Hậu sản (1)

Truyện ngắn Lynh Bacardi

P1270890

Văn Việt: Lynh Bacardi tên thật là Phạm Thị Thùy Linh, sinh năm 1981.

Chị làm thơ, viết truyện ngắn và tản văn, đăng ở các website và các tạp chí: Tiền Vệ, tạp chí Thơ, Văn, Talawas, Văn học Nghệ thuật Liên mạng, Hợp Lưu, và một số báo in trong nước.

-Góp thơ trong tập Khoan cắt bê tông (NXB Giấy Vụn, in photocopy, 2005).

-Góp thơ trong tập Dự báo phi thời tiết của năm tác giả nữ nhóm Ngựa Trời (NXB Hội Nhà văn, 2006, bị đình chỉ phát hành).

Hiện sống tại Sài Gòn.

I/

 

Con định đi thật à?

Má vừa chống gậy bước vô buồng với hai túi xách trên vai, vừa hỏi tôi với vẻ chẳng cần tôi phải trả lời. Tôi chỉ mới nhìn má dò xét, mà chưa kịp hỏi gì thì má đã đem hai cái túi bỏ lên giường. Má để cây gậy nằm dưới đất, rồi lom khom ngồi xuống giường chậm rãi mở phẹc-mơ-tuya lấy tất cả đồ đạc của tôi cất trở lại vào tủ.

Má làm gì vậy? Tôi lo lắng hỏi.

Con định đi thật à? Má lặp lại câu lúc nãy nhưng vẫn không nhìn tôi, hai bàn tay nhăn nheo gầy đuộc đang lồng hai cái túi rỗng vào nhau.

Thì con vẫn tính đi lâu nay mà má!

Nhưng con đã sống với má gần ba chục năm rồi còn gì?

Thì do sống với má lâu như vậy nên con mới quyết định đi.

Con không sợ người đời cười con vong ơn sao?

Con không sợ, vì con đã trả ơn cho má rồi, con đã giữ lời hứa cho má đứa cháu nội rồi.

Nhưng nó là con gái, con gái thì có ích gì đâu con?

Má đừng lo xa quá, rồi má coi, bé Bí lớn lên sẽ cưng má còn hơn con nữa.

Con mà cưng má cái gì, con cưng má sao bỏ má đi?

Con biết má thương con, nhưng con không thể sống hoài với má. Chắc chắn con sẽ đi lấy chồng, sẽ sinh con cho chồng. Mà con không đi hôm nay thì con cũng sẽ đi vào lúc khác thôi!

Lúc khác thì lúc khác hãy tính!

Ðừng mà má!

Má cúi mặt, im lặng hồi lâu rồi ngẩn lên nói với vẻ cương quyết:

Thôi con đi cũng được, nhưng không phải bây giờ, con thấy má đang bệnh không? Con nên ở lại ít ngày lo cho con Nỉ nó đẻ đã, xong rồi đi đâu thì đi!

1.

Tôi tin chắc thằng bé bướu cổ đã không chết, nếu huyện cho xây công viên ở ngay con đường mới trải nhựa của thị trấn, vì tôi biết mình sẽ theo dõi nó, và dành thời gian nài nỉ để nó ăn chút gì đó mỗi lần đi qua chợ. Hoặc tệ lắm tôi cũng tới ngay đó để xem mặt nó lần cuối, trước khi ông Cối già, cán bộ của thị trấn đến vác xác nó đi. Đằng này công viên lại nằm sâu trong con đường mòn nhỏ xíu, cách nhà tôi đến vài cây số, và đó là khu đất ơn huệ của bà Mai.

Ai cũng biết cái công viên thoáng đãng xinh đẹp này sẽ không thể ra đời, cũng như sẽ chẳng có sân chơi nào cho người trong thị trấn, nếu bà Mai không đột ngột chết vì căn bệnh ung thư cuống họng. Bà Mai là người sống trong vùng lâu năm, bà nổi tiếng giàu có và cũng nổi tiếng keo kiệt chẳng ai bằng. Khi còn sống bà chẳng cho ai thứ gì, kể cả quần áo hay xoong nồi cũ. Bà có thể bỏ cả ngày trời nhọc công đem chôn chúng xuống đất, nhưng nhất định không để ai rớ vô. Thỉnh thoảng thấy bà chống nạnh đứng ngay giữa đường chửi đổng, là người ta hiểu ngay bà lại vừa phát hiện ai đó đào mấy cái hố lên cuỗm mớ đồ đạc cũ kỹ. Vậy mà bỗng nhiên chỉ vài ngày trước khi chết, bà nổi hứng gọi ông Cối vào nhà, ký giấy cho thị trấn khu đất làm công viên, và còn cho thêm một số tiền để trải nhựa con đường từ công viên ra chợ. Điều lạ là chẳng biết bà Mai còn tiếc gì mà không tặng nốt cho thị trấn ngọn đồi tiếp giáp khu đất, lại nhất định dùng nó để làm nơi yên nghỉ vĩnh viễn trong khi bà còn rất nhiều đất đai ở khắp vùng.

Tuy con đường mòn dẫn vào công viên nhỏ hẹp, hoa mắc cỡ và cây tóc tiên mọc đầy hai bên đường, hơn nữa, mỗi mùa mưa đến đất đỏ bở ra tạo nên những vũng lầy đỏ loét, trơn nhão đến nỗi người ta chẳng muốn đi vào, nhưng khoảng đất của công viên thì lại rộng rãi, bằng phẳng và mát rượi. Má nói nó chẳng khác một căn nhà nở hậu, rồi má nhìn vào khung xương chậu của tôi, nói tiếp rằng nhà cửa, đất đai hay đàn bà hông nở đều có hậu vận tốt. Má cũng nhất quyết cho rằng nếu công viên không xây ở đây thì không thể xây ở đâu được nữa, đơn giản vì ở đây có cái hồ Mang Vàng thân thiết của má. Ngày được ông Cối cho biết sẽ xây công viên ngay cạnh Mang Vàng, má đã vui mừng đến độ không ngủ được cho đến khi nó hoàn tất. Tôi biết má vui vì từ nay má không phải ngồi dưới cái nắng gay gắt, hay dưới những cơn mưa dầm để vui chơi bên Mang Vàng nữa.

Má chống gậy cuốc bộ từ căn nhà nhỏ nằm heo hút trên ngọn đồi cuối thị trấn để đến với Mang Vàng vào mỗi buổi sáng. Ở đó, má say mê đến quên cả cơm trưa với trò liệng đá lia thia ưa thích. Má nheo cặp mắt nhỏ xíu như hai sợi chỉ nhưng sáng quắc vẻ tinh quái, nhắm hướng liệng những viên đá theo kỹ thuật nhuần nhuyễn, rồi đứng nhìn chúng lướt đi từng chập như đang trượt nhanh trên những bực thang bằng sóng, để lại cất tiếng cười hả hê khi thấy mình chơi vẫn còn giỏi. Thân thể già sọm với những đốm đồi mồi mọc hai bên má dầy đặc, và cái trò chơi con nít khiến má trông giống một đứa trẻ hiếu động ẩn mình trong lớp xác héo hon. Tôi nhớ mình vừa cầm ống nhổ cho má, vừa chứng kiến má liệng đá nhiều lần, những lần đó các viên đá đều lướt trên mặt hồ đến năm lần rồi mới chìm sâu vào lòng nước.

Má mê cháu nội cũng chẳng khác trò liệng đá, cũng may tôi đã cho má một đứa khá kháu khỉnh. Hôm đứa nhỏ chui ra khỏi thân thể tôi, má vừa đưa tay nâng nó ra vừa cười sung sướng đến chảy nước mắt. Rồi tôi nhận ra ánh mắt tinh quái của má chợt sa sầm, khi nhìn vào phần giữa hai chân của nó. “Chỉ là một đứa con gái!”, má vừa lẩm bẩm vừa nhìn quanh để tìm người chuyền đứa bé, rồi im lặng lo phần hậu sản cho tôi như thể đó là niềm vui chính yếu của má trong ngày tôi trở dạ.

Anh Cường không để ý thái độ đó, anh khom lưng xuống nhận đứa con từ tay má, miệng nở toe nụ cười hạnh phúc. Anh nhìn chị Nga đang đứng khóc thút thít sau lưng, nói, “Em coi, con của tụi mình xinh đẹp chưa nè!” Chị Nga mỉm nụ cười miễn cưỡng, ôm đứa bé vào lòng nhìn chăm chú vào gương mặt bé loắt choắt của nó, rồi lại nhìn tôi, rồi nhìn qua anh Cường. Hồi sau, tôi thấy đôi tay chị khẽ siết chặt lấy chiếc khăn bông dầy cộm có thân thể nhỏ bé trong đó, môi nhếch một nụ cười hạnh phúc kín đáo. Tôi cũng cười, thở mạnh ra như vừa trút được gánh nặng. Trong lúc tôi bắt đầu nghĩ đến việc xếp đặt mớ hành lý nhỏ nhoi của mình, tôi nghe anh Cường nói vào tai vợ, “Đặt tên con là bé Bí nghe em?”.

Tôi biết tin thằng bé bướu cổ chết khi vừa sanh bé Bí. Nó hay ngồi nơi chiếc ghế đá cuối cùng, đằng sau bụi hoa râm bụt sát chân ngọn đồi mỗi khi tôi đi đến công viên với má. Nó ngồi đung đưa chân vì chân nó chưa đủ dài để chạm đất, một tay chống xuống mặt ghế, một tay cầm đoạn cây khô vẽ vẽ vào không khí. Khi tôi đi ngang, nó nhìn tôi lom lom như để hình dung một hình ảnh quen quen trong đầu. Cái bướu to tướng dưới cổ nó có những màng thịt lồi lõm kỳ dị, chúng lan cả xuống phần ngực và chỗ thịt đó lại nối những bệt thịt dưới sát cằm làm thành những sợi dây thịt kéo ghị lại khiến đầu nó chừng như không thể ngước lên nổi, và vì thế gương mặt nó nhìn có vẻ đe doạ. Trong lúc làm bộ vỗ tay cổ vũ những viên đá của má trượt đi trên mặt hồ, thỉnh thoảng tôi quay nhìn về phía nó. Tôi luôn thấy cặp mắt của nó cố trợn lên nhìn dáo dác xung quanh như thể tìm ai, mà vào giờ đó khu công viên chỉ có má, tôi và nó, ngoài ra chẳng có bóng ma nào để cho nó tìm kiếm.

Cưng đang chờ ai hả? Tôi tò mò đến gần nó.

Dạ. Nó đáp cụt lủn.

Hình như ngày nào chị cũng thấy cưng ở đây?

Em ngồi đây mười ngày rồi. Nó trả lời sau khi nhìn xuống đếm những dấu gạch trên mặt đất. Tôi cũng nhìn theo, đếm được cả thảy đúng mười dấu gạch.

Cưng gạch những dấu này làm gì?

Chị ngu!

Tôi giật mình, thoáng nóng mặt khi nghe nó kết luận. Tôi ấp úng định bỏ đi, nhưng chẳng hiểu sao lại không thể, tôi không thể để thằng bé có ấn tượng xấu về mình như vậy. Tôi vừa cố tình nhìn nó thật kỹ như để ghi khắc gương mặt nó trong đầu, vừa luồn tay vào chiếc bao nilon lấy ra một cái bánh khoai mì nướng. Tôi hỏi,

Cưng có đói không?

Đói, nhưng em không ăn!

Tôi đã đến với nó thêm nhiều lần sau đó, nó vẫn vậy, trả lời thẳng thừng và nhất định từ chối miếng ăn. Thỉnh thoảng đi ngang qua nó, tôi liếc xuống những dấu gạch trên mặt đất, đếm nhanh được vài chục cái. Mặc dù còn nhỏ và ngồi một mình cả suốt ngày đêm trong công viên vắng ngắt, nhưng chẳng bao giờ tôi thấy nó tỏ ra sợ hãi. Dường như nỗi sợ cũng không có cơ hội hay thời gian, để chen vào sự trông ngóng mỏi mòn hiện ra trên gương mặt của nó. Tôi chỉ hiểu nguyên nhân khiến nó có mặt ở công viên, và cứ ngồi lỳ nơi chiếc ghế đá cuối cùng, sau bụi râm bụt trong một lần vô tình đi ngang qua và nghe nó lẩm bẩm với sắc mặt xám ngoét, buồn bã:

Nội sao chưa quay lại?!

Vậy ra cưng đang chờ nội à? Tôi đã dừng lại ngay khi nghe lỏm được.

Phải, nội nói nửa tiếng sẽ quay lại.

Tôi bỗng thấy vui mừng nhận ra giọng nói của nó có vẻ muốn tâm sự, tôi nhanh nhẩu,

Hay chị đưa cưng về nha?

Em không nhớ nhà, nhưng nội nói nửa tiếng sẽ quay lại.

Cưng cố nhớ xem sao? Tôi giật mình nhận ra mình đang muốn đào xới trí óc nó, cũng như đang cố chuốc lấy phiền hà.

Không! Nội-nói-nửa-tiếng-sẽ-quay-lại! Nó nói rõ từng tiếng một, xong, cúi mặt nhìn xuống những dấu gạch bên dưới ý muốn chấm dứt cuộc nói chuyện.

Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp nó trước khi người ta phát hiện cái xác co quắp của nó nằm dưới bụi râm bụt. Tôi chợt thấy giận hờn, bởi biết đó là cái chết đói của đứa trẻ đã từ chối bánh khoai mì nướng đến cả chục lần.

2.

Đây là nơi chui rúc của Hữu, một cái ổ hôi hám đến buồn mửa. Tôi vừa cố xếp cho nhanh mấy cái áo và quần đùi, vừa bịt mũi để tránh cái mùi khủng khiếp thường trực trong căn buồng riêng của gã. Gã vẫn đang há miệng ngủ với cái mền quấn quanh thân, nhìn vào người ta chỉ có thể tưởng đó là một bức tượng bằng thạch cao xấu xí chưa qua giai đoạn nặn tứ chi. Còn tôi đã nhìn thấy gã gần ba chục năm nay, vậy mà vẫn chẳng hiểu vì sao ông trời lại sinh ra một bị thịt vô tích sự đến vậy. Một sinh linh hôi hám, chẳng có cái chân nào và tay thì chỉ còn một cái. Mà cái tay còn lại cũng chẳng ra hồn vía, nó chỉ là một cùi thịt không đường nét, trơn nhẵn nhụi ngắn ngủn đến cùi chỏ của người bình thường. Và ngay chỗ cùi chỏ đó mọc ra duy nhất một cái ngón dài không chút đốt xương, rồi cuối cái ngón còn mọc một chùm lông lưa thưa có màu bàng bạc, lòng thòng như một cái đuôi lợn.

Lẽ ra tôi đã không ghét hay tởm Hữu đến như vậy, đó là ý trời, và gã phải gánh lấy cái ý ấy mà chẳng cần phải biết nguyên do, nhưng đó lại là một gã nát rượu, với những buổi ỉa đái ăn ngủ ngay tại chỗ sau khi ngồi lai rai cả ngày, nốc hết xị rượu này đến xị khác. Tôi mong gã sẽ bớt nhậu nhẹt, sẽ ra khỏi căn buồng u ám, sẽ sống sạch sẽ và nhất là mỗi lần muốn bài tiết biết kêu người giúp đỡ. Tôi có những mong muốn này chỉ để cho má đỡ khổ, tôi biết sau này tôi sẽ không ở với má nữa. Tôi sẽ không dọn dẹp cho gã như suốt gần ba chục năm nay nữa, tôi sẽ đi tìm cho mình một cuộc đời mới sau khi sắp xếp mọi thứ đâu vào đó cho má. Má sẽ sống dưới mái nhà này cùng anh Cường, chị Nga và bé Bí, họ sẽ hạnh phúc và điều đó làm tôi cảm thấy hài lòng với chính mình.

Nhưng đến lúc này tôi tin mình chẳng thể tác động gì được Hữu. Gã nhìn đời qua màu trắng đục của những bình rượu đế, qua những lỗ thủng và sự mục nát ngày mỗi tăng ở các bức vách cũ kỹ, và chắc chắn chưa bao giờ gã nhìn rõ mặt má dù má vẫn vào thăm và vỗ về gã mỗi ngày. Má cho rằng do lúc sanh gã má bị cảm cúm, hoặc cũng có thể do ba ngày xưa đi chiến trường bị nhiễm chất độc. Tôi chẳng quan tâm lý do nào, tôi chỉ ước Nỉ chuyển dạ sớm hơn bình thường để tôi chấm dứt càng sớm càng tốt việc hốt phân, lau nước đái, dọn những bãi ói chua lè bẩn thỉu, và giặt mền chiếu cho gã mỗi ngày.

Bây giờ thì gã đã ngủ dậy, mở mắt nhìn ngó quanh quất với hai cục ghèn ướt bám lem hai bên khoé. Dĩ nhiên gã chẳng bao giờ đánh răng hay rửa mặt, kể cả tắm cũng vậy. Những việc này là của má, má lo cho gã mỗi tuần một lần. Gã phát hiện tôi đang ngồi dưới đất nhăn nhó với mớ quần áo trong khi một tay bịt mũi. Gã nhếch mép cười chẳng nói gì, ngáp vài cái và hẩy thật mạnh để lấy trớn bật người dậy. Gã lết đến gần cái bàn kê sát mép giường, vục mặt vào tô cơm tôi đã để sẵn khi nãy. Trong lúc gã đang ăn, tôi đặt mớ đồ của gã lên mặt bàn kế bên tô cơm. Trước khi tôi kịp quay đi, đã nghe giọng gã kịp rề rề nhắc nhở,

Mày nói má mua bình rượu mới cho tao, bình kia sắp hết rồi!

Má chưa có tiền đâu!

Tao không biết, mày cứ nói với bả là được rồi.

Em không nói, nói ra má càng lo thêm.

Ê, hôm nay mày ngon ghê ta?

Bộ anh không nhịn nổi một ngày sao?

Trong khi tôi còn định nói thêm vài câu, thì gã chẳng nói gì mà khạc nhanh một bãi nước bọt lẫn đờm nhớt vào ngay cổ chân tôi. Tôi giật mình, vừa kinh sợ lẫn tức giận bỏ nhanh ra ngoài. Tiếng cười khùng khục như thể có cả đống nhớt dãi trong cuống họng gã đuổi theo đằng sau. Phun nước bọt là cách gã sỉ nhục tôi, gã vẫn luôn làm vậy mỗi khi thấy tôi có vẻ muốn kháng cự hay muốn trút hết mọi ức chế bao năm qua lên gã. Hoặc gã sẽ bày đặt bỏ ăn, chỉ uống nước, uống rượu suốt ngày và đái liên tục để má phải xót ruột la tôi, và bắt tôi vào buồng gã lau nước đái hoài huỷ. Tôi hiểu gã cũng ghét tôi, gã cũng thầm nguyền rủa tôi như tôi vẫn thầm nguyền rủa gã. Tôi cố dằn lòng để không bật khóc, sự giận dữ khiến tôi thường bủn rủn cả tay chân đến độ chẳng thể làm gì được, trong khi bây giờ tôi phải đi lo cho Nỉ, nấu cho nó mớ cá và băm vài đọt rau lang. Nỉ đang trong thời kỳ thai nghén nên rất cần được trông chừng và ăn đúng giờ.

Chuồng của Nỉ còn sạch hơn căn buồng của gã. Nhìn Nỉ ngước cái mặt mập ú lên nhìn tôi mừng rỡ vì biết sắp được cho ăn, tôi thấy lòng bình thản trở lại. Tôi lo cho Nỉ chu đáo, mong cho Nỉ mau đẻ vuông tròn để tôi sớm thoát khỏi nơi đây. Nỉ đã sống với tôi và má nhiều năm, nó đã cho ra đời cả thẩy sáu lứa con. Lứa nào cũng đông đúc và mạnh khoẻ. Lứa thứ nhất cách đây đã lâu lắm, má dành để sửa lại căn buồng cho Hữu. Lứa thứ hai má để làm đám cưới cho anh Cường và chị Nga. Lứa thứ ba má mua một khuôn ruộng ở gần chợ, nó bé xíu nhưng cũng cho lúa đủ để ăn và bán chút ít mỗi mùa. Lứa thứ tư má để dành cho tôi đẻ bé Bí, và các lứa còn lại má cho anh Cường làm vốn ra ở riêng.

Nếu không có Nỉ, chắc chắn chị Nga và anh Cường cũng không thể lấy nhau. Nhà chị Nga nghèo lại đông em, cha chị gả chị đi mà mừng hết lớn vì bớt được một miệng ăn. Chị về nhà chồng chẳng mang theo thứ gì, chỉ ít bộ đồ có điểm vài bông hoa lẻ loi bạc màu. Lúc anh Cường đưa chị về ra mắt, má đã ngán ngẩm nhìn thân hình gầy khô của chị. Má thương anh Cường lắm mới kêu bán bầy heo mười hai con của Nỉ để làm bữa tiệc cho anh vui. Ngày chị Nga biết tin mình không sinh đẻ được, chị khóc đến ngất xỉu trong tay anh Cường. Má rất giận dữ, lần đầu tiên sau mấy chục năm ở với má, tôi thấy cặp mắt sợi chỉ của má mở hé ra long lên đỏ sọc. Má muốn anh Cường trả chị Nga về ngay lúc đó, nhưng anh Cường biết chị Nga sẽ tự tử chứ không về với cha. Anh yêu chị, anh khóc, rồi bất chợt anh nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi quay nhìn qua chỗ khác, bắt gặp ánh mắt má đang nhìn vào khung xương chậu của tôi. Có một chút rờn rợn đột ngột đến trong tôi lúc đó, quả nhiên vài ngày sau má dắt tôi ra Mang Vàng lên tiếng với tôi. Khỏi cần anh Cường hay chị Nga nói gì, tối hôm đó tôi vào buồng anh, còn chị Nga xỏ nhanh chiếc áo khoác lẳng lặng đi xuống đồi. Má dự định để tôi ngủ với anh Cường cách hai tuần một lần, nhưng đúng như kinh nghiệm của má, xương chậu tôi nở đẹp nên chỉ sau hai lần tôi đã thụ thai.

Nỉ khác đồng loại ở chỗ không có đuôi, chỗ xương cụt chỉ có một cái hõm màu đen như thể một vết sẹo. Nỉ rất hiền và thích được chăm sóc. Khi có bầu nó thích mỗi tối tôi mang đèn ra chuồng đuổi muỗi và xoa bụng cho nó. Nó chỉ có một yêu cầu duy nhất, là sau khi đẻ tôi phải trả lại cho nó một đứa con. Nếu tôi quên, Nỉ sẽ đột ngột lồng lên điên loạn rượt đuổi, cố sức húc vào lũ con như muốn giết hết chúng. Tôi chẳng hiểu, và cũng chẳng biết làm sao giúp Nỉ bình thường trở lại khi Nỉ đẻ lứa đầu với những dấu hiệu như vậy, tôi chỉ còn cách nhảy đại vào lùa lũ con qua chuồng bên cạnh. Không làm gì được, Nỉ lại đâm đầu vào cửa chuồng, tìm mọi cách để thoát ra. Khi cũng không phá được chuồng, Nỉ rống ầm lên vang khắp khu đồi cho đến lúc mệt mỏi lảo đảo ngã xuống nằm thở, rồi khi đỡ mệt thì tiếp tục rướn cổ tru rống thảm thiết. Tôi chắc Nỉ đã chết vì kiệt sức, nếu lần đó tấm ván chắn giữa hai chuồng của Nỉ và bầy con không đột ngột bật ra, khiến một con trong bầy chui trở lại chuồng của Nỉ đòi bú. Nỉ đã bật dậy như cái lo xo vồ nhanh lấy đứa con bất hạnh, và chỉ trong mươi phút, Nỉ ăn sạch nó một cách ngon lành, rồi nằm xuống sàn chuồng nhầy nhụa máu thở hồng hộc. Nỉ mở to cặp mắt xanh đục nhìn tôi như để xin lỗi, nhưng chỉ lát sau Nỉ đã ngủ một cách bình thản. Sau giấc ngủ đó, Nỉ tỉnh dậy và lại hiền lành như trước. Tôi không dám cho mình quyền tuỳ chọn bất cứ co nào trong bầy, nên tự định rằng cứ con nào ra sau cùng sẽ bị chọn để trả lại cho Nỉ. Như đó là số mệnh của chính chúng, chứ không phải do tôi.

Bây giờ Nỉ đã ăn no, có một chút cá trộn vào máng cám luôn làm Nỉ ăn ngon miệng. Nó đang ì ạch tìm chỗ ngả tấm thân to lớn để đánh một giấc. Tôi cũng vào bếp chuẩn bị nấu cơm trưa. Trong lúc đang múc gạo vào xoong, tôi chợt giật thót tim khi thấy một bóng người in trên vách lá. Lại là má. Má đột ngột xuất hiện ngay sau lưng tôi, chống cây gậy đứng yên đó như có phép tàng hình. Má rất lạ, thường thì tôi có thể nghe tiếng má từ xa do cây gậy gỗ chống xuống đất kêu lộp cộp, nhưng nếu má không muốn cho tôi biết má đang đến gần, thì chắc chắn tôi sẽ bị giật mình như vừa rồi. Cũng như mọi lần, lần này má cũng đột ngột xuất hiện, rồi cũng đứng yên đó chẳng nói chẳng rằng. Cặp mắt sợi chỉ của má bình thường hay lộ ra chút ánh nhìn tinh quái, nhưng lúc này chúng trở nên tối om, hết hướng về xoong gạo tôi đang cầm trên tay, rồi lại chăm chú nhìn vào khung xương chậu của tôi. Ánh nhìn khiến tôi chợt có cảm giác tê rần ngay chỗ đó. Khi tôi bình tĩnh đặt cái xoong xuống đất, mạnh dạn đến nắm tay má đưa vào buồng, rót một tách trà để bên cạnh rồi trở vào bếp tiếp tục công việc thì má vẫn ngồi yên lặng.

3.

Công viên vẫn vắng vẻ như mọi ngày, chẳng có ma nào đến vui chơi như người ta dự đoán khi mới xây xong. Nó bắt đầu xuống cấp với mưa nắng, rong rêu bắt đầu ăn dần lên các bức tường, cây cối không ai chăm sóc đang trở nên héo rũ. Những đám cỏ dại quanh công viên trước kia còn được dọn dẹp để gìn giữ quang cảnh, giờ tha hồ mọc cao lêu khêu che gần kín lối vào như muốn dành lại giang sơn ngày trước của chúng. Một vài người cho rằng bà Mai nên bán khoảng đất ấy và cho mỗi người trong thị trấn một ít sẽ có ơn ích hơn, nhưng số người khác lại sợ hãi không dám bàn tán. Có nhiều nguyên nhân khiến chẳng ai đến công viên, người già thì luôn lười biếng việc di chuyển đi lại, những ông bố bà mẹ thời gian còn không đủ lo cày bừa con cái, nói chi đến vui chơi thư giãn, thanh niên nam nữ thì chẳng dại gì hẹn hò ở nơi mà ai cũng biết, tiếng đàm tiếu trong thị trấn bay xa và nhanh chẳng thua gì một tia chớp trên trời. Còn trẻ nít thì sợ ma bắt.

Từ ngày bà Mai chết, một vài người trong thị trấn nói thỉnh thoảng họ vẫn thấy bà đi lại trên đoạn đường từ công viên ra chợ. Họ nói có lẽ bà Mai cho thị trấn tiền trải nhựa con đường là để hồn ma của bà dễ dàng đi ra chợ mua thịt gà, vì gà là món khoái khẩu của bà khi còn sống. Hơn nữa, sau cái chết lẻ loi của thằng bé bướu cổ, công viên đã vắng lại càng vắng hơn. Chỉ có má là vẫn đến đều đặn mỗi sáng, tôi thì bận lo cho Nỉ nên không đi cùng với má nữa. Má nói người ta thật dại khi không biết thưởng thức hồ Mang Vàng. Đó là một tuyệt tác thiên nhiên hiếm hoi của thị trấn nghèo nàn này, khi đến đó, má thấy tinh thần sảng khoái hơn.

Nhưng hôm nay má kéo tôi ra đây không vì mục đích đó, má không bọc sẵn trong bao ni-lon nắm đá để liệng dần xuống hồ như mọi khi. Má dắt tay tôi luồn qua đám cỏ đi vào cổng công viên, đi qua những cái ghế đá nhem nhuốc màu đất đỏ của thị trấn, đi qua cả cái ghế cuối cùng gần bụi cây râm bụt, sát chân đồi. Tôi thấy lạ vì bụi râm bụt vẫn tươi tốt trong khi các cây khác đã héo khô trong cái nắng thiêu đốt. Tôi hình dung gương mặt có cặp mắt cố nhìn lên đến trợn trừng của thằng bé. Nếu hồi đó tôi ép nó ăn mấy cái bánh thì sao?

Má đưa tôi đến bờ hồ Mang Vàng. Nhìn vẻ mặt quan trọng của má, tôi không dám hỏi chuyện trước. Má ngồi xuống, kéo tôi cùng ngồi bên cạnh. Má không nhìn tôi mà nhìn ra mặt hồ. Má cứ ngồi im như vậy, khoảng gần mười phút sau mới đột ngột cất giọng hỏi,

Con có nhớ con từng hứa gì với má không?

Hứa gì má?

Con hứa ngay ở đây, trong cái công viên này, trước mặt hồ Mang Vàng này!

Dạ con nhớ.

Con hứa gì?

Tôi lén nhìn qua má lo ngại, hình như có chuyện gì vừa xảy ra. Sáng hôm qua má nói đi thăm ai đó mãi đến trưa nay mới về, tôi cố đoán trước xem chuyện gì nhưng không thể. Mắt má không mở lớn để tôi nhận ra điều gì trong đó, mà những nếp nhăn chằn chịt giăng khắp trên gương mặt má càng khiến tôi bối rối.

Dạ… con đã hứa sanh cho má đứa cháu nội.

Đúng ra thì con đã thề chứ?

Dạ… thề.

Con thề sao vậy?

Tôi giật mình, quay hẳn đầu nhìn qua má. Má vẫn hướng mặt ra Mang Vàng, như thể đang cùng nó kiên nhẫn chờ tôi lặp lại lời thề hôm đó. Tim tôi bắt đầu đập mạnh khi nhớ đến lời thề, tại sao hôm nay má muốn tôi lặp lại? Trong khi miệng còn chưa dám nhắc lại lời thề, tôi đã nhận ra mình đang sợ hãi đến lạnh toát cả người. Một lời thề ở hồ nước mênh mông, nơi má đã yêu mến rồi trở nên trân trọng và tôn thờ nó từ lúc nào chẳng biết. Tôi có thể nhận thấy sự căng thẳng, và lòng thành kính trên gương mặt má ngày trước và bây giờ là một sự trùng khớp. Tôi thấy mình yếu đuối với nỗi sợ hãi đang lan chảy khắp cơ thể. Miệng tôi mấp máy chỉ chực mong chiếc lưỡi biến mất để má chẳng còn cơ hội bắt tôi lặp lại lời thề. Trong lúc tôi thề với má cách đây mấy năm và ngay bây giờ khi sắp lặp lại, tôi vẫn cảm nhận một sự thiêng liêng huyền bí nào đó đang tràn ngập khắp lòng hồ, có phải nó đang trở mình chờ đợi?

Lần trước, cũng vào buổi trưa vắng ngắt như vầy, vẫn một không gian lặng lẽ chỉ có ba chúng tôi, má, tôi, và Mang Vàng. Tôi lạnh người nhận ra không phải do ánh nắng vàng gắt của buổi đứng ngọ, mà rõ ràng mặt hồ Mang Vàng đang sáng loà lên, như thể nó cũng đang muốn lắng nghe, muốn làm nhân chứng, muốn chia sẻ và nuốt lấy điều mong mỏi thiêng liêng của má. Tôi bắt đầu nói trong cơn mê sảng, nỗi sợ hãi lẽ ra phải khiến tôi quên tất cả, nhưng không, tôi nghe mình lặp lại chính xác, rõ ràng từng tiếng một không chút vấp váp.

Con thề sẽ trả ơn nuôi dưỡng của má bằng cách sanh cho má một đứa cháu nội. Nếu một lần sanh không xong, con sẽ sanh cho má lần khác cho đến khi nào đứa bé hiện diện trên đời rõ ràng là một con người, rõ ràng là một đứa cháu nội xinh xắn khôn ngoan của má. Nếu con không hoàn thành lời thề, Mang Vàng sẽ là nơi chôn vùi linh hồn con, sẽ là nơi con tạ lỗi cho công nuôi dưỡng của má.

Tôi nhận ra nước mắt đang chảy nhoè gương mặt mình, cũng như nhận ra mặt hồ dường như sáng dịu lại ngay khi tôi kết thúc lời thề. Má vẫn không nhìn tôi, mà đứng dậy. Một tay má chống gậy, một tay thò vào túi áo lấy ra một viên đá. Má nheo cặp mắt sợi chỉ nhắm hướng liệng nó ra mặt hồ. Lại một lần nữa tôi chứng kiến viên đá lướt đi như nhảy múa trên những bậc thang sóng năm lần, rồi mới bị lòng hồ nuốt chửng. Má khẽ nhếch môi mỉm cười, ngồi xuống trở lại trên bờ cỏ.

Con giỏi lắm!

Má biết con là đứa có hiếu.

Cũng may là hôm trước má ngăn không cho con đi.

Nghĩa là sao má?

Tôi giật mình, nhưng bất chợt nhận ra mình đang sẵn sàng chờ đợi điều gì đó.

Người ta nói mấy tháng nay không thấy vợ chồng con cái thằng Cường tập trung về lán nữa.

Nghĩa là sao má ?

Tìm vàng ở trong núi mà không thấy về thì chắc chắn bị hầm sụp, đè chết hết rồi.

Má nói xong im lặng hồi lâu, tôi thấy nét mặt má tỉnh rụi.

Sao người ta không báo cho mình ngay hở má?

Trong đó đông người nhưng mạnh ai nấy lo việc của mình, chẳng ai biết ai, cứ đúng một tháng mới kéo nhau về họp ở lán, kiểm tra thấy thiếu nhiều lần thì biết là bỏ mạng rồi.

Tôi lén thở ra một cái thật chậm, cảm thấy người nhẹ nhõm hẳn, vậy ra nãy giờ nỗi lo ngại hoang mang của tôi là vô cớ. Má không thể bắt ép tôi ngủ với anh Cường thêm lần nữa để kiếm cháu trai. Tôi bất chợt thấy mình nên biết ơn cái chết của anh Cường. Vậy là chắc cú sẽ ra đi được rồi, chỉ cần chờ Nỉ đẻ nữa thôi thì tôi đã có thể bắt đầu sắp xếp cho mình hướng đi mới. Rời khỏi má lúc này cũng thật ác, nhưng tôi chẳng thể tiếp tục cuộc sống này. Tôi ghét Hữu, ghét căn nhà lá rách rưới trên ngọn đồi, ghét những gánh nước trĩu đôi vai đã quá thì xuân sắc. Ghét ống nhổ đỏ loét của má, ghét cặp mắt sợi chỉ ti hí không biết làm sao dò đoán cảm xúc, ghét cái hồ Mang Vàng kỳ dị đã vào hùa với má làm khổ tôi. Vì nó mà tôi đã phải dắt má đi bộ cả đoạn đường dài để đến với nó mỗi tuần vài lần, trong suốt một thời gian dài đến quá đáng vừa qua. Cái hồ đã làm tôi khổ từ khi mới chỉ là một đứa trẻ. Hồi đó để đến gần bờ hồ, tôi phải luồn thân thể nhỏ bé qua những bụi gai nhọn hoắc, vạch trước đường cho má đi vào. Sau này lớn lên một chút, tôi khôn hơn, biết cầm theo rựa để đi đến đâu phác cây cối đến đó. Con đừơng mòn nhỏ xíu dẫn vào công viên hiện giờ, chính là con đường mà tôi đã dắt má đi qua đầu tiên, đi đến mòn mỏi gần nửa cuộc đời tôi. Má mê Mang Vàng đến nỗi ngồi đó liệng đá cả ngày, mặc cho tôi chờ đói đến rã ruột. Dù sao cái công viên thoáng đãng của bà Mai cũng giúp tôi không phải khổ sở nhặt những bệt gai bám dính trên hai ống quần nữa. Nếu bà ấy có linh thiêng như đám người kia nói, tôi mong bà nhận lấy sự biết ơn này của tôi. Nhưng thôi, từ nay xin giã từ bà, giã từ hết, tôi sẽ đi, đi đến bất cứ đâu để được sống cho chính cuộc đời mình mà không phải lo lắng hay áy náy về ơn nghĩa của má nữa.

4.

Em sẽ đi nơi khác ở, anh ở lại mà sống đàng hoàng, chăm sóc cho má. Tôi nói với Hữu khi gã đang dựa người vào gối khề khà nhắm miếng ổi với rượu.

Mày đi đâu thì đi đi mày!

Anh cứ như vầy hoài má khổ nữa cho coi!

Biến!

Em chỉ vô nói vậy thôi!

Tôi quay trở về buồng của mình, không tức giận như mọi lần nữa mà lòng thắt lại khi nghĩ đến má. Tôi lôi hai cái túi xách cũ kỹ hôm nọ dưới gầm tủ ra, xếp quần áo vào đó, nhận ra mình đang bùi ngùi khi chuẩn bị rời khỏi căn nhà. Tôi nhớ tới con Nỉ, nó đã đẻ cách đây mấy hôm, cũng lại được mười ba đứa. Trả lại nó đứa ra sau chót thì còn lại mười hai như mọi lần, con nào cũng mạnh khoẻ. Những lần trước tôi đều lánh đi nơi khác khi Nỉ ăn thịt con, nhưng lần này tôi thả con nó vào, rồi đứng nhìn nó ăn cho đến hết miếng thịt cuối cùng. Sau đó tôi xách nước vào chuồng, bò xuống chậm rãi cọ từng vết máu chứ không cố làm nhanh như trước. Tôi muốn giữ lại một kỷ niệm khó quên về Nỉ, vả lại tôi chỉ còn ở cạnh nó trong đợt đẻ này, sau đó nó phải tự tìm cách cho má biết sự kỳ quặc của nó. Tôi biết mình sẽ nhớ nó lắm, cũng như phải cám ơn nó vì nhờ nó mà tôi sẽ yên tâm hơn khi ra đi. Nó sẽ giúp má một số tiền khá lớn để phòng già sau này, mà còn con Nỉ thì chắc chắn má và Hữu không lo đói. Tôi sẽ khuyên má bán khuôn ruộng đi, vì má đâu thể ra đó mà trồng trọt chăm bón được. Có Nỉ là đủ rồi. Tôi cởi quần áo, tự nhủ sẽ ra thăm nó sau khi thay đồ xong. Có lẽ nó sẽ nhớ tôi và bỏ ăn lần nữa, nó đã từng như vậy khi tôi nằm trong ổ đẻ bé Bí, phải đến khi thấy tôi khoẻ dậy ra thăm thì nó mới chịu ăn trở lại.

Má lại làm tôi giật mình bởi kiểu đi nhẹ nhàng như thể muốn nhát ma, tôi lật đật kéo áo che lấy bộ ngực. Má mỉm cười đứng ở cửa chống gậy nhìn tôi một lát, rồi đi đến gần. Tôi có cảm giác cặp mắt má đang từ từ lùng sục châm chích lên khắp thân thể mình. Bất chợt má đưa tay giật mạnh tấm áo của tôi vứt xuống giường. Tôi hết hồn ngồi thụp xuống, lấy chân tay che lấy sự trần trụi của mình một cách vụng về. Tôi chưa từng loã thể hoàn toàn như vầy trước mặt ai. Trước kia khi ngủ với anh Cường, anh cũng chỉ dám cởi mỗi quần tôi ra, mà không đụng thêm đến bất cứ nơi nào trên thân thể tôi hết. Anh còn cẩn thận dùng một dãi vải buộc vào mắt tôi, để tránh cho tôi phải ngượng ngùng khi gặp anh sau đó.

Má làm gì vậy? Má đi ra ngoài cho con thay đồ đi!

Cả má mà con cũng ngại sao? Má vừa cười móm mém với bã trầu trong miệng, vừa nói chậm rãi.

Con không ngại, nhưng kỳ thấy mồ!

Kỳ gì? Con đứng dậy cho má ngắm thân thể của con nào! Má muốn xem má đã nuôi con xinh đẹp đến nhường nào.

Con…

Tôi còn đang lúng túng, chẳng biết nên làm gì thì má đột ngột chộp tay tôi kéo mạnh. Tôi mất trớn té lăn ra nhà, rồi lật đật cúm rúm đứng lên. Trần truồng trước mặt má, tôi nhận ra mình bỗng bé nhỏ và yếu đuối biết mấy, trong khi má mạnh mẽ, an toàn trong bộ áo quần với cây gậy gỗ vững vàng cầm tay, gương mặt đầy vẻ tự tin tinh quái. Tôi rợn gai ốc khi má chợt buông cây gậy ra mặc cho nó lăn xuống đất, rồi đưa hai bàn tay nhăn nheo bóp lấy hai bầu vú của tôi. Tôi đứng chết trân nhìn gương mặt má như bị mê hoặc, trong lúc đôi tay má đi lần xuống eo và mông tôi. Rồi má đi vòng sau lưng tôi, dùng ngón trỏ vẽ dọc lên xương sống, đưa ngón tay xuống dưới mông rồi đi dần vào hậu môn của tôi. Trong lúc tôi sắp bật khóc, má bỗng cười vang khi nhận ra những bệt gai ốc đang nổi từng lớp trên da thịt tôi. Má tắt ngay nụ cười trên môi như người ta thổi phụt một ngọn đèn, rồi ngồi xuống giường cho phép tôi mặc lại quần áo.

Có chuyện này má muốn nói thẳng với con. Tôi khựng người ngưng tay cài cúc áo, nhận ra giọng của má đanh lại.

Chuyện gì vậy má? Tôi cài nhanh nút, ngồi xuống giườngvừa hỏi vừa xếp đồ bỏ vào túi xách, cố ý để má thấy tôi đã chuẩn bị ra đi.

Hôm bữa má dắt con ra Mang Vàng, má kêu con lặp lại lời thề mà con không hiểu ý má sao?

Con hiểu mà, bữa đó má muốn báo cho con biết gia đình anh Cường bị tai nạn phải không?

Không phải! Má muốn con biết là con bé Bí đã chết, nghĩa là lời thề của con chưa hoàn thành. Con không thể rời khỏi má bây giờ được!

Tôi sững ngừơi im lặng vài giây.

Nhưng anh Cường mất rồi, con có muốn hoàn thành lời thề cũng không được, làm sao con ngủ với anh Cường lần nữa?

Thì con ngủ với thằng Hữu.

Tôi nhìn má chết trân. Má nghĩ sao khi nói như vậy, chẳng lẽ má không biết Hữu tàn tật sao, má không biết Hữu không thể có vợ sao?! Tôi nghĩ vậy, nhưng chẳng thể nói nên lời, tôi đến gần má, quì hai gối xuống ngước mặt nhìn thẳng vào mắt má, nhưng cũng như mọi lần, tôi chẳng thể thấy được điều gì trong đó. Tôi nghĩ má đang bị lẫn thẫn gì đó, nhưng không, má vẫn tiếp tục.

Con yên tâm đi, chỉ một đứa cháu nội thì má sẽ để con đi mà! Má hạ thấp giọng khi thấy vẻ mặt tôi như người sắp chết.

Con không hiểu gì hết! Tôi nói.

Tối hôm qua má đã thử rồi, má biết thằng Hữu có thể cương được.

Con không hiểu! Tôi lặp lại.

Tối hôm qua lúc nó ngủ, má đã sờ nó, má thấy nó vẫn cương lên như ba nó ngày xưa, nghĩa là nó có thể có con đó, con đã hiểu chưa?

Nghĩa là má muốn con ngủ với anh Hữu như ngủ với anh Cường?

Ừ.

Con mà đi rồi thì má còn ai đâu, cho má đứa cháu đi, rồi con muốn sao cũng được!

Má nói xong vẫn không nhìn tôi, chỉ khom người xuống lượm cây gậy rồi bước ra phía cửa. Má chưa đi hẳn, mà dừng lại nói thêm như để trấn an tôi.

Con giúp má càng sớm càng tốt, có cháu ngày nào má để con đi ngay ngày đó.

(Còn tiếp một kỳ)

 

Comments are closed.