HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000

(Thời biến đổi gien)

Kỳ 7

Bùi Ngọc Tấn

Thời ấy điện là thứ xa xỉ. Chỉ có một tí vào buổi tối nhưng cũng cách nhật. Điện hầu như chỉ thực hiện một chức năng nhiệm vụ để mọi người không quên xử dụng công tắc như cách nói của Nguyên Bình.Và làm người ta nhức nhối thần kinh khi từ nhà mình quạt nan phì phạch tối thui mồ hôi ròng ròng, con khóc ời ợi, muỗi vo ve bên tai, nhìn sang những nhà ưu tiên có điện sáng trưng quạt máy vù vù, cát-xét oang oang, fi-dơ làm đá chạy suốt ngày đêm như nhìn sang một hành tinh khác, chứng kiến cuộc sống một loài sinh vật cao đẳng dù họ chỉ là một cán bộ uỷ ban, một chủ tiệm giải khát hay một hộ làm nghề uốn tóc, một anh làm toà án, một anh thuộc Sở Điện Năng vẫn thường được mọi người gọi bằng cái tên đầy “tình cảm”: Sở Điên Nặng.

Tôi thắp đèn dầu ngồi viết. Sáng ra rửa mặt, ngoáy mũi, khăn mặt đen sì vì khói dầu. Không điện nghĩa là không quạt. Mồ hôi rỏ giọt xuống bản thảo. Chân tay dính bết. Không sao. Tôi không phe phẩy chiếc quạt nan mà ngồi lì cả tiếng đồng hồ trên sàn trước ngọn đèn dầu và xếp giấy trắng. Viết văn với tôi giống một công việc khổ sai. Lại cũng giống như thi đấu thể thao. Phải căng hết sức ra luyện tập. Kiên trì ngày này sang ngày khác. Không được lười. Có đến một vạn lý do để tặc lưỡi gác công việc lại. Thành tích là từ những nỗ lực rất nhỏ. Không phải tự nhiên mà đạt được tới cái trần của mình. Ở xí nghiệp, tôi có bàn để viết. Còn về nhà, bàn viết của tôi là cái ghế xa lông gỗ gõ tôi gửi anh em tầu cá mua từ Hố Nai chở ra, niềm tự hào một thời của gia đình tôi, nó làm sáng cả căn buồng. Tôi ngồi bệt xuống sàn lim. Tôi thó vài chục tờ giấy Bãi Bằng của xí nghiệp đem về nhà. Tôi viết bằng bút bi — cũng của xí nghiệp phát. Tôi miệt mài cặm cụi tới khuya. Vợ tôi buông màn nằm ngủ dưới sàn ngay sau lưng tôi. Khi thức, phe phẩy quạt cho tôi. Rồi thiếp đi. Nửa đêm chợt tỉnh, thấy tôi vẫn lụi cụi cắm mặt vào xếp giấy, vừa quạt cho tôi vừa cằn nhằn:

– Đi ngủ thôi bố nó. Mai còn đi làm.

Cũng có lúc còn bực bội vì lo cho sức khoẻ của tôi:

– Viết gì mà lắm thế. Còn chưa đủ hay sao.

Với chúng tôi, viết văn là đại hoạ. Thực tế đã xẩy ra như vậy. Giờ đây cho dù đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn đó bao hiểm nguy bất trắc khôn lường.

Tôi chỉ cười bảo vợ tôi cứ ngủ đi và vẫn ngồi viết. Thấy vợ thở đều đều, tôi yên tâm. Tôi viết mà luôn nghĩ chỉ vì cái công việc hâm hâm này, gia đình tôi đã chịu biết bao tai hoạ. Tôi viết mà luôn nghĩ rằng mình là người có lỗi. Thật đúng nghiệp chướng mình đã trót mang. Cũng may, Sở Công An không cho người đến thăm hỏi lục vấn tôi về chuyện tôi sáng tác nữa. Ngày tôi mới đi làm được ít lâu — một việc ông Trần Đông và Sở Công An quyết ngăn cản nhưng không được vì sau lưng tôi là ông Hoàng Hữu Nhân — rất nhiều lần các ông công an trên sở, trên quận và cả anh hộ tịch nữa đến tận nhà thăm sức khoẻ tôi, hỏi tôi bằng một giọng rất khó diễn đạt. Như thân mật, bỗ bã lại như hăm doạ:

– Anh sắp viết tiểu thuyết phải không?

Tôi sợ hãi chối đây đẩy. Như người ta đang ném bã rượu lậu, ném thuốc phiện vào nhà mình.

Người ta sợ tôi viết văn lắm.

Cái thời tôi còn đi tù, vợ tôi bị gọi lên tra hỏi và ông Quang — còn có tên gọi là Quang Diệm — trưởng phòng bảo vệ văn hoá Sở Công An đã nhiều lần nói thẳng với vợ tôi như thế này:

– Chị đừng tưởng anh Tấn nhà chị còn được cầm bút viết văn nữa! Đừng mơ hồ như vậy! Không ai cho anh ấy viết! Chị hãy tin lời tôi. Hãy nhớ lấy điều ấy!

Câu ấy đồng nghĩa với câu: “Anh Tấn nhà chị được sống đã là tốt lắm rồi!” Đó là phán quyết của Cách Mạng, của Sắt Thép, của Đảng, của Thượng Đế, là tiếng nói của quyền sinh quyền sát. Đâu phải hăm doạ. Là lời Đấng toàn năng, là sức nặng của toàn bộ bộ máy chuyên chính vô sản đè lên thân phận một kiếp giun dế nhỏ mọn đang quằn quại. Là số phận đã được định đoạt, là sự thật được báo trước và chỉ có một con đường quy phục.

Vợ chồng tôi đều thích nghe những lời thẳng thắn. Con dao hãy gọi là con dao. Đừng gọi là thập toàn đại bổ. Tôi nghĩ khi nói những câu ấy, ông Quang tin là trật tự xã hội của các ông sẽ tồn tại mãi mãi. Một trật tự xã hội của các ông, những ông Trần Đông, ông Quang, ông An Mặt Ngựa và rất nhiều ông khác có toàn quyền cho ai sống người ấy được sống, bắt ai chết người ấy phải chết, các ông an nhiên sống trong quyền lực vô biên cho đến hết đời, cho đến vĩnh viễn mà không ai dám đụng đến lông chân, ngay khi những cái lông chân của các ông đã biến thành cát bụi. Chả cứ người nắm giữ quyền lực như ông Trần Đông, ông Quang, ông An cùng với quan thầy của các ông. Ngay những người bị các ông giầy xéo đầy đoạ, chúng tôi cũng nghĩ như vậy. Lòng đầy phẫn uất nhưng nhìn vào cả một hệ thống các bầu trời, chúng tôi tự nhủ thôi thì cố chịu đựng cho qua một kiếp.

Kiếp này không thay đổi thì kiếp sau sẽ phải thay đổi. Các ông — và cả chúng tôi nữa — đâu ngờ cuộc đời rồi cũng đã thay đổi, hơn nữa, thay đổi bất ngờ đến thế. Và cái ông Quang Diệm ấy đã nói về những việc ông ta làm với tôi như thế này khi thời thế đổi thay, khi Chuyện Kể Năm 2000 đã được nhiều người đọc dù đã có quyết định thu hồi tiêu huỷ:

– Dạo ấy không làm thế tôi cũng chết.

Cứ cho là như vậy. Mà đúng là như vậy.

Cái dạ dày bắt ông phải làm. Nhưng sao ngày ấy ông — cũng như ông An, ông Trần Đông — hãm hại tôi, khủng bố tôi khi tôi đã ra tù, khi tôi đã được đi làm một cách mẫn cán, tỉ mỉ và quyết liệt thế? Cũng may hôm nay ông chỉ thanh minh cho tội ác, chứ không khoe mình từng có những tư tưởng dân chủ tiên phong và nâng cấp mình lên bậc nạn nhân.

Người ta sợ tôi viết. Không chỉ sợ tôi viết truyện ngắn truyện dài, mà sợ tôi viết bất cứ thể loại nào. Đâu phải chỉ chuyện tù. Ai dám nghĩ đến viết chuyện tù vào những năm 70, 80, khi tất cả vẫn được vận hành theo một nếp từ Việt Nam cho tới Trung Quốc, Liên Xô, Hung, Tiệp, Lỗ…, tới tận bức tường Berlin. Riêng với tôi, viết cái gì cũng là không được. Dù viết ngợi ca cũng là sự hồi sinh của một xác chết. Nó phải chết hẳn. Nó không được sống lại. Nó sống lại thì lôi thôi lắm. Vì nó nhắc mọi người đến cái chết bất đắc kỳ tử của nó. Không biết khi đã gượng ngồi dậy, khi bước được những bước loạng choạng đầu tiên rồi, nó sẽ còn bước tới đâu. Mà chỉ riêng chuyện tôi viết trở lại thôi cũng là điều có thể ảnh hưởng tới uy tín, sự sáng suốt công minh của những Đấng rồi. Không chỉ một Đấng. Nhiều Đấng lắm. Đấng nhỏ, Đấng to, Đấng trung, Đấng đại, Đấng toàn năng là tất cả nhưng không là ai cả. Nhất là việc tôi viết ngợi ca. Ngợi ca chứ không chửi bới bất mãn. Chửi bới bất mãn lại tốt. Dễ vạch mặt. Dễ nói là thằng ấy phản động từ trong bản chất. Bắt nó là hoàn toàn chính xác. Đã có rất nhiều cái mũ chờ sẵn để úp lên đầu tôi. Ngợi ca, ca ngợi mới phiền… Đích thị là cái cớ để người ta bàn tán về tôi, nhắc tới tôi, và từ đó nhắc đến những ngày gian lao của tôi.

Thế nhưng trong những năm tháng ngặt nghèo và đói nghèo ấy, những năm 70, 80 ấy tôi vẫn viết. Tất nhiên viết bí mật, viết chui, ký tên khác. Một vài cái bút ký về xí nghiệp tôi. Còn chủ yếu là viết tin. Gửi báo Hải Phòng, cơ quan cũ của tôi. Bởi vì bộ tứ xí nghiệp — giám đốc, đảng uỷ, công đoàn, thanh niên, gọi tắt là Đảng, Chính, Công, Thanh ([1]) — ai cũng biết tôi đã làm báo và giao nhiệm vụ cho tôi, ngoài tin tức nội bộ phải viết tin thi đua gửi đăng báo. Tôi viết tin về các tầu đánh cá khắc phục khó khăn hoàn thành vượt mức chuyến biển, về anh em công nhân sửa chữa tầu, về phòng cung tiêu chạy vật tư và tiêu thụ sản phẩm. Ký Đào Công Ty, tên người trưởng phòng của tôi, một người từng làm cơ yếu nhiều năm, tính tình cực kỳ chất phác. Vì cũng phải có một cái tên tác giả. Để còn ra bưu điện lĩnh nhuận bút. Mà ông trưởng phòng Đào Công Ty rất đứng đắn đáng tin, không lo ông ấy nẫng tay trên.— Nhuận bút ít thôi, một đồng rưỡi một tin, nhưng mười tin đã là mười lăm đồng rồi. Đấy là chưa kể cứ có tên Đào Công Ty trên báo là tất cả các vị trong bộ tứ biết ngay rằng tin đó tôi viết. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Giảm độ khắt khe trong cái nhìn đối với tôi nhất là khi tôi xuống tầu xin cá. Thế mà cái việc viết tin đăng báo ký Đào Công Ty của tôi cũng xẩy ra hai chuyện bất ngờ. Tôi những tưởng mình không bao giờ còn bất ngờ về việc gì nữa. Đã có những bất ngờ nghĩ là tận cùng rồi nhưng vẫn còn những bất ngờ khác, những bất ngờ bất ngờ hơn thế chờ đợi mình. Đời luôn là những bất ngờ.—Vậy thì hãy sẵn sàng chờ đợi những bất ngờ mới sắp đến, sẽ đến. Bởi cuộc sống này không bao giờ hết bất ngờ, cuộc sống này luôn xảy ra những điều vượt xa sức tưởng tượng của con người.

Bất ngờ thứ nhất là báo Hải Phòng không đăng bất cứ tin nào tôi viết nữa. Dù ký Đào Công Ty hay ký tên nào khác. Dù Nguyên Bình, khi ấy còn làm phóng viên báo, đã cẩn thận chép lại những tin tôi gửi rồi mới đem nộp biên tập, nhưng ông tổng biên tập chắc là do bỗng thấy xuất hiện một thông tín viên mới toe ở xí nghiệp đánh cá, viết tin đều đặn, có chất lượng, hội đủ yếu tố cấu tạo tin tức, rồi lại biết tôi được về xí nghiệp đánh cá làm thi đua, hoặc vì một lý do nào khác mà tôi không biết — chẳng hạn như Sở Công An có ý kiến sang — ông bảo Nguyên Bình cho xem bản gốc. Ông nhận ra chữ tôi — trước đây ông ta với tôi cùng làm phóng viên với nhau.Tin tôi viết không được dùng nữa.

Bất ngờ thứ hai từ ông Quang — vẫn ông Quang — trưởng phòng bảo vệ văn hoá và từ mấy ông công an khác. ([2]) Ông Quang và các cán bộ của ông nói với rất nhiều người về tôi: Thằng Tấn vẫn bất mãn lắm. Nó ký Đào Công Ty. Có nghĩa là Đì Công Tao.

Tôi không kêu trời nữa. Chỉ ngơ ngác tự hỏi: Sao các vị ấy không viết tiểu thuyết nhỉ. Một phẩm chất của người viết tiểu thuyết là trí tưởng tượng. Những vị ấy là bậc thầy về trí tưởng tượng, những người mang trí tưởng tượng siêu phàm. Có những tác giả mang một trí tưởng tượng bất kham ([3]) như vậy chắc chắn nền tiểu thuyết của chúng ta sẽ sang trang. Các vị không viết tiểu thuyết mà lại làm công an là tổn thất lớn cho văn học nước nhà. Một tổn thất không gì bù đắp nổi.

Chưa hết. Vẫn còn một chuyện. Hôm ấy là Chủ Nhật. Tôi có việc phải đi làm ở xí nghiệp. Trèo lên trèo xuống mấy mái nhà sắp bị phá đi xây lại, để mắc lại loa truyền thanh. Lê Xuân Thuỷ, phó chủ tịch công đoàn trực xí nghiệp hay bận việc gì đó cũng có mặt, dường như thấy tôi mồ hôi mồ kê leo trèo vất vả, động lòng thương, đã rỉ tai cho tôi biết một dư luận về tôi:

– Em nói với bác chuyện này. Bác phải tuyệt đối bí mật, không được nói với bất kỳ ai. Trên an ninh làm việc với lãnh đạo xí nghiệp về bác. Họ bảo bác lập ra Nhóm thơ Xa Lông. Cho nên bác phải hết sức cẩn thận.

Tôi choáng. Vã mồ hôi. Đứng lặng. Gáy lạnh. Đây mới thực là điều nguy hiểm đến tính mạng. Tôi có thể vào lại nhà tù bất kỳ lúc nào về cái nhóm thơ Xa Lông này. Nhóm thơ Xa Lông là một tổ chức rồi. Một tổ chức có tên gọi hẳn hồi rồi. Giống như “Nhóm chống Đảng” mà ông Lê Đức Thọ nói khi ông cho bắt các ông Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh, Hoàng Minh Chính… cùng với mấy người bạn tôi: “Từ bất mãn cá nhân, chúng đi đến bất mãn với Đảng. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, bọn chúng tìm đến nhau. Thế là có tổ chức mà không có tổ chức, không có tổ chức mà lại là có tổ chức. Tinh vi lắm. Nhưng không che mắt nổi nhân dân đâu!” ([4])

Không chỉ vậy, tôi còn là người đứng đầu tổ chức vì tôi là người lập ra. Mà nhóm thơ của tôi chắc chắn bao gồm toàn những kẻ bất mãn mã tầm mã ngưu tầm ngưu, gặp nhau để đọc thơ chửi chế độ. Chao ơi! Tôi hiểu. Lơ lửng trên đầu tôi là thanh gươm Damoclès. Từ ngày được ông Hoàng Hữu Nhân cải tử hoàn sinh, cho về Quốc Doanh Đánh Cá Hạ Long làm thi đua, tôi có đọc thơ bao giờ đâu. Ở đây làm gì có bạn thơ. Mà cũng quên tiệt thơ rồi. Về đây gần gũi những người hằng ngày phải đối mặt với khó khăn về thời tiết, về áp thấp nhiệt đới, về bão, về gió mùa, về thiếu phụ tùng sửa chữa, không có dầu đốt dù chỉ tiêu của mình còn, ammoniac cũng thiếu, cá nục lại chưa thấy xuất hiện, về những chuyến đi biển dài ngày, ngắn ngày vừa kết thúc, tôi chỉ nghĩ làm sao xin được cân cá và mang lọt ra khỏi cổng bảo vệ, chứ đâu có nghĩ đến chuyện đọc thơ. Lại càng không thể có một nhóm thơ xa lông trong xí nghiệp. Nhóm xin cá văn phòng thì có. Chúng tôi hay đi xin cá theo từng nhóm cho đỡ ngượng! Xin cá. Và hỏi chuyện. Để viết tin. Rồi với thói đam mê nghề cũ giờ đây có đất sống đã thoi thóp lại, hỏi chuyện đời, chuyện nghề sông nước. Hỏi và ghi chép. Cũng cựa quậy trong đầu một quyển tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa ngợi ca đấy. Nhưng thơ thì không. Xin thề với ông Trần Đông,([5]) xin thề với ông Quang Diệm, ông An Mặt Ngựa, với các ông công an là không. Tuyệt đối không. Nhưng biết thanh minh với ai bây giờ? Gặp ai? Gặp ai để giải toả mối hiểm nguy này? Thôi! Thây kệ! Sự thật thế nào mọi người đều biết. Tôi có một cố bệnh là tin vào sự thật. Đến chết tôi cũng vẫn tin vào sức mạnh của sự thật. Nhưng buồn. Rất buồn. Vì người ta nhất quyết đẩy mình sang hàng ngũ tội phạm phải đặc biệt theo dõi với những thủ đoạn vu cáo, bịa đặt nham nhở trắng trợn, bẩn thỉu đê hèn, ngậm máu phun người như vậy. Đấy là chuyện đã qua. Ngày hôm nay đã khác. Những người theo dõi tôi là những người mới. Một thế hệ mới.

Viết đến đây tôi thấy rợn hết cả người khi nghĩ đã có mấy thế hệ theo dõi tôi, săn đuổi tôi, vu cáo tôi. Họ đã già đi. Đã về nghỉ, hưu trí an nhàn. Nhiều người đã chết. Một thế hệ khác tiếp tục việc theo dõi. Rồi một thế hệ tiếp theo nữa. Đời này sang đời khác. Tất cả đều là Gia-ve. Những Gia-ve với lòng dạ đen tối, không phải tìm sự thật mà chỉ nhăm nhăm hãm hại người lương thiện.

Viết văn là việc không thể giấu được, bí mật được hoàn toàn. Thế nào cũng phải thổ lộ với ai đó. Khoe với một người bạn thân về một chi tiết, một trang mới viết nào đó… Sự trao đổi ấy — một hình thức sáng tác miệng — trong khi cao hứng dễ thăng hoa và bất chợt nghĩ ra những chi tiết mới, vụt đến một ý, một sự phát triển, một cách giải quyết tuyệt vời mà khi bắt đầu ba hoa với bạn, anh chưa hề nghĩ tới. Rồi sự gợi ý của bạn bè. Chỉ nguyên việc lắng nghe, đôi mắt long lanh, nụ cười tán thưởng của bạn đã là nguồn động viên sáng tạo, nguồn sức mạnh để mình hăng lên, để mình tự tin, kiên nhẫn bò từng dòng từng chữ. Và những lời khuyên của bạn. Những lời khuyên và cả những chi tiết nữa. Hứa Văn Định bảo tôi:

– Phải viết được cái hỏng của những người tù khi đã được tự do.

Anh lấy tay vỗ vỗ lên đầu, nói tiếp: Hỏng cái này này! Hoàng Ngọc Thanh, người anh con bà cô tôi còn cung cấp cho tôi các chi tiết về những tù nhân được tha bị hỏng cái đầu mà anh biết. Nguyễn Xuân Khánh đưa ra những lời khuyên mang tính chỉ đạo, quán triệt:

– Viết về tù khó đấy. Có hai đề tài khó viết vì người ta viết mãi rồi,viết quá nhiều rồi. Đó là tình yêu và nhà tù

Lê Bầu không khuyên tôi điều gì. Anh rất khoái những chi tiết của tôi. Hình như anh đã kể cho nhiều người nghe chuyện hút thuốc lào đêm trong tù. Anh tù báo cáo vu vơ: “Tôi Nguyễn Văn Tuấn số tù CR 880 dậy hút điếu thuốc thì một anh tù khác đang nằm vùng dậy ngay “báo cáo tôi số tù… dậy bắt cái tóp của anh Tuấn.”

Tôi hình dung ra tiếng cười sảng khoái hồn nhiên của Bầu. Rồi tôi được nghe chính tiếng cười ấy về “vụ” hút thuốc lào đêm. Ấy là một lần tôi lên Hà Nội, đến nhà Bầu. Anh đang tiếp một người bạn. Vị này nhắc lại câu chuyện hút thuốc lào ấy với anh mà anh đã kể cho anh ta nghe như nhắc lại một chi tiết “rất sướng.” Bầu cười ngất và chỉ vào tôi: “Đây, chính ông bắt tóp đây. Ha ha ha…”

Có việc lên Hà Nội tôi cũng mang theo xếp giấy đang viết dở. Đến nhà Bầu, những lúc anh nấu cơm, tôi giở bản thảo ra sửa, viết và đọc cho anh nghe. Tuy chỉ nghe lõm bõm nhưng Lê Bầu đã khoe với nhiều người trong đó có nhà văn nữ Hoàng Ngọc Hà giám đốc nhà xuất bản Hà Nội và vì vậy tập sách suýt nữa được xuất bản từ năm 1994.([6]) Tôi viết. Và gần như không có thời gian nghỉ. Những năm 90 ấy, tôi còn duy trì được một năng lực làm việc khá tốt: Hoàn toàn tập trung vào công việc dù chung quanh có ồn đến mấy. Sự hoàn toàn tập trung nhiều khi kéo dài suốt buổi cho dù viết ngay ở xí nghiệp. Tôi cắm mặt viết. Mặt tôi nặng ra, máu dồn đỏ ửng, đến nỗi khi ngừng việc từ phòng công đoàn trở về phòng mình, ông chánh văn phòng, sếp trực tiếp của tôi tưởng tôi vừa uống bia ở căng tin.

Tôi viết. Cực nhọc, say mê và khoẻ ra. Dù công việc hút toàn bộ tinh lực và tâm trí. Dù rất nhiều đêm tắt đèn rồi còn trằn trọc, còn vấn vương suy nghĩ cho tới gần sáng. Những gì vón cục trong óc, trong tim được trải trên những trang giấy đã có một độ dầy làm tôi nhẹ đi, yêu đời hơn. ([7]) Tôi muốn hoàn thành nó càng nhanh càng tốt. Như người bắt đầu đặt chân lên con đường dài mà đích còn xa lơ xa lắc, ao ước nhìn thấy nơi kết thúc. Viết trang này chưa biết trang sau. Đang viết chương này cứ biết kéo cho xong đã. Tôi viết không có bố cục nào định trước. Viết và nhớ dần. Có khi hết một đoạn mà tôi đánh dấu bằng ba ngôi sao hay một khoảng cách, nghĩa là hoàn chỉnh một sự phát triển rồi, lúc ấy cái ý của chương sau mới đến.

Cũng có khi chương sau lấp ló sớm hơn, vào lúc còn ở giữa chừng, tôi mới chỉ nhìn thấy đoạn kết thúc của chương trước. Nó vụt đến kéo theo cả câu mở đầu. Câu mở đầu một chương quyết định nội dung, định vị thời gian và cách kể chương ấy như câu mở đầu quyển truyện định vị nội dung, thời gian và cách kể toàn bộ tập sách vậy. Thật thú vị bởi tôi thường viết xong câu mở đầu của chương tiếp theo rồi mới buông bút nghỉ. Thời gian nghỉ ấy — có thể là một vài ngày, một bữa bia hay chỉ một hai tiếng đồng hồ — tôi nghĩ thêm, nghiền ngẫm thêm, gọi về thêm những chi tiết khác. Chắc nhiều nhà văn giống tôi: Có những lúc đầu óc mụ mị, băn khoăn vật vã không thể viết tiếp thì bỗng một ý, một câu, một từ, một chi tiết không hề nghĩ tới loé sáng vụt đến, sang trọng, đúng chỗ, sâu sắc… khiến mình phải quẳng bút, ngồi lịm đi trong yên lặng, sung sướng như người vớ được… vàng.

Tôi viết theo kiểu cố lia cho xong cái phác hoạ. Giống người nặn tượng, với đống thạch cao nguyên liệu, anh ta phải tạo được một dáng hình tổng thể đã. Rồi ngắm nghía. Đến gần ngắm nghía. Lùi xa ngắm nghía. Tỉa tót, đắp đổi, thêm bớt. Tôi không thể viết trang nào được trang ấy, không xoá một chữ, xoá một chữ là phải chép lại cả trang như nhiều nhà văn khác. Bản thảo của tôi chữ rất tháu. Khi viết, những ý nghĩ cứ đến dồn dập trong đầu, ghi lại càng nhanh càng tốt. Sau hãy sửa. Sau hãy ngẫm ngợi thêm ý. Sau hãy tìm từ. Rất nhiều móc vòng lên vòng xuống. Nhằng nhịt quá đến mức chính tôi đọc cũng khó khăn và đành phải chép lại. Thường cứ mỗi trang bản thảo đầu, chữa xong, chép lại thành trang rưỡi, hai trang. Mà nào đã xong. Vẫn ngoằng, vẫn móc, vẫn chèn thêm vào giữa. Có khi phát triển thành hẳn một chương mới. Gọi là chương thôi, chứ bố cục của tôi cứ lẫn lộn quá khứ hiện tại và cả tương lai nữa đan xen, chỉ cách nhau bằng một khoảng cách hay những ngôi sao, lại có khi trộn như xôi đỗ, chẳng có khoảng cách nhỏ nào.

Khi đã viết được vài trăm trang, tôi tin chắc mình đã tìm được một cách kể, một cách bố cục, một giọng điệu thích hợp để chuyển tải nội dung câu chuyện và tôi bằng lòng với nó. Tôi nghĩ trước tôi có lẽ chưa ai viết truyện tù mà mở đầu lại là ngày anh tù được tha như tôi.([8]) Và cái nhà tù, những năm tháng tù đầy cứ bám lấy anh như hình với bóng, không chịu buông tha. Chính nhờ sự định vị thời gian ấy đã làm nên vẻ riêng biệt của quyển truyện của tôi mà sau này nhiều nhà phê bình gọi là phương pháp đồng hiện.

Viết xong bản thảo đầu tập một — chỉ dài khoảng 300 trang — tôi đưa cháu Hà Như Hải. Cháu Hải là một cháu gái, sinh viên đại học ngoại ngữ, con một người bạn tôi, đang tập đánh máy. Cả mẹ cháu, cô Vũ Thị Nhung, một thư ký đánh máy chuyên nghiệp, còn đang đi làm cũng tranh thủ trưa tối đánh máy cho tôi. Hai mẹ con cháu đọc được mọi trang bản thảo loằng ngoằng, dập xoá móc lên móc xuống của tôi.

Tôi biết mình còn phải sửa nhiều. Suy nghĩ về một tình huống, một ý, một từ với tôi là một việc thú vị. Lê Đạt nói anh là phu chữ chỉ để nhấn mạnh việc khổ công tìm chữ mà thôi. Anh còn một câu nói rất hay về chữ: Chữ ([9]) bầu lên nhà thơ. Đọc anh tôi cũng muốn viết đôi dòng về chữ. Mỗi nhà văn có con đường đi tới chữ của mình, có thế giới chữ của mình. Chữ đến với tôi từ mặt biển giữa trưa nắng, bốn chung quanh bầu trời cong chụp xuống. Những con sóng bạc đầu, trên mỗi ngọn sóng lại xòe ra những chùm nước nhỏ, tất cả lưu giữ ánh mặt trời sáng lòa như một trận mưa bạc đang rơi. Một đàn cá chuồn bỗng xé nước bay lên vẽ trong không trung những vòng cung bạc, và nhanh chóng biến mất như một ảo ảnh. Rồi gió. Gió từ chân trời ngập tràn mặt biển. Gió ào đến bao bọc quấn quít lấy tôi đang đứng trên con tầu đè sóng tiếp tục cuộc hành trình. Trời, biển, gió ập vào tôi ý nghĩa được sống, được làm người và cảm giác — hơn thế — khát vọng tự do.

Chữ đến với tôi từ rừng đại ngàn hoang vắng, hầm hập nắng, không khí cây cối không một chuyển động, mồ hôi ròng ròng, cái đói cắn vào bụng, quẩy đôi thùng ghép bằng gỗ thông, lủi vào một gốc cây, đập quả dứa vỡ đôi, hai hàm răng chắc cắm phập vào mảnh dứa vỡ, gọn như một cú đớp của hàm chó sói. Khợp.

Chữ của tôi là cô thôn nữ trong vườn vắng trèo lên cây bưởi hái hoa, bỗng thấy nụ tầm xuân nở ra xanh biếc khiến tôi xúc động. Là em bé mặt đỏ bừng, mồ hôi bết tóc đứng im lìm trước con chuồn chuồn ớt đỏ tươi đỗ trên cọc rào của tuổi thơ tôi. Là chuyến đi Ninh Bình khi hai mươi tuổi, ngơ ngác trước những con sóc đuôi xù dựng đứng bay từ cây nọ sang cây kia, rồi buổi tối họp chi đoàn, hát mẹ thương con có hay chăng chẳng nhìn ai nhưng cũng biết có những cặp mắt bồ câu đang hướng về mình, nghe bí thư chi đoàn hỏi người ngồi bên “đêm qua đi ngủ hến cắn hay sao mà ngáp thế” bỗng thấy mình giầu thêm một chút. Chữ như bụi vàng tôi cần mẫn nhặt nhạnh thu vén, tích cóp. Chữ như vỉa quặng còn tôi là người thợ mỏ đã bốc hàng trăm tấn đất đá vẫn chưa tìm thấy. Thật vất vả, đúng là phu chữ như Lê Đạt nói, và cũng như anh, tôi thích công việc phu phen. Khi đào bới tôi là người khai phá, là người sáng tạo. Chữ của nhà văn là cuộc sống, đúng hơn, cảm xúc trước cuộc sống anh thổi vào trong chữ. Cảm xúc ấy làm chữ có hồn, chiếm lĩnh người đọc khiến Gorki phải giơ trang sách lên trời soi xem có gì ở bên trong.

B.N.T.

([1])Tôi yêu cái tên bộ tứ này lắm vì nó là sản phẩm của một thời, một chế độ, một chủ nghĩa, một đường lối quản lý con người, vận hành xã hội, nó bám chặt và in dấu chàm lên cuộc đời mỗi chúng ta.

(2) Thời gian này ông Quang đã cho con trai vượt biên sang Mỹ và tôi cho rằng đây là việc làm đáng khen duy nhất trong cuộc đời ông. Đáng khen ở chỗ ông chửi Mỹ rất ghê, và việc ông cho con vượt biên sang Mỹ chứng tỏ ông thành thật: Ông yêu Mỹ. Không được sống ở Mỹ thì ông cho con ông vượt biên sang Mỹ. Ông chẳng mấy tin ở cái chế độ mà ông là một hàng chức sắc, đang hưởng lộc và ra sức bảo vệ.

(3 Chữ của Paustovsky.

(4) Tôi đã đưa vào tập 2 Chuyện Kể Năm 2000 lời nói khủng khiếp này của ông Lê Đức Thọ trong hội nghị cán bộ trung cao cấp giải thích việc bắt các ông Vũ Đình Huỳnh, Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang…một câu nói khoá miệng mọi người, một câu nói khiến ai cũng cảm thấy mình là người tù dự bị, có thể bị bắt bất cứ lúc nào.

(5) Ông này cũng họ Bùi với tôi đấy, Trần Đông chỉ là bí danh thôi, theo cái mốt ai cũng có bí danh của những năm đầu cách mạng tháng Tám, từ đấy tôi mới có một định đề là: Giết một thằng họ Bùi phải là thằng họ Bùi, hại một cha Nghệ Tĩnh phải là dân Nghệ Tĩnh.

(6) Cho đến khi bản thảo hoàn thành, Lê Bầu đọc và khuyên nên cắt bớt cái truyện ngắn Vợ Chồng Người Thợ Xóm Chiêu Thương đi cho đỡ dài, dễ xuất bản, tôi đã nghe theo, một việc sau này tôi thấy không nên làm, nên tôi đã khôi phục lại cùng với việc khôi phục bản gốc trong lần báo Người Việt (California) in feuilleton năm 2009, gửi cho dịch giả Tây Hà để ông dịch sang tiếng Pháp năm 2013, và đầu năm 2014 một fan của tôi (anh Nguyễn Chí Cư) bỏ tiền in 200 bản tuyệt đẹp chỉ để tôi tặng bạn đọc và những người thân.

(7) Tôi nghĩ nếu tôi còn sống được đến hôm nay khi đã 80 tuổi một phần là nhờ những ngày đó, tôi đã cố gắng viết xong tập tiểu thuyết của đời mình, nếu không, có thể tôi đã mắc bệnh ung thư di căn bởi cứ ôm mãi những oan trái trong lòng không được vợi bớt, không có người chia xẻ.

(8) Vũ Trọng Phụng có một di cảo là Người Tù Được Tha nhưng tôi chưa được đọc.

(9) Chữ ở đây nên hiểu là từ, không phải chữ trong bảng chữ cái a,b,c…

(Xem tiếp kỳ sau)


Comments are closed.