Hỗn độn (kỳ 1)

 Nguyễn Khắc Phục

 

“Hỗn Độn” có vẻ như là cuốn tiểu thuyết mang màu sắc huyền bí về những “linh hồn đang thối rữa” dựa trên nền tảng ý tưởng của những “kẻ phao tin” được viết theo khuynh hướng Hậu hiện đại. Sự độc đáo của tác phẩm là ở chỗ, cả người kể chuyện – nhà báo vong thân, cũng như Rơm – nhà văn tâm thần được chính người kể chuyện moi ra trong đám giấy lộn đồng nát, cũng là những thực thể đang phân hủy bốc mùi lợm giọng. Hỗn Độn là một mớ tạp pí lù tiểu tự sự móc xích với nhau theo kiểu cấu trúc không gian bốn chiều, trong đó có chiều tâm linh (hay chiều địa ngục?) được hình tượng hóa qua nhân nhân vật “Rơm” cùng những hành vi quái dị của anh ta trong trại tâm thần. Nhân vật trong “Hỗn Độn” qua cái nhìn Hậu hiện đại của Nguyễn Khắc Phục dường như đều tiệm cận trạng thái tâm thần phân liệt, đang cố gắng tự làm biến dạng nhân cách mình, hy vọng thoát khỏi sự kiểm soát của thiết chế toàn trị với đủ loại âm binh vốn là đệ tử trung thành của những “kẻ phao tin”.  Dưới con mắt của Rơm xã hội anh ta đang sống là một trật tự hỗn độn, nhìn đâu cũng chỉ thấy các loại “trại”. Đấy cũng chính là nguyên nhân làm cho nhà thơ Mũ Sắt sớm về chầu giời vì căn bệnh ung thư từ âm phủ trở về thăm ông bạn Rơm cho dù linh hồn nhà văn này vẫn đang bốc mùi khó ngửi.

“Hỗn Độn” là cuốn tiểu thuyết của những tiểu tự sự được tích hợp từ nhiều phương thức diễn đạt, trong đó tác giả sử dụng thứ ngôn ngữ đặc trưng của phương pháp sáng tác Hậu hiện đại. Đó là cấu trúc câu văn ngắn gọn bằng lớp từ thông tục cập nhật thậm chí lắp ghép của ngôn ngữ đường phố qua thủ pháp giễu nhại với tần suất cao.

“Hỗn Độn” được trình bày bằng một văn bản đa phong cách và nhiều ý tưởng cũng như cảm hứng nghệ thuật. Nếu biết bóc tách những gì xù xì của lớp vỏ ngôn ngữ bên ngoài, người đọc sẽ nhận ra tầm tư tưởng của nhà văn…

Văn Việt xin trích giới thiệu một số chương trong tác phẩm này giới thiệu cùng quý bạn đọc.

V.V.

Bia_hon_don(17-05-2015)

Phần 1

 

Người rơm

 

 

 

 

Cái  sống xuất xứ từ đâu chỉ cái chết biết

Cái chết xuất xứ từ đâu chỉ cái sống biết

Vì chúng là xuất xứ của nhau…

Kẻ Phao Tin

 

 

 

 


Thiên sứ là những kẻ phao tin rằng Thượng Đế có thật

Truyền giáo là những kẻ phao tin: Sau thiên đường là thiên đường, sau địa ngục là vô lượng kiếp luân hồi

Triết gia là những kẻ phao tin: Thế giới này là một cái xác chết to vật vã đang ở trong tình trạng đại phân hủy

Lũ hề nguy hiểm là những kẻ phao tin:
Con người đang yêu và được yêu

Người Rơm là tất cả những ai bị xóa bỏ hay tự xóa bỏ, toàn bộ nhân thân, gốc rễ, ký ức, tương lai… của mình, bị xua đuổi hoặc trốn chạy, rơi vào tình trạng vô thừa nhận không riêng trên những miền đất hứa mà ngay
tại nơi mình chôn nhau cắt rốn.

 Người Rơm là biến thái cuối cùng của kiếp Người trước khi quay về chính nơi y được một Đấng nào đó gửi đến đây, với những ý đồ rất khó đoán định, hoặc là để chứng tỏ ta đây thừa mứa quyền năng, hoặc là để thực hiện các kế hoạch siêu việt, hoặc chỉ đơn giản do ngẫu hứng

và thói ưa nhiễu sự của Kẻ Rách Việc Vĩ Đại…


Ngõ Vong, ma trêu người giữa ban ngày

 

Và cuối cùng tôi cũng kịp kiếm được một nơi trọ mới trước cái thời hạn mà chủ trọ cũ hứa sẽ tống khứ tôi ra đường…

Đó là một căn phòng rộng 9 thước vuông trên tầng 3, áp mái sân thượng ( có lối để lên phơi phóng quần áo hoặc hóng gió, nếu thích), có phòng vệ sinh đàng hoàng (xí bệt nhá)… Không những thế, giá cả, điều kiện thuê nhà rất dễ chịu. Chỉ mỗi tội khi biết tôi thuê nhà trong ngõ Vong, đám bạn tôi ngao ngán liếc nhau… Thì dân thành Rốn Rồng ai chả biết ngõ Vong vốn là một cái bãi tha ma ở trung tâm đô thành, từng chôn đủ loại lính tráng, nạn nhân chiến cuộc từ thời đệ nhị toàn cầu đại chiến…

Một anh bạn nhăn nhó bảo tôi:

– Người ta bảo có cả tỷ loại hồn ma bóng quỷ tá túc trong ngõ Vong đấy, chả cứ đêm mà ngay giữa thanh thiên bạch nhật, ma cũng ngang nhiên nát người!

Không hiểu sao, tôi phì cười: Ối giời ôi, các cụ bảo rồi, sơn lở từng mặt, ma bắt từng người. Cái loại nhà báo “đụng” như tao ( đụng đâu viết đấy, đưa tin, làm phóng sự, chụp ảnh, cần thì tạo xì-căng-đan, câu vew), rồi đương kim “phóng viên không tòa” ( không thuộc biên chế ở bất cứ tòa soạn nào, sẵn sàng bưng bô cho tất cả các tòa soạn miễn là kiếm được chút cháo), nhưng lại nghiễm nhiên là “ký giả liên tòa” ( suốt ngày lê la ở các tòa án, từ tòa dân sự đến tòa hình sự, từ đưa tin, viết phóng sự, chụp ảnh, ghi hình, dựng clip, phác họa chân dung từ chủ tọa phiên tòa đến các loại bị cáo, từ cắp vặt đến giết người cướp của, cần nữa thì có thể lợi dụng thẻ hành nghề thông tấn và các mối quan hệ, móc nối cho các vụ chạy án…), tóm lại, phương châm hành nghề của tao là “không giật gân, câu khách, giả lại tiền”… Thử hỏi gặp cái hạng người giật đùng đùng như tao, chắc ma quỷ ngõ Vong cũng phải đứng từ xa mà vái chào không kính cẩn thì cũng thương hại…

Tự tin và hiên ngang, tôi thuê một chiếc “xe thương binh dọn nhà” ba bánh. (Ối giời ôi, đây cũng là một đặc sản văn hóa giao thông của thành Rốn Rồng đấy nhá, bao giờ có cơ hội, tôi sẽ “buôn dưa lê” về cái vụ này, bây giờ lo chuyện dọn đến nhà mới đã). Xe do ông chủ cầm lái và một chú phụ xe, chuyển đồ đạc, tư trang sách vở, máy tính cá nhân của tôi, đến ngõ Vong.

May quá, ngõ vắng người. Trong lúc ông chủ xe và chú giúp việc lăng xăng tháo các loại dây nhợ chằng buộc, lần lượt rỡ từng thứ đồ đạc đặt xuống đất, tôi ngửa mặt ngẩng lên, kiêu hãnh và mãn nguyện, ngắm cái thiên đường 9 thước vuông của mình…

Rầm…

Tôi chưa kịp hiểu điều gì vừa xảy ra, cái bản mặt của tôi đã trở thành một cái chậu nhận đủ cả thùng nước gạo từ trên sân thượng tầng 3 rót trúng, tung tóe, nhày nhụa và hôi thối khủng khiếp…

Ông chủ xe và chú giúp việc ngẩn ra nhìn tôi trong khoảng khắc. Giận dữ đến mức điên loạn, mắt vẫn nhắm tịt, hai tay vuốt mặt cho các loại xương cá, vỏ tôm, thịt ôi thối, nước mỡ, cọng rau dưa, lá hành, cơm thiu…,  rơi xuống, tôi hét:

– Lên ngay sân thượng, tìm bằng được thằng khốn nạn làm trò này. Tao thề sẽ giết nó…

Chú giúp việc có lẽ vì quá sợ tôi, lắp bắp:

– Vâng ạ…

Tôi lao ra đầu ngõ, nơi có một vòi nước công cộng, mở rô-bi-nê hết cỡ, cúi đầu cho vòi nước xối thẳng vào gáy, lấy hai tay vò tóc, gạt những chất cặn bẩn bám trên đầu…

Bây giờ tỉnh táo hơn, tôi mới thấy lạ: Tôi đứng giữa ông chủ xe và chú giúp việc, mà thùng nước gạo đổ xuống lại chỉ “rót” trúng giữa mặt tôi, còn 2 người kia không bị dính dù chỉ một giọt… Tại sao vậy? Một tai nạn vô tình hay đã “được lập trình” từ trước?

Vừa lúc đó, chú giúp việc hồng hộc chạy ra, hổn hển:

– Bác ơi, cháu xem kỹ rồi, trên sân thượng chẳng có ma nào cả, mà giả sử có thì nó cũng không có cái gì bấu víu để trèo lên hay tụt xuống từ tầng 3… Cháu có hỏi ông già ở bên cạnh nhà bác, ông ấy bảo: Cái phòng bác thuê, 3  năm  trước có người ở trọ treo cổ tự tử. Hàng xóm quanh đấy đêm nào cũng nghe thấy tiếng cãi vã chán rồi khóc lóc, lạy van. Từ đấy không ai dám thuê, nhà chủ đành bỏ hoang.

Tôi lạnh toát. Thảo nào, giá thuê nhà rẻ như cho không.

Khốn nạn thật.

Vô kế khả thi.

Tôi có lẽ còn thê thảm hơn Nã-phá-luân đại đế sau thảm bại Oa-téc-lô, bị người Anh tống ra đảo Xanh Hê-len, chậc lưỡi bảo chú giúp việc:

– Thôi các chú cứ dọn mọi thứ lên đi, ta ra quán bia Tâm Đểu, tý nữa sẽ về thanh toán tiền dọn nhà…

Tôi đểu đảo bước ra ngoài ngõ. Mặt cúi xuống, không dám liếc nhìn, chắc chắn cư dân ngõ Vong đang nhìn kẻ bị ma nát giữa ban ngày với một nỗi vừa ghê ghê vừa buồn cười…

Cách quán bia Tâm Đểu khoảng hơn chục mét, chắc là từ người tôi toát ra cái mùi  khắm khắm, thôi thối, lờm lợm của “nước gạo Rốn Rồng”, khách khứa đang nốc bia trên vỉa hè nhốn nháo, xô ghế đứng dậy, cuống quít và kinh tởm tránh xa tôi. Ông chủ quán bia hoảng quá, lao từ trong ra, dúi vào tay tôi một bom bia cỡ 2 lít, vừa bịt mũi vừa nhăn nhở:

– Con biếu bố, bố về nhá, tắm rửa đàng hoàng rồi mai ra đây với con… 

Tôi ê chề đứng dậy, đầu cúi xuống, tay cầm bom bia buốt lạnh thấu tim…

Tê tái quay vào ngõ.

Sực nhớ, mới rồi đọc báo, thấy mẩu tin con con. Một chị ở Tân Thế Giới vô tình đánh mất một triệu Mỹ kim khi quẳng một cái ghế cũ rách ra đống rác. Chị ta đâu ngờ mẹ mình đã giấu trong ruột cái ghế ấy số tiền dành dụm được cả đời bà. Biết ra thì đã quá muộn… Đấy là phúc biến thành họa.

Còn tôi, biết đâu, hoạ lại biến thành phúc…

 A, ha, viết cho khéo, thêm mắm thêm muối, bài phóng sự ” Giữa ban ngày, ma nát người ở ngõ Vong” mà mình vừa là nhân vật chính vừa là ký giả, sẽ gây bão trên mạng xã hội và truyền thông. Rồi người ta sẽ ùn ùn kéo đến ngõ Vong…

Nghĩ tới đó, tôi vội vã quay vào ngõ Vong… Tiếc quá, ông chủ “xe thương binh” và chú giúp việc đã dọn sạch “hiện trường ma trêu người giữa ban ngày”. Nhanh nhẩu đoảng, xóa hết bố nó dấu vết, tang vật, lấy gì mà quay phim, chụp ảnh bây giờ?

Chán quá, ngồi bệt ngay xuống đất, dốc thẳng từng hớp bia bom chua loét vào mồm. Nuốt chửng cho đỡ lợm giọng, dùng bia đẩy ráo những vật thể lạ thiu thối đang bám vào cổ họng xuống thẳng dạ dầy…

Vừa lúc đó, một chị đồng nát đi tới, quẩy đôi thúng đầy tú hụ giấy vụn và những cuốn sách cũ. Chị này chắc cũng là dân thuê trọ trong con hẻm này.

Bỗng lóe lên một linh cảm: Biết đâu đây mới chính là điềm phúc trong họa?

Trong túi còn ít bạc vụn, tôi bảo chị ta dừng lại, ngồi bệt ngay trên lòng ngõ, lục lọi đống sách. Toàn sách dạy nghệ thuật đắc nhân tâm, một lô tiểu thuyết, thi phẩm, truyện ngắn, trường ca… Những thứ có biếu không tôi cũng vái cả nón. Đã định đứng lên, thoáng thấy nét mặt thất vọng của chị ta, tôi chặc lưỡi: Xem cái mớ giấy lộn kia vậy. Biết đâu trong bùn có kiếm báu…

Chị hớn hở chìa ra từng xấp giấy. Nghị quyết, công văn, thông tư, chỉ thị, quyết định… Dấu xanh đỏ lòe loẹt, tròn, méo, vuông có tất, cái đóng treo, cái giáp lai… Hỡi ôi, tinh hoa của cả một nền hành chính Lạc Quốc đã rủ nhau về đây an nghỉ trong đôi thúng của chị đồng nát.

Chả nhẽ không mua gì, tôi uể oải vớ bừa lấy một xấp giấy chữ nghĩa nhằng nhịt. Chả biết cái gì, nhưng chắc chắn không thuộc loại tinh hoa kể trên.

– Cân đi, lấy mớ này!

Nghĩ bụng. Cùng lắm thì…

– Cả thẩy ba ký cụ ạ. Xin cụ nhìn mặt cân.

Tôi hỏi, thoáng hồi hộp chỉ sợ số tiền phải bỏ ra để mua mớ giấy vệ sinh kia vượt quá khả năng tài chính của mình:

– Bao nhiêu?

Chị đồng nát cười tươi như huê:

– Thấm tháp gì với các cụ. Giấy vụn loại ba cụ ạ. Chín nghìn một ký. Vị chi xin cụ, hai mươi bẩy nghìn.

 Thở phào. Vẫn còn ba nghìn uống chè chén, bập hai điếu ở quán cuối hẻm.

Ai đi đường nấy.

Tôi trễ nải xách cái túi ni-lông đựng mớ giấy vụn vừa tậu được. Nặng ra phết.

Mệt mỏi leo lên “thiên đường”, giả tiền thuê dọn nhà rồi leo lên tầng thượng… Quả là chả có bóng ma nào.

Nốc hết bom bia, tụt xuống.

Quẳng cái túi vào xó. Mất điện. Nóng chảy mỡ. Họa có điên mới thắp đèn dầu đọc trước tác, kiệt tác, danh tác. Huống hồ là mớ giấy vụn ất ơ kia…

Nửa đêm, mồ hôi vã như tắm, phòng trọ hầm hập quá lò nướng bánh.

Đành chui vào buồng tắm, dội nước ào ào.

Để nguyên thân thể ướt át, cố dỗ giấc ngủ.

Vô ích. Lại xối nước. Càng ngột ngạt…

Không ngờ chuốc họa. Bụng quặn đau. Té re. Tháo cống. Được ngơi một tí, chưa kịp xốc quần đùi lại mót đi ngoài. Đít rát hơn bỏng. Chả còn gì, ra cả thứ lầy nhầy như mũi. Chắc chiều nay đã xơi đặc sản “nước gạo Rốn Rồng”, vừa  nốc hết bom bia hơi, về lại ngâm nước nhiều, lạnh bụng…

Không khéo thổ tả.

Hết giấy vệ sinh.

Phương án dự phòng.

Vơ lấy mấy tờ trong mớ giấy vụn: Hóa ra được việc.

Lại chồm chỗm trên bệ xí, trong bóng tối, lấy hai tay vò nhàu một tờ. Ối, cứng quèo, để nguyên chùi có mà rách đít. Mới vò vài cái, hai lòng bàn tay đã nóng rát. Chậc, sốt rồi?

Kệ. Vò xong, xé tờ giấy làm đôi. Dai gớm, xé mãi mới toạc một góc. Lại nghe tiếng rít. Mẹ khỉ, dễ thường giấy đan kết bằng sợi kim loại à. Đồ nỡm. Cầm mảnh vừa xé quệt ngang hậu môn. Đau nhói, chả khác mảnh sành cứa. Điên quá, không khéo rách cả lỗ đít. Vất ngay mấy tờ quỷ quái vào góc buồng tắm. Múc gáo nước, rửa đít bằng tay vậy. Càng bỏng rát. Hậu xét. Rõ đồ chết trôi. Lọ mọ châm nến, nhặt mảnh giấy xé dở, cớ sự làm sao ? Giật bắn mình thấy ven mép giấy bị xé có thứ nước nhơm nhớp tiết ra màu đỏ tái. Quệt đưa lên mũi ngửi, tanh tanh mùi máu. Máu đâu ra thế này? Chắc chắn không phải máu của mình rồi.

Hãi quá, co quắp nằm một xó, tọng liền hai viên thuốc ngủ hạng nặng. Vẫn không chợp mắt được. Càng không dám bén mảng lại chỗ cái túi đựng mớ giấy kỳ dị kia…Nơm nớp đợi cái bóng ma buổi chiều hiện về…

Sáng sau, dậy thật sớm. Ra ngồi sẵn ngoài ngõ, đợi nhà chị đồng nát quẩy gánh tất tưởi đi ra. Lân la hỏi chuyện. Thì ra chị này có mối làm ăn là một trại tâm thần. Lâu lâu, người ta lại thanh lý đống hồ sơ lưu bệnh án của các trại viên. Mớ giấy lộn hôm qua tôi rước phải, thuộc số hồ sơ thanh lý nói trên…

Cả ngày cứ chập chờn. Lúc muốn đọc, lúc lại sợ cái mớ giấy “thanh lý” từ một trại điên. Cũng nhờ vậy cái vụ ma nát chiều qua không còn ám ảnh nhiều nữa…

Mãi chiều, uống chạc bia của một thằng bạn mới trúng lô đề. Tọng thẳng cánh, túy lúy càn khôn. Chả biết sợ giời sợ đất gì nữa, quay về gác xép. Bật tất cả các loại đèn. Đọc mấy dòng đầu trên mẩu giấy bị xé, bỗng chột dạ… Hóa ra đây là bản thảo của một bệnh nhân trong trại? Hình như anh này tên là Rơm. Nghe tên đã thấy cỏ rả, đọc ngấu nghiến sao nổi…

Ngoài hàng nghìn trang dày đặc chữ, lẫn trong mớ giấy còn một số bức ảnh chụp lại tranh có ghi chú qua quýt bên dưới.

Mớ hỗn độn thì đúng hơn. Trong đó, có lẽ hồ sơ bệnh án của chính tác giả bản thảo là sản phẩm duy nhất sáng sủa và dễ hiểu hơn cả…

Tên bệnh nhân: Rơm

Tuổi : Không xác định trong khoảng Chó – Lợn – Chuột

Quê quán: Bến đò Cựa Gà

Sinh quán: Thành phố Không Mùa

Tạm trú: Vườn Tỏi, sau đó nhập trại Quá Cảnh, ngoài lúc điều trị trong trại, liên tục chuyển nhà trọ.

Từ Ngõ Vong… (ối giời ôi, đọc đến đây giật mình thon thót: Thôi chết rồi, Thúy Kiều lạy Đạm Tiên)…, đến Đàn Xã Tắc, rồi phường Đạo Sắp Thành…, tót ra bờ sông Vành Tai, Vườn Tre Gai, khu đô thị Xa Ngái, thành Rốn Rồng, Lạc Quốc

Nghề nghiệp: Không xác định

Tình trạng tài chính: Vặt mũi đút miệng

Ngày nhập trại lần đầu: 00 Giờ, ngày 00, tháng 00  năm  0000

Ngày xuất trại lần đầu: (bỏ trống)

Ngày nhập trại lần 2, 3, 4: Quá nhiều và liên tục

Ngày xuất trại lần 2, 3, 4: Tương tự

Ngày xuất trại lần cuối: (bỏ trống)

Chẩn đoán: Chứng thối rữa linh hồn

Tiên lượng: Rất xấu…

Đọc thêm vài chục trang, láng máng hình dung. Rõ ràng Rơm được điều trị trong trại Quá Cảnh rất nhiều đợt. Mỗi đợt có thể dài ngắn khác nhau nhưng toàn bộ bản thảo này được Rơm thực hiện khi nằm trong trại. Y đã biến trại điên thành trại sáng tác của mình.

Sau mỗi đợt điều trị ở trại, Rơm càng hiểu thấm thía những điều nhà thơ Mũ Sắt đã cảnh báo. Và rằng: Mục đích tối hậu của trại Quá Cảnh được những người lập ra nó giữ bí mật tuyệt đối, dưới cái vỏ một cơ sở y tế trá hình, đây là một tổ hợp nhằm đào tạo một lũ hề nguy hiểm – những kẻ phao tin về một cảnh giới mà ở đấy, con người đang yêu và được yêu. Tự hỏi, tất cả chúng ta đang trở thành Người Rơm thì yêu nổi cái gì và được cái gì yêu?

A, ha, ta phải viết lời báo tử cho cái kiếp Người Rơm khủng khiếp này…

Theo Rơm mô tả. Mỗi ngày trại cuồng Quá Cảnh đón thêm hàng trăm bệnh nhân. Và cũng tiễn xấp xỉ ngần ấy người, hoặc ra nghĩa địa hoặc chuyển về các lò thiêu xác rồi sau đó, bình tro được đưa lên chùa Địa Ngục. Rất hiếm thấy ai ra khỏi đấy với tình trạng khả quan dù phòng y vụ đã ghi quả quyết vào giấy xuất viện của các bệnh nhân: Đã bình phục hoàn toàn!

Ngày qua ngày, người cũ đi, người mới đến, đống hồ sơ bệnh án chất đầy hết tủ này sang tủ khác, phó mặc cho bụi bặm thời gian vùi lấp và lũ mối mọt hoạt động không biết mệt. Nhờ vậy, hàng quý, ban quản lý trại có thêm chút thu nhập khi kiểm kê cả núi hồ sơ lưu, bán hàng tạ giấy lộn cho mấy chị đồng nát…

Cảm giác tò mò dần dà lấn át nỗi sợ hãi, hoang mang khi dấn sâu vào thế giới nội tâm của Rơm. Đọc đến đoạn này thì rùng mình, toát hết cả mồ hôi.

Thật sự hoảng. Giời ạ, đã thuê đúng cái nhà trọ ma trong ngõ Vong lại định mang loại bản thảo rớm máu thế này đi chùi đít, mà chưa bị vật hộc máu mồm là phúc đấy. Nghĩ ngay. Tốt nhất là cho mớ bản thảo gớm ghiếc này một mồi lửa. Dây vào làm gì cái thứ giấy viết mà khi bị xé nghe có tiếng rít và tiết ra cả máu. Văn tự ma…

Nhưng có một ma lực nào đấy ngăn cản thiêu hủy chúng. Lại cặm cụi đọc tiếp. Càng đọc càng bị hút vào. Cũng chẳng vì thế mà dễ dàng hiểu được chuyện gì đã xảy ra với Rơm. Càng đọc càng mù mịt. Rõ ràng lúc đầu Rơm chỉ muốn phác thảo một cái gì đó chứ không có ý định viết lời báo tử. Không ngờ sự việc đã lôi Rơm đi tuồn tuột. Mỗi lúc ngập ngụa thêm không khí giối giăng của kẻ biết cuộc sống của mình sắp kết thúc.

Suy đoán mãi cũng mò được một vài manh mối nhỏ nhoi, bỗng nảy ra ý định cho nhiều người khác đọc. Biết đâu lời báo tử của Nguyễn Văn Rơm sẽ hữu ích cho ai đó trót có chút gì gần gũi với con bệnh về thân phận, tính cách và số mệnh. Đặc biệt cho những ai nhập bọn cùng Rơm trong đám những tên hề nguy hiểm…

Đáng kể hơn, nếu coi đây là một tác phẩm, thì tác phẩm ấy dường như của một CẶP TÁC GIẢ – Rơm và một người phụ nữ mà Rơm gọi là “nàng”, “người bố thí”, “đàn việt”, “kẻ hớp hồn”, “nàng tiên cá” hay “con bé”… Và cũng chính nàng đã từng gọi Rơm là Rơm, Tò He, Zombi, thuyền trưởng, kẻ yêu độc tài, quốc vương, hay thằng bé… Bởi ngoài những chi tiết cụ thể, chất liệu của mỗi người,  những đoạn văn, lời thoại, email và những lời độc thoại nội tâm do chính họ viết, cấu trúc, cảm hứng, thi pháp cuả tác phẩm sẽ hoàn toàn bị xô lệch, điên đảo nếu cắt đứt họ khỏi nhau từ mỗi ý tứ, ẩn dụ, kể cả từ những tiêu đề nhỏ… Có lẽ chính sự kết hợp của “hai mảnh vỡ song sinh” – CẶP TÁC GIẢ này đã làm cho mọi việc vốn hỗn độn trở nên có thể hiểu, cảm nhận và chia sẻ được…, với những người bên ngoài? Tóm lại đó là một CẶP TÁC GIẢ hoàn hảo, quan trọng không ít hơn nhau trong cái gọi là “thành công” hay “thất bại” của mớ Hỗn Độn – đứa con đẻ đích thị của chính họ! 

Vả lại muốn công bố thì cũng không thể để nguyên mớ hỗn độn của Rơm. Ít nhất cũng phải sắp xếp lại vài chỗ, thỉnh thoảng thêm vài dòng chú thích hoặc bình luận. Còn trong nguyên bản, Rơm viết liền tù tì, chẳng thèm xuống dòng chứ đừng nói là phân ra từng đoạn mạch lạc.

Mạn phép nhá (Rơm sống khôn thác thiêng thì đừng bóp lè lưỡi ta vì sự can thiệp cả gan này), giật tít cho vài đoạn chứa đựng những thông điệp tối tăm. Họa có thế may ra thiên hạ mới hiểu lờ mờ cái thứ văn chương của một con bệnh tâm thần, một trong những kẻ phao tin, viết không cốt để xuất bản. Bằng ấy thứ nguyên cớ đã khiến cho cái mớ này có gì đó na ná một dạng tiểu thuyết…

Có điều rất kỳ quái, Rơm viết lời báo tử nhưng toàn tự xưng tên, gọi mình là Rơm. Cứ như thể Rơm đang viết hộ người khác? Hai đoạn sau đây là một ví dụ điển hình.

Chậm và chắc. Rơm tiến từng bước một về cái nơi mà khi sinh ra y không ngờ sẽ thành điểm hẹn hò cho tất cả chúng sinh.

Chiến cuộc kết thúc, từ giã đời lính, y quay về thành Rốn Rồng, lấy vợ. Thoạt đầu, vợ chồng y dựng một túp lều ở Vườn Tỏi. Rồi cái tổ ấm con con của Rơm tan hoang, y thành kẻ độc thân bất đắc dĩ. Y mò đến ở trọ cùng những người làm giấy, tại xóm Chỉ Tác Hạng. Hai  năm  sau, chủ trọ đòi lại nhà, Rơm đến trú ngụ tại Ngõ Vong. Cũng chưa yên, cuộc sống tạm bợ lại xô đẩy Rơm dạt đến chân một con đê – nguyên là dấu tích của Đàn Xã Tắc hơn một nghìn năm  trước của thành Rốn Rồng. Rơm tưởng đấy sẽ là nơi y tá túc cho đến lúc hai  năm  mươi.

Nhầm.

Rơm lại tong tả đến trọ bên bờ con sông Thối, trong cái hẻm thuộc phường Đạo Sắp Thành…

Rơm giật mình thon thót khi phát hiện ra chỗ ẩn nấp mới của mình chỉ cách Trung Tâm Thẩm Vấn Tư Cách Người chưa đến hai dặm ta. Nhưng đấy chưa phải là điều đáng kể nhất trong cuộc phiêu lưu nham nhở của Rơm. Đứng từ nhà trọ mới Rơm có thể nhìn thấy khói vờn lên mỗi chiều lặng gió từ một cái tháp bê-tông cao hơn mười lăm mét, giống hệt ống khói của một xí nghiệp luyện thép kiểu cũ nào đấy… Nhưng thứ khói này lại khét lẹt mùi xương thịt con người.

Đó là Đài Hóa Thân.

Điểm qua hành trình trôi dạt tất tả của Rơm, người ta không khỏi chạnh lòng nghĩ đến số kiếp long đong của một con vật vờ.

Vườn Tỏi – Xóm Chỉ Tác Hạng – Ngõ Vong – Đàn Xã Tắc – Sông Thối – Phường Đạo Sắp Thành – Trung Tâm Thẩm Vấn Tư Cách Người – Đài Hóa Thân…

Nhưng té ra Đài Hóa Thân chưa phải chặng quá giang cuối cùng của Rơm. Y còn phải lê lết ra bờ sông Vành Tai, chìm đắm trong mơ mộng giữa những bụi tre gai… Và hiện thời, y sống treo lơ lửng giữa trời khi thuê trọ trên tầng hai mươi bẩy một tòa cao ốc ở đô thị Xa Ngái…

Chỉ cần đọc các địa danh theo thứ tự trên, Rơm đã chắc mẩm, mình không hề lạc đường! Công việc còn lại của Rơm khá đơn giản. Chép lại những ký ức và kinh nghiệm của một Người Rơm. Và chờ…

 

Bãi  tha ma Phi Tưởng Xứ

 

Đà điểu rúc đầu vào cát. Rơm rúc đầu vào nỗi ám ảnh cái chết. Gặp bất cứ khó khăn, bất yên nào, đối phó chán chê mê mỏi không xong, Rơm chặc lưỡi: Chết là cùng chứ gì!

Rơm đã biến nỗi ám ảnh ghê rợn này thành một trò dậm dọa lảm nhảm kéo dài mà hóa ra lại được việc. Ấy là Rơm tưởng vậy. Thật ra Rơm không biết (hoặc biết nhưng cứ đâm bừa vào), phương pháp chạy trốn này cực kỳ nguy hiểm. Nó gậm nhấm, ăn mòn lòng ham sống và khả năng hoạt động của Rơm. Nó làm con người Rơm mủn ra và sủi bọt như khi người ta vắt chanh vào bát mắm tôm và khuấy lên…

Rơm thích thú vừa trẻ con vừa bệnh hoạn với trò mèo vờn chuột. Không có mèo chuột nào ở đây cả. Chỉ có Rơm đang vờn nỗi ám ảnh cái chết. Hay ho cái quái gì khi Rơm bị dìm vào những cơn ác mộng do chính Rơm cố ý tạo ra đe dọa mạng sống của mình… Cái gì Rơm viết, vẽ vời hay nói năng cũng đều nhuốm mùi tử khí. Thậm tệ hơn, Rơm còn chạy chọt để một nhóm làm phim cả tin, vác máy quay kỳ khu đến tận nhà Rơm ghi hình. Nghe đâu lũ ngốc ấy còn định dựng cả một thiên phóng sự về Rơm với cái tiêu đề nghe như lời rao của nhà đám:

Rơm chỉ còn 5 phút !

Đó chỉ là tên gọi một trong những chân dung tự hoạ của Rơm. Ối giời ôi, đám nhãi này hí hửng tưởng là chúng đã khám phá ra một nhân vật cực hay để làm phim chân dung “sự hoảng loạn văn hóa” với âm mưu giật giải thưởng trong một cuộc thi phim truyền hình trước Tết ta…

Chúng nhao đến, lôi cả mớ tranh ấm ớ của Rơm đặt giữa đường.

Bên kia là quán bia hơi Khùng Cò Lả…

Mà chúng cũng không buồn tìm hiểu xem cái danh xưng “Rơm” xuất hiện từ lúc nào, do ai và vì sao? Rơm cũng chả bao giờ băn khoăn là vì cơn cớ nào, y lại có cái tên này? Y chỉ thật sự để ý khi lần đầu tiên nghe nàng bảo. Nàng cũng là một Rơm. Lúc đầu Rơm tưởng nàng nói đùa. Sau gặng mãi, nàng vẫn khăng khăng. Em – Rơm. Anh – Rơm. Chúng ta – Rơm. Rơm ớ người, cố tra mọi thứ tự điển. Chả thấy ở đâu nói đến người Rơm. Rơm đành tra trên mạng. A, hóa ra có thời thiên hạ gọi những đồng bào của Rơm vất vưởng bên góc trời viễn xứ giữa cái thời đảo thiên nghịch địa là “bọn đầu đen”, rồi ở đâu đó, họ lại thay cái danh xưng ấy bằng “bọn xù”…

Trong cả mớ hỗn danh quái gở ấy, thì tên Rơm đáng sợ nhất, nó chứa đựng số kiếp không riêng của nàng, mà của hàng triệu người trên cái đất nước khốn khổ này. Rơm rạ. Trôi dạt, nhẹ bẫng cọng rơm rác. Bị bỏ rơi. Bị khinh miệt. Bị giày xéo. Tị nạn. Bị lưu đày, tự giác hoặc bất đắc dĩ. Và có lẽ, đúng nhất Rơm dễ bị cháy…

Còn y là Rơm ngay từ trong bụng mẹ…

 

Thiên hạ chả hiểu ra làm sao, cứ ngỡ là một lũ điên sổng chuồng hoặc ít ra cũng muốn gây sự với những kẻ tâm thần khác đang nốc bia hũ chìm hũ nổi bên kia đường. Mấy cái camera quay túi bụi, dòng xe cộ lao vùn vụt sau lưng những bức tranh to uỵch, nhắng nhít của Rơm. Còn Rơm đứng ngây giữa đường.

Rơm ngắc ngư…

Trăm họ qua lại còn lo giải quyết hậu quả của trận lũ lịch sử, biến Rốn Rồng thành cái rốn dịch tả, hơi đâu bình phẩm. Dù trước đó, Rơm đã dặn các đại nghệ sĩ mặt búng ra sữa: Nếu thiên hạ văng tục thì càng tuyệt, cứ ghi hình và ghi tiếng thật đàng hoàng. Đó là bằng chứng cho thấy người Rơm chỉ còn  năm  phút  vẫn dư khả năng gây ấn tượng.

Khổ chưa, chả ma nào thèm văng tục với Rơm!

Rơm hồi hộp chờ đợi, mãi chả thấy gì. Rơm nghĩ thầm. Khốn nạn, mình phải chết thật thì mới có đứa rỗi hơi chịu chửi mình!

Mãi sau có một gã thanh tra công chính, đi trên một chiếc xe đen sì, dừng lại bên vỉa hè, tay vung cái gậy sơn trắng, Rơm mừng quá. A, cuối cùng cũng phải có kẻ đến chứ?

Ngay lập tức Rơm tẽn tò. Gã thanh tra cóc để mắt đến Rơm lẫn mớ tranh vật vã. Gã hung hăng chỉ cây gậy vào mấy con mẹ bán hàng rong, rít lên:

– Nộp phạt!

Đến nước này Rơm bị xúc phạm quá thể. Rơm lao đến. A, nó không thèm chấp mớ tranh và sự hiện hữu của ta đây, thì ta phải trở thành kẻ bênh vực chị em bán rong.

Rơm mặt đỏ tía tai, phẫn nộ thật sự:

–     Này, ông kia, mẹ ông có dạy ông đi đập nồi cơm của hàng xóm không?

Gã thanh tra không buồn quay lại, chỉ hất hàm bảo đám bán rong:

– Nộp, phạt thêm mười lăm nghìn!

Đám này không những không biết ơn tinh thần trượng nghĩa của Rơm mà quay ra oán hận Rơm. Vì Rơm họ mất thêm mười lăm nghìn!

Đóng vai anh hùng mã thượng thất bại, Rơm sắm trò một kẻ phao tin.

– Sắp tận thế!

Cái tin Rơm vừa phao chẳng mảy may khiến ai chú ý. Rơm tuyệt vọng:

– Ta phải chết thật thôi!

Nghĩ sao làm vậy, Rơm quay ngoắt 360độ, bảo lũ trẻ:

– Kịch bản cũ phá sản!

Chẳng còn 5  phút  nào cả, ta phải xuống ngay thành phố Váng Dầu gặp Anh Hề trong bãi tha ma Phi Tưởng Xứ.

Cả lũ đùng đùng phóng xe, kéo xuống Váng Dầu trong buổi chiều tàn úa. Lúc xe sắp sửa leo lên chiếc cầu han rỉ, ánh trăng non treo lơ lửng trên đầu cái dàn sắt xương xẩu. Nhãi đạo diễn bắt Rơm tụt xuống xe, lững thững đi men thành cầu, mắt nhướng lên nhìn mảnh trăng non. Rơm ngoan ngoãn diễn xuất. Bỗng một tán cây khô khốc nhô lên, chọc ngang lưỡi trăng mỏng mảnh.

Rơm rùng mình: Sao ta lại chết?

Nhưng đã quá muộn, từ một phương pháp giúp Rơm chạy trốn thực tại, nỗi ám ảnh cái chết đã ngấm vào sinh mệnh Rơm. Rơm như nhìn thấy cô gái hẹn hò với Rơm hơn bốn mươi  năm  trước bên thềm nhà hát lớn Váng Dầu.

Cũng hẹn hò dưới ánh trăng thế này, cái ánh trăng le lói trên đầu Rơm…

Khi ấy, Rơm làm thủy thủ trên một con tàu biển tại hải cảng Váng Dầu. Một ngày kia, Rơm xin nghỉ phép, lên bờ lo chuẩn bị bàn ghế, trang trí cho đám cưới của anh họ Rơm. Nơi làm đám cưới là một lớp học bỏ hoang vì thầy trò đi sơ tán để chạy trốn những cuộc ném bom liên tu bất tận của không lực Tân Thế Giới. Cùng cả bọn trẻ chuẩn bị đám cưới còn có một cô gái xinh xắn, da ngăm ngăm. Nàng làm nghề thợ hàn, xí nghiệp của nàng sơ tán bên kia sông Váng Dầu. Ngay lập tức Rơm không thể rời mắt khỏi bộ ngực vun đầy sau lớp áo sơ mi màu cứt ngựa tự nàng may cắt. Nàng cũng thích Rơm. Dọn cưới xong trước giờ Ngọ mà đến tối mới diễn ra đám cưới. Nàng phải quay về xí nghiệp làm ca chiều. Rơm hẹn nàng giá nào cũng quay lại gặp nhau. Nàng bảo, kỷ luật xí nghiệp nghiêm lắm, không bỏ ca được.

Rơm khăng khăng:

– Mặc kệ xí nghiệp, anh muốn gặp em tối nay. Giá nào em cũng phải về đây với anh.

Nàng sung sướng nghe Rơm nói, ngoan ngoãn gật đầu…

Tối ấy, Rơm đứng thơ thẩn trong hành lang nhà hát lớn thành phố đợi nàng. Mãi không thấy nàng, Rơm hết bực bội lại sốt ruột. Hết kiên nhẫn, đi khỏi chỗ hẹn, đến thẳng đám cưới.

Còn nàng lại đạp xe quay về thành phố. Đúng lúc nàng dắt xe xuống một cái phà, một chiếc phản lực cơ tối tân từ bên kia đại dương bay sang, cắt bom, đánh trúng chuyến phà ấy…

Trời ơi, giá đêm ấy nàng không ngoan ngoãn vâng lời Rơm bỏ ca chiều quay về thành phố thì nàng đâu có nhận lãnh cái kết cục thảm khốc như vậy. Nàng chết khi còn là gái trinh. Nàng thành bà cô. Và hồn nàng hóa thành Nhện Mù…

Chính Rơm đã giết nàng! Mảnh trăng đêm ấy trở thành vuông vải trắng nhợt chít lên bầu trời, để tang nàng…

Nàng đã hóa thành loài Nhện Mù bâm sâu trong xương tủy, máu huyết Rơm. Trong khi hầu hết các loài nhện tám chân đều có từ sáu đến tám mắt và có khả năng tiêm nọc độc khi cắn – để tự vệ hoặc giết mồi, thì nàng Nhện này lại mù lòa vì phải nấp trong bóng tối u minh và luôn tiết ra chất gây ảo giác lên thần trí của Rơm.

Đấy là cuộc hẹn hò đầu tiên của Rơm trong đời. Cuộc hò hẹn dẫn đến cái chết.

Con đường Rơm đang đi lặp lại cuộc hẹn hò ấy. Xe xuống tới Váng Dầu đã gần 9 giờ tối. Rơm ngồi phịch xuống bậc thềm nhà hát, mắt mở to, môi mím chặt, giữ rịt đốm lửa thuốc lập lòe.

Và Nhện Mù hiện về…

Đã lâu lắm rồi Rơm không đánh bạc. Đêm ấy, Rơm sát phạt đến sáng bảnh mắt. Nàng ngồi chồm chỗm sau lưng Rơm ngầm mách nước. Rơm thắng to. Nghe rõ tiếng nàng cười khúc khích: Anh vẫn thế, em vẫn thế…

Giọng nàng hớn hở tuy hơi khàn khàn. Nàng vốn là thợ hàn, quen nói năng giữa những âm thanh loảng xoảng của sắt thép. Nàng khẽ thò tay cù nách Rơm thì thầm: Sáng sớm mai anh sang Phi Tưởng Xứ, cúng Anh Hề, nhớ thắp hương cả cho em nhé!

Cả đến khi trở thành một bóng ma, Nhện Mù cũng rụt rè mỗi lần ước muốn cái gì đó cho riêng mình…

Cứ thế, Rơm đã đánh mất điều tối hệ trọng trong cuộc sống.

Nhịp thời gian.

Đánh mất nhịp thời gian, Rơm đánh mất luôn những nhận thức sơ đẳng nhất về mình. Rơm là ai, sinh ra ở đâu, thời nào, trình tự diễn tiến cuộc đời Rơm ra làm sao, chuyện gì xảy ra trước, chuyện gì xảy ra sau, chi tiết đời tư của Rơm cái nào quan trọng, cái nào vớ vẩn, cái nào phải nhớ, cái nào càng quên càng tốt, cái nào thật, cái nào huyễn hoặc, cái nào là con đẻ của lý trí, cái nào thuộc cõi mù mịt, cái nào là sản phẩm của sự trải nghiệm trực tiếp, cái nào do đức tin đẻ ra hay bị nhồi sọ…

Rơm tuyệt đối không phân biệt được. Rơm giống kẻ lạc vào rừng rậm giữa một đêm không trăng sao, không có địa bàn và không có kinh nghiệm sờ tay vào những đám rêu ẩm ướt bám dưới những gốc cây cổ thụ để đoán biết phương hướng. Bốn phương Giời mười phương Phật mù mù mịt mịt, Rơm cứ chui luồn qua những bụi rậm, dây leo, bờ suối với hy vọng mong manh là sẽ tìm được cửa rừng…

Đánh mất nhịp thời gian, nhưng phải đợi đến lúc nhà thơ Mũ Sắt viết “Hỏa thiêu cho một người đang sống”, Rơm mới thật sự tin rằng mình đã nhuốm bệnh…

Trong bóng tối bùa mê, Rơm tự làm ma

Thiêu cái bóng mình giữa thanh thiên bạch nhật

Thân xác ngỡ còn mà mất

Đã cháy rồi những ngày tháng bơ vơ

Chàng thủy thủ không tàu, không bến

Túi không tiền, đầu không ý nghĩ

Ngủ lang với một sợi tóc rụng đàn bà

Đã cháy rồi những hào quang huyễn hoặc

Những năm tháng làm vua không có triều đình

Đã cháy rồi những vướng bận linh tinh

Những xuẩn ngốc, tham lam cùng dối trá

Những thân thể lưu manh mặc áo trịnh trọng

Những phản bội ngọt ngào đòi được mang ơn

Đã cháy rồi những trống rỗng đầy ắp

Với rượu với bia trăm thứ bà rằn

Những cô đơn ồn ào không chỗ nấp

Những con đường nhựa bị rải đinh 5 phân

Đã cháy rồi cả những thành công đích thực

Những ân nghĩa của dân và của đời

Thành công nào cũng chỉ là quá khứ thôi

Rơm thiêu cái bóng và gia tài của mình

Cháy tàn cháy rụi

Từ đám tang Rơm, tôi quay trở lại

Thấy một trái tim không cháy

Những trang giấy không cháy

Và những giọt nước mắt đàn bà

Xá lị giữa tàn tro…

Lúc mới nhận món quà này, Rơm chỉ cảm thấy có điềm gở. Thỉnh thoảng cao hứng, Rơm còn đọc khoe với mọi người. A, ông Mũ Sắt tế sống tôi đấy.

Rồi Rơm quên bẵng luôn. Cho đến ngày gặp nhau trong một đám tang, Mũ Sắt thì thào bảo Rơm:

– Bị rồi…

Rơm hoảng hốt, giọng Mũ Sắt vốn sang sảng (chả thế Mũ Sắt được thuê dẫn chương trình cho một show truyền hình khá nhạt nhẽo, thù lao bèo bọt chẳng đủ giúp nhà thơ cầm cự qua ngày giữa lúc gạo châu củi quế), bây giờ hụt hơi, lưỡi rụt lại. Dẫn nhau ra quán bia hơi vỉa hè ngay lúc đám tang chưa kết thúc, Rơm hỏi:

– Chuyện gì vậy?

Mũ Sắt ra hiệu. Rơm cuống quýt kiếm cho nhà thơ một chiếc bút bi và một mẩu giấy để bút đàm. Rơm càng hãi. Mũ Sắt viết vào mảnh bìa cứng xé ra từ vỏ bao thuốc lá cô chủ quán vừa cho:

– Căng-xe phổi, di căn lên não rồi, không ngờ mình làm thơ tế sống cậu mà mình lại đi trước cậu. Nghe đây, đừng viết dài dòng, lằng nhằng nữa, hãy hỏa thiêu những ảo tưởng và sự phù phiếm. Chính những thứ ấy sẽ mưng mủ và giết chết cậu dần mòn trong thối rữa…

Ngay đêm ấy người nhà Mũ Sắt phải đưa thi sĩ đi cấp cứu.

Chín mươi ngày sau, Mũ Sắt chết trên tay Rơm lúc 9 giờ kém 11 phút  cái buổi sáng âm u cuối  năm. Rơm và hai đứa con Mũ Sắt đặt cái xác cứng đờ của nhà thơ xuống sàn bệnh phòng để tiếp đất.

Rơm thì thầm:

– Thôi, ông đi trước nhé, đợi tôi…

 

Linh hồn thối rữa

 

Trong lúc chờ giỗ một trăm ngày nhà thơ, thỉnh thoảng Rơm lại mơ thấy Mũ Sắt hiện về nhà trọ của Rơm.

Lúc thì Mũ Sắt đứng ngay bên khuôn cửa sổ đọc oang oang những vần thơ hào hùng thi sĩ viết vào những  năm  binh lửa khủng khiếp nhất. Rơm hoảng hốt, chỉ sợ hàng xóm giật mình mất ngủ vì cuộc trình diễn thơ miễn phí của bóng ma…

Có lần Mũ Sắt còn choàng hai cánh tay xương xẩu, ghì chặt lấy Rơm.

Rơm hoảng quá cố đẩy ra. Mũ Sắt càng ghé sát bộ mặt nham nhở, lầy nhầy của mình vào mặt Rơm. Rơm vốn rất sợ những cử chỉ biểu lộ tình cảm, vuốt ve kiểu này giữa những gã đàn ông với nhau, vội lùi lại:

– Thôi đi, tôi lậy ông, bỏ tôi ra…

Khủng khiếp nhất là những đêm Mũ Sắt hiện hình với mùi xác chết đang trong thời kỳ phân hủy. Rơm hét lên:

– Trời ơi, ông đang thối rữa, về đây làm gì?

Vong Mũ Sắt cười cười:

– Thối đâu mà thối…

Rơm bịt mũi. Hôi thối nồng nặc không thể tưởng tượng được. Rơm ngạt thở. Rơm van nài:

– Đi, đi, tôi lậy ông, thối quá…

Mũ Sắt thôi cười, nghiêm giọng:

– Nói thật nhá, chính cậu thối chứ không phải mình thối. Mình sẽ biến ngay trước khi mặt trời mọc, cậu sẽ ngửi thấy chính mùi hôi thối của linh hồn cậu!

Quả nhiên lúc gà gáy, Mũ Sắt bỏ đi, mùi hôi thối không loãng bớt mà đậm đặc hơn.

A, Mũ Sắt nói đúng, linh hồn Rơm đang thối rữa…

Không chỉ có vậy, Vong Mũ Sắt còn để lại những dòng chữ lập lòe hiển thị trên giao diện máy tính.

Thiên sứ là những kẻ phao tin Thượng Đế là có thật!

Truyền giáo là những kẻ phao tin: Sau thiên đường là thiên đường và sau địa ngục là vô lượng kiếp luân hồi!

Triết gia là những kẻ phao tin: Thế giới này là một cái xác chết đang ở trong tình trạng đại phân hủy!

Lũ hề nguy hiểm là những kẻ phao tin: Con người đang yêu và được yêu…

Người Rơm là tất cả những ai bị xóa bỏ hay tự xóa bỏ, toàn bộ nhân thân, gốc rễ, ký ức, tương lai…, của mình, bị xua đuổi hoặc trốn chạy, rơi vào tình trạng vô thừa nhận không riêng trên những miền đất hứa mà ngay tại nơi mình chôn nhau cắt rốn. Tóm lại, Người Rơm là biến thái cuối cùng của kiếp Người trước khi quay về chính nơi y được một Đấng nào đó gửi đến đây với những ý đồ rất khó đoán định, hoặc là để chứng tỏ ta đây thừa mứa quyền năng, hoặc là để thực hiện các kế hoạch siêu việt, hoặc chỉ đơn giản do ngẫu hứng và thói ưa nhiễu sự của Kẻ Rách Việc Vĩ Đại…

N.K.P.

(Xem tiếp kỳ sau)

NKP

                           Nhà văn Nguyễn Khắc Phục tại nhà, tháng 11/2015 (ngồi giữa nhà văn Châu Diên và nhà thơ Hoàng Hưng)
 

 

Comments are closed.