Hay lắm, vậy thì, tôi mâu thuẫn với chính tôi

Salman Rushdie

Đoàn Huyền dịch

image

Trong vở kịch Jumpers của Tom Stoppard, nhân vật chính, George Moore, một nhà triết học, nói thế này: “Gặp người bạn ở hành lang, Wittgenstein bảo: ‘Cho tôi biết, tại sao người ta luôn nói là tự nhiên thôi với con người khi giả định rằng mặt trời quay quanh trái đất thay vì trái đất đang quay?’ Bạn ông trả lời, ‘Ồ, rõ ràng, bởi vì đúng như có vẻ mặt trời đang quay quanh trái đất.’ Triết gia đáp lại, ‘Ồ, thế sẽ có vẻ thế nào nếu có vẻ như là trái đất đang quay?’” Nó là vết cháy chậm đẹp đẽ của một câu chuyện cười, tiếng cười, đang sinh thành khi khán giả nhận ra rằng hai việc ấy có vẻ là y hệt nhau, bởi sự nhận ra ấy, sau rốt, là điều đang thực sự diễn ra. Đây là tiếng cười của nghịch lý, và không có nó văn chương, và cuộc sống, sẽ bị suy giảm một cách nghiêm trọng; thật vậy, một số nhà phê bình nói rằng quan hệ giữa nghịch lý và thơ ca gần gũi đến mức chúng là một.

Nghịch lý bắt đầu trong Kinh Thánh, nơi ý tưởng về cuộc Sinh nở Trinh bạch là hiện thân của bản chất nghịch lý của định mệnh, và tiếp tục cho đến thời đại ngày nay, nơi mà cuộc tìm kiếm chớp nhoáng nhất những tài liệu nghiên cứu về văn hóa đại chúng tiết lộ ra những phân tích về “Nghịch lý the Beatles” (ấy là: họ, những kẻ nổi loạn trẻ tuổi nhanh chóng trở thành những nhân vật quyền lực được trao Huân chương Đế Quốc Anh), “Nghịch lý Oprah Winfrey” (ấy là: trong khi cô ấy thân mật cho chúng ta những lời khuyên về cuộc đời của chúng ta, như thể cô ấy một thành viên gần gũi trong gia đình, cô ấy vẫn cứ cách biệt, bí ẩn, và xa lạ), và “Nghịch lý Eminem” (ấy là: anh ta vừa là vừa không là Slim Shady thực sự[*]).

Don Quixote là một nghịch lý trên lưng một con ngựa còm, chàng hiệp sĩ lang thang mà những cuộc lang thang của anh ta đã phá hoại chính ý tưởng về hiệp sĩ lang thang, tên ngốc hiệp sĩ mà sự điên rồ của hắn đã phơi bày sự điên rồ hơn nữa của lý tưởng hiệp sĩ. Erik Lönnrot của Borges trong truyện ngắn của ông Cái Chết và La bàn giải câu đố về một loạt những án mạng bí ẩn và tính toán thời gian và địa điểm của án mạng tiếp theo, chỉ khám phá ra, quá muộn để cứu mình, rằng anh ta là nạn nhân đã được trù tính và rằng các tội ác khác được gây ra là để mang anh đến chỗ chết. Oscar Wilde, người nói rằng ông có thể kháng cự bất cứ điều gì ngoại trừ sự cám dỗ, là hiện thân những nghịch lý của chủ nghĩa khoái lạc. Và trong tiểu thuyết Tốt như Vàng của Joseph Heller, nhân vật phụ tá Tổng thống Ralph Newsome, hiện thân của những trò bất lương chính trị, toàn nói bằng những câu nghịch hợp đầu cuối chọi nhau: “Người Tổng thống này sẽ ủng hộ các bạn hoàn toàn cho đến khi ngài ấy phải làm thế. Chúng tôi muốn tiến về phía trước với người Tổng thống này càng nhanh càng tốt, mặc dù chúng tôi phải chậm lại. Người Tổng thống này không muốn những kẻ chỉ biết vâng vâng dạ dạ. Điều chúng tôi cần là những con người chính trực độc lập, những người sẽ đồng ý với mọi quyết định của chúng tôi sau khi chúng tôi đã quyết.”

Theo ý tôi nghịch lý đẹp nhất trong những nghịch lý là cụm từ nổi tiếng ở cuối Bài hát của chính Tôi của Whitman:

Tôi có mâu thuẫn với chính tôi không?

Hay lắm, vậy thì, tôi mâu thuẫn với chính tôi

Tôi to lớn rộng dài, tôi ôm trong lòng những đông đảo núi sông.

Bản chất của con người là mâu thuẫn, và bản ngã loài người là rộng lớn. Chúng ta có thể, chúng ta là, nhiều bản ngã cùng lúc: Chúng ta có thể dịu dàng với con cái mình nhưng thô bạo với người làm thuê cho mình; chúng ta có thể yêu Chúa nhưng ghét loài người; chúng ta có thể lo lắng cho môi trường nhưng để đèn sáng khi ra khỏi nhà; chúng ta có thể là những tâm hồn an ổn bị kích động bởi niềm đam mê dành cho một đội bóng, đến độ hung hăng, đôi khi thậm chí cực độ du côn. Và cho dù chúng ta có thể muốn bảo vệ một cách mạnh mẽ thế nào đi nữa chủ quyền của bản ngã cá nhân – một ý tưởng được sinh thành trong thời Phục Hưng Ý mà có thể là quà tặng vĩ đại nhất của Italy dành cho nền văn minh thế giới – cái ngã ấy là, thực ra, đồng thời có chủ quyền và bị xâm chiếm bởi những cái ngã khác. Nó cùng lúc tự trị và không tự trị. Không ai trong chúng ta tay không bước vào thế giới cả. Chúng ta mang theo mình hành trang di sản của mình, cả sinh học và văn hóa, và di sản đó vừa giới hạn vừa thúc đẩy chúng ta, vừa làm ta lụn bại vừa giải phóng ta. Chúng ta có thể nghĩ về mình như là tự do lựa chọn và chịu trách nhiệm đạo đức cho những lựa chọn của mình, và đúng là chúng ta nên hiểu mình sâu sắc, nhưng cái cách chúng ta đóng khung những lựa chọn này, và hơn nữa, những lựa chọn cụ thể chúng ta cảm thấy mình phải làm, là không chỉ của chúng ta để quyết định.

Bởi vậy, chúng ta là những sinh vật mang nghịch lý, vừa thuộc cá nhân vừa thuộc xã hội, vừa là của thời đại chúng ta vừa là một phần của dòng chảy lịch sử. Chúng ta là hữu tử nhưng, như Cleopatra của Shakespeare, có những khát khao bất tử bên trong mình; và mâu thuẫn là máu huyết của chúng ta. Có những lợi ích xã hội lớn lao trong những định nghĩa rộng lớn như thế này về bản ngã, vì càng nhiều cái ngã chúng ta tìm thấy bên trong chính mình, thì chúng ta càng dễ tìm thấy nền tảng chung với những cái ngã đa dạng, đông đảo khác. Chúng ta có thể có những tôn giáo khác nhau nhưng ủng hộ cùng một nhóm đội. Nhưng chúng ta sống trong một thời đại chúng ta bị thôi thúc định nghĩa bản thân mình càng lúc càng cạn cợt, để nhét bản chất đa chiều của mình vào cái áo chẽn của căn tính quốc gia, sắc tộc, bộ lạc, hay tôn giáo một chiều. Điều này, tôi nghĩ, có thể là điều xấu xa mà từ nó bắt nguồn tất cả những điều xấu xa khác của thời đại chúng ta. Vì khi chúng ta chịu thua sự nông cạn hạn hẹp này, khi chúng ta cho phép mình bị đơn giản hóa và trở thành chỉ là người Serb, người Croatia, người Hồi giáo, người Hindu thôi, khi ấy chúng ta dễ trở nên nhìn nhau như kẻ địch, như những kẻ Khác, và chính các phương của cái la bàn bắt đầu cãi cự, Đông và Tây, rồi Nam và Bắc va chạm.

Văn chương chưa bao giờ để ra ngoài tầm mắt điều mà thế giới hay gây gổ của chúng ta bắt chúng ta phải quên. Văn chương hân hoan trong sự mâu thuẫn, và trong những tiểu thuyết và thi phẩm của mình chúng ta hoan ca về sự phức tạp của con người, về khả năng là, cùng lúc, cả không, cả này kia, mà không cảm thấy mảy may bực dọc. Trong tiếng Ả-rập, tương ứng với cụm từ “ngày xửa ngày xưa” là kan ma kan, dịch là “đã là thế, đã không là thế.” Đây là nghịch lý vĩ đại nhất nằm trong lòng mọi tác phẩm hư cấu. Văn chương hư cấu chính xác là nơi mọi thứ vừa là thế vừa không là thế, nơi những thế giới tồn tại, trong đó chúng ta có thể tin tưởng một cách sâu sắc trong khi cũng biết rằng chúng không, chưa, và sẽ không bao giờ tồn tại. Và trong thời đại của sự đơn giản hóa của chúng ta, sự phức tạp đẹp đẽ này chưa bao giờ quan trọng hơn.

Dịch từ tiểu luận Very well then I contradict myself, in trong tập Languages of Truth: Essays 2003-2020, Salman Rushdie, Random House, New York, 2021.


[*] Slim Shady, cùng với Eminem và Marshall Mathers, là một trong nhiều hình tượng nhân vật khác nhau trong sự nghiệp của rapper này.

Comments are closed.