Hãy cho anh khóc bằng mắt em

Nguyễn Xuân Thiệp

Budapest. Tháng 12.1956

Hoa hướng dương cho Ukraina

Hãy cho anh khóc bằng mắt emlà bài thơ Thanh Tâm Tuyền làm tháng 12 năm 1956, lúc ông mới 20 tuổi. Bài thơ diễn tả cảm xúc của tác giả trước cuộc nổi dậy của người dân Budapest chống lại cuộc xâm lăng của Cộng Sản Liên Xô. Bài thơ này in trong thi phẩm ‘Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy’ xuất bản năm 1964. Và đăng trên tạp chí Sáng Tạo số đầu năm 1957. Toàn văn bài thơ như sau:

Hãy cho anh khóc bằng mắt em

Những cuộc tình duyên Budapest

Anh một trái tim em một trái tim

Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác

 

Hãy cho anh giận bằng ngực em

Như chúng bắn lửa thép vào

Môi son họng súng

Mỗi ngã tư mặt anh là hàng rào

 

Hãy cho anh la bằng cổ em

Trời mai bay rực rỡ

Chúng nó say giết người như gạch ngói

Như lòng chúng ta thèm khát tương lai

 

Hãy cho anh run bằng má em

Khi chúng đóng mọi đường biên giới

Lùa những ngón tay vào nhau

Thân thể anh chờ đợi

 

Hãy cho anh ngủ bằng trán em

Đau dấu đạn

Đêm không bao giờ không bao giờ đêm

Chúng tấn công hoài những buổi sáng

Hãy cho anh chết bằng da em

Trong dây xích chiến xa tội nghiệp

Anh sẽ sống bằng hơi thở em

Hỡi những người kế tiếp

 

Hãy cho anh khóc bằng mắt em

Những cuộc tình duyên Budapest

12-56

Bài thơ đã gây tiếng vang lớn tạo nên tên tuổi Thanh Tâm Tuyền. Nó còn sống mãi cho tới ngày nay và cả mai sau.

Quả đúng vậy.

Thảo Dân gần đây phát biểu trên trang Facebook:

Bài thơ đọc trong thời điểm này, hay đến đau đớn.

Hoàng Hải Thủy từng nhận định như sau về thời điểm bài thơ:

… Cuộc Nổi Dậy Budapest 1956 là trận đối đầu sinh tử – một sống, một chết – của nhân dân Hung với bọn Cộng ác ôn…

Năm 1956 ngày xưa, ở Sài Gòn tôi 23 tuổi. Buổi chiều ngày cuối năm trời Sài Gòn hiu hiu lạnh, khi đi ngang sạp báo bên cửa rạp xi-nê, tôi mua tờ nhật báo. Trong rạp khi chờ xuất chiếu, tôi xem qua trang nhất tờ báo, tôi nói với người thiếu phụ ngồi bên tôi; “Em ơi.. Bọn Nga nó cho xe tăng vào Buy-đa-pét nó đàn áp những người nổi dậy.”

Tôi không xúc động gì nhiều về chuyện nhân dân Hung bị đàn áp, có lẽ vì khi ấy tôi không tin cuộc nổi dậy sẽ thành công, tôi chờ đợi những người nổi dậy chống Cộng sẽ bị bọn Cộng sản tàn sát. Tôi không biết những người Hung nổi dậy cầm súng bắn bọn Cộng Ác, tôi tưởng họ chỉ biểu tình, trương biểu ngữ, hô đả đảo. Bây giờ nhớ, nghĩ lại chuyện 50 năm xưa tôi thấy năm ấy tôi mù tịt về chính trị, tôi ngu ngốc trước những sự kiện lớn xảy ra trên thế giới. Một người không ngu, không mờ mịt như tôi, người ấy là Thanh Tâm Tuyền. Năm 1956 TT Tuyền mới 20, 21 tuổi, Tuyền làm bài Thơ về cuộc nổi dậy của Nhân dân Budapest

Nguyễn Mạnh Trinh

Thơ cho một biến cố chính trị có lẽ ít sống lâu trong tâm trí độc giả yêu thơ. Thế mà, bài thơ về một thời sự như thế của Thanh Tâm Tuyền lại vẫn được nhắc đến như một mốc dấu của một thời thi ca…

Tôi tẩn mẩn đọc đi đọc lại bài thơ này để chiêm nghiệm những tìm kiếm cho một bài thơ hay. Cũng là những điệp khúc, cũng là những liên tưởng, dù viết như một hành động biểu dương chính nghĩa nhưng vẫn có âm hưởng của một bản tình ca. Ngôn ngữ bình dị, nhưng trong phong cách có một nỗ lực làm cho khác đi những bến sông xưa nếu không nói là làm mới những xúc cảm cũ.

Nhị Linh viết trên trang nhà của mình:

Tháng Chạp năm 1956 là ngay sau khi các sự kiện Hungary xảy ra. “Sự kiện Hungary”, nhưng thật ra câu chuyện rộng lớn hơn nhiều. Cuối tháng Mười năm 1956, người Hungary bày tỏ ủng hộ Ba Lan ở thời điểm của nhà cải cách Gomułka. Xe tăng Liên Xô đã tiến vào Budapest ngay từ 24 tháng Mười, nhưng vẫn chưa thực sự có chuyện gì xảy ra, mà Nagy Imre lên nắm quyền. Xe tăng Liên Xô đã ra về nhưng một số sự kiện mới khiến cho đúng ngày này cách đây sáu mươi năm, 4/11/1956, đã xảy ra cuộc thảm sát Budapest, khi đoàn xe tăng đã nói quay trở lại.

Đó là tóm tắt sơ lược. Năm 1956 ấy là 3 năm sau khi Stalin chết, đồng thời với các sự biến ở Ba Lan và Hungary, ở chiều ngược lại, cũng trong năm 1956 này, Tito của Nam Tư lần đầu tiên sang Liên Xô, cho thấy bất đồng giữa Nam Tư và Liên Xô thời Stalin đã tạm lắng (ở quãng thời gian ấy, Nam Tư rất tích cực quan hệ với Mỹ).

Cũng năm 1956 ấy, tại Việt Nam, là thời điểm của Trần Dần ở miền Bắc và Thanh Tâm Tuyền ở miền Nam. Câu chuyện nhịp của thơ, như đã nói, còn nằm cả bên ngoài bản thân các bài thơ. Ở đây, không phải Thanh Tâm Tuyền cảm thương, mà bản chất của vấn đề là một sự rung đúng nhịp.

Hungary hay Ba Lan tuy xa cách nhưng hết sức quan yếu đến xứ sở Viễn Đông như Việt Nam: như thể, vào năm 1956 ấy, một nhà thơ vĩ đại của Việt Nam đã nhìn thấy mối liên hệ khó tưởng tượng này. Ta sẽ sớm nói đến Ba Lan của Czesław Miłosz, còn bây giờ là Hungary.

Đặng Tiến gọi thơ Thanh Tâm Tuyền là Quốc Tế Ca

Câu “quốc tế ca” của Thanh Tâm Tuyền nhiều người thuộc nhất có lẽ là hai câu đầu dùng làm tựa đề cho bài thơ, đăng trên báo Sáng Tạo, số 4 tháng Giêng 1957:

Hãy cho anh khóc bằng mắt em

Những cuộc tình duyên Budapest

Bài này làm vào tháng 12-1956, một tháng sau khi Hồng quân Liên Xô, nhân danh khối liên minh quân sự Warszawa tràn ngập Hungary và thủ đô Budapest. Sau đó ông còn làm tiếp “Bản anh hùng ca Budapest” cũng đăng trên Sáng Tạo.

Thanh Tâm Tuyền chưa bao giờ ra khỏi Việt Nam cho đến ngày sang Hoa Kỳ định cư vĩnh viễn. Nhưng thơ ông đầy những thành phố: Warszawa, Berlin, Bình Nhưỡng, Bắc Kinh, Moskva, Praha, Paris, Madrid, Brussels, Genève. Nhưng không có lũy tre, con đò, bờ dâu, nương sắn. Thơ Thanh Tâm Tuyền là thơ thành phố: thơ Pháp, đến Prevert là hoàn toàn đô thị hoá; thơ Việt Nam, đến Thanh Tâm Tuyền cũng quành vào đô thị.

Bây giờ nhìn lại, ‘Hãy cho anh khóc bằng mắt em’ đúng là một bài thơ lớn và cực hay. Trong đó có tình yêu và sự cảm động sâu xa, xen lẫn đớn đau và phẫn nộ. Ngôn ngữ và cách diễn đạt mới chưa từng thấy trong thơ Việt Nam từ trước đến nay và cả về sau. Hình ảnh đầy sáng tạo và mang tính bạo liệt. Ta thấy mắt, môi son, thịt da và hơi thở bên cạnh chiến xa, xích sắt, kẽm gai, lửa đạn trong tiếng thét gào giận dữ. Có người nói đọc bài thơ thấy khát cả cổ họng vì những khát vọng trong thơ.

Xin trở lại với Thảo Dân: Bài thơ đọc trong thời điểm này, hay đến đau đớn. Xin bạn hãy cùng tôi đọc lại bài thơ và nhìn qua màn lửa khói, ở đó chiến xa và súng ống của quân Nga xâm lược đang giẫm nát đất nước Ukraine, trong khi bom đạn từ cửa miệng lửa đỏ của Putin dội xuống các thành phố, kể cả trường học và bệnh viện nhi. Chỉ trong mấy ngày qua đã có cả ngàn người chết. Rồi cảnh chia ly đẫm nước mắt diễn ra hàng ngày ở biên giới, các nhà ga. Cô bé 7 tuổi tên Amilia hát gọi mẹ trong hầm lánh bom ở Kiev và ở quảng trường Vac-sa-va. Nào là cảnh vợ xa chồng. Con lìa cha. Các nữ binh ào ạt ra trận, đầu cài bông hướng dương. Có những đám cưới diễn ra vội vàng, đôi lứa hôn nhau xong là chia tay, chàng đi vào gió cát. Xin đọc lại câu thơ Thanh Tâm Tuyền trong màn khói của đất nước Ukraine hiện nay:

Hãy cho anh khóc bằng mắt em

Những cuộc tình duyên Kiev

Anh một trái tim em một trái tim

Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác…

NXT

Nguồn: http://phovanblog.blogspot.com/2022/05/hay-cho-anh-khoc-bang-mat-em.html

Comments are closed.