GS Hoàng Tụy: Một trí thức lớn, một kẻ sĩ nặng lòng với đất nước

Trần Xuân Hoài

Thật khó mà có thể điểm qua, dù là sơ sài nhất những bài viết vô cùng mẫn tiệp của một bộ óc sáng láng, một tấm lòng đầy thiện chí, luôn canh cánh trong lòng vì dân vì nước của Giáo Sư Hoàng Tụy.

GS Hoàng Tuỵ

GS Hoàng Tuỵ

Với tư cách Tổng bí thư (TBT) và Chủ tịch nước (CTN) Nguyễn Phú Trọng đã chính thức đặt ra ở Hội nghị Trung ương X, tháng 5/2019 vừa qua ba câu hỏi:

“Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước không?”

“Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?”

“Có cần phải sửa đổi điều lệ của Đảng CSVN không?”

Những câu hỏi đó là những vấn đề cốt lõi về tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống nhà nước, trước đây thường được coi là cấm kỵ. Thế nhưng Giáo sư Hoàng Tụy, một nhà toán học nổi tiếng, một trí thức tiêu biểu, luôn dấn thân cho sự tiến bộ xã hội, ngay từ 7 năm trước, 2012, trong một số báo xuân của Tia Sáng đã trình bày những tư tưởng mạnh dạn đó trong bài viết “Tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống”.

Tác giả đã viết: “…Thật đau xót khi nghĩ tới một xã hội cách đây chưa lâu từng được ca ngợi nghèo nhưng vẫn giữ được phẩm cách, nay đầy rẫy những cảnh xa xỉ lố lăng, gian dối, xảo trá, không chút tự trọng. Cho nên sửa đổi hiến pháp đi đôi với chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn bộ máy chính quyền, tái cấu trúc ở tầng sâu chính trị nhằm sửa sai hệ thống là yêu cầu khẩn thiết hiện nay cần thực hiện bằng được mới mong có thể lấy lại niềm tin đang mất dần của dân…”. Giá như những lời tâm huyết, nói thẳng đó được các cấp lãnh đạo nhà nước lưu tâm, như TBT và CTN Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra câu hỏi trong những ngày vừa qua, thì ít nhất nước Việt chúng ta không mất thêm ít nhất là 7 năm (và có thể hơn nữa) chỉ để chính thức nhận ra vấn đề cốt lõi ngăn cản dân tộc phát triển.

Đối với quyền lực, lời nói thẳng thường khó nghe, chưa nói rằng sự kiêu ngạo quyền lực luôn không chịu chấp nhận sự thật do những bộ óc sáng suốt của trí thức chỉ ra. Thật là thú vị khi được cầm trên tay cuốn sách mang tựa đề “XIN ĐƯỢC NÓI THẲNG” tập hợp hơn 50 bài viết của GS Hoàng Tụy đã đăng trên tạp chí Tia Sáng. Những ý kiến và kiến giải của GS Hoàng Tụy trải rộng trên nhiều mặt của xã hội Việt Nam, từ “Đổi mới cơ chế và trọng dụng nhân tài” (15 bài), sang các vấn đề về “Chấn hưng Giáo dục – Mệnh lệnh cuộc sống” (21 bài) đến “Quản lý khoa học – Hướng tới các chuẩn mực quốc tế” (16 bài). Tất cả đều là những phân tích, thuyết phục, sáng kiến rất thẳng thắn, lời nói thật, tâm huyết và rất khúc chiết, khoa học dễ hiểu. Có những vấn đề nhiều người rất băn khoăn không thể giải thích nổi, ví như “Nếu xét từng con người có lẽ dân Việt không kém gì ai về trí thông minh, chúng ta có thể tin như vậy. Nhưng nước ta mấy chục năm hòa bình xây dựng mà vẫn lạc hậu về kinh tế, thấp kém về đổi mới sáng tạo?”.

Cuốn sách mang tựa đề “XIN ĐƯỢC NÓI THẲNG” tập hợp hơn 50 bài viết của GS Hoàng Tụy đã đăng trên tạp chí Tia Sáng

Cuốn sách mang tựa đề “XIN ĐƯỢC NÓI THẲNG” tập hợp hơn 50 bài viết của GS Hoàng Tụy đã đăng trên Tạp chí Tia Sáng

Giáo sư đã đưa ra câu trả lời hết sức thuyết phục: “Trong bất cứ cộng đồng nào, tài trí thông minh riêng lẻ của từng thành viên chưa làm nên sức mạnh trí tuệ của cộng đồng, mà phải có tổ chức, cơ chế phù hợp, tạo ra một môi trường khuyến khích, liên kết tất cả họ lại qua sự tương tác, hợp tác, tạo ra synergy (cộng năng) cần thiết, nhân lên nhiều lần và liên tục khả năng, tài trí từng cá nhân, từng bộ phận. Cái cơ chế đó có thể gọi nó là trí tuệ của hệ thống, là phầm mềm vận hành hệ thống. Tất cả thông minh tài trí của cộng đồng tập trung ở đấy, nhờ đấy mà ra, mà nhân lên […]. Mà nói đến cơ chế quản lý tức là nói đến thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. […]. Nếu thể chế không phù hợp mà cứ cố duy trì thì sự ức chế trí tuệ đối với xã hội vô cùng tai hại. Giáo dục, khoa học không thể phát triển lành mạnh bình thường, ắt phải tụt hậu ngày càng xa. Tài trí thông minh tàn lụi, con người tha hóa, xã hội ngày một suy đồi. Người giỏi bỏ nước ra đi, ai muốn phát triển tài năng đều tìm cách ra nước ngoài. […]. Vì vậy trước hết phải cải cách thể chế, cơ chế quản lý. Cải cách chính trị đi đôi với cải cách kinh tế, cải cách giáo dục. Cần dân chủ hóa chế độ, bài trừ tham nhũng, làm trong sạch bộ máy hành chính. Chỉ trên cơ sở đó thì trí tuệ quốc gia mới có điều kiện phát triển thuận lợi.”

Thật khó mà có thể điểm qua, dù là sơ sài nhất những bài viết vô cùng mẫn tiệp của một bộ óc sáng láng, một tấm lòng đầy thiện chí, luôn canh cánh trong lòng vì dân vì nước của GS. Hoàng Tụy.

Chúng tôi thuộc thế hệ học trò của GS. Hoàng Tụy, tuy không được may mắn thụ giáo trực tiếp giáo sư, nhưng ngay từ cuối thập kỷ 1950, khi từ Trung Quốc trở về, chúng tôi đã được học phổ thông theo sách giáo khoa toán của giáo sư. Giữa những năm của thập kỷ 1960, tôi may mắn trở thành đồng nghiệp trẻ của giáo sư ở khoa Toán Lý, ĐH Tổng hợp Hà Nội. Một hôm đang ở nơi sơ tán Đại Từ, Thái Nguyên, tôi được gọi về Hà Nội và được gửi sang Đức đào tạo. Thật là bất ngờ vì mới ngoài 20, mới giảng dạy được hai năm, không đảng viên, không là cán bộ cốt cán, không là thành phần cơ bản…mà lại được chọn đi đào tạo sớm nhất trong số cán bộ giảng dạy đồng thời.

Trong thời gian ở Đức sau đó, tôi được biết các GS. Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Hoàng Phương… bị đấu tố dữ dội vì tội hữu khuynh trong đào tạo, chỉ trọng chuyên coi nhẹ hồng (mà nghe đâu trường hợp tôi được lấy làm một trong các thí dụ để phê phán). Các GS. Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy bị buộc rời khỏi công việc giảng dạy và điều đi khỏi trường Đại học Tổng hợp. Khi GS.Trần Đại Nghĩa mời các giáo sư. về Viện Khoa học VN thì được tổ chức chấp nhận với điều kiện không được đề bạt làm lãnh đạo chủ chốt. Vì thế mà hồi đó GS. Thiêm chỉ là quyền viện trưởng và GS Tụy làm Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam. Mà thực ra các giáo sư cũng chẳng màng đến công danh, địa vị kiểu này! Sau khi GS Lê VănThiêm mất, GS Tụy làm Viện trưởng. Là một nhà toán học nổi tiếng thế giới, GS Hoàng Tụy đã kế tục GS. Lê Văn Thiêm xây dựng chẳng những chỉ Viện Toán học mà cả ngành toán học VN thành một ngành khoa học dẫn đầu Đông Nam Á và sánh vai cùng các nước lớn trên thế giới. Tôi lại được may mắn làm đồng nghiệp trẻ của Giáo sư tại Viện KHVN, vì GS. Trần Đại Nghĩa lại đề bạt tôi vào ban lãnh đạo Viện Vật lý khi tôi còn rất trẻ, vừa từ Đức về, và không phải đảng viên. Tuy khác ngành nghề, nhưng tôi rất ngưỡng mộ GS Tụy không chỉ về khoa học, mà còn về cách tổ chức lãnh đạo khoa học một cách rất dân chủ, tôn trọng và phát huy tài năng mọi cán bộ có năng lực trong Viện Toán, điều mà Viện Vật lý chúng tôi chưa làm được, khiến tôi rất bứt rứt. Đặc biệt, tôi hâm mộ và học hỏi khi giáo sư phát biểu rất thẳng thắn trong các cuộc họp của lãnh đạo các viện chuyên ngành trong Viện Khoa học Việt Nam. Tiếc rằng mình trẻ tuổi, không có kinh nghiệm nên những cách phát biểu thẳng thắn mà tôi học được ở GS lại gây hại cho tôi.

Nhớ lần năm 1988, Bộ Chính trị gặp gỡ các lãnh đạo khoa học và yêu cầu phát biểu ý kiến, tôi đã dại dột phát biểu đề nghị phải thay đổi thể chế khoa học hiện nay, mở rộng dân chủ, loại bỏ cách quản lý và đối xử với cán bộ khoa học theo kiểu Lưxenko ở Liên xô. Lúc đó, GS Trần Đại Nghĩa đã nghỉ hưu rồi. Sau buổi họp đó tôi lập tức bị lôi ra đấu tố và tiếp sau đó là một chuỗi dài những ngày cay đắng, đến mức tôi xin từ chức lãnh đạo và xin đi khỏi Viện Khoa học Việt Nam hoặc đi khỏi nước VN. May nhờ các đồng nghiệp trẻ trong Phòng thí nghiệm quyết tâm, các giáo sư lãnh đạo lớp trên như các GS Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu, Đào Vọng Đức, Nguyễn Trọng Yêm, Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Văn Chiển… khuyên nhủ và gây áp lực với lãnh đạo, đảng ủy Viện Khoa học Việt Nam mà tôi ở lại, lập nên Trung tâm Vật lý Ứng dụng, nay là Viện Vật lý Ứng dụng và Thiết bị khoa học… Do đó, cá nhân tôi mắc nợ GS. Hoàng Tụy rất nhiều, kể từ khi mới bước chân vào khoa học cho đến giờ.

Thật là may mắn, nay ấn phẩm Tia Sáng xuất bản tuyển tập “XIN ĐƯỢC NÓI THẲNG” của Giáo sư Hoàng Tụy để chúng tôi và hậu thế được hiểu rõ nhiều điều tâm huyết của một nhà toán học lỗi lạc, một trí thức chân chính, một kẻ sĩ hiếm có thời nay. Dù đã viết cách đây khá nhiều năm, nhưng các bài viết vẫn còn mang tính thời sự. Vì vậy, mong ước của tôi là các cấp lãnh đạo hãy đọc những bài này, để nhận rõ rằng “dù mạnh yếu khác nhau, nhưng hào kiệt đời nào cũng có” và dù họ không nắm hoặc không màng đến quyền lực, danh lợi nhưng vẫn có thể giúp ích rất hữu hiệu cho dân cho nước.

Năm nay GS. Hoàng Tụy đã 92 tuổi, xin nhân dịp này kính chúc giáo sư mạnh khỏe, trường thọ.

Trần Xuân Hoài

Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/gs-hoang-tuymot-tri-thuc-lon-mot-ke-si-nang-long-voi-dat-nuoc/20190613034530549p1c160.htm

Comments are closed.