Hồn gỗ

Truyện Bùi Mai Hạnh

Bà ấy say rượu? Hoặc tâm thần?

Tôi nghe giọng bà sa sả từ xa như đang cãi nhau trước khi thấy bà trong bộ áo váy đen đúa bẩn thỉu. Bà thổ dân Úc môi dày, trán dô, mũi gãy nước da đen bóng. Trên khoang tàu Melbourne – Warrnambool mỗi mình bà đen lạc loài giữa đám hành khách mê mải cắm cúi đọc.

Đọc iPhone. Đọc iPpad. Đọc máy tính. Đọc sách. Đọc báo…

Đọc, nhiều khi là để tránh nhìn vào khuôn mặt cánh tủ khép kín vô cảm của người đối diện. Đọc, để người bên cạnh yên tâm sẽ không bị làm phiền và, quan trọng hơn, không bị ai làm phiền. Đọc, vì tàu xe một mình có gì giết thời gian nhanh hơn cách nghiền bất cứ thứ gì có chữ.

Hành khách trên tàu đa số một mình…

Ai cũng yên vị lặng lẽ, chỉ bà ấy di chuyển náo động.

Bà đi dọc khoang tàu. Đi lên rồi lại đi xuống. Hai bầu vú vĩ đại lắc lư theo giọng nói róng riết trầm bổng. Bà nói tiếng thổ dân? Không phải! Bà nói tiếng Anh? Cũng không phải bà nói tiếng Anh! Bà chửi. Bà chửi bằng thứ tiếng pha trộn nửa Anh nửa thổ. Bà chửi say sưa theo nhịp hông lắc. Bà chửi ai? Có ai ở đây ngoài đám hành khách đang say sưa đọc báo trên tàu! Đích danh “Đéo mẹ lũ da trắng kẻ cướp chúng mày” thì còn ai vào đây nữa! Nhưng dường như chẳng ai nghe được lời bà.Những mái đầu tóc vàng tóc nâu tóc trắng úp vào xanh đỏ chằng chịt quảng cáo và hôi hổi tin tức…

Hôi hổi tin tức trên báo phát miễn phí xanh đỏ quảng cáo hút những mái đầu thấp xuống nên chẳng ai ra lời? Đã thế, bà Úc da đen lừ lữ tiến gần từng người một, dí sát khuôn mặt to bè vào tờ báo. Vẫn không ai buồn ngẩng lên. Người đàn ông trung niên đối diện tôi chỉ hơi nghiêng người vô cùng lịch lãm né luồng hơi rượu nồng nặc. Tôi đã bỏ tờ báo xuống từ lâu chỉ để dõi theo bà thổ da đen. Bà không dừng lại chỗ tôi!!!

Vì tôi không có tờ báo che khuất khuôn mặt?

Vì tôi không có nước da màu trắng?

Bỗng ánh mắt bà dừng lại, dịu xuống trong khoảnh khắc chạm ánh mắt tôi tò mò kinh ngạc.

Dù bà ấy say rượu hay tâm thần, dù bà ấy không say không man mát điên điên, dù thế nào đi nữa, chẳng ai trên tàu muốn ra lời. Không ai muốn bị rắc rối! Nhất là rắc rối với một người Úc da đen. Khá nhiều ánh mắt ngài ngại vuốt theo người đàn bà. Không ít hành khách liếc nhanh ra khỏi tờ báo ném vào bà cái nhìn khinh bỉ. Vài người ngẩng lên nhún vai lắc đầu thờ ơ cúi xuống. Họ đã quá quen với bi hài kịch này? Họ quá lịch sự, quá hiểu biết? Và không phải là không chút mặc cảm sợ hãi nào. Mọi đe dọa, ngăn cản, giải thích hay bùa phép gì đi nữa cũng vô ích, thậm chí bị mang vạ. Kệ cho bà chửi, cho bà nói. Lúc gay gắt xối xả, lúc nỉ non lầm bầm. Đang dịu dàng thì thầm như nói với chính mình, như trò chuyện với người vô hình bằng thổ ngữ, bất ngờ, bà tru tréo lên một thứ tiếng Anh man man líu ríu.

Sau một tràng dài, bà luống cuống rút từ túi khoác vai ra một cái chai đưa lên tu. Bà khát nước hay khát rượu? Uống xong, thêm hưng phấn, bà thổ bắt đầu nhảy. Điệu nhảy chỉ dùng trong những buổi hành lễ, sao bà lại nhảy ở đây?

Tấm thân đồ sộ hừng hực rung chuyển.

Con thú đang cố lột xác.

Ngọn lửa đang cố tỏa ra những vảy sáng cuối.

Và cánh tay chới với, chới với vươn lên muốn chạm vào muốn nắm bắt một thứ gì đó vô hình trên cao…

Và đôi môi ngân tuôn, ngân tuôn thầm thĩ những dòng âm thanh tha thiết khẩn cầu nài xin dằn dỗi trách cứ…

Giọng bà rướn theo thân hình cố lao về phía trước. Rồi đột ngột rũ xuống. Có vẻ như bà đã thỏa mãn. Gương mặt bà thoắt trở nên tĩnh lặng như chưa hề nổi cơn phong ba. Nhìn kỹ, bà có cặp mắt thật đẹp, thật buồn. Hệt cặp mắt nàng Truganini, nữ hoàng cuối cùng của bộ lạc người dân tộc đảo Bruny đã bị tuyệt chủng ở bang Tasmania miền Nam Úc.

Cặp mắt ấy không hề say.

Cặp mắt ấy không hề điên.

Chỉ đau…

Đau đáu như cặp mắt của người mẹ da đen chiều chiều ra hàng rào ngóng đứa con gái nhỏ trốn thoát khỏi “nhà trường của người da trắng”, đi bộ 1500 cây số về với mẹ trong phim “Rabbit – Proof – Fence”. Bộ phim dựng lại âm mưu đồng hóa của thực dân Anh trong kế hoạch cướp trẻ con lai khỏi tay những bà mẹ da đen nhiều chục năm liền thế kỷ trước.

Liệu bà thổ dân này có phải là một trong hàng trăm ngàn đứa trẻ thuộc “thế hệ bị đánh cắp” thời đó?

Hình như tôi đã gặp bà trong thị trấn Alice Springs thuộc vùng sa mạc trung tâm Châu Úc? Bà ngồi bán tranh cây nhà lá vườn trên hè phố phởn phơ khách du lịch? Những bức tranh chép lại hình vẽ trên vách ngọn núi Urulu linh thiêng, nơi trải qua hàng chục nghìn năm, tổ tiên bà đã hành hương về, thực hiện những nghi lễ truyền thống. Nhất định tôi đã gặp bà đâu đó ở vùng du lịch nổi tiếng Blue Mountain gần Sydney, đã thấy bà đứng túm tụm cùng với vài bà thổ nữa vừa la lém theo dõi khách du lịch vừa choe chóe quát mấy đứa con đen nhẻm lê la gần đấy. Phải rồi, đúng là tôi đã gặp bà, nữ ca sĩ đùm đề váy áo sặc sỡ ôm ghi ta khàn khàn hát tại lễ hội Tarerer, một lễ hội tưởng nhớ văn hóa của người thổ dân trên toàn nước Úc…

Vài phút nữa là đến ga. Hành khách nhanh nhẹn gấp báo, ngừng đọc, hóng ra cửa sổ… Ngoài ấy là gió tinh khiết là nắng vô ưu ngàn đời. Nắng gió đuổi nhau trên những trang trại nuôi bò, nuôi cừu bao la rộng lớn. Có những con cừu con đang cố gắng chui ra khỏi bụng mẹ. Có những cánh đồng hoa rực vàng vươn lên từ đất đai trù phú. Ánh vàng của nắng của cánh đồng hoa hắt vào trong toa tàu làm rạng ngời gương mặt hành khách. Bây giờ, tất cả đã ngẩng đầu lên. Bây giờ, tất cả đã sẵn sàng xuống tàu.Thoáng chút trắc ẩn trên những gương mặt bình thản trắng hồng no đủ.

Như chỉ chờ có thế, người đàn bà thổ dân tiến ra giữa toa, đầu ngẩng cao, tay vung vảy cái chai, miệng tuôn ra một tràng tiếng Anh rõ ràng trôi chảy:

Này lũ người da trắng kia! Hãy cút ngay khỏi đây. Ta trả rượu lại cho các người. Hãy trả lại đất đai cho ta. Chính ta mới là chủ nhân của mảnh đất này. Cha mẹ ta ở đây. Ông bà ta ở đây. Tổ tiên ta ở đây. Hàng chục nghìn năm đất này nuôi sống tổ tiên dòng giống ta. Người da trắng chúng mày từ đâu đến đây giết ông bà tổ tiên chúng ta. Dòng giống của ta bị tiêu diệt. Đất đai của ta bị cướp. Hãy cút hết đi. Cút hết về đất nước của chúng mày. Trả lại đất đai cho ta...”.

Bà ngừng lời, lôi từ túi ra một mảnh vải khá to nhàu nhĩ. Mảnh vải nửa đỏ nửa đen. Giữa là hình tròn màu vàng. Một lá cờ. Cờ của người Úc da đen. Đỏ là màu của đất. Đen là màu da người thổ dân. Vàng là màu mặt trời. Người thổ dân là hoa của đất. Đất đai sở hữu họ và mặt trời nuôi dưỡng họ. Bà cuốn lá cờ quanh người, thản nhiên nở nụ cười dịu hiền kiêu hãnh. Đất đai mặt trời châu lục trù phú bao bọc lấy bà, dòng máu tổ tiên linh thiêng cuồng phóng chảy dưới làn da đen thẫm… Bà dõng dạc tuyên bố:

Các người nghe đây! Đất nước này đã có chiến tranh. Xứ sở này đang có chiến tranh, một cuộc chiến tranh không tuyên bố của người da trắng đối với người da đen. Người da trắng đến đây mang theo súng đạn, gông cùm, rượu và ma túy để cướp đất đai của tổ tiên người da đen. Không còn đất đai, người da đen còn lại gì? Người da trắng muốn nòi giống da đen tuyệt chủng ư? Không đứa trẻ da đen nào được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này nữa ư? Còn đâu đất đai nuôi sống chúng nữa. Còn đâu những bài ca những điệu nhảy nuôi nấng tâm hồn chúng nữa. Hãy trả lại đất đai cho những chủ nhân thật sự là người da đen. Người da trắng hãy cút đi, cút đi cùng với ma túy, rượu và vũ khí giết người… Cút đi. Cút hết…”.

Những lời lẽ gan ruột mê cuồng của kẻ điên hay người tỉnh…?

Những lời lẽ trào tuôn thác xối của rượu hay nước…?

Tàu dừng hẳn. Các đối tượng bất đắc dĩ phải nghe chửi nhanh chóng xuống tàu. Bà thổ dân bất ngờ lao theo hành khách, gào lên. “Cút hết đi. Cút hết đi lũ da trắng khốn nạn”. Bà ném cái chai về phía đám khách. Tiếng thủy tinh vỡ choang sắc hăng mùi rượu lẫn vào tiếng rống khô khốc: “Trả lại đất đai cho tao.Trả lại tổ tiên cho tao. Trả lại đi. Trả lại…”.

Nghẹn ngào, oan ức, tức tưởi…

Bà khóc.

Khoang tàu trống.

Còn lại tôi với bà thổ.

Nức nở…

Nom bà hệt một bé gái ngồi bệt mếu máo mũi dãi dầm dề.

Đứa bé muốn đòi lại miếng bánh mà thằng anh vừa cướp mất. Biết chẳng thể cướp lại được miếng bánh đã bị ăn hết, biết là không đủ sức đánh thằng anh tham lam, nó chỉ có cách giãy lên đành đạch. Nỗi oan ứ đầy. Nó lì lợm đòi lại chính miếng – bánh – của – nó đang nằm trong dạ dày thằng anh! Tiếng khóc của nó làm thằng anh cáu tiết. Nó bị tát mạnh vào má: “Câm mồm!”. Nó ngỡ ngàng, kêu ré lên: “Trả lại đi. Trả lại đi…” nhưng chỉ nhận về những cái tát lia lịa. “Chừa này! Đánh cho chừa cái tội ăn vạ!” …

Người đàn bà ngồi bệt đang tát lia lịa vào má mình.

Bà ấy say rượu?

Bà ấy tâm thần?

***

Tôi đã gặp tổ tiên bà trong bảo tàng mỹ thuật ở thủ đô Australia

Một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt.

Một gốc cây xù xì vươn ngang độc cành.

Trên cành lủng lẳng dãy người bị treo cổ thõng chết

Dưới đất, cạnh gốc cây một người đứng khoanh tay

Người trên cây sơn đen.

Người dưới đất sơn trắng.

Dưới chân Người Trắng, một cái bóng đen đổ dài.

Cái bóng đen mang dáng Người Đen chết treo cổ.

Tất cả được đục đẽo vụng dại.

Tất cả đều là gỗ.

Thế còn tổ tiên của tôi?

Tổ tiên tôi màu gì? 

Có bao nhiêu hơi thở trong tôi bắt nguồn từ phương Bắc, nỗi ghê sợ truyền kiếp của bộ lạc người Việt nhỏ bé ở phương Nam?

Một ngàn năm Bắc thuộc đã không thể làm loãng dòng máu Việt!!!

Muôn ngàn năm phương Bắc không thể làm nhạt đi linh hồn Việt???

Và nước Cộng hòa Úc, sắp ra đời trong tương lai, cần bao nhiêu thời gian để làm nhạt đi màu đen trên thân thể cháu chắt chút chít của người đàn bà thổ dân đơn độc???

Bà ấy không say rượu.

Bà ấy không tâm thần.

Cô là người Hoa à?”. Bà ấy cất lời hỏi.

Không, tôi là Người Việt“. Và tôi trả lời.

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.