GIỮA BỐN BỀ GIÔNG BÃO

Nguyễn Huy Hoàng

Ngạc nhiên với những điều đã cũ

Sau Tết dương lịch 2015, số lượng chuyến bay từ Nga về Việt Nam và ngược lại chỉ còn một chuyến Cam Ranh mỗi ngày so với tần suất sáu chuyến trước đây do có tới hơn năm chục phần trăm người Nga hủy tour du lịch tới Nha Trang; còn các tuyến Matxcơva- Hà Nội, Matxcơva -Thành phố Hồ Chí Minh cũng bớt đi một nửa, mỗi tuần còn hai chuyến, cũng vì người Nga đã thắt chặt lại hầu bao, hạn chế những chuyến du ngoạn tốn kém khi cơn bão khủng hoảng cận kề .

Đăng ký vé trở lại không còn chỗ, vì dân du lịch năm mới Nga đi chuyến vét sau Giáng sinh đạo Chính thống ngay sau ngày 7-1  phải quay về nhà cho kịp ngày làm việc sau đợt nghỉ Tết triền miên. Chẳng có gì vội, tôi đủng đỉnh giữa tháng Giêng mới bay về lại Matxcơva.

Vé tôi được miễn cước phí tới bốn chục cân, nhưng chẳng biết mang gì ngoài một va li gửi theo máy bay chứa hai chục cân sách và một va li xách tay mang mấy bộ quần áo, tư trang. Cô em tôi đã chuẩn bị sẵn bao nhiêu là xoài, rau, bánh cốm và cơ man nào là mứt để sang ăn Tết. Nhưng tôi thẳng thừng bỏ lại, một phần tôi dị ứng và kỹ tính với những vật phầm tiềm tàng hóa chất, và cũng bởi vì tôi đã nếm mùi kinh hãi nhiều lần khi qua sân bay Đomodedovo với các khuôn mặt mỉa mai, xoi mói của các vị Hải quan Nga. Không hề tìm thấy một sự thân thiện nào qua ánh mắt lạnh như băng, và những cái hất hàm, chỉ tay thay lời nói.

Rời sân bay Nga, dòng người lũ lượt bị tới khu làm thủ tục biên phòng, lúc nào cũng có một nhân viên to béo, dường như công việc này cực kỳ hợp vai với chị ta, lặp đi, lặp lại nhiều lần giọng nói rất to:

– Việt Nam, Việt Nam đi lối này! Từ Hà Nội sang đi lối này!

Nghĩa là ai mang hộ chiếu Việt Nam được dành cho lối phía bên trái để làm thủ tục, còn phía bên phải là để cho công dân Nga.

Tôi đã quen và đã chứng kiến hàng trăm lần hình ảnh những nhân viên Biên phòng mặc sắc phục vắng bóng một nụ cười khi làm thủ tục cho người Việt lũ lượt xếp hàng. Trên ti vi Nga đã có một chương trình mang tên “Đối thoại” so sánh nhân viên biên phòng và hệ thống dịch vụ Nga với thế giới, cử tọa đều nhận xét rằng, chưa có một nơi nào khan hiếm nụ cười như ở sân bay Nga.

Trong những chiếc va li hào nhoáng, những hộp các tông bọc kín, những hộp xốp buộc chằng chịt các loại giây dợ của hành khách Việt Nam, ngoài tư trang ra thì chỉ có rau củ quả miền nhiệt đới mang sang làm quà, đều được tống qua máy soi; trong khi bất cứ khách nước ngoài nào, lặc lè hàng đống hàng hóa cứ kéo xe thản nhiên đi qua. Cách làm luật đơn giản nhất được truyền miệng nhau từ nhiều năm, là cứ mỗi mexto (một kiện rau) là cứ cho vào hộ chiếu 500 rúp, nhiều kiện thì cứ thế nhân lên, trao hộ chiếu cho nhân viên Hải quan, là có được sự thản nhiên đi qua như những hành khách bất kỳ của nước nào.

Không phải là không hiểu luật, không phải là tiếc xót gì 500 rúp, chỉ tương đương với 18 đô la dạo đồng rúp chưa mất giá, nhưng tôi không muốn xấu hổ vì tự nhục mạ, và thực lòng cũng chẳng mang sang làm gì, khi các siêu thị Nga ê hề hoa quả nhập khẩu, vừa sạch, vừa tươi, không lo đồ phụ gia, hóa chất.

Điều ngạc nhiên nhất lần này với tôi, khi lần đầu tiên, thấy các vị Hải quan Nga chê tiền. Một chị tuổi đã xồn xồn, có vẻ ở bên này lâu năm, mang theo bốn kiện, tôi liếc thấy hai tờ xanh 1000 rúp gấp vào hộ chiếu làm luật, bị hai vị Hải quan móc ra và lôi chị vào phòng bên cạnh, lập biên bản hối lộ; còn một chị đi trước tôi, thì toàn bộ hai kiện hoa quả to tướng bị lôi vứt vào thùng rác cuối góc tường, mặc cho chị nhà quê nhăn nhó, năn nỉ mấy, họ  cũng không cho lấy lại.

Và những người Việt khác mang theo hàng thực phẩm, rau xanh cũng chung số phận như vậy.

Điều băn khoăn của tôi được hóa giải sau mấy hôm khi ngồi xem chương trình Vexti, thấy cảnh phiên tòa xử ngài Phó Phòng Hải quan sân bay Domodedovo can tội cùng với các nhân viên Hải quan dưới quyền ăn hối lộ công dân Việt Nam qua sân bay suốt bốn năm qua. Camera chiếu nhiều cảnh nhận tiền trơ tráo của các nhân viên và cảnh mặc cả như ngoài đường, ngoài chợ. Số tiền thu được chia chác nhiều đến mức là Phó Phòng Hải quan mua được một xe hạng sang và một căn hộ ở Moscow city, nơi giai tầng quý tộc Nga mới cư ngụ.

Tình cờ hôm chủ nhật, ra thăm chợ Liublino, thị phủ có gần hai chục ngàn doanh gia Việt buôn bán, tôi gặp lại chị hôm ở sân bay bị Hải quan cho hai kiện hàng vào sọt rác. Khác với khuôn mặt mếu máo, cầu khẩn hôm nọ, là một nụ cười oang oang bất chấp cử tọa:

– Em lại vừa sang anh ạ, lần này thì thắng giòn giã!

Chị cho biết, từ dạo khủng hoảng, đồng rúp rơi tõm đến nay, cứ trung bình mỗi tuần, chị làm hai chuyến về nước, trừ chi phí vé, dịch vụ, làm luật ra, mỗi chuyến chị cũng có được năm trăm, tính ra tiền ta là chục triệu. Hàng mang về gồm thức ăn sạch từ konbaxa (giò), bơ, sữa, phó mát, cá hồi, trứng cá theo đơn đặt hàng, phục vụ vợ con đại gia Hà Nội sợ thực phẩm nhuộm màu và đồ phụ gia trôi nổi bên ta. Còn hàng sang thì hoa quả, thịt cầy, các món nhậu nhà hàng Việt cần đến, mang gì cũng lãi. Trước đây, một trăm đô la bán ra chỉ được chưa đầy bốn ngàn rúp, còn bây giờ, có lúc lên đến tám ngàn, mà giá hàng trong siêu thị chưa tăng, mua mệt nghỉ. Người ta giàu có, mua thuyền, bán bè, đưa về nào là điện thoại đời chót, túi xách ngàn đô, đồng hồ Poljot mạ vàng vài trăm đô, mỗi chuyến bay về kiếm được ngót năm, bảy chục triệu. Còn chúng em, dân con thoi đi chợ, dù mất ngủ, đi lại mệt rã rời, nhưng không mất hàng, thế là thỏa mãn bần cố nông lắm rồi!

Nhưng mà chị cho biết, chị bây giờ không đi sân bay Đomo nữa, hãi lắm rồi. Đi sân bay Sere cũng nhục, nhưng nó đỡ hành hơn. Trước đây, 65 cửa làm thủ tục, người Việt mình có quyền như mọi hành khách khách, muốn vào cửa nào tùy thích, nhưng từ hai tháng nay, khi người Việt mang đồ trốn cân, tranh nhau lộn xộn, thế là bị dồn vào chỉ cho làm ba cửa 51,52 và 53 nữa thôi, cũng tại mình cả anh nhỉ?

Tôi gật đầu cho qua chuyện, bởi vì chuyện sân bay thì hai chục năm trước cho đến nay, chẳng có gì thay đổi, vẫn thế, vẫn hình ảnh những người Việt chen lấn, xô đẩy, í ới gọi nhau và diễn ra bao nhiêu trò ma giáo. Thay vào đám cò sân bay làm mưa là gió một thời, giờ đây là dân đạp hàng, đạp người bị trục xuất về, ngày nào cũng có mặt ở sân bay. Càng lộn xộn, càng bị gây khó khăn thì họ càng thích, làm việc càng hiệu quả; còn bị Tây coi thường, bị khinh miệt, bị bắt quả tang mang xách tay thừa cân, thì dường như chẳng ảnh hưởng gì tới họ. Kỳ lạ nhất là lúc nào họ cũng hơn hớn, nói cười ngang nhiên đánh quả và chẳng có ai làm gì họ hết.

Thế là rõ, tại anh, tại ả, tại cả hai bên. Không có lửa thì làm sao có khói, những người Nga làm công tác tại sân bay, ngày lại ngày đều tận mắt chứng kiến cảnh này, thì dù họ có kiên nhẫn đến đâu, hào hiệp và rộng lượng đến đâu, thì sự nhân hậu của họ cũng bị chai cứng theo năm tháng và kết quả thì chúng ta thấy nhãn tiền.

Chuyện trước năm 2015

Thường trước đây, vào những ngày giáp Tết, đám văn nghệ chúng tôi hay hẹn gặp nhau tại các ốp người Việt, giao lưu, họp hành cuối năm và liên hoan với các món ăn dân dã. Nhưng thời đó đã qua đi khi những ốp chợ người Việt đã vĩnh viễn ra đi sau gần hai chục năm trụ ở đất Nga.

Còn lại hai điểm có thể hẹn hò nhau, nhưng vì quá xa ngái, nên mỗi lần đến được cũng xem là một sự gắng gỏi, đó là ký túc xá Rưbac ở phía Bắc và nhà hàng Nems tận phía Tây Nam thành phố. Bình thường, đường không tắc, từ chỗ tôi ở đến đó chừng năm chục cây số, đi chưa đầy một tiếng, nhưng thực trạng giao thông hiện nay, mỗi lần đến được chỗ hẹn hò, tôi vẫn phải lê lết trên đường ba tiếng ròng rã.

Đường sá ở Thủ đô được đầu tư, cải tạo liên tục, nhưng vì số lượng ô tô tăng lên không ngừng nên việc tắc đường luôn là nỗi ám ảnh triền miên đối với người đi làm từ ngoài ngoại ô vào trung tâm. Ở Nga không có ai sính chữ dùng tầm nhìn năm chục năm, sáu chục năm một cách ngoa ngôn, nhưng đầu óc của họ thì đáng nể. Bất cứ một đại lộ nào như Lêninxki, Riazanxki, Profxoiuznaia, Nhijegrolxki, Entuziaxtov…ngoài chiều rộng trên trăm mét ra, còn có hành lang dự trữ hai bên, mỗi bên gần chục mét từ hàng chục năm nay, không một ai lấn chiếm, sử dụng. Vì vậy, việc mở rộng đường thêm mỗi bên hai làn hàng chục cây số không hề phải đền bù, giải tỏa gì ráo.

Các con phố Matxcơva ngay giữa mùa đông được dọn sạch sẽ chưa từng thấy, bất kể mưa gió hay băng tuyết. Hai năm trước, trong một bài do Báo Giao thông vận tải đặt, tôi tìm hiểu và biết ở Thủ đô Nga có tới 12000 phương tiện chuyên dụng dùng dọn tuyết và làm vệ sinh, khi in ra, mọi người đều quá đỗi ngạc nhiên. Nhưng năm nay, số lượng đó được nâng lên tới con số 15000, bao gồm xe chở rác, xe hút bụi, xe tưới nước, xe xúc tuyết và xe xúc dọn. Sự đầu tư đáng kể này cùng với đội ngũ công nhân đông đảo người Tatjik làm việc cần mẫn, khiến thành phố lúc nào cũng phong quang.

Từ trung tâm thành phố, có 26 đại lộ tỏa ra theo hình nan quạt cắt qua MKAD, tức là đường vành đai ngoài, đều đang được cải tạo đồng loạt cùng với việc khai trương hàng loat ga tàu điện ngầm mới kéo dài ra đến tận ngoại ô. Những ga tàu thời Xô viết cổ kính bao nhiêu, thì những ga mới lại hiện đại và lộng lẫy bấy nhiêu. Trong suốt dọc tuyến đường sắt tàu điện ngầm kéo dài gần 400km, đều được trang bị hệ thống wifi miễn phí, tốc độ mạnh, nên sử dụng điện thoại và các phương tiện truyền thông chẳng khác gì như trên mặt đất.

Hai năm nay, việc kiểm soát an ninh, giao thông ở Matxcơva đều sử dụng camera, từ đo tốc độ xe lưu thông, đỗ xe nơi quy định, chuyển hướng phân luồng…đều được ghi lại. Chỉ cần vi phạm, camera sẽ tự động báo về trung tâm,, và giấy phạt lập tức được gửi cho khổ chủ. Nộp phạt chậm, hoặc không nộp phạt sẽ được tính lũy tiến và có các hình thức xử lý từ giữ xe đến khởi tố, đưa ra tòa.

Chỉ riêng trong năm 2014, Matxcơva xây dựng tới 8 triệu mét vuông nhà ở, chủ yếu là khu vực các thành phố ngoại ô, khắp 84 thành phố vệ tinh. Xây dựng ồ ạt, nhưng không vì thế mà giá nhà rẻ đi, khoảng giữa năm, mỗi mét vuông căn hộ loại trung bình vẫn xấp xỉ 3000 đôla, còn căn hộ cao cấp ở vị trí đắc địa, nghĩa là gần rừng, gần hồ, gần metro thì giá vẫn cao chót vót. Mùa hè, mùa nghỉ đông, làn sóng dân Nga trung lưu và thượng lưu tỏa ra khắp thế giới đi du lịch, nghỉ ngơi và tiêu tiền theo cách Nga là có bao nhiêu, tiêu cho bằng hết trước khi trở lại Matxcova.

Dạo đầu tháng năm 2014, tôi dẫn một đoàn cán bộ ta sang Nga công tác, ngày cuối cùng tranh thủ đi mua sắm. Các siêu thị lớn của Nga như Tvoi Dom (nhà bạn) Ikeia, Evro macket…rộng hàng chục hecta, hàng hóa tràn ngập đã đành; các siêu thị hạng trung cũng trên là trời, dưới là hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu và các nước Trung Cận đông, người mua hàng có thể chọn từ quả cam Maroc đến quả bưởi Nam Mỹ, quả táo Tây ban nha và hàng chục thứ sơn hào hải vị của mọi nước trên thế giới.

Nhưng đó là năm ngoái.

Ngỡ ngàng với những đổi thay

Gần ba chục năm có mặt ở nước Nga, tôi được chứng kiến bao nhiêu cơn dâu bể xảy ra trên mảnh đất tôi hằng mến yêu, hằng lo toan và sợ hãi. Dường như là định mệnh, tôi không thể rời bỏ nó, mặc dù tôi có thể nhẹ nhàng khăn gói ra đi mà không một ai níu giữ, không một ai ngăn cản. Đây là một câu chuyện dài đầy những lý do mà tôi phải ở lại, phải chung thân để gánh chịu một kiếp tha hương.

Tôi được tận mắt thấy bao đổi thay của Liên Xô trước đây, và sau này là nước Nga, đã từng ngồi bao lần trên những chiếc xe buýt Traika cũ kỹ để đến trường và đã từng ngồi bao lần trên những con tàu cao tốc của nước Nga mới; đã từng xếp hàng hàng nửa giờ để ăn những suất cơm 50 kopec ở nhà ăn, và đã từng vào những cao lâu cùng với các ông chủ Tây, những đại gia Ta thời mở cửa.

Tôi đã sống dưới thời Xô Viết những năm tháng khó khăn thiếu thốn của những năm tái cơ cấu Perextroika, đã sống triền miên những năm chín mươi bế tắc, vất vả trăm bề, khi các cửa hàng Nga trống trơn, bạn bè đến thăm nhau, cố lùng tặng nhau từng cân gạo. Và tôi đã sống những ngày tháng kinh hoàng khi chính Liên Xô sụp đổ, trộm cướp và côn đồ nổi lên thành hàng ngàn băng nhóm, người Việt mỗi khi ra đường chui lủi, nơm nớp lo sợ từ anh công an biến chất đến tay du côn đầu phố.

Tôi đã có mặt trong hàng chục cuộc vây ráp của đủ loại công an vào các Trung tâm Thương mại và các Ký túc xá của người Việt, đã chứng kiến cảnh bỏ của chạy lấy người của hàng trăm doanh nhân thời Đôm 5 mới khi bị tịch thu, niêm phong toàn bộ của cải.

Và tôi cũng được sống trong thời kỳ người Việt phất lên, kinh doanh đầy hiệu quả tại Xaliut, Chợ Vòm, Togi, Sông Hồng, Voikov… để sau đấy lao đao vì cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1998 và mười năm sau kiệt quệ vì sụp đổ chợ Vòm.

Không hề bán buôn, không hề dính dáng tới công cuộc kinh doanh một phần ba thế kỷ của người Việt trên đất Nga, tôi chỉ là người chứng kiến.

Và lần này, tôi được cảm nhận một cách rõ nét chưa từng thấy một nước Nga rơi vào cơn khủng hoảng như thấy một một khối băng tan chảy dưới ánh mặt trời trong lúc nhiệt độ dần tăng.

Vào các siêu thị, nơi trước đây tràn ngập hàng hóa nhập khẩu từ muôn nẻo, thì giờ đây chỉ độc mỗi hàng hóa Nga. Những kệ hàng thực phẩm vốn la liệt các thức ăn ngoại, đã thay vào các đồ bình dân Nga; các gian hàng lộng lẫy ăm ắp vật dụng châu Âu, giờ hoặc bỏ trống, hoặc thay vào đó là những thứ hàng người ta vẫn thấy ở các chợ nông trường.

Giá đôla, thước đo định lượng của đồng rúp lên từng giờ, không có một sức nào kìm hãm lại. Dạo giữa hè, khi các đoàn du lịch từ Hà Nội bay sang, đổi một trăm đô được hơn 3600 rúp, có vị đã thốt lên, rúp mất giá thế này, có đô đưa sang đổi thì tiêu mệt nghỉ.

Và chỉ sau đó gần ba tháng, cuối năm 2014, đồng rúp đã trượt dài đến ngưỡng sáu mươi, ngoài chợ đencó lúc  phải 7000 rúp mới mua về được một trăm đô. Thu nhập của dân Nga mất trắng gần một nửa, ví dụ lương anh ba lăm ngàn rúp, hồi hè, anh đã có một ngàn đô, đủ mua một vé hai chiều về Nha Trang nghỉ mát; còn tháng 12, anh chỉ còn chưa đầy sáu trăm đô, chỉ mua được vé một chiều.

Khi đồng đôla lên chóng mặt, các cửa hàng chưa kịp làm giá mới, dân Nga ào ào rút tiền tiết kiệm đi khuân về hàng điện tử, tủ lạnh, ti vi, máy tính. Nhiều nhất là ô tô, một chiếc Camry đời mới trước đây có giá một triệu, vị chi là ba chục ngàn đô, khi giá rúp trượt, trong tuần đầu xe vẫn chưa lên giá, quy ra đô chỉ còn 16 ngàn đô nữa. Các dòng xe khác cũng  như vậy, khối anh có tiền vớ bẫm. Hiện giờ thì giá xe tăng rồi, nhưng vẫn còn rẻ bằng hai phần ba trước đây, nhưng xe châu Âu và đồ châu Âu đã vắng bóng và thưa thớt, nhường vị trí danh dự cho hàng Nhật và hàng Nam Hàn án ngữ trên các khu trưng bày.

Đau nhất là ngành xây dựng khi giá cả bất ngờ biến động. Cho đến nay, khi mà đồng rúp đã èo uột không còn hơi sức nữa, thì giá bán căn hộ vẫn giữ nguyên như dạo đầu hè. Một căn hộ loại trung bình ở các khu xa xa trung tâm, thời bình ổn, mỗi mét vuông không dưới 90 ngàn, khoảng gần ba ngàn đô; nhưng ở thời điểm rúp mất giá tới ngưỡng 68, thì giá nhà vẫn thế, tính ra mỗi mét vuông chỉ còn lại 1400 đô, vị chi mất không một nửa.

Các hàng quán đóng cửa tới 1/5 vì khách hàng thưa thớt, kinh doanh thua lỗ, dân Nga tiêu pha dè xẻn hơn nhiều. Rõ ràng dễ nhận thấy nhất là các tour du lịch tới châu Âu, Hy Lạp, Thái Lan, Hàn Quốc… liên tục bị hủy bỏ, các chuyến bay ra nước ngoài đã giảm tối đa, vì càng bay, càng tính ra ngoại tệ thì càng lỗ.

Những người về hưu, vốn đồng lương đã ít ỏi, thì giờ đây lại càng eo hẹp thêm, họ phải tính toán chi li từng cân khoai tây, từng chiếc bánh mì, từng phút gọi điện thoại. Giới sinh viên thì vẫn chỉ có mấy đồng học bổng, vào nhà ăn thì đã phải cân nhắc thêm, bớt từng lát bánh mì, chọn những thức lót dạ rẻ tiền nhất, hệt như sống lại thời hậu Liên Xô đói kém.

Bộ Phát triển kinh tế Nga đã điều chỉnh dự báo GDP trong năm 2015 từ mức tăng trưởng 1,2% giảm xuống mức 0,8%. Đây là lần đầu tiên, Chính phủ Nga thừa nhận rằng nước này có khả năng sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới, do tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như sự sụt giảm giá dầu xuất khẩu.

Ấy thế mà dân Nga hầu như không kêu ca, dòng máu kiêu hãnh của dân tộc Đại Nga dường như vẫn là động lực mạnh mẽ giúp họ vượt qua sự thiếu thốn, cam go. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống vẫn cao vòi vọi, trên các khuôn mặt của người Nga vẫntỏ ra bình thản, vẫn không hề có bất cứ một cuộc xuống đường nào để phê phán, chỉ trích chính phủ.

Khi về Hà Nội, khá nhiều người hỏi tôi với tư cách là người có mặt ở Nga khi các sự việc vừa xảy ra còn nóng hổi, về Crưm, về các tỉnh phía đông của Ukriana; thậm chí trong một buổi gặp nhau của những người bạn của tôi, những nhà ngoại giao thứ thiệt như cựu Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình, Vương Thừa Phong, Nguyễn Hoằng, chúng tôi cũng tranh luận trao đổi quên ăn về nước Nga với một sự quan tâm sâu sắc.

Nước Nga mặc dù có hàng ngàn cây số bờ biển Bắc Băng dương, nhưng thực chất ở một góc độ nào đấy mà nói, là không có biển, bởi lẽ quanh năm, Bắc Băng dương lạnh giá, đóng băng. Nga rất cần Biển Đen, rất cần Crưm và Xevaxtopol để các hạm đội hùng mạnh của Nga có đất dụng võ. Có trong tay Crưm là vấn đề lịch sử của dân Nga từ nhiều thế kỷ, Tổng thống đã thực hiện được ý chí và nguyện vọng đó, đã không để cho phương Tây dùng Crưm làm bệ phóng để chĩa súng vào ngực nước Nga. Dân Nga sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, thử thách kể cả khủng hoảng kinh tế tồi tệ do cuộc cấm vận hội đồng mà phương Tây và Mỹ áp đặt.

Trong bối cảnh cỗ xe kinh tế đang lao dốc, chính quyền Nga đã gắng sức thực hiện những biện pháp tỏ ra hữu hiệu nhất là tạo ra một nước Nga vắng bóng châu Âu, quên đi đồng đôla ám ảnh, tính toán bằng đồng rúp trong thu nhập, chi tiêu; Nga dốc sức tăng sản lượng khai thác dầu từ 8 triệu thùng, lên 11 triệu thùng một ngày để bù đắp vào chỗ thiếu hụt; ngành công nghiệp tiêu dùng và nông nghiệp bị bỏ bê sau khi Liên Xô tan rã sẽ bằng mọi cách phục hồi trở lại; và Nga tăng sản lượng khai thác vàng, tìm cách thanh toán với các nước châu Á bằng vàng, phát huy thế mạnh vượt trội của mình. Và biện pháp cấp tiết nhất là thắt lưng buộc bụng, hạn chế chi tiêu, tránh thâm hụt thêm ngân sách. Rõ ràng trong giông bão, Nga lại thử thách chính mình, nhìn nhận lại những sai lầm trong chiến lược khai thác tài nguyên, coi khí đốt là cứu cánh duy nhất đảm bảo lâu dài và bền vững cho kinh tế Nga.

Có thể sau hai năm, kinh tế Nga chắc là chưa phục hồi trở lại được như thông điệp của Tổng thống tuyên bố, nhưng nó sẽ phục hồi một cách ngọan mục bởi tiềm năng vô biên của nước Nga, khi mà cuộc chiến phía Tây lắng lại, khi các biện pháp cấp bách của chính phủ Nga đang từng bước được thực thi.

Người Việt ở Nga: “trông cho chân cứng, đá mềm”

Trong gần 35 năm, kể từ ngày Việt Nam và Liên Xô ký Hợp tác Lao động, người Việt làm ăn và sinh sống tại Liên bang Nga đã trải qua nhiều cơn thăng trầm, dâu bể. Sau 5 năm vật vã làm quen với nền kinh tế thị trường Nga vừa được khai sinh (1992), khi chưa kịp hoàn hồn với đợt kiểm tra thu gom hàng hóa kinh hoàng trong chiến dịch phong tỏa năm 1994 tại đôm 5 Mới, thì cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1998 như đợt sóng dữ trào qua, đã khiến cộng đồng người Việt gần như đến chỗ trắng tay.

Và sự suy thoái kinh tế ở Nga lần này cũng được ví như một cơn dư chấn kéo dài, tác động sâu sắc và nhiều mặt đối với toàn thể cộng đồng người Việt, không trừ một ai, kể cả những người không ăn nhập gì đến việc kinh doanh buôn bán, trên toàn cõi nước Nga

Nói đến người Việt ở Nga là nói đến kinh tế chợ. Mảng kinh doanh truyền thống và chủ đạo của người Việt là buôn bán hàng vải. Người Việt đảm nhận vai trò phân phối mặt hàng này từ thời các thương xá hình thành, đến khi chợ Vòm phát triển và trong 5 năm qua tại các chợ bán buôn đầu mối Liublino, Xadovod và ở các thành phố lớn như Volgagrat, Kazan, Xvedlov, Krasnodar, Piachigorxk… Giới kinh doanh Nga thừa nhận người Việt là lực lượng phân phối hàng vải đông đảo và dày dạn kinh nghiệm bậc nhất. Chợ kinh doanh hàng vải nào ở Nga thiếu người Việt tham gia, y như rằng thất bại.

Một ví dụ, ở thành phố Upha, thủ phủ của Cộng hòa Baskiria, khi một bộ phận những người cầm quyền, thực chất là một phe nhóm, tính chuyện gạt một ông chủ có uy tín của người Việt ra khỏi việc quản lý chợ, đưa người Nga vào điều hành với hy vọng nắm trong tay toàn bộ thu nhập, thì chỉ trong vòng chưa đầy một năm, chợ lớn nhất thành phố trở nên tan tác, tiêu điều. Hàng ngàn người kinh doanh hàng vải tùy nghi di tản lên Matxcơva và tản ra các thành phố lân cận. Ngấm đòn, nhóm lợi ích chỉ còn nước duy nhất là mời ông chủ người Việt trở lại để phục hồi lại khu chợ sầm uất nhất Upha.

Mặc dù hệ thống siêu thị Nga phát triển với tốc độ chóng mặt, mặc dù các chủ chợ, chủ yếu là người Do thái và Azerbaijan cho thuê mặt bằng bán lẻ tại Liublino, Xadovod với giá rất cao, phổ biến mỗi quầy dao động từ 30 ngàn đô la mỗi tháng, nhưng do chủ động đáp ứng các mặt hàng của người tiêu dùng Nga, cộng với kinh nghiệm kinh doanh nhiều năm, đại đa số các cửa hàng Việt đều làm ăn có lãi, tuy không cao bằng thời chợ Vòm còn tồn tại. Một thói quen và đồng thời là sự tính toán, cân đối trong kinh doanh, mọi thu chi, giao nhận hàng hóa, cho vay, tính lãi… người Việt đều quy ra tỷ giá đồng đô la Mỹ.

Vào đầu tháng 7 năm 2014, tháng buôn đình trệ nhất, hàng dành cho người đi nghỉ mùa hè đã dừng, hàng mùa thu chưa ai ngó tới, dù tỷ giá đô la biến động chút ít, giá hàng hóa bằng rúp cũng có sự xê dịch phù hợp, thu nhập của người Việt cũng vẫn có sự đảm bảo, buôn bán vẫn có lãi, đủ trang trải ăn uống,  nhà cửa, đi lại và trong các chợ vẫn còn dư dả tiếng cười.

Nhưng mấy tháng gần đây, đặc biệt là từ trung tuần tháng 11.2014, đồng rúp mất giá từng ngày, thậm chí từng giờ từ 37 rúp/đô la, sau đó là 40, 41, 42, 45, 47, 50, 54 và lúc cao nhất đạt tới đỉnh chót vót 72 rúp/đô la, làm cho việc kinh doanh của người Việt gần hoàn toàn như đóng băng, đình trệ. Càng buôn bán, tính ra đô la càng lỗ. Nhiều chủ hàng lớn, từ đầu mùa hè đã chi ra một khoản tiền lớn để đặt hàng quần bò, áo khoác, giày đông từ Trung Quốc về Nga chuẩn bị cho thời vụ sắp tới, bây giờ nằm đắp chiếu, bởi tung ra bán thì chỉ thu về một đống rúp giấy, tính ra giá đô la ở thời điểm này, cộng với tiền lưu kho bãi, tiền vận chuyển, họ đã gánh một khoản lỗ rất nặng.

Trong lúc đó, lượng khách hàng giảm đi rõ rệt, phần thì đồng lương của người Nga càng eo hẹp, phần thì họ chú trọng hơn vào thực phẩm và nhu cầu cuộc sống hàng ngày, nên giảm sự chi tiêu vào việc mua quần áo. Hàng ngàn quầy hàng của chợ Liublino hầu như chưa bao giờ trống chỗ, nhất là các dẫy hàng quần bò, giày dép là những mặt hàng bán chạy, thế nhưng những ngày này, lác đác đã có những quầy đóng cửa.

Giữa tháng 11 sang đầu tháng 12, lúc đồng đô vọt lên dựng đứng, những gia đình người Việt từ lâu có tiền gửi tiết kiệm, một phần do tâm lý đồng rúp ổn định một thời gian quá dài, một phần những người có Thẻ Xanh (VID) hàng năm phải trình diện một lần bằng cách trình sổ tiết kiệm để chứng minh nguồn sống; sợ tiền bốc hơi quá nhanh, họ ồ ạt rút tiền đi mua nhà và mua xe hơi, vật dụng, mặc dù nhiều nhà không có nhu cầu. Thế rồi nhiều gia đình thắng đậm khi mua căn hộ với giá rúp như xưa, tính ra đô chỉ bằng một nửa; nhiều nhà có cơ hội lên giai cấp với những con xe lẫm liệt BMW6 chỉ với giá ba chục ngàn đô.

Có một điều người Việt được hưởng lợi nho nhỏ, không thể không tính tới, đó là giá thuê căn hộ ở Matxcơva tại các khu ký túc xá ngoại giao vẫn được tính bằng rúp. Nếu tính theo giá cũ, một căn hộ hai buồng chừng năm chục ngàn rúp, có nghĩa mỗi tháng sẽ phải chi ra gần một ngàn năm trămđô, nhưng nhờ vào chính sách bình ổn giá, năm chục ngàn lúc này, chỉ tương xứng tám trăm, tính lãi theo đô được gần một nửa!

Các xưởng may và sản xuất giày dép lên ngôi và ngự trị ở vị trí quán quân trong kinh doanh suốt gần chục năm qua giờ đây đang trong tình trạng cấp cứu lâm sàng. Lý do đơn giản vẫn là đồng đô la phập phù lên xuống không phanh và không biết đâu là điểm dừng. Các chủ xưởng may đều nhập phụ liệu, vải vóc từ Trung Quốc bằng tiền Mỹ, sau khi gia công, thành phẩm mang ra chợ thì bán bằng tiền Nga, thu về tính ra có khi chỉ hơn nửa số tiền mua vải. Chẳng khác chi một ông nông dân gieo một tạ thóc, quanh năm cuốc bẫm cày sâu, khi thu hoạch, chỉ gom được được sáu, bảy chục cân.

Con số chủ phá sản, dẹp xưởng, dẹp tiệm đến đầu tháng giêng này đã lên tới hàng chục. Trụ lại được là những xưởng mạnh, chủ trường vốn, có đầu ra tương đối đảm bảo; hoặc là những xưởng ký hợp đồng gia công quần áo cho các cơ quan của Nga như đồ bảo hộ lao động, đồng phục trong các ngành và lực lượng vũ trang. Hàng may gia công lấy chăm chỉ làm lãi, vì giá cả bèo bọt, nhưng thay vào đó, thì không cần xuất vốn, không cần phải lo đô lên, đô xuống và không phải nhấp nhổm theo dõi cơ số bán ở chợ hàng giờ, nên cứ tà tà chờ thời cơ đến.

Vấn đề nan giải là nhiều ngàn thợ may sẽ đi về đâu khi các ông chủ không tìm ra lối thoát, trong khi có chủ đã dùng gần hết “lương khô”, cũng phải gồng mình lên chạy đôn, chạy đáo, xe cộ bóng lộn oai vệ lắm, nhưng đầu óc lúc nào cũng rối như thể chỉ vò. Không thể rút ruột ra ăn dần mãi, không thể để thợ nghỉ không lương và để máy móc phủ bụi. Lại phải chờ khi đồng rúp ổn định mới tìm ra lời giải!

Số lượng những công nhân xây dựng rải khắp các thành phố ở Nga cũng đông đảo không kém dân may mặc. Hầu như thành phố lớn nào cũng có nhiều đội xây dựng tác chiến độc lập, có tốp chục người, có tốp vài chục, nhưng cũng có đội đông ngang với một tiểu đoàn, nghĩa là hàng trăm người trên một công trường.

Khi chưa xẩy ra khủng hoảng, giá nhà căn hộ ổn định, mười lăm năm qua chưa hề xuống bao giờ, thì dù cực nhọc trăm bề, lương thợ xây dựng của ta luôn cao hơn nhiều lần so với dân Tatjik chuyên làm lao công và dọn rác. Các công trường nào có những ông prorab tháo vát, biết lo cho thợ, có lực lượng tiếp phẩm và đầu bếp tốt, thì thợ xây dựng được ăn no và hưởng theo lương khoán đàng hoàng. Nhưng nơi mà những người cai quản không có vị gì, ăn cánh với chủ Tây để bòn rút sực lực và công xá anh em, thì thợ xây dựng khổ điêu, khổ đứng.

Mùa đông là mùa kinh hoàng đối với dân xây dựng, nhiệt độ ngoài trời lúc nào cũng tương tự trong như ngăn đá tủ lạnh, nếu thợ được giao  làm việc trong nhà thì còn đỡ, còn nếu là việc ngoài trời như kè đường đi nội bộ, lát gạch lối đi, đào đường điện trong băng giá… thì đến sức ngựa cũng phải chùn. Nhưng vất vả chẳng thấm vào đâu đối với những người đã dạn dày gió tuyết, miễn là có đồng ra, đồng vào, lương nhận đúng ngày, đúng tháng. Khốn nỗi, cơn khủng hoảng chỉ mới ào qua, thợ xây dựng lập tức lãnh đủ. Các công trình tạm ngưng, chủ sa thải hàng loạt.

Họ chẳng biết khủng hoảng, cấm vận là cái chi chi, chỉ biết đùng một cái, không có việc làm và không chốn nương thân.

Nếu như thợ may còn có chỗ tá túc, dù đó là tầng hầm, dù đó là một nhà kho cũ, còn đối với thợ xây dựng, ngoài chiếc túi toòng teng có mấy chiếc áo rét, đôi ghệt, đồ dùng cá nhân, thì chỉ có mang ba lô lên và đi, đi đâu không biết.

Nan giải nhất đối với chuyện xê dịch ở Nga là nỗi không có giấy tờ. Nhìn bộ dạng người cần lao của thợ xây dựng, ra đường là công an nhận ra ngay thành phần không có giấy tùy thân. Họ chỉ biết tìm những người thân đồng hương, xin ghé nhờ vào một ký túc xá nương náu đợi mùa đông qua, hè sang biết đâu tình hình lại khá lên, lại đi tìm một chỗ làm mới.

Thực tế cho thấy rằng, bao giờ “bần cùng thì sinh đạo tặc”, ở thời điểm nào kinh tế đi xuống nhất, thì ở Nga, đặc biệt là Matxcơva lại thì an ninh trở nên nổi cộm và nạn trộm cướp lại tăng lên. Chính quyền Nga đã cảnh báo về việc này khá cụ thể, hướng dẫn người dân đề phòng với các thể loại chấn lột, đặc biệt là các khu chợ, nhà ga, lưu ý nhiều nhất đối với khách nước ngoài và cư dân làm ăn, buôn bán. Không một ngày nào, trên các báo và ti vi không tường thuật lại các vụ việc từ những vụ động trời cướp nhà băng, đến cướp giữa ban ngày, cướp trên ô tô tuyến quanh khu vực Liublino, Xadovod, nơi có nhiều ngàn người Việt mưu sinh.

Trong các chợ, ngoài vẻ yên ả, lặng lẽ do kinh doanh ế ẩm, còn có những  cơn sóng dữ, chỉ có người Việt biết được với nhau, đó là nạn bùng hàng, bỏ trốn và lừa đảo. Xuất phát từ kết cấu dây chuyền trong hệ thống buôn bán, hàng từ chủ may mặc đưa về cho một đầu mối ở chợ dưới hình thức xukhoi, một thuật ngữ rất riêng ở Nga, nghĩa là bán xong mới thanh toán, khác với tiền tươi, thóc thật. Đầu mối này lại giao hàng cho con thoi lấy hàng thành phố xa, người đó lại giao cho một người rải hàng, phân phối, có khi là người Việt, có khi là dân đầu đen chỉ quen biết sơ sơ. Như vậy dòng tiền và dòng hàng trôi nổi trên đường và sẽ hồi ngược lại cho chủ xưởng may, hoặc người đánh hàng từ Trung Hoa về.

Vào thời điểm thuận buồm, xuôi giáo, hàng bán phơi phới, tiền từ thành phố xa hồi về nhanh chóng, rõ ràng, đàng hoàng và chữ tín được coi trọng. Nhưng khốn nỗi, nửa năm qua, hàng hóa không bán được, tồn đọng, thành ra nợ đồng lần, anh đầu đen không trả được cho anh phân phối, anh phân phối không thanh toán được cho anh tỉnh xa, anh tỉnh xa không trả được nợ cho chị đầu mối và dĩ nhiên là người giao hàng, chủ xưởng may ôm cả tập hóa đơn giao hàng kiên trì chờ đợi. Lợi dụng khó khăn, lợi dụng hình thức kinh doanh dây chuyền, khi thu được một món kha khá, ở một công đoạn nào đó chấm dứt, một nhân vật ly khai liền ôm tiền bỏ trốn. Hình thức bùng hàng này xẩy ra khá nhiều trong mấy tháng qua, cộng với các chiêu lừa đảo có khi lên tới hàng chục triệu rúp như vụ xả ra còn nhức nhối ở Ekaterinburg; có nhiều vụ vài trăm ngàn, đã làm xao động cảnh buôn bán kinh doanh buổi chợ chiều.

Nhiều chủ hàng có thâm niên trên thương trường nhận định rằng, khoảng đầu năm sau, nguồn dự trữ hàng hóa tiêu dùng của Nga sẽ cạn, hàng giá rẻ lên ngôi. Hàng giá rẻ sẽ phù hợp với túi tiền người nghèo ở Nga, thị phần mà người Việt chiếm ưu thế nhất. Nếu các xưởng may kiên trì bám trụ, nhằm vào đối tượng này, sẽ duy trì và phát triển được thế mạnh. Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, trong những giai đoạn nước Nga khó khăn nhất, là lúc người Việt phát huy hết khả năng sáng tạo và tiềm năng kinh doanh của mình.

Thành ngữ Việt Nam có câu, “nước nổi thì bèo nổi”; mong sao tình hình kinh tế, xã hội Nga biển đổi tích cực, thì cộng đồng người Việt “chân cứng, đá mềm” cũng sẽ lại bước vào thời kỳ mới, đứng vững và trụ lại lâu dài ở nước Nga.

Comments are closed.