HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000

(Thời biến đổi gien)

Kỳ 12

Bùi Ngọc Tấn

Đúng là khó thật. Bởi vì một ngôi biệt thự như vậy không thể trao lại để nó là tài sản của một người dân thường nào đó. Lại càng khó khi tôi nghe người ta nói ngôi nhà ấy đã được chia cho hai ông Xuân Thuỷ và Nguyễn Thành Lê, cả hai vị này đều đã bán rồi. Cuộc đời luôn là như vậy. Mỗi người một số phận. Trong số những chiến sĩ tình báo của ta có những người chói lọi vinh quang như ông Nhạ, ông Ẩn, những người cuối cùng còn được hưởng ít nhiều quyền lợi tinh thần, vật chất — dù vẫn bị đối xử đầy cảnh giác cách mạng, bao vây, theo dõi… Cũng còn nhiều người chưa tiện ra ánh sáng. Có người bị quên lãng trong bóng tối. Nhưng chắc chắn hiếm người như anh Phổ. Tận tụy trung thành với cách mạng. Rồi bị cách mạng đầy ải gần hai mươi năm. Và cuối cùng khi mắt loà sắp chết, được minh oan trong bóng tối. Những người như anh cần phải có một tượng đài. Một tượng đài để mãi mãi ghi lòng khắc cốt không chỉ nỗi đau của một con người, nỗi đau của cả một dòng họ, mà còn để nhắc nhở từ nay không bao giờ được để xẩy ra những thảm cảnh tương tự.

Trong khi chưa có tượng đài cho Nguyễn Văn Phổ, tôi muốn giữ nguyên tên anh như một bàn thờ tưởng niệm anh mà không được. Cao Giang kiên quyết không đồng ý, vì đây là tiểu thuyết, anh nói vậy. Anh còn đọc cho tôi nghe câu chuyển tiếp cho mạch truyện khi Nguyễn Văn Phố không còn là con Nguyễn Văn Vĩnh, không còn là anh cùng cha khác mẹ với Nguyễn Nhược Pháp([1]).

Thế là tôi phải đổi hết tên bè bạn, chỉ còn duy nhất một tên Dương Tường. Nhưng tôi nghĩ nhiều người đọc nó vẫn nhận ra nguyên mẫu. Chẳng qua tôi muốn có một văn bản chân thực của một thời. Tôi muốn nhấn đến tính xác thực không ai chối cãi được của quyển tiểu thuyết. Cũng là một lời nhắn nhủ các nhà văn rằng các bạn ơi, các bạn bịa đặt ra nhiều điều giả dối quá chừng. Rồi cứ đi tranh luận với nhau về những học thuật cao siêu, hội thảo toàn những đại trí thức, đại văn hào, đầy suy tư trách nhiệm, tổng kết thành những cẩm nang chế tạo tiểu thuyết hay, mà quên mất điều cơ bản: Phải chân thực. Muốn chân thực phải dũng cảm. Lại càng phải dũng cảm khi nền dân chủ nước ta còn đang ở bước phôi thai.

Tôi mang bản thảo về Hải Phòng, sửa ngày sửa đêm với bao hy vọng. Không chỉ sửa tên người mà sửa cả tên đất. Để không chỉ định một tỉnh một thành phố, một địa phương nào cả. Như bến Bính thì sửa thành bến Tắm, Thuỷ Nguyên thì đổi thành Thanh Nguyên…Vừa sửa vừa nghĩ giờ đây chẳng ai được coi là nhà văn tiêu biểu cho một vùng đất nào. Như Nguyên Hồng từng được coi là nhà văn của những người vô sản lầm than Hải Phòng. Cái ông thị trưởng, ông đốc lý Hải Phòng ngày trước không đưa Nguyên Hồng vào tù, ra toà về tội đã vu cáo, bịa chuyện nói xấu thành phố ông ta cai trị thì cũng là lạ thật…

Trong những tên đất phải thay có một tên làm tôi đau như phải đổi tên Nguyễn Văn Phổ thành Nguyễn Văn Phố vậy. Đó là tên nhà tù ở Hải Phòng. Nó vốn không có tên, nằm trên bờ sông Lấp trên đường Trần Phú — nay là Nguyễn Đức Cảnh — mang số 175. Người Hải Phòng gọi nó với cái tên Trần Phú, Trại giam Trần Phú, nhà tù Trần Phú. Rất hồn nhiên vô tư, không ngụ một ý gì ẩn đằng sau. Thằng X lâu nay không thấy nó lại nhỉ? Vào Trần Phú rồi! Hay: Làm ăn như thế vào Trần Phú có ngày. Thằng A sớm hay muộn cũng vào Trần thôi. Trần đây là Trần Phú, là nhà tù. Chuyển trại giam Trần Phú thành Trại 75 thật chẳng ra làm sao, mất hết nhịp điệu câu văn. Ví như khi Nguyễn Văn Tuấn trở lại trại giam Hải Phòng: Thế là hắn lại được trở về Trần. Trần đây là trại giam Trần Phú, còn có thể hiểu là trần thế. Thế là hắn lại được trở lại 75. Câu văn chết cứng, còng queo như một cành củi khô.

Chưa đầy một tuần lễ, tôi trở lại nhà xuất bản với tập bản thảo đã sửa. Trong quá trình làm việc về tập sách, gặt hái lớn nhất của tôi là hiểu thêm các anh biên tập, là có thêm những người bạn mới. Trước hết, anh Phạm Đức. Người thấp đậm, nụ cười hiền lành, vẻ mặt đôn hậu, anh là hiện thân của một mẫu người mà mới gặp lần đầu ta đã tin ngay. Dáng vẻ như thế, khuôn mặt như thế, nụ cười như thế, cách nói năng từ tốn nhẹ nhàng như thế không thể làm điều ác. Cho đến sau này, khi sách đã in và còn đang rối mù lên vì cả mớ tin đồn về việc xử lý tập sách cũng như xử lý các anh, nhìn Phạm Đức, tôi nửa đùa nửa thật:

– Anh Đức có vào trong ấy cũng lại được gọi là Vịt Bầu như tôi mất thôi.

Rồi anh Cao Giang, một người lão luyện trong nghề xuất bản, đã nhiều năm làm việc ở các nhà xuất bản Liên Xô để cho ra đời những tập sách tiếng Việt in ở Mạc Tư Khoa, những tập sách bìa cứng, gáy cong, giấy đẹp có trong tủ sách của tôi do các con tôi mua — làm sao có thể trách con về một việc làm như vậy, đã mang về nhà những quyển sách như vậy: Chuyện Núi Đồi Và Thảo Nguyên, Đất Vỡ Hoang… Thận trọng, cân nhắc, suy nghĩ trên từng chữ, từng ý. Nghĩ sẵn những câu đỡ đòn nếu tập sách sau khi in có thể bị đánh. Một người dũng cảm, rất tôn trọng tác giả, tôn trọng những điều tâm huyết của tác giả. Chẳng hạn như anh bảo tôi:

– Sẽ có người nói sao lại toàn cảnh tù oan ức. Chúng ta sẽ nói với họ rằng: Trong sách có nhiều người tù có tội. Như Giang, như Sơn, như anh lính đào ngũ, như Đỗ… Tập sách này không nói về chủ đề ấy mà nói về chuyện tập trung cải tạo…

Làm việc với Cao Giang, tôi luôn nghĩ: Anh với tôi là một, chúng tôi cùng chịu trách nhiệm về tập sách, anh cùng chịu trách nhiệm với tôi về những điều tôi viết. Trong tay anh không có những dao kéo để cắt xén. Anh chỉ có những suy nghĩ trong đầu, những suy nghĩ đồng điệu với những suy nghĩ của tôi. Nếu có phải sửa thì chỉ là sửa thế nào để vẫn công bố được những ý tưởng ấy mà không bị đòn.

Một biên tập viên nữa không dính dáng đến tập bản thảo của tôi, nhưng đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc. Đã đem lại cho tôi biết bao sự động viên và lòng tin yêu cuộc đời. Gặp anh, những người bi quan nhất cũng dễ dàng nhận thấy cuộc đời dù khốn nạn đến đâu cũng vẫn còn những người tốt, những người trung thực, vẫn còn đáng để ta làm một cái gì cho nó. Lê Hùng!

Lê Hùng sôi nổi nhiệt tình! Lê Hùng sôi sục khao khát những tiến bộ, những điều tốt đẹp đến với đất nước với nhân dân, với nghệ thuật, một khát vọng dù đã cố kìm nén nhưng vẫn lộ ra qua từng ánh mắt, từng nét mặt. Lần đầu tiên gặp tôi, anh reo lên. Anh xuýt xoa. Anh hỏi tôi lên bao giờ. Anh nói về tập bản thảo của tôi. Anh hỏi chuyện vợ con tôi. Anh nói về những tập bản thảo rất hay nào đó gửi lên nhà xuất bản, cũng là những thân phận người quăng lên quật xuống, những lưỡi dao mổ trích vào cái khối u mất dân chủ hiện nay. Anh đi tìm giám đốc, tìm Lam Luyến, gọi điện thoại đến những bạn bè tôi vốn dĩ khá đông ở Hà Nội để tôi nói chuyện…

Những lần khác, có việc hay chỉ ghé qua thăm các anh, cứ thấy tôi túi tắm bước vào là Lê Hùng ngừng mọi công việc, ra xa lông pha trà mời tôi. Anh thông tin nhanh cho tôi những diễn biến mới nhất về tập bản thảo. Anh thổ lộ:

– Lam Luyến mang bản thảo của anh về, tôi mượn đọc ngay. Khi ấy giám đốc còn chưa đọc. Tôi đọc một mạch anh Tấn ạ. Đọc cả đêm. Đọc xong, ám ảnh. Không sao đọc được quyển khác. Dù là những cuốn tôi đang biên tập dở. Thú thật với anh Tấn là đọc quyển này, Lê Hùng mới biết anh Tấn. Lại biết trước đây anh cũng ở Trung Ương Đoàn. Vinh dự quá. Những cuộc đời như anh nhiều lắm. Có một ông đại tá…

Anh kể cho tôi nghe cuộc đời đau khổ oan khuất của ông đại tá ấy. Nó đã biến thành tập bản thảo nằm ở chỗ các anh. Còn một quyển tiểu thuyết nữa, quyển Đá Vàng của Dũng Hà. Anh có biết Dũng Hà không nhỉ? Thiếu tướng nhà văn quân đội. Nguyên tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Cũng ghê lắm…

Anh lại xuýt xoa. Ôi! Lê Hùng! Fan của tôi! Tifosi của tôi! Anh mới cuồng nhiệt làm sao. Anh nói nhất định sẽ xuống Hải Phòng thăm tôi, thăm vợ chồng tôi. Phải xem cái buồng của tôi, xem già Đô ngủ ở chỗ nào… Lê Hùng đã xuống Hải Phòng thăm tôi, xem cái buồng của tôi. Nhưng đó chỉ là mục đích phụ. Anh xuống tôi khoảng hai tháng sau khi sách in xong. Để báo cho tôi một tin mới. Vẻ mặt anh vừa xúc động vừa nghiêm trang:

– Hôm qua Chuyện Kể Năm 2000 của anh đã bị nghiền, ngâm thành bột rồi. 826 bộ.

Anh im lặng. Và thở dài thuật lại quá trình tàn sát huỷ diệt ấy:

– Chính Lê Hùng có mặt. Lập biên bản từng khâu một. Số sách tập một. Số sách tập hai. Tập hai ít hơn tập một một dây sách. Hai mươi quyển. Người của Cục Xuất Bản, người của nhà xuất bản, người của nhà in ký biên bản số sách đưa nghiền. Rồi ký biên bản sau khi đã nghiền xong, thành bột. Ký biên bản khi bột đã ngâm trong bể át xít. Từng công đoạn một. Xong xuôi tất cả mới được ra về.

Tôi không ngờ tập tiểu thuyết của tôi được hưởng vinh dự như vậy. Có lẽ là tập sách duy nhất được lập biên bản thi hành án như thi hành án người bị dựa cột ([2]) với khâu cuối cùng là bác sĩ khám nghiệm tử thi và chôn cất. Vẻ mặt Lê Hùng càng xạm lại:

– Lê Hùng xuống, trước là để thăm anh chị và các cháu.Và cũng để báo anh tin ấy. Không muốn gọi điện.

Chuyện về vụ nghiền sách thành bột này nhân tiện nói vậy thôi. Xin trở lại với việc sửa bản thảo.

Tôi đem bản thảo sửa lần thứ nhất lên và rất hoang mang khi thấy anh Cao Giang cứ để nguyên cả hai tập trên mặt bàn làm việc với cái tên tác giả, tên sách chiềng trước mắt mọi người.

– Anh cho vào tủ đi. Để thế này nguy hiểm lắm. Chỉ khi nào làm việc anh hãy để nó lên bàn.

Cao Giang vui vẻ làm theo ý kiến tôi:

– Tôi vẫn làm như anh bảo đấy. Cẩn thận lắm. Thế mà khi bản thảo mới gửi đến tôi được mấy ngày, Trần Đăng Khoa bên quân đội đã sang nằn nì đòi mượn đọc. Chúng tôi nhất định không cho. Không hiểu sao bên ấy đã biết.

Tôi hoảng thật sự. Nghĩ rằng thế này thì việc tôi gửi bản thảo lên chỉ là trò chơi “nhằm giải quyết khâu oai” thôi chứ làm sao mà in được. Khoa biết nghĩa là nhiều người biết. Sáu năm trước, gửi lên dự thi chỗ chị Hoàng Ngọc Hà toàn những người kín mồm kín miệng thế, dặn dò cẩn thận thế mà cũng đến tai công an cơ mà.

Sao Khoa biết. Chắc là từ Đình Kính. Đình Kính thân với Khoa. Mà cũng có thể là Luyến. Luyến đã cùng với Khoa làm Chân Dung Và Đối Thoại. Mặc dù tôi đã dặn hai người tuyệt đối bí mật, nhưng họ đã không giữ được. Chắc chắn không chỉ mình Khoa biết! Nguy hiểm quá! Lại càng lo khi biết số phận quyển tiểu thuyết Đá Vàng của Dũng Hà cũng gửi đến nhà xuất bản Thanh Niên. Nhà xuất bản đã biên tập, đã xin giấy phép, vào kế hoạch, chuẩn bị đưa in thì có lệnh trên dừng lại, không in nữa. So với tôi, nhà văn Dũng Hà có mọi lợi thế. Tuyệt đối. Anh là thiếu tướng, chính uỷ binh chủng đặc công, đảng viên kỳ cựu, tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, hội viên Hội Nhà Văn từ thuở nào rồi. Tôi chẳng chức tước gì, bạch vệ, lại ở tù ra, mới được kết nạp vào Hội Nhà Văn năm 1998.

Nỗi lo càng tăng khi đầu năm 2000([3]) tôi đến tạp chí Văn Nghệ Quân Đội nhận giải thưởng. Một cái giải ba. Bài ký tôi viết về bạn tôi, nhà nhiếp ảnh, nghệ sĩ, chiến sĩ Vũ Tín. Tôi gặp Dũng Hà, Trần Đăng Khoa. Nhưng không ai biết tôi. Trừ Lê Lựu, Nam Hà, những người cùng dự trại sáng tác quân đội với tôi ở Đồ Sơn một tháng trước đó.

Biết tôi đang ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Vũ Bão đạp xe từ Ngõ Quỳnh lên chơi với tôi. Vũ Bão thì quen tất cả. Anh ngồi cạnh tôi. Xa lông đối diện là Dũng Hà, Trần Đăng Khoa. Bỗng Hồ Phương bước vào. Vũ Bão đứng dậy bắt tay Hồ Phương. Vũ Bão rất quý trọng Hồ Phương. Trước đây, trong những ngày gay go nhất, anh xin vào Nam chiến đấu cũng không được, Hồ Phương đã đứng ra bảo lãnh cho anh. Anh đi B, đi vào bom đạn như được hưởng một đặc ân, như những người được tín nhiệm chính trị khác. Bởi vậy anh rất cảm ơn Hồ Phương. Bão bắt tay nhà văn thiếu tướng và bảo:

– Bùi Ngọc Tấn đây. Hồ Phương biết chưa nhỉ?

Hồ Phương bắt tay tôi: Biết rồi.

Vị tướng nhà văn nói cho qua chuyện thôi chứ chúng tôi chưa biết nhau, thậm chí chưa một lần gặp mặt. Cái tên Bùi Ngọc Tấn chẳng bao giờ là điều phải quan tâm. Nhưng Trần Đăng Khoa đứng bật dậy:

– Bác là Bùi Ngọc Tấn?

– Vâng.

Khoa chắp hai tay xá tôi một xá:

– Em vái bác. Em đã đọc của bác.

Tôi vội xua tay:

– Đừng nói. Đừng nói.

Khoa nghe lời ngồi xuống nhưng vẫn nhìn tôi. Không chỉ Khoa. Mấy người khác đang đứng ngồi trong phòng khách quay lại nhìn tôi. Tôi càng lo. Nhiều người đọc. Nhiều người biết hoặc nghe nói đến . Đây không phải là một quyển truyện bình thường. là một lời nói thẳng, không che giấu, nương nhẹ. Là một sự thật đau lòng. đưa ra những cảnh đời chưa một ai nói đến trong văn học cách mạng. đủ sức gây dư luận.

Tôi tin A25 phải biết và đã biết rồi. Điều gì sẽ đến? Sắp đến? Sách đang được in ở nhà in. Chỉ ít ngày nữa thôi. Liệu có qua được không? Nếu lại bị tắc lần này thì sẽ không còn lần nào khác nữa. Sẽ chấm dứt hoàn toàn hy vọng. Trèo cau sắp đến buồng rồi. Chỉ vài ngày nữa thôi… Lo chán tôi lại nghĩ một cách lạc quan: Chắc chắn công an đã có bản phô-tô khi họ tìm thấy bản thảo của tôi ở phòng vi tính bệnh viện Mắt. Họ đọc. Họ thấy cũng không đến nỗi như những lời đồn. Trong ngành, họ biết bao chuyện xẩy ra còn ghê gớm hơn nhiều, đau đớn oan sai hơn nhiều, bê bối hơn nhiều. Với lại tình hình cũng đã có những đổi mới, cũng thấy cần mở rộng dân chủ. Vì thế họ cho qua.

Tôi đã nghĩ vơ vào như vậy. Bởi chỉ có những người cố tình nhắm mắt, đầu óc chậm phát triển, hoặc vì một động cơ xấu xa nào đó mới không nhìn thấy những điều nhức nhối trong xã hội, một xã hội được xây dựng với những mỹ từ của dân, do dân, vì dân, công bằng, dân chủ, văn minh vân vân và vân vân thực chất là một xã hội triệt tiêu nền dân chủ với bao đàn áp bất công dối trá…

Tôi rất buồn, phẫn nộ và khinh bỉ khi nghĩ về những người cầm cân nẩy mực đất nước với bao tin đồn chẳng tốt đẹp gì, những tin đồn chắc chắn chứa đựng ít nhiều sự thật. Nhiều khi chẳng phải tin đồn nữa mà người đứng tên tố cáo có cả tên và địa chỉ hẳn hoi. Sao không cải chính, sao không bắt giam “bọn vu cáo phản động” ấy lại? Im lặng là thú nhận sự thật. Chẳng lẽ họ không muốn dân giầu nước mạnh. Chẳng lẽ họ không có trái tim? Họ không nghe thấy tiếng rên xiết của những người vô tội bị oan ức? Chẳng lẽ họ không xót xa khi những giá trị tốt đẹp của dân tộc đang bị xói mòn và chẳng còn lại bao nhiêu. Ông Nguyễn Văn Linh, vị tổng bí thư đổi mới nửa chừng cũng đã phải thốt lên: “Sao trẻ em của chúng ta ngày nay hung dữ thế?” Sao chỉ có mỗi việc kê khai tài sản thôi mà không làm được? Chẳng mất ngoại tệ. Chẳng cần máy vi tính. Chỉ cần một tờ giấy cái bút bi và trình độ văn hoá lớp 3… Mà sao họ lì lợm đến thế. Sao họ không học các nhà thể thao: Biết rút lui đúng lúc? Xuất hiện đúng lúc là cần thiết. Rút lui đúng lúc còn cần thiết hơn nhiều. Tôi không hiểu được những vua chúa thời tôi sống. Làm vua thì điều quan trọng nhất đâu phải là bòn rút được bao nhiêu tỉ, bao nhiêu đất đai, bao nhiêu biệt thự, bao nhiêu tấn vàng. Làm vua điều cần thiết là làm được việc gì cho dân cho nước, là cái tiếng thơm để lại, là làm sao để dân chúng mãi mãi tôn mình là bậc minh quân. Trong bài giới thiệu tập hồi ký Làm Người Là Khó của ông Đoàn Duy Thành tôi đã đặt cái tít Không Ai Thoát Được Lịch Sử là để nhắc các vị vua thời nay đừng quên điều đó.

Tập sách của tôi cũng là góp một tiếng nói vào việc thức tỉnh các nhà lãnh đạo([4]). Tóm lại tôi ngây thơ nghĩ rằng: Người ta biết có tập sách của tôi. Người ta chấp nhận nó. Hơn nữa, người ta còn thấy nó là cần thiết. Ý nghĩ ấy càng được củng cố khi cùng với thời gian, tôi khám phá ra có quá nhiều người đã đọc nó. Việc ấy đồng nghĩa với công an đã biết nhưng cho qua. Chẳng hạn như một biên tập viên nhà xuất bản Thanh Niên nói với tôi:

– Anh Nguyễn Khắc Phục vừa ngồi đây.Anh ấy nói: Đọc Bùi Ngọc Tấn, tôi mới biết mình là một anh thợ viết.

Tất nhiên đấy chỉ là cách nói khiêm tốn, một cách Nguyễn Khắc Phục đánh giá cao tập sách của tôi. Anh biên tập viên còn nói thêm:

– Anh Nguyễn Khắc Phục chờ anh mãi. Anh ấy nhờ tôi nói với anh trưa nay mời anh đến khách sạn X. ăn cơm với anh ấy và chị Phạm Thị Thành.

Lại cả Phạm Thị Thành. “Một cái tên” ở một ngành nghệ thuật khác: Sân khấu. Một người tôi chỉ nhìn thấy trên tivi và chưa từng diện kiến. Cả Nguyễn Khắc Phục cũng thế. Anh trưởng thành từ Hải Phòng rồi tung cánh khắp bốn phương. Anh viết nhiều loại hình. Nhiều bộ tiểu thuyết trường thiên cả vài ngàn trang. Sách của anh cũng đã từng bị cấm. Tên anh vang dội. Tôi cũng chưa một lần được gặp. Chỉ xem những phim của anh, biết chân dung anh qua màn hình VTV. Anh đã khiêm tốn đến thế khi nói về tôi. Nhưng tôi không đến khách sạn. Tôi ngại. Tôi vốn ngại giao tiếp với những người chưa quen, nhất là khi sách chưa được xuất bản, cần phải giấu mặt ở đâu đó. Hơn nữa những bữa ăn như vậy phải có một ai quen cả hai bên làm kết dính, nếu không với tôi sẽ là mệt mỏi.

Tôi nói với các anh nhà xuất bản Thanh Niên rằng tôi không đến được chỗ anh Nguyễn Khắc Phục và chị Phạm Thị Thành. Tôi đã hẹn với anh Mai Nam rồi. Tôi về chỗ Mai Nam ăn cơm trưa. Mai Nam bạn tôi cũng là một người nổi tiếng và cũng đã bị tù vì tội chụp ảnh khoả thân, tôn vinh vẻ đẹp thân thể từ đầu những năm 60. — Đi trước thời đại khổ thế đấy! Cả đời anh ở báo Tiền Phong. Bức ảnh máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Vĩnh Phú của anh được tất cả các báo lớn trên thế giới cùng đăng một lúc.

Về nhà Mai Nam bếp lạnh khói tàn, nhưng có nhà nhiếp ảnh Vũ Tín ngồi đó. Vũ Tín là nhân vật trong bài bút ký Thời Trai Trẻ Đã Qua của tôi, bài bút ký vừa trúng giải thưởng của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội mà tôi ẵm gọn 5 triệu. Tôi nói đùa: Mình bán tất. Bán Nguyên Hồng rồi, bây giờ bán đến Vũ Tín lấy tiền sống đây.

Mai Nam bảo Phạm Thị Thành vừa gọi điện cho tao mời mày với tao lên khách sạn ăn cơm. Tao bảo thằng Tấn không có ở đây. Nó bảo một mình tao cũng cứ lên. Tao bảo không có thằng Tấn anh lên đấy làm gì.

Tôi nghĩ đến Nguyễn Khắc Phục, Phạm Thị Thành đang chờ tôi ở khách sạn, tới lòng quý mến của hai người và tôi biết ơn tình cảm đó. Trên đời này còn biết bao người trung thực, biết bao người tâm huyết mong muốn sự tiến bộ. Và tôi cũng thấy cái cựa mình của tập sách của tôi. Những làn sóng đầu tiên lan toả. Nó đã phát xạ dù còn trong bóng tối. Và cũng chẳng giấu gì. Tôi cảm thấy mình đang bắt đầu nổi tiếng. Sự nổi tiếng vì tác phẩm mà bất kỳ một người cầm bút nào cũng mong đợi nhưng lúc này là chưa nên có vì cuốn sách vẫn còn là bản thảo. Dù đã sửa chữa, đã vi tính hoá, đang in nhưng vẫn chưa là tác phẩm.

Đến bữa ăn, sự lo lắng của tôi có đỡ đi, thậm chí tôi còn nghĩ chắc chắn Chuyện Kể Năm 2000 của tôi sẽ đầu xuôi đuôi lọt. Bởi Mai Nam đã chiêu đãi chúng tôi một bữa ăn rồng đất. Con rồng đất. Tôi không ngờ lại được một lần nữa trông thấy nó. Trông thấy nó giữa Thủ Đô Hà Nội. Một lần nữa được ăn thịt nó. Không phải con rồng đất phóng khoáng trèo lên cây cao trại QN, và bỗng ngây người nghe tiếng huýt sáo về tự do Liberté! Liberté chérie! ([5]) để rồi chui cổ vào tròng bị giết thịt, chặt cho vào ca. Con rồng ở quán ăn phố Mai Hắc Đế này nhốt trong chuồng gỗ bẩn thỉu, và cũng chỉ còn hai con. Mai Nam chỉ vào con to, cỡ bằng con rồng tôi và già Đô bắt được khi còn trong trại. Mai Nam rất khoái khi thết chúng tôi món đặc sản này.— Anh vừa bán cho các bạn Mỹ mấy tấm ảnh thời chiến, trong túi anh có đô la, thỉnh thoảng anh lại có một phi vụ như vậy. Anh càng khoái hơn khi tôi nói tôi đã ăn thịt rồng đất trong tù.

Còn đang uống rượu tiết rồng, chờ thịt rồng chế biến, chúng tôi thấy một người đi xe máy mang đến cả một bao tải rồng đất. Mai Nam giải thích:

– Rồng đất không bắt trên rừng như trước nữa. Mà nuôi. Nuôi công nghiệp.

Lại thế. Quả là có nhiều loại rồng đất với mầu da khác nhau từ bao tải được dồn vào chuồng nhốt của nhà hàng. Chúng tôi uống rượu tiết rồng, ăn rồng nướng. Rồng nướng phải nói là rất ngon, nhất là cái da của nó. Giòn, ngon khó tả. Nhưng nướng thế chả còn bao nhiêu thịt. Con rồng đất ở trại QN chúng tôi chặt bỏ vào ca, cho nhiều nước vào kho, thịt nó nở ra được gần đầy cái ca nhôm nửa lít chứ không mỏng két lại thế này.

Ăn bữa rồng đất ấy tôi thấy tin là tập tiểu thuyết của tôi sẽ được in. Không phải ngẫu nhiên tôi được ăn rồng đất. Không ăn trong rừng, trong tù. Mà giữa thủ đô Hà Nội. Lại là phố Mai Hắc Đế. Phố có nhà của bố mẹ vợ tôi thời trước cách mạng. Hai ngôi nhà liền nhau, làm nhà in, in báo Cờ Giải Phóng cho đảng. Tôi hy vọng đây là điềm báo trước sự may mắn của số phận.

B.N.T.

([1]) Cũng xin mở ngoặc ở đây rằng tôi có đọc hồi ký 40 Năm Nói Láo, một quyển hồi ký tuyệt vời của Vũ Bằng, trong quyển hồi ký này có in ký hoạ Nguyễn Văn Phổ của Tạ Tỵ, tôi rất kinh ngạc khi thấy Tạ Tỵ xa Phổ đã lâu lắm mà sao vẫn vẽ Phổ giống đến như vậy.

(2) Tử hình

(3) Thời gian tập sách của tôi đang được vận hành hết tốc lực ở nhà in và tôi đang mong chờ từng ngày một.

(4) Cho đến lúc ấy, tôi vẫn nghĩ họ vẫn còn một chút gì đó nghĩ đến Nhân Dân đến Tổ Quốc.

(5)Tự do! Tự do thân yêu ơi!

(Xem tiếp kỳ sau)


Comments are closed.