Hoàng Ngọc Biên – tác gia không thuộc về số đông

Nguyễn Hữu Hồng Minh

LTS. Hoàng Ngọc Biên (1938 – 2019) là một nghệ sĩ đa tài và độc đáo. Cuộc đời và tác phẩm của ông là những trải nghiệm phong phú ở nhiều lĩnh vực và không gian văn hóa, xã hội khác nhau. Là một trí thức thiên tả trong thời đoạn đất nước còn chiến tranh, ông làm việc trong ngành giáo dục, xuất bản, là giáo sư Pháp văn, là dịch giả, họa sĩ và sáng tác thi ca. Hòa bình lập lại, ông tiếp tục làm báo, sáng tác, dịch thơ. Mấy mươi năm cuối đời định cư ở Mỹ, ông vẫn tiếp tục cống hiến cho văn học. Hoàng Ngọc Biên là một tác gia “không thuộc về số đông” – như nhận xét của nhiều người – nhưng sáng tác của ông, dù là hội họa, truyện, thơ hay những tiểu luận đều khai mở những khuynh hướng tư tưởng, nghệ thuật tiền phong.

1. Ở Sài Gòn đầu thập niên 1990, những ai làm công việc viết lách, xuất bản, có in ấn chút chút đều biết một ê-kíp họa sĩ trình bày khá nổi tiếng như Nhã Bình, Đỗ Trung Quân, Kim Lan, Cao Tuân… và một vài tên tuổi khác. Họ đều là những học trò xuất sắc của họa sĩ Hoàng Ngọc Biên. Nếu tôi không lầm thì với tư cách một họa sĩ ông được biết đến nhiều hơn sau 1975, ít ra là với thế hệ của chúng tôi. Một thời điểm mà văn chương bị soi mói, xét nét đến từng chữ vì sợ sai quan điểm.

Nhớ lại, khi chúng tôi tổ chức bản thảo thi phẩm Bỏ hoa về phố (NXB Trẻ), tập hợp những bài thơ, sáng tác của sinh viên lúc đó, nhóm chủ trương nhờ nhà thơ Đỗ Trung Quân làm bìa. Anh đã vẽ cho tập thơ một chiếc áo khá đẹp. Khi hỏi về việc trình bày sách, anh giới thiệu bọn tôi gặp họa sĩ Nhã Bình.

Một sớm Chủ nhật, một cây bút đàn anh khoa văn khóa trên chở tôi ôm chồng bản thảo đã được nhà xuất bản ký duyệt, lơ ngơ đi tìm nhà anh Bình. Đến nơi đã thấy Hoàng Ngọc Biên ngồi lơ đãng uống trà và cả hai đang cùng xem những bức chân dung mới phác họa. Một trong những bức họa ấn tượng đó sau này tôi bắt gặp nằm trên bìa tập thơ biểu hiện Đông Âu trong bộ Tư liệu thơ do Nhà xuất bản Trình Bầy in từ Mỹ gửi về Sài Gòn mà may mắn tôi được họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông cho xem.

2. Và thật, cho đến trước cuộc gặp gỡ tình cờ đó với Hoàng Ngọc Biên tôi cũng chỉ biết đến ông như một họa sĩ trình bày nổi tiếng. Không kể mảng vẽ minh họa, thiết kế đồ họa, những manchette của tờ báo, tạp chí lớn như Thanh Niên, Cửa Việt và cả Tuổi Trẻ giai đoạn đầu đều do một tay ông thiết kế.

Ông là người khéo tay, tài hoa và có rất nhiều ý tưởng. Thành thử nếu đã cầm trên tay cuốn sách, tạp chí ông thiết kế, dù đó là một tấm ảnh, họa hình hay một bức vẽ chấm phá… người yêu cái đẹp đều bất ngờ, lâng lâng một dư vị cảm xúc rất khó quên.

Cho đến một lần lang thang tiệm sách cũ trên đường Nguyễn Đình Chiểu tôi đã tìm thấy cuốn sách có chiếc bìa ngả màu ố cũ Marcel Proust – Con người và xã hội – một tiểu luận của ông Hoàng Ngọc Biên do Nhà xuất bản Trình Bầy phát hành, 1974.

Nhà văn, dịch giả, họa sĩ Hoàng Ngọc Biên.

Sự đổ vỡ của một thiên đường đã mất qua tác phẩm của Marcel Proust (1) thật khó quên với tôi, bây giờ hiện qua dưới ngòi bút ông khiến cho tôi thấy thật thân quen. Thì ra ông là người chủ trương giới thiệu trào lưu Tiểu thuyết mới vào Sài Gòn trước 1975. Vai trò dẫn đường đó thật chông gai. Quan điểm của Marcel Proust đến nay vẫn rất mới so với tình trạng viết lách nhảy lò cò bắt cóc “hiện thực” ở Việt Nam, khi nhà văn chủ trương tách bỏ thực tại để tạo dựng thế giới của những giấc mơ, huyền ảo: “Mơ tưởng đời mình vẫn hơn là sống thật cuộc đời ấy, cho dù rằng có sống thật đi nữa, thì cũng hãy còn mơ tưởng nó” (1). Tôi biết ngoài mỹ thuật, Hoàng Ngọc Biên là một người ý thức cái mới, sự khác lạ của văn nghệ. Ông không thuộc về số đông.

3. Chính vì muốn theo đuổi cái ý thức mới, mà cũng theo cách biểu hiện của M.Proust là “thực tại đích thực ở nội tâm” như một đường bay lạ và đẹp ấy, tôi đã chủ tâm tìm đọc những trước tác của Hoàng Ngọc Biên. Rồi tôi gặp được cuốn sách quan trọng: thi phẩm Tĩnh vật và những bài thơ khác của Joseph Brodsky do Hoàng Ngọc Biên tuyển chọn và dịch – NXB Thuận Hóa – Huế, 1991.

Cuốn sách độc đáo đến nỗi tôi không thể quên cảm nghĩ lúc đó là làm thơ thật vĩ đại, in thơ thật sang trọng và không có danh vị nào tuyệt vời đẹp đẽ như “nhà thơ”. Hoàng Ngọc Biên không chỉ dịch tập thơ này mà ông còn trình bày, thiết kế.

Thời điểm đó, Joseph Brodsky nhà thơ đoạt giải Nobel (1987) cũng vừa nhận giải thưởng của Thư viện Quốc hội Mỹ. Và hẳn nhiên, để dịch phẩm ấy có mặt ở Sài Gòn lần đầu, thì đâu phải là một sớm một chiều…

Hoàng Ngọc Biên qua nét vẽ của Đỗ Trung Quân.

Tôi thích Joseph Brodsky (1940 – 1996) vì ông là nạn nhân của một thời ý thức hệ đè nặng trong xã hội Liên bang Xô Viết. Thi sĩ từng bị khép vào tội “ăn bám xã hội” và bị đưa đi lưu đày năm năm ở miền Bắc nước Nga.

Bài thơ ông viết tưởng niệm 100 năm ngày sinh Anna Akhmatova (2), Hoàng Ngọc Biên đã dịch đầy gợi cảm, những u uẩn và dự phóng:

Một trang giấy và lửa, hạt và những phiến đá xay,
lưỡi bén của một chiếc búa tạ và mớ tóc cắt ngang –
Chúa giữ lại mọi thứ, đặc biệt là những lời
tha thứ và tình yêu, như tiếng nói của riêng mình.
Trong lời nói ấy một mạch đập tả tơi, tiếng xương vỡ khô khốc,
trong lời nói ấy cái mai kẻ đào huyệt giã nát, đơn điệu và ít nhiều âm ỉ,
bởi con người chỉ có mỗi một đời sống, lời nói từ đôi môi sinh tử
vang rõ hơn từ bông tơ trên bầu trời thế gian.
Hỡi hồn thiêng, từ bao biển khơi ta xin cúi mình ngưỡng mộ ngươi
đã có công tìm ra chúng – ngươi và phần người mục nát của ngươi
đang ngủ yên trong chỗ đất quê hương, nhờ có ngươi mà
con người còn nhận được lời nói giữa thế giới câm điếc này…

Trong thơ của Brodsky đầy đủ những cái nhìn trân trối vào sự thật như vậy! Và thực thụ đó là những cái nhìn sâu kín, bí ẩn, hoan nộ. Thơ Joseph Brodsky vĩ đại ở chỗ ông đứng về phía nỗi đau của chúng sinh, chống lại cái ác, sự gian dối đàn áp khủng bố. Và tất nhiên, dịch được những bài thơ đi giữa hai lằn đạn như thế là rất khó. Vô cùng khó. Và đó chính là tài năng của Hoàng Ngọc Biên.

4. Có một điều bí mật về tập thơ Tĩnh vật và những bài thơ khác của Joseph Brodsky do Hoàng Ngọc Biên dịch tôi vẫn giữ nguyên cho mình. Đó là thi phẩm Tĩnh vật… nằm bất động như một tĩnh vật bị nhét vào dưới kệ sách đại hạ giá Fahasa Nguyễn Huệ, số phận nó không được mấy ai quan tâm. Đã là sách đại hạ giá cũng chẳng ai thèm mua. Tôi tính khoảng chục cuốn cứ nằm im lìm như thế, hệt một khối băng. Đôi mắt thơ của Brodsky như luôn gườm gườm tôi mỗi khi tôi lướt qua nó. Nhưng tôi cũng chỉ có thể mua một cuốn. Thời sinh viên nghèo lắm! Brodsky đã lấy của tôi một tuần ăn sáng. Và không thể nhịn ăn mãi để đọc sách.

Thơ như nhân phẩm. Có thể đắt đỏ vô cùng và có thể vô cùng rẻ rúng.

Hoàng Ngọc Biên (1938 – 2019) sinh ở Quảng Trị. Đọc sách, vẽ, viết văn. Dạy học, làm xuất bản, đồ họa, tham gia ban biên tập tạp chí Trình Bầy (1961 – 1975), phụ trách mỹ thuật cho các báo và nhà xuất bản ở Việt Nam (1975 – 1991) và tuần báo The Salt Lake City Weekly ở Mỹ (1993 – 2004). Trước 1975 từng triển lãm tranh, Viện Đại học Đà Lạt, Viện Gœthe, Alliance Française, Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam, Phòng Thông tin và Báo chí SG, Trung tâm Văn hóa Vũng Tàu, La Dolce Vita (Hotel Continental); và đồ họa, NXB McGraw-Hill, Singapore, 1972.

Đã xuất bản: Mười nhà văn Pháp hiện đại – Trình Bầy, 1969; Đêm ngủ ở tỉnh, tập truyện ngắn – Cảo Thơm, Sài Gòn, 1970; Marcel proust – con người xã hội – Trình Bầy, 1974; Andrei Sinyavski: Thơ Pasternak, trong Boris pasternak, con người và tác phẩm – NXB TP.HCM, 1988; Tĩnh vật và những bài thơ khác, thơ Joseph Brodsky – Thuận Hóa, Huế, 1991; Mối tình đầu, truyện Samuel Beckett – Trình Bầy, 1993; Thơ mới Ba Lan – Trình Bầy, 1993; Marcel proust, tiểu luận Samuel Beckett – Trình Bầy, 1995; Uống trà sớm mai, thơ – Trình Bầy, 1996; Người đạp xe vào thành phố buổi sáng, truyện – Trình Bầy, 1997; Chuyến xe, truyện – Trình Bầy, 1997; Đất và người và thần thoại Việt Nam, thơ – Trình Bầy, 1997; Biển ngày đêm, thơ – Trình Bầy, 1999; Thư Hà Nội, của Jean Tardieu (dịch chung với Nguyễn Thu Hồng) – Trình Bầy, 2001; Quê hương, người về (hai đoản văn viết theo một tấm tranh dán của Nguyễn Đăng Thường) – Trình Bầy, 2001. Chuyến đi mùa đông, truyện Georges Perec – Trình Bầy, 2003; Chân mây cuối trời, thơ (in chung với thơ Đỗ Trung Quân và tranh Nguyễn Quỳnh) – Trình Bầy, 2003; Djinn, truyện Alain Robbe-Grillet – Trình Bầy, 2003.

Nguyễn Hữu Hồng Minh

_____________________

(1) Tiểu thuyết gia, nhà phê bình người Pháp (1871 – 1922), nổi tiếng với tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất; lời của Marcel Proust
(2) Nữ thi sĩ Nga thế kỷ XX, có cuộc đời gian truân và là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Nga

Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/hoang-ngoc-bien-tac-gia-khong-thuoc-ve-so-dong-19816.html

Comments are closed.