Hãy ngồi xuống đây! (kỳ 5)

NGÀY 26-9-2011

“Dứt khoát, tôi đẩy ra!”

Hạ Đình Nguyên

Cảm giác lạ khi tôi nhìn thấy và nghĩ về sự “ôm nhau”. Hành vi ôm nhau đang rất phổ biến ở xã hội ta hiện nay.

Người ta có thể ôm nhau mọi nơi và mọi lúc: ở sàn nhảy, khỏi nói, ở nhà hàng trong phòng VIP, ở quán nhậu, quán cà-phê, quán bia, quán trà đá, hoặc ở các chòi lá nông thôn đó đây. Tuy xã hội có chê trách vì sự lộ liễu, không đẹp mắt với người ngoài cuộc, nhưng dù sao cũng có thể hiểu và thông cảm, vì đó là nhu cầu có thật giữa nam và nữ, thuộc phạm vi cá nhân, ảnh hưởng không lớn.

Nhưng sự ôm nhau trong ngọai giao, “cái ôm” tầm quốc gia, thì đáng nói hơn, vì có ảnh hưởng rộng lớn. Việc ngọai giao giữa các lãnh đạo của các quốc gia có trăm ngàn cách rất phức tạp. Nói về ngọai giao theo kiểu mưu mẹo, trí trá thì Trung Quốc là số một, là kho tàng phong phú nhất thế giới! Các mưu mô ấy biểu hiện nhiều vô kể trong các tác phẩm lớn của họ, được họ đề cao, quảng bá. Họ tự hào về sự trí trá, giảo họat, tinh ranh trong ngọai giao với các nước láng giềng và trong giao thiệp ứng xử nội bộ với nhau cực kỳ độc ác. Họ được trui rèn trong bầu khí đó qua nhiều triều đại. Loại ngoại giao nầy ngày càng trở nên xa lạ với các giá trị thời đại.

Đầu thế kỷ 20, một bá tước người Anh, tôi không nhớ rõ tên, đã nói một câu rất nổi tiếng: Nghệ thuật cao nhất của ngoại giao là nói lên được sự thật. Giữa thế kỷ 20, cũng một người Anh lại nói: Nghệ thuật cao nhất của ngoại giao là nói lên được tiềm năng của sự thật.

Câu nói trước đã hay, câu nói sau càng trí tuệ hơn. Trong ngọai giao người ta cố tạo niềm tin, hoặc sự chứng tỏ, hoặc tạo ấn tượng nhằm thuyết phục nhau về điều gì đó, thông qua sự biểu hiện bằng lời nói và hành vi. Hành vi là nút thắt cao trào bày ra cho công chúng thấy. Sự bày ra nầy có thể là đóng kịch, có thể là cố gắng cho tự nhiên, hoặc đóng kịch một cách tự nhiên, trong đó luôn ẩn chứa một phần, lớn hay nhỏ, của sự thật. Đóng kịch mà quá lố thì sinh phản cảm.

Ông Medvedev, tổng thống Nga, có nói một câu ở Hà Nội: “Tất cả chúng ta đều là những con người bình thường”, có ý là, ai cũng như ai, không ai là “siêu” cả. Công chúng thời đại nầy đủ trí tuệ để nhìn thấy và hiểu được cái gì giả dối, cái gì gần với cuộc sống, chân thực hơn và chấp nhận được.

Có lẽ phương Tây ngày càng tiến về hướng chân thật hơn và trí tuệ hơn. Tiếp Hồ Cẩm Đào, Obama ngồi trong tư thế “chống cằm”, rất tự nhiên, không đóng bộ, không ai có cảm giác rằng đó là coi thường khách. Ông ta đi bộ từ văn phòng Tổng thống ra con phố nhỏ để ăn trưa một cách thật giản dị. Ông Đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh, mang ba lô trên lưng, đi bộ ra quán tạp hóa mua thức ăn như một khách lữ hành. Hành vi đơn giản và rất thật đó, tạo nên một làn sóng ngưỡng mộ của dân Trung Quốc khi so sánh với phong cách “đóng bộ” hoặc “mị dân thô kệch” của (các) quan nhà mình. Các ông Tony Blair, Bush, Putin… đều đạt trình độ biểu cảm sự thân mật tự nhiên ở mức không gây nên phản cảm của công chúng. Văn hóa xã hội chủ nghĩa trước đây có thể phê phán đó là “phong cách tư sản giá dối”, nhưng điều nầy đã đi vào quá khứ, vì có quá nhiều cái dối trá vượt trội. Có lẽ văn hóa ngọai giao theo kiểu ôm nhau bắt đầu từ khi phong trào “Cách mạng Vô sản Thế giới Đoàn kết lại” xuất hiện. Đó là thời kỳ đặc biệt của lịch sử nhân lọai, khi sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật làm cho kinh tế phát triển đột biến, đưa đến chủ nghĩa thực dân – đế quốc đi xâm chiếm các nước làm thuộc địa, làm phát sinh phong trào đấu tranh với lý tưởng quốc tế trong sáng theo chủ thuyết Karl Marx, để chống lại phe xâm lược, giành lại độc lập cho những quốc gia và người dân cùng khổ. Họ đã chiến đấu từ mọi thế yếu, trong gian nan nguy hiểm, trong tình cảm rộng lớn với hoài bão chân thực, họ tựa vào nhau bằng niềm tin và tình cảm, từ những vùng xa xôi cách biệt châu lục và đại dương. Họ gặp nhau trong bối cảnh đó và họ ôm nhau, là điều có thể hiểu được. Những người tù từ các nhà lao, những người lính từ các mặt trận, từ các cõi chết trở về, họ gặp nhau, họ ôm nhau, với cha, mẹ, anh, em, bạn bè, đồng chí cũng là lẽ thường.

Những nhà ngoại giao của thời kỳ Quốc tế vô sản trong sáng cũng làm điều tương tự. Nhưng lý tưởng của trào lưu tư tưởng Quốc tế Vô sản không vượt qua được Bản Năng nhân lọai, điều mà lý tưởng của các Tôn giáo đã chưa từng làm được! Vì thế nó đã sụp đổ.

Ngày nay, lý tưởng Cộng sản hay lý tưởng Xã Hội Chủ Nghĩa không còn như cũ nữa. Mỗi nước đang chuyển động về hướng nhân bản – dân chủ hiện đại – (như Việt Nam?!), hoặc về hướng phi nhân bản, mang màu sắc lang sói, đó là Đế quốc mới Trung Quốc, bành trướng, tham tàn, trắng trợn, không che giấu!

Việt Nam đã trải qua một cuộc chiến đấu gay go với nhiều xương máu. Những người lãnh đạo cuộc kháng chiến, lãnh đạo quốc gia đương nhiên biết rõ mỗi lúc, kẻ thù là ai, phía sau và phía trước. Nhưng nhà thơ Tố Hữu, một nhà thơ cách mạng, vừa là một con người cách mạng, kiên cường từ tuổi đôi mươi, lẽ nào không hiểu thời cuộc, một phút lạc lòng, tư duy quá trớn, hay là vì “ngoại giao”, đã viết nên những lời thơ ca ngợi kẻ không lương thiện lại độc tài, độc ác, làm cho các thế hệ sau, và cả thế hệ đương thời, bối rối, không khỏi đỏ mặt vì thẹn khi nghe nhắc đến những câu thơ nói trên.

Ngọai giao có thể phục vụ cho yêu cầu trước mắt, nhưng nó có sức lan tỏa ra không gian rộng lớn, và để lại di chứng lâu dài, so với yêu cầu cấp thời nào đó có thể rất nhỏ nhoi. Trong những năm tháng đối phó cực kỳ gay go căng thẳng với Mao Trạch Đông, thái độ, lời nói và hành động của cố TBT Lê Duẫn còn vang lên rất sắc cạnh trong lòng người dân yêu nước, với tính cách của một bậc anh hùng.

Những cái ôm nhau sát rạt của TT Nguyễn Tấn Dũng và TBT Nguyễn Phú Trọng với ông Đới Bỉnh Quốc đã diễn ra rất kỳ cục trước cái nhìn của nhân dân VN, và cũng lạ lùng trước văn hóa thời đại. Không thể sáng tạo ra một cách biểu đạt mới, văn minh hơn, phù hợp với hoàn cảnh và tình cảm dân tộc hơn sao? Cái phong cách ôm nhau nầy, thật sự đã quá cũ và phản cảm với tâm lý người dân đang ghét Bành Trướng, đang mong muốn tìm sự thật. Nhìn “cái ôm” nầy tôi liên tưởng đến “cú đạp triết học” của Đại úy Minh tháng trước… hay các ông nhà mạng lại gọi đây là “cái ôm triết học” nữa rồi!

Cho dù trong lòng các vị Lãnh đạo nghĩ thế nào, và câu nói dân gian VN: “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với Ma mặc áo giấy” đã không còn là “tính cách” của dân VN trong thời đại nầy. Câu nói dân gian ấy không phải là lời dạy tốt, nó chỉ bộc lộ cái khôn ngoan lẫn trốn “tính cách con người” của một thời nô lệ đã qua. Ngày nay, công chúng đòi hỏi “tính cách” của một nhà lãnh đạo, “tư cách” của một Quốc gia độc lập, có chủ quyền, dù quốc gia đó nhỏ hay lớn, thậm chí chỉ bằng một hòn đảo chẳng hạn.

Tôi nhìn ảnh của ông tướng Nguyễn Chí Vịnh trên mạng, tôi thấy mặt ông rất ngầu, khi ông đi hội đàm ở TQ mới về. Tôi rất thích cái mặt ngầu ấy, dù rằng chưa biết rõ ông ngầu với ai! Tôi nhìn tấm hình nhiều lần, tôi ngưỡng mộ đặt niềm tin rằng, ông ngầu với tụi đó, chứ không phải với dân biểu tình.

Về cái ôm của ông Đới Bỉnh Quốc, với tư cách là nước lớn và kẻ cả, hiện đang đe dọa và hiếp đáp ta, đã bộc lộ tột cùng của sự giả dối, tuy xấu chứ chưa hẳn nhục. Nhưng sự ôm lại ông ta của ông TT và ông TBT thì có cả cả hai, vừa giả vừa nhục.

Nếu là tôi – là thí dụ thôi – khi ông ấy tiến lại và dang tay, DỨT KHOÁT TÔI ĐẨY RA! Ha ha!

“Thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm ôm Đới Bỉnh Quốc”.

Comments are closed.