cũng như ấn tượng về một Hà Nội nửa đêm nồng nàn hương mùa kia. Ngày đang sống dường như không có thật. Có thật: là nửa đêm Hà Nội hoang tưởng, là hương sen mẹ cho tiền mua bao mùa hạ cũ dù bông sen bằng nửa giá mớ rau bữa cơm chiều và hoàn toàn xa xỉ trong những ngày tháng đó. Là mùi than đá khen khét thơm thơm tỏa ra từ những tổ phục vụ nước sôi năm xu một phích ở bao nhiêu đầu đường góc phố. Còn gì nữa? Vị kem cốc toàn đá cục mua từ mấy ông đẩy cái xe bằng gỗ, ăn trong tiếng hát ngập tràn tin tưởng. “Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công… đường mênh mang Ba Đình lịch sử đường tấp nập Hoàn Kiếm Đồng Xuân … Nghe náo nức trong lòng”. Chao ôi, những giọng nữ cao thiết tha phơi phới đã làm cho thời buổi ấy sao mà nhẹ nhõm.

*

Mà cũng nhẹ nhõm thật. Sáng ra nhà nhà người lớn đi làm, trẻ con chơi quanh trong sân khu tập thể, chán thì kéo nhau ra ngõ, túm tụm dưới gốc đa già, rồi lại rồng rắn tha nhau vào mấy cái cửa hàng bách hóa dí mũi vào tủ kính bày toàn những xô chậu làm từ nhựa tái sinh, búp bê nhựa trần truồng toe toét một nụ cười vô cảm, dép lê đàn bà có hình cây dừa to thù lù trên hai cái quai ngang không màu xanh lá cây thì y như rằng màu tím huế nằm kề xà phòng thơm hương lý hương chanh. Nhòm chán chê thì ngóng ra phố, thấy đông đông xe đạp là ù té chạy về vác cặp lồng ra nhà ăn tập thể xếp hàng, chờ bố mẹ. Sau này thỉnh thoảng Ngân bỗng dưng thèm ăn lại một bữa cơm như thế, trong cái mùi gây gây của bàn ăn bằng đá dù mấy bác cấp dưỡng hôm nào cũng cọ rửa kỹ càng, với canh bí đỏ xào tỏi, đĩa lòng lợn, hay bát sốt vang, hay miếng thịt kho tàu. Cái mùi nhà ăn tập thể đặc trưng đến nỗi bữa cơm ở nhà nấu kiểu gì cũng không bao giờ có được. Và lại còn cái vị. Hay là Ngân tưởng tượng? Nhưng quả là ngon thật. Trẻ con vác bát chạy quanh bàn nhà nhau. Hết bữa thì lại len lách qua chân người lớn ngồi râm ran nói chuyện hóng gió trên cầu thang thênh thang dẫn lên hội trường ngay trên tầng hai, hay tụ bạ chơi trốn tìm trong những căn hầm chưa lấp. Mọi sự sẽ chỉ khác đi khi ngoài suất cơm thông thường nhà ăn tập thể bắt đầu bán thêm những món ăn ngon lành khác và không phải nhà nào cũng mua được. Bầy trẻ bê bát nhìn qua bàn nhau dò xét một cách đầy ý tứ. Từ bao giờ, trong chúng thức dậy tinh thần tự trọng tràn đầy bản sắc dân tộc trước sự quyến rũ của miếng ăn. Đấy chính là lúc nhà ăn tập thể tự khai tử, sẽ bị đem chia thành nhiều căn phòng và căn lớn nhất được bưng bít kỹ lưỡng thành nhà trẻ, nơi bọn nhóc con sáng sáng mếu máo bước vào. Sau này, mỗi khi đi qua liếc ngang mấy cô mẫu giáo trấn ngoài cửa lúc nào cũng thấy hăm hở xiên ngang xiên dọc những cái kim đan, và đằng sau các cô, trong bóng tối mờ mờ luẩn quẩn mấy bóng trẻ con lủi thủi, người đàn bà – trẻ con lại bất chợt thấy ngực cồn lên một làn hơi nóng. Ngỡ như chưa bao giờ có những ngày tháng vừa buồn bã vừa vô tự lự đó. Và gương mặt bè bạn tuổi thơ mấy chục năm rồi không gặp lại vẫn dễ dàng hình dung đến mức đáng ngờ.

*

Chiều giông có Phan, nghe Phan nói bao nhiêu chuyện, lúc buồn bã, lúc hằn học, lúc lại đầy vẻ giễu cợt cay đắng hết sức kỳ cục, sao mà Ngân muốn khóc. Hoài nhớ tuổi thơ ậm ực mãi làm đau cả ngực.

– Ngân cứ để ý mà xem, những chuyện thê thảm ấy đâu chỉ có ở trong sách. Cái phố nhà Phan bé bằng lỗ mũi mà cũng đủ thứ chuyện tầm phào. Mới hôm kia thôi, cả phố Phan cười một trận vỡ bụng vì ông già hàng xóm sát vách nhà Phan bị cô bồ trẻ vác chổi đuổi đánh. Lã Bố hí Điêu Thuyền. Lã Bố ngày trai trẻ cũng vào sinh ra tử khiếp lắm. Bị bà vợ ở nhà lung tung lang tang, về ở với nhau được đâu vài năm rồi bà ấy phải đi vì ông chồng ăn chơi bù những ngày gian khổ. Lũ con nó cũng chả buồn về thăm bố già. Ngân sẽ bảo đấy là gì? Đấy, ông bà nhân dân của Ngân đấy. Ông già ấy và cô bồ ấy rất có thể sẽ lại sống đẹp ở một hoàn cảnh khác, như trong chuyện của bố Ngân hay của Ngân vậy. Băn khoăn làm gì?

Bởi không biết Phan nói vậy chính vì Phan đã băn khoăn rất nhiều hay thực ra Phan thật tâm muốn vợi đi tất cả những nỗi niềm đó ra khỏi lòng mình mà Ngân không thể nào quên buổi chiều đó và người bạn đó. Tầm phào thật ư? Bao nhiêu chuyện đời diễn ra quanh Ngân, chẳng đâu xa mà rất đỗi hàng xóm láng giềng, rất đỗi nhà mình. Có điều vào độ ấy, thì cũng giống như hồi đi xem cô Tam điên, Ngân và chúng bạn chỉ thấy đó là một cơ hội để cười, hoặc để hào hứng trong phút chốc. Thiếu đủ thứ, trong chiến tranh và sau chiến tranh, thiếu tất cả những gì khả dĩ làm nên một đời sống tinh thần đủ để cho bọn nhóc bây giờ hiểu nổi, nhưng các thứ gia vị tinh thần hồi đó có lúc sao mà nhiều. Và người ta tiêu hóa được tất, với một sự say mê khùng khùng điên điên.

*

Cái món gia vị kích thích răng lưỡi trong những bữa ăn đạm bạc được ưa chuộng nhất bao giờ cũng là những chuyện nhà này chỉ bằng mặt với nhà kia; chú nọ cô kia hình như phải lòng nhau mà chưa thấy động tĩnh báo cáo báo chồn gì với công đoàn và cấp ủy; nhà máy xét lên lương; căng tin sắp phân phối xe đạp; công đoàn liên hệ được ở đâu đó vải ngoài tiêu chuẩn và săm lốp, họp bình bầu lao động tiên tiến cuối năm và tóm lại là những chuyện đại loại thế, vừa tầm phào vừa thiết thân. Nhưng có những chuyện chả thấy ai bàn bỗng đột ngột phòi ra, làm tất cả ngơ ngác, rồi sau đó là sượng sùng. Sau này, lớn lên, chạm mặt hàng ngày những người từng có mặt trong những câu chuyện ấy, nhìn họ sống bình thản bên cạnh nhau, nghe họ cùng góp lời trong bao chuyện chung của khu tập thể, Ngân cứ phân vân tự hỏi mọi người đã quên hết rồi chăng hay vẫn đang đóng tiếp vở hài kịch cũ.

*

Con bé Hằng An có lần khoe khoang với Ngân rằng cũng biết bay. Dĩ nhiên là bay trong mê. Có điều nó ngủ mê hết sức kỳ cục. Loay hoay cong hai bàn tay để vo cho viên bánh trôi thật tròn, con bé mắt chữ A mồm chữ O:

– Em cứ bay vòng vòng trên sân thượng nhé. Càng lên cao càng mát. Mát cứ lạnh đi. Trời cứ như mâm thạch đen ấy, phẳng lì. Em lên cao bao nhiêu thì trời lại lùi xa tít bấy nhiêu. Còn sao thì lại như gần lại, cũng bay. Giống như đóm đóm bên bờ đê ấy, nhưng mà không lập lòe lập lòe. Cứ lóng la lóng lánh. Chị Ngân vớt đi. Vớt đi chị. Mẹ em bảo bánh trôi ba chìm bảy nổi là chín đấy. Em kể cho mẹ em nghe em bay, mẹ em cứ mắng dở người. Chị Ngân biết không, từ trên cao em nhìn thấy bao nhiêu người chui vào chăn của nhau, hay lắm. Cô Thủy chui vào chăn chú Toán này. Chú Bình chui vào chăn cô Vượng này. Ai cũng ngủ say. Chỉ có mỗi chị Phương Linh đạp cho người chui vào chăn chị ấy một cái đau điếng. Thế là em tỉnh. Hoá ra chính em bị chị ấy đạp. Chị Ngân ở đây ăn với em hay là bê một đĩa về?

– Con bé này! Em mê với mẩn cái gì mà kinh hồn thế. Sao lại có chuyện chui vào chăn nhau. Mày cứ huyên thuyên bát sát thế mẹ mắng cho là phải.

Trấn áp bé Hằng An, song cô gái không trấn áp nổi những ý nghĩ bất chợt tới vì câu chuyện kỳ khôi của nó. Cô gái biết đó là sự thật và những sự thật kiểu như thế luôn làm cô hoang mang

Michelangelo

Đức chúa trời vung tay giữa đám người trần trụi

Nghìn linh hồn

Triệu nỗi đau

Có ai của một ngày sau

Giang tay giữa lòng người quả đất.

19.

Cái sân thượng thênh thang của khu nhà tập thể ba tầng mà Ngân sống có thời là nơi trẻ con bọn Ngân tụ bạ. Vui lắm. Những ngày còn chưa sơ tán, con gái con trai cả lũ chạy rầm rập trên cầu thang dẫn lên đó, nói cười í ới. Từ trên sân thượng, phóng tầm mắt về phía thành phố, sẽ thấy chóp Nhà hát lớn và lô nhô bao mái biệt thự cũ. Còn nếu ngoảnh về phía ô, đầu tiên là nhìn thấy vòm cây đa già, rồi bờ đê thoải xuống những làng nghèo xích lô ba gác, mùa hè đến có thể hít đầy lồng ngực mùi ổi chín từ những làng phía đó. Bên kia, sát chân đê, làng Thanh Nhàn vừa gần gũi vừa bí hiểm, nhìn từ trên xuống chỉ thấy những vòm cây ôm ấp lấy nhau, ủ kín tất cả trong bầu xanh rưng rưng nắng. Gió từ bờ tre bên ấy rào rạt thổi về. Ngân rất thích thỉnh thoảng trốn bố mẹ theo lũ trẻ cùng tầng chui rào tập thể sang đê. Bên đó có một người đàn bà, không thể nói là bà lão, song cũng không còn trẻ, thường ngồi dưới một cái mái gá tạm bợ vào chân tre, bán đủ thứ lặt vặt quyến rũ tỳ vị của cả lũ. Ốc vặn luộc vừa chín, hôi hổi thơm mùi lá bưởi, nhể bằng gai bưởi, chấm nước mắm gừng. Ốc đá thì bẻ bằng những đồng hai xu có cái lỗ tròn bé tí. Bà Bé luộc ốc trên cả tuyệt vời, nóng rẫy cả tay mà không con nào bị đứt ruột. Rồi lại còn lạc luộc, bánh tro, táo bột, chè lam, bỏng ngô, sấu chín. Những cuối xuân ngày ấy. Những vào thu ngày ấy. Ngân nhớ bà Bé là bởi bên mình bà lúc nào cũng có một cuốn truyện Kiều. Cứ ngơi tay đơm đơm bốc bốc cho bọn trẻ là bà lại cầm lấy cuốn sách cũ kỹ, kéo cái kính trễ xuống một chút và đọc. Ngày đi sơ tán trở về, lúc đã tụ họp lại được gần đủ mặt, bọn Ngân rủ nhau lên sân thượng. Cũng một chiều. Cả lũ ngơ ngác nhìn. Cái làng xưa chỉ thấy một màu xanh ấp iu là thế mà giờ quang hẳn vì bom. Đường ngõ tơ hơ, nhà cửa mới dựng lại khấp kha khấp khểnh. Sông Kim Ngưu chảy qua làng hẹp như một cái rãnh nước đen đặc sịt trông chả khác gì con đỉa trâu đã chết.

– Chả thấy bà Bé đâu chúng mày nhỉ? Bây giờ thì bà ấy cũng phải về mở lại quán rồi chứ nhỉ?

Chả đứa nào buồn trả lời câu hỏi tầm phơ của con bé đang úp bụng lên lan can sân thượng sát bên Ngân. Ngân không biết chúng nó lúc ấy nghĩ gì. Cũng chả biết lúc ấy mình nghĩ gì. Chỉ có cảm giác rõ ràng rằng tất cả đang chia tay với một cái gì đó, vĩnh viễn. Mà sẽ là thế thật. Bởi vì cái làng bên đê sẽ không bao giờ xanh lại như cũ vì người ở đâu cứ dồn về, thành cả xóm liều bên bờ đê sát cái xó mẹ con bé Hằng An ở, đổ rác ra đấy, ỉa bậy ra đấy; rồi thành phố sẽ cho xây trên đất làng một khu nhà lắp ghép năm tầng rất lớn và một bệnh viện cấp quận khá là nổi tiếng vì đủ thứ chuyện tiêu cực. Lùm tre bên đê thẳng từ cửa sổ nhà Ngân nhìn ra vẫn còn, song quán bà Bé thì không bao giờ dựng lại. Không bao giờ Ngân thấy lại người đàn bà ấy nữa. Không biết bà có chồng con, có một mái nhà không? Không biết bà sống ra sao? Bà đi sơ tán rồi về tìm đường làm ăn sinh sống khác hay là đã chết trong trận bom đánh thẳng vào làng độ ấy? Thật lạ lùng là có những người có thể ở mãi trong trí nhớ đã thành một phần đời của mình mà mình tuyệt nhiên không biết gì về họ.

*

Thật ra thì hồi đó cũng không đứa nào bận tâm tự đặt ra những câu hỏi như thế. Chỉ nhớ là sau đó gần như chả mấy đứa còn rủ nhau lên sân thượng. Thỉnh thoảng lắm Ngân mới nghe lời mẹ sai mang mâm lạc mâm vừng hay ít tôm khô bò lên đó phơi. Vác theo cái chiếu và cuốn sách nằm trong chòi, nghe tiếng bọn nhóc con léo nhéo góc đằng kia sân thượng giữa cái nắng trưa nóng như rang, sao cứ thấy lòng vừa trống trải vừa xao xuyến.

Đấy chính là hồi chị em Ngân thôi không theo bọn trẻ cắp chiếu cắp chăn lên sân thượng ngủ những khi mất điện. Ngủ gì đâu. Chạy rình rịch gần hết đêm hò hét trốn tìm. Cứ xông vào những chỗ người lớn ngồi uống chè là kín nhất. Mặt sân thượng lát đá vuông, giữ hơi nóng rất lâu, song gió thì không bị quẩn, cứ lồng lộng thổi như quạt hầu. Thật thú vị khi mặt và lưng mát rượi trong khi bàn chân trần và mông đít nóng cứ ran lên như ngồi trước đống rấm những mùa đông sơ tán. Người lớn thì cứ vừa nói chuyện với nhau vừa quay ra mắng trẻ con, rồi ấp tay vào cái chén quả hồng rất đặc trưng ngày đó mà hít hà cái vị nóng chát ngái của thứ chè ba hào mậu dịch bán không thèm phân phối.

Đấy là lúc đầu đêm, người lớn có mắng thì rồi lại cười. Các anh chị trẻ trẻ vẫn phụ trách sinh hoạt hè có bị quấy rầy thì cũng còn biết giữ lưỡi trong mồm không áp dụng ngay chuyên chính với bọn nhóc, phòng lúc đi với nhau chúng nó biết được trả thù réo ê ê thì thẹn mặt. Nhưng khi đã vào khuya thì cả bọn cũng biết liệu thần hồn, đi nhẹ nói khẽ cho ngưòi lớn ngủ để sáng mai ra còn đi làm. Song cũng có những lúc vẫn mải chơi mà quên khuấy sự đời. Như ngày cuối tuần chẳng hạn. Chính trong một đêm như thế Ngân đã xô vào tốc cái vỏ chăn của chị Hoa hàng xóm tìm chỗ nấp. Rõ ràng vừa thấy chị sửa soạn chỗ nằm, vừa thấy chị tung cái vỏ chăn phủ lên mình tránh hơi sương. Mà sao lúc đó… Chị Hoa chồm dậy tát bốp vào mặt Ngân. Trong bóng sao mờ, con bé hốt hoảng thấy mắt chị rừng rực sáng, và rúm lại sau mông chị là một thân hình đàn ông trần truồng.

Dĩ nhiên là Ngân lủi một mạch, im thin thít. Dĩ nhiên là không có chuyện tổ an ninh dân phố đến lập biên bản. Hồi đó vừa ngừng bắn và chỉ thế đã đủ khác lắm những ngày trước đó. Chứ còn thời đánh phá thì quên đi. Chắc những chuyện như thế vẫn diễn ra hàng ngày đấy thôi, nhưng vô phúc mà bị phát hiện thì… Như là chuyện nhà mấy đứa bạn chơi với Ngân, thân thiết mà lạnh lẽo đến nỗi chả đứa nào bị chế với đứa nào. Chưa có lệnh triệt để sơ tán, nhưng trẻ con thì đã được lệnh của bố mẹ chơi gì cũng phải loanh quanh gần mấy cái hầm. Bố thằng Vũ thằng Thắng là bác Nhật, kỹ sư trên bộ hẳn hoi, tập kết ra bắc với cái chân tươi chân héo nên sau đó xung phong bao nhiêu lần mà vẫn không được đi B. Bác Nhật có vợ là bác Nguyệt. Bố bảo bác Nguyệt là con nhà thế giá lắm, dù chỉ là con vợ lẽ. Chả biết thế giá là như thế nào, song mẹ bác còn thấy mặc áo bông gấm dù đã mòn cũ, già rồi mà vẫn guốc cao và bước rất nhanh, tóc bao giờ cũng búi độn và khăn nhung choàng ơ hờ quanh vai, lại còn hút thuốc lá tự quấn dài ngoằng, và thoa son nữa. Bác Nguyệt không lạnh lẽo và khinh khỉnh như bà cụ, song quả bác không giống nhiều bà nhiều cô trong khu. Ra máy nước bác không bao giờ giành giật, thấy đông là lặng lẽ cắp chậu về chờ tới tận khuya vãn hẳn người mới ra giặt giũ. Người bác mỏng mà thẳng, ăn mặc thì giản dị y như mọi người, mà cũng vẫn không hẳn vậy. Vạt áo phin kia nhìn kỹ thế nào cũng lấp ló một nét thêu, cứ như là hoa tàn bay rồi đậu lại đó vậy. Quần lụa bất kể người ta mốt gấu to hay gấu nhỏ, bác Nguyệt mặc bao giờ cũng kín gót chân và là kỹ không để nhăn ở khuỷu. Bác khác tất cả mọi người, nói nhẹ cười cũng nhẹ. Mẹ hay nhờ bác cắt quần áo cho để tự khâu tay, có lần bảo bố: ‘Em thân với chị Nguyệt thế mà trước chị ấy vẫn cứ phải giữ lời là làm sao nhỉ? Làm sao mà vui thế nào cũng không thấy chị ấy ăn nói tào lao, mình cũng đâm ra e dè”.

Lại có lần Ngân nghe mẹ hỏi bố:

– Anh có nghe ông Nhật mê một cô văn thư trên bộ không? Lạ nhỉ, đàn ông sao mà dại. Chả biết cái cô kia thế nào? Nhưng mà em nghĩ khó qua mặt chị Nguyệt được. Chị ấy thật là người hiếm. Em mà như chị ấy chắc ba máu sáu cơn từ lâu rồi.

Bố cười:

– Khéo chỉ vì bà chị không biết ba máu sáu cơn như em, lúc nào cũng như trăng suông thế mà ông ấy đâm ra thế.

– Anh thì chỉ… – Mẹ buông lửng rồi lại chúi đầu vào đống tem phiếu. Không biết mẹ nghĩ gì. Chỉ nhớ lúc chuyện nhà bọn thằng Vũ thằng Thắng bùng ra thì câu chuyện về bác Nguyệt lại trở về trong bữa cơm chiều nhà Ngân:

– Nghe nói chị Nguyệt uất lắm, chị ấy báo cho công an với tự vệ đấy chứ. Có người bảo lúc đó chị ấy đòi đưa cả đôi ấy ra trụ sở khối phố để giải quyết.

– Không phải đâu mẹ. Bác Nguyệt mãi mới gọi được về. Khi công an đạp cửa vào con cũng có đó mà. Lúc báo động bọn con thấy công an tự vệ vác súng vây cửa sổ nhà thằng Thắng thằng Vũ. Con theo hai anh em nó lủi vào nhà đứng mãi đến tận lúc bác Nguyệt về. Thằng Thắng thằng Vũ sợ mẹ cứ kéo con ra. Mà con nghe thấy hết.

– Giời ơi là giời. Báo động chúng mày không ở trong hầm còn vác xác đi đâu? Ai bảo con vào đó làm gì? Việc của người lớn trẻ con biết gì mà hóng hớt. Thế bác ấy bảo gì?

– Bác Nguyệt bảo chú Phạm công an khối là sao lại phá cửa nhà bác ấy. Chồng bác ấy nghỉ ốm, đóng cửa nằm nhà cũng là thường, khách đến thăm cũng là thường. Bác ấy bảo chú Phạm kiểm tra xong giấy tờ khách rồi thì xin để bác ấy nói chuyện với khách của nhà bác ấy.

– ?

– Bác ấy bảo với cái cô gì ấy đẹp lắm là bác Nhật sẽ giải quyết ổn thoả mọi chuyện. Thế rồi bác ấy uống nước xong lại xách túi đi. Thế thôi.

Bố mẹ nhìn nhau. Không ai biết câu chuyện sẽ tiếp diễn ra sao. Chẳng lẽ người ta có thể bình tâm như thế?

*

Không ai biết chiều ấy bác Nguyệt cơm nước đàng hoàng hơn bình thường. Người đàn bà đã nhắn cậu em trai sống với bà mẹ đến đón hai thằng cháu, chuẩn bị cho chúng đi sơ tán với bà ngoại. Người đàn ông tập tễnh đi đi lại trong nhà, như một con thú bị dồn đuổi.

– Cô bỏ ngay cái mặt bao dung đểu kia đi. Tôi có tội, phải, tôi là thằng có tội. Cô cứ nói cho hai thằng bé biết, cô cứ ra trước bàn dân thiên hạ chửi thằng Nhật này như thế còn tốt hơn là cô vác cái mặt chịu đựng tha thứ kia.

– Mình bình tĩnh lại. Mình muốn em phải có vẻ mặt đâm lê hay sao? Mình biết rồi, em không làm được thế. Em sẽ không bao giờ nói thế, bây giờ, sau này. Em sẽ nói với các con rằng ba các con không có lỗi gì với bất kể ai.

Người đàn ông hổn hển:

– Em nói gì vậy? Đúng là anh có tội! Nếu họ ập vào muộn hơn một chút thôi thì em cũng sẽ không thể bênh vực anh đâu.

– Ngay cả như thế mình cũng không có tội. Em không biết mình nghĩ thế nào, còn em, chỉ nghĩ đến chuyện căn nhà mình ở có thể bị lục soát vì những lý do không dính gì đến ai em đã đủ muốn chết ngạt. Bây giờ, cái làm em nghĩ ngợi là mọi sự phải tiếp diễn ra sao. Nếu mình không ở đây thì mình có thể thu xếp được chỗ nào không?

Một khoảng ngừng đông cứng. Người đàn ông cúi gục đầu. Cái cẳng chân teo đầy lông lá rũ rượi dưới gầm bàn. Người đàn bà thở dài:

– Nếu không thì để em thưa chuyện với bà, em đưa bọn nhỏ về trên đó ở chung với bà và với cậu Việt. Đằng nào bà với chúng nó cũng phải đi sơ tán đến nơi rồi. Để rồi xem sao… Có điều mình sẽ khổ ở cơ quan mình đấy. Mà ở trong cái khu tập thể này sau chuyện này thì cũng chả sung sướng gì. Nhưng mà thôi, thời nào muốn làm gì mà chả phải trả giá. Cô ấy cũng phải trả giá nếu như cô ấy tính chuyện yêu thương mình.

Có một khoảng ngừng ngột ngạt. Người đàn bà thở dốc:

– Cô ấy được cái là mạnh khoẻ hơn em, và lại yêu mình. Mình ạ, có thể là ngày mai nhà mình sẽ không ở chung với nhau, trước khi em đưa con đi hay mình đi, em muốn nói với mình… Em xin lỗi mình. Em đã không yêu mình ngay từ ngày đó, ngày ta quen nhau… Em cũng không biết nữa. Có lẽ là như thế. Sau khi ông ngoại bọn nhỏ mất, nhà xảy đàn tan nghé hết, em đã phải làm từ đứa ở làm đi trước khi có lại cơ hội bước chân vào trường học. Hồi đó em sợ những ngày đã sống qua, sợ lắm… Và em lấy mình… Trong khi mợ lại bảo em rằng bọn mình không thể nào hợp nhau… Mợ bảo đã sống qua cảnh ấy rồi thì không còn gì đáng sợ nữa. Em không vững vàng như mợ. Mợ thì lúc nào cũng vậy… hồi cậu còn sống, còn chưa bị tù, còn cảnh cả lẽ trong nhà… mà đến lúc cậu bị thế mợ vẫn cứ như không. Thôi thì vợ chồng không ở được với nhau, mình coi hai đứa con và lời xin lỗi của em làm vốn…

*

Người đàn ông hực lên. Giọt nước mắt bất lực và đắng cay không thể nào lăn ra nổi, lúc ấy, và cả sau này, khi ông đã mất hết, mất đảng, mất quyền, mất luôn biên chế nhà nước, để rồi khi giải phóng thì lọ mọ bò về quê như một thằng dân gì cũng sợ mà gì cũng không sợ nữa, vì chả còn gì để mất. Ông sẽ chỉ khóc khi hai mươi mấy năm sau ra lại Hà Nội, ngồi đúng chỗ đó, nhìn người vợ cũ đã bị thời cuộc là phẳng mà vẫn bình thản và dịu dàng đến độ tưởng chừng bà có một thế giới khác để mà sống. Nhưng giây phút đó người đàn bà – trẻ con không biết, cũng không biết sau buổi gặp lại người chồng không ly dị mà xa cách suốt bao năm, bà Nguyệt đã qua đường, nước mắt chan hòa núp sau lưng cây đa già khấn cho lòng người đàn ông bình thản lại. Ngân cũng không biết ông Nhật chia tay lần ấy với vợ con cũng đứng dưới gốc đa, nhìn theo sợi khói ẻo lả tan đi truớc khi vươn được tới cái cành gần nhất. Ông cứ nhìn lên, lên mãi, nơi màu xanh trời đan dệt trong vòm lá lục, lòng thầm khấn nguyện cho người vợ già được bình an bên những đứa con thành đạt mà ông không có công nuôi dạy bao năm ròng. Cây đa với dân khu tập thể của Ngân là một chứng nhân mà họ lúc quên lúc nhớ tùy thời buổi, song bao giờ cũng tìm về.

Mấy phương án cho một lưỡi dao

Nó hình như đã nổi tiếng từ khi thi sĩ TD dùng để tự cứa cổ

1. Người ta đã vứt nó như bất kỳ một vật trở nên vô dụng hoặc nguy hại nào

2. Người ta đưa nó vào viện bảo tàng, chỗ dính máu là chỗ rỉ trước nhất

3. Người ta giữ nó sáng loáng

Comments are closed.