HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000

(Thời biến đổi gien)

Kỳ 18

Bùi Ngọc Tấn

Tôi lại gặp Bùi Văn Ngợi. Khuôn mặt xương xương thanh thanh của anh với hàm hơi vuông, cái cằm nhòn nhọn, khi anh cười càng nhọn hơn. Nụ cười rất tươi. Hôm nay tôi lại gặp nụ cười tươi tắn ấy.

Bắt tay tôi rất chặt. Rồi anh mở tủ lấy ra một chai Grant — một loại uyt xki — uống dở. Chúng tôi chạm cốc. Tôi nói với anh rằng tập sách của tôi là đứa con chung của tôi và nhà xuất bản. Điều tôi lo là lo cho các anh, nhất là Ngợi chứ tôi chẳng còn gì để mất. Giờ đây tôi với nhà xuất bản là một. Tập sách tôi viết ra nhưng anh là người chịu trách nhiệm xuất bản. Chính vì vậy mà trong lời đề tặng Ngợi tập sách, tôi ghi Tặng anh Bùi Văn Ngợi người đã ký quyết định cho tập sách này bước vào đời. Ngợi bảo:

– Tôi cũng nói thêm với anh rằng tập sách rất được hoan nghênh. Nhà xuất bản từ khi tôi về làm giám đốc chưa có tập nào được hoan nghênh như vậy. Điều đó càng làm chúng ta tin rằng chúng ta làm một việc tốt. Nếu cấp trên của chúng ta có cái nhìn khác chúng ta, nghĩ khác chúng ta, có một quyết định gì đó thì chúng ta chấp hành thôi.

Đến lúc ấy tôi đã tin chắc vào những suy nghĩ của tôi về cú điện thoại của Cao Giang: Tôi đang ở phòng giám đốc. Giám đốc lệnh cho tôi điện cho anh thì tôi điện. Hơi gián tiếp một tí…

Ngợi làm như vậy để có thể báo cáo với cấp trên, để toàn cơ quan và cũng để người vô hình trong cơ quan biết anh rất nghiêm túc trong việc xử lý cuốn sách. Một cách khiến không ai nói gì mình được. Một biện pháp giữ mình với những kẻ muốn đánh hôi và giờ đây đang muốn tiến thân. Kiểu vợ chồng Thao – Bình nằm trên giường diễn vở ngợi ca trong Chuyện kể năm 2000. Kiểu tôi và Đinh Chương khi bị treo bút, đi học lớp cải tiến quản lý hợp tác xã, tối tối nằm trên ổ rơm, chuyện thế sự trước cái hòm gỗ thông quang dầu khoá chặt.

– Công việc của tôi với công việc của nhà xuất bản là thống nhất. Tôi sẽ làm theo mọi ý kiến của anh. Anh hãy tin tôi và coi tôi như một thành viên của nhà xuất bản. Tôi già rồi, lạc hậu với những quan hệ ứng xử, cách giải quyết, đường đi nước bước hiện nay.

Ngợi nói:

– Trước tiên phải khẳng định lại một lần nữa rằng chúng ta làm một việc tốt. Nhưng hiện nay cũng đang rất nhiều ý kiến. Rất nhiều dư luận. Những dư luận chẳng biết có thật hay không nữa. Nhưng chưa có ai đến làm việc với tôi về tập sách. Tôi cũng chưa gặp riêng ai. Chưa. Có những cú điện thoại đến nhà, hẹn gặp. Tôi trả lời: Có việc gì mời đến cơ quan, ngày giờ thế nào cũng được. Trước lúc anh đến đây, tôi tiếp anh Nguyễn Khắc Phục. Anh Phục nói tập sách tốt như thế, cứ tổ chức hội thảo đi, chúng tôi sẽ phát biểu ý kiến. Tôi bảo: Anh nhầm rồi. Người ta tổ chức hội thảo là người ta sẽ mời những người của người ta đến. Cũng giáo sư này tiến sĩ nọ rồi viện trưởng này viện phó kia. Người ta phát biểu ý kiến đã được chỉ định. Thế thì hội thảo làm gì. Quyển sách của anh, tôi đọc, tôi ký quyết định in. Tôi chịu trách nhiệm. Sang năm 2000 rồi, ai mà không nghĩ đến vận mệnh đất nước, ai mà không nghĩ đến nhân dân. Trước đây một nước 400 đô la một đầu người có thể đánh thắng một nước 40.000 đô la một đầu người, nhưng bây giờ có thể như thế được không? Và nếu cuộc chiến tranh của chúng ta nổ ra trong thời điểm hiện nay thì liệu có hơn Kosovo không. Phá vỡ bao cấp trong kinh tế là tối cần thiết, nhưng còn phải phá vỡ bao cấp trong cái đầu, trong tư tưỏng nữa.

Anh chỉ lên đầu và khoanh một vòng chung quanh mái tóc thưa của anh.

– Cũng có người nói tôi in tập sách của anh là chơi trội, nhà xuất bản Hội Nhà Văn không dám in thì tôi in. Không phải. Cũng không phải tôi đọc dối, hoặc không đọc. Đúng là có những quyển tôi không đọc hết. Đọc một số trang thấy không có vấn đề gì thì thôi. Một năm ra vài trăm cuốn, cuốn nào cũng đọc cả thì chết. Nhưng quyển sách của anh tôi đọc đến ba lần dù nó dầy đến gần nghìn trang. Một lần đọc duyệt. Còn hai lần kia là để thẩm thấu văn chương của anh. Một lần duyệt chứ ai lại duyệt đến ba lần. Tôi quyết định in. Trước lúc anh đến, khoảng mười giờ, chị Luyến ngồi đúng chỗ anh ngồi bây giờ. Tôi nói với chị ấy: Chị hãy tách ra khỏi tập sách này đi. Nói gần nói xa chị ấy vẫn không hiểu, tôi phải nói thẳng với chị ấy: Chị hãy tách ra khỏi tập sách này để giải quyết công việc. Bởi vì chị chỉ làm một việc là theo dõi in ấn thôi. Anh đưa tôi bản thảo vào giữa năm 1999. Tôi đọc và đưa anh Cao Giang biên tập. Tôi ghi tên chị Luyến vào biên tập vì tôi cử chị ấy theo dõi in ấn cho tác giả. Chị Luyến là người tốt. Nhiệt tình với thơ. Nhiệt tình với công việc. Nhưng cũng còn những chuyện phải góp ý. Chị ấy có cách giải quyết tập sách theo cách riêng của chị ấy: Vận động, tiếp xúc ở hậu trường. Nhưng tôi bảo chị cứ để mặc tôi. Cho đến nay vẫn chưa ai có quyết định gì về tập sách này.

Chúng tôi vừa chuyện vừa uống rượu.

Ngợi cũng là người không uống được rượu.

Mặt anh ưng ửng, còn tôi chắc là đỏ lắm vì đã thấy rần rật thái dương. Cửa mở. Lê Hùng bước vào. Thì thầm với Ngợi. Nghe loáng tháng là xin phép Ngợi cho hội Hùng, Đức, Cao Giang đưa khách đi ăn cơm sớm nửa tiếng. Hùng nhìn tôi cười trước khi mở cửa đi ra.

– Tôi nghĩ chả có vấn đề gì. Tập sách chúng tôi cho là tốt. Các anh bảo ngừng lại để xem xét. Chúng tôi tập trung đưa về kho nhà xuất bản để đấy. Thế là xong chứ có chuyện gì? Cho nên anh giúp tôi, tập kết sách về đây. Họ còn nói sách phát tán hết rồi. Bây giờ giá có bảo ông Ngợi nộp mười quyển chắc cũng không có. Tôi thì có năm bộ, kể cả bộ anh tặng tôi. Tôi cũng đã cho đi mất vài bộ. Nhưng có mười bộ lưu chiểu. Bên Cục Xuất Bản hỏi năm bộ, tôi lấy đưa ngay. Cho nên tôi rất mong Trung Ương Đoàn có lệnh thu sách về. Sách tôi in. Các anh bảo hãy tạm ngừng phát hành. Tôi thu về kho nhà xuất bản. Thế là xong. Anh giúp tôi chuyện này. Nộp càng nhiều càng tốt.

Tôi khẳng định lại một lần nữa để Ngợi yên tâm:

– Tôi phải nhắc lại với anh rằng, tôi bây giờ cũng như một người của nhà xuất bản, máu thịt của nhà xuất bản. Tôi làm theo mọi ý kiến của anh. Tôi đã định thu sách mang lên ngay nhưng người tôi gửi sách còn đi Đà Nẵng.

– Còn nhiều không anh?

– Còn đâu bẩy, tám trăm bộ gì đấy thôi.

Ngợi có vẻ không quan tâm đến con số tôi đưa ra.

Anh bảo: Anh cố gắng càng nhiều càng tốt. Còn tôi cho phát hành đưa ô tô xuống lấy sách là để bảo vệ anh, bảo vệ số sách, ngộ nhỡ đi dọc đường xẩy ra chuyện gì đỡ phiền cho anh.

Đến lúc ấy tôi mới biết sự lo xa tốt đẹp của Ngợi.

– Vợ tôi đọc, bà ấy nói với tôi là anh cứ làm những việc thế này thế nọ. Tôi bảo với bà ấy: Thứ nhất là em ngồi đằng sau xe, anh không nhìn được vào mắt em vì anh phải nhìn đường, nếu không sẽ đâm vào xe người ta, gây tai nạn. Thứ hai là đến thăm ông ngoại thì cứ đến đi đã. Việc của anh, anh lo. Tôi đưa tập sách cho thằng con tôi đọc. Cháu đang học đại học. Đọc xong nó không nói gì. Cháu chỉ bảo mẹ: Việc của bố để bố giải quyết mẹ ạ. Thấy điện thoại gọi đến nhiều quá bà ấy hoảng. Bà ấy sợ nhiều thứ lắm. Cũng phải thôi. Nhưng tôi thì lại không sợ. Bây giờ có bao cách kiếm sống. Tôi có bằng lái xe. Tôi đã đi thanh niên xung phong. Với cái trí tuệ trung bình như tôi cứ đi họp thôi, mỗi cuộc họp một cái phong bì một trăm nghìn. Quá đơn giản mà chẳng phải động não.

Có người vợ nào không phải gánh nỗi lo của chồng. Gia đình tôi, tôi biết. Không chỉ nỗi lo, cả đau khổ nữa. Đau khổ cả đời. Tôi nghĩ mình thật có lỗi với chị Ngợi.

Ngợi hút thuốc. Anh hút thuốc như người nghiện. Không giống Phạm Đức, Cao Giang. Anh bảo tôi:

– Con người ta có nhiều vai diễn lắm. Ở cơ quan là thủ trưởng, về nhà là chồng, là bố. Đi họp là tép. Đừng quên vai diễn. Tôi đi họp, gặp anh Hồ Anh Dũng tổng giám đốc truyền hình. Chả trước tôi là cán bộ của tạp chí Thanh Niên thì anh Dũng là thư ký toà soạn. Anh Dũng hỏi tôi: “Sao ra tập sách căng thế?” Tôi chỉ cười: “Cũng phải dùng đến lưỡi dao mổ thôi anh ạ.” Bạn bè tôi bây giờ phần lớn là tổng biên tập. Sáng nay có hai ông tổng biên tập đến đây hỏi xin sách. Tôi bảo hiện nay đang tạm ngừng phát hành. Có đấy nhưng không đưa cho các anh được. Thời thượng mà. Gặp nhau, các vị hỏi nhau: Đã đọc quyển ấy chưa. Viết ghê lắm. Mình có một bộ.

Ngợi cười sảng khoái.

Từ lúc gặp nhau tới giờ, giữa lúc sinh mạng chính trị ([1]) của anh đang bị đe doạ, cái ghế của anh lung lay tới tận gốc, chưa một lần tôi thấy anh buồn.

– Cục Xuất Bản bảo tôi là lừa Cục khi đăng ký đề tài. Tôi bảo chúng tôi không đánh lừa, nội dung tập sách không viết về cái thiện và cái ác là gì? Họ bảo nhưng phải tóm tắt nội dung chứ. Tôi bảo thế các anh quy định lại đi. Tác phẩm nào chúng tôi in được thì cứ in, còn tác phẩm nào loại nào phải gửi cả bản thảo lên cho các anh đọc. Cục Xuất Bản cũng bảo chúng tôi tổ chức hội thảo. Tôi bảo hội thảo cũng phải có thời gian đọc nữa chứ.

Tôi vội nói:

– Mình đứng ra tổ chức hội thảo, sao anh không tổ chức. Mình được đứng ra mời đại biểu cơ mà.

Ngợi cười to trước sự ngu ngốc của tôi.

Rồi nghiêm mặt:

– Mình mời người của mình. Trình danh sách với họ. Họ điền thêm một danh sách khác. Anh mời thêm những người này để rộng đường dư luận. Thêm người là thêm tiền. Chuẩn bị hội thảo phải vài tháng, mất vài trăm triệu là ít. Đấy là chưa kể, hôm sau hội thảo thì tối hôm trước người ta đến tận nhà những người của mình, yêu cầu phải phát biểu thế này thế nọ.

Tôi thành thật:

– Đến chết tôi cũng không chừa được bệnh ngây thơ.

– Vô bổ mà lại mất tiền, mất thời gian. Một năm chúng tôi phải ra vài trăm đầu sách. Đâu chỉ có một quyển. Chúng tôi còn ra nhiều tập sách đối thoại khác. Đối thoại sử học rồi. Còn đối thoại địa lý nữa. Cũng rất căng đấy. Đừng nghĩ đối thoại địa lý mà không căng đâu. Nhưng đối thoại nghĩa là vấn đề chưa được kết luận…

Ngợi nói với tôi về những ông công an “không như ông Thanh Vân Chuyện kể năm 2000 của anh, thượng sĩ hạ sĩ đâu mà là cành tùng.”([2]) Gặp những ông này ở những cuộc họp nào đó, anh đang đứng trao đổi thì một đám đại tá trung tá thiếu tá đến, anh khéo léo tìm cách cắt câu chuyện rồi đi chỗ khác, bởi vì mấy ông cành tùng biết được về mình là do cái đám tá uý kia. Bây giờ mình nói với ông ấy, đám bậu sậu lại đứng bên thì nói làm gì. Tôi bảo ông ấy: Anh chưa biết tôi là ai, chưa từng gặp tôi mà anh ký giấy mời đúng tên, đúng địa chỉ, thế nghĩa là anh biết về tôi quá rõ do cấp dưới, nhưng đấy chỉ là biết một phía thôi.

Câu chuyện giữa chúng tôi cởi mở và thân mật. Tôi rất kính trọng anh khi anh nói:

– Anh đừng thương cảm cho tôi. Không in sách của anh, tôi sẽ in sách của người khác cũng như thế. Tôi làm giám đốc ngày nào biết ngày ấy thôi. Đi khỏi đây cũng được nhưng thương anh em. Anh em lại phải mất sáu tháng dò xét người thủ trưởng của mình. Làm cầm chừng. Nghe ngóng. Dạo tôi mới về làm giám đốc là thế đấy. Anh em nghe ngóng mất nửa năm. Tôi về đây có người bảo gánh cái gánh ấy nặng đấy. Họ nói thế nghĩa là họ mỉa mình đấy anh ạ. Rồi bây giờ thì bắt tay: Sao? Đang khó khăn phải không? Tức là họ vui: Thằng ấy sắp chết rồi. Thế đấy.

Anh như đúc kết một chân lý:

– Có những người muốn mình chết. Đến khi mình chết họ lại thương. — Ngợi cười hồn nhiên và cau mặt lại rất nhanh. — Họ thương thật. Nhưng tình thương ấy là tình thương dã man nhất.

Tôi hiểu được cái tình cảm ấy, cái ngôn ngữ ấy. Như thơ Nguyễn Duy hôn má bên này bật máu má bên kia.

– Tôi cùng học chính trị với một đồng chí thường vụ Trung Ương Đoàn. Chúng tôi phân công nhau làm bài và mệt quá cùng ra uống nước nghỉ giải lao thì điện thoại di động của anh ta kêu. Tôi nghe rõ tiếng Hữu Thọ: Sao? Đã viết quyết định ủng hộ thằng Ngợi chưa? Tức là viết quyết định kỷ luật tôi đấy. Anh ta trả lời rất khẽ. Tôi bảo: Ông cứ nói thoải mái. Tôi nghe hết cả rồi. Có gì mà ông phải giấu tôi. Cho nên thực sự tôi thương anh em. Guồng máy đang vận hành tốt. Mình ở lại ngày nào biết ngày ấy. Cũng có thể các ông ấy chưa hất mình đi ngay. Cứ để một thời gian nữa rồi mới hất. Như thế êm hơn. Đỡ dư luận. Trong nước ngoài nước xì xèo không có lợi.

Hữu Thọ là trưởng ban Tư Tưởng Văn Hoá Trung Ương Đảng sắp về hưu. Sau này ông ta có một lần về Hải Phòng làm việc. Đặng Thị Kim, cháu dâu tôi, trưởng ban Văn Nghệ đài phát thanh truyền hình Hải Phòng, người phỏng vấn ông, kể lại cho tôi: “Sau buổi làm việc, cháu hỏi ông Hữu Thọ về chuyện của bác, về Chuyện kể năm 2000, cháu không nói cháu là cháu bác, cháu chỉ bảo ở thành phố chúng em có một nhà văn như thế, như thế, viết một quyển sách như thế, ông Hữu Thọ bảo: “Đấy, những người có tài mình không dùng lại đẩy họ sang phía chống đối…” Tôi buồn cho ông Hữu Thọ thì ít mà buồn nhiều hơn cho cả một guồng máy kiên trì vận hành theo một nguyên tắc: làm mọi người khiếp sợ, không ai dám nói thật. Thời gian sách của tôi bị cấm, ông đương kim trưởng Ban Tư Tưởng Văn hóa Hữu Thọ im thin thit, không dám nói nhận xét của mình về tập sách. Đúng như ông Nguyễn Văn An, ủy viên Bộ Chính Trị khi về hưu đã nói: Trong Đảng lại càng mất dân chủ. Còn tôi nói: Cái ghế càng cao càng không dám nói sự thật. Hy vọng gì ở các ông?

Đứng dậy để chia tay, Ngợi nhắc lại:

– Anh đừng ái ngại cho tôi. Không in cho anh tập này tôi cũng in cho người khác những tập tương tự, vì cái máu của tôi nó thế.

Bước ra ngoài hành lang, anh còn thì thầm:

– Thế là thắng rồi. Anh thu sách về đi. Lọt được một quyển cũng là thắng rồi.

*

Tôi còn phải đi Hà Nội nhiều lần. Chẳng ai bắt đi, nhưng không thể cứ ở Hải Phòng khi toàn bộ những gì liên quan đến mình là ở trên ấy. Đi để nghe ngóng tin tức, đặc biệt khi tất cả mới là tin đồn, nhiều khi trái ngược nhau, lúc là tuyệt vời, lúc là tuyệt vọng, lúc đe dọa đến an toàn tính mạng, lúc “tịch thu thì tịch thu nhưng không đụng đến tác giả…” Đi để nghe dư luận về chất lượng tập sách, dư luận về việc thu hồi tiêu hủy.

Có thể nói tất cả những dư luận tôi nghe được về tập sách đều tốt. Không những thế, nhiều người trong các hàng chức sắc trung cao cấp đã đọc và không giống cái Bộ Văn Hoá Thông Tin hay Ban Tư Tưởng Văn Hoá, người ta khen nó, thích nó, bảo nhau tìm đọc nó. Không chỉ khen về nội dung về nghệ thuật mà còn đặc biệt chú ý tới thái độ trách nhiệm của người viết, về sự không hằn học, sự chân thành v.v… Tôi càng vững tin ở chất lượng mặt hàng tôi làm ra. Cái chất lượng ấy bảo vệ tôi, và cũng có tác dụng bảo vệ phần nào các anh chị nhà xuất bản.

Tôi không đến nhà xuất bản Thanh Niên mà chỉ gặp Luyến. Gọi di động của Luyến. Em đấy à? Nhớ em quá. Đúng chín giờ ngày… anh gặp em ở quán cà phê mọi khi nhé.

Thế là tôi lên. Có khi đi sớm quá, chưa kịp ăn sáng mà còn mươi phút nữa mới tới giờ hẹn, tôi ngồi xổm vỉa hè phố Ngô Văn Sở ngay trước nhà anh chị Xuân Thu, nơi được gọi là nhà anh chị Diệu trong Chuyện kể năm 2000, ăn xôi chè, cô bán xôi chè gánh rong cứ vào giờ ấy là có mặt. Chỉ một nghìn mà được một bát chè đỗ đen và xôi đầy tràn. Sao người ta có thể làm được một món quà rẻ như vậy. Lờ lãi bao nhiêu?

Tôi căn đồng hồ. Đúng chín giờ bước vào quán cà phê. Khi một mình Luyến. Khi cả Hằng Thanh. Hai người vừa uống mầu nóng vừa nhìn ra cửa chờ tôi. Tôi bước vào, lột mũ nin-da, tươi cười:

– T4 chào Z7 và A5.

Và xem đồng hồ:

– Chín giờ đúng. Tôi hoạt động “ở Đức” lâu năm nên có cái chính xác của người Đức. “Ở Đức” keng một cái là đi đánh răng rửa mặt. Keng cái nữa là chia mì sáng. Keng lần nữa ăn xong. Lại keng: Đi làm.

Khi hai bạn gái định thông tin những diễn biến mới nhất về tập sách, số phận những người làm sách, những dư luận chung quanh tập sách cũng như một điều chỉnh đột xuất nào đấy về số lượng sách tôi phải nhận đã bán, tôi lắc đầu:

– Gượm đã. Và thò tay xuống gầm bàn: Xem có rệp không đã.

Tính tôi thế. Có chết cũng cứ đùa. Chẳng tội gì âu sau rầu rĩ mãi.

Chuyện xong tôi đi. Về nhà Lê Bầu để thư giãn, để nghe tiếng cười quen thuộc của anh vang lên, liều thuốc an thần của tôi. Đến nhà Dương Tường, khách sạn ba sao của tôi. Ở đấy tôi được một phòng riêng. Có giường đệm, có cơ man là sách, có cả một toa-lét có bình nóng lạnh riêng. Đó là phòng vợ chồng Hải Âu, con trai Dương Tường đang ở bên nhà ngoại. Trinh, bà chủ “khách sạn”, vợ Dương Tường, người tôi quen từ hồi còn là một nữ sinh chăm sóc tôi rất chu đáo, nhưng điều tuyệt vời hơn là luôn dành cho tôi sự tự do như người nhà, ví như đi đâu về mệt, tôi có thể tót lên phòng “của tôi” xả nước nóng tắm rửa, nghỉ ngơi, mà không phải ngồi lại phòng khách trò chuyện xã giao. Thật đúng là khách sạn ba sao!

Và cháu Phương Mai, cháu Hải chồng Mai, vợ chồng cháu Hải Âu đều coi tôi như người trong gia đình. Cả em nữa. Em là tên tôi gọi cháu Mai Khanh bốn tuổi, con gái vợ chồng Mai. Tôi gọi cháu là em. Còn cháu gọi tôi bằng một cái tên cháu tự nghĩ ra khi Dương Tường chỉ vào tôi, hỏi:

– Ai đây?

Cháu nép vào vai Tường:

– Ông già Tuyết.

Từ ấy mỗi khi tôi lên, cả nhà lại gọi cháu:

– Mai Khanh ơi. Ông già Tuyết này.

Cháu khoanh tay mắt long lanh nhìn tôi:

– Cháu chào ông già Tuyết.

Nhiều khi Mai Khanh gọi tôi bằng một cái tên đã được rút gọn: Tiết!Tiết! như khi còn ở báo Tiền Phong, bữa cơm đạm bạc gọi bà Ai tiết nóng ơ mỗi khi bà đi qua, mua vài miếng cho thức ăn âm sâm rầm rộ theo cách nói của Tất Vinh.

Ở nhà Dương Tường tôi được làm quen với rất nhiều hoạ sĩ trẻ. Những Đặng Xuân Hoà, Đinh Quân, Hà Trí Hiếu… rồi qua họ tôi lại quen biết những người khác. Dương Tường đã mua sách của tôi cho tất cả. Có người lấy đến mấy quyển. Nhiều bộ sách đã được các bạn hoạ sĩ trẻ gửi ra nước ngoài trước khi có lệnh thu hồi. Họ đã đọc tôi. Hà Trí Hiếu, một hoạ sĩ của báo Quân Đội Nhân Dân, người tôi quen trong một cuộc khai mạc phòng tranh vẽ toàn bò là bò của anh ở Mai Gallery, bảo tôi:

– Giá bố cháu còn sống, bố cháu đọc tập sách của chú thì bố cháu thích lắm. Bố cháu mất lâu rồi. Bố cháu còn sống chú phải gọi là đại ca.

Thì ra bố Hà Trí Hiếu cũng đã bị tù gần một giáp.

– Sau hơn mười năm giam giữ, bố cháu được tha. Trước khi tha, người ta dẫn bố cháu đến một sân tù toàn gián điệp biệt kích, diễu qua diễu lại để họ nhận diện. Bố cháu sợ đến nỗi xuýt đái ra quần. Đang đi như thế mà tự nhiên có người chỉ tay bảo “tôi biết lão này” là chết, là không có ngày về. May, không ai hâm hấp điên điên làm như vậy.

Hiếu kể cho tôi tuổi thơ gian khổ của anh. Thật quá bất ngờ. Nhìn anh, ai nghĩ được rằng anh đã trải qua những ngày khó khăn đến thế. Một hoạ sĩ báo Quân Đội Nhân Dân, cao lớn, đẹp trai, nổi tiếng, bán được nhiều tranh lại cũng có một quá khứ nhọc nhằn đắng cay khi bố đi tù gần một giáp, lớn lên hoang dã “như con hươu con nai trong rừng.” Có lẽ Nguyễn Quang Thân nói đúng: “Hơn bù kém, nhà nào cũng có ít nhất một người đi tù. Quyển sách của mày mà được phát hành, tirage phải hàng triệu bản.” Hà Trí Hiếu bắt tôi ngồi để anh vẽ tặng tôi một bức chân dung. Ngồi ở nhà anh, một căn nhà treo ít tranh nhưng rất nhiều dậm, giỏ, vó, đăng… những dụng cụ bắt cá. Hoàn thành bức tranh, anh nói khi tôi ngó vào giá vẽ:

– Bức này cháu thích. Nó nói được cái lì của chú.

Nhìn tranh Hiếu, tôi cứ nghĩ đến câu thơ Mai-a:

Tôi là con gấu cộng sản

Cha tôi xưa kia là quý tộc

Bàn tay tôi da đỏ mịn màng.

Trong tranh, tôi như lẫn vào với đất, một thứ người của đất như Pierre Abraham, chủ nhiệm tạp chí Europe đã gọi Nguyên Hồng, lại cũng giống một con gấu bị đánh đến lùn xuống, đến bè bè chiều ngang, một con gấu lì đòn.

Bức chân dung Đỗ Phấn vẽ tôi rất độc đáo: Trên cái đầu của một thằng tôi đang cúi xuống mọc lên một khối u, khối u ấy di căn thành một cái đầu khác, một thằng tôi khác, thằng tôi thứ hai cô đơn này đã nhìn ngang, nhìn đấy nhưng không nhìn ai cả. Nhận tranh của anh mà mãi sau này tôi mới biết anh là con của một biên ủy báo Tiền Phong, tôi đã dạy anh đủ trò nghịch ngợm khi anh lên bốn lên năm còn tôi mới ngoài hai mươi tuổi.

Đặng Xuân Hoà thì nói:

– Bộ sách của anh làm vợ em đến khổ. Cả sân 51, hết người này hỏi người kia hỏi. Người này chưa đọc xong, người khác đã hỏi mượn rồi. Chuyền tay nhau. Cả tháng không thấy trở về nhà. Em bảo vợ em cẩn thận kẻo mất. Không có mà mua đâu.

Sân 51 là số nhà 51 Trần Hưng Đạo, nơi đặt trụ sở của Uỷ Ban Toàn Quốc Các Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam, các hội nghệ thuật chuyên ngành và các tờ báo của hội và ngành. Tôi đã đến đấy tặng sách Phượng Vũ, Nguyễn Trọng Tạo và Hồng Đăng. Vợ Hoà làm việc ở đấy. Đỗ Thuý Hằng là hoạ sĩ của tập san Sân Khấu.

Đặng Xuân Hoà mời tôi và vợ chồng Dương Tường đi ăn chả cá Lã Vọng. Đó là bữa chả cá đầu tiên trong đời. Thú thật tôi chưa thấy bữa ăn nào ngon như thế. Có thể vì món chả cá là tuyệt vời, là thứ tôi “vẫn nghe nói đến nhưng chưa được cho vào miệng bao giờ.” Có thể vì tôi đang vui. Có thể vì Đặng Xuân Hoà dù còn rất trẻ và mới quen nhưng cũng chia xẻ mọi xót thương và mừng vui với tôi như vợ chồng Dương Tường bạn của tôi nửa thế kỷ. Vừa ăn vừa tự nhủ phải đưa vợ một lần đi chơi Hà Nội không suy nghĩ, hoàn toàn thanh thản, rồi đến đây ăn món chả cá này với những người bạn thân thiết của chúng tôi. Chả cá, một món ăn sang trọng, một món ăn tượng trưng cho Hà Nội, vợ tôi người Hà Nội gốc nhưng chưa một lần được nếm.

Đặng Xuân Hoà là hoạ sĩ đầu tiên vẽ chân dung tôi. Tôi ngồi làm mẫu cho anh ở Mai Gallery. Đốt thuốc lá liên tục mà vẫn buồn ngủ ríp mắt. Trinh mở tủ lạnh lấy cho tôi một bát chè đỗ xanh. Ăn chè lạnh, tôi tỉnh táo được tí chút và than thở:

– Nghề làm mẫu quả là gian khổ. Mình không làm được nghề này. Hoà ơi. Thù lao ngồi mẫu thế này được bao nhiêu đấy?

Bức chân dung Hoà vẽ tôi càng nhìn càng đẹp. Nó đẹp ở sự giản dị. Một thằng tôi tóc xám, áo xám, thứ màu xám của những bộ quần áo có đóng số, mắt mở to đăm đăm nhìn vào số phận. Cái nhìn lặng lẽ, khắc khoải không yên. Như một câu hỏi khoan xoáy vào thời gian trước mặt.

Khác với Đặng Xuân Hoà vẽ tôi bằng sơn dầu, Đinh Quân vẽ sơn mài. Khi tôi đang ngồi để Đặng Xuân Hoà vẽ, Đinh Quân đến. Anh ký hoạ tôi. Rồi về nhà làm sơn mài theo những điều anh đọc, suy nghĩ ghi nhớ về tôi.

Tôi trông thấy bức tranh Đinh Quân vẽ tôi vào hôm anh mời vợ chồng tôi và cả nhà Dương Tường đến nhà anh ăn cơm. Một gian phòng ngổn ngang những tranh là tranh. Toàn sơn mài. Bức chân dung chưa hoàn thành của tôi đặt dựa vào tường, xếp ngoài những bức tranh khác. Trên nền đen, một lão già tóc bạc, mắt lim dim thanh thoát giữa đời, rũ hết đắng cay như đang bay lên theo chiều thẳng đứng, một thứ phiêu diêu. Chúng tôi cùng im lặng ngắm bức tranh. Nó làm tôi xúc động.

– Cháu vẽ chú và nghĩ đến già Đô. Rồi nghĩ đến bố cháu. Bố cháu mất đã mười năm rồi.

Và cười rất tươi:

– Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn đấy.

Đinh Quân gọi tôi là Nguyễn Văn Tuấn, hoá thân của tôi trong Chuyện kể năm 2000. Trong bữa ăn, thỉnh thoảng tôi lại nhìn bức chân dung đã được dựng vào cạnh tường để lấy chỗ dọn mâm. Và bảo Quân:

– Chú thương đồng chí Nguyễn Văn Tuấn quá. Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn chẳng được miếng nào. Cứ ngồi một mình ở kia.

Quân kể chuyện khi bức chân dung hoàn thành, có một người Đức làm việc cho Viện Heinrich Bohl ở Chieng Mai Thái Lan đến nhà mời anh sang Thái. Thấy bức chân dung tôi, ông ta hỏi mua với giá 2000 đô la nhưng Đinh Quân nói bức tranh này không bán. Đây là chân dung một nhà văn đã bị tù năm năm và mới in một bộ tiểu thuyết bị cấm. “Thế là ông ta cứ hỏi mãi về chú.”

Tôi bông đùa:

– Sao không bán đi, Quân một nghìn, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn một nghìn?

Quân giả bộ ngơ ngác:

– Ờ nhỉ. Tranh nhà giồng được. Cháu quên.

Cái tên “đồng chí Nguyễn Văn Tuấn” của Đinh Quân đặt cho tôi trở thành phổ biến trong nhà Dương Tường. Chẳng hạn khi thấy tôi lên, Trinh nhấc điện thoại gọi Đinh Quân ngay:

– Quân đấy à. Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn mới lên.

Thế là Quân đến. Tôi bắt tay Quân và gọi Quân bằng chính cái tên anh đã gọi tôi:

– Chào đồng chí Nguyễn Văn Tuấn.

Quân đọc tôi rất kỹ. Anh đọc ngâm nga. Cháu không thể đọc nhanh, đọc một mạch được chú ạ. Cứ phải đọc đi đọc lại. Vừa đọc vừa suy nghĩ.

Anh rất yêu văn chương. Đọc nhiều. “Chả là trong thời gian ở bộ đội, cháu được giữ cả một cái thư viện. Nhiều sách lắm.” Đinh Quân còn bảo:

– Những trang chú viết về gia đình đọc thích quá. Đọc chú, cháu yêu gia đình cháu hơn. Chuyện kể năm 2000 còn là một quyển tiểu thuyết viết về gia đình nữa.

Tôi rất yêu quý Đinh Quân. Cả nhà tôi yêu quý Đinh Quân và gia đình Đinh Quân. Đinh Quân đã đưa cả gia đình xuống tôi. Hiền, vợ Đinh Quân. Và ốc, con gái vợ chồng Quân. Chẳng biết cháu tên là gì. Tôi cứ nhớ cái tên thường gọi trong nhà của cháu. Quân, Hiền, ốc đều có khuôn mặt đầy đặn phúc hậu, những người có khuôn mặt như vậy không thể làm điều ác. Những khuôn mặt như vậy làm ta tin và yêu ngay từ buổi gặp đầu tiên.([3])

Biết tôi lên Hà Nội thế nào Đinh Quân cũng tìm gặp. Không những thế, anh còn rụt rè hỏi tôi có tiếp được những người bạn của anh không, lúc là “một cậu cũng người Hải Phòng, đi lao động ở Kuwait mới về, bên ấy có gần trăm lao động người Việt, tất cả đều đọc chú trên mạng”, lúc là “những hoạ sĩ trẻ rất mến mộ chú.” Tôi vui vẻ nhận lời. Tôi quen hoạ sĩ Bàng Sĩ Trực qua Đinh Quân. Trực là con trai nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên. Trực chưa đọc tôi. Mới chỉ nghe nói thôi. Trực kể cho tôi nghe tuổi thơ ăn đói của anh thời chống Mỹ. Một lần được ăn cơm, ăn xong anh phải tới bệnh viện. Bụng căng cứng như sắp vỡ. Ông bác sĩ bệnh viện Vĩnh Phú đã quá quen thuộc với những ca bệnh như thế, nói ngay ra nguyên nhân: “Vì ăn cơm đây mà.” Đúng như vậy. Ăn cơm no, uống nước, cơm nở ra, trương lên. Bác sĩ phải cho ống vào họng hút ra. Sau đó phải ăn nước cháo. Ăn ít một. Mãi hôm sau mới được ăn cơm.

– Thế bình thường Trực ăn gì?

– Cháu ăn rau. Toàn rau thôi. Với một miếng nắp hầm. Bữa ấy cháu được một suất gạo của chị cháu cho.

– Trực ăn rau gì?

– Xu hào, cải bắp, rau muống. Lá sắn thì muối như muối dưa ấy, rồi nấu ăn. Ăn no cũng chẳng sao. Có nhà luộc ăn, say chết cả nhà.

– Trong tù, lá sắn chú cứ ninh hai ba nước, ăn chẳng việc gì. Cái dạo chú còn giam cứu, nhiều anh nhận tiếp tế, no bụng đói con mắt, ăn đến bội thực, bên bệnh viện phải sang hút. Được lưng xô. Khiếp. Dạ dày người ta chứa được nhiều thật đấy.

– Cháu dạo ấy còn đang đi học mà cũng hút được lưng chậu đấy chú ạ. Trực nói và cười rất hồn nhiên.

Hoạ sĩ Vũ Thăng tôi cũng quen qua Đinh Quân. Quân giới thiệu trước: Cũng người Hải Phòng, một hoạ sĩ sơn mài có hạng, cháu rất kính nể. Té ra bố Vũ Thăng là một người bạn của cả gia đình tôi, nghĩa là của bố tôi và các anh tôi. Anh Nguyễn Vĩnh Huấn, cán bộ địch hậu Thuỷ Nguyên. Thời kháng chiến chống Pháp, anh hay lên nhà bố mẹ tôi tản cư ở Thái Nguyên và giảng cho chúng tôi — thời ấy còn đang đi học — nghe về chủ nghĩa xã hội khoa học và chủ nghĩa xã hội không tưởng. Tôi còn nhớ cả giọng anh, âm điệu của anh khi anh nói bằng tiếng Pháp: Socialisme scientiphique et socialisme utopique. Nghe anh giảng, chúng tôi phục lăn. Hoà bình lập lại, anh được đi học Liên Xô bẩy năm, về nước với tấm bằng phó tiến sĩ — nay là tiến sĩ — phát thanh. Anh chịu nhiều bất công và nghỉ hưu đã lâu. Anh đã chết. Chết đứng như bạn bè hưu trí của anh thường nói: Anh đi tiểu đêm và chết trong tư thế đầu gục vào tường.

Lương Xuân Đoàn, Nguyễn Xuân Tiệp, Ngô Hà Thái, tôi lại quen trong một hoàn cảnh khác. Tôi vừa đi ăn giỗ Nguyên Hồng trên Yên Thế về nhà Dương Tường. Cả nhà đi nghỉ ở Cửa Lò. Chỉ có tôi và Trinh. Tuổi già đi xa nên bị mệt. Đang ăn cơm với bà chủ khách sạn ba sao thì Đinh Quân đến. Anh đã biết trước ngày đồng chí Nguyễn Văn Tuấn từ Yên Thế về. Anh ngồi vào bàn ăn uống cùng chúng tôi. Bình thường như không có gì vội vã, mặc dù lúc ấy cả một bữa rượu đang chờ Quân và tôi ở phố Hàng Buồm. Quân không dám nói, vì thấy tôi quá mệt, cơm không ăn được, bia cũng chỉ nhấm nháp.

Xong bữa, Quân bảo:

– Trời Hà Nội đêm đẹp lắm. Chú có mệt không? Cháu đèo chú đi lòng vòng một tí nhé.

Tôi muốn nằm. Nhưng nể Quân. Vả lại đêm hè Hà Nội hấp dẫn tôi. Tôi muốn gặp lại những đêm hè Hà Nội của tôi ngày trước. Hai chú cháu đèo nhau đi. Tới hiệu kem phố Tràng Tiền, Quân bảo tôi trông xe. Anh vào mua một bịch kem nặng. Lại đi. Rẽ Hàng Đường, anh bảo: Có một đội toàn anh em trẻ thôi. Những người rất muốn gặp chú. Họ chờ sẵn cả rồi. Chú cháu mình đến được không chú?

Tôi chẳng thể nào từ chối. Tới một căn nhà sâu thẳm phố Hàng Buồm, trèo lên thang gác rồi lại đi ngược trở ra, bắt gặp một buồng lố nhố người. Một mâm rượu đã chờ sẵn. Nhà vợ chồng họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp. Cùng với chủ nhà Tiệp – Hường là Ngô Hà Thái, khi đó là phó tổng biên tập báo Thể Thao Văn Hoá, Lương Xuân Đoàn và Hiền vợ Quân.

B.N.T.

([1]) Ở các nước xã hội chủ nghĩa có một cái gọi là sinh mạng chính trị đấy. Anh vẫn sống nhưng người ta coi như anh đã chết rồi nếu anh không có nó.

(2) Cấp tướng.

(3)Tôi luôn mong cái gia đình trẻ trung ấy hạnh phúc nhưng thật không ngờ. Nó đã tan vỡ! Nó tan vỡ mấy năm sau đó! Thật buồn và ngoài sức tưởng tượng của tôi.

(Xem tiếp kỳ sau)


Comments are closed.