HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000

(Thời biến đổi gien)

Kỳ 19

Bùi Ngọc Tấn

Phải đến quá tám rưỡi tối nhưng tất cả vẫn cứ chờ. Rượu chưa mở — một chai vốt ca. Chưa ai đụng đũa. Hẳn họ đã đói mèm. Tất cả reo lên khi thấy chúng tôi. Sự chờ đợi cuối cùng đã chấm dứt. Tôi cảm thấy mình là người có lỗi. Thì ra các anh làm bữa rượu này để mời tôi — họ đã được Đinh Quân thông báo thời gian tôi từ Yên Thế trở về Hà Nội — và cứ nhất định chờ tôi có mặt để vừa ăn vừa trò chuyện cùng tôi. Chỉ giữa các anh với nhau, ăn uống lúc nào chả được. Đinh Quân đưa túi kem cho vợ. Hiền hỏi:

– Ai trông xe cho anh mua kem. Anh bắt chú trông xe à?

Quân cười:

– Thì đồng chí Nguyễn Văn Tuấn chứ ai!

Chúng tôi uống rượu. Đúng hơn, tôi chỉ nhấp một xíu vốt ca, còn toàn ăn kem. Phần nhậu là nhiệm vụ của các bạn trẻ. Đến lúc ấy tôi mới biết Nguyễn Xuân Tiệp là con trai nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc, người hồi chống Pháp đã về trường Hàn Thuyên dạy lũ học sinh chúng tôi làm nhạc không son phe. Và Hường vợ Tiệp là con gái hoạ sĩ Sĩ Ngọc, một hoạ sĩ tôi hằng kính yêu, đã minh hoạ những truyện của tôi in trên báo Văn Học.

Hường – Tiệp xưng cháu, nhưng tôi cười: Em thôi.

– Cháu… Em đã được đọc đâu. Hường bảo. Có bộ sách của anh thì mẹ em giằng mất. Mà mẹ em cũng chưa được đọc ngay. Bạn mẹ em đọc. Các cụ đọc mải miết. Đọc đi đọc lại. Đến bây giờ em vẫn chưa được đọc. Cứ có ai đến là mẹ em lại cầm bộ sách ra, lật hai cái bìa bốn có ảnh anh. Mẹ em bảo: Đây này. Lúc mới tiếp quản người ta như thế này. Bây giờ các ông làm người ta thành ra như thế này.

Tôi thực sự xúc động. Không xúc động sao được khi chị Sĩ Ngọc chưa biết mặt tôi mà xót thương tôi đến thế. Bức ảnh bìa bốn tập 1 là bức ảnh tôi chụp mùa Đông năm 1954 với anh Bùi Đức Thành, anh thứ hai tôi khi hai anh em cùng vào tiếp quản thủ đô. Tôi mới hai mươi tuổi chưa hằn một nếp ưu tư. Còn bức ảnh in ở tập 2 Minh Nhật chụp tôi mùa thu năm 1997 rất đẹp. Tôi như từ bóng tối nhô ra, nhăn nheo, kiên nghị, không đầu hàng, mắt bên tối thì sáng, mắt bên sáng thì tối…

Tôi hỏi Lương Xuân Đoàn:

– Lam Luyến có nói với mình là nhờ Đoàn vẽ bìa nhưng không được…

Đoàn bảo:

– Hồi ấy em đi Na Uy.

Cùng với thời gian, Đoàn cũng như những người ngồi quanh mâm rượu tối đầu hè hôm đó đều đã trở thành những người bạn thân thiết của tôi. Thân thiết và quý trọng. Nguyễn Xuân Tiệp chẳng hạn. Anh đã làm đơn xin nghỉ khi đang giữ chức vụ hoạ sĩ trưởng Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam, một cái ghế có quyền lực và mang lại cả… tiền. Ngô Hà Thái nữa. Biết tôi cưới vợ cho con trai út, đứa con khi tôi đi tù về mới lên bốn đã hỏi tôi hai câu hỏi Thái không thể nào quên được: Sao bố đi lâu thế? Bố già chưa hở bố? Thái đã cùng Phạm Xuân Nguyên xuống Hải Phòng dự tiệc cưới còn gọi là “ăn cơm bụi giá cao.” Ăn xong, tối đêm lại mò về Hà Nội. Nhìn hai anh tươi cười bên mâm cỗ, tôi lắc đầu: “Hai thằng này. Người ta đã tha cho rồi, không mời mà vẫn cứ xuống Tôi hiểu các anh không thể vắng mặt trong ngày vui của gia đình tôi. Đó là những người theo một nghĩa nào đó đã là ruột thịt.

Mãi khuya tôi mới từ chỗ Tiệp – Hường về nhà Dương Tường, không chợp mắt được dù rất mệt. Hai mắt dõi vào bóng đêm và tìm thấy trong đó hạnh phúc. Tôi đã có thể hình dung được phần nào cuộc sống mới đang đến với tôi. Không còn cô độc thầm lặng với một khối u nặng trĩu vón cục kết tủa trong tim óc. Có ai đó nói rằng: Không gì khủng khiếp bằng nhìn một trí thức không mang gì khác ngoài nỗi bất công đè nặng trên vai. Tôi hiểu được điều ấy. Nhiều người hiểu được điều ấy. Bằng chính cuộc đời họ, bằng những ngày đêm gậm nhấm gông cùm trong khi tai luôn nghe rao giảng về lòng nhân ái. Tôi nghĩ đến những bậc đàn anh, cha chú: Phan Khôi, Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Vũ Đình Huỳnh, Hoàng Minh Chính… Những người Nhân Văn Giai Phẩm, những người Xét Lại Hiện Đại, những người có cái đầu dại dột dùng để nghĩ, những tai vạ mà những người đi trước thời đại phải mang.

Lại càng không thể không nhớ lại những ngày hậu tù cô đơn mà ghê sợ. Ở Hải Phòng tôi chỉ có một Nguyên Bình. Và khi Nguyên Bình đã chuyển lên Hà Nội thì tôi không còn nơi nào để mà đi đến nữa. Điều kinh khủng của xã hội này là như vậy: Không còn nơi nào để mà đi đến nữa! Cái ông Henri Charrière vượt khỏi nhà tù là đã được sống ngay trong vòng tay xót thương đùm bọc của những người dân Venezuela đến độ những cô gái đã qua đêm cùng ông để bù đắp cho ông. Mời ông hãy đến đất nước của tôi. Ông sẽ được hưởng điều mà chỉ những đất nước triệu lần dân chủ hơn, triệu lần nhân ái hơn mới có

*

Cuối cùng thì cái quyết định thu hồi tiêu hủy tập tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 của tôi và có hình thức kỷ luật nghiêm khắc Ban Giám đốc nhà xuất bản Thanh niên đã được công bố. Tôi không được nhận quyết định ấy và chỉ đọc nó trên các báo. Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông ton Phan Khắc Hải ký ngày 16 tháng 3 năm 2000 kết tội nó đã vi phạm khoản 1 và 2 điều 22 luật xuất bản và quy chế lưu chiểu. Tôi lùng tìm bộ luật xuất bản. Tôi tra ngay khoản 1 và 2 điều 22, những khoản tập sách của tôi vi phạm mà vì thế nó bị thu hồi tiêu huỷ.

Đây rồi điều 22 : Nghiêm cấm các xuất bản phẩm có nội dung:

1– Chống lại nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân.

2– Tuyên truyền bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, truyền bá tư tưởng, văn hoá phản động, lối sống dâm ô đồi trụy, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.

Lại một cái gì chẹn ngang cổ. Lại cố hớp lấy mấy ngụm khí trời để khỏi chết vì tắc nghẹn. Chao ơi! Đã bao năm rồi vẫn một kiểu cai trị như thế. Vẫn nói trắng thành đen, nói đen thành trắng. Vẫn lì lợm không biết xấu hổ. Sự lì lợm này mài nhẵn những bộ mặt, ăn mòn phản ứng trên da mặt. Nó làm mặt người gần mặt con vật. Bởi để có một nét phản xạ trên khuôn mặt, con người cần đến bao nhiêu hệ cơ bắp, dây thần kinh mà con vật không thể có. Hãy xem lại từng khoản mà ông thứ trưởng Phan Khắc Hải đã ký.

Khoản 1: Chống lại nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tập tiểu thuyết của tôi chỉ thuật lại chân thực những điều chà đạp lên cuộc sống con người. Những bi kịch của xã hội độc tài độc trị, của sự nhân danh cách mạng xâm phạm những quyền cơ bản nhất của con người mà cách mạng đã giương cao ngọn cờ tập hợp nhân dân đứng lên giành lấy. Và niềm tin đã đổ vỡ. Bao nhiêu xương máu đã đổ, hy vọng đón bình minh những vẫn chỉ là đêm đen. Bằng vào những kinh nghiệm cay đắng của bản thân và của biết bao người khác, tôi viết tập sách này để kêu gọi nhà nước hãy thực thi luật pháp, đừng bao giờ để xẩy ra những thảm cảnh tương tự. Nếu một nhà nước thật sự của dân do dân vì dân như người ta vẫn nói, nếu một nhà nước làm theo hiến pháp và pháp luật như khẩu hiệu do chính nhà nước đưa ra, nếu một nhà nước dũng cảm nhìn thẳng vào sai lầm và quyết tâm sửa chữa như những người lãnh đạo nhà nước vẫn hàng ngày tuyên bố thì sẽ đón nhận tập sách của tôi như một bằng chứng cụ thể để sửa đổi, làm cho đất nước mạnh hơn lên, con người sống cùng nhau trong tình thân ái, không hận thù nghi kỵ, lại càng không đàn áp, tiêu diệt. Nhận sai lầm bao giờ cũng là một việc làm nâng cao uy tín của mình. Nếu cái uy tín ấy không còn thì cũng là bước đầu khôi phục nó, nhen nhúm nó trở lại.

Quyết định của Bộ Văn hóa Thông ton nói tập sách của tôi phá hoại khối đoàn kết toàn dân. Đúng là hài hước. Đại hài hước. Chẳng lẽ lại thanh minh rằng trong tiểu thuyết của tôi có mọi tầng lớp dân tộc. Kinh. Nùng. Thổ. Mán. Hoa. Công giáo. Nhà báo. Việt kiều. Cán bộ. Nông dân, nghệ sĩ, máy trưởng, ăn cắp, giết người, chính trị, “ngụy quân”, bộ đội… Đủ các tầng lớp các thành phần dân tộc đi tù chứ! Phá hoại khối đoàn kết toàn dân ở chỗ nào?!

Còn khoản 2, chỉ những người nhắm mắt trước sự thật, sự thật được ghi bằng giấy trắng mực đen, rõ ràng như hai với hai là bốn, hoặc những người trí óc không bình thường, thiểu năng trí tuệ mới dám nói rằng tôi vi phạm. Chẳng lẽ họ tìm thấy trong tiểu thuyết của tôi những luận điệu tuyên truyền bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây thù hận giữa các dân tộc và nhân dân các nước, truyền bá văn hoá phản động, lối sống dâm ô đồi truỵ, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục như đã ghi trong khoản 2 điều 22 luật xuất bản?

Họ là ai? Những kẻ xưng xưng ngậm máu phun người. Vẫn biết quyền lực ở chốn thâm u, quyền lực nằm trong bóng tối, nhưng sao vẫn cứ ao ước “bạch hóa” nó, lôi nó ra ánh sáng. Một quyền lực hiện hình thành một con người, có mặt, có mồm, có tên gọi, có tuổi, có hình dong diện mạo từ bóng tối bước ra, để ghi vào lịch sử như một Tần Thủy Hoàng thời hiện đại.

Tôi nghĩ đến những ông kẹ với những giáo điều kết lại từng bối han gỉ trong đầu gần thế kỷ, những Thái Thượng hoàng đầy quyền uy, đang mang chút lực tàn ra bảo vệ sự trong sáng của cách mạng, đập bàn, giậm chân, giận dữ. Tôi nghĩ đến cái bộ đã ra quyết định thu hồi tiêu huỷ tập sách của tôi. Tôi nghĩ đến ông Bộ trưởng Trần Hoàn, người đã phá đàn Nam Giao, người sắp rời vị trí nhường chỗ cho Nguyễn Khoa Điềm. Trần Hoàn nguyên là giám đốc sở văn hoá Hải Phòng, biết tôi và trong buổi trao giải thưởng của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội cho tôi đầu năm 2000 còn ôm lấy tôi vỗ vỗ vào lưng tôi, nói đủ cho tôi nghe: “Ông bạn già của tôi đây.” Rồi nghĩ đến thứ trưởng bộ Văn Hoá kiêm tổng thư ký Hội Nhà Văn Nguyễn Khoa Điềm, người mà Nguyễn Quang Thân đã bảo tôi: “Nhìn một người, mày đừng nhìn vào bản thân nó, mà hãy nhìn cái ghế nó ngồi.” Thân bao giờ cũng thông minh, sắc sảo. Lời Thân nói đáng buồn thay lại là chân lý. Theo chân lý đã được cuộc sống kiểm nghiệm và chứng minh này, cái ghế càng to độ hỏng của người ngồi ghế càng lớn. Ít nhất 99% là như vậy. Đến bao giờ lịch sử sẽ lôi ra được những gì ẩn trong những chiếc ghế vàng son đó? Tôi vẫn cứ nghĩ là một nhà thơ, Nguyễn Khoa Điềm hiểu được những gì nhân dân đang gánh chịu và thông cảm với tôi. Việc Nguyễn Khoa Điềm làm là bắt buộc phải làm. Nhưng Nguyên Ngọc, trong một lần về Hải Phòng thăm tôi nói khác:

– Trong Nguyễn Khoa Điềm có hai con người. Điềm hiểu tất cả nhưng lại làm ngược lại. Trong một hội nghị xuất bản, chính Nguyễn Khoa Điềm đã nói về Chuyện kể năm 2000:Đây là một quyển sách độc ác.”

Sao Nguyễn Khoa Điềm lại nói thế nhỉ? Tập sách của tôi chỉ thuật lại trung thực một cuộc đời bị vùi dập, tù tội oan khuất. Lẽ ra ông ta phải nói: “Những người gây ra thảm cảnh này thật là độc ác.” Ông ta đã đánh tráo khái niệm, biến nạn nhân thành thủ phạm. Nguyên Ngọc còn kể trong một đại hội nhà văn, Nguyên Ngọc động viên Nguyễn Khoa Điềm nhận chức tổng thư ký, Điềm đã trả lời: “Tôi ở tỉnh chắc hơn.” Đúng là làm thường vụ tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế rồi từ đấy tiến thân chắc chắn hơn, cơ bản hơn làm anh tổng thư ký Hội Nhà Văn dân bầu xã cử đầy phức tạp bấp bênh này. Nguyên Ngọc kết luận:

– Mỗi bước đi, Điềm đều tính toán rất cẩn thận.

Có vẻ Nguyên Ngọc đã đúng. Ở Huế, thấy một nhà sư biểu tình ngồi, ông đã hạ lệnh: Hót! ([1]) Ở Huế, ông cấm tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Phục. Ông lên Hà Nội làm tổng thư ký Hội Nhà Văn, thứ trưởng bộ Văn Hoá Thông Tin. Và chiếc ghế uỷ viên Bộ Chính Trị chờ ông trong đại hội đảng sắp họp. Lên án và sát hại Chuyện kể năm 2000 là một hành động bảo đảm cái ghế ấy là của ông.

Nhưng ông không ký lệnh. Ông Phan Khắc Hải ký. Đừng bao giờ dính vào việc ký lệnh đốt sách. Ô danh muôn đời không rửa được.

Trong đại hội nhà văn lần thứ 6 tháng 4-2000 tôi nhiều lần giáp mặt Nguyễn Khoa Điềm. Không hiểu ông có biết tôi không. Còn tôi làm như không biết ông, không chào ông. Chả làm quái gì phải chào một người không quen, một người luôn tự thấy mình là quan trọng, lúc nào cũng hầm hầm như giận dữ căm ghét tất cả lũ ăn hại phá quấy chúng tôi, những kẻ nhơn nhơn lợi dụng dân chủ khiến ông phải đau đầu vất vả. Với chức trưởng ban Tư Tưởng Văn Hoá Trung Ương Đảng, ông siết chặt báo chí, chiếu tướng các nhà xuất bản. Trong một hội nghị xuất bản, ông chỉ đạo Bộ Văn Hoá Thông Tin phê bình bằng văn bản nhà xuất bản Hải Phòng do nhà thơ Phạm Ngà làm giám đốc “đã in cho Bùi Ngọc Tấn, là người có sáng tác bị cấm, ba đầu sách trong một năm” — 2003. Có tin ông sẽ lên làm chủ tịch nước. Tin gần như chắc chắn. Đồng Đức Bốn một người hết sức thân cận với ông ([2]) còn nói rõ cả thời gian đại ca sẽ nhậm chức. Thế rồi ông về hưu. Bị hất ra khỏi cung đình. Đạp xe đạp ở Huế, hẳn ông đã ngấm trò chơi chính trị, biết thế nào là những bậc cao thủ. Rồi ông trưởng ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương Đảng, người lãnh đạo tư tưởng văn hóa toàn quốc đã về vườn ấy trả lời báo chí rằng cái yếu nhất hiện nay là văn hóa, ta cứ làm văn hóa như thế này thì còn đi xuống nữa. Ông nói tâm lý phổ biến của dân là không thích chính quyền, dân chỉ đối phó với chính quyền, và ông nói sống trong một xã hội như xã hội mình thì khi nào cũng phải sợ…Ông đã công bố trên Sông Hương số 6-2013 bài thơ Tự Do, một bài thơ như một bạn đọc nhận xét “giống Bùi Ngọc Tấn viết trước đó mấy chục năm và đã bị ông nghiền thành bột.”

(…) Giữa cái thời sống là đeo đuổi/ Danh hiệu, bạc tiền, ghế cao, nhà rộng / Tôi chọn tự do/ Thi sĩ/ Tự do trước hết chính mình/ Không chiều lụy mình/ Ngỏng cổ nghe lời khen tặng.

(…) Thật bình dị/ Tự do làm tâm hồn ta lớn lên. Trong chiều kích vũ trụ.

Ông nói ông mất tự do vì chiều lụy mình, vì muốn ngỏng cổ nghe lời khen tặng.

Để có lời khen tặng, bao nhiêu người đã phải trả giá, kể cả cái giá đất nước phải trả. Còn chúng tôi mất tự do vì chính các ông, vì sự ngỏng cổ của các ông, cách thức cai trị, trừng trị của các ông: Không in, xùy tay sai đánh đấm, nghiền sách, đốt sách, tống vào tù vô thời hạn. Chúng tôi cam chịu mọi khó khăn, nguy hiểm, nghèo khó, vào tù để có được cái tự do ông nói: Được là mình, viết điều mình mong ước, mặc cho ông cùng các bạn của ông liệt những hành vi như vậy là bất mãn, là chống đối — mà bây giờ gọi là chống phá, theo dõi, uy hiếp.

Khi ông Điềm mất sạch chức tước, về hưu, tôi thương… nhiều nhà phê bình lý luận và cả một số nhà văn nữa đã bỏ ra bao nhiêu công sức đầu tư, xào đi nấu lại một món đã được ninh nhừ đến mức… sột sệtvụ đấu tranh tư tưởng nghệ thuật vị nhân sinh và nghệ thuật vị nghệ thuật giữa Hải Triều — thân phụ ông Điềm — và Hoài Thanh từ thời nảo thời nào, và sau cách mạng Hoài Thanh nhiều lần tự lên án mình đã đề cao cái hay cái đẹp của Thơ Mới: “Những câu thơ buồn nản vẩn vơ cũng đều là bạn đồng minh của giặc.” Mấy ông mẫn cán như thế, đánh dai còn cái lai quần cũng đánh như thế mà bỗng chốc thành công cốc. Giờ đây vụ này chắc sẽ vĩnh viễn xếp vào hồ sơ lưu của lịch sử. Hoài Thanh chắc sẽ không bị đào bới, và có thể yên giấc ngàn thu. Bởi ông Điềm không thể lại là một trong mười sáu ông vua không ai có thể kiểm soát và ngấp nghé ngôi vị Hoàng Thượng. Bởi làm gì có nghệ thuật vị nghệ thuật. ([3]) Nghệ thuật nào cũng vì Con Người! Câu chuyện rẽ ngang về ông Nguyễn Khoa Điềm hơi dài, bởi đâu phải chỉ chuyện ông Điềm.

Trở lại chuyện của tôi.

Hai tuần lễ trước khi có lệnh thu hồi tiêu huỷ của Bộ Văn hóa Thông ton do ông Phan Khắc Hải ký, tôi đã xe hết sách mà Luyến đưa tôi để nộp lên nhà xuất bản. Nhà xuất bản không cho xe xuống chở sách mà chỉ cử hai người về nhà tôi. Một người bên phát hành. Một người làm cùng phòng với Lam Luyến. Tôi mời hai anh ăn trưa: Một bữa lẩu dê ở Ngã Sáu. Rồi các anh đi thuê xe ô tô. Một chiếc Toyota tám chỗ. Lúc đang xếp sách lên xe, có điện thoại của Đình Kính:

– Em đang ở nhà xuất bản Thanh Niên.

Kính đã từ Đà Nẵng về. Anh đã biết tất cả diễn biến cũng như biết tôi đã mang sách anh gửi ở quán cà phê về nhà tôi.

– Em chờ anh ở nhà xuất bản. Em vừa về đến đây

Tôi rất mong gặp Kính. Anh là người đã chở sách từ Hà Nội về nhà tôi như chở một niềm vui bất tận về cho tôi và hôm nay tôi nộp lại niềm vui ấy để nhận lấy thất vọng, anh cũng có mặt cùng tôi.

Vừa đặt máy xuống chuông đã lại đổ. Nhấc máy. Dễ dàng nhận ra Nguyễn Trọng Tạo. Từ ngày xẩy ra sự cố về sách đến giờ tôi mới gặp lại Tạo — dù chỉ trên điện thoại. Mới quen nhau nhưng tôi rất quý anh. Cái bìa Chuyện kể năm 2000 của Nguyễn Trọng Tạo được nhiều người công nhận là một trong mấy cái bìa đẹp nhất những năm gần đây. Giọng trầm của Tạo bên kia đầu dây. Hôm qua Tạo đi vắng. Về cơ quan thì nhận được thư anh. Tôi bảo: Lại phải cảm ơn Tạo một lần nữa về cái bìa. Đẹp. Thông minh. Độc đáo. Cho dù cả bìa cả ruột mình đang thu gom để nộp đưa lên đài hoá thân hoàn vũ. Tiếng cười của Tạo cũng trầm như giọng nói: A25 họ bảo em: Bìa anh Tạo làm nhiều ẩn ý lắm. Em bảo bìa Nguyễn Trọng Tạo làm một trăm ẩn ý. Có tay bảo: Sao trông nó giống cái Khuê Văn Các thế nhỉ. Em bảo: Các ông nói đấy nhé. Không phải tôi nói, kẻo sau này lại đổ cho tôi. Bọn ở Huế ra Hà Nội gặp em, cứ đòi đọc, đòi phô-tô cop-pi, nhưng tập anh cho em và cả tập sách bản quyền cái bìa nữa lưu lạc đến đâu rồi. Đọc anh thích lắm. Sau Vũ Trọng Phụng, Tạo chưa đọc tập nào thích. Cứ ao ước thì bây giờ được đọc. Sướng. Tập tiểu thuyết của thế kỷ đấy. Thằng Nguyễn Quang Lập cũng thích lắm. Thích lắm ấy. Kỳ này đi đại hội nhà văn em sẽ tham luận: Có thật chúng ta mong muốn có tác phẩm lớn không? Nói để mà nói. Cho có mục tiêu, cho ra vẻ thế thôi. Chứ có tác phẩm lớn là xúm lại vặt trụi lông. Đấy tiểu thuyết là thế đấy. Chẳng trào lưu trường phái. Chẳng hiện sinh. Chẳng hậu hiện đại. Chẳng hiện thực huyền ảo. Hiện thực nghiêm ngặt mà thế đấy. Lại cười. Khà khà. Anh Tấn ơi. Anh viết về cái vụ in ấn Chuyện kể năm 2000 đi. Thích lắm đấy. Bao giờ in thì in. Cứ viết sẵn đi…

Tạo xui tôi viết Hậu Chuyện kể năm 2000. Lại một người đồng điệu. Trong điện thoại Tạo còn nói Tạo bảo với cánh A25 rằng đọc đi rồi rút kinh nghiệm: Đừng bao giờ bắt các nhà văn vào tù. Ra tù là họ viết đấy. Viết không cãi được đâu. Nếu bắt họ vào tù thì phải làm họ chết ở trong ấy. Tạo cười khà khà. Một câu nói đùa nhưng tôi nghe cứ rợn cả người bởi nó rất có thể trở thành hiện thực.

Chuyện với Tạo xong tôi lên xe chở sách đi Hà Nội. Không quên mang theo ba bốn phương án về số sách không nộp. Cả danh sách tặng với thống kê họ tên từng người. Chỉ không có địa chỉ. Dù Bùi Văn Ngợi đã rất căng với tôi trên điện thoại:

– Anh cho địa chỉ từng người để nhà xuất bản chúng tôi cử người đi thu. Vất vả cũng phải làm.

Tôi hơi hoang mang nhưng nghĩ ngay: Lại một cách nói với tôi nhưng để người vô hình nghe đây. Bởi việc đó gần như không thể thực hiện được. Ai lấy sách được của Bầu, Tường, Lân, Bão, Công Nam…?

Tuy nhiên tôi đã trả lời Ngợi:

– Tôi chỉ nhớ tên người chứ không nhớ địa chỉ đâu. Ngay ông anh ruột tôi ở Hải Phòng tôi thường xuyên đến chơi, nhưng không bao giờ nhớ số nhà.

Điều tôi nói là thực tế, nhiều thuyết phục. Khi nộp sách không thấy Ngợi nhắc gì đến địa chỉ những người tôi biếu sách và mua sách của tôi, tôi càng tin anh làm căng như vậy qua điện thoại chỉ là diễn, như tôi và Đinh Chương ngoài đời, như vợ chồng Bình trong truyện nằm trên giường diễn vở ngợi ca. Khó khăn nhất là năm mươi bộ Luyến gửi vào bán ở thành phố Hồ Chí Minh tôi đã lo liệu xong. Vũ Tín đã giúp tôi. Vẫn với tiếng cười hề hề quen thuộc, Tín nói với tôi như đang nói với các nhà chức trách lục vấn anh:

– Tôi đang ngồi bán hàng thì một ông bạn thương binh đi qua, ông ấy bảo sắp vào Sài Gòn kiếm ăn mà rách quá. Có cái gì mách ông ấy để ông ấy đưa chân kiếm tí tiền tầu xe. Tôi bảo khó lắm. Nhưng có cái này, làm được không. Có dăm chục bộ sách thằng bạn tôi mới in đây. Giá bốn mươi nghìn. Giá bìa là bẩy bẩy nghìn. Nhưng bán được trăm rưởi hai trăm nghìn một bộ đấy. Làm được thì làm. Ông bạn tôi làm ngay.

Tôi cũng lấy giọng nhà chức trách hất hàm hỏi anh:

– Ông bạn ông tên là gì?

Trần Quyết Thắng. Tín trả lời ráo hoảnh. Chắc là cái tên vừa mới nghĩ ra. Tôi nghiêm mặt, giọng gay gắt vặn vẹo của cán bộ điều tra, quắc mắt nhìn anh:

– Ông ấy ở đâu?

Vẫn kiểu tỉnh bơ của Tín:

– Ở bộ đội. Cùng đơn vị. Trước có nhớ cả xã, thôn đấy. Nhưng bây giờ chỉ nhớ là Thạch Thất Sơn Tây. Lâu quá rồi. Từ hồi tái chiếm Quảng Trị đến giờ nhớ thế chó nào được. Mỗi ngày nướng một đại đội! Một đại đội bốc hơi! May mà còn sống để nhớ cái tên tôi là Vũ Tín.

– Anh Trần Quyết Thắng giả tiền anh chưa?

– Giả tiền ngay. Tiền trao cháo múc. Bán chịu biết nhà bố ấy ở đâu mà đòi. Hề hề…

Vừa nói Tín vừa xoay cái chân gỗ lục cục lục cục trên nền đá hoa. Vẻ mặt tự tin đến mức khiêu khích. Và cười ầm lên, một tiếng cười giòn vang chiến thắng. Bỗng im bặt rồi chuyển rất nhanh sang sừng sộ, áp đảo không cho bàn cãi:

– Mấy tập ông còn ở chỗ tôi, tôi giải quyết hết rồi.

Tôi giật mình:

– Đừng ông ơi. Không có nữa đâu.

– Một bộ giải quyết ở đây. Một bộ thì một thằng ở Hoà Bình về cứ năn nỉ. Hai bộ ngược lên Phú Thọ. Đất tổ. Phải đưa về đất tổ Hùng Vương. Thằng này là bạn thân của mình. Cũng dân thông tấn xã…

Đó là lời một người đã có mặt ở những nơi gay go nhất trên mặt trận khu 5, đã bỏ lại một chân ở chiến trường Quảng Trị và không ai có thể nghi ngờ lòng yêu nước của anh. Vũ Tín, bạn tôi.

Khoản khó nhất đưa sách vào thành phố Hồ Chí Minh thế là xong. Yên tâm. Yên tâm vì có nhiều phương án trong túi. Yên tâm trên đường đi vì có lệnh của nhà xuất bản mang ba trăm bộ sách về Hà Nội. Trên xe anh cán bộ phát hành năn nỉ tôi mãi:

– Anh cho em một bộ. Bớt cho em một bộ thôi.

Giọng anh thiết tha. Mấy trăm bộ sách sắp đưa vào huỷ diệt mà không dám bớt ra một bộ cho anh. Là tác giả, lại càng đau, phải cố gắng lắm để không gật đầu, không đưa tay vào cái bao dứa căng phồng những sách là sách mình đã mài cuộc đời ra để viết, rút lấy một bộ. Chẳng biết anh là người thế nào. Có thể một cái bẫy. Tôi nói với anh là số lượng sách đã báo cáo với nhà xuất bản. Để tôi nộp rồi anh xin anh Cao Giang. Tôi sẽ nói giúp.— Giữ lời hứa, khi đến nhà xuất bản, tôi đã nói với anh Cao Giang về nguyện vọng của anh, Cao Giang đã gay gắt với anh: “Một bộ nhưng phải sẵn sàng nộp lại đấy.” Thế là cứu được một mạng sách khỏi bị sát hại.

Suốt dọc đường 5 không có sự cố gì. Nhưng khi về Hà Nội đến nhà Lê Bầu 105 Phùng Hưng để nhận thêm hai bao sách, chiếc Toyota sa vào vòng lao lý.

Ô tô đỗ trước cửa nhà Bầu, bên kia đường phía dốc cầu Long Biên và vẫn nổ máy. Chúng tôi xuống xe, băng qua đường, vào trong nhà, vần ra từng bao một. Anh lái xe chừng muốn xong việc thật nhanh, mau mắn xuống xe giúp chúng tôi khuân vác. Khi anh mới đi được mấy bước, tới giữa lòng đường, như chỉ chờ có vậy, “từ trên trời” rơi xuống ngay trước mũi xe hai người, một công an và một thanh tra giao thông mặc sắc phục. Tiếng còi vang lên làm tất cả chúng tôi sững lại. Thu bằng lái. Van xin. Nhưng mặt cứ lạnh như kem. Lẽ ra anh tài cứ ngồi sau tay lái thì chẳng sao. Xuống xe là phạm luật. Hiểu rõ mình phải làm gì, anh lái rút ví lấy ra năm tờ giấy bạc mười nghìn đỏ hồng, năm tờ cụ mượt đưa cho người công an đang giữ bằng lái của anh. Mặt cau lại để tỏ ra mình rất công tâm, khác hẳn thói thường, khinh bỉ trò ăn tiền bẩn thỉu, anh công an quay ngoắt người bước đi và ném lại một câu: “Về phường! Về phường giải quyết!” Tim tôi thắt lại vì lo. Về phường với những bao sách này có thể gay go. Họ sẽ kiểm tra hàng hoá. Chúng tôi có giấy. Nhưng sách sẽ được xếp ra. Người này cầm một quyển. Người kia cầm một quyển. A! Chuyện kể năm 2000. Sách cấm đây mà. Đình chỉ phát hành. Thu hồi tiêu huỷ. Sách phản động đây. Người ta càng tò mò xúm lại và thật khó giữ cho đủ số sách. Chưa kể cái nguy là cứ ngồi chường mặt ở đấy mà giữ sách không biết đến bao giờ.

Chiếc ô tô chở chúng tôi “lẽo đẽo” bò theo họ tới đầu chợ Hàng Da. Họ dừng lại. Xe dừng lại. Anh lái xe đã tế nhị kẹp năm mươi nghìn vào tờ hợp đồng, trông rất kín đáo. Anh xuống xe, đưa tờ giấy có kẹp tiền ấy cho hai nhà đương cục. Nhưng người ta vẫn không thèm cầm. Lại đi. Đi và rẽ vào một phố ngang. “Người cầm lái vĩ đại” của chúng tôi bỏ xe bên vệ đường, cuốc bộ theo sau. Chẳng biết đi đâu. Hoá ra được một quãng khá xa, các nhà chức trách dừng lại. Dừng lại chờ đối tượng bị phạt. Nhà chức trách nhận kẹp giấy. Rồi trả lại bằng lái và tờ hợp đồng đã được rút mất nhân là năm tờ giấy đỏ mười nghìn, năm tờ cụ mượt.

Thì ra quy trình là như thế này:

1– Phải điều xe đi xa nơi huýt còi phạt.

2– Cho xe ô tô đỗ ở một nơi khác.

3– Nhận tiền xa chỗ đỗ xe.

Ba địa điểm khác nhau. Để đảm bảo sự trong sạch và liêm khiết của guồng máy.

Anh lái xe méo mặt, tự trách móc mình về chuyện đã nhanh nhẩu xuống xe. Giá cứ ngồi trong ca-bin thì chúng nó chẳng làm gì được mình. Cháu vừa nhẩy xuống xong. Không biết chúng nó ở đâu ra mà nhanh thế. Thế là mất ăn. Toi một ngày công. Đ. mẹ bọn ăn cướp. Đ. bà bọn ăn bẩn. Tổ sư bọn cướp cơm chim. Tôi không biết nói với anh thế nào. Bởi vì nhiều người ăn cướp, ăn bẩn lắm anh ơi! Càng to ăn càng bẩn, càng cướp cơm chim của nhiều người. Tối qua, thiếu tướng Phạm Chuyên, giám đốc sở Công An Hà Nội còn đeo cành tùng xuất hiện trên tivi nói về công an Hà Nội quyết tâm xây dựng lực lượng, nêu cao ý chí, nâng cao phẩm chất cách mạng, công bố những đường dây điện thoại nóng để nhân dân góp ý với công an. Chuyện phạt vạ, ăn tiền xẩy ra giữa thanh thiên bạch nhật. Bao nhiêu người nhìn. Bao nhiêu người biết. Có ai gọi đường dây nóng góp ý không? Chúng tôi thừa nhiệt huyết, thừa bất bình với những trò ăn bẩn và mọi trò dối trá đê tiện khác, chúng tôi cũng không bao giờ gọi. Vì chúng tôi đã quen rồi. Mà dù có gọi, phỏng ích gì? Tất cả chúng tôi đều đã bị đánh bại ý chí. Chúng tôi đã thua. Không chỉ trong chuyện cỏn con này. Mà trong mọi chuyện to lớn hệ trọng khác. Ngay chuyện bầu cử Quốc Hội đó thôi. Bao nhiêu năm người ta đã làm cho nhân dân hiểu rằng: Mọi cựa quậy muốn khác đi là vô ích. Tốt nhất là ngoan ngoãn làm theo ý họ. Ý trời.

Xe chạy dọc phố Bà Triệu nhưng chưa vào nhà xuất bản. Còn phải xuống Tô Hiến Thành. Đến nhà Mai Nam. Đã gọi điện trước, Mai Nam chờ sẵn. Chào anh Khan thơ! Đó là câu chào giữa tôi và Mai Nam, chỉ giữa tôi và Mai Nam thôi. Cả tôi, cả Mai Nam ai cũng là Khan thơ. Tiếng chào có từ hồi tôi làm báo Tiền Phong những năm 50 — thế kỷ trước — khi chúng tôi còn trong tuổi 20 đến Nhà Hát Lớn xem kịch Arthur Miller. Cái chết của người chào hàng, quá yêu anh Khan thơ trên sân khấu. Mai Nam giúp tôi việc khuân vác. Vừa khiêng vừa hỏi: Thu à? Sao lại dở thế nhỉ. Vẫn sợ sự thật như thế à? Thu thì cũng muộn rồi. Ai cũng biết như vậy. Kể cả những người ra lệnh thu hồi tiêu huỷ cũng biết như thế nhưng làm ra không biết mà thôi. Nhắm mắt tự đánh lừa mình, đó là phương pháp tư tưởng của những người cai trị hiện nay, từ việc lớn đến việc nhỏ, không cần biết sẽ đi về đâu.

Xe năm trăm bộ sách mới tinh, vuông vắn, dày dặn, đẹp đẽ vào kho thật đau. Đây là sản phẩm văn hoá đích thực cần đưa đến tay người đọc và bao người đang muốn đọc. Vẫn biết xã hội này chẳng bao giờ chấp nhận những quyển sách như Chuyện kể năm 2000, nhưng chỉ đến khi đọc Kundera tôi mới hiểu cái quy luật từ cội nguồn của nó và thấy lòng mình dịu lại đôi chút bởi đó là điều tất nhiên, là quy luật: Đặt nền móng trên tính tương đối và tính nước đôi của cõi người, tiểu thuyết không thể tương hợp với thế giới độc trị. ([4])

Chúng tôi rẽ vào sân nhà xuất bản. Đình Kính đã đứng chờ tôi ở đó. Nhưng không kịp nói chuyện. Cao Giang bảo tôi lên gặp Ngợi ngay. Bấm thang máy. Tầng 4. Phạm Đức đón tôi ở hành lang, nói với tôi một ý giống như Bùi Văn Ngợi đã nói:

– In 1500 bộ. Nộp lại 1499 bộ cũng là thắng lợi.Anh Ngợi đang đợi anh. Nhưng anh vào đây tí đã. Có một đồng chí phóng viên báo Phụ Nữ biết anh lên cứ ngồi chờ anh từ đầu giờ chiều đến giờ. Sao anh lên muộn thế?

Tôi nói về vụ phạt xe và theo Đức vào phòng văn nghệ. Phóng viên báo Phụ Nữ là một người đàn ông đã đứng tuổi. Anh bắt tay tôi. Sau chén trà, anh nói:

– Tôi đã đọc tập sách của anh. Tôi chờ anh đến để gặp mặt tác giả và hỏi tác giả một câu. Một câu thôi. Đây là chuyện thật hay hư cấu văn nghệ?

Tôi trả lời anh vắn tắt như đã trả lời nhiều người khác.

Tôi hiểu mình đã đạt điều mình muốn khi bắt tay viết nó: Sự chân thật. Tất nhiên không phải chụp ảnh sự thật. Mà một sự thật được tổng kết, được cô đúc, được sáng tạo, được nâng cao, đi vào cốt lõi, tới tận cùng gốc gác. Nguyễn Quang Thân đã khuyên tôi vào cái lúc tôi bắt tay viết bộ sách này: “Chúng tao bịa về tù thì đúng là lạm phát. Còn mày. Đã có vàng bảo đảm rồi.” Có lẽ là như thế. Muốn bịa đặt, muốn hư cấu nghệ thuật cũng phải trên cơ sở một vốn sống nào đó…

Ngợi sang cắt đứt câu chuyện giữa tôi và anh phóng viên báo Phụ Nữ. Anh kéo tôi về phòng anh. Đây là những điều Ngợi đã nói cùng tôi:

– Ông Hữu Thọ đã chỉ thị cho các báo không được nói gì tới tập sách của chúng ta. Hôm nọ một thiếu tá A25 cầm giấy giới thiệu sang lấy một bộ sách. Tôi đưa cho anh ta một bộ và giữ giấy giới thiệu lại. Tôi nói: Anh về, nếu các anh ấy có hỏi, nhờ anh nói hộ là chúng tôi luôn chấp hành nghị quyết của cấp trên. Chả lẽ lại không nói. Anh ta về, người ta hỏi thế nó có nói gì không lại bảo nó không nói gì à?

– Thông thường khi xẩy ra vụ việc gì đó, đương sự hoặc là đến nơi này nơi khác thanh minh hoặc gõ cửa xin nhờ vả, giúp đỡ. Đằng này tôi không. Các ông ấy cứ chờ một trong hai thái độ quen thuộc ấy, nhưng cả hai đều không xẩy ra. Các ông ấy cũng hơi lạ. Lần đầu tiên các ông ấy thấy một thái độ như vậy. Cái-thằng-đương-sự không đi đâu cả. Vẫn cứ bình thường — cười.

– Phải nghĩ khác đi. Phá nếp nghĩ đi. Tôi đã cân nhắc in sách của anh vào thời điểm nào. Và tôi đã chờ đến khi Albright sang. Chính ta không muốn ký hiệp định thương mại chứ không phải Mỹ. Ta hơn 300 đô la một đầu người. Mỹ 41 nghìn đô la một đầu người và nó sẽ tăng lên 45 nghìn đô. Nó mới hơn 200 năm. Ta sắp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Khi ta có Chiếu dời đô, nước Mỹ chưa thành lập. Nguyễn Khắc Phục vừa ngồi đây nói với tôi: Trong đời làm giám đốc anh ra được một quyển này là hoàn thành nhiệm vụ rồi. Tôi bảo: Quyển này cũng như hàng trăm quyển khác. Đứng về đầu sách nó bình đẳng với nhau. Tất nhiên quyển này đỉnh này, quyển kia đỉnh kia. Tôi đã nói với mấy anh giúp việc tôi: Các anh đã đặt ra tình huống tôi phải bàn giao công việc,làm tường trình trong ba tháng liền, các anh sẽ giải quyết như thế nào chưa? Phải tính trước đi. Tất nhiên bản tường trình hay tự kiểm điểm của tôi chỉ hai trang thôi, viết bao lâu cũng chỉ hai trang thôi. Nhưng người ta đâu có đọc. Cái chính là người ta vô hiệu hoá mình. Rồi bằng một quyết định, họ điều mình sang cương vị khác. Là đảng viên, mình phải chấp hành. Tình huống ấy phải lường sẵn. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Nhưng tôi luôn tin rằng tôi đúng.

B.N.T.

([1]) Hoà Vang chứng kiến, kể lại.

(2) Bằng chứng là giáp Tết, ông kéo cả gia đình xuống chơi nhà Đồng Đức Bốn một ngày. Đám tang Bốn, ông cùng bốn ông cấp Vụ mang vòng hoa có đề chữ Ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương kính viếng xuống dự tang lễ.

(3 ) Thật vui là năm 2009, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hoài Thanh đã được tổ chức khá long trọng, Trần Đình Sử nêu rõ: “Sự thắng thế của Hải Triều tuy đáp ứng nhu cầu bức thiết của cuộc đấu tranh xã hội, song tiềm ẩn nguy cơ của chủ nghĩa công lợi thực dụng, chỉ coi trọng nội dung xã hội, chính trị; coi nhẹ hình thức và đặc trưng nội dung văn nghệ.” Nhà thơ Vũ Quần Phương còn dẫn chứng: Hoài Thanh không thể là một người chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật. Bởi ngày ấy Hoài Thanh đã viết Văn Chương Và Hành Động, một tác phẩm bị thực dân Pháp cấm lưu hành, kêu gọi mọi người hãy hành động mà ngừng việc rung đùi làm thơ than việc nước!

( 4) Kundera – Nghệ Thuật Tiểu Thuyết, Nguyên Ngọc dịch.

(Xem tiếp kỳ sau)


Comments are closed.