Tiểu thuyết
Lê Minh Hà
20.
Người cha có lẽ là người cuối cùng của khối cư dân lâu năm trong khu tập thể đã tìm tới bóng đa già. Cứ như là phản ứng tự vệ, ông gần như chả bao giờ để mắt tới mùa đi qua vòm đa. Có những ngày cây đa trút lá, khoảng phố đột nhiên quang hẳn, sáng bừng, mới mẻ. Có những ngày vòm đa lướt mướt tối sẫm lại vì mưa dầm. Có những ngày công an phường làm cho mấy bà bị coi là mê tín đứng tim vì kế hoạch giải tỏa khói hương theo những quyết nghị nọ kia chả ai biết tới. Và lại có những ngày sâm sẩm tối ông băng qua đường tới ngồi vào một trong những cái ghế con của hàng chè chén dưới gốc đa, gọi một chén chè, thêm cái kẹo dồi chó cho con gái út, và ngẫm nghĩ. Không có gì liên quan tới cây đa chạm được vào ý nghĩ của người cha, dường như là thế, nếu không có những lúc nổi cáu bất ngờ khi vợ con đùa rằng ông chạy một mạch từ cây đa Tân Trào về tới cây đa Nhà Bò này thì dừng. Sẽ đến ngày những đứa con của ông đi xa và chỉ mãi tới khi ấy người cha mới trở về nơi đó lia camera lưu giữ cho con vòm cây nhớ thương.
*
Giữa mấy mươi năm, có một lần ông đưa chân ông phó giám đốc cũ từ miền Nam ra thăm lại nhà máy và bà con khu tập thể tới tận gốc đa già, đứng đó bùi ngùi. Ông Thản trông khắc khổ, nước da sạm lại khác hồi còn ở nơi này. Ông đi quanh quẩn khắp khu tập thể, dừng chân trước những bãi đất trước kia chỉ là cái kho tạm chứa nguyên liệu làm giấy than, mực, nến tráng giấy dầu hay những ngách nhỏ nơi đặt cái chuồng gà cải thiện của mấy gia đình đông con, lắc lắc đầu. Khu tập thể bây giờ chật ních người là người. Trẻ con lớn lên, đi làm đi ăn rồi, chồng vợ cả rồi mà không đủ sức rút cẳng ra khỏi nơi này. Những công nhân nhà máy năm xưa nhà bị bom được thu xếp về ở tạm nay đóng đô chặt lại ở đây. Và những cư dân mới không biết gì về những năm tháng xa xôi ấy. Ông Thản đi loanh quanh, ngần ngừ, chỉ tạt vào nhà ai là người thân quen cũ.
Bố giục Ngân pha nước, ngùi ngùi:
– Anh ra bao giờ? Tôi có nghe anh em nói anh về thăm nhà máy mà tiếc hôm đó không gặp được anh.
– Cũng được gần một tuần rồi anh ạ. Chắc cũng là lần cuối cùng. Già rồi, nghĩ chuyện đi là ngại. Nhưng không đi thì lòng dạ cứ nôn nao.
– Bao giờ anh lại vào trong đó?
– Cũng định ở chơi lâu lâu, mà bả nhà tôi dạo này hay than mệt, lại còn mấy nọc tiêu…
– ?
– Tôi không ở Sài Gòn anh à. Hồi bảy lăm chuyển công tác vào trỏng, hai đứa nhỏ nhà tôi cùng vào nhưng ở lại Sài Gòn, còn tôi thì về Tây Ninh tìm bả.
– Thế ạ…
– Hồi trước tôi có đọc lý lịch anh. Ngày đó không phải lúc nào tôi cũng tin vào những điều đã đọc đâu. Còn giờ thì tôi nghĩ tất cả là số phận anh à. Tôi nghiệm ra cứ muốn sống lành là chẳng thể nào sướng nổi. Được cái là sau đó suy đi tính lại vẫn tự bằng lòng được ít nhiều với mình.
– Tôi biết là ngày đó anh biết cả về tôi và thông cảm lắm với tôi anh Thản ạ. Giờ anh đã nghỉ rồi, tôi cũng chỉ làm việc đôi ba ngày nữa, có lẽ anh em mình chả còn dịp nào gặp lại nhau, anh cho tôi nói lời cảm ơn anh. Anh không biết đâu, hồi đó, những lúc nhìn quanh so tính, tiếc cho mình, tủi cho vợ con, tôi lại nghĩ tới anh, tới cách anh cư xử với mọi người và lại hồi tâm được.
– Thôi mà anh…
– Thế hai cháu nhà anh độ ấy?
– Con đầu trước là y tá miền, hồi ra bắc mang theo đứa con anh biết rồi. Chồng nó hy sinh trước giải phóng, nó về được cho đi học tiếp, giờ là bác sĩ, đậu gạo nấu cơm chung với một thằng trước là bạn chồng nó. Mà cơm không lành canh không ngọt anh à. Thằng rể tôi quyền chức, quên hết rồi, đến hồi rồi phát hiện ra bị gan thì mới biết nhớ ngày gian khổ. Vợ chồng hòa lại được với nhau, nhưng mà trong cảnh ấy… Còn con út, cái con bị thương vào mắt ấy anh, cái con ngày ở ngoài này cứ làm ầm ĩ chuyện cô Tam, hồi về nhất quyết không cho tôi gặp mặt má nó. Khổ, con mỗi đứa mỗi tánh anh à, cái con út nhà tôi thì hiểu ba nó hay không hiểu cũng cứ làm tôi rối ruột.
– Tiện anh kể chuyện, anh cho tôi tò mò… Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh phải không anh?
– Có gì đâu mà anh phải rào đón. Bả nhà tôi hồi tôi biệt tích có hai đứa con với ông sau này anh à. Cũng anh em đồng chí cũ với mình mà chiêu hồi. Nói theo kiểu bên mình thì ổng tội to nhưng phải nói là không hành hạ gì hai đứa con tôi. Mà con út nhà tôi thì cứng đầu lắm, bỏ học, hoạt động thành. Sau này con chị nó nói lại hồi đó nó thoát cũng là nhờ ông ta. Chứ… Ông ấy quả thực có lòng với má nó anh à. Mấy ba con ông ấy di tản từ hồi đó. Bả nhà tôi thì nhất quyết ở lại.
-…
– Mà bả cũng không có chịu gặp tôi. Con út về tìm má nói gì đó, bả bỏ về Tây Ninh, lên chùa, xuống tóc đàng hoàng. Tôi xin chuyển công tác từ Sài Gòn lên đó, mấy năm ròng, đả thông hết má đến con. Bây giờ bả về với tôi rồi, nói thực với anh sống cũng ngậm ngùi, có cười được chăng là lúc con cháu ngoại từ Sài Gòn về chơi. Chẳng qua cũng vì hoàn cảnh. Dù gì thì bả cũng có công nuôi nấng các cháu không có tôi phải không anh. Mà cái tình cái nghĩa nó là gì không biết mà dứt cũng không phải dễ.
Ông Thản cười, đôi mắt đã đục nhìn bình thản:
– Ông chồng sau của vợ tôi với hai đứa con vừa rồi gởi thư về. Bả nhà tôi cứ như mất hồn. Tôi mới bảo bả lo việc nhà cho tôi đi thăm anh em cũ. Cứ sốt ruột, e bả nghĩ tôi bực dọc điều gì.
*
Khi đó người đàn bà – trẻ con làm gì nhỉ? Pha xong nước mời khách, Ngân bê rổ rau bí ra lan can ngồi tước. Hơi mưa từ cái mái tôn cơi nới của nhà tầng dưới hắt ngược, ẩm ẩm tanh tanh. Cái giọng lù rù gần như mất hết dấu vết ngôn từ Bắc của ông Thản vọng từ sau lưng lại chen với tiếng nói loé xoé của mấy bà hàng xóm vừa đi chợ về làm lòng Ngân nặng trĩu. Bao nhiêu mùa đã đổ xuống trên những bước chân đi qua cuộc đời như thế này.
Lại vẫn là buổi chiều. Cuối hè. Hừng hực nóng. Bọn trẻ mang nhau ra đầu hồi nhà cao tầng, chính phía có căn phòng của ông Thản. Chỗ đó xưa là sân chơi, bể nước ngầm và vườn hoa rực rỡ. Nay, điện nước phập phù không bơm lên các tầng được, một ông thợ đục ống bắc ngay cái máy nước cho cả xóm dùng tạm rồi thành vĩnh viễn. Khu tập thể cũng không còn vườn hoa nữa. Vườn hoa đã bị phá để lấy mặt bằng xây thêm mấy dãy nhà cấp bốn cho công nhân nhà máy nhà cửa sạch bách vì bom. Đội quy tắc thành phố vẫn hoạt động song không còn riết róng phạt những nhà chăn nuôi trái phép. Các nhà con đàn nhất loạt bung ra trấn tất cả những ngóc ngách nào nhà máy không sờ tới để tăng gia sản xuất. Con gái thì vừa xếp hàng máy nước vừa tranh thủ đan móc hàng gia công đỡ gia đình. Con trai lăm lăm cái vợt sục sạo mấy cái cống để vớt bọ gậy về nuôi cá. Cái Hải con chú Triều chiều nào cũng phải ngồi ôm cái chậu tôn cũ xin vo gạo cho bà con cả dãy lấy nước về nuôi lợn chợt ngước lên:
– Com măng ca vào nhà ai chúng mày ơi! Những hai cái kìa!
– Đâu đâu? Đi về dãy mình đây này. Chị kia trông như giao liên quân giải phóng ấy chúng mày ạ. Vào nhà ai nhỉ?
Hai cô gái, cô đầu dắt theo một đứa con gái chừng ba bốn tuổi, quần đen và áo bà ba xanh, cắt bằng thứ vải gì trông cưng cứng và nhóng nhánh như nilon, cô thứ hai trông chỉ như vừa qua tuổi lớn, cũng bà ba nhưng một màu đen. Cả hai cô đều đội mũ tai bèo. Xúm xít xung quanh toàn là đàn ông có tuổi. Ông người gầy gầy xăm xăm đi trước dẫn đường. Lũ trẻ vội vàng dẹp bớt xô chậu rổ rá lấy chỗ cho đoàn người.
Tiếng khóc dậy lên từ cánh cửa ngay sau lưng làm lũ trẻ kinh ngạc. Bọn con trai lập tức quăng vợt tiếp cận mục tiêu mới. Thỉnh thoảng lại ngoái cổ thông tin cho cả lũ con gái ra chiều ý tứ vẫn tụ bên đống xô chậu song bao nhiêu tâm trí đã để hết vào những tiếng xôn xao ở sau lưng.
– Con bác Thản chúng mày ạ.
Đứa đứng gần lũ con trai nhất nhanh nhảu truyền tin. Cả lũ hóng cổ lên nghe.
– Nhưng sao khóc như đưa đám thế? Bố mẹ tớ kể bác ấy biết tin con ra mấy hôm nay rồi cơ mà.
– Từ từ đã nào. Hôm nay ủy ban Thống Nhất mới đón được các chị ấy đưa đến đây. Bác Thản cũng khóc chúng mày ạ. Nhìn kìa… nhìn kìa… Hai chị ấy cũng khóc… Nghe nào… Chị đầu chồng quân giải phóng hy sinh rồi. Con bé kia là con chị ấy đấy… Đẻ ở rừng. Chị kia… chị kia chột mắt chúng mày ạ. Dũng sĩ diệt Mỹ. Thế là diệt được mấy thằng nhỉ?
Thằng Tuân đầu gấu nhất bọn tuột từ trên gờ tường sát cửa sổ nhà bác Thản xuống bần thần vì câu hỏi mới tự đặt ra cho mình. Cả lũ cũng bần thần. Không phải vì cảm động xót thương mà là vì ý nghĩ bên kia bức tường có một dũng sĩ diệt Mỹ đang ngồi, đang nói những chuyện hết sức bình thường. Dũng sĩ diệt Mỹ! Là cái gì chỉ giống như là một khái niệm, một nhân vật trong sách mà cả lũ vẫn chuyền tay nhau, gần gũi hơn thì cũng vẫn chỉ là những cái tên trong truyện thiếu nhi hay trong các bản tin đài báo thường đưa. Đoàn anh hùng dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, đến thăm Bác Hồ. Hồ Văn Mên, Nơ Trang Lơn, Hồ Thị Thu, A Vai, Kan Lịch… Một con người như thế, từng đặt chông, ném lựu đạn, bắn súng, vừa đến đây, mang trên mình dấu tích của cuộc chiến tranh còn chưa đi qua hẳn, nhưng với cả lũ thì vẫn rất xa xôi, dù tất cả đều đã từng nếm mùi sơ tán. Một con người như thế đang ngồi khóc thút thít trước người cha lần đầu gặp mặt, và cái chính là chị dũng sĩ ấy thật ra chỉ hơn cả bọn có vài tuổi bọ.
Kể từ hôm đó nhà bác Thản tuần nào cũng thấy đông người. Hai chị con gái bác đã làm cả khu tập thể quen dần với những bộ bà ba may từ thứ vải gì chất như nilon nhóng nha nhóng nhánh, với chiếc mũ tai bèo đội hờ trên đầu và đôi dép Thái Lan lệt xệt dưới chân. Rồi các chị ấy cũng dần dần mặc y như mọi người, nón lá thay vì mũ tai bèo, quần lụa áo Hongkong thay bộ bà ba lạ mắt. Mỗi lần về thăm bố, các chị lại ríu rít dắt nhau đi chợ và từ cửa sổ sát máy nước nhà bác Thản mùi mắm thơm lựng tỏa ra. Nhưng bác Thản sau những ngày con về trông lại thêm âm thầm.
*
Con bé Hằng An biết rõ nó không phải là con bác Thản và chính vì thế mà nó gọi bác là ba một cách hết sức tự nhiên một hôm bảo với Ngân:
– Em không gọi ba Thản là ba nữa đâu.
– Tại sao? Bác Thản vẫn gọi em là con cơ mà.
– Tại chị Hằng Tâm ấy. Chị ấy chủ nhật vừa rồi tự dưng mò vào nhà em mắng mẹ em xơi xơi. Chị ấy tưởng cái dũng sĩ diệt Mỹ của chị ấy là to, mà giờ mới học lớp bảy ở trường văn hóa dành cho con em miền Nam, hơn em có hai lớp. Mẹ con em làm gì chị ấy nào. Mà mẹ em cứ ngồi yên nghe. Tức quá.
– …
– Em bảo mẹ em đổi tên cho em mà mẹ bảo không được. Khi nào lớn em sẽ tự đổi tên đổi họ để ba Thản đỡ khổ. Chị Hằng Tâm cứ một mực bảo mẹ em có gì với ba Thản thì tên em mới là Võ Hằng An, lại còn bảo mẹ em nếu còn để ba Thản qua lại thì sẽ báo cáo với nhà máy rằng nhà em lợi dụng. Đi mà báo cáo.
– Kệ chị ấy. Ai chả biết là…
– Có mỗi chị Hai nhà ba Thản tốt. Chị ấy ngay sau hôm ầm ĩ cũng vào nhà em. Chị ấy nói gì mà sau đó cả mẹ em và chị ấy cùng ngồi khóc chị Ngân ạ. Chồng chị ấy mới hy sinh đấy chị Ngân biết không?
– … Thôi, có bài nào hỏi thì đưa ra đây. Chị sắp phải về rồi. Mà em cũng đừng có chõ mũi vào việc của người lớn làm gì rồi khéo mẹ lại mắng cho đấy.
– Em chả sợ – Con Hằng An cười khì khì – à mà chị ra đây em cho nghe. Bên kia tường nhà em có hàng xóm mới đấy. Có điều chả quen được nhau. Nhà máy xây nhà kín thế này giờ chả chạy qua bờ đê xem mặt người ta được nữa. Có đến mấy nhà ấy chị ạ. Chả biết ở đâu về. Cứ về lại rì rầm rì rầm cãi nhau, mẹ em đập vách bảo hạ giọng thì lại vâng ạ vâng ạ lia lịa.
Cô Tam ở cùng bé Hằng An trong cái ngách nhỏ sát bờ đê, nơi có chuồng lợn nuôi vụng của mấy nhà đông con, vẫn ra vào một ngõ chính với cư dân khu tập thể, song gần như biệt lập với cả khu. Nay nhà cô có hàng xóm chung lưng, dẫu ồn ào song con Hằng An thích là cũng phải. Nó chỉ không biết rằng mấy mái giấy dầu ấy sẽ là những số nhà đầu tiên của một xóm liều kéo suốt một triền đê, nơi những chàng Tây ba lô sau này cứ chạng vạng là lần tới và từ đó sẽ vọng qua khu tập thể những tiếng thì thầm âu yếm, mặc cả và cãi chửi tưng bừng ai nghe cũng đoán được hết nội dung dù chỉ hiểu đúng một phần tiếng Việt. Nó, và cả Ngân nữa không bao giờ ngờ rằng đấy sẽ trở thành một phần đời con Hằng An nhiều năm sau này trước khi con bé quắp một thằng Phần Lan bắt phải mang nó bay đi. Và trước khi bay đi, một đêm khuya lắm con Hằng An đã ra gốc đa già trong cái nhìn vừa nghi ngờ vừa khinh bỉ vừa đầy vẻ trêu ghẹo của mấy chàng công an phường trực ở đồn công an bên cạnh, đứng đó chìm đắm mãi trong bao nhiêu ý nghĩ.
Này là tiếng tom
Nỉ non tiếng đàn
Này là tiếng chát
Mấy người ngồi bên
Này là khói hương
Hồn tôi nhập đồng
Những dải lụa màu phấp phới bay
Nghiêng đời đổi lấy cơn say
Vô thần III
Chiều vào đêm, có bao giờ không thế
Khoảnh khắc bất kỳ – anh đã bên em
Lại mơ ước thanh xuân, lại cầm tay, lại sẽ…
Lại sẽ nhìn nhau, lại sẽ nhìn.
Chiều đã mòn dần: bóng tối
Bây giờ em ở đâu?
Dĩ vãng trong anh không phải là dĩ vãng
Anh vẫn còn mong em.
21.
Hồi còn con gái người đàn bà thường tiễn bạn ra tận ngoài phố, đứng bên này đường đối diện cây đa chuyện vãn tiếp. Bạn gái có khi còn tạt sang đường sà vào hàng quà rong, cắn ngập răng vào quả táo Thiện Phiến xanh ưng ửng chấm với muối ớt, chua chua mặn mặn cay cay, cười phá lên vì một câu chuyện không đầu không cuối. Còn với đám con trai… Đôi khi, chỉ đứng vậy, tay đặt hờ trên ghi đông xe đạp của bạn, ngước nhìn cây đa già và nhìn vào mắt nhau, lặng yên. Phố xao xác người xe, vỉa hè chưa có nhiều người bán hàng rong đỗ gánh như về sau này. Mùa đông, mây xám giăng theo chiều gió bấc, co ro trong cơn gió mùa mới tràn về hào phóng thổi, mà sao lòng cứ phơi phới và ấm áp khi soi vào đáy mắt nhau. Còn những mùa hè, gió nồm nam thốc từ ngõ ra lùa trong áo mỏng, khiến rùng mình bất chợt khi chợt nghĩ rồi có thể sẽ là như thế, những ngón tay nhau. Những ngày âu yếm quá. Những điều không cần nói. Những khát khao không lời vẫn cưu mang dẫu khó nghèo cùng cực. Những gương mặt gầy và mắt sáng. Bao nhiêu băn khoăn cơm áo gia đình tưởng chừng quên được cả. Tưởng chừng quên được cả những chuyện đời rối tinh xoè vẫn ngày ngày nghe thấy nhìn thấy. Quên được cả cái ngày mai phải ra trường chưa biết sẽ về đâu.
Sau này nhiều khi Ngân kinh ngạc. Hồi ức về ngày tháng cũ giống như bếp lửa đã vạc rồi, tàn tro phủ kín rồi mà thỉnh thoảng lại hực lên một màu than đỏ. Sao nhiều reo vui thế, sao nhiều nỗi im lặng xôn xao. Chiếc áo vá suốt chiều đem mặc tối thứ bảy ngày ấy chưa bao giờ làm Ngân mặc cảm, nếu không nói là còn ngấm ngầm kiêu hãnh trước mấy đứa bạn gái ăn chơi rất đỗi nhiệt tình. Cả mái tóc dầy và bóng chưa bao giờ được âu yếm cuốn trong mấy cái lô. Cả cặp lông mày rậm rất không hợp giống số và cách như bọn bạn thường đùa. Tất cả. Trong khi trầy trượt chuồi theo đời sống, trong khi khó nhọc gạt khỏi lòng bao nỗi lo sợ và khắc khoải trước tương lai nhìn chung là vô vọng như cả lũ một năm sau khi ra trường đã có lần ngồi phân tích tổng kết, một cách hoàn toàn bản năng, người đàn bà – trẻ con vẫn cố giữ lại cho mình một chút gì, có lẽ là dớ dẩn, nhưng nhờ thế mà còn giữ được cảm giác mình chưa bị xã hội hóa hoàn toàn.
Chỉ có điều chính cái cảm giác mình vẫn còn là mình đó lại làm Ngân phiền muộn, sau những lúc phải đối mặt cùng quá khứ, cùng một người bạn cũ đã đi qua đời mình. Như lần gặp lại Vĩnh hay Phan. Lần nào cũng như lần nào, ngẫu nhiên, mà họ không bao giờ có được cái giọng của những người ngẫu nhiên gặp lại. Bao giờ cũng vẫn là cảm giác đó, cảm giác vừa chia tay nhau mới hôm qua, đột hiện và biến mất, nhường chỗ cho ý nghĩ về thực tại, nên trong mừng rỡ bao giờ cũng như chứa chở một chút gì buồn bã lắm.
Vì thời gian trôi không chờ, không chờ ai. Người đàn bà nay đã mỡ màng ra. Vẻ mỡ màng đã mang cái nẫu nẫu của tuổi, trong ánh mắt bình thản và mệt mỏi, trong làn tóc bớt dần độ bóng buông uể oải trên vai, và cái chính là trong những ý nghĩ không hẳn là hài lòng với đời mình, nhưng cũng không còn những xót xa điên cuồng vì khao khát vẫn cưu mang. Khao khát, thì vẫn là khao khát. Nhưng người đàn bà – trẻ con đã nhiều lần hiểu ra rằng vẻ đẹp của khao khát chính là ở chỗ nó chẳng bao giờ thành, và nếu như mình đã trải đời thì cũng chỉ là đủ để hiểu ra rằng không bao giờ còn có thể tự tin như từng thế, những mùa thu cũ.
Chính là vào lúc đó, lúc yên tâm với đoạn đời sắp sống. Ngân đã gặp lại Phan. Lần đầu tiên hai người trò chuyện lại với nhau kể từ buổi chiều giông gió ấy. Nhưng lần này: bắt buộc.
– Xin giới thiệu với các anh chị: nhà tôi. Em! Anh.. bên… Chị… bên… Các anh chị đây bên… Đây anh Phan – Giám đốc bên đối tác với bọn anh.
Tại sao hai người phải chờ chồng Ngân giới thiệu mà không ồ à mừng rỡ ngay nhỉ. Phan nắm bàn tay Ngân:
– Cảm ơn anh Thịnh đã có lời mời. Bọn mình không gặp nhau từ năm nào Ngân nhỉ? Chúng tôi là bạn học phổ thông ngày xưa đấy các anh chị ạ. Anh Thịnh chắc không biết… hồi bọn bạn cùng lớp viết thư kể chuyện Ngân đi lấy chồng, tôi đang làm chuyển tiếp sinh ở Nga, mất ăn mất ngủ mấy tháng đấy. Xây bao nhiêu mộng thế mà đến nay phải gọi người là cố nhân.
Phan cười cởi mở. Nét cởi mở chuyên nghiệp quá làm Ngân lạ lùng. Nhưng mà câu thơ xưa vừa lẩy, và bàn tay Phan đang bóp nhẹ tay Ngân đây là thật. Thật Phan chăng?
Chồng Ngân cười hồ hởi, lại cũng nét hồ hởi đã được giới ăn cơm văn phòng chuyên môn hóa.
– Vậy là người nhà của bọn tôi rồi. Em này, em nói chuyện với Phan nhé. Anh bạn trẻ của em thế là có cơ hội để khỏi phải trăm phần trăm với bọn anh rồi.
*
– Bao nhiêu lần bạn bè cưới hỏi đúng dịp Phan về thế nào mà bọn mình toàn trượt gặp nhau nhỉ – Phan mở lời – Hồi cưới Việt lần hai, Phan còn lấy phép bay về làm phù rể, không ngờ không được gặp Ngân.
– Ngân sinh con đầu hồi đó mà Phan. Có được xem ảnh Phan hộ tống Việt hôm đó. Nhà dâu nhà rể đón nhau long trọng cứ y như nguyên thủ quốc gia gặp nhau ấy nhỉ. Thiếu mỗi màn ôm hôn. Chẳng ai ngờ…
– Biết sao được Ngân. Có gặng hỏi nhau, Việt bao giờ cũng nhận hết mọi lỗi lầm về mình trong mọi cuộc hôn nhân của nó, mà lỗi lớn nhất với tất cả các bà các cô đi qua đời gã là gã không yêu, không thể nào yêu.
Ngân cười nhẹ, nhưng giọng nói đột nhiên thẳng thừng:
– Phan làm như… Chẳng lẽ thiên hạ ở được với nhau lâu bền là bởi yêu nhau lắm lắm sao?
– Phan không biết. Nhưng rất có thể vì không yêu nhau hoặc không yêu nhau nữa mà người ta lại sống được với nhau. Chẳng hẳn là ý thức trách nhiệm gì đâu. Cái chính là biết mình muốn điều gì và không thể đòi hỏi điều gì. Việt ta đi tìm tình êu. Chắc gã tưởng vẫn còn có thể tìm nó ở đâu đó sau khi đã mất.
– Thế thì quý quá chứ sao. Là nói cái ý nghĩ đó của Việt ấy – Ngân dịu dàng, nét cười thành xa vắng. Làm sao có thể kể cho Phan hay rằng Việt vẫn rủ Ngân đi uống cà phê, vẫn kể cho Ngân những ý định bỏ vợ và cưới vợ, nhưng chưa bao giờ Ngân hỏi, và chưa bao giờ Việt nói vì sao? Như là chuyện của ai ai, như là chuyện dĩ nhiên phải thế. Mà biết đâu, Phan cũng biết tất cả về những lần gặp gỡ ấy. Và tại sao Ngân và Phan chưa bao giờ gặp nhau như Ngân thường gặp Việt? Có phải vì không dễ dàng gì nói chuyện với nhau sau tất cả những tin yêu đã thầm lặng cho nhau, và bởi thầm lặng nên không thể trách cứ nhau một điều gì, dù Ngân đã buồn đến thế. Những đêm một mình lang thang, bóng Việt đằng xa, góc phố, nỗi buồn nhớ những dòng thư từ Phan không bao giờ nhận hay gửi nữa, mùi hoa sữa bồn chồn sương mưa đầu đông. Người đàn bà nghe sống mũi cay cay và phải cố lắm để luồng hơi rất nóng đang cuộn dần lên trong ngực không dồn lên cổ, không phụt ra nghẹn ngào.
– Phan giờ về làm ăn hẳn trong nước à? Có tính đưa cả gia đình về luôn không?
– Còn gia đình đâu mà đưa về. Cô ấy nuôi hai đứa nhỏ. E chừng rồi không còn nhớ được tiếng Việt nào nữa. Hồi trước cô ấy và ông bà bên cô ấy bực Phan lắm vì nói với con bằng tiếng Việt. Họ nghĩ chả cần. Đằng nào chúng nó cũng mang nửa dòng máu tây, lại quốc tịch tây và sẽ lớn lên, sẽ học hành nơi đó. Kể thì mọi người cũng có lý. Nhưng mà Phan không thể nào chịu nổi cảm giác tiếng của mình chỉ vì đất nước mình không là gì trên thế giới này mà nó mất ý nghĩa là tiếng của cha của mẹ và cũng cần phải học.
Ngân cười tinh quái:
– Thì lại lấy vợ, sinh con, và lại dạy con tiếng Việt. Giờ là ông chủ Việt kiều yêu nước dùng rồi, hoa hậu còn khó chứ á hậu hay người đẹp người mẫu các kiểu thì khó gì. Chỉ không biết Phan có đi tìm tình êu như Việt không thôi.
– Lại cái kiểu đó rồi. Ngân vẫn không thể dịu dàng với bọn Phan được à? Phan không phải là Việt. Vả chăng, tình yêu chưa bao giờ mất đi trong lòng Phan. Hoặc giả là người ta có thể yêu nhiều người khác nhau, nhưng bằng những tình yêu khác.
Phan nói và nhìn thẳng vào mắt bạn. Ngân im bặt. Nghe gió từ những mùa lặng im xa lắm thốc dần lên trong lòng. Những tần ngần thắc thỏm nào trong một mùa nắng hạ. Khoảng trời nào quang quẻ vì cơn bão sớm vặt trụi cành. Cơn giông nào đã nổi trên hàng tre bên xóm vắng. Ngọn gió nào thì thào trong vòm đa đầu ngõ lúc tiễn chân nhau. Và góc phố Bà Triệu Trần Hưng Đạo, vào khuya, xe nước mía lọc cọc dọn về. Lá sấu rơi đầy trên lối, xao xác dưới chân Ngân, như tiếng vọng những xao xác trong lòng Ngân về người đàn ông giờ đây đang ngồi trước mặt – người con trai đã cùng Ngân lùa chân vào đống lá sấu khô, đêm trước ngày đi năm ấy, không một lời thề ước, chỉ gửi thư rất đều, rồi bỗng dưng thôi. Chỉ có thể đoán vì sao, một điều gì không cụ thể mà ám ảnh bạn như là mong mỏi về ngày sống bình ổn, thôi những toan lo vụn mọn, và thôi luôn những day dứt về hạnh phúc. Ngân nhìn bàn tay mình, đốt khô khô tố tuổi, rồi ngẩng nhìn Phan. Từng đã có một ngày mênh mang đến thế sao? Từng có một ngày hiểu nhau tận cùng đến thế? Để bây giờ như thể chẳng hề xa.
*
Họ vẫn có thể ngồi lặng im như thể thời quá khứ đang tiếp diễn nếu góc phòng đằng kia không rộ lên những tiếng cười đã bắt đầu sền sệt trong men rượu. Chồng Ngân trịnh trọng bê lại mấy chiếc li, màu rượu vàng sóng sánh quanh đáy thủy tinh trong vắt:
– Nào em. Nào ông Phan. Mừng tình bạn. Mừng hội ngộ. Mừng mối quen biết giữa tôi và ông có nền tảng gia đình vững chắc thế này. Ít thôi em. Một chút men làm phép ấy mà, em đừng sợ. Yên tâm! Anh vừa gọi điện về Osin bảo cho các con đi ngủ trước rồi.
Con! Thoắt cái người đàn bà lại là mình, chỉn chu phép tắc, cựu giáo học, đương kim công chức kiêm vợ quan chức, chủ một ngôi nhà mà ở đó hai đứa trẻ dẫu có Osin lo liệu vẫn đang ngóng mẹ về. Trừ những khi phải đi công tác, Ngân bao giờ cũng ở bên giường con, lắng nghe những câu chuyện về lớp chính lớp phụ của chúng, về những cuộc thi đua ở trường ở lớp, cười cùng chúng và xót xa bởi con phải quay hết sức mình trong cái guồng học và dạy từng ngày. Đứa con gái đầu lòng của Ngân nay đã mười ba tuổi. Chỉ một năm nữa thôi là nó sẽ bằng Ngân ngày vào cấp ba, ngày thân với Vĩnh, Việt, Phan. Một cách bản năng, Ngân vừa khao khát cho con sau này có được nỗi nhớ về những tình bạn đẹp, như là Ngân đã có, vừa sợ hãi, bởi biết rồi ra như thế sẽ đau đớn lắm. Dĩ vãng buồn và đẹp có thực ai cũng cần không? Và liệu con mình có biết rứt ra khỏi dĩ vãng mà sống cho nhẹ nhõm?
*
– Thế cái lô đất ấy ông đã lo được sổ đỏ chưa? – Chồng Ngân – Xây nhà ở đó giờ là lý tưởng. Tôi tính còn hay hơn khu nhà tôi bây giờ. Cứ bảo có nhà ở hồ Tây, nhưng hồ thì cứ mỗi ngày một hẹp vì đủ thứ nhà nổi nhà chìm, muốn nhìn xa hơn thì đủ thứ chóp tròn chóp nhọn chọc tức cả mắt. Mạn Phú Thượng xa hơn một chút, nhưng rộng rãi hơn, nhìn sông có triển vọng hơn nhìn hồ ông ạ.
– Chưa xong anh ạ. Khu đất tôi mua thuộc mấy chủ, đâm phiền. Chủ đất đi lo sổ đỏ về kể vừa ra tới xã là người ta đã hỏi bán đất phải không? Tôi phải ứng tiền thêm cho họ nộp lệ phí công với tư. Mấy ông cán bộ xã nhà mình làm tiền kiểu này kinh thật.
– Bạo phát bạo tàn ấy mà. Cả đời không có, đến lúc có thì ngập lụt, mấy ai tỉnh được hồn. Ngày xưa ông xây bố đắp con bồi, giờ nhiều vị bố xây con phá. Cũng mệt.
Câu chuyện vừa ròn rã vừa chủng chẳng. Ngân im lặng, giữ một nụ cười vô cảm như mỗi lần tham gia vào chuyện làm ăn của chồng, bàn tay xoay xoay cái cốc. Giọt rượu còn đọng lại lăn lăn. Như là hổ phách trong cái vòng chú Thái cho hồi nào. Cái vòng đó hồi sắp thi đại học thiếu tiền học thêm Ngân đã tiếc rẻ đưa chú Thái gia công lại và bán hộ. Giờ nó ở đâu? Trên cổ tay ai hay đã tung toé dưới đất cùng sỏi đá. Còn chú Thái thì nghe nói vẫn ở chỗ cũ. Con cái làm ăn nay đã mua lại cả dãy nhà ngang phá ra xây biệt thự to vật vã chẳng kém gì ngôi biệt thự cũ sát mặt phố, nhưng không cửa cuốn mà là ốp kính mặt tiền gần như toàn phần, dành hẳn một phòng tầng trên cùng, cửa số sắt dẹt bao chặt bảo đảm an ninh cho bà mẹ dở người. Vậy là những người chủ cũ đã không còn muốn nhớ. Cũng phải thế thì mới có thể đi qua từng ngày chứ. Chưa bao giờ Ngân hiểu ra ý nghĩa của thời gian một cách cụ thể và đáng sợ đến như lần nghe bố kể về sự đổi đời lần này của gia đình chú Thái. Chẳng phải là con người mà chính thời gian tạo nên trật tự, trước hết là trật tự trong lòng người. Vậy là cả hai biệt thự đều rất to, rất đẹp, nhưng không có vườn. Phố không vườn. Còn đâu những mùi huơng khuya khoắt, nồng nàn như những đam mê? Người ta nay không còn thích là người ở phố. Cứ phất là xoay ra tìm đất ven đô. Nhưng mấy người trên tiền để dám có ý thích như thế. Đời nọ đời kia sinh sôi và tiếp tục đùm túm lấy nhau trong những căn phòng xuống cấp. Như là trong cái khu tập thể cũ của Ngân nằm đối diện với cây đa mà nay chỉ có bố thỉnh thoảng đảo về thăm.
*
– Thế nào mà một ông chủ đất Phan mua lại là hàng xóm của nhà Ngân ngày trước đấy. Ngân còn nhớ ông vác súng đòi bắn tay hàng xóm trèo tường vượt giường vợ ông ấy không?
– Tay nào bất khuất gớm? Ai dám đánh đồn kiểu đó khi không có tay trong nhỉ?
Ngân nhíu mày. Chẳng có gì để có thể bình luận vô cảm thế, dù thật là đúng. Phan nhìn Ngân, không trả lời câu hỏi bâng quơ giữ chuyện của chồng Ngân, tiếp tục, như cố tình gọi ngày cũ trở về:
– Ngân nhớ buổi trưa ấy không? Khiếp! Không thể nào quên cái mùi nhà vệ sinh thiếu nước hôm ấy. Chưa cần vợ lung tung hay tay nào vờn quyến vợ mình, chỉ cần ngửi cái mùi ấy đã đủ có súng dùng súng có dao dùng dao rồi.
Mặt Ngân đỏ dần, lan xuống cổ. Có chút gì bẽ bàng lắm khuất lấp bấy lâu nay lỳ lợm thức dậy. Cái bẽ bàng lẽ ra không phải có ở tuổi mới lớn nhiều ao ước. Nắng hanh hao dịu hẳn khi rướn tới mặt bàn nhỏ giữa hai đứa, nhảy nhót trên trang sách. Những bông thạch thảo tim tím Phan mang tới trông càng thêm dịu dàng. Nhưng gió ngoài kia dừng ở đầu hành lang vắng không đủ thổi bạt đi cái mùi khủng khiếp đày đọa cư dân cả dãy nhà tập thể suốt mấy ngày giời. Mất điện. Nước không bơm lên được. Phuy nước dùng cho nhà vệ sinh cạn rốc, ai đó buồn tình quăng luôn cái gầu cao su thủng xuống đáy. Phòng vệ sinh nào cũng ngập báo. Nhân Dân. Hà Nội Mới. Quân Đội. Lao Động. Từng tờ từng tờ rải chồng lên nhau, che kín cái phần khai thối không tống đi đâu được của người vừa ra cho khuất mắt mà bước vào đó, ngồi xuống, nín hơi mà rặn, mà tống tháo cho nhanh rồi rút. Không ai dám chửi ai dù hầu như ai bước ra khỏi cửa phòng nhà mình cũng cất lời chửi đổng. Sau này Ngân đã buồn buồn nghĩ rằng nghèo quả khó đi cùng sạch, và đến một mức nào đó thì người ta đâm phá phách, bất cần tất cả, bất cần chính cái ngày mai của mình. Mọi sự lãng mạn của mọi câu chuyện hay ho đến đâu cũng biến khi hoặc chủ nhà hoặc khách vừa lúng túng vừa ý nhị xin phép ra ngoài đôi ba phút. Ngân có cảm giác cái mùi khai thối nồng nặc kia, được gia tăng độ đậm đặc nhờ nắng gió hanh hao đầu thu thấm sâu vào tường hành lang khu tập thể, làm nó sần sùi thêm ra. Ngân có cảm giác tóc tai mình, quần áo mình cũng bị ám cái mùi đó, không thứ chấp hay chanh nào xua đi nổi, đến nỗi mỗi lần mất điện mất nước, mà điều đó thì thường lắm, đi đâu Ngân cũng tìm cách đứng xa xa bạn bè. Nhưng không phải cứ vào lúc đó là ai có súng dùng súng ai có dao dùng dao như Phan vừa đùa. Chỉ một lần duy nhất.
*
– Chuyện gì vậy Ngân? – Phan thì thầm khi nghiêng người qua vai Ngân trên cái bao lơn nhỏ lủng củng những dây phơi, rổ rá và xô chậu.
– Không biết – Cô gái tiếp tục nhòm xuống đám người đang tụ tập bên bể nước công cộng. Cô đã nhận ra, không phải là cuộc tụ họp bình thường vì mấy con vịt chưa hết lông măng hay cá bể ươn rất cần nước mà mậu dịch vừa bán khắp thành phố. Người đàn ông mặt mũi tím ngắt đứng giữa vòng người là chú Phúc bố thằng Phi cái Hạnh mới phục viên về. Có một sự im lặng nặng nề từ đám đông dâng lên, khiến cô gái nhãng hẳn cái mùi nặng nề bao phủ không gian
– Không biết – Ông kia kìa, trước là công nhân nguội, đi B trong đoàn cán bộ công nhân nhập ngũ đầu tiên ở nhà máy đấy. Cả đoàn còn có bốn người. Chú ấy bặt tin suốt từ 72, sau 75 cả năm trời mới thấy ra. Chính trị viên đại đội tiểu đoàn gì đấy. Chạy vào lấy cho người ta kính trên bàn với. Còn những ai nữa kìa.
– Ông ấy cầm súng. Một bà đang quỳ dưới chân. Bố Ngân cũng vừa tới kìa. Ai da. Có vẻ kịch tính đấy.
Không giống những lần cãi nhau điển hình của khu tập thể. Chỉ thấy người từ các phòng túa ra. Và im lặng.
– Im nào. Không cần Phan bình loạn. Thôi đưa luôn kính Phan đây. Ôi kìa … cô Thi …
Thoắt cái Ngân đã hiểu ra sự thể. Chỉ không hiểu làm sao đến giờ chuyện ấy lại bùng ra, sau khi chú Phúc đã trở về đến cả năm trời và cả năm trời, sau bao nhiêu những chầu chực phỏng chừng của hàng xóm láng giềng, hai nhà ấy vẫn thản nhiên sống, những người đàn bà vẫn ra đụng vào chạm ở bể nước, những người đàn ông vẫn đứng bàn chuyện thời sự với những người đàn ông khác. Họ không nói với nhau, hờ hững, dĩ nhiên rồi.
Nhưng họ vẫn là cái bếp lò không lụn lửa.
Người đàn bà đang quỳ dưới chân người đàn ông nói gì nhỉ? Trách móc vợ anh ta đã đầu mày cuối mắt và hơn thế nữa với chồng mình ư? Xin tha tội cho chồng mình ư? Hay phân trần kể khổ. Chị ta vừa đứng dậy, ôm vai ba đứa bé kéo lại gần mình, mặt mũi ba mẹ con nhợt nhạt.
– Anh Phúc! Tôi lạy anh chẳng phải vì tôi có lỗi. Nhà tôi không dám có mặt ở đây và tôi xin lạy giùm anh ấy để tạ tội với anh. Tôi đã nghĩ… suốt bao năm qua tôi đã tưởng anh chết rồi. Tôi không xin anh cái điều không ai làm nổi. Tôi không xin anh không căm hận. Nhưng bây giờ… Căm hận ai? Tôi và anh? Căm hận ai? Anh đã trở về và anh còn các cháu. Tôi cũng còn các cháu.
Bao giờ cũng thế, hễ khu tập thể có chuyện gì là người ta lại thấy cái bóng gầy gầy lặng lẽ của ông Thản. Ông nhẹ nhàng xin lỗi xin lỗi những người đang háo hức chờ xem vở bi kịch tiếp diễn, tiến sát tới gần người đàn ông.
– Anh Phúc à, cất súng đi anh. Sung sướng chi cái chuyện phải mang súng về nhà. Cái chính là anh còn sống, còn các cháu phải chăm lo. Anh để cho chị Thi phải năn nỉ anh thế được sao? Chị ấy đâu phải người làm nên tội. Chị ấy nhà anh cũng không phải là người có tội. Không ai!
Không ai biết vì sao người đàn ông điềm đạm đó đột nhiên nói to đến thế. Giọng Nam bộ hiền hậu vỡ ra trong vòm họng của ông, làm im bặt những tiếng can ngăn đầy khích động và cả những tiếng cười vô tâm đang nổi nổi chìm chìm xung quanh. Có một người đàn bà suốt từ lúc ồn ào vẫn đứng sau lưng người đàn ông cầm súng, mặt mũi cứng lại trong dáng vẻ của người bị xúc phạm. Chị ta thoắt rùng mình. Có cái gì vẫn giữ cho chị ta vẻ kiêu hãnh bấy lâu nay đột nhiên nhão ra, tan chảy. Chị ta, và tất cả những người đứng đây đều biết tấn bi kịch này đã bắt đầu một cách hài hước như thế nào.
Một ngày là quen với thành công
Một đời là quen với thất bại.
*
Bốn mốt tuổi không còn cơ hội thành công sớm
Nhưng vẫn còn cơ hội thành công muộn.
Dĩ nhiên
*
Không phải bao nhiêu nước chảy
Mà là bao nhiêu cầu
bắc ngang dòng nước cuộc đời
Đời sang bước ngoặt
Sau mỗi chiếc cầu
Đi ngược thời gian
Gặp niềm hối tiếc
Đi xuôi dòng nước
Gặp nỗi hoài nghi
Ta tìm một bàn tay cảm thông vẫy gọi