Hai con đường

Truyện Trương Quang

Chị dừng lại ở một ngã sáu, mệt mỏi và thoáng chút hốt hoảng. Chiếc thánh giá bằng đồng đen trên đỉnh chóp ngôi nhà thờ ở cuối con đường thẳng xa tắp, vẫn hiển hiện lừng lững sau nền trời trong xanh không gợn một chút mây, như một cánh tay đưa lên vẫy chào chị. Chị sững sờ nhận ra là nơi mình hiện đang đứng không xa mấy nơi chị vừa rời bỏ sáng nay.

Chị đứng thờ ơ nhìn cảnh náo nhiệt của cuộc sống đang vào đỉnh điểm trong ngày, như hội tụ vào một điểm rồi tỏa ra nhiều hướng theo hình nan quạt. Mặt trời tháng tư hùng hổ đổ lửa xuống những khoảng trống trên mặt đường và ngóc ngách trong những con hẻm xung quanh. Một nhóm xe ôm hờ hững đọc báo hoặc nằm dài trên yên xe, mũ úp mặt tránh nắng trưa chói chang. Một bên má chị vẫn còn bỏng rát, hằn dấu năm ngón tay tàn bạo của chồng tối hôm qua. Chị mím môi, hai tay nắm lại, thêm cương quyết, tiến gần đến một người đứng tuổi trong nhóm, giở nón, nhỏ nhẹ:

“Xin bác vui lòng chỉ cho cháu con đường nào xa nhất…”.

Người đàn ông ngẩng đầu lên nhìn chị, hơi bực mình, nhưng khi thấy dáng vẻ đứng đắn và sự thành thật trong mắt chị, ra dấu cho chị theo mình ra mép đường. Ông đưa tay chỉ về phía trước, giọng pha chút đùa cợt:

“Chị băng qua bên kia đường, đến cuối dãy nhà thứ mười, lên xe buýt số 10, xuống trạm thứ mười, đi bộ một đoạn tới con đường thứ mười, băng qua đường, rẽ sang phía tay trái, tiếp tục đi tới ngõ hẻm thứ mười, rẽ trái, rồi rẽ tay mặt…”.

Khi thấy chị còn ngơ ngác, ông đổi giọng, trấn an:

“Con cứ nhớ số 10 là đủ. Đó là con đường xa nhứt, theo như bác biết”.

Người chạy xe ôm già đứng tần ngần một lúc lâu ở góc đường cho đến khi bóng chị khuất sau dãy nhà cao, rồi yên tâm trở về tựa mình vào thân chiếc xe máy đã rệu rã vì tuổi già như ông,  nhắm mắt mường tượng những bước chân của chị đi vào nơi xa lạ.

Chị bước tới phía trước, theo đúng lời chỉ dẫn của người đàn ông đứng tuổi, văng vẳng bên tai lời nhạo báng lẫn đối chút thương hại của cô bạn đồng nghiệp, một lần khi nghe chị trải lòng tâm sự: “Cái cô này, như người đi trong mây!”. Thật ra, chị không có cách nào khác. Chị không thể dừng lại, quay trở về mà chỉ có thể bước tới. Chị không muốn đã tự mình tách ra rồi trở lại nhập vào cái bóng của chính mình.

Người chạy xe ôm đã cố ý chỉ cho chị đi tránh con đường thẳng dẫn ra trung tâm thành phố; nơi không ít cuộc đời ngây thơ đã rẽ vào những con hẻm cụt với những kết cục buồn thảm. Con đường ông đề nghị sẽ tiếp tục đưa chị về phía trước, sẽ rẽ ngang rẽ dọc như một mê-thất-sống, cho đến khi chị sẽ phải dừng lại một nơi nào đó như một điểm cuối cùng trên lộ trình. Nơi đến là một khu sinh sống dọc ngang như bàn cờ, tập trung đủ loại thành phần ở phần đáy của xã hội, nhưng cư dân ở đấy nghèo (mà không hèn), thành thật và thường có lòng nhân ái.

Ông âm thầm cầu mong cho người phụ-nữ-trẻ-không-quen-biết ấy một lúc nào đó sẽ phải dừng lại vì kiệt sức, được ai đó cưu mang tạm thời, nghỉ ngơi một thời gian cho lòng lắng xuống và cuối cùng sẽ quyết định trở về, theo con đường cũ đã từng đi, như những cuộc đời bình thường khác. Ông cũng đã từng ra đi nhiều lần trong đời, rồi chỉ trở về đứng ở đây, mỗi ngày thờ ơ nhìn một cảnh quan như chưa từng thay đổi. Nhưng đó là một đời người, một sát-na đã được đặt định riêng cho ông, chi li từ điểm khởi đầu cho đến điểm chấm dứt. Ông thản nhiên chấp nhận sống và đi cho hết cuộc đời đó.

***

Nơi chị dừng lại không phải là căn nhà mang số 10 như chị đã tính nhẩm trong đầu theo lời dặn dò của người chạy xe ôm. Đúng ra là khi chị còn đang loay hoay trong cái mê-thất-sống ngang dọc phức tạp đó thì mặt trời đã khuất sau con hẻm cụt trước mặt. Mồ hôi tươm ra ướt cả vạt áo sau lưng chị. Một cơn lạnh tê buốt thình lình truyền qua sống lưng lên tới đỉnh đầu, rồi một màn đen thình lình chụp xuống, khiến chị mất thăng bằng, chỉ kịp với tay nắm thanh cài trên hàng rào trước một căn nhà, rồi quỵ xuống vì kiệt lực và tuyệt vọng.

Khi chị tỉnh lại, nắng đã vào đến tận nơi chị đang nằm. Căn nhà thật vắng lặng, ngoài tiếng chim hót chào nhau buổi sáng, thỉnh thoảng vẳng lại từ những căn nhà bên cạnh. Tiếng động hiếm hoi của ngôn ngữ loài người là do chính chị thảng thốt phát ra khi tỉnh giấc, chợt thấy mình đang nằm trên một chiếc giường xa lạ. Lúc đưa tay kéo tấm mền mỏng khỏi người để đứng lên, chị càng hốt hoảng với một bộ áo quần ngủ trên người không phải của mình.

Chị đảo mắt nhìn một vòng quanh phòng. Bên cạnh giường là một chiếc bàn nhò, có sẵn một chiếc ly cao, một hộp sữa đặc đã khui, một chiếc bình thủy đựng nước sôi và một chiếc dĩa nhỏ với mấy trái cam vàng. Chị tò mò nhìn vào căn phòng mở rộng cửa trước mặt, một thân thể teo choắt nằm bất động trên chiếc giường gỗ tạp cũ. Chị xuống giường, đi chân trần vào phòng, cố ý tạo một tiếng động rõ rệt, nhưng không thấy người nằm trên giường phản ứng. Đó là một người đàn bà rất già, hình như đã ngoài tám mươi, hai khoanh mắt tím bầm, sâu hoắm. Ở đầu giường lòng thòng một sợi dây luồn qua song cửa sổ với mục đích gì đó chị không nghĩ ra. Chị đứng ngắm người bệnh già, đôi mắt lạc thần như không còn của mình, hơi thở yếu như những lời than thở bị giữ nghẹn trong cổ họng, không đủ để tạo thành một âm thanh động vọng sự vắng lặng của căn nhà.

Căn nhà yên vắng như thế cho đến lúc người đàn ông xuất hiện vào giữa trưa với một chồng sách trên một tay và một chiếc giỏ trên một tay khác. Lúc ấy chị đang ngồi ở cái bàn làm việc của anh, giở một vài trang sách đọc cho qua giờ, sau khi đã tự pha cho mình một ly sữa và cảm thấy hồi phục đôi chút. Anh lấy ra từ trong chiếc giỏ mấy chiếc bánh bao, một phần phở đựng trong hộp nhựa, một gói cháo dinh dưỡng và vài hộp sữa chua, mời chị. Khi chị đưa tay chọn một chiếc bánh bao, anh đẩy phần phở và sữa chua về phía chị, chỉ giữ lại một chiếc bánh bao cho mình. Nếu anh không nói kèm “Chị dùng đi” thì chị đã nghĩ là anh bị khiếm âm.

Cả hai ngồi ăn hết phần trưa của mình trong im lặng. Rồi không đợi chị, anh đứng dậy thu dọn những gì còn lại trên bàn đem vào bếp. Chị thật sự lúng túng vì trong suốt thời gian đó hai người không trao đổi một lời nào, như hai nhân vật diễn câm trên sân khấu vì đã có một người nhắc tiếng phát âm phần đối thoại từ một nơi nào đó trước hay sau tấm màn. Một lúc sau chị nghe tiếng anh đi vào phòng của bà cụ, rồi tiếng xe máy nổ ở sân nhỏ dần ra đến dầu hẻm. Chị thẩn thờ tự trách mình đã chưa nói được lời cám ơn và tệ hơn nữa, chưa biết được cả tên của ân nhân mình.

***

Khoảng nửa giờ sau khi anh rời nhà, người đàn bà láng giềng sang. Chị Tư, như tự giới thiệu, kể là từ hai năm nay người bệnh già đã mất trí nhớ,  nằm liệt trên giường như một thân cây khô vô hồn, không còn khả năng nhận biết và thể hiện nhu cầu, nên tiếng chuông kêu báo động qua sợi dây treo đầu giường bà không một lần vang lên, cho đến chiều hôm qua.

Khi chị đặt tay lên cổng hàng rào là lúc anh tình cờ đang đứng trước hiên nhà nhìn những đám mây xám dồn dập kéo về, dọa đổ xuống một cơn mưa lớn. Anh chỉ kịp đỡ người chị, trước khi chị ngã xuống, mê man. Láng giềng xung quang, kể cả chị Tư không kịp mục kích khoảnh khắc ngắn ngủi đó. Rồi cơn mưa hối hả ập xuống, rầm rập trên mái tôn, ngập úng cả con hẻm, đã xóa đi tất cả những dấu vết của những gì đã xảy ra trong một chớp nhoáng và bắt đầu ghi nhận những hình ảnh mới. Trong ánh chớp của những tia sấm sét, anh đã lặng lẽ đỡ chị lên, bồng chị vào nhà, đặt chị xuống chiếc giường trống trong phòng và kéo dây chuông báo động cho chị Tư sang giúp thay quần áo (mượn tạm), thu xếp chỗ nằm tươm tất, trong lúc chị vẫn triền miên ngủ.

***

Hằng ngày chị Tư vẫn sang chăm sóc người bệnh già và đảm trách những công việc khác cho căn nhà vẫn còn thiếu một người nội trợ. Chị có chìa khóa riêng để vào nhà khi cần, nhưng hai cánh cửa chính và cửa sổ căn nhà luôn luôn mở toang. Từ nhà mình, chị Tư có thể nhìn thấy toàn cảnh của căn nhà trước mặt luôn vắng bóng và tiếng người đã hơn hai chục năm nay. Chị Tư khoảng gần năm mươi, có lẽ là người duy nhất trong cái hẻm cụt này biết rõ từng ô vuông trong căn nhà và thỉnh thoảng có trao đổi ngôn ngữ với người đàn ông chủ nhà, nhất là sau khi bà cụ không còn khả năng nhận biết nữa.

Thật ra anh cũng có khuyết tật, nhưng không phải là anh không nói được. Vào những giờ cuối cùng của một trận chiến trên đất nước láng giềng, một viên đạn vô tình xuyên qua bụng, luồn theo sống lưng, rồi dừng lại, nằm im ở đó như đạt tới đích tiền định. Khi anh được đồng đội đưa về bệnh viện dã chiến gần nhất ở vùng biên giới, viên đạn được lấy ra, anh không mất đi mạng sống, nhưng đã vĩnh viễn mất đi cái khả năng duy sinh giống đực của mình. Anh giải ngũ về với người mẹ đơn độc ở căn nhà yên vắng này, trở thành hai chiếc bóng vờn nhau trong một vở múa rối sau màn phông vải bạc úa màu.

Nỗi vui mừng thoát chết đã không có cơ hội vỡ òa trong niềm vui đoàn tụ và cũng chưa bao giờ đánh lùi được nỗi chua xót của một cuộc đời không còn ý nghĩa và nguồn sống, dù anh và mẹ chưa bao giờ chạm đến điều này và cũng chưa bao giờ nghi ngờ về tình yêu mẫu tử. Anh hầu như không tiếp xúc với ai nữa và ít khi mở lời, ngoại trừ với chị Tư, trong những lần nhờ vả bất ngờ, như sự xuất hiện đầy kịch tính của chị chiều hôm qua.

***

Chị nằm trên giường, hít thở mùi chăn chiếu lạ lẫm, nghĩ đến người đàn ông đang nằm ở phía bên kia (đã ngủ hay đang trằn trọc như chị), người đàn bà láng giềng, người bệnh già liệt mất trí nhớ, và cả người đàn ông chạy xe ôm; những mảnh đời đã được nối kết tình cờ (và kỳ diệu) như những nốt thắt trên cùng một tấm mạng nhện đời phức tạp.

Những lúc chị Tư láng giềng chưa sang, chị thường nằm miên man nghĩ về nơi mình vừa rời bỏ. Ngôi nhà (gia đình) chị đang sống giống như đã được treo bán từ lâu nhưng không có ai ngó ngàng tới. Chị đã đi ra/đi vào, ăn uống, ngủ ngáy, sinh hoạt hằng ngày (kể cả trao đổi tình dục) với chồng, như một người khách lạ. Chị không thấy thân quen, gần gũi với hơi hướm, màu sắc và vị trí của những đồ vật bao quanh, chỉ một khoảng thời gian ngắn sau khi chị lấy chồng. Chị cũng dã từng yêu (hay cái gì đại loại như thế) và ước muốn được thành hôn và trở thành người vợ của người đàn ông đó, nên chẳng thể trách móc ai được, nhất là tự nghi ngờ cảm giác và sự chọn lựa của chính mình. Nơi đã treo bảng ‘nhà bán’ từ mấy năm nay đó, đáng lý ra phải là chốn nương/ẩn thân vĩnh viễn của chị, nhưng chị vẫn tiếp tục lơ lửng sống như một cái bóng trong đó, bồng bềnh trong mây, vì chị không có bất cứ một địa chỉ nào khác. Người chồng và nơi chị đang trú là địa chỉ duy nhất trong thành phố mênh mông và náo loạn này, kể từ khi chị rời cha mẹ ở miền Trung, vào đây mưu sinh một mình.

***

Chị không đẹp lồ lộ mãn khai, nhưng chị chứa chất một nguồn duyên dáng tiềm ẩn, một thân thể đầy đặn, khỏe mạnh đủ để chu toàn bổn phận duy sinh của một người đàn bà theo đúng nghĩa hạnh phúc bình thường. Nhưng chị có hai điểm yếu mà người chồng không chấp nhận được: chị muốn và thèm một đứa con đến sốt ruột và chị không chịu được (chẳng phải ghen tuông) cái mùi thói thời tổng hợp của bia rượu, thuốc lá và nước hoa rẻ tiền vương vấn trên áo, trên cổ, trên tóc và có khi cả trên môi, khi người chồng trở về giữa đêm khuya. Chị không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần đứng tựa cửa trông ngóng chồng như thế, từ sau buổi cơm chiều nguội lạnh, một mình.

Thật ra chị không cần sự dũng mãnh, hào phóng ban phát của người đàn ông. Chị chỉ cần một chút tích lũy loăng quăng nhưng lành mạnh, đủ sức bứt phá, gạt lại đằng sau đám lau nhau cùng trang lứa,  nhanh tay chụp lấy một trong những vật tròn tỏa ánh sáng lung linh đang há hốc miệng chờ đợi ở cuối đường hầm đang rung lên rầm rập, hội nhập, hòa tan, rồi kết tụ lại, để khởi tạo một mầm sống mới. Chi đã thử tất cả những phương cách được cho là hiệu quả nhất để tạo cho được cái mầm sống đó, kể cả bỏ công việc ở nhà giữ trẻ, để mỗi ngày không còn phải ôm những thân thể bé bỏng ngạt ngào mùi sữa không phải của mình, mà mơ tưởng.

Chị đã kiên nhẫn dò tìm những thời điểm thích hợp, tạo dáng khiêu khích gợi tình, rướn mình đáp ứng trong những lần gần gũi với chồng. Chị cũng nhắm mắt, khép chân, cố giữ lấy chút nhòe nhoẹt trơn tru lạnh lẽo giữa hai đùi, cố chịu đựng sự vùi dập phả xuống hơi thở nặng mùi bia rượu chị chưa thể quen được, cố nhắm mắt mơ màng nghĩ đến một chút gì rất bé bỏng đang bắt đầu cựa quậy trong thâm sâu tử cung mình. Nhưng những cuộc vui sau giở làm việc của người chồng đã làm khô queo sinh lực và niềm hy vọng (luôn luôn như lửa rực cháy) của chị, mặc dù chị đã dồn hết sức lực và tâm trí vào đó, trong suốt nhiều năm trời, đến mỏi mòn.

***

Cuối cùng chị cũng thuyết phục được chồng đến phòng mạch của một bác sĩ chuyên khoa. Sau cuộc chẩn bệnh và thử nghiệm đủ loại, người bác sĩ (đã có lần tu nghiệp ở nước ngoài) chậm rãi tháo cái kính cận đang đeo đặt xuống bàn, trầm ngâm một chút, cố sửa giọng chuẩn nói một câu tiếng Anh với chị và người chồng: “It takes two to tango”. Khi thấy cả hai tỏ vẻ không hiểu lời ví von của mình, ông dịch thẳng ra tiếng Việt: “Cần phải có hai người để nhảy một bản tango, phải không?” và cười hóm hỉnh. Chị vẫn không hiểu cái ý sâu sắc của người bác sĩ cho lắm và hoàn toàn không biết khiêu vũ, nói chi đến một điệu nhảy huê dạng gợi tình từ cuối vùng Nam Mỹ xa xăm kia. Nhưng thông điệp của người bác sĩ đã xác định một điều chị không muốn và chị đã quyết định không thử đề nghị nhận cấy tinh trùng của người khác, mặc dù chồng chị dứt khoát không thể là ‘bạn nhảy’ để tạo thành một ‘cặp đôi hoàn hảo’ cho điệu nhảy kỳ diệu đó. Chị không muốn nuôi dưỡng trong nơi sâu thẳm rất riêng tư của mình một ‘mầm sống’ của một người lạ. Rõ ràng là chị vẫn còn quá thơ ngây và trung trinh của một người đàn bà miền Trung truyền thống, mặc dù những giá trị hời hợt đó đã như một lớp áo giấy mã màu mè càng ngày càng tan biến đi như bọt biển, ngay ở chính quê hương của chị.

Hôm qua chị đã nói ra điều đó khi anh xiêu vẹo bước vào nhà. Chị ngạc nhiên thấy mình không mảy may giận dữ, la hét, cào cấu, hay nguyền rủa chồng khi nhận cái tát tai tàn bạo của chồng. Chị đã lặng lẽ vào phòng và đã lặng lẽ bỏ đi sáng hôm sau, khi người chồng bắt đầu một ngày thường lệ với tiếng xe máy ra đi vào buổi sáng và cái mùi tổng hợp tởm lợm trên người khi trở về vào giữa khuya. Chị đã chạm đáy của sự chịu đựng và tuyệt vọng và thực sự  không còn gì để mất nữa. Và vì thế, chị dứt khoát rời bỏ căn nhà đã ‘rao bán’ đó vào sáng hôm sau.

***

Cho đến ngày thứ ba, chị vẫn chưa có dịp nói chuyện với những cái ‘bóng’ khác trong căn nhà, ngoài những câu trao đổi thường tình với chị Tư láng giềng. Không ai đặt những câu hỏi hiếu kỳ thông thường: Ai? Cái gì? Tại sao? Thế nào?… để chị trả lời hay giải bày. Sự hiện hữu tình cờ của chị tựa chỉ như một giọt nước được góp thêm vào một khối lượng nước chung vốn đã mênh mang, không gợn một chút lăn tăn nào trên mặt hồ yên vắng. Hai cái bóng trong căn nhà đã chấp nhận sự cộng thêm của một cái bóng mới, như một điều hiển nhiên, rất bình thường.

Thường thì chị Tư láng giềng mỗi ngày ghé sang hai lần sáng chiều để dọn sạch sẽ, làm vệ sinh cho bà cụ, hay mớm vài muỗng cháo dưỡng sinh vào cái miệng nhăn nhúm của người bệnh liệt hầu như không còn muốn mở ra nữa. Người đàn ông không nấu cơm nhà, thường ăn cái gì đó trên đường. Sự hiện hữu tình cờ của chị chỉ tạo vài xáo động nhỏ trong cái không gian vắng lặng cố hữu, như một chiếc đồng hồ đã ngừng quay từ lâu.

Những ngày kế tiếp, mỗi sáng chị bắt đầu chuẩn bị những món ăn lỏng và nhẹ cho người bệnh già, tỉ mỉ lau sạch lưng của người liệt để tránh bị lở lói và ăn cơm trưa với chị Tư (anh không bao giờ về nhà nghỉ trưa). Khoảng bốn giờ chị đã chuẩn bị sẵn sàng buổi cơm chiều và chờ anh. Chị làm những động tác đó một cách vô thức, theo chức năng thường tình của một người đàn bà, như để biện minh cho sự hiện hữu của mình trong căn nhà vẫn còn quá xa lạ với chị. Anh thường nhẹ nhàng cám ơn chị khi chị so đũa và tiếp thức ăn vào chén mình. Sau vài lần như thế, chị bắt đầu cảm nhận được vài biến chuyển trong ánh mắt của anh và cảm thấy một sợi dây liên cảm nhỏ mỏng bắt đầu nhen nhúm giữa hai người.

Một tối, chị lựa một cuốn trong chồng sách anh đã cho mượn, giở một vài trang. Anh vẫn ngồi ờ chiếc bàn mải mê với công việc biên tập hàng ngày cho một nhà xuất bản. Cách mô tả hơi khác lạ và giọng văn lém lỉnh của tác giả của cuốn sách về đặc tính của những người-con-trai-phố-cổ, khiến chị mỉm cười. Đột nhiên, anh đến bên chị.

“Chị biết không? Chị nên cười thường hơn nữa. Khi mỉm cười, chị có một khuôn mặt khác hẳn”.

Chị hơi bối rối vì nhận xét bất ngờ của anh. Đó là lần đầu tiên anh nói chuyện với chị ở một khoảng cách khá gần gũi.

Cả bà cụ liệt mất trí hôm đó cũng tự nhiên ngẩng khuôn mặt ngây ngô của một trẻ thơ, mỉm cười với chị. Đó là những đổi thay nhẹ nhàng mà chị không dự tính, nhưng hôm ấy chị như ‘đi trong mây’ vì một niềm vui nhỏ mơ hồ như một cánh hoa đang từ từ nở ra trong lòng.

***

Ngày hôm sau, khi chị kể cho chị Tư về giây phút tiếp xúc hiếm hoi đó, chị Tư đưa tay vuốt nhẹ những lọn tóc dài, óng mượt của chị:

“Đúng vậy, em phải cười thường hơn. Cười sẽ giúp em cởi bỏ được những nghi kỵ, ghét bỏ, ghen tương… và mở ra nhiều cánh cửa mới, bớt ngột ngạt. Em sẽ thấy nhẹ lòng hơn nhiều”.

Chị ngắm những vết nhăn quanh đuôi mắt của người đàn bà đã qua tuổi xuân, ái ngại:

“Chị có thấy…”.

Chị Tư nhìn thẳng vào mặt chị. Hai mắt rực đỏ như hai đốm lửa:

“Em muốn hỏi chị có sợ không à?”.

“Không, chị không còn sợ điều gì ở tuổi này nữa. Chị chỉ sợ cái bóng của chính mình, càng ngày càng to ra, mà thân xác của mình thi càng thu nhỏ lại”.

Chị cúi đầu thì thầm “cám ơn chị”, như tự nói với chính mình.

Chị Tư sống ở căn nhà phía trước mặt ở phía bên kia con hẻm hẹp, chỉ cần giang tay ra cũng có thể đụng vào mái hiên bên kia. Người đàn bà sắp bước vào tuổi già nua đó, mỗi sáng thức dậy đứng nhìn sang bên kia, vẫn thấy mình còn ôm với một ước mơ thầm kín (và có lẽ là ước nguyện duy nhất trong đời), ấp ủ từ mấy chục năm nay. Chị nhìn những cọng tóc bạc ló ra từ hai vành tai của người đàn bà, thầm nghĩ cuộc đời của hai người có khác gì những căn nhà nổi, tự nguyện nâng cao theo mức nước triều dâng. Đến lúc nhìn xuống, xót xa thấy cả một khoảng trống mênh mông so với mặt đất nguyên thủy.

***

Đêm thứ ba sau lần nói chuyện ngắn ngủi với anh, chị nghĩ là mình có đủ lý do để vào phòng của anh. Bóng đêm và sự vắng lặng của căn nhà đã giúp chị thêm can đảm. Chị lặng lẽ ngồi ghé vào mép giường bên anh. Anh vẫn còn thức nhưng không tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy chị.  Chị cúi xuống sát mặt anh, gần đến nỗi có thể thấy mồn một đôi mắt đỏ lựng của mình như hai cục than bừng bừng nhấn xuống và chìm nghỉm trong mặt hồ vắng lặng bên dưới. Chị nhẹ nhàng mở hai nút áo, úp bầu vú đầy sinh lực của một người đàn-bà-chưa-một-lần-sinh-nở, lên môi anh. Hai đầu vú chị căng ra, truyền những luồng điện gấp rút dồn về phía ngực trái của chị. Chị nhắm mắt lại, mong chờ. Nhưng những giây phút hưng phấn đó đột ngột ngừng lại. Anh đã quay mặt đi.

Chị biết là anh không muốn và không thể đáp ứng sự hiến dâng thành thật và trong sáng của chị, nhưng vẫn thấy não lòng và hơi tủi hờn. Chị đưa tay ôm lấy khuôn ngực trần âm thầm đi về phòng. Chị nằm im lặng để mặc hai cánh áo mở toang, một nửa thân thể lõa lồ, nhưng tuyệt nhiên không cảm thấy xấu hổ chút nào. Trong bóng tối, chị biết có tám con mắt đang trăn trở, thao láo nhìn lên trần nhà vào lúc ấy; sáu con mắt bên căn nhà này và hai con mắt ở bên căn nhà kia.

Anh đi vắng cả ngày và chỉ trở về vào chiều hôm đó. Chị cũng đã ngồi trên giường suốt buổi chiều, hoài hũy nhìn xuống hai bàn chân của mình. Anh gõ cửa phòng, đặt chiếc điện thoại di động trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường, nói nhẹ nhàng:

“Chị gọi cho anh đi. Đừng để cho anh ấy chờ đợi lâu, lo lắng thêm”.

Anh tế nhị đi ra và chị nghe tiếng xe máy nổ ngoài sân. Chị nhìn vói theo ra cửa, lạ lẫm. Anh không có thói quen rời nhà sau buổi cơm chiều bao giờ. Chị ngồi nhìn chiếc điện thoại như một vật lạ và một nỗi lo sợ mơ hồ dâng lên trong lòng, khiến chị rụt tay lại không dám đụng đến nó. Đã đến lúc chị phải trở về nhà rồi ư?

Thật ra, chị không cần một nơi trú ẩn tạm thời. Điều chị cần là một khung cảnh đầm ấm tựa như một cái gì ổn định, lâu bền. Đó không phải là một giấc mơ hay một điều ước muốn, mà một phân cảnh sống rất bình thường của một cuộc-đời-bình-thường, như kiểu sau buổi cơm chiều ‘cha thì đọc báo, mẹ thì khâu vá, các con thì học bài, hay xúm quanh bà để nghe chuyện cổ tích…’. Nhưng ngay cả trong căn nhà chị đã sống qua gần một tuần nay, mặc dù đã giúp cho lòng chị lắng xuống, trả lại chị sự bình an cho tâm hồn một phần nào,  chị cũng chỉ đi ra/đi vào với những niềm hạnh phúc mong manh như ảo giác không thuộc về mình. Cuối cùng chị vẫn phải quay lại phía sau, đạp lên những bước chân cũ của chính mình,  vì phía trước không kết nối, không hòa chung được với những điều ước muốn, như chị đã thầm nguyện bấy lâu nay.

Chị cầm chiếc điện thoại lên và bấm số của người chồng. Mười con số chị nhớ nằm lòng, nhưng không quen thuộc, và chưa bao giờ gọi một lần nào.

***

Người chồng đến khoảng một giờ sau khi chị gọi. Anh dựng xe đứng chờ, không vào nhà như chị Tư mời. Chị lặng lẽ vào buồng tắm thay bộ áo quần cũ của mình như khi đã đến, rồi đi vào phòng của bà cụ, quỳ xuống, ôm lấy hai bàn tay của bà, giữ thật lâu trên môi mình. Những ngón tay khẳng khiu, chỉ còn chút da khô, không còn một chút sinh khí để an ủi, níu giữ chị lại như chị mơ hồ trông chờ.

Anh vẫn ngồi ở chiếc bàn với những tập giấy và sách, như không hề cử động từ buổi sáng. Chị đến gần anh và muốn vòng tay ôm lấy anh từ phía sau, nhưng chỉ nói thật nhanh:

Tạm biệt anh!”.

Anh không quay đầu lại, tiếng nói như phát ra từ phía sau lưng anh:

“Không, phải là vĩnh biệt. Chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nhau lần nào nữa”.

Giọng anh thấp và nhẹ, nhưng trong sự vắng lặng của căn nhà, chị nghe rõ mồn một như được khuếch âm lên nhiều lần. Chị hơi ngẩn người, nhưng chỉ lẳng lặng đứng nhìn lưng anh một lúc, rồi quay ra cửa. Chị biết là anh không muốn có một cuộc chia ly bi thảm kiểu thông thường. Chị lại càng không muốn. Thật ra, không một cái bóng nào trong căn nhà này muốn thế cả.

Đây là lần cuối cùng chị nói chuyện với anh, nhưng không được nhìn thấy mặt anh để biết thật sự anh có cảm xúc gì không, khi nói ra những lời có vẻ vô tình ấy. Chị biết đã đến lúc chị phải ra đi, trả lại căn nhà sự yên tĩnh cố hữu của nó. Chị đã đến như một cái bóng, nhẹ nhàng hòa vào những cái bóng khác trong căn nhà yên vắng này và bây giờ chính chị đứng nhìn cái bóng của mình nhập trở lại vào chính thân xác của chính mình; một cuộc tái sinh của chính cuộc đời chị.

Chị bước vội vàng ra cửa, cố ghìm để không bật khóc và cảm thấy vài giây phút thật bình yên trong vòng tay ấm áp của chị Tư, đang đứng chờ tiễn chị ở hàng rào. Dưới nắng sớm, bóng của người chồng đổ xuống một bên của chiếc xe gắn máy, che khuất phần còn lại của con hẻm nhỏ.

Chị lẳng lặng leo lên yên sau xe, hai tay trống trải đặt hờ hững trên đùi. Không một câu hỏi, cũng không một lời giải thích. Tất cả như không hề có gi xảy ra trong quãng thời gian hơn 160 giờ vừa qua. Khoảng không gian từ nhà chị và căn nhà trong cái hẻm cụt như chưa từng thay đổi. Chị vẫn chưa mường tượng được vị trí và chiều dài cụ thể của nó trong lòng một thành phố luôn luôn hối hả trên một vòng xoay chóng mặt.

***

Chiếc xe quay đầu hướng ra đầu hèm, theo đúng hướng chị đã đi theo và đến đây một tuần trước đó. Bất giác, một cách vô thức chị vòng tay ôm lấy hông của chồng.

Chị cầu mong lát nữa đây khi chị mở cửa, bước vào đứng giữa căn nhà của chính mình, chị sẽ có được cảm giác bình an của một người vừa đi du lịch xa trở về. Chị sẽ thở ra yên tâm vì mọi đồ vật trong nhà đều vẫn ở nguyên vị trí cũ, yên phận như cuộc đời chị, dù có hơi buồn và đơn điệu.

Mọi sự tưởng như đã chấm dứt khi chiếc xe ra đền đầu hẻm. Chị quay đầu nhìn lại phía sau, hai mắt sáng long lanh. Cuối cùng, chị đã có thêm một địa chỉ, ngoài cái địa chỉ độc nhất mà chị đã biết cho đến khi chị suýt rời bỏ nó. Chị như vừa trải qua hai cuộc đời, không nối tiếp nhau, mà đi song song trên hai con đường. Nhưng cuối cùng hai con đường đó cũng sẽ nhập làm một. Duy nhất và độc đạo như số phận của một cuộc đời thường. Chị không có sự chọn lựa và cũng chẳng thể khước từ.

Trở về. Hai thanh âm phát ra từ môi nghe thật bình thường và hơi ngây ngô, nhưng chị cứ ngỡ như mình vừa qua khỏi cửa địa ngụcthiên đàng.

2014

Comments are closed.