Chảy đi kênh ơi!
Đấy là căn phòng 8 mét vuông vừa đủ kê một chiếc giường nhỏ, một tủ gỗ sơ sài. Bàn học là chiếc thùng carton úp ngược ngay trên giường. Căn phòng khu ổ chuột nhô ra trên dòng kinh đen cuối con hẻm nhà cửa khang trang mà cái tên còn đến tận bây giờ. Hẻm photo lưu luyến.
Nếu có kẻ nào đấy trôi dạt gần quá nửa đời mà vẫn không ra khỏi thành phố Sài Gòn, chỉ từ quận này qua quận khác, chỉ từ ngôi nhà khang trang của mình đến những căn phòng ổ chuột thì kẻ ấy chính là tôi.
Rời ngã ba ông Tạ. Một túi xách vài bộ quần áo đi học tôi về căn phòng này trên dòng kênh đen nhìn ra những vạt rau muống xanh rờn mỗi sáng nồng nặc mùi dầu nhớt xịt rau theo gió vào nhà, thứ mùi độc hại hàng ngày mà sau này khi đưa mẹ về ở quá lâu, có lẽ chính nó khiến bà mất sớm. Biết sao được khi tôi bỗng thành một thanh niên chỉ có gia tài duy nhất vài cuốn sách và “cái nghèo lộng lẫy, huy hoàng”. Nơi tôi sống đủ mọi thành phần trôi dạt từ mọi hướng cuộc đời. Ca ve, gái điếm, dân lao động đủ nghề. Căn phòng nhỏ ấy đêm đêm đèn sáng và có lẽ nó là nơi duy nhất mỗi khi cảnh sát bố ráp ca ve, gái điếm họ không gõ cửa phòng tôi, họ biết có một người làm nghề… đi học. Gác trọ phía bên trên là nơi gái điếm thuê trọ. Họ tất nhiên ra đường ban đêm, trở về gần sáng, thỉnh thoảng đưa khách về phòng. T là người đẹp nhất trong số ca ve ấy, T trạc tuổi tôi, đêm đêm… áo dài trắng đi làm. Áo dài trắng trông ngây thơ hơn, dễ bắt khách những chú GI [lính Mỹ] hơn? Chả biết, đấy là chuyện của T. Nhiều đêm son phán nhạt nhòa, xiêu vẹo về khi gần sáng T ném vào phòng tôi một khúc bánh mì hay cái bánh bao “ăn lấy sức mà học đi anh chàng thư sinh của em!” Ăn thì ăn, bụng đói thì chả cần “sĩ khí”. T đẹp nhưng tôi không để ý, tôi lo ngày mai có tiền đóng học phí hơn là eo với ngực của cô cho đến một ngày…
… Nửa khuya khu ổ chuột bị bố ráp. Khách của T nhảy xuống kênh thoát đi, cô thì nhảy lên giường tôi núp sau lưng gã học trò đang ngồi học, cô trùm chăn kín mít. Cảnh sát không bao giờ vào phòng tôi, họ đi qua còn nhìn thấy tôi đang ngồi học một mình. Những cuộc bố ráp không thường xuyên nhưng vẫn xảy ra dăm tháng,đôi lần. Khi cảnh sát rút đi, T vẫn trùm mền sau lưng tôi, tôi bảo cô về phòng ngủ đi trả chỗ cho tôi học. T nói trong chăn “em ngủ ở đây!”. Có mỗi cái giường nhỏ, cô nằm đấy thì tôi nằm đâu? Tôi quyết liệt đuổi. Biết không thể, bước xuống giường T xỉ trán tôi “đồ ngu!” rồi vùng vằng trở lại phòng mình nơi gác trên. “Đồ ngu!” phải mất đến một năm sau tôi mới hiểu cái xỉ trán và câu mắng ấy của T. Ngày nọ, khi đi học về một mảnh giấy nhỏ nhét vào khe cửa “em đi nhé!”. Cô gái giang hồ xinh đẹp đã tìm nơi trọ khác. Đời họ như những dề lục bình lang thang trên dòng kênh, nơi này qua nơi khác, bất trắc và bất định…
Tôi sẽ gặp lại cô sau 1975, nơi trường phục hồi nhân phẩm. Đấy là một câu chuyện rất bi thương khác.
Nhưng những ổ bánh mì nửa đêm của T còn trong trí nhớ suốt đời. Khi ấy tôi 17 tuổi.
Căn phòng nhỏ của tôi hơn 10 năm sau sẽ có một người đàn ông khi đến tìm với chiếc xe đạp sườn ngang, khi đã đứng trong nhà, ông vẫn không tin nổi đấy là nơi cư trú của tôi một chàng trai đã có những bài thơ đăng ở tờ báo của ông, ông là người chọn lựa. Cuộc ghé thăm như là định mệnh, ông từ đó sẽ gắn chặt với tôi bằng công việc, bằng sự trợ giúp kín đáo, bằng tất cả sự sẻ chia của một người anh, người thầy. Không có ông, cuộc đời tôi hôm nay chưa biết sẽ ra sao. Đấy cũng sẽ là một câu chuyện khác sẽ được kể ra lần khác.
Nhiều năm sau, khi rời khỏi khu xóm ổ chuột gác nhỏ đèn vàng, mỗi khi trở lại cảnh cũ còn đấy, người quen cũng còn đấy, những đứa trẻ lại lớn lên, lại lam lũ như cha mẹ chúng. Có đứa con gái đi qua “Chào chú! con M đây! con đi làm nghen chú…” Mùi hương rẻ tiền còn để lại khi cô gái đã lẫn vào khoảng tối hun hút. Mùi hương tự nó kể về công việc của cô. Tôi thầm hỏi “Sao không bơi đi, dòng kênh tối ám có rộng bao nhiêu sao không bơi đi?”.
Đấy là câu hỏi ngớ ngẩn.
Cuộc đời không dễ thế, có kẻ bơi đi, có kẻ chìm xuống hay có người không thể bơi đi…
Chỉ dòng kênh vẫn chảy…
Âm thầm…
Đêm khuya ngõ sâu như không màu…
Bên cạnh phòng trọ của tôi là vợ chông P. Họ trôi dạt từ Nam Vang về Sài Gòn sau đợt khủng bố “cáp dzuôn” 1970 – chặt đầu người Việt thả trôi sông Mekong về Việt Nam của chế độ Lolnon. Cuộc “cáp dzuôn” khủng khiếp chỉ sau cuộc diệt chủng của Polpot sau này. [“dzuôn” là tiếng khinh bỉ của người Kampuchia gọi người Việt thời ấy].
P lai tây, rất đẹp trai, chơi nhạc cho các vũ trường, bar bên K. Cuộc đào thoát khiến hai vợ chồng trắng tay lại phải trôi dạt về Nhiêu Lộc thành hàng xóm của tôi. P không biết nghề gì ngoài cây guitar, anh chơi nhạc cho các bar ở Sài Gòn như một nhạc công, P hát tiếng Pháp và nói tiếng Pháp nhưng đấy sẽ là người dạy tôi chơi guitar đầu tiên bằng nhạc Việt, lại là nhạc “sến”. Muốn vững vàng nhạc ngoại thì nhạc Việt bolero trước đã, tempo, giai điệu, hợp âm cho sạch nước cản trước đã. Tôi ngoài cái nghèo lộng lẫy trời cho muốn ngu rất khó, học nhanh vô cùng trên cây đàn thùng cũ kỹ của P. Đêm nào thất nghiệp P cùng tôi kéo ghế mang đàn ra hẻm trước dòng kênh hát hò thâu đêm. Tôi hát không dở nếu không nói hát quá hay. Những năm ngồi trước giàn Akai phụ trách nhạc cho quán cà phê của mẹ mình giúp tôi giờ đây bài gì mà tôi không biết có nghĩa là nó… chưa có ai sáng tác. Những đêm khuya như thế nhìn ra hẻm ngõ hiu hắt đèn vàng, tiếng ghi ta bập bùng hát quên thôi, hát tới khi buồn ngủ thì vào. Nhưng buồn ngủ cũng hiếm khi sát những ngôi nhà trọ có một nàng con gái rất xinh, nàng cũng thức khuya nghe nhạc [tôi đoán thế] bởi lẽ nửa đêm về sáng nhìn qua cửa sổ lá sách nhà nàng, chiếc bóng đổ mái tóc dài vẫn còn chập chờn in trên vách. Hát có người nghe, lại là cô thiếu nữ xinh đẹp sáng sáng áo dài trắng cỡi chiếc Honda dame đi học thì mọi danh ca đều phải ra đời, đẻ non cũng phải ra đời. P dạy tôi đàn, tôi chơi được ngon lành P nói “tao sẽ dẫn mày đi làm với tao, mày ngon hơn tao bởi hát nhạc Việt hay hơn tao mà bài gì mày cũng biết…” Tôi chả cần đi làm, tôi chỉ cần đêm đêm nhìn qua khe cửa sổ thấy chiếc bóng cô ấy còn in trên tường. Là đủ hát tới chết. T cô ca ve xinh đẹp thường ném cho tôi ổ bánh mì hôm nào không đi làm cũng xuống kéo ghế, co chân, bó gối ngồi nghe tôi hát. Ngoẹo đầu, mái tóc đổ nghiêng bên vai, khi ấy T trông bé xíu như con mèo ngoan đáng yêu vô cùng. Nhưng tôi đã có cô láng giềng sát cạnh. Chiếc bóng đêm đêm trên tường…
Nhưng đời khốn nạn lắm, nó không như mơ. Một cái tết, mẹ nàng mời sang nhà “Tết nhất, các cháu không về quê thì sang đây với bác, miếng bánh chưng cho vui vẻ ngày xuân”. Cô láng giềng xinh xắn cũng ra mời trà. Tôi can đảm bắt chuyện “H thức học khuya nhỉ! Tôi vẫn thấy mỗi đêm…” “Đâu nào, em ngủ sớm lắm sao anh bảo em thức”. “Thì đêm nào tôi chả thấy bóng H trên tường lúc tôi hát”. Cô gái tròn mắt kinh ngạc rồi chỉ 30 giây phá lên cười “Anh thấy em ở đâu? Đây phải không?” Cô chỉ tay lên tường rồi cười ngặt nghẽo, cười rút cả hai vai. Ngưng cười, cô ra đóng hết cửa, căn phòng tối lại và bật đèn ngủ.
Chiếc bóng đổ mái tóc dài trên vách tường mồn một.
Chiếc bóng của con búp bê Nhật chưng trên kệ sách.
Sau này tôi sẽ biết, kẻ nào tan nát vì vỡ mộng, vì đau khổ trong tình yêu cũng chỉ bằng tôi khi ấy. Tan và nát!
Màn đêm tịch liêu… Xa nghe thoáng ai ru mến trìu… Nghe không gian tiếng yêu thương nhiều… Hứa cho đời thôi đìu hiu…
Tôi đìu hiu từ đời tám hoánh.
Hg, em giờ ở nơi nào, em còn sống đấy chứ?
Tôi vẫn còn…