Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã đăng trên FB của ông một loạt đoạn hồi ức tùy hứng, không được sắp xếp hay tổ chức trước. Văn Việt xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số đoạn, chỉ mạn phép tác giả chỉnh sửa về chính tả, typo khi cần thiết.
Văn Việt
Phượng là con chim bay vào trí nhớ…
Hồi ức này tôi sẽ không để hết tên nhân vật trừ khi cần thiết phải để tên, nếu ai còn sống thấy không đúng thì lên tiếng. Tôi sẽ viết nhiều về vùng ông Tạ nơi tuổi hoa niên của tôi còn đậm dấu ấn, mà lạ thay, thời gian không đủ sức làm phai nhạt nó. Mỗi lần trở về, tôi như Từ Thức về trần. Đường xưa lối cũ còn đó dù đã đổi thay. Tôi nhớ hết tên người, đường ngang ngõ tắt nhưng khổ thay, người cũ không còn, cảnh cũ không còn. Hỏi ai cũng lắc đầu. “Thương hải biến vi tang điền…” kẻ trở lại nay đã là ông lão sao hỏi tìm ký ức tuổi thơ? Ai mà biết, ai mà nhớ…
Này ông Sơn Đảo danh trấn giang hồ một thời, tôi vai cháu gọi ông bằng chú bởi lẽ ông gọi mẹ tôi bằng chị. Danh ông, tên ông tôi thừa biết, ai sợ ông chứ tôi chả sợ “chú! cháu mất cái xe đạp chỗ ấy! “ Chỉ vài ngày sau “Mày ra lấy lại xe đi!” Nhưng không còn là chiếc xe cà tàng của mình, nó đã được thay hết phụ tùng oách hơn, bảnh hơn. “Không phải xe của cháu ạ!” “Xe mày đấy thằng đàn em chú nó lỡ… chú cho nó tiền bù vào những gì nó thay đổi của mày, chú dặn đấy là thằng cháu bọn mày tránh xa nó ra…” Tôi cảm ơn ông Sơn Đảo, tôi không chơi với ông tất nhiên nhưng tôi chơi với Hoàn bệu, Tiềm khàn, Hào rụt em ông. Tiềm khàn nổi tiếng về nhảy đầm, nhảy đẹp có cúp, có giải đàng hoàng. Tôi nhỏ hơn vài tuổi chưa biết nhảy đầm chỉ “Anh tiềm! Đưa em vài chục, em cần!” là có vài chục tha hồ mua gì mình muốn. Họ xem tôi như thằng em, chiều nó chút đỉnh chả sao vì nó hay đưa dùm thư tỏ tình của các ông anh cho chị Thục người đẹp nhất xóm đạo An Lạc thời ấy. Chị Thục chả thua gì ca sĩ Thanh Lan sau này. Đẹp dã man mà cuộc đời cũng thảm dã man, toàn quen, toàn dính vào những tay nghiên ngập. Tôi thích chị nhưng là vai em chả dám ho he dù những lần nhìn chị khóc, tôi cũng muốn khóc.
Ngôi trường Thánh Tâm tôi học vài năm cũng là nơi tôi biết nhớ nhung cô bạn gái đầu tiên mà khốn nạn thay cho thân tôi, hóa ra chỉ vì cô giống một hình bìa tình cờ của họa sĩ Đinh Tiến Luyện trên tuần san Tuổi Ngọc. Mắt nai to ngơ ngác. Môi nũng nịu… Mối tình thầm lặng kéo dài cho tới lúc chẳng ai còn gặp ai nữa, vĩnh viễn mất dấu. Nếu được gặp lại một lần trong đời tôi sẽ nín thở, can đảm đến nói “P! Tao yêu mày!” nhưng đấy chỉ là tưởng tượng, mãi mãi là tưởng tượng
P giờ chắc cũng đã thành bà cụ. Nàng không phải là Phương, Phường, Phưởng… Tên nàng là Phượng “em gái giáo sư Cg có bộ râu dê. “Phượng là con chim bay vào trí nhớ…” thơ ai, không phải thơ tôi. Giá mà tôi làm được câu thơ như thế.
Ngã ba ông Tạ. Những mùa giáng sinh se lạnh dây kim tuyến, trái châu lấp lánh, thiệp Noel thơm mùi mực in và bài hát của ông Nguyễn Vũ sống bên kia khu Nghĩa Hòa “Bài thánh ca đó còn nhớ không em… Noel năm nào chúng mình có nhau…” Tôi từng viết ông Tạ có hai điều đặc sắc. Một là Thành nhà văn – Hai Thành du đãng, tôi quên mất còn Thành nhạc sĩ nữa
Như Nguyễn vũ
Phượng là con chim bay vào trí nhớ…
Em còn sống đấy chứ P?
Đôi cánh của Phượng Hoàng
Hơn một thập kỷ hoàng kim của nhạc trẻ làm sao tôi có thể kể cho đủ những ca sĩ, nhạc sĩ, ban nhạc tên tuổi của Sài Gòn. Có ít nhất 3 lần “đại hội “ trong trên dưới 3 năm. Lasalle Taberd, Sở Thú [Thảo cầm viên], Tao Đàn…
Tôi chọn một ban nhạc có khuynh hướng Việt hóa âm nhạc của nước ngoài, họ cũng có những nhạc sĩ sáng tác xuất sắc, thành một dòng chảy riêng không lẫn vào ai. Ban Phượng Hoàng. Lê Hựu Hà – Nguyễn Trung Cang, những thủ lĩnh…
Phượng Hoàng là cái tên Việt Nam của Phoenix như eagle là đại bàng vậy thôi. Nhưng số phận của những nhạc sĩ trong ban nhạc này sẽ vất vả, sống trong sợ hãi bởi lẽ nhiều năm sau đó khi chế độ kết thúc, ở một thể chế khác họ bị quy kết dính líu vào một chiến dịch tình báo cùng tên, “chiến dịch phượng hoàng” mà chả có ai là tình báo cả. Họ đơn thuần là những người trẻ tuổi sáng tác và chơi nhạc. Thứ âm nhạc của những khắc khoải, âu lo nhưng cũng nồng nhiệt của thế hệ mình.
Nguyễn Trung Cang tác giả của những “Mặt trời đen”, “Thương nhau ngày mưa”, “Huyền thoại một loài hoa trắng”, “Hãy nhìn xuống chân…” sẽ là người mất sớm nhất trong ban nhạc. Lê Hựu Hà của “Tôi muốn”, “Cười lên đi em ơi” và “Đồng xanh – Green field” Việt hóa bất hủ. Khi Phượng Hoàng làm mưa làm gió trên sân khấu những nhạc hội mang không khí của Woodstock Việt Nam, tôi là chàng trai vô danh lẩn khuất dưới hàng nghìn khán giả trong Tao Đàn, Sở Thú. Nhảy tường vượt qua hàng rào soát vé và cảnh sát, bất kể cái đói để đắm vào âm nhạc tưng bừng trước mặt từ sáng đến tận chiều tối. Mệt thì nằm lăn ra cỏ, đói thì tìm phông tên nước thay khúc bánh mì miễn tai được nghe, mắt được nhìn thấy những con người hiếm có thể gần gũi đến vậy bằng một lễ hội của âm nhạc ngoài trời.
Hơn 20 năm sau, khi ca sĩ tên tuổi của dòng folk song-country John Denver sang đến Việt Nam, chơi một đêm duy nhất ở nhà hát Hòa Bình, tiếp theo là Lobo ở sân Phan Đình Phùng thì tay cùng đi, đứng cạnh tôi, hét to nhất những ca khúc và hát theo với Lobo không ai khác là Lê Hựu Hà.
1970 – 1972, chỉ 2 năm ngắn ngủi nhưng khốc liệt của chiến tranh đã làm thay đổi ý thức hệ của một thế hệ trong mọi hình thái từ văn chương, nghệ thuật, âm nhạc và xã hội. Đấy là một thế hệ không có tuổi trẻ dù tuổi trẻ có vẻ như được tự do thể hiện tất cả những điều cần bày tỏ hoài nghi, hy vọng, tuyệt vọng vv…
Nhưng Phượng Hoàng vẫn thắp lên niềm lạc quan giữa những miền u uất của mình. “Dù đời không yêu ta… vẫn cứ yêu thương đời …”, “Tôi chia anh trọn gia tài… tôi chia em trọn gia tài… để quý mến nhau là xâu chuỗi màu… tình yêu trao nhau là châu báu…”
Quả thật không thể kể hết những cái tên người mà từ những dòng kẻ âm nhạc của họ – gương mặt một thế hệ, chân dung thời cuộc được khắc họa trọn vẹn với những niềm vui lẫn đau đớn, chia lìa…
Còn nguyên vẹn trong tôi đôi mắt tinh quái sau tròng kính lấp lánh, nụ cười tươi, giọng nói nhẹ nhàng, phong cách lịch sự của một tay xuất thân “dân trường Tây”. Một bó hoa mỗi ngày mà tôi phải mang đến tặng một người con gái thay cho anh, còn chàng nhạc sĩ khi ấy đã qua 2 lần tuổi hai mươi vẫn hồi hộp, lo âu đứng xa ngoài đầu hẻm “Cô ấy nhận hoa có cười không? anh phải giữ lời đừng tiết lộ là của Hà nhé …” “Vậy tôi nói của tôi nhá!” “Ê! Hông được nghen”. Nhưng đấy là câu chuyện khác, khi “Phượng hoàng” đã bắt đầu nhè nhẹ vẫy lên đôi cánh mênh mông, sáng chói một thời của mình dù nỗi ám ảnh và sợ hãi vẫn ít nhiều còn đó
Khi ấy chỉ còn mình anh. Lê Hựu Hà.