GIỞ CHỨNG

Truyện ngắn

Văn Giá

van giaBà người làm thuê được một phen hú vía. Bà nấp sau gốc cây to, nhìn ông chủ một lúc, rồi chạy như bay xuống phía chân đồi. Bà đi tìm mấy người cùng làm trong trang trại. Ối giời ơi các ông các bà ơi, lên kia mà xem. Lạ lắm. Sợ lắm. Ối giời ơi… Giời ạ. Thế có chuyện gì mà cứ lạ với chả sợ? Ối giời, đi, đi , đi. Đi đâu? Đi lên xem chứ còn đi đâu? Cái bà này dở người à? Xem gì mới được chứ? Xem ông chủ chứ còn cái gì nữa. Xem ông chủ? Chứ còn gì? Lạ lắm cơ. Sợ lắm… Đùng đùng ba bà một ông chạy gằn đến ngôi nhà ông chủ nằm giữa lưng đồi. Đấy, nghe thấy gì không? Chả nghe thấy gì? Giời ạ. Đấy, thấy chưa? Thấy quái gì đâu, có mà thấy thở đằng tai rồi đây này. Đấy. Tất cả dừng lại nghe ngóng. Đấy. Choang. Choang. Choang. Tiếng sau to hơn tiếng trước. Suỵt. Dừng lại. Nấp sau đầu tường. Choang. Thằng bố mày này. Choang. Con mẹ mày này. Choang. Đồ chó này. Choang. Đồ khốn nạn này. Choang. Ăn cả cứt này. Choang. Mút cặc tao này… Quái. Lão ta làm gì nhỉ? Lão giang tay, thẳng cánh ném từng cái chai cái bát cái đĩa cái lọ toàn bằng sành, gốm vào bờ tường bếp nhà lão. Kèm theo mỗi động tác ném là một câu chửi. Ối giời ơi, toàn là những đồ mới toanh. Bát đĩa lọ chậu cơ man qua tay lão cứ choang choang vỡ vụn. Xót quá. Ba bà một ông bàn bạc hay là mình chạy ra đánh động ông chủ để ông thôi không ném nữa, rồi hỏi xem ông có làm sao không? Bàn thì bàn thế, nhưng như hội đồng chuột, không con nào dám ra đeo chuông vào cổ con mèo, cuối cùng thì cũng chẳng ai dám ra đánh tiếng. Choang. Đồ chó. Choang. Đồ ăn cứt. Tất cả cứ đứng thập thò ngó ra chờ đến khi lão dừng tay. Có thể lão đã ném đến cái cuối cùng. Lão xoa tay, đưa hai tay lên trời, ngửa mặt gào một tiếng a…a…a…a….a… vang động cả khu đồi. Mấy cánh chim phía dưới chân đồi bay túa lên trời như có động.

Lão này tên cha mẹ đặt cho là Bạng. Lớn lên, khi học đại học, lão đổi tên là Hạng. Bạng. Chẳng qua là lão sinh ở vùng đồng chiêm trũng, cạnh con sông lớn. Những con trai cực to sống ở dưới sông, khi mò được lên, đem về lấy đôi vỏ trai làm cái xúc cơm thay muôi, được gọi là bạng. Dân quê nghĩ đặt tên cho con xấu xấu dễ nuôi, chứ đặt tên đẹp quá ma nó hay để ý, rồi nó quở quang sinh ra ốm đau, hoặc nó bắt mất thì khốn. Bạng, một cái tên nôm na quê kiểng như bao cái tên nong nia thúng mủng rá rổ giần sàng vậy. Bạng là thế. Nhưng Hạng thì có khác một chút đấy. Đi học đi hành, ra phố sinh sống, lại làm công tác hội đoàn, một công việc phải tiếp xúc thường xuyên với trên với dưới, nghe Bạng Bạng có ra làm sao. Đổi hẳn tên khác thì cách rách lắm, mà chắc gì đã được. Ngay từ năm thứ nhất đại học, hắn đã đè các loại giấy tờ ra tẩy tẩy xóa xóa, tráo đổi, thay mới đủ trò, thế mà chữ “B” thành chữ “H” nhất loạt. Cũng chả chết ai.

Ở đâu không biết chứ ở cái xứ ta làm cái công việc đoàn hội là lên nhanh lắm. Lên, ai chả biết là leo cao vào sâu đội ngũ những người có thế lực, có chức tước, phẩm trật. Đại loại vậy. Làm phong trào thì không cần trí khôn lắm. Bởi cái gọi là phong trào nó cũng chỉ bé bằng móng tay thôi, chả cần trí lự gì, chỉ cần a dua là cũng xong, cũng đâu vào đấy. Bạng, à quên, Hạng tham gia vào cái công việc a dua ấy từ ngày còn đi học cấp ba. Vào đại học, Hạng xung phong làm cái món a dua ngay từ khi mới nhập học. Lanh thế. Ra trường, không như những anh khác, Hạng xin ngay vào chân Hội sinh viên quận hay thành phố gì đó. Thỉnh thoảng thấy thò mặt lên TV. Thỉnh thoảng lại thấy được trích lời phát biểu trên báo chí. Thỉnh thoảng lại thấy được giả nhời phỏng vấn. Quan trọng lắm đấy. Với cái người muốn đánh bóng tên tuổi mình cho sáng choang lên, để mong vua biết mặt chúa biết tên thì cái việc lên TV là lợi hại lắm. Nó khiến người khác, nhất là người đang phải lụy nể lắm, bái phục lắm. Đường đời người ta chả biết thế nào. Vận đỏ. Ừ thì vận đỏ. May hơn khôn? Ừ may hơn khôn. Chó ngáp phải ruồi? Ừ thì ruồi chui vào miệng chó… Hạng đã ung dung cắm chân trong cái ban bệ to to từ lúc nào không biết. Chỗ ấy khối thằng phải cầu cạnh. Được cầu cạnh là có tất. Có danh vị. Có uy lực. Có bổng lộc. Cái xứ mình là vậy.

Nhưng nếu ai bảo làm chức tước chỉ toàn sung sướng thôi là ngu, là đếch biết gì. Trừ đôi lúc sướng, còn lắm khi khổ như chó. Hôm nọ ngồi tán phét với mấy thằng, có thằng bình luận: hay gì cái nghề cầm buồi cho thằng khác đái. Nói năng mất dậy. Không à? Nó đái ngon hay không ngon, đái xa đái gần, đái thông hay đái giắt… nhất nhất phải để ý, phải chăm sóc. Cái loại cầm buồi mà cũng không xong thì đừng có mơ hão làm được cái vương tướng gì. Hạng nghe thấy có lý. Thỉnh thoảng ngồi một mình luận về cái sự nghiệp cầm buồi của mình mà thấy lắm chuyện bi hài… Nhưng mà thôi, nếu nói như thế thì hễ cứ làm chức to chức nhỏ ở xứ này thì toàn là đi làm cái việc ấy a? Nói thế thì chó nó nghe. Bố mày đây ít ra cũng được khối món lời. Bố mày có được cái trang trại chả nhất cũng nhì vùng này. Hai thằng con của bố mày cũng đi du học cả rồi. Cứ cuối tuần bố mày lại lên trang trại tĩnh dưỡng. Thỉnh thoảng bố mày lại gọi con bồ non lên đú đởn tí ti. Nghĩ ra đời sống như thế cũng là mãn rồi. Vua chúa cũng đến thế chứ gì.

Nhưng hôm nay Hạng đang tức khí. Mẹ kiếp. Cái trò bỏ phiếu là trò đốn mạt nhất trong các trò. Sao không giơ tay biểu quyết cho nó ra ngô ra khoai. Bỏ phiếu. Vâng, nó xoen xoét bảo không bầu cho anh còn bầu cho ai nữa, anh lên làm thì anh em còn được nhờ, chứ để thằng kia lên thì có mà bốc cháo… Hạng yên trí rung đùi. Trong lòng râm ran mường tượng ra những ngày sắp tới. Ừ, những ngày sắp tới, mẹ chúng mày, tao sẽ cho vài đứa ra bã. Tao sẽ tính cho con ấy thăng, thằng kia giáng. Chờ đấy… Ôi thôi, rút cuộc 7 phiếu thì 5 phiếu nó cho mình trắng mắt. Năm phiếu. Nhất định là có nó. Nó nữa. Nó nữa. Đồ chó. Thế mà nó sơn sớt với mình. Đồ vô liêm sỉ. Đồ ăn cháo đái bát. Đồ lá mặt lá trái. Đồ đồ mặt l…

Lão đánh xe về trang trại.

Tiếng máy nổ rì rì êm nhẹ. Xe đi qua cánh đồng. Một màu xanh mướt trải dài ngút ngát. Lão hạ cửa kính để hít gió tươi. Khốn nạn. Trò bỏ phiếu là lưu manh bậc nhất. Cái gọi là đa số ấy chẳng qua trò mánh lới. Trò trí trá. Trò ném đá giấu tay. Trò ngậm máu phun người. Bề ngoài thơn thoát nói cười/ Mà trong nham hiểm giết người không dao. Trò bịp. Một nền hành chính được xây dựng trên cái trò bịp bợm là một nền hành chính bất lương. Mình cũng đã từng làm trò bầu bán bịp bợm như thế. Cái ghế của mình cũng nhờ dàn dựng mánh mung mà thắng phiếu. Chỉ hơn thằng kia hai phiếu. Hút chết. Mình cũng lún sâu quá mất rồi. Tay đã nhúng chàm rồi. Gió. Những con gió thơm hương lúa kia có làm sạch được vết chàm…

Trang trại lão lọt thỏm giữa khu dân cư bà con người Mường. Tọa lạc trên lưng chừng đồi. Men theo sườn dốc thoai thoải, lão cho xây nhà theo ba cấp, mỗi cấp là một ngôi khác nhau. Nhà này là chỗ ăn ngủ của vợ chồng lão, hoặc bồ lão. Thỉnh thoảng lão đưa vợ lên. Khi không muốn vợ lên thì lão đưa gái lên. Trang trại, gái non là cái mốt của đám quan lại thời nay. Nhà kia là phòng tiếp khách, mỗi khi lão mời bạn tụ bạ đêm hôm. Nhà kia nữa, phòng đọc sách. Gọi là thư viện nhỏ cũng được. Lão nhờ mấy đứa cháu đang là sinh viên mua cho lão một số sách liên quan đến công việc chuyên môn, ngoài ra phải mua một số sách văn chương nước ngoài, mà phải là các quyển thật dầy, gáy chữ nhũ vàng, càng theo bộ càng hay. Để lão trang trí. Cái thư viện của lão chính là vầng trán tri thức của nhân loại. Chả thằng nào dám khinh nhờn lão. Một người có những quyển sách như thế ngự trên giá thì không dễ mấy ai dám xem thường. Tao đọc hay không kệ bố tao, miễn là tao có sách. Thế thôi.

Vừa về tới nơi, lão cởi phăng bộ quần áo công sở ra. Quần đùi, áo may ô cho đỡ ngốt. Lão chiêu một cốc nước lớn. Mẹ kiếp. Khốn nạn. Hỏng hết rồi. Phá sản rồi. Mất mẹ nó con Lexus rồi. Chó. Mày liệu có dám nuốt trôi không? Mày dám nuốt? Tao cho mày quả nặc danh thì mày tàn đời. Mà chắc gì. Không khéo tiền mất tật mang. Nó không trả thì làm gì được nó. Kiện nó à? Chứng cứ đâu? Cứt. Lão ấm ức đi ra đầu nhà. Lão đá bay một cái chai nhựa trên lối đi. Lão cúi xuống, nhặt một cái lọ hoa gốm nâu ném choang một cái. Mảnh lọ vỡ tứ tung. A ha. Hay quá. Ném. Lão nhìn thấy một lô những chai lọ chất đống đầu tường. Lão chỉ còn thiếu nước reo lên. Lão bắt đầu chơi trò ném. Choang. Choang. Choang. Như một đứa trẻ đang điên tiết, cứ thế, lão vừa ném vừa chửi. Lão chửi cho sướng cái lỗ miệng thôi, chứ giữa đồi núi thế này có ai nghe thấy. Mà nếu có ai nghe thấy chắc gì lão đã / dám chửi.

Ơ hơ, cái trò này thế mà hay. Mỗi lần choang một cái là một lần trúng mặt một thằng nào đó trong hình dung của lão. Thằng complê xanh này. Choang. Thằng caravat hồng này. Choang. Thằng mặt dái ngựa này. Choang choang. Thằng trán hói này. Choang. Thằng mắt lươn này. Choang choang. Con đĩ già này. Choang… Bao nhiêu cái mặt chạy lướt qua những tiếng vỡ nát tan tành ấy. Cái trò này thế mà hay.

Chờ cho ông chủ tắm táp xong, từ dưới nhà ăn cách một con dốc nhỏ, bà người làm chuyên lo cơm nước cho lão rón rén lên căn nhà chính nơi lão ở. Dạ thưa, ông hôm nay ăn gì để em nấu? Không thấy lão trả lời. Bà lo lắng. Hay là lão phát hiện ra chiều nay mấy người làm trong đó có bà ngó trộm lão? Bà dắng giọng hỏi to lần nữa. Thôi khỏi. Tôi đi ăn tiệc, khuya tôi mới về. Bảo bác bảo vệ chờ tôi về mở cổng nhé. Nói xong rồi lão lên xe nổ máy. Chiếc xe bật đèn sáng quắc rạch một lối vào đêm, theo con đường nhỏ lao vút về phía thị trấn. Tiếng chó dân bản sủa váng. Ngoài ấy lão sẽ tìm quên với rượu và gái. Các em gái vùng cao. Dân ăn chơi trong giới của lão gọi là rau sạch. Có người gọi táo tợn là gái sạch. Biết thế nào mà bảo sạch, thôi thì khuất mắt trông coi. Có lý. Trong thời buổi này làm quái có gì là sạch. Mọi cái tù mù. Nguồn gốc. Lai lịch. Hành trạng. Bằng cấp. Hoạch định. Biểu quyết. Tất tật. Đến cái tên cũng còn tù mù nốt nữa là. Bạng ơi là Bạng. Hạng ơi là Hạng…

+ + +

Chiều nay thứ sáu, lão đánh xe về trang trại sớm. Vừa thay đồ xong được một lúc, đã thấy ba chiếc xe đạp thồ các đồ gốm sứ bán hàng rong kẽo kẹt tiến vào trang trại. Toàn đồ tầm tầm thuộc gốm Bát Tràng, Phù Lãng. Lão gọi người làm. Ba người đàn bà và một người đàn ông chạy lên. Lão bảo giúp họ một tay. Các vị đem ra đầu nhà xếp gọn gàng vào hai cái phuy nhựa xanh cho tôi nhé. Ở đâu ạ? Ở đầu hồi nhà bếp đó. Chỗ tôi chơi trò ném chai lọ bữa trước đó. À thì ra… Mấy người làm lấm lét nhìn nhau, thì ra lão biết tụi mình dòm trộm lão ném chiều hôm nọ.

Lão nhìn ba người phụ nữ chở hàng rong vẫn đang tùm hum cái khăn che khuất mặt. Các bà quê đâu? Dạ, chúng em ở ngay xóm này chứ đâu xa. Ra thế… Ruộng nương thế nào, làm ăn có khấm khá không? Bác ơi, khấm khá chúng em đã chả phải đi thồ đèo thế này, vất lắm. Thế bỏ ruộng nương cho ai? Có còn mấy đâu nữa bác, người ta lấy hết đất cho khu sân gôn rồi. Đền bù có khá không? Ôi dào, chả đủ tiền xây cái nhà ba gian. Cả xóm phen này rủ nhau đi ăn mày… Thôi được, các bà cứ tính chính xác cho tôi mỗi xe bao nhiêu thứ, mỗi thứ bao nhiêu tiền rồi cộng vào, nhớ là tính chính xác đấy nhé, tôi mua hết, tính điêu là không xong với tôi đâu. Dạ thưa bác, chúng em người đồng rừng, ăn ở còn lấy phúc đức cho con cháu chứ đố có dám điêu bao giờ, bác yên tâm ạ. Lão ậm ừ. Làm ăn tử tế, thỉnh thoảng tôi còn mua cho, vài ba tháng lại thồ lên đây cho tôi một chuyến, nhớ đấy. Lão nhặt một cái lọ hoa gốm sứ Bát Tràng rồi thẳng tay ném choang vào bức tường trước mặt. Tiếng mấy con chó chạy giạt ra ngõ sủa lấy sủa để canh chừng. Mấy người đang xếp xe hàng đứng ngay lưng nhìn, kinh ngạc tột độ. Họ im lặng không nói gì. Trời đã ngả màu chì. Mau lên rồi còn về các bác. Đúng là trời tháng Mười chưa cười đã tối nhỉ.

+ + +

Hôm nay lão đưa gái non về trang trại. Váy đỏ cũn cỡn. Áo phông đen rộng cổ. Tóc vàng. Mắt có ve. Thỉnh thoảng lão vẫn đưa gái về, mỗi lần một đứa khác nhau. Lão đe mấy người làm cấm được hở mồm với bà vợ lão, nếu bép xép là mất việc ngay. Vâng, bác cứ tin tưởng chúng em. Chúng em toàn là người đi làm đi ăn, việc đâu bỏ đó chứ chúng em biết gì mà hóng hớt. Bác có lòng với chúng em, chúng em biết lắm chứ. Người chứ có phải gì đâu mà phản chủ hả bác…

– Bé này, trước khi tắm, mình thể thao một tẹo nhé!

– Ôi anh, thể thao gì cơ? Đi bơi à?

– Không. Món thể thao này lạ lắm, sướng lắm. Cho em đoán đấy.

– Cầu lông?

-…

– Bóng bàn?

-…

– Bóng râm. Hí hí.

– Thôi, ra đầu nhà với anh nào!

Choang! Choang! Choang. Những tràng cười rộ lên. Hôm nay hắn không chửi. Chả có lý gì mà phải chửi.Với lại bên người đẹp ai lại chửi. Em ném đi. Ném! Mạnh tay vào. Càng mạnh thì mảnh tan càng vụn. Choang. Khá lên rồi đấy. Choang. Tốt rồi. Cứ thế. Em nhặt cho anh ném nhé. Chết này. Choang. Chết này. Choang. Chết mẹ mày đi này!…

Mấy người làm kháo nhau chắc hôm nay lão lại có chuyện tức mình nên giở chứng. Cứ hôm nào thấy cái mặt hằm hằm từ xe bước xuống là lão lại giở chứng. Giở chứng lắm thì chết non chứ làm gì. Nhưng hôm nay chả phải lão giở chứng đâu, có mà dửng mỡ thì có!

Hí hí. Anh bảo chết ai đấy? Ha ha… Anh bảo cái thằng ở chỗ cơ quan anh cho nó chết đi. Thằng chết ấy là thằng nào? Là cái thằng mặt dơi tai chuột. Nó làm gì? Nó là thằng anh phải hầu hạ nó. Hí hí. Em không hiểu. Giời ạ. Mà em quan tâm làm gì? Mình vào tắm đi. Váy đỏ nhẽo giọng phụng phịu em cứ tưởng anh bảo em chết đi cơ. Trời, cưng, sao em lại nghĩ thế… Anh tính định xây một cái nhà xinh xinh như cái xưởng may ấy, dựng một phiến đá lớn cao hơn đầu người chuyên để ném chai lọ mỗi khi điên điên. Thỉnh thoảng rủ mấy thằng bạn về, thằng nào thích ném thì ném. Vừa ném vừa chửi. Sướng cái miệng. Lúc nào cũng họp hành, hết hội nghị nọ, gặp gỡ kia, lễ lạt nọ. Bó mồm bó miệng. Lâu không được văng tục. Văng tục cũng là một cái sướng ở đời. Vừa ném vừa văng cho hả. Mà có thể biến thành dịch vụ kinh doanh được cũng nên. Thời này mánh mung ngày một nhiều, cay cú ngày một lắm, lưu manh ngày một đông. Uất khí không giải tỏa được nó kết trong tâm. Kết sinh nghẹn, nghẹn sinh ngạt, ngạt tất bục, bục tất vọt huyết đen. Lúc ấy là xong đời đấy.

Khiếp, anh nói làm em nổi cả da gà.

Lão quờ tay kéo váy đỏ vào sát người, hôn chụt lên má rồi dìu vào buồng tắm…

20.11.2012

VG

Comments are closed.